THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Phần tiếp theo]


CHƯƠNG 9

LỊCH SỬ 24 VỊ PHẬT TỔ

PHỤ LỤC

TÓM TẮT VỀ CÁC KIẾP SỐNG QUÁ KHỨ CỦA ĐỨC PHẬT GOTAMA

Theo bộ Chú giải Buddhavaṁsa đã kể lại ở trên, tiền thân của Đức Phật Gotama của chúng ta được thọ ký từ hai mươi bốn vị Phật, lần lượt từ Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkarā) đến Đức Phật Ca-diếp (Kassapa). Những kiếp sống quá khứ của Ngài mà trong đó lời tiên tri thành Phật được công bố có thể được sắp xếp như sau:

Năm kiếp làm đạo sĩ

(a) Kiếp làm đạo sĩ Sumedha và được Đức Phật Dīpaṅkarā thọ ký.

(b) Kiếp làm đạo sĩ Jatila và được Đức Phật Nārada thọ ký.

(c) Kiếp làm đạo sĩ Susima và được Đức Phật Atthadassī thọ ký.

(d) Kiếp làm đạo sĩ Maṅgala và được Đức Phật Siddhattha thọ ký,

(e) Kiếp làm đạo sĩ Sujāta và được Đức Phật Tissa thọ ký.

Như vậy, Ngài làm thọ ký trong 5 kiếp làm đạo sĩ.

Kiếp làm Tỳ khưu

Sự thọ ký cũng xảy ra khi Ngài sanh:

(a) Làm Chuyển luân vương và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Koṇḍañña.

(b) Làm Bà-la-môn Maṅgala và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Siddhattha.

(c) Làm Bà-la-môn Uttara và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Sumedha.

(d) Làm vua Chuyển luân và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Sujāta.

(e) Làm vua Vijitāvī và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Phussa.

(f) Làm vua Sudassana và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Vessabhū

(g) Làm vua Khema và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Kakusandha.

(h) Làm vua Pabbata và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Koṇāgamana, và

(i) Làm Bà-la-môn Jotipāla và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật Kassapa.

Như vậy, Ngài được thọ ký trong 9 kiếp làm tỳ khưu.

Năm kiếp làm cư sĩ

Ngài được thọ ký trong 5 kiếp làm cư sĩ:

(a) Làm Bà-la-môn Atideva và được Đức Phật Revatā thọ ký.

(b) Làm Bà-la-môn Ajita và được Đức Phật Sobhita thọ ký.

(c) Làm trưởng giả Jatila và được Đức Phật Padumuttara thọ ký.

(d) Làm thanh niên Bà-la-môn Kassapa và được Đức Phật Piyadassī thọ ký.

(e) Làm vua Ariṇḍama và được Đức Phật Sikhī thọ ký.

Hai kiếp làm Long vương

Ngài cũng được thọ ký trong kiếp:

(a) Làm Long vương Atula, từ Đức Phật Sumana và

(b) Làm Long vương Atula, từ Đức Phật Vipassī.

Ba kiếp khác

Ngài nhận được sự thọ ký trong các kiếp sống khác nhau:

(a) Trong một kiếp làm Sakka, vua của chư thiên, Ngài tiếp nhận sự thọ ký từ Đức Phật Dhammadassī.

(b) Một kiếp khác làm nguyên soái dạ-xoa, Ngài tiếp nhận sự thọ ký từ Đức Phật Anomadassī, và

(c) Một kiếp làm sư tử vương và được Đức Phật Paduma thọ ký.

Cơ hội hy hữu được gặp giáo pháp của Đức Phật

Như chúng ta đã biết, suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp thực hành các pháp Ba-la-mật, chỉ trong hai mươi bốn kiếp từ Đức Phật Dīpaṅkarā đến Đức Phật Kassapa, Bồ tát Gotama của chúng ta mới được gặp giáo pháp của Đức Phật - hãy khắc ghi điều này trong tâm. Chúng ta nên nhận biết sâu sắc rằng được gặp Giáo pháp của Đức Phật không phải là chuyện dễ, rất hy hữu và đó cũng là một diễm phúc vô cùng to lớn. Biết vậy, chúng ta nên tận dụng triệt để cơ hội hiếm hoi này, không nên bỏ lỡ.

Được xuất gia trong Giáo pháp của Đức Phật là điều hy hữu

Ngay cả một chúng sanh vĩ đại như Bồ tát, bậc đã được thọ ký từ Đức Phật Nhiên Đăng, chỉ gặp được giáo pháp hai mươi bốn lần. Thật quá hiếm hoi, khi chúng ta xét đến thời gian dài như vậy. Lại nữa, trong hai mươi bốn thời kỳ giáo pháp của hai mươi bốn vị Phật ấy, Bồ tát của chúng ta chỉ xuất gia tỳ khưu có chín lần. Rõ ràng xuất gia làm một vị tỳ khưu là điều nan đắc, đúng như câu kinh “Pabbajitabhāvo dullabho - Làm tỳ khưu rất khó.” Đối với vị Bồ tát đã được thọ ký và hy hữu lắm mới gặp giáo pháp của Đức Phật để xuất gia làm tỳ khưu, thế thì đối với người bình thường còn bội phần khó khăn hơn.

Tỳ khưu tạm thời hay Tỳ khưu gieo duyên (Dullbha Bhikkhu)

Ngày nay ở các xứ Phật giáo, những người có sự suy xét thấu đáo - khi đang vất vả kiếm sống mà gặp những ngày nghỉ, không làm việc, họ đắp y xuất gia tạm thời để thời gian nhàn rỗi của họ không trôi qua một cách uổng phí. Họ muốn tận dụng thời gian ấy để làm lợi ích cho chính họ. Vị tỳ khưu như vậy được gọi là “Dullabha bhikkhu.” Ý nghĩa là: Dù họ không thể xuất gian làm tỳ khưu suốt đời, họ cố gắng thực hiện thành tựu đời sống Sa-môn trong một thời gian ngắn ngủi, đó là cơ hội hiếm hoi và quý báu nhất trong cuộc đời.

Nếu không suy xét đúng ý nghĩa của nó, người ta chắc chắn sẽ quan niệm sai lầm rằng chỉ vị tỳ khưu xuất gia tạm thời như vậy mới là ‘dullabha bhikkhu’, còn người xuất gia sa-di khi còn nhỏ và đến khi đủ tuổi xuất gia tỳ khưu thì không phải là ‘dullabha bhikkhu’. Do quan niệm như vậy người ta có khuynh hướng bố thí cúng dường đến vị ‘dullabha bhikkhu’ nhiều hơn vị tỳ khưu tu lâu từ khi còn nhỏ. Nếu cho rằng xuất gia làm tỳ khưu tạm thời là hy hữu và quý báu, tại sao không nghĩ rằng sự xuất gia làm tỳ khưu tu lâu dài càng khó hơn.

Vương thần và sự xuất gia Tỳ khưu

Có một số người nói rằng vì có điều luật: “Na bhikkhave rājabhato pabbājetabbo - Này các tỳ khưu, các vị vương thần không được xuất gia làm tỳ khưu Tăng chúng”. Ngay cả họ có xin được xuất gia tỳ khưu trong thời gian rãnh rỗi công việc, Tăng đoàn không được phép đáp ứng yêu cầu của họ vì nó trái với điều luật, nên các quan chức ngày nay không được phép xuất gia.

Nói như vậy cũng không đúng. Trong phần Chú giải về Rājabhata vatthu, Mahā-khandhaka của bộ Chú giải Vinaya Mahāvagga Atthakathā có đoạn giải thích rằng : Dù xuất thân từ địa vị vương thần nhưng hiện tại người ấy đã không còn lãnh lương bỗng của vua; người ấy đã trao chức quyền của mình cho con trai hoặc em trai, đã xin phép đức vua được từ quan, người ấy đã làm đầy đủ các phận sự của mình và người ấy được phép xuất gia tỳ khưu. Tất cả những người như vậy thì hợp lệ để xuất gia làm tỳ khưu. Căn cứ vào lời giải thích này, các viên chức nếu muốn tu tỳ khưu trọn đời, họ có thể làm như vậy sau khi hồi lại tiền lương của họ cho nhà nước hoặc sau khi được nhà nước cho phép với lời phê chuẩn rằng: “Anh có thể xuất gia nếu anh muốn.”

Điều Luật: “Không nên thâu nhận các vương thần vào Tăng chúng,” được ban hành chỉ liên quan đến những người muốn nương vào Tăng chúng để trốn tránh nhiệm vụ được vua giao mà thôi (điều này có thể thấy rõ trong bộ kinh Rājabhata Vatthu). Các nhân viên nhà nước ngày này không có ý định trốn tránh công việc, thực tế thì họ còn sợ bị đuổi việc là khác. Do đó, những người xuất gia làm tỳ khưu tạm thời không đi ngược với điều Luật trong bộ Vinaya Mahāvagga, miễn sao họ được cấp trên có thẩm quyền cho phép.

Ngay cả người xuất gia có ý định trốn tránh nghĩa vụ nhà nước là phạm vào điều luật. Sự vi phạm này thuộc về những vị tỳ khưu cho xuất gia, vị tỳ khưu không vi phạm điều xuất gia. Điều này được đề cập trong văn bản Luật tạng.

Một cách suy nghĩ khác như thế này:

Ngay cả bậc đại sĩ như Bồ tát của chúng ta, được thọ ký rồi chỉ làm tỳ khưu được chín lần dù Ngài đã gặp hai mươi bốn vị Phật. Từ sự kiện này người ta có thể nói rằng: “Được thành tựu đời sống của vị tỳ khưu là hy hữu.” Nhưng nếu chúng ta xét qua những đoạn trong bộ Buddhavaṃsa: Bốn trăm ngàn vị A-la-hán đi theo Đức Phật Nhiên Đăng đi vào thành phố Rammavattī để khất thực, và có một trăm ngàn vị A-la-hán trong kỳ Đại hội Thánh Tăng lần thứ nhất, với số lượng các vị A-la-hán rất lớn nên người ta có thể nghĩ rằng không khó để xuất gia làm tỳ khưu.

Câu nói: “Được xuất gia làm tỳ khưu là hy hữu” có nghĩa rằng “Hiếm khi có được những hoàn cảnh thuận duyên như vậy.” Mỗi lần Bồ tát gặp giáo pháp của Đức Phật mà Ngài khó xuất gia làm tỳ khưu do hoàn cảnh không thuận tiện. Số đông những vị A-la-hán trong thời Đức Phật Nhiên Đăng là những bậc thuận duyên xuất gia và đắc đạo. Dù cố gắng thế nào chăng nữa, nếu hoàn cảnh không thuận duyên thì cũng khó đạt được kết quả. Nói cách khác, kết quả có thể dễ dàng thành đạt khi hoàn cảnh thuận lợi.

Chính vì các Ngài đã viên mãn các pháp Ba-la-mật trong kiếp quá khứ và tất cả những yếu tố khác dẫn đến đạo quả A-la-hán nên các Ngài dễ dàng thành tựu pháp xuất gia và chứng đắc Đạo Quả.

Trong bài kinh Bālapaṇḍita, Suññata Vagga, Uparipaññāsa (Trung bộ kinh) có một ví dụ về con rùa mù liên quan đến câu nói: “Manussattabhāvo dullabho - Được làm người là điều khó.” Giả sử một người ném cái ách, trong ách có một lỗ xuống biển. Cái ách ấy gặp gió từ hướng Đông sẽ trôi dạt về hướng Tây và gặp gió Tây sẽ trôi dạt về hướng Đông. Gặp gió Bắc nó sẽ trôi về hướng Nam và sẽ trôi về hướng Bắc nếu gặp gió Nam. Con rùa mù ở trong biển cứ một trăm năm mới trồi lên mặt nước một lần. Cơ hội để cái đầu của nó lọt vào lỗ hỗng của cái ách quả thật rất hy hữu. Đối với chúng sanh bị đọa vào khổ cảnh, thì việc tái sanh làm người quả thật trăm lần khó khăn hơn.

Theo ví dụ trên thì sự tái sanh làm người là hy hữu. Nhưng trong các bộ kinh Apadana, Vimanavatthu, v.v... thì hạnh phúc của cõi người và cõi chư thiên có thể đạt được trong nhiều kiếp do quả cúng dường một bông hoa đến Xá lợi của Đức Phật. Điều này dẫn đến quan niệm rằng: “Sanh làm người là dễ chứ không khó.” Bộ kinh Apadāna và những bộ tương tự nói rằng những kẻ không thể tái sanh làm người là do thiếu những duyên cần thiết. Bài kinh Bālapaṇḍita và những bài kinh tương tự như vậy có nội dung liên quan đến khả năng tái sanh làm người trong nhiều kiếp do sự cúng dường chỉ một bông hoa. Sự hy hữu về đời sống tỳ khưu cũng được xem theo cách như thế.

Nói về kiếp sống làm người, dầu có quan điểm cho là (nếu người ta không suy gẫm thấu đáo) sanh làm người không khó vì sự kiện rằng dân số trên thế giới ngày một gia tăng, nhưng nên biết rằng số chúng sanh trong bốn khổ cảnh gấp nhiều lần hơn so với số người trên thế giới. Ngay cả trong cõi súc sanh cũng có vô số chủng loại. Nếu chúng ta chỉ xét riêng số lượng của loài người thì vô số chủng loại súc sanh quả thật vượt xa hơn nhiều. Kết luận rằng, từ số lượng không kể xiết của chúng sanh trong bốn khổ cảnh cũng như số lượng có giới hạn của loài người, ta thấy rõ ràng là sự tái sanh vào cõi người quả thật rất hy hữu.

Tương tự, mỗi lần có Giáo pháp của một vị Phật xuất hiện trong thế gian mà được xuất gia vào Tăng chúng thật không dễ dàng. Những người có sẵn phước đặc biệt để trở thành tỳ khưu trong Giáo pháp của một vị Phật, các vị này không chỉ được trở thành tỳ khưu mà còn trở thành những vị A-la-hán nữa. Nhưng không vì thế chúng ta cho rằng xuất gia làm tỳ khưu là dễ dàng, chỉ vì họ được gặp Đức Phật trong những hoàn cảnh thuận tiện.

Nói cách khác, người có được hai yếu tố để có thể trở thành tỳ khưu là: (1) sanh trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật mà rất khó gặp (Buddh’uppāda dullābha), và (2) làm người rất khó xảy ra (manussatta dullābha). Dù được sanh làm người nhưng hoàn toàn không có khả năng thành vị tỳ khưu khi thiếu vắng Giáo pháp của Đức Phật hoặc không được xuất gia làm tỳ khưu trong Giáo pháp của Đức Phật. Lại càng không thể nếu sanh làm chư thiên, Đế thích, Phạm thiên hoặc chúng sanh ở đọa xứ cho dù có xuất hiện Giáo pháp của Đức Phật. Trong hai sự kiện này, sanh trong thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật được gọi là Buddh’uppāda navama khó xảy ra hơn. Chỉ khi nào có xuất hiện một vị Phật mới có Giáo pháp của Ngài. Và để xuất hiện một vị Phật, Ngài đã phải trải qua ít nhất là bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp ngay sau khi nhận được sự thọ ký thành Phật. Trong thời gian rất dài như vậy, vị Bồ tát bất thối ấy đã phải tinh tấn chuyên cần thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Cuối cùng một vị Phật xuất hiện và Giáo pháp của Ngài tỏa sáng, nhưng nếu ta không được tái sanh làm người hoặc được làm người mà gặp những chướng ngại khác thì ta cũng khó có thể trở thành tỳ khưu. Xét cho kỹ điều này, chúng ta có thể nói rằng xuất gia làm tỳ khưu còn khó hơn được gặp Giáo pháp của Đức Phật.

Những người do quả phước đã gieo tạo trong quá khứ, họ có hai điều kiện là được gặp Giáo pháp và được làm người khó được - sẽ không gặp nhiều khó khăn trên bước đường xuất gia. Quan điểm rằng xuất gia làm tỳ khưu là điều đơn giản, căn cứ vào sự kiện hằng chục triệu vị A-la-hán trong thời kỳ của Đức Phật Nhiên Đăng có được hai điều kiện là làm người và gặp được giáo pháp của Đức Phật. Tuy nhiên có được hai cận y duyên này để trở thành vị tỳ khưu quả thật rất khó, cho nên Đức Phật mới dạy rằng: “Xuất gia làm tỳ khưu quả rất hy hữu.”

Đạo sĩ Sumedha, tức Bồ tát của chúng ta, trước khi gặp Đức Phật Nhiên Đăng và khi còn trẻ, đã chuyên tâm vào pháp bố thí bằng cách cho đi tất cả tài sản của vị ấy, đã thực hiện pháp xuất gia bằng cách từ bỏ đời sống gia đình sống không gia đình, đã chuyên tâm vào giới bằng cách thọ trì các giới của đạo sĩ, nỗ lực đạt thiền định và thần thông. Sau đó Ngài nhận được sự thọ ký từ Đức Phật Nhiên Đăng rồi Ngài suy xét về các pháp Ba-la-mật, nỗ lực và thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật bắt đầu từ pháp bố thí qua bốn cách tu tập trải qua bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp cho đến kiếp sanh làm thái tử Vessantara.

Trong việc thực hành mười pháp Ba-la-mật (như đã được nêu ra trong bộ Atthasalinī và bộ Chú giải Pāthajātaka), nói về Bố thí ba-la- mật, những kiếp mà Ngài thực hành pháp Bố thí là vô số kể, đơn cử là những kiếp sanh làm Bà-la-môn Akitti, Bà-la-môn Saṅkha, vua Dhanañjaya, vua Mahā Sudassana, quốc sư Mahā Govinda, vua Nimi, thái tử Canda Kumāra, trưởng giả Visayha, vua Sivi và thái tử Vessantara, v.v... Những điểm đặc biệt được nểu ra trong những bộ Chú giải ấy là: Sự bố thí mà Bồ tát thực hiện trong kiếp làm thỏ của

Ngài là sự bố thí mạng sống, được xem là pháp Bố thí Ba-la-mật cao nhất (Paramattha dāna pāramī).

Về Giới Ba-la-mật, những kiếp mà Ngài thọ trì giới là vô số kể, đơn cử là những kiếp Ngài sanh làm long vương Campeyya, long vương Bhūridatta, voi chúa Chaddanta, thái tử Jayadisa, thái tử Alīnasattu, v.v... Đặc biệt, sự hy sinh mạng sống để thọ trì giới khi Ngài sanh làm long vương Saṅkhapāla là Giới Ba-la-mật cao nhất (Paramattha sila pāramī).

Về Xuất gia Ba-la-mật, những kiếp Ngài từ bỏ thế gian cũng vô số kể, đơn cử là kiếp Ngài từ bỏ vương quốc khi làm thái tử Hatthipāla, kiếp làm bậc trí tuệ Ayoghara, v.v... Đặc biệt, sự xuất gia sau khi từ bỏ vương quyền trong kiếp sanh làm Cūla Sutasoma, trong kiếp ấy Ngài cảm thấy ghê sợ dục lạc tựa như đó là bãi nước bọt không chút dính mắc. Đó là Xuất gia Ba-la-mật cao nhất (Paramattha nekkhamma pāramī).

Về Trí tuệ Ba-la-mật, những kiếp Ngài thực hành viên mãn Trí tuệ Ba-la-mật cũng vô số kể, chẳng hạn như kiếp Ngài sanh làm bậc trí tuệ Vidhura, Mahā Govinda, Kudāla, Araka, Mahosadha, v.v... Đặc biệt, trong kiếp sanh làm bậc trí tuệ Senaka, khả năng phán xét của Ngài rằng có con rắn trong cái bị da (không nhìn bằng mắt thường), là Trí tuệ Ba-la-mật cao nhất (Paramattha paññā pāramī). (Trong Bổn sanh Sattubhasita Jātaka)

Về Tinh tấn Ba-la-mật, những kiếp mà Ngài thực hành tinh tấn thì vô hạn, đặc biệt sự tinh tấn được thể hiện trong việc bơi qua đại dương ở kiếp Ngài sanh làm thái tử Mahā Janaka (Mahā Janaka Jātaka) là Tinh tấn Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha viriya pāramī).

Trong Bổn sanh Khantivāda, kiếp Ngài làm đạo sĩ Khantivādī, sự nhẫn nại không sân hận của Ngài để cho vua Kalābu chặt rời từng bộ phận của tứ chi là Nhẫn nại Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha khanti pāramī).

Trong Bổn sanh Sutasoma, kiếp Ngài sanh làm vua Sutasoma, sự chân thật và giữ lời hứa của Ngài đối với vị vua ăn thịt người Porisāda, là trở lại để giao nộp mạng sống của chính mình, đây là Chân thật Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha sacca pāramī).

Trong Bổn sanh Mugapakkha ( hoàng tử Temiya) việc Ngài là giữ im lặng trong mười sáu năm dù phải hy sinh cả tánh mạng, Ngài nhẫn nại chịu đựng những thử thách, khi thì hòa hoãn và khi thì khắc nghiệt, sự quyết tâm không thối chuyển ấy là Chí nguyện Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha adhitthāna pāramī).

Trong Bổn sanh Ekarāja (hay Suvannasāma), tâm từ của Ngài được rải đến vị vua độc ác cũng như đến các loài thú như sư tử, cọp, v.v... là Bác ái Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha mettā pāramī).

Trong Bổn sanh Lomahaṁsa - Thái độ bình thản của Ngài trước cách xử sự của bọn trẻ trong làng như nhổ nước miếng, đàm, nước nhầy lên người của Ngài cũng như sự tôn kính của các vị bô lão trong làng đối với Ngài được thể hiện qua sự cúng dường hoa, vật thơm, v.v… thái độ bình thản ấy là Xả Ba-la-mật cao nhất. (Paramattha upekkhā pāramī).

Những câu chuyện được các nhà Chú giải kể lại liên quan đến sự thực hành mười pháp Ba-la-mật được rút ra từ bộ Pātha Jātaka. Ngoại trừ năm tích truyện ngoại lệ sau thì tất cả những câu chuyện đều xảy ra trong hiền kiếp hiện tại này.

Năm tích truyện ngoại lệ là:

(1) Seriva Vānija, Appaṇṇaka Vagga, Eka Nipāta. (Tích truyện này xảy ra cách đây năm kiếp, được chứng minh bởi câu Pāḷi sau đây trong bộ Chú giải: “Atīte ito pañcame kappe bodhisatto seriva raṭṭhe seriva-nāmako kacchaputavānijo ahosi. - Trong kiếp thứ năm, kể từ kiếp hiện tại này, tại xứ Seriva, Bồ tát sanh làm người bán rong, thường đi đây đó với những cái bị trên vai và rao bán vòng chuỗi hạt.”

(2) Lomahaṁsa Jātaka, Litta Vagga, Eka Nipāta. (Tích truyện này kể về biến cố xảy ra cách nay chín mươi mốt kiếp, được dẫn chứng bởi câu Pāḷi trong Chú giải sau đây: “Atīte eka navuti kappamatthake bodhisatto bahirakaṃ tapaṃ vīmamsissāmī ti ājīvaka-pabbajjam pabbajitvā acelako ahosi - Trong kiếp thứ chín mươi mốt kể từ kiếp hiện tại, Bồ tát sanh làm đạo sĩ loã thể Ājīvaka để tìm hiểu pháp khổ hạnh của ngoại đạo.”

(3) Araka Jātaka, Santhava Vagga, Duka Nipāta. (Tích truyện này kể về biến cố xảy ra cách đây bảy kiếp, được dẫn chứng từ đoạn Chú giải sau đây trong phần kết luận của Bổn sanh: Evaṃ bodhisatto aparihīnajjhāno brahmaloke nibbaṭṭitvā sattasaṃvaṭṭavivaṭṭakappe na imaṁ lokaṃ puna āgamāvi - Như vậy Bồ tát đã không bị hoại thiền và được tái sanh vào cõi Phạm thiên và không đến cõi nhân loại trong khoảng thời gian mà trong đó kiếp tiêu hoại bảy lần và tiến triển bảy lần.”

(4) Kesava Jātaka, Cūla Kunāla Vagga, Catukka Nipāta. Câu chuyện này kể về biến cố xảy ra cách đây năm trăm bảy chục kiếp.

(5) Baka Jātaka, Kukkura Vagga, Sattaka Nipāta. Câu chuyện này kể về biến cố cũng xảy ra cách đây năm trăm bảy mươi kiếp.

Hai Bổn sanh Kesava và Baka là những tích truyện mà giữa chúng không có khoảng thời gian xen kẽ của kiếp sống. Hai câu chuyện được nêu ra chi tiết trong bộ Chú giải có thể được kể lại như sau: Trong bổn sanh Kesava Jātaka, đầu tiên Kesava là một đạo sĩ và sau khi mạng chung trở thành Phạm thiên Baka. Phạm thiên Baka ấy, đầu tiên tái sanh vào cõi Vehapphala (Quãng quả thiên) và sống đến năm trăm đại kiếp (mahā kappa). Khi hết tuổi thọ, vị ấy tái sanh vào cõi Subhakinha (Biến tịnh thiên), sống sáu mươi bốn đại kiếp. Lại nữa, khi thọ mạng của vị ấy kết thúc, vị ấy tái sanh vào cõi Abhassara (Quang âm thiên) và sống ở đó trong tám đại kiếp.

Theo bộ Chú giải, vị ấy chấp tà kiến khi làm Phạm thiên. Điều này cho thấy rằng vị ấy sanh đến cõi Ābhassara chỉ sau khi trải qua năm trăm đại kiếp ở cõi Vehapphala. và sáu mươi bốn đại kiếp ở cõi Subhakinha, tổng cộng là năm trăm sáu mươi bốn đại kiếp. Tương truyền rằng Phạm thiên Baka chấp tà kiến khi vị ấy sanh vào cõi Ābhassara, và mặc dù không thấy đề cập là vị ấy khởi tà kiến trong đại kiếp thứ mấy của tám đại kiếp ở cõi đó. Tuy nhiên khi kết hợp hai bổn sanh, ta có thể ấn định rằng khoảng năm trăm bảy chục đại kiếp đã trôi qua trước khi vị ấy khởi tà kiến.

Các thế hệ của các vị A-xà-lê đều có niềm tin rằng bất cứ Bổn sanh nào mà trong đó nhà Chú giải không nói về thời gian bắt nguồn của nó ở đại kiếp nào (kappa) như “trong đại kiếp như thế tính từ kiếp hiện tại,” mà chỉ đơn giản là “atīte” (“vào một thuở nọ”) đều thuộc về đại kiếp này. Dựa vào niềm tin này thì những câu chuyện trong bộ Aṭṭhasālinī và bộ Chú giải Pāthajātaka đều khởi sanh trong đại kiếp hiện tại (kappa) vì chúng chỉ có từ đơn giản là “atīte” để nói về thời gian tái sanh của Bồ tát. Nhưng tất cả những câu chuyện thuộc về đại kiếp này không thể kể ra hết - chúng quá nhiều. Những câu chuyện được kể ra chỉ là những câu chuyện có liên quan đến các tình tiết trong hiện tại. Số câu chuyện không được kể ra thì nhiều hơn gấp bội.

Nếu chỉ một số ít câu chuyện thích đáng được thuyết giảng từ vô số câu chuyện ấy xảy ra trong đại kiếp này, thì ta có thể suy ra rằng những câu chuyện kể về sự thực hành các pháp Ba-la-mật của Bồ tát không được kể ra phải là vô số. Ngoài ra, xét thấy rằng những kiếp mà bồ tát thực hành các pháp Ba-la-mật suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, không thể tính được bằng kiếp sống bình thường của con người, công việc thực hành các pháp Ba-la-mật của các Ngài quả thật quá mức tưởng tượng đối với người bình thường.

Nói cách khác, nếu người ta nghĩ về các vị Bồ tát rằng những bậc đại sĩ này, những bậc đã thực hành các pháp Ba-la-mật cao cả trong thời gian dài như vậy, phải công nhận rằng các Ngài đáng được kính trọng sâu sắc và đáng ngưỡng mộ vô cùng.

Trong nhiều kiếp sống mà trong đó Bồ tát của chúng ta đã thực hành các pháp Ba-la-mật kết thúc bằng kiếp Ngài sanh làm thái tử Vessantara. Bồ tát Sumedha đầu tiên hết đã thực hành Bố thí ba-la- mật bằng cách cho đi tất cả những vật sở hữu của Ngài khi còn là cư sĩ và trước khi xuất gia từ bỏ thế gian. Tương tự, khi Ngài đã xuất gia làm đạo sĩ và nhận được sự thọ ký thành Phật, Ngài suy xét về các nhân tố dẫn đến đạo quả Phật và nhận ra rằng Bố thí Ba-la-mật là pháp đầu tiên và nguyện thực hành theo. Tất cả điều này chỉ về sự thật rằng chính Bố thí Ba-la-mật mà chư Bồ tát bắt đầu trong sự thực hành các pháp Ba-la-mật của các Ngài và các Ngài cũng kết thúc sự thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật bằng pháp Bố thí như trong kiếp của thái tử Vessantara.

Bố thí Ba-la-mật cho kết quả là Bhavasampatti “sự thành tựu về đời sống phạm hạnh và của cải (bhogasampatti)” (Ba-la-mật này đi theo như bóng theo hình mà không thể bị ngăn cản cho đến khi hành giả chứng ngộ Niết bàn). Nó rất cần thiết đối với tất cả những ai còn tái sanh từ kiếp này sang kiếp khác trong luân hồi. (Như đã đề cập trong chương Bố thí Ba-la-mật ở bộ Anudīpanī) vì chư Bồ tát là những người dẫn dắt chúng sanh trong vòng luân hồi nên các Ngài đặc biệt thực hành Ba-la-mật này trong kiếp cuối cùng giống như của thái tử Vessantara. Sau khi thực hành pháp Bố thí Ba-la-mật viên mãn trong kiếp cuối cùng, chư vị Bồ tát kết thúc phận sự thực hành Ba-la-mật. Sự thực hành của các Ngài đã hoàn tất nên các Ngài từ kiếp cuối cùng sanh về cõi Đâu-suất-đà để đợi đúng thời gian thành Phật.

Tám điểm khác biệt (Vematta)

Tám điểm khác biệt này được nêu ra ở cuối phần lịch sử Đức Phật Gotama trong bộ Chú giải Buddhavaṃsa. Trong tác phẩm này, vematta được nêu ra ở cuối lịch sử của hai mươi bốn vị Phật để chúng không quá xa với loạt lịch sử có liên quan, bắt đầu từ lịch sử của Đức Phật Nhiên Đăng.

Vematta là từ Pāḷi xuất phát từ chữ Vimatta (‘vi’ nghĩa là ‘sai biệt’ và matta nghĩa là ‘chiều dài’ hay ‘kích cỡ’). Chư Phật có những ân đức giống nhau và như nhau, nhưng các Ngài khác nhau về tám điểm đặc biệt.

Tám điểm đặc biệt ấy là:

1. Ayu vematta - Thọ mạng sai biệt

2. Pamāna vematta - Xích lượng sai biệt (sự khác biệt về chiều cao )

3. Kula vematta - Tộc tánh sai biệt (sự sai biệt về dòng họ)

4. Padhāna vematta - Tinh cần sai biệt (sự khác biệt về thời gian thực hành khổ hạnh )

5. Rasmi vematta - Hào quang sai biệt (sự khác biệt về hào quang từ

thân )

6. Yana vematta - Xa thừa sai biệt (sự khác biệt về các phương tiện chuyên chở trong việc xuất gia )

7. Bodhi vematta - Bồ-đề thọ sai biệt (sự khác biệt về cây giác ngộ )

8. Pallaṅka vematta - Bảo tọa sai biệt (sự khác biệt về bồ đoàn giác

ngộ )

1. Ayu vematta (Thọ mạng sai biệt)

Ayu vematta là sự khác biệt về tuổi thọ của chư Phật. Chư Phật Dīpaṅkarā, Koṇḍañña. Anomadassī, Paduma, Padumuttara, Atthadassī, Dhammadassī, Siddhattha và Tissa. Chín vị Phật này xuất hiện khi thọ mạng của loài người là một trăm ngàn tuổi.

Chư Phật Maṅgala, Sumana, Sobhita, Nārada, Sumedha, Sujāta, Piyadassī và Phussa. Tám vị Phật này đều xuất hiện khi thọ mạng của loài người là chín mươi ngàn tuổi.

Chư Phật Revatā và Vesabhū, hai vị Phật này xuất hiện khi thọ mạng là sáu ngàn tuổi.

Đức Phật Vipassī xuất hiện khi thọ mạng là tám chục ngàn tuổi; Đức Phật Sikhī xuất hiện khi thọ mạng là bảy chục ngàn tuổi; Đức Phật Kakusandha xuất hiện khi thọ mạng là bốn chục ngàn tuổi; Đức Phật Konāgamana xuất hiện khi thọ mạng là ba chục ngàn tuổi; Đức Phật Kassapa xuất hiện khi thọ mạng là hai chục ngàn tuổi và Đức Phật Gotama của chúng ta xuất hiện thọ mạng là một trăm tuổi.

Người ta có lẽ lý luận rằng những vị Phật này nên có thọ mạng bằng nhau vì các Ngài đều là những bậc đại sĩ đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật ở mức độ cao nhất.

Về vấn đề này, một bài giải thích chi tiết được nêu ra của phần Chú giải về bài kinh Mahā Padāna của bộ Sutta Mahā Vagga Aṭṭhakathā được trích dẫn như sau: Thọ mạng của loài người trong thế gian tùy thuộc vào sự thọ trì đạo đức chánh pháp của người cai trị. Khi người cai trị tuân giữ đạo đức thì tất cả dân chúng trong nước cũng làm theo và chư thiên cũng vậy, sẽ làm cho có mưa và ban xuống nhiều điều lợi ích khác. Điều này dẫn đến mưa thuận gió hoà và rau trái ngon bổ, v.v… khiến dân chúng được khỏe mạnh và sống lâu. Khi người cai trị không tuân giữ đạo đức thì người dân cũng vậy và chư thiên cũng không quan tâm đến việc tạo mưa đầy đủ và những điều kiện thuận lợi khác. Hậu quả là rau trái xấu đi, thiếu dưỡng chất và khí hậu bất thường. Kết quả là dân chúng không được khỏe mạnh, và tuổi thọ ngắn đi.

Như vậy, chư Phật xuất hiện trong thời kỳ có thọ mạng lâu dài sẽ trường thọ và chư Phật xuất hiện trong thời kỳ có thọ mạng ngắn thì cũng theo quy luật đó.

Dù tất cả chư Phật có khả năng kéo dài tuổi thọ của các Ngài do kết quả của nghiệp quá khứ tác động đến sự thọ sanh, nhưng thọ mạng của các Ngài vẫn khác nhau. Theo bộ Chú giải Buddhavaṁsa, trong đó nói rằng: “Upacita puññasambhārānaṃ dīghāyukasamvattanika – kammasam-upetānaṃ pi buddhānaṃ yuga-vasena āyuppamānaṃ asamanaṃ ahosi - dù các Ngài có đầy đủ phước quá khứ có thể đem lại sự trường thọ, nhưng tuổi thọ của chư Phật vẫn không giống nhau tùy theo thọ kiếp (āyu-kappa) của các Ngài.”

Lấy một ví dụ trong thế gian - cây gỗ tếch có khả năng sống đến một ngàn năm, nhưng nếu hạt của nó được gieo xuống trên vùng đất khô cằn sỏi đá thì nó không thể sống lâu đến thời gian ấy. Tương tự, tuy phước nghiệp của chư vị Bồ tát trong kiếp cuối tạo ra sự thọ sanh và có khả năng làm cho thọ mạng được lâu dài, nhưng nếu các Ngài chứng đắc Phật quả trong thời kỳ thế gian có thọ kiếp ngắn ngủi, giống như cây gỗ tếch mọc ở vùng đất khô cằn, thọ mạng của các Ngài cũng theo qui luật đó.

Thọ mạng mà chư Phật xuất hiện

Chư Phật không xuất hiện trong kiếp mà thọ mạng của loài người đang ở trong thời kỳ tăng lên. Vì nếu Đức Phật xuất hiện trong kiếp như vậy và thuyết pháp về vô thường, v.v... thì chúng sanh sẽ không hiều về các tướng vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi vì tuổi thọ của họ quá dài, hết kiếp này sang kiếp khác. Vì lý do này, chư Phật không xuất hiện trong những kiếp tăng, các Ngài chỉ xuất hiện trong những kiếp giảm mà thôi.

Ngày cả trong những kiếp giảm, chư Phật cũng chỉ xuất hiện trong những kiếp có thọ mạng cao nhất là một trăm ngàn năm. Các Ngài không xuất hiện trong những kiếp có thọ mạng nhiều hơn một trăm ngàn năm vì sự thuyết pháp của các Ngài về Tam tướng của các pháp hữu vi lúc ấy sẽ giống như nước đổ lá môn. Khi thọ mạng giảm từ một trăm ngàn năm đến mức thấp nhất là một trăm năm, trong khoảng thời gian ấy chư Phật mới xuất hiện. Khi thọ mạng giảm xuống thấp hơn một trăm năm thì chư Phật sẽ không xuất hiện, vì đặc tính của các pháp hữu vi hiển lộ rõ ràng, những ô nhiễm tham sân si ngày càng tăng, chúng sanh phiền não quá nhiều nên họ không thể chứng ngộ được Tam tướng - vô thường, khổ và vô ngã trong thọ mạng ngắn ngủi này. Do đó, những thọ kiếp thấp hơn một trăm năm đều không có chư Phật xuất hiện.

Như vậy chư Phật chỉ xuất hiện trong những kiếp có thọ mạng cao nhất là một trăm ngàn tuổi và thấp nhất là một trăm tuổi. Tuy chư Phật xuất hiện trong khoảng thời gian ấy, nhưng các Ngài chỉ xuất hiện ở thọ kiếp nào có thọ mạng phù hợp với thọ mạng của kiếp mà các Ngài hoàn tất các pháp Ba-la-mật lúc còn là Bồ tát. Những vị Bồ tát hoàn tất phận sự thực hành các pháp Ba-la-mật trong kiếp có tuổi thọ là một trăm ngàn năm thì các Ngài sẽ thành Phật trong kiếp có thọ mạng ấy. Những vị Bồ tát chưa hoàn tất phận sự thực hành các pháp Ba-la-mật và không thể thành Phật trong kiếp có thọ mạng một trăm ngàn năm, mà chỉ xuất hiện thành Phật trong những kiếp nào có thọ mạng giống như kiếp mà các Ngài hoàn tất các pháp Ba-la-mật. Những kiếp như vậy có thể là những kiếp có thọ mạng chín chục ngàn năm, hoặc tám chục ngàn năm, bảy chục ngàn năm, sáu chục ngàn năm, v.v....

Trong hiền kiếp Bhadda kappa này, Đức Phật Kakusandha xuất hiện trong kiếp có thọ mạng bốn chục ngàn năm (sau Ngài một trung kiếp (antara kappa) trôi qua), và Đức Phật Koṇāgamana xuất hiện trong kiếp có thọ mạng ba chục ngàn năm (rồi một trung kiếp trôi qua), và Đức Phật Kassapa xuất hiện trong kiếp có thọ mạng hai chục ngàn năm. Từ dữ liệu này, chúng ta có thể đoán ra rằng Đức Phật Gotama của chúng ta sẽ xuất hiện theo cách tương tự như thế, tức là trong thọ kiếp mười ngàn năm khi một trung kiếp đã trôi qua sau Đức Phật Kassapa. Nhưng Ngài không thể xuất hiện khi ấy vì các pháp Ba- la-mật của Ngài chưa đạt đến mức thành thục. Ngài cũng không thể xuất hiện trong thọ kiếp năm ngàn năm, hoặc một ngàn năm hoặc một trăm năm. Lý do là sự thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật của Ngài chỉ xảy ra kiếp Ngài sanh làm thái tử Vessantara. (Chỉ trong kiếp ấy các pháp Ba-la-mật của Ngài mới thành tựu viên mãn). Kiếp Ngài sanh làm thái tử Vessantara xảy ra trong kiếp có thọ mạng là một trăm năm. Kể từ đó phận sự thực hành các pháp Ba-la-mật của Ngài đi đến chỗ kết thúc (các pháp Ba-la-mật đã được thành tựu viên mãn). Như vậy, Đức Phật Gotama chỉ xuất hiện trong kiếp có cùng thọ mạng là một trăm năm.

2. Pamāṇa Vematta (Xích lượng sai biệt)

Pamāṇa vematta là sự khác biệt về chiều cao của chư Phật.

Chiều cao của sáu vị Phật Dīpaṅkarā, Revata, Piyadassī, Atthadassī, Dhammadassī và Vipassī là tám mươi hắc tay.

Chiều cao của bốn vị Phật Koṇḍañña, Maṅgala, Nārada và Sumedha là tám mươi tám hắc tay.

Chiều cao của Đức Phật Sumana là chín mươi hắc tay.

Chiều cao của năm vị Phật Sobhita, Anomadassī, Paduma, Padumuttara và Phussa là năm mươi tám hắc tay.

Chiều cao của Đức Phật Sujāta là năm mươi hắc tay.

Chiều cao của ba vị Phật Siddhattha, Tissa và Vessabhū là sáu mươi hắc tay.

Chiều cao của Đức Phật Sikhī là bảy mươi hắc tay.

Các chiều cao của những vị Phật Kakusandha, Koṇāgamana và Kassapa lần lượt là bốn mươi, ba mươi và hai mươi hắc tay.

Đức Phật Gotama cao mười sáu hay mười tám hắc tay.

Cần chú ý rằng những sai biệt về chiều cao của chư Phật được tạo ra do bởi khí hậu và vật thực. Vì chư Phật xuất hiện từ cõi nhân loại mang hình hài của con người nên thọ mạng của các Ngài tự nhiên giống như thọ mạng của bao người khác trong thời kỳ ấy. Chư Phật xuất hiện trong thời kỳ có thọ mạng chín chục ngàn năm thì các Ngài cũng sống đến chín chục ngàn năm. Như vậy thọ mạng của chư Phật phù hợp với thọ mạng của loài người.

Tuy nhiên, chiều cao của các Ngài không thể quyết định do thọ mạng của các Ngài dù các Ngài xuất hiện có cùng thọ mạng chẳng hạn một trăm năm, nhưng chư Phật Dīpaṅkarā, Atthadassī và Dhammadassī chỉ cao tám mươi hắc tay, còn Đức Phật Koṇḍañña thì cao tám mươi tám hắc tay; chư Phật Anomadassī, Paduma và Padumuttara thì cao năm mươi tám hắc tay, chư Phật Siddhattha và Tissa thì cao sáu mươi hắc tay. Điều này cho thấy rằng chiều cao của chư Phật không liên quan đến thọ mạng của các Ngài. Nếu chư Phật có cùng tuổi thọ mà khác nhau về chiều cao như vậy thì chư Phật xuất hiện trong những thời kỳ khác nhau cũng thế.

Qua câu nói trong điều học Nanda Sikkhāpada, Ratanavagga, pācittiya Pāḷi, Vinaya Piṭaka, rằng người em trai của Đức Phật - đại đức Nanda, chỉ thấp hơn Đức Phật bốn lóng tay, có thể nói rằng những người khác cùng thời cao gần bằng Đức Phật. Do đó, có thể suy ra rằng chiều cao của Đức Phật bằng với chiều cao của những người cùng thời với Ngài. Nhưng nói vậy không có nghĩa là hai bên đều cao bằng nhau một cách chính xác.

Sở dĩ Đức Phật với những người đồng thời có chiều cao gần bằng nhau là do hai yếu tố khí hậu và vật thực. khi người cai trị và dân chúng trong nước không gìn giữ đạo đức (ngoại trừ những bậc Thánh và các bậc hiền trí) thì xảy ra khí hậu bất thường và vật thực thiếu chất bổ dưỡng; nên thể chất của con người cũng bị ảnh hưởng theo, không thể phát triển hết mức. Ngược lại, thể chất sẽ phát triển tốt nếu đạo đức hưng thịnh trong dân chúng.

3. Kula vematta (Tộc tánh sai biệt)

Kula vematta là sự khác biệt về dòng tộc của chư Phật.

Chư Phật Kakusandha, Koṇāgamana và Kassapa xuất thân từ dòng Bà-la-môn, trong khi đó hai mươi hai vị Phật còn lại đều sanh ra trong dòng Khattiya (Sát-đế-lỵ). Khi mọi người trong thế gian công nhận những vị Khattiya là cao quý thì chư Phật xuất thân từ dòng dõi Khattiya. Khi họ công nhận các vị Bà-la-môn là cao quý nhất thì chư Phật sanh ra từ dòng Bà-la-môn.

4. Padhāna vematta (Tinh cần sai biệt)

Padhāna vematta là sự khác biệt về thời gian tu khổ hạnh (dukkaracariyā)

Bảy vị Phật Dīpaṅkarā, Koṇḍañña, Sumana, Anomadassi, Sujāta, Siddhattha và Kakusandha đều thực hành pháp khổ hạnh trong mười tháng.

Bốn vị Phật Maṅgala, Sumedha, Tissa và Sikhī đều thực hành khổ hạnh trong tám tháng.

Đức Phật Revatā thực hành khổ hạnh trong bảy tháng và Đức Phật Sobhita thực hành khổ hành trong bốn tháng.

Ba vị Phật Paduma, Atthadassī, và Vipassī đều thực hành khổ hạnh trong nửa tháng (mười lăm ngày).

Bốn vị Phật Nārada, Padumuttara, Dhammadassī và Kassapa đều thực hành khổ hạnh trong bảy ngày.

Chư Phật Piyadassī, Phussa, Vessabhū và Koṇāgamana thực hành khổ hành trong sáu tháng.

Đức Phật Gotama của chúng ta, bậc Thế Tôn của ba cõi, có những ân đức bất khả tư nghì, đã thực hành khổ hạnh trong sáu năm.

Như có những lý do sự bất đồng về thọ mạng, v.v... ở đây cũng có duyên cớ sự khác biệt về thời gian thực hành pháp khổ hạnh (đặc biệt trong trường hợp của Đức Phật Gotama). Qua tìm hiểu có thể thấy rằng sự khác biệt này do bởi nghiệp quá khứ của Ngài.

Nói rõ hơn - trong bài kinh Pubbakammavilotika Buddhapadāna, Avataphala Vagga, Apadāna Pāḷi, cuốn 1, chính Đức Phật dạy rằng (về ác nghiệp trổ quả trong sự thực hành khổ hạnh của Ngài, nên Ngài phải trải qua sáu năm khổ hạnh): “Avacahaṃ jotipālo sugataṃ kassapaṃ tada, v.v... - Trong thời Đức Phật Kassapa, ta là Jotipāla, một thanh niên Bà-la-môn. Khi ấy ta đã khờ dại mà xúc phạm Ngài bằng lời nói: “Làm sao kẻ trọc đầu này có thể chứng đắc A-la-hán và Nhất thiết trí được. Những điều ấy rất khó chứng đắc.” Do khẩu ác nghiệp ấy, ta phải trải qua sáư năm thực hành khổ hạnh trong kiếp cuối cùng.”

Xét về vấn đề được nêu ra trực tiếp trong Kinh tạng rằng Đức Phật đã phải trải qua sáư năm để thực hành pháp khổ hạnh do bởi sự xúc phạm trong quá khứ của Ngài; chúng ta có thể hiểu rằng những vị Phật thực hành khổ hạnh chỉ trong bảy ngày, như vậy theo đúng với phước nghiệp to lớn của các Ngài.

Do đó, có thể nói rằng sự khác biệt về thời gian thực hành pháp khổ hạnh là do ảnh hưởng của nghiệp quá khứ mà các Ngài đã gieo.

Tuy các sự khác biệt về thời gian thực hành sa-môn pháp (padhana-viriya) ngay trước khi các Ngài thành Phật, nhưng khi các Ngài đã đạt được mục tiêu cứu cánh thì mức độ tinh tấn các Ngài đã thể hiện, là một trong sáu loại oai lực của một vị Phật, đều y như nhau.

5. Rasmi vematta (Hào quang sai biệt)

Rasmi vematta là sự khác biệt về hào quang phát ra từ thân.

Hào quang của Đức Phật Maṅgala chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới; hào quang của Đức Phật Padumuttara chiếu sáng xa mười hai do tuần; hào quang của Đức Phật Vipassī xa bảy do tuần; hào quang của Đức Phật Sikhī xa ba do tuần; hào quang của Đức Phật Kakusandha xa mười do tuần; hào quang của Đức Phật Gotama xa một sải tay, tức bốn hắc tay. Hào quang của những vị Phật còn lại không thường chiếu nhưng nếu muốn, các Ngài có thể làm cho chúng chiếu xa bao nhiêu cũng được.

Tatra rasmi vemattaṃ ajjhasayappatibaddhaṃ. Yo yattakam icchati tassa tattaka sarirappabha pharati. Maṅgalassa pana ‘niccam pi dasa sahassilokadhatum pharatu’ti ajjhasayo ahosi. (Chú giải kinh Mahāvagga, Chatthasangayana )

Trong các điều sai biệt, hào quang sai biệt có liên quan đến ước nguyện của Đức Phật trong thời gian Ngài đang thực hành các pháp Ba-la-mật. Vào lúc thực hành các Ba-la-mật, nếu vị Bồ tát ấy muốn hào quang từ thân sẽ chiếu xa đến bao nhiêu thì khi thành Phật hào quang ấy sẽ chiếu xa bấy nhiêu. Tuy nhiên, ước nguyện trong quá khứ của Đức Phật Maṅgala là: “Xin cho hào quang của tôi chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới. (Trong bộ Tika của bộ Chú giải này, ajjhasaya được giải thích là lời nguyện được nói ra, trong khi Bồ tát đang thực hành các pháp Ba-la-mật).

Khi người ta tìm kiếm nguyên nhân về sự khác biệt giữa hào quang của các vị Phật, người ta nói rằng chính do các pháp Ba-la-mật mà các Ngài đã thực hành. Các nhà Chú giải đã giải thích trong câu chuyện về Đức Phật Maṅgala, bậc có hào quang chiếu sáng khắp mười ngàn thế giới.

Trong kiếp cuối cùng của Ngài, (giống như kiếp bồ tát Gotama sanh làm thái tử Vessantara) khi đang thực hành các pháp Ba-la-mật. Một thời Bồ tát Maṅgala đang sống với gia đình trên một ngọn đồi giống như đồi Vankapabbata. Một dạ-xoa tên là Kharadathika, trong hình tướng một vị Bà-la-môn, đã xin Bồ tát bố thí hai đứa con. Khi nghĩ rằng: “Ta sẽ hoan hỷ bố thí chúng,” Ngài thực sự đã làm thế. Khi đang đứng dựa vào cái hàng rào bằng các thanh gỗ ở cuối con đường mòn, dạ xoa đã ăn thịt đứa con trai và con gái ngay trước mặt Bồ tát, tựa như nó đang nhai những cọng sen. Khi Bồ tát nhìn vào dạ xoa, Ngài thấy những dòng máu bắn ra từ miệng của dạ xoa giống như những ngọn lửa. Nhưng Ngài không chút sầu bi “Ta đã thực hiện tốt việc bố thí.” Nghĩ như vậy, Ngài thực sự hoan hỷ với việc làm ấy. “Do kết quả của việc phước này, xin cho hào quang từ thân của tôi trong tương lai sẽ chiếu sáng như vậy.” Bồ tát đã nói lên lời nguyện như vậy. Do kết quả của lời nguyện này mà khi thành Phật, hào quang từ thân của Ngài chiếu sáng khắp nơi trong mười ngàn thế giới.

Từ bài giải thích này, chúng ta nên hiểu rằng sự khác biệt về hào quang tùy thuộc việc chư Phật đã nguyện hoặc không nguyện trong quá khứ. Khi nói về hào quang từ thân, người ta thường ám chỉ về hào quang tự nhiên của chư Phật. Nếu được tạo ra bằng oai lực của các Ngài theo đúng với ước muốn của các Ngài, thì bất cứ vị Phật nào cũng có thể phát sáng xa bao nhiêu tùy thích. Về vấn đề oai lực, hoàn toàn không có sự khác biệt. không thể nói rằng “Vị Phật này có oai lực ít hơn.” hay “Vị Phật kia có oai lực nhiều hơn.”

Ba loại hào quang từ thân

1. Hào quang Byāmappabhā: loại hào quang này thường xuyên phát ra từ thân tự nhiên của Đức Phật, dài một sải tay, hào quang phủ quanh thân rất dày đặc đến nỗi người ta khó có thể nhìn thấy thân của Ngài. Khi người ta nhìn vào ánh sáng của bóng đèn điện cách xa khoảng một cây tre, họ sẽ nghĩ rằng đốm sáng là quả cầu lửa. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ và gần hơn người ta có thể nhìn thấy tim của bóng đèn đang cháy sáng. Y như vậy, thân của Đức Phật có hào quang bao quanh, mỗi chùm hào quang dài một sải tay. Những hào quang ấy dày đặc và rộng lớn được gọi là byamappabhā.

2. Hào quang Asītiniccalobhāsa: Loại hào quang này là sự liên tục chiếu sáng của loại hào quang byāmappabhā và xa tám mươi hắc tay.

3. Hào quang Disapharana: Loại hào quang này chiếu khắp vô số thế giới do bởi máu của Đức Phật v.v… và hào quang trở nên rõ ràng hơn khi Đức Phật quán về giáo lý Paṭṭhāna (một trong bảy bộ luận) hoặc khi Ngài thị hiện Song thông, hay những trường hợp khác.

Hai loại hào quang

Phẩm chất đặc biệt từ nước da của Đức Phật mà nhân loại, chư thiên và Phạm thiên có thể thấy được thì gọi là hào quang. Theo tạng Abhidhamma, hào quang byāmappabhā và hào quang asītiniccalobhāsa được gọi là hào quang phát sanh do phước nghiệp quá khứ; kammaja (hay hào quang phát sanh do thời tiết được tạo ra bởi nghiệp, utuja kammapaccaya), hai loại hào quang này có nghiệp quá khứ là nhân của chúng. Hào quang do tâm sanh (cittaja) (hoặc hào quang do thời tiết sanh, do tâm làm duyên sanh - cittapaccaya-utuja) vì nguyên nhân của nó làm tâm rõ ràng.

6. Yāna vematta (Xa thừa sai biệt)

Yāna vematta là phương tiện đi lại mà Bồ tát sử dụng trong lúc xuất gia.

Đức Phật Dīpaṅkarā, Sumana, Sumedha, Phussa, Sikhī và Koṇāgamana đi xuất gia bằng voi.

Đức Phật Koṇḍañña, Revata, Paduma, Piyadassī, Vipassī và Kakusandha đi xuất gia bằng xe ngựa kéo.

Đức Phật Maṅgala, Sujāta, Atthadassī, Tissa và Gotama đi xuất gia bằng ngựa.

Đức Phật Anomadassī, Siddhattha và Vesabhū đi xuất gia bằng kiệu vàng.

Đức Phật Nārada tự mình đi xuất gia (đi bộ)

Đức Phật Sobhita, Padumuttara, Dhammadassī và Kassapa đi xuất gia bằng cung điện bay bỗng lên không trung.

Như vậy, sự khác biệt về phương tiện đi lại mà chư Bồ tát trong lúc xuất gia được gọi Yāna vematta.

7. Bodhi vematta (Bồ đề sai biệt)

Bodhi vematta là sự khác biệt về cây bồ-đề, nơi thành đạo của mỗi vị Phật.

Sự thành đạo của Đức Phật Dīpaṅkarā xảy ra dưới cội cây nigrodha. Sự thành đạo của Đức Phật Koṇḍañña xảy ra dưới cội cây salakayanī.

Sự thành đạo của chư Phật Maṅgala, Sumana, Revata và Sobhita xảy ra dưới cội cây thiết mộc nāga.

Đức Phật Anomadassī thành đạo dưới cội cây ajjuna.

Chư Phật Paduma và Narada thành đạo dưới cội cây mahāsoṇa.

Đức Phật Padumuttara thành đạo dưới cội cây salala. Đức Phật Sumedha thành đạo dưới cội cây mahānipa. Đức Phật Sujāta thành đạo dưới cội cây mahāvelu.

Đức Phật Piyadassī thành đạo dưới cội cây kakudha.

Đức Phật Atthadassī thành đạo dươi cội cây campaka. Đức Phật Dhammadassī thành đạo dưới cội cây bimbijāla. Đức Phật Siddhattha thành đạo dưới cội cây kanikāra.

Đức Phật Tissa thành đạo dưới cội cây asana. Đức Phật Phussa thành đạo dưới cội cây amalaka. Đức Phật Vipassī thành đạo dưới cội cây patali.

Đức Phật Sikhī thành đạo dưới cội cây pundarika. Đức Phật Vessabhū thành đạo dưới cội cây mahāsala. Đức Phật Kakusandha thành đạo dưới cội cây sirisa.

Đức Phật Koṇāgamana thành đạo dưới cội cây udumbara.

Đức Phật Kassapa thành đạo dưới cội cây nigrodha.

Đức Phật Gotama thành đạo dưới cội cây assattha.

(Bốn thánh đạo được gọi Bodhi, bởi vì nó dẫn đến trí tuệ giác ngộ Tứ diệu đế. Nhất thiết trí được gọi là Bodhi bởi vì nó dẫn đến trí tuệ giác ngộ. Định nghĩa của nó là: Bujjhati’ ti bodhi – cái gì biết về Tứ Diệu Đế và cái gì biết điều cần biết thì cái đó là Bodhi. Cây mà nơi đó Bồ tát ngồi giác ngộ Tứ Diệu Đế và những pháp khác cần được thông suốt cũng được gọi là Bodhi. Định nghĩa ở đây là: “Bujjhati ettha’ti Bodhi – Dưới cái cây vị Bồ tát giác ngộ Tứ Diệu Đế và tất cả những gì cần được biết thì được gọi là Bodhi”).

Sự khác biệt về cây Bodhi nơi chư Bồ tát chứng đắc quả vị Phật được gọi là Bồ đề sai biệt (Bodhi vematta )

8. Pallaṅka vematta (Bảo tọa sai biệt)

Pallaṅka vematta là sự khác biệt về chiều cao của bảo tọa của chư Phật.

Bồ đoàn giác ngộ của chư Phật Dīpaṅkarā, Revata, Piyadassī, Atthadassī, Dhammadassī và Vipassī cao năm mươi ba hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của chư Phật Koṇḍañña, Maṅgala, Nārada và Sumedha cao năm mươi bảy hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Sumana cao sáu mươi hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của chư Phật Sobhita, Anomadassī, Paduma, Padumuttara và Phussa cao ba mươi tám hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Sujāta cao ba mươi hai hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của chư Phật Siddhattha, Tissa và Vessabhū cao bốn mươi hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ Đức Phật Sikhī cao ba mươi hai hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Kakusandha cao hai mươi sáu hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Koṇāgamana cao hai mươi hắc tay. Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Kassapa cao mười lăm hắc tay.

Bồ đoàn giác ngộ của Đức Phật Gotama cao mười bốn hắc tay.

Hai loại bảo tọa

Về vấn đề này, nên lưu ý rằng có hai loại bảo toạ: ābhujana pallaṅka āsana pallaṅka. Trong hai loại này, ābhujana pallaṅka nghĩa là thế ngồi kiết già như trong câu Pāḷi: “nisīdati pallankaṃ ābhujitvā” của bài kinh Mahā Satipatthāna, v.v...

Còn āsana pallaṅka nghĩa là một loại ghế ngồi. Āsana ppallaṅka có nhiều loại như seṭṭhi pallaṅka, rāja pallanka, nāga pallaṅka, deva pallaṅka, dhamma pallaṅka, bodhi pallaṅka, v.v....

Trong bài Chú giải của bổn sanh Mayhaka, Suci Vagga, Chakka Nipāta, có đoạn nói rằng: “Gaccha imaṃ amhakaṃ gharam ānetvā mama pallanke nisīdāpetvā amhākaṃ patiyattabhattassa pattaṃ dāpehi - Ngươi hãy đi thỉnh Đức Phật Độc giác về nhà ta. Hãy thỉnh Ngài ngồi trên chiếc ghế của ta và đặt vật thực dành cho ta vào trong bát của Ngài.” Đó là chiếc ghế của vị trưởng giả xứ Bārāṇasī, gọi là seṭṭhi pallaṅka - ghế của những người giàu có.

Các loại ngai vàng gồm có:

1. Sīhāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ có những hình sư tử ở dưới đế và được đặt ở chánh phòng của hoàng cung, nơi mà đức vua chủ tọa những cuộc họp triều.

2. Haṃsāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ thingan có hình thiên nga ở đế và được đặt ở giảng đường Jetavana, ở đó đức vua đến làm lễ Tam bảo.

3. Saṅkhāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ xoài có hình vỏ ốc ở đế và được đặt ở trong phòng để vua ngồi vấn khăn đầu.

4. Bhamarāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ karaway có hình con ong ở đế và được đặt ở phòng nghỉ của vua.

5. Gajasana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ saga có hình con voi ở đế và được đặt ở Byai Taik, nơi mà đức vua ban thưởng hoặc ra hình phạt.

6. Mayurāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ Pauk, có hình chin công ở đế và được đặt ở phòng phía bắc nơi mà vua tiếp nhận những con voi và những ngựa làm cống phẩm.

7. Migāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ cây sung có hình con nai ở đế và được đặt ở phòng phía nam nơi mà vua chủ toạ những buổi họp và

8. Padumāsana pallaṅka: Ngai vàng làm bằng gỗ mít có hình hoa sen ở đế và được đặt ở phòng phía tây nơi vua ngồi để người ta bày tỏ sự tôn vinh.

Tám loại ngai vàng này dành cho vị hoàng đế hoặc tám mươi bốn ngàn cái ngai vàng dành cho vị Chuyển luân vương, Mahā Sudassana, được gọi là Raja pallaṅka.

Ngai vàng của Long vương thì gọi Nāga pallaṅka.

Loại ngai vàng được nêu ra trong bài kinh Janavasabha, bài kinh Mahā Govinda v.v... của bộ Sutta Mahāvagga như sau: “Phạm thiên Sanankumāra có thể ngồi vào chiếc ngai của vị thiên, nếu vị ấy thích.” và loại bảo tọa bằng hồng ngọc có kích thước một do tuần dành cho đại đức Mahā Moggallāna, được đề cập trong kinh Cula Tanhasankhaya được gọi là Deva pallaṅka.

Loại bảo tọa dành cho hai vị trả lời về Tam tạng, đại đức Upāli và đại đức Ānanda, trong cuộc kiết tập Tam tạng lần thứ nhất được giới thiệu trong bộ Chú giải Sutta Sīlakkhandha, v.v... và những bảo tọa dành cho các bậc đạo sư như chư Phật, v.v... được gọi là Dhamma pallaṅka.

Loại bảo tọa mà tất cả chư vị Bồ tát ngồi kiết già với chí nguyện bất thối: “Ta sẽ không bao giờ rời khỏi chỗ ngồi này chừng nào ta chưa chứng được A-la-hán đạo tuệ và Nhất thiết trí.” Thì được gọi là Bodhi pallaṅka. Vì đó là chỗ ngồi mà chư Phật chiến thắng ngũ ma nên bảo tọa ấy được gọi là Vô địch bảo tọa - Aparājita pallaṅka.

Bodhi pallaṅka là bảo tọa nằm ở hướng Đông cách cây bồ-đề bốn hắc tay, cây bồ-đề này mọc trên vùng đất thiêng Bodhi Mandala, cao một trăm hắc tay và rất xinh đẹp. Bảo tọa từ lòng đất xuất hiện ngay khi Bồ tát rải tám nắm cỏ tại chính chỗ ấy. Bảo tọa ấy có được là do kết quả của những phước nghiệp mà Ngài đã gieo tạo trong quá khứ khi đang thực hành pháp Ba-la-mật. Bảo tọa được trang trí bằng nhiều loại châu báu và rất lộng lẫy. Vì đó là nơi mà Bồ tát chứng đắc đạo quả A-la-hán và Nhất thiết trí, nên nó được gọi là Bodhi Pallaṅka.

HẾT CUỐN 1 CỦA BỘ ĐẠI PHẬT SỬ

12-9, Tân Tỵ (ÂL)


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]