THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 9

LỊCH SỬ 24 VỊ PHẬT TỔ

2. Koṇḍañña Buddhavaṁsa

(Lịch sử Đức Phật Kiều Trần Như)

Kiếp mà Đức Phật Dīpaṅkarā xuất hiện cuối cùng đã kết thúc. Khi A-tăng-kỳ kiếp (asaṅkheyya) đã trôi qua, sau đó một kiếp mới Đức Phật Kiều Trần Như, Koṇḍañña xuất hiện.

(Dù A-tăng-kỳ là con số không thể tính đếm được, thời gian giữa Đức Phật Nhiên Đăng và Đức Phật Kiều Trần Như, gọi là Buddhantara-asaṅkheyya được hiểu là khoảng thời gian giữa hai vị Phật).

Đây là cách mà Đức Phật Koṇḍañña xuất hiện: Sau khi đã thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật trải qua 60 asaṅkheyya (A-tăng-kỳ) và một trăm ngàn đại kiếp và đang thọ hưởng cuộc sống ở cung trời Đâu Suất (Tusitā), là truyền thống của chư vị Bồ tát. Khi được chư thiên thỉnh cầu giáng sanh cõi người để thành Phật, Ngài đã giáng trần thọ sanh vào lòng của hoàng hậu Sujātā trong hoàng cung của vua Sananda, kinh đô là Rammavati.

(Vào lúc Ngài giáng sanh, ba mươi hai hiện tượng kiết tường đã xảy ra).

Sau mười tháng, Bồ tát đản sanh. Vào lúc Ngài đản sanh, ba mươi hai hiện tượng kiết tường và những sự kiện kỳ diệu khác cũng xảy ra.

(Tất cả những điều này sẽ được nói rõ khi chúng ta đến phần lịch sử của Đức Phật Gotama.)

Đời sống trong hoàng cung

Bởi vì Bồ tát thuộc dòng họ Koṇḍañña nên Ngài có tên là Thái tử Koṇḍañña (Kiều Trần Như). Khi đến tuổi trưởng thành, Ngài thọ hưởng đời sống đế vương trong mười ngàn năm. Sống trong ba cung điện vàng khả ái nhất, là Suci, Suruci và Subha với chánh hậu tên Ruci Devī và được hầu hạ, chăm sóc bởi ba trăm ngàn cung nữ và vũ nữ.

Sự xuất gia

Trong khi thái tử Koṇḍañña đang sống như vậy thì hoàng hậu Ruci Devī hạ sanh một hoàng nam tên Vijitasena. Khi trông thấy bốn điềm tướng: một người già, một người bịnh, một người chết và một vị sa- môn, Bồ tát từ bỏ thế gian, cỡi trên chiếc xe do bốn con tuấn mã kéo.

Sự xuất gia của Thái tử Koṇḍañña khiến cho một trăm triệu người theo gương Ngài xuất gia làm Sa-môn.

Bồ tát Koṇḍañña cùng một trăm triệu Sa-môn thực hành pháp khổ hạnh. Vào ngày Ngài sắp thành đạo, Bồ tát độ món cơm sữa do Yasodharā, con gái của vị trưởng giả ở ngôi làng Sunanda dâng cúng. Ngài trải qua suốt ngày trong rừng cây Sala của ngôi làng ấy, và đến chiều Ngài bỏ lại tất cả những vị Sa-môn tùy tùng, một mình đi đến cây bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Sunanda dâng cúng, và ngay khi vừa trải xong mớ cỏ dưới cội cây Salakalyāni thì Vô địch bảo tọa (Aparājita Pallaṇka), cao năm mươi bảy hắc tay xuất hiện.

Sự thành đạo

Ngồi kiết già trên bảo tọa, Bồ tát thể hiện tinh tấn ở bốn mức độ và chiến thắng Ma vương cùng với đông đảo binh ma. Ngài chứng Túc mạng thông (Pubbenivāsa ñāṇa) trong canh đầu và Thiên nhãn thông (Dibbacakkhu ñāṇa) trong canh giữa. Trong canh cuối Ngài quán pháp Duyên khởi (Paticcasamuppāda) theo thứ tự xuôi và ngược. Sau đó Ngài nhập vào tứ thiền qua phép niệm Hơi thở (Ānāpāna), xuất khỏi tứ thiền và trong khi quán về Ngũ uẩn, Ngài phân biệt rõ năm mươi đặc tánh liên quan đến sự sanh và diệt của các uẩn và phát triển Tuệ minh sát (Vipassanā) đến Chuyển tộc tuệ (Gotrabhū ñāṇa), chứng đắc A-la-hán đạo tuệ (Arahatta-magga ñāṇa) và thông đạt tất cả mọi ân đức của một vị Phật. Ngài chứng Phật quả tối thượng vào lúc mặt trời vừa mọc.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Koṇḍañña Dhammābhisamaya

Sau khi chứng đắc Phật quả, Đức Phật trải qua bốn mươi chín ngày trong bảy chỗ quanh khu vực của cây bồ đề, mỗi chỗ bảy ngày. Trong tuần lễ thứ tám, Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên để thuyết pháp độ sanh và suy xét ai sẽ được tiếp độ trước nhất. Ngài nhớ đến một trăm triệu Sa-môn đã theo Ngài xuất gia và suy xét về chỗ ở của họ, thấy rằng họ đang ngụ ở khu rừng Devavana, Thiên lâm, của thị trấn Arudhavati, cách cây bồ đề mười tám do tuần. Ngài đem theo y bát và vận dụng thần thông đi đến chỗ của họ.

Nhìn thấy Đức Phật Koṇḍañña từ xa đến, với lòng đầy niềm tịnh tín, một trăm triệu Sa-môn đã đón tiếp Ngài hết mực tôn kính, đỡ lấy y bát của Ngài, sắp xếp chỗ ngồi và cung kính làm lễ Ngài. Sau đó họ ngồi xuống nơi thích hợp, vây quanh Đức Phật.

Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkapavattana Sutta), theo qui luật tất cả chư Phật quá khứ đều làm như vậy.

Đức Phật Koṇḍañña có oai lực vô lượng; có tùy tùng và danh tiếng vô song; có vô số ân đức; tướng mạo của Ngài khiến những kẻ hống hách phải kinh sợ; có sự nhẫn nại như đại địa; giới mạnh mẽ như nước trong đại dương, định vững chắc như núi Tu-di; trí tuệ vô cùng như hư không bao la; luôn luôn chuyên tâm vào việc thuyết giảng Ngũ căn (indriya), Ngũ lực (bala), Thất bồ đề phần (bojjhaṅga), Bát chánh đạo phần (maggaṅga), Tứ Diệu Đế (sacca), là những pháp dẫn đến Giác ngộ, vì lợi ích cho đông đảo chúng sanh.

Trong thời pháp này, một ngàn triệu chư thiên và nhân loại, dẫn đầu là một trăm triệu vị tỳ khưu đều giác ngộ Tứ Thánh Đế.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất mà trong đó Đức Phật thuyết Tứ Diệu Đế đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên).

(2) Vào một dịp khác, Đức Phật thuyết bài kinh Maṅgala Sutta giữa hội chúng đông đảo có chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới đến dự (với cơ thể tinh tế nên đủ chỗ cho họ trong vũ trụ). Tại đạo tràng này, một vị thiên đã nêu lên câu hỏi về các điều hạnh phúc, điều gì mang lại đời sống an lành. Để trả lời vị thiên ấy, Đức Phật thuyết bài kinh Maṅgala Sutta.

Trong thời pháp ấy, chín trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc đạo quả A-la-hán, những vị chứng đạt những quả Thánh thấp hơn thì vô số.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai của Đức Phật về Tứ Diệu Đế đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên).

Sau khi thắng phục các ngoại đạo sư, Đức Phật thị hiện Song thông gồm nước và lửa khi đang đứng giữa hư không, Ngài thuyết pháp khiến tám trăm ngàn triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đều chứng đắc đạo quả A-la-hán. Những vị được an trú trong các tầng Thánh thấp hơn thì vô số.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba của Đức Phật về Tứ Diệu Đế đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên).

Ba kỳ Đại hội Thánh Tăng - Sannipāta

Cũng có ba kỳ đại hội, là những cuộc hội họp của những vị Thinh văn đệ tử của Đức Phật Koṇḍañña.

Kỳ đại hội thứ nhất diễn ra ở khu rừng Canda, Candavati là thành phố bảo hộ Đức Phật khi Ngài an cư kiết hạ lần đầu tiên sau khi thông đạt Tứ Thánh đế, chứng đắc Phật quả.

Trong thành phố ấy có hai chàng trai, một là Bhadda - con trai của Sucindhara, và thứ hai là Subhadda - con trai của Yasodhara; cha của họ đều thuộc dòng dõi gia đình Bà-la-môn rất giàu có. Khi nghe Đức Phật Koṇḍañña thuyết pháp, kết quả hai chàng thanh niên đã phát triển tâm tịnh tín cùng với mười ngàn chàng trai khác xuất gia trước Đức Phật và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Ở đó, hội chúng gồm một ngàn triệu vị A-la-hán, dẫn đầu là trưởng lão Subhadda. Đức Phật đã tụng Pāṭimokkha vào ngày rằm tháng năm (Jettha).

(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)

Một thời gian sau, con trai của Đức Phật - hoàng tử Vijitasena, sau khi trở thành vị tỳ khưu đã chứng đắc đạo quả A-la-hán. Đức Phật tụng Pāṭimokkha giữa hội chúng gồm một ngàn triệu vị A-la-hán do trưởng lão Vijitasena dẫn đầu.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai)

Cuối cùng, vào một dịp khác khi đang du hành về quê hương, Đức Phật Koṇḍañña đã truyền phép xuất gia cho đức vua Udena và tùy tùng của vị ấy. Khi tất cả họ đều chứng đắc đạo quả A-la-hán, Đức Phật cùng chín trăm triệu vị A-la-hán, dẫn đầu là trưởng lão Udena, đã tụng Pāṭimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba)

Đức Phật Koṇḍañña- Kiều Trần Như thọ ký cho Chuyển luân

vương Vijitāvī, tức Bồ tát Gotama

Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama của chúng ta là Chuyển luân vương tên là Vijitāvī, trị vì ở kinh đô Candavati, có đông đảo tùy tùng xuất sắc, vị ấy nắm quyền cai trị toàn thể các dãy đất trên thế giới đến tận cùng bốn đại dương bằng đạo lý chân chánh, không bằng vũ lực hay khí giới.

Đức Phật Koṇḍañña khi đang trên đường du hành cùng với chúng đệ tử gồm một ngàn triệu vị A-la-hán, đã đến thành phố Candavatī. Nghe tin Đức Phật đã đến kinh đô, đức vua Vijitāvī tiếp đón Ngài một cách nồng hậu, sắp xếp chỗ ngụ cho Ngài, mời Ngài và chúng đệ tử đến độ thực vào ngày hôm sau. Vào ngày hôm sau, nhà vua cho sửa soạn vật thực thích hợp và tổ chức lễ cúng dường vật thực rất công phu.

Sau khi độ thực xong, Đức Phật ban pháp thọai để tán dương sự bố thí cúng dường. Cuối thời pháp, đức vua nói lời thỉnh cầu: “Cầu xin chư đại đức Tăng hãy an cư kiết hạ tại thành phố này để ban ân huệ cho bá tánh.” Và vị ấy đã tổ chức những cuộc lễ vô song thí đến chúng tỳ khưu có Đức Phật chủ tọa, trong suốt mùa an cư.

Rồi Đức Phật Koṇḍañña công bố lời tiên tri: “Sau ba và một trăm ngàn đại kiếp kể từ bây giờ, đại vương nhất định sẽ thành Phật.” (Lời tiên tri giống như lời tiên tri của Đức Phật Nhiên Đăng được nêu ra đầy đủ chi tiết trong kinh tạng Pāḷi, đề cập về sự thực hành khổ hạnh và những sự kiện khác; nhưng không được nhắc lại ở đây vì đã được nêu ra trong câu chuyện về ẩn sĩ Sumedha.)

Sau khi đã công bố lời tiên tri, Đức Phật Koṇḍañña tiếp tục thuyết pháp. Khi nghe xong thời pháp, niềm tin của đức vua đối với Đức Phật tăng trưởng mạnh mẽ và vì muốn thành đạt đạo quả Phật, đức vua cúng dường toàn thể vương quốc rộng lớn đến Đức Phật và xuất gia sa-môn trước mặt Ngài. Sau khi đã thông suốt Tam tạng, vị ấy chứng Bát thiền và Ngũ thông. Nhờ vậy khi thân họai mạng chung, Bồ tát tái sanh về cõi Phạm thiên.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Koṇḍañña

Nơi đản sanh của Đức Phật Koṇḍañña là thành phố Rammavatī,

Phụ vương là vua Sunanda, và mẫu hậu là hoàng hậu Sujātā. Hai đại đệ tử là trưởng lão Bhadda và trưởng lão Subhadda. Thị giả là trưởng lão Anuruddha.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão Ni Tissā và trưởng lão Ni Upatissā.

Cây Bồ đề giác ngộ là cây Sālakalyāni.

Hai cận sự nam là Soṇa và Upasoṇa. Hai cận sự nữ là Nandā và Sirimā.

Thân của Ngài cao tám mươi tám hắc tay và chiếu sáng như trăng rằm hoặc như mặt trời giữa trưa.

Thọ mạng của Ngài lúc bấy giờ là một trăm ngàn năm và suốt thời gian dài ấy Ngài cứu độ vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, đưa họ ra khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ lên miền Niết bàn tịch tịnh.

Đức Phật Koṇḍañña khi còn ở thế tục, Ngài có ba cung điện bằng vàng: Suci, Suruci và Subha. Ngài có ba trăm ngàn cung nữ. Chánh hậu tên Rucī và con trai là Vijitasena. Ngài trị vì trong mười ngàn năm.

Ngài đi xuất gia bằng xe tuấn mã. Ngài ngụ ở khu vườn Candārāma khi thành Phật.

Trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Koṇḍañña, quả đất đầy bóng y vàng của những vị A-la-hán, những bậc đã đoạn diệt các lậu hoặc, đã tẩy sạch các pháp ô nhiễm, sáng ngời như bầu trời quang đãng đầy trăng sao.

Các vị A-la-hán là những bậc cao quí nhất. Tâm của các Ngài không còn bị dao động bởi các pháp thăng trầm trong cuộc sống. Những kẻ hung dữ khó đến gần các Ngài. Khi những vị A-la-hán danh tiếng muốn viên tịch, các Ngài bay vào không trung, cao khoảng bảy cây thốt nốt (tựa như ánh chớp xẹt sáng giữa những đám mây đen), các Ngài nhập thiền Kasina với đề mục lửa, rồi thân của các Ngài bốc lửa, phát sáng và các Ngài viên tịch giữa hư không.

Kinh cảm trí - Saṃvega

Oai lực vô song của Đức Phật Koṇḍañña và tâm kiên định thông đạt Nhất thiết trí của Ngài, tất cả đều diệt mất. Các pháp hữu vi quả thật vô ngã, không bền vững!

Bảo tháp

Đức Phật Koṇḍañña, bậc giác ngộ hoàn toàn Tứ Diệu Đế, đã viên tịch đại Niết bàn tại khu vườn Candārāma. Cũng trong khu vườn ấy, ngôi bảo tháp cao bảy do tuần được dựng lên dành cho Ngài.

Xá lợi không thể tan vỡ của Đức Phật đúng với bản chất của các đấng Giác Ngộ có thọ mạng lâu dài, rắn chắc như những pho tượng vàng, không bị vỡ vụn. Những viên Xá lợi này được tôn trí trong bảo tháp và dân chúng khắp nơi của xứ Diêm phù đề đã hoàn thành công việc trang trí bảo tháp với bảy loại đá quí.

Chấm dứt lịch sử Đức Phật Kiều Trần Như -

Koṇḍañña Buddhavaṃsa


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]