THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]
LỊCH SỬ 24 VỊ PHẬT TỔ
(Lịch sử Đức Phật Vipassī)
Khi đại kiếp mà Đức Phật Phussa xuất hiện đã kết thúc, cách kiếp hiện tại này chín mươi mốt đại kiếp, Đức Phật Vipassī xuất hiện trong đại kiếp ấy. Lịch sử của Đức Phật Vipassī diễn ra như sau:
Trong đại kiếp thứ chín mươi mốt, khi thọ mạng của loài người giảm từ A-tăng-kỳ tuổi còn tám chục ngàn tuổi thì Bồ tát Vipassī sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật đã tái sanh vào cõi trời Đâu suất đà theo đúng truyền thống của chư vị Bồ tát. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Bồ tát Vipassī xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng bà Bandhumatī, chánh hậu của vua Bandhuma, ở kinh đô Bandhumatī. Khi mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn Migadāya, một khu vườn đầy nai mang tên Khema.
Khi Bồ tát đản sanh, bất cứ nơi nào Ngài đến dù ban ngày hoặc ban đêm, luôn luôn có cái lọng trắng khổng lồ của chư thiên che trên đầu Ngài để bảo vệ Ngài khỏi bị nóng và lạnh, bụi bậm và sương giá. Bồ tát hằng được mọi người tôn kính. Ngài luôn được nuôi dưỡng trong vòng tay người vú nuôi này đến người vú nuôi khác, không có cơ hội để đặt chân xuống đất.
Từ khi sanh ra Ngài có đôi mắt khác thường gọi là kammavipākaja (đôi mắt sanh lên do kết quả của những phước nghiệp quá khứ của Ngài), kỳ diệu như đôi mắt của chư thiên. Với đôi mắt này, Bồ tát có thể trông thấy xa một do tuần mà không bị bất cứ vật gì ngăn ngại dù ngày hoặc đêm. Cũng như chư thiên ở cõi Đao lợi thiên thấy sự vật với đôi mắt luôn luôn mở, Bồ tát cũng nhìn thấy các sự vật với đôi mắt không bao giờ nhắm lại mà luôn luôn mở kể từ khi sanh ra. Vì vậy cái tên nổi tiếng của Ngài được người ta đặt cho là Vipassī.
Ngoài ra, một hôm nọ trong khi một vụ kiện đang được xét xử giữa triều đình với sự tham dự của vua Bandhuma, thái tử Vipassī với y phục chỉnh tề được trao đến đức vua. Đức vua để thái tử ngồi trên đùi của mình và trong khi thái tử đang đùa giỡn với nhà vua thì các quan phán xử bác bỏ quyền sở hữu tài sản của một chủ nhân nọ, phán rằng ông ta không phải là sở hữu chủ. Không hài lòng với quyết định bất công, thái tử đột nhiên khóc ré lên. Đức vua yêu các quan tìm hiểu nguyên nhân, nói rằng: “Tại sao con trai của trẫm lại khóc như thế? Hãy tìm hiểu vấn đề.” Khi họ tra xét thì thấy rằng không có nguyên nhân nào khác ngoài việc các quan đã phán xét sai lầm. Bởi vậy các quan phải phán quyết ngược lại, công nhận quyền sở hữu của chủ nhân tài sản. Khi ấy thái tử vừa lòng với lời phán quyết, bèn ngưng không khóc nữa. Để tìm hiểu xem “Liệu có phải thái tử khóc do biết rõ vụ kiện đó không?” họ bèn phán quyết như lúc ban đầu. Và thái tử lại khóc như trước. khi ấy chỉ vua cha mới nhận ra rằng: “Con trai của ta quả thật biết điều gì đúng, điều gì sai.” Kể từ đó đức vua trị vì vương quốc không hề khinh suất.
Từ đó trở đi, tên Vipassī của Bồ tát càng nổi tiếng hơn do khả năng phân biệt đúng sai của Ngài.
Khi thái tử Vipassī đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Nanda, Sunanda và Sirimā, được hầu hạ bởi các cung nữ, dẫn đầu là công chúa Sudassanā (hay Sutanu). Ngài thọ hưởng hạnh phúc của cuộc đời đế vương như hạnh phúc của chư thiên trong tám ngàn năm.
Một hôm nọ thái tử Vipassī gọi người đánh xe của Ngài đến và nói rằng: “Ta muốn ngoạn cảnh ở vườn thượng uyển. Ta sẽ đi đến đó.” Trên đường đi đến vườn thượng uyển trên chiếc xe song mã, Bồ tát trông thấy một người già do chư thiên hóa hiện ra. (Vì Ngài chưa bao giờ thấy người già như vậy nên rất lạ lùng), thái tử hỏi: “Này xa phu, người này đang làm gì thế? Đầu tóc cũng như thân thể của người ấy trông không giống những người khác.”
“Thưa Thái tử điện hạ, đây là người già.” Xa phu trả lời. Thái tử lại hỏi:
“Thế nào là người già?” Xa phu đáp:
- Thưa Thái tử điện hạ, người già là người cao tuổi. Ông ta không thể sống lâu hơn nữa.
- Này xa phu, ta có già không? Phải chăng ta cũng sẽ già?
- Thưa Thái tử, vâng. Thái tử, hạ thần và tất cả mọi người đều phải già. Không ai có thể thoát khỏi tuổi già.
Rồi Bồ tát nói:
- Ta không muốn ngoạn cảnh nữa. Hãy cho xe quay về hoàng cung.”
Khi trở về hoàng cung, Bồ tát nghiền ngẫm: “Ôi, sự sanh thật đáng chán. Khi có sanh ắt phải có già.” Suy nghĩ như vậy, Thái tử trở nên rất ưu tư.
Sau khi nghe phu xa tâu lại vấn đề, vua cha truyền cung cấp nhiều phương tiện thọ hưởng dục lạc hơn truóc để ngăn Thái tử đi xuất gia.
Nhiều ngàn năm sau đó, khi Thái tử đi đến vườn thượng uyển lần thứ hai và thấy một người bịnh trên đường đi, Ngài không đi tiếp mà quay trở về hoàng cung như trước. Khi vua cha biết được trạng thái ưu tư và trầm ngâm của con trai, vị ấy lại đem đến cho Thái tử nhiều dục lạc hơn nữa.
Trong chuyến đi đến vườn thượng uyển lần thứ ba cũng sau nhiều ngàn năm, sau khi trông thấy một người chết, Thái tử cũng quay về hoàng cung như trước.
Lại nhiều năm sau khi Thái tử đi đến vườn thượng uyển lần thứ tư, Ngài tình cờ gặp một vị Sa-môn trên đường đi và hỏi phu xa về vị sa- môn. Khi biết được Sa-môn là người như thế nào rồi, Thái tử rất vui sướng và cho xe đi về hướng vị Sa-môn.
Khi đến gần vị Sa-môn, Thái tử hỏi chi tiết về đời sống Sa-môn và lấy làm vui sướng hơn. Do đó, Thái tử bảo xa phu: “Này xa phu, hãy đem xe về hoàng cung và để nó ở đó. Ta sẽ xuất gia Sa-môn ngay tại chỗ này.” Thái tử đã cho xa phu trở về như vậy. Cũng vào ngày hôm ấy, công chúa Sudassanā hạ sanh một hoàng nam đặt tên là Samvattakkhandha.
Sau khi cho xa phu trở về, Thái từ Vipassī cắt tóc, mặc vào chiếc y vàng và trở thành vị sa-môn. (dầu không thấy đề cập y và bát do đâu mà có, nhưng chúng ta nên hiểu là theo đúng truyền thống, chúng được các vị Phạm thiên ở cõi Ngũ tịnh cư (Suddhavāsā Brahma) dâng tặng).
Khi ấy có tám mươi bốn ngàn dân cư của thành phố Bandhumatī, sau khi nghe tin Thái tử đã xuất gia, cũng theo gương vị ấy và xuất gia sa-môn.
Cùng với tám mươi bốn ngàn vị Sa-môn này, Bồ tát Vipassī du hành qua các làng mạc, thị trấn và phố phường. Bất cứ nơi nào Ngài đi đến dân chúng đều dựng lên những giả ốc, và tổ chức cúng dường vật thực to lớn. Nhưng Bồ tát không còn thích thú trong những cuộc bố thí như vậy nữa. Tám tháng sau, vào ngày mười bốn tháng tư, Ngài bỗng có ý nghĩ như vầy: “Thật không thích hợp để sống chung với những tùy tùng của ta. Ta cần phải sống một mình và tách lìa họ.” Bồ tát xa rời đồ chúng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Bồ tát Vipassī độ món cơm sữa do Sudassanā dâng cúng, con gái một vị trưởng giả nọ và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala ở gần đó. Đến chiều Ngài đi đến cây đại bồ đề Pātali và trên đường đi, nhận tám nắm cỏ từ một người canh giữ ruộng lúa tên Sujata. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao năm mươi ba hắc tay xuất hiện.
Thân của cây Pātali cao năm mươi hắc tay, những cành nhánh chính của nó cũng dài năm mươi hắc tay; Như vậy, cây này cao một trăm hắc tay. Ngày Bồ tát đi đến cây Pātali , trông nó tựa như được bao phủ từ gốc tới ngọn bởi những bông hoa thơm ngát. Cây tỏa ra những mùi hương cõi thiên giới. Vào ngày hôm ấy, không chỉ cây Bồ đề Pātali mà tất cả cây cối trong mười ngàn thế giới đều ra hoa.
Ngồi kiết già trên bảo tọa, Bồ tát vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chứng đắc Phật quả theo cách diễn đạt của chư Phật quá khứ.
Sau khi thành đạo, Đức Phật trú ngụ ở bảy chỗ quanh khu vực cây Bồ đề trong bốn mươi chín ngày. Sau khi nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, Ngài suy xét nên thuyết pháp đến ai trước và trông thấy người em khác mẹ, hoàng tử Khandha và chàng thanh niên Tissa, con trai của vị quốc sư - Họ là những vị Thượng thủ Thinh văn tương lai có đầy đủ phước quá khứ dẫn đến sự chứng đắc Đạo Quả, Đức Phật Vipassī lập tức vận dụng thần thông đi xuyên qua hư không đến khu vườn nai Khema. Sau khi đến đó, Ngài bảo người giữ vườn đi gọi hoàng tử Khandha và chàng thanh niên Tissa. Khi họ đến, Ngài khuyên họ hãy xuất gia và thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân đến tất cả chư thiên, nhân loại và Phạm thiên đã cu hội ở đó để thính pháp. Khi ấy có vô số chư thiên và nhân loại, dẫn đầu là hoàng tử Khandha và chàng thanh niên Tissa. Tất cả đều chứng Đạo Quả giải thoát.
Đặc biệt, hoàng tử Khandha và thiện nam tử Tissa đã trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán không lâu sau đó.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
Một dịp khác, hay tin “Đức Phật Vipassī đã đến vườn nai, gần Bandhumatī” và “hoàng tử Khaṇḍha cùng chàng trai Tissa, con trai của vị quốc sư đã xuất gia tỳ khưu trước sự chứng minh của Đức Phật, tám mươi bốn ngàn thiện nam tử của thành phố Bandhumatī cũng đi đến và xuất gia tỳ khưu. Đức Phật ban bố ‘nước bất tử’ đến tám mươi bốn ngàn vị Sa-môn này.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
Tám mươi bốn ngàn người thuộc nhóm tùy tùng trong khi Đức Phật Vipassī còn là thái tử đã đến hầu hạ Ngài lúc sáng sớm, ngày mà Bồ tát đi đến vườn thượng uyển lần thứ tư và cũng là ngày xuất gia. Khi họ không thấy Thái tử ở hoàng cung, họ bèn trở về nhà để dùng bữa ăn sáng. Sau khi ăn xong, họ đi dò hỏi về Thái tử thì hay tin rằng Thái tử đã đi đến vườn thượng uyển, họ bèn đi đến đó để gặp Thái tử.
Trên đường đi họ gặp vị xa phu của Thái tử và biết được rằng Ngài đã xuất gia. Ngay tại chỗ đó, họ bèn cởi bỏ tất cả y phục của người cư sĩ, cạo râu tóc và trở thành Sa-môn trong chiếc y mua ở chợ về. Tám mươi bốn ngàn vị Sa-môn này đi đến Bồ tát Vipassī và ngồi xuống quanh Ngài. Giữa các vị Sa-môn, Bồ tát thực hành khổ hạnh trong tám tháng. Vào ngày mười bốn tháng tư, Bồ tát cảm thấy không muốn ở chung với đồ chúng và suy nghĩ: “Ta đã ở chung với họ quá lâu rồi. Khi còn là Thái tử, bất cứ đi đâu cũng có tám mươi bốn ngàn người này theo ta. Bây giờ thì không thích hợp để họ đi chung với ta. Nhóm người như vậy có ích gì.” Bồ tát suy nghĩ: “Ta sẽ rời bỏ họ ngay ngày hôm nay.” Nhưng Ngài lại thay đổi ý nghĩ: “Hôm nay hầu như không còn thời gian để làm việc đó. Nếu ta đi bây giờ thì tất cả họ sẽ biết. Tốt hơn ta nên đi vào ngày mai.”
Lúc bấy giờ, dân cư của một ngôi làng nọ đang bận rộn nấu món cơm sữa để cúng dường Bồ tát và 84 ngàn đồ chúng của Ngài vào hôm sau. Và đến ngày hôm sau, nhằm ngày rằm tháng tư, Bồ tát Vipassī cùng tùy tùng độ món cơm sữa rồi trở về chỗ ngụ ở trong rừng.
Về đến đó, các vị Sa-môn sau khi làm các phận sự đến Bồ tát, họ rút về chỗ ngụ riêng của mình. Khi ấy, Bồ tát đang ở trong thảo am mới quyết định “Đây là lúc thuận tiện nhất để ta ra đi.” Ngài rời khỏi thảo am, đóng cửa và đi đến cây đại Bồ đề.
Đến chiều các vị Sa-môn đi đên tịnh thất của Bồ tát để hầu hạ Ngài và đứng đợi quanh thảo am, chờ gặp vị thầy của họ. Sau một thời gian dài, họ nói với nhau rằng: “Lâu quá rồi mà không thấy đạo sư của chúng ta. Chúng ta hãy tìm xem.” Rồi họ mở cửa thảo am và nhìn vào trong nhưng không thấy Bồ tát. Họ tự hỏi: “Đạo sư của chúng ta đã đi đâu?” rồi cùng ra sức tìm kiếm Ngài. “Chắc đạo sư không muốn ở chung với chúng ta và thích ở một mình. Chúng ta sẽ gặp lại Ngài khi Ngài đã thành Phật.” Với những ý nghĩ như vậy, họ rời khỏi chỗ ngụ và đi vào nội địa của xứ Diêm phù đề.
Về sau khi nghe tin, “Thái tử Vipassī đã thành Phật và đã thuyết bài kinh Chuyển pháp luân”, tất cả bèn đi đến khu vườn nai Khema, gần thành phố Bandhumatī. Đức Phật thuyết pháp đến họ. Cuối thời pháp, tám mươi bốn ngàn vị Sa-môn chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)
Có ba kỳ Đại hội Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Vipassī, kỳ Đại hội thứ nhất diễn ra ở vườn Nai Khema. Giữa hội chúng gồm tám mươi bốn ngàn vị tỳ khưu, là những vị đã từng đi theo Đức Phật và tám mươi bốn ngàn vị tỳ khưu thuộc hội chúng của hoàng tử Khandha và hoàng tử Tissa - con trai của vị quốc sư; tổng cộng một trăm sáu chục ngàn tỳ khưu. Đức Phật Vipassī đã tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng này.
(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
Một dịp khác, giữa đại hội gồm một một trăm ngàn vị tỳ khưu đã xuất gia sau khi chứng kiến Đức Phật thị hiện Song thông.
(Đây là Sannipāta lần thứ hai)
Lại một dịp khác, ba người em cùng cha khác mẹ của Đức Phật Vipassī nhân chuyến trở về sau khi dẹp yên cuộc nổi loạn ở biên giới, được phụ vương của họ ban cho các đặc ân mong muốn. Các vị hoàng tử bèn nói rằng: “Chúng con được phép nói ra lời cầu ước. Vậy chúng con không xin đặc ân nào khác ngoài việc được hầu hạ người anh cả của chúng con.” Được phụ vương chấp nhận, họ thỉnh Đức Phật về các thị trấn và làng mạc dưới quyền của họ rồi thiết lễ cúng dường Ngài. Đức Phật thuyết pháp đến họ, kết quả là có tám chục ngàn người trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán.
Tại khu vườn nai Khemaka, giữa hội chúng gồm tám chục ngàn vị
A-la-hán ấy, Đức Phật Vipassī đã tụng Ovāda Pātimokkha.
(Đây là Sannipāta lần thứ ba)
Lúc bấy giờ, Bồ tát của chúng ta là Long vương Atula có đại thần thông lực. Trong hội chúng gồm nhiều chục triệu vị rồng đang tấu những khúc nhạc thần tiên, Bồ tát đi đến Đức Phật Vipassī. Tôn vinh Đức Phật và chúng Tăng, vị ấy thỉnh chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu về chỗ ngụ của vị ấy. Long vương đã xây dựng một giả ốc được trang hoàng bằng bảy loại châu báu, trông xinh đẹp như vầng trăng rằm. Trong giả ốc ấy, Long vương đã tổ chức lễ bố thí cúng dường đến Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày. Vị ấy cũng cúng dường đến Đức Phật một chiếc trường kỷ trang hoàng rất lộng lẫy.
Ngồi giữa chúng Tăng, Đức Phật ban bố một thời pháp để tán dương công đức bố thí cúng dường của Long vương. Lúc kết thúc thời pháp, Đức Phật công bố lời tiên tri về Long vương Atula: “Sau chín mươi mốt đại kiếp kể từ nay, vị Long vương này sẽ thành Phật, danh hiệu là Gotama.”
Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát Atula rất hoan hỷ và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.
Nơi sanh của Đức Phật Vipassī là kinh đô Bandhumatī, phụ vương là vua Bandhuma và mẫu hậu là hoàng hậu Bandhumatī.
Ngài trị vì vương quốc trong tám ngàn năm. Ba cung điện là Nanda, Sananda và Sirimā.
Chánh hậu là Sudassanā, người có một trăm hai chục ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là hoàng tử Samavattakkhandha.
Sau khi trông thấy bốn điềm tướng Ngài đi xuất gia bằng xe song mã và thực hành khổ hạnh trong tám tháng.
Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Khaṇḍha và trưởng lão Tissa. Thị giả là trưởng lão Asoka.
Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Candā và trưởng lão ni Candamittā.
Cây giác ngộ là cây Pātali.
Hai cận sự nam bậc Thánh là hai vị trưởng giả Punabbasumitta và Nāga.
Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Sirimā và Ưu-bà-di Uttarā.
Đức Phật Vipassī, Đức Thế Tôn của ba cõi, Ngài cao tám mươi hắc tay. Hào quang tự nhiên từ thân của Ngài chiếu xa bảy do tuần.
Thọ mạng trong thời kỳ của Đức Phật Vipassī là tám chục ngàn tuổi. Sống suốt bốn phần năm của thọ mạng, Ngài cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ trên miền đất Niết bàn.
Sau khi chiếu sáng bằng ánh sáng của giáo pháp và thuyết giảng về Niết bàn bất tử, Đức Phật Vipassī cùng với chúng Thinh văn đệ tử A- la-hán cuối cùng đã viên tịch đại Niết bàn như khối lửa lớn chợt tắt sau khi tỏa sáng rực rỡ.
Oai lực tôn quý, sự vinh quang tôn quý của Đức Phật Vipassī, kim thân của Ngài với ba mươi hai hảo tướng và tám mươi tướng phụ, tất cả đều biến mất. Các pháp hữu vi quả thật vô ích và không thực chất!
Như vậy Đức Phật Vipassī, bậc chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch Đại Niết bàn tại vườn Sumitta. Một bảo tháp cao bảy do tuần được xây dựng tại chính khu vườn ấy để cúng dường đến Đức Phật Vipassī.
Kết thúc lịch sử Đức Phật Vipassī - Vipassī Buddhavaṃsa
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B