THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 9

LỊCH SỬ 24 VỊ PHẬT TỔ

22. Kakusandha Buddhavaṁva

(Lịch sử Đức Phật Kakusandha)

Đức Phật Vessabhū viên tịch đại Niết bàn, đại kiếp mà Ngài xuất hiện đã kết thúc. Trải qua hai mươi chín Không kiếp, là những đại kiếp không có chư Phật xuất hiện. Sau đó là đại kiếp của chúng ta, được gọi là Hiền kiếp (bhadda kappa) vì trong đại kiếp này có năm vị Phật xuất hiện - Kakusandha, Konāgamana, Kassapa và Gotama và Đức Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trong đại kiếp này là Đức Phật Di-lặc (Metteyya).

Lịch sử của Đức Phật Kakusandha, vị đầu tiên trong năm đại kiếp này, diễn ra như sau: Hiền kiếp gồm có sáu mươi bốn trung kiếp (antara kappa). (Ở trung kiếp thứ tám theo bộ Mahā Rajavaṃsa hay ở trung kiếp thứ nhất theo bộ Hamannan Rajavaṃsa), khi thọ mạng của loài người giảm từ A-tăng-kỳ tuổi xuống còn bốn mươi ngàn tuổi thì Bồ tát Kakusandha - sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la- mật, tái sanh vào cõi trời Đâu-suất-đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của nữ Bà-la-môn Visākha, vợ của vị quốc sư Aggidatta, là quan cố vấn của vua Khenaṅkara ở kinh đô. Sau mười tháng, Bồ tát đản sanh ở vườn Khemavati.

Ghi chú: Như đã trình bày ở trước, tất cả những vị Phật từ Đức Phật Dīpaṅkara đến Đức Phật Vessabhū đều xuất thân từ dòng vua chúa (Sát-đế-lỵ), nhưng Đức Phật Kakusandha thì xuất thân từ dòng Bà-la-môn.

Ngày xưa tại Ấn độ, xã hội bao gồm bốn giai cấp: Sát đế lỵ (vua chúa), Bà-la-môn, giai cấp thương nhân và giai cấp hạ đẳng. Đối với một vị Phật trong kiếp chót, Ngài không bao giờ thọ sanh vào hai giai cấp sau.

Về giai cấp Sát đế lỵ và Bà-la-môn, đôi khi những vị Sát đế lỵ đứng đầu trong xã hội và đôi khi các vị Bà-la-môn chiếm địa vị thượng đẳng. Trong thời kỳ mà dân chúng kính trọng các vị Sát-đế-lỵ hơn hết thì Bồ tát sanh ra trong giai cấp Sát-đế-lỵ, vì họ được xem là những người cao quý nhất trong xã hội. Nhưng vào thời kỳ khác, khi dân chúng có sự tôn kính cao nhất đến các vị Bà-la-môn thì Bồ tát sanh ra trong dòng dõi Bà-la-môn, vì họ được xem là những người cao quý nhất.

Như vậy, chư Phật chỉ xuất thân từ một trong hai giai cấp cao nhất trong xã hội, đó là Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn. Vì giai cấp Sát đế lỵ thường được công nhận là cao quý nhất, nên chư Phật thường xuất thân từ giai cấp này.Chỉ khi nào giai cấp Bà-la-môn chiếm địa vị tối ưu trong xã hội, khi ấy chư Phật mới xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn. Cho nên số lượng chư Phật xuất thân từ giai cấp Sát đế lỵ thì nhiều hơn, còn số chư Phật xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn thì ít hơn.

Đời sống ở vương cung

Khi Bồ tát Kakusandha đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Kāma, Kāmavaṇṇa và Kāmasuddhi, được hầu hạ và phục vụ bởi người vợ Bà-la-môn tên là Rucinī cùng với ba chục ngàn thiếu nữ bà-la-môn hầu hạ. Ngài sống cuộc đời thế tục như thần tiên trong bốn ngàn năm.

Sự xuất gia

Khi trông thấy bốn điềm tướng và sau khi Rocinī hạ sanh một bé trai đặt tên là Uttara thì Bà-la-môn Kakusandha đi xuất gia, ngồi trên chiếc xe song mã và trở thành vị Sa-môn. Noi theo gương của Ngài có bốn chục ngàn người cũng trở thành Sa-môn.

Sự thành đạo

Cùng với bốn mươi ngàn vị Sa-môn này, Bồ tát Kakusandha thực hành khổ hạnh trong tám tháng. Vào ngày rằm tháng tư, ngày mà Ngài sẽ thành Phật, Bồ tát độ món cơm sữa do nữ Bà-la-môn Vajirindā dâng cúng, ở thị trấn Vajirinda, và trải qua suốt ngày trong rừng cây Keo của địa phương. Đến chiều Ngài đi một mình đến cây đại Bồ-đề và nhận tám nắm cỏ trên đường đi từ một người giữ ruộng tên Subhadda. Khi Bồ tát vừa rải mớ cỏ xuống cây bồ-đề Sirisa thì Vô địch bảo tọa cao hai sáu hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chứng đắc Phật quả theo cách chư Phật trong quá khứ.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Kakusandha

(Dhammābhisamaya)

Sau khi chứng đắc Phật quả, Đức Phật Kakusandha trú ngụ ở bảy chỗ quanh khu vực cây bồ-đề Sirisa trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu thuyết pháp của Phạm thiên, Đức Phật xem xét nên thuyết pháp đến ai trước và trông thấy những vị Sa-môn đã từng xuất gia theo Ngài. Ngài xuất hiện ngay lập tức nơi trú ngụ của họ, khu rừng Nai Isipatana gần thị trấn Makita. Giữa hội chúng ấy có sự tham dự của chư thiên và Phạm thiên, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân giống như chư Phật quá khứ. Lúc bấy giờ có bốn trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Một dịp khác về sau, Đức Phật Kakusandha thị hiện Song thông ở gần cây Sala, cạnh cổng thành Kannakajja và thuyết pháp. Ba trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại đã thông đạt Tứ Diệu Đế và giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Lại một dịp khác, Thắng thời thuyết pháp diễn ra như sau: ở một miếu thần, không quá xa thị trấn Khemavatī có một vị Dạ-xoa tên là Naradeva sống ở đó. Vào mùa cúng tế miếu thần, dạ xoa hiện nguyên hình để lãnh thọ lễ vật mà dân chúng đem đến cúng kiến. Tuy nhiên, thói quen của dạ xoa là buộc những người đi qua khu rừng đường sá trắc trở, phải đi đến một cái hồ lớn ở giữa rừng để nghỉ ngơi và kiếm các loại sen. Nếu không ai đến đó thì dạ xoa trở lại chỗ ngụ của mình trong rừng và bắt những người tình cờ đi ngang qua và ăn thịt họ.

Thực ra, con đường xuyên qua khu rừng nổi tiếng là rất hiểm trở. Một dạo, dân cư ở cả hai bên khu rừng đã bàn bạc với nhau về cách thức để đi xuyên qua khu rừng hoang. Lúc bấy giờ, sau khi xuất khỏi đại định vào lúc sáng sớm, Đức Phật Kakusandha dò xét thế gian và thấy rằng dạ xoa Naradeva và những dân cư ấy đã lọt vào võng trí của Ngài. Bởi vậy Ngài dùng thần thông đi xuyên qua hư không và trong khi mọi người nhìn lên, Ngài thị hiện nhiều phép lạ rồi đáp xuống trong cung điện của dạ xoa Naradeva và ngồi trên bảo tọa quý báu của dạ xoa.

Dạ xoa Naradeva lấy làm hoan hỷ khi trông thấy Đức Phật đang đi đến bằng con đường hư không và phát ra hào quang sáu màu từ thân của Ngài, vì vị ấy tự nghĩ: “Đức Phật đến đây do lòng bi mẫn của Ngài đối với ta.” Cùng với các vị dạ xoa tùy tùng, vị ấy đi đến Hy-mã- lạp sơn và đem về đủ loại hoa xinh đẹp và thơm ngát mọc lên từ dưới nước và trên đất, rồi dâng cúng đến Đức Phật. Sau khi ngâm lên bài kệ tán thán Đức Phật, dạ-xoa Naradeva đứng và chấp tay đưa lên trán với thái độ đầy tôn kính.

Thấy những phép lạ của Đức Phật, tâm của mọi người trở nên tịnh tín và tất cả họ cùng kéo đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống. Bằng sự giảng giải các thiện nghiệp cho quả lành như thế nào, Đức Phật Kakusandha đã khiến cho dạ xoa ưa thích các việc thiện và qua bài pháp nói về các cõi khổ, Ngài đã khiến cho dạ xoa khởi tâm ghê sợ. Sau đó Đức Phật thuyết giảng về Tứ Thánh đế. Lúc bấy giờ có vô số chư thiên và nhân loại thông đạt Tứ Diệu Đế và chứng Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

Nhất kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Chỉ có độc nhất một kỳ Đại hội Thánh Tăng đệ tử Đức Phật Kakusandha. Đó là kỳ Đại hội của những vị A-la-hán mà trước kia đã từng theo Bồ tát Kakusandha xuất gia làm Sa-môn, diễn ra tại khu rừng nai Isipatana, gần thành phố Kaṇṇakujja vào ngày rằm tháng Magha, và giữa hội chúng tỳ khưu này Đức Phật Kakusandha đã tụng Ovāda Pātimokkha.

Bồ tát sanh làm vua Khema và được Đức Phật Kakusandha thọ ký

Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama của chúng ta là vua Khema. Sau khi tổ chức bố thí to lớn gồm y và bát đến chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu, đồng thời cúng dường các loại dược chất như thuốc nhỏ mắt, v.v... Bồ tát rất hoan hỷ với thời pháp của Đức Phật đến nỗi vị ấy đã từ bỏ thế gian và xuất gia làm tỳ khưu trước sự chứng kiến của Đức Phật. Rồi Đức Phật công bố lời tiên tri: “Trong chính hiền kiếp Bhadda kappa này, vị tỳ khưu Khema này sẽ thành Phật, danh hiệu là Gotama.”

Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát Khema rất hoan hỷ và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Kakusandha

Nơi sanh của Đức Phật Kakusandha là kinh đô Khemavatī. Cha là bà-la-môn Aggidatta, quốc sư của vua Khemakara và mẹ là nữ Bà-la- môn Visakha.

Ngài sống cuộc đời thế tục trong bốn ngàn năm. Ba cung điện của Ngài là Kāma, Kāmavaṇṇa và Kāmasuddhi.

Vợ là thiếu nữ Bà-la-môn Rocinī với ba chục ngàn nữ hầu. Con trai tên Uttara.

Ngài đi xuất gia bằng xe ngựa kéo và thực hành khổ hạnh trong tám tháng.

Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Vidhura và trưởng lão Sanjīvä. Thị giả là trưởng lão Buddhija.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Sāmā và trưởng lão ni Campā. Cây bồ-đề là cây Sirisa.

Hai cận sự nam bậc Thánh là hai vị trưởng giả Accuta và Sumana.

Hai cận sự nữ của Ngài là Ưu-bà-di Nandā và Ưu-bà-di Sunandā.

Đức Phật Kakusandha cao bốn mươi hắc tay. Hào quang từ thân của Ngài tỏa sáng khắp quanh, xa mười do tuần.

Thọ mạng của loài người trong thời kỳ của Ngài là bốn chục ngàn tuổi, Ngài sống suốt bốn phần năm của thọ mạng cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi đại dương của luân hồi và đặt họ trên miền đất của Niết bàn.

Trong thế gian gồm nhân loại và chư thiên, Đức Phật Kakusandha đã mở ra cánh cửa đi vào lâu đài của chánh pháp dành cho những người có giới đức, nam cũng như nữ và hùng dũng rống tiếng rống của con sư tử: “Ta đích thực là Đức Phật Chánh đẳng giác.” Tất cả phiền não và lậu hoặc đã được đoạn tận trong ta. Sau đó, cùng với chúng Thinh văn đệ tử của Ngài, Đức Phật Kakusandha đã viên tịch đại Niết bàn.

Kinh cảm quán

Đức Phật Kakusandha, bậc có giọng nói mang tám đặc tánh như rõ ràng, hiền dịu, trong trẻo, khả ái, vững vàng, ấm áp và vang dội. Hai vị Thượng thủ thinh văn đệ tử của Ngài cùng với những vị Thinh văn đệ tử khác, những bậc luôn luôn có giới trong sạch - tất cả đều biến mất. Các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực chất!

Bảo tháp

Như vậy Đức Phật Kakusandha đã viên tịch tại vườn Khema. Cũng chính tại khu vườn ấy một bảo tháp cao một do tuần được xây dựng để tôn thờ Xá lợi của Ngài.

Kết thúc lịch sử Đức Phật Kakusandha

Kakusandha Buddhavaṃsa


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]