ột trong những
vấn đề quan trọng nhất trên con đường tu tập của chúng ta đó chính
là làm thế nào để có được những hành động đóng góp hữu hiệu
và thích đáng đối với thế giới chung quanh bằng một lý tưởng sống
đặt cơ sở trên trí tuệ thiền định: vô cầu, vô chấp cùng với một
trí tuệ thấu suốt bản chất rỗng tuếch của vạn hữu. Ở đây
chúng ta cần phải có một câu hỏi rằng có sự khác biệt nào giữa những
tâm hồn vẫn dấn thân cô độc trên con đường giải thoát.
Ðể trả lời câu hỏi này, trước hết, chúng ta cần phải biết qua
bài học về Bốn Pháp Phạm Trú (tức bốn pháp Tứ vô lượng tâm): Từ,
Bi, Hỷ, Xả, cùng những hình thái đối lập chúng, mà gọi theo từ
chuyên môn trong Kinh điển thì là "Những kẻ thù gián tiếp".
Những hình thái ý thức mang tính đối lập này xem ra có vẽ gần gũi với
các pháp Phạm trú tương ứng và có thể nói rằng giữa cả hai có một
giới tuyến rất khó khu biệt. Ngay bây giờ chúng ta hãy bắt đầu đi
thẳng vào từng vấn đề một.
Kẻ thù gián tiếp lòng Từ là sự ái luyến. Về hình thức, sự ái
luyến rất dễ khiến ta nhầm lẫn nó với Từ tâm. Khi ta nói: "Tôi
sẽ yêu em nếu em yêu lại tôi", thì đó chính là lòng ái luyến,
hoặc nếu là lòng Từ thì đó cũng chỉ là thứ lòng Từ mang tính đổi
chác, bán buôn. Hay đại loại những suy nghĩ: "Tôi sẽ thương hắn cho
đến khi nào hắn vẫn như bây giờ; tôi sẽ thương cô ta nếu như cô ta
có được những cái tôi thích;... " Tất cả những suy nghĩ như vậy hoàn
toàn không hề là Từ tâm, mà chỉ là lòng ái luyến. Thực ra giữa Từ
tâm với lòng ái luyến có một sự khác biệt rất lớn: một bên là bao
gồm tính vị tha, tôn trọng và hiểu biết, còn một bên là sự chấp
thủ, đòi hỏi và vụ lợi, hay ít nhất cũng là một ý đồ toan tính nào
đó. Một khi chúng ta bị nhầm lẩn Từ tâm với sự ái luyến thì mối quan
hệ giữa chúng ta với mọi người chung quanh tự nhiên sẽ có một khoảng
cách, bởi vì cái gọi là tình thương của chúng ta đối với tha nhân lúc
này rất có thể bất đồng mang ý nghĩa vụ lợi. Và cái gọi là
lòng Từ đó bây giờ tuyệt đối còn không đáng được gọi là Từ Vô
Lượng tâm nữa rồi bởi đối tượng của nó chỉ dành riêng cho một số người
mà thôi.
Một lòng Từ thật sự phải là thứ tình thương bao la, không phân biệt
với một khả năng giao hòa ở khắp mọi đối tượng, không bị lệ thuộc
và giới hạn bất cứ một điều kiện gì. Trong tinh thần Từ tâm đó
chúng ta có thể bao dung cho tất cả những người mà trước đây mình chưa
hề có thiện cảm. Chúng ta có thể không song hành, cộng tác hay
chung sống với họ nhưng hãy tự học hỏi cách tha thứ cho họ. Một
lòng Từ thực sự và đúng mức có thể trở thành một điều kiện
tối ưu để ta hoán chuyển mọi tình huống. Từ tâm không hề mang
ý nghĩa một sự đồng tình mang tính thụ động. Nó phải là một sức mạnh
năng động và trong cuộc tu của mỗi người nó là một sự cãm nghiệm
hướng đạo. Trong Thánh kinh Tân ước và cả Meher Baba cũng đều nói rằng
một tình thương thật sự không bao giờ bị chiến bại và khuất phục. Ðại
ý của câu nói đó có ý nghĩa rằng một tình thương có đủ những chi
tiết như vừa nói trên thì không một trở lực có thể làm rào cản ảnh
hưởng đến nó đuợc. Thậm chí một tình thương thật sự luôn đủ là câu
trả lời cho mọi vấn đề. Ðó là một quy luật quan trọng và cũng
là một bài học tâm linh mà mỗi người chúng ta phải thuộc nằm lòng.
Chính Ðức Phật cũng đã dạy: "Thù hận không thể được chấm dứt
bằng thù hận mà chỉ có thể bằng tình thương thôi".
Kẻ thù gián tiếp của Bi Tâm chính là lòng thương hại tiêu cực, một
kiểu bi lụy hay xúc động nữ tính. Thay vì là một thái độ trắc ẩn, xót
thương của một tấm lòng phơi mở, người có thói quen mềm lòng bi lụy
lại còn có thêm những phản ứng yếu đuối dưới một hình thức biểu
hiện nào đó. Mà thái độ bi lụy kiểu này thì quả thật không cần
thiết trước những đau khổ của tha nhân. Nó chỉ làm khoảng cách giữa ta
với người mỗi lúc một lớn rộng thêm thôi. Có nghĩa rằng chúng ta vẫn
chỉ là một khán giả xa lạ trước nỗi đau của người khác. Ở đây,
với một định nghĩa chín chắn hơn, Bi tâm là sự cảm thông trọn vẹn và
đầy hiểu biết trước một hình ảnh thương tâm. Chúng ta bình tĩnh san
sẻ nỗi đau khổ của người với một sớt chia nhiều ý nghĩa: Ta rất
hiểu nỗi đau đó bởi nó cũng là cái giá phải trả cho một kiếp
người và chính ta, trong cuộc đời mình, dĩ nhiên cũng luôn sẵn sàng nếm
trải nó!
Như vậy Bi tâm là một lòng bất nhẫn hết sức đặc biệt bởi đối
tượng và tác động của nó không chỉ dành riêng cho ai hết. Mà nét đặc
biệt hơn nữa là Bi tâm hoàn toàn sẵn sàng phơi mở trước mọi đối
tượng cùng tình huống đã đành, Bi tâm ở đây còn là một thái độ sẵn
sàng dung chứa, độ lượng, thậm chí chào đón tất cả khổ lụy trần gian vào
trái tim mình để nuôi lớn trí tuệ cảm thông!
Pháp Phạm Trú thứ ba còn được gọi là Hỷ tâm, nhưng để rõ
nghĩa hơn, ta có thể gọi là Tùy Hỷ. Ðó là một tâm trạng luôn
sẵn sàng chung vui một cách chân thành trước những hạnh phúc của người
khác. Tâm thái có nguy cơ phương hại cho Pháp Phạm trú này là tâm lý
đố kỵ, so đo. Nó buộc ta có những tự ti hay tự tôn khi nhìn về
người khác. Và dĩ nhiên trong môt tâm lý sống như vậy, coi như mối
tương quan giữa chúng ta với tha nhân đã có vấn đề, và điều có
nghĩa là ta cũng đã tự cô lập mình với cuộc đời chung quanh rồi. Bởi chính
bản chất của tâm trạng so mình với người về những thành đạt hạnh phúc,
một tâm nặng tính bản năng, đã là cội nguồn cho biết bao nổi khổ tâm,
cực lòng của chúng ta. Thay vì một tấm lòng Tùy Hỷ thiệt thà, chúng
ta có thể tìm được vô vàn niềm vui có được từ sự san sẻ và giao
hòa với hạnh phúc của tất cả chúng sanh vì ta đã học được cách lấy
niềm vui của người làm niềm vui cho mình, giao cảm với muôn loài và
niềm hạnh phúc của bất cứ ai cũng có thể mang lại cho ta nụ cười
thật sự.
Cuối cùng chúng ta lại nói về Pháp Phạm trú thứ tư, tức Xả Phạm trú,
một tâm thái an nhiên và điềm tĩnh không bị tác động với một thứ tình
cảm sôi động nào. Kẻ thù dấu mặt, tức tâm trạng đối lập tinh vi đối với
Pháp Phạm trú này chính là thái độ vô tâm, thiếu trách nhiệm. Chúng
ta thường thấy ở nhiều người hoặc thậm chí ngay ở bản thân mình vẫn
luôn có thái độ tâm lý này, từ chính đời sống cá nhân cho đến
các mối quan hệ khác: gia đình, công việc và xã hội. Thái độ
thiếu trách nhiệm đó cứ liên tục gây tạo ở chúng ta những nếp
sống, nếp nghĩ, thì ở với mọi sự, coi như tất cả chẳng dính dáng gì
đến mình. Suy cho cùng, đó là một thái độ sống trốn chạy, tiêu cực và
lười nhác. Trong khi một đời sống nội tâm có ý nghĩa đích thực luôn
đòi hỏi chúng ta một xung phong năng động, tích cực và bản lĩnh dấn thân.
Chúng ta thường mắc phải một sai lầm khi cứ nghĩ rằng lối sống vô tâm và
thiếu trách nhiệm đó có thể mang lại cho mình một cảm giác thanh
thản, an bình cụ thể. Nhưng chúng ta có biết đâu rằng một nếp
sống bỏ ngỏ như vậy luôn có phương hại và làm cách ly cảm nghiệm của
chúng ta về thực tại, đồng thời nó cũng làm vô hiệu hóa sức sống
bản thân.
Một tâm Xả phạm trú chín chắn không hề là môt thái độ trốn chạy,
mà ngược lại, là một khả năng phơi mở toàn bộ nhân sinh quan của chúng ta.
Xả phạm trú luôn có tác dụng giàn xếp cuộc sống của chúng ta bằng một
nguồn tâm lực luôn được quân bình, cộng thêm một cái nhìn sáng suốt
về bản chất của tất cả vạn hữu. Dầu cho vạn vật trên đời chỉ là những
hình sương bóng khói nhưng ít ra, chúng ta cũng phải cần đến một sinh
phong hợp lý với tất cả sự trân trọng. Ðạo Nguyên, là một thiền
sư trứ danh của Nhật Bản đã từng có câu nói hết sức thâm thúy:
"Các đóa hoa dù có rụng xuống thì đời vẫn thương chúng, còn cỏ dại
dù có xanh tốt đến mấy cũng chẳng có ai thương". Ðó là thói đời,
khi biết đem áp dụng Xả phạm trú vào chính đời sống của mình, thì
chúng ta có thể nhận hiểu được một vấn đề sâu sắc rằng cái
gọi là Thế Giới chẳng qua chỉ là một tập hợp của những hiện
tượng rỗng tuếch và vẫn với trình độ trí tuệ đó, chúng ta sẽ
sống hết mình với thực tại bằng chính sự giao cảm trọn vẹn với nó.
Xả phạm trú là vòng tay bao dung có thể ôm trọn vạn hữu một cách
bình đẳng: thương và ghét chỉ là một, ở đây không có gì là để ta
đồng tình hay chống đối một cách nông nỗi, trẻ con - hạnh phúc và đau
khổ,... tất cả đều được xem là đồng trị.
Trở lực của các Pháp Phạm trú cùng là con đường đưa ta đến những
âu lo, sợ hãi. Một đời sống tinh thần thực sự có ý nghĩa thì không
hề là một thái độ lánh mặt hay dấu mình để được một mình đứng
ngoài tất cả những biến động của đời sống. Ðó phải là một nếp
sống phơi mở một cái nhìn thấu thị về thế giới xuyên qua bản chất
vô ngã của nó, một cái nhìn không phải vay mượn một lăng kính cực đoan
nào về bản chất sinh diệt tương tục của cuộc đời. Giải thoát, theo
dịnh nghĩa ở đây, là một cuộc khám phá để tìm ra một bến bờ tự do
ngay trong chính thế giới tâm sinh lý của mỗi người. Một vị
thiền sư, mới đây thôi, trong một bài giảng về tinh thần hòa ái, giao
cảm của thiền định Phật Giáo, đã giải thích vấn đề bằng một hình
ảnh hết sức đơn giản nhưng thú vị: ông đưa hai bàn tay mình lên và
tạm thời nói với các thính giả rằng trước mặt mọi người bây giờ đã
có thêm hai người nữa. Ông gọi bàn tay phải của mình là chàng Gertrude
còn bàn tay trái là chàng Harry. Rồi ông tự thực hiện một cuộc đối
thoại giữa hai "diễn viên" tưởng tượng đó về những sở thích
khác biệt nhau của hai người. Toàn thể thính giả cười ầm lên. Vị
thiền sư vẫn điềm nhiên: Chúng ta là như vậy đó. Ai cũng chỉ là
những diễn viên trên sân khấu cuộc đời này thôi, và quên hết những
người khác!
Thái độ sống tách mình, ích kỷ, luôn là cội nguồn cho tất cả buồn
đau trên thế giới này. Ðể có thể thực hiện một đời sống
tâm linh lý tưởng ta phải học được cách chấp nhận cho tất cả bề
trái của đời sống và mang hết những biến động của cuộc đời vào cả
trái tim mình bằng một tâm hồn bao dung vời vợi. Có được một sinh phong
trọn vẹn như vậy, chúng ta đương nhiên trở thành một vị Bồ Tát, một
con người thiết tha với lý tưởng giải thoát cho mình và cho đời.
Suzuki-roshi cũng đã từng nói: "cho dù mặt trời có mọc lên từ hướng
tây, thì lý tưởng của một vị Bồ Tát cũng không vì vậy mà thay
đổi". Quả đúng như thế, dầu có phải đối đầu với những tình
huống tệ hại nhất, dầu cho trời đất vũ trụ có cùng lúc đổi thay
đến mức nào đi nữa thì một vị Bồ Tát thật sự vẫn không hề thay
đổi con đường của mình: con đường của từ bi và trí tuệ.
Lần đó, ở Ấn Ðộ, tôi đã trao đổi với một vị thiền sư bản xứ,
Vimala-thakar, về vấn đề Thiền Ðịnh cùng các biến động trên
thế giới. Vimala trong nhiều năm trời liên tục đã từng làm việc
chung với các đồ đệ của thánh Gandhi trong các tổ chức tái thiết
Ấn Ðộ và đồng thời bà cũng có một thời gian dài học hỏi Thiền
Ðịnh với Krishnamurti. Thế rồi sau những năm tháng làm thiền sư, bà
lại quay sang các công tác từ thiện xã hội, dành nhiều thời gian cho
công việc này hơn cả công việc của một thiền sư. Tôi hỏi bà tại
sao bà lại thay đổi nếp sống như vậy, một nếp sống mà bà đã bỏ ra
quá nhiều thời giờ để đầu tư, có phải bà đã thấy rằng thiền
định chỉ là một lý tưởng sống chật hẹp, mơ hồ, khiến bà tìm
đến một hướng sống khác cụ thể hơn. Trong câu trả lời cho tôi, bà
Vimala một mực khẳng định rằng: Ðối với bà, trước sau chỉ có một nếp
sống mà thôi. Bà nói:
-- Tôi luôn yêu thương cuộc đời và nếu cần cũng có thể nói tôi
là một tình nhân của đời sống. Tôi không thể tách mình ra khỏi bất cứ
hoạt động lợi sinh nào. Tôi muốn mình luôn đáp ứng những gì cuộc đời cần
đến: Ai đói thì tôi cho họ ăn, còn ai khao khát chân lý thì tôi
sẽ giúp họ khám phá ra nó. Như vậy lý tưởng sống của tôi trước sau
vẫn chỉ là một phải không, thưa ông?
Sufis cũng đã nói rằng: "Hãy tán tụng đấng Allah rồi mới bắt đầu
làm việc". Cuộc tu của chúng ta gồm có hai phần: Những công phu mang
tính hình thức hoặc những công phu mang tính tự lợi và bên cạnh đó phải là
những phụng sự cho tha nhân dù ở bất cứ hình thức nào. Hãy có một nếp
sống Thiền Ðịnh, một cảm nghiệm tâm linh chính chắn nhưng đồng thời
ta cũng phải tự biết tranh thủ thể hiện lý tưởng sống đó qua
những hoạt động điển hình. Một nhận thức đúng đắn luôn có tác dụng
làm quân bình trí tuệ về quy luật với khả năng yêu thương tất cả
Hiện Tượng Sống. Trí tuệ về Vô Ngã là khả năng đánh giá bản
chất của đời sống như những bọt nước trên một dòng chảy, sự tồn tại
tương đối và đắp đổi của ánh sáng với bóng tối, một giấc mơ hão
huyền không thực. Trí tuệ đó dạy ta thấy được tia sáng bé nhỏ của
một vì sao trong một không gian bao la vời vợi với vô vàn thiên thể và
ngân hà, nó dạy cho ta hiểu rằng kiếp người chỉ là một phút giây
ngắn ngủi so với tuổi thọ của địa cầu. Với nhãn quan này, chúng ta có
thể vất đi những gánh nặng tâm lý của bản thân, mà nó theo Don Juan
thì đó là một khám phá kỳ thú giúp ta tự có được một bản lãnh dấn thân
vào cuộc đời với tất cả sự nhẹ nhàng và thanh thản nhất.
Nói một cách khác, tiêu điểm lý tưởng của Thiền Ðịnh về
lý Vô Ngã là buộc ta biết nhận chân giá trị thật sự của đời sống,
cho dù nó có ngắn ngủi đến mấy đi nữa; và bằng vào trí tuệ của
bản thân, ta phải hiểu được một cách sâu sắc sức tác động của từng
sinh hoạt và ngôn ngữ của mình đối với vạn loài. Trong vũ trụ này, thực ra,
không có một thứ gì là vô nghĩa hay vô nghiệm cả, cho nên trong mọi
hướng hành động, chúng ta phải luôn nghiêm cẩn đồng thời trân trọng
nhân cách hóa tất cả những gì mà xưa nay hầu như ai cũng xem thường hoặc
lãng quên... Ðiều đó đi ra từ một nguyên do rất dễ hiểu là không
mấy người biết quan tâm đến một sự thật hết sức hiển nhiên:
Bất cứ cái gì tồn tại đều luôn có một sức sống, mà mọi sức sống
đều cần phải được trân quý.
Chúng ta có thể hình dung ra vấn đề này rõ ràng hơn qua hình ảnh
một hành giả ẩn cư trong một sơn động xa khuất nào đó. Dầu đã cách ngăn
với cuộc đời tục lụy nhưng giữa vị hành giả với sơn động kia vẫn có một
mối giao hòa nhất định. Ðại khái con người nói riêng và vạn vật nói chung
tuyệt đối không thể hoàn toàn cách ly và phủ nhận nhau được.
Một vấn đề hết sức quan trọng ở đây là làm thế nào đó
để chúng ta cùng lúc kết hợp nhuần nhuyễn một tâm hồn biết yêu
thương với trí tuệ Thiền Ðịnh về bản chất phù du, vô ngã của
đời sống. Nếu chỉ có được một trong hai thì xem như ta đã rơi vào một
cực đoan. Mà điều ác nghiệt là một chọn lựa vào trong hai lý
tưởng này cũng đều có vẻ hợp lý và đầy tính thuyết phục cả.
Ðể giải quyết vấn đề nan giải đó, ta hãy tìm đến một nhãn
trường khách quan và từ một góc độ thích hợp để có thể rõ toàn
bộ cục diện của vấn đề: Có phải thế giới hôm nay có thể
được giàn xếp ổn thỏa một cách đơn giản bằng những thuốc men, máy
móc, nhà ở và thực phẩm hay không? Dĩ nhiên là không. Bởi vì mọi vấn
đề chỉ có thể giải quyết bằng một biện pháp tối ưu nào đó
mà thôi: Thực phẩm chỉ giải quyết được nạn đói, thuốc men chỉ giải
quyết được vấn đề bệnh tật... mà cội nguồn thật sự cho tất cả
khổ lụy trên thế giới, vốn không chỉ bị khai sinh từ các tác động vật
chất. Bất cứ khi nào nhân loại còn bị ám ảnh bởi những tâm lý xuẩn
động, thành kiến và sợ hãi vớ vẫn thì tất cả các khổ lụy vẫn tiếp
tục có mặt.
Từ những tình cảm thiên lệch và mê muội, chúng ta chỉ sống với
mỗi một lý tưởng thấp kém là đầu tư tất cả phương tiện vật
chất. Bằng vào ảo tượng về khái niệm biên giới quốc gia, con người
đã liên tục gây nên những cuộc chiến tranh đẫm máu, để rồi xem nhau
như những kẻ thù xa lạ ngay trên chính một địa cầu mà tất cả đang sinh
sống với nhau. Mặc dầu việc cải thiện những cơ chế chính trị và
kinh tế là một vấn đề quan trọng nhưng nếu chỉ riêng chừng
đó thì những nỗ lực, kể cả bằng thiện chí, vẫn chưa đủ là
những biện pháp tối ưu bởi vì cội nguồn thật sự của tất cả những vấn
đề rắc rối trên thế giới như chiến tranh hay đói kém còn có một
phần căn cội cơ bản nằm ngay trong chính tâm hồn của mỗi người. Ta có
thể nói rằng trên thế giới hôm nay nhu cầu về dầu hỏa xem ra vẫn
không nghiêm trọng, mà ngược lại nhân loại đang cần đến rất
nhiều giá trị tâm linh mang tính sinh tồn. Ðó là một trái tim biết
yêu thương, một tâm hồn hào sảng một khả năng hy sinh và trên hết,
chính là những hiểu biết đúng đắn. Từ đó, công việc tối
trọng của chúng ta là những nỗ lực tự tu và tiếp dẫn người khác
vượt thoát được tầm tác động của những ham muốn và sợ hãi. Việc này
ngoài ý nghĩa tự độ, còn nhắm vào ý nghĩa dàn xếp, cứu chuộc
nhân loại một cách hữu hiệu. Nhưng nếu chúng ta không thực hiện
được điều đó thì ta có thể mong đợi được người khác hay không? Sự
tu dưỡng và hoán chuyển nội tâm mình là bổn phận quan trọng nhất
trong đời sống chúng ta. Từ cách nhìn này, rõ ràng là đời sống hướng
đến sự thăng hoa tâm linh không hề dành riêng cho bất cứ ai hết.
Nó chính là phản ứng tất yếu và cần thiết cho đời sống của mỗi
người.
Như đã nói, tình thương lợi tha và trí tuệ Vô Ngã nếu không
được kết hợp một cách đúng mức thì ta sẽ dễ dàng đưa đến một
cực đoan. Chúng ta phải có một lần nào đó tận mắt chứng kiến những
thảm cảnh ở Campuchia, những cuộc bạo động ở Trung Mỹ, những cuộc đói kém
ở Trung Phi, mới có dịp thấy rằng hầu hết những đau khổ đó đều nảy
sinh ra từ những đầu óc mù quáng, mê muội. Chỉ riêng tại Ấn Ðộ, đã
có đến 360 triệu người thường xuyên thiếu ăn, mỗi ngày chỉ
làm việc vừa đủ để để kiếm được một bữa ăn. Tại Calcutta,
tôi đã từng gặp một ông lão 64 tuổi chyên sống bằng nghề kéo xe và đó
là nghề nghiệp duy nhất của ông trong suốt 40 năm trời để nuôi
mười miệng ăn trong nhà. Có lần ông bị ngã bịnh phải nằm nhà mười hôm
và chỉ trong một tuần lễ sau, cả gia đình không còn lấy một đồng và phải
nhịn đói. Chúng ta có thể làm được gì trước những bi kịch này của xã
hội, trong khi mỗi ngày ta ta vẫn không ngừng đổ tiền vào những đầu
đạn hạt nhân? Thật là phi lý khi mỗi ngày trên thế giới cứ
mỗi phút có đến 40 em bé tắt thở vì thiếu ăn, thì cùng lúc đó,
cứ mỗi phút, người ta lại bỏ ra khoảng 15 triệu đô la để chế
tạo vũ khí. Khi các bạn đang đọc những dòng này thì tình trạng đau xót
trên đây vẫn đang tiếp diễn!
Tính cho đến hôm nay, trên thế giới đã có hàng trăm triệu
người đang bị chết đói và suy dinh dưỡng. Ðó là những gì vẫn xảy ra
hằng bữa cho một số đông đồng loại của chúng ta. Họ có khác gì chúng
ta đâu: Vẫn là những hình hài với mắt, tai, mũi, họng và lục phủ ngũ
tạng. Bên cạnh đó cũng có hàng trăm triệu người khác nghèo khổ
đến mức áo quần tả tơi, thiếu thốn cùng cực, suốt đời chẳng hề
biết đến những thứ có thể che mưa đỡ nắng. Rồi cũng có đến
hàng trăm triệu người ngày đêm lăn lộn quằn quại vì bịnh hoạn mà
chẳng biết tìm đâu ra một viên thuốc khả dĩ giúp họ tạm thời qua
cơn. Hôm nay, và tại đây, ngay trên chính hành tinh bé nhỏ này, những
nỗi đau xé lòng đó đã tìm được chỗ để đọa đày nhân
loại chúng ta. Rõ ràng là chúng ta phải có một phản ứng cần thiết nào
đó thôi. Chúng ta không có quyền xoay lưng ngoảnh mặt làm ngơ trước
mọi sự. Vì chúng ta là một con người.
Có thể nói, việc chọn lựa một lý tưởng sống quả là một
điều nan giải. Chúng ta có chắc gì đời sống Thiền định thuần chuyên
lại là một con đường tối ưu cho chính mình? Phương thức chọn lựa
hướng đi cho mình ở đây tốt nhất là đòi hỏi ở chúng ta một lần tự vấn
để lắng nghe câu trả lời chín chắn nhất của bản thân mình. Quá trình
tự vấn đó nhắm đến hai câu hỏi: Trước hết là thái độ tâm lý
của chúng ta đối với lý tưởng chọn lựa và vấn đề thứ hai chính
là khả năng bản thân của chúng ta. Chúng ta có được khả năng gì và khả
năng đó có thể giúp được gì cho chính mình hoặc tha nhân?
Ta hãy tự biết nhìn thẳng vào thực tế, không thông qua một lề
thói hay lập trường tín ngưỡng nào cả. Vấn đề ở đây là đòi hỏi
chúng ta một cái nhìn sâu sắc về tất cả đau khổ vẫn đang tồn tại trên
thế giới, về mối quan hệ của cá nhân mình đối với cuộc đời
chung quanh để hiểu biết và cảm thông tất cả thay vì trốn chạy
một cách thiếu trách nhiệm. Nhưng đó chỉ mới là lý thuyết.
Những cuộc chiến tranh hạt nhân, những xáo trộn về môi trường sinh
thái, những thảm cảnh cửa nát nhà tan cũng như có biết bao em bé vẫn
đang sống bất hạnh, lạc loài trên trái đất này... Tất cả đều xảy ra
trước mắt ta hàng ngày, ít nhất cũng là qua các phương tiện thông tin
đại chúng, nhưng chúng ta vẫn cứ cố làm như mắt mù tai điếc. Hầu
hết chúng ta đều khép chặt lại trái tim mình để khỏi phải
biết gì về những điều đó!
Hãy tự biết phơi mở tất cả cảm nghiệm về thực tại, vì đó là
một yêu cầu hết sức quan trọng nếu chúng ta còn muốn làm thăng hoa
nội tâm mình, và tự chuyển hóa bản thân ra một con người khác, không
phải thứ người mù lòa và thiếu trách nhiệm mà xưa nay mình vẫn
thế. Ðiều này có nghĩa là chúng ta phải biết nhìn vào thế
giới này một cách trực tiếp, cẩn trọng rồi nhìn lại chính mình
để hiểu thêm rằng tất cả khổ lụy không chỉ dành riêng cho những
đối tượng mà chúng ta vẫn đang vô tâm nhìn ngắm, mà chúng còn luôn sẵn
sàng có mặt ở ngay trong chính chúng ta nữa. Như đã nói ở trước và như
chúng ta đã biết, cội nguồn của các đau khổ, nếu xét đến kỳ
cùng thì chính là những âu lo, toan tính, thành kiến, thương và ghét...
mà trong tâm hồn của chúng ta, tất cả những cái đó đều có đủ, cũng
chính là tất cả khổ lụy mà ta phải gánh chịu. Chúng ta phải luôn biết
bình tĩnh đối diện và đừng bao giờ lo sợ để phải trốn chạy. Có
phơi mở được bộ mặt thật của tất cả khổ lụy, chúng ta mới may ra khám phá
được khả năng giao hòa và lắng nghe chính mình tự đáy lòng sâu thẳm nhất.
Những điều vừa nói nãy giờ đã chỉ ra cho ta cội nguồn khai sinh ra
tình thương, đồng thời cũng giúp ta chọn lựa một hướng sống, một
lý tưởng hoạt động khả dĩ chấp nhận được. Việc xác định được
hướng đời cho mình chính là chặng đường thứ hai của cuộc tu, mặc dù xem ra
nó đòi hỏi ở chúng ta không ít thời gian. Chúng ta phải tự biết tận
dụng thời gian của mình một cách hữu hiệu để mỗi thời điểm
trở thành một quá trình sống: Từng phút giây đối đầu với những khổ lụy
và từng phút giây lắng nghe chính tự lòng mình, một sự lắng nghe với sự can
dự của tình thương và trí tuệ. Một trong những khó khăn cho lý
tưởng sống này của chúng ta là với nhịp sống văn minh hiện đại, chúng
ta có quá ít thời gian để làm những việc đó. Chúng ta cứ triền
miên bị quấy nhiễu với biết bao vấn đề mà cuộc sống thực tế
buộc mình phải động não, phải lo toan. Nội tâm của chúng ta thường xuyên bị
lấp đầy bởi những phức loạn, chúng ta tự đánh mất mình ngay từ trong tâm
tưởng và điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đã không giữ lại được
mối giao hòa đối với nội tâm và bản chất thật sự của mình.
Biết dành ra thời gian để lắng nghe chính mình từ một chiều sâu
trung thực nhất, chúng ta sẽ cảm nhận được những hướng dẫn cho cuộc hành
trình mà mình sẽ phải di qua. Chẳng hạn chỉ riêng con đường lợi tha cũng là
một hướng sống có nhiều lối thể hiện. Có một số người đã tự
chọn cho mình một nếp sống lợi sinh qua hình thức kín đáo và cô độc
như trường hợp các vị tu sĩ sống khép mình trong tự viện hoặc các nhà
ẩn sĩ ở núi cao rừng thẳm. Về hình thức, rõ ràng là họ chỉ sống cho
riêng mình nhưng thật ra tinh thần trách nhiệm của họ đối với mọi
người vẫn luôn bao la và mãnh liệt. Mãi cho đến hôm nay, ở những
những vùng núi non thuộc dãy Hy mã lạp sơn (miền bắc Ấn Ðộ) chúng ta
vẫn có thể bắt gặp những con người như vậy. Họ là những ẩn sĩ suốt
đời sống dấu mình trong các sơn động, âm thầm và cô đơn, nhưng đạo lực
của họ vẫn luôn có những tác động rất lớn đối với toàn thế giới
quanh mình. Hoặc một lý tưởng sống lợi tha khác là dành trọn đời
mình để sống cho tha nhân. Ðó là những mẫu đời của Ðức Phật, Chúa Ky
Tô,... một nếp sống hiến mình, hy sinh cho tất cả mà không hề có
một đòi hỏi hay ước muốn riêng tư nào hết. Hoặc ta còn có biết bao
hướng sống lý tưởngkhác mà cũng vẫn thể hiện được lòng vị
tha, đó là những hoạt động xã hội một cách cụ thể như cứu trợ thực
phẩm, thuốc men, xây dựng bệnh xá. Thậm chí lý tưởng sống vị tha còn
có thể được thực hiện bằng những hoạt động văn hóa, nhằm mục
đích nâng cao đời sống tinh thần của người khác. Ðại khái, có thể nói
mỗi người có một con đường riêng cho mình mà ta không thể nào
kể ra hết được. Có điều hãy nhớ rằng con đường phát triển
nội tâm hay nói ngắn gọn hơn là cuộc tu của mỗi người đừng bao giờ
là một bản mô phỏng bị động và máy móc. Bởi cuộc tu hành của mỗi cá
nhân hoàn toàn không phải là những hình thức học đời thiếu tính tự
lập và tự lực. Chúng ta đâu có thể nào trong một sớm một chiều lại
có thể trở thành một Thánh Gandhi hay Ðức Phật. Chúng ta phải là chính
mình. Chúng ta phải tự khám phá và tìm đến với chân lý. Ðể làm
được điều đó, chúng ta phải biết lắng nghe, học hỏi bằng tất
cả khả năng bản thân nhằm hướng đến tất cả sự thật và dĩ nhiên những
nỗ lực này của chúng ta luôn đòi hỏi một niềm tự tin mãnh liệt.
Thực ra ở mỗi người luôn có một niềm lực rất lớn nhưng nó chỉ
được hiển hiện và phát huy trong tâm hồn của những người luôn
biết hướng tới sự thấu suốt chân lý, sự cảm nghiệm trọn vẹn
về thực tại và đặc biệt phải là một tâm hồn không bị ám ảnh
nghiêm trọng bởi một cái Tôi ảo tưởng. Chúng ta có thể khám phá ra
khuôn mặt trọn vẹn của mọi hiện hữu thông qua công phu Thiền
Ðịnh về chính sự tồn tại của chúng ngay trong bản thân và người khác.
Bằng một sự lắng nghe thật sự, các thực tại sẽ trở nên rõ ràng trung thực
hơn. Bất luận đó là một đối tượng sở tri nội tại hay ngoại tại, tất cả
đều là một vấn đề quan trọng khả dĩ tác động đến toàn
thế giới, nếu chúng được nhận thức một cách chín chắn, nói rõ hơn,
nếu chúng được nhìn ngắm bằng một trí tuệ giác ngộ thật sự.
Ðối với hầu hết chúng ta, theo thời gian, công phu Thiền Ðịnh
thường được thực hiện qua hai trình độ. Trước hết, chúng ta thường
có khuynh hướng giàn xếp và đặt nặng công phu thiền định của mình
trong hình thức sống Thiền Ðịnh hướng nội:Tìm đến với các Thiền
Khóa và tư thế được ưa thích nhất vẫn là cách ngồi tĩnh tọa, gát
ngoài tai mọi chuyện đời. Nhưng mọi sự đến đây vẫn chưa
phải là đã đủ. Sau nhiều năm tháng thiền định hướng nội như vậy,
tự nhiên chúng ta sẽ có thêm một trình độ trí tuệ khác nữa, đó chính
là những hiểu biết về thế giới ngoại tại. Hay nói rõ hơn là
hình thức Thiền Ðịnh của chúng ta lúc này không còn bị hạn chế trong
một điều kiện, tình huống nào nữa: Ngồi yên lại một mình trong phòng
vắng hay đang có mặt trên một đường phố đông người, trí tuệ tu tập
của chúng ta vẫn luôn luôn được kiên định. Nhưng cho đến lúc nào mới
là thời điểm chúng ta vừa có thể tự tu và cũng vừa có thể sống
lợi tha? Chính kinh nghiệm tâm linh của bản thân sẽ trả lời cho chúng ta
câu hỏi đó.
Hoạt động lợi tha trước tiên phải là một tấm lòng. Ở đây muốn nói
rằng nội dung quan trọng hơn hình thức. Thậm chí có những người đã từng
bỏ ra một thời gian dài để làm cái công việc của một Thiền sư
là hướng dẫn Thiền Ðịnh cho người khác, nhưng có một số người trong
đó họ chỉ mới làm được một nửa công việc là hoạt động lợi tha
bằng cái miệng. Một số khác lại dành ra thời gian phục vụ tha nhân bằng
những con đường có ve cụ thể hơn như y tá, hoặc người liệm xác,...
Cách đây mấy năm, khi hàng ngàn người Campuchia bỏ xứ chạy sang các trại
tị nạn Thái Lan, chúng tôi lúc đó chẳng hiểu sao, khi nghe tin, chỉ
đến tận nơi nhìn họ rồi ra đi sau một vài ngày lưu trú gần đó.
Chúng tôi quen biết một vài người và cũng biết vỏ vẻ được đôi ba
câu đàm thoại bằng tiếng bản ngữ với những người trong trại. Và chỉ có
chừng đó thôi bọn tôi chẳng hề giúp đỡ cho họ được một tí gì
cả, thậm chí còn nghĩ rằng đến trại thăm họ là mình đã làm một
việc nhân đạo!
Ðối với người Tây phương pháp môn Thiền Quán thường được bắt
đầu với lý tưởng hướng nội và nhắm vào mục đích chuyển hóa bản
thân. Nếu xét ra nếp sống thiền định đó dĩ nhiên có phần chật
hẹp bởi vì giáo lý của Ðức Phật vẫn luôn mở ra một con đường rộng
lớn hơn nhiều, một con đường tự tu và giao hòa với tất cả. Pháp môn
Thiền Quán luôn đòi hỏi những hướng dẫn mang tính tiêu chuẩn để
bắt đầu cho cuộc tu, đó chính là sự nghiêm trì Ngũ giới và nuôi lớn một
tâm hồn hào sảng vị tha. Bởi những nguồn Ðạo lực đó là yếu tố cơ bản
cho tất cả mọi đời sống tâm linh. Mà đối với người phương Tây thì
những tiêu chuẩn tiên khởi này xem ra không mấy dễ dàng. Trong khi đó bên
này, từ Phật giáo cho đến các truyền thống Ðạo học cổ truyền
của Á Châu đều luôn được xây dựng trên tinh thần lợi tha và đạo đức
bản thân. Ðối với một số người, việc phụng sự tha nhân chỉ đơn giản
có ý nghĩa như một trợ lực cho một đời sống thiền định hướng nội.
Nhưng thật ra ý nghĩa của lý tưởng sống lợi tha còn xa rộng hơn
nhiều: Ðó là một biểu hiện sinh động và hùng hồn cho trình độ
trí tuệ trong đời sống nội tâm. Khả năng và trình độ của lý tưởng
lợi tha hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ sâu cạn của trí tuệ.
Ðối với nhiều người, nếp sống vị tha và trái tim hào sảng là một
động lực quan trọng cho sự phơi mở tâm hồn, đồng thời còn là một pháp
môn tu tập. Một người giàu lòng cảm thông luôn dễ dàng hiểu rằng từng
hoạt động lớn nhỏ của mình đều có thể là những phụng sự cho tha
nhân. Thậm chí nếu nói một cách không quá đáng, thì tinh thần lợi tha
có thể giúp ta có cơ hội đối diện với bộ mặt Vô ngã của đời
sống. Ðồng thời cũng đem lại cho ta sự gần gũi đối với thế giới chung
quanh như là một công phu Thiền Ðịnh hướng nội. Tinh thần lợi tha ở
trình độ cao nhất, thực ra cũng chỉ nằm ở lý tưởng đó thôi: Một
nghệ thuật sống tuyệt vời, biết cho ra mà không cần nhận lại bất
cứ cái gì. Ðó là một thái dộ hoàn toàn mang tính vô ngã, chẳng màng gì
đến những tôn xưng, vinh dự hoặc kể cả một thiện báo tương lai.
Một tâm hồn vị tha đạt đến trình độ như vậy sẽ cùng lúc mang lại cho
chúng ta một tâm hồn biết yêu thương và một trí tuệ vừa đủ để
buông bỏ tất cả. Ðời sống lợi tha là một đời sống đưa ta đến một
trạng thái hiện hữu hoàn hảo và đầy hiểu biết.
Tinh thần lợi tha thật sự không hề được khai sinh từ khái niệm
về một cái Tôi nào cả. Nó cũng không là một con đường mà theo một số
người vẫn luôn cố nuôi ảo tưởng lấy nó để xây dựng nên một thế
giới hoàn hảo. Nó càng không phải là một hình thức ngụy trang của bất cứ
tham vọng, ham muốn nào hết. Ðại khái trong tinh thần lợi tha hoàn toàn
vắng mặt tất cả mọi hình thái ý thức bất thiện mà chúng ta
thường không mấy người có được, sự khu biệt rõ ràng trong sự xuất
hiện của lòng vị tha thật sự với những hình thái ý thức xem ra có vẻ
tương tự, mặc dù giữa đôi bên thật ra có cả một giới tuyến, thậm chí
tính cách đối lập nhau nữa. Có dấn thân vào con đường lợi tha bằng tất cả
sự lắng nghe của trí tuệ, chúng ta may ra có thể thấy rõ được khả
năng ngộ nhận về sự pha trộn này. Lý tưởng lợi tha còn đòi hỏi ở
chúng ta một thế giới nội tâm sâu sắc, một tâm thái vô cầu trước những
đối tượng mà thật ra chẳng hề có một giao lưu nào với tình thương của
chúng ta. Ðó là một tấm lòng thật sự độc lập chẳng màng gì đến khái
niệm thù tạc.
Lòng vị tha và trí tuệ vô ngã đều cùng có thể được tu tập
song hành như là những yếu tố tương quan cho nhau trên hành trình giải
thoát. Chỉ riêng lòng vị tha cũng đã đòi hỏi chúng ta việc phát
triển những giá trị đồng vị như Chánh Niệm Tỉnh Giác, như là một
nguồn động lực nội tại để chúng ta có thể hướng về thế
giới bên ngoài một cách vô hạn và an toàn. Bởi nhờ có Chánh niệm, lòng
vị tha mới thật sự là tình thương, một thứ tình thương trong sạch. Chánh
niệm luôn có mặt bên cạnh tình thương để làm tròn chức năng của
mình. Dầu chúng ta có biết đến hay không thì trong mỗi giây khắc
hiện hữu của tình thương vị tha, Chánh niệm vẫn luôn có mặt. Và dù
chúng ta có biết đến hay không, thế giới này vẫn luôn tồn tại
nhờ vào rất nhiều điều kiện, trong đó có cả tình thương của
loài người. Ðiều này cũng giống như những mối quan hệ và tác động
của các nhân tố thiên nhiên đối với thế giới: Trong từng giây phút một,
những đại dương bát ngát,... đều luôn có một ảnh hưởng quan trọng
đối với môi trường sinh thái toàn cầu. Thế giới, nhất là các sinh vật,
chỉ là những vật thể luôn sống còn bằng vào sự nhờ cậy lẫn nhau. Chúng
ta có mấy người ngờ được rằng chỉ cần trên hành tinh này trong một phút
giây nào đó đột nhiên biến mất hoàn toàn một số loài côn trùng thì
môi trường của địa cầu lập tức sẽ bị ít nhiều ảnh hưởng. Việc
phát triển tình thương vị tha đối với chúng ta, tức toàn thể nhân
loại, chỉ đơn giản là một thao tác ý thức hóa tất cả mối quan hệ
đó mà thôi, thay vì cỏ cây và các loài động vật khác tương trợ nhau tồn
tại theo một quy luật mang tính vô thức. Ðồng thời, một điều tưởng khỏi
phải nói thêm ở đây rằng chính sự có mặt của Chánh niệm còn giúp ta
điều động từng sinh hoạt lớn nhỏ của mình nữa. Mà đó lại là ý
nghĩa cốt lõi của Chánh Niệm.
Chúng ta có thể nói rằng một trong những sức mạnh duy trì sự tồn tại
của Phật Giáo trong suốt hai mươi lăm thế kỷ qua chính là những
hiểu biết đúng đắn của các Phật Giáo đồ về lòng vị tha. Chính
từ tinh thần đó, biết bao tự viện, học viện Phật Giáo,
thiền viện và những hoạt động của Phật Giáo cộng với sự có mặt của
vô số Tăng tín đồ đã được thực hiện. Tất cả chỉ nhờ vào tấm lòng
của những Phật giáo đồ biết nghĩ đến tha nhân. Và con đường phát
triển tâm hồn vị tha không chỉ dừng lại ở đó, ở một vài công trình hay
đôi ba hoạt động. Từ những giây phút lái xe cho đến lúc chúng ta bỏ
tiền ra để xài vào một việc gì hoặc bất cứ một động tác, cử
chỉ lớn nhỏ nào đó trong đời sống thường nhật đều phải luôn được
thực hiện, giải quyết, dàn trải trong một tâm hồn lợi tha. Vào bất cứ
giây phút nào còn có mặt trên cuộc đời này, dầu có là một y sỹ, một
người nuôi ong, môt người giữ thư viện,... chúng ta đều luôn có cơ
hội để tiếp thu bài học tỉnh thức và lợi tha. Nói chung, chúng ta
có thể đưa hết mọi sinh hoạt của mình vào một nếp sống
nghiêm cẩn và hữu ích. Suốt đời mình, chúng ta hãy luôn luôn là người
biết nghĩ tới tha nhân: phụng sự và hoàn tất bổn phận. Chỉ chừng đó
thôi đã là tất cả tinh thần căn bản của lý tưởng lợi tha.
Một trong những con đường Thiền Ðịnh nội tại khả dĩ làm thăng hoa
lý tưởng sống lợi sinh chính là sự phát triển và trưởng dưỡng hai
giá trị Thiền Ðịnh: Chánh Niệm, Tỉnh giác. Cái giá trị quan trọng
của chúng ta là giúp ta một khả năng nội quán khách quan và trực tiếp
về vấn đề sinh tử trong vòng quay bất tận của đời sống. Từ kiến
giải này, chúng ta có thể tìm ra ngay trong chính bản thân mình một
điểm tựa náu nương, vượt khỏi mọi sợ hãi bằng một tinh thần vô úy
an nhiên.
Một cách đại khái trên thế giới này có hai thứ sức mạnh. Sức mạnh
thứ nhất là cái thú tính khát máu mãnh liệt của hạng người sát nhân
không biết gớm tay. Bằng mọi thủ đoạn tàn bạo về chính trị, kinh
tế, quân sự, họ không hề biết ngần ngại trong việc sát
phạt tất cả các đối phương. Ðối với họ, sự nằm xuống của người khác
là một biểu hiện thú vị cho sức mạnh của chính mình. Nguồn sức mạnh
thứ hai là khả năng tâm linh của những người không biết sợ chết.
Bằng một cái nhìn đối diện với cội nguồn Hiện Hữu của mình, thấu
suốt sâu sắc về cái chết và luôn sẵn sàng đón nhận nó, họ
được xem như đã đứng bên kia bên bờ của một cái Tôi ảo vọng, họ
mang đến cho cuộc đời khả năng vô úy, một đức tính hiếu sinh bằng
tất cả tình thương và sự thiết tha với chân lý. Sức mạnh thứ hai
này, dĩ nhiên được hiển hiện và song hành với nguồn sức mạnh thứ
nhất.
Tinh thần vô úy, gọi theo dụng ngữ riêng của Thánh Gandhi là
"satyagraha", nguồn năng lực hay sức mạnh của chân lý, một đạo
sống mà chính ông đã thể hiện một cách sinh động trong suốt cả đời
sống của mình. Vào năm 1947, khi Ấn Ðộ bị chia đôi đất nước (Ấn
và Hồi quốc), hàng triệu người đã vì lý do tín ngưỡng mà phải bỏ
xứ ra đi. Một cuộc di cư đầy nước mắt. Có đến mấy chục ngàn binh sĩ
đã được gởi đến Tây Hồi để giàn xếp các cuộc bạo động, thì
trong khi đó Gandhi đã một thân một mình tới tận Ðông Hồi giải quyết
những rắc rối tương tự mà lực lượng quân đội kia đang dốc sức với
biết bao xương máu tại Tây Hồi. Thánh Gandhi đã đi bộ từ làng này sang
làng khác kêu gọi mọi người hãy chấm dứt những cuộc đổ máu vô
ích. Ông đã làm tất cả những gì mà mình có thể làm được, kể cả
việc tuyệt thực để lời thuyết phục của mình có hiệu quả
hơn. Ông tuyên bố sẵn sàng nhịn ăn cho đến khi nào những cuộc bạo
động, xung đột giữa mọi người được chấm dứt, dầu có chết đi ông
vẫn cam lòng. Dần dần rồi những cuộc bạo động đó cũng được chấm dứt và
ta có thể khẳng định rằng kết quả êm đẹp này đã được thành tựu
từ sức mạnh của tình thương, tình thương của Thánh Gandhi và của cả những
người biết nghe ông. Gandhi đã tự có một giá trị còn quan trọng hơn
cả chính hình hài bằng xương bằng thịt của ông nữa: Ðó là cái giá trị
của tấm lòng lợi tha mà ông đã bỏ ra trọn cả đời mình để nuôi
lớn nó. Tình thương của Gandhi rõ ràng đã gắn liền với tinh thần vô úy
và khám phá ra được giá trị tinh thần này chính là một bước tiến cho
cuộc tu hành của mỗi chúng ta. Một cuộc sống dung hợp được với chân
lý là cả một vấn đề quan trọng, quan trọng hơn tất cả những
vấn đề sinh tử khác. Sự hiểu biết tinh tường và thể hiện
trọn vẹn được quy luật đó, ta mới có thể biết sống yêu thương
và hành động lợi tha.
Một trong những niềm thú vị nhất của một người du lịch sang Ấn Ðộ
là đến được thành phố Benares bên bờ sông Hằng, một thành phố được
xem là linh thiêng và có nhiều huyền thoại nhất dọc theo bờ sông
có rất nhiều những bậc tam cấp cùng các đền thờ mà từ hàng ngàn
năm nay, người dân Ấn Ðộ vẫn luôn tranh thủ thời gian, dẫu chỉ một lần
trong đời, để đến đây tắm rửa, Họ gọi đó là nghi thức
thánh tẩy mong rửa sạch các tội lỗi mà mình đã tạo. Và ở ngay các bậc
tam cấp dọc theo bờ sông người ta thường dựng đài hỏa táng để
thiêu xác người chết. Vì tin rằng Benares là một thành phố của thần
thánh nên hầu hết những người theo Ấn giáo đều muốn được
chết tại đây. Cảnh tượng thiêu người cùng những tiếng kêu khóc
quanh hỏa đài dĩ nhiên rất dễ khiến người chứng kiến có những xúc
cảm khó tả; vừa rùng rợn cũng vừa buồn thảm. Nhưng khi những tro than cùng
xương người chết được thả xuống dòng sông trên một chiếc
thuyền nhỏ thì cảnh quan ở đây lại tiếp tục hoang vắng và đìu hiu
với một không khí huyền hoặc như từ mấy nghìn năm nay. Cũng có đôi ba
trường hợp mà trong cuộc tang lễ các thân nhân của người chết lặng thinh
không kêu khóc. Từ lúc bắt đầu cho đến hoàn tất cuộc hỏa táng, nghĩa
là lúc hài cốt của người thân họ đã được thả trôi theo dòng sông,
tất cả đứng nhìn bằng một thái độ gần như vô cảm. Có lẽ rất hiếm có
nơi nào trên thế giới lại có những tang lễ kỳ lạ như vậy: Vĩnh biệt
người thân bằng thái độ của người đứng nhìn chiếc lá rơi.
Cứ khoảng đôi ba muơi phút thì bên bờ sông Hằng lại có một đám tang và
khi ngọn lửa hỏa táng vừa được bốc lên, tất cả những người tham dự
đều đồng thanh đọc lên một lời cầu nguyện: "Ramanama satya hai
-- Chỉ có hồng danh của Thượng đế chí tôn mới là chân lý, ngoài ra
đều là ảo ảnh". Câu chuyện về những người Ấn Ðộ trên
đây đã dạy cho chúng ta một bài học rằng chỉ cần biết cảm
nghiệm tất cả thực tại một cách chín chắn thì không có gì là đáng sợ
cả, kể cả chuyện sống chết sinh tử chỉ là những giai đoạn đắp
đổi cho nhau một cách hết sức tự nhiên.
Chúng ta chắc chắn sẽ có được một niềm tịnh lạc khi tự biết vất
bỏ những khái niệm bi quan về đời sống và thay vào đó là sự phơi
mở nội tâm một cách trọn vẹn để có thể đón nhận tất cả những
bộ mặt thật của đời sống bằng từng cảm nghiệm sâu sắc nhất; sống và
chết, hạnh phúc và đau khổ, bóng tối và ánh sáng. Thậm chí đối với
ngay cả những thảm họa kinh hoàng nhất của chúng ta nếu mỗi người
biết sống đối diện một cách trung thực trước tất cả thực tại khách
quan; ngồi yên lại nhìn ngắm một cách bình tĩnh từng khía cạnh chát chua
nhất của đời sống, không đối kháng với khổ đau mà cũng không có ý
muốn tầm cầu những hạnh phúc. Có thể nói công phu tu hành của chúng ta
luôn được bắt đầu bằng những can đảm của bản thân đối với từng khổ lụy
như buồn chán, âu lo, toan tính,... nói chung là những gì có thể che khuất
cái nhìn như thật của chúng ta về vạn hữu, về tình thương đối với
tha nhân. Chính trên căn bản này, chúng ta mới có thể thấu suốt rõ ràng
tất cả cội nguồn đau khổ của bản thân và cả thế giới. Ðó chính là
những thương, ghét, vô minh mà từ bấy lâu nay đã gây tạo ở chúng ta những
ngộ nhận như những chiếc rào cản giữa trí tuệ với chân lý.
Ðể rồi từ đó chúng ta có thể trực tiếp quan sát từng nếp
sinh hoạt của mình để thấy rõ mình đã hiện hữu ra sao: Chúng ta đã
như thế nào trong cái thế giới "của Tôi"? Tôi đã nỗ lực
để hướng đến cái gì? Tôi đã có những khái niệm ra sao về
những vấn đề quốc gia, ý thức hệ, tôn giáo, kể cả khái
niệm về đời sống sinh lý và thần tượng tín ngưỡng của Tôi là
ai?... Nhiều và nhiều lắm những câu hỏi xoay quanh những cái Tôi, của
Tôi, các anh, bọn họ.
Tất cả thực ra chỉ được khai sinh từ một đầu mối ngã chấp. Chúng là
một chuỗi dài liên lụy với nhau và chỉ cần giải quyết được một mắt
xích thì coi như ta đã có thể giải quyết hoàn tất những câu hỏi còn
lại. Ðể rồi từ đây chúng ta mới học được một vấn đề quan
trọng là tình thương song hành với ngã chấp chỉ là một thứ tình thương
có giới hạn. Còn một tình thương thật sự vô hạn thì chỉ được bắt nguồn
từ một tâm hồn tỉnh thức liên tục về định lý Vô Ngã.
Về những khái niệm Nhân Ngã Bỉ Thử trong Thiền Ðịnh như vừa
nêu trên đây, ta cóthể hiểu rõ ràng hơn qua giai thoại truyền kỳ
sau đây của Phật giáo Bắc Tông. Người ta kể lại rằng ngày xưa bên Trung
Hoa có một vị lão tăng tu hành tinh tấn và nếp sống thanh tịnh như một
ông Thánh, nhưng dù có cố gắng đến mấy,trong suốt nhiều năm trời,
ông vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thực sự chính chắn về cái
"mình". Do đó, dĩ nhiên xem như ông vẫn chưa đạt được cùng đích
của sự yên tĩnh tâm hồn. Thế rồi ông vào gặp vị thầy và xin phép
được ra đi sống đời hành cước để may ra có thể tìm được câu
trả lời cho công án Thiền định đó của mình. Vị thầy biết học
trò mình đã đến lúc có thể giác ngộ nên liền đồng ý.
Với chiếc bình bát và một ít vật dụng cần thiết, vị lão tăng đã
rời khỏi thiền viện, một mình đang lang thang từ thành phố này sang
thành phố khác. Mục đích của ông là tìm lên một ngọn núi và ngay tại
ngôi sơn thôn cuối cùng có đường dẫn lên núi, vị lão Tăng đã gặp một
cụ già đang quảy chiếc bị lớn sau lưng. Cụ già đó thật ra chính là Bồ
Tát Văn Thù Sư Lợi hiện đến để tiếp độ vị lão Tăng nhưng
dĩ nhiên vị này không hề biết được điều đó. Cụ già hỏi vị
lão Tăng đang muốn đi đâu. Vị lão Tăng đã kể lại hết chuyện
mình cho ông nghe.
Vừa nghe xong mục đích cầu pháp của vị lão Tăng, cụ già chẳng nói gì và
thật lạ lùng, ông ném chiếc bị của mình xuống đất. Tương truyền
rằng ngay lúc đó vị lão Tăng lập tức liễu ngộ.
Câu chuyện trên đây quả là một gợi ý lớn cho chúng ta. Bổn phận
và lý tưởng tu tập của chúng ta chính là sự vất bỏ mọi thứ: Chẳng
hồi ức, không hoài vọng, buông bỏ tất cả sự chấp thủ âu lo, thành
kiến, ý niệm, nói chung là toàn bộ những gì được khai sinh từ
cái Tôi, của Tôi.
Câu chuyện trên đây còn tiếp theo rằng vị lão Tăng ngay sau khi
liễu ngộ được công án mà mình đã dốc sức cực lòng suốt mấy mươi năm
qua, ông nhìn sững vào cụ già trước mặt mình rồi nói: "Kẻ hạ Tăng này
phải đối xử ra sao với Ngài?". Cụ già mĩm cười rồi cúi xuống nhặt lấy
chiếc đãy, tiếp tục con đường đi vào một thị trấn gần đó.
Trong cuộc tu của mình, chúng ta phải tự biết giải quyết những gì
vẫn giới hạn bản thân. Trước hết, đó là sự hiểu biết về
tất cả những gì mà mình vẫn cưu mang: Chúng ta phải nhìn thấy những đau khổ
buồn phiền, những ước mơ của bản thân, thấy được mối quan hệ của
mình với từng thứ và xem chuyện sống chết như là một trò đùa của
vạn hữu. Nếu chúng ta không dám đối mặt với tất cả khổ lụy, còn sợ
chết, sợ mất mát một thứ gì đó và đặc biệt là không muốn nhìn
thấy những gì bất toại, thì xem như tất cả khổ lụy vẫn mãi mãi là những
món nợ mà chúng ta không bao giờ trả nổi. Chúng ta vẫn luôn sống đối lập
với chính mình: chạy trốn đau khổ rồi lại tiếp tục đi tìm kiếm mang
nó về. Chỉ khi nào chúng ta có được một cái nhìn thấu thị về bản
chất của đời sống thì chúng ta coi như đã đặt xuống những khổ lụy. Cũng
như mỗi lần chúng ta giàn xếp được một khổ lụy thì với trí tuệ
và tình thương, chúng ta lại tiếp tục làm thăng hoa chúng thêm lần nữa.
Nhưng hãy nhớ đấy, thái độ sống từ bỏ tất cả không phải là dễ dàng, cho
dù chúng ta có thực hiện một cách máy móc thậm chí có dốc toàn lực bởi
cái gì trên đời này cũng phải có cái giá trị để trả cả.
Mấy năm trước đây, chúng tôi có dịp làm việc với Mad Bear, một
người y sỹ nổi tiếng. Lần đó, trong một buổi nói chuyện, ông đã
mời tất cả chúng tôi cùng ông đi ra ngoài một khỏang đất trống thật rộng
rồi ông yêu cầu tất cả hãy đứng im lặng trong một vòng tròn. Mọi người
làm theo lời ông, và chung quanh chúng tôi lúc đó là cả một bầu không khí
thật im lặng, phía trên kia là một bầu trời thật đẹp và chung quanh chỗ
chúng tôi đứng là một đồng cỏ bát ngát kéo dài đến tận chân trời.
Lúc bấy giờ, Mad Bear đã bắt đầu cuộc nói chuyện mà trước hết là
những lời nói có vẻ giống như những câu cầu nguyện. Ông hồn nhiên nói
về mọi sự một cách tự nhiên mà cũng hết sức lạ lùng. Ông tỏ
lời cảm ơn những con giun đất mà chất bài tiết của chúng đã nuôi lớn
cây cối. Ông cảm ơn từng ngọn cỏ trên mặt đất đã thu giữ lại những
bụi bặm cho không khí được trong lành hơn, cho từng bước chân trần của ta
được sạch sẽ và đôi mắt của chúng ta có được một thảm xanh tuyệt
vời để nhìn ngắm. Ông cảm ơn những cơn gió đã mang mưa về làm
trong lành bầu không khí của trái đất, những cơn gió đã mang lại cho muôn
loài từng hơi thở sinh tồn... Ông nói nhiều lắm, vẫn là những lời cảm
tạ thế giới tự nhiên, trong gần cả một giờ đồng hồ và chúng tôi đã
lắng nghe ông nói, từng câu từng chử với tất cả ý thức trọn vẹn
nhất. Chúng tôi đã cảm nhận được từng luồng gió thổi qua khuôn mặt mình,
cảm nhận được mặt đất đang nâng đỡ bàn chân chúng tôi, chúng tôi đã
nhìn ngắm cỏ cây và mây trờibằng tất cả cảm xúc giao hòa, biết ơn và
yêu thương.
Ðó chính là bài học cho cuộc tu của tất cả chúng ta: yêu thương mà
không ái luyến, liên tục tỉnh thức để phơi mở tâm hồn và đón nhận
chân lý trong mỗi mỗi phút giây. Còn tinh thần lợi tha ở đây,
trong định nghĩa ngắn gọn nhất, chính là cảm giác thân thuộc, giao lưu
với vạn vật, một thái độ sống đáp ứng hợp lý và cần thiết đối
với cuộc đời. Ở bất cứ không gian, thời gian nào chúng ta cũng đều
có thể biểu hiện lòng vị tha của mình: từ trong cuộc sống gia
đình, hay nếp sống ở tự viện, cũng như trong bất cứ tư thế nào
mà mình đang có. Cuộc tu ở đây không lấy năm, tháng, ngày, giờ làm đơn
vị thời gian, mà là trong từng phút giây, từng hơi thở.
J. K.