THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 9

LỊCH SỬ 24 VỊ PHẬT TỔ

7. Anomadassī Buddhavaṁsa

(Lịch sử Đức Phật Cao Kiến)

Sau đại kiếp có Đức Phật Sobhita xuất hiện thì vô số đại kiếp tiếp theo không có chư Phật xuất hiện, tức Không kiếp (suññata kappa). Và sau vô số không kiếp này đến một đại kiếp, trong đó có ba vị Phật lần lượt xuât hiện, đó là Đức Phật Anomadassī (Cao Kiến), Đức Phật Paduma (Hồng Liên) và Đức Phật Naradā (Na-la-đà).

Vị Phật đầu tiên trong ba vị Phật này là Đức Phật Anomadassī (Cao Kiến).

Sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong mười sáu A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp và cũng như các vị Bồ tát khác, Bồ tát Anomadassī tái sanh vào cung trời Đâu suất. Được chư thiên và Phạm thiên thỉnh cầu, Bồ tát xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của hoàng hậu Yasodharā, vợ của vua Yasavā, tại kinh đô Candavatī.

Một điều kỳ diệu xảy ra. Ngay khi hoàng tử Anomadassī vừa thọ sanh, do phước quá khứ của hoàng tử, ánh sáng phát ra rộng tám mươi hắc tay, vượt trội cả ánh sáng của mặt trời và mặt trăng.

Hoàng hậu hạ sanh hoàng tử Anomadassī tại khu vườn Sucandana sau mười tháng.

Khi Bồ tát còn ở trong bào thai thì châu báu trên trời liên tục rơi xuống gọi là Anoma nên vào ngày đặt tên, hoàng tử được các bậc trí tuệ đặt tên là Anomadassī.

Đời sống ở vương cung

Khi thái tử Anoma đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện: Sirī, Upasirī và Vaḍḍha giống như cung điện ở cõi chư thiên. Bên cạnh là chánh hậu Sirimā với hai mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ và thời gian Ngài trị vì vương quốc trong mười ngàn năm.

Sự xuất gia

Khi Ngài đang sống như vậy thì hoàng hậu Sirimā hạ sanh một hoàng nam tên là Upavāṇa. Trông thấy bốn điềm tướng, Bồ tát thái tử Anomadassī từ bỏ đời sống gia đình, ra đi xuất gia trên chiếc kiệu và trở thành vị Sa-môn. Ba chục triệu người cảm kích về hành động xuất gia của Ngài cũng ra đi xuất gia Sa-môn. Cùng với những vị sa-môn này, Bồ tát thực hành pháp khổ hạnh trong mười tháng.

Sự thành đạo

Sau khi đã thực hành xong pháp khổ hạnh vào ngày rằm tháng tư (Vesākha), ngày thành đạo của Ngài, Ngài đi đến ngôi làng của trưởng giả Anupama để khất thực và độ món cơm sữa do Anopamā, con gái của vị trưởng giả dâng cúng. Trải qua suốt ngày trong khu vườn Sala của ngôi làng ấy và buổi chiều Ngài một mình đi đến cây đại bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Anoma dâng cúng. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ ấy dưới cội cây Ajjuna thì Vô địch bảo tọa cao ba mươi tám hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng binh ma và trên hết, chứng đắc Phật quả, thành bậc Thế Tôn của tam giới.

Sau khi đã cắt đứt những sợi dây ái dục đối với luân hồi và vượt qua các nghiệp dẫn đến ba cõi bằng Nghiệp tận trí của Ngài (kammakkhaya), Đức Phật Anomadassī giờ đây có thể khai thị giáo pháp từ Bát Thánh đạo dẫn đến Niết bàn.

Đức Phật giống như đại dương, có những ân đức không thể nghĩ bàn. Với những ân đức này khiến những kẻ ngang ngạnh khó có thể đến gần Ngài, giống như ngọn núi Meru. Ngài cũng như bầu trời bao la vì những ân đức của Ngài thì vô tận. Rực rỡ với ba mươi hai hảo tướng và tám mươi tướng phụ, Ngài như cây sala nở đầy hoa, tỏa hương thơm ngát.

Chúng sanh hoan hỷ với Đức Phật Anomadassī, nghe Ngài thuyết pháp và chứng đắc Niết bàn vô sanh bất diệt.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Anomadassī (Dhammābhisamaya)

Sau khi thành đạo, Đức Phật trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh khu vực cây bồ đề. Ngài nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên và dò xét chúng sanh trong thế gian bằng Phật nhãn của Ngài - Ý lạc tùy miên trí (Āsayānusaya ñāṇa: trí nhận biết khuynh hướng và căn tánh của chúng sanh); và Căn thượng hạ trí (Indriyaparopariyatti ñāṇa: trí nhận biết các quyền của chúng sanh đã thành thục và chưa thành thục). Rồi Ngài trông thấy ba chục triệu tùy tùng đã cùng xuất gia với Ngài, là những người đã tích tập đầy đủ phước báu trong quá khứ có thể chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Ngài thấy họ đang trú ngụ trong khu vườn Sudassana, gần thành phố Subhavatī, Ngài đi đến đó bằng đường hư không và đáp xuống khu vườn. Và giữa ba chục triệu vị sa- môn, Ngài thuyết bài kinh Chuyển pháp luân với hội chúng gồm nhân loại và chư thiên. Trong dịp ấy, một ngàn triệu chúng sanh thông đạt Tứ Diệu Đế, thoát khỏi luân hồi.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Một dịp khác, khi Ngài đã thị hiện Song thông gần cây Asana, cạnh thành phố; ngồi trên tảng đá bằng ngọc lục bảo, Ngài đã rưới cơn mưa Abhidhamma suốt ba tháng mùa an cư. Khi ấy có tám trăm triệu chúng sanh thông đạt Tứ Diệu Đế, chứng đắc giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Lại một dịp khác, khi Đức Phật thuyết giảng bài kinh Maṅgala, Hạnh phúc kinh, thì có bảy trăm tám chục triệu chúng sanh tỏ ngộ Tứ Diệu Đế, chứng đạt giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Trong kỳ đại hội Thánh Tăng lần thứ nhất, Đức Phật Anomadassī tụng bài chỉ giáo Pāṭmokkha giữa tám trăm ngàn các vị A-la-hán, những bậc đã trở thành thiện lai tỳ khưu (ehi bhikkhu) nhờ niềm tịnh tín. Vào thời điểm đó, Ngài cũng thuyết Pháp đến nhà vua Isidatta, tại thành phố Soreyya.

(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)

Lần nữa, Đức Phật đang thuyết pháp đến nhà vua Sundarindhara (Madhurindhara), tại thành phố Rādhavati, Ngài tụng bài chỉ giáo Pāṭmokkha giữa bảy trăm ngàn các vị A-la-hán, những bậc đã trở thành thiện lai tỳ khưu nhờ niềm tịnh tín.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai)

Lần khác nữa, Đức Phật tụng bài chỉ giáo Pāṭmokkha giữa sáu trăm ngàn các vị A-la-hán, những bậc đã trở thành thiện lai tỳ khưu cùng với vua Soreyya, trong thành phố Soreyya.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba)

Bồ tát Gotama làm nguyên soái dạ xoa được Đức Phật Anomadassī thọ ký

Trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Anomadassī, Bồ tát Gotama của chúng ta làm nguyên soái dạ xoa, cai quản hằng chục triệu dạ xoa oai lực hùng mạnh. Khi nghe tin Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian, vị ấy đến yết kiến Đức Phật và tạo ra ngôi giả ốc lộng lẫy, được trang trí bởi loại ngọc xinh đẹp, trong đó vị ấy cúng dường vật thực, thức uống, v.v... đến Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày.

Trong khi nguyên soái dạ xoa đang nghe Đức Phật thuyết Pháp để tán dương sự bố thí cúng dường ấy, đồng thời Đức Phật cũng công bố lời tiên tri: “Kể từ đại kiếp này, một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa, vị nguyên soái dạ xoa này chắc chắn sẽ thành Phật danh hiệu là Gotama.”

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Anomadassī

Nơi sanh của Đức Phật Anomadassī là kinh đô Candavati.

Phụ vương là vua Yasavā và mẫu hậu là hoàng hậu Yasodharā.

Ngài cai trị vương quốc trong mười ngàn năm; ba cung điện của Ngài là Sirī, Upasirī và Vaḍḍha.

Chánh hậu Sirimā có hai mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ; con trai là hoàng tử Upavāna.

Ngài đi xuất gia bằng kiệu khiêng, ngài xuất ly thế gian sau khi trông thấy 4 điềm tướng và thực hành khổ hạnh trong mười tháng.

Hai đại đệ tử là trưởng lão Nisabha và trưởng lão Anoma.

Thị giả là trưởng lão Varuṇa.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Sundarī và trưởng lão ni Sumanā.

Cây giác ngộ là cây Ajjuna.

Hai cận sự nam là Nandivaḍḍhana và Sirivaḍḍhana. Hai cận sự nữ là Ưu-bà-di Uppalā và Ưu-bà-di Padumā.

Đức Phật Anomadassī cao năm mươi tám hắc tay. Như ánh sáng mặt trời ban mai, thân Ngài hào quang chiếu sáng xa mười hai do tuần.

Thọ mạng trong thời Đức Phật Anomadassī là một trăm ngàn năm. Suốt bốn phần năm của thọ mạng, Ngài đã cứu độ chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.

Thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Anomadassī luôn luôn sáng rực rỡ màu y vàng của những vị A-la-hán, những bậc Thánh không còn bị dao động trước những vui buồn của thế gian, đã thoát khỏi các phiền não và lậu hoặc.

Kinh cảm quán

Đức Phật Anomadassī, bậc có đồ chúng và danh vọng vô hạn, cùng với hai đại đệ tử và những Thanh văn đệ tử khác là những bậc có những đức tánh siêu việt, tất cả đều không còn nữa. Các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực tánh!

Bảo tháp

Đức Phật Anomadassī, bậc chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn tại khu vườn Dhammārāma. Bảo tháp được xây dựng dành cho Ngài cao hai mươi lăm do tuần.

(Hai vị là tiền thân của trưởng lão Sāriputta và trưởng lão Moggallāna, đã phát nguyện trở thành đại đệ tử trước Đức Phật Anomadassī. Điều này sẽ được kể lại ở phần lịch sử Đức Phật Gotama.)

Kết thúc lịch sử Đức Phật Anomadassī - Anomadassī

Buddhavaṃsa


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]