THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 6.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 6A] [Tiếp theo]


(15) ĐẠI TRƯỞNG LÃO KAṄKHĀ REVATA

(a) Nguyện vọng quá khứ

Cách đây một trăm ngàn đại kiếp, trong thời kỳ của Đức Phật Padumuttara, trưởng lão Kaṅkhā Revata cùng những người khác đến tịnh xá, giống như những vị trưởng lão đương lai xưa kia. Và trong khi đang đứng ở mé ngoài của thính chúng và nghe pháp, vị ấy trông thấy Đức Phật ban danh hiệu etadagga cho một vị tỳ khưu nọ là đệ nhất trong những vị tỳ khưu tu thiền. Khi nghĩ rằng: “ Ta cũng nên trở thành người giống như vị tỳ khưu này,” bèn thỉnh Đức Phật vào lúc Ngài thuyết pháp xong và tổ chức đại thí đến Đức Phật. Trong bảy ngày, giống như những Thinh văn bồ tát khác, vị ấy phát nguyện như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, do kết quả của việc phước adhikāra này, con không mong cầu bất cứ loại hạnh phúc nào khác ngoài danh hiệu etadagga trong số những người chuyên tâm hành thiền trong thời kỳ giáo pháp của một vị Phật đương lai, như vị tỳ khưu đã được ban danh hiệu cách đây bảy ngày.”

Khi Đức Phật Padumuttara dò xét về tương lai, Ngài thấy rằng nguyện vọng của vị thiện nam kia sẽ được thành tựu và Ngài đã tiên tri thọ ký cho vị ấy trước khi Ngài ra đi: “ Vào cuối một trăm ngàn đại kiếp, Đức Phật Gotama sẽ xuất hiện. Trong thời kỳ giáo pháp của vị Phật ấy, con sẽ trở thành người giữ danh hiệu etadagga trong những người chuyên tâm hành thiền!”

(b) Đời sống xuất gia trong kiếp chót

Sau khi thực hành các việc phước đến hết cuộc đời, vị thiện nam luân hồi trong cõi chư thiên và nhân loại và đến thời kỳ Đức Phật của chúng ta, vị ấy tái sanh vào gia đình của một vị trưởng giả ở thành Sāvatthi, tên là Revata. Vào một buổi chiều, con trai của vị trưởng giả, Revata tháp tùng đoàn người đến Jetavana tịnh xá. Trong khi đang đứng ở mé ngoài của hội chúng và nghe Đức Phật thuyết pháp, chàng trai khởi sanh niềm tin và xuất gia làm tỳ khưu, thực hành các phận sự của Sa-môn. Sau khi nhân được đề mục thiền quán từ Đức Phật, và khi đang tu tập pháp thiền chỉ vị ấy đắc được tầng thiền hiệp thế. Lấy những tầng thiền ấy làm nền tảng, vị ấy chuyên tâm vào thiền Minh sát và chứng đắc đạo quả A-la-hán.

(c) Sự hoạch đắc danh hiệu etadagga

Trưởng lão Revata có khả năng nhập vào nhiều loại định mà Đức Phật đã sử dụng cả ngày lẫn đêm. Sau đó, trong một cuộc hội họp chư Tăng, Đức Phật công bố trưởng lão Kaṅkhā-Revata là tối thắng (etadagga) trong lãnh vực thiền, tán thán như sau:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ jhāyīnaṁ yadidaṁ Kaṅkhā-Revato.

Này các tỳ khưu, trong số những đệ tử của Như Lai mà có thói quen nhập định, thì tỳ khưu Kaṅkhā-Revata là đệ nhất.

Bài mô tả về tên Kaṅkhā-Revata

Một hôm, Đức Phật đang du hành từ Sāvatthi đến Rājagaha và trên đường Revata đi vào có một cái láng mà trong đó làm mật đường. Khi thấy rằng mật đường có pha trộn bột nhào và cám (như là một công đoạn cần thiết để làm đông đặc mật đường), vị ấy khởi tâm hoài nghi không biết có được phép làm mật đường đông cứng bằng hai phụ gia không, vì hai phụ gia kia thuộc dạng thô (āmisa). Nói rằng: “ Mật đường chứa phụ gia thô thì không hợp pháp vì nó chứa bột nhào và cám. Dùng mật đường như vậy sau giờ ngọ là phạm luật.” Vị ấy và các đệ tử không lấy mật đường đã được làm thành khối như vậy.

Các tỳ khưu tin theo lời của trưởng lão cũng không dùng nó. Những vị khác trình vấn đề ấy lên Đức Phật, Ngài hỏi rằng: “ Này các tỳ khưu, tại sao người ta bỏ bột nhào và cám vào trong mật đường?” “ Để làm cho nó cứng lại, bạch Thế Tôn,” các tỳ khưu trả lời. “ Này các tỳ khưu, nếu bột nhào và cám được bỏ vào mật đường để làm đông cứng, thời bột nhào và cám được bỏ vào mật đường như vậy chỉ được xem là mật đường thôi. Này các tỳ khưu, Như Lai cho phép các con thọ dụng mật đường bất cứ khi nào các con thích,” và Đức Phật ban hành điều luật (anuññāta-sikkhāpada).

Trên đường du hành, Revata trông thấy những hạt đậu xanh (mugga) lên mầm trong những đống phân người và nói rằng: “ Đậu xanh không thích hợp để ăn, vì đậu nấu cũng có thể lên mầm.” Vị ấy khởi tâm hoài nghi như vậy và cùng với tùy tùng, vị ấy không dùng đậu xanh. Các tỳ khưu tin vào vị ấy cũng tránh không ăn đậu xanh. Vấn đề được trình lên Đức Phật, Ngài ban hành một điều luật khác cho phép ăn loại đậu như vậy bất cứ khi nào vị tỳ khưu thích. (Những bài mô tả này được nêu ra trong bộ Bhesajja-khandhaka của phẩm Vinaya Mahā-Vagga.)

Theo cách này, Revata nghi ngờ ngay cả những vật mà được phép dùng, vì vị ấy có nhiều hoài nghi liên quan đến tạng Luật, nên vị ấy có tên gọi là Kankhā-Revata, ‘Revata, người hay hoài nghi.’

Những bài kinh liên quan đến Kankhā-Revata có thể được tìm thấy trong bộ Apadāna và Chú giải, Chú giải Theragāthā, v.v...


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]