THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 6.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 6A] [Tiếp theo]
Nanda tương lai sanh vào một gia đình danh giá trong kinh thành Hamsavati vào thời của Đức Phật Padumuttara. Khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy có dịp nghe Đức Phật thuyết pháp. Khi đang lắng nghe thời pháp thì được chứng kiến Đức Phật ban danh hiệu Etadagga cho một vị tỳ khưu nọ về vấn đề phòng hộ các căn. Người đàn ông danh giá ấy khởi tâm muốn được danh hiệu ấy trong thời kỳ giáo pháp của một vị Phật tương lai, và sau khi tổ chức cúng dường to lớn đến Đức Phật, vị ấy bày tỏ ước nguyện của mình. Đức Phật đã thọ ký cho vị ấy.
Người đàn ông danh giá ấy tái sanh làm con trai của bà Mahāpajāpati Gotamī, là dưỡng mẫu của Đức Phật, trong kinh thành Kapilavatthu (vị ấy sanh ra sau thái tử Siddhattha hai hoặc ba ngày).
Vào ngày thứ ba sau chuyến viếng thăm đầu tiên đến
Kapilavatthu, Đức Phật đã thâu nhận thái tử Nanda vào Tăng chúng.
Dù thái tử Nanda đã sống cuộc đời tỳ khưu nhưng những lời nói đầy yêu thương của công nương Janapadakalyāṇī luôn luôn vang vọng bên tai của vị ấy: “ Lang quân ơi, hãy mau trở lại với em nhé!” Vị ấy rất thường hay nghĩ tưởng đến người vợ yêu dấu đang đứng bên cạnh mình. Vì thấy không thoải mái trong đời sống tu hành, vị ấy tìm cách đi khỏi tịnh xá Nigrodhārāma. Nhưng vị ấy đã không đi xa hơn rừng cây vì đến ngang đó thì vị ấy lại nghĩ có Đức Phật đang đứng giữa đường, và buộc lòng phải trở lại tịnh xá, tâm cau có như lông chim bị đốt nóng.
Đức Phật biết nỗi buồn của tỳ khưu Nanda, tánh hoàn toàn lơ đãng, và sự chán nản trong đời sống xuất gia. Để làm nguôi ngoai tức thì nỗi buồn chán và sự thất vọng của vị ấy, Đức Phật nói với vị ấy rằng: “ Hãy đến đây, này Nanda, chúng ta hãy viếng thăm cõi chư thiên.” “ Bạch Thế Tôn, cõi chư thiên chỉ có thể đến được đối với những chúng sanh có năng lực hùng mạnh. Làm sao con có thể đến đó được?” Tỳ khưu Nanda nói. “ Này Nanda, chỉ cần khởi ước muốn đi đến đó, thì con sẽ đến đó và thấy cảnh chư thiên.” (Đoạn trên được trích ra từ Chú giải của bộ Aṅguttara, Cuốn I. Đoạn chuyện sau đây về trưởng lão Nanda sẽ căn cứ vào bộ Udāna và Chú giải của nó).
Mục đích của Đức Phật là dùng một kế hoạch để làm nguôi ngoai những cơn dằn vặt luyến ái trong tâm của Nanda. Khi ấy, tựa như đang cầm cánh tay của Nanda, Đức Phật bằng năng lực thần thông của Ngài đã đưa Nanda đến cõi trời Tāvatiṃsa. Tuy nhiên, trên đường đi Đức Phật cho vị ấy nhìn thấy một con khỉ cái già nua đang ngồi một cách chán chường trên một gốc cây bị cháy trong ruộng lúa bị đốt cháy, mũi, tai và đuôi của nó bị cháy rụi.
(Trong vấn đề này, Đức Phật đích thân dẫn Nanda đến cõi trời Tāvatiṃsa để vị ấy trải nghiệm sự tương phản giữa tánh chất kiếp sống làm người và kiếp sống chư thiên, sự thấp hèn của kiếp sống làm người khi so sánh với kiếp sống chư thiên, cũng như chỉ cho vị ấy thấy cõi trời Tāvatiṃsa. Đáng ra Đức Phật đã có thể mở ra cõi chư thiên trong khi đang ngồi ở tịnh xá Jetavana, hoặc cách khác, Ngài có thể đưa Nanda một mình đến cõi Tāvatiṃsa bằng năng lực của Ngài. Sự vinh hoa của cõi chư thiên đã tác động mạnh vào tâm của Nanda khiến cho vị ấy phải thọ trì ba pháp học một cách thích thú như một sự mặc cả để thọ hưởng lạc thú của chư thiên).
Tại cõi Tāvatiṃsa, Đức Phật chỉ cho Nanda thấy những thiếu nữ chư thiên có bàn chân màu hồng như màu chân của chim bồ câu, họ đang giúp vui Sakka, vua của chư thiên. Tiếp sau đó là một cuộc đàm thoại giữa Đức Phật và Nanda:
Buddha: “ Này Nanda, con có thấy năm trăm tiên nữ có bàn chân màu hồng như màu chân chim bồ câu không?”
Nanda: “ Con có thấy, bạch Thế Tôn!”
Buddha: “ Bây giờ hãy thành thật trả lời câu hỏi của Như Lai. Con nghĩ gì về điều này: giữa các tiên nữ và công chúa Janapadakalyānī, ai đẹp hơn? Ai hấp dẫn hơn?
Nanda: “ Bạch Thế Tôn, đem so sánh với những tiên nữ này, thì Janapadakalyānī xem ra giống như con khỉ cái già nua (mà chúng ta thấy trên đường đi). Nàng không còn được xem là một phụ nữ. Nàng không thể đứng bên cạnh những thiếu nữ này là những người quá thù thắng, đáng yêu hơn, hấp dẫn hơn nhiều so với nàng.
Buddha: “ Này Nanda, hãy thực hành phạm hạnh cho tốt. Hãy vui thích trong Giáo pháp. Như Lai bảo đảm với con rằng nếu con làm như vậy thì con sẽ có được năm trăm tiên nữ này.”
Nanda: “ Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn quả quyết là con có được những thiếu nữ dễ thương có bàn chân màu hồng này thì con sẽ vui thích trong Giáo pháp và ở lại với Thế Tôn.”
Sau cuộc đàm thọai ấy ở cõi trời Tāvatiṃsa, Đức Phật đưa tỳ khưu Nanda trở về tịnh xá Jetavana tựa như đang nắm tay Nanda.
( Phương tiện của Đức Phật cần phải được hiểu ở đây. Như một vị lương y bào chế một loại thuộc xổ để xổ độc bên trong người bệnh, trước khi bào chế thuốc loại bột mịn, khiến cho bệnh nhân ói ra chất có hại là nguyên nhân gây bệnh, sự luyến ái tình dục của Nanda đối với bà vợ cũ trước hết phải được tẩy rửa bằng ước muốn đối với các tiên nữ. Sau đó Đức Phật sẽ dẫn dắt Nanda vào sự thực hành Thánh đạo, nhờ đó vị ấy có thể đoạn trừ các phiền não còn lại.
Lại nữa, lý do để tạo ra một đối tượng về dục lạc (nơi các tiên nữ) cho Nanda mà Đức Phật muốn là để vị ấy an trú trong pháp hành của bậc Thánh được đánh dấu bằng đời sống xuất gia, cần phải được hiểu rõ. Đức Phật đang cho một cảnh sắc tạm thời về sự hấp dẫn nhiều hơn để Nanda có thể sẵn sàng quên đi người vợ cũ. Bằng sự quả quyết với Nanda là sẽ có được đối tượng ấy, Đức Phật khiến cho tâm của vị tỳ khưu trẻ được thoải mái. Tình cờ pháp tuần tự của Đức Phật thường diễn tiến từ việc thành tựu sự vinh quang ở cõi trời cho thí chủ cho đến đạo quả, cũng cần phải được hiểu rõ - Chú giải về Udāna).
Từ lúc vị ấy trở về lại tịnh xá Jetavana, tỳ khưu Nanda đã nhiệt tâm hành đạo với mục đích có được những tiên nữ. Trong lúc ấy Đức Phật đã ban lời giáo giới đến các tỳ khưu là hãy đi quanh chỗ tu thiền của tỳ khưu Nanda và nói rằng: “Nghe nói có một tỳ khưu nọ đang cố gắng hành đạo để làm chủ những tiên nữ theo lời quả quyết của Đức Thế Tôn.” Các vị tỳ khưu đáp lại: “ Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” Và họ đi quanh trong tầm nghe của tỳ khưu Nanda, nói rằng: “ Nghe nói đại đức Nanda đang cố gắng hành đạo để làm chủ những tiên nữ. Nghe nói Đức Thế tôn đã cho lời quả quyết đến vị ấy rằng năm trăm tiên nữ có bàn chân màu hồng như màu của chân chim bồ câu sẽ là phần thưởng cho vị ấy.
‘ Ôi đại đức Nanda quả là một vị tỳ khưu vụ lợi!”
‘ Ôi đại đức Nanda quả là một người mua bán đáng tôn quý!”
Khi đại đức Nanda nghe những tên gọi châm chích ấy như ‘ kẻ vụ lợi’ và ‘người mua bán đáng tôn quý’ định đặt cho vị ấy thì vị ấy rất khích động. “À, ta đã sai lầm biết bao! Một tỳ khưu chẳng xứng đáng chút nào! Do sự thiếu kiểm soát các căn mà ta trở thành trò cười cho các vị tỳ khưu đồng phạm hạnh. Ta phải khéo canh phòng các căn của ta.” Từ lúc ấy đại đức Nanda tự mình tu tập chánh niệm tỉnh giác tất cả các pháp khi vị ấy nhìn, hoặc nhìn hướng đông, hay hướng tây, hay hướng nam, hay hướng bắc, hay hướng trên hay hướng dưới, hay hướng ngang, hoặc khoảng giữa, không để cho tâm tham, sân, hoặc những tâm bất thiện khác sanh khởi trong vị ấy do bởi bất cứ điều gì mà vị ấy trông thấy. Do sự nghiêm phòng hộ trì các căn đến mức cao nhất, sự chuyên tâm hành đạo của vị ấy đã đạt đến đạo quả A-la-hán không lâu sau đó.
Khi ấy vào tkhoảng nửa đêm một vị Phạm thiên đi đến Đức Phật và đem tin tốt lành rằng đại đức Nanda đã chứng đắc đạo quả A- la-hán. Đức Phật quán xét và thấy rằng điều Phạm thiên nói là đúng sự thật.
Ý nghĩ rằng đang thực hành pháp của bậc Thánh với mục đích có được những tiên nữ, sự đánh thức đầy chế nhạo của các vị tỳ khưu đồng phạm hạnh, đã làm cho đại đức Nanda rất ăn năn và sự thức tỉnh đã làm cho thái độ của vị ấy trở nên đúng đắn, khiến vị ấy nhiệt tâm hành đạo nhiều hơn dẫn đến sự chứng đắc đạo quả A-la-hán. Rồi vị ấy nhớ lại đã để Đức Thế Tôn làm người cam kết cho vị ấy có được những tiên nữ. Vị ấy nghĩ rằng cần phải tháo gỡ lời cam kết ấy. Vào sáng hôm sau vị ấy đi đến Đức Phật, đảnh lễ Ngài, và khi ngồi xuống ở nơi thích hợp, vị ấy bạch: “ Bạch Thế Tôn, Ngài đã hứa sẽ lo liệu để con có được những tiên nữ có bàn chân màu hồng như màu của chân chim bồ câu. Bạch Thế Tôn, con không muốn Ngài bị trói buộc nữa về vấn đề ấy.”
Đức Phật nói rằng: “ Này Nanda, bằng tâm của Như Lai khi đọc tâm của con, Như Lai biết rằng con đã an trú trong thánh quả A- la-hán. Hơn nữa, một vị Phạm thiên cũng đã đem tin này đến cho Như Lai. Này Nanda, từ lúc con thoát khỏi các lậu hoặc ( tức là sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của con) thì Như Lai cũng đã thoát khỏi trói buộc ấy rồi.” (Đây là điều tự nhiên: Con không cần giải thoát điều ấy cho Như Lai). Đức Phật thấy tánh chất bất động của một vị A-la-hán khi đối diện các pháp thế gian qua sự chấm dứt các lậu hoặc, và khi cảm thấy hoan hỉ với trạng thái hiện tại của đại đức Nanda, Ngài đã nói lên hỉ kệ sau đây:
Yasa nittiṇṇo pariko, maddito kāmakaṇṭako.
Mohakkhayaṃ anuppatto sukhadukkhesu na redhatī sa bhikkhu.
Vị A-la-hán đã vượt qua vũng lầy sanh tử (bằng Thánh đạo làm chiếc cầu). Vị ấy đã hoàn toàn đoạn diệt (bằng Thánh đạo làm khí giới) những cây lao dục lạc (làm khổ con người cũng như chư thiên). Vị ấy đã đạt đến (bằng sự tiến hành theo bốn giai đoạn của Đạo trí) sự chấm dứt vô minh (tức đạt đến Niết bàn). Vị tỳ khưu đã giác ngộ ấy, (không giống như kẻ phàm phu) không dao động khi đối diện với sự vui và sự khổ ( tức là các pháp thăng trầm của cuộc sống).
Vào một dịp, khi Đức Phật đang ngồi giữa chúng tỳ khưu tại tịnh xá Jetavana, Ngài công bố:
Etadaggaṃ bhikkhave mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ indriyesu guttadvārānaṃ Nando.
Này các tỳ khưu, trong số các Thinh văn đệ tử của Như Lai mà khéo hộ phòng các căn, thì tỳ khưu Nanda là Đệ nhất.
(Những vị Thinh văn tỳ khưu khác cũng khéo hộ phòng các căn. Đại đức Nanda vượt trội tất cả họ ở chỗ bất cứ khi nào vị ấy nhìn vào một trong mười phương để nhìn vào một cái gì đó, vị ấy làm như vậy chỉ sau khi đã nắm chắc rằng vị ấy đã có bốn loại tỉnh giác, (i) suy nghĩ kỹ về điều hơn lẽ thiệt của hành trước đã (sattaka sampajñña);
(ii) suy nghĩ kỹ một hành động dù có lợi ích, liệu có thích hợp để mình hành động không (sappāya) (iii) suy nghĩ kỹ không để bị lỗi lầm trong việc đi lại nhiều nơi khác nhau (gocaras) (iv) suy nghĩ kỹ để tránh mọi hành động bị ảnh hưởng bởi si mê (asammoha). Vị ấy đã áp dụng sự phòng hộ nghiêm ngặt bởi vì vị ấy cảm thấy hối hận về sự thiếu kiểm soát như vậy mà có gốc rễ ở việc không an vui trong đời sống xuất gia của vị ấy. Hơn nữa, vị ấy có cảm giác xấu hổ với điều ác và sợ hãi điều ác. Và trên tất cả, do trong quá khứ vị ấy từng phát nguyện đạt được pháp đặc biệt này (khi quỳ dưới chân Đức Phật Padumuttara) cách đây một trăm ngàn đại kiếp, bây giờ mới thành tựu.
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B