LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La
người Thiên Trúc, cùng Samôn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn
Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt Nam, PL 2543 (TL 2000)
Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri
Quyển thứ hai mươi bảy
-ooOoo-
NÓI RÕ PHẨM TẠP TỤNG THỨ 5.
PHÁP YẾT-MA.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỉ-kheo ở Chiêm Ba tranh cãi với nhau, sống không hòa hợp. Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-kheo:
- Từ hôm nay Tăng nên làm yết-ma. Ưu-ba-li sẽ xử đoán sự việc của các Tỉ-kheo ở Chiêm Ba. Người làm yết-ma nên nói:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Trưởng lão Ưu-ba-li thành tựu năm pháp, nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng đề cử trưởng lão Ưu-ba-li xử đoán việc của các Tỉ-kheo ở Chiêm Ba". Ðây là lời tác bạch.
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Trưởng lão Ưu-ba-li thành tựu năm pháp, Tăng nay đề cử Ưu-ba-li xử đoán việc của các Tỉ-kheo ở Chiêm Ba. Các đại đức nào bằng lòng Tăng cử Ưu-ba-li xử đoán việc của các Tỉ-kheo ở Chiêm Ba thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Ðây là yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế)
Tăng đã đề cử Ưu-ba-li xử đoán việc của các Tỉ-kheo ở Chiêm Ba xong, vì Tăng im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Pháp yết-ma gồm có hai mươi trường hợp. Tám trường hợp bạch nhất yết-ma như trên đã nói. Còn tám trường hợp bạch tam yết-ma (một lần bạch ba lần yết-ma) thì như sau:
1/ Cử người xử đoán sự việc;
2/ Cử người dạy bảo Tỉ-kheo-ni;
3/ Cử người làm yết-ma một tháng;
4/ Yết-ma chiên;
5/ Yết-ma cuồng si;
6/ Yết-ma phát lồ;
7/ Yết-ma phú bát;
8/ Yết-ma xác định học gia.
Ðó gọi là tám trường hợp một lần bạch ba lần yết-ma.
Trong đây, cử người xử đoán, dạy bảo Tỉ-kheo-ni thì chúng Tăng phải thỉnh cầu, còn yết-ma rời y mà ngủ, yết-ma một tháng và yết-ma chiên thì đương sự phải theo Tăng xin. Ngoài ra, yết-ma cuồng si, yết-ma nói tội người khác, các yết-ma này nên làm trong cương giới với sự hiện diện của Tăng, không được làm ngoài cương giới. Cũng thế, yết-ma học gia, yết-ma phú bát cũng nên làm trong cương giới với sự hiện diện của Tăng, không được làm ở ngoài cương giới.
Người xử đoán, sau khi được đề cử không được chần chừ. Nếu được đề cử buổi sáng thì buổi xế nên khởi hành. Nếu được đề cử vào lúc xế thì sáng sớm hôm sau thức dậy nên lên đường. Lúc đi, không được theo đàn việt đi những con đường vòng vo mà phải đi theo con đường thẳng. Nếu con đường thẳng có chướng nạn thì đi con đường vòng vo không có tội. Khi đến nơi đó rồi [443c] thì không được chần chừ đợi Tỉ-kheo khách ăn. Nếu đến buổi xế thì sáng sớm hôm sau nên xử đoán. Nếu đến vào buổi sáng thì lúc xế nên xử đoán. Không được nhuộm y, hơ bát, ngồi Thiền, tụng kinh. Nếu sự việc khó giải quyết, trong lúc đang rỗi rảnh thì làm các việc trên không có tội. Khi xử đoán sự việc xong rồi trở về cũng như vậy. Ðó gọi là pháp yết-ma.
VẤN ÐỀ RUỘNG VƯỜN.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỉ-kheo đem ruộng đất của chúng Tăng cho người thuê mướn, hoặc đem bán, hoặc dùng làm của riêng. Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật nói với các Tỉ-kheo:
- Từ nay về sau ruộng đất của chúng Tăng không được cho người thuê mướn, không được đem bán, không được dùng làm của riêng. Giả sử Tăng tập họp tất cả đồng ý cũng không được cho người thuê mướn, không được đem bán, không được sử dụng riêng. Nếu tập họp Tăng lại cho người thuê mướn, đem bán hay sử dụng riêng thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu ruộng đất của Tăng tốt, bị kẻ ác xâm chiếm thì nên bảo đàn việt coi sóc giúp. Nếu đàn việt nói: "Ðây là ruộng đất tốt vì sao bảo tôi chăm sóc?", thì nên đáp: "Ruộng đất này tuy tốt nhưng kẻ ác muốn xâm chiếm, nên nhờ đàn việt trông coi giúp".
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, đất của Tăng và đất của vua lẫn lộn vào nhau, vua Ba Tư Nặc nói với tôn giả A-nan:
- Ðất của vua lẫn lộn vào trong đất của Tăng, vậy nên đem dây đến đo để chia ra.
A-nan đáp:
- Ðợi tôi bạch với Phật đã.
Thế rồi, A-nan đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật nói với A-nan:
- Ông hãy đến nói với nhà vua rằng: - Ðại vương là chủ đất, Sa-môn Thích tử dựa vào đại vương mà sống, do thế, không nên chia đất đại vương.
A-nan Thọ giáo, đi đến chỗ vua, nói:
- Phật dạy rằng: "Ðại vương là chủ đất, Sa-môn Thích tử nương vào đại vương mà sống, do thế không nên chia đất với đại vương". Vua nói: "Nếu như thế thì xin cúng tất cả cho chúng Tăng. Hôm nay đặt tên là vườn của vua để cho người sau được biết".
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ Tăng có đám đất trống, rồi một trưởng giả đến hỏi:
- Ðám đất trống này của ai vậy?
Tăng đáp:
- Ðất của Tăng đó.
Trưởng giả nói:
- Nếu đất của Tăng thì nên giao cho tôi, tôi muốn làm phòng cho chúng Tăng. Tăng bèn giao đất, nhưng trải qua lâu ngày mà ông không làm phòng.
Rồi có một cư sĩ đến hỏi:
- Ðám đất trống này của ai vậy?
Tăng đáp:
- Ðất của Tăng đó.
- Nên giao cho tôi, tôi muốn làm phòng cho chúng Tăng.
- Trước đây đã có một trưởng giả đòi làm phòng nhưng chưa làm.
- Thưa tôn giả, tôn giả cứ giao cho tôi, lo gì không làm!
Tỉ-kheo liền giao đất. Cư sĩ vì muốn tạo công đức nên dốc hết gia tài châu báu làm những phòng ốc tốt đẹp, rồi sắm sửa [444a] mọi thứ ẩm thực cúng dường chúng Tăng. Ðoạn, đem các phòng ốc đó cúng dường cho chúng Tăng, đồng thời mời vị trưởng giả trước kia đến để cùng chung vui. Trưởng giả thấy thế hỏi:
- Thưa tôn giả, ai làm phòng vậy?
- Vị cư sĩ này đây.
- Ðám đất này trước đã giao cho tôi, vì sao còn giao cho cư sĩ?
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Vì sao không ra điều kiện trước mà đem đất giao cho người ta? Từ nay về sau không nên không ra điều kiện trước mà đem đất giao cho người ta. Nếu Tăng có đất trống rồi có người đến đòi làm phòng thì nên ra điều kiện phải làm trong thời gian chừng ấy.
Nếu đương sự nói: "Tôi sẽ làm trong khoảng thời gian chừng đó", thì nên nói: "Nếu đến thời gian đó mà chưa làm thì tôi sẽ giao cho người khác".
Nếu hai người đến đòi làm mà một người nói: "Tôi sẽ làm cho chúng Tăng một tầng lầu", còn người kia nói: "Tôi sẽ làm hai tầng lầu", thì Tăng nên giao cho người xin làm hai tầng; cũng thế, ba, bốn tầng cho đến bảy tầng.
Nếu hai người cùng nói xin làm bảy tầng, thì lúc ấy nên xem tướng coi người nào có thể làm được thì giao cho họ. Nếu hai người đều có thể làm được thì nên giao cho người có nhiều quyến thuộc. Nếu không bắt làm cam kết trước mà giao đất cho họ, thì phạm tội Việt-tì-ni.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo làm Thảo am trên đất của chúng Tăng, rồi Thượng Tọa đến, theo thứ tự giao phòng thì Tỉ-kheo không giao. Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-kheo:
- Nếu ai làm phòng trên đất của chúng Tăng mà Thượng Tọa đến theo thứ tự không giao phòng, thì nên đem các vật liệu cây cỏ ấy đến chỗ khác. Nếu ai làm phòng trên đất của chúng Tăng mà khi Thượng Tọa đến theo thứ tự không giao phòng thì phạm tội Việt-tì-ni.
NHÀ ÐẤT.
Nếu chúng Tăng có đất cất nhà có giá trị mà có kẻ ác ở lân cận muốn xâm chiếm, thì nên bảo đàn việt trông coi giúp đất đó. Nếu đàn việt nói: "Ðất làm nhà này quí giá, vì sao lại muốn cho tôi trông coi?", thì nên nói: "Ðất làm nhà này tuy tốt nhưng kẻ ác ở gần thường muốn chiếm đoạt".
Nếu đàn việt nói: "Muốn hoán đổi sao?", thì hãy đáp: "Tùy ý đàn việt quyết định". Nếu đàn việt hoán đổi thì không có tội. Ðó gọi là nguyên tắc về nhà đất.
VẤN ÐỀ TĂNG GIÀ LAM.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo chiếm đoạt đất già-lam để làm phòng, Thầy Cựu Tri Sự nói:
- Trưởng lão đừng có chiếm đoạt chỗ ở của Tăng để làm phòng.
Tỉ-kheo ấy nói:
- Này trưởng lão, tôi làm phòng cho chúng Tăng, thầy đừng có gây trở ngại.
Thế rồi hai người cùng tranh luận, không giải quyết được, bèn dẫn nhau đến chỗ Phật, trình bày lại đầy đủ sự việc trên với Thế Tôn. [444b] Phật dạy:
- Từ nay về sau không được cưỡng chiếm chỗ ở cũ của Tăng để làm phòng cho chúng Tăng. Vị cựu Tỉ-kheo cũng không được gây trở ngại việc đó. Nếu hai Tỉ-kheo tri sự đồng ý nhau thì nên làm một phòng cùng mái lợp mà ngăn chia khác vách; hoặc mái lợp cách biệt mà cùng một tường vách; hoặc cùng một mái lợp, cùng một tường vách; hoặc mái lợp riêng biệt, tường vách riêng biệt.
Nếu hai người không vui vẻ với nhau, thì nên làm phòng có mái lợp riêng, tường vách riêng. Nếu cưỡng chiếm phòng cũ để làm nhà mới cho Tăng thì phạm tội Việt-tì-ni. Còn kẻ nào gây trở ngại đối với người làm phòng cho Tăng cũng phạm tội Việt-tì-ni.
Lại nữa, khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ có Tỉ-kheo xây Tháp cho Thanh Văn tại chỗ có nhiều người đi, khiến các cư sĩ đi đến lễ bái Thế Tôn, thấy thế, chê trách:
- Chúng ta đến đây để đảnh lễ đức Thế Tôn, mà chưa thấy Thế Tôn đâu đã thấy nấm mồ người chết.
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-kheo:
- Vì sao các ông không làm yết-ma trước mà xây tháp Thanh Văn tại chỗ đất có nhiều người đi? Từ nay về sau Ta không cho phép không làm yết-ma trước mà xây tháp cho Thanh Văn tại chỗ đất có nhiều người đi. (Muốn xây tháp) trước hết nên làm yết-ma cầu thính. Người làm yết-ma nên nói như sau:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp vì vô thường đã nhập Niết-bàn. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho xây tháp Thanh Văn cho Tỉ-kheo mỗ giáp – Vì sự vô thường đã nhập Niết-bàn – tại chỗ này.
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tăng nay cho xây tháp Thanh Văn cho Tỉ-kheo mỗ giáp tại chỗ này. Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Nếu không hòa hợp thì nên nói:
- Thưa trưởng lão, đức Thế Tôn nói bốn hạng người nên xây tháp, đắp tướng luân (hình bánh xe), treo tràng phan bảo cái, đó là đức Như Lai, các Thanh Văn, Phật Bích Chi và Chuyển Luân Thánh Vương. Nếu Tỉ-kheo viên tịch là Tu-đà-hoàn thì nên gọi là Tu-đà-hoàn. Nếu Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán thì nên gọi là A-la-hán. Hoặc gọi là Tỉ-kheo giữ luật, hoặc gọi là Pháp sư, hoặc gọi là Tỉ-kheo doanh sự có đức vọng.
Thế rồi, nên tiếp:
- Thưa trưởng lão, vị ấy giữ giới, hiền thiện, cúng dường cho Tăng rất nhiều, làm việc cực nhọc, nên xây tháp cho Thầy.
Trình bày như thế rồi, mới xây Tháp cho vị ấy. Khi xây tháp Thanh Văn không được để cho nhìn thấy tháp trước rồi mới thấy Phật sau, mà phải làm sao để thấy Thế Tôn trước rồi mới thấy tháp sau. Không được làm ở chỗ có nhiều người đi mà phải làm ở chỗ vắng vẻ. Cũng không được làm tại chỗ các Tỉ-kheo đi kinh hành. Nếu ai xây tháp Thanh Văn tại chỗ có nhiều người đi thì phạm tội Việt-tì-ni.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả Ca Lôï ở tại thôn ấp lớn Ca Thi Kỳ Lê, lúc ấy có Tỉ-kheo Thượng Tọa đến, theo thứ tự giao phòng [444c] mà thầy không chịu giao, còn nổi giận cầm búa đập phá căn phòng. Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến thưa hỏi Thế Tôn: - Bạch Thế Tôn, Vị Tỉ-kheo này phạm vào tội gì?
Phật dạy:
- Phá hoại sáu loại sau đây thì phạm tội Thâu-lan-giá, đó là: phá bát, phá y, phá tháp, phá phòng, phá Tăng, phá cương giới.
1) Phá bát: Bát có ba loại thượng, trung và hạ. Nếu vì giận dữ mà phá một loại nào đó thì phạm tội Thâu-lan. Nếu bát bị mẻ muốn hàn lại mà lỡ tay rớt bể thì không có tội. Nếu vì tức giận mà đập bể tô, chén thì phạm tội Việt-tì-ni.
2) Phá y: Nếu vì tức giận mà xé rách một trong ba y thì phạm tội Thâu-lan. Nhưng nếu muốn cắt miếng ngoài biên may vào giữa, cắt miếng ở giữa may ngoài biên, hoặc vá thêm hai lớp thì không có tội. Nếu vì tức giận mà đem xé tọa cụ hoặc các loại vải vóc khác, thì phạm tội Việt-tì-ni.
3) Phá Tháp: Nếu vì tức giận mà phá tháp của đức Thế Tôn thì phạm tội Thâu-lan, bị nghiệp hành tội báo rất nhiều. Nếu muốn sửa chữa để làm lại tốt hơn thì không có tội. Nếu vì tức giận mà phá Tháp của Ni-Kiền và các ngoại đạo khác thì phạm tội Việt-tì-ni.
4) Phá phòng: Nếu vì tức giận mà phá phòng của Tăng thì phạm tội Thâu-lan. Nếu muốn làm lại tốt hơn thì không có tội. Nếu vì giận dữ mà phá phòng của tu sĩ ngoại đạo thì phạm tội Việt-tì-ni.
5) Phá Tăng: Nếu vì tức giận mà phá sự hòa hợp của Tăng thì phạm tội Thâu-lan, bị nghiệp hành mang quả báo phải rơi vào trong địa ngục một kiếp.
6) Phá cương giới: Nếu vì giận dữ mà làm (phòng) ngoài phạm vi cương giới thì không thể gọi là làm (phòng), phạm tội Thâu-lan, nhưng được bỏ cương giới cũ rồi làm yết-ma lại cương giới khác.
Ðó gọi là sáu loại phá hoại phạm tội Thâu-lan.
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả La Hầu La đang du hành đến nước Bạt Kỳ, dần dần đi tới thôn Ba-La Nại. Thế rồi, có một cư sĩ ở thôn này xây phòng cho La Hầu La. La Hầu La nhận xong lại tiếp tục du hành, cư sĩ bèn đem căn phòng này cúng cho các Tỉ-kheo khác. Ðến khi La Hầu La trở về... như trong tuyến kinh đã nói rõ, cho đến La Hầu La bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn, căn phòng này nên thuộc về ai?
Phật nói với La Hầu La:
- Nếu cư sĩ, con cư sĩ có lòng tin hoan hỉ làm phòng cúng dường cho chúng Tăng, nhưng khi cúng cho Tăng rồi, lại đem cúng cho nhiều người khác thì đó là cách cúng phi pháp và Thọ dụng phi pháp. Nếu cúng cho nhiều người rồi đem cúng cho một người, thì đó là cách cúng phi pháp và thọ dụng phi pháp. Hoặc đem cúng cho một người rồi lại đem cúng cho nhiều người; hoặc đem cúng cho nhiều người rồi lại đem cúng cho chúng Tăng, thì đó là cách cúng phi pháp và thọ dụng phi pháp. Ngoại trừ, khi đem cúng cho Tăng rồi không đem cúng cho nhiều người, khi đem cúng cho nhiều người rồi không đem cúng cho một người thì đó là cách cúng đúng pháp và [445a] thọ dụng đúng pháp.
Này La Hầu La, cách cúng trước là cúng đúng, cách cúng sau là không đúng. Nếu Tăng ở tại đất của vua, rồi người làm phòng trước đem cúng dường trước, thì công đức ngày đêm càng tăng thêm.
Này La Hầu La, ông đương nhiên được phòng, còn người sau thì đương nhiên không được.
Ðó gọi là phép tắc của Tăng-già-lam.
PHÉP TẮC VỀ DOANH SỰ.
Khi Phật an trú tại thành Vương Xá, nói rộng như trên. Bấy giờ, tôn giả Ðạt Nị Ca con của người thợ gốm làm phòng, như trong giới Ba-la-di thứ hai đã nói, cho đến thốt lời oán trách như sau: - Ta làm phòng gian khổ, không nài nóng lạnh, làm mới vừa xong thì Thượng Tọa đoạt mất, giống như mèo rình chuột.
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-kheo:
- Vị Tỉ-kheo doanh sự ấy làm phòng rất gian khổ, Tăng nên làm yết-ma cho Thầy cư trú năm năm. Người làm yết-ma nên nói:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp muốn làm phòng cho Tăng. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho Tỉ-kheo doanh sự mỗ giáp làm phòng cho Tăng, theo Tăng xin cư trú năm năm.
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo doanh sự mỗ giáp muốn theo Tăng xin cư trú năm năm. Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Thế rồi, Vị Tỉ-kheo này nên trịch vai áo bên phải, quỳ gối chắp tay, xin như sau:
- Thưa đại đức Tăng! Tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp làm phòng cho Tăng, nay theo Tăng xin cư trú năm năm do công lao làm phòng. Kính mong Tăng xót thương cho tôi cư trú năm năm do công lao làm phòng. (xin như vậy ba lần).
Người yết-ma nói:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp làm phòng cho Tăng, theo Tăng xin cư trú năm năm do công lao làm phòng. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho Tỉ-kheo mỗ giáp cư trú năm năm do công lao làm phòng. Ðây là lời tác bạch.
Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp làm phòng cho Tăng, theo Tăng xin cư trú năm năm do công lao làm phòng. Tăng nay cho Tỉ-kheo mỗ giáp cư trú năm năm do công lao làm phòng. Các đại đức nào bằng lòng cho Tỉ-kheo mỗ giáp cư trú năm năm do công lao làm phòng thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Ðây là yết-ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như vậy).
Tăng đã bằng lòng cho Tỉ-kheo mỗ giáp cư trú năm năm do công lao làm phòng xong, vì Tăng im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Sau khi Tăng đã làm yết-ma cho cư trú năm năm, Tỉ-kheo doanh sự trở về chỗ mình đã làm phòng, theo thứ tự được một phòng. Nếu có Thượng Tọa đến thì nên giao phòng theo thứ tự, còn căn phòng đã yết-ma cho mình thì không nên giao. Nếu muốn đi du hành thì phải giao hai căn phòng ấy lại cho Tăng, tùy thứ tự cư trú. Ðồng thời gởi gấm: "Khi nào tôi trở về thì phải giao phòng lại cho tôi". Sau khi trở về, Tăng phải giao phòng lại theo lời giao ước trước. [445b] Nếu phòng Tăng cũ bị hư hỏng rồi làm cửa lại, thì tùy theo công lao nhiều ít mà làm yết-ma cho cư trú hai năm hay ba năm. Nếu phòng bỏ trống không ai ở thì nên cho người ở để trông coi một thời gian.
Nếu giường ghế mền gối bị dơ bẩn, rách nát mà đem giặt nhuộm sửa chữa lại, thì nên cho ở một thời gian.
Nếu trong thời gian ấy có Tỉ-kheo nào xoi bói, thì phạm tội Việt-tì-ni.
Ðó gọi là phép tắc về doanh sự.
PHÉP TẮC VỀ GIƯỜNG NỆM.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, trong lúc Tỉ-kheo an cư, Thượng Tọa đến, rồi theo thứ tự lấy phòng. Ðoạn, Thầy chở đồ đạc ra khỏi phòng. Phật biết nhưng vẫn hỏi các Tỉ-kheo:
- Ðó là Tỉ-kheo khách phải không?
- Thưa không phải, bạch Thế Tôn.
- Ðó là Tỉ-kheo ra đi luôn phải không?
- Thưa không phải, bạch Thế Tôn.
- Thế thì Tỉ-kheo nào mà chở đồ đạc đi?
- Bạch Thế Tôn, đó là người theo thứ tự nhận phòng, thế rồi chở đồ đạc đi.
- Vì sao lúc nào các ông cũng giao phòng theo thứ tự từ Thượng Tọa trở xuống? Từ nay về sau, Ta không cho phép bất cứ lúc nào cũng giao phòng từ Thượng Tọa trở xuống. Tăng nên cử một người thành tựu năm pháp trông coi việc giao phòng xá, giường nệm.
Thế nào là năm pháp?
- Ðó là: Không thiên vị; không giận dữ; không sợ hải; không ngu si, biết ai được rồi, ai chưa được. Ðó gọi là năm pháp.
Người làm yết-ma nên nói:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu năm pháp. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cử Tỉ-kheo mỗ giáp trông coi việc giao phòng ốc giường nệm. Ðây là lời tác bạch.
Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp thành tựu năm pháp, Tăng nay cử Tỉ-kheo mỗ giáp trông coi việc giao phòng ốc, giường nệm. Các đại đức nào bằng lòng Tăng cử Tỉ-kheo mỗ giáp trông coi việc giao phòng ốc giường nệm, thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói.
Tăng đã bằng lòng cử Tỉ-kheo mỗ giáp trông coi việc giao phòng ốc, giường nệm xong, vì Tăng đã im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Sau khi làm yết-ma xong, từ ngày 16 tháng 3 trở đi, nên bảo đàn việt giặt rửa giường nệm phòng ốc, sửa chữa phòng ngồi Thiền, giảng đường, phòng sưởi, cầu tiêu, sửa chữa nhà ngõ, nhà che giếng thuộc Tăng già-lam và ghi chép tất cả những bữa ăn thuộc ngày trai cũng như y an cư. Nếu trú xứ của Tăng xa thành ấp xóm làng thì đến ngày 13 tháng tư nên giao phòng. Nếu người nào không được dung nạp thì nên đi đến nơi khác. Nếu trú xứ gần xóm làng, thì nên giao phòng vào ngày 15, đồng thời đọc biên bản đã ghi chép: Tăng già-lam mỗ giáp có chừng ấy phòng ốc, chừng ấy giường nệm, chừng ấy bữa ăn thuộc ngày trai, chừng ấy y. Thượng Tọa nên bảo:
- Hãy giao phòng cho những ai cùng an cư một chỗ.
Nói như thế rồi, mới giao phòng. Nhưng không được[445c] giao phòng cho Sa-di. Ngoại trừ, Hòa Thượng A-xà-lê bảo: - "Cứ giao phòng để mặc tôi xử lý" thì mới giao.
Nếu phòng nhiều thì nên giao mỗi người hai phòng. Nếu vị ấy không chịu nhận hai phòng, mà nói: "Tôi chỉ cần một phòng là đủ", thì khi ấy, nên bảo: "Ðây không phải là giao để sử dụng mà là giao để trông coi".
Nếu Tỉ-kheo nhiều mà phòng ít, thì nên giao cho hai người, ba người cùng ở chung một phòng. Nếu vẫn không đủ, thì nên giao năm người, mười người ở chung một phòng.
Nếu có một ngôi nhà lớn thì tất cả Tỉ-kheo nên vào ở trong đó. Thượng Tọa nên giao cho giường nằm, còn những người khác thì giao cho giường ngồi.
Nếu không đủ, thì Thượng Tọa nên giao cho giường ngồi, những người khác thì ngồi trên nệm cỏ.
Nếu vẫn không đủ, thì Thượng Tọa nên ngồi nệm cỏ, còn những người khác thì ngồi không.
Nếu vẫn không đủ nữa, thì Thượng Tọa nên ngồi kiết già, còn những người khác thì đứng.
Nếu vẫn không đủ, thì Thượng Tọa nên đứng, còn những người khác thì ra ngoài gốc cây hay chỗ đất trống.
Nếu giao phòng vào mùa Ðông, hoặc là để trông coi, hoặc là để ở, thì khi Thượng Tọa đến nên theo thứ tự mà ở.
Nếu giao phòng vào mùa Xuân hoặc là để trông coi, hoặc là để ở, thì khi Thượng Tọa đến nên theo thứ tự mà ở.
Nếu giao phòng vào lúc an cư hoặc để trông coi, hoặc là để ở, thì khi Thượng Tọa đến không nên theo thứ tự mà ở.
Nếu Tỉ-kheo không biết phép tắc, trong lúc an cư đòi phòng theo thứ tự mà không được, bèn khiển trách, thì nên nói: "Hãy đợi đây, để tôi đi hỏi người coi phòng đã", rồi nên đến nói với người coi phòng: "Thưa trưởng lão, có Tỉ-kheo khách là bậc Thượng Tọa đến, bảo tôi dời đi".
Bấy giờ, người coi phòng phải khiển trách Tỉ-kheo khách:
- Này trưởng lão! Thầy không am tường giới luật. Vì sao trong lúc an cư mà bảo người khác dời đi? Thầy không hiểu sao? Không phải lúc nào cũng đuổi người khác được.
Nhưng nếu mùa Ðông, mùa Xuân có Thượng Tọa đến, theo thứ tự nên nhường phòng mà không nhường, thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu Tỉ-kheo không am tường giới luật, trong lúc an cư mà đuổi người khác đi, thì phạm tội Việt-tì-ni.
Ðó gọi là phép tắc về giường nệm.
PHÉP CUNG KÍNH.
Khi Phật du hành đến nước Câu Tát La, vào lúc đầu đêm, Thế Tôn thuyết pháp cho các Thanh Văn, đến nửa đêm Ngài trở về phòng. Bấy giờ, các Tỉ-kheo có người cung cấp nên đã lấy phòng trước, đến khi nghe pháp xong, ai nấy trở về phòng an nghỉ. Lúc ấy, tôn giả Xá-lợi-phất và Mục Liên, không có người cung cấp, đầu đêm nghe pháp đến nửa đêm, bèn tới phòng gõ cửa, thì những người ở trong phòng hỏi:
- Ai đó?
- Xá-Lợi-Phất đây.
- Phòng đã đầy rồi, thưa bậc đại trí.
Thế rồi, hai người đến gõ cửa phòng khác. Người trong phòng hỏi:
- Ai đó?
- Tôi là Ðại-Mục-Liên đây.
- Phòng đã đầy rồi, thưa bậc đại thần túc.
Thế là cả hai đều không có phòng, nên một người đến ngồi dưới thềm nhà, còn một người ra ngồi dưới gốc cây. [446a] Ðêm ấy trời mưa, người ngồi dưới thềm nhà đọc kệ:
"Ngồi kiết già dưới thềm,
Mưa ướt hai đầu gối.
Ðã sống trong an lạc,
Sẽ đoạn thân đời sau".
Ðoạn, người ngồi dưới gốc cây cũng đọc kệ:
"Dưới cây sống tri túc,
Khất thực, ngồi nệm cỏ.
Cả hai không tham trước,
Sẽ đoạn thân đời sau".
Lúc ấy có Ưu-bà-tắc buổi sáng thức dậy, đi đến thăm viếng Thế Tôn, thấy thế bèn chê trách: - Vì sao Sa-môn Thích tử lại không biết phép cung kính? Bậc đại đức như thế mà không cho phòng nghỉ.
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật liền dạy:
- Việc như thế thật đáng bị người đời chê cười.
Rồi Phật nói với các Tỉ-kheo:
- Ðợi Ta du hành nước Câu Tát La xong trở về lại thành Xá-vệ, rồi nhắc lại cho Ta, Ta sẽ chế định phép cung kính cho các Tỉ-kheo.
Khi Phật trở về, các Tỉ-kheo bèn đem sự việc trước bạch lại với Thế Tôn. Phật liền hỏi các Tỉ-kheo:
- Ai là bậc Thượng Tọa lớn nhất đáng được lấy nước trước, được nhận cơm trước? Ai đáng được nhận sự lễ bái? Ai đáng được đứng dậy tiếp nước? Ai đáng được chắp tay, cúi đầu, cung kính?
Khi nghe thế, các Tỉ-kheo nói:
- Con của Thế Tôn đáng được nhận.
Tỉ-kheo khác nói:
- Những người thân quyến của Thế Tôn đáng được nhận.
Lại có người nói:
- Thị giả của Thế Tôn đáng được nhận.
Lại có người nói:
- Bậc A-la-hán đáng được nhận.
Thế rồi, người Sát-lợi xuất gia nói:
- Người Sát-lợi đáng được nhận.
Người Bà-la-môn xuất gia lại nói:
- Người Bà-la-môn đáng được nhận.
Người Tì-xá xuất gia thì nói:
- Người Tì-xá đáng được nhận.
Còn người Thủ-đà-la xuất gia thì nói:
- Người Thủ-đà-la đáng được nhận.
Phật liền nói với các Tỉ-kheo:
- Các ông ai nấy đều vì tính kiêu mạn cho nên nói rằng: Ðáng cho con của Thế Tôn, cho đến người Thủ-đà-la. Nhưng ở đây không phải là phép tắc của người đời. Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri sẽ nói cho các ông biết về phép tắc của người đời... như trong Tuyến Kinh đã nói rõ, cho đến Phật nói với các Tỉ-kheo:
- Từ nay về sau Ta chế giới: Người xuất gia trước phải được hưởng sự lễ bái, đứng dậy đón rước, chắp tay cúi đầu cung kính. Người xuất gia trước phải được ngồi trên, phải được nhận lời mời trước, ngồi trước, lấy nước trước, Thọ trai trước.
Các Tỉ-kheo liền tán thán:
- Ðức Thế Tôn đã khéo trình bày về cách thức tôn kính trưởng lão.
Phật nói:
- Không những ngày nay Ta khéo trình bày về cách thức tán thán trưởng lão mà trong thời quá khứ Ta cũng đã từng nói như thế.
Các Tỉ-kheo liền bạch với Phật:
- Chúng con muốn được nghe.
Phật nói với các Tỉ-kheo:
- ... Trong thời quá khứ xa xưa có ba con vật là Chim trĩ, Khỉ và Voi cùng sống với nhau dưới cây Ni-câu-loại. Con voi nói:
- Ba chúng ta cùng sống với nhau [446b] tại một chỗ, trong đây ai lớn nhất? Ai đáng được tôn kính?
Rồi voi tiếp:
- Tôi đã cỡi trên đầu cây này đi qua.
Khỉ nói:
- Ngày trước tôi đã từng đái trên đầu cây này.
Chim trĩ nói:
- Ngày xưa tôi ăn quả loại cây này trên núi Tuyết rồi xuống ỉa nơi đây mà mọc ra cây này.
Bấy giờ Chim trĩ là lớn nhất, hai con vật kia tôn kính nó, nên sau khi chết đều được sinh về cõi lành. Con voi khi ấy chính là Ta đây. Các ông cũng nên tôn kính các Thượng Tọa như vậy, thì giới luật mới được thăng hoa.
Ðó gọi là phép tắc cung kính.
Nhận lời mời trước:
Nếu có người đến mời thì nên mời Thượng Tọa trước. Nếu đàn việt chưa từng làm phước, mời Tỉ-kheo trẻ, thì nên bảo họ đến chỗ Thượng tọa. Ðó gọi là nhận lời mời trước.
Phép ngồi của Thượng Tọa:
Khi sắp chỗ ngồi, không được sắp chỗ ngồi của người nhỏ tuổi ở trên cao, chỗ ngồi của Thượng Tọa ở dưới thấp, mà phải sắp chỗ ngồi của Thượng Tọa ở trên cao, chỗ ngồi của người nhỏ tuổi ở dưới thấp; đồng thời phải trải tọa cụ ngay ngắn tề chỉnh; những cái tốt thì dành cho Thượng tọa, những cái không tốt thì để cho Hạ tọa. Nếu nhà đàn việt mời Tỉ-kheo quen biết rồi dành cho giường nệm tốt thì cứ để mặc ý thí chủ, không được tranh giành. Nếu vào dịp năm năm đại hội số người đông đúc tạp nhạp, thì tối thiểu phải sắp chỗ ngồi tươm tất cho tám người ngồi ở trên cao, còn các chỗ ngồi dưới thì tùy nghi. Ðó gọi là phép ngồi của Thượng tọa.
Nhận thức ăn trước:
Khi dọn thức ăn phải dọn cho Thượng Tọa trước. Nếu đàn việt chưa từng làm phước dọn cho người nhỏ tuổi trước, thì nên bảo họ bưng tới chỗ Thượng tọa. Khi dọn cơm, nên dọn cơm ngon cho Thượng tọa; cũng thế, khi dọn tất cả các Thức ăn uống khác cũng phải bảo dọn món ngon cho Thượng tọa. Nếu nhà đàn việt mời Thọ trai, mà họ dọn sai biệt, thì tùy theo ý họ, không nên tranh luận làm chi. Nếu vào dịp năm năm đại hội một lần, số người đông đúc tạp nhạp, thì tối thiểu phải dọn món ngon cho tám Thượng Tọa hàng đầu, còn các hạ tọa thì tùy nghi mà dọn. Ðó gọi là nhận thức ăn trước.
Lễ bái cung kính đứng dậy đón rước, cúi đầu chắp tay:
Bấy giờ, khi đảnh lễ ai thì đảnh lễ khoảng đầu gối, bắp chân. Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Từ nay về sau nên đảnh lễ dưới bàn chân.
Thế rồi, các Tỉ-kheo bảo bậc tôn túc đưa bàn chân ra để đảnh lễ, làm nhiễu loạn người tu hành. Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy:
- Từ nay về sau phải nói tiếng "xin chào".
Khi ấy có Tỉ-kheo chơi đùa, nói:
- Xin chào tôn giả, xin chào tôn giả.
Lại làm nhiễu loạn người ta. các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Từ nay về sau chào hỏi có ba cách:
Dùng thân, miệng và tâm. Dùng thân nghĩa là khi đương sự đang ngồi hay đứng, mình cúi đầu đảnh lễ dưới chân. Ðó gọi là dùng thân.
Dùng miệng nghĩa là khi đương sự ở từ xa, mình chắp tay, cúi đầu nói: "Xin chào ngài". [446c] Ðó gọi là dùng miệng.
Dùng tâm nghĩa là khi đương sự quay lưng đi, mình chắp tay tỏ thái độ cung kính. Ðó gọi là dùng tâm bày tỏ sự cung kính.
Nếu thấy Thượng Tọa đến mà không đứng dậy đón rước chào hỏi cung kính, thì phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là phép tôn kính Thượng tọa.
Kệ tóm tắt:
"Cử tội và trị tội,
Ðuổi đi cùng Biệt trụ.
Người xử đoán, ruộng đất,
Làm phòng, cho năm năm.
Giường nệm, phép cung kính,
Ðó là phẩm thứ ba".
PHÉP BỐ-TÁT.
Khi Phật an trú tại Thành Vương Xá, nói rộng như trên. Bấy giờ, chín mươi sáu loại người xuất gia đều cử hành Bố-tát, mà Tỉ-kheo không Bố-tát. Vì thế, bị người đời chê bai:
- Vì sao chín mươi sáu loại người xuất gia đều có Bố-tát mà Sa-môn Thích tử không Bố-tát?
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-kheo:
- Như thế thật đáng bị người ta chê trách. Từ nay về sau phải Bố-tát, gồm các việc:
1) Ðọc kệ; 2) Ngày 14 ngày 15; 3) Chỉ chỗ Bố-tát; 4) Bố-tát ban ngày; 5) Trong nhà; 6) Bọn cướp; 7) Vua; 8) A Na Luật; 9) Hai cách đếm; 10) Không tụng thuộc; 11) Không tụng thuộc tất cả; 12) Thuận nghịch; 13) Muốn nghe từ đầu; 14) Người chưa Thọ cụ túc; 15) Tụng giới sớm quá; 16) Một trú xứ; 17) Hai chúng; 18) Hai chúng đã tụng, hai chúng chưa tụng; 19) Gởi dục; 20) Nhận dục; 21) Gởi dục nhiều; 22) Gởi dục bằng; 23) Cù-sư-la; 24) Ðại Ái Ðạo; 25) Xiển-đà; 26) Bệnh; 27) A-luyện-nhã; 28) Không nên cho mà cho; 29) Sông A-chi-la; 30) Mười một việc không được gọi là gởi dục: Chuyển dục; gởi dục ban đêm; ở ngoài giới; Tỉ-kheo-ni; người chưa Thọ cụ túc; Nhận dục rồi ra đi; gởi dục rồi ra đi; Nhận dục rồi trả giới; gởi dục rồi trả giới; mất dục; phá hoại chúng; 31) Bốn cách Bố-tát; 32) Bốn cách tụng giới; 33) Bảy việc nên ngăn cản; 34) hai việc nên ngăn cản.
1/ Ðọc kệ:
Phật nói với các Tỉ-kheo:
(1) Ðức Phật Tì Bà Thi Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh, nói giới bản đầu tiên:
"Nhẫn, khổ hạnh bậc nhất,
Niết-bàn, đích tối thượng.
Tu hành còn hại người,
Không thể gọi Sa-môn".
(2) Ðức Phật Thi-Khí Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh, đầu tiên nói giới bản:
"Ví như người sáng mắt,
Tránh được đường nguy hiểm.
Bậc thông minh trên đời,
Tránh được mọi điều ác".
(3) Ðức Phật Tì Bát Thi Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh, đầu tiên nói giới bản:
"Không nói dối, hại người,
Vâng hành theo giới pháp.
Ăn uống có điều độ,
Thường thích nơi thanh vắng.
Tâm thanh tịnh chuyên cần,
Ðó là lời Phật dạy".
(4) Ðức Phật Câu Lưu Tôn Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri [447a] vì chúng Tăng tịch tĩnh, đầu tiên nói giới bản:
"Tỉ-kheo vào thôn xóm,
Như ong đi tìm hoa.
Lấy mật rồi bay đi,
Không hại gì hương sắc.
Không nhìn việc người khác,
Xem có làm hay không.
Chỉ xét hành vi mình,
Có tốt hay không tốt".
(5) Ðức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh, đầu tiên nói giới bản:
"Muốn tâm mình tốt chớ buông
lung,
Thiện pháp Thánh nhân luôn gắng học.
Những người trí tuệ tâm chuyên chú,
Khổ não ưu sầu dứt tuyệt ngay".
(6) Ðức Phật Ca Diếp Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh, đầu tiên nói giới bản:
"Không làm các việc ác,
Tuân hành các hạnh lành.
Giữ tâm ý trong sạch,
Chư Phật dạy như vậy".
(7) Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì chúng Tăng tịch tĩnh, đầu tiên nói giới bản:
"Lành thay gìn giữ thân,
Gìn giữ miệng cũng vậy.
Lành thay giữ tâm ý,
Giữ vẹn toàn tất cả.
Tỉ-kheo giữ tất cả,
Ắt xa lìa khổ não.
Tỉ-kheo giữ miệng ý
Thân không làm điều ác,
Ba nghiệp đều thanh tịnh,
Sẽ đạt được Thánh quả".
Ðó gọi là đọc kệ khi Bố-tát.
2/ Ngày 14, ngày 15:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ đệ tử đồng hành của tôn giả A-nan đang hành Ma Na đỏa, tôn giả bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn! Ðệ tử đồng hành của con muốn đến một căn lều nhỏ ở thôn xóm để hành Ma-na-đỏa vào ngày 14.
Phật nói với A-nan:
- Hôm nay nhằm ngày 14 tinh tú thuận hòa, thời tiết thuận hòa, Tăng chúng thuận hòa, nên Bố-tát xong rồi mới đi.
Ngày 14: Lần Bố-tát thứ ba và thứ bảy của mùa Ðông, lần Bố-tát thứ ba và thứ bảy của mùa Xuân và lần Bố-tát thứ ba, thứ bảy của mùa Hạ.
Ngày 15: Gồm có mười tám lần Bố-tát. Trong một năm có hai mươi bốn kỳ Bố-tát, sáu kỳ vào ngày 14 và 18 kỳ vào ngày 15.
Ðó gọi là Bố-tát ngày 14, ngày 15.
3/ Chỉ chỗ Bố-tát:
Khi Phật an trú trong núi Kỳ Xà Quật nơi thành Vương Xá, lúc ấy các Tỉ-kheo không biết chỗ Bố-tát, nên có người thì được Bố-tát, có người thì không. Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền nói với các Tỉ-kheo:
- Nên làm yết-ma chỉ rõ chỗ Bố-tát trong núi Kỳ Xà Quật.
Người làm yết-ma nên bạch:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Nếu thời gian của Tăng đã đến, kể từ hôm nay Tăng dùng nơi này trong núi Kỳ Xà Quật làm chỗ Bố-tát thường xuyên. Ðây là lời tác bạch.
Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tăng nay dùng nơi này trong núi Kỳ Xà Quật [447b] làm chỗ Bố-tát thường xuyên. Các đại đức nào bằng lòng Tăng dùng nơi này làm chỗ Bố-tát thường xuyên thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói.
Tăng đã bằng lòng dùng nơi này làm chỗ Bố-tát thường xuyên, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Ðó gọi là chỉ chỗ Bố-tát.
4/ Bố-tát ban ngày:
Khi Phật an trú trong núi Kỳ Xà Quật nơi Thành Vương Xá, lúc ấy các Tỉ-kheo Bố-tát vào ban đêm. Vì đường sá hiểm trở, triền dốc khó đi, đến nơi Bố-tát cực khổ, các Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn, rồi hỏi:
- Bạch Thế Tôn, có thể Bố-tát ban ngày được không?
Phật dạy:
- Ðược. Nếu Bố-tát ban ngày mà Tăng ở xa thì nên tuyên bố: "Thưa các trưởng lão, kỳ này Tăng sẽ Bố-tát vào ngày 14, hoặc ngày 15, hoặc trước bữa ăn, hoặc sau bữa ăn, vào lúc bóng mặt trời chừng ấy, phải tập họp tại chỗ mỗ xứ, hoặc tại giảng đường, phòng Thiền, phòng sưởi, dưới gốc cây (để Bố-tát)". Nếu không tuyên bố thì phạm tội Việt-tì-ni". Ðó gọi là Bố-tát ban ngày.
5/ Nhà:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy vua A Xà Thế làm nhà Bố-tát trong núi Kỳ Xà Quật, rồi trang trí bằng các cánh sen dát vàng. Sau khi Tăng ngồi xong, đức Thế Tôn mới đến ngồi. Các Tỉ-kheo vào hết, chuẩn bị Bố-tát, thì bỗng dưng một cánh hoa sen dát vàng rơi xuống đất. Lúc ấy, một ác Tỉ-kheo khởi tâm trộm cắp, bèn lấy cánh sen kẹp dưới nách. Vì Phật và Tỉ-kheo Tăng ngồi lâu mà không Bố-tát nên tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, trật vai áo bên phải, quỳ gối, chắp tay bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn, đầu đêm đã qua, Tăng ngồi lâu mỏi mệt, kính xin Thế Tôn vì các Tỉ-kheo mà thuyết giới Bố-tát.
Khi ấy Thế Tôn im lặng. Tình hình như thế kéo dài sang nửa đêm rồi đến cuối đêm, tôn giả lại bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn rạng đông đã xuất hiện, chúng Tăng ngồi lâu, kính xin Thế Tôn thuyết giới Bố-tát.
Phật liền nói với A-nan:
- Chúng Tăng không thanh tịnh.
Khi ấy tôn giả Ðại Mục-liên suy nghĩ:
- Vì ai mà Thế Tôn nói rằng chúng Tăng không thanh tịnh?
Ðoạn, Mục-liên nhập định, liền thấy được ác Tỉ-kheo đang ngồi xếp ro trong chúng. Tôn giả bèn từ chỗ ngồi đứng dậy đến chỗ vị ấy, dùng tay trái nắm cổ lôi đến cửa, rồi dùng tay phải đẩy ra, nói: - Này ác Tỉ-kheo, từ hôm nay ông không phải là Sa-môn, không phải là Tỉ-kheo, không được ở trong chúng nữa.
Sau khi Thầy đuổi đi, Phật dạy:
- Từ nay về sau, Ta không cho phép lôi người đi.
Rồi Phật nói với A-nan:
- Từ nay về sau, các Thầy hãy tự tụng giới. Vì sao vậy? Vì Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri không tụng giới cho một chúng không thanh tịnh. Này A Nan, trong pháp luật của Như Lai [447c] cũng giống biển lớn có tám việc chưa từng có, như trong Tuyến Kinh đã nói rõ. Do thế, các đệ tử của ta thấy rồi, liền sinh tâm thích thú. Ðó gọi là nhà.
6/ Bọn cướp:
Khi Phật an trú tại núi Kỳ Xà Quật nơi Thành Vương Xá, lúc ấy các Tỉ-kheo Bố-tát tụng giới. Khi tụng đến phần cuối của Ba-dạ-đề, đọc: "Cắt bỏ rồi Ba-dạ-đề, phá bỏ rồi Ba-dạ-đề, lôi ra rồi Ba-dạ-đề", thì bọn cướp đến. Người tụng giới liền im lặng. Bọn cướp đứng một lát rồi bỏ đi. Người tụng giới lại tiếp tục; như vậy đến ba lần. Bọn cướp suy nghĩ: "Ðây là ác Sa-môn, nên nói như sau: Cắt bỏ, phá bỏ, lôi ra rồi Ba-dạ-đề. Họ đang định cắt chúng ta, phá chúng ta, lôi chúng ta đây", bèn xông vào đánh các Tỉ-kheo.
Các Tỉ-kheo sinh tâm nghi hoặc, hay là bọn cướp vừa rồi đã nghe tụng giới? Thế rồi, họ đem sự kiến ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Bọn cướp là vua ở trong rừng, chúng có thể làm những việc bất lợi, vì sao các ông lại tụng lại những lời cũ? Từ nay về sau khi Tỉ-kheo Bố-tát tụng giới mà có bọn cướp đến thì Ta cho phép được đọc sang kinh khác, hoặc là kinh Ba-la-diên, hoặc kinh Bát bạt-kỳ, hoặc kệ Mâu-ni, hoặc kinh Pháp cú.
Nếu bọn cướp biết phép tắc của Tỉ-kheo, nói: "Này Sa-môn, chúng tôi đã biết rồi", thì hãy tụng tiếp giới đã tụng trước. Khi ấy, Tỉ-kheo nên tụng gấp, khiến không thể phân biệt được chương cú, để cho bọn chúng không biết là đoạn đầu, đoạn giữa hay đoạn cuối. Nếu tụng lại những lời cũ thì phạm tội Việt-tì-ni.
Ðó gọi là bọn cướp.
7/ Vua:
Khi Phật an trú tại vườn Kỳ-xà Am-bà-la nơi Thành Vương Xá, như trong kinh Sa-môn đã nói rõ, cho đến tự nhủ:
- Không biết có thể tụng giới trước nhà vua hay không?
Rồi họ đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Vua có thể làm những việc bất lợi.
Như trong trường hợp bọn cướp ở trên đã nói rõ. Ðó gọi là vua.
8/ A Na Luật:
Khi Phật an trú trong núi Kỳ Xà Quật, nơi Thành Vương Xá, lúc ấy các Tỉ-kheo làm yết-ma Bố-tát thì tôn giả A Na Luật không đến. Các Tỉ-kheo bèn cho sứ giả đến gọi:
- Thưa trưởng lão A Na Luật, các Tỉ-kheo đang vân tập định làm yết-ma Bố-tát.
Thầy đáp:
- Ðức Thế Tôn dạy rằng Thanh tịnh tức là Bố-tát. Kẻ thanh tịnh trong đời này chính là tôi đây. Tôi không đi.
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Ông hãy đi gọi A Na Luật lại đây. Nhưng không được dùng Thiên nhãn mà đến.
Vì trưởng lão này đã hỏng nhục nhãn nên phải vượt qua núi non hiểm trở đến một cách cực khổ.
Phật liền nói với A Na Luật:
- Ông không tôn kính Bố-tát thì ai sẽ tôn kính? Từ nay về sau, khi Bố-tát thì tất cả đều phải đến. Nếu không đến, [448a] hoặc bị bệnh mà không gởi dục thì phạm tội Việt-tì-ni.
Ðó gọi là A Na Luật.
9/ Hai cách đếm:
Khi ấy Phật hỏi Ưu-ba-li:
- Ông tụng giới được không?
- Bạch Thế Tôn, tụng được, nhưng những câu chi li rất khó ghi nhớ.
- Nên làm thẻ đếm để mà tụng.
Thế rồi, Ưu-ba-li liền làm thẻ đếm mỗi khi tụng. Phật lại hỏi:
- Ông có làm thẻ để đếm mỗi khi tụng giới không?
- Bạch Thế Tôn, khi tụng những câu chi li con có đếm thẻ, nhưng cũng khó nhớ.
- Từ nay về sau hãy làm hai loại thẻ, một loại năm trăm và một loại bảy trăm. Khi muốn tụng, phải rửa tay sạch rồi cầm thẻ bỏ xuống đếm đến năm, lại rửa tay nữa. Nếu còn thẻ thì phải dùng nước thơm để rửa. Người khác muốn cầm thẻ cũng phải như vậy.
Ðó gọi là hai cách đếm.
10/ Không tụng thuộc:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy trong Thôn có các Tỉ-kheo đang sống, khi Tăng vân tập sắp làm yết-ma Bố-tát, liền thưa với Thượng Tọa:
- Xin Thượng Tọa tụng giới.
Thầy đáp:
- Tôi không thuộc.
Vị thứ hai, thứ ba cũng thế, cho đến Hạ tọa cũng nói như thế. Các Tỉ-kheo sinh tâm nghi hoặc, bèn đem sự kiện ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Từ nay về sau, thọ cụ túc rồi nên đọc hai bộ Luật. Nếu không thể đọc cả hai bộ thì nên đọc một bộ. Nếu cũng không thể đọc được thì nên đọc năm thiên giới. Nếu cũng không thể đọc được thì nên đọc bốn, ba, hai hay một thiên. Khi Bố-tát nên đọc rộng năm bộ Diên Kinh. Nếu có nhân duyên không thể đọc được, thì nên đọc bốn, ba, hai hay một, cho đến bốn Ba-la-di và các bài kệ, (rồi nói) các phần khác như Tăng đã thường nghe. Nếu Bố-tát mà không tụng giới thì phạm tội Việt-tì-ni. Giả như cả chúng đều không có ai tụng thuộc, thì nên bảo Thượng Tọa ra ngoài giới trường, tâm nghĩ, miệng nói:
- Kẻ dư thừa khi Bố-tát.
Rồi ba người còn lại trong giới trường nói ba lần Bố-tát. Làm như vậy là phạt Thượng tọa. Ðó gọi là không tụng thuộc.
11/ Không tụng thuộc tất cả:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo đang ở trong thôn xóm tập họp định Bố-tát, liền thưa với Thượng Tọa:
- Xin Thượng Tọa hãy tụng giới.
Thầy đáp:
- Tôi chỉ tụng thông thạo có một thiên.
Tăng lại thưa Thượng Tọa thứ hai, thì Thầy đáp:
- Tôi chỉ tụng thuộc có hai thiên.
Như vậy, mỗi người chỉ tụng thuộc có một thiên, họ bèn tuần tự tụng mỗi người một thiên để Bố-tát. Nhưng khi Bố-tát xong sinh nghi, các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy:
- Từ nay về sau, ta không cho phép cùng lần lượt tụng để Bố-tát. Nếu gặp trường hợp như thế thì cùng ủy thác cho một người Thông minh tụng thuộc để tụng. Khi tụng đến chỗ nào mà quên, thì người khác được tụng tiếp. [448b] Nếu phối hợp nhau lần lượt tụng để Bố-tát thì phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là không tụng thuộc tất cả.
12/ Tụng xuôi, tụng ngược:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, có các Tỉ-kheo đang sống trong Thôn xóm, vân tập Bố-tát. Có một Tỉ-kheo tụng thuộc giới bản xuôi và ngược. Thầy bắt đầu tụng từ bài tựa cho đến pháp tùy thuận, rồi tụng ngược từ pháp tùy thuận lên giới bản để Bố-tát. Nhưng khi Bố-tát xong tâm sinh nghi ngờ, các Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Từ nay về sau Ta không cho phép tụng ngược mà phải tụng xuôi. Nếu lúc tụng mà lỡ quên thì được tụng bổ khuyết. Người nào tụng xuôi rồi tụng ngược để Bố-tát thì phạm tội Việt-tì-ni.
Ðó gọi là tụng xuôi, ngược.
13/ Muốn nghe từ đầu:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo vân tập Bố-tát, tụng giới bản cho đến pháp tùy thuận thì có Tỉ-kheo khách tới, nói:
- Thưa trưởng lão, tôi sống trong xóm làng này mà chưa từng nghe tụng giới bản đầy đủ, xin trưởng lão tụng đầy đủ cho tôi nghe.
Người tụng bèn đọc lại từ bài tựa của giới cho đến pháp tùy thuận. Các Tỉ-kheo sinh tâm nghi ngờ, bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật khiển trách:
- Vì sao các ông tụng lại giới bản cho người muốn nghe lại từ đầu? Từ nay về sau ta không cho phép làm như thế. Nếu Tỉ-kheo Tăng vân tập Bố-tát tụng giới đến pháp tùy thuận mà có Tỉ-kheo khách đến rồi vào ngồi nghe, tức được gọi là Bố-tát. Nếu Tỉ-kheo khách nói: "Tôi sống trong xóm làng này mà chưa từng nghe tụng giới bản đầy đủ, xin trưởng lão tụng đầy đủ cho tôi nghe", thì hãy đợi Tăng giải tán rồi hãy tụng cho vị ấy. Nếu Tăng chưa giải tán mà tụng thì phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là muốn nghe từ đầu.
14/ Chưa Thọ cụ túc:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có Tỉ-kheo nói cho người chưa Thọ cụ túc về năm thiên tội từ tội Ba-la-di, đến tội Việt-tì-ni. Sau đó, vị Tỉ-kheo ấy vào Thôn xóm, người thế tục nói:
- Trưởng lão, Thầy phạm tội Ba-la-di cho đến tội Việt-tì-ni.
Các Tỉ-kheo nghe thế lấy làm xấu hổ, bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật khiển trách:
- Vì sao các ông lại nói giới bản năm Thiên tội cho người chưa thọ cụ túc nghe? Từ nay về sau ta không cho phép đem nói với người chưa thọ cụ túc. Chỉ được nói: "Ông không được làm điều phi phạm hạnh, không được trộm cắp, không được sát sinh, không được nói dối v.v...", như vậy mà thôi. Nếu ai đem nói tên của năm Thiên tội thuộc giới bản cho người chưa thọ cụ túc nghe [448c] thì phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là chưa Thọ cụ túc.
15/ Tụng giới quá sớm:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy có một Tỉ-kheo sống trong Thôn xóm, sáng sớm thức dậy liền Bố-tát. Khi làm xong, có Tỉ-kheo khách đến, nói:
- Trưởng lão hãy đến cùng tôi Bố-tát.
Thầy đáp:
- Tôi đã Bố-tát rồi.
Tỉ-kheo khách nói:
- Trưởng lão Bố-tát như thế là quá sớm.
Rồi thầy đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Từ nay về sau không nên Bố-tát quá sớm. Nếu một Tỉ-kheo sống trong thôn xóm thì đến ngày Bố-tát nên quét tháp và trú xứ của Tăng.
Nếu có người đến thì dùng nước hoa rưới trên đất, rải hoa, đốt đèn, đợi Tỉ-kheo khách đến rồi cùng nhau Bố-tát. Nếu không có Tỉ-kheo khách đến mà bản thân mình có tội thì nên suy nghĩ: "Nếu gặp được Tỉ-kheo Thanh tịnh thì sẽ đoạn trừ tội này đúng như pháp".
Sau khi nghĩ thế xong, nên tâm niệm, miệng nói:
- Hôm nay ngày 15, Tăng Bố-tát, tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp thanh tịnh Thọ Bố-tát.
Nói như vậy ba lần. Nếu khi Bố-tát xong mà có Tỉ-kheo khách đến, thì vị này nên nói lời tùy hỉ: - Trưởng lão đã Bố-tát, tôi là mỗ giáp xin tùy hỉ.
Nếu không thể tùy hỉ thì phải ra ngoài cương giới Bố-tát. Nếu ai Bố-tát lúc sáng sớm thì phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là Bố-tát quá sớm.
16/ Một trú xứ:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo đang đi trên đường, vì trời u ám, tưởng trời đã tối nên vào trú xứ của Tỉ-kheo trong thôn Bố-tát. Khi Bố-tát xong thì trời quang tạnh, thấy mặt trời hãy còn sớm, các Tỉ-kheo thầm nghĩ: "Chúng ta nên ra đi". Khi họ đi rồi, bỗng chốc chúng thứ hai lại đến. Thế rồi, họ Bố-tát tại đó, đồng thời nghỉ đêm luôn ở đây đến sáng hôm sau mới đi. Lúc đi trên đường bèn gặp nhóm Tỉ-kheo Bố-tát trước, liền hỏi:
- Thưa trưởng lão, đêm rồi trưởng lão nghỉ ở đâu?
- Nghỉ tại mỗ xứ.
- Vậy chứ Bố-tát nơi nào?
- Tại mỗ xứ.
- Chúng tôi cũng Bố-tát tại nơi đó.
Các Tỉ-kheo sinh tâm nghi hoặc, bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Từ nay về sau tại một chỗ không được Bố-tát hai lần. Nếu Tỉ-kheo đi xa, đến ngày Bố-tát vào trú xứ của Tỉ-kheo trong Thôn để Bố-tát, thì lúc Bố-tát xong không được im lặng bỏ đi, mà phải dặn lại Sa-di, hoặc người làm vườn, hoặc kẻ chăn bò rằng: "Nếu có Tỉ-kheo đến thì nên nói cho họ biết rằng ở đây đã có Bố-tát rồi".
Nếu không có ai cả thì nên viết nơi cột hay cánh cửa, hoặc rải hoa làm dấu. Nếu mình đến sau thì nên hỏi, nên tìm dấu vết, không được Bố-tát liền. Nếu đoàn người trước [449a] không dặn, không làm dấu, đoàn người sau không hỏi, không tìm dấu vết, thì cả hai đều phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là một trú xứ.
17/ Hai chúng:
Nếu hai chúng Tỉ-kheo khách đến, một chúng Bố-tát vào ngày 14, một chúng Bố-tát vào ngày 15, vậy thì nên theo ai?
- Nên theo chúng đến trước.
Nếu hai chúng cùng vào một lúc thì nên theo chúng có Thượng tọa. Nếu không phân biệt lớn nhỏ được thì nên theo người giữ luật.
Nếu hai chúng cùng có người giữ luật như nhau thì nên theo chúng nào ngõ lời trước, hoặc là ngày 14, hoặc ngày 15, nên theo họ Bố-tát. Ðó gọi là hai chúng.
18/ Cả hai đều đã tụng, cả hai đều chưa tụng:
Khách Tỉ-kheo Bố-tát ngày 14, còn cựu Tỉ-kheo Bố-tát ngày 15. Nếu khách Tỉ-kheo đến chỗ cựu Tỉ-kheo, cựu Tỉ-kheo nói với khách Tỉ-kheo: "Thưa trưởng lão, chúng ta cùng hợp tác Bố-tát", thì lúc đó, khách Tỉ-kheo không được nói: "Chúng tôi đã Bố-tát xong", (rồi ở yên trong trú xứ), mà nên đi ra ngoài cương giới để giữ tính chất hòa hợp.
Nếu cựu Tỉ-kheo Bố-tát ngày 14, khách Tỉ-kheo Bố-tát ngày 15 mà khách Tỉ-kheo nói: "Trưởng lão, hãy Bố-tát", thì cựu Tỉ-kheo nên nói:
- Chúng tôi đã Bố-tát rồi.
Lúc ấy, khách Tỉ-kheo nên nói lời tùy hỉ:
- Trưởng lão đã Bố-tát rồi, chúng tôi xin tùy hỉ.
Nếu không tùy hỉ thì nên ra ngoài cương giới Bố-tát. Ðó gọi là cả hai đều đã tụng hoặc cả hai đều chưa tụng.
19/ Gởi dục:
Khi chúng tăng vân tập Bố-tát, thì có một Tỉ-kheo vì việc y bát không đến dự được, các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật liền dạy:
- Từ này về sau, Ta cho phép gởi dục. Người gởi dục nên nói thế này:
- Xin Trưởng lão hãy lắng nghe. Hôm nay (hoặc ngày 14, hoặc ngày 15) chúng Tăng Bố-tát, tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp xin gởi dục Bố-tát Thanh tịnh. Xin trưởng lão hãy nói giúp tôi. (Nói như vậy ba lần).
Khi gởi dục, không được gởi cho người mù mờ, mà nên gởi cho người có thể nhận dục vào giữa chúng Tăng nói rành mạch. Nếu vì bận việc y bát mà lúc Bố-tát không gởi dục, thì phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là gởi dục.
20/ Nhận dục:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo Tăng vân tập làm yết-ma Bố-tát, thì có một Tỉ-kheo đang bệnh và lo việc y bát, gởi dục cho Tỉ-kheo khác, nhưng vị này không nhận. Do đó, các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Từ nay về sau phải nhận dục. Khi nhận dục phải tự suy nghĩ xem mình có thể truyền dục được không. Không được nhận dục nhiều người, chỉ nhận tối đa ba người. Khi gởi dục, nên nói như sau: - Xin trưởng lão ghi nhớ cho, hôm nay chúng Tăng Bố-tát, tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp xin gởi dục Bố-tát thanh tịnh.
Nếu quên tên thì nên nhớ số tuổi, rồi nói:
- Vị Tỉ-kheo chừng ấy tuổi.
Nếu đó là Tỉ-kheo khách thì nói là khách; bệnh thì nói là bệnh, rằng:
- Tỉ-kheo... gởi dục Bố-tát thanh tịnh.
Nếu ai đang bệnh và lo việc y bát gởi dục mà không nhận [449b] thì phạm tội Việt-tì-ni. Ðó gọi là nhận dục.
21/ Gởi dục nhiều:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo Tăng Bố-tát, những người gởi dục thì nhiều mà những người tập họp thì ít. Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Từ nay về sau Ta không cho phép khi Bố-tát mà những người gởi dục thì nhiều, còn những người tập họp thì ít. Nếu Bố-tát trong trường hợp ấy thì phạm tội Việt-tì-ni.
Ðó gọi là gởi dục nhiều.
22/ Gởi dục bằng số người kia:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Tỉ-kheo Tăng Bố-tát, thì số người gởi dục bằng số người tập họp làm Bố-tát. Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Từ nay về sau Ta không cho phép làm Bố-tát mà số người gởi dục bằng số người tập họp. Số người tập họp phải nhiều hơn, nếu bằng số người gởi dục mà Bố-tát thì phạm tội Việt-tì-ni.
Ðó gọi là số người gởi dục bằng số người tập họp.
23/ Cù-sư-la:
Khi Phật an trú tại vườn Cù-sư-la ở Câu-diệm-di, lúc ấy Tỉ-kheo Tăng vân tập Bố-tát, vị làm yết-ma xử đoán nói lớn tiếng, cư sĩ Cù-sư-la nghe thế bèn đi vào giới trường. Tăng liền im lặng. Chốc lát, ông ta bước ra, thì Tăng tiếp tục giải quyết sự việc lại nói lớn tiếng như trước. Ðến ba lần như vậy, rồi cư sĩ thầm nghĩ: "Khi Ta vào thì im lặng, khi Ta ra thì lại lớn tiếng, giờ ta hãy vào mà không trở ra nữa", như trường hợp Cù-sư-la hỏi tôn giả A Nan, mà trong Lục Nhập diên Kinh đã nói rõ.
Lúc ấy các Tỉ-kheo sinh tâm nghi hoặc, bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật dạy:
- Nếu đó là người có đức hạnh cao quí muốn nghe chúng Tăng giải quyết công việc thì nên để cho ông ta nghe. Ðồng thời, nếu trong chúng có người tài giỏi, nói năng lưu loát, giải quyết sự việc phân minh thì cứ tự nhiên tiến hành. Trái lại, nếu giải quyết sự việc trước kẻ phàm phu tầm thường thì phạm tội Việt-tì-ni: .
Ðó gọi là Cù-sư-la cư sĩ.
24/ Ðại Ái Ðạo:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy Ðại Ái Ðạo Cù Ðàm Di gởi dục mà Tỉ-kheo không nhận. Thế rồi, Ðại Ái Ðạo Cù Ðàm Di đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân rồi đứng hầu một bên, đem sự việc trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tỉ-kheo không nhận dục con gởi thì ai nhận?
Bấy giờ Thế Tôn tùy thuận thuyết pháp cho Ðại Ái Ðạo Cù Ðàm Di khiến bà sinh tâm hoan hỉ, bèn cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi cáo lui. Phật liền bảo gọi vị Tỉ-kheo kia đến. Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:
- Ông có việc đó thật không?
- Có thật như vậy, bạch Thế Tôn.
- Từ nay về sau, Tỉ-kheo-ni gởi dục thì nên nhận. Nếu mình là Thượng Tọa thì nên nói:
- Tôi là Thượng Tọa của chúng Tăng nên không nhận dục.
Hoặc là người dạy bảo Ni, hoặc là người tụng giới thì phải tự trình bày rõ, không nên nhận dục. Nếu là người coi phòng, [449c] người có bệnh thì nên nói:
- Tôi không đến trong Tăng, nên gởi dục người khác.
Trái lại nếu nói: "Tôi là Tỉ-kheo khất thực, tôi là người ở A-luyện-nhã, tôi là người mặc y phấn tảo, tôi là hàng đại đức, rồi không nhận dục", thì phạm tội Việt-tì-ni.
Nhưng nếu nói: "Tôi là Thượng tọa, là người dạy bảo Ni, là người tụng giới", rồi không nhận dục, thì không có tội. Ðó gọi là Cù Ðàm Di Ðại Ái Ðạo.
25/ Xiển-đà:
Khi Phật an trú tại vườn Cù Sư La ở Câu Diệm Di, lúc ấy Tăng vân tập Bố-tát, thì Tỉ-kheo Xiển Ðà không chịu đến. Các Tỉ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch với Thế Tôn, rồi hỏi:
- Bạch Thế Tôn, trường hợp ấy phạm vào tội gì?
Phật dạy:
- Phạm tội Thâu-lan. Nếu Bố-tát mà Tỉ-kheo không chịu đến như thế thì phạm Thâu-lan. Nếu vì việc y bát nên không đến mà không gởi dục, thì phạm tội Việt-tì-ni.
26/ Bị bệnh:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc Tỉ-kheo vân tập định Bố-tát thì có một Tỉ-kheo bệnh phong lên cơn động kinh, bèn nói với người ở phòng bên cạnh:
- Thưa trưởng lão, tôi bị bệnh phong đang lên cơn, xin gởi dục thanh tịnh cho trưởng lão.
Nhưng Tỉ-kheo ấy không nhận, thầy bèn đi đến trước Thượng tọa, cởi dép, quỳ gối chắp tay, bạch như sau:
- Con là Mỗ giáp, Thanh tịnh, xin Thượng Tọa ghi nhớ cho.
Nói như vậy ba lần, rồi đi. Các Tỉ-kheo sinh tâm nghi ngờ, bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn, rồi hỏi:
- Bạch Thế Tôn, như vậy có được không? Phật dạy:
- Gởi dục như thế là tốt, đã làm đúng pháp. Nhưng người không nhận dục thì phạm tội Việt-tì-ni.
Ðó gọi là bị bệnh.
27/ A-luyện-nhã:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, các Tỉ-kheo ở A-luyện-nhã và trong thôn xóm thường làm Bố-tát chung. Khi ấy, các Tỉ-kheo ở A-luyện-nhã vào trong Thôn Bố-tát xong, liền đi. Họ đi không bao lâu thì có Tỉ-kheo khách đến, lại cũng Bố-tát tại đó, rồi nghỉ đêm luôn ở đây. Sáng hôm sau, hai bên gặp nhau, liền hỏi:
- Ðêm hôm qua trưởng lão nghỉ ở đâu?
- Nghỉ tại đây.
- Thế còn Bố-tát tại đâu?
- Cũng tại đây.
Họ nghe thế, lòng sinh nghi, bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy:
- Từ nay về sau, Ta không cho phép tại một chỗ mà Bố-tát hai lần. Nếu ở A-luyện-nhã vào trong Thôn Bố-tát thì khi ra đi không được làm thinh mà phải dặn lại Sa-di, hoặc người làm vườn, hoặc kẻ chăn bò, rằng: "Nếu sau đó có Tỉ-kheo đến thì nói cho họ biết là ở đây đã làm Bố-tát rồi". Nếu không có người, thì nên viết trên cột hoặc trên cánh cửa, hoặc rải hoa làm dấu. Người đến sau thì nên hỏi, tìm dấu vết. Nếu người ra đi không dặn dò, không làm dấu, còn người đến sau không hỏi, không tìm dấu vết thì cả hai đều phạm tội Việt-tì-ni.
Ðó gọi là a-luyện-nhã.
28/ Không nên gởi dục mà gởi:
[450a] Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy các Tỉ-kheo tập họp đúng lúc thì gởi dục yết-ma, tập họp phi thời thì gởi dục thanh tịnh. Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy:
- Từ nay về sau Ta không cho phép khi tập họp đúng thời thì gởi dục yết-ma, khi tập họp phi thời thì gởi dục thanh tịnh; trái lại, khi tập họp phi thời nên gởi dục yết-ma, khi tập họp đúng thời nên gởi dục thanh tịnh. Ðồng thời khi tập họp đúng thời cũng có thể gởi cả hai loại dục, nói như sau: "Xin trưởng lão ghi nhớ cho, hôm nay Tăng Bố-tát – ngày 14, hoặc ngày 15 - tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp xin gởi dục Bố-tát thanh tịnh, mong trưởng lão nói giúp cho tôi". (nói như vậy ba lần). Khi gởi dục yết-ma cũng nói ba lần. Nếu lúc tập họp phi thời mà gởi dục thanh tịnh, lúc tập họp đúng thời mà gởi dục yết-ma thì phạm tội Việt-tì-ni.
Ðó gọi là không nên gởi dục mà gởi.
29/ Sông A-chi-la:
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, lúc ấy, các Tỉ-kheo đi đến gần sông A-chi-la trải tọa cụ ngồi tụng giới. Thế rồi, nước sông dâng lên dần dần đến đầu gối, rồi lên cao ngang miệng, khiến họ cực khổ tột độ. Sau đó, họ trở về chỗ Phật, đem sự việc trên trình bày đầy đủ với Thế Tôn, rồi hỏi:
- Bạch Thế Tôn, có thể đứng Bố-tát được không?
Phật dạy:
- Ðược. Ðược đi, đứng, ngồi, nằm Bố-tát.
Ði Bố-tát: Nếu Tỉ-kheo đi với khách buôn, đến ngày Bố-tát mà gặp đoạn đường nguy hiểm, khách buôn không dám chờ, thì được vừa đi vừa Bố-tát. Trước hết phải trù tính xem đi đến chỗ nào mới tụng xong giới bản, hoặc dãy núi, hoặc tảng đá, thì lấy đó làm tiêu xí, rồi đưa cánh tay ra chạm vào nhau làm yết-ma định cương giới Bố-tát. Khi làm yết-ma xong mới Bố-tát. Ðó gọi là Bố-tát khi đi.
Ðứng Bố-tát: Nếu Tỉ-kheo đông mà không có giường ghế để ngồi thì tất cả đứng đưa cánh tay ra chạm vào nhau mà Bố-tát. Ðó gọi là đứng Bố-tát.
Ngồi Bố-tát: Có giường ghế dùng để ngồi Bố-tát. Ðó gọi là ngồi Bố-tát.
Nằm Bố-tát: Nếu Tỉ-kheo già bệnh không thể ngồi lâu, mà giường kê sát bên nhau, thì có thể nằm Bố-tát. Ðó gọi là nằm Bố-tát.
Tóm lại, đó gọi là sông A-chi-la.
30/ Mười một trường hợp không được gọi là gởi dục:
a. Chuyển dục: Chẳng hạn nói: "Thưa trưởng lão, trước đây tôi có nhận dục của mỗ giáp giờ xin chuyển lại trưởng lão, gồm luôn cả dục của tôi". Ðó gọi là chuyển dục.
b. Gởi dục qua đêm: Chẳng hạn ngày mai mới Bố-tát mà hôm nay đã gởi dục. Ðó gọi là gởi dục qua đêm.
c. Ở ngoài cương giới: Ra ngoài cương giới gởi dục. Ðó gọi là ở ngoài cương giới.
d. Tỉ-kheo-ni: Gởi dục cho Tỉ-kheo-ni. Ðó gọi là Tỉ-kheo-ni.
đ. Chưa Thọ cụ túc: Gởi dục cho người chưa Thọ cụ túc. Ðó gọi là chưa Thọ cụ túc.
e. Nhận dục rồi ra đi: Nhận dục rồi ra khỏi cương giới. Ðó gọi là nhận dục rồi ra đi.
g. Gởi dục rồi ra đi: Gởi dục rồi ra khỏi cương giới. Ðó gọi là gởi dục rồi ra đi.
h. Nhận dục rồi trả giới: Nhận dục xong rồi trả lại giới Cụ túc đã Thọ (hoàn tục). Ðó gọi là nhận dục rồi trả giới.
i. [450b] Gởi dục rồi trả giới: Gởi dục cho người khác rồi trả giới cụ túc mà mình đã Thọ. Ðó gọi là gởi dục rồi trả giới.
k. Mất dục: Tỉ-kheo bị bệnh gởi dục xong rồi, nghe trong Tăng có pháp sư thuyết pháp, luật sư giảng luật, liền thân hành đến nghe. Nhưng ngồi lâu mỏi mệt, liền lặng lẽ rời chỗ ngồi ra về, vì nghĩ rằng trước đây mình đã gởi dục rồi. Trường hợp này không thể gọi là gởi dục, phải gởi dục lại. Ðó gọi là mất dục.
l. Hủy hoại chúng: Ðến ngày Bố-tát, Tỉ-kheo Tăng vân tập, các Tỉ-kheo không đến liền gởi dục thanh tịnh. Thế rồi, gặp mưa gió dữ dội, hoặc bị lửa cháy, giặc cướp, do vậy, các Tỉ-kheo kinh hoàng bỏ đi hết. Trường hợp này không thể gọi là mang dục đến trong Tăng. Nhưng nếu còn một người ngồi lại, thì được gọi là mang dục đến trong Tăng.
Tóm lại, đó là mười một trường hợp không được gọi là gởi dục.
31/ Bốn cách Bố-tát:
a. Một người thọ;
b. Hai người nói;
c. Ba người nói;
d. Bốn người tụng đầy đủ.
a. Một người thọ: Khi một Tỉ-kheo sống trong thôn xóm, đến ngày Bố-tát cần phải quét Tháp và Thiền viện của Tăng. Nếu có người khác đến, thì nên dùng nước thơm rưới trên đất, đốt đèn, rải hoa, rồi chờ Tỉ-kheo khách. Nếu không ai đến mà mình có tội thì nên thầm nghĩ: "Khi nào gặp Tỉ-kheo Thanh tịnh Ta sẽ đoạn trừ tội này đúng như pháp". Thầm nghĩ thế rồi, quỳ gối, chắp tay, tâm niệm miệng nói: "Hôm nay Tăng Bố-tát (hoặc ngày thứ 14, hoặc ngày thứ 15), tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp Thanh tịnh Thọ Bố-tát". (nói như thế ba lần). Ðó gọi là một người thọ.
b. Hai người nói: Khi hai Tỉ-kheo ở trong Thôn xóm, đến ngày Bố-tát phải quét Tháp và Thiền viện của Tăng. Nếu có người đến thì nên dùng nước thơm rưới trên đất, rải hoa, đốt đèn. Nếu có tội thì phải sám hối lẫn nhau đúng pháp, rồi quỳ gối chắp tay, nói như sau: "Xin trưởng lão ghi nhớ cho, hôm nay Tăng Bố-tát (hoặc ngày thứ 14, hoặc ngày thứ 15), tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp Thanh tịnh". Ðó gọi là hai người nói.
c. Ba người nói: Cũng như trường hợp hai người ở trên.
d. Bốn người tụng đầy đủ: Khi Bố-tát bốn người thì nên tụng đầy đủ giới bản. Ðó gọi là tụng đầy đủ.
32/ Bốn cách tụng giới:
a. Tụng từ bài tựa của giới cho đến hết bốn pháp Ba-la-di, (rồi nói: ) "Những vấn đề khác Tăng đã thường nghe", đoạn, tụng kệ kết thúc.
b. Tụng từ đầu đến hết mười ba pháp Tăng tàn, hai pháp Bất định, (rồi nói: ) "Còn những giới khác như Tăng đã thường nghe", đoạn, tụng kệ kết thúc.
c. Tụng từ đầu đến hết ba mươi pháp Ni-tát-kì, (rồi nói: ) "Còn những giới khác như Tăng đã thường nghe", đoạn, tụng kệ kết thúc.
d. Tụng từ đầu đến chín mươi hai pháp Ba-dạ-đề, rồi tiếp tụng đầy đủ cho đến hết.
Ðó gọi là bốn cách tụng.
33/ Khi Bố-tát có bảy trường hợp nên ngăn cản:
a. Người không ở chung;
b. Người hành Biệt trụ;
c. Người chưa Thọ cụ túc;
d. Chưa Thuyết dục;
đ. Chưa điểm danh;
e. Vì vấn đề hòa hợp;
g. Sự hòa hợp chưa hoàn toàn.
Ðó gọi là bảy trường hợp nên ngăn cản khi Bố-tát.
34/ Khi Bố-tát có hai trường hợp nên ngăn cản:
a. Nếu thực hiện Bố-tát thì
[450c] Tăng sẽ đấu tranh nhau;
b. Tăng bị phá.
Ðó gọi là hai trường hợp nên ngăn cản.
Tóm lại, trên đây là vấn đề Bố-tát, gởi dục và nhận dục.
PHÉP AN CƯ.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỉ-kheo du hành vào mùa mưa, dẫm đạp làm hại nhiều sinh vật, bị người đời chê trách rằng:
- Chín mươi sáu loại người xuất gia còn biết an cư, như chim ẩn mình nơi tổ, còn Sa-môn Thích tử tự cho mình là tốt đẹp mà không an cư.
Các Tỉ-kheo bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy:
- Như thế thật đáng bị người đời chê trách. Từ nay về sau, vào mùa mưa nên an cư. Phép an cư, cứ đến ngày 16 tháng tư, Tỉ-kheo nên trật vai áo bên phải, quỳ gối, chắp tay, nói với Tỉ-kheo khác như sau: - Xin trưởng lão ghi nhớ cho, tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp, sẽ an cư ba tháng đầu mùa mưa tại Tăng già-lam này. (nói như vậy ba lần). Nếu Tỉ-kheo đang đi đường chưa đến trú xứ mà tới ngày an cư, thì nên thọ an cư ở bên lề đường, hoặc nơi gốc cây, hoặc trên xe, rồi rạng Ðông hôm sau sẽ đến trú xứ.
Khi đến sau ngày an cư, nên trật vai áo bên phải, quỳ gối, chắp tay, nói như sau:
- Xin trưởng lão ghi nhớ cho, tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp, an cư ba tháng sau mùa mưa tại Tăng già-lam này. (nói như vậy ba lần).
Nếu Tỉ-kheo đi đường, đến ngày an cư mà không Thọ tiền an cư thì phạm một tội Việt-tì-ni. Khi đến trú xứ tới ngày hậu an cư mà không thọ an cư thì phạm hai tội Việt-tì-ni. Thế là người đó đã phá an cư, không được nhận y cúng dường.
Lại nữa, khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, bấy giờ có Tỉ-kheo nương tựa Thôn xóm để an cư mùa mưa, rồi người đàn việt trông coi công việc của Tăng cần xả nước vào ruộng, bèn nhờ Tỉ-kheo đến xin vua tháo nước.
Lúc ấy, Tỉ-kheo mang theo y bát bên mình, đến cửa vua mấy lần mà không được yết kiến. Hơn nữa, đường sá lại xa xôi, nên thầy càng sợ trễ thời gian an cư. Ðức Thế Tôn thấy thế, tuy biết, nhưng vẫn hỏi:
- Ông là khách Tỉ-kheo phải không?
- Thưa không phải, bạch Thế Tôn.
- Ông là Tỉ-kheo ra đi phải không?
- Thưa không phải, bạch Thế Tôn.
- Thế thì vì sao mang theo y bát?
Tỉ-kheo bèn đem sự kiện kể trên bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật liền dạy:
- Từ nay về sau, khi an cư mùa mưa, nếu có người bận công việc của Tháp, của Tăng thì nên làm yết-ma cầu thính. Người làm yết-ma nên bạch:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp an cư mùa mưa tại đây. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho Tỉ-kheo mỗ giáp an cư mùa mưa tại đây - Vì công việc của Tháp của Tăng - được đi ra ngoài cương giới lo công việc rồi trở về lại trú xứ này.
Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp vì công việc của Tháp, của Tăng đi ra ngoài cương giới lo công việc rồi trở về lại trú xứ này an cư.
Vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Nếu có trường hợp như trên vì tháp, vì Tăng, đi tìm kiếm các thứ như y, bát, bát nhỏ, tô, dây thắc lưng và tất cả các vật khác, thì ít nhất cũng phải tìm được một vật. Nếu không được gì cả, thì phạm tội Việt-tì-ni. Khi công việc xong nên trở về, hoặc nửa tháng, một tháng, hai tháng, cho đến sau khi Tự tứ phải trở về. Nếu không trở về thì phạm tội Việt-tì-ni. Nếu trên đường có bọn cướp nguy hiểm vì sợ mất mạng, phải Tự tứ ở đó, thì không có tội.
Ðó gọi là phép An cư.
PHÉP TỰ TỨ.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ các Tỉ-kheo du hành đến nước Câu-tát-la, thấy một khu rừng ở gần sông Cừ-ma-đế. Trong rừng có một cây tát-la to lớn, rổng ruột, tàng cây rậm rạp sum sê, dưới cây bằng phẳng rộng rãi, cách Thôn xóm không xa, không gần. Thấy thế, các Tỉ-kheo thầm nghĩ: "Ở đây An cư rất tốt". Kẻ trước, người sau, ai nấy trông thấy cũng đều nghĩ thế. Ðến ngày An cư, một Tỉ-kheo đến đó trước, dọn dẹp xung quanh cây khoảng khoát, đặt y bát, rồi trải cỏ mà ngồi. Trong chốc lát lại có Tỉ-kheo khác đến, hỏi:
- Trưởng lão muốn An cư ở đây sao?
Thầy đáp:
- Vâng, ở đây rất tốt.
Cứ tiếp tục như vậy đến sáu mươi người. Thế rồi, người đến trước hỏi các Tỉ-kheo đến sau:
- Các trưởng lão đều muốn An cư ở đây cả sao?
Họ đáp:
- Vâng, ở đây rất tốt. Trong cây này có thể cất được y bát, còn xung quanh bên trái bên phải thì đủ chỗ để an cư.
Khi Thọ An cư xong, họ bàn nhau:
- Thưa các trưởng lão, chúng ta nên quy định điều gì để được sống an lạc?
Mọi người đáp:
- Ðời sống phải lo âu khổ não đều do thân và miệng. Chúng ta đã được nơi yên tịnh thế này hãy cùng nhau im lặng, vậy hãy cam kết không được nói chuyện.
Sau khi cam kết không nói chuyện, họ tuân thủ suốt ba tháng, rồi an cư xong họ trở về Thành Xá-vệ, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng hầu một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi:
- Này các Tỉ-kheo, các ông An cư ở đâu?
- Bạch Thế Tôn, tại mỗ xứ.
- Có ít bệnh, ít khổ não, khất thực không khó khăn, hành đạo đúng pháp, sống an lạc không?
- Bạch Thế Tôn, ít bệnh, ít khổ não, khất thực dễ dàng, sống an lạc, im lặng trong ba tháng, rồi từ biệt nhau ra đi.
- Ðó là việc xấu. Như thế chẳng khác gì oan gia sống với nhau, lẽ ra nên nói chuyện với nhau mới phải.
Lại nữa, khi Phật an trú tại Thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ, A Na Luật, Kim-tì-lư, Bạt-đề cùng nhau An cư tại núi Tháp. Khi An cư xong, họ trở về thành Xá-vệ, đi đến chỗ Phật cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi đứng hầu một bên. Phật biết nhưng vẫn hỏi:
- Các ông An cư ở đâu?
- Bạch Thế Tôn, tại mỗ xứ.
- Này các Tỉ-kheo, có ít bệnh, ít khổ não, khất thực không khó khăn, hành đạo [451a] đúng pháp, sống an lạc không?
- Bạch Thế Tôn, ít bệnh, ít khổ não, khất thực dễ dàng, sống im lặng an lạc ba tháng không nói chuyện, rồi từ biệt nhau.
- Ðó là việc xấu, giống như oan gia sống với nhau. Từ nay về sau Ta không cho phép không nói chuyện với nhau. Nếu muốn thuận lợi, ít việc thì có thể không nói trong nửa tháng; nhưng đến ngày Bố-tát thì phải nói năng, chào hỏi, vấn an chúc tụng nhau. Qua ngày Bố-tát thì lại tiếp tục như trước. Nếu vì kiêu căng, giận dữ mà không nói chuyện với nhau thì phạm tội Việt-tì-ni.
Thế rồi, Phật nói với các Tỉ-kheo:
- Kể từ hôm nay vì các đệ tử ta chế định phép Tự tứ gồm các vấn đề: 1) Ba tháng; 2) Nói ba việc; 3) Kết thúc an cư; 4) An cư ở đâu Tự tứ ở đó; 5) Từ Thượng tọa; 6) Hòa hợp.
1) Ba tháng: Từ ngày 16 tháng Tư đến ngày 15 tháng bảy.
2) Nói ba việc: Thấy, nghe và nghi.
3) Kết thúc an cư: Tiền an cư từ ngày 16 tháng Tư đến ngày 15 tháng bảy. Hậu an cư từ ngày 16 tháng năm đến ngày 15 tháng tám. Nếu trong chúng an cư có một người tiền an cư thì đến ngày 15 tháng bảy tất cả chúng đều đồng loạt Thọ tự tứ với người này. Nhưng khi Tự tứ xong phải ở lại cho đến ngày 15 tháng tám. Nếu tất cả đều hậu an cư thì tất cả đều phải Tự tứ vào ngày 15 tháng tám. Ðó gọi là kết thúc an cư.
4) An cư ở đâu Tự tứ ở đó: Nếu Tỉ-kheo An cư trong Thôn xóm rồi nghe trong thành đến ngày Tự tứ có cúng dường các phẩm vật và Thuyết pháp suốt đêm, mà cả chúng đều muốn đến dự thì nên Tự tứ ngày 14 xong rồi mới đi. Nếu An cư nơi này mà Tự tứ nơi khác thì phạm tội Việt-tì-ni.
5) Từ Thượng Tọa: Không được theo thứ tự ngược từ nhỏ trở lên mà phải theo thứ tự từ Thượng Tọa trở xuống; không được đặt người từng hàng theo lối sớt thêm Thức ăn; không được việt vị; không được xướng tổng quát rằng:
- Tất cả đại đức Tăng nếu thấy nghe nghi tội thì tự do nói. Ðó gọi là từ Thượng tọa.
Tăng nên cử một người thành tựu năm pháp làm người nhận Tự tứ. Hoặc một, hoặc hai người, không thể nhiều hơn. Rồi người làm yết-ma nên bạch:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp, mỗ giáp thành tựu năm pháp. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cử Tỉ-kheo mỗ giáp, mỗ giáp làm người nhận Tự tứ.
Xin đại đức Tăng lắng nghe. Tỉ-kheo mỗ giáp mỗ giáp làm người nhận Tự tứ, vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Người nhận yết-ma rồi nên nói như sau:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe. Thời gian Tự tứ đã đến. Nếu thời gian của Tăng thích hợp thì tất cả Tăng đều Thọ Tự tứ. Ðây là lời tác bạch.
Thế rồi, người Tự tứ trước nhất bắt đầu từ Thượng tọa. Thượng Tọa phải trật vai áo bên phải [451c] quỳ gối, chắp tay nói (với người nhận Tự tứ) như sau:
- Xin trưởng lão ghi nhớ cho. Hôm nay ngày 15 Tăng Tự tứ. Tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp, nếu có tội do thấy, nghe hay nghi xin trưởng lão và Tăng xót thương nói cho Tôi biết. Nếu thấy biết mình có tội, tôi sẽ đoạn trừ đúng pháp". (nói như thế ba lần).
Kế tiếp đến người thứ hai. Người thứ hai này nếu là Hạ tọa thì phải cúi đầu sát dưới chân, nói (như trên, chỉ có tiếng Ðại đức là khác). Nếu hai người cùng làm người nhận Tự tứ, thì một người nhận Thượng Tọa Tự tứ, còn một người nên rời khỏi chỗ ngồi xuống đứng phía trước. Khi Thượng Tọa nói Tự tứ xong thì tiếp đến Hạ tọa nói. Cứ như thế lần lượt theo thứ tự đến người cuối cùng. Bản thân người nhận Tự tứ phải Tự tứ trước, chứ không được nhận Tăng Tự tứ rồi mình mới Tự tứ sau.
6) Hòa hợp: Không được Thọ Tự tứ trong lúc Tăng không hòa hợp. Không được gởi dục thọ Tự tứ. Nếu có người bệnh thì phải đem họ đến. Nếu đem đến e nguy đến tính mạng thì Tăng nên tề tựu bên giường (để Tự tứ). Nếu bệnh nhân nhiều thì nên khiêng cả giường đến, rồi đặt cạnh giường liên tiếp nhau. Nếu khiên giường đến e lâm nguy đến tính mạng, thì các Tỉ-kheo không bệnh nên ngồi nối tiếp nhau (từ chỗ người bệnh đến chỗ Tự tứ). Nếu ngồi không tiếp giáp, thì những Tỉ-kheo không bệnh nên ra ngoài cương giới Tự tứ; còn Tỉ-kheo bệnh thì Tự tứ trong cương giới. Trong trường hợp đại chúng đông, hoặc một vạn, hai vạn, thì nên vân tập tất cả một chỗ, hoặc là giảng đường, trai đường, nhà tắm để Thọ Tự tứ. Còn những người khác thì vừa xỉa răng, vừa đi đại Tiểu tiện, vừa ăn, cứ như thế suốt ngày thông qua đêm, đều phải ở nơi đó mà Tự tứ cho đến trước rạng đông hôm sau, không được rời khỏi chỗ, không được đi xa. Nếu đại chúng đông đến sáu vạn, tám vạn người, sợ làm không rốt ráo, thì nên đem bớt một số ra ngoài cương giới Tự tứ. Hoặc một người Thọ Tự tứ, hoặc hai người nói, hoặc ba người, bốn người nói Tự tứ. Còn trường hợp năm người thì phải Tự tứ đầy đủ.
Một người Thọ: Khi một Tỉ-kheo An cư trong Thôn xóm, đến ngày Tự tứ phải quét Tháp và Tăng viện. Nếu có người đến thì nên dùng nước thơm rưới trên đất, rải hoa, đốt đèn. Nếu bản thân có tội thì nên thầm nhủ: "Nếu gặp được Tỉ-kheo thanh tịnh đến thì ta sẽ đoạn trừ tội này đúng như pháp". Thầm nhủ như thế rồi, phải quỳ gối, chắp tay, tâm niệm, miệng nói: "Nay Tăng Tự tứ ngày 15, tôi là Tỉ-kheo mỗ giáp Thanh tịnh Thọ Tự tứ". (nói như vậy ba lần).
Hai người nói: Khi có tội thì sám hối với nhau đúng pháp, rồi trật vai áo bên phải, quỳ gối, chắp tay, nói: "Xin trưởng lão ghi nhớ cho, hôm nay Tăng Tự tứ ngày 15, nếu tôi có tội do thấy, nghe hoặc nghi, xin trưởng lão xót thương nói cho tôi biết. Nếu tôi tự thấy hay biết mình có tội, tôi sẽ đoạn trừ đúng pháp". (nói như thế ba lần).
Trường hợp ba người, bốn người cũng nói như trên. Nhưng trường hợp năm người thì nên Tự tứ đầy đủ.
[452a] Tóm lại, trên đây là phép Tự tứ.
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hết quyển thứ hai mươi bảy.
-ooOoo-
Đầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |
updated: 16-03-3002