THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 2
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 2] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 14

SỰ GIÁO HOÁ BA ANH EM ẨN SĨ VÀ MỘT NGÀN ĐẠO SĨ

Sau khi đã an trú cho ba mươi vị hoàng tử Bhaddavaggī trong magga-phala bậc thấp và truyền phép xuất gia ehi-bhikkhu cho họ, Đức Phật tiếp tục lên đường và đến Uruvela.

Vào lúc ấy, ba anh em ẩn sĩ: (1) Uruvela-Kassapa (anh trưởng), (2) Nadī-Kassapa (em thứ) và (3) Gayā-Kassapa (em út), đang ngụ trong khu rừng Uruvela. Trong ba người này, Uruvela-Kassapa là vị lãnh đạo và có năm trăm đệ tử ẩn sĩ; Nadī-Kassapa có ba trăm và Gayā-Kassapa có hai trăm.

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ nhất

Đức Phật đi đến ẩn xá của đạo sĩ Uruvela-Kassapa và nói lời yêu cầu như vầy: “ Này đạo sĩ Kasspa, nếu không phiền hà cho ngươi, Như lai muốn ở lại qua đêm tại chỗ thờ lửa của ngươi.” “ Chẳng phiền hà gì,” Uruvela Kassapa đáp lại, “nhưng có điều tôi muốn báo cho Ngài là tại chỗ thờ lửa này có một vị rắn chúa rất hung dữ và hùng mạnh, có nọc độc cực mạnh gây tử vong tức thì. Tôi không muốn vị rắn chúa làm hại một vị Sa-môn như Ngài.” Đức Phật lại yêu cầu lần thứ hai rồi đến lần thứ ba. Đạo sĩ Uruvela-Kassapa cũng đáp lại như trước. ( Ông e sợ Đức Phật bị tổn hại). Đức Phật yêu cầu lần thứ tư như vầy: “ Này Kassapa, vị rắn chúa kia không thể làm hại được Như lai. Như lai yêu cầu ngươi cứ để Như lai ở lại qua đêm tại chỗ thờ lửa này.” Uruvela-Kassapa cuối cùng đồng ý: “Thưa Sa-môn, Ngài cứ an trú ở đó bao lâu tùy thích!”

Khi được sự đồng ý của Uruvela-Kassapa, Đức Phật đi vào chỗ thờ lửa, trải một tấm chiếu và ngồi kiết già trên đó, lưng thẳng và chánh niệm. Khi rồng chúa thấy Đức Phật đi vào chỗ thờ lửa, vị này giận dữ và phun khói mịt mù đến Đức Phật (với ý định hủy diệt Ngài và biến Ngài thành tro bụi).

Đức Phật suy nghĩ: “Ta sẽ vô hiệu hóa năng lực của rắn chúa bằng năng lực của ta mà không làm tổn thương đến da, thịt, gân, xương hay tủy của vị ấy!” và Ngài thổi ra những luồng khói mạnh hơn gấp bội so với những luồng khói của rắn chúa bằng cách vận dụng năng lực thần thông của Ngài, mà không làm hại hay gây tổn thương đến các bộ phận trên cơ thể của rắn chúa. Vì không thể kềm chế cơn giận dữ, rắn chúa lại thổi ra những khối lửa hung tợn. Bằng cách nhập thiền đề mục lửa (tejokasiṇa), Đức Phật cũng tạo ra những khối lửa dữ dội hơn. Khắp quanh chỗ thờ lửa rực sáng lên do những khối lửa khổng lồ được tạo ra bởi Đức Phật và rắn chúa.

Các vị đệ tử ẩn sĩ dẫn đầu do đạo sư Uruvela-Kassapa kéo đến quanh chỗ thờ lửa và sợ hãi nói rằng: “ Các huynh đệ! Vị đại Sa-môn tướng hảo rất xinh đẹp đã bị rắn chúa làm hại!” Khi đêm đã qua và ngày lại đến, Đức Phật đã nhiếp phục rắn chúa mà không làm tổn thương đến các bộ phận trên thân của nó, đã đặt nó vào trong bình bát khất thực của Ngài và cho đạo sĩ Uruvela-Kassapa xem rồi nói rằng : “ Này Kassapa! Đây là rắn chúa mà ngươi đã nói đến. Như lai đã nhiếp phục nó bằng năng lực của Như lai.” Nhân đó, Uruvela-Kassapa nghĩ rằng:

“ Vị Sa môn này quả thật có thần thông rất quảng đại vì vị ấy có khả năng nhiếp phục rắn chúa rất hung dữ và có nọc độc gây tử vong tức thì. Nhưng dù vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán như ta với các lậu hoặc đã diệt tận.”

Vì rất kính nể trước sự thị hiện thần thông (paṭihāriya) lần thứ nhất của Đức Phật có khả năng nhiếp phục rắn chúa, Uruvela-Kasspā nói lời thỉnh mời Đức Phật: “ Xin hãy ở lại đây, thưa ngài Đại Sa môn, tôi sẽ thường xuyên cúng dường vật thực đến ngài.”

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ hai

Sau đó, Đức Phật đến ngụ trong một rừng cây gần ẩn xá của đạo sĩ Uruvela-Kassapa. Khi canh đầu của đêm đã qua và canh giữa đến, bốn vị thiên vương (catumahārājika deva) với sắc tướng xinh đẹp, chiếu sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của họ, bèn đến yết kiến Đức Phật, đảnh lễ Ngài và đứng ở chỗ thích hợp như bốn đống lửa lớn ở bốn góc.

Khi đêm đã qua và trời hừng sáng, đạo sĩ Uruvela-Kassapa đi đến và hỏi Đức Phật : “ Đã đến giờ thọ thực, thưa Đại Sa môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng. Mời Ngài đến độ thực. Thưa Đại Sa môn ! Những vị có dung sắc rất khả ái là ai mà đến yết kiến Ngài, chiếu sáng toàn thể khu rừng vào lúc nửa đêm, sau khi đảnh lễ Ngài đứng như bốn đống lửa lớn ở bốn góc.” Đức Phật đáp lại: “ Này Kassapa! Đó là bốn vị thiên vương cai quản bốn đại châu. Họ đến Như Lai để nghe Pháp.” Đạo sĩ Uruvela-Kassapa suy nghĩ:

“ Ngay cả bốn vị thiên vương mà cai quản bốn đại châu cũng phải đi đến vị Sa-môn này để nghe Pháp. Như vậy, vị Sa-môn này có uy lực rất dũng mãnh. Nhưng, dù vị ấy có uy lực dũng mãnh như vậy, vị ấy vẫn chưa phải bậc A-la-hán như ta với các lậu hoặc đã được diệt tận.”

Lúc bấy giờ, tuy Đức Phật biết rõ điều gì xảy ra trong tâm của Uruvela-Kassapa, Ngài vẫn tự kềm chế và nhẫn nại chờ đợi (vì ngũ quyền (indriya) của vị đạo sĩ này chưa được trưởng thục) cho đến khi ngũ quyền của đạo sĩ đến hồi trưởng thục, và Ngài tiếp tục ở lại trong rừng cây, nhận lãnh vật thực do Uruvel-Kassapa dâng cúng.

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ ba

Đến đêm hôm sau khi canh đầu đã qua và canh giữa đến, Sakka, vua của chư thiên, với dung sắc khả ái, chiếu sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của vị ấy, khả ái và rực rỡ hơn cả hào quang của bốn vị thiên vương, đi đến trước mặt Đức Phật, kính cẩn đảnh lễ Ngài và đứng yên ở chỗ thích hợp như một khối lửa khổng lồ.

Khi đêm đã mãn, đến rạng sáng hôm sau, Uruvela-Kassapa đến và hỏi Đức Phật: “ Đã đến giờ ăn, thưa ngài Đại Sa-môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng. Thỉnh Ngài đến độ thực. Thưa ngài Đại Sa-môn ! Vị có mặt lúc nửa đêm là ai mà có dung sắc rất khả ái, chiếu sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của vị ấy, khả ái và sáng chói hơn cả hào quang của bốn vị thiên vương, và sau khi kính cẩn đảnh lễ Ngài, đứng yên ở chỗ thích hợp như khối lửa khổng lồ.” Khi Đức Phật đáp lại : “ Này Kassapa, vị ấy là Đế thích, vua của chư thiên, vị ấy đến để nghe Như Lai thuyết pháp.” Uruvela-Kassapa bèn suy nghĩ:

“ Ngay cả Sakka, vua của chư thiên, cũng đi đến vị Sa-môn này để nghe pháp. Như vậy, vị Sa-môn này quả thực có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông rất quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã diệt tận giống như ta.”

Lúc bấy giờ, dầu Đức Phật biết rõ điều gì đã xảy ra trong tâm của Uruvela-Kassapa, Ngài vẫn tự kềm chế và nhẫn nại chờ đợi (vì ngũ quyền của vị đạo sĩ này chưa được trưởng thục) cho đến khi ngũ quyền của vị đạo sĩ được trưởng thục, và Ngài tiếp tục ở lại trong rừng cây, thọ lãnh vật thực do Uruvela-Kassapa dâng cúng.

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ tư

Đến đêm sau, khi canh đầu đã qua và canh giữa đến, Phạm thiên Sahampati Brahmā, với dung sắc rất khả ái, chiếu sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của vị ấy, khả ái và rực rỡ hơn hào quang của bốn vị thiên vương và Đế Thích thiên vương, đi đến trước mặt Đức Phật, kính cẩn đảnh lễ Ngài rồi đứng yên ở chỗ thích hợp như khối lửa khổng lồ.

Khi đêm đã mãn và ngày lại đến, Uruvela-Kassapa đến và hỏi Đức Phật: “ Đã đến giờ ăn, thưa ngài Đại Sa-môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng. Xin thỉnh Ngài đến độ thực. Thưa ngài Đại Sa-môn ! Vị lúc nửa đêm là ai mà đến yết kiến ngài sau khi chiếu sáng toàn thể khu rừng bằng hào quang từ thân của vị ấy, khả ái và rực rỡ hơn cả hào quang của Tứ đại thiên vương và Đế Thích thiên vương, và sau khi kính cẩn đảnh lễ Ngài, đứng yên ở chỗ thích hợp như một khối lửa khổng lồ.” Khi Đức Phật đáp lại: “ Này Kassapa! Đó là Phạm thiên Sahampati Brahmā. Vị ấy đi đến Như Lai để nghe pháp.” Uruvela Kassapa laị suy nghĩ: “ Ngay cả Phạm thiên Sahampati Brahmā phải đi đến vị Sa- môn này để nghe Pháp. Như vậy, vị Sa-môn này quả thật có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông rất quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã được đoạn tận giống như ta.”

Lúc bấy giờ, tuy Đức Phật biết rõ điều gì đã xảy ra trong tâm của đại sĩ Uruvela Kassapa, Ngài vẫn tự kềm chế và nhẫn nại chờ đợi (vì ngũ quyền của vị đạo sĩ chưa đến hồi trưởng thục) cho đến khi ngũ quyền của vị đạo sĩ được trưởng thục, và Ngài tiếp tục ở lại trong rừng cây, thọ lãnh vật thực do đạo sĩ Uruvela-Kassapa dâng cúng.

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ năm

Theo thông lệ của dân chúng ở hai nước Aṅga và Magadha là mỗi tháng có một ngày họ tổ chức lễ hội cúng dường vật thực đến đạo sĩ Uruvela Kassapa một cách dồi dào. Khi Đức Phật đang ngụ trong khu rừng Uruvela như vậy thì lễ hội ấy cũng sắp diễn ra. Vào buổi chiều hôm trước của lễ hội, dân chúng nấu nướng vật thực và sắm sửa những lễ vật khác để cúng dường. Rồi đạo sĩ Uruvela-Kassapa suy nghĩ: “ Lễ hội cúng dường long trọng đến ta, cũng sắp đến rồi. Khi trời rạng sáng, toàn thể dân chúng của hai nước Aṅga và Māgadha sẽ đi đến ẩn xá của ta; mang theo những lượng lớn vật thực loại cứng và loại mềm. Khi họ đến hội họp đông đủ, nếu vị Đại Sa-môn (có đại thần thông lực như vậy) mà thị hiện thần thông giữa những người ấy, thời họ sẽ tỏ sự sùng kính đến vị ấy nhiều hơn. Như vậy lợi lộc của vị ấy sẽ ngày một gia tăng. Còn ta (vì niềm tin của họ đối với ta sẽ trở nên ít hơn) nên những vật thí và lễ vật cúng dường khác sẽ ngày một giảm. Sẽ tốt thay nếu vị đại Sa-môn này đừng đến ẩn xá của ta để thọ thực vào ngày mai.”

Đức Phật biết tâm của Uruvela-Kassapa bằng tha tâm thông (cetopariya-abhiññā) của Ngài, bèn đi đến bắc, Uttarakuru và sau khi đã khất thực xong, Ngài đến ngồi độ thực ở gần hồ Anotatta trên dãy núi Hymalaya và nghỉ suốt ngày ở trong rừng cây chiên đàn gần bên bờ hồ.

(Theo bộ Mahāvaṃsa, Đức Phật tiếp tục đi đến Laṅkādīpa (Tích lan) một mình vào buổi chiều vì Ngài biết rằng đây là nơi giáo pháp (sāsana) phát triển hưng thịnh trong tương lai, và sau khi nhiếp phục các vị dạ-xoa thiên (devayakkha), Ngài trao cho vị chư thiên Sumana một nắm tóc của Ngài để tôn thờ).

Rồi vào ngày hôm sau trước khi mặt trời ló dạng, Ngài trở về khu rừng Uruvela và tiếp tục ở lại đó. Vào sáng hôm sau khi đến giờ thọ thực, Uruvela-Kassapa đi đến trước Đức Phật và nói lời tao nhã với Ngài: “ Đã đến giờ ăn, thưa ngài Đại Sa-môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng, xin mời Ngài đến thọ thực. Thưa Đại Sa-môn! Tại sao hôm qua Ngài không đến ? Chúng tôi tự hỏi không biết duyên cớ gì mà Ngài không đến. Một phần ăn đã được để dành cho Ngài.”

Đức Phật bèn nói rằng: “ Này Kassapa ! Không phải hôm qua ngươi đã nghĩ rằng: ‘ Lễ hội cúng dường long trọng đến ta cũng sắp đến rồi. Toàn thể dân chúng của hai nước Aṅga và Magadha sẽ đi đến ẩn xá của ta, mang theo những lượng lớn vật thực loại cứng và loại mềm. Khi họ đến hội họp đông đủ, nếu vị Đại Sa-môn (có đại thần thông lực như vậy) mà thị hiện thần thông giữa những người ấy, thời họ sẽ tỏ sự sùng kính đến vị ấy nhiều hơn. Như vậy lợi lộc của vị ấy sẽ ngày một gia tăng, còn ta (vì niềm tin của họ đối với ta sẽ trở nên ít hơn) nên những vật thí và lễ vật cúng dường khác sẽ ngày một giảm. Sẽ tốt thay nếu vị Đại Sa-môn này đừng đến ẩn xá của ta để thọ thực vào ngày mai.’ ”

“Này Kassapa! Như Lai biết rõ tâm của ngươi bằng tha tâm thông (cetopariya-abhiññā) của Như Lai, nên sáng hôm qua Như Lai đã đi đến cõi Bắc, Uttarakuru, và sau khi khất thực ở đó xong, Như Lai đến độ thực ở gần hồ Anotatta trên dãy núi Himalaya và ở suốt tại rừng cây chiên đàn ở bên cạnh bờ hồ.”

Uruvela Kassapa lại suy nghĩ như vầy: “ Vị Đại Sa-môn này quả thật có khả năng đọc được tư tưởng của ta. Như vậy vị ấy quả thật có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã được đoạn tận giống như ta.”

Lúc bấy giờ, tuy Đức Phật biết rõ điều gì xảy ra trong tâm của đạo sĩ Uruvela-Kassapa, Ngài vẫn tự kềm chế và nhẫn nại chờ đợi (vì ngũ quyền của vị đạo sĩ này chưa được trưởng thục) cho đến khi ngũ quyền của vị đạo sĩ đến hồi trưởng thục, và Ngài tiếp tục ở lại trong rừng cây thọ lãnh vật thực do đạo sĩ Uruvela Kassapa dâng cúng.

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ sáu

Một ngày kia, khi cô gái nô lệ của thương gia Sena Nigāma, tên Paññā qua đời, thi thể (utujarūpa) cô được quàn trong tấm vải sợi gai

và vứt trong bãi tha ma. Sau khi nhẹ nhàng vứt bỏ những sâu bọ trong tử thi, Đức Phật lấy tấm vải gai làm thành y từ tấm vải đầy bụi bặm (paṁsukūlika).

Đại địa rung chuyển dữ dội với âm thanh gầm thét như một cách hoan hỷ. Toàn bộ bầu trời cũng gầm thét với âm thanh chớp sáng và tất cả chư thiên cùng Phạm thiên tán thán ‘Sadhu!’ Đức Phật trở về nơi trú ở khu rừng Uruvela, nghĩ rằng: “Ta giặt tấm vải này ở đâu?” Sakka, vua trời Đế thích, nhận ra sự suy nghĩ của Đức Phật, tay chạm đất tạo ra (bằng thần thông của ông) một cái hồ bốn mặt, và thưa với Ngài: “Bạch Thế Tôn! Có lẽ Ngài giặt tấm vải paṁsukūlika trong cái hồ này.”

Đức Phật giặt tấm vải paṁsukūlika trong cái hồ do vua Sakka tạo nên. Vào lúc ấy, đại địa rung động, toàn thể bầu trời gầm thét và tất cả chư thiên và Phạm thiên tán thán ‘Sadhu!’ Sau khi Đức Phật giặt xong tấm vải, Ngài cân nhắc: “Ta nên nhuộm tấm vải này bằng cách trải nó lên đâu?” Sakka, hiểu Đức Phật nghĩ gì, nên thưa: “Bạch Thế Tôn! Có lẽ Ngài đặt tấm vải lên tảng đá này để nhuộm nó,” và Sakka dùng thần thông tạo ra phiến đá lớn và đặt nó cạnh hồ.

Sau khi Đức Phật nhuộm tấm vải bằng cách đặt nó lên phiến đá được Sakka tạo ra, Ngài suy xét: “Ta sẽ phơi khô tấm vải ở đâu?”Một vị thọ thần sống trên cây Kakudha, gần nơi ẩn sĩ nhận biết Đức Phật đang nghĩ gì, thưa: “Bạch Thế Tôn! Ngài hãy treo tấm vải paṁsukūlika trên cây Kakudha này” và khiến cho nhánh cây nghiêng xuống.

Sau khi tấm vải paṁsukūlika treo trên cây Kakudha đã khô, Đức Phật suy nghĩ “Ta sẽ trải tấm vải này ở đâu để làm cho nó phẳng?” Sakka, nhận được sự suy nghĩ của Đức Phật, thưa với Ngài: “Bạch Thế Tôn! Ngài có lẽ trải tấm vải lên tảng đá này làm cho nó phẳng,” và Ngài trải tấm vải lên tảng đá.

Vào lúc sáng sớm, Uruvela-Kassapa đến gặp Đức Phật và thỉnh Ngài: “Đã đến giờ ăn, thưa Ngài Đại Sa-môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng. Mời Ngài đến độ thực. Bằng cách nào, thưa Ngài? Nơi đây trước kia không có hồ bốn mặt này. Nhưng giờ nó nằm đây? Nơi đây không có hai phiến đá lớn thế này. Ai đã đem chúng đến và đặt nó ở đây? Nhánh cây Kakudha trước kia không nghiêng xuống, tại sao bây giờ nó nghiêng xuống?”

Nhân đấy, Đức Phật kể lại tất cả mọi việc từ lúc bắt đầu Ngài nhặt y paṁsukūlika, Uruvela Kassapasuy nghĩ như vầy: “Ngay cả Sakka, vua của chư thiên, đến đây và làm tất cả công việc lặt vặt cho vị Sa-môn này. Như vậy, vị Sa-môn này thật sự đầy quyền lực và thần thông. Nhưng, ngay cả Ngài đầy quyền lực và thần thông thì vẫn chưa là vị A-la-hán như ta, người mà tất cả lậu hoặc đã đoạn tận.”

Lúc bấy giờ, tuy Đức Phật biết rõ điều gì xảy ra trong tâm của đạo sĩ Uruvela-Kassapa, Ngài vẫn tự kềm chế và nhẫn nại chờ đợi (vì ngũ quyền của vị đạo sĩ này chưa được trưởng thục) cho đến khi ngũ quyền của vị đạo sĩ đến hồi trưởng thục, và Ngài tiếp tục ở lại trong rừng cây thọ lãnh vật thực do đạo sĩ Uruvela-Kassapa dâng cúng.

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ bảy

Khi buổi sáng đến, Uruvela-Kassapa đi đến Đức Phật và thỉnh mời Ngài, nói rằng: “ Đã đến giờ ăn, thưa Đại Sa-môn ! Bữa ăn đã sẵn sàng. Mời Ngài đến độ thực!” Đức Phật nói rằng: “ Này Kassapa! Hãy đi trước, Như Lai sẽ theo sau”. Sau đó, Đức Phật đi đến cây táo hồng (jambu) ở chót đỉnh của đảo Jambudīpa, và đem theo trái táo hồng, Ngài trở về trước Uruvela-Kassapa và ngồi yên tại chỗ thờ lửa của Uruvela-Kassapa.

Uruvela-Kassapa trông thấy Đức Phật đi sau nhưng đã đến tại chỗ thờ lửa trước vị ấy, và đang ngồi ở đó, bèn hỏi Đức Phật: “ Thưa Ngài Đại Sa-môn, tôi đã đi trước Ngài, Ngài đi sau tôi, vậy mà Ngài đã đến tại chỗ thờ lửa trước tôi và đang ngồi ở đây. Thưa Ngài Đại Sa- môn, Ngài đã đến bằng con đường nào?” Đức Phật đáp lại: “ Này Kassapa, sau khi Như Lai bảo ngươi đi trước, Ta đi đến cây táo hồng ở trên chót đỉnh của đảo Jambudīpa và đem theo trái táo hồng, Ta trở lại trước ngươi và đang ngồi yên tại chỗ thờ lửa. Này Kassapa, trái táo hồng này có màu sắc, mùi và vị ngon ngọt. Hãy ăn nó đi nếu người muốn.” Rồi Uruvela Kassapa đáp lại: “ Thưa Đại Sa-môn ! Được rồi ! Ngài là người xứng đáng dùng trái táo ấy. Ngài nên dùng nó.” Uruvela Kassapa lại suy nghĩ như vầy: “Sau khi bảo ta hãy đi trước, vị Sa-môn đi đến cây táo hồng ở trên chót đỉnh của đảo Jambudīpa và đem theo trái táo hồng vị ấy đã trở lại trước ta và ngồi yên ở chỗ thờ lửa. Như vậy, vị Sa-môn này quả thật có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã được đoạn tận giống như ta.”

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ tám, chín, mười và mười một

Vào sáng hôm sau, khi Uruvela-Kassapa đi đến Đức Phật và thỉnh mời Ngài: “ Đã đến giờ ăn, thưa ngài Đại Sa-môn! Bữa ăn đã sẵn sàng. Xin mời ngài đến thọ thực!”. Đức Phật bảo vị ấy đi trước và nói rằng: “ Này Uruvela-Kassapa ! Ngươi hãy đi trước. Như Lai sẽ theo sau”, và rồi

a) Ngài đi đến cây xoài gần cây táo hồng ở trên chót đỉnh của Jambudīpa và mang về trái xoài…

b) Ngài đi đến cây amataka gần cây táo hồng trên chót đỉnh của Jambudīpa và mang về trái amataka

c) Ngài đi đến cây haritaka vàng gần cây táo hồng trên chót đỉnh của Jambudīpa và đem về trái haritaka vàng …

d) Ngài đi đến cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsa) và sau khi mang về một bông hoa san hô, Đức Phật trở lại trước Uruvela-Kassapa và ngồi yên ở chỗ thờ lửa của Uruvela-Kassapa .

Khi thấy Đức Phật đi sau vị ấy nhưng đã đến chỗ thờ lửa trước vị ấy và đang ngồi ở đó, Uruvela Kassapa bèn hỏi Đức Phật: “ Thưa ngài Sa-môn ! Dù tôi đi trước ngài, Ngài đi sau tôi nhưng lại đến trước tôi và đang ngồi ở đây. Thưa ngài Sa-môn, Ngài đã đến bằng con đường nào?” Đức Phật đáp lại: “ Này Kassapa, sau khi Như Lai bảo ngươi đi trước, Như Lai đã đến cõi Tāvatiṃsa và đem về một bông hoa san hô, Ta trở về trước ngươi và ngồi tại chỗ thờ lửa. Này Kassapa, hoa san hô này có sắc đẹp và hương thơm. Hãy lấy nó nếu người muốn.” Uruvela-Kassapa đáp lại: “ Được rồi! Thưa Đại Sa- môn! Ngài là người đáng được bông hoa san hô ấy. Ngài hãy lấy nó.” Lại nữa, Uruvela-Kassapa suy nghĩ như vầy: “ Sau khi bảo ta hãy đi trước, vị Sa-môn này đã đi đến cõi Tāvatiṃsa và đem về bông hoa san hô, trở về trước ta và ngồi tại chỗ thờ lửa. Như vậy, vị Sa-môn này quả thật có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã được đoạn tận giống như ta.”

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ mười hai

Một dịp khác, khi năm trăm vị ẩn sĩ muốn làm lễ cúng dường lửa, họ ra sức chẻ củi thành những miếng nhỏ nhưng không thể làm được. Họ nghĩ rằng: “ Việc chúng ta không thể chẻ củi được rất có thể do năng lực thần thông của vị Sa-môn.”

Khi Uruvela-Kassapa kể lại vấn đề ấy với Đức Phật, Ngài hỏi: “ Này Kassapa, ngươi có muốn chẻ những khúc cây ấy không?” và Uruvela-Kassapa đáp lại: “ Thưa Đại Sa-môn, chúng tôi muốn chẻ những khúc cây ấy ra.” Do năng lực thần thông của Đức Phật, năm trăm khúc cây được chẻ ra thành những mảnh nhỏ ngay tức thì với những tiếng bửa củi phát ra cùng một lúc. Uruvela-Kassapa lại suy nghĩ: “ Vị Sa môn này có khả năng chẻ tức thì năm trăm khúc cây mà năm vị đệ tử của ta không tài nào làm được. Như vậy, vị Sa môn này có thần thông rất quảng đại. Nhưng dù vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc được đoạn tận giống như ta.”

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ mười ba

Vào một dịp khác, năm trăm ẩn sĩ không thể đốt những đống củi cháy để cúng dường lửa dù họ cố gắng bằng mọi cách. Nhân đó họ suy nghĩ: “ Việc chúng ta không thể đốt củi cháy rất có thể do năng lực thần thông của vị Sa-môn.”

Khi Uruvela-Kassapa kể lại vấn đề ấy với Đức Phật, Ngài bèn hỏi: “Này Kassapa, ngươi có muốn những đống củi ấy bốc cháy không?” và Uruvela-Kassapa đáp lại: “ Thưa Đại Sa-môn, chúng tôi muốn những đống củi ấy bốc cháy.” Do năng lực thần thông của Đức Phật, năm trăm đống củi đồng loạt bốc cháy. Uruvela Kassapa lại suy nghĩ: “ Vị Sa môn này đã làm cho năm trăm đống củi đồng loạt bốc cháy mà năm trăm trăm đệ tử của ta không tài nào làm được. Như vậy, vị Sa môn này quả thật có thần thông rất quảng đại. Nhưng dù vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã diệt tận như ta.”

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ mười bốn

Lại một dịp khác, năm trăm vị ẩn sĩ không thể dập tắt những đống lửa đang cháy sau khi đã làm lễ cúng dường lửa. Nhân đó, họ suy nghĩ: “ Việc chúng ta không thể dập tắt được những ngọn lửa có thể là do năng lực thần thông của vị Sa-môn.”

Khi Uruvela-Kassapa kể lại vấn đề ấy với Đức Phật, Ngài bèn hỏi: “Này Kassapa, ngươi có muốn những ngọn lửa được dập tắt không?” Và Uruvela-Kassapa đáp lại: “ Thưa Đại Sa-môn, chúng tôi muốn những ngọn lửa được dập tắt.” Do năng lực thần thông của Đức Phật, năm trăm đống lửa lớn liền bị dập tắt tức thì. Uruvela-Kassapa lại suy nghĩ: “ Vị Sa môn này có thể dập tắt cùng một lúc năm trăm đống lửa mà những đệ tử của ta không tài nào làm được. Như vậy vị Sa môn này có thần thông rất quảng đại. Nhưng dù vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã diệt tận giống như ta.”

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ mười lăm

Lại một dịp khác, năm trăm ẩn sĩ đi xuống sông Nerañjara suốt những đêm mùa đông (được gọi là antaratthaka), khi trời có mưa tuyết lớn và thời tiết rất lạnh. Một số ẩn sĩ lầm lạc tin rằng: “Trồi lên khỏi nước một lần, những ác nghiệp có thể được tẩy sạch”, bèn leo lên bờ bằng cách trồi lên khỏi nước chỉ một lần (sau khi đã trầm mình trong nước). (Nhiều vị nuôi dưỡng niềm tin như vậy. Họ trầm mình trong nước chỉ vì không thể trồi lên nếu không trầm mình trong nước). Một số ẩn sĩ lầm lạc tin rằng: “ Do trầm mình một lần, những ác nghiệp có thể được tẩy sạch”, bèn trầm mình một lần, ngập cả đầu của họ, và lên bờ ngay khi họ trồi lên khỏi nước. (Chỉ một số ít có niềm tin như vậy).

Một số ẩn sĩ lầm lạc tin rằng: “ Nếu hụp xuống trồi lên nhiều lần trong nước thì những ác nghiệp có thể được tẩy sạch”, bèn xuống sông tắm bằng cách hụp xuống trồi lên nhiều lần trong nước. (Có nhiều vị ẩn sĩ chấp theo niềm tin như vậy).

Nhân đó, Đức Phật bèn tạo ra năm trăm lò sưởi. Những vị ẩn sĩ sưởi ấm ở năm trăm lò sưởi ấy khi họ ra khỏi nước. Nhân đó, năm trăm ẩn sĩ bèn suy nghĩ: “ Việc tạo ra năm trăm lò sưởi này chắc chắn là do năng lực thần thông của vị Sa-môn”. Và Uruvela-Kassapa bèn suy nghĩ: “ Vị Đại Sa-môn này quả thật có thể tạo ra năm trăm lò sưởi. Và như vậy, vị Sa-môn này quả thực có thần thông rất quảng đại. Nhưng dù vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã diệt tận giống như ta.”

Sự thị hiện thần thông (Paṭihāriya) lần thứ mười sáu

Một hôm, có một cơn mưa lớn sái mùa trút xuống trong rừng Uruvela, nơi Đức Phật đang trú ngụ, nước chảy xối xả. Chỗ Đức Phật đang ngụ nằm ở dưới thấp và do đó có thể bị ngập nước. Nhân đó, Đức Phật bèn suy nghĩ: “ Lành thay nếu ta ngăn không cho nước chảy vào quanh chỗ này, rồi đi kinh hành trên chỗ đất khô có nước bao quanh và có bụi che phủ dày đặc”.

Lúc bấy giờ, Uruvela-Kassapa khởi lên ý định rằng “ Mong rằng vị Sa-môn không bị dòng lũ cuốn đi”, bèn đi vào một chiếc ghe với nhiều vị ẩn sĩ và chèo đến chỗ Đức Phật đang ngụ. Quá đỗi kinh ngạc, vị ấy thấy rằng nước khắp quanh đã được ngăn chặn và Đức Phật đang đi kinh hành trên bãi đất khô, có nước bao quanh và có bụi che phủ dày đặc. Không thể tin vào mắt của mình, vị ấy bèn hỏi: “ Thưa Đại Sa-môn! Có phải Ngài thực sự đang đi kinh hành trên bãi đất khô, có nước bao quanh và có bụi che phủ dày đặc không?” Đức Phật đáp lại: “ Này Kassapa, quả thực đúng như vậy”, và rồi Ngài bay lên không trung khi các vị ẩn sĩ đang nhìn chăm chú, rồi Ngài đi xuống và ngồi trên chiếc ghe của họ. Uruvela-Kassapa lại suy nghĩ: “ Ngay cả dòng nước đang ào ạt chảy xiếc như vậy cũng không cuốn trôi vị Sa-môn. Như vậy, vị Sa-môn này quả thực có thần thông rất quảng đại. Nhưng dầu vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã diệt tận giống như ta.”

Uruvela Kassapa cùng với năm trăm đệ tử của vị ấy xuất gia Sa môn

Trong những ngày trước đây, khi ngũ quyền của các vị ẩn sĩ chưa trưởng thục, Đức Phật đã nhẫn nại chịu sự xem thường của họ và chờ đợi cho đến đến khi ngũ quyền của họ đến hồi trưởng thục. Như vậy gần ba tháng đã trôi qua. Xét thấy rằng các quyền của họ đã đến hồi trưởng thục, Đức Phật nói thẳng với họ và dẫn dắt họ đi vào con đường giải thoát.

Dù Đức Phật đã thị hiện thần thông để không bị cơn lũ cuốn trôi, vị đại ẩn sĩ vẫn lầm lạc cho rằng chỉ vị ấy mới là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã diệt tận, còn Đức Phật thì chưa phải là bậc A-la-hán hoàn toàn hết sạch các lậu hoặc. Trong khi vị ấy vẫn còn đang nuôi ý nghĩ lầm lạc như vậy, thì Đức Phật khởi lên ý nghĩ như vầy: “(Nếu ta cứ tiếp tục để mặc vị ấy) thì con người vô dụng này (tức Uruvela- Kassapa), kẻ còn xa vời với đạo và quả, sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ý nghĩ lầm lạc trong thời gian dài rằng: ‘Vị Sa-môn này quả thật có thần thông rất quảng đại nhưng cho dù vị ấy có thần thông quảng đại như vậy, vị ấy vẫn chưa phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc đã diệt tận giống như ta.’ Ta sẽ làm cho vị ấy tỉnh ngộ.”

Sau khi suy nghĩ như vậy, Đức Phật bèn nói thẳng với Uruvela- Kassapa ba lần câu sau đây: “ Này Kassapa, (1) Ngươi không phải là bậc A-la-hán với các lậu hoặc (āsava) đã được đoạn tận, (2) Ngươi không phải là người đã chứng đắc A-la-hán đạo (arahatta-magga), (3) Thậm chí ngươi còn chưa thực hành chánh đạo dẫn đến arahatta- magga arahatta-phala.

Nhân đó, Uruvela-Kassapa khởi tâm kinh cảm, xúc động mạnh mẽ, bèn phủ phục dưới chân Đức Phật và tha thiết thỉnh cầu: “ Bạch Đức Thế Tôn! Xin cho con được phép xuất gia và cụ túc giới trước sự hiện diện của Ngài.”

Đức Thế Tôn (biết rõ ngũ quyền của họ đã trưởng thục) bèn nói như vầy: “ Này Kassapa, ngươi là người lãnh đạo, dẫn đầu năm trăm đệ tử (sẽ không thích hợp nếu ngươi không báo tin cho họ biết). Trước hết ngươi nên hỏi ý kiến của năm trăm đệ tử, họ có thể làm điều gì mà họ nghĩ là đúng”.

Như thế, Uruvela-Kassapa đi đến năm trăm đệ tử của vị ấy và nói với họ rằng: “ Này các ẩn sĩ, ta muốn sống cuộc đời phạm hạnh dưới sự dẫn dắt của vị Đại Sa-môn. Các ngươi có thể làm điều gì mà các ngươi thấy thích hợp.” “Thưa đại giáo chủ, từ lâu chúng tôi đã có niềm tin nơi vị Đại Sa-môn này.” (Từ khi rắn chúa bị nhiếp phục), các ẩn sĩ đáp lại: “ Nếu thầy sống cuộc đời phạm hạnh dưới sự dẫn dắt của vị Đại Sa-môn ấy, thì tất cả chúng tôi, năm trăm đệ tử cũng sẽ làm như vậy.”

Rồi Uruvela Kassapa cùng với năm trăm ẩn sĩ bèn cởi bỏ những búi tóc của họ, mang những vật dụng cá nhân, những món thờ lửa, những đòn gánh và những cây khơi lửa đem thả xuống dòng sông Nerañjarā. Sau đó, họ đi đến Đức Phật, phủ phục dưới chân Ngài và tác bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Xin cho chúng con được thọ phép xuất gia và cụ túc giới trước sự hiện diện của Ngài.”

Nhân đó, Đức Thế Tôn nói rằng: “ Etha bhikkhave, v.v…” nghĩa là: “Hãy đến, này các tỳ khưu. Hãy thọ lãnh phép xuất gia và cụ túc giới mà các ngươi đã thỉnh cầu. Pháp đã được Như Lai khéo thuyết giảng. Hãy cố gắng thực hành ba pháp học của bậc thánh trong ba phương diện của chúng để chấm dứt luân hồi.” Ngay khi Đức Phật vừa đưa bàn tay màu vàng ròng ra và gọi “Etha bhikkhave” thì Uruvela Kassapa và năm trăm đệ tử của vị ấy liền trở thành những vị tỳ khưu cụ túc, giống như những vị trưởng lão đã trải qua sáu mươi hạ lạp với đầy đủ y phục và tám món vật dụng do thần thông tạo ra, mỗi thứ ở đúng chỗ của nó, đang tôn kính làm lễ Đức Phật. Tướng mạo ẩn sĩ của họ đã biến mất một cách kỳ diệu vì họ đã biến thành những vị tỳ khưu.

Nadī-Kassapa (người em giữa) cùng với ba trăm đệ tử xuất gia tỳ khưu

Nadī-Kassapa đang sống theo con sông Nerañjarā, khi trông thấy các món vật dụng ẩn sĩ của Uruvela-Kassapa và năm trăm đệ tử thả trôi trên sông, Nadī-Kassapa bèn suy nghĩ: “ Mong rằng không có điều nguy hại nào xảy đến với người anh cả của ta.” Vị ấy sai một hai đệ tử của mình đi trước và bảo rằng: “ Hãy đi tìm hiểu xem có chuyện gì xảy đến anh của ta” rồi vị ấy cùng với số đệ tử còn lại đi đến chỗ Uruvela-Kassapa đang ngụ. Khi đi đến người anh cả, vị ấy hỏi: “ Thưa đại huynh Kassapa, phải chăng địa vị một bhikkhu cao quý và đáng tôn trọng hơn?”

Khi Uruvela Kassapa đáp lại: “ Đúng vậy, này hiền đệ, địa vị một bhikkhu cao quý và đáng tôn trọng hơn nhiều”, Nadī-Kassapa cùng ba trăm đệ theo gương Uruvela-Kassapa và năm trăm đệ tử của vị ấy, đem những vật dụng của ẩn sĩ và những dụng cụ để cúng dường lửa thả xuống dòng sông Nerañjarā, rồi họ đi đến Đức Phật và phủ phục dưới chân của Ngài, nói lời thỉnh cầu như sau: “ Bậc Đức Thế Tôn! Xin cho chúng con được xuất gia và thọ cụ túc giới trước sự hiện diện của Ngài.”

Nhân đó, Đức Thế Tôn nói rằng: “ Etha Bhikkhave…” nghĩa là: “Hãy đến, này các tỳ khưu. Hãy thọ lãnh phép xuất gia và cụ túc giới mà các ngươi đã thỉnh cầu. Pháp đã được Như Lai khéo thuyết giảng. Hãy cố gắng thực hành ba pháp học của bậc Thánh trong ba phương diện ngõ hầu chấm dứt luân hồi.” Ngay khi Đức Phật vừa đưa bàn tay màu vàng ròng ra và gọi “ Etha Bhikkhave ” thì Nadī-Kassapa và ba trăm đệ tử liền trở thành những vị tỳ khưu cụ túc, giống như những vị trưởng lão đã trải qua sáu mươi hạ lạp với đầy đủ y phục và tám món vật dụng do thần thông tạo ra, mỗi thứ ở đúng chỗ của nó, đang tôn kính làm lễ Đức Phật. Tướng mạo ẩn sĩ của họ đã biến mất một cách kỳ diệu vì họ đã biến thành những vị bhikkhu.

Gayā-Kassapa và hai trăm đệ tử xuất gia Bhikkhu

Khi Gayā-Kassapa đang sống ở hạ lưu sông Nerañjarā, trông thấy những vật dụng của các vị ẩn sĩ được thả trôi trên dòng sông do Uruvela-Kassapa cùng năm trăm đệ tử và Nadī-Kassapa cùng với ba trăm đệ tử, Gayā-Kassapa bèn suy nghĩ: “ Mong rằng chẳng có nguy hiểm nào xảy đến cho hai anh Uruvela-Kassapa và Nadī-Kassapa của ta.” Vị ấy cho hai hoặc ba đệ tử đi trước với lời nhắn nhủ rằng: “ Hãy đi và tìm hiểu xem hai anh của ta như thế nào rồi”, và vị ấy cùng số đệ tử còn lại đi đến chỗ Uruvela-Kassapa đang trú ngụ. Khi đi đến người anh cả, Gayā-Kassapa bèn hỏi rằng: “ Thưa anh cả Kassapa, phải chăng địa vị một bhikkhu cao quý và đáng tôn trọng hơn nhiều?”

Khi nghe Uruvela-Kassapa đáp lại: “ Đúng vậy, này hiền đệ, địa vị một bhikkhu cao quý và đáng tôn trọng hơn”, Gayā-Kassapa và hai trăm đệ tử theo gương Uruvela-Kassapa, đem những vật dụng của ẩn sĩ và những dụng cụ thờ lửa thả xuống dòng sông Nerañjarā. Rồi họ đi đến Đức Phật và phủ phục dưới chân Ngài mà thỉnh cầu: “ Bạch Đức Thế Tôn, xin cho chúng con được thọ phép xuất gia và cụ túc giới trước sự hiện diện của Ngài.”

Nhân đó, Đức Phật nói rằng : “ Etha Bhikkhave, v.v...” nghĩa là: “ Hãy đến, này các tỳ khưu. Hãy thọ lãnh phép xuất gia và cụ túc giới như các ngươi đã thỉnh cầu. Pháp đã được Như Lai khéo thuyết giảng. Hãy cố gắng thực hành ba pháp học của bậc Thánh trong ba phương diện bậc cao ngõ hầu chấm dứt luân hồi.” Ngay khi Đức Phật vừa đưa cánh tay màu vàng ròng ra và gọi “Etha Bhikkhave” thì Gayā Kassapa và hai trăm đệ tử liền biến thành những vị bhikkhu cụ túc, giống như những vị trưởng lão đã trải qua sáu mươi hạ lạp với đầy đủ y phục và tám món vật dụng do thần thông tạo ra, mỗi thứ ở đúng chỗ của nó, đang tôn kính làm lễ Đức Phật. Tướng mạo ẩn sĩ của họ đã biến mất một cách kỳ diệu vì họ đã biến thành những vị bhikkhu.

Đức Phật thuyết giảng Kinh Ādittapariyāya

Sau khi ngụ một thời gian dài tại Uruvela để tế độ cho ba anh em đạo sĩ và một ngàn đệ tử của họ, Đức Phật lên đường đi đến Gayāsīsa, nơi có một tảng đá (trông như cái trán của con voi) gần ngôi làng Gayā, cùng với một ngàn vị tỳ khưu mà trước kia là những ẩn sĩ, Đức Phật ngồi trên tảng đá giữa một ngàn vị bhikkhu.

Sau khi an tọa, Đức Phật suy xét: “ Loại Pháp nào sẽ thích hợp với một ngàn vị tỳ khưu này?” và quyết định: “ Những người này đã từng cúng dường lửa mỗi ngày mỗi đêm. Nếu Ta thuyết giảng Kinh Ādittapariyāya, mô tả sự cháy nóng liên tục của mười hai xứ (āyatana) do mười một ngọn lửa, thời họ sẽ chứng đắc arahatta- phala.” Sau khi đã quyết định như vậy, Đức Phật thuyết giảng Kinh Ādittapariyāya, mô tả tánh cách của sáu căn, sáu cảnh, sáu thức, sáu xúc, mười tám thọ, khởi sanh do xúc (phassa paccayā vedanā) đang bùng cháy bởi lửa tham (rāga), lửa sân (dosa), lửa si (moha), lửa sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu và não.

Khi Đức Phật thuyết giảng bài kinh, một ngàn vị bhikkhu chứng đắc lần lượt bốn Đạo Tuệ và trở thành những vị A-la-hán với các lậu hoặc (āsava) được đoạn tận. Do đó, tâm của một ngàn vị bhikkhu hoàn toàn thoát khỏi các lậu hoặc vì họ đã đoạn diệt hoàn toàn thủ do ái (taṇhā) sanh và tà kiến (diṭṭhi) đối với các pháp như “ cái này là ta, cái này là của ta.” Họ hoàn toàn thoát khỏi các āsava, chúng đoạn diệt không khởi sanh nữa.

[ Những chi tiết về Ādittapariyāya Sutta được trình bày trong Chương Pháp Bảo (Dhamma Ratana) ]

KẾT THÚC CHƯƠNG 14

SỰ GIÁO HOÁ BA ANH EM ẨN SĨ VÀ MỘT NGÀN ĐẠO SĨ


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]