THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]
Cơ hội độc nhất là được sanh trong thời kỳ có Phật
Trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc), trở thành vị thí chủ cúng dường Jetavana (Kỳ-viên tịnh xá) nhân lúc đi đến Rājagaha (Vương xá thành) để yết kiến Đức Phật sau khi nghe được tiếng “Phật” từ miệng của người em vợ nói ra. Vừa nghe được tiếng “Phật”, ông ta sung sướng thốt lên:
Ghoso’ pi kho eso gahapati dullabho lokasmiṁ, yad idaṁ ‘Buddho Buddho’ ti”.
Nghĩa là: “Này hiền giả, quả thật hy hữu thay trong thế gian này được nghe tiếng “Buddha”
Trong khi Đức Phật đang lưu trú ở thị trấn Āpana trong nước Aṅguttarāpa thì Sela, một vị giáo chủ Bà-la-môn, nghe đạo sĩ tóc búi Keṇiya nói tiếng “Phật”, vị ấy vui mừng thốt lên rằng:
Ghoso’pi kho eso dullabho lokasmiṁ yad idaṁ ‘Buddho Buddho’ ti”.
Nghĩa là:
“Thật hy hữu thay, trong thế gian này được nghe tiếng “Buddha, Buddha.”
Chẳng bao lâu sau, vị ấy cùng ba trăm đệ tử của mình xuất gia theo Đức Phật bằng câu: “Thiện lai tỳ khưu - Ehi Bhikkhu”, và bảy ngày sau tất cả đều chứng đắc đạo quả A-la-hán.
Từ những trích đoạn này của kinh tạng, chúng ta thấy rằng trong thế gian này được nghe tiếng “Buddha, Buddha” là điều rất hy hữu, càng hy hữu hơn là sự xuất hiện của một vị Phật.
Về mặt này, cần lưu ý rằng khi nghe nói “kim cương”, nó có thể là kim cương thật hoặc kim cương giả. Cũng vậy, vì tiếng đồn Đức Phật đã xuất hiện lan truyền đi trước khi Ngài xuất hiện, cả ông Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) và đạo sĩ Sela chắc đã nghe tin đồn thất thiệt ấy về sáu vị ngoại đạo sư là Phật. Tiếng “kim cương” chỉ khi nào nói về kim cương thật mới làm hài lòng người biết phân biệt kim cương thật và kim cương giả. Cũng vậy, đối với những người có trí tuệ cao như ông Anāthapiṇḍika và đạo sĩ Sela, tiếng “Phật” có thể làm họ vui sướng chỉ khi nào họ nghe nói về một vị Phật đích thực.
Người thiếu trí nhìn kim cương giả mà cho là thật như thế nào thì các đồ đệ của những ngoại đạo sư xem những vị thầy của họ là Phật cũng như thế ấy. Đó là quan niệm sai lầm và rất tai hại (micchādhimokkha)
Để lãnh hội sâu rộng hơn về sự xuất hiện hy hữu của một vị Phật trong thế gian, điều quan trọng là phải biết những điểm chính sau đây về một vị Phật và một vị Bồ-tát.
1. Bồ-tát (Bodhisatta): Một chúng sanh quyết định sẽ thành Phật, tức là Phật đương lai.
2. Bồ-tát hạnh (Bodhisatta-kicca): Những phận sự của một vị Bồ- tát.
3. Phật (Buddha): Một chúng sanh cao cả nhất đã thực hành viên mãn các phận sự của một vị Bồ-tát và kết quả là đã chứng đắc pháp Giác ngộ.
4. Phật hạnh (Buddha-kicca): Phận sự hằng ngày của một vị Phật.
Bốn loại Đạo Tuệ (Maggañāṇa) có kèm theo Nhất thiết trí (Sabbaññutañāṇa) đều được gọi là pháp Giác ngộ (Bodhi).
Giác ngộ có 3 loại:
1. Vô thượng Chánh đẳng giác (Sammā-Sambodhi): Sự giác ngộ bao gồm 4 loại Đạo Tuệ kèm theo Nhất thiết trí. Bốn loại Đạo Tuệ tỏ ngộ Tứ Diệu Đế do tự mình, không thầy chỉ dạy. Trí tuệ ấy có khả năng đặc biệt là đoạn diệt các pháp ô nhiễm cũng như những tiền khiên tật (vāsanā). Nhất thiết trí là trí thấy rõ tất cả những pháp cần biết.
2. Độc giác hay Bích chi bồ đề (Pacceka-Bodhi): Sự giác ngộ bao gồm 4 loại Tuệ Đạo tỏ ngộ Tứ Diệu Đế do bởi chính mình, không có sự giúp đỡ của ông thầy.
3. Thinh văn giác (Sāvaka-Bodhi): Sự giác ngộ bao gồm bốn loại Đạo Tuệ tỏ ngộ Tứ Diệu Đế qua sự chỉ dạy của ông thầy.
(1) Những vị có chí nguyện giác ngộ Vô-thượng Chánh đẳng giác thì được gọi là Vô thượng Chánh đẳng giác bồ tát, “Đương lai Toàn giác Phật”.
(2) Những vị có chí nguyện giác ngộ Bích chi bồ đề thì được gọi là Bích chi Bồ-tát hay Độc giác Bồ-tát.
(3) Những vị có chí nguyện giác ngộ Thinh văn giác thì được gọi là Thinh văn Bồ-tát, “Những Thinh văn đệ tử tương lai của một vị Phật”.
Trong ba loại Bồ-tát thì:
Vô thượng Chánh đẳng giác Bồ-tát lại được phân thành ba nhóm:
(a) Trí tuệ Bồ-tát (Paññādhika Bodhisatta)
(b) Đức tin Bồ-tát (Saddhādhika Bodhisatta).
(c) Tinh tấn Bồ-tát (Vīriyādhika Bodhisatta).
Đạo quả Phật là sự chứng đắc Nhất thiết trí (Sabbaññuta-ñāṇa). Muốn chứng đắc Trí tuệ tối thượng này, người tầm cầu phải có một bản chẩt tâm trong đó Trí tuệ là hướng đạo. Yếu tố Trí tuệ làm chủ ở đây có nghĩa là sự suy xét kỹ lưỡng trước khi làm việc gì về thân, lời nói hoặc ý nghĩ. Nhờ thế trí tuệ của người ấy sẽ mạnh lên và được Tăng trưởng trải qua nhiều kiếp sống. Khi đúng lúc, người ấy sẽ dễ dàng chứng đắc Nhất thiết trí - trí vượt xa các loại trí khác. Giống như tiền kiếm được trong thế gian bằng sự đầu tư, cũng vậy Nhất thiết trí đạt được bằng sự đầu tư của trí tuệ.
(a) Trí tuệ Bồ-tát: Bồ-tát có trí tuệ làm hướng đạo và luôn hiện diện trong sự nỗ lực bền bỉ. Các ngài sẽ thành Phật sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong thời gian 4 A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Họ được xếp vào nhóm Trí tuệ Bồ-tát (Paññādhika).
(b) Đức tin Bồ-tát: Bồ-tát tin rằng họ sẽ thành Phật sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và bản chất tâm của họ niềm tin như vậy là hướng đạo. Đối với nhóm Bồ-tát này, niềm tin giữ vai trò lớn hơn trí tuệ trên con đường thực hành các pháp Ba-la-mật. Vì niềm tin làm hướng đạo nên họ thành Phật sau 8 A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp. Họ được xếp vào nhóm Đức tin Bồ-tát (Saddhādhika).
(c) Tinh tấn Bồ-tát: Bồ-tát chỉ dựa vào sự tinh tấn. Họ không lấy trí tuệ hay niềm tin làm hướng đạo. Vì cho rằng sự tinh tấn sẽ giúp họ thành đạt mục tiêu tối thượng là Phật quả, họ lấy pháp Tinh tấn làm ưu tiên số một cho việc thực hành các pháp Ba-la-mật. Như vậy họ phải trải qua 16 A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya)và 100 ngàn đại kiếp mới thành Phật. Họ được xếp vào nhóm Tinh tấn Bồ-tát (Vīriyādhika).
Như vậy, cần lưu ý rằng ba nhóm: Trí tuệ Bồ-tát, Đức tin Bồ-tát và Tinh tấn Bồ-tát chỉ áp dụng cho các vị Bồ-tát đương lai.
Paññādhikānaṃ hi saddhā mandā hoti Paññā tikkhā. Saddhādhikānaṃ Paññā majjhimā hoti saddhā balavā. Vīriyādhikānaṃ saddhā Paññā mandā vīriyaṃ balavaṃ.
Ở các vị Trí tuệ Bồ-tát thì Trí tuệ mạnh nhưng Đức tin yếu.
Ở các vị Đức tin Bồ-tát thì Trí tuệ trung bình nhưng Đức tin mạnh.
Ở các vị Tinh tấn Bồ-tát thì Đức tin và Trí tuệ yếu, chỉ Tinh tấn mạnh.
Như đã giải thích, Bồ-tát có 3 hạng với 3 thời gian khác nhau để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, tức là: 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Lý do để phân biệt điều này đã được nói rõ trong bộ Pāramīdawgan Pyo, đó là một thiên anh hùng cảnh do Ashin Sīlavaṃsa (tu sĩ), một nhà thơ của Miến Điện cổ xưa biên soạn. Căn cứ vào Thiên anh hùng cảnh ấy, sự khác biệt nằm ở con đường Đạo mà mỗi vị Bồ-tát chọn lựa, nghĩa là: Trí tuệ Bồ-tát chọn con đường Trí tuệ và phải trải qua 4 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp mới thành chánh quả. Đức tin Bồ-tát chọn con đường Đức tin và phải trải qua 8 A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp mới đạt đến mục tiêu. Tinh tấn Bồ-tát chọn con đường Tinh tấn và phải mất 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp để thành đạt mục tiêu.
Theo quan điểm của những vị thầy khác trong bộ Tạp luận (Pakiṇṇaka-kathā) của Chú giải Hạnh tạng (Cariyā-Piṭaka), điểm khác biệt của 3 thời gian thực hành nằm ở 3 mức độ tinh tấn - mạnh, vừa và yếu. (Quan điểm này ngụ ý rằng vị Bồ-tát loại Trí tuệ mất 4 A- tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp để thực hành các pháp Ba-la-mật vì tinh tấn của họ trội nhất). Quan điểm như vậy không thể thoát khỏi lỗi lầm là tạo ra sự lẫn lộn (saṅkara-dosa) giữa Trí tuệ Bồ-tát và Tinh tấn Bồ- tát.
Quan điểm thu hút sự chú ý của nhà Chú giải Dhammapāla và các nhà Chú giải khác là sự khác biệt về thời gian do mức độ: mạnh, vừa và yếu của sự chín muồi các pháp Ba-la-mật dẫn đến giải thoát (Vimuttiparipācanīya Dhamma).
Nói rõ hơn là ngay vào lúc được thọ ký, các vị Bồ-tát có ba loại: Lược khai trí Bồ-tát (Ugghātitaññū Bodhisattā), Quảng viễn tri Bồ-tát (Vipañcitaññū Bodhisattā), và Sở dẫn đạo Bồ-tát (Neyya Bodhisattā).
1. Lược khai trí Bồ-tát (Ugghātitaññū Bodhisattā) là những vị Bồ-tát có khả năng chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với sáu Thắng trí (abhiññā) và bốn Tuệ phân tích (paṭisambhida). Chư vị có thể chứng đắc ngay trước khi kết thúc câu thứ ba của bài kệ, gồm bốn câu do Đức Phật thuyết, nếu họ muốn trở thành một vị Thinh văn đệ tử (Sāvaka-Bodhi) trong chính kiếp sống ấy.
2. Quảng viễn tri Bồ-tát (Vipañcitaññū Bodhisattā) là những vị Bồ-tát có khả năng chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với sáu Thắng trí (abhiññā) và bốn Tuệ phân tích (paṭisambhida). Chư vị có thể chứng đắc trước khi kết thúc câu thứ tư của bài kệ, gồm bốn câu do Đức Phật thuyết, nếu họ muốn trở thành Thinh văn đệ tử (Sāvaka- Bodhi) trong chính kiếp sống ấy.
3. Sở dẫn đạo Bồ-tát (Neyya Bodhisattā): là những vị Bồ-tát có khả năng chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với sáu Thắng trí (abhiññā) và bốn Tuệ phân tích (paṭisambhida). Chư vị có thể chứng đắc như vậy vào lúc kết thúc bài kệ, gồm bốn câu do Đức Phật thuyết, nếu họ muốn trở thành Thinh văn đệ tử (Sāvaka-Bodhi) trong chính kiếp sống ấy.
Đối với Ugghātitaññū Bodhisattā, mức độ chín muồi các pháp Ba- la-mật dẫn đến giải thoát rất mạnh, nên họ phải nỗ lực chỉ trong thời gian 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp sau khi được thọ ký. Đối với Vipañcitaññū Bodhisattā, mức độ chín muồi các pháp Ba-la-mật dẫn đến giải thoát chỉ trung bình, nên họ phải trải qua 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp sau khi được thọ ký. Đối với Neyya Bodhisattā, mức độ chín muồi các pháp Ba-la-mật dẫn đến giải thoát rất yếu, nên họ phải mất 16 A-tăng-kỳ và 100 trăm ngàn đại kiếp sau khi được thọ ký.
Lược khai trí Bồ-tát (Ugghātitaññū Bodhisattā) là hạng Trí tuệ Bồ-tát. Quảng viễn tri Bồ-tát (Vipañcitaññū Bodhisattā) là Đức tin Bồ-tát và Sở dẫn đạo Bồ-tát (Neyya Bodhisattā) là Tinh tấn Bồ-tát.
Lúa trồng xuống phải mất 3, 4 hoặc 5 tháng mới chín. Không có cách nào làm cho lúa chín sớm hơn trong vòng 15 ngày, hoặc một tháng dù người ta ra sức tưới nước và làm cỏ nhiều lần trong một ngày. Cũng vậy, các vị Bồ-tát không có cách nào chứng đắc đạo quả Phật sớm hơn thời gian cần thiết là: 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp - ngay cả sau khi được thọ ký các vị siêng năng bố thí hằng ngày như sự bố thí của Bồ-tát Vessantara và thực hành viên mãn những pháp thích hợp như giới, v.v...
Muốn giàu sang mà không làm việc thì không thể được. Người ta hy vọng có được cái mong muốn chỉ khi nào làm việc siêng năng. Tương tự, 3 hạng Bồ-tát muốn thành đạt sự Giác ngộ tối thượng, chư vị chỉ có thể đạt được khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật (pāramī), sự bố thí mạng sống và các chi trong người (cāga) và sự tu tập các hạnh đức.
Trong hoạt động kinh doanh, mức lợi tức đạt được tùy thuộc vào tiền vốn và công sức bỏ vào. Tiền vốn lớn và công sức lớn thì lợi tức cũng lớn. Tiền vốn vừa phải thì lợi tức vừa phải. Tiền vốn và công đức ít thì lợi tức thâu được cũng ít. Dường thế ấy, pháp giác ngộ mà các vị Bồ-tát sẽ thành đạt cũng khác nhau, tùy thuộc vào pháp hành dẫn đến sự sanh khởi pháp Giác ngộ (Bodhiparipācaka), tức là sự đầu tư dưới hình thức thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, sự bố thí mạng sống và các chi trong người và sự tu tập các hạnh đức.
Những khác biệt ấy có thể được giải thích như sau:
(1) Samma-Sambodhisatta: những vị đương lai Toàn giác Phật ngay trước khi được Đức Phật thọ ký (lời tiên tri của Đức Phật: “Người này sẽ thành Phật với danh hiệu như vậy, ở thế giới như vậy. ” đã từng gieo tạo nhiều phước lành và đã lập nguyện thành Phật như trong đoạn kinh:
Ahaṃ pi pubbabuddhesu, buddhattaṃ abhipatthayiṃ Manasā yeva hutvāna, dhammarajā asaṅkhiyā.
Trong bài kinh Phật Tỷ dụ (Buddhāpadāna) của bộ Apadāna, phẩm Buddhavagga, một vị Bồ-tát phát nguyện thành Phật trước mặt vô số chư Phật trải qua hằng A-tăng-kỳ kiếp.
Sau khi phát nguyện thành Phật như vậy và đã thực hành những phước lành đặc biệt trong thời gian rất dài, đến khi đầy đủ trong người tám yếu tố (như đạo sĩ Sumedha), vị Bồ-tát ấy mới được Đức Phật hiện tiền thọ ký.
Điều cần lưu ý là hành động phát nguyện (abhinīhāra) thành Phật được thực hiện qua hai thời kỳ:
1) Sự phát nguyện ngay trước khi thiện nhân ấy có đủ tám yếu tố, phần chính là ở tâm.
2) Hành động phát nguyện ấy được thực hiện trước chư Phật, trải qua từ vị này đến vị khác. Hành động này chưa trọn vẹn thì vị ấy chưa được gọi là Bồ-tát.
Nhưng khi vị ấy đã có trong người tám yếu tố giống như đạo sĩ Sumedha, chính lý do ấy, lúc bấy giờ vị ấy phát nguyện rằng:
“Iminā me adhikārena, katena purisuttame. Sabbaññutaṃ pāpuṇitvā, tāremi janataṃ bahuṃ.”
Nghĩa là:
“Do quả phước to lớn (không màng đến mạng sống) mà tôi đã gieo tạo đến Đức Phật Toàn giác (tức Phật Nhiên Đăng), cầu xin cho tôi sau khi chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác có thể cứu độ vạn loại chúng sasanh.”
Hành động phát nguyện của vị ấy được tròn đủ ngay lúc ấy và ngay nơi đó và chính điều này làm cho vị ấy xứng đáng được thọ ký.
Cần lưu ý rằng hành động phát nguyện được tròn đủ này là đại thiện tâm (mahākusala-citt’uppādai>) khởi sanh do kết quả quán niệm của vị ấy về những ân đức của Đức Phật và lòng bi mẫn của vị ấy vì lợi ích của chúng sanh trong toàn thể thế gian. Tâm đại thiện này có năng lực phi thường là thúc đẩy sự thực hành các pháp Ba-la-mật đến chỗ viên mãn - sự bố thí mạng sống và các chi trong người, và sự tu tập các hạnh đức.
Vào lúc đại thiện tâm sanh khởi trong vị Bồ-tát, vị ấy tự đặt mình vào con đường Đạo dẫn đến Nhất thiết trí. Vì vị ấy đã chính thức đi vào con đường dẫn đến đạo quả Phật, nên vị ấy được danh hiệu Bồ-tát (Bodhisatta). Vì sự phát nguyện tròn đủ và to lớn này là đại thiện tâm khởi sanh, nên thiện nguyện thành đạt Chánh đẳng giác và khả năng vô song thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật được an trú trong vị ấy, cộng thêm sự bố thí mạng sống và các chi thể trong người và sự tu tập các hạnh đức, hình thành những nhân tố cần thiết cho sự chứng đắc Nhất thiết trí.
Và cũng do đại thiện tâm, mà vị ấy suy xét các pháp Ba-la-mật cần được hoàn thành và quyết định thứ tự của các pháp Ba-la-mật để thực hành. Vị ấy làm như vậy bằng trí tra xét các pháp Ba-la-mật (Ba-la- mật Tư trạch trí - paramī-pavicaya-ñāṇa), loại trí này giúp vị ấy có ththể thâm nhập các pháp mà không cần sự chỉ dạy của ông thầy. Đây là loại trí báo trước sự chứng đắc Nhất thiết trí, theo sau nó là sự thực hành viên mãn lần lượt các pháp Ba-la-mật.
Theo bộ Nhân Duyên Luận (Nidāna-kathā) của Hạnh tạng Chú giải (Cariyā-Piṭaka Commentary), sau khi được chính thức thọ ký, vị Bồ- tát cố gắng vượt bậc và không ngừng để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật (pāramī), các pháp Xả thí (cāga) và Hạnh đức (cariya), là những pháp cần thiết để thành đạt A-la-hán Đạo Tuệ (arahatta-magga ñāṇa) và Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa) bằng bốn pháp tu tập, đó là:
1. Sabbasambhāra-bhāvanā.(1)
2. Nirantara-bhāvanā.(2)
3. Cirakāla-bhāvanā.(3)
4. Sakkacca-bhāvanā.(4)
Trong 4 pháp tu tập này:
(1) Sabbasambhāra-bhāvanā: sự tu tập đầy đủ hết thảy các pháp Ba-la- mật.
(2) Nirantara-bhāvanā: sự tu tập không gián đoạn. Sự tu tập các pháp Ba-la-mật thời gian ngắn nhất là 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, hoặc thời gian trung bình là 8 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, hoặc thời gian dài nhất là 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp, không có sự gián đoạn dầu chỉ một kiếp.
(3) Cirakāla-bhāvanā: sự tu tập trong thời gian lâu dài. Sự tu tập các pháp Ba-la-mật trong thời gian không ngắn hơn 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp.
(4) Sakkacca bhāvanā: sự thực hành các pháp Ba-la-mật một cách cẩn trọng và đầy tôn kính.
Xả thí (cāga) chỉ về 5 pháp đại thí: thí của cải, thí vợ, thí con, thí tứ chi và thí mạng sống.
Hạnh (cariya) là sự thực hành đem lại lợi ích cho mình và kẻ khác.
Có 3 loại:
1.an style="font:7.0pt "Times New Roman""> Lokattha-cariya: Thế gian lợi ích hạnh, tức là sự thực hành vì lợi ích của tất cả chúng sanh.
2. Ñātattha-cariya: Thân thích lợi ích hạnh, tức là sự thực hành vì lợi ích cho thân bằng quyến thuộc.
3. Buddhattha-cariya: Giác ngộ lợi ích hạnh, tức là sự thực hành và tinh tấn để mưu cầu sự giác ngộ.
Vị Bồ tát đã được thọ ký rồi thường khởi tâm bi mẫn rộng lớn đối với chúng sanh khi thấy họ không nơi nương tựa trong dòng đời cay nghiệt, chịu nhiều đau khổ cùng cực từ sự sanh, già, bịnh và chết. Từ những cuộc chèn ép tương hại, những trói trăn ngục tù, chúng sanh bị tàn tật, bại liệt, v.v... những gian nan, vất vả trong việc kiếm sống, những đau đớn của chúng sanh trong địa ngục và những cảnh khổ khác. Do tâm bi mẫn rộng lớn, vị Bồ-tát cam tâm chịu đựng đau khổ để cho những kẻ ngu si, mù quáng cắt tay, cắt chân, xẻo mũi, xẻo tai, v.v... và lòng bi mẫn của Ngài đối với họ thật là lâu dài và bền bỉ.
Ngài chịu đựng những đau khổ ấy với tâm bi mẫn như vầy: “Ta sẽ cư xử như thế nào với những kẻ xử tệ với ta? Ta là người có chân lý, người đang cố gắng thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật để giải thoát chúng sanh ra khỏi cái khổ luân hồi. Ôi, vô minh dày đặc! Ôi, ái dục ngất trời! Thật buồn thay cho những chúng sanh ấy. Bị vô minh che mờ và ái dục ngự trị, họ đã phạm những lỗi lầm to lớn đối với người đang cố gắng tìm cách giải thoát họ. Vì họ đã mù quáng gây nên những hành động cực kỳ độc ác, nên những quả khổ đang đón chờ họ.”
Sau khi đã khởi tâm đại bi như vậy đối với chúng sanh, vị ấy cố gắng tìm nhiều phương sách để cứu độ họ và quán xét như vầy: “Bị chìm đắm trong vô minh và ái dục dày đặc, chúng sanh lầm lạc cho rằng cái vô thường là thường tồn, đau khổ là hạnh phúc, vô ngã là hữu ngã và bất lạc là lạc. Ta dùng cách nào để giải thoát cho họ và đưa họ ra khỏi biển khổ mà khởi sanh do một nguyên nhân?”
Trong khi suy xét như vậy, vị Bồ-tát thấy đích thực rằng nhẫn nại (khanti) là phương tiện duy nhất để giải thoát chúng sanh ra khỏi kiếp sống trầm luân. Ngài chẳng hề khởi lên chút sân hận nào đối với những kẻ làm khổ Ngài bằng nhiều cách như chặt tay, xẻo mũi, móc mắt, v.v... Ngài tự nghĩ: “Do quả của những ác nghiệp mà ta đã làm trong quá khứ, bây giờ ta đáng phải lãnh chịu đau khổ. Vì chính ta đã gây nên tội lỗi trong quá khứ nên khổ đau này xứng đáng với ta. Ta là người đã từng phạm sai lầm.” Như vậy vị ấy đã rước tội của kẻ khác lên người của mình.
Vị ấy còn suy nghĩ như vầy: “Chỉ có nhẫn nại, ta mới có thể cứu vớt họ. Nếu ta cư xử quấy với kẻ làm quấy thì ta cũng chẳng khác gì họ. Như thế ta làm sao có thể giải thoát họ ra khỏi những nổi thống khổ của vòng luân hồi? Không bao giờ được. Do đó, dựa vào sức mạnh của pháp Nhẫn nại, là nền tảng của tất cả mọi sức mạnh và bằng pháp Nhẫn nại, ta sẽ tiếp nhận những hành động sái quấy của chúng sanh. Và với pháp Từ bi làm hướng đạo, ta sẽ thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Chỉ bằng cách như vậy ta mới có thể chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Và sau khi ta chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, ta mới có thể cứu độ tất cả chúng sanh ra khỏi đau khổ mà khởi sanh do một nhân.” Vị ấy đã thấy đúng pháp như thật.
Sau khi đã quan sát như vậy, Bồ-tát thực hành các pháp Ba-la-mật một cách phi thường. Ba-la-mật gồm có 10 pháp căn bản, 10 pháp bậc cao và 10 pháp tối cao, tổng cộng là 30 pháp Ba-la-mật, được gọi chung là những pháp cần thiết cho sự Giác ngộ (Giác ngộ Tư lương - Bodhisambhāra). Sự thực hành các pháp Ba-la-mật xảy ra theo 4 cách tu tập đã được nêu ra ở trên rồi.
Trước khi đạt đến chỗ viên thành các pháp Ba-la-mật, như kiếp của Bồ-tát Vessantara. Trong khi vẫn còn đang thực hành các pháp Ba-la- mật, đã bố thí sanh mạng và tứ chi, tu tập các pháp hành, vị Bồ-tát có thể thường xuyên tái sanh làm vị thiên có thọ mạng lâu dài do những quả phước to lớn mà vị ấy đã tích tạo. Nhưng vị ấy chọn cách rút ngắn thọ mạng của mình ở cõi chư thiên bằng cái chết do nguyện lực (Thắng giải tử - adhimutti maraṇa) vì khó thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật ở trong các cõi chư thiên. Do đó, vị ấy tái sanh nhiều lần trong cõi nhân loại, là nơi mà vị ấy có thể tiếp tục hành trì các pháp Ba-la-mật
Đại dương dầu mênh mông đến đâu, nó vẫn hữu hạn vì nó có đáy, có bề mặt và bị những dãy núi Cakkavāla bao bọc chung quanh. Nói cách khác, đại dương của pháp Bố thí Ba-la-mật mà vị Bồ tát đã tích tạo và thực hành viên mãn thì rộng lớn vô lường. Tầm cỡ của nó thật vô hạn. Nói về pháp Bố thí Ba-la-mật, người ta không thể xác định giới hạn những tài sản của cải đã được cho đi, cũng như máu, thịt trong thân, mắt, đầu mà vị Bồ tát đã thí xả đến chúng sanh. Cũng thế người ta không thể nói được giới hạn của những pháp Ba-la-mật khác như Giới Ba-la-mật (sīla-pāramī) chẳng hạn. Như vậy, qua sự so sánh giữa đại dương và các pháp Ba-la-mật, cần lưu ý rằng đại dương có giới hạn về sức chứa dù nó rộng lớn mênh mông, nhưng các pháp Ba- la-mật thì to lớn vô lường.
Vào lúc trưa hè nóng nực, người ta có thể đi xuống hồ nước sâu và trầm mình ở trong đó, thế nên, người kia không bị sức nóng từ trên phủ xuống. Cũng vậy, vị Bồ-tát thấm nhuần trạng thái đại từ bi, trong lúc mưu cầu lợi lạc cho chúng sanh, đi vào đại dương của các pháp Ba-la-mật và trầm mình ở trong đó. Nhờ thấm nhuần trạng thái đại bi, vị Bồ-tát không cảm thấy đau đớn khi bị những kẻ ác xẻo thịt, móc mắt, chặt tay, v.v...
Một vị Bồ-tát phải thực hành các pháp Ba-la-mật trong thời gian tối thiểu là 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp kể từ khi được thọ ký cho đến kiếp cuối cùng, là kiếp đánh dấu sự viên thành các pháp Ba-la-mật (như ở kiếp của Bồ-tát Vessantara). Theo kinh Tương Ưng, một đại kiếp được ví dụ như vầy, nếu xương của một chúng sanh đem chất đống cho đến khi lớn bằng ngọn núi thì thời gian như vậy là một đại kiếp. Do đó số kiếp sanh tử của một vị Bồ-tát trong thời gian 4 A- tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp sẽ nhiều hơn những giọt nước trong đại dương. Trong những kiếp này, không có kiếp nào vắng mặt sự thực hành Ba-la-mật và không có kiếp nào trôi qua một cách uổng phí.
Những bài viết về sự thực hành pháp độ của Bồ-tát như 550 câu chuyện Bổn sanh (Jātaka) và những câu chuyện trong Hạnh tạng, chỉ là một số ít những ví dụ điển hình của vô số kinh nghiệm mà Ngài đã trải qua suốt 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Giống như bát nước lấy ra từ đại dương to lớn để cho thấy vị mặn của nó. Đức Phật kể lại những câu chuyện này như những minh chứng cho những trường hợp đã khởi sanh và trong những hoàn cảnh thích hợp. Số câu chuyện mà Đức Phật đã kể và số câu chuyện mà Ngài chưa kể ví như nước trong cái bát và nước trong đại dương vậy.
Pháp bố thí Ba-la-mật mà Đức Phật đã thực hành viên mãn được ca ngợi, tán tụng ở trong bài Jinālaṇkāra như sau:
So sāgare jaladhikam rudiraṃ adāsi Bhumiṃ parājiya samaṃsam adāsi dānaṃ Meruppamāṇam adhikañ ca samoḷisīsaṃ Khe tārakādhikataraṃ nayanaṃ adāsi.
“Hướng về Trí tuệ vô biên, tràn trề niềm tin và nhiệt huyết, vị Bồ- tát ấy đã bố thí máu của mình nhiều hơn những giọt nước trong bốn biển.
Hướng về Trí tuệ vô biên, tràn trề niềm tin và nhiệt huyết, vị ấy đã bố thí thịt mềm trong thân, số lượng nhiều hơn đất trên quả địa cầu rộng 240.000 do-tuần.
Hướng về Trí tuệ vô biên, tràn trề niềm tin và nhiệt huyết, vị ấy đã nhiều lần bố thí đầu của mình kèm theo vương miện lấp lánh chín viên ngọc nếu số đầu chất đống sẽ cao hơn núi Tu-di .
Hướng về Trí tuệ vô biên, tràn trề niềm tin và nhiệt huyết, vị ấy đã nhiều lần bố thí đôi mắt sáng rực, màu đen tuyền như cánh con bọ cứng, số mắt nhiều hơn các vì sao trong vũ trụ bao la.”
(2) Pacceka-Bodhisattas: Đương lai Độc giác Phật được gọi là Bích chi Bồ-tát phải thực hành Ba-la-mật trong thời gian 2 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Chư vị không thể thành Phật Độc giác nếu thời thực hành Ba-la-mật của họ ngắn hơn số đại kiếp ấy. Căn cứ vào chương nói về các vị Bồ-tát quá khứ, sự giác ngộ Phật Độc giác không thể chín muồi trước khi các vị ấy thực hành viên mãn các pháp Ba-la- mật.
(3) Sāvaka-Bodhisatta: các vị Thinh văn Bồ-tát là:
- Tối thắng Thinh văn Bồ-tát (Agga-sāvaka): một cặp Thinh văn như đại đức Xá-lợi-phất (Sāriputta) và đại đức Mục-kiền-liên (Moggallāna).
- Đại Thinh văn Bồ-tát (Mahā-sāvaka): như tám mươi đại đệ tử trong thời Đức Phật Gotama còn tại tiền.
- Phổ thông Thinh văn Bồ-tát (Pakati-sāvaka): tất cả các vị Thinh văn ngoại trừ những vị Bồ-tát được đề cập ở trên. Như vậy có 3 loại đương lai Thinh văn đệ tử.
Trong 3 loại này:
(a) Tối thắng Thinh văn Bồ-tát phải thực hành các pháp Ba-la-mật trong thời gian một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.
(b) Đại Thinh văn Bồ-tát: một trăm ngàn đại kiếp.
(c) Phổ thông Thinh văn Bồ-tát không được nói trực tiếp trong các bộ kinh. Tuy nhiên, theo Chú giải và Phụ chú giải của bộ Pubbenivāsakathā (Túc mạng luận), ở bài kinh Mahāpadāna, thì các vị Đại thinh văn có thể nhớ lại tiền thân của họ trong một trăm ngàn đại kiếp và các vị Phổ thông thinh văn thì nhớ lại tiền kiếp của mình ít hơn con số đó. Vì trong mỗi kiếp sống, các vị đều thực hành các pháp Ba-la-mật, nên có thể suy ra rằng các vị đương lai Phổ thông Thinh văn phải thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong thời gian không lâu hơn một trăm ngàn đại kiếp. Thời gian để họ thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật thì bất định như vầy: có thể là một trăm đại kiếp hoặc một ngàn đại kiếp v.v... Tuỳ theo một số chúng sanh, có thể chỉ một hoặc hai, được chứng minh trong câu chuyện về con ếch (chuyện Maṇḍuka trong Thiên cung sự).
Như đã đề cập ở phần trước, sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật đầy đủ thời gian cần thiết, ba loại đương lai Phật sẽ chứng đắc 4 loại Tuệ Đạo (magga-ñāṇa), là tuệ tự mình tỏ ngộ Tứ diệu đế mà không cần sự chỉ dạy của ông thầy, cũng như Nhất thiết trí (sabbaññuta-ñāṇa), trí thấy rõ tất cả các pháp đáng biết . Cùng lúc các Ngài cũng thành tựu những đức tánh đặc biệt của một vị Phật, vô biên (ananta) và vô lượng (aparimeyya). Những đức tính như vậy thật vô cùng tận, đến nổi nếu một vị Phật tán dương những đức tính của một vị Phật khác trong một đại kiếp, thì đại kiếp có thể kết thúc nhưng những đức tính ấy vẫn chưa hết. Vị thánh nhân đã chứng ngộ như vậy mà trong 3 cõi không có ai sánh bằng thì được gọi là Bậc Chánh Đẳng giác (Sammā-sambuddha).
Sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật cần thiết trong 2 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Đức Phật Độc giác chứng đắc pháp giác ngộ bao gồm Đạo Tuệ là tự mình thông hiểu Tứ Diệu Đế, không thầy chỉ dạy. Nhưng các Ngài không đạt được Nhất thiết trí và Thập lực trí (Dasabala-ñāṇa), v.v... Bậc chứng đắc pháp giác ngộ như vậy được gọi là Bích chi Phật.
Sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật cần thiết trong một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nếu là đương lai Tối thắng Thinh văn; hoặc một trăm ngàn đại kiếp nếu là đương lai Đại thinh văn; hoặc một trăm đại kiếp hay một ngàn đại kiếp hay một số đại kiếp ít hơn nếu là đương lai Phổ thông Thinh văn, chư vị Đương lai Thinh văn sẽ chứng đắc giác ngộ gồm có Tuệ Đạo tỏ thông Tứ Diệu Đế (Thinh văn giác tuệ - Sāvaka-bodhiñāṇa) với sự chỉ dạy của vị đạo sư là Đức Phật. Người chứng đắc pháp giác ngộ của bậc Thinh văn như vậy được gọi là Thinh văn Phật (Sāvaka-Buddha). Vị Thinh văn ấy có thể là Tối thắng Thinh văn, Đại Thinh văn hoặc Phổ thông Thinh văn.
Chú thích: Bài kinh Thập bất biến (Dasa-nipāta) trong kinh Tăng chi có kể về Thập lực trí (Dasabalañāṇa) như vầy:
1. Thānāṭṭhāna ñāṇa (Xứ phi xứ trí): Trí thấy biết thuận theo thực tại về những điều có thể xảy ra thì xảy ra và những điều không thể xảy ra thì không thể xảy ra.
2. Kammavipāka ñāṇa (Nghiệp dị thục trí): Trí biết rõ những kết quả của những nghiệp trong quá khứ, hiện tại và vị lai.
3. Sabbatthagāminī paṭipadā ñāṇa (Biến hành đạo trí): Trí biết rõ con đường dẫn đến lợi ích cho tất cả chúng sanh.
4. Anekadhātu nānādhātu lokañāṇa (Chủng chủng giới thế gian trí): Trí biết rõ thế gian với nhiều nguyên chất khác nhau của nó.
5. Nānādhimuttikata ñāṇa (Chủng chủng giải thoát trí): Trí biết rõ những khuynh hướng (căn tánh) khác nhau của tất cả chúng sanh.
6. Indriya paropariyatta ñāṇa (Căn thượng hạ trí): Trí biết rõ các căn quyền từ bậc thấp đến bậc cao của chúng sanh.
7. Jhānadi saṃkilesa vodānavuṭṭhāna ñāṇa: Trí biết rõ những pháp ô nhiễm, sự thanh tịnh và sự sanh khởi của định (jhāna), các pháp chứng, v.v...
8. Pubbenivāsa ñāṇa (Túc mạng trí): Trí nhớ lại tất cả những kiếp quá khứ.
9. Cutūpapāta ñāṇa hay Dibbacakkhu ñāṇa (Thiên nhãn trí): Thiên nhãn thấy được chúng sanh chết ở chỗ này và tái sanh ở chỗ kia theo nghiệp của họ.
10. Āsavakkhaya ñāṇa (Lậu tận trí): Trí đoạn diệt tất cả phiền não trong tâm, tức là A-la-hán đạo tuệ.
Trong 3 hạng Phật: Toàn giác Phật, Độc giác Phật và Thinh văn Phật, thì chư Toàn giác Phật được gọi là những bậc Độ thoát Tha nhân giả (Tārayitu), là những bậc tối thượng sau khi tự mình vượt qua biển luân hồi, đều đưa chúng sanh vượt qua bến bờ kia.
Chư Phật Độc giác được gọi là những bậc Đáo bỉ ngạn giả (Tarita), là những bậc thánh nhân không thể cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ. Nói rõ hơn - chư Phật Độc giác không xuất hiện trong thời kỳ có Đức Phật Toàn giác. Các Ngài chỉ xuất hiện trong thời kỳ giữa hai vị Phật. Đức Toàn giác Phật tự mình giác ngộ Tứ Diệu Đế mà không cần sự chỉ dạy của thầy và có khả năng khiến cho kẻ khác cũng tỏ ngộ Tứ Diệu Đế. Đức Phật Độc giác cũng tự mình giác ngộ Tứ Diệu Đế, nhưng vị ấy không đủ khả năng thuyết giảng và làm cho kẻ khác tỏ ngộ được chúng. Sau khi chứng Đạo, Quả và Niết bàn (Paṭivedha), vị ấy không thể thuật lại những kinh nghiệm của mình về những pháp chứng này bởi vì vị ấy không có thuật ngữ về những pháp siêu thế này. Do đó, pháp hiện quan của chư Phật Độc giác (Dammābhisamaya), tức là trí thông đạt Tứ Thánh đế, được các nhà Chú giải ví như giấc mộng của một người câm hay của một nông dân thiếu hiểu biết về đời sống ở thành thị, thấy mà không diễn tả được. Chư Phật Độc giác là những bậc đã tự mình vượt qua luân hồi. nhưng không ở vào địa vị giúp kẻ khác vượt qua.
Chư Phật Độc giác có thể truyền pháp xuất gia cho những ai muốn trở thành Sa-môn và có thể chỉ cho họ những pháp đặc biệt của đời sống Sa-môn (ābhisamācārika - Tăng thượng hành) như vầy: “Ngươi nên bước tới, bước lui, nhìn, nói, v.v... ở một chỗ yên tịnh này”. Nhưng các Ngài không đủ khả năng dạy cho họ biết cách phân biệt Danh và Sắc, và cách quan sát những đặc tánh của chúng như vô thường, khổ và vô ngã, v.v... để họ có thể đạt đến giai đoạn chứng ngộ Đạo và Quả.
Các Thánh đệ tử vốn là Thinh văn Bồ tát, được gọi là những bậc Đáo bỉ ngạn giả vì họ được Đức Phật Chánh đẳng giác tế độ vượt qua biển luân hồi. Ví dụ: Đạo sĩ Upatissa, là đại đức Sāriputta, được an trú trong thánh Đạo và thánh Quả Tu-đà-hườn (Sotāpatti) do nghe nửa câu kệ sau đây từ đại đức Assaji:
Ye dhammā hetuppabhavā
tesaṃ hetuṃ Tathāgato.
(Nửa câu kệ còn lại là:)
Tesañ ca yo nirodho evaṃ vādī mahāsamano.
Qua đoạn này, người ta nghĩ rằng những vị Thánh đệ tử có thể vừa là những bậc được tế độ vừa là những bậc tế độ người khác. Nhưng giáo pháp của một vị Thánh đệ tử xuất phát từ Đức Phật. Vị Thanh văn không thể tự thuyết pháp mà không có sự phụ giúp và hướng dẫn từ giáo pháp của Đức Phật. Do đó, những vị Thánh đệ tử như vậy được gọi là Đáo bỉ ngạn giả (Tarita) chứ không phải là Tế độ giả (Tārayitu), vì họ không làm sao mà giác ngộ Tứ Diệu Đế được nếu không có đạo sư, và sự chứng ngộ Đạo Quả của họ chỉ xảy ra qua sự hướng dẫn của vị đạo sư.
Như đã nói, chư Phật Độc giác và chư Thinh văn đệ tử Phật là những bậc Đáo bỉ ngạn giả vì sau khi chứng ngộ đạo quả A-la-hán, họ nhập vào Quả định (phala-samāpatti) và Diệt tận định (nirodha- samāpatti) để thọ hưởng hạnh phúc của sự an lạc, chứ không làm lợi ích cho kẻ khác. Nói cách khác, Đức Phật Chánh biến tri không làm lợi chỉ cho riêng mình. Thực vậy, ngay vào lúc thực hành các pháp Ba-la-mật, Ngài đã từng phát nguyện rằng: “Sau khi thông đạt Tứ Diệu Đế, ta sẽ giúp kẻ khác cũng thông đạt như ta (Budho bodheyyaṁ).” v.v… Vì vậy, Ngài liên tục thực hành 5 nhiệm vụ của một vị Phật cả ngày lẫn đêm.
Vì Đức Phật phải thực hiện năm phận sự của một vị Phật, Ngài chỉ nghỉ chút ít sau bữa độ ngọ mỗi ngày. Ban đêm Ngài chỉ nghỉ trong một phần ba thời gian của canh cuối. Thời gian còn lại Ngài đều đặn thực hành năm phận sự.
Chỉ có chư Phật Toàn giác có pháp tinh tấn siêu việt (payatta), là một trong những oai lực (bhaga) của Phật, mới có thể thực hành những phận sự như vậy. Sự thực hành những phận sự này không phải là phạm vi của chư Phật Độc giác và Thanh văn Phật.
Quán niệm sâu sắc về bốn vấn đề sau đây liên quan đến Bồ-tát và Phật:
1. Bodhisatta (Bồ-tát).
2. Bodhisatta-kicca (Phận sự của Bồ-tát).
3. Buddha (Phật).
4. Buddha-kicca (Phận sự của Phật).
Việc quán niệm này sẽ giúp người ta ngộ ra rằng sự xuất hiện của một vị Phật là một hiện tượng rất hy hữu.
Giải rõ: Có nhiều chúng sanh phát nguyện thành Phật khi họ đã trực tiếp trông thấy hoặc nghe những oai lực của Đức Phật Gotama sau khi Ngài giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác, cũng như sự chiến thắng các ngoại đạo sư đầy ngã mạn, sự thị hiện Song thông v.v... Do đó, khi Đức Phật từ cõi trời Đao lợi giáng xuống thành phố Saṅkassa, nơi thuyết giảng Tạng Abhidhamma, thì nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đều trông thấy nhau nhờ phép màu Devorohaṇa của Ngài. Phép màu Devorohaṇa làm cho thông suốt toàn thể vũ trụ bao la, phía trên thấu đến Hữu đỉnh thiên (Bhavagga), phía dưới thấu đến A-tỳ địa ngục (Avīci), và thông suốt tám hướng của cõi vũ trụ vô biên. Trông thấy oai lực vô song của Đức Phật trong ngày hôm ấy, không ai trong số những người đã hội họp trong đại chúng đông đảo ấy mà không phát nguyện thành Phật. Sự kiện mọi người trong hội chúng đông đảo này phát nguyện thành Phật được nêu ra trong câu chuyện Devorohaṇa của bộ Chú giải kinh Pháp cú và trong phần giải thích về 3 loại thần thông ở bộ Phụ chú giải Jinālaṅāra.
Dù rất đông đảo người phát nguyện đắc thành quả vị Phật khi trông thấy và nghe về oai lực của Đức Phật, nhưng điều chắc chắn là những người có ít niềm tin, trí tuệ, ý chí và sức tinh tấn sẽ giảm lại nếu họ biết tánh chất đa dạng và phi thường trong việc thực hành các pháp Ba-la-mật như sự hành trì Ba-la-mật trên bình diện to lớn. Sự thực hành viên mãn Ba-la-mật trong mỗi kiếp không gián đoạn, nghiêm chỉnh và triệt để, hành trì trong thời gian rất dài và bất kể đến tính mạng của mình. Chỉ có sự thực hành không thối chuyển một cách đáng kinh ngạc những pháp Ba-la-mật này mới có thể đi đến chỗ giác ngộ. Do vậy, quả vị Phật là pháp rất khó thành đạt (dullabha - nan đắc). Sự xuất hiện của một vị Phật, thật sự là hiện tượng rất hy hữu.
Giải thích: Có 5 hiện tượng khó đạt được, đó là:
1. Buddh’ uppāda - Sự xuất hiện của một vị Phật.
2. Manussattabhāva - Được sanh làm người.
3. Saddhāsampattibhāva - Có niềm tin Tam bảo và định luật Nghiệp báo.
4. Pabbajitabhāva - Được xuất gia trong Tăng chúng.
5. Saddhammasavana - Được nghe chánh Pháp của Đức Phật.
Ở bài kinh số 2 của phẩm Ekapuggala Vagga (15) Aṅguttara Nikāya (Kinh Tăng chi), pháp một chi, có đoạn kinh như vầy:
“Các tỳ khưu, trong thế gian này sự kiện rất hy hữu là sự xuất hiện của một chúng sanh. Là chúng sanh nào? - Đức Như lai - Ngài là bậc Tối thượng tôn, bậc Chánh Biến Tri, sự xuất hiện của Ngài quả thật rất hy hữu.
Chú giải của bài kinh ấy cũng giải thích tại sao sự xuất hiện của một vị Phật là rất hy hữu. Trong mười pháp Ba-la-mật, chỉ riêng pháp Bố thí thôi, người ta cũng không thể thành Phật sau khi thực hành pháp ấy chỉ một lần. Người ta cũng không thể thành Phật sau khi thực hành pháp ấy trong 2 lần, 10 lần, 20, 50, 100, 1000, 100.000 lần, hay ngay cả mười triệu, một ngàn triệu, hoặc một trăm ngàn triệu lần, hoặc mười trăm ngàn triệu lần. Tương tự, người ta không thể thành Phật sau khi thực hành pháp Bố thí Ba-la-mật trong một ngày, hai ngày, mười, hai mươi, năm mươi, một trăm, một ngàn, một trăm ngàn ngày hay số ngày đến mười trăm ngàn triệu; hoặc một tháng, hai tháng hoặc mười trăm ngàn triệu tháng. Ngay cả một năm, hai năm, hay đến mười trăm ngàn triệu năm cũng không thể. Thậm chí cả một thời gian dài đến một đại kiếp, hai đại kiếp, hay mười trăm ngàn đại kiếp cũng không thể thành Phật. Chí đến một A-tăng-kỳ kiếp, hai A- tăng-kỳ kiếp hoặc ba A-tăng-kỳ kiếp cũng không thể thành Phật (cũng tương tự đối với các pháp Ba-la-mật khác như Giới, Xuất ly, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Chí nguyện, Bác ái và Xả). Thực ra, thời gian ngắn nhất để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật là bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Chỉ sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong thời gian dài như vậy mà không có sự gián đoạn, có sự tôn kính hết mức, nhiệt tâm, thái độ nghiêm chỉnh và cẩn trọng, một người mới có thể giác ngộ thành Phật được. Tất cả những lý do kể trên, cho thấy sự xuất hiện hy hữu của một vị Phật Chánh đẳng giác.
Phụ chú giải của bài kinh cũng nhấn mạnh rằng chỉ khi nào một người đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong thời gian tối thiểu là bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp mới có thể thành Phật. Không còn cách nào khác. Đó là lý do tại sao sự xuất hiện của một vị Phật là hiện tượng hy hữu độc nhất.
***
Những kiếp sống của một vị đương lai Phật suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp từ kiếp làm đạo sĩ Sumedha đến kiếp của Vessantara nhiều hơn những giọt nước trong đại dương. Số Ba-la-mật đã được thực hành suốt thời gian ấy mà không bỏ sót một kiếp nào quả thật to lớn đến nổi số lượng của nó không thể ước tính được. Thực tế, không gì sánh với những pháp Ba-la-mật này. Điều này được tán dương ở trong bài kinh Jinālaṅkāra như sau:
Mahāsamudde jolabinduto’pi Tad antare jāti anappakā va Nirantataṃ puritapāraminaṃ
Kathaṃ pamāṇaṁ upamā kuhiṁ va.
Những kiếp sống dài đăng đẳng Từ kiếp của ẩn sĩ Sumedha
đến kiếp của thái tử Vessantara Số kiếp ấy thật vô số
Nhiều hơn những giọt nước trong đại dương,
Những Ba-la-mật đã được thực hành
suốt thời gian ấy, không bỏ sót một kiếp nào.
Ai có thể tính ra được? Lấy gì để so sánh?
Ngoài ra, trong Chú giải và Phụ chú giải của bài kinh Pātheyya, Phụ chú giải của bài Jinālaṅkāra, ở đó những đặc tánh của hàng trăm loại phước (satapuññalakkhaṇa) được bàn đến:
“Sau khi gộp lại thành một nhóm tất cả những việc phước như bố thí, v.v... được làm bởi vô số chúng sanh trong vũ trụ bao la suốt thời gian dài, từ lúc ẩn sĩ Sumedha phát nguyện thành Phật dưới chân Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkara) cho đến kiếp thái tử Vessantara, đã bố thí luôn cả vợ là hoàng hậu Maddī. Rồi gộp chung thành một nhóm khác tất cả những việc phước được làm bởi một vị Đương lai Phật cũng trong cùng thời gian ấy, thì số việc phước của tất cả chúng sanh kể trên không thể bằng ngay cả một phần trăm, đúng hơn là một phần ngàn số phước của một vị Đương lai Phật.
Chưa nói đến việc trở thành một vị Phật Toàn giác, chỉ đề cập giai đoạn tu tập mà ẩn sĩ Sumedha đã thành đạt vào lúc vị ấy được thọ ký thành Phật, sự thọ ký ấy chỉ xảy ra khi nào người ta có đủ tám yếu tố cần thiết sau đây:
1. Làm người.
2. Người nam thực sự.
3. Đã thực hành viên mãn những điều kiện cần thiết như các pháp Ba-la-mật để có thể chứng ngộ đạo quả A-la-hán ngay trong kiếp ấy.
4. Gặp được một vị Phật Toàn giác đang tại tiền.
5. Làm một đạo sĩ có niềm tin vào định luật Nghiệp báo (Kammavādī) hay trở thành một vị Sa-môn trong Tăng chúng của Đức Phật.
6. Đã chứng đắc các pháp chứng của thiền.
7. Có sự tinh tấn mãnh liệt để tu tập các pháp Ba-la-mật mà không kể đến mạng sống của mình, và
8. Có ước muốn thiện đủ mạnh để phát nguyện thành Phật.
Chỉ những người có tám yếu tố này mới có thể mang “Chiếc vương miện thọ ký”. Do đó, chưa nói đến việc thành Phật, chỉ đạt đến giai đoạn tu tập như ẩn sĩ Sumedha cũng rất khó khi đủ tư cách để được thọ ký thành Phật.
Làm một vị Bồ-tát để được thọ ký thành Phật đã là một điều rất khó. Đắc được Phật quả thì khó hơn nhiều vì sau khi được thọ ký vị Bồ-tát phải thực hành các pháp Ba-la-mật, theo bốn cách tu tập trong thời gian tối thiểu là bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Thành Phật quả thật rất khó.
Vì Phật quả khó thành đạt như thế nên “Thời kỳ xuất hiện” của một vị Phật cũng rất khó gặp. Về mặt này, bộ Atthaka Nipata của kinh Tăng chi kể ra tám thời kỳ hay tám kiếp trong luân hồi mà được xem là “tám thời kỳ hay tám kiếp bất hạnh”. Nói cách khác, thời kỳ xuất hiện của một vị Phật được xem là thời kỳ may mắn hay kiếp may mắn.
Tám kiếp sống bất hạnh là:
1. Kiếp sanh vào cõi bị khổ liên tục (niraya - địa ngục): kiếp bất hạnh, chúng sanh ở cõi này không thể làm được việc phước nào vì họ luôn luôn lãnh chịu mọi cực hình đau đớn.
2. Kiếp sanh vào cõi súc sanh: kiếp bất hạnh, vì chúng sanh ở cõi này luôn luôn sống trong sợ hãi, không thể làm việc phước nào và không thể nhận biết điều gì là thiện, điều gì là ác.
3. Kiếp sanh vào cõi ngạ quỷ: kiếp bất hạnh, vì chúng sanh ở cõi này không thể làm được việc phước nào, luôn luôn cảm thọ sự nóng cháy và khô hạn, chịu đói khát dữ dội.
4. Kiếp sanh vào cõi Phạm thiên Vô tưởng: kiếp bất hạnh, chúng sanh ở cõi này không thể làm việc phước nào, cũng không thể nghe pháp vì họ không có nhĩ căn.
5. Kiếp sanh vào nơi biên địa: kiếp bất hạnh, bởi vì ở nơi này không thể tiếp cận với các vị tỳ khưu, tỳ khưu ni hoặc thiện nam, tín nữ của Đức Phật. Là chỗ ở của những người lạc hậu, những người sống ở đây không thể làm bất cứ việc phước nào vì họ không có cơ hội nghe pháp dù họ có nhĩ căn.
6. Kiếp làm người cố chấp tà kiến: kiếp bất hạnh vì những người chấp theo tà kiến không thể nghe và thực hành chánh pháp dù họ đang sống ở xứ Trung ấn, nơi Đức Phật xuất hiện và giáo pháp của Ngài được truyền bá khắp nơi.
7. Kiếp làm người có ngũ căn không toàn vẹn: kiếp bất hạnh do kết quả của ác nghiệp trong những kiếp quá khứ, thức tái sanh của người ấy không có ba thiện căn nhân là vô tham, vô sân và vô si. Do đó người ấy bị khuyết tật ở các căn như nhãn căn, nhĩ căn, v.v... và không thể nhìn thấy các bậc Thánh nhân, nghe pháp của các Ngài và thực hành pháp ấy cho dù người ấy đang sống ở xứ Trung ấn và không cố chấp tà kiến.
8. Kiếp sanh vào thời kỳ không có Đức Phật xuất hiện: kiếp bất hạnh vì vào thời kỳ này, người ta không thể trau dồi và thực hành ba pháp tu là Giới - Định - Tuệ dù họ đang sống ở xứ Trung ấn, có ngũ căn toàn vẹn, có niềm tin vào lý nhân quả.
Không như tám kiếp bất hạnh này. Hãy nhớ rằng có một kiếp may mắn thứ chín, gọi là kiếp Phật Xuất thế vì đó là kiếp mà Đức Phật xuất hiện. Được sanh vào thời kỳ này với đầy đủ các căn, có chánh kiến, người ta có thể trau dồi và thực hành pháp do Đức Phật thuyết giảng. Kiếp thứ chín này là kiếp bao gồm từ lúc Đức Phật thuyết pháp đến hết thời kỳ tồn tại của giáo pháp.
Phật tử ngày nay được làm người, có đầy đủ các căn, đang ở trong thời kỳ mà giáo pháp của Đức Phật đang hưng thịnh. Họ có được cơ hội hiếm hoi là gặp được thời kỳ Phật xuất thế. Gặp cơ hội hoàng kim như thế, nếu họ không thực hành các pháp tu tập về Giới - Định - Tuệ thì quả thật họ đã đánh mất cơ hội vàng son. Cơ hội tái sanh nhằm tám kiếp không may mắn thì rất nhiều và thường xuyên, nhưng cơ hội tái sanh nhằm thời kỳ giáo pháp của Đức Phật thì rất xa vời và hạn hữu. Chỉ một lần, trong thời gian dài vô số đại kiếp mới có một vị Phật xuất hiện, và có được kiếp sống nhằm thời kỳ Phật xuất hiện quả thật khó vô cùng.
Hàng Phật tử trong thời kỳ này được hai điều hạnh phúc: một là được sanh vào thời kỳ giáo pháp của Đức Phật đang hưng thịnh trong thế gian và hai là được sanh làm người có chánh kiến. Được ở trong thời kỳ tốt đẹp như thế, người Phật tử cần suy xét nghiêm chỉnh và đúng đắn như vầy: “Bằng cách nào để chúng ta biết được Giáo pháp của Đức Phật? Chúng ta không nên đánh mất thời kỳ vàng son - thời kỳ có Phật xuất hiện. Nếu chúng ta bỏ qua, thời chúng ta sẽ chịu khổ lâu dài trong bốn đọa xứ.”
Được làm người may mắn, gặp được cơ hội hiếm hoi là thời kỳ có Phật xuất hiện (Buddh’ uppāda-navamakhaṇa), hãy ghi nhớ điều suy xét trên. Chúc quý vị thực hành ba chánh pháp Giới (sīla) - Định (samādhi) - Tuệ (pañña) cho đến khi chứng đắc đạo quả A-la-hán.
KẾT THÚC CHƯƠNG 2
SỰ XUẤT HIỆN HY HỮU CỦA MỘT VỊ PHẬT
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B