KINH TỤNG HẰNG NGÀY - PHẦN CHÁNH KINH


47. KINH THỂ NHẬP “PHÁP MÔN KHÔNG HAI”

Thứ bốn mươi bảy

Lúc bấy giờ, Bồ-tát Duy-ma-cật hỏi các vị Bồ-tát rằng:

-“Thưa các Nhân giả! Vị Bồ-tát thể nhập pháp môn không hai như thế nào?” O

Trong pháp hội có vị Bồ-tát tên là Pháp Tự Tại nói:

-Thưa các Nhân giả! “Sanh,” “diệt” là hai Pháp vốn không sanh cũng không diệt, đặng vô sanh pháp nhẫn, đó là “pháp môn không hai.” O

Bồ-tát Đức Thủ nói:

-“Ngã,” “ngã sở” là hai. Nhân có ngã mới có ngã sở, nếu không có ngã thời không có ngã sở. Đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Bất Thuấn nói:

-“Thọ,” “không thọ” là hai. Nếu các pháp không thọ thời không có “được” nên không thủ xả, không tạo tác, không làm ra, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Đức Đảnh nói:

-“Nhơ,” “sạch” là hai. Thấy được tánh chân thật của nhơ thời không tánh sạch, thuận theo tướng diệt, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Thiện Túc nói:

-“Động,” “niệm” là hai. Không động thời không niệm thời không phân biệt; đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Thiện Nhãn nói:

-“Một tướng,” “không tướng” là hai. Nếu biết một tướng tức là không tướng, cũng không chấp không tướng mà vào bình đẳng, đó là vào pháp môn không hai. O

Bồ-tát Diệu Tý nói:

-Tâm Bồ-tát, tâm Thanh Văn là hai. Quán tướng của tâm vốn là không, như huyễn hóa thời không có tâm Bồ-tát, không có tâm Thanh Văn, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Phất-sa nói:

-“Thiện,” “bất thiện” là hai. Nếu không khởi thiện và bất thiện, vào gốc không tướng mà thông suốt được, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Sư Tử nói:

-“Tội,” “phước” là hai. Nếu không đạt được tánh của tội, thì tội cùng phước không khác, dùng trí tuệ kim cương nhận rõ tướng ấy, không thuộc không mở, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Tịnh Giải nói:

-“Hữu vi,” “vô vi” là hai. Nếu tất cả số thời tâm như hư không, dùng tuệ thanh tịnh không có chướng ngại, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Na-la-diên nói:

-“Thế gian,” “xuất thế gian” là hai. Tánh thế gian không, tức là xuất thế gian, trong đó không vào không ra, không đầy không vơi, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Thiện Ý nói:

-“Sanh tử,” “Niết-bàn” là hai. Nếu thấy được tánh sanh tử thời không có sanh tử, không buộc không mở, không sinh không diệt, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Hiện Kiến nói:

-“Tận,” “không tận” là hai. Pháp đến chỗ rốt ráo thời tận hoặc không tận đều là tướng “vô tận” tức là không, không thời không có tướng tận, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Phổ Thủ nói:

-“Ngã,” “vô ngã” là hai. “Ngã” còn không có thời là “phi ngã” đâu có được. Thấy được thật tánh của ngã không còn có hai tướng, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Điển Thiên nói:

-“Minh,” “vô minh” là hai. Thật tánh vô biên tức là minh, minh cũng không thể nhận lấy, lìa tất cả số, ở đó bình đẳng không hai, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Hỷ Kiến nói:

-“Sắc,” “không” là hai. Sắc tức là không, chẳng phải sắc diệt rồi mới không, tánh sắc tự không; thọ, tưởng, hành, thức cũng thế. Thức và không là hai, Thức tức không, chẳng phải thức diệt rồi mới không, tánh thức tự không. Đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Minh Tướng nói:

-“Tứ đại,” và “không đại” là hai. Tánh tứ đại tức là tánh không đại, như lớp trước lớp sau không thời lớp giữa cũng không. Nếu biết được thật tánh các đại thời là thể nhập pháp môn không hai. O

Bồ-tát Diệu Ý nói:

-“Con mắt,” “sắc trần” là hai. Nếu biết được tánh của mắt thời đối với sắc không tham, không sân, không si, vốn tịch diệt. Tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp cũng là hai. Nếu biết tánh của ý thời đối với pháp không tham, không sân, không si tức là tịch diệt. Đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Vô Tận Ý nói:

-“Bố thí,” “hồi hướng nhứt thiết trí” là hai. Tánh bố thí tức là tánh hồi hướng nhất thiết trí. Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, hồi hướng nhất thiết trí cũng là hai. Tánh trí tuệ tức là tánh nhứt thiết trí. Người ngộ nhập nhứt tướng như vậy là vào pháp môn không hai. O

Bồ-tát Thâm Tuệ nói:

-“Không,” “Vô tướng,” “vô tác” là hai. Không tức là vô tướng, vô tướng tức là vô tác. Nếu không vô tướng, vô tác thời không có tâm, ý thức. Một món giải thoát là ba món giải thoát, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Tịnh Căn nói:

-“Phật,” “Pháp,” “Tăng” là hai. Phật tức là Pháp, Pháp tức là Tăng. Ba ngôi báu ấy đều là tướng vô vi, cũng như hư không. Tất cả pháp cũng vậy, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Tâm Vô Ngại nói:

-“Thân,” “thân diệt” là hai. Thân tức là thân diệt. Vì sao? Thấy thật tướng của thân thời không thấy thân và thân diệt. Thân và thân diệt không hai, không khác, theo đó chẳng kinh chẳng sợ. Đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Thượng Thiện nói:

-“Thân thiện,” “khẩu thiện,” “ý thiện” là hai. Ba nghiệp này là tướng “vô tác.” Tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác của khẩu, tướng vô tác của khẩu tức là tướng vô tác của ý. Tướng vô tác của ba nghiệp này tức là tướng vô tác của tất cả pháp. Tùy thuận trí tuệ vô tác như thế là vào pháp môn không hai. O

Bồ-tát Phước Điền nói:

-Làm phước, làm tội, làm bất động là hai. Thật tánh của ba việc làm tức là “không,” “không” thời không làm phước, không làm tội, không làm bất động. Ở ba việc làm này mà không khởi là vào pháp môn không hai. O

Bồ-tát Hoa Nghiêm nói:

-Do “ngã” mà khởi ra hai. Thấy được thật tướng của “ngã” thời không khởi ra hai pháp. Nếu không trụ hai pháp thời không có “thức.” Không có tức là vào pháp môn không hai. O

Bồ-tát Đức Tạng nói:

-Có tướng “sở đắc” là hai. Nếu không có sở đắc thời không có lấy bỏ. Không lấy bỏ là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Nguyệt Thượng nói:

-“Tối” “sáng” là hai. Không tối, không sáng thời không có hai. Vì sao? Như vào định diệt thọ tưởng thời không có tối, không có sáng. Tất cả pháp tướng cũng như thế; chỗ vào bình đẳng ấy là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Bảo Ấn Thủ nói:

-Ưa Niết-bàn, không ưa thế gian là hai. Nếu không ưa Niết-bàn, không chán thế gian thời không có hai. Vì sao? Nếu có buộc thời có mở, nếu không buộc thì nào có cầu mở. Không buộc, không mở thời không ưa, không chán, đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Châu Đảnh Vương nói:

-“Chánh đạo,” “tà đạo” là hai. Ở chánh đạo thời không phân biệt thế nào là Tà, thế nào là Chánh, lìa hai món phân biệt đó là pháp môn không hai. O

Bồ-tát Nhạo Thật nói:

-“Thực,” “không thực” là hai. Người thấy thật tướng còn không thấy thật, huống là không thật thấy. Vì sao? Không phải mắt thịt mà thấy được, chỉ có mắt tuệ không có thấy mà chỗ nào cũng thấy cả, đó là pháp môn không hai. O

***

Trong pháp hội các vị Bồ-tát lần lượt trình bày con đường thể nhập pháp môn không hai. Có vị Bồ-tát hỏi Bồ-tát Văn-thù rằng:

-Theo hiền giả, thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai?

Bồ-tát Văn-thù nói:

-Đối với tất cả pháp không nói, không rằng, không chỉ, không biết, xa lìa các vấn đáp, đó là pháp môn không hai. O

Nói xong, Bồ-tát Văn Thù hỏi Bồ-tát Duy-ma-cật rằng:

-Chúng tôi đã tuần tự trình bày xong, giờ đến lượt Nhân giả nói: thế nào là Bồ-tát vào pháp môn không hai?

Bồ-tát Duy-ma-cật im lặng không nói. Bồ-tát Văn-thù khen rằng: “Hay thay, hay thay! Cho đến khi không có văn tự ngữ ngôn, đó mới thật là pháp môn không hai.” O

Nghe các vị Bồ-tát trình bày như trên, năm ngàn thính giả trong pháp hội đã thể nhập pháp môn không hai, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn. O

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (3 lần, xá 3 xá) OOO


[][Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục][