THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 4
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 4] [Phần tiếp theo]


CHƯƠNG 37

CÂU CHUYỆN VỀ VUA AJĀTASATTU

Vua Ajātasattu sở dĩ có tên như vậy là vì vị ấy là kẻ thù của vua cha Bimbisāra ngay trước khi vị ấy sanh ra [ajāta (chưa sanh) + sattu (kẻ thù của cha vị ấy)].

Khi thái tử thọ sanh trong lòng của hoàng hậu Vehedī, chánh hậu của vua Bimbisāra, thì hoàng hậu có ước muốn mãnh liệt là muốn uống máu bên cánh tay phải của vua Bimbisāra. Thật khó lòng để đạt được ước muốn ấy và hoàng hậu cho là không thích hợp để nói với người khác về điều này. Bà không dám công khai nói ra và kết quả là sắc thân hoàng hậu trở nên tiều tụy, bạc nhược và phờ phạc.

Khi trông thấy sự thay đổi của hoàng hậu, đức vua hỏi hoàng hậu có bệnh gì. Đầu tiên, hoàng hậu từ chối không trả lời nhưng đức vua ép bà phải nói ra. Và cuối cùng, hoàng hậu tiết lộ ước muốn đã làm cho bà khó chịu.

Đức vua đầy thương cảm và nói rằng: "Hoàng hậu thật là khờ! Tại sao nàng lại cho rằng ước muốn của nàng thật khó thỏa mãn?” Sau khi quở trách tánh dè dặt của hoàng hậu, đức vua bèn gọi một y sĩ và bảo ông ta cầm con dao nhỏ bằng vàng khứa vào cánh tay phải. Đức vua cho người hứng máu trong cái tách bằng vàng, trộn với nước và cho hoàng hậu uống.

Khi các nhà tiên tri hay tin, họ tiên đoán rằng đứa con trong bào thai của hoàng hậu sẽ trở thành kẻ thù của đức vua, và khi lớn lên thì cậu ta sẽ giết đức vua. Khi nghe lời tiên tri của họ, hoàng hậu lấy làm lo lắng. Bà không muốn mang trong người kẻ thù tiềm ẩn của đức vua. Bởi vậy, bà đi vào khu vườn để thực hiện việc phá thai, nhưng cố gắng của bà không thành. Dù bà đã cố gắng nhiều lần nhưng bà vẫn không thể phá bỏ đi bào thai. (Về sau, khu vườn mang tên Maddakucci - vườn phá thai).

Vua Bimbisāra thắc mắc tại sao hoàng hậu lại thường xuyên đến khu vườn, và khi biết được việc làm của hoàng hậu, đức vua nói: “Chúng ta vẫn chưa biết được liệu đứa bé trong bào thai là trai hay gái. Đừng cố gắng giết chết đứa bé. Vì nếu nàng làm như vậy thì danh tiếng của chúng ta ở khắp xứ Jambudīpa sẽ bị xấu đi một cách trầm trọng vì sự độc ác của chúng ta với đứa con ruột của mình.” Đức vua đã ngăn cản hoàng hậu không được làm như vậy và cử người giám sát hoàng hậu. Hoàng hậu quyết định giết chết đứa bé sau khi sanh ra.

Khi đứa bé được sanh ra, những người bảo vệ đưa đứa bé đến chỗ an toàn. Thái tử lớn lên và khi hoàng hậu nhìn thấy thái tử thì bà vô cùng ái luyến đứa con trai. (Hoàng hậu không còn ý định giết chết con trai nữa). Vua Bimbisāra sau đó làm lễ tấn phong thái tử cho con trai.

(Sự kết giao của Ajātasattu với người bạn ác, hành động giết cha của mình để lên làm vua được mô tả trong phần về Devadatta).

Từ ngày vua Ajātasattu truyền lệnh giết phụ vương, thì ban đêm vị ấy không thể ngủ được. Khi vua vừa nhắm mắt thì vị ấy cảm thấy như mình bị đâm xuyên bởi hằng trăm cây thương và có giấc mơ như ảo giác về số phận của mình khiến vị ấy luôn luôn dao động và hay nói lẩm bẩm. (Điều này cho thấy rằng những người làm nhiều việc ác, thì những dấu hiệu rơi xuống cảnh khổ không chỉ vào lúc lâm chung mà cũng xảy trong đời sống hằng ngày của họ.) Những vị quan hộ vệ hỏi điều gì làm vua đau khổ nhưng đức vua chỉ nói: "Không có gì!” Những ảo giác như ác mộng này làm khổ đức vua và khiến vị ấy ngủ không ngon giấc. Bởi vậy, hằng đêm vị ấy lắng nghe âm thanh để giữ cho mình tỉnh táo. (Dīgha Nikāya, vol I).

Vua Ajātasattu tôn kính kẻ ác Devadatta - cái gai nhọn bên cạnh Đức Thế Tôn, nên cúng dường vật thực dồi dào đến Devadatta, còn xây dựng tịnh xá cho Devadatta tại Gayasīsa, và nghe theo lời xúi giục độc ác của Devadatta giết chết vua cha Bimbisāra - người đã chứng đắc quả thánh Nhập lưu. Vì thế, vua Ajātasattu mất đi khả năng làm bất cứ nghiệp thiện nào dẫn đến quả thánh Nhập lưu và khiến vua suy sụp một cách tệ hại.

Khi hay tin Devadatta bị đất nuốt chửng, vua Ajātasattu kinh sợ, e rằng vị ấy cũng chịu chung số phận như thầy của mình.Vị ấy không thể vui hưởng lạc thú đế vương hay có thể ngủ ngon giấc. Đức vua run rẫy, lo lắng, sợ hãi và hoang mang như voi con bị đâm bởi cọc sắt bén nhọn. Vị ấy thường thấy quả đất nứt ra và lửa từ địa ngục Avīci bốc lên, đất đe dọa nuốt chửng vị ấy, những kẻ canh giữ địa ngục đặt vị ấy nằm trên nền sắt cháy đỏ rồi đâm xuyên vị ấy bằng những cây sắt nhọn. Run rẫy giống như con gà bị đập, vua Ajātasattu không thể tìm thấy sự nương tựa nào dù trong chốc lát và cũng không thể cảm thấy yên ổn.

Đức vua muốn gặp Đức Phật, đảnh lễ và hỏi về chuyện của mình nhưng vì ác nghiệp đã làm, vị ấy không dám đến gặp Đức Phật.

Khi lễ hội Kattikā (tháng 11 dương lịch) toàn thể kinh đô được trang hoàng giống như cung điện của chư thiên và được chiếu sáng rực rỡ bởi những ngọn đuốc và lửa. Khi đang ngồi trên ngai vàng giữa quần thần trong triều đình, vua Ajātasattu trông thấy ngự y Jīvaka và nghĩ rằng: “Ta sẽ đưa Jīvaka theo làm người hướng đạo đi đến Đức Phật. Nhưng ta không nên thừa nhận thẳng thắng rằng ta không dám đi đến Đức Thế Tôn mà bảo Jīvaka đưa đi. Ta sẽ ca ngợi cảnh đẹp ban đêm và và rồi hỏi các quan rằng Sa-môn hay Bà-la-môn thực sự cao quý nào có thể làm chúng ta có thể khởi sanh tâm tịnh tín. Khi nghe những lời của ta, các quan sẽ ca ngợi những vị thầy của họ và ngự y Jīvaka sẽ ca ngợi bậc Đạo sư của vị ấy, Đức Thế Tôn. Rồi ta sẽ đi và yết kiến Đức Thế Tôn với Jīvaka làm người tiến dẫn.”

Sau khi hoạch định kế hoạch như vậy, vua Ajātasattu nói:

“(a) Này các khanh! Đêm nay thật là khả ái không có sương, tuyết, mây, Asurinda (một vị nửa thiên nửa người khổng lồ được cho là tạo ra nhật nguyệt) và khói là năm điều ngăn ngại làm hư hại vẻ đẹp của mặt trăng, làm ô nhiễm không khí. (b) Này các khanh! Cảnh vật đêm nay thật là xinh đẹp, thoát khỏi năm yếu tố nhiễu loạn trên. (c) Này các khanh! Đêm nay trông thật là khả ái, thoát khỏi năm yếu tố nhiễu loạn. (d) Này các khanh! Đêm nay tâm chúng ta tĩnh lặng và thanh bình vì đêm nay không có năm yếu tố nhiễu loạn. (e) Này các khanh! Đêm nay là đêm đáng nhớ bởi vì nó không có năm yếu tố nhiễu loạn.” Sau khi ca ngợi đêm trăng như vậy, đức vua nói thêm rằng:

“Sa-môn hay Bà-la-môn nào mà chúng ta nên đến gặp đêm nay, có thể làm chúng ta có thể khởi dậy tâm tịnh tín?”

Bằng cách nói như vậy, đức vua đã đưa ra lời gợi ý đến y sĩ Jīvaka. (a) Đức vua đã phạm trọng tội giết cha, một cận sự vĩ đại của Đức Phật và là một bậc thánh Nhập lưu. Và (b) do sự xúi giục của Devadatta, kẻ đã gây tổn hại cho Đức Phật. Thế nên, đức vua không dám diện kiến Đức Phật. Vị ấy biết rằng để thành tựu ước muốn được đến yết kiến Đức Phật vị ấy phải nhờ Jīvaka, người đã xây dựng tịnh xá cho Đức Phật và là người chăm lo nhu cầu thuốc men cho Đức Phật.

Jīvaka không biết lời gợi ý của đức vua. Thực ra, vị ấy biết điều ấy nhưng vì hội chúng có nhiều tín đồ của sáu ngoại đạo sư. Jīvaka suy nghĩ: “Là tín đồ của những vị đạo sư ngu dốt, bản thân họ cũng ngu dốt, và họ không hiểu quy tắc trong một cuộc hội họp. Nếu ta bắt đầu diễn tả những ân đức cao quý của Đức Thế Tôn thì họ sẽ đứng lên lần lượt từng người tán dương những đạo sư của họ, và khi ấy ta sẽ không thể nào kết thúc bài diễn tả về những ân đức cao quý của Đức Thế Tôn. Vì giáo lý của sáu ngoại sư của họ không có thực hay một điều gì đáng lưu ý, đức vua sẽ không hoan hỷ với những gì họ nói ra và vị ấy sẽ trực tiếp hỏi ta. Khi ấy, ta sẽ toàn tâm toàn ý kể cho đức vua nghe về những ân đức cao quý của Đức Thế Tôn và đưa vua đến gặp Ngài.” Khi suy nghĩ sâu xa như vậy, Jīvaka chẳng nói gì bất chấp lời gợi ý của đức vua và ngồi im lặng.

Các vị quan của sáu ngoại đạo sư suy nghĩ rằng: “Ngày hôm nay đức vua ca ngợi vẻ đẹp của đêm trăng tháng Kattika. Vua ắt hẳn muốn gặp một trong những vị Sa-môn hay Bà-la-môn để đưa ra những câu hỏi và nghe họ thuyết pháp. Đức vua sẽ tôn kính đạo sư nào mà vị ấy yêu quý và bài pháp mà vị ấy đã nghe. Việc này báo trước điều tốt đẹp cho vị quan mà có đạo sư sẽ trở thành đạo sư của đức vua. Bởi vậy, mỗi người trong bọn họ đều quyết tâm tán dương đạo sư của riêng mình và đều muốn đưa đức vua đến đạo sư của họ. Với ý định này, nhiều vị quan vốn là đệ tử của Purāna Kassapa, Makkhali Gosāla, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccāyana, Sañjaya và Nigantha Nāṭaputta đều ca ngợi những đạo sư của họ (hãy xem bài kinh Sāmaññaphala của Digha Nikāya để biết những lời tán dương của họ).

Vua Ajātasattu đã gặp các ngoại đạo sư rồi. Khi gặp họ lần đầu tiên thì tướng mạo của họ chẳng đem lại cho vua một chút ấn tượng nào. Ngược lại còn làm cho vị ấy nhiều thất vọng. Bây giờ, khi đức vua nghe những lời tán dương của các vị quan, vị ấy cảm thấy như nhìn thấy trái cây chua được đặt trong vào bàn tay của mình trong khi vị ấy ao ước được ăn quả xoài chín có màu vàng óng, ngon ngọt và thơm dịu. Vị ấy khao khát được nghe bài Pháp ngọt ngào liên quan đến Jhāna, các pháp thần thông, ba đặc tánh của kiếp sống, v.v… và vì vậy, khi nghe những tín đồ của họ tán dương thì đức vua rất chán nản và chẳng nóispan style="letter-spacing:-.2pt"> gì.

Tuy không hoan hỷ khi nghe những lời của họ nhưng vua nghĩ rằng: “Nếu ta nổi giận và truyền lệnh tóm cổ những vị quan này và tống cổ ra khỏi triều đình thì những người khác sẽ không có can đảm để nói bất cứ điều gì, vì sợ rằng đức vua sẽ đối xử với họ cũng giống như vị quan trước.” Bởi vậy, dù đức vua không thích những lời tán dương của họ, vua cũng không quở trách họ mà làm thinh.

Những lời nói đầy quả cảm của Jīvaka

VVua Ajātasattu suy nghĩ: “Chỉ những vị quan mà ta không muốn nghe thì cứ nói hoài. Còn y sĩ Jīvaka người mà ta muốn nghe thì ngồi im giống như chim Garuda đã nuốt cái đầu của con rồng. Ta thật là bất hạnh.” Rồi vị ấy suy nghĩ thêm: “Jīvaka là đệ tử, là cận sự nam của Đức Thế Tôn. Bởi vậy vị ấy làm thinh và sống trong yên lặng như vị Sa-môn có giới hạnh. Vị ấy sẽ không nói nếu ta không hỏi. Bởi vậy, ta phải hành động như người mà khi bị giẫm lên bởi con voi thì phải ôm chặt cái chân của nó.”

Khi nghĩ vậy, đức vua nói thẳng rằng:

“Này bạn Jīvaka! Tại sao bạn lại giữ im lặng? Các vị quan này ca ngợi những đạo sư của họ hoài mà không biết chán. Phải chăng bạn cũng có một đạo sư giống như họ vậy? Hay bạn không có đạo sư vì bạn là người bình thường, không có chức tước gì hay những đặc ân được ban cho bởi cha của ta? Hay phải chăng bạn không có thầy do không có niềm tin?”

Như vậy, đức vua đã yêu cầu y sĩ Jīvaka nói ra về sự im lặng của vị ấy. Jīvaka suy nghĩ: “Đức vua muốn ta nói về những ân đức của Đạo sư của ta. Bây giờ không phải là lúc để làm thinh. Nhưng thật không thích họp để ta mô tả những ân đức của Đức Phật y như những vị quan này tán dương những đạo sư của họ trong cách tôn kính đức vua.” Bởi vậy, Jīvaka đứng dậy, cúi mình hết sức tôn kính hướng về chỗ ngụ của bậc Đạo-Sư trong khu rừng xoài của Jīvaka, chấp tay lên đầu và nói rằng:

“Thưa đại vương! Ngài đừng nghĩ rằng tôi là đệ tử của một người cho là Sa-môn có những tánh chất nghi ngờ. Chắc vậy, vào lúc Đạo sư của thần thọ sanh trong bụng mẹ, vào lúc sanh của Ngài, vào lúc xuất gia, sự chứng đắc Đạo Quả Phật, và lúc Ngài thuyết bài kinh ‘Chuyển Pháp Luân’ (Dhammacakka) thì mười ngàn thế giới đều rung chuyển. Bằng cách này và bằng cách khác, Đức Thế Tôn đã thị hiện song thông gồm nước và lửa. Bằng cách này và bằng cách khác Ngài đi xuống quả đất từ cõi Ba-mươi-ba. Thần sẽ kể cho đại vương nghe về những ân đức cao quý của Đức Thế Tôn bằng hết khả năng của thần.” Bằng lời mở đầu này, Jīvaka tiếp tục kể về Đức Phật.

“Tâu đại vương! Vị thiên (Deva) trong nhân loại! Đạo sư của thần, bậc Sở hữu những ân đức Arahaṃ, Sammāsambuddha hiện nay đang sống với một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu trong tịnh xá ở khu vườn xoài mà thần đã dâng cúng đến Ngài.

Bậc Đạo-Sư của chúng tôi, Đức Thế Tôn là bậc Arahaṃ. Bởi vì, Ngài có Giới đức (sīla-guṇa), Định đức (samādhi-guṇa), Tuệ đức (pañña-guṇa), Giải thoát đức (vimutti-guṇa), Giải thoát tri kiến đức (vimutti-ñāṇa dassana-guṇa) nên Ngài xứng đáng thọ lãnh sự lễ bái cúng dường của nhân loại, chư thiên, Phạm thiên. Ngài là Đức Thế Tôn (Bhāgavā) vì Ngài có sáu Oai đức. Danh tiếng của bậc Đạo sư, Đức Thế Tôn đã lan truyền, thấu đến cõi Bhavagga cao nhất (trong những cõi Vô sắc - arūpa).

Tâu đại vương! Hạ thần muốn đại vương đi gặp Đạo sư của chúng tôi, Đức Thế Tôn. Nếu đại vương gặp bậc Đạo sư, thì tâm của đại vương chắc chắn sẽ trở nên thanh tịnh và trong sáng.”

Những chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Đức Phật

Ngay khi nghe về những ân đức cao quý của Đức Phật thì đức vua Ajātasattu khởi sanh năm loại hỷ lạc. Thế nên, vị ấy ao ước gặp Đức Phật ngay và biết rằng không có ai ngoài Jīvaka có thể sắp xếp cuộc viếng thăm Đức Phật vào lúc ấy, đức vua bảo Jīvaka đi sửa soạn phương tiện chuyên chở bằng voi.

(Ở đây, có nhiều loại phương tiện chuyên chở bằng ngựa, xe ngựa, v.v… nhưng voi là phương tiện chuyên chở tốt nhất. Vua Ajātasattu quyết định rằng vị ấy nên đi đến Đức Phật Tối thượng bằng phương tiện chuyên chở tối cao. Ngựa và xe thì ồn ào, gây ra những tiếng ồn từ xa. Nhưng voi thì không gây ra tiếng ồn tuy nó đi chậm. Đức vua cho rằng đi đến Đức Phật vắng lặng bằng phương tiện là những con voi yên lặng là điều thích hợp. Vì vậy, vua bảo Jīvaka thắng yên lên những con voi.

Khi ấy, y sĩ Jīvaka cho người trang sức cho năm trăm con voi cái và voi kiết tường bằng những thứ trang sức.

Đức vua không nói rõ với vị ấy đi sửa soạn cho những con voi cái. Nhưng nhờ thông minh, vị ấy sửa soạn sẵn những con voi với tất cả những trang bị. Khi làm như vậy, vị ấy với động cơ sự suy xét rằng: “Đức vua muốn đi yết kiến Đức Phật tối nay, nhưng các vị vua thường có nhiều kẻ thù. Nếu có điều gì không may xảy đến với đức vua trên đường đi thì mọi người sẽ quở trách ta và nói rằng ta dẫn đức vua ra khỏi kinh thành vào lúc phi thời của đêm, lợi dụng sự hài lòng của vị ấy với ước muốn của ta. Hơn nữa, họ sẽ khiển trách Đức Thế Tôn, nói rằng Đức Thế Tôn thuyết pháp, lợi dụng ảnh hưởng Ngài đối với mọi người mà không quan tâm đến thời gian thích hợp. Do đó, ta sẽ lập kế hoạch để Đức Thế Tôn và ta đều không bị chê trách và đức vua cũng được bảo vệ an toàn.”

Lại nữa, vị ấy suy nghĩ: “Những người đàn ông không bao giờ e sợ những người đàn bà. Bởi vậy, ta sẽ để đức vua đi trong sự an toàn được vây quanh bởi những nữ nhân.” Sau khi cho người trang bị năm trăm con voi cái với tất cả những vật trang sức, vị ấy cho năm trăm nữ quan ăn mặc như những người nam và bảo họ theo hầu đức vua, mỗi nữ quan đều có trang bị kiếm và thương.

Lại một ý nghĩ khác đến với Jīvaka: “Do bởi tội giết cha của vua nên không có thiện nghiệp đặc biệt nào giúp vua Ajātasattu chứng đắc đạo quả trong kiếp sống hiện tại. Chư Phật có thông lệ là chỉ thuyết pháp khi các Ngài thấy một người nào đó có thiện nghiệp đặc biệt có thể làm căn y duyên (upanissaya-paccaya). Bây giờ ta sẽ tập hợp mọi người. Đức Thế Tôn sẽ thuyết pháp do thiện nghiệp của một người nào đó trong hội chúng, thiện nghiệp cần thiết cho sự tiến bộ tâm linh của người ấy. Thời pháp sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người.” Ngay lập tức, vị ấy gửi tin đi khắp nơi trong thành phố cho đánh trống công bố về dự định của vua là đi yết kiến Đức Phật và nghe Pháp, mọi người sẽ đi cùng vì sự an toàn của đức vua tùy theo vị thế quan quân.

Khi ấy, mỗi người suy nghĩ rằng: “Nghe nói rằng đức vua sẽ đi yết kiến Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn sẽ thuyết Pháp nào đây? Chúng ta sẽ có lợi ích gì khi vui chơi với lễ hội này? Chúng sẽ đi đến tịnh xá nơi bậc Đạo sư sẽ thuyết pháp đến đức vua.” Tất cả dân chúng chờ đợi vua trên đường đi với hoa thơm trong tay.

Sau khi đã làm tất cả những điều cần thiết, Jīvaka trình lên đức vua rằng những con voi đã sẵn sàng và tùy đức vua quyết định lúc nào sẽ lên đường.

Ajatāsattu viếng thăm Đức Phật

Vua Ajātasattu ngồi trên con quốc tượng và nữ hầu ăn mặc như một người nam, mỗi người ngồi trên một trong năm trăm con voi cái với những cây đuốc được thắp sáng. Vua khởi hành từ thành phố Rājagaha với sự rực rỡ, huy hoàng vĩ đại của hoàng gia và đi đến khu vườn xoài của Jīvaka nơi thời gian đó là nơi ngụ của Đức Phật.

Ở đây, ‘sự huy hoàng rực rỡ vĩ đại của hoàng gia’ có thể được giải thích như sau:

Vua Ajātasattu cai trị cả hai vương quốc là Aṅga và Magadha, mỗi nước rộng 300 do tuần. Vị ấy là một vị hoàng đế vĩ đại và dù chuyến viếng thăm Đức Phật không có những sự sắp xếp trước (như đã sắp xếp bởi Jīvaka) vẫn có năm trăm nữ quan đi theo, ăn mặc như những người nam với kiếm đeo trên vai và những cây thương có nạm hồng ngọc trên tay cầm.

Hơn nữa, mười sáu ngàn cung nữ theo hầu đức vua. Theo sau những cung nữ ấy là những nữ hầu lớn tuổi đi bộ theo hầu.

Theo sau những nữ hầu lớn tuổi là những thái giám bảo vệ hoàng cung, theo sau những thái giám là là 60 ngàn vị quan trang phục rực rỡ với những trang sức và trang bị đầy đủ khí giới như những chàng trai trẻ có những năng lực thần thông (vijjādhāra).

Sau những vị công tử này là mười ngàn vị Bà-la-môn sau khi tắm rửa sạch sẽ, họ bôi dầu thơm lên người và trang sức những bông hoa bằng vàng, v.v… mặc y phục có sợi dây lưng trị giá 100 kahāpaṇa và mặc y phục khoác ngoài trị giá 5000 kahāpaṇa che bên vai trái. Họ đi bộ, tay phải giơ lên và hát rằng: “Cầu chúc đại vương thoát khỏi mọi hiểm nguy.”

Sau những vị Bà-la-môn là những nhạc công, sau họ là lính bắn cung của hoàng gia, sau nữa là tượng binh, rồi đến kỵ binh, xa binh và bộ binh và sau cùng là những thành viên của mười tám hội chúng ăn mặc xinh đẹp với tất cả vật trang sức phù hợp với địa vị của họ.

Như vậy, do sự chỉ dẫn của Jīvaka, quân lính, các quan, v.v… được sắp xếp theo cách mà cung tên được bắn từ cuối đoàn người không thể thấu đến đức vua. Còn y sĩ Jīvaka thì đi bộ theo sát đức vua, rất cảnh giác để cứu mạng đức vua nhanh lẹ trong trường hợp khẩn cấp.

Những ngọn đuốc được đốt sáng nhiều vô số kể, với sự long trọng và rực rỡ như vậy của hoàng gia, đức vua đi đến nơi ngụ của Đức Phật.

Nỗi sợ hãi của vua Ajātasattu

Vua Ajātasattu rời khỏi kinh đô và khi đến khu vườn xoài thì vị ấy khởi lên sợ hãi. Đức vua run rẫy trong sợ hãi và lông tóc dựng đứng.

Đức vua sợ hãi vì sự yên lặng trong tịnh xá khiến vua sanh khởi nghi ngờ sự trung thực của Jīvaka. Thực ra, Jīvaka đã báo trước với đức vua rằng vị ấy sẽ phải đi đến Đức Phật trong sự yên lặng. Thế nên, đức vua cấm âm nhạc và các nhạc sĩ chỉ sử dụng dụng cụ âm nhạc trong chuyến hành trình. Họ không nói lớn và tất cả họ ra hiệu bằng tay khi cần thiết.

Bây giờ, toàn bộ khu vườn xoài hoàn toàn yên lặng không một tiếng tằng hắng của vị tỳ khưu cũng không nghe thấy. Các vị vua thường chỉ ưa thích những nơi có âm thanh. Vua Ajātasattu trở nên buồn chán cảnh yên lặng sâu lắng và nghi ngờ Jīvaka. Đức vua nghĩ: “Y sĩ Jīvaka nói rằng có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu trong khu vườn xoài của vị ấy. Nhưng ta không nghe một tiếng động dù là một tiếng tằng hắng của vị tỳ khưu trong khu vườn này. Jīvaka có lẽ đã nói sai sự thật. Chắc hẳn vị ấy gạt ta và đưa ta ra khỏi kinh đô. Có lẽ vị ấy muốn bắt ta và cướp ngai vàng của ta bằng sự giúp sức của quân binh. Chắc chắn, Jīvaka có sức mạnh ngang với năm con voi. Vị ấy cũng đang đứng gần ta và không có người hầu nào mang khí giới đứng gần ta. Ôi! Thế là hết.”

Do sợ hãi như vậy, vua Ajātasattu thậm chí không thể che giấu sự sợ hãi và đã thể hiện nỗi sợ hãi của mình với Jīvaka bằng cách nói rằng:

“Này Jīvaka! Phải chăng khanh đang gạt trẫm? Phải chăng khanh đang giao trẫm cho kẻ thù? Tại sao số lượng tỳ khưu đến một ngàn hai trăm năm mươi vị mà không có một tiếng động nào, một tiếng ho hay một tiếng trò chuyện nào?”

Khi ấy, y sĩ Jīvaka nói:

“Tâu đại vương! Đừng sợ hãi, hạ thần không gạt đại vương đâu. Hạ thần không trao đại vương cho kẻ thù đâu. Tâu đại vương! Xin hãy đi tiếp. Trong giảng đường hình tròn có những cây đèn dầu đang cháy sáng rực rỡ.”

(Ở đây, Jīvaka suy nghĩ: “Đức vua không biết rằng ta không bao giờ sát sanh. Nếu ta không an ủi thì đức vua sẽ sụp đổ ngay đây.” Bởi vậy, Jīvaka đã trấn an đức vua để làm nguôi ngoai nỗi sợ hãi của vua bằng cách hai lần nói đức vua đừng sợ hãi và quả quyết rằng vị ấy không dối gạt ).

(Rồi để làm cho sự quả quyết của mình có sức thuyết phục hơn, vị ấy đã hai lần bảo đức vua hãy đi tiếp và nói rằng những ngọn đèn dầu đang được thắp sáng trong giảng đường. Sự gợi ý trong câu nói cuối cùng của vị ấy là sự chiếu sáng trong giảng đường không để lại sự hoài nghi về sự hiện diện của những người tốt, và sự vắng mặt của những kẻ nổi dậy và những tên cướp là những kẻ luôn luôn đi lại trong bóng tối. Câu nói của Jīvaka khi ấy có ý nghĩa sâu xa).

Những câu hỏi của Ajātasattu về những lợi ích của đời sống Sa-môn

Vua Ajātasattu đi trên voi đến cổng tịnh xá vị ấy xuống voi. Khi vị ấy vừa đặt chân xuống đất thì oai lực của Đức Phật tràn ngập khắp châu thân của vị ấy. Vị ấy toát mồ hôi nhiều đến nỗi buộc phải thay y phục. Đức vua nhớ lại tội giết cha của mình và khởi lên nỗi sợ hãi. Thế nên, vị ấy không dám trực tiếp đến gặp Đức Phật. Thay vào đó, vị ấy nắm tay Jīvaka và như một người khách nhìn quanh tịnh xá, đức vua khen ngợi Jīvaka: “Khanh đã xây dựng ngôi tịnh xá này thật là kỳ diệu! Khanh đã xây dựng ngôi tịnh xá này thật là kỳ diệu!” Khi họ đến cổng giảng đường hình tròn, đức vua hỏi rằng Đức Phật đang ngự ở đâu. Thực ra, các vị vua thường có thói quen giả vờ không biết và đưa ra câu hỏi dù họ biết rõ.

Khi ấy, Jīvaka suy nghĩ: “Đức vua giống như người đứng trên mặt đất mà hỏi quả đất ở đâu; giống như người nhìn lên bầu trời mà hỏi mặt trăng, mặt trời ở đâu; giống như người đứng dưới chân núi Tu di mà hỏi núi Tu di ở đâu. Bây giờ ta sẽ cho vị ấy thấy Đức Thế Tôn.” Bởi vậy, Jīvaka chấp tay hướng về Đức Thế Tôn và nói rằng: "Tâu đại vương! Vị ngồi trước các tỳ khưu, dựa vào cột trụ ở giữa và quay mặt về hướng đông chính là Đức Phật.”

Rồi Ajātasattu đi đến Đức Phật và đảnh lễ Ngài. Khi đứng ở một nơi phải lẽ, vị ấy nhìn đi nhìn lại các vị tỳ khưu trang nghiêm và trong sáng như hồ nước trong hoàn toàn, im lặng không phát ra một tiếng ho hay một tiếng tằng hắng, đôi mắt của họ thanh tịnh hướng về Đức Phật và không hề nhìn vào đám đông rực rỡ của đức vua.

Đức vua ngạc nhiên thốt lên:

“Các vị tỳ khưu quả thật rất tươi sáng. Mong sao cho con trai của ta, hoàng tử Udayabhadda cũng có sự trong sáng như vậy.”

(Ở đây, sự tán thán của đức vua, không nên hiểu là vị ấy muốn trai của vị ấy sống đời Sa-môn và trở nên tươi sáng. Thực ra, khi trông thấy các vị tỳ khưu, ý thức của vị ấy trở nên trong sáng và nhớ đến con trai. Và dĩ nhiên, khi được một vật khó được hay thấy một điều kỳ diệu thường nhắc nhở người ta nhớ đến những người thân yêu hay bạn bè. Đức vua thốt lên những lời trên bởi vì vị ấy nhớ đến con trai (chứ không phải muốn cho con trai xuất gia).

(Trong một ý nghĩ khác, sự thốt lên của vị ấy là do lo lắng đến con trai và mong muốn con trai của vị ấy được trong sáng. Vì vua nghĩ rằng: “Rồi sẽ có ngày, con trai của ta thấy rằng ta vẫn còn trẻ và hỏi ông nội đâu. Nếu nó biết bằng cách này hay cách khác rằng ông nội của nó bị giết bởi cha của nó thì nó sẽ ghi nhớ trong đầu rồi giết ta và lên làm vua.”)

(Dù đức vua lo lắng về con trai hoặc mong muốn hoàng tử được thanh tịnh thì số mạng của đức vua là bị chính con trai giết chết. Trong dòng tộc của vua Ajātasattu có năm trường hợp giết cha: (1) Hoàng tử Ajātasattu giết vua Bimbisāra, (2) Hoàng tử Udaya giết cha là vua Ajātasattu, (3) Hoàng tử Mahāmuṇḍika giết cha là vua Udaya, (4) Hoàng tử Anuruddha giết cha là vua Mahāmuṇḍika, và (5) Hoàng tử Nāgadāsa giết cha là vua Anuruddha. Khi ấy mọi người trong nước đồng lòng chống lại vua vì đã làm mất thanh danh của dòng tộc và xa lánh vua Nāgadāsa).

Trước khi đức vua tán thán, Đức Phật đã biết trước ý nghĩ của vua Ajātasattu khi vị ấy đứng im lặng trước Đức Phật. Đức Phật biết rằng đức vua không dám nói với Ngài rằng vị ấy nhớ đến con trai khi vị ấy nhìn đi nhìn lại các tỳ khưu. Nếu Đức Phật không lên tiếng trước, vị ấy sẽ không đủ can đảm để nói ra điều gì. Quyết định nói trước nên sau khi đức vua thốt lên, Đức Phật nói rằng:

“Tâu đại vương! Bây giờ tâm của đại vương đang nghĩ về đứa con trai thân yêu mình”.

Khi ấy, vua Ajātasattu suy nghĩ: “Ôi! Đức Thế Tôn thật là kỳ diệu. Không ai xúc phạm Đức Thế Tôn như ta. Ta đã giết vua cha, người cận sự nam vĩ đại nhất, một bậc thánh, thí chủ của Đức Phật. Không chỉ thế, do lầm lạc đi theo Devadatta ta đã sai người đi ám sát Đức Phật. Có lẽ Devadatta nghĩ rằng được sự hậu thuẫn của ta khi vị ấy lăn tảng đá từ đồi Gijjakuta để giết Đức Phật. Ta đã làm nhiều điều ác, vậy mà bây giờ Đức Phật bắt đầu trò chuyện với ta. Đức Phật quả thật sở hữu vững chắc ân đức tādi gồm năm đặc tánh. Do đó, ta sẽ không bao giờ lơ đãng với Đức Thế Tôn như vậy và chỉ quy y với Ngài.”

(Năm đặc tánh của tādi là (1) sự bình thản không có thương hay ghét trong các pháp thế gian (lokādhamma) dù cảnh vừa lòng (iṭṭha) hay không vừa lòng (aniṭṭha) gồm chúng sanh hoặc cảnh, (2) sự đoạn diệt các phiền não, (3) đã vượt qua vòng luân hồi, (4) đã thoát khỏi tham ái, v.v… (5) có đức tin, giới hạnh, v.v… khiến cho Ngài xứng đáng với danh xưng là người có đức tin, chính trực v.v… (Bộ Mahānidessa có phần giải thích).

(Nói cách khác, (1) khả năng tưởng vừa lòng một cách tự tại (iṭṭha-saññā) đối với những chúng sanh hoặc cảnh không khả ái, (2) khả năng tưởng không vừa lòng một cách tự tại (bất khả tưởng, aniṭṭha-saññā) đối với chúng sanh khả ái (iṭṭha) và cảnh khả ái, (3) khả năng tưởng vừa lòng một cách tự tại về người và cảnh khả ái và không khả ái, (4) khả năng tưởng không khả ái đối với chúng sanh và cảnh khả ái và không khả ái, và (5) khả năng giữ tâm bình thản một cách tự tại trước cảnh vừa lòng và không vừa lòng. Năm thánh lực này (ariyiddha) là năm đặc tánh tādi (từ bộ Sīlakkhandha Abhinava Tīkā, cuốn II).

Khi nghĩ vậy, đức vua rất vui sướng và đáp lại lời nhận xét của Đức Phật, đức vua nói rằng: " Bạch Đức Thế Tôn! Con yêu con trai là hoàng tử Udayabhadda. Cầu mong cho hoàng tử Udayabhadda có sự trong sáng mà các vị tỳ khưu ở đây có được.”

Vua Ajātasattu suy xét: “Nếu sau khi đảnh lễ Thế Tôn, ta đi đến các vị tỳ khưu ở chỗ này chỗ kia và đảnh lễ các Ngài. Ta sẽ phải quay lưng về hướng Đức Thế Tôn và như thế ta sẽ bất kính với Ngài. Chắc vậy, một người sau khi đảnh lễ đức vua đi đến thái tử và làm lễ vị ấy tức là thiếu sự tôn kính đối với đức vua.” Bởi vậy, sau khi đảnh lễ Đức Phật, đức vua cúi chào các vị tỳ khưu bằng hai tay chắp lại tại chỗ vị ấy đứng và sau đó ngồi ở nơi thích hợp.”

Khi ấy, đức vua nói rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đức Thế Tôn cho phép con hỏi thì con sẽ hỏi Đức Thế Tôn một số câu hỏi về một vấn đề.”

Đức Phật đáp:

“Này đại vương! Đại vương có thể hỏi bất cứ điều gì mà đại vương thích.” Qua đó, Đức Phật mời đón đức vua bằng lời mời của chư Phật Toàn giác.

(Lưu ý: có hai cách mời)

Mời đặt câu hỏi có hai cách: (1) cách mời của chư Phật Toàn giác, (2) cách mời của bậc Thinh văn đệ tử.

Khi một người muốn hỏi Đức Phật Toàn Giác về một vấn đề gì đó thì Đức Phật nói một cách tự tin mà không hạn chế: “Hãy hỏi Như Lai bất cứ điều gì ông muốn. Như Lai sẽ trả lời trọn vẹn tất cả những câu hỏi của ông.” Cách mời này được đưa ra chỉ bởi Đức Phật Toàn Giác và chư Bồ tát đã chín muồi về trí tuệ.

Về những Thinh văn đệ tử, họ không nói rằng: " Hãy hỏi bất cứ điều gì” mà các Ngài nói với sự giới hạn rằng: “Ta sẽ trả lời câu hỏi của ông chỉ sau khi ta nghe được câu hỏi.”

Khi được Đức Phật mời theo cách của chư Phật Toàn giác, đức vua rất sung sướng và hăng hái nêu ra những câu hỏi sau:

“Bạch Đức Thế Tôn! Nhiều người có nghề thiện xảo. Họ là những chiến binh cỡi voi, những chiến binh cỡi ngựa, những chiến binh đánh xe kéo, những xạ tiễn, lính cầm cờ, những nhà chiến lược, lính biệt kích đột nhập vào sau những tuyến hào của quân địch và chặt đầu kẻ thù, những vị hoàng tử xuất sắc trong chiến đấu, những người lính cảm tử tạo ra những cuộc tấn công thần tốc vào kẻ thù, những chiến binh dũng cảm như những con voi đầu đàn, những chiến binh rất gan dạ, những người làm nghề tắm cho kẻ khác, những người quản gia, những người kết tràng hoa, những người thợ giặt, những người thợ dệt, những người làm vách tre, thợ gốm, những nhà số học và những người đếm bằng ngón tay của họ; ngoài những người này, còn có những người thợ thủ công. Những người này sống lâu và kiếm lợi nhuận bằng kỹ năng của họ. Với nghề nghiệp chuyên môn, họ giúp cho bản thân, cha mẹ, vợ con và bạn bè của họ có cuộc sống tiện nghi và khỏe mạnh. Hơn nữa, họ bố thí vật thực đến Sa-môn, Bà-la-môn để họ được tái sanh vào cõi chư thiên trong kiếp sau.

Bạch Đức Thế Tôn! Có thể nào chỉ ra những lợi ích của đời sống Sa-môn giống như những lợi ích của những nghề nghiệp chuyên môn, những lợi ích mà người ta có thể tự mình nhận được trong đời sống hiện tại”.

Khi ấy, Đức Phật suy nghĩ:

“Không nơi nào ngoài nơi này có nhiều hoàng tử và quan thần là những tín đồ của những ngoại đạo sư, những người ở ngoài Giáo pháp của Ta. Nếu Ta thuyết pháp trong hai phần, chỉ ra những bất tịnh trong giáo lý của các ngoại đạo sư của họ (kaṇha-pakkha) phần đầu, và sự thanh tịnh Giáo pháp của ta (sukha-pakkha) ở phần hai thì những người này sẽ chê trách, nói rằng Ta chỉ nói về những khác biệt về giáo lý và những điểm tranh luận của các Sa-môn và Bà-la-môn trong khi đức vua của họ đến đây chủ ý để nghe pháp. Hậu quả là họ sẽ không nghe Pháp một cách tôn kính. Nếu đức vua tự nói về giáo lý của các ngoại đạo sư thì mọi người sẽ không chê trách ta. Họ sẽ để Ta nói điều mà Ta muốn. Thực vậy, mọi người dĩ nhiên là theo đức vua (issarānuvattako hi loko). Bây giờ, ta sẽ làm cho đức vua có trách nhiệm diễn tả giáo lý của ngoại đạo sư.” Khi ấy, Đức Phật hỏi đức vua xem vị ấy có nhớ là đã đặt câu hỏi đến các Sa-môn và Bà-la-môn khác không.

Đức vua trả lời là vị ấy có nhớ và Đức Phật hỏi họ đã trả lời câu hỏi như thế nào và bảo đức vua nêu rõ câu trả lời ấy nếu đức vua cảm thấy không phiền. Đức vua nói: “Bạch Đức Thế Tôn! Con không thấy gì phiền hà để nói ra tại nơi mà Đức Thế Tôn hay một bậc như Đức Thế Tôn đang hiện diện.”

(Điều được ngầm hiểu ở đây trong câu đáp của đức vua như thế này: Thật là phiền phức hoặc khó khăn để kể với một người tự phụ cho mình có trí tuệ về bất cứ điều gì vì người này có khuynh hướng phê phán về từng câu và từng chữ. Tuy nhiên, người có trí tuệ thực sự thì họ khen ngợi câu nói mà họ nghe được nếu nó không có lỗi lầm gì và họ sửa lại ngôn ngữ, các câu nói và những chữ có những lỗi trong bài nói. Đức Phật không có người ngang bằng về trí tuệ trong thế gian. Thế nên đức vua trả lời như trên).

Được Đức Phật yêu cầu kể lại câu trả lời do các ngoại đạo sư đưa ra, đức vua bèn kể với Ngài một dịp nọ vị ấy đi đến sáu ngoại đạo sư, đó là Pūrana Kassapa, Makkhali Gosāla, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccāyana, Nigantha Nāṭaputta và Sañjaya Belathaputta và hỏi họ về những lợi ích của đời sống Sa-môn trong kiếp sống hiện tại. Các ngoại đạo sư chỉ nói về Giáo lý của họ như một người khi được hỏi về trái xoài thì họ lại trả lời về trái mít và ngược lại. Những câu trả lời mâu thuẫn với câu hỏi, tuy đức vua thất vọng về các ngoại đạo sư nhưng vị ấy vẫn nghĩ rằng một vị vua như vị ấy lại quở trách những người tu hành như các Sa-môn hay Bà-la-môn trong quốc độ của mình thì thật không thích hợp. Vì thế, đức vua không chấp nhận và cũng không bác bỏ những câu nói của họ. Vị ấy cũng không tỏ thái độ bất mãn bằng lời nói. Thay vào đó, đức vua đứng dậy và đi về mà không lưu ý đến những lời nói của họ và giờ đây vị ấy hỏi Đức Phật về những lợi ích hiện tại của đời sống Sa-môn.

Rồi Đức Phật giảng giải về những lợi ích hiện tại của đời sống Sa-môn. Ví dụ:

(1) Một nô lệ nam sau khi xuất gia được đức vua tôn kính,

(2) Một người nông dân đã đóng thuế cho đức vua, sau khi xuất gia được đức vua tôn kính.

(3) Để cho thấy những lợi ích cao quý của đời sống Sa-môn Đức Phật nói về đời sống của một người có giai cấp thấp hay cao mà đã nghe Giáo Pháp của Ngài rồi với tâm tịnh tín vị ấy trở thành Sa-môn và thực hành

(a) Giới bậc hạ,

(b) Giới bậc trung,

(c) Giới bậc thượng.

Rồi vị ấy hộ trì các căn, thực hành chánh niệm, tri túc, đoạn diệt các triền cái; vị ấy chứng đắc Sơ thiền, (4) Nhị thiền, (5) Tam thiền, (6) Tứ Thiền, (7-14) Tiếp tục tiến xa hơn, vị ấy chứng đắc Minh sát trí (vipassanā-ñāṇa), Ý sở thành biến trí (manomayidhi-ñāṇa), các pháp thần thông (iddhividha-ñāṇa), Thiên nhĩ thông (dibbasota-ñāṇa), Tha tâm thông (cetopariya-ñāṇa), Túc mạng thông (pubbenivāsānussāti- ñāṇa), Thiên nhãn thông (cutupapata-ñāṇa) và Lậu tận thông hay A- la-hán Đạo Trí (āsavakkhaya-ñāṇa hay arahatta-magga-ñāṇa). Như vậy, những lợi ích hiện tại của đời sống thiêng liêng mà vị Sa-môn đạt được là tám loại trí bậc cao đến Đạo Quả A-la-hán.

(Muốn biết rõ chi tiết hay xem bài kinh Sāmaññaphala của Dīgha-Nikāya).

Vua Ajātasattu xin quy y

Khi Đức Phật đã mô tả chi tiết những lợi ích hiện tại của đời sống Sa-môn, lợi ích cao quý nhất là Đạo Quả A-la-hán, vua Ajātasattu chăm chú theo dõi toàn bộ thời pháp, thỉnh thoảng nói lên sự tán thán của vị ấy. Vua nghĩ: “Trong quá khứ, ta không hỏi nhiều vị Sa-môn và Bà-la-môn về những vấn đề này giống như người giả trấu làm bung vỏ hạt thóc, ta chưa bao giờ nhận được điều gì có thực chất. Quả thật kỳ diệu thay sự vĩ đại của Đức Phật ! Ngài đã trả lời những câu hỏi này, khai sáng cho ta rất nhiều, tựa như ánh sáng của một ngàn cây đèn dầu. Bấy lâu nay, vô minh đã gạt ta, làm cho ta mù quáng không thấy sự vĩ đại và oai lực của Đức Thế Tôn.”

Tràn ngập niềm vui sướng khởi sanh do quán tưởng về những ân đức của Đức Phật, đức vua công khai bày tỏ đức tin của mình đối với Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng bằng những lời sau đây:

“Bạch Đức Thế Tôn! Giáo Pháp quả thật khả ái! Cũng như cái gì trong thế gian này bị lật úp nay được dựng thẳng lên, cũng như cái gì bị che đậy nay được mở ra, cũng như người bị lạc đường được chỉ đi đúng đường, cũng như những cây đuốc được đốt sáng để cho những ai có mắt sáng có thể nhìn thấy nhiều sự vật khác nhau trong đêm tối. Thế Tôn cũng vậy, bằng nhiều cách đã làm cho Chánh pháp trở nên rõ ràng đối với con. Bạch Đức Thế Tôn! Con xin quy y Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Xin Thế Tôn hãy xem con là cận sự nam quy y Tam Bảo (saraṇa gamana) từ nay đến trọn đời.

Bạch Đức Thế Tôn! Con đã phạm tội bắt nguồn từ sự ngu dốt, sự nhầm lẫn và vô minh. Do những lạc thú của đế vương nên con đã giết chết phụ vương, một vị vua vĩ đại đã thực hành công lý và trị vì đúng pháp. Xin Đức Thế Tôn xá tội cho con, xem đó là tội mà sẽ làm cho con có sự ghi nhớ và cẩn trọng trong tương lai”.

Như vậy, đức vua đã xin quy y nơi Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo và sám hối tội lỗi của mình. Sau đó, Đức Phật nói:

“Này đại vương! Đại vương quả thật đã phạm tội sanh lên do sự ngu dốt, sự nhầm lẫn và vô minh. Đại vương đã giết cha, vị hoàng đế vĩ đại thực hành công lý và trị vì đúng pháp. Như Lai xá tội ấy cho bệ hạ vì bệ hạ đã thú nhận và sám hối. Nếu một người thú nhận tội của mình, sám hối tội ấy và hộ phòng bản thân, không phạm tội ấy trong tương lai. Khi ấy, sự sám hối như vậy và sự thu thúc bản thân hàm nghĩa sự tiến hóa tâm linh trong Giáo pháp của Như Lai .”

Sau đó, đức vua nói:

“Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con sẽ đi bây giờ. Chúng con có nhiều việc phải làm.” Đức Phật đáp lại: “Này đại vương! Đại vương có thể đi tùy thích.” Đức vua hoan hỷ thọ trì Giáo Pháp của Đức Phật, hoan hỷ tán dương rồi đứng dậy khỏi chỗ ngồi đảnh lễ và ra về.

Chú thích về Saraṇa-gamana

(Ở đây, chú thích về Saraṇa-gamana sẽ được nêu một cách tóm tắt). Có bảy điểm về Saraṇa-gamana:

(a) Saraṇa: Quy y hay Nương tựa,

(b) Saraṇa-gamana: Sự quy y hay tâm quy y,

(c) Người quy y,

(d) Các hình thức quy y,

(e) Quả báu của sự quy y,

(f) Sự ô nhiễm của quy y,

(g) Sự hoại đức quy y.

(a) Saraṇa - Quy y

Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo là bộ ba của nơi quy y vì những ai tìm sự bảo vệ từ đó sẽ khắc phục được sợ hãi, sự hốt hoảng, sự khổ tâm và khổ thân và nhiều loại khổ trong các khổ cảnh sau khi chết. Nói cách khác, Đức Phật giúp chúng sanh vượt qua nhiều nguy hiểm bằng cách đem lại lợi lạc cho họ và giúp họ tránh khỏi nhiều bất hạnh. Pháp Bảo cũng vậy, giúp chúng sanh vượt qua mọi thử thách trong kiếp sống và giúp cho họ được nguôi ngoai. Tăng Bảo cũng vậy, giúp chúng sanh gặt hái nhiều lợi ích to lớn cho dù một ít phước thiện. Cho nên, Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo tạo thành ba nơi nương tựa giúp chúng sanh thoát khỏi tất cả khổ đau.

(b) Saraṇa-gamana – Sự quy y hay Tâm quy y

Tâm đại thiện (mahākusala-citta) làm cho người ta hướng về Tam Bảo bằng cách đoạn trừ những trạng thái tâm ô nhiễm bất thiện do nhờ sự tịnh tín và tôn kính. Tâm đại thiện (mahākiriya-citta) liên quan đến các bậc A-la-hán và tâm đạo (maggacitta) liên quan đến tâm bậc Thánh an trú trong Đạo (maggaṭṭha ariya). Tất cả những loại tâm này được gọi là saraṇa-gamana. Niềm tin rằng Tam Bảo là những yếu tố thiết thực đoạn trừ sợ hãi và đau khổ nhờ những loại tâm như vậy là saraṇa-gamana. Đây là định nghĩa.

(c) Người an trú trong Saraṇa-gamana

Người có tâm được mô tả như trên là người được an trú trong Tam quy. Như vậy, trước hết chúng ta nên hiểu ba khía cạnh: (1) Saraṇa, (2) Saraṇa-gamana, và (3) Người an trú trong Saraṇa- gamana.

(d) Các hình thức Saraṇa-gamana

Có hai hình thức quy y: (1) siêu thế và (2) hiệp thế.

(1) Sự quy y siêu thế được ngầm hiểu bởi sự thành tựu phận sự trong một ‘sát na’ tâm khi các bậc Thánh giác ngộ Tứ diệu đế và chứng đắc các Đạo, nhờ đó đoạn diệt tất cả phiền não và trú tâm ở Niết bàn. (Nghĩa là: sự quy y siêu thế là tâm Đạo tập trung ở Niết bàn, và điều này có nghĩa là sự đoạn trừ những phiền não làm cho sự quy y không thanh tịnh. Như vậy, dù tâm Đạo khởi sanh từ sự trú tâm không phải nơi Tam bảo mà ở Niết bàn, sự thành tựu phận sự của họ bao gồm sự công nhận Tam bảo là nơi nương tựa thực sự. Nói cách khác, vào ‘sát na’ của tâm Đạo, hành giả đã có sự quy y siêu thế. Ví dụ: người ta cho rằng một hành giả biết Tứ Diệu Đế vào ‘sát na’ của tâm Đạo. Sau khi có Niết bàn là cảnh, tâm Đạo chỉ liên quan đến Khổ diệt Thánh đế. Nhưng nó cũng đoạn tận vô minh vốn làm cho chúng sanh không thấy Tứ Diệu Đế. Như vậy, dù bậc thánh chỉ tập trung tâm của vị ấy ở Niết bàn, vị ấy cũng giác ngộ ba Diệu Đế kia mà không liên quan trực tiếp với Niết bàn, đó là: Khổ đế, Tập đế, và Đạo đế).

(2) Quy y hiệp thế khởi sanh ở người bình thường (phàm phu) khi người ấy quán niệm về những ân đức của Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng trong sự nổ lực đoạn trừ các tùy phiền não (upakkilesa) làm ô nhiễm sự quy y. Về cơ bản, thì sự quy y này có nghĩa là niềm tin nơi Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng hay Chánh kiến (sammā-diṭṭhi) dựa trên niềm tin hay Sở hữu trí tuệ (paññā-cetasika) là một trong mười việc phước (puñña-kiriya), được gọi là Diṭṭhijukamma.

Ở đây, đức tin cũng được gọi là saraṇa-gamana (quy y) và vì vậy mà đức tin và trí tuệ kết hợp. Tâm hiệp thế về quy y có hai loại: Tâm tương ưng trí (ñāṇa-sampayutta saraṇa-gamana) và tâm bất tương ưng trí (ñāṇa-vipayutta saraṇa-gamana). Tâm bất tương ưng trí là tâm của những đứa trẻ đọc quy y theo lời khuyên của cha mẹ chúng. Ở đây, nó chỉ là vấn đề của đức tin (saddhā-cetasika). Sự quy y hợp với trí tuệ dựa trên sự hiểu biết về những đức tính cao quý của Tam bảo và đức tin và trí tuệ kết hợp được đề cập là saraṇa-gamana vì chúng dễ nhận biết. Tuy nhiên, sự quy y thật sự là tâm được dẫn dắt bởi ‘đức tin và trí tuệ’.

Lại nữa, quy y hiệp thế có bốn loại:

(1) Attasanniyyātana-saraṇa-gamana: quy y bằng cách dâng hiến bản thân đến Tam Bảo.

(2) Tapparāyana-saraṇa-gamana: quy y bằng cách tìm sự nương tựa nơi Tam bảo.

(3) Sissabhāv’ūpa-gamana saraṇa-gamana: quy y bằng cách trở thành đệ tử của Tam Bảo.

(4) Paṇipātta saraṇa-gamana: quy y bằng sự thể hiện tôn kính nhiệt tâm đến Tam bảo.

Trong bốn loại này :

(1) Hiến dâng bản thân đến Tam bảo bằng lời như sau: “Từ nay trở đi con xin dâng hiến sinh mạng của con đến Phật bảo, con xin dâng hiến sinh mạng của con đến Pháp bảo, con xin dâng hiến sinh mạng của con đến Tăng bảo.”

(2) Tìm sự nương tựa nơi Tam bảo bằng sự cầu xin như sau: “Từ nay trở đi xin hãy bi mẫn nhận con là người đã quy y Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.”

(3) Trở thành đệ tử của Tam Bảo bao gồm sự cầu xin như sau: “Từ nay trở đi xin hãy nhận con là người đệ tử thường xuyên (antevāsika) của Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.” (Trong Bổn sanh kinh Mahājanaka, Bồ tát chỉ ra cây xoài vốn không có sự sống cho quả và cây xoài khác không cho quả là những người thầy vì chúng dạy cho vị ấy bài học về lợi ích. Do đó, người ta mới nói Pháp là người thầy của mình và nói về mình là đệ tử của Pháp.

(4) Thể hiện sự tôn kính nhiệt tâm đến Tam Bảo với sự cầu xin như sau: “Từ nay trở đi xin nhận con là người hằng tôn kính, chào đón, chấp tay tôn kính, chỉ tôn kính Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.”

Người chọn một trong bốn cách quy y này là người thành tựu sự quy y.

Nói cách khác :

(1) Có những câu được nói ra như sau: “Con xin dâng hiến sinh mạng của con đến Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.” ” hay “Con xin dâng cuộc sống của con đến Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.” ” hay “ Con dâng thân mạng đến Tam Bảo” hay “Con dâng cuộc sống của con đến Tam bảo ´hay “Con nhận biết việc quy y Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo là nơi nương tựa của con đến cuối đời”. Tất cả những câu nói ra bằng lời như vậy tạo thành sự quy y Attasanniyyātana-saraṇa-gamana.

(2) Trong câu chuyện về Pipphala là một chàng trai mà về sau là Trưởng lão Mahā Kassapa nổi tiếng, đã tự mình mặc chiếc y và lên đường từ ngôi làng Bà-la-môn Mahā Tiṭṭha của mình đến viếng thăm Đức Phật. Trên đường, vị ấy nhìn thấy Đức Phật đang ngồi dưới cội cây đa tên là Bahu-puttaka giữa kinh thành Rājagaha và Nāḷana. Đức Phật đang chờ vị ấy từ một khoảng xa ba gāvuta. Ngay khi Pippali nhìn thấy Đức Phật, vị ấy khẳng định rằng: “Vị Sa-môn cao quý này chắc chắn là Satthā (Đạo sư) của chư thiên và nhân loại. Bậc Thiện Thệ (Sugata) đã sự chứng ngộ Niết bàn nhờ pháp hành tối ưu và bậc Chánh Biến Tri (Sammāsambuddha) bậc đã tự mình thông đạt một cách chân chánh về Chánh pháp. Rồi vị ấy quy y Đức Phật bằng cách nói lên như sau: “Nếu con gặp bậc Thiên Nhơn Sư, thì con chỉ gặp Ngài thôi. Nếu con gặp bậc Chánh đẳng Chánh giác thì con chỉ gặp Ngài thôi (con không thấy ai khác bằng con mắt trí tuệ của con là bậc Satthā, Sugata Sammāsambuddha của con. Con chỉ gặp Ngài là bậc Satthā, Sugata Sammāsambuddha của con). Những lời thốt ra của vị ấy quả thật là cách quy y thứ ba, gọi là sissabhāv’ūpa-gamana saraṇa-gamana.

(3) Sự quy y (saraṇa-gamana) được thể hiện bởi ước muốn tìm sự bảo vệ và nương náu nơi Tam Bảo, như trong trường hợp của Dạ Xoa Ālavaka, hai vị thiên vương Hemavata và Sātāgira được gọi là Tapparāyana-saraṇa-gamana

(4) Trong bài kinh Brahmāyu của bộ Majjhima Nikāya, sau khi Đức Phật trả lời tám câu hỏi của Bà-la-môn Brahmāyu, ông ta rất ấn tượng, ông cúi đầu xuống chân của Đức Phật, ngậm chân Đức Phật thật mạnh rồi nói: “Bạch Đức Gotama! Con là Bà-la-môn Brahmāyu” và như vậy nói ra tên của vị ấy.

Thái độ này của Bà-la-môn Brahmāyu thể hiện sự tôn kính sâu sắc đến Tam Bảo được gọi là Paṇipāta saraṇa-gamana.

Tóm lại, không có sự đồng nhất trong bốn cách quy y. Có nhiều cách bằng thân và lời nói để bày tỏ sự tôn kính đến Tam Bảo. Chú Giải đã phân biệt giữa bốn dạng quy y bằng cách giải thích bốn cách tôn kính.

Bốn cách tôn kính (Paṇipāta)

Sự tôn kính có thể gồm bốn cách: tôn kính đối với quyến thuộc, tôn kính do sợ hãi, tôn kính đối với người thầy và tôn kính đối với Tam Bảo hay Sự quy y xứng đáng thọ lãnh sự cúng dường quý trọng.

Sự quy y (saraṇa-gamana) chỉ cần đến sự tôn kính thứ tư và không liên quan gì đến ba loại tôn kính kia.

Quả thật vậy, sự tôn kính kèm theo đức tin là chính yếu đối với sự quy y Tam bảo :

(1) Như vậy, một vị hoàng tử Sakyan hay Koliyan không thành tựu quy y nếu người ấy tôn kính Đức Phật mà xem Ngài như một bậc trưởng thượng trong dòng họ của họ.

(2) Sự quy y cũng không thành tựu nếu người ấy tôn kính Đức Phật do sợ rằng Ngài là Bậc Đạo sư có oai lực được các vua tôn trọng. Đức Phật có lẽ làm hại người ấy nếu không tỏ sự tôn kính.

(3) Một người có thể nhớ là đã học một nghề nào đó từ Đức Phật khi Ngài còn là vị Bồ tát và bây giờ người ấy tôn kính Đức Phật, xem Ngài như là người thầy cũ của mình. Một người khác có thể đã nghe một thời pháp của Đức Phật, nói về sự phân chia tài sản, nghĩa là, một người trí nên tiêu xài ¼ lợi tức kiếm được cho cuộc sống, ½ đầu tư vào kinh doanh và ¼ còn lại đem cất giữ để dùng trong những trường hợp khẩn cấp. Bởi vậy, ông ta tôn kính Đức Phật như người thầy của mình và tôn kính Ngài vì lời khuyên liên quan đến lợi ích vật chất của ông ta. Sự tôn kính của hai việc này không liên gì đến sự quy y.

(4) Nhưng một người nọ tôn kính Đức Phật, tin rằng Ngài là Báu vật thực sự, là chỗ nương tựa thật sự, xứng đáng thọ lãnh vật thí như là những nền tảng cho lợi ích mai sau. Chỉ người này mới có sự quy y (Saraṇa-gamana).

Đối với một người nam cư sĩ hay một nữ cư sĩ quy y Đức Phật, nhận Đức Phật là bậc Tối thượng ứng thí (aggadakkhiṇeyya-puggala). Sự quy y của người nam hay người nữ không bị ảnh hưởng, cho dù người ấy tôn kính một người quyến thuộc tu theo ngoại đạo, tức là không có ảnh hưởng gì trong sự tôn kính một ngoại đạo hay một cư sĩ trong gia đình. Cũng thế, một nam cư sĩ hay một nữ cư sĩ mà đã quy y Đức Phật sẽ không bị hư hoại lời nguyện của vị ấy bằng cách tôn kính đức vua do sợ hãi. Cũng tương tự như vậy, đối với người tôn kính kẻ ngoại giáo mà vốn là người thầy trước kia của vị ấy.

(e) Quả báu của sự quy y

Những lợi ích trực tiếp chính yếu của sự quy y siêu thế là bốn Quả của Đạo mà các bậc Thánh đạt được. Lợi ích tiếp theo là sự chấm dứt luân hồi. Nói cách khác, những lợi ích của sự quy y hiệp thế là sự chấm dứt hoàn toàn các ảo tưởng đối với các pháp có tính chất vô thường, khổ và vô ngã là thường, lạc và ngã.

(f) Sự ô nhiễm của quy y

Sự quy y hiệp thế bị hạ thấp giá trị do vô minh, hoài nghi và tà kiến về những đức tánh cao quý của Tam Bảo. Nó không sáng chói và rộng lớn. Sự quy y siêu thế không bị ô nhiễm. Nó luôn luôn trong sạch và thanh tịnh.

(g) Sự đứt hoại của quy y

Sự quy y siêu thế không bao giờ bị đứt hoại. Bậc thánh đã an trú trong sự quy y thì không bao giờ nhận ai làm thầy ngoài Tam Bảo ngay cả trong kiếp sau. Chỉ có quy y hợp thế mới có khuynh hướng bị đứt hoại.

Sự đứt hoại của nó gồm có hai loại:

(1) sự đứt hoại đem lại hậu quả xấu và

(2) sự đứt hoại không đem lại quả xấu.

Sự đứt hoại có hậu quả xấu khi người ta kính lễ và quy y nơi ngoại đạo sư khác theo một trong những cách đã được nêu trên, mà qua đó là sanh khởi ái dục, tà kiến, v.v… Khi sự đứt hoại đi theo cái chết thì nó không có hậu quả xấu vì nó không bao hàm việc làm ác. (Lời nguyện quy y Tam Bảo của người Phật tử ngày nay thuộc hiệp thế. Giống như sự thọ trì các giới cấm, thời gian của nó không cố định và nó chỉ chấm dứt bằng cái chết. Sự chấm dứt này không có hậu quả xấu vì nó không bao hàm ái dục, tà kiến và những trạng thái bất thiện khác).

Chú thích về Upāsaka (cận sự nam)

(Chú giải bài kinh Sīlakkhan)

Một số Chú giải về cận sự nam có thể nêu ra như sau:

(1) Định nghĩa về upāsaka

(2) Phận sự của upāsaka

(3) Giới của vị upāsaka

(4) Sự nuôi mạng của vị upāsaka

(5) Sự thất bại của vị upāsaka

(6) Sự thành công của vị upāsaka

Sáu khía cạnh này nên được hiểu

(1) Định nghĩa về vị upāsaka

Upāsaka là người đã quy y Tam Bảo, bất luận người ấy thuộc dòng dõi cao quý hoặc thấp hèn (những ví dụ liên quan được chứa đựng trong bộ Samyutta Nikāya).

(2) Phận sự của vị upāsaka

Phận sự của upāsaka là đi theo Tam Bảo, tức là Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng (Upāsālīti upāsako - người đi theo Tam Bảo, vì vậy người ấy là upāsaka, tín đồ của Tam Bảo).

(3) Giới của vị upāsaka

Giới của vị ấy là sự thọ trì Ngũ Giới (những ví dụ liên quan được chứa trong bộ Samyutta Nikāya)

(4) Sự nuôi mạng của vị upāsaka

Sự nuôi mạng của upāsaka không bao gồm năm loại nghề nghiệp buôn bán sau đây:

(1) buôn bán khí giới,

(2) buôn bán người,

(3) buôn bán thịt cá,

(4) bán rượu,

(5) bán chất độc.

Khi đã tránh năm nghề nghiệp tà mạng này, người ấy kiếm sống chơn chánh bằng cách chăm sóc gia súc, bán hàng hóa và làm nghề nông.

(5) Sự thất bại của vị upāsaka

Sự thất bại của vị ấy do sự hư hoại trong việc thọ trì ngũ giới và sống chánh mạng. (Nếu sự thọ trì giới của vị ấy bị hư hoại hoặc nếu vị ấy nuôi mạng bằng một trong năm nghề tà mạng thì cuộc đời làm cận sự của vị ấy bị suy sụp).

Hơn nữa, có năm điều làm cho đời sống của vị ấy thô thiển, tầm thường và vẩn đục:

(1) thiếu đức tin,

(2) thiếu giới,

(3) tổ chức hay đắm chìm trong các nghi lễ của thế gian liên quan đến điều đã được thấy hoặc đã được nghe hoặc

(4) Trải nghiệm theo quan niệm của những kẻ ngu và vô minh,

(5) Làm những việc phước trong Tăng chúng của Đức Phật sau khi đã bố thí cúng dường đến ngoại đạo.

Năm điều này đưa vị cận sự nam đến chỗ thất bại. (Các ví dụ ở trong bộ Aṅguttara Nikāya).

(6) Sự thành công của vị upāsaka

Sự thành công của vị ấy chính yếu ở sự thành tựu về Giới và Chánh mạng.

(Vị ấy là một cận sự nam nếu Giới và Chánh mạng của vị ấy nguyên vẹn).

Ngoài ra, nếu vị ấy duy trì năm pháp hành sau đây thì vị ấy được xem là một cận sự nam thành công:

(1) Đức tin làm cho người ấy trở thành một upāsaka có thể sánh với châu báu, một upāsaka có thể sánh với hoa sen Paduma, và một upāsaka có thể sánh với hoa sen Puṇḍarika,

(2) Giới không bị hư hoại,

(3) Không mê say những nghi lễ thế tục,

(4) Tin vào các nghiệp thiện và nghiệp bất thiện của mình,

(5) Làm các việc phước trong Tăng chúng của Đức Phật trước khi tìm đến những người thọ lãnh thuộc ngoại giáo. Năm điều này đưa người cận sự nam đến chỗ thành công. (Các ví dụ ở bộ Aṇguttara Nikāya).

Sự được mất của vua Ajātasattu

Không bao lâu sau khi vua Ajātasattu ra về, Đức Phật nói với hội chúng tỳ khưu: “Này chư tỳ khưu! Vua Ajātasattu đã làm tiêu hoại địa vị của chính mình. Này các tỳ khưu! Nếu vua Ajātasattu không giết vua cha Bimbisāra, một minh vương trị vì đúng pháp, thì Đạo Tuệ Nhập lưu sẽ khởi sanh trong tâm vị ấy ngay tại chỗ này. (Vị ấy sẽ trở thành bậc thánh Nhập lưu).

Đức Phật dạy thêm: “Này chư tỳ khưu! Nếu vua Ajātasattu không giết cha thì vị ấy sẽ chứng đắc đạo quả Nhập lưu ngay khi ngồi nơi đây nghe bài kinh Sāmañña-phala. Nhưng do kết giao với bạn ác nên tiềm năng đắc đạo của vị ấy đã bị tổn thương. Tuy nhiên, do vị ấy quy y Tam Bảo và chỗ nương tựa của vị ấy là Giáo pháp mà ba phần Giáo pháp của Như Lai là tối thượng, nên vị ấy có thể sánh với người sau khi bị kết tội giết người thì được thoát tội chết bằng cách tìm được chỗ nương tựa tốt và bằng cách chỉ đưa ra một nắm hoa (là món tiền phạt nhỏ). Dù vị ấy phải chịu khổ trong địa ngục Avīci (Vô gián) vì tội giết cha, vị ấy chỉ chịu khổ trong địa ngục Lohakumbhī (Vạc dầu) sau khi chết, vì vị ấy có chỗ nương tựa tốt trong Giáo pháp của Như Lai. Vị ấy sẽ rơi xuống địa ngục và ở đó trong ba mươi ngàn năm và trồi lên ở trên bề mặt trong ba mươi ngàn năm. Sau đó (sau sáu chục ngàn năm, vị ấy sẽ được thoát khỏi địa ngục Lohakumbhī).

(Ở đây, lợi ích của vua Ajātasattu sẽ được nêu ra theo Chú giải. Người ta có thể hỏi rằng: “Phải chăng vị ấy được lợi ích do nghe bài kinh Sāmañña-phala?”).

Câu trả lời là: Đúng vậy, và lợi ích của vị ấy rất lớn. Từ lúc giết cha, vị ấy chẳng bao giờ ngủ được, ban đêm hoặc ban ngày, vị ấy thường thấy những điềm tướng về sự tái sanh vào khổ cảnh. Chỉ sau khi nghe bài kinh Sāmañña-phala ngọt ngào và mát dịu, vị ấy có thể ngủ ngon vào ban ngày hoặc ban đêm. Và vị ấy cúng dường dồi dào đến Tam Bảo. Không có kẻ phàm phu nào có đức tin (puthujjanika saddhā) bằng đức tin của vua Ajātasattu (ngủ ngon, phước phát sanh do sự tôn vinh của vị ấy đến Tam Bảo, đức tin độc nhất của kẻ phàm phu, v.v… là cái được của vị ấy được thấy trong kiếp hiện tại. Lợi ích kiếp sau của vị ấy sẽ là sự chứng đắc Parinibbāna sau khi trở thành vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha) có danh hiệu Vijitāvī.

Chú thích về sự giác ngộ của vua Ajātasattu

Nếu đúng là vua Ajātasattu có thể chứng đắc đạo quả Nhập lưu ngay tức thì nếu vị ấy không phạm tội giết cha, thì làm sao có thể trở thành vị Phật Độc Giác và chứng đắc Parinibbāna? Nếu đúng là vị ấy trở thành vị Phật Độc Giác và chứng đắc Parinibbāna thì làm sao có thể đạt được trạng thái của vị thánh Nhập lưu? Sự giác ngộ của vị Phật Độc Giác ở sự thành tựu năm điều sau đây:

(1) Làm người (manussatta),

(2) Người nam (liṇga-sampatti),

(3) Chánh kiến dẫn đến giải thoát khỏi các lậu hoặc (vigatāsava- dassana),

(4) Sự phục vụ (adhikāra), và

(5) Nguyện vọng (chandatā).

Sự giác ngộ của một vị Thinh văn chỉ cần hai yếu tố, (1) adhikāra và (2) chandatā. Về thời gian để họ thực hành viên mãn các pháp Ba- la-mật (pāramī) mất hai A-tăng-kỳ (asaṇkheyya) và một trăm ngàn đại kiếp cho sự giác ngộ của một vị Phật Độc Giác; một A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp cho sự giác ngộ của một vị Thinh văn Phật. Trong việc giác ngộ Tứ Diệu Đế, vị Phật Độc Giác không có đạo sư, trong khi đó vị Thinh văn Phật thì có đạo sư. Vì những lý do này, không phải rằng hai loại giác ngộ khác nhau về cơ bản?

Câu trả lời là chúng không khác nhau. Vì Ajātasattu sẽ hoàn thành bất cứ điều gì cần thiết đề chứng đắc quả vị Phật Độc Giác chỉ sau khi chịu khổ trong địa ngục Lohakumbhā sáu chục ngàn năm. Thật vậy, những ai tầm cầu sự giác ngộ của một vị Thinh văn Phật sẽ đạt được sự giác ngộ của vị Phật Độc Giác nếu hoàn cảnh không thuận lợi để trở thành Thinh văn Phật. Vì họ chắc hẳn đã nguyện trở thành vị Phật Độc Giác. (Đây là câu trả lời của các vị A-xà-lê thuộc trường phái thứ nhất. Theo họ, dù đức vua có tiềm năng đạt được sự giác ngộ của một vị Thinh văn Phật, nhưng trong kiếp hiện tại này thì không thể được do thân cận với bạn ác, Devadatta khiến cho hoàn cảnh của vị ấy trở nên không thuận lợi và làm hư hoại triển vọng chứng đắc đạo quả Nhập lưu của vị ấy. Nhưng sau khi vị ấy sẽ thành tựu mọi thứ sẽ góp phần vào sự chứng đắc quả vị Phật Độc Giác và được giải thoát).

Theo các vị A-xà-lê khác, vua Ajātasattu đã nguyện chỉ trở thành vị Phật Độc Giác. Nhưng vì chưa có sự thọ ký của Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác, thế nên dù những người đã thực hiện những thiện nghiệp để chứng đắc quả vị Phật Độc Giác cũng không thể đạt được sự chín muồi về sự giác ngộ của họ. Thay vào đó, họ sẽ chứng đắc sự giác ngộ của vị Thinh văn trước sự hiện diện của một vị Phật Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên Đức Phật nói rằng: "Này chư tỳ khưu! Nếu vị ấy không giết cha thì vị ấy sẽ chứng đắc quả thánh Nhập lưu trong khi đang ngồi ở đây nghe bài kinh Sāmañña-phala này.”

Trong ba loại Phật đương lai, đó là: đương lai Phật, đương lai Phật Độc Giác và đương lai Thinh văn Phật thì chỉ có đương lai Phật là thoát khỏi pañcānantariya-kamma (Ngũ vô gián nghiệp), còn hai loại kia thì không. Đúng như thế. Dù Devadatta đã được thọ ký là vị ấy sẽ trở thành vị Phật Độc Giác, nhưng vì mối hận thù mà vị ấy đã ấp ủ từ lâu nên vị ấy đã phạm Vô gián nghiệp bởi hành vi chia rẽ Tăng chúng (saṅhabhedaka-kamma) và làm thân Phật chảy máu (lohit’uppādaka kamma), tội lỗi vô cùng trầm trọng. Xét qua những điều này, người ta có thể nói rằng đương lai Phật Độc Giác và đương lai Thinh văn Phật không phải là không thể bị tổn thương. Do đó, có thể hiểu rằng vua Ajātasattu đã đánh mất cơ hội chứng đắc Nhập lưu đạo tuệ của vị ấy trong kiếp hiện tại này vì tội giết cha và về sau trở thành vị Phật Độc Giác có tên là Vijitāvī theo đúng quy luật giác ngộ của một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha-Bodhi Niyāma). Đây là quan điểm của những vị A-xà-lê khác. Hãy chọn một trong hai quan điểm mà bạn thấy là hợp lý hơn. (Bài trình bày về bài kinh Sāmañña phala, Sīlakkhandha Tīkā, vol II).

KẾT THÚC CHƯƠNG 38

CÂU CHUYỆN VỀ VUA AJĀTASATTU

KẾT THÚC CUỐN 4


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]