KINH TỤNG HẰNG NGÀY - PHẦN CHÁNH KINH
Thứ mười lăm
Một thuở nọ gần thành Xá-vệ
Phật cùng hàng đệ tử ngự yên,
Tại nơi tinh xá Kỳ Viên,
Của Cấp Cô Độc làm duyên cúng dường.
-Lúc ấy có người vương bệnh nặng,
Thầy tỳ-kheo Gi-ri-ma-nan-đa,
Chịu nhiều đau đớn thiết tha,
Xót thương, đại đức A-nan-đa trình bày. O
-Vào đến chốn Thế Tôn đang ngự,
Đảnh lễ rồi cớ sự bạch qua,
Rằng Gi-ri-ma-nan-đa,
Thầy vương chứng bệnh trầm kha não nùng.
-Bạch Thế Tôn mở lòng từ ái,
Dời gót vào đến tại thất riêng,
Cứu thầy trong lúc bệnh duyên,
Hoành hành, đau đớn triền miên lâu ngày. O
*
-Liền lúc đó Thế Tôn bèn dạy,
A-nan-đa, ông phải thẳng qua
Chỗ thầy Gi-ri-ma-nan-đa,
Truyền mười pháp tưởng của ta chỉ bày.
-Pháp tưởng ấy tánh hay trừ bệnh,
Chẳng luận là căn bệnh chóng chầy,
Nếu thầy Gi-ri-ma-nan-đa,
Được nghe, lập tức bệnh đà giảm thuyên. O
-Mười pháp tưởng linh thiêng bao nả?
Tưởng những là vô ngã, vô thường,
Bất tịnh lại dứt tình trường,
Sự khổ dứt bỏ thói thường cho xong.
-Tưởng tịch tịnh, tưởng không tham luyến,
Pháp thế gian lắm chuyện thị phi,
Tưởng đến những pháp hữu vi
Đều vô thường hết có chi bận lòng.
-Lại để ý bên trong hơi thở,
Hành đủ mười điều dạy của ta.
Lắng nghe nầy A-nan-đa,
Tưởng vô thường ấy nghĩa là làm sao? O
*
-Vị hành giả đã vào Phật pháp,
Ở trong rừng, ở dưới cội cây,
Hoặc nơi thanh vắng không ai,
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
-Sắc, thọ, tưởng và cùng hành, thức
Đều vô thường một mực như nhau.
Ngũ uẩn chẳng luận uẩn nào.
Hành giả thấy uẩn đổi thay không thường.
-Tưởng ngũ uẩn vô thường như vậy
Như Lai cho tưởng ấy vô thường.
Lắng nghe này A-nan-đa
Còn tưởng vô ngã, nghĩa là làm sao? O
*
-Mắt và sắc vốn đều chẳng thật,
Chẳng phải là vật thuộc của ta
Tai và các tiếng gần xa,
Vốn đều chẳng phải của ta đâu nào.
-Mũi lại với các mùi cả thảy,
Đều ở ngoài chẳng phải của ta,
Lưỡi cùng các vị nếm qua,
Thật đó chẳng phải của ta, chớ lầm.
-Thân thể với các đồ xúc chạm,
Chớ đảo điên cho đó là ta
Tâm cùng các pháp hà sa,
Cũng đều chẳng phải của ta mỗi phần.
-Hành giả tưởng căn trần như thế
Ngoài phạm vi chẳng kể của ta,
Lắng nghe này A-nan-đa,
Pháp tưởng vô ngã đó ta đã bày. O
*
-Tưởng bất tịnh là điều chi vậy,
Người tu hành tưởng thấy trong thân.
Trên từ ngọn tóc xuống chân,
Có da bao bọc chung quanh cả mình.
-Trong chứa vật nhiều hình nhiều dáng,
Khác khác nhau nhưng đáng gớm ghê,
Tóc lông với móng răng da,
Thịt, gân, xương tủy, ruột già, ruột non.
-Thận, tim, gan, da non, lá lách
Phổi, phẩn, đàm, nước mắt, mồ hôi,
Mật cùng vật thực chưa tiêu,
Đầu da, mủ máu rất nhiều phần dơ.
-Mỡ, nhớt, mũi, chẳng bao giờ thiếu,
Nước miếng cùng nước tiểu dẫy đầy,
Hành giả tưởng các vật này,
Vốn nào sạch sẽ trong thây con người.
-A-nan-đa vậy ngươi cố nhớ,
Pháp ấy để tưởng sợ thân ta,
Lắng nghe này A-nan-đa,
Tưởng sự khổ nghĩa là làm sao? O
*
-Thân thể có dẫy đầy khổ não,
Tội lỗi gây quả báo về sau,
Bịnh căn khốn khó nhức đau,
Những bịnh hoạn ấy kể sao cho cùng.
-Như bịnh phát phần trong tai mũi,
Trong thân hình, trong lưỡi trong đầu,
Trong miệng, trong bụng đâu đâu,
Ngoài tai, ngoài mũi, khắp hầu châu thân.
-Bịnh ho suyễn, gầy lần bịnh nóng,
Bịnh chân răng, các giống lác, cùi
Bịnh bứu, sảy, mụn trên da,
Bịnh phong lao tổn thật là khổ thân.
-Bịnh chóng mặt, trái ban thổ huyết,
Trĩ nhức đau, chi xiết thúi tha,
Ghê thay ghẻ phỏng ngoài da,
Đau bụng, bịnh tả cùng là đàm xanh.
-Bịnh đau máu dễ thành chứng nặng,
Bịnh mật đau, huyết trắng, phong đàm,
Bịnh bón, bịnh lậu, khó kham,
Phong lở, đau mật, gió làm cho đau.
-Bệnh thời khí, bịnh do đánh đập,
Do bịnh duyên dồn dập từ xưa,
Do lạnh, do nóng không ưa,
Do đói, do khát, chẳng chừa một nhân.
-Tưởng sự khổ trong thân như thế,
Pháp ấy nhằm tưởng khổ thân ta,
Lắng nghe này A-nan-đa,
Còn tưởng dứt bỏ nghĩa là làm sao? O
*
-Vị hành giả đã vào Phật Pháp,
Không có lòng tham thọ dục chi,
Cố làm tiêu tán dứt đi,
Không cho sanh “dục tư duy” thường tình.
-Không thọ lãnh lại càng dứt bỏ,
Làm tiêu tan chẳng có chút chi,
Không cho sanh “hận tư duy”,
Thứ lòng cố chấp nghĩ suy oán thù.
-Không thọ lãnh lại càng dứt bỏ,
Làm tiêu tan chẳng có chút chi,
Không cho sanh “Khốn tư duy”,
Thứ lòng khốn khó nghĩ suy thực hành.
-Không thọ lãnh lại càng dứt bỏ,
Làm tiêu tan không để phát sanh,
Không cho nghiệp dữ tạo thành,
Nghiệp dữ đã có dần dần giảm thuyên.
-Này A-nan và hàng đại chúng,
Pháp ấy là pháp tưởng dứt trừ,
Chuyên cần tinh tấn lìa xa,
Tưởng dứt tình dục nghĩa là làm sao? O
*
-Vị hành giả đã vào Phật Pháp,
Ở trong rừng, ở dưới cội cây,
Hoặc nhà thanh vắng không ai.
Trầm ngâm tưởng pháp Như Lai như vầy:
-Dứt tình dục, nơi đây Bất diệt,
Là Niết-bàn trừ diệt sở hành,
Dứt bỏ, phiền não chẳng sanh,
Đoạn trừ ái dục, cội căn tuyệt rồi.
-Niết-bàn ấy vô hồi tịch tịnh,
Pháp môn nầy cao thượng sâu xa,
Lắng nghe này A-nan-đa
Tưởng dứt tình dục pháp ta giáo truyền. O
*
-Tưởng tịch tịnh, cơ duyên sao đó?
Là Niết-bàn trừ diệt sở hành,
Dứt bỏ phiền não chẳng sanh,
Đoạn trừ ái dục cội căn tuyệt rồi.
-Niết-bàn ấy vô hồi tịch tịnh,
Pháp môn nầy cao thượng sâu xa,
Lắng nghe này A-nan-đa.
Đó pháp tịch tịnh do ta giáo truyền. O
*
-Sao gọi tưởng không duyên thế giới?
Cái tâm nầy mong đợi, chấp nương,
Ái dục, với kiến thức thường,
Đoạn kiến cùng những não phiền thế gian.
-Cái tâm ấy thuộc hàng tâm ác,
Người tu hành trong pháp của ta,
Khi nào bỏ pháp ấy ra,
Không lòng cố chấp, vượt ra lưới trần.
-Pháp ấy gọi tưởng dừng, không tiến,
Hoặc là không tham luyến thế gian.
Lắng nghe này A-nan-đa,
Còn tưởng hành tác vô thường là sao? O
Này hành giả, vị nào chán nản,
Hoặc gớm ghê, chẳng quản hành vi,
-Lắng nghe này A-nan-đa,
Đó Như Lai gọi hành vi vô thường. O
*
-Thế nào gọi niệm thường hơi thở?
Vị hành giả hoặc ở trong rừng,
Trong nhà hoặc dưới cội cây,
Nên ngồi nhắm mắt, thân ngay im lìm.
-Ý chơn chánh nhập vào Thiền định.
Khi mọi bề yên tĩnh thản nhiên,
Chú tâm đề mục tham thiền,
Nhớ biết rõ rệt, thở vào thở ra.
-Thở ra dài cũng ra hơi vắn,
Thở vô mà có vắn hay dài,
Chú tâm cho rõ cả hai,
Hơi vô cũng nhớ, vắn dài phân minh.
-Vị hành giả chuyên tinh ròng rã,
Nhớ biết rằng: ta đã rõ ta,
Quán sát biết hơi thở ra,
Rõ rồi ta mới thở ra từ từ,
-Vị hành giả cũng như thế ấy,
Cứ chuyên cần nhớ thấy hơi vô,
Biết rằng: ta rõ hơi vô,
Niệm xong rồi mới thở vô lần lần. O
-Vị hành giả chuyên cần ròng rã,
Nhớ biết rằng ta đã biết ta,
Quán sát diệt hơi thở ra,
Niệm xong rồi mới thở ra từ từ.
-Vị hành giả cũng như thế ấy,
Cứ chuyên cần nhớ thấy hơi vô.
Biết rằng: Ta diệt hơi vô,
Niệm xong rồi mới thở vô lần lần. O
-Vị hành giả chuyên cần một mực
Ta biết rằng: ta thật biết rành,
Những điều thọ sướng vui mừng,
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
-Vị hành giả chú tâm một mực,
Tự biết rằng: Ta thật biết rành
Những điều thọ sướng vui mừng,
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô. O
*
-Vị hành giả nhất tâm chuyên chú
Tự biết rằng: rõ thú yên vui,
Phân minh biết được rõ rồi,
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
-Vị hành giả nhiếp tâm một mực,
Nhớ biết rằng ta thật biết mùi
Của các thú vị yên vui
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô. O
-Vị hành giả quán vào hơi thở,
Tự biết là rõ khắp tâm hành
Biết cho rõ rệt đành rành,
Niệm xong rồi mới thực hành thở ra.
-Vị hành giả nhất tâm tinh tấn,
Luôn chuyên cần đặng phấn chí lành,
Biết rằng: ta rõ tâm hành,
Niệm xong rồi mới thực hành thở vô. O
-Vị hành giả quán vào hơi thở,
Tự biết rằng: diệt tắt tâm hành,
Biết cho rõ rệt đành rành,
Niệm xong rồi mới thực hành thở ra.
-Vị hành giả nhất tâm tinh tấn,
Luôn chuyên cần đặng phấn chí lành
Biết rằng ta diệt tâm hành
Niệm xong rồi mới thực hành thở vô. O
*
-Hành giả không mơ hồ chán nản,
Vẫn tinh cần quán sát rõ ràng,
Biết rằng ta đã rõ tâm,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở ra.
-Hành giả tự biết ta thành thiệt,
Vốn là người đã biết rõ tâm,
Biết cho rõ rệt không lầm,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở vô. O
-Vị hành giả trong mô phạm ấy,
Vẫn chuyên cần nhớ thấy rằng ta,
Làm tâm được thơ thới ra,
Niệm xong rồi mới khởi mà thở ra.
-Vị hành giả hành như thế ấy,
Luôn chuyên cần nhớ thấy rằng ta,
Làm tâm được thơ thới ra,
Niệm xong rồi mới khởi mà thở vô. O
-Vị hành giả nên hành nhẫn nại,
Chánh niệm rằng ta phải giữ tâm,
Quân bình trong các cảnh trần,
Niệm xong rồi mới lần lần thở ra.
-Vị hành giả nên hành như trước,
Chánh niệm rằng ta giữ được tâm,
Quân bình trong các cảnh trần,
Niệm xong rồi mới lần lần thở vô. O
*
-Vị hành giả nhiệt tâm tinh tấn,
Chánh niệm rằng ta giải thoát tâm,
Khỏi năm pháp chướng ngại tâm,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở ra.
-Vị hành giả nhiệt tâm tinh tấn,
Chánh niệm rằng ta giải thoát tâm,
Khỏi năm pháp chướng ngại tâm,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở vô. O
-Hành giả xét vô thường biến đổi,
Mọi vật đều sanh diệt không lường,
Năm uẩn đều là vô thường,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở ra.
-Vị hành giả hành trì như thế,
Rằng ta hằng thấy hiện tinh tường,
Năm uẩn đều là vô thường,
Niệm xong rồi mới nhẹ nhàng thở vô. O
-Hành giả để tâm vô đề mục,
Rằng pháp trừ tình dục mà ta,
Là người hằng được thấy qua,
Niệm xong rồi mới thở ra lần lần.
-Vị hành giả chuyên cần đề mục,
Rằng pháp trừ tình dục mà ta,
Là người hằng được thấy qua,
Niệm xong rồi mới khởi mà thở vô. O
*
-Vị hành giả tự cho hằng thấy,
Pháp tịch tịnh pháp ấy được yên,
Khỏi điều thống khổ triền miên,
Niệm xong rồi mới thở liền hơi ra.
-Vị hành giả rằng ta thấy rõ,
Pháp tịch tịnh pháp ấy được yên,
Khỏi điều thống khổ triền miên,
Niệm xong rồi mới thở liền hơi vô. O
-Vị hành giả tự cho thấy rõ,
Những pháp lành dứt bỏ ưu phiền,
Chuyên cần niệm, chẳng hoãn duyên,
Niệm xong rồi mới thở liền hơi ra.
-Vị hành giả rằng: ta thấy rõ,
Những pháp lành dứt bỏ ưu phiền,
Chuyên cần niệm, chẳng hoãn duyên,
Niệm xong rồi mới thở liền hơi vô. O
-Điều ấy gọi niệm vô hơi thở,
Nếu ông đi đến chỗ bệnh nhân,
Thầy Gi-ri-ma-nan-đa
Thì nên giảng giải pháp ta chỉ bày. O
*
-Mười pháp tưởng nhân hay diệt bệnh,
Làm cho thầy Gi-ri-ma-nan-đa
Chỉ trong giây phút thoáng qua,
Căn bệnh thuyên giảm chắc là không sai.
-Liền theo đó A-nan-đa học,
Pháp tưởng này của Đức Thế Tôn,
Rồi đem truyền đến Sa-môn,
Người đương bệnh hoạn dập dồn bấy lâu. O
-Nhờ nghe được pháp mầu quán tưởng,
Bệnh của thầy Gi-ri-ma-nan-đa
Giảm thuyên rồi khỏi hẳn ra,
Chỉ trong giây phút thoáng qua không chầy.
-Diệt căn bệnh của thầy trầm trọng,
Chính cho thầy Gi-ri-ma-nan-đa
Được nghe pháp tưởng sâu xa,
Phật truyền cho đức A-nan-đa giải bày. O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
(3 lần, xá 3 xá) OOO
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]