THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 6.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 6A] [Tiếp theo]
Cách đây một trăm ngàn đại kiếp, trong thời kỳ của Đức Phật Padumuttara, trưởng lão Anuruddha đương lai là một gia chủ vô danh. Một buổi chiều nọ, vị ấy đi cùng với một nhóm người đến chùa nghe pháp. Sau khi tôn kính đảnh lễ Đức Phật, vị ấy đứng ở mé ngoài của thính chúng. Sau khi thuyết những bài pháp tuần tự, Đức Phật công bố vị tỳ khưu Đệ nhất về thiên nhãn (dibbacakkhu-abhiññā).
Một ý nghĩ sau đây nảy sanh trong tâm vị gia chủ: “ Vị tỳ khưu này được chính Đức Phật công bố là Đệ nhất về Thiên nhãn. Vị ấy đích thực là tối thắng. Nếu ta trở thành người tối thắng trong các tỳ khưu có thiên nhãn vào thời kỳ của một vị Phật đương lai nào đó thì sao?” Khi nghĩ vậy, vị ấy đi xuyên qua thính chúng và thỉnh mời Đức Phật cùng với chư Tăng. Hôm sau vị ấy tổ chức một cuộc đại thí cúng dường đến Chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu.
Khi nghĩ rằng: ‘Ta đã nguyện thành đạt một địa vị rất cao’ vị ấy thỉnh mời Đức Phật ngày này qua ngày khác, nói rằng: “ Cầu xin quan lâm hôm nay để tác thành việc phước của con,” “Cầu xin quan lâm vào ngày mai để tác thành việc phước của con.” Sau khi đã thỉnh mời như vậy, vị ấy đã cúng dường đại thí trong bảy ngày. Khi cúng dường những chiếc y hảo hạng đến Đức Phật và chúng Tăng, vị ấy đã phát nguyện như sau:
“ Bạch Đức Thế Tôn, con đã cúng dường như vậy, không phải để được những lạc thú của chư thiên hay hưởng những khoái lạc ở cõi nhân loại. Cách đây bảy ngày, Thế Tôn đã đặt một vị tỳ khưu vào địa vị tối thắng về Thiên nhãn. Con xin nguyện cũng được như vị ấy là tối thắng về thiên nhãn trong thời kỳ giáo pháp của một vị Phật đương lai.”
Sau khi bày tỏ nguyện vọng như vậy, vị gia chủ phủ phục dưới chân Đức Phật. Khi dò xét về tương lai, Đức Phật thấy rõ rằng nguyện vọng của vị gia chủ sẽ được thành tựu và vì vậy Ngài thọ ký rằng: “ Này thí chủ, vào cuối một trăm ngàn đại kiếp trong tương lai, Đức Phật Gotama sẽ xuất hiện trong thế gian. Trong thời kỳ giáo pháp của vị Phật ấy, người có tên là Anuruddha, là vị tỳ khưu tối thắng về Thiên nhãn.” Sau khi tiên tri như vậy, Đức Phật ban bố pháp thọai để tán dương sự cúng dường trai phạn rồi trở về tịnh xá.
Vị gia chủ làm nhiều việc phước và sau khi Đức Phật Padumuttara nhập Parinibbāna, vị ấy xây dựng một bảo tháp bằng vàng cao bảy do tuần. Ngài đi đến chúng Tăng hỏi rằng: “ Thưa chư đại đức, những phước thiện nào cần chuẩn bị để có được Thiên nhãn thông?” “ Thưa thí chủ,” các vị Thánh Tăng đáp lại, “ nên bố thí ánh sáng.” Rồi vị ấy cho trồng một ngàn cây to, mỗi cây được gắn một ngàn cây đuốc; phía bên những cây to này vị ấy cho trồng một ngàn cây cỡ trung bình được thắp sáng; rồi phía bên kia của một ngàn cây cỡ trung bình này vị ấy cho trồng một ngàn cây nhỏ được thắp sáng. Bằng cách này hằng ngàn cây và hằng ngàn ngọn đuốc đã được cúng dường. Những việc phước về ánh sáng của vị ấy quả thật vô lượng.
Sau khi đã làm nhiều việc phước như vậy trong suốt kiếp sống, vị gia chủ, Anuruddha đương lai, tái sanh luân hồi trong hai cõi chư thiên và nhân loại. Khi một trăm ngàn đại kiếp đã trôi qua và trong thời kỳ của Đức Phật Kassapa, vị ấy tái sanh làm một gia chủ trong kinh thành Bārāṇasī. Sau khi Đức Phật nhập Parinibbāna, vị ấy đã xây dựng một bảo tháp kích thước một do tuần, và cho làm nhiều cái chén bằng vàng, mỗi chén được đổ đầy dầu bơ. Ở giữa những cái chén vị ấy cho đặt một bánh mật đường cô đặc và thắp sáng nó. Vị ấy cũng đốt sáng những cái tách bằng vàng ấy quanh bảo tháp, những cái chén được đặt san sát nhau. Vị ấy cũng cho làm một cái bình bằng vàng lớn nhất và cũng được đổ đầy dầu bơ. Một ngàn cọng tim bấc được đốt sáng đặt quanh miệng bình. Còn cái tim bấc nằm ở giữa, vị ấy cho người xe từ một miếng vải và thắp sáng. Đặt cái tô chứa một ngàn ngọn đèn thắp sáng trên đầu, vị ấy đi quanh và cúng dường bảo tháp suốt ba canh của đêm. Vị gia chủ ấy đã làm nhiều việc phước trong suốt kiếp sống ấy và khi thân hoại mạng chung thì được tái sanh vào cõi chư thiên.
Lại nữa, trước thời Đức Phật của chúng ta, vị ấy sanh vào trong một gia đình nghèo cũng ở trong nước Bārāṇasī và sống nhờ vào vị trưởng giả tên Sumana. Người đàn ông nghèo tên Annabhāra. Trưởng giả Sumana thường bố thí vật thực dồi dào tại cổng nhà của vị ấy đến những người neo đơn, khách vãng lai và những người ăn xin.
Một hôm, Đức Phật Độc giác (Paccekabuddha) tên là Upariṭṭha đang nhập thiền Diệt thọ tưởng định (nirodha-samāpatti) ở trên núi Gandhamādāna, và khi xuất định, Ngài suy xét: “ Ta sẽ giúp ai ngày hôm nay?” Chư Phật Độc giác thường hay thương xót những ngươi nghèo. Thế nên, vậy vị Paccekabuddha Upariṭṭha quyết định giúp đỡ cho người nghèo Annabhāra trong ngày hôm ấy. Khi biết Annabhāra từ trong rừng sắp trở về, Ngài bèn mang y bát bay lên không trung và đi từ núi Gandhamādana xuất hiện ngay trước mặt Annabhāra tại cổng làng.
Khi trông thấy vị Paccekabuddha mang cái bát không, vị ấy cung kính đảnh lễ Ngài và hỏi rằng: “ Bạch đại đức, có phải Ngài muốn vật thực?” Khi vị Paccekabuddha trả lời khẳng định, thì Annabhāra nói rằng “ Xin Ngài hãy đợi ở đây một lát,” rồi đi nhanh về nhà và bảo vợ: “ Này bà, có phần vật thực để dành cho tôi không?” Khi bà vợ trả lời có thì ông ta quay lại vị Paccekabuddha và thỉnh cái bát từ tay của Ngài. Về nhà, ông ta nói với vợ : “ Này bà, vì trong quá khứ chúng ta không làm những việc phước, nên hiện tại chúng ta sống luôn luôn ao ước vật thực. Dù chúng ta muốn cho nhưng chúng ta không có gì để cho. Và khi chúng ta có để cho thì không có người nhận. Hôm nay tôi đã gặp Paccekabuddha Upariṭṭha. Và cũng có phần ăn của tôi. Hãy đặt phần ăn của tôi vào trong cái bát này.”
Người vợ thông minh bèn suy nghĩ: “ Chồng của ta đang cúng dường vật thực đến Paccekabuddha, ta cũng nên dự phần công đức trong đó.” Bởi vậy nàng cũng đặt phần ăn của nàng vào trong bát và dâng đến Paccekabuddha. Người chồng phát nguyện: “ Bạch đại đức, cầu xin cho con thoát khỏi đời sống đau khổ như thế này.” Paccekabuddha bèn nói lời tiên tri. “ Này thí chủ, ông là người có phước lớn! Cầu chúc ước muốn của ông được thành hiện thực!”
Sau khi trải ra chiếc áo khoác ở một chỗ nọ, Annabhāra nói thêm: “Bạch đại đức! xin hãy Ngài ngồi xuống đây và độ thực.” Sau khi ngồi xuống trên chỗ ngồi do Annabhāra trải ra, Paccekabuddha độ thực, quán tưởng chín pháp nhờm gớm (đó là 1.(gamana), việc đi khất thực; 2. (pariyesana) việc tầm cầu vật thực; 3. (paribhoga) việc độ thực; 4. (āsaya) những chất bài tiết như mật, đàm, mủ và máu; 5.( nidhāna) dạ dày nơi mà vật thực mới đi vào; 6. (aparipakka) vật thực ở trong trạng thái chưa được tiêu hóa; 7. (paripakka) vật thực đã được tiêu hóa; 8. (phala và nissanda) kết quả hay sự tuôn chảy hay việc tiết ra ở chỗ này chỗ kia trên thân và 9. (makkhana) sự vấy bẩn (nếu phala và nissanda được tách riêng thì con số sẽ là 10. (Việc quán tưởng chín hoặc mười pháp nhờm gớm này được nêu ra trong bài trình bày về Āhārepaṭkūla-sañña trong bộ Visuddhi-Magga, và trong bộ Paramattha-sarūpabhedanī, tác giả là ngài Mahavisuddhārama Sayadaw). Khi Paccekabuddha đã độ thực xong, Annabhāra bèn dâng nước rửa bát. Sau khi công việc độ thực đã xong, Paccekabuddha nói lời phúc chúc như sau:
Icchitaṃ patthitaṃ tuyhaṃ, sabbaṃ eva samijjhatu Sabbe pūrentu saṅkappā, cando pannāraso yathā.
Cầu xin các quả lành mà người đã mong mỏi cho được mau thành tựu kịp thời đến người. Như trăng sáng trong ngày rằm được tròn đầy, cũng vậy cầu mong cho tất cả những nguyện ước chân chính của người cho được thành tựu mỹ mãn!
Sau khi đã nói lời phúc chúc, Paccekabuddha bèn ra đi.
Lúc bấy giờ, một nữ thần ở trên chiếc lọng nghi lễ của trưởng giả Sumana hoan hỉ nói lời tán dương ba lần như sau: “ Ahodānaṃ paramadānaṃ, Upariṭṭhe supaṭiṭṭhitaṃ - Ôi, sự bố thí thù thắng đã được dâng đến Paccekabuddha Uparittha!” Vị trưởng giả bèn hỏi: “ Này nữ thần! Nàng không thấy ta làm những việc phước thí trong thời gian dài như vậy hay sao?” “ Này ông trưởng giả,” vị nữ thần đáp lại, “ không phải tôi tán dương sự bố thí vật thực của ông mà tôi tán dương việc cúng dường vật thực của người nghèo Annabhāra vì tôi rất hoan hỉ với việc làm của anh ta.” Khi ấy vị trưởng giả bỗng nảy lên ý nghĩ: “ Đây quả thật là điều kỳ diệu! Dù ta đã bố thí trong một thời gian rất dài, nhưng ta không thể khiến cho chư thiên vỗ tay khen ngợi. Nhưng chàng Annabhāra nghèo khổ này sống nương tựa vào ta, chỉ cúng dường có một lần thôi mà đúng đối tượng thọ thí. Ta nên làm cho vật thực bố thí của anh ta thành của ta, bằng cách cho anh ta một cái gì đó thích hợp.” Do đó, ông trưởng giả cho gọi Annabhāra đến và hỏi rằng: “Có phải hôm nay anh đã cho một cái gì đó đến ai đó?” “ Thưa vâng,” anh ta đáp lại, “ tôi đã dâng phần ăn của tôi đến Paccekabuddha Uparittha.” “Hãy cầm cái này, Annabhāra thân mến, hãy cầm một đồng tiền vàng và đưa vật thực bố thí của anh cho ta,” vị trưởng giả yêu cầu.
Annabhāra từ chối, nói rằng: “ Tôi không thể làm như vậy, thưa ông,” trưởng giả Sumana tăng dần số tiền lên đến một ngàn đồng tiền vàng. Annabhāra vẫn kiên quyết từ chối: “ Dù một ngàn đồng tiền vàng, tôi cũng không cho.” Khi ấy Sumana từ bỏ cố gắng trao đổi nhưng yêu cầu: “ Này huynh Annabhāra, nếu huynh không thể cho nó đến tôi thì thôi. Hãy nhận lấy một ngàn đồng tiền vàng và chia phần phước của huynh cho tôi!” “ Tôi không biết rõ liệu tôi có nên chia phước cho ông hay không. Thực ra, tôi sẽ hỏi ý kiến Paccekabuddha Upariṭṭha và tôi sẽ chia phước nếu Ngài khuyên tôi làm như thế.” Sau khi nói như vậy anh ta chạy theo Paccekabuddha và khi đến gần, anh ta hỏi: “ Bạch đại đức, trưởng giả Sumana đề nghị cho con một ngàn đồng tiền vàng và muốn chia phước mà con đã gieo tạo được do việc cúng dường vật thực đến ngài. Con có nên chia phước cho vị ấy hay không?” Khi ấy Paccekabuddha nói rằng:
“ Này người thông minh, ta sẽ cho người một ví dụ so sánh. Giả sử chỉ có một căn nhà, trong đó một ngọn đèn được thắp sáng; trong một ngôi làng có một trăm căn nhà. Nếu chín mươi chín vị gia chủ còn lại đi mang theo những tim đèn đã được nhúng dầu và mồi vào cây đèn của ông để thắp sáng, thì ánh sáng của ngọn đèn trong căn nhà ấy vẫn như cũ hay bị yếu đi?”
“ Nó sẽ không bị yếu đi, bạch đại đức. Ngọn đèn sẽ chiếu sáng hơn trước,” người đàn ông trả lời. Rồi Paccekabuddha giải rõ:“ Như thế ấy, này con người có trí tuệ, nếu một người chia sẻ phước đã phát sanh đến vị ấy từ sự cúng dường vật thực, dầu chỉ là một muỗng hay một vá, vị ấy chia phước cúng dường này đến một trăm người hay một ngàn người, thì phước của vị ấy chỉ gia tăng và trở nên lớn hơn theo số lượng của những người chia phước. Bây giờ ông đã cúng dường một bữa ăn. Nếu ông chia phước của ông đến ông ta, thì sẽ có hai hành động bố thí vật thực, một là của ông (phước gốc) và hành động kia là của Sumana (là phước gia tăng thêm).”
Khi hết hoài nghi và được an tâm, Annabhāra cung kính đảnh lễ Paccekabuddha và trở lại ông chủ. Anh ta hoan hỉ chia phước của mình bằng cách nói rằng: “ Thưa ông chủ, hãy hoan hỉ thọ lãnh phước mà tôi đã gieo tạo được từ sự cúng dường vật thực.” Rồi theo sau là một cuộc nói chuyện giữa trưởng giả Sumana và người nghèo khổ Annabhāra:
Trưởng giả: Lành thay, này huynh, hãy cầm lấy một ngàn đồng tiền vàng.
Annabhāra: Thưa ông chủ, tôi không bán vật thí của tôi. Thực ra, tôi vô cùng hoan hỷ chia phước cho ông.
Trưởng giả: Này huynh, huynh chia phước cho ta với sự hoan hỉ to lớn. Về phần ta, ta cho huynh một ngàn đồng tiền vàng để tôn vinh công đức của huynh. Hãy cầm lấy nó, này huynh.
Khi được bảo như vậy, Annabhāra bèn nhận lấy món tiền và nói rằng: “ Được rồi, xin nghe lời ông, thưa ông chủ.” Sau đó trưởng giả Sumana nói rằng: “ Này huynh, từ lúc huynh nhận món tiền này trở đi, huynh không cần làm việc tay chân nữa. (Huynh không còn là người làm công của ta.) Hãy xây một căn nhà cho mình trên con đường chính. Ta sẽ cấp cho huynh bất món gì huynh cần. Hãy lấy nó từ nhà của ta.” Như vậy ông trưởng giả đã nói lời hứa khả của mình.
Sự cúng dường vật thực đến Paccekabuddha vừa mới xuất khỏi Thiền diệt thọ tưởng định được gọi là diṭṭhadhamma-vedaniya (hiện pháp thọ) - sự bố thí trổ quả vào ngày cúng dường. Thế nên, chính ngày hôm ấy, do năng lực của diṭṭhadhamma-vedaniya mà vị trưởng giả đưa Annabhāra đến cung điện của vua dù trong những ngày trước đó, vị ấy không làm như vậy.
Khi đến hoàng cung, do năng lực phước báu của Annabhāra, đức vua không chú ý tới vị trưởng giả mà chăm chú nhìn Annabhāra. Rồi một cuộc đàm thọai giữa vị trưởng giả và đức vua diễn ra như sau:
Trưởng giả: Tâu đại vương, tại sao đại vương nhìn chăm chú người đàn ông này?
Đức vua: Bởi vì những ngày khác trẫm đâu thấy anh ta.
Trưởng giả: Tâu đại vương, người đàn ông này xứng đáng được chăm chú.
Đức vua: Này trưởng giả, người đàn ông này có giới đức nào mà khiến anh ta đáng được nhìn ngắm?
Trưởng giả: Tâu đại vương, anh ta có được một ngàn đồng tiền vàng từ tay của thảo dân. Anh ta đã nhịn phần ăn của mình để dâng cúng đến Paccekabuddha Uparittha ngày hôm nay.
Đức vua: Anh ta tên gì?
Trưởng giả: Annabhāra, tâu đại vương
Đức vua: Vì anh ta đã có một ngàn đồng tiền vàng, anh ta cũng nên có được một ngàn đồng tiền vàng khác từ tay của trẫm.
Trẫm cũng muốn tôn vinh anh ta.
Khi nói vậy, đức vua cũng ban thưởng cho Annabhāra một ngàn đồng tiền vàng.
Sau đó, đức vua truyền lịnh xây cho Annabhāra một căn nhà. Theo lịnh của đức vua, người ta phát dọn một chỗ đất cũ và ở mỗi chỗ mà họ đào lên bằng những cái cuốc chim, họ ngạc nhiên nhìn thấy những cái hủ đầy vàng, hũ này sát cạnh hũ kia. Họ bèn tâu chuyện ấy lên đức vua. Đức vua truyền lịnh cho họ khai quật lên và khi đang đào thì những hủ vàng chìm xuống dần. Họ tâu lên đức vua về chuyện đó và đức vua truyền lịnh cho họ tiếp tục đào, nói rằng: “ Hãy làm như vậy nhưng đừng nhân danh trẫm, mà làm điều đó theo lời chỉ dẫn của Annabhāra.” Quân hầu trở lại chỗ đất và đào lại trong khi miệng nói rằng: “ Chúng tôi làm theo lời chỉ dẫn của Annabhāra.” Kết quả là tại mỗi chỗ đào, những hủ vàng nổi lên kết nhau như những tai nấm khổng lồ.
Quân hầu thâu gom số vàng và bạc và mang tất cả chúng chất thành một đống ở gần đức vua. Đức vua tổ chức một cuộc họp các quan và hỏi rằng: “Ngoài Annabhāra ra, ai có tài sản tương xứng như vậy trong kinh thành Bārāṇasī này không?” Khi các quan trả lời là chẳng có ai khác, đức vua bèn truyền lịnh: “ Này các khanh trong trường hợp ấy, hãy cho Annabhāra làm vị trưởng giả hoàng gia, danh hiệu ‘Dhanadeṭṭhi ’ trong kinh thành Bārāṇasī của trẫm.” Chính ngày hôm ấy, Annabhāra trở thành vị trưởng giả hoàng gia, danh hiệu là Mahādhanaseṭṭhi, được đức vua ban cho chiếc lọng trắng, biểu tượng của sự giàu sang.
Từ khi trở thành vị trưởng giả hoàng gia tên Dhanaseṭṭhi, vị ấy đã làm nhiều việc phước cho đến hết cuộc đời, và khi thân họai mạng chung vị ấy tái sanh vào cõi chư thiên. Con người phước đức ấy, Anuruddha tương lai chỉ tái sanh trong cõi chư thiên và nhân loại trong một thời gian dài. Khi Đức Phật của chúng ta sắp xuất hiện, vị ấy tái sanh trong hoàng gia của Sukkodana, vị hoàng tử dòng dõi Sakyan (Thích ca). Hoàng tử được đặt là Anuruddha vào ngày lễ đặt tên. Hoàng tử Anuruddha là con trai của Sukkodana, cậu của Đức Phật và anh của hoàng tử Mahānama. Hoàng tử rất thanh nhã và đồng thời cũng rất có nhiều oai lực.
Đức Phật viếng thăm kinh thành Kapilavatthu lần đầu tiên và trong khi đang lưu trú trên đường trở về khu rừng Anupiya, hoàng tử Anuruddha cùng với các hoàng tử Bhaddiya, Ānanda, Bhagu, Kimila, Devadatta và người thợ cạo Upāli, tất cả xuất gia tỳ khưu (Sự kiện này được nêu ra chi tiết trong cuốn 3 của bộ Đại Phật Sử)
Khi sáu vị hoàng tử dòng Sakyan cùng với người thợ cạo Upāli đến khu rừng Anupiya và xuất gia tỳ khưu trước sự hiện diện của Đức Phật. Trong bảy vị tỳ khưu này, Bhaddiya chứng đắc đạo quả A-la-hán trong mùa an cư ấy. Anuruddha chứng đắc Thiên nhãn thông (dibbacakhu), Devadatta tu chứng tám pháp chứng Hiệp thế; Ānanda an trú trong thánh quả Nhập lưu (sotāpatti-phala); Đại đức Bhagu và Đại đức Kimila chứng đắc đạo quả A-la-hán sau đó. Nguyện vọng trong quá khứ của những vị tỳ khưu này sẽ được mô tả trong những phẩm riêng của các ngài.
Nói về đại đức Anuruddha, trong mùa an cư đầu tiên, vị ấy đắc được tám thiền chứng và tu tập pháp thần thông và thiên nhãn thông mà có thể trông thấy một ngàn thế giới. Một hôm, vị ấy đi đến trưởng lão Sāriputta và nói:
“ Thưa tôn giả Sāriputta, (1) Tôi có thể trông thấy một ngàn thế giới bằng thiên nhãn thuần tịnh, vượt qua nhục nhãn của chúng sinh (2) Tôi đã nỗ lực tinh tấn. Không bị thất niệm, tôi có chánh niệm. Không trạo hối trong tâm, tôi được an tịnh. Tâm của tôi được nhất tâm và khéo tập trung. (3) Ngay khi ấy, tâm của tôi không phải không dính mắc tham ái (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi) và chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc (āsava).”
Khi ấy trưởng lão Sāriputta thuyết giảng đến Anuruddha liên quan đến thiền như sau:
(1) “ Này hiền giả Anuruddha, chính rằng hiền giả có sự nhận biết và nghĩ rằng: ‘ Tôi thấy một ngàn thế giới bằng Thiên nhãn thông, vượt qua nhục nhãn của chúng sinh’ thể hiện rằng hiền giả có ngã mạn (māna).
(2) “Này hiền giả Anuruddha, chính rằng hiền giả có sự nhận biết và nghĩ rằng: ‘Tôi đã nỗ lực tinh tấn. Không bị thất niệm, tôi có chánh niệm. Không trạo hối trong tâm, tôi được an tịnh. Tâm của tôi được nhất tâm và khéo tập trung,’ thể hiện rằng hiền giả có trạo hối (uddhacca)
(3) “ Này hiền giả Anuruddha, chính rằng hiền giả có sự nhận biết và nghĩ rằng ‘Ngay khi ấy, tâm của tôi không phải không dính mắc tham ái (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi) và chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc (āsava)’ thể hiện rằng hiền giả có hoài nghi và lo lắng (saṃsaya-kukkucca).
Do đó, tôi muốn cho hiền giả lời khuyên như sau: ‘ Hãy loại bỏ ba pháp này (ngã mạn, phóng dật và hoài nghi) mà đang phát triển trong tâm của hiền giả. Không nhận biết ba pháp này nữa, hãy hướng tâm đến pháp Bất tử (Nibbāna)!”
Sau khi học thiền quán và được sự cho phép của Đức Phật, trưởng lão Anuruddha đến nước Ceti. Sống ở khu rừng trúc phía đông của nước ấy, trưởng lão thọ trì pháp Đầu đà.Trong mười lăm ngày, vị ấy không ngủ mà nỗ lực tinh tấn hành thiền bằng cách đi kinh hành. Và rồi trưởng lão trở nên mỏi mệt trong sự hành thiền đến nỗi trưởng lão phải ngồi dưới gốc một bụi tre nghỉ một chút. Trong lúc đang ngồi, những tư tưởng lớn của bậc đại nhân (mahāpurisa-vitakka) khởi sanh trong tâm của trưởng lão như sau:
(1) Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người thiểu dục (tức là người không có ham muốn (icchā) và ái dục (tanhā), không phải trong người nhiều tham ái.
(2) Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ đối với người dễ nuôi, không phải trong người hay bất mãn.
(3) Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người thích yên tĩnh, không phải trong người thích hội chúng.
(4) Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người đầy nghị lực, không phải trong người lười biếng.
(5) Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người có chánh niệm rõ ràng, không phải trong người thất niệm.
(6) Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người có tập trung, không phải trong người thiếu tập trung.
(7) Chín pháp siêu thế chỉ có thể được giác ngộ trong người có trí, không phải trong người ngu si.
(Ghi chú: về (1) người thiểu dục, có bốn loại (a) paccaya- appiccha, người thiểu dục về bốn món vật dụng; (b) adhigama- appiccha, người giữ bí mật không cho người khác biết pháp chứng đạo quả của mình; (c) pariyatti-appiccha, người giữ kín không để người khác biết sở học của mình; (d) dhutaṅga-appiccha, người giữ kín không cho người khác biết về pháp đầu đà mà mình đang thọ trì.
(a) Bậc paccaya-appiccha chỉ thọ lãnh một ít, dù được dâng cúng nhiều; khi được dâng cúng, vị ấy thọ lãnh ít hơn lượng vật thí được dâng cúng; không bao giờ lấy hết.
(b) Bậc adhigama-appiccha như trưởng lão Majjhantika không nói cho người khác biết về sự chứng đắc đạo quả (magga và phala) của mình mà giữ im lặng. Câu chuyện tóm tắt về trưởng lão Majjhantika như sau:
Trưởng lão là bậc A-la-hán.Nhưng bình bát và chiếc y của Ngài trị giá chỉ một phần tư đồng tiền vàng. Vào ngày vua Asoka dâng cúng tịnh xá,Trưởng lão dẫn đầu chúng Tăng. Nhìn thấy bình bát và chiếc y của Trưởng lão quá cũ kỹ và sờn rách, mọi người nghĩ rằng Trưởng lão là một vị tỳ khưu già thấp hạ; thế nên người ta bảo Ngài chờ ở bên ngoài một lát. Khi đó Trưởng lão nghĩ: “ Nếu một vị A la hán như ta mà không đóng góp vào lợi ích của đức vua, thì ai khác sẽ làm điều đó?” Nghĩ vậy Trưởng lão liền lặn xuống dưới đất và thọ lãnh phần vật thực cúng dường đầu tiên dành cho vị tỳ khưu đứng đầu đã được dâng cúng đến Trưởng lão một cách tôn kính. Rồi Trưởng lão xuất hiện trở lại trong khi những người khác không hay biết gì. Bằng cách này, Trưởng lão không muốn người khác biết Ngài là bậc A-la-hán trước khi thọ lãnh vật thực.
(c) Bậc pariyatti-appiccha không muốn cho người khác biết về kiến thức kinh điển của mình dù đã thông suốt Tam tạng. Vị ấy giống như Trưởng lão Tissa, sống ở Saketa. Câu chuyện tóm tắt về Trưởng lão Tissa như sau:
Trưởng lão Tissa được các vị tỳ khưu khác yêu cầu giảng dạy cho họ về Kinh tạng và Chú giải. Nhưng trưởng lão từ chối nói rằng ngài không có thời gian. Rồi các tỳ khưu hỏi trưởng lão, có vẻ như trách móc: “Tôn giả không có thời gian ngay cả chết sao
?” Bởi vậy trưởng lão rời bỏ các đệ tử và đến ngụ tại tịnh xá Kaṇikāravalika-samudda. Ngài ở đó trong ba tháng an cư ( như một vị tỳ khưu mù chữ vô danh). Trưởng lão làm tốt phận sự của mình đối với các vị đồng cư dù họ cao hạ, thấp hạ hay ngang bằng. Ngày rằm của tháng Assayuha (tháng 9 - tháng 10), vào lễ tự tứ Mahāpavāraṇā, trưởng lão thuyết pháp, khiến thính chúng nổi gai ốc. Họ nói lời tán thán và tung những chiếc khăn vấn đầu của họ lên trời. Như vậy trưởng lão đã tạo ra sự tán thưởng nhiệt trong thính chúng. Vì không muốn cho người khác biết rằng “ Đây quả thật là người đã thuyết pháp đêm qua,” Ngài bí mật trở về nơi ở trước vì trưởng lão là bậc thuộc bậc pariyatti appiccha.
(d) Bậc dhutaṇga-appiccha không muốn nói cho người khác biết về sự thọ trì hạnh đầu đà của mình. Vị ấy giống như người anh lớn của hai người. Bài tóm tắt sau đây kể về hai anh em như sau:
Hai anh em tỳ khưu đang ngụ trên ngọn đồi Cetiya. Người em đi đến người anh mang theo một cây mía để dâng cúng cho anh. “ Hãy dùng nó, thưa sư huynh,” vị tỳ khưu em nói. Vì người anh đã thọ thực xong rồi và đã rửa miệng nên vị ấy đáp rằng: “ Đủ rôi, sư đệ.” “Tại sao”, vị tỳ khưu em hỏi, “ có phải sư huynh đã nguyện thọ trì hạnh đầu đà ekasanika-dutaṅga (là hạnh chỉ ăn một ngày một bữa)?” Lúc đó người anh mới bảo người em đem cây mía đến. Mặc dù vị ấy đã thọ trì pháp hành đặc biệt này suốt năm mươi năm, vị ấy ăn cây mía vì vị ấy muốn giữ kín pháp hành của mình không cho vị em biết. Sau đó vị ấy rửa miệng và nguyện thọ trì trở lại.
(Những bài mô tả này về bốn hạng người thiểu dục (appicha) được nêu ra trong Chú giải Aṅguttara Nikāya, cuốn 3 và những câu chuyện được kể lại từ Chú giải Majjhima Nikāya, cuốn 2. Trong bộ Chú giải sau, có thêm 3 loại người icchā (dục cầu), bốn hạng người thiểu dục (appicchā), mười hai hạng người tri túc (santosa), ba hạng người viễn ly (paviveka), năm hạng người thích tiếp xúc (saṃsagga), v.v… đã được nêu ra.)
Vào lúc đại đức Anuruddha đang nỗ lực tinh tấn với bảy ý nghĩ của bậc đại nhân (mahāpurisa-vitakka), Đức Phật đang ngụ ở trong khu rừng Bhesakala, gần thị trấn Susumāragira, nước Bhagga. Khu rừng nằm ở phía tây của khu rừng trúc nơi mà trưởng lão Anuruddha đang tu tập. Do đó chỗ này được này được gọi là rừng trúc.
Sau khi dốc lòng tinh tấn với bảy ý nghĩ, trưởng lão Anuruddha quá mệt mỏi đến nỗi không thể bước thêm bước nữa để nghĩ về pháp thứ tám. Thực ra những vị Thinh văn mà đã nghĩ về bảy pháp trước rồi như thiểu dục, dễ nuôi, vắng lặng, tinh tấn, chánh niệm, định tâm, và trí tuệ thì miễn cưỡng để nghĩ đến một pháp cao hơn. Đối với các ngài, kết thúc bằng pháp trí tuệ là quy luật. Đó là lý do khiến đại đức Anuruddha, sau khi suy xét về pháp trí tuệ thứ bảy được gọi là đại nhân tầm (mahāpurisa-vitakka) thì đại đức quá mệt mỏi không thể suy xét đến vitakka thứ tám.
Đức Phật trong khi đang lưu trú trong khu rừng Bhesakala, Ngài biết rằng: “ Anuruddha mệt mỏi không thể suy xét đến vitakka thứ tám” và nghĩ rằng “ Ta sẽ giúp cho ước muốn của Anuruddha được thành tựu.” Ngay lập tức, Ngài xuất hiện trước mặt Trưởng lão và ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn rồi. Rồi Đức Phật nêu ra vitakka thứ tám bị thiếu, nói rằng:
“ Này Anuruddha, thiện tai, thiện tai ! (1) Chín pháp siêu thế chỉ có thể thành tựu trong người thiểu dục, không phải trong người nhiều… (7) Chín pháp siêu thế chỉ có thể được thành tựu viên mãn trong người có trí tuệ, không phải trong người thiếu trí tuệ. Này Anuruddha! Những sự quán xét của con thuộc về các bậc Thánh.
“ Này Anuruddha, như trường hợp của con, hãy tiếp tục pháp quán thứ tám. Là “ Chín pháp Siêu thế chỉ có thể được thành tựu viên mãn trong người vui thích Niết bàn thoát khỏi saṁsāra - các chướng pháp (papañca) kéo dài luân hồi, ( đó là ái dục (taṇhā), ngã mạn (māna) và tà kiến (diṭṭhi), không phải người ưa thích trong các chướng pháp (papañca).”
Như vậy Đức Phật đã cung cấp ý nghĩ thứ tám của bậc đại nhân. Rồi Đức Phật tiếp tục giảng chi tiết đến đại đức Anuruddha rằng, trong khi chuyên tâm vào tám pháp quán này, vị ấy dễ dàng nhập vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền hợp thế, và trong khi nhập vào bốn thiền hợp thế, vị ấy có thể dễ dàng có được bốn thánh chủng hành đạo - ariyavaṃsa (con đường hành đạo thuộc dòng dõi các bậc Thánh), tức là (1) tri túc trong y áo (cīvara-santosa), (2) tri túc trong vật thực (piṇḍapāta-santosa) bao gồm thuốc chữa bệnh,
(3) tri túc trong chỗ ngụ và (4) vui thích trong sự tu thiền (bhāvanā- rāmata). (Bài thuyết giảng chi tiết về chủ đề này có thể tìm thấy trong bản dịch về bộ Aṅguttara Nikāya, cuốn 3).
Sau khi thuyết giảng như vậy, Đức Phật nghĩ về chỗ ngụ thích hợp dành cho trưởng lão Anuruddha để tu thiền và Ngài thấy rằng khu rừng trúc sẽ là nơi thích hợp. Thế nên Ngài khuyên trưởng lão như sau:
“ Này Anuruddha, (vì khu rừng trúc là chỗ ngụ thích hợp dành cho con) sau này hãy nhập hạ ở khu rừng trúc, trong nước Ceti này.”
Sau khi đã khuyến giáo như vậy Đức Phật biến mất và xuất hiện trở lại ở khu rừng Bhesaka, nơi này Ngài thuyết giảng chi tiết tám pháp Mahāpurisa vitakkas đến các tỳ khưu ở đó.
Sau khi Đức Phật ra đi, Trưởng lão Anuruddha nỗ lực tinh tấn hành đạo và chẳng bao lâu (trong mùa an cư kế tiếp) Trưởng lão đã chứng đắc đạo quả A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc (asāva), sở hữu trạng thái bao gồm tam minh là Túc mạng thông (pubbenivāsa-ñāṇa), Thiên nhãn thông (dibbacakkhu-ñāṇa), và Lậu tận thông (savakkhaya- ñāṇa). Khi ấy trưởng lão phấn chấn và nghĩ rằng: “ Ồ, nhìn thấy những trạng thái tâm của ta, Đức Phật đã đến và cung cấp cho ta mahāpurisa-vitakka thứ tám. Ước muốn trong tâm của ta giờ đây cũng đã được thành tựu viên mãn đến mức cao nhất!” Khi chú ý đến bài pháp của Đức Phật và pháp siêu thế, Trưởng lão bèn thốt lên câu kệ sau đây:
(a) Mama saṅkappam, aññāya,
Sattha loke anuttaro. Mayomayena kāyena, uddhiya ypasaṁkami.
Đức Thế Tôn, bậc Đạo sư của chư thiên và nhân loại, bậc Vô song trong ba cõi, đã biết những ý nghĩ của con, bằng sắc thân được tạo ra bởi tâm của Ngài, và qua năng lực thần thông ấy, đã đến trước mặt con trong chốc lát.
(b) Yathā me ahu saṅkappo tato uttari desayi Nippapañca-rato Buddho nippapañcam adesayi.
Những ý nghĩ của bậc thánh nhân đã khởi sanh trong con bằng bảy cách. Do lòng bi mẫn, Đức Phật đã dạy con về ý nghĩ thứ tám, ý tầm cao hơn bảy pháp quán của con. Đức Phật, bậc Toàn tri, bậc Tối thượng trong thế gian, Bậc vui thích trong Niết bàn vô vi, thực sự thoát khỏi các pháp chướng ngại kéo dài luân hồi, do lòng bi mẫn đã dạy con về Niết bàn vô vi thực sự thoát khỏi các pháp chướng ngại kéo dài luân hồi.
(c) Tassāhaṃ dhammam aññāya vihāsiṃ sāvane rato.
Tisso vijjā anuppattā
kataṃ Buddhassa sāsanaṃ.
Con, Anuruddha, sau khi liễu ngộ Pháp do Đức Phật giảng dạy, bậc có danh hiệu là đấng Toàn tri, Bậc tối thượng của thế gian, con đã sống an lạc trong chính kiếp sống này, luôn luôn vui thích trong thiền quả trong giáo pháp gồm có ba pháp học. Ba minh gồm có Túc mạng minh (pubbernivāsa-ñāṇa), đã được chứng đắc bởi con, tức Anuruddha, con đã nỗ lực tinh tấn và thực hành, đạt đến mục tiêu là đạo quả A-la-hán, giáo pháp gồm ba pháp học của Đấng Toàn Giác, Bậc đứng đầu trong thế gian.
Sau đó, khi Đức Phật đang ngụ ở Jetavana tịnh xá, Ngài triệu tập một cuộc họp ban danh hiệu Etadagga (Đệ nhất) cho số đông các tỳ khưu và tán dương Trưởng lão Anuruddha như sau:
Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ dibbacakkhukānaṃ yad idam Anuruddho.
Này các tỳ khưu, trong số những đệ tử của Như lai mà có thiên nhãn, thì Anuruddha là Đệ nhứt.
Khi nói vậy, Đức Phật đã công bố Trưởng lão Anuruddha là người tối thắng (etadagga) về Thiên nhãn.
(Ở đây người ta có thể đặt ra câu hỏi: Tại sao Đức Phật chỉ định riêng Anuruddha mặc dù trong đó có sự hiện diện của những vị A-la- hán tam minh (tevijja) khác và những vị A-la-hán lục thông (chaḷabhiññā) khác, tất cả họ đều có thiên nhãn ? Câu trả lời là: Thực sự thì tất cả những vị A-la-hán tam minh và lục thông khác đều có thiên nhãn nhưng các ngài không sử dụng nó nhiều như Trưởng lão. Khi Trưởng lão Anuruddha đi khất thực, ngoại trừ lúc độ thực, trưởng lão luôn luôn nhập thiền đề mục ánh sáng (āloka-kasiṇa) dò xét chúng sanh bằng thiên nhãn thông của Trưởng lão. Bằng cách này, ngài đã đạt được năm pháp thuần thục về thiên nhãn và trở nên già dặn hơn (các vị A-la-hán khác). Đây là lý do để Đức Phật ban danh hiệu đệ nhất (etadagga) trong lãnh vực đặc biệt này.
(Câu trả lời khác là như thế này: Trưởng lão Anuruddha đã làm những việc phước suốt một trăm ngàn đại kiếp với nguyện vọng đạt được địa vị Tối thắng về Thiên nhãn thông. Do đó trong kiếp sống này, là kiếp chót của trưởng lão, trong đó các Ba-la-mật và những nguyện vọng của ngài đều được thành tựu viên mãn, trưởng lão xử dụng thiên nhãn nhiều hơn bất cứ vị A-la-hán nào khác do ước nguyện trong quá khứ. Cho nên Đức Phật đã ban tặng danh hiệu ấy.)
Khi Đức Phật đang ngự ở tịnh xá Jetavana, trong thành Rājagaha , đại đức Anuruddha đang tìm kiếm vải vụn để làm y phấn tảo, tại những đống rác và các nơi khác. Một vị tiên nữ tên Jālinī, đã từng làm vợ của trưởng lão cách ba kiếp trong quá khứ, hiện đang sống ở cõi Tāvatiṃsa (Đao lợi thiên). Khi thấy rằng trưởng lão đang tìm những miếng vải vụn, nàng bèn đem đến ba mảnh y của chư thiên, mỗi mảnh dài mười ba hắc tay và rộng bốn hắc tay. Nhưng nàng nghĩ “ Nếu ta dâng cúng những mảnh vải dưới dạng này thì trưởng lão có thể không nhận chúng.” Bởi vậy nàng bỏ chúng ở đống rác phía trước mặt trưởng lão; nàng đã sắp xếp ngài có thể trông thấy những chéo y.
Khi trưởng lão đến lối ấy để tìm vải vụn, ngài trông thấy những chéo y của chư thiên, trưởng lão nhặt chúng lên ngay chỗ ấy rồi đi, nghĩ rằng chúng có chất liệu tốt nhất.
Ngày trưởng lão may y, Đức Phật cùng năm trăm vị tỳ khưu đi đến viếng thăm nơi ở của trưởng lão và ngồi vào nơi Phật tọa. Các vị trưởng lão cao hạ thuộc hội chúng tám mươi đại đệ tử cũng ngồi tại chỗ mà chiếc y đang được may. Đại đức Mahā Kassapa, Sāriputta và Ānanda đều giúp trưởng lão may những chiếc y, họ ngồi vào chỗ ngồi của họ và người giúp ở chỗ bắt đầu, ở chỗ giữa và chỗ cuối của chiếc y. Các vị khác cũng đến giúp trưởng lão se chỉ trong khi chính Đức Phật thì xỏ chỉ qua kim. Đại đức Moggallana thì đi lui đi lại để gom nhặt những vật cần thiết khác cho việc may khâu.
Tiên nữ Jālinī đi vào thành phố và công bố: “ Hỡi mọi người, Đức Phật với chúng tám mươi đại đệ tử A-la-hán, cùng năm trăm vị tỳ khưu đang trú ngụ ở tịnh xá để may y cho thầy của chúng ta là đại đức Anuruddha. Hãy đi đến tịnh xá mang theo cơm dẻo và những vật thực khác.” Như vậy vị tiên nữ đã hối thúc những phụ nữ tụ họp mang theo vật thực. Đại đức Mahā Moggallāna mang những chùm trái jambu trong giờ nghỉ, trước giờ ăn. Năm trăm vị tỳ khưu không thể ăn hết lượng trái cây. Sakka, vua của chư thiên san bằng chỗ đất tại khu vực may y. Đồ ăn còn dư như cơm dẻo, thức ăn cứng và cơm còn lại rất nhiều.
Rồi các tỳ khưu chê trách trưởng lão Anuruddha nói rằng: “ Việc đem đến những loại vật thực số lượng lớn như thế này có ích gì. Thực ra, vị ấy đáng lẽ phải chú ý đến lượng vật thực cần thiết và nên bảo những quyến thuộc, những người hầu nam và nữ và các thí chủ rằng ‘ Nên đem đến bấy nhiêu thôi.’ Có lẽ trưởng lão muốn chúng ta biết rằng ngài có đông đảo quyến thuộc, người hầu và thí chủ.” Rồi Đức Phật hỏi họ đang bàn luận chuyện gì và khi họ trả lời về đề tài đang bàn luận, thì Ngài hỏi họ rằng: “ Này các tỳ khưu, có phải các ngươi nghĩ rằng tất cả những vật thực này do Anuruddha bảo đem đến chăng?” Khi các vị tỳ khưu xác nhận đúng như vậy thì Đức Phật nói rằng:
“ Này các tỳ khưu, con trai Anuruddha của Như Lai không bao giờ xin bốn món vật dụng nhiều như vậy. Thực ra, các vị A-la-hán không bao giờ nhấn mạnh về các món vật dụng. Thức ăn này có được do năng lực của một vị thiên!”
Sau khi đã giải thích như vậy, Đức Phật bèn nói lên bài kệ sau đây để giảng pháp:
Yassāsavā parikkhīṇā āhāre ca anissito
suññato animitto ca vimokkho yassa gocaro; ākāse va sakuntānaṃ padaṃ tassa-dirannayaṃ.
(Này các tỳ khưu, này các con!) Một vị A-la-hán mà bên trong bốn lậu hoặc, tức là: dục lậu (kāma), hữu lậu (bhava), kiến lậu (diṭṭhi) và vô minh lậu (avijjā) đã được đoạn tận, không còn chút dấu vết nào, thì không ái luyến thực phẩm do ái dục (taṇhā) và tà kiến (diṭṭhi). Trong quả chứng của vị ấy, vị ấy luôn luôn trú vào Nibbāna, được gọi là Không tánh giải thoát (suññata-vimokkha) vì không có tham (rāga), sân (dosa) và si (moha), Nibbāna cũng được gọi là Vô tướng giải thoát hay Vô nhân giải thoát (animitta-vimokkha) vì nó hoàn toàn thoát khỏi các nhân như tham, sân và si. Nibbāna cũng được gọi là Vô nguyện giải thoát (appaṇihita-vimokkha) vì nó hoàn toàn thoát khỏi các ước muốn như tham, sân và si. Cũng như cái gì ở trong không trung được giẫm lên bởi đôi chân, được xúc chạm bởi ngực, đầu và đôi cánh của con chim bay trong không trung thì không thể biết được, cũng vậy sự đạt đến yếu tố Nibbāna sau khi chết, thì không thể biết được đối với những người bình thường.
Vào lúc kết thúc bài pháp đông đảo chúng sanh chứng đắc quả thánh Nhập lưu, v.v...
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B