THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]
Một lần nọ chàng trai Sumedha bước lên gác thượng, ngồi kiết già trong gian phòng tĩnh lặng và trầm tư suy quán như sau:
“Đau khổ thay phải sanh vào một kiếp sống mới! Sự tan rã của xác thân này cũng như thế. Đau khổ không kém là phải chết trong tâm trạng si ám, bị tuổi già lấn áp từng ngày.
“Kỳ diệu thay nếu ta từ bỏ xác thân này mà chẳng chút quan tâm, chẳng qua thân này chỉ là một khối uế trược gồm nước tiểu, phẩn, máu, mủ, mật, đàm, v.v...
“Chắc chắn phải có một con đường dẫn đến Niết bàn tịch tịnh, không còn con đường nào khác. Ta sẽ tìm ra con đường tốt đẹp dẫn đến Niết bàn, như thế ta mới thoát khỏi xiềng xích của kiếp sống.
“Trong thế gian này, nếu có đau khổ tất phải có hạnh phúc. Cũng vậy, đã có vòng luân hồi đau khổ, ắt phải có Niết bàn chấm dứt đau khổ.
“Lại nữa, có nóng thì phải có lạnh. Cũng thế, có ba thứ lửa tham, sân và si thì ắt phải có Niết bàn dập tắt ba thứ lửa ấy
“Lại nữa, nếu có tội thì ắt phải có phước. Cũng vậy, đã có sự tái sanh thì cũng phải có Niết bàn, mà nơi đó không còn mầm mống tái sanh.
Sau khi đã suy xét như thế, vị ấy tiếp tục suy nghĩ sâu sắc hơn.
“Chẳng hạn có người bị rơi xuống hố xí và bị dính đầy phẩn, anh ta nhìn thấy từ xa có hồ nước trong, mặt hồ phủ kín bởi năm loại hoa sen. Nếu đã thấy hồ sen rồi, mà anh ta không tìm đường đi đến đó, thì không phải do hồ sen mà do chính anh ta. Cũng vậy, có cái hồ lớn chứa nước Niết bàn bất tử, nơi đó người ta có thể rửa sạch mọi phiền não trong tâm, và nếu người ta không tầm cầu hồ nước Niết bàn bất tử ấy, thì không phải do Niết bàn.
“Lại nữa, nếu một người bị kẻ thù bao vây mà không tìm cách trốn chạy, thì anh ta không thể thoát thân và lỗi không phải do con đường thoát. Cũng vậy, nếu một người bị kẻ thù là những pháp ô nhiễm bao vây mà không muốn bỏ chạy, dù trước mặt có hiện rõ con đường lớn dẫn đến thành phố an bình là Niết bàn, nơi mà người ta được an toàn thoát khỏi những kẻ thù ô nhiễm, thì lỗi không phải do con đường ấy.
“Lại nữa, nếu một người lâm trọng bịnh mà không chữa trị dù có một vị lương y giỏi thì vị lương y ấy không thể bị chê trách. Cũng vậy, nếu một người bị đau đớn bởi chứng bịnh là những pháp ô nhiễm hành hạ mà không tìm kiếm vị đạo sư để chữa trị, dù vị đạo sư là người đã thuần thục trong việc đoạn trừ các pháp ô nhiễm này, vị đạo sư không thể bị chê trách.”
Sau khi suy nghỉ như vậy, Sumedha quán xét thêm về sự xả bỏ thân mình:
“Cũng như người mang quanh cổ xác chết của con rắn, vất bỏ cái xác hôi tanh ấy và tự do đi đâu tùy thích. Cũng vậy, ta sẽ đi đến thành phố Niết bàn sau khi từ bỏ cái thân xác hôi hám này, tấm thân chỉ toàn là những vật bất tịnh và thối tha này.
“Lại nữa, giống như những người sau khi đã đại tiện ở nhà xí, bỏ đi mà không hề quay đầu lại. Cũng vậy, ta sẽ đi đến thành phố Niết bàn sau khi bỏ lại tấm thân đầy những vật thối tha và dòi bọ này.
“Lại nữa, cũng như người chủ của chiếc thuyền cũ kĩ, mục nát và đầy những chỗ rò rỉ, đã bỏ nó với tâm nhờm gớm. Cũng vậy, ta sẽ đi đến thành phố Niết bàn sau khi từ bỏ tấm thân luôn tuôn ra những vật bất tịnh.
“Lại nữa, giống như một người mang của báu mà không biết mình đi chung với bọn cướp. Khi biết được, bèn bỏ của báu và trốn chạy đến chỗ an toàn. Cũng vậy, với ý nghĩ sẽ bị tước mất những vật báu chính là các phước thiện khiến ta sợ hãi. Ta sẽ từ bỏ tấm thân này - nó giống như tên cướp. Ta sẽ tìm con đường đến Niết bàn, nơi chắc chắn sẽ đem lại sự an ổn và hạnh phúc cho ta.”
Chú thích: Khi người ta suy nghĩ sái quấy, bị tham, sân sai khiến thì thân này sẽ hành động như tên cướp, nó làm những việc tội lỗi như sát sanh, trộm cắp, v.v... và cướp mất cơ hội làm phước. Vì thế thân này giống như một tên cướp.
Sau khi suy xét về sự xuất ly như vậy qua những ví dụ so sánh, bậc trí tuệ Sumedha lại suy nghĩ một lần nữa như vầy: “Sau khi đã dành dụm, tích lũy bấy nhiêu của cải, cha ông và tổ tiên qua bảy đời của ta đều chết đi mà chẳng mang theo được một đồng xu nào. Nhưng ta có cách mang theo số của cải này theo ta đến Niết bàn.” Rồi vị ấy đi đến đức vua và tâu lên rằng:
“Tâu bệ hạ, vì tâm của thảo dân bị đè nặng bởi nỗi sợ hãi to lớn về những điều hiểm nguy và đau khổ phát sanh từ những pháp như sanh, già, v.v... nên thảo dân muốn rời bỏ đời sống gia đình và trở thành một ẩn sĩ. Thảo dân có số của cải trị giá nhiều koṭi. Xin bệ hạ hãy sở hữu lấy chúng.”
“Trẫm không cần của cải của ngươi. Ngươi có thể sử dụng chúng bằng cách nào tùy thích.” Đức vua đáp lại.
“Lành thay, tâu bệ hạ.”
Sumedha đã nói như vậy và cho người gióng trống khắp thành
Amaravati, công bố rằng: “Ai muốn của cải thì đến lấy.”
Vị ấy phân phát hết của cải đồng đều đến mọi người, không phân biệt sang hèn, cô độc hay không cô độc.
Sau khi đã thực hiện sự bố thí vĩ đại như vậy, bậc trí tuệ Sumedha, vị đương lai Phật bèn từ bỏ thế gian ra đi, với ý định đến Hy-mã-lạp- sơn, ngọn núi Dhammika trong ngày hôm ấy. Sakka, vua của chư thiên, trông thấy vị ấy đi đến Hy-mã-lạp-sơn sau khi từ bỏ thế gian, bèn gọi Vissukamma đến và nói rằng: “Này Vissukamma, bậc trí tuệ Sumedha đã từ bỏ thế gian và sắp xuất gia làm ẩn sĩ, ngươi hãy đi tạo cho vị ấy một ẩn xá”.
“Lành thay, thưa thiên chủ.”, Vissukamma phụng mệnh thiên chủ. Rồi vị ấy hóa ra một vòng rào bao quanh khu vực ẩn xá, ở giữa vị ấy tạo dựng một thảo am khả ái và một con đường kinh hành toàn hảo.
(Tác giả giải thích con đường toàn hảo là con đường không bị năm khuyết điểm):
1. Đất gồ ghề, không bằng phẳng.
2. Có nhiều cây to, chắn trên đường đi.
3. Lùm bụi che phủ lối đi.
4. Quá hẹp.
5. Quá rộng.
(Rồi tác giả mô tả con đường kinh hành và nêu ra kích thước của nó:
- Dài 60 hắc tay (Hắc tay là đoạn dài từ cùi chỏ đến đầu ngón tay giữa).
- Con đường gồm ba lối: Lối giữa rộng hơn hai lối hai bên. Lối chính rộng một hắc tay rưỡi, và mỗi lối phụ rộng một hắc tay. Toàn con đường kinh hành có rải cát trắng trên bề mặt, bằng phẳng.
(Tác giả còn kể ra tám điều lợi ích dành cho vị ẩn sĩ khi trú ngụ trong một ẩn xá đúng pháp. Tám lợi ích đó là:
1. Không tích lũy của cải và ngũ cốc
2. Tìm kiếm vật thực vô tội.
3. Chỉ dùng vật thực thanh tịnh.
4. Không ưu phiền do bị đè nặng bởi việc đóng thuế và gìn giữ tài sản.
5. Không bị tham luyến đồ dùng, vật trang sức, v.v...
6. Không sợ bị bọn cướp.
7. Không cộng trú với vua quan.
8. Đi đâu cũng tự tại.
(Ngoài ra, tác giả còn thêm rằng ẩn xá do Vissukamma tạo ra, thuộc loại khiến cho người cư ngụ ở đó dễ dàng thực hành các pháp của vị Sa-môn, và giúp đạt được Tuệ quán về bản chất của các pháp như vô thường, khổ và vô ngã) mà không gặp nhiều khó khăn. Ẩn xá như vậy có cả phòng trú, hang động, có những loại cây ra hoa và cây ăn trái, lại có hồ nước trong lành và mát ngọt. Đó là chỗ thanh tịnh, không bị các loại thú rừng quấy nhiễu và chim chóc làm ồn.
(Trong thảo am cũng có những đồ dùng của vị Sa-môn như dù, y phục, bình nước, v.v... Sau khi làm xong ẩn xá, Vissukamma viết lên vách trong thảo am rằng: “Ai muốn trở thành Sa-môn thì có thể dùng tất cả những thứ nầy.” Rồi vị ấy trở về cõi chư thiên.
Khi đến chân Hy-mã-lạp-sơn, bậc trí tuệ Sumedha đi dọc theo các ngọn đồi và khe núi, tìm kiếm một chỗ thích hợp, và tiện lợi cho việc trú ngụ. Ở đó tại khúc quanh của một con sông, thuộc khu vực của ngọn núi Dhammika, vị ấy trông thấy một ẩn xá khả ái do Visukamma tạo dựng theo mệnh lệnh của Sakka. Vị ấy chậm rải đi trên con đường kinh hành, nhưng không thấy có dấu chân người, vị ấy suy nghĩ: “Chắc là người cư ngụ trong ẩn xá này đang nghỉ trong thảo am sau khi khất thực về.” Sau khi nghĩ như vậy, Sumedha chờ đợi một lát.
Sau khi chờ đợi khá lâu nhưng không thấy dấu hiệu của người cư ngụ, bậc trí tuệ Sumedha bèn suy nghĩ: “Ta đợi cũng đã lâu. Bây giờ ta sẽ dò xét xem có ai cư ngụ ở đây không.” Vị ấy mở cửa và đi vào thảo am. Sau khi nhìn quanh, vị ấy thấy có câu ghi chú trên vách và nghĩ: “Những vật dụng này sẽ có ích cho ta. Ta sẽ dùng chúng và trở thành một vị Sa-môn.” Khi đã quyết định như vậy và sau khi quán xét chín điều bất lợi về y phục của người cư sĩ với mười hai điều lợi ích của chiếc y vải bố, vị ấy cởi bỏ y phục trên người và mặc vào chiếc y bằng vải bố.
Khi đã cởi bỏ y phục sang trọng của mình, bậc trí tuệ Sumedha bèn cầm lấy chiếc y vải bố có màu vàng đỏ như loài hoa Anoja. Vị ấy thấy chiếc y đã được xếp gọn gàng để sẵn trên một cái mắc tre. Vị ấy mặc nó vào quanh thắt lưng. Bên trên vị ấy mặc thêm một chiếc y vải bố khác có màu huỳnh kim, rồi vắt lên vai trái tấm da màu đen của con sơn dương, có đủ 4 cái móng, trông giống như luống hoa Punnāga. Vị ấy đặt chiếc khăn trùm đầu lên búi tóc và dùng cái trâm bằng ngà voi để ghim nó lại. Khi cầm lên chiếc đòn gánh, ở một đầu cong của nó, vị ấy treo cái lưới dây có nút thắt trông giống như những viên ngọc trai và đặt vào trong cái lưới ấy cái bình nước có màu san hô. Ở đầu kia của đòn gánh, vị ấy treo cái móc dài (dùng để hái trái cây), một cái giỏ, một cái giá ba chân bằng gỗ v.v... Rồi đạo sĩ Sumedha gánh lên vai tất cả những vật dụng cần thiết của vị Sa-môn. Tay phải cầm lấy chiếc gậy đi đường, vị ấy ra khỏi thảo am. Trong khi đang đi tới đi lui trên con đường kinh hành dài 60 hắc tay, đạo sĩ nhìn ngắm bộ y phục mới trên người và cảm thấy đắc chí với ý nghĩ rằng:
“Ước muốn trong lòng ta đã được trọn vẹn, Đời sống Sa-môn của ta thật huy hoàng,
Xưa nay các bậc trí tuệ: chư Phật Toàn giác và Độc giác đều khen ngợi đời sống xuất gia,
Sự trói buộc của đời sống tại gia đã bị đoạn diệt,
Ta đã an toàn ra khỏi thế giới dục lạc,
Ta đã đi vào đời sống cao quý của vị Sa-môn, Ta sẽ trau dồi và thực hành đời sống phạm hạnh,
Đầy tinh tấn, sẽ đạt được những lợi ích của sự thực hành phạm hạnh.”
Rồi đạo sĩ để xuống gánh vật dụng và ngồi trên một tảng đá màu ngọc thạch, dáng ngồi rực rỡ như pho tượng vàng, và trải qua suốt ngày ở đó.
Đến chiều tối, đạo sĩ đi vào thảo am. Khi nằm trên tấm ván bên cạnh chiếc ghế dài bằng tre, vị ấy ngủ và dùng những chiếc y đắp thay chăn. Vào sáng sớm, đạo sĩ thức dậy và suy xét về những lý do và hoàn cảnh của mình trong môi trường ấy.
“Sau khi thấy được những điểm bất lợi trong đời sống tại gia, ta đã từ bỏ của cải to lớn, những nguồn lợi vô hạn, tùy tùng và gia nhân. Ta đã đi vào rừng sâu núi thẳm và trở thành vị Sa-môn với mong muốn tầm cầu phước báu có thể giúp ta thoát khỏi những cạm bẫy của dục lạc. Từ nay trở đi, ta sẽ không dể duôi. Có ba loại y nghĩ sái quấy, đó là:
- Ý nghĩ dựa trên lòng ham muốn (kāma-vitakka) hướng đến dục lạc.
- Ý nghĩ dựa trên lòng giận ghét (vyāpāda-vitakka) dẫn đến sát sanh, phá hoại, làm hại.
- Ý nghĩ dựa trên lòng ác hiểm (vihimsā-vitakka) dẫn đến việc làm hại và gây thương tích cho người khác.
Những ý nghĩa này giống như những con ruồi bám theo những kẻ dể duôi và những kẻ từ bỏ pháp hành đoạn diệt ô nhiễm trong tâm và pháp ly dục đối với thân. Bây giờ là lúc để ta dốc sức thực hành pháp viễn ly (paviveka).
Thực vậy, nhờ thấy những bất lợi trong đời sống tại gia, nó gây cản trở và làm hư hại pháp tu tiến nên ta đã từ bỏ thế gian. Thảo am này quả thật khả ái. Nền nhà bằng phẳng này có màu vàng óng. Các vách của nó lấp lánh màu bạc trắng. Lá lợp mái nhà có màu đỏ xinh đẹp như chân của chim bồ câu. Chiếc trường kỷ bằng tre có kiểu mẫu của một tấm drap giường tạp sắc. Nơi cư ngụ này sống thật thoải mái. Ta nghĩ rằng những thứ xa hoa trong chỗ ngụ trước kia của ta cũng không thể trội hơn những tiện nghi trong thảo am này.” Quán xét như vậy xong rồi, vị ấy phân tích tám điều bất lợi của đời sống trong thảo am và mười điều lợi ích của đời sống dưới cội cây. Kết quả là trong chính ngày hôm ấy, đạo sĩ rời bỏ thảo am đi đến cội cây.
Sáng hôm sau, đạo sĩ Sumedha đi vào ngôi làng lân cận để khất thực. Dân làng cố gắng hết sức để dâng cúng đến vị ấy vật thực thượng vị. Sau khi thọ thực xong, vị ấy trở về ẩn xá, suy tư như sau:
“Ta trở thành Sa-môn không phải vì đồ ăn thức uống. Những thứ ngon, đẹp và sang quý làm cho ta trở nên kiêu căng, ngã mạn. Phiền toái không ngừng khởi sanh do nhu cầu của sự nuôi mạng bằng vật thực. Tốt nhất là ta nên từ bỏ thức ăn bằng ngũ cốc và chỉ sống bằng trái cây rụng.”
Từ đó trở đi, đạo sĩ chỉ sống bằng trái cây đã rụng xuống đất. Từ bỏ tư thế nằm, vị ấy tinh tấn hành thiền bằng ba oai nghi đi, đứng, ngồi và đến cuối của ngày thứ bảy, đạo sĩ Sumedha chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông (abhiñña).
Bài kinh Buddhavaṃsa đã kể lại câu chuyện này - từ lúc bậc trí tuệ Sumedha, vị đương lai Phật, thực hành pháp bố thí của cải to lớn cho đến khi vị ấy trở thành đạo sĩ và chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông như:
1. Evā haṃ cintayitvāna, ‘nekakoṭisataṃ dhanaṃ Nātthanātthānaṃ datvāna, Himavantam upagamiṁ.
2. Himavantassāvidūre, Dhammiko nāma pabbato Assamo sukato mahyaṁ paññāsālā sumāpitā.
3. Caṅkamaṃ tattha māpesiṁ pañcadosavivajjitaṁ Atthaguṇa-samupetaṃ, Abhiññābalam āhāriṁ.
4. Sāṭakam pajahiṁ tattha, navadosam upāgataṁ Vākacīraṁ nivāsesiṁ dvādasaguṇam upāgataṁ.
5.Aṭṭha dosa-samākinnaṁ, pajahiṁ paṇṇasālakaṁ Upāgamiṁ rukhamūlaṁ, guṇe dasah’ upāgataṁ.
6.Vāpitaṁ ropitaṁ dhaññaṁ pajahiṃ niravasesato Anekaguṇa-sampaññāṃ, pavattaphalam ādiyiṁ.
7. Tatthappadhānaṁ padahim, nisajjatthānacaṅkame Abbhantaramhi sattāhe, Abhiññābala pāpuniṁ.
1. Như vậy, này Sāriputta. Ta, Bồ-tát Sumedha, sau khi suy nghĩ như vậy để từ bỏ thế gian, đã bố thí nhiều koti của cải đến người giàu cũng như kẻ nghèo, và ra đi đến Hy-mã-lạp-sơn.
2. Không xa Hy-mã-lạp-sơn, có một ngọn núi tên là Dhammika (là nơi mà những vị Thánh thời xưa thực hành pháp). Ở đó tại khu vực của núi Dhammika, ta đã làm một khuôn viên của ẩn xá và tạo ra một thảo am tốt.
3. Ở đó, tại khu vực của núi Dhammika, ta đã tạo ra một con đường kinh hành không bị năm khuyết điểm. Ta đã tạo ra một chỗ ẩn cư để người tu có được tám điều lợi ích của một vị Sa-môn. Sau khi xuất gia làm đạo sĩ ở đó, ta bắt đầu tu tập các pháp hành về Chỉ và Quán dẫn đến chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông.
4. Ta đã quăng bỏ bộ y phục mà ta đang mặc, nó có chín điều bất lợi. Rồi ta mặc vào chiếc y vải bố có mười hai điều lợi ích.
5. Ta cũng bỏ luôn thảo am, nơi có tám điều bất lợi. Ta đi đến cội cây, nơi có 10 điều lợi ích.
6. Ta hoàn toàn kiên tránh vật thực được làm từ ngũ cốc. Ta dùng
trái cây rụng có nhiều lợi ích.
7. (Không nằm), bằng ba oai nghi đi, đứng, ngồi, ta dốc hết tinh tấn để hành thiền ở đó, tại khu vực ẩn xá. Trong vòng bảy ngày, ta đã chứng Bát thiền và Ngũ thông.
KẾT THÚC CHƯƠNG 4
SỰ XUẤT GIA CỦA SUMEDHA
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B