THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 2
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 2] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 11

SỰ THUYẾT GIẢNG THANH TỊNH ĐẠO HÀNH

(từ Kinh Nālaka)

(Mỗi lần Đức Phật xuất hiện, thường có một vị tỳ khưu tu tập về Thanh tịnh đạo hành (Moneyya). Khi Đức Phật vô thượng của ba cõi xuất hiện thì vị tỳ khưu hỏi Đức Phật về Thanh tịnh đạo hành và người thực hành là tỳ khưu Nālaka (cháu trai của đạo sĩ Kāladevila).

Đức Phật thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân vào ngày rằm tháng Āsāḷha và khiến cho mười tám koṭi Phạm thiên cùng với đại đức Koṇḍañña bước vào con đường giải thoát. Vào ngày thứ năm sau đó, Ngài thuyết giảng đến nhóm năm vị tỳ khưu (pañcavaggi) bài kinh Vô ngã tướng (Anattalakkhaṇa sutta) và khiến họ chứng đắc đạo quả A- la-hán. Và đến ngày thứ bảy, chư thiên thính dự nghe Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển Pháp luân (Dhammacakka) và muốn đem lại lợi ích cho đại đức Nālaka bèn báo tin cho vị ấy biết rằng Đức Phật đã xuất hiện và đã thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân, họ nói rằng: “ Thưa đại đức Nālaka, Đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên, bài Dhammacakka sutta, tại Isipatana, Migadāya! Đức Phật đã thực sự xuất hiện trong nhân loại, chư thiên và Phạm thiên!”

Trải qua ba mươi lăm năm kể từ khi trở thành đạo sĩ, đại đức Nālaka luôn chờ đợi sự xuất hiện của Đức Phật, vị ấy đã từ bỏ lối thực hành của ngoại đạo là ngâm mình trong nước vì vị ấy nghĩ rằng : “ Nếu ngâm mình quá nhiều trong nước thời hai tai sẽ bị hỏng. Nếu tai hỏng thì sẽ không thể nghe pháp được và như vậy cơ hội nghe pháp của ta sẽ bị tước mất.” Khi nghe tin báo của chư thiên, đại đức Nālaka rất vui sướng và tự nhủ: “ Những điều mà đạo sĩ Kāladeva, cậu của ta khuyên giờ đây đã thành hiện thực.” Rồi, vào ngày thứ bảy của tháng hạ huyền Āsāḷha, vị ấy rời khỏi Himavanta đi đến Isipatana, Migadāya. Khi đến đó, Nālaka trông thấy Đức Phật đang ngồi kiết già trên Phật tọa tối thắng đang chờ đợi ông, “ Đạo sĩ Nālaka sẽ đến ngày hôm nay. Ta sẽ thuyết pháp đến vị ấy về Thanh tịnh đạo hành.” Đạo sĩ Nālaka khởi tâm tịnh tín rất mãnh liệt nơi Đức Phật nên vị ấy tôn kính đảnh lễ Đức Phật và hỏi Ngài bằng hai câu kệ sau đây:

Aññatametaṃ vacanaṁ, Asitassa yathatāthaṁ.

Taṁ taṁ Gotama pucchāmi, Sabbadhammāna pāraguṃ.

Anagāriyupetassa, bhikkhācariyaṃ jigīsato. Muni pabrūhi me puttho,

moneyyaṁ uttarnaṁ padaṁ.

Thưa Đức Phật tôn quý của dòng dõi Gotama! Con thấy rằng những lời mà ông cậu là đạo sĩ Kaladevila nói với con cách đây ba mươi lăm năm hoàn toàn đúng (bây giờ con có thể tự thân nhìn thấy Đức Phật bằng đôi mắt của con). Và vì vậy, (để học và thực hành theo) xin cho phép con được hỏi Đức Thế Tôn, Bậc đã vượt qua đến bờ bên kia và đã thông suốt tất cả các Pháp bằng sáu cách.

Sáu cách là: 1. Abhiññā: biết bằng Thắng trí.

2. Pariññā: biết bằng Tiến tri.

3. Pahāna: Trừ đoạn

4. Bhāvanā: Tu tiến

5. Sacchikiriyā: Tác chứng

6. Samāpatti: Thiền định (Chú giải Aṅguttara)

Kính bạch Đức Phật, bậc Thánh nhân vĩ đại (Mahāmuni), bậc thắng trội gấp nhiều lần hơn năm hạng Tịnh giả (Muni) về các đức tính ! Xin hãy bi mẫn thuyết giảng về thánh đạo dẫn đến sự giác ngộ tứ đạo trí (magga-ñāṇa) cho vị Sa-môn đã từ bỏ đời sống thế tục và sống nhờ vào vật thực bố thí.

Sáu hạng Tịnh giả (Muni)

1. Agāramuni - hạng cư sĩ có niềm tin nơi giáo pháp của Đức Phật.

2. Anāgaramuni - hạng Sa-môn.

3. Sekhamuni - bảy hạng thánh nhân đã giác ngộ một trong bốn Đạo (Magga) và ba Quả (Phala).

4. Asekhamuni - chư vị A-la-hán.

5. Paccekamuni - chư Phật Độc giác.

6. Munimuni - chư Phật Toàn giác.

Nhân đó, Đức Phật thuyết giảng đến đại đức Nālaka về Thanh tịnh đạo hành (Moneyya) một cách chi tiết bằng hai mươi ba câu kệ, bắt đầu với “ Moneyyaṃ te upannissam !”

(Ở đây, Moneyya có nghĩa là tứ đạo trí (magga-ñāṇa). Đặc biệt, A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa) được gọi là Moneyya. Bởi vậy, cần lưu ý rằng pháp hành bậc thánh dẫn đến sự giác ngộ tứ đạo trí được gọi là Moneyya paṭipadā - Thanh tịnh đạo hành).

Hai mươi ba câu kệ về Moneyya paṭipadā được thuyết giảng bằng tiếng Pāḷi và được diễn dịch như vầy:

(1) Moneyyaṃ te upaññissaṁ, dukkaraṁ durabhisambhavaṁ. Handa te naṃ parakkhāmi, santhambhassu daḷho bhava.

Này con Nālaka ! Như Lai sẽ thuyết giảng và giúp con hiểu rõ về Thanh tịnh đạo hành (Moneyya paṭipadā) là pháp không những khó thực hành dù có nhiều cố gắng mà còn khó thể nhập. (Ý nghĩa: Này Nālaka, con hỏi pháp Moneyya paṭipadā, là pháp hành khó thực hành và khó thành đạt vì pháp ấy phải được thực hành bởi người trong tâm không có phiền não và phải có nhiệt tâm kiên quyết từ lúc người ấy vẫn còn phàm phu (puthujjana).

Này con Nālaka (Hãy sẵn sàng!) Như Lai sẽ giảng dạy Moneyya paṭipadā chi tiết. (Này con, con đã có phước (kusala) tích luỹ trong quá khứ). Thế nên con hãy nỗ lực và thực hành một cách kiên trì với nhiệt tâm không thối chuyển để làm điều khó làm.

(2) Samanābhāgaṁ kubbetha, gāme akkutthavanditaṁ. Manopadosaṁ rakkheyya, santo anuṭṭato care.

Này con Nālaka, con nên cố gắng cư xử với mọi người trong làng mạc, thị thành với tâm không thương, không ghét dầu bị xúc phạm, lăng mạ hoặc được tôn kính, khen ngợi. Người có giới đức nên phòng hộ tâm không để sân hận sanh khởi (do bị xúc phạm hay bị chửi mắng). Con phải cố gắng đừng trở nên ngã mạn dầu chút ít khi được người ta tôn kính khen ngợi. (Ý nghĩa là như thế này : Con nên chế ngự sân hận khi những người trong làng mạc, thị thành xúc phạm và mắng chửi con. Con không nên tự đắc, ngã mạn ngay cả khi được đức vua tôn kính, trọng vọng. Bằng cách này, con nên đối xử với tất cả một cách trầm tĩnh, không thương và không ghét trước sự khen chê). (Qua câu kệ này, Đức Phật giảng dạy cách đoạn trừ phiền não khởi sanh liên quan đến làng mạc và thị thành).

(3) Uccāvacā niccharanti; dāye aggisikhūpama.

Nāriyo muniṁ paloghenti; tā su taṃ ma palobhayuṁ.

Này con Nālaka, cũng vậy trong khu rừng, những cảnh trần đang bốc cháy như những ngọn lửa. (Hoặc khi một đám lửa rừng với những ngọn lửa lớn nhỏ khác nhau như những ngọn lửa có khói và không có khói, những ngọn lửa màu xanh, vàng và đỏ, v.v...) Cũng vậy, trong rừng cũng có những đối tượng khác nhau, một số trông đáng sợ, một số trông xinh đẹp, một số thấy đáng ghét và một số gây xáo trộn tâm tư, như loài người, dạ xoa, cọp beo, sư tử, các loại chim, những loại âm thanh khác nhau được tạo ra bởi chúng, các loại trái cây và các loại hoa và những nụ mầm. Có những phụ nữ đến vui chơi trong các khu vườn và khu rừng, một số phụ nữ nhặt củi, hái hoa, rau và trái cây. Họ có thể mê hoặc vị Sa-môn ẩn sĩ bằng nụ cười, lời nói, nước mắt và y phục. Đừng để những phụ nữ như vậy mê hoặc con. (Nghĩa là hãy cố gắng giữ mình đừng để những phụ nữ như vậy quyến dụ con). (Qua câu kệ này, Đức Phật dạy cách đoạn trừ phiền não (kilesa) khởi sanh ở trong rừng).

(4) Virato methunā dhammā, hitvā kāme paropare.

Aviruddho asāratto, pānesu tasathāvare.

(5) Yathā ahaṁ tathā ete, yathā ete tathā adaṁ.

Attānaṁ upamaṁ katvā, na haneyya na ghātaye.

Này con Nālaka, ngoài việc loại bỏ tất cả các loại cảnh dục (kama ārāmammana), tốt hoặc xấu, con cũng nên tránh xa sự tà hạnh. Con phải tuyệt đối không nuôi dưỡng ý nghĩ thù địch với những người thuộc phe khác và con cũng tuyệt đối không luyến ái với những người cùng phe với con. Và hãy lấy chính con làm gương mà suy nghĩ như vầy: “ Như ta đây, những chúng sanh này đều muốn sống lâu, không muốn chết, muốn hạnh phúc, không muốn đau khổ. Như chúng sanh, ta cũng muốn sống lâu, không chết, muốn hạnh phúc, không đau khổ.”

Con không nên tự mình giết hoặc làm hại kẻ khác. Những kẻ phàm phu (puthujjana), những bậc Dự lưu (sotāpaññā), Nhất lai (sakadāgāmi) và Bất lai (anāgāmi) đều chưa thoát khỏi ái (taṇhā) và những bậc A-la-hán đã thoát khỏi ái tham (taṇhā lobha). Con cũng không nên bảo kẻ khác giết hoặc làm hại.

(Trong những câu kệ này, Đức Phật dạy về Lục căn thu thúc giới (Indriyasaṃvarasīla) qua câu: “ hitvā kāme paropare - loại bỏ tất cả các loại cảnh dục tốt hoặc xấu.” Đức Phật cũng dạy về Biệt biệt giải thoát luật nghi giới (pāṭimokkhāsaṁvarasīla) dành cho các vị tỳ khưu qua những câu còn lại bắt đầu bằng sự tránh xa tà hạnh và sát sanh).

(6) Hitvā icchañca lobhañca, yattha satto puthujjano. Cajjgynā paṭipajjeyya, tareyya narakaṁ imaṁ.

Này con Nālaka, những kẻ phàm phu vẫn còn bám chấp vào bốn món vật dụng gồm vật thực, y phục, chỗ ngụ và thuốc chữa bệnh, là những cảnh dục dành cho các vị Sa-môn. Này con, con nên từ bỏ ham muốn (icchā) đối với bốn món vật dụng trước khi có được chúng. Nếu đã có được bốn món vật dụng rồi con nên đoạn diệt tham (lobha) là pháp chướng ngại ngăn cản ước muốn bố thí. Là người có mắt trí tuệ, con nên cố gắng tu tập Thanh tịnh đạo hành (moneyya paṭipadā) của bậc thánh đã được giảng dạy, đang được giảng dạy và sẽ được giảng dạy. Nếu con cố gắng thực hành như vậy, con có thể đoạn trừ tham ái đối với bốn món vật dụng dẫn đến đời sống tà mạn (micchājiva) được gọi vực thẳm naraka vì nó khó lấp đầy.

(Qua câu kệ này, Đức Phật dạy về Chánh mạng Thanh tịnh giới (Ājīvapārisuddhisīlā), đặc biệt liên quan đến sự đoạn trừ tham muốn và luyến ái bốn món vật dụng).

(7) Unūdaro mitāhāro; appicchassa alolupo. Sadā icchāya nicchāto; aniccho hoti nibbuto.

Này con Nālaka, vị Sa-môn muốn tu tập Thanh tịnh đạo hành (moneyya paṭipadā) thì nên có cái dạ dày vừa phải (ăn ít hơn lượng vật thực thọ lãnh bốn hoặc năm miếng – dhammniyaladdha : pháp thọ dụng). (Ăn ít hơn bốn hoặc năm miếng chưa đủ), mà con còn nên quán tưởng về những lợi ích và những điều bất lợi của vật thực ăn vào (paccavekkhanā). (Tuy nhiên vẫn chưa đủ), con cũng nên làm người có bốn pháp tri túc, là pháp muốn ít hoặc không tham muốn (appiccha), đó là (1) thiểu dục đối với bốn món vật dụng (paccaya- appiccha); (2) muốn ít hoặc không muốn để cho mọi người biết rằng con đang thực hành pháp đầu đà (dhutaṅga-appiccha); (3) muốn ít hoặc không muốn để mọi người biết rằng con có kiến thức và sở học sâu rộng (pariyatti-appiccha); (4) muốn ít hoặc không muốn để mọi người biết rằng con đã chứng đắc đạo quả siêu thế (adhigama appiccha). (Tuy nhiên vẫn chưa đủ), con nên cố gắng diệt tận ái dục (taṅhā) bằng A-la-hán đạo (arahatta-magga). Khi con trở thành người thoát khỏi tham và ái (loluppa-taṅhā) con sẽ trở thành người không ham muốn và không tham ái (icchā-lobha-taṅhā) đối với bốn mốn món vật dụng, không giống như người bị đói khát cùng cực và khi ấy con không còn đói khát (kilesa). Do không có phiền não như vậy, con sẽ trở thành người mà ngọn lửa phiền não (kilesa) đã bị dập tắt.

(Qua câu kệ này, Đức Phật dạy về Tư cụ y chỉ giới (Paccayasannissita sīla) hay Tư cụ thọ dụng giới (Paccaya-paribhoga sīla) bắt đầu bằng thực tri lượng (sự tiết độ trong vật thực - bhojane mattannuta).

(8) Sa piṇḍacāraṁ caritvā, vanaṇtamabhihāraye.

Upatthito rukkhamūlasmiṁ, āsanūpagato Muni.

(9) Sa Jhānapasuto dīro, vanante ramhito siya.

Jhāyetha rukkhamūlasmiṃ, attānamabhitosayaṃ.

Này con Nālaka, vị tỳ khưu thực hành moneyya paṭipadā chỉ nên trở về chỗ ngụ của vị ấy ở trong rừng sâu khi đã đi khất thực và độ thực (không chuyện trò nấn ná với mọi người, v.v…). Vị tỳ khưu thực hành moneyya paṭipadā nên ngồi lại ở dưới cội cây hay trong chỗ ngụ của vị ấy (khi đã trở về rừng).

(Ở đây, qua những chữ “ sau khi đi khất thực”, khất thực đầu đà (piṇḍapātā dhutaṅga) được chỉ rõ. Vị tỳ khưu thực hành ukkaṭṭha- piṇḍapāta-dhutaṅga cũng phải thọ trì Thứ đệ khất thực đầu đà (sapadānacārika-dhutaṅga), Nhất tọa thực đầu đà (ekāsanika- dhutaṅga), Nhất bát thực đầu đà (pattapiṇḍika-dhutaṅga), Thời hậu bất thực đầu đà (khalupacchābhattika-dhutaṅga), Tam y đầu đà (ticīvatika-dhutaṅga), Phấn tảo y đầu đà (paṃsukūlika-dhutaṅga), và như vậy sáu pháp đầu đà (dhutaṅga), cũng được bao gồm trong đó.

(Qua nhóm chữ: “chỉ nên trở về chỗ ngụ của vị ấy ở trong rừng”. Ẩn lâm đầu đà chi (arannikañga-dhutaṅga) được chi rõ. Qua nhóm chữ, “ nên ngồi lại dưới cội cây hoặc trong chỗ ngụ của vị ấy”, Thọ hạ trụ đầu đà chi (rukkhamūlika- dhutaṅga) và Tọa bất ngọa đầu đà chi (nesajjika-dhutaṅga) được chỉ rõ. Bởi vì mười pháp đầu đà (dhutaṅga) này, được thuyết giảng theo thứ tự, nên ba pháp đầu đà Lộ địa trụ chi (abbhokāsika-dhutaṅga: ở ngoài trời); Tùy đắc tọa đầu đà (yathasanthātika-dhutaṅga: nhận lấy bất cứ chỗ ngồi nào được dâng đến) và Mộ xứ trụ đầu đà (susāna-dhutaṅga: ở bãi tha ma ) cũng được bao gồm. Đúng như vậy, qua câu kệ này, Đức Phật đã giảng dạy về mười ba pháp đầu đà - dhutaṅga.

Này con Nālaka, vị tỳ khưu đang thọ trì mười ba pháp dhutaṅga và đang thực hành pháp moneyya paṭipadā, nên nỗ lực để chứng đắc thiền định hợp thế mà chưa chứng đắc và tu tập năm pháp tự tại (vasibhāva) đối với các tầng thiền hợp thế mà vị ấy đã chứng đắc. Khi đã chứng đắc an chỉ định (appanā-samādhi) vị ấy nên vui thích nơi vắng vẻ trong rừng, cách chỗ náo nhiệt của loài người. (Chỉ tu tập các tầng thiền hợp thế chưa đủ), vị ấy cũng nên trú dưới cội cây trong rừng, vui thích với tầng thiền siêu thế được kết hợp với Dự lưu đạo – sotapātti-magga, v.v...

(Qua câu kệ này, Đức Phật dạy về sự an lạc của đời sống ở rừng do sự nỗ lực, tu tập các tầng thiền hợp thế và siêu thế cũng như A-la-hán quả - arahatta-phala).

Sau khi nghe qua những bài pháp thoại này, đại đức Nālaka khởi nhiệt tâm vào rừng và hành đạo dù không độ thực. Tuy nhiên không thể nào chuyên tâm vào sự hành đạo nếu không độ thực. Đúng vậy, người thực hành pháp mà không độ thực thì không thể duy trì thọ mạng. Thực ra, người nên tầm cầu vật thực mà không làm cho phiền não sanh khởi. Việc tầm cầu vật thực mà không làm sanh khởi phiền não là việc làm chân chánh trong giáo pháp (sāsana). Vì muốn thuyết giảng đến đại đức Nālaka về pháp đi khất thực và với ý định quả quyết với vị ấy rằng: “ Trong vài ngày tới, con có thể đi vào thị trấn và làng mạc để khất thực, nhưng con không nên để phiền não sanh khởi”, Đức Phật đọc lên sáu câu kệ sau đây mà cuối cùng có thể giúp Nālaka chứng đắc A-la-hán quả.

(10) Tato ratyāvivasāne, gāmantamabhihāraye.

Avhānaṃ nābhina andeyya, Abhihārañca gāmato.

Này con Nālaka, khi pháp hành Moneyya paṭipadā (sau khi đã khất thực xong trở về chỗ ngụ trong rừng) đã được thực hành rồi, những ngày sau cũng vậy, vị tỳ khưu nên tiếp tục đi vào làng để khất thực. Sau khi đêm đã mãn và ngày lại đến; trước khi đi khất thực, vị ấy nên làm các phận sự như những phận sự cần làm trong chỗ ngụ của vị ấy hoặc ở bảo tháp trong khuôn viên của tịnh xá (cetiyangawa vatta), v.v… và thọ trì thân (kaya) viễn ly và tâm (citta) viễn ly là ly dục tầm (viveka), nên quán niệm trên đường đi đến và trở về từ chỗ khất thực.

Khi đi đến tại làng, con không nên vui thích và thọ lãnh vật thực qua lời mời: “ Bạch đại đức, xin hoan hỉ đến thọ thực ở tại nhà của chúng con”, (tức là vật thực được thọ lãnh với ý nghĩ rằng: “ Nhà này có dâng vật thực cho ta hay không? Không biết vật thực ngon hay dở?”) Nếu trường hợp thí chủ dâng vật thực mà dành lấy cái bát và đổ đầy vật thực vào trong đó thì con có thể thọ lấy để có sức khỏe mà hành đạo, điều này không ảnh hưởng đến pháp hành đầu đà (dhutaṅga). Nhưng con không nên đi vào làng với mong mỏi thọ lãnh vật thực như vậy.

(Vật thực gồm nhiều món ăn do các thí chủ dâng cúng vị tỳ khưu thực hành Moneyya paṭipadā mà không mời vị ấy về nhà của họ sau khi vị ấy đi vào làng và ngay cả trước khi vị ấy đi khất thực từng nhà thì được gọi là vật thực abhihāra. Dù chỉ một hạt cơm từ vật thực như vậy cũng không nên thọ lãnh (cho dù vật thực ấy bao gồm cả hằng trăm món ăn) (Nghĩa là chỉ nên thọ lãnh vật thực trong khi đang đi khất thực từng nhà mà thôi).

(11) Na Munī gamamagāmma, kulesu sahasā care.

Ghāsesanaṃ chinnakatho, na vācaṃ payutaṃ bhaṇe.

Này con Nālaka, khi vị Sa-môn thực hành moneyya paṭipadā đã đi vào làng rồi, vị ấy không nên đi đến những thí chủ nam nữ mà không thích hợp với giáo pháp. Vị ấy nên cư xử như người câm và không nên gợi ý bằng cách ra dấu để có được vật thực.

(12) Alatthaṁ yadidaṁ sādhu, nālatthaṁ kusalaṁ iti. Ubhayeṅeva sa tādi, rukkhaṁ vupanivattati.

Này con Nālaka, khi vị Sa-môn thực hành moneyya paṭipadā vào làng khất thực; nếu chỉ thọ lãnh được chút ít vật thực, vị ấy nên nghĩ rằng “Thật tốt” và nếu không thọ lãnh được chút vật thực nào, vị ấy nên nghĩ rằng “Thật không tệ”; vị ấy không nên động tâm khi có được vật thực hoặc không có được vật thực. Nhờ có được Như thị đức (tādiguna - đức tánh giống như quả đất là đức nhẫn nại; đức tánh giống như quả núi là đức tánh kiên cố), vị ấy nên rời khỏi nhà của thí chủ (với tâm xả, không vui không buồn khi nhận được hoặc không nhận được vật thực, cũng như người đi kiếm trái cây ở trong rừng, anh ta đi đến và rời khỏi cây mà không có sự ham thích hay ghét bỏ do có được hoặc không có được trái cây).

(13) Sa pattapāni vicaranto, amūgo mūgasammato.

Appaṁ dānaṁ na hīḷeyya, dātāraṁ nā ajāniyā.

Này con Nālaka, vị tỳ khưu moneyya ôm bát đi khất thực, nên cư xử theo cách để mọi người nghĩ rằng vị ấy câm dù vị ấy không câm. (Nghĩa là vị ấy không nên nói chuyện trong khi đi khất thực). Khi được cho chỉ chút ít vật thực cũng không nên xem thường; và cũng không nên chê trách thí chủ vì chỉ cho chút ít vật thực.

(14) Uccā vacā hi paṭipadā; Samanena pakāsitā.

Na pāraṁ digunaṁ yanti; nāyidaṁ ekaguṇaṁ mutaṁ.

Này Lālaka con, khi vị tỳ khưu moneyya đã có được đầy đủ phẩm hạnh khất thực, thì không nên vừa lòng với bấy nhiêu mà phải cố gắng thành thục pháp hành paṭipadā của bậc thánh. (Đúng vậy ! Cốt lõi của giáo pháp (sāsana) là pháp hành paṭipadā. Ý nghĩa là pháp hành paṭipadā là cốt lõi của giáo pháp. Chỉ khi nào paṭipadā được thực hành theo thì cốt lõi của sāsana sẽ được hoạch đắc). Đức Phật đã giảng dạy pháp hành của bậc thánh dẫn đến đạo quả theo hai cách, bậc thượng và bậc hạ.

(Giải rõ: Thời gian kể từ lúc Sa-môn pháp được thực hành và được phát triển cho đến lúc năm triền cái (nīvarana) được đoạn trừ thì được gọi là paṭipadā khetta, lĩnh vực của paṭipadā. Nếu trong thời kỳ này năm triền cái (nīvarana) được đoạn trừ một cách dễ dàng, không chướng ngại, thì nó được gọi là sukhā-paṭipadā (Lạc hành đạo). Nếu năm triền cái (nīvarana) được đoạn trừ với sự hành đạo đầy nỗ lực và trải qua nhiều khó khăn thì nó được gọi dukkhā-paṭipadā (Khổ hành đạo). Thời gian từ lúc năm nīvarana được đoạn trừ cho đến sát na đạo trí (magga-ñāṇa) được chứng đắc thì được gọi là abhiññākhetta, lãnh vực của thắng trí (abhiññā) hay quán trí tuệ (vipassanā-ñāṇa-paññā). Vipassanā-ñāṇa nhận ra magga-ñāṇa một cách nhanh chóng sau khi năm triền cái được đoạn trừ thì được gọi là khippābhiññā (Tốc trí thông). Nếu magga-ñāṇa được chứng đắc chậm hơn thì vipassanā- ñāṇa kể trên được gọi là dandhābhiññā (Trì trí thông).

(1) Khi có những vị thực hành Sa-môn pháp, họ chứng đắc đạo trí (magga-ñāṇa) nhanh chóng sau khi đoạn trừ năm triền cái một cách dễ dàng và không khó khăn, thì đạo hành (paṭipadā) của những vị này được gọi là Sukkhapaṭipadākhippābhiññā (Lạc hành đạo tốc trí thông) (Đức Phật dạy loại paṭipadā này là loại bậc cao). (2) Tuy nhiên, có một số vị chứng đắc đạo trí (magga-ñāṇa) chậm, sau khi đoạn trừ năm triền cái một cách dễ dàng; đạo hành (paṭipadā) của những nhân vật như vậy được gọi là Sukhapaṭipadādandhābhiññā (Lạc hành đạo trì trí thông). (3) Một số chứng đắc đạo trí (magga-ñāṇa) nhanh chóng sau khi đoạn trừ năm triền cái một cách khó khăn và đầy nỗ lực; đạo hành của họ được gọi là Dukkhapaṭipadākhippabhiññā (Khổ hành đạo tốc trí thông). (4) Một số chứng đắc đạo trí (magga-ñāṇa) chậm sau khi đoạn trừ năm triền cái với sự tu tập đầy khó khăn và nhiều nỗ lực; đạo hành của họ được gọi là Dukkhāpaṭipadādandhabhiññā (Khổ hành đạo trì trí thông). (Đức Phật giảng dạy ba loại đạo hành số 2,3,4 là những loại bậc thấp).

Này con Nālaka, khi đạt đến bờ bên kia Niết bàn bằng hai loại đạo hành bậc thấp và bậc cao này; Niết bàn không được chứng đắc hai lần bởi một đạo trí (magga-ñāṇa) (chỉ cần chứng đắc magga-ñāṇa một lần thôi thì các phiền não được đoạn tận vĩnh viễn, và do vậy phiền não ấy sẽ không khởi sanh trở lại trong dòng uẩn luân hồi ( khandha saṁsāra), cho nên Đức Phật mới dạy “Niết bàn không được chứng đắc hai lần bởi một magga-ñāṇa. Niết bàn cũng không phải là loại pháp có thể được chứng đắc hoàn toàn chỉ một lần (do một magga- ñāṇa). (Tất cả phiền não không thể được đoạn tận do một đạo trí, chúng được đoạn trừ từng phần qua tứ đạo trí, mỗi đạo trí đoạn tận một số phiền não theo thứ tự. Đến đạo trí thứ tư, tức A-la-hán đạo trí thì tất cả phiền não mới hoàn toàn bị đoạn diệt không dư sót. Do đó, Đức Phật mới dạy rằng “ Niết bàn cùng với A-la-hán quả (arahatta- phala) không thể được chứng đắc trong một lần duy nhất qua sự khởi sanh của một đạo trí). Điều ấy chỉ có thể được thành tựu trải qua bốn đạo trí (magga-ñāṇa).

(15) Yassa ca visatā natthi, chinnasotassa bhikkhuno. Kiccākiccappahīṅassa, pariḷāho na vijjati.

Này con Nālaka, vị tỳ khưu moneyya ấy (là người đã thực hành paṭipadā thuộc hai loại kể trên, đến giai đoạn chứng đắc đạo quả A-la- hán, đã thoát khỏi 108 loại ái dục sau khi đoạn tận chúng bằng A-la- hán đạo). Trong dòng tâm của vị tỳ khưu moneyya đã cắt đứt hoàn toàn dòng phiền não (qua A-la-hán đạo) và đã đoạn diệt cả phước lẫn tội, không còn chút nào hơi nóng của tham (rāga) và sân (dosa).

(Qua câu kệ này, lợi ích của đạo hành (patipadā) được giải rõ)

Khi nghe qua những câu kệ này, đại đức Nālaka suy nghĩ như vầy: “Nếu pháp hành Moneyya paṭipadā chỉ có bấy nhiêu thì quả thật rất dễ dàng, chẳng khó khăn gì. Ta có thể thực hành viên mãn pháp ấy mà không gặp khó khăn.” Do đó, Đức Phật muốn cho đại đức Nālaka biết như vầy : “Này con Nālaka, pháp hành moneyya không dễ dàng như con nghĩ đâu. Đó là pháp hành thực sự khó”. Ngài bèn đọc câu kệ này:

(16) Moneyyaṁ te upannissaṁ, Khuradhārupamo tave.

Jivhāya tālū māhacca, udare saññāto siyā.

Này con Nālaka, Như Lai sẽ cho con biết thêm về pháp hành moneyya paṭipadā. Vị tỳ khưu thực hành moneyya paṭipadā được so sánh như người liếm mật trên lưỡi dao bén (Nghĩa là : như người liếm mật trên lưỡi dao bén, anh ta phải thận trọng không để bị đứt lưỡi. Vị Sa-môn moneyya thọ dụng bốn món vật dụng kiếm được một cách chân chánh thì nên phòng hộ tâm không để bị ô nhiễm bởi phiền não khởi sanh từ đó. Đúng vậy, khó kiếm được bốn món vật dụng bằng phương tiện thanh tịnh. Sau khi kiếm được chúng rồi, cũng khó thọ dụng chúng một cách trong sạch). Thế nên, Đức Phật chỉ dạy về paccaya-sannissita sīla (Tư cụ y chỉ giới).

Này con Nālaka, vị Sa-môn thực hành moneyya paṭipadā nên chế ngự cái dạ dày của vị ấy bằng cách ép lưỡi lên vòm miệng (tức là dùng lưỡi tạo ra tiếng ‘tách’), trừ đoạn vị ái (rasataṇhā) và không dùng bốn món vật dụng có được bởi lối sống tà mạng (micchājīva). (Nghĩa là: nếu vật thực kiếm đúng pháp (dhammiyaladda) mà khó nuốt, thì vị ấy nên rán kềm chế vị ái (rasa-taṇhā) bằng cách nghiến răng dùng lưỡi tạo ra tiếng tách. Vị ấy không nên sử dụng bốn món vật dụng kiếm được một cách phi pháp).

(17) Ālinacitto ca siyā,

Na cāpi bahu cintaye.

Nirāmagandho asito,

Brahmacariyaparāyato.

Này con Nālaka, vị Sa-môn thực hành moneyya paṭipadā nên làm người siêng năng, đêm ngày chuyên tâm vào các việc thiện. Vị ấy không nên bận rộn với các vấn đề liên quan đến bạn bè, quyến thuộc và làng xã. Không bị cấu uế bởi phiền não và không luyến ái các kiếp sống do bởi ái dục và tà kiến, vị ấy nên làm người nương tựa vào đạo hành của bậc thánh (paṭipadā), tức là ba học pháp (sikkha) (giới học, tâm học và tuệ học) đã được Đức Phật giảng dạy.

(18) Ekāsanassa sikkheya, Samaṇūpasanassa ca.

Ekattaṁ monamakkhātaṁ, Eko ce abhiramissasi.

Atha bhāhisi dasa disa.

Này con Nālaka, vị Sa-môn thực hành moneyya paṭipadā nên cố gắng thực hành pháp độc cư, không bạn bè và chuyên niệm 38 đề mục thiền (kammaṭhānā arammaṇ) gồm có: 10 Kasina (Hoàn tịnh), 10 Asubha (Bất mỹ), 10 Anussati (Tùy niệm), 4 Brahmavihāra (Tứ vô lượng tâm), 4 Arūpayatana, 1 Ahāre-paṭikūlasaññā (Bất tịnh thực) và 1 Catudhātuvatthāna (Tứ đại) [ Ở đây, Đức Phật dạy về thân viễn ly (kāya- viveka) bằng cách sống độc cư và tâm viễn ly (citta-viveka) bằng cách quán niệm các đề mục thiền]. Như vậy, Như lai dạy rằng sống độc cư bằng cách duy trì thân viễn ly (kāya-viveka) và tâm viễn ly (citta-viveka) là moneyya paṭipadā. Này con Nālaka, nếu có thể vui thích trong đời sống độc cư, không bạn bè, duy trì kāya-viveka citta-viveka, con sẽ được nổi tiếng khắp mười phương.

(19) Sutvā dhīrāna nighosaṁ, Jhāyīnaṁ kamcāginaṁ. Tato hirīnca saddhañca, bhiyyo tubbatha māmako.

Này con Nālaka, bất cứ khi nào con nghe những lời khen ngợi của những bậc trí tuệ và bậc thánh - những người đã đoạn trừ các vật dục (vatthu-kāma) và phiền não dục (kilesa kāma) do thường xuyên quán niệm các đề mục thiền (ārammaṇupanijjhāna - sở duyên thẩm sự) và các đặc tướng của chúng (lakkha-ṇupanijjhāna), con không nên động tâm trong những lời khen ngợi ấy, mà phải khởi tâm hỗ thẹn (hiri) để nỗ lực nhiều hơn trước và cũng nên có niềm tin tuyệt đối (saddhā) trong pháp hành moneyya paṭipadā - là pháp hành của bậc Thánh giải thoát hoàn toàn khỏi luân hồi, và tu tập pháp hành dẫn đến sự giải thoát rốt ráo (niyyānika - xuất ly pháp). Nếu con làm như vậy, con sẽ trở thành đứa con thực sự của Như lai, của Đức Phật.

(20) Taṃ nadīhi vipānātha, sobbhesu padaresu ca. Saṇatā yanti kusobbhā, Tuṇhi yantimahodadhi.

Này con Nālaka, con nên biết rằng vấn đề chính của lời sách tấn (tức là: “Con không nên động tâm trong những lời khen ngợi của các bậc trí tuệ, mà nên tu tập tâm hỗ thẹn tội lỗi (hirī) và niềm tin (saddhā) càng lúc càng nhiều hơn ”) đã được giảng dạy bởi Như Lai,

phải hiểu rõ qua các ví dụ về những con sông lớn và những con suối, con lạch nhỏ. Những dòng nước trong những con suối và con lạch nhỏ tuôn chảy ồn ào. Tuy nhiên, những dòng nước trong những con sông lớn như sông Hằng chẳng hạn, chảy một cách lặng lẽ, không tạo ra bất cứ tiếng ồn nào (Nghĩa là: Người không phải đứa con thực sự của Như lai, của Đức Phật, giống như những con suối, con lạch nhỏ, bị dao động trong ý nghĩ: “ Ta là người thực hành pháp moneyya paṭipadā.” Tuy nhiên, người thực sự là con của Như Lai, của Đức Phật thường trau dồi hai pháp hiri saddhā này và giống như những con sông lớn, giữ tâm yên tịnh và khiêm tốn).

(21) Yadūnakaṁ taṁ saṇati, yaṁ pūraṃ santameva taṁ. Addhakumbhūpamo balo, Rahado pūrova paṇḍito.

Này con Nālaka, (Như Lai muốn cho thêm một ví dụ nữa để so sánh và chỉ một cách khác là:) một cái bình vì ít nước nên nước đập vào thành bình tạo ra tiếng ồn. Còn cái bình đầy nước thì yên tĩnh không tạo ra tiếng ồn. Kẻ ngu giống như cái bình ít nước tạo ra tiếng ồn. Người trí giống như cái bình lớn chứa đầy nước.

Ở đây, có khả năng có câu hỏi được nêu lên như sau: “ Nếu kẻ ngu không yên tịnh và ồn ào như cái bình ít nước và bậc trí không ồn ào mà yên tịnh như cái bình lớn chứa đầy nước, vậy tại sao Đức Phật lại thuyết pháp nhiều như vậy? “ và vì thế, Đức Phật thuyết giảng hai câu kệ cuối cùng này.

(22) Yaṃ samaṇo bahuṁ bhāsāti, upetaṁ atthasañhitaṁ Janaṁ so dhammaṁ deseti, jānaṁ so bahuṁ bhāsati.

(23) Yo ca jānaṁ sanyatatto, jānaṁ na bahu bhāsati. Sa munī monaṁ arahati, Sa munī monamajjhagā.

Này con Nālaka, vị thánh Sa-môn như Như lai chỉ nói những lời đầy đủ ý nghĩa và lợi ích. Những lời này được nói ra không phải do tâm phóng dật (uddhacca). Thực ra, Như Lai, vị Sa-môn bậc thánh biết rõ bằng trí tuệ điều gì có lợi ích và điều gì không lợi ích, và Ta chỉ thuyết giảng Pháp (có lợi ích). (Ngay khi Pháp được thuyết giảng suốt cả ngày, không phải để giết thì giờ). Trong việc thuyết pháp, Như lai chỉ thuyết khi đã biết rõ như vầy:

“ Pháp này đem lại lợi ích và hạnh phúc cho người này. Pháp kia đem lại lợi ích và hạnh phúc cho người kia. (Nghĩa là: Đức Phật không thốt ra những lời không chứng cứ vì bản chất của Ngài không nói nhiều).

Này con Nālaka, vị Sa-môn thực hành Moneyya paṭipadā chỉ thực hành nó khi nào rõ pháp đã được phân tích kỹ và được giảng dạy bởi Như lai (bằng trí tuệ có khả năng đoạn diệt phiền não - nibbedhābhagiya ñāṇa paññā) và cẩn thận gìn giữ nó. Vị ấy không nói quá nhiều (chỉ nói những gì đem lại lợi ích cho chúng sanh). Thực ra, vị Sa-môn Moneyya chắc chắn có thể chứng đắc A-la-hán đạo trí (arahatta-magga-ñāṇa)

Bằng cách này, Đức Phật đã kết thúc thời pháp của Ngài liên quan đến pháp hành Moneyya paṭipadā và thành quả tối thượng của nó là A-la-hán quả (arahatta-phala).

Ba ví dụ về pháp thiểu dục của đại đức Nālaka

Sau khi nghe qua những bài pháp thoại của Đức Phật về moneyya paṭipadā mà thành quả rốt ráo của nó là quả A-la-hán (arahatta-phala), đại đức Nālaka trở thành người ít ham muốn liên quan trong ba vấn đề: (1) Thấy Đức Phật, (2) Nghe pháp và (3) Hỏi những câu hỏi liên quan đến moneyya paṭipadā. Giải rõ:

(1) Khi thời pháp của Đức Phật về moneyya paṭipadā, đại đức Nālaka Thera rất hoan hỉ và sau khi làm lễ Đức Phật với tâm đầy tịnh tín, vị ấy đi vào rừng. Sau khi vào rừng, ngay cả ước muốn như “Thật tốt thay nếu ta có thể gặp lại Đức Phật một lần nữa!” cũng không khởi sanh trong dòng tâm của vị ấy dù chỉ một lần. Đây là ví dụ về pháp thiểu dục của đại đức Nālaka liên quan đến việc gặp Đức Phật.

(2) Tương tự, ngay cả ước muốn như: “ Thật tốt thay nếu ta có thể được nghe pháp một lần nữa!” cũng không khởi sanh trong dòng tâm của đại đức Nālaka dù chỉ một lần. Đây là pháp thiểu dục của đại đức Nālaka về việc nghe Pháp.

(3) Lại nữa, ngay cả ước muốn như “ Thật tốt thay nếu ta được một cơ hội nữa để vấn đạo và hỏi Đức Phật về moneyya paṭipadā!” cũng không khởi sanh trong dòng tâm của đại đức Nālaka dù chỉ một lần. Đây là pháp thiểu dục của đại đức Nālaka trong việc vấn đạo về pháp hành moneyya paṭipadā. Là một nhân vật và là vị Thinh văn đệ tử đặc biệt (puggala-visesa sāvaka-visesa) có mặt trong thế gian khi Đức Phật xuất hiện, vị ấy có pháp thiểu dục và ước muốn của vị ấy được viên thành dù chỉ gặp Đức Phật một lần, dù được nghe pháp chỉ một lần và được vấn đạo về pháp hành moneyya paṭipadā chỉ một lần; và thế nên vị ấy không còn khởi tâm ước muốn được gặp lại Đức Phật lần nữa, được nghe pháp, được hỏi đạo thêm nữa. Chính vì niềm tin mà vị ấy không có ước muốn được gặp Phật, được nghe pháp và được hỏi đạo nhiều hơn.

Đại đức Nālaka trở thành bậc A-la-hán

Như vậy, đại đức Nālaka, nhờ ba điều thiểu dục, đã đi vào rừng ở dưới chân núi và trú trong một rừng cây chỉ trong một ngày mà không ở lâu đến hai ngày, ở dưới cội cây cũng chỉ một ngày không đến hai ngày; và đi khất thực trong một ngôi làng chỉ trong một ngày, không đến khất thực cùng một ngôi làng trong ngày hôm sau. Bằng cách này, vị ấy đi từ khu rừng này đến khu rừng khác, từ cội cây này đến cội cây khác, từ ngôi làng này đến ngôi làng khác và thực hành pháp moneyya paṭipadā thích hợp với căn tánh của vị ấy, và chẳng bao lâu sau đại đức Nālaka chứng đắc A-la-hán quả - Arahatta- phala.

Ba hạng người thực hành Moneyya Paṭipadā và sự viên tịch Parinibbāna của trưởng lão Nālaka

Có ba hạng người thực hành moneyya paṭipadā, đó là: (1) hạng bậc cao (ukkaṭṭha-puggala) thực hành paṭipadā với sức tinh tấn mạnh nhất (2) hạng trung (majjhima-puggala) hành đạo với sức tinh tấn bậc trung và (3) hạng thấp (mudum-puggala) hành đạo với sức tinh tấn bậc thấp.

Trong ba hạng người này (1) Ukkaṭṭha-puggala hành đạo với sức tinh tấn mạnh mẽ chỉ sống trong bảy tháng, (2) Majjhima-puggala hành đạo với sức tinh tấn bậc trung chỉ sống trong bảy năm, và (3) Mudum-puggala hành đạo với sức tinh tấn bậc thấp chỉ sống trong mười sáu năm.

Trong ba hạng moneyya puggalā này, Đại đức Nālaka hành đạo với sức tinh tấn cao nhất, thuộc hạng Ukkaṭṭha-puggla. Và sau khi suy xét và biết rằng trưởng lão chỉ còn sống thêm bảy tháng nữa thôi và thọ hành của vị ấy (āyusaṅkhāra) sẽ tận mãn, vị ấy tắm rửa sạch sẽ. Rồi sau khi mặc vào chiếc y nội, buộc dây lưng và đắp y vai trái tề chỉnh và đắp chiếc y tăng-già-lê lên vai trái của mình, vị ấy quay mặt về hướng thành Rājagaha, nơi Đức Phật đang ngụ và làm lễ Ngài với năm điểm chạm đất (hai tay, hai đầu gối và trán). Rồi chấp tay trong thái độ tôn kính, đứng thẳng, lưng dựa vào vách núi Hingulaka, trưởng lão từ bỏ thọ hành và viên tịch, chấm dứt sanh hữu.

Xây dựng bảo tháp và tôn trí Xá lợi

Sau khi biết trưởng lão Nālaka viên tịch, Đức Phật cùng với chúng tỳ khưu đi đến chỗ ấy, và chủ trì lễ hỏa thiêu nhục thân của trưởng lão. Sau khi chủ trì việc gom nhặt xá lợi, Đức Phật cũng đứng ra giám sát công việc xây dựng bảo tháp và tôn trí xá lợi của vị A-la- hán này. Xong công việc, Đức Phật cùng chúng Tăng trở về Rājagaha.:p>

KẾT THÚC CHƯƠNG 11

SỰ THUYẾT GIẢNG THANH TỊNH ĐẠO HÀNH


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]