KINH TỤNG HẰNG NGÀY - PHẦN CHÁNH KINH


27. KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

Thứ hai mươi bảy

Đây là những điều tôi nghe hồi Đức Phật còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây Kỳ-đà, tại thành Xá-vệ. Lúc đó có một vị tỳ-kheo tên là Thượng Tòa chỉ ưa ở một mình. Vị này thường ca ngợi hạnh sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai xong đi về một mình và ngồi thiền một mình. Bấy giờ có một số Tỳ-kheo tới nơi Phật ở, làm lễ dưới chân Phật, lui về một bên ngồi, rồi bạch với Người rằng: O

-Bạch Đức Thế Tôn có một vị Tôn giả tên là Thượng Toà, vị này ưa ở một mình, ưa ca ngợi hạnh sống một mình, một mình vào xóm làng khất thực, một mình từ xóm làng đi về trú xứ, một mình tọa thiền.

Đức Thế Tôn bèn bảo một vị Tỳ-kheo:

-Ông hãy tới chỗ mà Tỳ-kheo Thượng Tòa cư trú và bảo với vị ấy là Như Lai gọi.

Vị Tỳ-kheo vâng mệnh. Lúc ấy vị Tỳ-kheo Thượng Tòa liền đến chỗ Phật ở, làm lễ dưới chân Phật, ngồi xuống bên Phật. Khi đó Đức Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo Thượng Tòa về những gì mà các Tỳ-kheo khác đã thưa trình với Như Lai. Tỳ-kheo Thượng Tòa trả lời:

-Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.

-Ông sống một mình như thế nào?

-Bạch Thế Tôn, con chỉ sống riêng một mình, ca ngợi hạnh sống một mình, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, và một mình ngồi thiền.

-Ông đúng là người ưa sống một mình, Như Lai không nói là không phải. Nhưng Như Lai biết có một cách sống một mình thật sự mầu nhiệm. Đó là “quán chiếu để thấy rằng quá khứ đã không còn mà tương lai thì chưa tới, an nhiên sống trong hiện tại mà không bị vướng mắc vào tham dục.” Kẻ thức giả sống như thế tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu, mọi hối hận xa lìa hết, mọi tham dục ở đời cắt đứt tất cả những sợi dây ràng buộc và sai sử mình. Đây mới thật sự là cách sống một mình có ý nghĩa giải thoát. Không có cách nào sống một mình mà mầu nhiệm hơn thế. O

Rồi Đức Thế Tôn kết thúc lời dạy trên bằng bài kệ sau đây:

Quán chiếu vào cuộc đời

Thấy rõ được vạn pháp

Không kẹt vào pháp nào

Lìa xa mọi ái nhiễm

Sống an lạc như thế

Tức là sống một mình. O

Khi nghe Đức Phật dạy xong, Tỳ-kheo Thượng Tòa và tất cả đại chúng lấy làm vui mừng sung sướng, cung kính đảnh lễ Đức Phật và phát nguyện tu tập hạnh “người biết sống một mình” cho đến trọn đời. O

***

Một lần khác, lúc Đức Thế Tôn còn lưu trú tại Tinh Xá Kỳ Viên trong vườn Kỳ-đà tại thành Xá-vệ, Ngài gọi các vị Tỳ-kheo và thiện nam tín nữ rồi dạy rằng: O

Hôm nay Như Lai sẽ giảng rõ: “Thế nào là người biết sống một mình.” Trước hết Như Lai nói đại cương, sau đó Như Lai sẽ giải thích. Quý vị hãy lắng nghe.

-Bạch Thế Tôn, chúng con xin lắng nghe.

Khi ấy Đức Thế Tôn ân cần dạy rằng:

Đừng tìm về quá khứ,

Đừng tưởng tới tương lai.

Quá khứ đã không còn,

Tương lai thì chưa tới.

Hãy quán chiếu sự sống,

Trong giờ phút hiện tại.

Người tỉnh thức an trú,

Vững chải và thảnh thơi.

Phải tinh tiến hôm nay,

Kẻo ngày mai không kịp.

Cái chết đến bất ngờ,

Không sao mặc cả được.

Người nào biết an trú,

Đêm ngày trong chánh niệm,

Thì Như Lai gọi là

Người Biết Sống Một Mình O

“Này quý vị, sao gọi là tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như vậy và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì khi ấy người đó đang tìm về quá khứ.” O

“Này quý vị, sao gọi là không tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì khi ấy người đó đang không tìm về quá khứ.” O

“Này quý vị, sao gọi là tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: Trong tương lai hình thể ta sẽ được như thế này, cảm thọ ta sẽ được như thế này, tri giác ta sẽ được như thế này, tâm tư ta sẽ được như thế này, nhận thức ta sẽ được như thế này. Nghĩ như thế mà khởi tâm ràng buộc và mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì khi ấy người đó đang tưởng tới tương lai.” O

“Này quý vị, sao gọi là không tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: Trong tương lai hình thể ta sẽ được như thế này, cảm thọ ta sẽ được như thế này, tri giác ta sẽ được như thế này, tâm tư ta sẽ được như thế này, nhận thức ta sẽ được như thế này. Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc và mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì người đó trong lúc ấy đang không tưởng tới tương lai.” O

“Này quý vị, thế nào gọi là bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người không học, không biết gì về Phật, Pháp, Tăng, không biết gì về các bậc hiền nhân và giáo pháp của họ, không tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này, thì khi ấy người đó đang bị lôi cuốn theo hiện tại. O

“Này quý vị, thế nào gọi là không bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người có học, có biết về Phật, Pháp, Tăng, có biết về các bậc hiền nhân và giáo pháp của họ, có tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, không cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này, thì khi ấy người đó đang không bị lôi cuốn theo hiện tại.

Đó là Như Lai đã chỉ cho quý vị biết đại cương và giải thích rõ về thế nào là người biết sống một mình.”

Khi Đức Phật dạy xong, tất cả đại chúng xuất gia và tại gia đều hoan hỷ phụng hành. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][