THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 8

MƯỜI TÁM BẤT KHẢ SỬ XỨ

ABHABBAṬṬHĀNA

Đây là mười tám loại kiếp sống mà vị Bồ tát đã được thọ ký sẽ không tái sanh vào. Những vị Bồ tát giống như đạo sĩ Sumedha đều có tám đặc tánh để được thọ ký thành Phật, và sau khi được thọ ký rồi thì không sanh vào 18 loại kiếp sống này trong suốt chuỗi dài luân hồi cho đến khi thành Phật. Những kiếp sống này được nêu ra trong bài diễn giải về kinh Khaggavisana ở bộ Chú giải Sutta Nipāta.

Mười tám kiếp sống là:

(1) Kiếp sanh ra bị mù.

(2) Kiếp sanh ra bị điếc.

(3) Kiếp sanh ra làm người điên dại.

(4) Kiếp sanh ra bị câm.

(5) Kiếp sanh ra bị què.

(6) Kiếp sanh làm người man rợ (bộ lạc).

(7) Kiếp sanh ra từ nữ nô lệ.

(8) Kiếp sanh làm người có tà kiếp cực đoan.

(9) Kiếp sanh làm người có giới tánh chuyển đổi (từ nam qua nữ)

(10) Kiếp sanh làm người phạm ngũ nghịch đại tội.

(11) Kiếp sanh làm người bị phong cùi.

(12) Kiếp sanh làm loài vật nhỏ hơn chim cút.

(13) Kiếp sanh làm ngạ quỷ khuppipāsika, nijjhāmatanhika và A- tu-la kāla-kañcika [khuppipāsika (cơ khát ngạ quỷ) là loài ngạ quỷ luôn luôn bị đói; nijjhāmatanhika (thiêu khát ngạ quỷ) là một loài quỉ khác nữa luôn cảm thọ sự nóng cháy vì thân của nó luôn luôn bốc lửa. Đây là những loại quỉ mà trong kiếp trước chúng đã sanh làm vị tỳ khưu; những loại này đại đức Mục-kiền-liên đã gặp ở trên núi Kỳ xà quật (Gijjhakūta). Kāla kañcika là tên một loại A-tu-la có thân hình cao 3 gāvuta (1 gāvuta = ¼ do tuần, gần 4 km), nhưng vì có ít thịt và máu nên nước da của nó có màu lá úa vàng vỏ, nhợt nhạt, đôi mắt của nó nằm ở trên đầu, lồi ra như mắt của con tôm, miệng của nó nhỏ như cái lỗ khâu kim, cũng nằm trên đầu nên nó phải khom người tới trước để nhặt lấy vật thực.

(14) Kiếp trước sanh vào địa ngục vô gián (avicī) và địa ngục trung gian thế giới (lokantarika nằm giữa ba thế giới sa-bà, đó là chỗ mà những người làm ác phải chịu khổ vì những ác nghiệp mà họ đã gieo tạo trong kiếp trước nên được gọi là trung gian thế giới địa ngục).

(15) Kiếp sanh làm Ma vương (māra) ở cõi trời Tha hóa tự tại.

(16) Kiếp sanh làm Phạm thiên vô tưởng (Asaññasatta) và Phạm thiên ở các cõi Ngũ tịnh cư (Suddhāvāsa)

(17) Kiếp sanh vào các cõi Phạm thiên vô sắc (Arūpa) , và

(18) Kiếp sanh vào thế giới sa-bà khác.

Trong việc liệt kê 18 bất khả sử xứ, bộ Chú giải Aṭṭhasālinī và Chú giải Buddhavaṁsa có một số điểm tương đồng và nhiều điểm tương đồng với bộ Chú giải Sutta nipāta. Trong phần liệt kê 18 chỗ của bộ Chú giải Sutta nipāta, tám chỗ sau đây không có trong bộ Chú giải Aṭṭhasālinī:

(1) Kiếp sanh làm người điên.

(2) Kiếp sanh làm người què bẩm sinh.

(3) Kiếp sanh làm người man rợ.

(4) Kiếp sanh làm người có giới tánh thay đổi.

(5) Kiếp sanh ra từ bào thai của nữ nô lệ.

(6) Kiếp sanh làm người bị phong cùi, và

(7) Kiếp sanh làm Ma vương, và

(8) Kiếp sanh vào thế giới sa-bà khác.

Bộ Chú giải Aṭṭhasālinī không nêu ra con số chính xác về những kiếp sống này và những kiếp sống được liệt kê trong đó mà không có trong bộ Chú giải Sutta Nipāta là:

(1) Kiếp sanh làm nữ nhân.

(2) Kiếp sanh làm người có hai bộ phận sinh dục, một của nam và một của nữ.

(3) Kiếp làm người bị thiến.

(Bảng liệt kê của bộ Chú giải Buddhavaṁsa giống như của bộ Chú giải Aṭṭhālinī.)

Chữ Pāli gọi người có hai bộ phận sinh dục là ubhato vyañjanaka (ubhato nghĩa là “do bởi hai loại nghiệp trong quá khứ, người tạo ra nữ giới tánh và nam giới tánh; vyañjanaka nghĩa là “người có hai bộ phận sinh dục khác nhau”). Người có hai bộ phận sinh dục cũng có hai loại: người nữ và người nam.

Ở người nữ có hai bộ phận sinh dục, những đặc tánh của nữ giới xuất hiện trội hơn; ở người nam có hai bộ phận sinh dục, những đặc tánh của nam giới rõ nét hơn.

Khi người đàn bà có hai bộ phận sinh dục muốn hành dâm với một người đàn bà khác thì bộ phận sinh dục nữ sẽ biến mất và bộ phận sinh dục nam xuất hiện. Khi người đàn ông có hai bộ phận sinh dục muốn hành dâm với người đàn ông khác thì bộ sinh dục nam của anh ta biến mất và bộ sinh dục nữ tự hiện bày.

Người nữ có hai bộ sinh dục có thể mang thai và cũng có thể làm cho người đàn bà khác có thai. Người đàn ông có hai bộ phận sinh dục không thể mang thai, nhưng anh ta có thể làm cho người đàn bà có thai (Chú giải bộ Vinaya Mahāvagga).

Người bị thiến, chữ Pāḷi là paṇdaka (nghĩa là người có bộ phận sinh dục không hữu hiệu), dù là người nam nhưng anh ta không giống với những người đàn ông khác, ở chỗ anh ta không có sự hiệu nghiệm trong các hành động tình dục với nữ giới. Người bị thiến có năm loại:

1. asitta-paṇḍaka: người làm thỏa mãn tình dục bằng cách nút dương vật của người đàn ông khác hoặc dùng miệng nút tinh khí của người đàn ông kia.

2. ussuyya-paṇḍaka: người làm thỏa mãn tình dục của mình bằng cách trộm nhìn đôi nam nữ làm tình và cảm thọ khoái lac trong sự ganh tỵ với họ.

3. opakkamika-paṇḍaka: người bị thiến như các vị họan quan.

4. pakkha-paṇḍaka: người nổi cơn tình dục trong nửa tháng hạ huyền và tạm lắng tình dục trong nửa tháng thượng huyền.

5. napumsaka-paṇḍaka: người sanh ra không có những đặc tánh về tình dục (đó là người sanh không có mười yếu tố về giới tính, có thể gọi là người phi nam phi nữ). Năm loại người này được rút ra từ Chú giải của bộ Vinaya Mahāvagga.

(Nhóm 10 sắc tính gồm có: bốn nguyên chất là đất, nước, lửa, gió cộng thêm màu sắc, mùi, vị, dưỡng chất hay sắc vật thực, mạng quyền và sắc nam hay sắc nữ.)

KẾT THÚC CHƯƠNG 8 MƯỜI TÁM BẤT KHẢ SỬ XỨ

ABHABBAṬṬHĀNA


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]