THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 9

LỊCH SỬ 24 VỊ PHẬT TỔ

16. Siddhattha Buddhavaṁsa

(Lịch sử Đức Phật Siddhattha)

Đại kiếp mà Đức Phật Dhammadassī xuất hiện đã kết thúc, thì hết đại kiếp này sang đại kiếp khác, trải qua một ngàn bảy trăm lẻ đại kiếp không có chư Phật xuất hiện. Như vậy cách đây chín mươi bốn đại kiếp duy nhất có một vị Phật xuất hiện, đó là Đức Phật Siddhattha.

Lúc bấy giờ, cách đây chín mươi bốn đại kiếp, khi thọ mạng của loài người từ A-tăng-kỳ tuổi giảm xuống còn một trăm ngàn tuổi thì Bồ tát Siddhattha - sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, theo truyền thống của chư vị Bồ tát, đã tái sanh vào cung trời Đâu suất đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Suphassā, chánh hậu của vua Udena, tại kinh đô Vebhara. Sau mười tháng, Bồ tát đản sanh tại vườn Viriya.

Vào ngày đặt tên, các nhà tướng số thông thái và quyền thuộc của Bồ tát đặt tên cho Ngài là Siddhattha, vì vào lúc Ngài ra đời, những ước muốn lớn nhỏ của mọi người đều được thành tựu.

Đời sống ở vương cung

Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ tát Siddhattha sống trong ba cung điện Kola, Suppaha và Kokanada, được hầu hạ và chăm sóc bởi bốn mươi tám ngàn cung nữ, dẫn đầu là công chúa Somanassā và sống cuộc đời đế vương như ở cõi chư thiên trong mười năm.

Sự xuất gia

Khi Bồ tát Siddhattha trông thấy bốn điềm tướng và sau khi công chúa Somanassā hạ sanh một hoàng nam đặt tên là Anupama, Ngài bèn đi xuất gia trong chiếc kiệu vàng vào ngày rằm tháng Āsalhi, và trở thành vị Sa-môn tại vườn Viriya. Noi theo gương Ngài, mười trăm ngàn triệu người khác cũng trở thành Sa-môn.

Sự thành đạo

Cùng với mười trăm ngàn triệu vị Sa-môn, Bồ tát Siddhattha thực hành khổ hạnh trong mười tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Ngài độ món cơm sữa do thiếu nữ Bà-la-môn Sunettā, ở làng Asadisa dâng cúng và Ngài trải qua suốt ngày trong rừng cây Badara ở gần đó. Đến chiều, Ngài một mình đi đến cây đại Bồ đề Kanilāra và trên đường đi nhận tám nắm cỏ từ một người canh giữ ruộng lúa tên Varuṇa. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao bốn mươi hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài chứng đắc Phật quả như chư Phật quá khứ.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Siddhattha (Dhammābhisamaya)

Sau khi thành đạo, Đức Phật Siddhattha trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ gần cây Bồ đề. Nhận lời thỉnh cầu của đại Phạm thiên, Ngài quán xét xem nên thuyết pháp tiếp độ ai trước, Ngài trông thấy mười trăm ngàn triệu vị Sa-môn đã xuất gia chung với Ngài là những người đã gieo tạo đầy đủ phước báu có thể chứng đắc Đạo Quả giải thoát. Khi nghĩ rằng: “Ta sẽ thuyết pháp đến họ trước,” Ngài quán xét về chỗ ngụ của họ và trông thấy họ đang ngụ tại vườn Nai, cách đại thọ Bồ đề mười tám do-tuần. Với thần thông, Ngài xuất hiện lập tức ở vườn Nai.

Trông thấy Đức Phật từ xa đến, mười trăm ngàn triệu vị sa-môn đã tín thành đón tiếp Ngài và làm các phận sự thích hợp, rồi ngồi quanh Đức Phật. Khi ấy Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến họ bao gồm chư thiên và Phạm thiên đã cu hội để thính pháp. Lúc bấy giờ có mười trăm ngàn triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Một dịp khác, theo lời mời của vua Bhīmaratha của kinh đô Bhīmaratha, Đức Phật Siddhattha đến viếng kinh đô và trú ngụ trong giả ốc của hoàng gia được dựng lên ở một bãi đất rộng, giữa trung tâm của kinh đô, Đức Phật Siddhattha có giọng nói như chim Ca-lăng-tần- già (karavīka) hoặc như của Phạm thiên, giọng nói ngọt ngào, làm đẹp lòng người nghe và thu hút sự lắng nghe của các bậc trí. Bằng sự thuyết pháp thấu khắp bốn phương như vậy, Ngài đã đánh lên tiếng trống bất tử. Lúc bấy giờ có chín trăm triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Lại một dịp khác, Đức Phật Siddhattha viếng thăm quê nhà của Ngài ở Vebhāra và giữa hội chúng gồm quyến thuộc của Ngài, dẫn đầu là phụ vương Udena, Ngài đã kể lại lịch sử của chư Phật quá khứ.

Lúc bấy giờ có chín trăm triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải

thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Có ba kỳ đại hội Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Siddhattha. Kỳ đại hội thứ nhất diễn ra ở thành phố Amara xinh đẹp, làm say mê người thưởng ngoạn ví như thành phố chư thiên ở cõi trời Ba-mươi ba (Tāvatiṃsa). Ở tại kinh đô ấy có hai anh em, cũng là hai vị Thượng thủ Thinh văn tương lai của Đức Phật - thái tử Sambala và thái tử Sumitta, họ trị vì chung một vương quốc như các vị thái tử Licchavi trong thời của Đức Phật chúng ta. Thấy rằng hai vị thái tử này có tiềm năng phước báu trong quá khứ dẫn đến Đạo Quả giải thoát, Đức Phật Siddhattha bèn đi xuyên qua hư không đến trung tâm của kinh đô Amara. Khi đáp xuống mặt đất, Ngài in lại dấu chân bằng phẳng có một trăm lẻ tám hảo tướng, rồi Ngài đi đến vườn Amara và ngồi trên tảng đá trông như pho tượng bằng vàng.

Hai vị thái tử trông thấy các dấu chân (padacetiya), họ cùng với tùy tùng lần theo dấu vết và đến gần Đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống ở quanh Ngài. Khi Đức Phật thuyết pháp thích hợp với căn tánh của họ, họ khởi tâm tịnh tín nơi Ngài và sau khi được Đức Phật truyền phép xuất gia Thiện lai tỳ khưu, tất cả họ đều chứng đắc Đạo Quả A- la-hán. Giữa hội chúng gồm một ngàn triệu vị tỳ khưu ấy, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)

Một dịp khác, giữa hội chúng tỳ khưu gồm chín trăm triệu người, là những quyến thuộc của Ngài, tại Vebhāra, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai)

Lại một dịp khác, giữa hội chúng gồm tám trăm triệu vị tỳ khưu đã cu hội ở tịnh xá Sudassana, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba)

Bồ tát Gotama của chúng ta làm ẩn sĩ Maṅgala và được Đức Phật Siddhattha thọ ký

Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là một thanh niên Bà-la-môn tên Maṅgala ở tại thành phố Sūrasena, thông thuộc cổ văn Phệ đà cũng như những lãnh vực văn chương của chúng. Vị ấy bố thí tất cả tài sản của mình trị giá hằng chục triệu đồng tiền vàng đến người nghèo và người không nơi nương tựa, rồi xuất gia làm ẩn sĩ. Nhờ chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông, nên vị ấy có những năng lực mà không ai có thể làm hại được vị ấy. Trong khi Bồ tát đang sống như vậy thì nghe tin ‘Đức Phật Siddhattha đã xuất hiện trong thế gian.’ Do đó, vị ấy đi đến Đức Phật và cung kính đảnh lễ Ngài. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, đạo sĩ rất hoan hỷ, bèn mang về các trái cây từ cây táo hồng của xứ Diêm phù đề bằng năng lực thần thông, đạo sĩ đã cúng dường đến Đức Phật Siddhattha cùng chúng Tăng gồm chín trăm triệu vị A-la- hán tại tịnh xá Sūrasena. Sau khi độ món trái cây, Đức Phật Siddhattha công bố lời tiên tri: “Vị đại sĩ Maṅgala này trong tương lai sau chín mươi bốn đại kiếp kể từ nay sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.”

Nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát Maṅgala rất vui sướng và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.

Những chi tiết đặc biệt của Đức Phật Siddhattha

Nơi sanh của Đức Phật Siddhattha là kinh đô Vebhāra, phụ vương là vua Udena và mẫu hậu là hoàng hậu Suphassa.

Ngài trị vì vương quốc trong mười ngàn năm; ba cung điện của Ngài Koka, Suppala và Kokadana.

Chánh hậu là Somanassā, có bốn mươi tám ngàn cung nữ hầu hạ.

Con trai là hoàng tử Anupama.

Ngài đi xuất gia bằng kiệu, thực hành khổ hạnh trong mười tháng. Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Sambala và trưởng lão Sunitta. Thị giả là trưởng lão Revata.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Sīvala và trưởng lão ni Suramā.

Cây giác ngộ là cây Kanikāra.

Hai cận sự nam bậc thánh là hai vị trưởng giả Suppiya và Samudda.

Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu bà-di Rammā và Ưu-bà-di Surammā.

Đức Phật cao sáu mươi hắc tay. Ngài chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới như cột trụ bằng bảy báu được dựng lên để tôn thờ, lễ bái.

Giống như chư Phật vô thượng trong quá khứ, vô song, vô địch và có ngũ nhãn, Đức Phật sống thọ một trăm ngàn tuổi.

Kinh cảm quán

Sau khi thị hiện hào quang ưu việt từ kim thân của Ngài cũng như ánh sáng của trí tuệ, khiến cho đạo quả nở hoa trong chúng Thanh văn đệ tử của Ngài, và sau khi làm cho họ trở nên sáng chói bằng những pháp hợp thế và siêu thế, Đức Phật Siddhattha cùng với chúng đệ tử tất cả đều viên tịch đại Niết bàn và kết thúc kiếp sống cuối cùng.

Bảo tháp

Thế là Đức Phật Siddhattha, vị thánh vương của hàng sa-môn, đã viên tịch đại Niết bàn tại vườn Anoma, gần thành phố Kancanavelu.

Tại khu vườn ấy, một bảo tháp bằng bảy báu cao bốn do-tuần được xây dựng để cúng dường Đức Phật Siddhattha.

Kết thúc lịch sử Đức Phật Siddhattha-Siddhattha Buddhavaṃsa


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]