THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 6

QUÁN XÉT VỀ CÁC PHÁP BA-LA-MẬT

Bồ-tát Sumedha hoan hỷ với những lời thọ ký của Đức Phật Nhiên Đăng và những lời sách tấn của chư thiên và Phạm thiên, đã suy xét như vầy sau khi chư thiên và Phạm thiên ra đi:

“Chư Phật không bao giờ nói hai lời hoặc nói lời vô ích. Lời nói của các Ngài không bao giờ sai sự thật. Chắc chắn ta sẽ thành Phật.

“Như cục đá được ném lên không, chắc chắn sẽ rơi xuống đất. Cũng vậy, lời của chư Phật luôn luôn đúng sự thật, không bao giờ sai chạy. Chắc chắn ta sẽ thành Phật.

“Lại nữa, tất cả chúng sanh đang sống đều phải chết. Cũng vậy, lời của chư Phật luôn luôn đúng sự thật, không bao giờ sai chạy. Chắc chắn ta sẽ thành Phật.

“Lại nữa, khi đêm tàn thì mặt trời chắc chắn sẽ mọc lên. Cũng vậy, lời của chư Phật luôn luôn đúng sự thật, không bao giờ sai chạy. Chắc chắn ta sẽ thành Phật.

“Lại nữa, con sư tử chắc chắn gầm lên khi ra khỏi hang. Cũng vậy, lời của chư Phật luôn luôn đúng với sự thật, không bao giờ sai chạy. Chắc chắn ta sẽ thành Phật.

“Lại nữa, sự sanh chắc chắn theo sau sự thọ sanh. Cũng vậy, lời của chư Phật luôn luôn đúng với sự thật, không bao giờ sai chạy. Chắc chắn ta sẽ thành Phật.”

Sau khi suy xét những ví dụ so sánh này, Sumedha tin chắc rằng vị ấy sẽ chứng đắc Phật quả theo đúng lời tiên tri của Đức Phật Nhiên Đăng. Và vị ấy tự nghĩ:

“Được, ta sẽ tìm kiếm kỹ lưỡng trong pháp giới (liên quan đến 3 cõi) ở khắp mười phương về những pháp dẫn đến sự chứng đắc Phật quả.”

Như vậy vị ấy đã suy nghĩ và tra xét những pháp dẫn đến sự chứng đắc Phật quả (Buddhakara Dhamma).

(a) Bố thí Ba-la-mật

Trong khi Sumedha đang trầm ngâm tra xét các pháp để thành Phật, vị ấy khám phá pháp đầu tiên là pháp Bố thí Ba-la-mật. Đó là pháp mà chư vị Bồ-tát quá khứ luôn thực hành và nó giống như đại lộ dẫn đến vương quốc Phật quả.

Rồi vị ấy tự nhắc nhở mình như vầy: “Này Sumedha, nếu ngươi muốn chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí thì trước tiên ngươi nên thường xuyên an trú trong pháp Bố thí Ba-la-mật và nỗ lực thực hành viên mãn pháp ấy.”

Vị ấy tiếp tục sách tấn mình như vầy: “Khi một cái bình đựng đầy nước bị lật úp thì nó sẽ đổ hết nước không sót một giọt nào. Cũng vậy, này Sumedha, ngươi nên bố thí đến tất cả mọi người từ hạ lưu, trung lưu đến thượng lưu mà không giữ lại gì cho mình.”

(b) Giới Ba-la-mật

Sau khi đã tìm ra và quán xét về Bố thí Ba-la-mật. vị ấy tiếp tục suy quán như vầy: “Chỉ Bố thí Ba-la-mật thì không thể hình thành những yếu tố thành Phật. Chắc phải có những yếu tố khác để làm chín muồi đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí. Ta sẽ xét chúng.”

Khi vị ấy đã tra xét như vậy, vị ấy khám phá ra Giới là pháp Ba-la- mật thứ hai mà chư Bồ-tát quá khứ đã luôn tu tập và thực hành viên mãn.

Vị ấy tự sách tấn mình như vầy: “Này Sumedha, nếu ngươi muốn chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí, thì ngươi nên thường xuyên an trú trong Giới Ba-la-mật và cố gắng thành công trong việc thực hành viên mãn Giới Ba-la-mật.”

Vị ấy tiếp tục sách tấn mình: “Con bò Tây Tạng dám liều thân mạng để bảo vệ cái đuôi của nó. Nếu cái đuôi vướng vào vật gì thì trong khi tháo gở nó, con bò thà chết chứ không làm tổn thương cái đuôi. Cũng vậy, này Sumedha, ngươi nên thọ trì giới trong bốn tịnh xứ, đó là: (1) Patimokhasaṃvara, (2) Indriyasaṃvara, (3) Ajivaparisuddhi, và (4) Paccayasannissita. Chúng làm nền tảng cho các việc phước. Như con bò Tây Tạng dám liều thân mạng để bảo vệ cái đuôi của nó, ngươi cũng nên thường xuyên bảo vệ giới của mình.”

(c) Xuất ly Ba-la-mật

Sau khi khám phá và suy xét về Giới Ba-la-mật, vị ấy tiếp tục quán xét như vầy: “Riêng hai pháp Ba-la-mật này không thể hình thành những yếu tố thành Phật. Chắc phải có những yếu tố khác nữa để làm chín muồi đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí. Ta sẽ tra xét chúng.”

Khi vị ấy tra xét như vậy, vị ấy khám phá ra Xuất ly là Ba-la-mật thứ ba mà chư Bồ-tát quá khứ đã luôn luôn tu tập và thực hành viên mãn.

Rồi vị ấy tự sách tấn mình: “Này Sumedha, nếu ngươi muốn chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí, ngươi nên thường xuyên an trú trong Xuất gia Ba-la-mật và cố gắng thành công trong việc thực hành pháp Xuất ly Ba-la-mật.”

Vị ấy tự sách tấn mình: “Một người bị giam tù trong thời gian lâu dài và luôn luôn chịu cực hình, chỉ tìm cơ hội trốn thoát. Cũng vậy này Sumedha, ngươi nên xem tất cả mọi kiếp sống trong ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới là ngục tù và phải tìm cách xuất ly để thoát khỏi những kiếp sống này”.

(d) Trí tuệ Ba-la-mật

Sau khi khám phá và suy xét pháp Xuất ly Ba-la-mật, vị ấy tiếp tục quán xét như vầy: “Riêng ba pháp này không thể hình thành những yếu tố thành Phật. Chắc phải có những yếu tố khác nữa để làm chín muồi đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí. Ta sẽ tra xét chúng.”

Khi tra xét như vậy, vị ấy khám phá Trí tuệ là Ba-la-mật thứ tư mà chư vị Bồ-tát quá khứ đã luôn luôn tu tập và thực hành viên mãn.

Rồi vị ấy tự sách tấn mình như vầy: “Này Sumedha, ngươi muốn chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí, ngươi phải thường xuyên an trú trong Trí tuệ Ba-la-mật và cố gắng thành công trong việc thực hành trí tuệ Ba-la-mật.”

Vị ấy tiếp tục sách tấn mình: “Một vị tỳ khưu trên đường đi khất thực, nhận đủ vật thực nhờ khất thực từng nhà, dù họ là hạ lưu, trung lưu hay thượng lưu. Cũng vậy, này Sumedha, ngươi phải luôn đi đến những người đa trí, bất kể chiều sâu trí tuệ của họ là bao nhiêu, và hỏi họ những sự kiện và tất cả vấn đề cần thiết bằng cách nêu những câu hỏi như: Thưa Ngài, điều gì là phước? Điều gì không phải là phước? Điều gì là tội? Điều gì không phải là tội? v.v… Ngươi nên nỗ lực để thành tựu viên mãn pháp Trí tuệ Ba-la-mật. Khi ngươi được thành tựu như vậy rồi, ngươi sẽ chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.”

(e) Tinh tấn Ba-la-mật

Sau khi khám phá và suy xét về pháp Trí tuệ Ba-la-mật, vị ấy tiếp tục quán xét như vầy: “Riêng bốn pháp này không thể hình thành những yếu tố thành Phật. Chắc chắn phải có những yếu tố khác nữa mới đủ để làm chín muồi đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí. Ta sẽ tra xét chúng.”

Khi tra xét như vậy, vị ấy khám phá Tinh tấn là Ba-la-mật thứ năm mà chư Bồ-tát quá khứ luôn luôn tu tập và thực hành viên mãn.

Rồi vị ấy tự sách tấn mình như vầy: “Này Sumedha, nếu ngươi muốn chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí thì ngươi phải thường xuyên an trú trong pháp Tinh tấn Ba-la-mật và cố gắng thành công trong việc thực hành Tinh tấn Ba-la-mật.”

Vị ấy tiếp tục sách tấn mình: “Khi đi, đứng hoặc khi ẩn núp thì con sư tử, chúa tể của muôn thú luôn luôn có sự tinh tấn không thối chuyển trong các tư thế rùng mình, đứng, đi và luôn luôn cảnh giác. Cũng vậy, này Sumedha, ngươi phải thường xuyên làm khơi dậy tinh tấn của ngươi trong tất cả mọi kiếp sống. Khi ngươi đã thành tựu viên mãn Tinh tấn Ba-la-mật, ngươi sẽ chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.”

(f) Nhẫn nại Ba-la-mật

Sau khi khám phá và suy xét về pháp Tinh tấn Ba-la-mật, vị ấy tiếp tục quán xét như vầy: “Riêng năm pháp Ba-la-mật này không thể hình thành những yếu tố thành Phật. Chắc phải có những yếu tố khác mới đủ làm chín muồi đạo quả Phật và Nhất thiết trí. Ta sẽ tra xét chúng.”

Rồi vị ấy tự sách tấn mình như vầy: “Này Sumedha, nếu ngươi muốn chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí, ngươi phải thường xuyên an trú trong Nhẫn nại Ba-la-mật một cách bền bỉ, không thối chuyển, chứ không phải khi khoan dung độ lượng, khi không; hoặc đối với một số người thì nhẫn nại, còn số khác thì không. Nếu ngươi có thể thực hành như vậy thì ngươi có thể chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.”

Vị ấy tiếp tục sách tấn mình: “Quả đất này chẳng hề tỏ dấu hiệu thương hay ghét đối với tất cả những thứ được vứt bỏ lên nó, dầu sạch hay dơ, tốt đẹp hay hôi thối. Cũng vậy này Sumedha, ngươi nên nhẫn nại đối với tất cả những hành động được cư xử với ngươi dù đó là sự khen ngợi, tôn xưng hoặc chỉ trích, khinh miệt. Khi ngươi thực hành viên mãn Ba-la-mật này rồi, ngươi sẽ chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.”

(g) Chân thật Ba-la-mật

Sau khi khám phá và suy xét về pháp Nhẫn nại Ba-la-mật, vị ấy tiếp tục quán xét như vầy: “Riêng sáu pháp Ba-la-mật không thể hình thành những yếu tố thành Phật. Chắc chắn phải có những yếu tố khác mới đủ để làm chín muồi đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí. Ta sẽ tra xét chúng.”

Khi tra xét như vậy, vị ấy khám phá ra Chân thật, là Ba-la-mật thứ bảy mà chư Bồ-tát quá khứ luôn luôn tu tập và thực hành viên mãn.

Rồi vị ấy tự sách tấn mình như vầy: “Này Sumedha, nếu ngươi muốn chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí thì ngươi phải thường xuyên an trú trong Chân thật Ba-la-mật, tức là chỉ nói lời chân thật và không nói nước đôi - thật thật hư hư. Nếu ngươi thực hành viên mãn Chân thật Ba-la-mật này bằng cách chỉ nói lời chân thật thì ngươi sẽ chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.

Vị ấy tiếp tục sách tấn mình: “Ngôi sao mai là ngôi sao dẫn đường, luôn luôn đi đúng quỹ đạo của nó, không bao giờ đi lệch ra khỏi quỹ đạo dù thời tiết thế nào chăng nữa, mưa hay nắng. Cũng vậy, này Sumedha, ngươi không nên đi lệch ra ngoài con đường chân thật. Con đường này gồm tám phần, tức là:

1. Những điều ngươi thấy.

2. Những điều ngươi nghe.

3. Những điều ngươi cảm giác (ngửi, nếm, đụng chạm.)

4. Những điều ngươi biết.

5. Những điều ngươi không thấy.

6. Những điều ngươi không nghe.

7. Những điều ngươi không cảm giác.

8. Những điều ngươi không biết.

Khi ngươi thực hành viên mãn Chân thật Ba-la-mật này rồi, ngươi sẽ chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.

(h) Quyết định Ba-la-mật

Sau khi khám phá và tra xét pháp Chân thật Ba-la-mật, vị ấy tiếp tục xét như vầy: “Riêng bảy pháp này không thể hình thành những yếu tố thành Phật. Chắc chắn phải có những yếu tố khác nữa mới đủ để làm chín muồi đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí. Ta sẽ tra xét chúng.”

Khi tra xét như vậy, vị ấy khám phá ra Quyết định là Ba-la-mật thứ tám mà chư Bồ-tát quá khứ luôn luôn tu tập và thực hành viên mãn. Rồi vị ấy tự sách tấn mình như vầy:

“Này Sumedha, nếu ngươi muốn chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí, ngươi phải thường xuyên an trú trong quyết định Ba-la-mật. Khi ngươi đã thực hành viên mãn một cách vững chắc không dao động Quyết định Ba-la-mật này rồi, ngươi sẽ chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.”

Vị ấy tiếp tục sách tấn mình: “Một ngọn núi đá to lớn nằm ở vùng đất cứng, không thể bị những cơn cuồng phong làm lung lay. Cũng vậy, này Sumedha, những việc phước mà ngươi đã quyết định làm thì phải luôn thực hiện, không được bỏ qua. Khi ngươi đã thực hành viên mãn Quyết định Ba-la-mật này rồi, ngươi sẽ chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.”

(i) Tâm từ Ba-la-mật

Sau khi khám phá và suy xét về pháp Quyết định Ba-la-mật, vị ấy tiếp tục quán xét như vầy: “Riêng tám pháp này không thể hình thành những yếu tố thành Phật. Chắc chắn phải có những yếu tố khác nữa mới đủ để làm chín muồi đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí. Ta sẽ tra xét chúng.”

Khi tra xét như vậy, vị ấy khám phá ra Tâm từ là Ba-la-mật thứ chín mà chư Bồ-tát quá khứ đã luôn luôn tu tập và thực hành viên mãn.

Khi vị ấy tự sách tấn mình: “Này Sumedha, nếu ngươi muốn chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí, ngươi phải thường xuyên an trú trong Tâm từ Ba-la-mật và phải cố gắng trau dồi, thực hành pháp thiền về từ ái theo phương pháp vượt trội nhất.

Vị ấy tiếp tục sách tấn mình: “Nước thường đem lại sự mát mẻ cho những người tắm rửa, không phân biệt kẻ ác người thiện. Này Sumedha, ngươi phải phát triển thiện ý đồng đều đến những người có ý tốt và cả người có ý không tốt đối với ngươi. Khi ngươi đã thực hành viên mãn Tâm từ Ba-la-mật này rồi, ngươi sẽ chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.”

(j) Hành xả Ba-la-mật

Sau khi khám phá và suy xét về pháp Tâm từ Ba-la-mật, vị ấy tiếp tục quán xét như vầy: “Riêng chín pháp này không thể hình thành những yếu tố thành Phật. Chắc chắn phải có những yếu tố khác nữa mới đủ để làm chín muồi đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí. Ta sẽ tra xét chúng.”

Khi tra xét như vậy, vị ấy khám phá ra Hành xả là Ba-la-mật thứ mười mà chư Bồ-tát quá khứ luôn luôn tu tập và thực hành viên mãn.

Rồi vị ấy tự sách tấn mình: “Này Sumedha, hai quả cân giữ thăng bằng không nghiêng về bên nào. Cũng vậy nếu ngươi giữ tâm quân bình, trầm tĩnh khi đối mặt với hạnh phúc và đau khổ, ngươi sẽ chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.

Vị ấy tiếp tục sách tấn mình: “Này Sumedha, đại địa này không tỏ dấu hiệu thương ghét đối với tất cả những vật được quăng bỏ trên nó dầu sạch sẽ hoặc hôi thối. Cũng vậy, này Sumedha, ngươi phải luôn luôn giữ tâm quân bình, không bị tác động bởi thương và ghét. Khi ngươi đã thực hành viên mãn Hành xả Ba-la-mật này rồi, ngươi sẽ chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí.

Đại địa chấn động sau những dòng tâm suy xét về các pháp Ba-la-mật của đạo sĩ Sumedha

Sau khi đã suy xét về Hành xả Ba-la-mật để làm chín muồi chứng đạo quả Tuệ và Nhất thiết trí, và đắc thành Phật mà một vị Bồ-tát phải thực hành viên mãn, chính xác là mười pháp này. Ngoài những pháp Ba-la-mật này, không còn pháp Ba-la-mật nào khác. Và mười pháp Ba-la-mật này là những pháp cần thiết để chứng đắc đạo quả Phật, chúng không tồn tại ở ngoài ta, không ở trên trời hay dưới đất, chúng cũng không ở hướng đông hay bất cứ hướng nào khác. Thật ra, chúng ở trong tâm ta. Khi đã suy nghĩ như vậy, vị ấy hối thúc mình: “Này Sumedha, hãy thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật này, là những pháp thù thắng dẫn đến đạo quả Phật. Đừng thối chuyển.”

Rồi vị ấy xem xét lại mười pháp Ba-la-mật theo thứ tự xuôi: Bố thí, Trì giới, Xuất ly, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Tâm từ và Hành xả. Rồi vị ấy quán ngược lại như vầy: Hành xả, Tâm từ, Quyết định, Chân thật, Nhẫn nại, Tinh tấn, Trí tuệ, Xuất ly, Trì giới và Bố thí. Sau đó vị ấy quán xuôi từng nhóm hai pháp bắt đầu từ hai pháp giữa: Tinh tấn và Nhẫn nại - Trí tuệ và Chân thật - Xuất ly và Quyết định – Trì giới và Tâm từ - Bố thí và Hành xả. Rồi vị ấy quán lại chúng bắt đầu bằng hai pháp đầu và cuối: Bố thí và Hành xả - Trì giới và Tâm từ - Xuất ly và Quyết định - Trí tuệ và Chân thật - Tinh tấn và Nhẫn nại. Như vậy vị ấy đã quán mười pháp Ba-la-mật kỹ lưỡng như cái máy ép dầu nghiền nát những hạt dầu để sản xuất ra dầu.

Vị ấy đã quán tất cả những vấn đề liên quan đến các pháp Ba-la- mật cần thiết cho việc chứng đắc Phật quả: Dứt bỏ những thứ ngoài thân là sự thực hành Ba-la-mật bình thường (pāramī). Dứt bỏ tứ chi là sự thực hành Ba-la-mật bậc cao (Upa-pāramī). Dứt bỏ mạng sống là sự thực hành Ba-la-mật tối cao (Paramattha-pāramī).

Do năng lực được tạo ra bởi sự tra xét về mười pháp Ba-la-mật với đầy đủ các đặc tánh và phận sự của chúng, đại địa trong mười ngàn thế giới nghiêng về bên phải và bên trái, tới trước và ra sau, nhào xuống và trồi lên, và nó đã chao động dữ dội theo những cách này. Nó cũng tạo ra những âm thanh vang dội, những tiếng đùng đùng dậy đất vang trời. Như cái máy ép mía được quay bởi những người thợ hoặc như bánh xe quay của cái máy ép dầu, đại địa này đã quay cuồng chấn động.

Như đã trình bày ở phần sau chương nói về Sumedha, sau khi công bố lời tiên tri đến đạo sĩ Sumedha, Đức Phật Nhiên Đăng đi vào thành phố Rammavatī và đến với dân cư đã thỉnh Ngài thọ thực. Khi Đức Phật đang thọ thực, thì Sumedha đang quán xét lần lượt mười pháp Ba-la-mật và đại địa chấn động sau khi vị ấy vừa quán xong. Do quả đất chấn động dữ dội, khiến tất cả dân chúng đang hầu hạ bữa thọ thực đến Đức Phật không thể đứng vững. Như những cây Sa-la to lớn bị quất ngã bởi những cơn đại hồng phong từ núi Yugandhara đổ xuống, họ ngã xuống đất trong trạng thái bàng hoàng và choáng váng.

Tại chỗ để vật thực cúng dường, hằng ngàn cái nồi đựng vật thực và hằng trăm chum nước đã va đập nhau và bị vỡ ra thành từng mảnh.

Bị dao động mạnh, sợ hãi và hốt hoảng, dân chúng cùng nhau đi đến Đức Phật Nhiên Đăng và bạch rằng: “Kính bạch Đức Thế Tôn, bậc có năm con mắt trí tuệ, hiện tượng này là điềm tốt hay xấu? Một thảm họa đã đến với tất cả chúng con. Cầu xin Đức Thế Tôn diệt trừ mọi sợ hãi cho chúng con!”

Khi ấy Đức Thế Tôn đáp rằng: “Đừng sợ hãi về sự chấn động do đại địa gây nên. Đừng lo sợ gì cả. Chẳng có gì phải sợ hãi. Ngày hôm nay Ta đã tiên tri cho Sumedha rằng trong tương lai vị ấy sẽ thành Bậc Chánh Đẳng giác trong thế gian. Vị ấy đã quán xét về mười pháp Ba- la-mật mà chư Phật quá khứ đã thực hành viên mãn. Do những lần suy quán về mười pháp Ba-la-mật, cần thiết cho việc chứng đắc đạo quả Phật, không bỏ sót một pháp nào, nên đại địa này của mười ngàn thế giới đã rung chuyển dữ dội như thế.” Như vậy Đức Phật Nhiên Đăng đã giải thích rõ về nguyên nhân của sự địa chấn và khẳng định với họ rằng không có tai họa nào xảy ra.

Chư thiên và Phạm thiên bày tỏ sự tôn kính đến Sumedha

Dân chúng thành Rammavati tức thì yên tâm và không còn lo sợ khi nghe những lời của Đức Phật Nhiên Đăng. Ngược lại, họ rất hoan hỷ, mang hoa và các vật thơm cùng lễ vật cúng dường, kéo nhau ra khỏi thành phố, đi đến Sumedha và bày tỏ sự tôn kính đến đạo sĩ Sumedha bằng những lễ vật cúng dường, rồi đảnh lễ vị ấy.

Đạo sĩ Sumedha, sau khi quyết định thực hành Bồ-tát đạo, đã quán niệm về các ân đức của bậc Chánh Biến Tri. Tâm vị ấy vững chắc hướng về Đức Phật Nhiên Đăng làm lễ rồi đứng dậy, từ chỗ ngồi kiết già.

Khi đạo sĩ Sumedha đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cả chư thiên và nhân loại tôn kính vị ấy bằng cách rải lên vị ấy những bông hoa mà chư thiên và nhân loại đem theo.

Sau đó họ nói lên những lời tán dương và khích lệ: “Kính thưa bậc ẩn sĩ cao quý, Ngài đã phát nguyện thành đạt quả vị cao quý, là đạo quả Phật. Chúc Ngài được viên thành bổn nguyện”.

“Cầu mong rằng tất cả tai ương và chướng ngại đang chực chờ Ngài thảy đều tiêu diệt và không bao giờ xảy ra. Cầu mong tất cả những lo âu và tật bịnh thảy đều biến mất và Ngài sẽ không bao giờ gặp chúng. Cầu mong không có tai họa nào xảy đến với Ngài. Cầu chúc Ngài sớm chứng đắc đạo quả Tuệ và Nhất Thiết trí!”

“Hỡi Đấng đại anh hùng! Như những cây nở hoa đúng mùa trong thế gian này. Cũng vậy, cầu chúc Ngài nở những bông hoa pháp như Tứ vô sở uý tuệ (Catu-vesārajja-ñāṇa)1, Lục bất cộng trí (Cha- asādhārana-ñāṇa)2 và Thập lực trí (Dasabala-ñāṇa), v.v… là những thành quả của tất cả chư Phật.”

“Hỡi Đấng đại anh hùng! Hãy thực hành viên mãn mười pháp Ba- la-mật như tất cả chư Phật đã làm. Cầu chúc Ngài có thể thực hiện được!”

“Hỡi Bậc đại anh hùng! Như tất cả chư Phật đã thông đạt Tứ Diệu Đế dưới cội cây bồ đề, Cũng vậy, cầu chúc Ngài trở thành một vị Phật sau khi thông đạt Tứ Diệu Đế dưới cội cây bồ đề, là địa danh của sự chiến thắng!”

“Hỡi Đấng đại anh hùng! Như tất cả chư Phật đã từng Chuyển pháp luân, cầu chúc Ngài có thể quay bánh xe pháp bằng việc thuyết bài Pháp đầu tiên!

Như trăng rằm sáng tỏ, không bị năm vật che mờ do sương phía dưới bốc lên, sương trên mây rơi xuống, do thần Rahu và khói. Cũng vậy, cầu chúc Ngài xuất hiện rực rỡ giữa mười ngàn thế giới với nguyện ước được viên thành!

Như mặt trời thoát khỏi miệng Asura, chiếu sáng rực rỡ. Cũng vậy, cầu chúc Ngài chiếu sáng rực rỡ bằng oai lực của một vị Phật sau khi thoát khỏi tất cả mọi kiếp sống!

Như tất cả mọi con sông đều đổ ra biển. Cũng vậy, cầu mong tất cả chư thiên và nhân loại đều đến với Ngài!”

Bằng cách này, chư thiên và nhân loại đã công bố sự vinh quang của vị ấy và nói những lời cầu nguyện may mắn.

Đạo sĩ Sumedha sau khi được khích lệ như vậy với đầy đủ những lời chúc lành và sự ngưỡng mộ, đã đi vào Hy-mã-lạp-sơn với quyết tâm tu tập và thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật.

KẾT THÚC CHƯƠNG 6

CÂU CHUYỆN VỀ SUMEDHA


Chú thích:


1. Catū-vesārajja-ñāṇa - Tứ Vô Sở Uý Tuệ

a. Antarāyikadhamme vā jānatā: Tuệ thông suốt những yếu tố làm chướng ngại sự chứng đắc Niết bàn.

b. Niyyānikadhamme passatā: Tuệ thấy rõ những yếu tố dẫn đến sự thoát khỏi vòng sanh tử.

c. Kilesārīnaṃ hatā arahatā: Tuệ đoạn diệt kẻ thù phiền não.

d. Sammā samañ ca sabbadhammānaṃ buddhattā sammāsambuddhena: Nhất thiết trí.

2. Cha-asādhārana-ñāṇa - Lục Bất Cộng Trí

a. Indriyaparopariyatta-ñāṇa: Trí biết rõ các giai đoạn phát triển trong các quyền của chúng sanh.

b. Āsayānussaya-ñāṇa: Trí biết rõ những khuynh hướng tiềm ẩn của chúng sanh để hóa độ họ (tức Tuỳ miên trí).

c. Yamakapāṭihāriya-ñāṇa: Song thông trí.

d. Mahākarunā- ñāṇa: (Đại bi trí), trí liên quan đến tâm đại bi đối với chúng sanh.

e. Sabbaññuta- ñāṇa: Nhất thiết trí.

f. Anāvaraṇa-ñāṇa: Vô chướng trí.

Hết Tập 1, Phần 1


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]