au khi đã nghiên cứu Kinh Tứ Niệm Xứ, bây giờ chúng ta nói
đến những bảo đảm về sự giác ngộ do chính Ðức Phật đã nói ra. Tuy
nhiên trước khi nói đến những bảo đảm này, chúng ta hãy ôn lại những
gì đã nghiên cứu.
Trong kinh này Ðức Phật giảng dạy về bốn pháp quán sát hay Tứ Niệm
Xứ trong hai mươi mốt cách khác nhau. Bốn pháp quán sát là quán sát thân,
quán sát thọ, quán sát tâm, và quán sát pháp (niệm thân, niệm
thọ, niệm tâm, niệm pháp).
1- Quán sát thân được mô tả trong mười bốn cách: quán sát hơi thở,
quán sát tư thế, chánh niệm tỉnh giác, quán sát thể trược, quán
sát tứ đại, quán sát chín đề mục tử thi.
2- Quán sát thọ được mô tả duy nhất một cách. Và quán sát thọ ở
đây là quán sát lạc thọ, khổ thọ và vô ký thọ.
3- Quán sát tâm: Tuy rằng tâm vương được nhấn mạnh ở phần quán sát này
nhưng tâm vương và tâm sở không tách rời nhau nên khi quán sát tâm vương
thì cũng quán sát luôn cả tâm sở.
4- Quán sát pháp được mô tả trong năm cách: quán sát năm chướng ngại,
ngũ uẩn thủ, sáu nội ngoại xứ, bảy yếu tố giác ngộ, và tứ diệu
đế.
Trong hai mươi mốt cách Thiền Minh Sát thì hành thiền quán sát hơi
thở, quán sát thân ô trược, chín đề mục tử thi có thể đắc các
tầng thiền. Những đề mục hành thiền còn lại chỉ có thể đưa
đến "cận định". Các nhà chú giải nói rằng theo ý kiến
của một vị thầy tên là Mahasiva, vị thầy tụng đọc Trường Bộ Kinh (Diigha
nikaya), thì chín đề mục tử thi được dạy để thấy những
điều khiếm khuyết xấu xa trong cơ thể. Theo ngài Mahasiva thì
chỉ có hai đề mục niệm hơi thở và suy niệm về cơ thể ô
trược có thể dẫn đến các tầng định trong khi hành thiền. Những
đề mục còn lại chỉ dẫn đến "cận định". Những lời dạy của
các nhà chú giải khiến nhiều người nghĩ đến rằng "cận
định" có thể xem như tương đương "sát na định" mà những
người hành Thiền Minh Sát kinh nghiệm. Thực ra cận định và sát na
định không giống nhau. Cận định phải có trước khi nhập định, và mười hay
mười chín đề mục không dẫn đến nhập định mà chỉ dùng để làm
đề mục cho Thiền Minh Sát.
Sau khi mô tả hai mươi mốt cách hành thiền đặt căn bản trên Tứ
Niệm Xứ, Ðức Phật đưa ra lời bảo đảm sau đây:
Này các thầy tỳ khưu, thật vậy, người nào thực hành Tứ Niệm Xứ
trong bảy năm có thể đạt được một trong hai kết quả: trí tuệ cao
nhất ngay trong hiện tại, hoặc nếu còn một ít ái dục thì đạt quả
bất lai.
Ở đây Ðức Phật bảo đảm rằng, khi bạn thực hành Tứ Niệm Xứ, bạn
có thể đạt được một trong hai kết quả: Alahán hay Anahàm. "Trí
tuệ cao nhất" có nghĩa là đạo tuệ của Alahán (Alahán
đạo tuệ). Thiền sinh nào thành công thì loại trừ tất cả phiền
não và trở thành một vị Alahán. Khi thiền sinh không thể loại trừ tất
cả phiền não hay vẫn còn một ít phiền não thì sẽ trở thành bậc
Anahàm (Bất lai) và không bao giờ tái sanh lại cõi trời và cõi người. Mặc
dầu ở đây chỉ nói đến hai tầng thánh cao nhất, nhưng như vậy không có
nghĩa là thiền sinh không đạt được hai tầng thánh thấp hơn. Nếu
không đạt được tầng thánh thứ nhất và tầng thánh thứ hai thì bạn không
thể nào đạt tầng thánh thứ ba và thứ tư.
Thật vậy, thiền sinh hành thiền Tứ Niệm Xứ trong bảy năm có
thể đạt được cả bốn tầng thánh và trở thành một bậc thánh nhân,
chứng ngộ Niết Bàn và đạt sự giải thoát.
Không cần phải bảy năm, này các thầy tỳ khưu, người nào thực hành
Tứ Niệm Xứ theo cách này trong sáu năm...năm năm... bốn năm... ba
năm...hai năm... một năm, thì có thể đạt được một trong hai kết
quả: trí tuệ cao nhất ngay trong hiện tại, hoặc nếu còn một ít ái
dục thì đạt quả bất lai.
Không cần phải một năm, này các thầy tỳ khưu, người nào thực hành Tứ
Niệm Xứ theo cách này trong bảy tháng...sáu tháng...năm tháng... bốn
tháng... ba tháng...hai tháng... một tháng, nửa tháng thì có thể đạt
được một trong hai kết quả: trí tuệ cao nhất ngay trong hiện tại,
hoặc nếu còn một ít ái dục thì đạt quả bất lai.
Không cần phải nửa tháng, này các thầy tỳ khưu, người nào thực hành Tứ
Niệm Xứ theo cách này trong bảy ngày thì có thể đạt được một trong
hai kết quả: trí tuệ cao nhất ngay trong hiện tại, hoặc nếu còn
một ít ái dục thì đạt quả bất lai.
Những lời nói trên chỉ dành cho những người có trí tuệ trung bình.
Ðối với những người có trí tuệ không sắc bén sẽ cần nhiều thời
gian hơn và đối với người có trí tuệ sắc bén và hiểu biết mau
lẹ sẽ tốn ít thời gian hơn. Người có trí tuệ sắc bén chẳng cần
đến bảy ngày để giác ngộ. Trong bài kinh thứ tám mươi lăm thuộc
Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaaya), Ðức Phật trả lời một câu hỏi của hoàng
tử Bodhi như sau:
"Này các thầy tỳ khưu, người nào có đủ năm đặc tính của sự
nỗ lực là đức tin, sức khỏe, sự chân thật, sức tinh tấn và trí tuệ,
và những người nào được Ðức Phật làm thầy hướng dẫn sẽ đạt quả Alahán
trong một thời gian ngắn từ bảy ngày xuống đến dưới một ngày". Cuối
cùng Ðức Phật nói: "Một tỳ khưu có thể đắc Alahán vào buổi
sáng sau khi được nghe lời chỉ dẫn vào buổi tối, hay có thể đắc quả
Alahán vào buổi tối sau khi được nghe chỉ dẫn vào buổi sáng."
[35]
Có nhiều người giác ngộ đạo quả trong một thời gian rất ngắn. Ðôi
khi họ chỉ lắng nghe Ðức Phật giảng giải và ngay sau khi bài pháp chấm
dứt họ đắc đạo. Một trong số những người này là Subhadda, một cựu đạo
sĩ, trở thành người học trò cuối cùng được chính Ðức Phật dạy
dỗ. Subhadda tin tưởng một tôn giáo khác và dường như không mấy kính
trọng Ðức Phật nhưng khi nghe Ðức Phật sắp nhập Niết Bàn, Subaddha tự
nghĩ: "Ta có một số nghi ngờ về những lời tuyên bố của những vị
giáo chủ các tôn giáo. Nhà ẩn sĩ Gotama có thể giúp ta phá tan sự nghi
ngờ này. Hơn nữa, những vị thầy của ta cũng đã nói rằng một người như
đạo sĩ Gotama thật hiếm khi xuất hiện trên thế gian. Có tin Ðạo
sĩ Gotama sẽ mất vào canh cuối đêm nay". Nghĩ như thế Subhadda bèn
đến nơi Phật đang ở và xin Ananda cho gặp Phật. Chỉ còn vài giờ nữa
Ðức Phật nhập Niết Bàn nên Ananda từ chối lời yêu cầu. Ðức Phật nghe
được câu chuyện bèn bảo Ananda để cho Subhadda vào gặp Ngài. Khi
được phép, Subhadda đến gần Phật và hỏi xem các vị giáo chủ cao quí
của các tôn giáo khác có thật sự đắc quả như họ đã tuyên bố không,
hoặc một số đắc, một số không. Ðức Phật không trả lời những câu hỏi này
mà chỉ dạy cho Subhadda chân lý rằng chỉ nơi nào có Bát Chánh Ðạo, nơi
đó mới có thánh nhân. Như vậy Ðức Phật đã trả lời câu hỏi của Subaddha
một cách gián tiếp.
Subaddha rất hoan hỉ với câu trả lời của Ðức Phật và xin Phật cho phép
ông ta gia nhập giáo hội. Ðức Phật dạy Ananda cho Subhadda xuất gia. Ngay sau khi
xuất gia Ðức Phật dạy Subhadda tham thiền và cho đề mục hành
thiền. Chú giải nói rằng Subhadda đã hành thiền trong thế kinh
hành. Có thể Subhadda kinh hành như các bạn đang tập bây giờ. Chỉ cần
một khoảng thời gian ngắn trong vòng vài tiếng đồng hồ, Subhadda khai
triển Thiền Minh Sát và đạt đến tầng thánh cao nhất. Subhadda là
đệ tử cuối cùng được chính Ðức Phật dạy dỗ.
Những người đã hành thiền trong các kiếp quá khứ và đã tích lũy
kinh nghiệm có thể giác ngộ trong một thời gian ngắn. Những người
không có kinh nghiệm trong các kiếp quá khứ cần phải bỏ ra nhiều
thời gian tu tập mới có thể giác ngộ đạo quả.
Trong phần đầu kinh này đã nói rằng kinh này được thuyết ra ở xứ
Kuru cho dân Kuru thực hành. Xứ Kuru được tìm thấy gần New Delhi, Ấn độ.
Xứ này tiếng Sanskrit gọi là Indraprasttha. Tại sao Ðức Phật dạy kinh
Tứ Niệm Xứ cho người Kuru? Phải chăng đây là việc tình cờ? Chú giải
cho biết không phải như vậy. Kuru là một xứ có khí hậu tuyệt hảo,
không quá nóng cũng không quá lạnh, và người Kuru sống thoải mái với thực
phẩm sung túc của mình. Nhờ có được những tiện nghi vật chất và
điều kiện thuận tiện nên dân xứ này cả tinh thần lẫn vật chất
luôn luôn an lạc hạnh phúc. Nhờ thân tâm khỏe mạnh nên sức mạnh trí tuệ
trưởng thành để có thể hấp thụ những lời dạy thâm sâu về
phương pháp thực hành chánh niệm của đức Phật. Ðây là lý do tại
sao Ðức Phật đã dạy kinh Tứ Niệm Xứ cho dân chúng ở đây.
Nhưng điều này không có nghĩa là Ðức Phật chỉ dạy kinh Tứ Niệm
Xứ cho riêng dân Kuru. Trong suốt bốn mươi lăm năm giảng dạy, Ðức Phật đã
giảng dạy phương pháp chánh niệm tại nhiều nơi trong nhiều trường
hợp khác nhau. Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Sa"myutta Nikaaya) có chương
nói về thiền Tứ Niệm Xứ. Trong đó có một trăm lẻ bốn kinh phần
nhiều là những kinh ngắn được giảng dạy tại nhiều nơi khác nhau. Chỉ
riêng ở xứ Kuru Ðức Phật dạy kinh Tứ Niệm Xứ với nhiều chi tiết
hơn. Chú giải nói rằng dân Kuru đã sống trong một nơi có khí hậu tốt cùng
lương thực đầy đủ, nhờ thế mà tâm họ trưởng thành, tất cả dân
chúng mọi tầng lớp trong xứ Kuru đều thực hành Tứ Niệm Xứ.
Nếu ai được hỏi là có hành thiền Tứ Niệm Xứ không, và nếu
trả lời là không, thì dân xứ đó sẽ đến gần và dạy họ cách hành
thiền. Nhưng nếu họ trả lời rằng họ đã hành thiền Tứ
Niệm Xứ như thế này như thế kia... thì sẽ được mọi người
khen ngợi: "Lành thay ! Ðời sống bạn thật nhiều phước lành, thật giá
trị. Bạn đã xử dụng tốt đẹp kiếp sống làm người của bạn. Chính vì
những người như bạn mà Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian
này".
Chú giải đã đi xa hơn và nói rằng: "Ngay cả thú vật ở xứ Kuru cũng
thực hành Tứ Niệm Xứ". Chú giải có nói chuyện con két hành
Thiền Minh Sát. Có một vũ công sống đời lang bạc. Anh đi từ nơi này
đến nơi kia. Anh nuôi một con két và huấn luyện két nói chuyện, ca
hát, nhảy múa. Người vũ công đi đến đâu đều vào chùa và ni
viện để ở, vì ở những nơi đó anh có đủ thực phẩm để dùng và
có chỗ để nghỉ ngơi. Lần nọ, anh trú tại một nữ tu viện trong
một thời gian, khi ra đi anh bỏ quên con két lại đó. Két được những sa di ni
chăm sóc và được đặt tên là Buddharakkhita. Ngày nọ két đậu trước
mặt vị ni trưởng. Vị ni trưởng hỏi két: "Ngươi có biết hành
thiền không?" Két trả lời: "Không". Vị ni trưởng nói:
"Ai sống với các nhà sư và sư cô thì không được thất niệm, nhưng
vì ngươi thuộc loài chim nên không thể hành thiền được nhiều.
Ngươi chỉ cần lập đi lập lại chữ: 'Xương, xương, xương' là đủ".
Thế rồi vị ni trưởng dạy cho két hành thiền về cơ thể ô
trược. Két tiếp tục lập đi lập lại: "Xương, xương, xương".
Một hôm, két đang đậu trên cổng tắm nắng thì một con chim lớn sà xuống,
dùng móng quắp két mang đi. Nghe tiếng kêu của két, các sa di ni la lên:
"Buddharakkhita bị chim vồ" đồng thời lấy cây và đá đe dọa chim
lớn khiến chim lớn thả két ra. Khi các sa di ni đem két đến ni trưởng,
ni trưởng hỏi két: "Buddhrakkhita, ngươi nghĩ gì khi bị chim lớn bắt đi?
". Két trả lời: "Tôi chẳng nghĩ gì ngoài việc thấy một bộ
xương đang mang một bộ xương khác bay đi. Tôi chẳng biết khi nào bộ
xương này sẽ bị tan rã. Ðó là điều độc nhất mà tôi nghĩ trong khi bị
chim lớn tha đi". Vị ni trưởng lấy làm hài lòng nói với két:
"Ðiều này sẽ là nhân lành giúp ngươi chấm dứt đau khổ trong tương
lai".
Ðó là câu chuyện về con két thực hành Tứ Niệm Xứ.
Người xứ Kuru đã được may mắn nhờ khí hậu tuyệt hảo, lương thực
đầy đủ và những tiện nghi tốt đẹp khác nên họ hành thiền tốt
đẹp. Các bạn ở Mỹ cũng như ở trong các xứ Tây phương sống trong những xứ
có khí hậu tuyệt hảo, ít nhất cũng là khí hậu tuyệt hảo trong nhà,
có lương thực đầy đủ và những tiện nghi tốt đẹp khác thì thế
nào? Ngay cả những nơi có khí hậu khắc nghiệt, quá nóng hay quá lạnh,
các bạn cũng có thể kiểm soát nhiệt độ trong nhà bằng máy
điều hòa. Khi quá nóng, các bạn mở máy lạnh, khi quá lạnh các bạn mở
máy sưởi. Như vậy, cũng như dân Kuru, các bạn ở Mỹ và ở các xứ Tây
phương sống trong khí hậu thật tốt đẹp. Thực phẩm ở Mỹ và các xứ Tây
phương cũng thật đầy đủ và ngon lành. Ngay cả khi các bạn phải ăn kiêng
cữ theo lời bác sĩ, các bạn cũng có thể ăn những thực phẩm thích hợp
với sức khỏe của mình. Ngoài ra, còn biết bao tiện nghi khác mà người
Tây phương đã có được. Người Tây phương còn có nhiều may mắn và cơ
hội thuận tiện để hành thiền hơn người Kuru nữa. Có lẽ Thiền
Minh Sát thích hợp với dân Tây phương hơn là dân ở các xứ khác.
Một phong tục đối với những tác giả phật tử là bày tỏ lòng tôn kính
đến Phật, Pháp, Tăng hay đôi khi với cả thầy giáo của họ và những
vị thầy khác trước khi viết sách. Ðiều này được làm với hai lý
do. Thứ nhất, người viết không gặp nguy hiểm hay trở ngại trong khi
viết sách. Thứ hai, cuốn sách có kết quả tốt đẹp vào lúc cuối.
Chúng tôi đã thành kính tri ân Phật, Pháp, Tăng ở phần đầu cuốn sách này
và phước lành của lòng tôn kính Tam Bảo nay đã trổ quả. Chúng ta đã
đến đoạn cuối của bản kinh và đoạn cuối của phần diễn giải.
"Con xin thành kính làm lễ Ðức Thế Tôn,
Ngài là bậc Alahán cao thượng, đấng Chánh Biến Tri"
Cảm ơn các bạn đã cho tôi cơ hội để chia xẻ với các bạn những
điều hiểu biết về giáo pháp và thực hành của tôi. Tôi
đến xứ sở này là để cống hiến dân chúng ở đây những gì mà
chúng tôi có thể cống hiến. Xin cảm ơn tất cả những vị đọc cuốn
sách này.
Kinh Tứ Niệm Xứ có phần kết luận giống như phần mở đầu:
"Ðây là con đường duy nhất để thanh lọc (tâm) chúng
sanh, chấm dứt lo âu phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và
khổ tâm, đạt Thánh Ðạo và Giác ngộ Niết Bàn. Ðó là Tứ Niệm
Xứ."
Ðức Thế Tôn đã thuyết như vậy. Các Thầy tỳ kheo hoan hỉ tín
thọ lời dạy của Ðức Thế Tôn.