THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 6.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 6A] [Tiếp theo]


(31) ĐẠI TRƯỞNG LÃO URUVELA KASSAPA

(a) Nguyện vọng quá khứ

Uruvela Kassapa tương lai, trong quá khứ đã sanh vào trong một gia đình danh giá trong kinh thành Hamsavati, thời của Đức Phật Padumuttara. Khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy có dịp được nghe Đức Phật thuyết pháp. Khi đang nghe pháp, vị ấy chứng kiến một vị tỳ khưu được Đức Phật công bố là vị tỳ khưu Tối thắng về mặt có đông đảo tùy tùng. Vị ấy khởi tâm ưa thích muốn đạt được địa vị của vị tỳ khưu ấy trong tương lai. Vị ấy đã tổ chức lễ cúng dường to lớn đến Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày, ngày cuối cùng vị ấy cúng dường một bộ tam y đến Đức Phật và mỗi thành viên trong Tăng chúng, phát nguyện được trở thành vị tỳ khưu Tối thắng trong lãnh vực lãnh đạo đoàn tùy tùng to lớn trong tương lai. Đức Phật quán xét vấn đề, thấy rằng nguyện vọng của vị ấy sẽ được thành tưu và đã tiên tri như vầy: “ Con sẽ được Đức Phật Gotama công bố là vị tỳ khưu Tối thắng trong giáo pháp của vị ấy về lãnh vực lãnh đạo đoàn tùy tùng đông đảo.” Sau khi nói lời tiên tri trang trọng, Đức Phật Padumuttara trở về tịnh xá.

Kiếp sanh làm vị hoàng tử em của Đức Phật Phusa

Trong kiếp sống được Đức Phật Padumuttara thọ ký ấy, Uruvela Kassapa tương lai sống cuộc đời đầy những thiện nghiệp và lúc thân hoại mạng chung được tái sanh vào cõi chư thiên rồi tiếp tục luân chuyển trong cõi chư thiên và nhân loại. Rồi đến kiếp cách đây 92 đại kiếp, khi Đức Phật Phussa xuất hiện trong thế gian thì Uruvela Kassapa tương lai, sanh làm em cùng cha khác mẹ với Đức Phật. Đức Phật có ba người em cùng cha khác mẹ và vị hoàng tử này là người lớn nhất. (Ba anh em hầu hạ Đức Phật với tứ vật dụng của vị tỳ khưu trong suốt mùa an cư, chi tiết của nó được mô tả trong cuốn sách này cũng như trong cuốn hai của bộ Đại Phật Sử.)

(b) Đời sống Sa môn trong kiếp chót

Ba anh em hoàng tử đã cúng dường to lớn gồm những lễ vật có giá trị đến Đức Phật và chúng Tăng vào cuối mùa an cư. Họ cũng dành trọn cuộc đời để làm tất cả thiện nghiệp và chỉ tái sanh vào những cõi hạnh phúc. Trong đại kiếp hiện tại này, trước khi Đức Phật Gotama xuất hiện, họ tái sanh vào một gia đình Bà-la-môn thuộc dòng họ Kassapa. Đến tuổi trưởng thành họ trở thành những bậc thầy của Tam phệ đà, người anh cả có năm trăm học trò, người em kế có ba trăm học trò và người em út có hai trăm học trò tất cả đều trở thành đệ tử của họ.

Khi họ xem xét kiến thức của mình thì họ nhận ra rằng những bộ kinh Phệ đà chỉ cống hiến cho đời sống hiện tại, mà thiếu kiến thức đem lợi ích trong kiếp sau. Người anh cả Kassapa, cùng với năm trăm đệ tử của vị ấy, từ bỏ thế gian và sống cuộc đời ẩn sĩ. Họ rút vào khu rừng Uruvela và vị đạo sư được biết, bởi cái tên nơi họ ở là Uruvela Kassapa. Người em thứ hai và ba trăm đệ tử của vị ấy cũng trở thành Sa-môn và sống ở khúc cong của con sông Gaṅgā và tên mọi người biết đến là Nadī Kassapa. Người em út cũng trở thành Sa-môn cùng với hai trăm đệ tử của vị ấy, họ ngụ tại địa điểm có tên Gayāsīsa, vì vậy vị đạo sư được gọi tên là Gayā Kassapa. Ba anh em Kassapa trở thành những đạo sư nổi tiếng của giáo phái riêng của họ. Trong thời gian mà ba anh em Kassapa dẫn dắt những nhóm đệ tử của họ thì Đức Phât Gotama đã xuất hiện trong thế gian. Đức Phật đã trải qua mùa an cư đầu tiên tại khu rừng Migadāya, cũng được gọi là Isipatana, là nơi mà Ngài đem lại sự giác ngộ cho nhóm năm anh em Kiều trần Như và năm mươi lăm chàng trai do Yasa, con trai của vị trưởng giả, dẫn đầu. Tất cả sáu mươi vị Thinh văn đệ tử này trở thành những vị A-la-hán đầu tiên trong thế gian. Vào lúc kết thúc mùa an cư, Đức Phật khuyên dạy sáu mươi vị A-la-hán ra đi truyền bá Chánh pháp trong khi đó Ngài một mình đi đến khu rừng Uruvela. Trên đường đi Ngài gặp ba mươi vị công tử, tất cả là anh em, tại khu rừng Kappāsika, đem lại sự giác ngộ Thánh quả cho họ và truyền phép Thiện lai tỳ khưu đến họ. Đức Phật một mình đến khu rừng Uruvela vì Ngài thấy sự chín muồi của Uruvela Kassapa để giác ngộ và cũng thấy rằng ba anh em Kassapa và những tùy tùng của họ sẽ chứng đắc đạo quả A-la-hán. Khi Đức Phật gặp Uruvela Kassapa, Ngài đã phải thị hiện 3500 loại thần thông, loại thần thông đáng chú ý nhất là sự nhiếp phục con rồng có đại oai lực. Cuối cùng Uruvela Kassapa và năm trăm đệ tử của vị ấy được Đức Phật thâu nhận vào Tăng chúng bằng phép xuất gia Thiện lai tỳ khưu. Khi biết người anh cả đã trở thành vị tỳ khưu, hai người em cùng tùy tùng của họ cũng xuất gia theo Đức Phật. Tất cả họ đều là Thiện lai tỳ khưu. (Muốn biết chi tiết hãy xem cuốn II, Đại Phật Sử).

Đức Phật dẫn một ngàn vị tỳ khưu mới thâu nhận đi đến Gayāsīsa. Ngài ngồi trên một tảng đá và quán xét bài pháp nào thích hợp để thuyết đến họ. Ngài nhớ rằng những vị ẩn sĩ có nguồn gốc Bà- la-môn giáo từ lâu đã thực hành pháp thờ lửa, và do đó Ngài thuyết đến họ bài Pháp lấy ví dụ về ngọn lửa không ngừng đốt cháy ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Bài Pháp có nhan đề là Ādittapariyāya đem lại sự chứng đắc đạo quả A-la-hán cho tất cả các vị tỳ khưu.

Rồi Đức Phật thấy rằng đã đến lúc Ngài viếng thăm Rājagaha, nơi mà trước khi Ngài chứng đắc Phật quả, Ngài đã hứa với vua Bimbisāra sẽ viếng thăm kinh đô của vị ấy sau khi chứng đắc. Ngài đi đến Rājagaha có một ngàn vị A-la-hán tháp tùng và ngụ ở rừng cây thốt nốt. Vua Bimbisāra, khi hay tin Đức Phật đến, bèn đi yết kiến Ngài trong một hội chúng gồm một trăm hai chục ngàn vị gia chủ Bà- la-môn. Sau khi đảnh lễ Đức Phật, đức vua ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Trong dịp ấy, danh tiếng của Uruvela Kassapa đã lan rộng đến nỗi các đám tùy tùng Bà-la-môn của đức vua đều kính lễ Uruvela Kassapa. Đức Phật biết rằng thính chúng không thể quyết định ai là bậc cao hơn - Đức Phật và Uruvela Kassapa. Ngài cũng biết rằng những người có hoài nghi sẽ không thể chú ý vào Pháp. Vì vậy, Ngài nói với Kassapa, “ Này Kassapa, tín đồ của con đang ở trong tình trạng khó xử. Hãy đoạn trừ tâm bối rối của họ.” Như vậy Đức Phật đã ngụ ý với trưởng lão là hãy thị hiện thần thông.

Đại đức Uruvela Kassapa cung kính phụng hành: đứng dậy khỏi chỗ ngồi vị ấy đảnh lễ Đức Phật bằng năm điểm chạm đất, và bay lên không trung cao một cây thốt nốt. Khi đứng giữa không trung, vị ấy hóa ra nhiều hình tướng khác nhau một cách tự tại và bạch với Đức Phật: “ Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là đạo sư của con; con là đệ tử của Thế Tôn.” Rồi vị ấy đi xuống đất và đảnh lễ dưới chân Đức Phật. Rồi vị ấy lại bay lên không trung cao hai cây thốt nốt, tự mình hóa ra nhiều hình tướng khác nhau, đi xuống và đảnh lễ dưới chân của Đức Phật. Trong lần thứ bảy, vị ấy bay cao bằng bảy cây thốt nốt, và sau khi đi xuống đất, và đảnh lễ Đức Thế Tôn, vị ấy ngồi ở nơi phải lẽ.

Đại chúng lúc bấy giờ không còn hoài nghi về tánh chất tối cao của Đức Phật và gọi Ngài là Đại Sa-môn. Chỉ khi ấy Đức Phật mới thuyết pháp đến họ và vào lúc kết thúc thời pháp, vua Bimbisāra và một trăm mười ngàn gia chủ Bà-la-môn chứng đắc quả Thánh Nhập lưu (sotapatti-phala) và mười ngàn Bà-la-môn còn lại thì an trú trong Tam quy.

(c) Sự hoạch đắc danh hiệu Etadagga

Một ngàn đệ tử mà đã hầu hạ đại đức Uruvela Kassapa, sau khi chứng đắc đạo quả A-la-hán, vì nghĩ rằng họ đã đạt đến đỉnh cao pháp hành của vị tỳ khưu nên họ không cần phải đi bất cứ nơi đâu để phát triển sự hành đạo. Thế nên, họ ở lại hội chúng của vị lãnh đạo cũ.

Vào một dịp, giữa chúng Tăng tại tịnh xá Jetavana , Đức Phật đã công bố:

Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ mahā-parisānaṃ yadidaṃ Uruvela Kassapo.

Này các tỳ khưu, trong số những tỳ khưu đệ tử của Như lai mà có đông đảo tùy tùng, thì Uruvela Kassapa là Đệ nhất.

(Về vấn đề này, đại đức Uruvela Kassapa có địa vị độc nhất vô nhị là có tùy tùng thường xuyên gồm một ngàn vị tỳ khưu, tính luôn cả tùy tùng của hai người em. Nếu mỗi vị tỳ khưu trong một ngàn vị mà làm thầy tế độ và thâu nhận một tỳ khưu làm đệ tử, thì tùy tùng của Uruvela Kassapa sẽ trở thành hai ngàn, và nếu một ngàn vị tỳ khưu gốc mà thâu nhận hai vị tỳ khưu vào Tăng chúng, thì tùy tùng của trưởng lão Uruvela Kassapa lên đến ba ngàn vị. Cho nên vị ấy giữ địa vị vô song về vấn đề sức mạnh của tùy tùng - Chú giải về bộ Aṅguttara).


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]