KINH TỤNG HẰNG NGÀY - PHẦN CHÁNH KINH
Thứ hai mươi hai
Tôi từng nghe như vầy:
Một thời Đức Thế Tôn
Ở tại Na-di-la,
Đi đến thăm khu rừng,
Trồng nhiều cây Ta-la,
Tên gọi Go-sin-ga.
Ở đó có ba thầy:
Thầy A-na-ru-đa,
Với thầy Nan-di-ya,
Và thầy Kim-bi-la,
Đang cùng sống chung nhau,
Tu tập trong an lành. O
Thấy Thế Tôn từ xa,
Ba thầy lo tiếp đón,
Người đỡ lấy y bát,
Người sửa soạn chỗ ngồi,
Người đem nước rửa chân,
Rồi đảnh lễ cung kính,
Xong, ngồi xuống một bên. O
Thế Tôn mở lời hỏi:
Này các thầy Tỳ-kheo,
Cuộc sống ở nơi đây,
An lành yên vui chăng,
Hằng ngày đi khất thực,
Có mệt nhọc lắm chăng.
Các thầy đã sống chung,
Có thật sự hòa hợp,
Như thể nước với sữa,
Lòng hoan hỷ tràn đầy,
Không hề tranh cãi chăng?
Khi nghe hỏi như vậy,
Ba thầy đã thưa rằng: O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Thật sự là như vậy,
Chúng con sống an lành,
Cảm thấy rất yên vui,
Đi khất thực dễ dàng,
Chúng con rất hòa hợp,
Nói lời thuận thảo nhau,
Tràn đầy niềm hoan hỷ.
Thế Tôn khen hỏi tiếp:
Các thầy bằng cách nào,
Thực hiện đời sống ấy? O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Chúng con hiểu được rằng,
“Thật vô cùng hữu ích,
Khi chúng con sống chung,
Với bạn cùng thanh tịnh”
Nên xử sự với nhau,
Dù trước mặt, sau lưng,
Vẫn một mực tốt đẹp,
Vẫn một niềm quý trọng,
Ở trong từng việc làm,
Ở trong từng lời nói,
Ngay cả trong suy nghĩ. O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Chúng con đã thật sự,
Từ bỏ tâm ý mình,
Để sống tuỳ thuận theo,
Tâm của bạn đồng tu,
Vì thực hiện như thế,
Chúng con tuy khác thân,
Mà tâm vẫn tương đồng.
Do “khác thân giống tâm”
Nên chúng con nhìn nhau,
Trong ánh mắt thiện cảm,
Vui sống ở bên nhau,
Không một lời tranh cãi,
Như nước sữa hòa hợp. O
Này các thầy Tỳ-kheo,
Đời sống của các thầy,
Có nhiệt tâm tinh cần,
Không hề phóng dật chăng?
Kính bạch Đức Thế Tôn
Chúng con sống như nhau
Ai khất thực về trước,
Lo soạn sẵn nước uống,
Soạn cả nước rửa chân,
Bớt phần ăn của mình,
Dành cho người về muộn.
Ai khất thực về sau,
Có thể dùng nếu cần,
Sau đó sẽ xếp dọn,
Mọi thứ cho gọn gàng.
Khi cần được giúp đỡ,
Chúng con chỉ đưa tay,
Ra hiệu chứ không nói,
Lời nói chỉ được dùng,
Đàm luận chuyện đạo pháp,
Vào những lúc thích hợp,
Nhằm chia sẻ cho nhau,
Điều chúng con tu tập. O
Thế Tôn hết lời khen,
Tiếp tục hỏi các thầy.
Này các thầy Tỳ-kheo,
Các thầy có thể nào,
Chứng được pháp cao thượng,
Được tri kiến thánh nhân,
Được thoải mái an lạc,
Với cuộc sống như thế? O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Nếu như chúng con muốn,
Chúng con sẽ nhiếp tâm,
Lìa xa các ham muốn,
Lìa xa các vọng tưởng,
Không khởi tham sân si,
Để trú thiền thứ nhất,
Đó là tâm an ổn,
Với hỷ được phát sinh,
Dùng chút ý nhỏ nhiệm,
Thường hằng kiểm soát tâm, O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Nếu như chúng con muốn,
Lúc chúng con nhiếp tâm,
Ý thức của chúng con,
Sẽ đạt đến bất động,
Để trú thiền thứ hai,
Đó là tâm an định.
Với hỷ lạc phát sinh,
Dù không còn kiểm soát,
Tâm ấy chẳng lung lay. O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Nếu như chúng con muốn,
Chúng con sẽ nhiếp tâm,
Để trú thiền thứ ba,
Đó là tâm thanh tịnh,
Với an lạc vi diệu,
Và tỉnh giác hoàn toàn,
Sâu vào trong chánh định,
Tâm sở đắc tan biến O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Nếu như chúng con muốn,
Chúng con sẽ nhiếp tâm,
Vượt các lớp tâm thức,
Để trú thiền thứ tư.
Đó là một trạng thái
Đã bất động hoàn toàn,
Không cảm thọ khổ vui,
Và vô cùng sáng suốt. O
***
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Nếu như chúng con muốn,
Chúng con hướng tâm về,
Hư không rộng vô biên,
Với tâm rộng vô lượng,
Không chi phối bởi tưởng,
Để trú định thứ nhất,
Là không vô biên xứ. O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Nếu như chúng con muốn,
Chúng con trải cái biết,
Phủ trùm không bến bờ,
Để trú định thứ hai,
Là Thức vô biên xứ. O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Nếu như chúng con muốn,
Tâm lượng càng rộng mở,
Vượt thoát mọi đối tượng,
Sai biệt trong pháp giới,
Thấy rõ "không có gì"
Để trú định thứ ba,
Là vô sở hữu xứ. O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Nếu như chúng con muốn,
Chúng con vượt qua khỏi,
Vô sở hữu xứ định,
Dùng tâm vô lượng ấy,
Thấy biết cả pháp giới,
Để trú định thứ tư,
Phi tưởng phi phi tưởng. O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Nếu như chúng con muốn,
Chúng con sẽ tiếp tục,
An trú diệt tận định,
Thể tính lặng tuyệt đối.
Từ đó với trí tuệ,
Thấy biết đúng như thật,
Mà đoạn trừ vô minh. O
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Đó là hạnh phúc lớn,
Là an trú tối thượng,
Chúng con cùng thành tựu,
Không thấy hạnh phúc nào,
Bằng hạnh phúc ấy cả. O
***
Này các thầy Tỳ-kheo,
Các thầy đã thật sự,
Có hạnh phúc tuyệt vời,
Đã biết sống hòa hợp,
Giữa huynh đệ với nhau.
Sau khi đã ngợi khen,
Đức Thế Tôn ra về,
Các thầy ngồi quanh nhau,
Thầy A-nu-rud-dha
Lên tiếng rằng: Chẳng ai
Nói về điều sở đắc
Về quả vị chứng đạt,
Nhưng tâm tôi vẫn biết,
Tâm huynh đệ như thế,
Mà bạch cùng Thế Tôn,
Mọi chuyện rất rõ ràng. O
Lúc đó có Dạ-xoa
Tên Pa-ra-ja-na,
Đến chỗ Thế Tôn ở,
Đảnh lễ và tán thán,
Sự có mặt của người,
Cùng với các thầy đây,
Đem hạnh phúc lợi ích,
Cho dân chúng Va-di,
Đồng thời các cõi Trời,
Cũng chung nhau ca ngợi,
Thế Tôn và các thầy. O
Thế Tôn bảo Dạ-xoa
Này Di-gha hãy nhớ,
Nếu ai trong loài trời,
Cũng như trong loài người,
Nhớ đến ba thầy đây,
Với tâm niệm hoan hỷ,
Với tâm niệm cung kính,
Là tạo công đức lớn,
Người đó sẽ an lạc,
Sẽ hạnh phúc lâu dài. O
Hãy nhìn xem ba thầy,
Đã sống như thế nào,
Để thể hiện trọn vẹn,
"Lòng thương tưởng chúng sanh,
Vì an lạc hạnh phúc,
Loài Trời và loài Người.” O
Được Thế Tôn chỉ dạy,
Dạ-xoa rất vui mừng,
Tin nhận và làm theo,
Cuộc sống khéo hòa hợp,
Gương mẫu nhất trên đời! O
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO
[Chương trước][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][Chương tiếp theo]