THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]
Nhóm mười đức bao gồm: Bố thí, Trì giới, v.v...được gọi là Ba-la-mật.
Vị Bồ-tát có 10 đức này như: Bố thí, Trì giới, v.v…, được gọi là bậc tối cao về nhân cách phi thường “Parama”. Do đó, căn cứ vào nền tảng này, từ nguyên của Ba-la-mật là: Paramānaṃ bhāvo - tánh chất của những nhân vật phi thường. Nó xuất phát từ hai pháp: Trí tuệ của những người thấy và biết chúng như thật và lời nói của những người thấy và biết như thật. Một từ nguyên khác là: Paramānaṃ kammaṃ (công việc của những nhân vật phi thường). Do đó, con đường thực hành của họ bao gồm: Bố thí, Trì giới, v.v... được gọi là Ba-la-mật.
Thứ tự của mười pháp Ba-la-mật cần biết rõ qua bài kệ sau đây:
Dānaṃ sīlañ ca nekkhammaṃ paññā vīriyena pañcamaṃ khantī saccaṃ adhiṭṭhānaṃ mettupekkhā ti te dasa.
Bố thí, Trì giới, Xuất gia,
Trí tuệ, Tinh tấn là pháp thứ năm,
Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Từ tâm và Hành xã.
Tất cả những pháp này làm thành mười (Ba-la-mật).
(Mỗi Ba-la-mật có ba loại là Pāramī - Ba-la-mật thông thường, Upa-pāramī - Ba-la-mật bậc cao và Paramattha-pāramī - Ba-la-mật tối cao. Ví dụ: Bố thí có 3 loại:
(1) Dāna pāramī: Bố thí Ba-la-mật thông thường.
(2) Dāna upapāramī: Bố thí Ba-la-mật bậc cao.
(3) Dāna paramatthapāramī: Bố thí Ba-la-mật bậc tối cao.
Giới Ba-la-mật và những Ba-la-mật còn lại cũng có 3 loại như thế.
Như vậy, chi tiết thì có tất cả 30 Ba-la-mật.
Sự khác nhau giữa Pāramī - Upapāramī - Paramatthapāramī
Nói về ba loại này: (1) những tài sản riêng của một người như vàng, bạc v.v... và những thành viên trong gia đình, vợ và con cái của người ấy. (2) những chi thể lớn nhỏ của người ấy như tay, chân v.v... và (3) mạng sống của người ấy trước tiên. Như vậy, về Bố thí thì: (1) vật thí về tài sản là dāna-pāramī, (2) vật thí về chi thể lớn nhỏ là dāna-upapāramī và (3) vật thí về sinh mạng là dāna- paramatthapāramī.
Tương tự: (1) Hy sinh của cải để bảo vệ Giới, (2) Hy sinh chi thể lớn nhỏ để bảo vệ Giới, và (3) Hy sinh mạng sống để bảo vệ Giới. Ba pháp trên là Sīla-pāramī, Sīla-upapāramī, Sīla-paramatthapāramī. Tám Ba-la-mật còn lại cũng được phân loại như thế. Muốn biết quan điểm khác nhau của các nhà Chú giải, hãy tra cứu ở bài trình bày về chữ “ko vibhago” trong bộ luận Pakiṇṇaka kathā của Chú giải Hạnh tạng - Cariyā Piṭaka .
Sự mạng chung tự nguyện do quyết định tâm của chính mình được gọi là Thắng giải tử - loại tử xảy ra ngay khi vị Bồ-tát khởi quyết định hay phát nguyện: “Xin cho cái chết đến với tôi.” Cái chết như vậy chỉ có thể xảy ra đối với chư vị Bồ-tát mà thôi. Những hạng chúng sanh khác thì không thể được.
Một vị Bồ-tát tái sanh, khi vào cõi chư thiên hoặc Phạm thiên nơi có thọ mạng rất lâu dài nên vị ấy thấy rằng sống ở cõi trời sẽ không có cơ hội để thực hành các pháp Ba-la-mật, và cảm thấy đời sống lâu dài như vậy trong cõi chư thiên thật là buồn chán. Thế nên sau khi đi vào cung điện chư thiên của mình, vị ấy nhắm mắt lại và phát nguyện: “Cầu cho mạng quyền của ta chấm dứt ở đây,” ngay tức thì vị ấy tiếp cận với cái chết và mạng chung từ cõi chư thiên ấy. Thật vậy, quyết định của vị ấy thành hiện thực, một phần do vị ấy vì không còn hứng thú với thân nên đã đặc biệt tạo duyên cho dòng sống của thân bằng cách đạt đến Trí tuệ bậc cao (nghĩa là muốn sanh vào cõi nào thì tích cực tạo những nghiệp thích hợp để được sanh vào cõi ấy dễ dàng), phần khác là do quyết định của vị ấy dựa trên lòng đại bi ngập tràn đối với chúng sanh - là quyết định có sức mạnh và thuần tịnh.
Vị ấy kiểm soát tâm như thế nào cũng kiểm soát hành động như thế ấy. Do đó khi mạng chung bằng cái chết tự nguyện như vậy, vị ấy tái sanh vào cõi người làm thái tử, Bà-la-môn theo ý thích để vị ấy có thể viên mãn bất cứ pháp Ba-la-mật nào vị ấy muốn. Bồ-tát Gotama của chúng ta đã sống rất nhiều kiếp ở cõi Phạm thiên mà thiền chứng của Ngài không bị hoại, Ngài chỉ sống một thời gian ngắn ở cõi Phạm thiên để sanh về cõi người và trau dồi các pháp Ba-la-mật.
Chữ kappa được nói đến trong bài kinh Buddhavaṃsa như sau: “Kappe ca satasahasse, caturo ca asankhiye” v.v...
Thời gian của một đại kiếp không thể tính bằng số năm tháng được. Nó chỉ được biết bằng sự suy luận. Giả sử có một cái kho ngũ cốc bề dài, rộng và cao đều 1 do-tuần, chứa đầy hạt cải. Một trăm năm người ta lấy đi một hạt, cho đến khi số hạt cải đã lấy đi hết sạch, nhưng thời gian của một đại kiếp vẫn chưa hết. Như vậy, có thể suy luận rằng đại kiếp là một thời gian vô cùng dài. Nhưng ngày nay cách nghĩ về đại kiếp như vậy đã bị quên lãng, thay vào đó, người ta suy luận một đại kiếp bằng số hạt bụi trên quả đất.
Kappa có 6 loại: Mahā kappa, Asaṅkheyya kappa, Antara-kappa, Āyu- kappa, Hāyana-kappa, Vaddhana-kappa.
Một đại kiếp (Mahā-kappa) gồm có 4 A-tăng-kỳ kiếp (Asaṅkheyya- kappa).
(1) Hoại kiếp (Saṃvaṭṭa-kappa)
(2) Hoại trụ kiếp (Saṃvaṭṭaṭṭhāyī-kappa)
(3) Thành kiếp (Vivaṭṭa-kappa)
(4) Thành trụ kiếp (Vivaṭṭaṭṭhāyī-kappa)
Như vậy bốn A-Tăng-kỳ-kiếp này được gọi là Saṃvaṭṭa- asaṅkheyya-kappa, Saṃvaṭṭaṭṭhāyī-asaṅkheyya-kappa, Vivaṭṭa- asaṅkheyya-kappa, Vivaṭṭaṭṭhāyī-asaṅkheyya-kappa, tất cả hình thành một Mahā-kappa.
Trong 4 A-tăng-kỳ-kiếp này:
Hoại kiếp là thời gian bắt đầu từ trận mưa lớn báo trước sự tiêu hoại của kiếp, cho đến khi các ngọn lửa tắt hết nếu kiếp bị hoại do lửa; hoặc cho đến khi các cơn lũ rút hết nếu kiếp bị tiêu hoại do nước; hoặc cho đến khi các cơn bão chấm dứt.
Hoại trụ kiếp là thời gian bắt đầu từ lúc thế giới đã bị hoại cho đến khi có trận mưa lớn báo trước sự hình thành một thế giới mới.
Thành kiếp là thời gian bắt đầu từ đám mưa lớn báo trước sự hình thành một thế giới mới cho đến khi xuất hiện mặt trời, mặt trăng, sao và các hành tinh.
Thành trụ kiếp là thời gian bắt đầu từ sự xuất hiện của mặt trời, mặt trăng, sao và các hành tinh cho đến khi có đám mưa lớn báo trước sự tiêu hoại của thế giới.
Như vậy có hai loại mưa hoại kiếp:
Loại thứ nhất là đám mưa lớn ở bất cứ kiếp nào khi kiếp sắp tiêu hoại do lửa, nước hoặc gió. Trước hết có một đám mưa lớn xối xả trút xuống khắp vũ trụ sắp bị hoại. Sau cơn mưa lớn ấy, dân chúng bắt đầu trồng trọt... Khi cây mọc đủ lớn cho gia súc có thể ăn thì mưa mới tạnh hẳn. Đó là đám mưa báo trước sự tiêu hoại của kiếp.
Loại thứ hai cũng là một đám mưa lớn nhưng nó trút xuống khi một kiếp sắp bị hoại bởi nước. Nó không phải là đám mưa bình thường, mà là một đám mưa rất khác thường, vì nó có công năng phá tan cả một ngọn núi đá hóa thành tro bụi.
(Một bài mô tả tỉ mỉ về sự tiêu hoại của kiếp do lửa, nước hoặc gió được nêu ra ở chương Pubbenivāsā-nussati Abhiññā trong bộ Visuddhimagga). Bốn A-tăng-kỳ trên có chiều thời gian dài bằng nhau, nhưng không thể lấy năm để tính được. Đó là lý do khiến chúng có tên là A-tăng-kỳ kiếp (những kiếp có chiều thời gian không tính được).
Bốn A-Tăng-kỳ kiếp này hình thành một đại kiếp (Mahā kappa).
Vào lúc bắt đầu của Thành trụ kiếp (lúc bắt đầu của thế giới) con người sống đến vô số tuổi (asaṅkheyya). Dần dà tâm của họ bị chế ngự bởi các pháp ô nhiễm như tham, sân v.v... và kết quả là thọ mạng của họ dần dần giảm xuống chỉ còn 10 tuổi. Khoảng thời gian giảm dần tuổi thọ như vậy được gọi là Hāyana kappa - Suy kiếp.
Ngược lại, do sự sanh khởi và Tăng trưởng của các thiện pháp như Tứ vô lượng tâm, tức là từ, bi, v.v ... thọ mạng các thế hệ con cháu của họ dần dần Tăng lên đến vô số tuổi (A-tăng-kỳ tuổi). Thời kỳ gia tăng thọ mạng từ mười tuổi đến A-tăng-kỳ tuổi được gọi là Vaddhana- kappa - Tăng thịnh kiếp (Muốn biết thêm chi tiết về loại thời kỳ Tăng thịnh của loài người, hãy xem bài kinh Cakkavatti trong phẩm Pāthika Vagga của Trường bộ kinh).
Hai thời kỳ suy và thịnh về tuổi thọ của con người gọi là một Trung kiếp – Antara-kappa.
Vào lúc bắt đầu của thế giới, khi thọ mạng của loài người từ A- tăng-kỳ tuổi xuống còn mười tuổi, một sự thay đổi của kiếp (kappa) xảy ra. Nếu sự suy giảm do trạng thái Tham, đặc biệt trội hơn các trạng thái khác thì nạn đói xảy ra và tất cả những người ác sẽ chết trong 7 ngày cuối cùng của kiếp Suy. Vòng thời gian như vầy gọi là Kiếp đói (Dubbhikkhantara-kappa).
Nếu sự suy giảm do bởi trạng thái hoang mang đặc biệt lấn lướt, thì những loại bệnh dịch sẽ xảy ra và tất cả những người ác sẽ chết trong vòng 7 ngày của kiếp Suy. Vòng thời gian như vậy được gọi là Bịnh Kiếp (Rogantara-kappa).
Nếu sự suy giảm thọ mạng do bởi trạng thái “sân hận” đặc biệt lấn lướt, nạn binh đao chém giết lẫn nhau sẽ xảy ra và tất cả những người ác sẽ chết trong những ngày cuối cùng của kiếp Suy. Vòng thời gian như vậy được gọi là Đao trượng kiếp (Satthantara-kappa).
Tuy nhiên, theo bộ Visuddhimagga Mahāṭika thì Bịnh kiếp do bởi trạng thái tham lấn lướt. Đao trượng kiếp do trạng thái sân lấn lướt và Cơ kiếp (kiếp Đói) do trạng thái hoang mang lấn lướt.
Giai đoạn Trung kiếp được giải thích một cách khác: trước khi tất cả bị hoại do lửa, nước và gió ở cuối thời kỳ Thành trụ kiếp và bất kỳ khi nào thọ mạng còn 10 năm, tất cả những kẻ ác sẽ bị diệt bởi nạn đói, bệnh và binh đao.
Tai họa xảy ra trong 7 ngày cuối cùng của một trung kiếp, các tên Bịnh kiếp, Đao trượng kiếp được đặt ra cho thời bất hạnh xảy đến với những người ác có thọ mạng mười tuổi (không phải toàn thế giới) ở một xứ sở nào đó như một thị trấn hay một ngôi làng. Nếu bệnh dịch xuất hiện, chúng ta nói rằng Bệnh kiếp xảy ra ở vùng đó. Nếu xảy ra chiến tranh, chúng ta nói rằng Đao trượng kiếp xảy ra ở vùng đó. Nếu xảy ra nạn đói, chúng ta nói rằng Cơ kiếp xảy ra ở vùng đó. Khi cầu nguyện, người ta nêu ra ba loại nạn kiếp và cầu nguyện thoát khỏi ba đại nạn này.
Trải qua 64 trung kiếp (mỗi trung kiếp gồm có một kiếp tăng và một kiếp giảm), Thành trụ kiếp chấm dứt. Vì không có chúng sanh nào (cõi người và các cõi chư thiên) trong suốt kiếp hoại, kiếp hoại trụ, và kiếp thành nên những kiếp này không được xem là trung kiếp. Nhưng cần chú ý rằng mỗi A-tăng-kỳ kiếp này lâu bằng 64 trung kiếp.
Thọ kiếp nghĩa là thời kỳ được tính theo thọ mạng của thời kỳ ấy. Nếu thọ mạng là một trăm năm thì một thế kỷ là một thọ kiếp. Nếu một ngàn năm thì một thiên niên kỷ là một thọ kiếp.
Khi Đức Phật nói: “Này Ānandā, Ta đã tu tập Tứ thần túc (Iddhipadas), nếu muốn Ta có thể sống hết một kiếp hoặc lâu hơn.” Kiếp ở đây được xem là thọ kiếp, là thọ mạng của con người sống trong thời kỳ ấy. Bộ Aṭṭhakathā Nipāta của Chú giải Tăng chi bộ giải thích rằng Đức Phật tuyên bố như vậy nghĩa là Ngài có thể sống đến một trăm năm hay lâu hơn một ít, nếu Ngài muốn vậy.
Tuy nhiên, trưởng lão Mahāsiva lại nói rằng: “Thọ kiếp - āyukappa ở đây được xem là đại kiếp (Mahā-kappa) gọi là bhaddaka. Vị ấy nói như vậy vì vị ấy cho rằng nghiệp (kamma) dẫn đến sự tái sanh trong kiếp cuối cùng của một vị Phật, có năng lực kéo dài thọ mạng của vị Phật ấy đến vô số năm hay A-tăng-kỳ tuổi và trong các bài kinh Pāli có nêu ra rằng Āyupālakaphalasamāpatti - Quả chứng tạo điều kiện và kiểm soát danh mạng quyền được gọi là thọ hành (āyusaṅkhāra) có thể xua tan tất cả mọi điều nguy hại. Nhưng quan điểm của Trưởng lão không được các nhà Chú giải công nhận.
Bộ Saṅkhabhedakkakkhandhaka của Tiểu Phẩm Luật tạng (Vinaya Cūlavagga) giải thích rằng: “Vị tỳ khưu phạm tội chia rẽ Tăng bị tái sanh vào địa ngục, nơi mà khổ dồn dập tiếp nối và phải thọ khổ ở trong đó suốt kiếp.” Kiếp ấy là thọ mạng của A tỳ địa ngục, là cõi thấp nhất bị khổ liên tục. Câu này được giải thích từ Chú giải. Thọ mạng của chúng sanh ở địa ngục A-tỳ bằng một phần tám mươi của 1 đại kiếp (Mahā-kappa) theo bộ Terasakaṇḍa-Tika, là Phụ chú giải nhiều tập của Luật tạng. Cũng theo tác phẩm ấy, một phần tám mươi của thời gian dài ấy nên được xem là một trung kiếp của chúng sanh ở địa ngục A-tỳ. Như vậy một đại kiếp gồm 80 trung kiếp theo cách tính của chúng sanh ở địa ngục A-tỳ.
Có thể phân loại như sau:
- Một đại kiếp gồm 4 A-tăng-kỳ kiếp.
- Một A-tăng-kỳ kiếp gồm 64 trung kiếp. Cho nên một đại kiếp tương đương với 256 trung kiếp (64 x 4) theo cách tính ở cõi người.
Nếu lấy 256 / 80 = 32. Như vậy một trung kiếp của chúng sanh ở địa ngục A-tỳ tương đương với 32 trung kiếp của chúng sanh cõi người (ở địa ngục A-tỳ không có kiếp thành và kiếp hoại như ở cõi người bởi vì đó là cõi luôn luôn khổ nên cuối của mỗi trung kiếp không có ba đại nạn: đói, dịch hoặc binh đao. Một phần tám mươi của đại kiếp là trung kiếp của chúng sanh ở cõi A-tỳ địa ngục, cũng là thọ mạng của chúng sanh. Do đó, một trung kiếp của địa ngục A-tỳ bằng 32 trung kiếp của chúng sanh ở cõi người.
Bằng cách này, có thể nói rằng một A-tăng-kỳ kiếp bằng 64 kiếp của nhân loại và 20 trung kiếp của chúng sanh ở địa ngục A-tỳ. Do đó, như một số bộ kinh Pāḷi (Như bộ Visuddhimagga Mahātīkā, v.v...) nói rằng một A-tăng-kỳ kiếp chứa 64 hoặc 20 trung kiếp, nhưng con số đó không khác nhau. Điểm khác biệt của hai con số trên chỉ nằm ở cách tính mà thôi. Nên nhớ rằng hai con số ấy có thời gian như nhau.
Một điều đáng chú ý là câu nói trong bộ Sammohavinodanī, Chú giải của bộ Abhidhamma Vibhaṅga. Trong bài Chú giải của bộ Ñāṇa- vibhaṅga, có đoạn nói rằng: “Chỉ có Saṅghabhedaka-kamma (Nghiệp chia rẻ Tăng) mới dẫn đến khổ quả trong suốt kiếp. Nếu một người mang tội như vậy mà đọa vào địa ngục A-tỳ vào lúc bắt đầu, hoặc vào chặng giữa của kiếp (kappa) thì người ấy ra khỏi địa ngục chỉ khi nào kiếp tiêu hoại. Nếu tái sanh vào cõi khổ ấy ngày hôm nay và nếu kiếp tiêu hoại vào ngày mai, như thế người ấy thọ khổ chỉ một ngày thôi và sẽ được thoát địa ngục vào ngày mai. Nhưng không có khả năng như vậy.
Do câu nói này, có một số người đưa ra ý kiến rằng “Nghiệp chia rẽ Tăng dẫn đến địa ngục suốt cả đại kiếp. Người phạm tội này thoát khỏi địa ngục chỉ khi nào kiếp tiêu hoại. Sự thật thì câu nói kappaṭṭhitiyo (kéo dài suốt kiếp) được giải thích trong bộ Chú giải Vibhaṅga chỉ là cách nói chung chung; không nhấn mạnh chữ mahā – kappaṭṭhitiyo (kéo dài suốt đại kiếp). Sự diễn đạt kappaṭṭhitiyo dựa trên câu kệ trong Vinaya Cūlavana như vầy: “Sau khi phá hoại sự hòa hợp của Tăng, người kia thọ khổ trong địa ngục suốt kiếp”. Do đó kiếp ở đây được xem là Thọ kiếp (Āyukappa) chứ không phải Đại kiếp (Mahākappa). Ở chương 13 của bộ Chú giải (Kathāvatthu), khi đề cập về kiếp có đoạn nói rằng: “Câu kệ được biên soạn liên quan đến Thọ kiếp của chúng sanh ở địa ngục A-tỳ là một phần tám mươi của đại kiếp.”
Đại kiếp được phân chia thành hai loại:
1. Suñña-kappa: Không kiếp là kiếp mà chư Phật không xuất hiện -
tức là kiếp không có Phật
2. Asuñña-kappa: Phi không kiếp là kiếp có chư Phật xuất hiện
Dù chư Phật không xuất hiện ở Không kiếp nhưng vẫn có xuất hiện chư Phật Độc giác và các vị Chuyển luân vương. Điều này suy ra từ bài kinh Upāli Thera ở phần đầu của bộ Tỷ Dụ (Apadāna).
Trong bài kinh Upāli Thera và Chú giải của kinh nói rằng hai đại kiếp trước kiếp này, hoàng tử Khattiya, con trai của vua Añjasa - trên đường đi từ ngự viên, đã xúc phạm Đức Phật Độc Giác Devila. Không có bộ kinh nào đề cập đến sự xuất hiện của Đức Phật Toàn Giác trong kiếp đó. Chú giải của bài kinh Bhaddaji Thera của bộ Apadāna, cũng nói rằng trưởng lão đã từng dâng vật thực đến năm trăm vị Phật Độc Giác trong thời kỳ Không kiếp. Qua những bộ kinh này, điều rõ ràng là chư Phật Độc Giác xuất hiện trong thời kỳ Không kiếp. Lại nữa, bài kinh Kusumā Sariya Thera của bộ Apadāna nêu ra rằng: “Ngay sau đại kiếp đó, Kusumāsaniya đương lai sanh làm Chuyển luân vương.” Bài kinh Tiṇasanthara Thera của bộ kinh ấy cũng nói rằng: “Trong đại kiếp thứ hai trước đại kiếp này, trưởng lão Tiṇasanthara đã sanh làm Chuyển luân vương tên là Migasammata”. Như vậy, trong những Không kiếp cũng xuất hiện các vị Chuyển luân vương.
Phi không kiếp, kiếp mà chư Phật xuất hiện được phân thành năm loại: (a) Sāra kappa, (b) Maṇḍa kappa, (c) Vara-kappa, (d) Saramaṇḍa kappa, (e) Bhadda kappa.
Trong năm loại này:
a. Sāra-kappa: kiếp chỉ có một vị Phật xuất hiện.
b. Maṇḍa-kappa: kiếp có hai vị Phật xuất hiện.
c. Vara-kappa: kiếp có ba vị Phật xuất hiện.
d. Sāramaṇḍa-kappa: kiếp có bốn vị Phật xuất hiện.
e. Bhadda-kappa: kiếp có năm vị Phật xuất hiện.
Kiếp mà Đạo sĩ Sumedha sanh vào dòng Bà-la-môn là kiếp có tên Sāramaṇḍa kappa - có bốn vị Phật xuất hiện trong đại kiếp ấy. Thành phố Amaravati được thành lập sau sự xuất hiện của ba vị Phật, đó là Taṇhaṅkara. Medhaṅkara và Saranaṅkara. Vị Phật xuất hiện sau đó là Dīpaṅkara.
Amara có nghĩa là “Chư thiên” (chúng sanh bất tử) và vatī nghĩa là “sự sở hữu”. Như vậy Amaravatī nghĩa là thành phố do chư thiên sở hữu hay thành phố của chư thiên.
Trong bộ Bhesajjakkhandhaka của Đại phẩm Luật tạng (Vinaya Mahāvagga) và một số chỗ khác giải thích rằng, ngay khi hai vị Bà-la- môn Sunidha và Vassakāra ra kế hoạch thành lập thành phố thì chư thiên Pātaliputta đến trước và phân chia các lô đất cho nhau. Những lô đất do chư thiên có quyền lực lớn chiếm hữu thì trở thành chỗ ngụ của các vị hoàng tử, các vị quan thần và những vị trưởng giả có địa vị cao; những lô đất do chư thiên có quyền lực bực trung chiếm hữu thì trở thành chỗ ngụ của những người có địa vị bậc trung; những lô đất do chư thiên có ít quyền lực chiếm hữu thì trở thành chỗ ngụ cho những người có địa vị thấp.
Từ câu nói này, có thể cho rằng chư thiên đã đến từng đoàn để lập nên những chỗ ngụ cho họ và chiếm hữu nơi mà đại kinh đô sẽ được thành lập. Amaravatī >có tên như vậy để nói lên sự có mặt của chư thiên trong thành phố và sự bảo vệ của họ đối với những nơi họ cư ngụ.
Chữ Pāḷi “vatī” có nghĩa là sở hữu nhiều. Trong thế gian này, những người ít tài sản không được gọi là những người giàu có, chỉ những người có nhiều tài sản hơn kẻ khác được gọi như vậy. Do đó, tên Amaravatī cho thấy rằng vì nó là đại kinh đô, nên nó được chiếm ngụ và được bảo vệ bởi số đông chư thiên có quyền lực lớn.
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B