TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 31

 

THERAGĀTHĀPĀḶI - TRƯỞNG LÃO KỆ

 

Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

TẠNG KINH - TIỂU BỘ

 

TRƯỞNG LÃO KỆ 

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri! 

 

 

KỆ NGÔN MỞ ĐẦU 

Chúng ta hãy lắng nghe những kệ ngôn liên quan đến bản thân của những vị có nội tâm đã được tu tập, tựa như những con sư tử có răng nanh ở trong hang núi đang rống lên.

Các vị có các tên như vầy, có các họ như vầy, có sự an trú vào Giáo Pháp như vầy, đã được giải thoát như vầy, có trí tuệ, đã sống không lười biếng.

Sau khi thấy rõ trường hợp này trường hợp khác, sau khi chạm đến Đạo Lộ Bất Tử, trong khi quán xét lại đích cuối cùng đã được làm xong, các vị đã thốt lên ý nghĩa này.

1. NHÓM MỘT

1.

1. “Cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Này ông Trời, ông hãy mưa một cách thoải mái. Tâm của tôi khéo được định tĩnh, được giải thoát. Tôi sống có sự tinh cần. Này ông Trời, ông hãy mưa.”

Đại đức trưởng lão Subhūti đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Subhūti.  

 

2.

2. “Vị an tịnh, tự chế, có lời nói đúng đắn, không tự kiêu, rũ bỏ các ác pháp tựa như gió làm rụng lá cây.”

Đại đức trưởng lão Mahākoṭṭhita đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mahākoṭṭhita.  

 

3.

3. “Hãy nhìn xem trí tuệ này của các đức Như Lai giống như ngọn lửa cháy sáng lúc nửa đêm. Là những người cho ánh sáng, cho con mắt, các đức Như Lai xua tan điều nghi hoặc của những người đến gặp.”

Đại đức trưởng lão Kaṅkhārevata đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kaṅkhārevata.  

 

4.

4. “Chỉ nên giao thiệp với các bậc đức hạnh, sáng trí, thấy được mục đích. Các bậc thông minh, không xao lãng, có nhận thức rõ ràng, chứng đạt được mục đích lớn lao, thâm sâu, khó thấy, tế nhị, tinh vi.”

Đại đức trưởng lão Puṇṇa Mantāṇiputta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Puṇṇa.  

 

5.

5.   “Là người khó huấn luyện, đã được huấn luyện với sự huấn luyện (tối thượng), có khả năng, tự biết đủ, có nỗi hoài nghi đã được vượt qua, có sự chiến thắng, có sự kinh sợ đã được xa lìa, Dabba ấy vì thế đã được hoàn toàn giải thoát, có nội tâm ổn định.”

Đại đức trưởng lão Dabba đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Dabba.  

 

6.

6. “Vị tỳ khưu đi đến (bãi tha ma) Sītavana, một mình, tự biết đủ, có bản thân định tĩnh, có sự chiến thắng, có sự lông rởn ốc đã xa lìa, đang hộ trì niệm đặt ở thân, có sự quả quyết.”

Đại đức trưởng lão Sītavaniya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sītavaniya.  

 

7.

7. “Tựa như dòng nước lũ mạnh mẽ cuốn trôi chiếc cầu bằng cây sậy vô cùng yếu ớt, vị nào xua tan đạo binh của Thần Chết, có sự chiến thắng, có sự kinh sợ đã được xa lìa, vị ấy đã được huấn luyện, vì thế đã được hoàn toàn giải thoát, có nội tâm ổn định.”

Đại đức trưởng lão Bhalliya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Bhalliya.  

 

8.

8. “Là người khó huấn luyện, đã được huấn luyện với sự huấn luyện (tối thượng), là vị anh hùng, tự biết đủ, có nỗi hoài nghi đã được vượt qua, có sự chiến thắng, có sự lông rởn ốc đã được xa lìa, vị Vīra ấy đã được hoàn toàn giải thoát, có nội tâm ổn định.”

Đại đức trưởng lão Vīra đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vīra.  

 

9.

9. “Việc đi đến (gặp đức Phật) của tôi là tốt đẹp, không phải là việc đi đến sai trái; điều này đã được khuyên bảo một cách sái quấy đến tôi là không đúng, trong số các pháp được phân hạng, tôi đã đạt đến pháp cao nhất.”

Đại đức trưởng lão Piḷindavaccha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Piḷindavaccha.  

 

10.

10. “Vị đã bỏ đi sự trông mong ở đời này hay đời sau, là người đã đạt được trí tuệ, có bản thân đã được chế ngự, sau khi nhận biết sự sanh và diệt của thân này, không còn bị vấy bẩn trong tất cả các pháp.”

Đại đức trưởng lão Puṇṇamāsa đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Puṇṇamāsa.  

 

Phẩm thứ nhất.  

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY  

“Vị Subhūti, vị trưởng lão Koṭṭhita, vị được đặt tên là Kaṅkhārevata, vị Mantāṇiputta và vị Dabba, vị Sītavaniya và vị Bhalliya, vị Vīra và vị Piḷindavaccha, vị Puṇṇamāsa là vị xua đi đêm tối.”  

--ooOoo--

 

11.

11. “Vị tỳ khưu có nhiều hân hoan trong Giáo Pháp đã được đức Phật công bố, có thể chứng đắc trạng thái an tịnh, sự yên lặng của các pháp tạo tác, an lạc.”

Đại đức trưởng lão Cūḷavaccha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Cūḷavaccha.

 

12.

12. “Có năng lực về trí tuệ, đã thành tựu về giới và phận sự, được định tĩnh, thích thú về thiền, có niệm, trong khi thọ dụng vật thực theo nhu cầu, vị đã xa lìa luyến ái chờ đợi thời điểm ở nơi đây.”[1]

Đại đức trưởng lão Mahāvaccha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mahāvaccha.  

 

13.

13. “Màu sắc của bầu trời xanh, ưng ý, dòng suối trong sạch, có nước mát lạnh, những tảng núi đá ấy, được che kín bởi những con mối đỏ, khiến tôi thích thú.”

Đại đức trưởng lão Vanavaccha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vanavaccha.  

 

14.

14. “Thầy tế độ đã nói với tôi rằng: ‘Này Sīvaka, chúng ta hãy đi khỏi nơi đây.’ Thân của tôi ngụ ở làng, tâm của tôi đã đi đến rừng. Mặc dầu là người đang nằm, tôi cũng đi; không có sự bám víu đối với những người đang nhận thức.”  

Vị sa-di của đại đức trưởng lão Vanavaccha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của vị sa-di của trưởng lão Vanavaccha.  

 

15.

15. “Nên cắt đứt năm (pháp), nên từ bỏ năm (pháp), và nên phát triển thêm nữa về năm (pháp), vị tỳ khưu đã vượt lên trên năm điều bám víu[2] được gọi là: ‘Vị đã vượt qua dòng nước lũ.’”

Đại đức trưởng lão Kuṇḍadhāna đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kuṇḍadhāna.  

 

16.

16. “Cũng tựa như con bò giống tốt lành, có sừng, với việc kéo vòng quanh cái cày, di chuyển ít nhọc nhằn, tương tự như thế đối với tôi ngày và đêm trôi qua ít nhọc nhằn, khi sự an lạc không liên quan vật chất đã đạt được.”

Đại đức trưởng lão Bellaṭṭhisīsa đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Bellaṭṭhisīsa.

 

17.

17. “Vào lúc buồn ngủ và có sự ăn nhiều, kẻ nằm ngủ có trạng thái nằm lăn qua lăn lại, tựa như con heo mập được nuôi bằng các loại hạt, kẻ ngu xuẩn còn tiếp tục đi đến bào thai nhiều lần nữa.”

Đại đức trưởng lão Dāsaka đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Dāsaka.  

 

18.

18. “Đã là kẻ thừa tự của đức Phật, vị tỳ khưu trong khu rừng Bhesakalā đã tỏa khắp cả trái đất này với sự niệm tưởng về bộ xương. Tôi nghĩ rằng vị ấy sẽ dứt bỏ sự luyến ái ở các dục một cách rất mau lẹ.”

Đại đức trưởng lão Sigālapitā đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sigālapitā.  

 

19.

19. “Thật vậy, những người đào kênh dẫn nước, những người làm tên uốn thẳng cây tên, những người thợ mộc uốn nắn thanh gỗ, những vị có sự hành trì tốt đẹp huấn luyện bản thân.”[3]

Đại đức trưởng lão Kuṇḍala đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kuṇḍala.  

 

20.

20. “Tôi không có sợ hãi về sự chết, không có ham muốn về sự sống, tôi sẽ buông bỏ thân xác của mình, có sự nhận biết rõ, có niệm.”

Đại đức trưởng lão Ajita đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ajita.  

 

Phẩm thứ nhì.  

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY  

“Vị Cūḷavaccha, vị Mahāvaccha, vị Vanavaccha và vị Sīvaka, vị Kuṇḍadhāna và vị Belaṭṭhi, và thêm vào đó là vị Dāsaka, trưởng lão Sigālapitika, vị Kuṇḍala, và vị Ajita là mười.”

--ooOoo--

21.

21. “Đối với sợ hãi, tôi không hãi sợ. Bậc Đạo Sư của chúng ta là vị biết rõ về Bất Tử. Nơi nào sợ hãi không tồn tại, các vị tỳ khưu tiến đến nơi ấy bằng Đạo Lộ.”

Đại đức trưởng lão Nigrodha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nigrodha.  

 

22.

22. “Những con chim công, màu xanh, có cần cổ đẹp, có mào, làm náo động khu rừng Kāraṃvī. Bị kêu réo, bị thúc giục bởi làn gió lạnh, chúng đánh thức vị đang hành thiền bị ngủ gục.”

Đại đức trưởng lão Cittaka đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Cittaka.  

 

23.

23. “Sau khi thọ thực món cơm sữa và mật ong ở nơi lùm tre, trong khi suy xét sự sanh và diệt của các uẩn một cách nghiêm túc, trong khi đeo đuổi việc ẩn cư, tôi sẽ quay trở lại ngọn đồi.”

Đại đức trưởng lão Gosāla đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Gosāla.  

 

24.

24. “Tôi đã trải qua mùa mưa, và đã được xuất gia; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Sugandha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sugandha.  

 

25.

25. “Đối với vị nào có tâm thường xuyên phát sanh ánh sáng, đã thành tựu Quả vị, này kẻ (Ác Ma) đen tối, sau khi công kích vị tỳ khưu như thế ấy, ngươi sẽ đọa vào khổ đau.”

Đại đức trưởng lão Nandiya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nandiya.  

 

26.

26. “Sau khi lắng nghe lời nói khéo thuyết của đức Phật, vị thân quyến của mặt trời, quả nhiên tôi đã thấu triệt điều vi tế, giống như đã xuyên thủng đầu cọng tóc bằng mũi tên.”

Đại đức trưởng lão Ubhaya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ubhaya.

 

27.

27. “Trong khi đeo đuổi việc ẩn cư, bằng lồng ngực tôi sẽ đẩy dạt ra các loại cỏ dabba, cỏ kusa, cỏ poṭakila, cỏ usīra, cỏ muñja, và cỏ babbaja.”

Đại đức trưởng lão Lomasakaṅgiya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Lomasakaṅgiya.  

 

28.

28. “Có thật là con không bị vướng bận về vải vóc? Có thật là con không thích thú với đồ trang sức? Có phải là con tỏa ra hương thơm giới đức, chứ không phải là người khác?”

Đại đức trưởng lão Jambugāmikaputta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Jambugāmikaputta.  

 

29.

29. “Trong khi tự hướng thượng bản thân, hãy làm cho tâm ngay thẳng, tựa như người làm tên uốn thẳng cây tên. Này Hārita, hãy phá vỡ vô minh.”

Đại đức trưởng lão Hārita đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Hārita.  

 

30.

30. “Khi cơn bệnh đã phát khởi đến tôi, niệm đã khởi lên ở tôi. Hễ cơn bệnh phát khởi đến tôi, là thời điểm cho tôi không được xao lãng.”

Đại đức trưởng lão Uttiya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Uttiya.  

 

Phẩm thứ ba.  

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY  

“Vị Nigrodha, trưởng lão Cittaka, trưởng lão Gosāla, vị Sugandha, vị Nandiya, trưởng lão Ubhaya, trưởng lão Lomasakaṅgiya, và vị Jambugāmikaputta, vị Hārita, vị ẩn sĩ Uttiya.”

 --ooOoo--

 

31.

31. “Bị cắn bởi những con ruồi, bởi những con muỗi trong khu rừng, ở trảng cây rộng lớn, tựa như con voi luôn dẫn đầu trong chiến trận, vị có niệm nên chịu đựng tại nơi ấy.”

Đại đức trưởng lão Gabbharatīriya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Gabbharatīriya.  

 

32.

32. “Tôi sẽ đánh đổi trạng thái đang già lấy sự không già, trạng thái đang bị đốt nóng lấy sự tịch diệt, sự an tịnh tối thượng, sự an toàn vô thượng khỏi các ràng buộc.”

Đại đức trưởng lão Suppiya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Suppiya.

 

33.

33. “Cũng giống như (bậc cha mẹ) tầm cầu sự tốt lành cho đứa con trai yêu quý độc nhất, tương tự như thế nên là người tốt lành đối với tất cả sinh mạng ở khắp mọi nơi.”

Đại đức trưởng lão Sopāka đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sopāka.

 

34.

34. “Những người nữ ấy tốt nhất là không bao giờ ở gần, do biết như vậy, từ ngôi làng tôi đã đi đến khu rừng, từ đó tôi đã đi vào căn nhà. Từ nơi ấy, Posiya tôi đã đứng dậy và bỏ đi, không nói năng.”

Đại đức trưởng lão Posiya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Posiya.

 

35.

35. “Người tầm cầu an lạc, trong khi thực hành điều ấy, nhận được sự an lạc và đạt được tiếng tăm; danh vọng tăng trưởng cho người tu tập Thánh Đạo tám chi phần, con đường trực chỉ đưa đến sự chứng đạt về Bất Tử.”

Đại đức trưởng lão Sāmaññakāni đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sāmaññakāni.

 

36.

36. “Điều đã được nghe là tốt đẹp, điều đã thực hành là tốt đẹp, cuộc sống không nhà luôn luôn là tốt đẹp, việc học hỏi về ý nghĩa, hành động cung kính, điều ấy là đời sống Sa-môn của vị không sở hữu vật gì.”

Đại đức trưởng lão Kumāputta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kumāputta.

 

37.

37. “Bọn họ đi đến nhiều xứ sở khác nhau, trong khi du hành không kiềm chế bản thân, và chúng lơ là thiền định, vậy thì việc du hành các quốc độ sẽ làm được việc gì? Vì thế, nên dẹp bỏ điều chướng ngại, nên tham thiền, không vọng tưởng.”

Đại đức trưởng lão đồng hành với trưởng lão Kumāputta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của vị trưởng lão đồng hành với vị Kumāputta.

 

38.

38. “Người đã dựng đứng dòng sông Sarabhū bằng thần thông là vị Gavampati, không bị vướng bận, không còn dục vọng. Chư Thiên cúi chào vị ấy, bậc hiền trí vĩ đại đã vượt lên trên năm điều bám víu, đã đi đến bờ kia của hiện hữu.”

Đại đức trưởng lão Gavampati đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Gavampati.

39.

39. “Tựa như bị chém bởi thanh gươm, tựa như đang bị thiêu đốt ở đỉnh đầu, vị tỳ khưu sống đời du sĩ, có niệm, nhằm dứt bỏ sự luyến ái ở các dục.”

Đại đức trưởng lão Tissa đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Tissa.

 

40.

40. “Tựa như bị chém bởi thanh gươm, tựa như đang bị thiêu đốt ở đỉnh đầu, vị tỳ khưu sống đời du sĩ, có niệm, nhằm dứt bỏ sự luyến ái ở hiện hữu.”

Đại đức trưởng lão Vaḍḍhamāna đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vaḍḍhamāna.

Phẩm thứ tư.

 *****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Gabbharatīriya, vị Suppiya, vị Sopāka và luôn cả vị Posiya nữa, vị Sāmaññakāni, vị Kumāputta, vị đồng hành với Kumāputta, vị Gavampati, trưởng lão Tissa, vị Vaḍḍhamāna có danh tiếng lớn lao.”

--ooOoo--

 

41.

41. “Những tia sét đánh xuống khe núi ở giữa hai ngọn núi Vebhāra và Paṇḍava, nhưng người con trai của bậc Vô Tỷ như thế ấy, đã đi đến khe núi, tham thiền.”

Đại đức trưởng lão Sirivaḍḍha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sirivaḍḍha.

42.

42. “Này (các cháu) Cālā, Upacālā, Sīsūpacālā, các con hãy sống, có niệm. Vị đi đến với các con (có trí tuệ) tựa như người xuyên thủng sợi tóc.”

Đại đức trưởng lão Khadiravaniyarevata đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Khadiravaniyarevata.

 

43.

43. “Khéo được giải thoát! Khéo được giải thoát! Lành thay, tôi khéo được giải thoát khỏi ba vật cong queo; tôi được giải thoát khỏi những cái liềm, tôi được giải thoát khỏi những cái cày, tôi được giải thoát khỏi những cái cuốc. Nếu chúng ở ngay đây, ở ngay đây, thì cũng quá đủ rồi, quá đủ rồi. Này Sumaṅgala, hãy tham thiền. Này Sumaṅgala, hãy tham thiền. Này Sumaṅgala, hãy sống, không xao lãng.”

Đại đức trưởng lão Sumaṅgala đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sumaṅgala.

 

44.

44. “Mẹ ơi, họ khóc người đã chết, hoặc người đang sống mà không được thấy. Mẹ ơi, trong khi mẹ nhìn thấy con đang còn sống, tại sao mẹ lại khóc cho con?”

Đại đức trưởng lão Sānu đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sānu.

 

45.

45. “Cũng giống như con bò giống tốt lành, sau khi sẩy chân, nó đứng lên lại. Tương tự như thế, (xin các ngài hãy ghi nhận tôi là thuần chủng, là người con trai chính thống của đức Phật) đã đạt được sự nhận thức, là đệ tử của đấng Chánh Đẳng Giác.”[4]

Đại đức trưởng lão Ramaṇīyavihārī đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ramaṇīyavihārī.

46.

46. “Vì lòng tin, tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà. Niệm và tuệ của tôi được tăng trưởng, và tâm khéo được định tĩnh. (Này Ác Ma,) ngươi hãy tự tạo ra các hình dáng theo ý muốn, ngươi sẽ không bao giờ khiến ta run sợ.”

Đại đức trưởng lão Samiddhi đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Samiddhi.

47.

47. “Kính lễ Ngài, đức Phật anh hùng. Ngài đã được giải thoát về mọi mặt. Trong khi sống trong sự ban bố của Ngài, con sống, không có lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Ujjaya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ujjaya.

48.

48. “Kể từ khi tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà, tôi không biết đến sự suy tư không thánh thiện, gắn liền với sân hận.”

Đại đức trưởng lão Sañjaya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sañjaya.

49.

49. “Dẫu cho những tiếng kêu inh ỏi của loài chim và những tiếng động của loài khỉ, tâm ấy của tôi không xao động, bởi vì sự ưa thích cô độc của tôi.”

Đại đức trưởng lão Rāmaṇeyyaka đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Rāmaṇeyyaka.

50.

50. “Mặt đất đẫm nước, gió thổi, tia sét di chuyển ở bầu trời. Các suy nghĩ của tôi lắng xuống, tâm của tôi khéo được định tĩnh.”

Đại đức trưởng lão Vimala đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vimala.

Phẩm thứ năm.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Sirivaḍḍha, trưởng lão Revata, vị Sumaṅgala, vị có tên Sānu, và vị Ramaṇīyavihārī, vị Samiddhi, vị Ujjaya, vị Sañjaya, vị trưởng lão Rāmaṇeyya ấy, và vị Vimala có sự từ bỏ ô nhiễm.”

--ooOoo--

 

51.

51. “Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió, và tâm của tôi khéo được định tĩnh. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.”

Đại đức trưởng lão Godhika đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Godhika.

 

52.

52. “Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió, và tâm khéo được định tĩnh ở thân. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.”

Đại đức trưởng lão Subāhu đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Subāhu.

53.

53. “Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió, tôi sống ở nơi ấy, không xao lãng. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.”

Đại đức trưởng lão Valliya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Valliya.

54.

54. “Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió, tôi sống ở nơi ấy, không người thứ hai. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.”

Đại đức trưởng lão Uttiya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Uttiya.

 

55.

55. “Sau khi làm cái cốc kích thước bằng chiếc kiệu vuông, tôi đã đi sâu vào khu rừng Añjana. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Añjanavaniya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Añjanavaniya.

 

56.

56. “(Người canh ruộng hỏi:) ‘Ai trong chòi?’ (Vị trưởng lão đáp:) ‘Trong chòi là vị tỳ khưu, có tham ái đã lìa, có tâm khéo được định tĩnh. Này đạo hữu, ông hãy biết như vầy, cái chòi đã được ông làm là không có vô ích.’”

Đại đức trưởng lão Kuṭivihārī đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kuṭivihārī.  

Dutiyakuṭivihārittheragāthā.

 

57.

57. “Đây là cái cốc cũ, ngài mong mỏi cái cốc khác mới. Này vị tỳ khưu, ngài hãy dẹp bỏ ước muốn về cái cốc, cái cốc mới là khổ thêm lần nữa.”  

Đại đức trưởng lão Kuṭivihārī thứ nhì đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kuṭivihārī thứ nhì.

 

58.

58. “Cái cốc của tôi là đáng yêu, vật thí của niềm tin, làm thích ý. Này các cô, tôi không có nhu cầu với các cô gái, đối với những ai có nhu cầu, các cô hãy đi đến nơi ấy.”

Đại đức trưởng lão Ramaṇīyakuṭika đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ramaṇīyakuṭika.

 

59.

59. “Vì lòng tin, tôi đã xuất gia, cái cốc của tôi đã được làm ở trong rừng. Tôi không xao lãng, và có sự tinh cần, có sự nhận biết rõ, có niệm.”

Đại đức trưởng lão Kosalavihārī đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kosalavihārī.

60.

60. “Những ý định ấy đã thành tựu cho tôi, với mục đích ấy tôi đã đi vào cái cốc. Tôi đã bỏ ngã mạn tiềm ẩn, tôi sẽ đi đến minh và giải thoát.”

Đại đức trưởng lão Sīvali đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sīvali.

Phẩm thứ sáu.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Godhika, và vị Subāhu, vị Valliya, vị ẩn sĩ Uttiya, trưởng lão Añjanavaniya, hai vị Kuṭivihārī, và vị Ramaṇīyakuṭika, vị tên Kosala, và vị Sīvali.”

--ooOoo--

61.

61. “Người thấy nhìn thấy hạng người thấy, và nhìn thấy hạng người không thấy. Người không thấy không nhìn thấy (cả hai hạng) người không thấy và người thấy.”

Đại đức trưởng lão Vappa đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vappa.

 

62.

62. “Chúng tôi sống đơn độc một mình ở trong khu rừng, tựa như khúc gỗ bị quăng bỏ ở trong rừng. Nhiều người ganh tỵ với tôi đây, y như những kẻ địa ngục ganh tỵ với những người đi đến cõi Trời.”

Đại đức trưởng lão Vajjiputta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vajjiputta.

 

63.

63. “Chết đi, chúng rơi xuống. Bị rơi xuống và bị tham đắm, chúng quay trở lại. Việc cần phải làm đã được làm xong, việc đáng được ưa thích đã được ưa thích, sự an lạc được tiếp nối bằng sự an lạc.”

Đại đức trưởng lão Pakkha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Pakkha.

 

64.

64. “Được sanh ra bởi người mang tên một loài cây (kỹ nữ Ambapāli), đã được tạo ra bởi người có cây cờ màu trắng (đức vua Bimbisāra), vị hủy hoại cây cờ (người không còn ngã mạn) đã tiêu diệt kẻ có cây cờ vĩ đại (Ma Vương) bằng chính cây cờ (trí tuệ).”[5]

Đại đức trưởng lão Vimalakoṇḍañña đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vimalakoṇḍañña.

65.

65. “Đã ngồi xuống vững vàng, vị có sự hân hoan tột bực thuyết giảng cho hàng tại gia Pháp đã được học thuộc lòng trong nhiều năm, đã được thu thập bởi vị Vaccha.”

Đại đức trưởng lão Ukkhepakaṭavaccha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ukkhepakaṭavaccha.

66.

66. “Đấng Đại Hùng, bậc đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp, đã chỉ dạy. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, tôi đã sống gần Ngài, có niệm. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Meghiya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Meghiya.

67.

67. “Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Ekadhammasavanīya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ekadhammasavanīya.

68.

68. “Đối với vị hiền trí có tăng thượng tâm, không xao lãng, đang học tập về đạo lộ của bậc hiền trí, an tịnh, luôn có niệm, các sự sầu muộn không hiện hữu ở vị như thế ấy.”

Đại đức trưởng lão Ekudāniya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ekudāniya.

69.

69. “Sau khi lắng nghe Giáo Pháp có hương vị vĩ đại của bậc vĩ nhân, đã được thuyết giảng bởi đấng Toàn Tri có trí tuệ cao quý, tôi đã thực hành Đạo Lộ đưa đến sự chứng đạt Bất Tử. Ngài là bậc biết rõ về con đường đưa đến sự an toàn khỏi các ràng buộc.”

Đại đức trưởng lão Channa đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Channa.

70.

70. “Ở đây, chỉ có giới là cao cả; tuy nhiên, người có trí tuệ là tối thượng. Ở giữa loài người và chư Thiên, sự chiến thắng là nhờ vào giới và trí tuệ.”

Đại đức trưởng lão Puṇṇa đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Puṇṇa.

Phẩm thứ bảy.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Vappa và vị Vajjiputta, vị Pakkha, vị Vimalakoṇḍañña, và vị Ukkhepakaṭavaccha, vị Meghiya, vị Ekadhammika, vị Ekudāniya, và vị Channa, vị trưởng lão Puṇṇa có sức mạnh vĩ đại.”

--ooOoo--

71.

71. “Với vị có sự nhìn thấy ý nghĩa vô cùng vi tế, vi diệu, là vị thiện xảo về sự suy nghĩ, có cách cư xử khiêm tốn, có giới được rèn luyện và tăng trưởng, với vị ấy Niết Bàn không hẳn là điều khó đạt được.”

Đại đức trưởng lão Vacchapāla đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vacchapāla.

72.

72. “Giống như mụt măng non có chồi đã phát triển, đã đâm nhánh, thì khó dời đi, tương tự như thế tôi (khó ra đi) khi người vợ đã được đem về. Hãy cho phép tôi. Giờ đây tôi đã xuất gia.”

Đại đức trưởng lão Ātuma đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ātuma.

 

73.

73. “Sau khi nhìn thấy người già, và người bệnh bị khổ sở, và sau khi nhìn thấy người bị chết đã đi đến sự cạn kiệt của tuổi thọ, vì thế tôi đã ra đi, tôi đã xuất gia, sau khi dứt bỏ các dục làm thích ý.”

Đại đức trưởng lão Māṇava đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Māṇava.

 

74.

74. “Ước muốn về dục, ác tâm, sự dã dượi buồn ngủ, sự phóng dật, và hoài nghi hoàn toàn không tìm thấy ở vị tỳ khưu.”

Đại đức trưởng lão Suyāma đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Suyāma.

 

75.

75. “Tốt đẹp thay việc gặp gỡ các vị khéo được rèn luyện! Nghi ngờ được cắt đứt, sự giác ngộ tăng trưởng. Thậm chí kẻ ngu si, các vị cũng làm cho trở thành sáng trí; vì thế việc tiếp xúc với những người chân chánh là tốt đẹp.”

Đại đức trưởng lão Susārada đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Susārada.

76.

76. “Nên cúi xuống trong khi họ đang ngước lên, nên ngước lên trong khi họ đang cúi xuống, nên trú ngụ trong khi họ không trú ngụ, không nên thích thú trong khi họ đang thích thú.”

Đại đức trưởng lão Piyañjaha đã nói lời kệ như thế.  

Kệ ngôn của trưởng lão Piyañjaha.

 

77.

77. “Trước đây, cái tâm này đã du hành lang thang bằng cách nào theo ý thích, đến nơi nào theo ước muốn, một cách thoải mái, giờ đây tôi sẽ chế ngự nó theo đúng đường lối, tựa như người cầm móc câu chế ngự con voi bị phát dục.”

Đại đức trưởng lão Hatthārohaputta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Hatthārohaputta.

78.

78. “Tôi đã trải qua sự luân hồi trong nhiều kiếp sống không ngừng nghỉ. Tôi đây đã bị sanh khởi khổ đau, (giờ đây) đối với tôi khổ uẩn đã chấm dứt.”

Đại đức trưởng lão Meṇḍasira đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Meṇḍasira.

79.

79. “Tất cả sự luyến ái của tôi đã được dứt bỏ, tất cả sân hận đã được xóa sạch, tất cả si mê của tôi đã được xa lìa, tôi có được trạng thái mát mẻ, chứng được Niết Bàn.”

Đại đức trưởng lão Rakkhita đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Rakkhita.

 

80.

80. “Nghiệp nào đã được tạo ra bởi tôi, dầu là ít hay là nhiều, tất cả điều ấy đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Ugga đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ugga.

Phẩm thứ tám.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị trưởng lão nào là Vacchapāla, vị Ātuma, và vị ẩn sĩ Māṇava, vị Suyāma, và vị Susārada, và vị trưởng lão nào là Piyañjaha, vị Ārohaputta, vị Meṇḍasira, vị Rakkhita, vị có tên Ugga.”

--ooOoo--

81.

81. “Việc ác nào đã được tạo ra bởi tôi trong các kiếp sống khác trước đây, ngay tại đây (trong kiếp này) việc ấy sẽ chịu cảm thọ, sự việc khác không tìm thấy.”

Đại đức trưởng lão Samitigutta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Samitigutta.

82.

82. “Này con thơ, bất cứ nơi nào mà các việc khất thực dễ dàng, có các sự an toàn, và không có các nỗi sợ hãi, con hãy đi đến nơi ấy. Con chớ bị tác động bởi sầu muộn.”

Đại đức trưởng lão Kassapa đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kassapa.

 

83.

83. “Này Sīha, hãy sống, không xao lãng, không biếng nhác, cả ngày lẫn đêm. Hãy phát triển thiện pháp, hãy mau mau buông bỏ xác thân.”

Đại đức trưởng lão Sīha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sīha.

84.

84. “Sau khi ngủ trọn đêm, ban ngày thích thú trong việc tụ hội, vậy thì khi nào kẻ có trí tồi sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ đau?”

Đại đức trưởng lão Nīta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nīta.

85.

85. “Vị rành rẽ về biểu hiện của tâm, sau khi biết được vị của sự tách ly, trong khi tham thiền, thận trọng, có niệm, có thể chứng đạt sự an lạc không liên hệ vật chất.”

Đại đức trưởng lão Sunāga đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sunāga.

86.

86. “Bên ngoài đây (Giáo Pháp này), đạo lộ của các vị thuyết giáo khác, đủ các hạng, không dẫn đến Niết Bàn giống như cái này, đức Thế Tôn chỉ dạy hội chúng như vậy, bậc Đạo Sư chỉ cho thấy chính lòng bàn tay của mình.”

Đại đức trưởng lão Nāgita đã nói lời kệ như thế.  

Kệ ngôn của trưởng lão Nāgita.

 

87.

87. “Các uẩn đã được thấy đúng theo bản thể, tất cả các hữu đã được phá tan, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Paviṭṭha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Paviṭṭha.

88.

88. “Quả thật, tôi đã có thể nâng bản thân ra khỏi nước đưa vào đất liền. Trong khi đang bị cuốn trôi ngay ở trong dòng nước lũ, tôi đã thấu triệt các Sự Thật.”

Đại đức trưởng lão Ajjuna đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ajjuna.

89.

89. “Các bãi bùn và đầm lầy đã được vượt qua, các vực thẳm đã được tránh xa, các dòng nước lũ và các mối buộc thắt đã được thoát khỏi, tất cả các sự ngã mạn đã được diệt trừ.”

Đại đức trưởng lão Devasabha thứ nhất đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Devasabha thứ nhất.

90.

90. “Năm uẩn đã được biết toàn diện, chúng tồn tại với gốc rễ đã bị cắt đứt, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Sāmidatta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sāmidatta.

Phẩm thứ chín.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị trưởng lão Samitigutta, vị Kassapa, vị có tên Sīha, vị Nīta, vị Sunāga, vị Nāgita, vị Paviṭṭha, vị ẩn sĩ Ajjuna, vị Devasabha, và vị trưởng lão Sāmidatta có năng lực vĩ đại.”

--ooOoo--

 

91.

91. “Vật thực tinh khiết có một trăm hương vị không được nghĩ đến như là vật đã được tôi thọ hưởng ngày hôm nay: Giáo Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Phật Gotama, bậc có sự nhận thức vô lượng.”

Đại đức trưởng lão Paripuṇṇaka đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Paripuṇṇaka.

92.

92. “Vị nào có các lậu hoặc đã được đoạn tận, không bị lệ thuộc vào vật thực, vị nào có hành xứ là không tánh, vô tướng, và (vô nguyện) giải thoát, vết chân của vị ấy là khó lần theo, tựa như dấu vết của các con chim ở không trung.”

Đại đức trưởng lão Vijaya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vijaya.

93.

93. “Này Eraka, các dục là khổ đau. Này Eraka, các dục là không an lạc. Này Eraka, người nào ham muốn các dục, người ấy ham muốn khổ đau. Này Eraka, người nào không ham muốn các dục, này Eraka, người ấy không ham muốn khổ đau.”

Đại đức trưởng lão Eraka đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Eraka.

94.

94. “Kính lễ Ngài, đức Thế Tôn, người con trai dòng Sakya, đấng Vinh Quang, Giáo Pháp cao cả này đã khéo được thuyết giảng bởi Ngài, khi Ngài đã đạt đến vị thế cao cả.”

Đại đức trưởng lão Mettajī đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mettajī.

95.

95. “Tôi bị mù, có mắt bị hoại, đang đi đường xa ở nơi hoang vu. Thậm chí trong khi đang bò lê, tôi cũng sẽ đi, (nhưng) không (cùng đi) với kẻ đồng hành ác xấu.”

Đại đức trưởng lão Cakkhupāla đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Cakkhupāla.

96.

96. “Sau khi để lại một bông hoa (cúng ở bảo tháp đức Phật), tôi đã hưởng thụ ở các cõi trời tám mươi koṭi (800 triệu) năm, với phần còn lại, tôi chứng Niết Bàn.”

Đại đức trưởng lão Khaṇḍasumana đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Khaṇḍasumana.

 

97

97. “Sau khi từ bỏ chiếc đĩa cân nặng một trăm pala bằng vàng có khắc nhiều hình ảnh, tôi đã cầm lấy cái bình bát bằng đất sét; đây là lễ phong vương thứ nhì.”

Đại đức trưởng lão Tissa đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Tissa.

98.

98. “Sau khi nhìn cảnh sắc, người chú tâm ở biểu hiện đáng yêu có niệm bị quên lãng. Vị có tâm bị luyến ái nhận biết, bám víu, và duy trì điều ấy. Đối với vị ấy, các lậu hoặc, gốc rễ của tái sanh, dẫn đến sự tái sanh, tăng trưởng.”

Đại đức trưởng lão Abhaya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Abhaya.

99.

99. “Sau khi nghe âm thanh, người chú tâm ở biểu hiện đáng yêu có niệm bị quên lãng. Vị có tâm bị luyến ái nhận biết, bám víu, và duy trì điều ấy. Đối với vị ấy, các lậu hoặc, gốc rễ của tái sanh, dẫn đến sự tái sanh, tăng trưởng.”

Đại đức trưởng lão Uttiya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Uttiya.

100.

100. “Vị đã thành tựu sự ra sức đúng đắn, có sự thiết lập niệm là hành xứ, được bao phủ bởi bông hoa giải thoát, sẽ Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Devasabha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Devasabha.

Phẩm thứ mười.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Paripuṇṇaka, và vị Vijaya, vị Eraka, vị hiền trí Mettajī, vị Cakkhupāla, vị Khaṇḍasumaṇa, vị Tissa, và vị Abhaya là tương tự, vị Uttiya có đại trí tuệ, và luôn cả vị trưởng lão Devasabha.”

--ooOoo--

 

101.

101. “Sau khi từ bỏ trạng thái người tại gia, bản thân còn chưa hoàn thiện, có miệng như cái cày, ham ăn, biếng nhác, tựa như con heo mập được nuôi bằng các loại hạt, kẻ ngu xuẩn còn tiếp tục đi đến bào thai nhiều lần nữa.”

Đại đức trưởng lão Belaṭṭhānika đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Belaṭṭhānika.

102.

102. “Bị đánh lừa bởi ngã mạn, đang bị ô nhiễm trong các pháp hữu vi, bị khuấy động bởi có lợi lộc và không có lợi lộc, chúng không chứng đắc định.”

Đại đức trưởng lão Setuccha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Setuccha.

103.

103. “Tôi không có sự mong cầu với việc này, tôi được an lạc, được thỏa mãn với vị của Giáo Pháp. Và tôi sẽ không còn thể hiện sự thân thiết với chất độc sau khi uống vào vị nếm cao cả tối thượng.”

Đại đức trưởng lão Bandhura đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Bandhura.

104.

104. “Thân thể của tôi quả là nhẹ nhàng, được xúc chạm với hỷ lạc lớn lao. Tựa như bông gòn chập chờn bởi gió, thân thể của tôi như là trôi nổi.”

Đại đức trưởng lão Khitaka đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Khitaka.

105.

105. “Không được hài lòng, cũng không nên cư ngụ, trong khi thích thú cũng nên ra đi, và người có sự nhận thức càng không nên sống ở trú xứ không được gắn liền với mục đích.”

Đại đức trưởng lão Malitavambha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Malitavambha.

106.

106. “Đối với mục đích có một trăm biểu tượng, mang một trăm tướng trạng, kẻ ngu có sự nhìn thấy một phần, và người sáng suốt có sự nhìn thấy một trăm.”

Đại đức trưởng lão Suhemanta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Suhemanta.

107.

107. “Sau khi cân nhắc, tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Dhammasava đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Dhammasava.

108.

108. “Lúc một trăm hai mươi tuổi, tôi đã xuất gia sống đời không nhà. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Dhammasavapitu đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Dhammasavapitu.

109.

109. “Vị này đã đi đến nơi thanh vắng, nhưng quả nhiên không quan tâm đến lời giáo huấn của bậc có lòng thương tưởng đến lợi ích tối thượng, bởi vì vị này sống có giác quan buông thả, giống như con nai cái có bản chất non trẻ ở trong rừng.”

Đại đức trưởng lão Saṅgharakkhita đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Saṅgharakkhita.

110.

110. “Các cây cối được phát triển mạnh mẽ ở các đỉnh ngọn núi, được tưới bởi đám mây mưa đầu mùa ở trên cao. Chúng làm phát sanh hơn nữa tính chất tốt đẹp đến Usabha, vị có sự ưa thích nơi vắng vẻ, có sự suy tưởng về khu rừng.”

Đại đức trưởng lão Usabha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Usabha.

Phẩm thứ mười một.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Belaṭṭhānika, vị Setucchā, vị Bandhura, vị ẩn sĩ Khitaka, vị Malitavambha, vị Suhemanta, vị Dhammasava, vị Dhammasavapitā, vị trưởng lão Saṅgharakkhita, và vị đại hiền trí Usabha.”

--ooOoo--

111.

111. “Việc xuất gia quả là khó, các căn nhà là nơi khó cư ngụ, Giáo Pháp là thâm sâu, tài sản là khó đạt được, sự nuôi sống chỉ với vật này vật khác (tùy thuộc vào sự phát sanh) là khó khăn cho chúng tôi, điều thích hợp để thường xuyên suy nghĩ về tính chất vô thường.”

Đại đức trưởng lão Jenta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Jenta.

112.

111. “Tôi có ba Minh, có thiền chứng lớn lao, rành rẽ về sự vắng lặng của tâm. Mục đích của bản thân đã được tôi thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Vacchagotta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vacchagotta.

113.

113. “Với nước trong trẻo, với những tảng đá lớn, được lai vãng bởi các con khỉ và nai, được bao phủ bởi rong rêu ẩm ướt, những tảng núi đá ấy khiến tôi thích thú.”

Đại đức trưởng lão Vanavaccha đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vanavaccha.

114.

114. “Trong khi mạng sống đang bị tiêu hoại (dần), đối với kẻ có sự nặng nề và thô kệch ở thân xác, bị tham đắm trong sự khoái lạc của cơ thể, tính chất tốt đẹp của Sa-môn từ đâu mà có?”

Đại đức trưởng lão Adhimutta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Adhimutta.

115.

115. “Ngươi đây bị thấp kém so với ngọn núi có nhiều bụi rậm và cây cối, ngọn núi đá Nesādaka có danh tiếng với lớp bao phủ.”

Đại đức trưởng lão Mahānāma đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mahānāma.

116.

116. “Sau khi từ bỏ sáu xúc xứ, với cánh cửa (của các giác quan) được canh phòng, khéo được thu thúc, sau khi loại bỏ gốc rễ của sầu khổ, tôi đã đạt được sự cạn kiệt của các lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Pārāsariya đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Pārāsariya.

117.

117. “Khéo được bôi xức, có y phục đẹp, được điểm tô với mọi thứ trang sức, tôi đã chứng đắc ba Minh; lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Yasa đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Yasa.

118.

118. “Tuổi tác áp đặt lên như là đã được ra lệnh, sắc thân trong khi vẫn là vậy lại tựa như cái khác. Tôi nhớ về bản thân như là của cái khác, trong khi vẫn chính là cái ấy, không có tách lìa.”

Đại đức trưởng lão Kimbila đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kimbila.

119.

119. “Này vị dòng dõi Gotama (Ānanda), hãy đi đến bụi rậm ở gốc cây, hãy đặt Niết Bàn ở trong tâm, hãy tham thiền và chớ có xao lãng, việc nói năng sẽ làm được gì cho ngươi?”

Đại đức trưởng lão Vajjiputta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vajjiputta.

120.

120. “Năm uẩn đã được biết toàn diện, chúng tồn tại với gốc rễ đã bị cắt đứt, tôi đã đạt đến sự cạn kiệt của khổ đau, đã đạt được sự cạn kiệt của các lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Isidatta đã nói lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Isidatta.

Phẩm thứ mười hai.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Jenta, và vị Vacchagotta, và vị Vaccha có tên là Vana, vị Adhimutta, vị Mahānāma, vị Pārāsariya, và luôn cả vị Yasa, vị Kimbila, và vị Vajjiputta, vị Isidatta có danh tiếng lớn lao.”

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Một trăm hai mươi vị trưởng lão có phận sự đã làm xong, không còn lậu hoặc, đã khéo được đọc tụng bởi các vị đại trí thức ở nhóm chỉ có một kệ ngôn.”

Nhóm một được chấm dứt.

--ooOoo--

2. NHÓM HAI

121.

121. “Không có sự hiện hữu nào là thường còn, và luôn cả các hành cũng không trường tồn. Các uẩn ấy sanh lên và diệt tắt một cách liên tục.

122. Sau khi biết được điều bất lợi này, tôi không có mục đích ở sự hiện hữu. Được thoát ra khỏi tất cả các dục, tôi đã đạt được sự cạn kiệt của các lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Uttara đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Uttara.  

122.

123. “Mạng sống này không tồn tại bằng cách sai trái (tà mạng), thức ăn không tạo ra sự an tịnh cho tâm hồn. ‘Thân xác tồn tại nhờ thức ăn,’ sau khi nhận thức như vậy, tôi đi lang thang tìm kiếm.

124. Các vị đã tuyên bố việc đảnh lễ và cúng dường ở các gia đình chỉ là ‘bùn lầy.’ Mũi tên mảnh mai thì khó rút ra, sự tôn vinh là khó từ bỏ đối với người ti tiện.”

Đại đức trưởng lão Piṇḍolabhāradvāja đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Piṇḍolabhāradvāja.  

123.

125. “Con khỉ, sau khi tiến vào trong cái cốc nhỏ có năm cánh cửa, đi loanh quanh theo từng cánh cửa, trong khi gõ vào một cách liên tục.

126. Này khỉ, người hãy đứng yên, chớ có chạy, bởi vì việc ấy đối với ngươi không như trước đây nữa. Ngươi đã bị chế ngự bởi trí tuệ, ngươi sẽ không còn đi xa được nữa.”

Đại đức trưởng lão Valliya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Valliya.

124.

127. “Cái cốc của tôi ở bờ sông Gaṅgā được làm với ba chiếc lá cọ, bình bát của tôi chính là cái chậu đựng đồ cúng cho người chết, và y may bằng vải quăng bỏ.

128. Trong khoảng thời gian hai năm, một câu nói đã được tôi thốt ra. Vào khoảng giữa năm thứ ba, khối đống tăm tối (vô minh) đã được phá tan.”

Đại đức trưởng lão Gaṅgātīriya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Gaṅgātīriya.  

125.

129. “Thậm chí nếu bậc Lậu Tận, có ba Minh, có sự chiến thắng Thần Chết, những kẻ ngu, không biết, cũng khi dễ vị ấy là: ‘Người không được biết tiếng.’

130. Còn cá nhân nào ở thế gian này là người có lợi lộc về cơm nước, thậm chí là có ác pháp, kẻ ấy cũng được chúng trọng vọng.”

Đại đức trưởng lão Ajina đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ajina.  

126.

131. “Vào lúc tôi đã lắng nghe Giáo Pháp của bậc Đạo Sư trong lúc Ngài đang thuyết giảng, tôi biết chắc là không có sự nghi ngờ về đấng Toàn Tri, bậc không bị chiến bại, ...

132. ... về người hướng dẫn đoàn xe, đấng Đại Hùng, bậc tối thượng cao quý trong số những người điều khiển xe. Nỗi nghi ngờ của tôi về Đạo Lộ hay sự thực hành là không có.”

Đại đức trưởng lão Melajina đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Melajina.  

127.

133. “Giống như mưa xuyên thủng căn nhà được lợp (mái) vụng về, tương tự như thế sự luyến ái xuyên thủng tâm không được tu tập.

134. Giống như mưa không xuyên thủng căn nhà được lợp (mái) khéo léo, tương tự như thế sự luyến ái không xuyên thủng tâm khéo được tu tập.”[6]

Đại đức trưởng lão Rādha đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Rādha.

128.

135. “Sự tái sanh của tôi đã được cạn kiệt thật sự, lời dạy của đấng Chiến Thắng đã được sống qua, cái được gọi là màng lưới (tà kiến, vô minh) đã được dứt bỏ, lối dẫn đến hiện hữu đã được xóa sạch.

136. Vì mục đích nào mà tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà, mục đích ấy của tôi, sự cạn kiệt tất cả các điều ràng buộc, đã được thành tựu.”

Đại đức trưởng lão Surādha đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Surādha.

129.

137. “Là những vị không bị trói buộc bởi các người nữ, các bậc hiền trí ngủ thoải mái. Thật vậy, các người nữ luôn luôn cần phải canh phòng, (lời nói) chân thật là điều khó đạt được ở nơi họ.

138. Này dục vọng, chúng tôi đã thực hành việc giết chết ngươi. Giờ đây, đối với ngươi chúng tôi không còn nợ nần. Giờ đây, chúng tôi đi đến Niết Bàn, là nơi không sầu muộn sau khi đi đến.”

Đại đức trưởng lão Gotama đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Gotama.

130.

139. “Kẻ ấy trước tiên hại chết bản thân, sau đó hại chết những người khác. Gã hại chết bản thân bị chết hẳn, tựa như kẻ bẫy chim với con chim mồi.

140. Bà-la-môn không phải với sắc tướng bên ngoài, chính sắc tướng bên trong mới là Bà-la-môn. Các nghiệp ác ở nơi kẻ nào, kẻ ấy chính là đen, này (Chúa Trời) Sujampati.”

Đại đức trưởng lão Vasabha đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vasabha.

Phẩm thứ nhất.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Uttara, và luôn cả vị Piṇḍola, vị Valliya, và vị ẩn sĩ Tīriya, vị Ajina và vị Melajina, vị Rādha, vị Surādha, vị Gotama, với vị Vasabha; các vị này là mười vị trưởng lão có đại thần lực.”

--ooOoo--

131.

141. “Ước muốn lắng nghe làm tăng trưởng việc lắng nghe, việc lắng nghe là sự làm tăng trưởng cho tuệ, nhờ tuệ biết được ý nghĩa, ý nghĩa, đã được biết, là nguồn đem lại an lạc.

142. Nên lui tới các chỗ trú ngụ xa vắng. Nên thực hành việc thoát khỏi các sự ràng buộc. Nếu không đạt được sự thích thú tại nơi ấy, thì nên sống ở hội chúng, bản thân được bảo vệ, có niệm.”

Đại đức trưởng lão Mahācunda đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mahācunda.

132.

143. “Các chúng sanh nào, với sự ra sức thô bạo, áp bức con người bằng hành động có liên quan đến sự ép buộc và bằng nhiều cách thức khác nhau, những kẻ ấy cũng bị gánh chịu y như thế, bởi vì nghiệp không bị tiêu hoại.

144. Người làm hành động nào, tốt lành hoặc xấu xa, (sẽ) là người thừa tự của chính điều ấy, của chính hành động mà họ tạo ra.”

Đại đức trưởng lão Jotidāsa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Jotidāsa.

133.

145. “Ngày và đêm trôi qua mau, mạng sống đi đến sự tiêu hoại. Tuổi thọ của con người bị cạn kiệt, tựa như nước ở những dòng nước nhỏ.

146. Và trong khi làm các hành động xấu xa, kẻ ngu không thấu hiểu, về sau có sự đắng cay cho gã, bởi vì quả thành tựu của việc ấy là xấu xa.”

Đại đức trưởng lão Heraññakāni đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Heraññakāni.

134.

147. “Giống như người sau khi leo lên khúc gỗ nhỏ thì có thể đắm chìm ở đại dương, tương tự như thế sau khi đi đến với kẻ biếng nhác, người có cuộc sống tốt đẹp cũng đắm chìm; vì thế nên tránh xa kẻ biếng nhác có sự tinh tấn thấp kém ấy.

148. Nên sống với các bậc sáng suốt, sống tách ly, thánh thiện, có bản tính cương quyết, chứng thiền, thường xuyên có sự nỗ lực tinh tấn.”

Đại đức trưởng lão Somacitta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Somacitta.

135.

149. “Con người bị vướng bận với con người, con người bị phụ thuộc vào chính con người, con người bị quấy rầy bởi con người, và con người quấy rầy con người.

150. Vậy kẻ ấy có lợi ích gì với con người, hoặc với con người đã được sanh ra? Nên đi, sau khi rời bỏ con người ấy, kẻ đã quấy rầy nhiều người.”

Đại đức trưởng lão Sabbamitta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sabbamitta.

136.

151. “Người đàn bà tên Kāḷī cao to, có dáng vóc như con quạ, bẻ gãy cái đùi, rồi cái đùi kia, bẻ gãy cánh tay, rồi cánh tay kia, bẻ gãy cái đầu tựa như cái hũ đựng sữa chua, bà ấy ngồi xuống, sắp chung lại.

152. Đúng vậy, kẻ nào ngu xuẩn, không biết, rồi tạo ra mầm tái sanh, còn tiếp tục đi đến khổ đau nhiều lần nữa. Vì thế, trong khi biết (vậy) không nên tạo ra mầm tái sanh. Mong rằng tôi chớ nằm xuống thêm lần nữa, với đầu bị vỡ tan.”

Đại đức trưởng lão Mahākāḷa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mahākāḷa.

137.

153. “Vị cạo đầu, trùm lên y hai lớp, có lợi lộc về cơm ăn, nước uống, vải vóc, và giường nằm, có nhiều kẻ ganh tỵ.

154. Sau khi biết được điều bất lợi này, (biết được) nỗi sợ hãi lớn lao trong các sự tôn vinh, vị tỳ khưu, có sự nhận lãnh ít ỏi, không bị tham đắm, đi du hành, có niệm.”

Đại đức trưởng lão Tissa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Tissa.

138.

155. “Ở khu rừng Pācīnavaṃsa, những người con trai dòng Sakya có cùng chí hướng, sau khi dứt bỏ những của cải không phải là ít ỏi, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực.

156. Có sự nỗ lực tinh tấn, có bản tính cương quyết, thường xuyên có sự ra sức vững chãi, sau khi từ bỏ niềm vui ở thế gian, các vị thích thú với niềm vui trong Giáo Pháp.”

Đại đức trưởng lão Kimbila đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kimbila.

139.

157. “Do sự tác ý không theo đúng đường lối, tôi đã bị vướng bận với việc trang sức. Và tôi đã tự kiêu, chao đảo, và bị khổ sở bởi sự luyến ái ở các dục.

158. Nhờ vào đức Phật, vị thân quyến của mặt trời, vị thiện xảo về phương pháp, sau khi thực hành theo đúng đường lối, tôi đã đưa tâm ra khỏi hữu.”

Đại đức trưởng lão Nanda đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nanda.  

140.

159. “Những người khác ca ngợi vị ấy, nếu bản thân chưa được định tĩnh, thì những người khác ca ngợi sai lầm, bởi vì bản thân chưa được định tĩnh.

160. Những người khác chê trách vị ấy, nếu bản thân khéo được định tĩnh, thì những người khác chê trách sai lầm, bởi vì bản thân khéo được định tĩnh.”

Đại đức trưởng lão Sirimā đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sirimā.

Phẩm thứ nhì.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Cunda, vị Jotidāsa, và vị trưởng lão Heraññakāni, vị Somamitta, vị Sabbamitta, vị Kāla, vị Tissa và vị Kimbila, vị Nanda, và luôn cả vị Sirimā là mười vị trưởng lão có đại thần lực.”

--ooOoo--

 

141.

161. “Tôi đã biết toàn diện về các uẩn, tham ái của tôi đã khéo được xóa sạch, các chi phần giác ngộ đã được tôi tu tập, tôi đã đạt được sự cạn kiệt của các lậu hoặc.

162. Tôi đây, sau khi biết toàn diện về các uẩn, sau khi đã nhổ lên kẻ có màng lưới (tham ái), sau khi tu tập các chi phần giác ngộ, tôi sẽ Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Uttara đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Uttara.

142.

163. “Vị vua ấy tên là Panāda, là người có tòa lâu đài bằng vàng, chiều rộng mười sáu lần mũi tên (đi xa), chiều cao đã là gấp một ngàn lần.

164. Có một ngàn bậc cấp, với một trăm quả cầu trang trí, được trang hoàng với những lá cờ, được làm bằng vàng. Nơi ấy, các vũ công đã nhảy múa (với số lượng) là bảy lần của sáu ngàn.”

Đại đức trưởng lão Bhaddaji đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Bhaddaji.

143.

165. “Là vị tỳ khưu có niệm, có tuệ, có các lực và tinh tấn đã được ra sức, tôi đã nhớ lại trong một đêm được năm trăm kiếp.

166. Trong khi tu tập bốn sự thiết lập niệm, bảy (chi phần giác ngộ) và tám (Thánh Đạo), tôi đã nhớ lại trong một đêm được năm trăm kiếp.”

Đại đức trưởng lão Sobhita đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sobhita.

144.

167. “Việc nào cần phải làm với sự tinh tấn vững chãi, việc nào cần phải làm bởi người đang ước muốn được giác ngộ, tôi sẽ thực hiện, tôi sẽ không thất bại, hãy nhìn xem sự tinh tấn, sự nỗ lực (của tôi).

168. Và xin ngài hãy nói cho tôi con đường trực chỉ thể nhập vào Bất Tử, tôi sẽ thấu hiểu bằng tư cách của vị hiền trí, tựa như dòng sông Gaṅgā sẽ nhập vào biển cả.”

Đại đức trưởng lão Valliya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Valliya.

145.

169. “‘Ta sẽ cạo các tóc của ta,’ người thợ cạo đã đến. Sau đó, cầm lấy cái gương soi, tôi đã quán xét cơ thể.

170. Thân thể đã được thấy là rỗng không, đêm đen bóng tối đã xa lìa, tất cả phiền não đã được trừ tuyệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Vītasoka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vītasoka.  

146.

171. “Sau khi từ bỏ năm pháp che lấp nhằm đạt đến sự an toàn khỏi các ràng buộc, sau khi cầm lấy cái gương soi Giáo Pháp có sự biết và thấy được bản thân, ...

172. ... tôi đã quán xét cái thân thể này, toàn bộ bên trong lẫn bên ngoài, của bản thân và của người khác; thân đã được thấy là rỗng không.”

Đại đức trưởng lão Puṇṇamāsa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Puṇṇamāsa.  

147.

173. “Cũng giống như con bò giống tốt lành, sau khi sẩy chân, nó đứng lên lại, sau khi tiếp nhận thêm sự kích động, nó kéo đi gánh nặng, không biếng nhác.

174. Tương tự như thế, xin các ngài hãy ghi nhận tôi là thuần chủng, là người con trai chính thống của đức Phật, đã đạt được sự nhận thức, là đệ tử của đấng Chánh Đẳng Giác.”

Đại đức trưởng lão Nandaka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nandaka.  

148.

175. “Này Nandaka, hãy đến. Chúng ta hãy đi gặp vị thầy tế độ. Chúng ta sẽ rống lên tiếng rống sư tử trước mặt đức Phật tối thượng.

176. Bởi vì (mục đích) nào mà bậc Hiền Trí, do lòng thương tưởng đến chúng ta, đã cho chúng ta xuất gia, mục đích ấy, sự cạn kiệt tất cả các sự ràng buộc, đã được chúng ta thành tựu.”

Đại đức trưởng lão Bharata đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Bharata.

149.

177. “Các bậc có trí tuệ rống lên như vậy, tựa như những con sư tử trong hang núi. Các bậc anh hùng, với cuộc chiến đã thắng trận, sau khi chiến thắng Ma Vương cùng với đạo quân binh.

178. Bậc Đạo Sư đã được tôi phục vụ, Giáo Pháp và Hội chúng đã được tôi tôn vinh, và tôi được hoan hỷ, có tâm ý vui mừng, sau khi nhìn thấy người con trai là bậc không còn lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Bhāradvāja đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Bhāradvāja.

150.

179. “Các bậc thiện nhân đã được phục vụ, Giáo Pháp đã được thường xuyên lắng nghe, sau khi lắng nghe, tôi đã thực hành con đường thể nhập vào Bất Tử.

180. Sự luyến ái về hiện hữu đã được tôi tiêu diệt, sự luyến ái về hiện hữu ở tôi không còn tìm thấy nữa, nó đã không có ở tôi, và sẽ không có, và trong hiện tại cũng không tìm thấy ở tôi.”

Đại đức trưởng lão Kaṇhadinna đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kaṇhadinna.

 

Phẩm thứ ba.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Uttara, vị trưởng lão Bhaddaji, vị Sobhita, vị ẩn sĩ Valliya, và Vītasoka là vị trưởng lão nào, vị Puṇṇamāsa, và vị Nandaka, vị Bharata, và vị Bhāradvāja, vị hiền trí vĩ đại Kaṇhadinna.”

--ooOoo--

 

151.

181. “Kể từ khi tôi được xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác, trong khi được giải thoát tôi đã vươn lên, tôi đã vượt qua khỏi dục giới.

182. Trong khi vị Phạm Thiên (đức Phật) xem xét, nhờ thế tâm của tôi đã được giải thoát, ‘sự giải thoát của tôi là không bị chuyển dịch,’ nhờ vào sự cạn kiệt tất cả các điều ràng buộc.”

Đại đức trưởng lão Migasira đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Migasira.

152.

183. “Các ngôi nhà nhỏ là không thường còn, tái đi diễn lại nơi này nơi khác. Trong khi tìm kiếm người thợ làm nhà, sự sanh tái đi diễn lại là khổ đau.

184. Hỡi người thợ làm nhà, ngươi đã bị nhìn thấy, ngươi sẽ không xây dựng nhà nữa. Tất cả các rường cột của ngươi đã bị gãy đổ, và mái nhà đã bị tan hoang. Tâm đã được cởi trói, sẽ tiêu tan ngay trong kiếp này.”

Đại đức trưởng lão Sīvaka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sīvaka.

153.

185. “Vị A-la-hán, đấng Thiện Thệ, bậc Hiền Trí bị bệnh vì những cơn gió. Này Bà-la-môn, nếu có nước nóng, xin ông hãy dâng đến bậc Hiền Trí.

186. Là vị được cúng dường bởi những bậc xứng đáng được cúng dường, được trọng vọng bởi những bậc xứng đáng được trọng vọng, được nể nang bởi những bậc xứng đáng được nể nang, tôi muốn được đem đến cho vị ấy.”

Đại đức trưởng lão Upavāna đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Upavāna.

154.

187. “Tôi đã nhìn thấy những cận sự nam có sự ghi nhớ về Giáo Pháp trong khi nói rằng: ‘Các dục là vô thường,’ lại bị luyến ái dính mắc ở các bông tai gắn ngọc ma-ni, và sự mong mỏi của họ là ở những người con và những người vợ.

188. Quả thật, họ không hiểu Giáo Pháp đúng y theo bản thể. Mặc dầu, họ đã nói rằng: ‘‘Các dục là vô thường,’ nhưng họ không có năng lực để cắt đứt sự luyến ái, vì thế họ bị vướng mắc với vợ, con, và tài sản.”

Đại đức trưởng lão Isidinna đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Isidinna.

155.

189. “Ông Trời đổ mưa, và ông Trời gào thét. Còn tôi đơn độc một mình sống ở hang động ghê rợn. Tôi đây, trong khi đơn độc một mình sống ở hang động ghê rợn, không có sợ hãi, hoặc khiếp đảm, hoặc nổi ốc ở lông.

190. Điều ấy là bản thể tự nhiên của tôi, tôi đây trong khi đơn độc một mình sống ở hang động ghê rợn, không có sợ hãi, hoặc khiếp đảm, hoặc nổi ốc ở lông.”

Đại đức trưởng lão Sambulakaccāna đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sambulakaccāna.

156.

191. “Tâm của người nào giống như tảng đá, đứng yên, không rung chuyển, không còn luyến ái ở các vật đáng bị luyến ái, không bị bực tức đối với việc đáng bị bực tức? Tâm của người nào được tu tập như vậy, do đâu khổ đau sẽ đến với người ấy?

192. Tâm của tôi giống như tảng đá, đứng yên, không rung chuyển, không còn luyến ái ở các vật đáng bị luyến ái, không bị bực tức đối với việc đáng bị bực tức? Tâm của tôi được tu tập như vậy, do đâu khổ đau sẽ đến với tôi?”

Đại đức trưởng lão Khitaka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Khitaka.

157.

193. “Ban đêm với những chòm sao không chỉ để ngủ, đối với người hiểu biết đêm ấy chính là để tỉnh thức.

194. Khi bị rơi xuống từ lưng voi, nếu con voi lao tới, đối với tôi cái chết ở chiến trường còn tốt hơn nếu tôi có thể sống sót, bị bại trận.”

Đại đức trưởng lão Selissariya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Selissariya.

158.

195. “Sau khi từ bỏ năm loại dục có bản chất đáng yêu, làm thích ý, sau khi ra đi vì niềm tin, nên thực hiện việc chấm dứt khổ đau.

196. Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi chờ đợi thời điểm, có sự nhận biết rõ, có niệm.”

Đại đức trưởng lão Nisabha đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nisabha.

159.

197. “Sau khi đắp lên vai tấm y có màu tựa như chồi non của cây xoài, ngồi ở cổ con voi, tôi đã đi vào làng để khất thực.

198. Sau khi leo xuống từ thân voi, khi ấy tôi đã cảm nhận sự chấn động, khi ấy tôi đây đã hãnh diện, rồi an tịnh, tôi đã đạt được sự cạn kiệt của các lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Usabha đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Usabha.  

160.

199. “Kappaṭakura (nghĩ rằng): ‘Bộ đồ rách rưới này (là của ta)’ nên chán nản với việc thực hành Giáo Pháp, trong khi chậu nước trong sạch của sự Bất Tử được tràn đầy, (và có) đạo lộ đã được thành lập để tích lũy các thiền.

200. Này Kappaṭa, ngươi chớ có ngủ gà ngủ gật, chớ để Ta phải gõ ngươi ở lỗ tai. Này Kappaṭa, bởi vì ngươi đã không biết chừng mực, trong khi ngủ gà ngủ gật ở giữa hội chúng.”

Đại đức trưởng lão Kappaṭakura đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kappaṭakura.

Phẩm thứ tư.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị Migasira, vị Sīvaka, và vị Upavāna sáng suốt, vị Isidinna, vị Kaccāna, và vị Khitaka có năng lực lớn lao, vị Selissariya, và vị Nisabha, vị Usabha, vị Kappaṭakura.”

--ooOoo--

 

161.

201. “Ôi chư Phật! Ôi các Pháp (Giải Thoát)! Ôi các sự thành tựu của bậc Đạo Sư của chúng ta! Với Ngài, vị đệ tử sẽ chứng ngộ Giáo Pháp như thế ấy.

202. Trải qua nhiều kiếp không thể đếm được, họ đã tự thân chứng đắc. Đối với các vị ấy, đây là lần cuối cùng, đây là xác thân sau chót có sự luân hồi sanh tử, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Kumārakassapa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kumārakassapa.  

162.

203. “Hiển nhiên, vị tỳ khưu trẻ tuổi, nỗ lực theo lời dạy của đức Phật, là người tỉnh thức giữa những kẻ ngủ say; mạng sống của vị ấy không phải rỗng không.

204. Bởi vậy, bậc thông minh, trong khi ghi nhớ lời dạy của chư Phật, nên ra sức về đức tin, về giới, về niềm hoan hỷ, và về việc nhận thức Giáo Pháp.”

Đại đức trưởng lão Dhammapāla đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Dhammapāla.  

163.

205. “Các giác quan của vị nào đã đi đến sự yên lặng, giống như những con ngựa đã khéo được huấn luyện bởi người đánh xe, vị ấy có ngã mạn đã được dứt bỏ, không còn lậu hoặc, ngay cả chư Thiên cũng yêu mến vị có đức tính như thế ấy.

206. Các giác quan của tôi đã đi đến sự yên lặng, giống như những con ngựa đã khéo được huấn luyện bởi người đánh xe, tôi có ngã mạn đã được dứt bỏ, không còn lậu hoặc, ngay cả chư Thiên cũng yêu mến tôi, là người có đức tính như thế ấy.”

Đại đức trưởng lão Brahmāli đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Brahmāli.

164.

207. “Này Mogharāja, này kẻ có xác thân xấu xa, này kẻ có tâm tính hiền thiện, ngươi thường xuyên được định tĩnh. Trong mùa đông, có những đêm vào thời điểm lạnh lẽo, ngươi là vị tỳ khưu, ngươi sẽ làm thế nào?

208. ‘Toàn thể những người dân xứ Magadha có thóc lúa được thành tựu,’ là điều con đã được nghe. Được che phủ bởi rơm rạ, con có thể nằm xuống, giống như những người khác có cuộc sống thoải mái.”

Đại đức trưởng lão Mogharāja đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mogharāja.  

165.

209. “Chớ nâng mình lên, và chớ gây khó dễ những người khác, chớ nên bôi nhọ, chớ nên nhục mạ vị đã đi đến bờ kia, và chớ nên nói lời ca ngợi bản thân ở giữa các đám đông, không tự kiêu, có lời nói chừng mực, là người có sự hành trì tốt đẹp.

210. Với vị có sự nhìn thấy ý nghĩa vô cùng vi tế, vi diệu, là vị thiện xảo về sự suy nghĩ, có cách cư xử khiêm tốn, có giới được rèn luyện và tăng trưởng, với vị ấy Niết Bàn không hẳn là điều khó đạt được.” [7]

Đại đức trưởng lão Visākhapañcālaputta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Visākhapañcālaputta.  

166.

211. “Những con chim công kêu réo, có mồng xinh, có lông đuôi xinh, có cổ màu xanh xinh xinh, có khuôn mặt đẹp, có những tiếng kêu êm dịu. Và thêm nữa, đại địa cầu này có thảm cỏ đẹp có nước khéo tưới ướt đẫm, bầu trời có những áng mây xinh xắn.

212. Với dáng vóc vô cùng thích hợp của người có tâm ý tốt đẹp, ngươi hãy suy nghiệm về điều ấy. Lành thay sự ra đi tốt đẹp ở Giáo Pháp của đức Phật Toàn Giác! Ngươi hãy chạm đến vị thế vô cùng trong sạch và tinh khiết, tế nhị, rất khó nhìn thấy, tối thượng, vĩnh cửu ấy.”

Đại đức trưởng lão Cūḷaka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Cūḷaka.

167.

213. “Trong lúc vui thú, tâm đi đến nơi đang dựng đứng các cọc nhọn. Nơi nào là cọc nhọn là chỗ hành quyết, thì ngươi tiến đến chính nơi ấy.

214. Ta gọi ngươi là tâm tội lỗi, ta gọi ngươi là tâm bội bạc, đấng Đạo Sư là bậc khó gặp được, nay ngươi đã được gặp; ngươi chớ xúi giục ta những việc không phải là mục đích.”

Đại đức trưởng lão Anūpama đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Anūpama.

168.

215. “Trong khi luân hồi trên con đường dài xa thẳm, tôi đã lăn lóc qua nhiều cảnh giới tái sanh, trong khi không nhìn thấy các Chân Lý cao thượng, là kẻ phàm phu, bị mù lòa.

216. Tôi đây không bị xao lãng, các sự luân hồi của tôi đã bị phá hủy, tất cả các cảnh giới tái sanh đã được trừ tuyệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Vajjita đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vajjita.

169.

217. “Ở cội cây Assattha, mặc dầu đang phát triển, cũng có khoảng không gian màu xanh, có niệm tôi đã đạt được một suy tưởng hướng về đức Phật.

218. Sự suy tưởng ấy tôi đã đạt được trước đây ba mươi mốt kiếp, do nhờ tác động của sự suy tưởng ấy, tôi đã đạt được sự cạn kiệt của các lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Sandhita đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sandhita.

Phẩm thứ năm.

*****

TÓM LƯỢC PHẨM NÀY

“Vị trưởng lão Kumārakassapa, vị Dhammapāla, và vị Brahmāli, vị Mogharājā và vị Visākha, vị Cūḷaka và vị Anūpama, vị Vajjita, vị trưởng lão Sandhita có sự mang đi phiền não luyến ái.”

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Có chín mươi tám câu kệ ở nhóm hai, bốn mươi chín vị trưởng lão là những vị thuyết giảng, là những vị rành rẽ về phương thức.”

Nhóm Hai được chấm dứt.

--ooOoo--

3. NHÓM BA

170.

219. “Trong khi tầm cầu sự trong sạch không đúng đường lối, tôi đã chăm sóc ngọn lửa (cúng dường Thần Lửa) ở trong rừng. Trong khi không biết về Đạo Lộ của sự trong sạch, tôi đã thực hành khổ hạnh vì sự bất tử.

220. Sự an lạc (Niết Bàn) ấy đạt được với sự an lạc (của đường lối thực hành Trung Đạo); hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.

221. Trước đây, tôi đã là thân quyến của Phạm Thiên, giờ đây tôi quả thật là dòng dõi Phạm Thiên. Tôi có ba Minh, là người đã được tắm rửa (hoàn toàn trong sạch), tôi có các sự tốt lành, có sự hiểu biết sâu sắc.”

Đại đức trưởng lão Aṅgaṇikabhāradvāja đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Aṅgaṇikabhāradvāja.  

171.

222. “Tôi đã xuất gia được năm ngày, là bậc Hữu Học, tâm ý chưa đạt. Lúc tôi đi vào trú xá, ý của tôi đã có quyết định rằng:

223. ‘Khi mũi tên tham ái chưa được nhổ lên, ta sẽ không ăn, ta sẽ không uống, ta sẽ không đi ra khỏi trú xá, ta cũng sẽ không nằm xuống một bên hông.’

224. Trong khi tôi đây sống như vậy, hãy nhìn xem sự tinh tấn và nỗ lực của tôi. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Paccaya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Paccaya.  

172.

225. “Người nào mong muốn làm sau này những việc cần phải làm trước, người ấy bị tiêu hoại về trạng thái an lạc, và hối tiếc về sau.

226. Nếu làm điều nào thì nên nói chính điều ấy; nếu không làm điều nào thì không nên nói điều ấy. Các bậc sáng suốt biết rõ người không làm mà nói.

227. Quả thật, Niết Bàn đã được đấng Chánh Đẵng Giác thuyết giảng là vô cùng an lạc, không có sầu muộn, xa lìa sự luyến ái, an toàn, là nơi khổ đau bị hoại diệt.”

Đại đức trưởng lão Bakkula đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Bakkula.

173.

228. “Người có ước vọng về đời sống Sa-môn, nếu mong muốn sống an lạc, không nên chê bai y áo, nước uống, và thức ăn thuộc về hội chúng.

229. Người có ước vọng về đời sống Sa-môn, nếu mong muốn sống an lạc, nên sử dụng chỗ nằm ngồi tựa như con rắn sử dụng cái hang của con chuột.

230. Người có ước vọng về đời sống Sa-môn, nếu mong muốn sống an lạc, nên hài lòng với vật này vật khác (tùy thuộc vào sự phát sanh), và nên tu tập một pháp (không xao lãng).”

Đại đức trưởng lão Dhaniya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Dhaniya.

174.

231. “‘Việc này đã là quá lạnh, quá nóng, quá chiều tối rồi,’ như thế cơ hội trôi qua đối với những người tuổi trẻ có công việc bị bỏ dở.

232. Và vị nào nghĩ rằng sự lạnh và sự nóng không hơn gì cọng cỏ, trong khi làm các phận sự của con người, vị ấy không đánh mất sự an lạc.

233. Trong khi đeo đuổi việc ẩn cư, bằng lồng ngực tôi sẽ đẩy dạt ra các loại cỏ dabba, cỏ kusa, cỏ poṭakila, cỏ usīra, cỏ muñja, và cỏ babbaja.”[8]

Đại đức trưởng lão Mātaṅgaputta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mātaṅgaputta.

175.

234. “Một trong số các vị Sa-môn có tài thuyết giảng sinh động, có kiến thức rộng, sống tại Pāṭaliputta, là vị Khujjasobhita, lớn tuổi, đứng ở cánh cửa.

235. Một trong số các vị Sa-môn có tài thuyết giảng sinh động, có kiến thức rộng, sống tại Pāṭaliputta, là vị lớn tuổi, đứng ở cánh cửa, đã được chuyển đến bằng làn gió.

236. Với sự khéo chiến đấu, với sự đã khéo hy sinh, với sự chiến thắng ở cuộc chiến đấu, với việc đã thực hành Phạm hạnh, chính vị này thành tựu sự an lạc.”

Đại đức trưởng lão Khujjasobhita đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Khujjasobhita.

176.

237. “Ở đời này, bất cứ người nào, trong số loài người, hãm hại các mạng sống khác, con người (ấy) bị tiêu hoại ở cả hai nơi, đời này và đời sau.

238. Và người nào với tâm từ ái thương xót tất cả các sanh mạng, con người như thế ấy tạo ra nhiều phước báu nhờ vào việc ấy.

239. Nên nói năng khéo léo, nên học tập, và nên thân cận các vị Sa-môn, nên ngồi một mình ở nơi thanh vắng, và nên có sự yên lặng ở tâm.”

Đại đức trưởng lão Vāraṇa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vāraṇa.

177.

240. “Mặc dầu chỉ một mình giữa những người bà con không có đức tin ở thế gian này, tôi có đức tin, thông minh, vững vàng trong Giáo Pháp, được đầy đủ về giới; (việc ấy) là vì sự lợi ích cho các thân quyến.

241. Vì lòng thương tưởng, sau khi phê bình, tôi đã quở trách những người bà con vì lòng yêu mến đối với bà con thân quyến. Sau khi làm công việc (hộ độ) các vị tỳ khưu, ...

242. ... họ đã trải qua, đã từ trần, đã đạt được hạnh phúc cõi trời. Mẹ và các anh em trai của tôi hoan hỷ, có được các dục theo như ước muốn.”

Đại đức trưởng lão Passika đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Passika.

178.

243. “Người nam, có tay chân giống như các khúc cây màu đen, ốm o, nổi đầy gân, biết chừng mực về cơm ăn nước uống, có tâm ý không biếng nhác.

244. Bị cắn bởi những con ruồi, bởi những con muỗi trong khu rừng, ở trảng cây rộng lớn, tựa như con voi luôn dẫn đầu trong chiến trận, vị có niệm nên chịu đựng tại nơi ấy.[9]

245. Một vị (tỳ khưu) giống như Phạm Thiên, hai vị (tỳ khưu) giống như chư Thiên, ba vị (tỳ khưu) giống như cái làng, nhiều hơn thế là náo động.”

Đại đức trưởng lão Yasoja đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Yasoja.

179.

246. “Trước đây, đức tin có ở nơi ông, hôm nay nó không được tìm thấy ở nơi ông. Cái gì thuộc về ông thì cũng vẫn thuộc về ông. Việc hành xử sái quấy không có ở nơi tôi.

247. Bởi vì đức tin là không thường còn và bị dao động, điều ấy đã được tôi nhìn thấy đúng như vậy. Người ta bị luyến ái hoặc không bị luyến ái, trong trường hợp ấy vị hiền trí bị mất mát cái gì?

248. Bữa ăn của vị hiền trí được nấu từng chút từng chút ở nhà này nhà khác, tôi sẽ đi khất thực, tôi có sức mạnh của ống chân.”

Đại đức trưởng lão Sāṭimattiya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sāṭimattiya.  

180.

249. “Sau khi ra đi vì niềm tin, được xuất gia ở tuổi thanh xuân, vị mới tu nên giao thiệp với các bạn hữu tốt lành, (những người) có sự nuôi mạng trong sạch, không biếng nhác.

250. Sau khi ra đi vì niềm tin, được xuất gia ở tuổi thanh xuân, vị mới tu, là tỳ khưu, trong khi sống ở hội chúng, nên học tập về Luật, có trí tuệ.

251. Sau khi ra đi vì niềm tin, được xuất gia ở tuổi thanh xuân, vị mới tu, rành rẽ về điều được phép và không được phép, nên sống, không vọng tưởng.”

Đại đức trưởng lão Upāli đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Upāli.

181.

252. “Quả thật, tôi là người sáng suốt, đủ khả năng nhận thức được điều lợi ích. Năm loại dục ở thế gian, với bản thể tối tăm, đã làm tôi té ngã.

253. Bị rơi vào lãnh vực của Ma Vương, bị đâm vào bởi mũi tên mạnh mẽ, tôi đã có thể thoát ra khỏi bẫy sập của Thần Chết.

254. Tất cả các dục đã được dứt bỏ, tất cả các hữu đã được phá vỡ, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Uttarapāla đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Uttarapāla.

182.

255. “Này tất cả các quyến thuộc, hết thảy những ai đã tụ hội ở đây, xin hãy lắng nghe. Tôi sẽ thuyết giảng Giáo Pháp cho các người, sự tái sanh lập đi lập lại là khổ đau.

256. Các người hãy nỗ lực, hãy cố gắng, hãy gắn bó vào lời dạy của đức Phật. Các người hãy dẹp bỏ đạo binh của Thần Chết, tựa như con voi phá bỏ căn chòi bằng lau sậy.

257. Người nào sẽ sống trong Pháp và Luật này, không xao lãng, sau khi dứt bỏ việc luân hồi tái sanh, sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ đau.”

Đại đức trưởng lão Abhibhūta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Abhibhūta.

183.

258. “Trong khi luân hồi, tôi đã đi đến địa ngục, tôi đã tiếp tục đi đến thế giới ngạ quỷ nhiều lần nữa. Thậm chí ở tình trạng khó thể chịu đựng thuộc dòng giống thú vật, tôi đã sống dai dẳng không chỉ một lần.

259. Thậm chí sự hiện hữu là loài người cũng đã được thành tựu, tôi đã đi đến tập thể ở cõi trời lần này lần khác, và đã tồn tại ở các cõi sắc giới, các cõi vô sắc giới, và các cõi phi tưởng phi phi tưởng.

260. Các sự hiện hữu đã được biết rõ là không có thực chất, bị tạo tác, bị chao đảo, luôn bị chuyển dịch. Sau khi biết được điều ấy có căn nguyên ở bản thân, là người có niệm, tôi đã tự mình chứng đắc sự tịch tịnh.”

Đại đức trưởng lão Gotama đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Gotama.

184.

261. “Người nào mong muốn làm sau này những việc cần phải làm trước, người ấy bị tiêu hoại về trạng thái an lạc, và hối tiếc về sau.

262. Nếu làm điều nào thì nên nói chính điều ấy; nếu không làm điều nào thì không nên nói điều ấy. Các bậc sáng suốt biết rõ người không làm mà nói.

263. Quả thật, Niết Bàn đã được đấng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng là vô cùng an lạc, không có sầu muộn, xa lìa sự luyến ái, an toàn, là nơi khổ đau bị hoại diệt.”[10]

Đại đức trưởng lão Hārita đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Hārita.

185.

264. “Sau khi lánh xa các bạn bè ác xấu, nên giao thiệp các nhân vật tối thượng, và nên đứng vững trong sự giáo huấn của vị ấy trong khi mong mỏi sự an lạc không bị lay động.

265. Giống như người sau khi leo lên khúc gỗ nhỏ thì có thể đắm chìm ở đại dương, tương tự như thế sau khi đi đến với kẻ biếng nhác, người có cuộc sống tốt đẹp cũng đắm chìm; vì thế nên tránh xa kẻ biếng nhác có sự tinh tấn thấp kém ấy.

266. Nên sống với các bậc sáng suốt, sống tách ly, thánh thiện, có bản tính cương quyết, chứng thiền, thường xuyên có sự nỗ lực tinh tấn.”[11]

Đại đức trưởng lão Vimala đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vimala.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Vị Aṅgāṇikabhāradvāja, vị Paccaya, vị ẩn sĩ Bakkula, vị Dhaniya, vị Mātaṅgaputta, vị Sobhita, vị ẩn sĩ Vāraṇa.

Vị Passika, và vị Yasoja, vị Sāṭimattiya và vị Upāli, vị Uttarapāla, vị Abhibhūta, vị Gotama, và vị Hārita nữa.

Ở nhóm ba, vị trưởng lão Vimala đã thành tựu ở Niết Bàn. Mười sáu vị trưởng lão đã thuật lại bốn mươi tám câu kệ.”

Nhóm Ba được chấm dứt.

--ooOoo--


 


[1] Chờ đợi thời điểm Vô Dư Niết Bàn ở trong Giáo Pháp này (ThagA. i, 60).

[2] Nên cắt đứt năm hạ phần kiết sử, nên từ bỏ năm hạ phần kiết sử, nên tu tập thêm nữa về năm quyền, năm điều bám víu là tham ái, sân hận, si mê, ngã mạn, và tà kiến (Sđd. 70).

[3] Câu kệ 19 tương tợ câu kệ 80 của Dhammapadapāḷi - Pháp Cú.

[4] Phần trong ngoặc đơn được thêm vào từ câu kệ 174: 

“Evaṃ dassanasampannaṃ sammāsambuddhasāvakaṃ,

ājānīyaṃ maṃ dhāretha puttaṃ buddhassa orasan ”ti.

[5] Ý nghĩa ở trong ngoặc đơn được ghi theo Chú Giải (ThagA. i, 156-157).

[6] Các câu kệ 133, 134 giống các câu kệ 13, 14 của Dhammapadapāḷi - Pháp Cú. 

[7] Câu kệ 210 giống câu kệ 71.

[8] Câu kệ 233 giống câu kệ 27.

[9] Câu kệ 244 giống câu kệ 31.

[10] Các câu kệ 261, 262, 263 giống các câu kệ 225, 226, 227. 

[11] Hai câu kệ 265, 266 giống hai câu kệ 147, 148.

 


| 00 | 01 | 02 | 03 |

[Thư Mục Tổng Quát]<Mục Lục><Đầu Trang>