THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 2
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 2] [Tiếp theo]


THE GREAT CHRONICLE OF BUDDHAS VOLUME TWO, PART TWO

Anudīpanī

Sự giải thích thêm

TRÍCH DẪN 1: TIẾNG ĐỒN VANG CÔNG BỐ SỰ XUẤT HIỆN CỦA ĐỨC PHẬT

Năm loại Kolāhala

Kolāhala có nghĩa là tiếng xôn xao ầm ĩ khởi lên từ một số ít người rằng: “ Điều ấy sẽ xảy ra như thế ”, trước khi biến cố đã được tiên tri thực sự xảy ra; nó khởi sanh trong những người tụ họp với nhau để nói về sự kiện sắp xảy ra cùng một ngôn ngữ và cùng một giọng nói.

Nói chung, kolāhala chính là tiếng đồn vang được tạo ra bởi nhiều người đang xôn xao về điềm báo trước một sự kiện thực sự sẽ xảy ra. Nó không phải là tiếng đồn thất thiệt lan truyền trong làng mạc và phố chợ về sự tiên đoán một sự kiện không thể xảy ra như “ Hoàng tử Setkya sắp trở về!”

Có năm loại kolāhala trong thế gian này:

(1) Kappa-kolāhala.

(2) Cakkavatti-kolāhala.

(3) Buddha-kolāhala.

(4) Maṅgala-kolāhala

(5) Moneyya-kolāhala.

(1) Kappa-kolāhala

Kolāhala cảnh báo với dân chúng về sự tiêu hoại của thế giới thì gọi là kappa-kolāhala. Khi thời gian tiêu hoại của thế giới đến gần, thì chư thiên có tên là Lokavyūha thuộc cõi dục giới (kāmāvacara- deva) mặc y phục màu đỏ, để tóc xõa, tay quệt nước mắt trên mặt, đi thất thiểu khắp các nẻo đường của nhân loại, kêu to đến mọi người ở khắp mọi nơi về biến cố sắp xảy ra sau một trăm ngàn năm.

“Hỡi các bạn, một trăm ngàn năm kể từ hôm nay, thế giới sẽ tiêu hoại ! Các biển sẽ khô cạn! Quả đất, núi Tu-di và tất cả mọi thứ sẽ bốc cháy và tiêu tan (nếu thế giới bị tiêu diệt bởi lửa), sẽ bị cuốn đi trong những cơn đại hồng thủy và tiêu tan (nếu thế giới bị tiêu diệt bởi nước), sẽ bị những cơn cuồng phong thổi vào và làm tiêu tan (nếu thế giới bị tiêu hoại bởi gió)! Sẽ có sự tiêu hoại của thế giới lan rộng từ quả đất với núi Tu-di và các đại dương cho đến các cõi Phạm thiên ! Các bạn, hãy tu tập từ vô lượng tâm (mettā), bi vô lượng tâm (karuṇā), hỉ vô lượng tâm (muditā) và xả vô lượng tâm (upekkhā), là những pháp của các vị Phạm thiên! Hãy tôn kính, phụng dưỡng mẹ cha! Hãy siêng năng làm các việc phước ! Đừng dể duôi!

Tiếng đồn vang của đám đông được tạo ra bởi những tiếng kêu to như vậy được gọi là kappa-kolāhala.

(2) Cakkavatti-kolāhala

Kolāhala khởi lên trong cõi người, công bố rằng: “ Một vị Chuyển luân vương sẽ xuất hiện”, là bậc trị vì khắp cõi nhân loại bao gồm bốn đại châu và hai ngàn đảo nhỏ phụ thuộc được gọi là Cakkavatti-kolāhala. Những chư thiên hộ trì thế gian (lokapāla), những chư thiên cõi dục giới (kāmāvacana-devas), do biết trước sẽ có vị Chuyển luân vương xuất hiện, nên rảo đi khắp các nẻo đường của nhân loại, thông báo đến mọi người ở mọi nơi về sự xuất hiện của vị Chuyển luân vương sau một trăm năm.

“Các bạn, một trăm năm nữa kể từ hôm nay, vị Chuyển luân vương sẽ xuất hiện trong thế gian này.”

Tiếng đồn vang của đám đông được tạo ra bởi những tiếng kêu to như vậy được gọi là Cakkavatti-kolāhala.

(3) Buddha-kolāhala

Kolāhala tiên báo trong cõi nhân loại rằng: “ Một vị Phật sẽ xuất hiện” thì được gọi là Buddha-kolāhala. Các vị Phạm thiên của cõi Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa), do biết trước rằng sắp có một vị Phật xuất hiện trong thế gian nên mặc y phục Phạm thiên, đội mão và mang những vật trang sức, vui sướng đi khắp các nẻo đường của nhân loại, thông báo đến mọi người ở mọi nơi, một ngàn năm trước khi biến cố xảy ra. “ Các bạn, một ngàn năm nữa kể từ hôm nay, một vị Phật Chánh đẳng giác sẽ xuất hiện trong thế gian này!”

Tiếng đồn vang của đám đông được tạo ra bởi những tiếng kêu to như vậy được gọi là Buddha-kolāhala.

(4) Maṅgala-kolāhala

Vì không có kết luận đúng đắn về ý nghĩa của chữ Maṅgala (hạnh phúc) nên dân chúng tụ họp lại và mỗi người định nghĩa chữ Maṅgala theo suy nghĩ riêng của họ, rằng “Đây mới là hạnh phúc!”, “Kia mới là hạnh phúc!”, và sự bàn tán xôn xao khởi lên rằng: “ Họ nói hạnh phúc là như thế.” Tiếng xôn xao như thế được gọi là Maṅgala-kolāhala. Các vị Phạm thiên cõi Tịnh cư (Suddhāvāsa), do biết trước rằng Đức Phật sẽ thuyết bài kinh Maṅgala và biết rõ ý nghĩ của mọi người đang mong mỏi muốn biết ý nghĩa chân thực của chữ ‘hạnh phúc’, nên rảo đi trên các nẻo đường lớn nhỏ của nhân loại và kêu to đến mọi người ở khắp mọi nơi mười hai năm trước, thông báo rằng Đức Phật sẽ thuyết giảng bài kinh ấy.

“Các bạn, sau mười hai năm nữa kể từ hôm nay, Đức Phật sẽ thuyết giảng bài kinh Maṅgala!”

Tiếng đồn vang của đám đông được tạo ra bởi những tiếng kêu to như vậy được gọi là Maṅgala-kolāhala.

(5) Moneyya-kolāhala

Kolāhala liên quan đến việc thực hành tu sĩ về Moneyya được gọi là Moneyya-kolāhala (bài giải thích về Moneyya đạo hành được nêu ra ở chương nói về trưởng lão Nālaka, như là một phần của Thinh văn sử trong Tăng bảo). Các vị Phạm thiên cõi Suddhāvāsa, do biết trước rằng, một vị tỳ khưu trong cõi nhân loại sẽ đi đến Đức Phật để hỏi về Moneyya đạo hành, nên đã rảo đi trong các nẻo đường lớn nhỏ của nhân loại và kêu to đến mọi người ở mọi nơi, bảy năm trước khi Đức Phật thuyết giảng bài kinh ấy:

“Các bạn, bảy năm nữa kể từ hôm nay, một vị tỳ khưu sẽ đi đến Đức Phật và hỏi về Moneyya Pháp.”

Tiếng đồn vang của đám đông được tạo ra bởi những tiếng kêu to như vậy được gọi là Moneyya-kolāhala.

Đây là năm loại kolāhala. Những bài giải thích về năm loại kolāhala này được nêu ra ở những bộ Chú giải của bộ Buddhavaṃsa, Jātaka, Kosala Saṁyutta, Khuddaka-pāṭha, Sutta-nipāta và Jinālaṅkāra.

Kết thúc năm loại Kolāhala


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]