KINH TỤNG HẰNG NGÀY

TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO

NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ biên soạn

MỤC LỤC

MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU

LỜI TỰA

Ý NGHĨA CỦA TỤNG KINH

HƯỚNG DẪN HÀNH TRÌ

PHẦN NGHI THỨC DẪN NHẬP

PHẦN CHÁNH KINH

1. THI KỆ CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT

2. KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN

3. KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG

4. KINH DANH NGÔN CHÁNH PHÁP

5. KINH NỀN TẢNG ĐỨC TIN

6. KINH TỪ TÂM

7. KINH PHƯỚC ĐỨC

8. KINH SÁU PHÁP VÔ THƯỢNG

9. KINH HIỀN NHÂN

10. KINH QUỐC GIA CƯỜNG THỊNH

11. KINH NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI

12. KINH BẢY LOẠI VỢ

13. KINH NGƯỜI VỢ MẪU MỰC

14. KINH GIÁO HÓA NGƯỜI BỆNH

15. KINH MƯỜI PHÁP QUÁN NIỆM

16. KINH QUY LUẬT CÁI CHẾT

17. KINH NHỔ MŨI TÊN SẦU MUỘN

18. KINH NHẬN THỨC VÔ THƯỜNG VÀ ĐAU KHỔ

19. KINH CÚNG THÍ NGƯỜI MẤT

20. KINH NGHIỆP BÁO TÁI SANH

21. KINH NA-TIÊN ĐÀM ĐẠO

22. KINH SỐNG VÀ TU TRONG HÒA HỢP

23. KINH TÔN TRỌNG CÁC PHÁP MÔN

24. KINH BỐN MƯƠI HAI BÀI

25. KINH CHỦ TRƯƠNG CỦA NHƯ LAI

26. KINH QUAN NIỆM VỀ NHƯ LAI

27. KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

28. KINH BA CÁNH CỬA GIẢI THOÁT

29. KINH DỤ NGÔN BỌT NƯỚC

30. KINH CHÁNH KIẾN

31. KINH DỤ NGÔN NGƯỜI BẮT RẮN

32. KINH QUÁN NIỆM HƠI THỞ

33. KINH BỐN LÃNH VỰC QUÁN NIỆM

34. KINH MƯỜI PHÁP ĐẾN BỜ KIA

35. KINH TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA HÀNG BỒ-TÁT

36. KINH DẪN NHẬP ĐẠI THỪA

37. KINH CHỈ BÀY CHƠN TÂM

38. KINH CÚNG DƯỜNG PHÁP

39. KINH HẠNH TRẺ THƠ

40. KINH HẠNH BỒ-TÁT

41. KINH BỐN ĐIỀU NƯƠNG TỰA

42. KINH LỤC ĐỘ DUNG THÔNG

43. KINH CHỈ BÀY PHƯƠNG TIỆN

44. KINH Ý NGHĨA BÁT-NHÃ

45. KINH TRÍ TUỆ KIM CƯƠNG

46. KINH CÁC PHÁP TU VIÊN THÔNG

47. KINH THỂ NHẬP “PHÁP MÔN KHÔNG HAI”

48. KINH VIÊN GIÁC

49. KINH LỜI DẠY CUỐI CÙNG

PHẦN SÁM NGUYỆN VÀ HỒI HƯỚNG

PHỤ LỤC


LỜI GIỚI THIỆU

Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX, Tăng, Ni và Phật tử nước ta đều đọc tụng Kinh điển bằng chữ Hán. Nhờ có phong trào chấn hưng Phật giáo trong các thập niên 30 và 40 của thế kỷ này, các nghi thức bằng chữ Hán dần dần được thay thế bằng các nghi thức phiên âm Hán Việt. Theo bộ Nhật Tụng hai tập thượng và hạ, viết bằng Hán tự, do hội Việt Nam Phật Giáo chủ biên và trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội ấn hành, một ngày đêm được chia thành sáu thời tu niệm. Mỗi thời đều có khóa lễ riêng biệt: khóa sáng vào lúc 4 giờ, đại chúng vân tập tại chính điện tụng Thủ-lăng-nghiêm và Thập Chú; khoá trưa tụng Kinh Tứ Thập Bát Nguyện; khóa tối tụng Kinh A-di-đà, và ba thời niệm Phật: Buổi sáng khoảng 5 giờ 30’, chiều 18 giờ và buổi tối, trước khi đi ngủ (lâm thụy), lúc 21 giờ. Đấy là theo nghi thức tu trì ngoài Bắc. Còn Trung, Nam bộ, các nghi thức tụng niệm phần lớn mô phỏng theo nghi thức Hai Thời Khóa Tụng của các Tổ Trung Hoa. Thần chú Thủ-lăng-nghiêm và Mười Thần Chú căn bản khác được tụng vào thời Kinh khuya. Kinh A-di-đà và Kinh Phổ Môn thường được tụng niệm trong các khoá lễ buổi chiều. Thỉnh thoảng các Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bát Niết-bàn và Kinh Kim Cương Bát-nhã cũng được đọc tụng trong những ngày đại lễ Phật giáo. Các Kinh điển Đại thừa bằng âm Hán Việt đó nếu không được vị pháp sư phân tích và giảng giải tường tận thì người đọc tụng khó mà lĩnh hội được hết những nghĩa lý sâu xa huyền diệu chứa đựng trong đó. Các nghi thức tụng niệm của Phật giáo Việt Nam do vì chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, được biên soạn theo âm Hán Việt, nên tinh thần giáo lý cao siêu của đức Phật khó có thể lan truyền rộng rãi trong khắp giới bình dân, một thành phần chiếm đại đa số trong các thời đại.

Bộ Kinh Tụng Hằng Ngày mà quý vị hiện có trong tay là một tuyển tập 49 bài Kinh căn bản trong hai kho tàng Kinh điển Pali và Đại thừa, được đại đức Thích Nhật Từ chọn lọc, biên soạn và ấn tống lần đầu vào năm 1994. Hơn hai phần ba số Kinh được trích dịch từ Kinh tạng Pali trong khi chỉ có một phần ba còn lại từ Kinh điển Đại thừa, Hán tạng. Tỷ lệ cũng như nội dung của các bài Kinh trong nghi thức này cho thấy được tính nhất quán và bổ sung lẫn nhau về giáo nghĩa và pháp thức hành trì trong hai truyền thống lớn của Phật giáo là Nguyên thuỷ và Đại thừa.

Bộ Kinh được biên soạn, theo chủ ý ban đầu, để đọc tụng trong khoá lễ buổi tối tại các chùa, trên thực tế chúng ta có thể đọc tụng trong các khoá lễ buổi sáng và buổi chiều. Một trong các đặc điểm của nghi thức này là tính chất thuần Việt được thể hiện trong từng bài Kinh, và ngay cả hai phần nghi thức dẫn nhập và hồi hướng. Nhờ đó, người đọc tụng có thể dễ dàng hiểu được tôn chỉ của Kinh mà ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Vậy, khi đọc tụng bộ Kinh này, người thụ trì không cần phải tra khảo các từ điển Phật học mà vẫn có thể tự mình trực tiếp hiểu được lời Phật dạy, nhờ đó tăng thêm tín tâm với chính pháp, áp dụng vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho bản thân. Điểm đặc biệt khác là bộ Kinh chứa đựng nhiều bài Kinh với nhiều nội dung tu tập khác nhau, được sắp xếp theo một thứ tự từ căn bản đến chuyên sâu, nhờ vậy, người đọc tụng hằng ngày không cảm thấy nhàm chán như trong trường hợp phải đọc đi đọc lại một bài Kinh quanh năm suốt tháng, như các nghi thức tụng niệm trước đây.

Ngoài những bài Kinh căn bản của Đại thừa ra, các nghi thức của Việt Nam trước nay đều được biên soạn trên tinh thần của pháp môn Tịnh Độ, phối hợp với Mật tông, yếu tố thiền định là nền tảng chính của cánh cửa giải thoát cũng được chú ý một cách đặc biệt.

Bộ Kinh Tụng Hằng Ngày trình bày nội dung giáo pháp của đức Phật, giới thiệu các phương pháp tu tâm dưỡng tính, các nghệ thuật xây dựng hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội, các pháp tu niệm Phật, niệm pháp và thiền định cần thiết cho sự phát triển đời sống tâm linh. Nói chung, các giáo pháp căn bản cho việc thiết kế một mô hình xã hội nhân đạo chân chính và hướng đến sự chứng đắc giải thoát đều được trình bày trong bộ Kinh này. Việc đọc tụng và thụ trì bộ Kinh này, do vậy, trở nên rất cần thiết đối với người con Phật, bất luận trong thời đại nào.

Trong truyền thống đặc thù của Phật giáo Việt Nam, các vị Tổ Sư tiền bối đã khéo dung hợp ba pháp môn Tịnh, Mật và Thiền hòa quyện trong cùng một thời khóa tu niệm, tạo cho người thụ trì, đọc tụng thanh tịnh được thân, khẩu, ý một cách dễ dàng mà không thấy có gì là ngăn ngại cả.

Một nỗ lực khác đáng chú ý là, soạn giả đã mạnh dạn đặt lại tên của các bài Kinh, mà tựa nguyên thuỷ của nó không phản ánh được chủ đề chính mà chúng muốn mô tả. Không những thế, soạn giả cũng đã thêm các tiêu đề phụ ở những bài Kinh chưa có tiêu đề, hầu giúp cho người đọc tụng dễ nắm bắt được đại ý của các Kinh.

Ở đây, tôi cũng cần nhắc người thụ trì, hãy tránh thái độ tụng Kinh để kể công với Phật, hay để tiêu khiển thời gian, hoặc biến thời Kinh thành một buổi nhạc lễ. Không nên tụng Kinh vì mục đích cầu phúc báo danh lợi nhân gian. Đọc tụng Kinh điển trước để hiểu rõ và sau là hành trì. Hiểu rõ để thực hành khỏi sai. Hành trì để bản thân và tha nhân được an lạc.

Nói cách khác, để hiểu rõ và hiểu sâu lời Phật dạy, trước nhất, người thụ trì cần phải siêng năng đọc tụng, nghiền ngẫm nghĩa lý. Sau khi nắm vững được chính pháp, người đọc tụng phải đích thân ứng dụng và thực hành. Có như vậy thì việc đọc tụng mới có nhiều ý nghĩa thiết thực.

Người đọc tụng cần phải lưu ý rằng lời Phật dạy được trình bày trong Kinh điển chỉ là tấm bản đồ hướng dẫn chúng ta tu tập. Bản thân tấm bản đồ cũng như các con đường không phải cứu cánh của việc tu tập. Nương vào sự hướng dẫn của Kinh điển để tu tập cũng như nương vào ngón tay để nhìn thấy được mặt trăng, hay nương vào thuyền bè để sang sông. Khi thấy được mặt trăng chân tâm hay khi đến được bờ giải thoát bên kia, người thụ trì coi như phần nào đã chứng ngộ rồi vậy.

Đã từ lâu, tôi hằng mong ước biên soạn một nghi thức tụng niệm thuần Việt, để giúp cho người Phật tử Việt Nam dễ dàng hiểu và thực hành, hoài bão đó đến nay vẫn chưa đủ duyên để thực hiện. Nay đại đức Thích Nhật Từ phát tâm soạn bộ Kinh Tụng Hằng Ngày, tôi vô cùng hoan hỷ, và mong rằng trong tương lai gần, chư tôn đức giáo phẩm sẽ ngồi lại cùng biên soạn một nghi thức tiêu chuẩn cho toàn quốc. Trong khi chờ đợi một nghi thức hoàn chỉnh, bộ Kinh Tụng Hằng Ngày này sẽ mang lại nhiều lợi ích không nhỏ cho người đọc tụng và thụ trì Kinh điển bằng tiếng Việt Nam.

Cầu chúc tất cả những ai có duyên đọc tụng bộ Kinh này đều tăng trưởng tâm bồ-đề, gặt hái được nhiều an lạc ở hiện tại và tương lai, đồng thời gặp được nhiều thắng duyên trên con đường tu tập giải thoát.

Viết tại chùa Giác Minh, Sài Gòn, ngày 10-1-2002

Sa-môn Thích Đức Nhuận

LỜI TỰA

Quyển Kinh Tụng Hằng Ngày này là một tuyển tập 48 bài Kinh quen thuộc trong hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông, và bài Thi Kệ về Cuộc Đời Đức Phật. Tuyển tập này giới thiệu các giáo pháp nền tảng cũng như các phương pháp hành trì căn bản trong Phật giáo, nhằm góp phần tạo dựng an lạc và hạnh phúc cho người đọc tụng và thọ trì ngay hiện tại cũng như tương lai. Phần lớn các bài Kinh được chư tôn đức cao tăng Việt Nam phiên dịch như: HT. Thích Trí Tịnh, HT. Thích Hành Trụ, HT. Thích Huệ Hưng, HT. Thích Trí Quang, HT. Thích Nhất Hạnh, HT. Thích Minh Châu, HT. Thích Từ Thông, HT. Thích Duy Lực và HT. Hộ Tông, v.v…

Bộ Kinh được phiên dịch và biên soạn theo một văn phong thuần Việt, nhằm giúp cho người đọc trực tiếp cảm nhận lời vàng của đức Phật bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, để hiểu sâu lời Phật hơn, nhờ đó, dễ dàng áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Trong bộ Kinh này, ngoài thần chú Bát-nhã Tâm Kinh là thần chú duy nhất còn giữ lại để trì tụng, tất cả các thần chú khác đều được tỉnh lược. Nghi thức này chủ yếu nhấn mạnh đến tinh thần “niệm pháp” và “hành thiền,” đồng thời phát huy tinh thần “tụng niệm, tư duy và thực hành” lời Phật dạy trong các Kinh điển. Các tinh thần này hoàn toàn phù hợp với pháp môn Thiền và Tịnh Độ vốn thịnh hành ở nước ta cùng các nước Phật giáo Đại thừa như Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, v.v…

Trong khi biên soạn, các đoạn văn trùng lập trong các bản dịch mà sự vắng mặt của chúng không làm ảnh hưởng gì đến nội dung Kinh văn, đều được tỉnh lược. Các cụm từ, thuật ngữ và pháp số Phật học còn nặng cấu trúc Hán Việt trong các bản dịch đều được thay thế bằng các cụm từ thuần Việt hơn. Soạn giả cũng đã thận trọng sửa chữa lại các đại từ xưng hô trong các Kinh, cũng như những chỗ cần thiết trong các bản dịch để giúp cho câu văn được nhẹ nhàng, dễ đọc tụng. Các tiêu đề trong nhiều bài Kinh được thêm vào, và phần lớn tựa các bài Kinh cũng được đặt lại theo chủ đề của chúng, hầu giúp cho người đọc tụng nắm bắt được đại ý của Kinh.

Mặc dù tự biết khó có thể làm toàn hảo Phật sự trọng đại này, nhưng với tâm huyết góp phần Việt hoá nghi thức tụng niệm, và được sự cố vấn và chỉ đạo của cố Hoà thượng Bổn sư Thích Thiện Huệ (1927-1992), vào mùa Phật đản năm 1992, soạn giả đã mạnh dạn bắt tay vào công việc đọc hai nguồn kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa, chọn lọc ra các Kinh căn bản, giới thiệu về các pháp tu của người con Phật. Công trình tiến hành mới hơn được ba tháng thì Hoà thượng Bổn sư của soạn giả đã viên tịch. Do bận rộn với nhiều Phật sự, hai năm sau, soạn giả mới có thể hoàn tất được công trình. Ba ngàn quyển đầu tiên được Tăng Ni và Phật tử chùa Giác Ngộ phát tâm ấn tống để cúng dường và tưởng niệm ngày đản sanh của Đức Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni (PL. 2538, DL. 1994). Chỉ trong vòng hai tuần lễ, toàn bộ các Kinh đã được các chùa ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây thỉnh hết.

Nay được sự khích lệ và yêu cầu của một số chư tôn đức Tăng Ni cũng như Phật tử ở Hoa Kỳ và Úc, ấn bản thứ hai này ra đời với vài thay đổi và bổ sung.

Trước nhất tựa của các Kinh được đổi thành thuần Việt và đi sát với chủ đề của các Kinh hơn: Kinh Pháp Cú đổi thành Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp; Kinh Đức Tin đổi thành Kinh Nền Tảng Đức Tin; Kinh Thiện Sanh đổi thành Kinh Nền Tảng Đạo Đức Xã Hội; Kinh Vô Thường-Khổ Não-Vô Ngã đổi thành Kinh Nhận Thức Vô Thường và Đau Khổ; Kinh Tệ Túc đổi thành Kinh Nghiệp Báo Tái Sanh; Kinh Tỳ-kheo Na-tiên đổi thành Kinh Na-tiên Đàm Đạo; Kinh Sống Hoà Hợp đổi thành Kinh Sống và Tu trong Hòa Hợp; Kinh Thiền Giáo Bình Đẳng đổi thành Kinh Tôn Trọng các Pháp Môn; Kinh Bốn Mươi Hai Chương đổi thành Kinh Bốn Mươi Hai Bài; Kinh Pháp Ấn đổi thành Kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát; Kinh Trung Đạo Nhân Duyên đổi thành Kinh Chánh Kiến; Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Bậc Đại Nhân đổi thành Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Hàng Bồ-tát; Kinh Hạnh Anh Nhi đổi thành Kinh Hạnh Trẻ Thơ; Kinh Lục Độ Tương Nhiếp đổi thành Kinh Lục Độ Dung Thông; Kinh Kim Cang Bát-nhãđổi thành Kinh Trí Tuệ Kim Cương; Kinh Vào Pháp Môn Không Hai đổi thành Kinh Thể Nhập Pháp Môn Không Hai; và Kinh Giáo Huấn Sau Cùng đổi thành Kinh Lời Dạy Sau Cùng.

Kế đến, năm bài Kinh sau đây: Kinh Tiểu Sử Đức Phật, Kinh Tình Thương, Kinh Hôn Phối, Kinh Bốn Thánh Đế, và Kinh Bốn Điên Đảo đã được thay thế bằng Thi Kệ Cuộc Đời Đức Phật, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Mười Pháp Đến Bờ Kia, Kinh Dẫn Nhập Đại Thừa và Kinh các Pháp Tu Viên Thông. Sự thay đổi các bài Kinh này đã kéo theo sự thay đổi về trật tự của các bài Kinh khác trong toàn bộ nghi thức.

Ngoài ra, bốn phần phụ lục được thêm vào cuối sách: (1) Tóm tắt nội dung 49 bài Kinh, (2) Chú thích một số thuật ngữ và danh từ riêng, (3) Các ngày lễ trong hai truyền thống Phật giáo, và (4) Các ngày ăn chay. Do vì bận rộn với việc phụ trách trang nhà Đạo Phật Ngày Nay (http://www.buddhismtoday.com), soạn giả đã mời Tỳ-kheo Thích Giác Hoàng biên soạn phần phụ lục thứ hai, để giúp cho người đọc tụng và thọ trì Kinh có thể tra khảo ngay tại chỗ các thuật ngữ và danh từ riêng Phật giáo, mà không phải tốn công nghiên cứu đến các bộ từ điển Phật học đồ sộ.

Kinh Tụng Hằng Ngày in lại kỳ này được hoàn thành tốt đẹp là nhờ vào sự giúp đỡ tận tâm của nhiều người. Nhân đây, chúng con chân thành tri ân Thượng toạ Thích Bổn Điền, đồng thời soạn giả cảm ơn và tán thán Đại đức Thích Trí Thể, quý cư sĩ Thanh Tâm, Hải Hạnh, Trần Nguyên Trung, Minh Thông và Chính Trực, v.v… đã góp phần vận động ấn tống; huynh Nhật Hạnh đã phát tâm đánh vi tính, đại đức Thích Thiện Huệ, quý sư cô Thích Nữ Huệ Phúc, Thích Nữ Liên Hiếu và Thích Nữ Liên Hoà đã phát tâm sửa bản in; quý đại đức Thích Thiện Hữu, Thích Lệ Thọ, Manpreet Singh, A. N. Sinha và R.S. Kaushik đã liên hệ nhà in, cùng tất cả quý Tăng Ni và Phật tử trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ cho lần tái bản này.

Soạn giả chân thành tán thán cư sĩ Từ Bi Nguyệt, gia đình Từ Bi Trân Ngọc, Mai Hoàng và tất cả quý vị có tên trong danh sách ấn tống, đã tiết kiệm tối đa phần chi dụng cá nhân và gia đình, phát tâm đóng góp tịnh tài ấn tống, nhằm làm cho Pháp bảo của Phật được lan rộng, mang lại lợi lạc cho những người hữu duyên. Kính chúc quý vị ngày càng tăng trưởng đạo tâm, vững tiến trên con đường phụng sự Phật, Pháp và Tăng.

Xin hồi hướng công đức của lần tái bản này đến tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường.

Kính nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho tất cả được an lạc trong chánh pháp và hanh thông trong cuộc sống!

Ấn Độ, ngày 21-1-2002

Kính khể thủ

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

Ý NGHĨA CỦA TỤNG KINH

I. Ý Nghĩa của Chữ "Kinh"

Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử Ngài, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, về sau mới được ghi chép lại thành dạng văn bản, gọi là Kinh.

Các nhà Phật học truyền thống Trung Quốc giải thích rằng Kinh là "khế hợp." Khế ở đây bao gồm hai phạm trù khế lý và khế cơ. Khế lý là nội dung ý nghĩa của những lời giảng dạy phải được đặt trên nền tảng Trung đạo, không thiên lệch vào sự chấp mắc nào. Khế cơ là sự thể hợp với từng căn cơ đối tượng. Khế lý và khế cơ có giá trị xuyên suốt thời gian và không gian. Theo nghĩa này, Kinh là chân lý siêu tuyệt của các chân lý mặc ước và công ước.

Tác giả của Luận Phật Địa còn đi xa hơn, khi giải thích: "Khế là phù hợp với tinh thần giáo lý mầu nhiệm của các đức Phật trong ba thời, đồng thời còn đáp ứng một cách sát sao với sự lãnh hội của đương cơ tiếp nhận giáo pháp ấy." Theo đó, sự khế lý mà thiếu khế cơ hay khế cơ mà không khế lý thì chẳng được gọi là Kinh.

Các nhà chú sớ Kinh điển của Trung Quốc không dừng lại tại đó, còn đi sâu vào việc khai thác sự đa dạng về ý nghĩa của Kinh. Theo các nhà sớ giải, Kinh gồm có năm nghĩa: (1) pháp bổn, (2) vi phát hay xuất sanh, (3) tuyền dũng, (4) thằng mặc, (5) kết man, (6) hiển thị. Các cách định nghĩa chữ Kinh như vừa nêu tuy có phần phong phú, đa dạng, nhưng đã đi quá ý nghĩa từ nguyên của chữ Kinh trong Phật giáo, thời kỳ nguyên thủy.

Trong đạo Phật, ý nghĩa chữ Kinh ban đầu rất đơn giản. Kinh, tiếng Sanskrit viết là sūtra, và tiếng Pali viết là sutta, chỉ có nghĩa chính là những lời giảng dạy của đức Phật về đạo đức, chân lý và giải thoát. Nó liên hệ đến sự nghe, nghe những lời dạy của đức Phật. Nói cách khác, Kinh là những lời dạy của Phật hay của các vị Bồ-tát, A-la-hán. Trong ý nghĩa rộng hơn, chữ Kinh còn ám chỉ cho (1) các thể loại văn học Phật giáo, hay (2) Tạng Kinh (Sutta Piṭaka), hay chỉ chung cho (3) Ba kho tàng văn học Phật giáo (Kinh, Luật, Luận). Kinh là sách ghi chép những lời dạy về chánh pháp, những phương thức hành trì hay các pháp môn được đức Phật và các vị thánh đệ tử của ngài giảng dạy.

Các vị thánh đệ tử đầu tiên của đức Phật là nhóm năm anh em Kiều-trần-như, mười vị đệ tử lớn và 1250 vị tỳ-kheo đều có nhiều cuộc đối đáp về đạo lý và con đường tu tập với các người theo Bà-la-môn giáo và các tôn giáo bấy giờ. Các pháp thoại mang tính cách xiển dương và truyền bá đạo pháp như vậy, có giá trị tương đương với lời Phật dạy trong nhiều trường hợp cụ thể. Nên các pháp thoại đó cũng được xem là kinh, tức một dạng khác của lời Phật dạy. Các bài Kinh loại này có mặt khắp trong các Kinh điển Phật giáo của Nguyên Thuỷ và Đại thừa.

Như vậy, "Kinh" chỉ chung cho các lời dạy đạo lý hoặc là các pháp thoại do đức Phật nói cho các hàng đệ tử hoặc người khác, hoặc các pháp thoại của các vị thánh tăng đối đáp với nhau hay đối với người ngoại đạo. Ý nghĩa ban đầu của Kinh chỉ đơn giản có thế, dù dưới dạng truyền khẩu hay được biên tập thành văn bản về sau.

Mặt khác, “Kinh” là một khái niệm bao quát, chỉ chung các lời dạy của Phật về đạo đức (dhamma) hay con đường tu tập và những phép tắc (vinaya) liên hệ đến đời sống của cộng đồng tu sĩ sống dưới sự bảo hộ và hướng dẫn của Phật. Nó hoàn toàn không mang các ý nghĩa như "pháp bổn," "vi phát," "dũng tuyền," "kết man," "xuất sanh," " hiển thị " hay ý nghĩa "khế cơ" như các nhà sớ giải Trung Quốc đã phát triển về sau. Nói như vậy không có nghĩa phủ định tính chất khế cơ trong lời Phật dạy. Chỉ có con người ứng dụng kinh, giảng dạy Kinh có khế cơ hay không mà thôi. Nói cách khác tính khế cơ tùy thuộc rất nhiều vào vị pháp sư qua sự trình bày pháp thoại đến với quần chúng thính giả hơn là bản thân của pháp thoại đó được biểu hiện dưới hình thức lời nói hay văn tự. Văn tự hay ngôn ngữ có giới hạn, không thể làm chức năng xứng hợp như chính con người của đức Phật và các vị đệ tử thánh của Ngài. Ý nghĩa thâm sâu của Kinh nếu không được vị pháp sư trình bày một cách sáng sủa, chính xác và hợp đối tượng thì người nghe có thể rơi vào các tình trạng ngộ nhận, thoái thất đạo tâm và như vậy là mất hết khế cơ. Đặc tính khế cơ tùy thuộc rất nhiều vào người giảng đạo và người nghe. Thuyết giảng pháp thoại mà không nắm bắt được đối tượng nghe pháp sẽ có thể dẫn đến tình trạng làm suy thoái đức tin chánh pháp của người nghe. Ngược lại thuyết pháp phù hợp đối tượng, làm cho đối tượng thấm nhuần lợi ích và an lạc thì sự thuyết pháp đó đã thành tựu ý nghĩa khế cơ rồi. Như vậy lợi ích hay tác hại của một buổi pháp thoại đối với người nghe tùy thuộc rất nhiều vào phương tiện giảng dạy và phong cách trình bày của vị pháp sư, chứ không phải là bản thân của Kinh điển văn tự.

Nói tóm lại, chữ Kinh trong Phật giáo được dùng để chỉ cho lời Phật dạy dưới hình thức văn tự hay truyền khẩu, có giá trị hướng thượng, phát triển đạo đức, nuôi lớn thiền định, phát sanh trí tuệ, giúp cho người đọc tụng đạt được an lạc và hạnh phúc. Kinh điển là ngón tay để chỉ cho chúng sanh thấy được mặt trăng, là chiếc bè để đưa người sang sông giải thoát. Bản thân Kinh điển không phải là mặt trăng và cũng không phải là bờ giải thoát. Mặt trăng ở đây ám chỉ cho chân tâm, Phật tánh và Niết-bàn. Người đọc tụng và thọ trì cần nương vào lời Kinh để nhận ra được chân tâm, Phật tánh của mình, cũng như nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng và nương vào thuyền để sang được bờ bên kia. Sau khi thấy được trăng cần phải biết quên ngón tay. Sau khi qua được bờ rồi, nên thả thuyền xuống sông để nó có thể giúp được nhiều người khác muốn sang sông. Đừng có thái độ chấp thủ và tôn thờ ngón tay đã giúp ta thấy được mặt trăng, cũng như chiếc bè đã giúp ta qua được bờ bên kia!

II. Ý Nghĩa của Tụng Kinh

Có nhiều người khi được hỏi "tại sao phải tụng kinh" liền trả lời rằng "vì tụng Kinh có nhiều phước đức.” Đối với nhiều Phật tử, tụng Kinh là con đường gặt hái phước báu cho bản thân, người thân quyến và gia đình mình. Một số khác thì cho rằng tụng Kinh để được các đức Phật và Bồ-tát phù hộ cho tai qua nạn khỏi, mua may bán đắc, làm ăn phát tài, cửa nhà thịnh vượng. Nói chung, tụng Kinh để mang lại phước lộc và thọ cho bản thân và gia đình. Mặc dù không phản ánh hết ý nghĩa và mục đích của sự tụng Kinh trong Phật giáo nhưng những câu trả lời như vậy đã biểu trưng cho nếp nghĩ của nhiều Phật tử. Như vừa nói, Kinh là lời Phật dạy về đạo đức, chỉ ra các phương thức tu tập, có khả năng chuyển hóa thân tâm, đem lại hạnh phúc cho mình và người ở đời này và đời sau. Do đó, sự tụng Kinh có ý nghĩa đạo đức rất lớn.

Tụng Kinh trước nhất là để ôn lại và tư duy về lời Phật dạy, là cách làm cho pháp âm của Phật lưu truyền mãi trong nhân gian, và để tự nhắc nhở mình bỏ ác làm lành.

Tụng Kinh còn là một dịp tốt giúp chúng ta ngăn ngừa các tội lỗi, trau dồi và phát triển ba nghiệp trong sạch. Trong giờ phút tụng Kinh, do chuyên chú vào lời Kinh, tâm ý của người đọc không có dịp bám víu vào các duyên thế sự và các phiền não trần lao. Tâm ý của người thọ trì, nhờ đó, trở nên an tịnh và thuần khiết. Ngay giờ phút tụng Kinh chuyên nhất đó, người đọc tụng có thể xa lìa được các gốc rễ của khổ đau như tham lam, sân hận, si mê và các tâm lý tiêu cực, có hại cho tâm tư, tình cảm, nhân cách và đạo đức của bản thân. Trong tư thế ngồi như hoa sen khi tụng Kinh, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên thanh tịnh, nhờ đó tránh được tất cả các hành vi xấu ác của thân như giết chóc, trộm cướp, ngoại tình v.v... Ngoài ra, do miệng đọc tụng lời Kinh, cho nên các lời nói mang tính chất sai sự thật, lời ác độc, lời thêm bớt và những lời vô nghĩa không có cơ hội để phát triển. Khi đọc Kinh thì miệng của chúng ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó chúng ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện. Như vậy, trong một hành vi chuyên nhất tụng Kinh, chúng ta xa lìa được mười nghiệp ác, vốn do thân khẩu ý tạo nên. Nói cách khác, trong khi tụng Kinh, chúng ta đã huấn luyện ba nghiệp của mình trở về con đường hiền thiện và đạo đức. Sự tụng Kinh, do đó, đã trở thành một sự tu tập về thân, khẩu và ý trong đạo Phật.

Tụng Kinh còn là một pháp môn tu tâm dưỡng tánh, huân tập vào tâm thức các hạt giống tốt của từ bi, trí tuệ, an vui, thanh tịnh và giải thoát. Tụng Kinh còn là dịp để tham thiền, quán tưởng, trang trải tình thương bao la đến với muôn loài, còn là lúc chúng ta hồi hướng công đức lành đến với tất cả chúng sanh. Tụng Kinh chính là lúc chúng ta một lòng thành kính, đối trước Tam Bảo, sám hối tất cả các nghiệp xấu, ăn năn các lỗi đã qua, phát nguyện làm các việc thiện, để hoàn thiện đời sống đạo đức của bản thân.

Tụng Kinh còn là dịp tốt để chúng ta có thể tìm hiểu, học hỏi, và ứng dụng lời Phật dạy, vào cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho mình và người. Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp người đọc tụng gặt hái được những điều mong muốn trong cuộc sống, như sự an lạc và hạnh phúc. Bản thân của sự tụng Kinh vốn không có phước báu, nếu người đọc tụng không chịu chú tâm vào từng lời Kinh để tìm ra ý đạo sâu xa, mầu nhiệm ẩn chứa trong đó để mà thực hành. Các hình thức và thói quen tụng Kinh như để “trả bài” hay làm công cứ “tính điểm” với Phật, hay tệ hơn là như “máy thâu và phát” lại những lời Phật dạy, rõ ràng không mang lại kết quả hay lợi ích thực tiễn nào, trái lại còn làm mất thời giờ và công sức. Kinh điển của Phật là tấm bản đồ, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chánh, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau. Đọc tấm bản đồ để biết rõ con đường, để đi đúng hướng, để đến đúng nơi cần đến. Con đường đó là con đường trung đạo hay còn gọi là con đường thánh gồm tám yếu tố chân chánh: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, chánh niệm và thiền định chân chánh. Đây là con đường mà ba đời chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được an lạc và giải thoát. Người Phật tử cần phải siêng năng nhớ nghĩ, ứng dụng con đường “trung đạo” đó để tự cứu độ chính mình, thông qua sự hướng dẫn của Phật trong Kinh điển. Nói cách khác, tụng Kinh là cách học hỏi chánh pháp của Phật để ứng dụng chánh pháp đó vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân.

Nói chung, mục đích tụng Kinh trong đạo Phật không phải để “trả bài” hay “tính công” với Phật, mà là nhằm tìm hiểu chính xác lời Phật dạy, rồi ứng dụng vào đời sống. Tụng Kinh không phải để cầu nguyện Phật và Bồ-tát gia hộ cho mình, gia đình và thân quyến tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức, làm ăn thịnh vượng, tuổi thọ tăng trưởng, sở nguyện tùy tâm, kiết tường như ý. Tụng Kinh cũng không phải là dịp để cầu cho mua may bán đắc, hay mong Phật và Bồ-tát gia hộ cho mình được đầy đủ phước lộc thọ. Tụng Kinh để trau dồi ba nghiệp thanh tịnh, phát triển các hạnh lành, sống đời đạo đức, vô ngã và vị tha, để mình và người được an lạc và hạnh phúc. Muốn được vậy, khi tụng Kinh, người Phật tử phải chí thành, hướng tâm vào nội dung Kinh, ghi khắc sâu chân lý Phật dạy, ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể của cuộc sống, để khắc phục đau khổ, nhổ sạch gốc rễ của khổ đau là tham lam, sân hận, si mê. Tụng Kinh như vậy là một sự tu tập: bỏ ác làm lành, một sự an tịnh ba nghiệp, phát triển các đức tính tốt trong tâm mình. Tụng Kinh có nhiều lợi ích như thế cho nên người Phật tử phải chuyên cần tụng niệm lời Phật dạy.

III. Cách Thức Tụng Kinh

Cách thức tụng Kinh trong Phật giáo rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng truyền thống. Thời đức Phật còn sống, tụng Kinh chỉ đơn thuần là sự trùng tuyên lại lời Phật dạy, để nhớ sâu hơn về lời Ngài, và nhất là để ứng dụng vào cuộc sống thường nhật. Dần dà, tụng Kinh đã trở thành một nghi thức. Trong Phật giáo Bắc tông ngày nay, tụng Kinh đã trở thành một nghi lễ hẳn hoi, với sự hỗ trợ của các pháp cụ và nhạc cụ, như chuông, mõ, trống, kiểng, khánh, tang, đẩu v.v… Sự tụng Kinh ở nhiều nơi đã trở thành một khoá lễ nhạc có âm điệu trầm bổng, du dương, gây nhiều cảm hứng tốt ở người nghe.

Dù theo truyền thống nào, điểm quan trọng mà người thọ trì Kinh cần chú ý là tụng Kinh để hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống. Do đó, trong khi tụng niệm, không nên quá chú trọng vào các nghệ thuật tán tụng, mặc dù nghệ thuật này có thể giúp cho người tụng lẫn người nghe dễ lắng tâm và phát khởi niềm tin tôn giáo. Một khi thời Kinh trở thành thời khoá tán tụng thì việc tập trung tâm ý vào lời Kinh để tìm hiểu ý đạo sẽ trở nên mờ nhạt, và ý nghĩa của tụng Kinh sẽ không còn nữa. Người đọc tụng cần phải chú trọng vào phần “cốt lõi nhất” của Kinh là nội dung và nghĩa lý của nó. Không có sự chú tâm thật sâu thì khó có thể lãnh hội được ý nghĩa nhiệm mầu trong Kinh. Nói cách khác, chỉ chú trọng đến “nghệ thuật tụng hay tán giỏi” mà không nắm bắt được ý Kinh thì việc tụng Kinh có thể trở nên vô ích và mất thời giờ.

Người đọc tụng phải giữ ba nghiệp thanh tịnh, chú tâm hoàn toàn vào nghĩa lý của Kinh, tư duy và liên tưởng về nghĩa lý đó, để hiểu rõ lời dạy của Đức Phật, biết cách ứng dụng và hành trì. Bậc cổ đức thường dạy “tụng Kinh giả minh Phật chi lý” là nhằm vào ý này vậy. Chính sự ứng dụng lời Kinh vào cuộc sống mới thật sự đem lại phước báo, an lạc và giải thoát cho chúng ta. Do đó, ta không nên chỉ tụng niệm bằng miệng mà còn phải tụng niệm bằng tâm. Nói cách khác miệng tụng tâm hành mới chính là tụng Kinh đúng nghĩa.

Nói tóm lại tụng Kinh không phải là dịp để cầu phước, không phải để trả bài, không phải để tán tụng, mà là cơ hội tốt để trau dồi ba nghiệp cho thanh tịnh, an lạc. Tụng Kinh không phải là buổi cầu nguyện, van xin mà là lúc chúng ta nên chuyên chú, lắng tâm, thực hành thiền định và quán tưởng. Tụng Kinh còn là cách học hỏi chánh pháp, phát khởi niềm tin chân chánh về lời Phật dạy. Tụng Kinh để gieo rắc các hạt giống từ bi, trí tuệ vào trong tâm khảm, để gặt hái hoa trái của an lạc và hạnh phúc ở hiện tại và tương lai.

Tụng Kinh mang nhiều ý nghĩa hành trì và đạo đức tích cực như thế, phàm làm đệ tử Phật phải nên siêng năng đọc tụng Kinh điển để ngọn đèn từ bi và trí tuệ của đức Phật tỏa sáng sự sống của chúng ta và tất cả chúng sanh.

Viết tại chùa Giác Ngộ, năm 1991

Hiệu đính tại Ấn Độ, năm 2001

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

Cẩn bút

HƯỚNG DẪN HÀNH TRÌ

Đây là Kinh Tụng Hằng Ngày thuần Việt, tổng hợp 48 bài Kinh và bài Thi Kệ Cuộc Đời Đức Phật. Phần chánh kinh chủ yếu chọn lọc các bài kinh căn bản từ hai nguồn kinh điển chính của Phật giáo là nguồn kinh tạng Nam tông (Pali) và nguồn kinh tạng Bắc tông (Hán tạng). Nghi thức tụng niệm này góp phần tạo sự an lạc và chánh nhân giải thoát cho người thọ trì ở hiện tại và tương lai. Do đó, người Phật tử xuất gia và tại gia nên thọ trì hằng ngày để nắm vững tinh hoa, áo nghĩa lời đức Phật dạy, vận dụng vào cuộc sống hành trì.

1. NỘI DUNG TỔNG QUÁT CỦA CÁC KINH

Về mặt xã hội, các kinh này nhắm vào mục đích giáo dục nhân cách bản thân, tạo dựng hạnh phúc gia đình, ổn định các mối quan hệ và đời sống cộng đồng.

Về mặt tu tập, bộ kinh này thể hiện tinh thần nhân bản hoàn hảo nhất, chỉ bày phương pháp tu tập giải thoát, chứng đắc bốn quả Thánh và những phương châm hành đạo của các bậc Bồ-tát.

Về mặt Phật học, bộ kinh được phân bố theo trình tự từ căn bản đến chuyên sâu, từ Nhân thừa đến Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Bồ-tát thừa rồi cuối cùng qui về Phật thừa.

Từ góc độ tổng quát nhất, một số kinh đóng vai trò hộ niệm người sống và người mất. Có kinh dạy cách nuôi dưỡng đời sống lứa đôi chung thủy và hạnh phúc. Có kinh dạy về cách làm phước đức, gieo tình thương, sống hòa hợp, xây dựng đức tin chân chánh và các mối tương quan đạo đức xã hội. Có kinh ôn lại cuộc đời của Đức Phật và những di huấn của Ngài. Có kinh chuyên dạy về cách quán chiếu, tu tập thiền định, sống tự tại, giải thoát mọi nơi, mọi lúc. Có kinh giới thiệu về Đại thừa, tu tập các pháp môn viên thông, phát huy trí tuệ, chứng đắc giải thoát. Có kinh dạy về cách nương tựa có khả năng phá chấp, thể nhập chân lý không hai, hiển bày chân tâm và cúng dường chánh pháp. Có kinh chỉ bày phương tiện và cứu cánh, dạy cách tu để dứt bỏ mọi chấp thủ, hướng đến giải thoát trọn vẹn.

2. THỜI KHÓA ỨNG DỤNG

Bộ Kinh Tụng Hằng Ngày này lúc đầu được biên soạn để thọ trì vào Thời Kinh Tối tại các chùa, hay tư gia. Tuy nhiên, tuỳ theo thời gian thích hợp của từng đạo tràng tu tập, người thọ trì có thể đọc tụng Kinh vào các thời điểm thuận tiện khác, có thể mỗi buổi sáng, hoặc mỗi buổi chiều, hoặc thậm chí tụng xuyên suốt trong ba ngày hay một tuần, trong những dịp lễ Phật giáo. Nói chung, tuỳ theo thời gian cho phép và truyền thống tu tập ở từng nơi, bộ Kinh này có thể được ứng dụng khác nhau.

Đặc biệt có một số bài Kinh có thể ứng dụng vào các khóa lễ cầu anVí dụ, đối với khóa lễ cầu nguyện thế giới hòa bình, nước nhà hưng thạnh, gia đình bình an hay cho các cơ quan, xí nghiệp, hội đoàn và chợ thì nên tụng một trong các Kinh sau đây: Kinh Quốc Gia Cường Thịnh, Kinh Tình Thương, Kinh Phước Đức, Kinh Nền Tảng Đạo Đức Xã Hội, Kinh Mười Pháp Đến Bờ Kia, Kinh Sống và Tu trong Hòa Hợp, hay Kinh Hiền Nhân. Đối với khóa lễ cầu an cho bệnh nhân ta có thể lần lượt tụng các Kinh sau đây:Kinh Giáo Hóa Người Bệnh, Kinh Mười Pháp Quán Niệm, Kinh Dụ Ngôn Bọt Nước, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, Kinh Người Biết Sống Một Mình, Kinh Người Cư Sĩ Tại Gia hay Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp.

Các Kinh nêu trên cung cấp cho người đọc tụng những tấm bản đồ tu tập thiền định, an tịnh thân tâm, xây dựng hạnh phúc và an lạc cho mình và người ngay bây giờ và tại đây. Do vậy, các Kinh này không chỉ là phương diệu dược cho người bệnh mà còn là toa thuốc bổ không thể thiếu đối với tất cả những người khỏe mạnh về thể chất nhưng chưa phát triển toàn diện về tinh thần.

Cũng có các bài Kinh có thể dùng trong các khoá lễ cầu siêuđặc biệt trong các dịp lễ tang, cúng thất, cúng giổ, cúng cô hồn, cúng cầu siêu cho ông bà cha mẹ, cho hương linh chết oan, chết tự vẫn, chết bất đắc kỳ tử… mà chưa thác sanh được do nghiệp chướng và thiếu sự gia trì của Ba Ngôi Báu.

Ví dụ, đối với hương linh đã từng quy y Tam Bảo, tu tập và làm nhiều công đức, ta có thể tụng các kinh như Kinh Tám Điều Giác Ngộ của Hàng Bồ-tát hay Kinh Ba Cánh Cửa Giải Thoát. Nếu người quá cố từng tu thiền nhập định thì nên tụng Kinh Quán Niệm Hơi Thở hay Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm. Đối với hương linh và tang quyến chưa quy y Tam Bảo, chưa thấu rõ ba quy luật của mọi sự vật hiện tượng là vô thường, khổ não và vô ngã hay quá bi lụy đau thương về sự sinh ly tử biệt mà trở nên bi quan yếm thế thì ta nên tụng các kinh như Kinh Qui Luật Cái Chết, Kinh Nhổ Mũi Tên Sầu Muộn hay Kinh Nhận Thức Vô Thường và Đau Khổ. Đối với hương linh và tang quyến chưa tường tận về giáo lý nghiệp báo và tái sanh của đạo Phật thì ta nên tụng Kinh Cúng Thí Người Mất, Kinh Nghiệp Báo Tái Sanh hay Kinh Na-tiên Đàm Đạo.

Các kinh vừa nêu một mặt khẳng định cái già, bệnh và chết là một quy luật không loại trừ một ai, mặt khác khuyên dạy tất cả mọi người, nhất là thân quyến của người chết nên bình tĩnh, không than khóc, sầu thảm, mà trái lại niệm Phật, tạo nhiều phước lành, hồi hướng cho người quá vãng, để giúp cho người chết một hành trang tốt trong lúc tái sanh. Được như vậy, chắc chắn rằng cuộc đời sẽ bớt đi các tình trạng đau thương, sầu thảm cũng như những hậu quả của nó do cái chết gây ra; thế giới sẽ không còn cảnh bi lụy do không hiểu được quy luật của sanh tử, sống chết chập chùng.

Nói chung, tùy theo trường hợp và đối tượng mà ta nên chọn Kinh nào tụng cho thích hợp với từng khóa lễ.

3. TRÌNH TỰ NGHI THỨC

Trình tự của nghi thức thọ trì kinh này gồm 3 phần: phần Nghi Thức Dẫn Nhập, phần Chánh Kinh và phần Nghi Thức Sám Nguyện và Hồi Hướng.

Phần Nghi Thức Dẫn Nhập được biên soạn tổng hợp từ các nghi thức Phật giáo Bắc Tông xưa nay, bao gồm: nguyện hương, ca ngợi Phật và quán tưởng, đảnh lễ Tam Bảo, tán hương, phát nguyện trì Kinh và tán dương giáo pháp.

Phần Chánh Kinh tổng hợp 49 bài Kinh căn bản trong hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông, bắt đầu từ Thi Kệ Cuộc Đời Đức Phật và kết thúc bằng Kinh Lời Dạy Sau Cùng. Các bài kinh khác giới thiệu các lời Phật dạy về các phép tu tâm dưỡng tánh, phát triển đạo đức, trau dồi trí tuệ, đáp ứng cho nhiều đối tượng khác nhau. Chiều dài của các bài Kinh này không đồng đều. Có bài Kinh dài 50 trang nhưng cũng có nhiều bài chỉ có hai ba trang. Do đó, đọc mỗi ngày một kinh, hai kinh hay ba kinh, bốn kinh là tuỳ thuộc vào trang dài ngắn của các kinh đó, cũng như thời gian đọc tụng tại các đạo tràng. Trung bình tụng từ 20 đến 25 trang là vừa. Bài Kinh nào dài quá thì có thể tụng trong hai ba thời Kinh liên tiếp. Khi thọ trì hết bài kinh thứ 49, tiếp tục thọ trì lại từ đầu. Cứ vậy, tuần tự thọ trì quanh năm. Tuy nhiên, việc thọ trì Kinh cũng phải linh động. Nếu quý Phật tử tu tại gia, phải đi làm hay bận rộn nhiều việc, có thể chọn thọ trì những kinh nào thích hợp với pháp tu của mình mà không cần phải đọc tụng từ đầu đến cuối.

Phần Sám Nguyện-Hồi Hướng được biên soạn theo cách thức mà truyền thống Phật giáo Bắc tông hành trì, bắt đầu bằng bài Bát-nhã Tâm Kinh, tóm thâu tinh túy của Kinh Đại Bát-nhã. Mặc dù chỉ có 260 chữ, nhưng bài kinh này tập trung các pháp tu căn bản của Phật giáo đại thừa, giúp hành giả diệt trừ tất cả các khổ đau trong cuộc đời bằng phương pháp quán chiếu năm yếu tố (ngũ uẩn) hình thành nên con người là không có một thực thể hay ngã thể. Từ đó, với trí tuệ duyên khởi, hành giả thấu suốt mọi sự vật hiện tượng theo một cách thức tương tự. Kế đến là niệm Phật. Hành giả tu Tịnh Độ thì niệm Phật A-di-đà, hành giả các pháp môn khác thì niệm Phật Bổn Sư. Các mục còn lại trong phần này bao gồm: xướng lễ Phật và Bồ-tát, mấy điều quán tưởng hoặc quán chiếu thực tại, sám nguyện (có thể chọn một trong tám bài, hoặc luân phiên mỗi bài cho mỗi thời Kinh), hồi hướng công đức (người không tu Tịnh Độ có thể tỉnh lược bốn câu 9-12 phát nguyện sanh Tây Phương), lời nguyện cuối, và đảnh lễ Ba Ngôi Báu, để kết thúc thời Kinh.

Nghi Thức Dẫn Nhập và Nghi Thức Sám Nguyện-Hồi Hướng là hai phần cần thiết và không thể thiếu trong mỗi thời Kinh. Mặc dù không phải là chánh văn của Kinh điển, nhưng hai phần nầy được biên soạn dựa trên tinh thần của lời Phật dạy, theo cách thức mà các vị Tổ sư của Trung Quốc và Việt Nam đã làm trong các nghi thức tụng niệm trong quá khứ và hiện tại. Nếu phần đầu chủ yếu tán thán Phật bảo và Pháp bảo để giúp cho hành giả tụng tăng thêm niềm tin đối với Phật và giáo pháp cao thượng của Ngài, trước khi thọ trì, thì phần cuối là phần nhắc nhở người đọc tụng các quy luật vô thường, khổ não, vô ngã của con người và thế giới này, để giúp chúng ta sống một cách an lạc không vướng mắc. Phần này còn bao gồm các cách tu tập như lễ Phật và quán tưởng, chuyên chú tâm và hồi hướng công đức.

4. CÁCH THỨC TỤNG NIỆM

Phần Nghi Thức Dẫn Nhập và Nghi Thức Sám Nguyện-Hồi Hướng được tụng giống như các khóa lễ xưa nay, tuỳ theo từng truyền thống.

Riêng phần chánh kinh, để người đọc tụng và người nghe dễ hiểu và được lợi ích, người đọc nên ngừng một hoặc hai nhịp không tụng sau mỗi chấm câu hoặc sang hàng hay hết một đoạn, trong khi mõ vẫn được gõ đều đặn. Tụng như vậy thì nghĩa lý của kinh sẽ được rõ ràng, người đọc đỡ mệt sức do quá cố gắng, nhất là, tránh được sự ngắt nhịp tùy tiện. Phần chánh Kinh phải đọc một cách chậm rãi, rõ ràng theo nhịp trường canh của mõ.

Khi miệng đọc tụng, tâm của hành giả phải “niệm” theo lời Kinh, nghĩa là người tụng phải chuyên chú tâm hoàn toàn vào từng câu từng lời Kinh, để hiểu rõ nghĩa lý sâu xa huyền diệu chứa đựng trong từng bài Kinh, rồi ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Chính sự ứng dụng lời kinh vào cuộc sống mới thật sự đem lại phước báu, an lạc và giải thoát cho người thọ trì.

5. CÁCH ĐÁNH MÕ VÀ ĐIỂM CHUÔNG

a. Ký hiệu được sử dụng

Ký hiệu O chỉ cho “đánh chuông.” Ký hiệu C chỉ cho "nhắp chuông" (nhắp dùi chuông vào vành chuông để báo hiệu rằng sẽ có một tiếng chuông được vọng lên). Ký hiệu M chỉ cho “gõ mõ.”

b. Cách vào chuông mõ

C O O O M M M MM M M

O M

O M

O M MM M C

c. Đánh mõ và điểm chuông

Ngoài mục đích tạo trường canh và nhạc điệu cho các khóa lễ, mõ và chuông còn có tác dụng thức tỉnh người đọc. Để các tác dụng này được phát huy triệt để, mõ phải được đánh đều đặn, nhịp nhàng, chậm rãi; không được đánh quá mạnh hay quá nhẹ để tránh trường hợp tiếng lớn, tiếng nhỏ làm mất trang nghiêm và khó đọc tụng cho đều. Chuông được điểm ngân nga sau các đoạn hay câu có ký hiệu O, đối với phần nghi thức dẫn nhập và hồi hướng. Đối với Chánh Kinh, chuông sẽ được điểm lên ngay sau mỗi đoạn Kinh hay sau mỗi ý Kinh hoàn chỉnh, nhằm đưa người đọc tụng trở về với thực tại, lắng niệm và ghi nhớ sâu lời Phật dạy. d. Phối hợp chuông, mõ, khánh và lời tụng

Sau tiếng nhắp chuông của vị Duy-na, vị chủ lễ bắt đầu xướng tụng. Chủ lễ xướng hết chữ thứ hai thì đại chúng mới bắt đầu hòa theo và cùng tụng. Chữ đầu và chữ thứ ba của đoạn do chủ lễ khởi xướng thì không có nhịp mõ. Nhịp mõ được gõ vào nhịp chữ thứ hai và thứ tư. Nghĩa là tiếng mõ thứ nhất sẽ đi với chữ (tiếng) kinh thứ hai, tiếng mõ thứ hai sẽ đi với chữ (tiếng) kinh thứ tư. Sau đó, cứ mỗi chữ thì có một nhịp mõ cho đến hết một bài kinh. Riêng chữ (tiếng) kinh áp chót thì gõ hai nhịp mõ liền nhau và chữ (tiếng) kinh cuối thì một tiếng mõ dứt. Cứ như vậy, chúng ta tụng hết thời kinh.

Đối với bài Sám Nguyện trước bài Hồi Hướng, ta có thể phối hợp mõ với khánh. Tiếng mõ đầu sẽ đi với chữ kinh thứ hai, tiếng khánh đầu sẽ đi với chữ kinh thứ ba. Sau đó, một chữ một tiếng mõ, một chữ một tiếng khánh, cứ như vậy phối hợp mõ và khánh tụng cho hết bài sám. Phần kết thúc bài sám như sau: chữ áp chót của bài sám sẽ đi kèm với hai tiếng mõ liền nhau hơi nhanh và chữ cuối sẽ đi kèm với một tiếng mõ; trong khi từ chữ áp chót của bài sám, khánh được đánh theo hồi, từ bảy đến mười nhịp, khoảng cách của các nhịp khít dần đều và âm thanh của các nhịp nhỏ dần đều.

6. LỢI ÍCH CỦA ĐỌC TỤNG VÀ THỌ TRÌ

Người đọc tụng, thọ trì và truyền bá kinh này sẽ gặt hái nhiều lợi ích cho mình và tha nhân:

-Nắm vững yếu nghĩa lời Phật dạy qua hai truyền thống kinh điển Nam tông và Bắc tông. Nhờ đó, người thọ trì xóa bỏ cái nhìn phân cách, ngộ nhận giữa hai truyền thống. Tất cả chỉ có một nguồn chánh pháp, chỉ thuần nhất hương vị: an lạc, giác ngộ, giải thoát.

-Đọc tụng để lời nói, ý nghĩ, việc làm được trong sạch; để từ bỏ các điều ác, thực hành các hạnh lành, sống tùy hỷ, sống theo bi-trí-dũng, thương yêu, giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau, để làm hành trang cho cuộc sống, làm hương thơm cho đời.

-Đọc tụng để mở rộng tầm nhìn đúng đắn về con người, về thế giới, về nguyên nhân sai biệt cũng như yếu tố hình thành vũ trụ. Đọc tụng để xóa bỏ mê lầm, trở về chánh pháp, sống chánh tín, chánh mạng và an lạc.

-Đọc tụng để chuyển hóa nhận thức và hành động. Nhờ đó, cá nhân được thuần thiện, gia đình được đầm ấm, xã hội được an vui và nhân loại được thái bình, hạnh phúc trong chánh pháp Phật-đà.

Đọc tụng Kinh Phật có nhiều công đức như thế, kính xin tất cả mọi người hãy tinh tấn hơn nữa, trong việc đọc tụng, thọ trì và truyền bá lời Phật dạy!

Mùa Phật Đản PL. 2538, DL. 1994

Soạn giả

Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

Kính đề


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][