TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 31
THERAGĀTHĀPĀḶI - TRƯỞNG LÃO KỆ
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
705. “‘Những kẻ mà chúng tôi (đã) giết trước đây vì mục đích cúng tế hay vì mục đích tài sản đều không còn sự tự chủ, có sự sợ hãi; chúng run rẩy, than khóc.
706. Đối với ngươi đây, không có trạng thái sợ hãi, sắc diện còn thêm tươi tỉnh. Tại sao ngươi lại không than van trong trường hợp kinh hãi lớn lao như thế này?’
707. ‘Này chúa trùm, đối với người không có sự trông mong, trạng thái tâm khổ đau không có. Đúng vậy, đối với người có sự ràng buộc đã được cạn kiệt, tất cả các sự sợ hãi đã được vượt qua.
708. Khi lối dẫn đến hiện hữu đã được cạn kiệt, khi các pháp được thấy đúng theo bản thể thật, sự sợ hãi vì cái chết là không có, giống như ở việc đặt xuống gánh nặng (sự sợ hãi là không có).
709. Đối với ta, Phạm hạnh đã khéo được thực hành, và (Thánh) Đạo cũng đã khéo được tu tập. Đối với ta, không có nỗi sợ hãi về cái chết, tựa như (không có nỗi sợ hãi) ở sự hoàn toàn cạn kiệt của các cơn bệnh.
710. Đối với ta, Phạm hạnh đã khéo được thực hành, và (Thánh) Đạo cũng đã khéo được tu tập, các hữu đã được nhìn thấy là không có khoái lạc, độc dược ngay sau khi uống vào đã được phun bỏ.
711. Người đã đi đến bờ kia, không còn chấp thủ, có phận sự đã được làm xong, không còn lậu hoặc, được vui mừng do sự cạn kiệt của tuổi thọ, giống như được thoát khỏi nơi hành quyết.
712. Đã đạt đến bản thể pháp tối thượng, là người không có mong mỏi gì ở toàn bộ thế gian, tựa như đã được thoát khỏi ngôi nhà bị cháy rực, không sầu muộn về cái chết.
713. Bất cứ điều gì có sự bám víu, hoặc ở nơi nào sự hiện hữu được thành tựu, toàn thể sự việc này không có chủ thể, bậc Đại Ẩn Sĩ đã nói như vậy.
714. Người nào nhận biết điều ấy đúng như đã được đức Phật thuyết giảng thì không nắm bắt điều gì ở hiện hữu, tựa như không cầm lấy cục sắt đã được đốt nóng dữ dội.
715. Đối với ta, không có suy nghĩ rằng: ‘Tôi đã là,’ ‘Tôi sẽ là’ không là suy nghĩ của ta. Các hành sẽ tiêu tan, than van gì về việc ấy?
716. Này chúa trùm, đối với người đang nhìn thấy đúng theo bản thể sự sanh lên của các pháp một cách rõ rệt, sự liên tục của các hành một cách rõ rệt thì không có sự sợ hãi.
717. Khi nào bằng trí tuệ nhìn thấy thế gian giống như cỏ và củi, trong khi không tìm thấy trạng thái sở hữu chủ: ‘Không có gì thuộc về tôi,’ vị ấy không sầu muộn.
718. Ta không hài lòng với thân xác, ta không có sự mong mỏi với sự hiện hữu, thân này đây sẽ bị rã tan và sẽ không có cái khác nữa.
719. Việc làm nào của ngươi với thân xác (này của ta), ngươi thích điều nào thì ngươi hãy làm điều ấy; đối với ta không vì nguyên nhân ấy mà có sự sân hận hay yêu thích ở trường hợp ấy.’
720. Sau khi lắng nghe lời nói kỳ lạ, có sự nổi da gà ấy của vị ấy, những người thanh niên, sau khi bỏ các gươm đao xuống, đã nói điều này:
721. ‘Thưa ngài đại đức, sau khi đã hành pháp gì, hoặc ai là thầy của ngài, sau khi đi đến với lời giáo huấn của ai khiến trạng thái không sầu muộn được thành tựu?’
722. ‘Bậc Toàn Tri, có sự nhìn thấy tất cả, đấng Chiến Thắng, bậc Đại Bi Mẫn, đấng Đạo Sư, người thầy thuốc của tất cả thế gian là thầy của ta.
723. Giáo Pháp này, đã được Ngài ấy thuyết giảng, đưa đến sự cạn kiệt (Niết Bàn), là vô thượng, sau khi đi đến với lời giáo huấn của Ngài ấy khiến trạng thái không sầu muộn được thành tựu.’
724. Sau khi lắng nghe lời đã được khéo nói của vị ẩn sĩ, những kẻ cướp đã bỏ các gươm đao và vũ khí xuống, và một số đã xa lánh việc làm ấy, một số đã tuyên bố việc xuất gia.
725. Những người ấy, sau khi đã xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Thiện Thệ, sau khi đã tu tập các chi phần đưa đến giác ngộ và các lực, được sáng suốt, có tâm hướng thượng, có ý tốt đẹp, có các quyền đã được thực hành, đã chạm đến nền tảng của Niết Bàn, pháp vô vi.”
Đại đức trưởng lão Adhimutta đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Adhimutta.
726. “Vị Sa-môn tỳ khưu Pārāsariya, ngồi đơn độc một mình, sống tách ly, chứng thiền, đã khởi suy nghĩ rằng:
727. ‘Theo tuần tự nào, phận sự nào, sự thọ trì nào, con người có thể trở thành người thực hành bổn phận của bản thân mà không gây hại bất cứ ai?
728. Các giác quan của loài người đưa đến sự lợi ích và đưa đến sự không lợi ích; không được bảo vệ thì đưa đến sự không lợi ích, và được bảo vệ thì đưa đến sự lợi ích.
729. Trong khi bảo vệ các giác quan và trong khi canh phòng các giác quan như vậy, người ấy có sự thực hành bổn phận của bản thân và không gây hại bất cứ ai.
730. Nếu trong khi nhãn quyền đang đi đến các sắc, người ấy, trong khi không ngăn chặn, không nhìn thấy sự tai hại, hẳn nhiên không được thoát khỏi khổ đau.
731. Nếu trong khi nhĩ quyền đang đi đến các thinh, người ấy, trong khi không ngăn chặn, không nhìn thấy sự tai hại, hẳn nhiên không được thoát khỏi khổ đau.
732. Người không nhìn thấy sự thoát ra, nếu hưởng thụ các mùi hương, người ấy, bị say đắm ở các hương, không được thoát khỏi khổ đau.
733. Trong khi nhớ lại vị chua, phần tinh túy của vị ngọt, và phần tinh túy của vị chát, người bị cột trói vào sự tham ái ở mùi vị không hiểu được tâm.
734. Trong khi nhớ lại các xúc chạm tốt đẹp, không đáng ghét, người bị luyến ái nhận chịu khổ đau nhiều loại vì lý do luyến ái.
735. Và người nào không có khả năng bảo vệ tâm ý đối với các pháp này, vì thế khổ đau theo đuổi người ấy bởi vì tất cả năm loại này.
736. (Thân xác) được chứa đầy mủ máu và nhiều vật ghê tởm, tựa như cái hộp xinh xắn đã được tô màu, đã được làm bởi người thợ tài hoa.
737. Kẻ không biết được sự khoái lạc ở mật ngọt là gay gắt, sự trói buộc với những người yêu dấu là khổ đau, tựa như con dao cạo được liếc xuống liếc lên với mật ngọt.
738. Kẻ bị mê mẩn ở sắc của người nữ, ở âm thanh của người nữ, và luôn cả ở xúc của người nữ, ở các hương của người nữ, nhận chịu khổ đau nhiều loại.
739. Tất cả các dòng chảy ở người nữ, năm (cảnh ngoại) chảy tràn ở năm (giác quan). Vị ấy, có sự tinh tấn, có khả năng thực hiện việc ngăn chặn đối với chúng.
740. Vị ấy có mục đích, vị ấy đứng vững trong Giáo Pháp, vị ấy khôn khéo, vị ấy sáng suốt, ngay cả trong khi vui thú, có thể thực hành phận sự liên quan đến Giáo Pháp và mục đích.
741. Khi bị chìm đắm trong việc thế sự, người không xao lãng, sáng suốt, sau khi suy nghĩ rằng: ‘Việc ấy không phải là việc cần làm,’ rồi nên xa lánh việc làm không liên quan đến mục đích.
742. Việc nào gắn liền với mục đích và thú vui nào đưa đến Giáo Pháp, thì nên nắm lấy việc ấy và nên vận hành, bởi vì thú vui ấy là tối thượng.
743. Kẻ mong muốn thâu gom vật thuộc về những người khác bằng nhiều phương cách khác nhau, là kẻ sau khi giết hại, đả thương, rồi gây nên sầu muộn, và cưỡng đoạt bằng bạo lực vật thuộc về những người khác.
744. Giống như người có sức mạnh, trong khi đục đẽo, đánh bật cái nêm ra bằng cái nêm, tương tự như thế người thiện xảo đánh bật các giác quan bằng chính các giác quan.
745. Trong khi tu tập tín, tấn, định, niệm, và tuệ, sau khi tiêu diệt năm bằng năm,[1] vị Bà-la-môn ra đi, không bị khổ sở.’
746. Vị ấy có mục đích, vị ấy đứng vững ở Giáo Pháp, sau khi thực hiện toàn bộ lời giáo huấn của đức Phật bằng mọi cách thức, người ấy thành tựu sự an lạc.”
Đại đức trưởng lão Pārāsariya đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Pārāsariya.
747. “Quả thật, có sự tinh cần một thời gian dài, trong khi suy tư về Giáo Pháp, trong khi học hỏi các vị Sa-môn và Bà-la-môn, tôi đã không đạt được sự bình lặng của tâm.
748. Ở thế gian, ai là người đã đi đến bờ kia? Ai đã đạt được sự thể nhập vào Bất Tử? Giáo Pháp tuyên bố về mục đích tối hậu của vị nào mà tôi chấp nhận?
749. Tôi đã bị vướng lưỡi câu ở bên trong, tựa như con cá ăn miếng mồi, giống như A-tu-la Vepacitti bị vướng bẫy sập của vị thần Inda vĩ đại.
750. Tôi kéo theo cái ấy, tôi không được thoát khỏi sự sầu muộn và than vãn này. Người nào, trong khi cởi ra sự trói buộc cho tôi, sẽ giúp cho tôi hiểu được sự giác ngộ ở thế gian?
751. Vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào đang chỉ ra sự phá vỡ (các phiền não), Giáo Pháp có sự xua đi già và chết của vị nào mà tôi chấp nhận?
752. Mũi tên tham ái, bị cột trói chung với sự phân vân và nghi hoặc, bị gắn liền với sức mạnh của sự tự cao, bị cố chấp khi tâm đạt đến sự phẫn nộ.
753. Được phát xuất từ cây cung tham ái, và được kết nối với hai lần mười lăm (ba mươi tà kiến), ngươi hãy nhìn xem nó đã chẻ ra lồng ngực chắc chắn, rồi đứng yên.
754. Việc không từ bỏ các tà kiến phụ thuộc đã được thúc đẩy bởi sự suy tư và ký ức. Bị xuyên thủng bởi nó (mũi tên tà kiến), tôi run rẩy, tựa như chiếc lá bị lay động bởi làn gió.
755. Sau khi sanh khởi ở nội tâm của tôi, bản ngã tức thời được nung nấu. Cái thân thể với sáu xúc xứ là nơi (bản ngã) phát xuất vào mọi lúc.
756. Tôi không nhìn thấy người thầy thuốc nào có thể nhổ lên mũi tên ấy cho tôi bằng vật dụng các loại, không có dao mổ và dụng cụ khác, là điều còn hoài nghi.
757. Ai không (cầm) dao mổ, không (gây) vết thương, sẽ nhổ lên mũi tên cho tôi, mũi tên có sự cắm sâu bên trong, mà không làm thương tổn mọi bộ phận cơ thể.
758. Chính bậc Pháp Chủ hàng đầu ấy, người lấy đi sự tác hại của chất độc, có thể giúp cho tôi nhìn thấy mặt đất (Niết Bàn) và bàn tay (Thánh Đạo) khi tôi đã bị rơi vào vực sâu.
759. Tôi bị chìm sâu trong hồ chứa bụi bặm và bùn lầy ứ đọng, bị bao trùm bởi sự xảo trá, ganh tỵ, tự cao, và dã dượi buồn ngủ.
760. Sấm sét từ đám mây phóng dật, đám mây của (mười) sự ràng buộc, các suy tư phụ thuộc vào luyến ái là các dòng chảy cuốn trôi kẻ có tà kiến xấu xa.
761. Các dòng nước chảy tràn khắp mọi nơi, loài dây leo đâm chồi và tồn tại, ai có thể ngăn chặn các dòng nước ấy, ai sẽ chặt đứt loài dây leo ấy?
762. Thưa ngài đại đức, ngài hãy tạo ra vòng đai ngăn chặn các dòng nước, chớ để dòng nước do tâm tạo nhấn chìm ngài một cách tàn bạo, tựa như khúc cây.
763. Tương tự như vậy, đối với tôi, kẻ đã khởi sanh nỗi sợ hãi, từ bờ bên này đang tìm kiếm bờ kia, thì bậc Đạo Sư, được tập thể các vị ẩn sĩ tháp tùng, có vũ khí trí tuệ, là chốn nương tựa của tôi.
764. Trong lúc tôi đang bị cuốn trôi, Ngài đã trao cho tôi chiếc thang đã khéo được thực hiện, trong sạch, làm bằng chất tinh túy của Giáo Pháp, vững chắc, và đã nói rằng: ‘Chớ sợ hãi.’
765. Sau khi leo lên tòa lâu đài của sự thiết lập niệm, tôi đã quán xét lại về điều mà tôi đã quan niệm trước đây, là loài người thích thú với bản thân của mình.
766. Và từ khi tôi đã nhìn thấy Đạo Lộ có sự đưa lên con thuyền, tôi đã không chăm chú về bản thân, và tôi đã nhìn thấy bến tàu tối thượng.
767. Mũi tên có nguồn phát xuất ở tự ngã, đã sản sanh ra lối dẫn đến hiện hữu; Ngài đã thuyết giảng Đạo Lộ tối thượng đưa đến sự ngưng vận hành của những việc này.
768. Đức Phật, với việc lấy đi sự tác hại của chất độc, đã cởi bỏ cho tôi mối buộc thắt đã được tiềm ẩn thời gian dài, đã được tồn tại thời gian lâu.”
Đại đức trưởng lão Telakāni đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Telakāni.
769. “Hãy nhìn xem bóng dáng được vẽ màu, nơi hội tụ các vết thương, được dựng lên (bằng ba trăm khúc xương), bệnh hoạn, nhiều suy tư (sái quấy), không có sự tồn tại trường cửu.
770. Hãy nhìn xem vóc dáng được vẽ màu, với ngọc ma-ni và với bông tai; là xương được bọc lại bởi da, nó rạng rỡ nhờ những vải vóc.
771. Các bàn chân được sơn màu đỏ, khuôn mặt được bôi phấn bột, là đủ cho sự mê muội đối với kẻ ngu, nhưng không đủ đối với người có sự tầm cầu bờ kia.
772. Các sợi tóc được làm thành tám lớp, các con mắt được bôi thuốc màu, là đủ cho sự mê muội đối với kẻ ngu, nhưng không đủ đối với người có sự tầm cầu bờ kia.
773. Thân thể hôi thối đã được trang điểm tựa như hộp thuốc bôi đã được vẽ màu, là đủ cho sự mê muội đối với kẻ ngu, nhưng không đủ đối với người có sự tầm cầu bờ kia.
774. Thợ săn đã đặt bẫy mồi, con nai đã không đến gần cái lưới bẫy. Sau khi ăn xong mồi nhử, chúng ta hãy ra đi, trong khi kẻ bắt thú đang than vãn.
775. Cái bẫy mồi của gã thợ săn đã bị đứt lìa, con nai đã không đến gần cái lưới bẫy. Sau khi ăn xong mồi nhử, chúng ta hãy ra đi, trong khi kẻ săn thú sầu muộn.
776. Tôi nhìn thấy ở thế gian những người có tài sản, sau khi thâu vào của cải thì không cho ra bởi vì si mê. Những kẻ tham lam thực hiện việc tích lũy tài sản, rồi mong mỏi các dục nhiều thêm hơn nữa.
777. Vị vua sau khi chiếm cứ đất đai bằng vũ lực, trong khi cai trị trái đất có biển bao bọc, có vẻ không được thỏa mãn đối với bờ bên này của đại dương, còn mong mỏi thêm bờ bên kia của đại dương.
778. Vua và nhiều người khác tiến đến gần cái chết, với tham ái chưa được xa lìa. Họ từ bỏ xác thân, luôn bị thiếu thốn, bởi vì ở thế gian không có sự thỏa mãn về các dục.
779. Các thân quyến, xổ tung đầu tóc, than khóc cho kẻ ấy, và họ đã nói rằng: ‘Ôi, thật rồi! Có thể nào thân quyến của chúng tôi không chết!’ Rồi họ quấn kẻ ấy bằng vải, mang ra ngoài, đặt ở giàn hỏa thiêu, sau đó đốt cháy.
780. Trong khi bị đâm thọc bởi những cọc nhọn, kẻ ấy bị đốt cháy với một tấm vải, sau khi đã bỏ lại các của cải. Đối với người bị chết, các bà con, bạn bè, hoặc là thân hữu, không phải là chốn nương nhờ.
781. Những người thừa tự mang đi tài sản của kẻ ấy, còn chúng sanh đi theo nghiệp. Không có bất cứ tài sản nào đi theo kẻ bị chết, luôn cả các con trai, các người vợ, tài sản, và xứ sở.
782. Không thể đạt được tuổi thọ dài lâu nhờ vào tài sản, và cũng không tiêu diệt được tuổi già nhờ vào của cải, bởi vì các bậc sáng trí đã nói rằng, mạng sống này là ít ỏi, không trường tồn, là pháp có sự tiêu hoại.
783. Những người giàu có và nghèo khó đều chạm đến xúc, tương tự y như thế các kẻ ngu dốt và sáng suốt đều bị xúc chạm. Chính kẻ ngu dốt nằm dài tựa như bị đả thương vì sự ngu dốt, còn người sáng suốt, bị chạm đến bởi xúc, vẫn không xao động.
784. Chính vì điều ấy, trí tuệ là tốt hơn tài sản, nhờ vào trí tuệ mà chứng đạt sự kết thúc ở nơi đây. Chính vì tình trạng chưa được kết thúc ở các cõi hữu và phi hữu, chúng làm các hành động ác xấu do sự si mê.
785. Kẻ vướng vào luân hồi theo tuần tự đi đến thai bào và thế giới khác, kẻ có chút ít trí tuệ, trong khi tin chắc về điều ấy, đi đến thai bào và thế giới khác.
786. Giống như kẻ trộm cướp, có bản chất xấu xa, bị bắt giữ lúc khởi sự xâm nhập vào ngôi nhà, rồi bị hành hạ do việc làm của chính mình, tương tự như thế loài người, có bản chất xấu xa, sau khi đi đến thế giới khác bị hành hạ do việc làm của chính mình.
787. Bởi vì các dục là đa dạng, ngọt ngào, làm thích ý, khuấy động tâm theo nhiều hình thức, sau khi nhìn thấy sự tai hại ở các loại dục, vì thế, tâu đức vua, tôi đã xuất gia.
788. Tựa như các trái cây rụng xuống, những người thanh niên, còn trẻ, và trưởng thành, rơi xuống do sự tan rã của thể xác, cũng sau khi nhìn thấy điều này, tâu đức vua, tôi đã xuất gia, chỉ riêng đời sống Sa-môn không lỗi lầm là tốt hơn.
789. Vì lòng tin, tôi đã xuất gia, tôi đã đi đến Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, sự xuất gia của tôi là không vô ích, tôi thọ dụng thức ăn không phải nợ nần.
790. Sau khi nhìn thấy các dục là vật bị thiêu đốt, các loại vàng (bạc) là con dao, nỗi khổ đau do việc nhập vào bào thai, nỗi sợ hãi lớn lao ở các địa ngục.
791. Sau khi biết được sự tai hại này, khi ấy tôi đã cảm nhận sự chấn động, khi ấy tôi đây đã được thấu triệt, an tịnh, tôi đã đạt được sự cạn kiệt của các lậu hoặc.
792. Bậc Đạo Sư đã được tôi hầu hạ, lời dạy của đức Phật đã được thực hành, vật mang nặng đã được đặt xuống, lối dẫn đến hiện hữu đã được xóa sạch.
793. Và vì mục đích nào mà tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà, mục đích ấy của tôi, sự cạn kiệt tất cả các điều ràng buộc, đã được thành tựu.”
Đại đức trưởng lão Raṭṭhapāla đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Raṭṭhapāla.
794. “Sau khi nhìn thấy sắc, trong khi chú ý đến dấu hiệu yêu thích thì niệm của người ấy bị quên lãng. Người có tâm đã bị luyến ái, cảm nhận và vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
795. Đối với vị ấy, các thọ, gồm nhiều loại, xuất phát từ sắc, tăng trưởng; do tham lam và do bực bội, tâm của người này bị tổn hại; đối với người đang tích lũy khổ đau như thế, được gọi là cách xa Niết Bàn.
796. Sau khi nghe thinh, trong khi chú ý đến dấu hiệu yêu thích thì niệm của người ấy bị quên lãng. Người có tâm đã bị luyến ái, cảm nhận và vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
797. Đối với vị ấy, các thọ, gồm nhiều loại, xuất phát từ thinh, tăng trưởng; do tham lam và do bực bội, tâm của người này bị tổn hại; đối với người đang tích lũy khổ đau như thế, được gọi là cách xa Niết Bàn.
798. Sau khi ngửi mùi hương, trong khi chú ý đến dấu hiệu yêu thích thì niệm của người ấy bị quên lãng. Người có tâm đã bị luyến ái, cảm nhận và vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
799. Đối với vị ấy, các thọ, gồm nhiều loại, xuất phát từ hương, tăng trưởng; do tham lam và do bực bội, tâm của người này bị tổn hại; đối với người đang tích lũy khổ đau như thế, được gọi là cách xa Niết Bàn.
800. Sau khi thưởng thức vị, trong khi chú ý đến dấu hiệu yêu thích thì niệm của người ấy bị quên lãng. Người có tâm đã bị luyến ái, cảm nhận và vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
801. Đối với vị ấy, các thọ, gồm nhiều loại, xuất phát từ vị, tăng trưởng; do tham lam và do bực bội, tâm của người này bị tổn hại; đối với người đang tích lũy khổ đau như thế, được gọi là cách xa Niết Bàn.
802. Sau khi đụng chạm xúc, trong khi chú ý đến dấu hiệu yêu thích thì niệm của người ấy bị quên lãng. Người có tâm đã bị luyến ái, cảm nhận và vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
803. Đối với vị ấy, các thọ, gồm nhiều loại, xuất phát từ xúc, tăng trưởng; do tham lam và do bực bội, tâm của người này bị tổn hại; đối với người đang tích lũy khổ đau như thế, được gọi là cách xa Niết Bàn.
804. Sau khi nhận biết pháp, trong khi chú ý đến dấu hiệu yêu thích thì niệm của người ấy bị quên lãng. Người có tâm đã bị luyến ái, cảm nhận và vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
805. Đối với vị ấy, các thọ, gồm nhiều loại, xuất phát từ pháp, tăng trưởng; do tham lam và do bực bội, tâm của người này bị tổn hại; đối với người đang tích lũy khổ đau như thế, được gọi là cách xa Niết Bàn.
806. Vị ấy không bị luyến ái ở các sắc, sau khi nhìn thấy sắc, có niệm. Người có tâm không bị luyến ái, cảm nhận và không vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
807. Đối với vị ấy, trong lúc đang nhìn cũng như đang tiếp xúc với sắc như thế nào mà thọ được cạn kiệt, không được tích lũy, thì vị ấy hành xử như vậy, có niệm; đối với vị không tích lũy khổ đau như thế, được gọi là gần bên Niết Bàn.
808. Vị ấy không bị luyến ái ở các thinh, sau khi nghe thinh, có niệm. Người có tâm không bị luyến ái, cảm nhận và không vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
809. Đối với vị ấy, trong lúc đang nghe cũng như đang tiếp xúc với thinh như thế nào mà thọ được cạn kiệt, không được tích lũy, thì vị ấy hành xử như vậy, có niệm; đối với vị không tích lũy khổ đau như thế, được gọi là gần bên Niết Bàn.
810. Vị ấy không bị luyến ái ở các hương, sau khi ngửi hương, có niệm. Người có tâm không bị luyến ái, cảm nhận và không vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
811. Đối với vị ấy, trong lúc đang ngửi cũng như đang tiếp xúc với hương như thế nào mà thọ được cạn kiệt, không được tích lũy, thì vị ấy hành xử như vậy, có niệm; đối với vị không tích lũy khổ đau như thế, được gọi là gần bên Niết Bàn.
812. Vị ấy không bị luyến ái ở các vị, sau khi nếm vị, có niệm. Người có tâm không bị luyến ái, cảm nhận và không vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
813. Đối với vị ấy, trong lúc đang nếm cũng như đang tiếp xúc với vị như thế nào mà thọ được cạn kiệt, không được tích lũy, thì vị ấy hành xử như vậy, có niệm; đối với vị không tích lũy khổ đau như thế, được gọi là gần bên Niết Bàn.
814. Vị ấy không bị luyến ái ở các xúc, sau khi đụng chạm xúc, có niệm. Người có tâm không bị luyến ái, cảm nhận và không vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
815. Đối với vị ấy, trong lúc đang đụng chạm cũng như đang tiếp xúc với xúc như thế nào mà thọ được cạn kiệt, không được tích lũy, thì vị ấy hành xử như vậy, có niệm; đối với vị không tích lũy khổ đau như thế, được gọi là gần bên Niết Bàn.
816. Vị ấy không bị luyến ái ở các pháp, sau khi nhận biết pháp, có niệm. Người có tâm không bị luyến ái, cảm nhận và không vướng mắc vào điều ấy, rồi tồn tại.
817. Đối với vị ấy, trong lúc đang nhận thức cũng như đang tiếp xúc với pháp như thế nào mà thọ được cạn kiệt, không được tích lũy, thì vị ấy hành xử như vậy, có niệm; đối với vị không tích lũy khổ đau như thế, được gọi là gần bên Niết Bàn.”
Đại đức trưởng lão Māluṅkyaputta đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Māluṅkyaputta.
818. “‘Bạch Thế Tôn, ngài có thân hình vẹn toàn, có ánh sáng rực rỡ, được thiện sanh, có vẻ đáng mến, có màu da như vàng, có răng trắng tinh, có sự tinh tấn.
819. Bởi vì những đặc điểm nào hiện hữu ở người được thiện sanh, tất cả các đặc điểm ấy, những tướng trạng của bậc đại nhân, đều có ở thân thể của Ngài.
820. Ngài có cặp mắt trong sáng, khuôn mặt đầy đặn, cao to, đứng ngay thẳng, oai vệ; ở giữa hội chúng Sa-môn, Ngài chói sáng tựa như mặt trời.
821. Là vị tỳ khưu có vóc dáng đẹp đẽ, có làn da giống như vàng, có màu da tối thượng như vậy, Ngài cần gì với bản thể Sa-môn?
822. Ngài xứng đáng để trở thành vị vua, đấng Chuyển Luân, người xa phu xuất sắc, bậc có sự chiến thắng khắp bốn phương, chúa tể của Jambusaṇḍa.
823. Các vị Sát-đế-lỵ, các tộc trưởng, các vị vua đều phục tùng ngài; ngài là vị vua đứng đầu các vị vua, là chúa của loài người. Thưa ngài Gotama, xin ngài hãy cai trị vương quốc.’
(Đức Thế Tôn nói với Sela:)
824. ‘Này Sela, Ta là đức vua, đấng Pháp vương vô thượng. Ta chuyển vận bánh xe theo Giáo Pháp, là bánh xe không thể bị chuyển vận ngược lại.’
(Vị Bà-la-môn Sela nói rằng:)
825. ‘Ngài tự xưng là bậc Toàn Giác, đấng Pháp vương vô thượng. Thưa ngài Gotama, Ngài nói rằng: - Ngài chuyển vận bánh xe theo Giáo Pháp.
826. Vậy vị nào là tướng quân của ngài, là đệ tử tiếp nối bậc Đạo Sư? Vị nào tiếp tục vận chuyển cho Ngài bánh xe Pháp đã được chuyển vận này?
(Đức Thế Tôn nói với Sela:)
827. ‘Bánh xe đã được Ta chuyển vận là bánh xe Pháp vô thượng, Sāriputta, kế thừa đức Như Lai, tiếp tục vận chuyển.
828. Điều cần biết rõ đã được biết rõ, việc cần tu tập đã được tu tập, cái cần dứt bỏ đã được Ta dứt bỏ; này Bà-la-môn, vì thế Ta là đức Phật.
829. Này Bà-la-môn, ngươi hãy dẹp bỏ sự hoài nghi về Ta, ngươi hãy xác quyết; việc gặp gỡ các bậc Toàn Giác thường xuyên là điều khó đạt được.
830. Quả vậy, việc tái xuất hiện ở thế gian của những vị này là điều khó đạt được. Này Bà-la-môn, Ta đây là bậc Toàn Giác, phẫu thuật gia vô thượng.
831. Ta có tư cách Phạm Thiên, không thể so sánh, người có sự tiêu diệt các đạo binh của Ma Vương, sau khi chế ngự tất cả đối thủ, Ta hân hoan, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu.’
832. ‘Này các vị, các vị hãy lắng nghe lời mà bậc Hữu Nhãn, nhà phẫu thuật, đấng Đại Hùng phát biểu, tựa như con sư tử rống ở khu rừng.
833. Người nào, cho dầu là kẻ có dòng dõi thấp kém, sau khi nhìn thấy bậc có tư cách Phạm Thiên, không thể so sánh, người có sự tiêu diệt các đạo binh của Ma Vương, mà không tịnh tín?
834. Ai là người muốn theo ta, hoặc ai không muốn thì hãy đi đi. Tại đây, ta sẽ xuất gia trong sự chứng minh của bậc có trí tuệ cao quý.’
835. ‘Nếu Giáo Pháp này của đấng Chánh Đẳng Giác được thích thú đối với ngài, chúng tôi cũng sẽ xuất gia trong sự chứng minh của bậc có trí tuệ cao quý.’
836. Ba trăm vị Bà-la-môn này đã chắp tay thỉnh cầu: ‘Bạch đức Thế Tôn, chúng con sẽ sống Phạm hạnh trong sự hiện diện của Ngài.’
(Đức Thế Tôn nói với Sela:)
837. ‘Phạm hạnh đã khéo được thuyết giảng, hoàn toàn hiển nhiên, không bị chi phối bởi thời gian, việc xuất gia trong Giáo Pháp ấy không phải là vô ích đối với người đang (ra sức) học tập, không bị xao lãng.’
838. ‘Bạch đấng Hữu Nhãn, việc chúng con đi đến nương tựa vào Ngài đến hôm nay là ngày thứ tám. Bạch đức Thế Tôn, chúng con đã được huấn luyện trong Giáo Pháp của Ngài bảy đêm.
839. Ngài là đức Phật, Ngài là bậc Đạo Sư, Ngài là bậc Hiền Trí có sự chế ngự Ma Vương, Ngài đã chặt đứt các pháp ngủ ngầm, đã được vượt qua, Ngài giúp cho loài người này vượt qua.
840. Các mầm tái sanh đã được Ngài hoàn toàn vượt lên trên, các lậu hoặc đã được Ngài phá tan, tựa như con sư tử, không còn chấp thủ, sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ.
841. Ba trăm vị tỳ khưu này đứng yên, chắp tay. Bậc đấng Anh Hùng, xin Ngài hãy duỗi ra các bàn chân, hãy để cho các bậc long tượng đảnh lễ đấng Đạo Sư.”
Đại đức trưởng lão Sela đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Sela.
842. “Các tấm vải mềm mại đã được tôi khoác lên khi ngồi ở cổ con voi, cơm gạo sāli với nước xốt thịt tinh khiết đã được tôi thọ dụng.
843. Kẻ ấy, hôm nay, hiền thiện, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
844. Vị mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
845. Vị chuyên đi khất thực, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
846. Vị chỉ sử dụng ba y, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
847. Vị đi khất thực tuần tự theo từng nhà, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
848. Vị chỉ một chỗ ngồi (khi thọ thực), kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
849. Vị thọ thực trong bình bát, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
850. Vị không ăn vật thực dâng sau, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
851. Vị ngụ ở rừng, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
852. Vị ngụ ở gốc cây, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
853. Vị ở ngoài trời, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
854. Vị ngụ ở mộ địa, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
855. Vị ngụ chỗ ở theo chỉ định, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
856. Vị chuyên về oai nghi ngồi (không nằm), kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
857. Vị có ít ham muốn, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
858. Vị tự hoan hỷ, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
859. Vị sống tách ly, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
860. Vị không giao tiếp, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
861. Vị có sự nỗ lực tinh tấn, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, tham thiền, không chấp thủ, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
862. Sau khi từ bỏ chiếc đĩa cân nặng một trăm pala bằng vàng có khắc nhiều hình ảnh, tôi đã cầm lấy cái bình bát bằng đất sét; đây là lễ phong vương thứ nhì.[2]
863. Được bảo vệ bởi những kẻ cầm gươm ở tay, tôi đã sống, lo sợ, trong thành trì có tường cao bao quanh, có vọng gác và cổng thành vững chắc.
864. Vị ấy, hôm nay, hiền thiện, không hốt hoảng, có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, đã đi sâu vào khu rừng, tham thiền, là Bhaddiya, con trai bà Godhā.
865. Sau khi đã đứng vững ở giới uẩn, trong khi tu tập niệm và tuệ, tôi đã đạt được sự cạn kiệt tất cả các điều ràng buộc theo tuần tự.”
Đại đức trưởng lão Bhaddiya Kāḷigodhāyaputta đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Bhaddiya.
866. “Này ông Sa-môn, trong khi ông đang đi, ông lại nói: ‘Ta đã đứng lại,’ còn tôi đã đứng lại thì ông lại nói: ‘Ngươi chưa đứng lại.’ Này ông Sa-môn, tôi hỏi ông về ý nghĩa này: ‘Tại sao ông đã đứng lại, còn tôi thì chưa đứng lại?’
867. ‘Này Aṅgulimāla, Ta luôn luôn đứng lại sau khi đã ngưng hẳn việc hành hạ đối với tất cả chúng sanh, còn ngươi thì không tự hạn chế đối với các sinh mạng, vì thế Ta đã đứng lại, còn ngươi thì chưa đứng lại.’
868. Quả thật, vị đại ẩn sĩ, bậc Sa-môn đã đi vào khu rừng lớn, lâu nay đã được con kính ngưỡng. Sau khi nghe Ngài nói câu kệ ngôn gắn liền với Giáo Pháp, con đây sẽ từ bỏ ngàn điều xấu xa.
869. Nói như vậy, kẻ cướp đã quăng bỏ thanh gươm và vũ khí vào hố, vào khe núi, vào vực thẳm. Kẻ cướp đã đảnh lễ các bàn chân của đấng Thiện Thệ, rồi ngay tại chỗ ấy đã cầu xin đức Phật việc xuất gia.
870. Và đức Phật, đấng Bi Mẫn, vị Đại Ẩn Sĩ, bậc Đạo Sư của thế gian luôn cả chư Thiên, khi ấy đã nói với vị ấy rằng: ‘Này tỳ khưu, hãy đến;’ chính điều này đã là trạng thái tỳ khưu đối với vị ấy.
871. Và vị nào trước đây đã bị xao lãng, về sau không bị xao lãng, vị ấy chiếu sáng thế gian này, tựa như mặt trăng được thoát khỏi đám mây.
872. Đối với vị nào, nghiệp ác đã tạo được chận đứng nhờ vào thiện pháp, vị ấy chiếu sáng thế gian này, tựa như mặt trăng được thoát khỏi đám mây.
873. Thật vậy, vị tỳ khưu trẻ tuổi nào gắn bó vào lời dạy của đức Phật, vị ấy chiếu sáng thế gian này, tựa như mặt trăng được thoát khỏi đám mây.
874. Mong rằng ngay cả những kẻ thù của tôi hãy lắng nghe lời giảng về Giáo Pháp. Mong rằng ngay cả những kẻ thù của tôi hãy gắn bó vào lời dạy của đức Phật. Mong rằng ngay cả những kẻ thù của tôi hãy kết giao với những người tốt, là những người giúp cho (người khác) hành theo Chánh Pháp.
875. Mong rằng chính những kẻ thù của tôi hãy lắng nghe Giáo Pháp của những vị thuyết giảng về nhẫn nại và ca ngợi về sự không chống đối vào lúc thích hợp, và mong rằng họ hãy thực hành đúng theo điều ấy.
876. Bởi vì con người ấy sẽ không hãm hại tôi hoặc bất cứ người nào khác, có thể đạt được sự an tịnh tuyệt đối, có thể bảo vệ các loài cử động hoặc không cử động.
877. Thật vậy, những người đào kênh dẫn nước, những người làm tên uốn thẳng cây tên, những người thợ mộc uốn nắn thanh gỗ, những vị sáng suốt huấn luyện bản thân.
878. Nhiều người thuần phục bằng gậy gộc, bằng các móc câu và các roi vọt. Tôi được thuần phục không bằng gậy, không bằng dao bởi vị như thế ấy.
879. ‘Người Vô Hại’ là tên của tôi, trước đây là kẻ hãm hại. Hôm nay, tôi có tên đúng đắn, tôi không hãm hại bất cứ người nào.
880. Trước đây, tôi đã là kẻ cướp, được biết tiếng là ‘Aṅgulimāla.’ Trong khi bị cuốn trôi bởi vòng nước lũ mạnh mẽ, tôi đã đi đến nương nhờ đức Phật.
881. Trước đây, tôi đã có bàn tay vấy máu, được biết tiếng là ‘Aṅgulimāla.’ Hãy nhìn xem việc đi đến nương nhờ, (nhờ vậy) lối dẫn đến hiện hữu đã được xóa sạch.
882. Sau khi tạo ra nhiều nghiệp như thế ấy, có sự đưa đến khổ cảnh, chịu tác động bởi quả thành tựu của nghiệp, tôi thọ dụng thức ăn không phải nợ nần.
883. Những kẻ ngu si, có trí tồi, bám víu vào sự xao lãng, còn những người thông minh bảo vệ sự không xao lãng, tựa như bảo vệ tài sản hạng nhất.
884. Ngươi chớ bám víu vào sự xao lãng, chớ bám víu vào sự thân thiết với niềm thích thú dục trần, bởi vì người không bị xao lãng, trong khi tham thiền, đạt được sự an lạc tối thượng.
885. Việc đi đến (gặp đức Phật) của tôi là tốt đẹp, không phải là việc tránh xa (Ngài), điều ấy đã được khuyên bảo một cách sái quấy đến tôi là không đúng; trong số các pháp được phân hạng, tôi đã đạt đến pháp cao nhất.
886. Việc đi đến (gặp đức Phật) của tôi là tốt đẹp, không phải là việc tránh xa (Ngài), điều ấy đã được khuyên bảo một cách sái quấy đến tôi là không đúng; ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.
887. Ở khu rừng hoặc ở gốc cây, ở những núi non hoặc ở những hang động, tại nơi ấy, ở ngay tại nơi ấy, vào lúc ấy, tôi đã đứng, với tâm tư chấn động.
888. Tôi nằm, tôi đứng một cách an lạc, tôi duy trì mạng sống một cách an lạc, không còn có bẫy sập của Ma Vương, tôi đã được bậc Đạo Sư thương xót.
889. Trước đây, tôi đã là dòng dõi Bà-la-môn, là cao quý từ hai tộc (cha và mẹ), hôm nay tôi đây là người con trai của đức Thiện Thệ, đấng Pháp Vương, bậc Đạo Sư.
890. Có tham ái đã được xa lìa, không còn chấp thủ, có cánh cửa (của các giác quan) đã được canh phòng, đã khéo được thu thúc, sau khi tiêu diệt gốc rễ của sầu khổ, tôi đã đạt được sự cạn kiệt của các lậu hoặc.
891. Bậc Đạo Sư đã được tôi hầu hạ, lời dạy của đức Phật đã được thực hành, vật mang nặng đã được đặt xuống, lối dẫn đến hiện hữu đã được xóa sạch.”
Đại đức trưởng lão Aṅgulimāla đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Aṅgulimāla.
892. “Sau khi lìa bỏ mẹ và cha, chị em gái, thân quyến, và anh em trai, sau khi từ bỏ năm loại dục trần, chính Anuruddha tham thiền.
893. Được cung phụng với các điệu vũ và bài ca, có sự đánh thức bởi cồng và xập xõa; vì điều ấy, được thích thú ở lãnh địa của Ma Vương, tôi đã không đạt đến sự thanh tịnh.
894. Và sau khi đã hoàn toàn vượt qua điều ấy, được thích thú ở Giáo Pháp của đức Phật, sau khi đã tự mình vượt qua mọi dòng nước lũ, chính Anuruddha tham thiền.
895. Các sắc, các thinh, các vị, các hương, các xúc, và các điều làm thích ý, và sau khi đã tự mình vượt qua các điều này, chính Anuruddha tham thiền.
896. Trong khi trở về sau khi khất thực, một mình, không người thứ hai, vị hiền trí Anuruddha, không còn lậu hoặc, tìm kiếm các mảnh vải bị quăng bỏ.
897. Vị hiền trí Anuruddha, có ý tứ, không còn lậu hoặc, đã gom lại, đã chọn lấy, đã giặt, đã nhuộm, đã mặc vào các mảnh vải bị quăng bỏ.
898. Người nào có ham muốn lớn lao, không tự hoan hỷ (không tri túc), giao du, và tự kiêu, đối với người ấy, các pháp này hiện diện: các pháp ác liên quan đến phiền não.
899. Và vị nào có niệm, có ham muốn ít, tự hoan hỷ (tri túc), không khuấy rối, thích thú việc tách ly, được hân hoan, có sự nỗ lực tinh tấn thường xuyên.
900. Đối với vị ấy, các pháp này hiện diện: các pháp thiện góp phần vào sự giác ngộ, và vị ấy không còn lậu hoặc, bậc Đại Ẩn Sĩ đã nói như vậy.
901. Biết được sự suy tư của tôi, bậc Đạo Sư, đấng Vô Thượng ở thế gian, đã đến bên tôi bằng thần thông, với cơ thể được tạo thành bởi ý.
902. Vào lúc sự suy tư đã có ở tôi, do đó Ngài đã thuyết giảng thêm nữa. Được thỏa thích ở các pháp không chướng ngại, đức Phật đã thuyết giảng về các pháp không chướng ngại.
903. Vì thế, sau khi hiểu được Giáo Pháp, được thích thú ở lời giáo huấn, tôi đã an trú. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.
904. Đã năm mươi lăm năm kể từ khi tôi là vị chuyên về oai nghi ngồi (không nằm), đã hai mươi lăm năm kể từ khi sự buồn ngủ đã được xóa sạch.
905. Việc thở ra và thở vào đã không còn đối với vị có tâm đã được đình chỉ như thế ấy. Không còn dục vọng, sau khi hướng đến sự an tịnh, bậc hữu nhãn viên tịch Niết Bàn.
906. Với tâm không thụ động, vị ấy đã chịu đựng cảm thọ; sự giải thoát của tâm tựa như sự diệt tắt của ngọn lửa đã được cháy sáng.
907. Giờ đây, những pháp cuối cùng này của bậc hiền trí có xúc là pháp thứ năm, sẽ không còn các pháp nào khác vào lúc bậc Toàn Giác viên tịch Niết Bàn.
908. Này kẻ dụ dỗ, giờ đây, không có việc cư ngụ lần nữa ở tập thể chư Thiên, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, giờ đây không còn tái sanh nữa.
909. Vị tỳ khưu ấy, với năng lực về các loại thần thông, về việc tử và sanh, nhìn thấy được chư Thiên vào lúc hợp thời, đối với vị ấy thế gian luôn cả Phạm Thiên giới được nhận biết bằng một ngàn cách trong giây lát.
910. Trước đây, tôi đã là Annabhāra, nghèo khó, người mang vác cỏ khô (cho gia súc ăn), tôi đã hộ độ vị Sa-môn Upariṭṭha có danh tiếng.
911. Tôi đã được sanh vào dòng dõi Sakya, người ta đã biết đến tôi là ‘Anuruddha,’ được cung phụng với các điệu vũ và bài ca, có sự đánh thức bởi cồng và xập xõa.
912. Khi ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác, bậc Đạo Sư, vị không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu. Sau khi đã có tâm tịnh tín ở Ngài, tôi đã xuất gia sống đời không nhà.
913. Tôi biết được đời sống trong thời quá khứ, nơi đã được tôi sống trước đây; tôi đã tồn tại một trăm kiếp sống ở giữa chư Thiên cõi Đạo Lợi.
914. Là chúa tể của loài người, tôi đã cai quản vương quốc bảy lần, có sự chiến thắng khắp bốn phương, chúa tể của Jambusaṇḍa. Tôi đã chỉ dạy theo lẽ phải, không bằng gậy, không bằng dao.
915. Từ đây bảy lần, từ chỗ kia bảy lần, là mười bốn lần luân hồi, vào khi ấy, ngự ở thế giới chư Thiên, tôi đã biết rõ về chỗ cư ngụ.
916. Khi định có năm chi phần được an tịnh, được phát triển ở nhất điểm, tôi đạt được tịnh (giác chi); Thiên nhãn của tôi đã được trong sạch.
917. Trú ở thiền có năm chi phần, tôi biết được sự tử và sự sanh, việc đến, việc ra đi, bản thể này và bản thể khác của các chúng sanh.
918. Bậc Đạo Sư đã được tôi hầu hạ, lời dạy của đức Phật đã được thực hành, vật mang nặng đã được đặt xuống, lối dẫn đến hiện hữu đã được xóa sạch.[3]
919. Tại ngôi làng Veḷuva của xứ Vajji, bên dưới lùm tre, do sự cạn kiệt của mạng sống, tôi sẽ Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”
Đại đức trưởng lão Anuruddha đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Anuruddha.
920. “Ở Mahāvana (Đại Lâm) được nở rộ hoa, vị Sa-môn đã ngồi xuống, (có tâm) được tập trung, được tách ly, chứng thiền, đã khởi ý nghĩ rằng:[4]
921. ‘Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Tối Thượng Nhân, đang còn hiện tiền, uy nghi của các vị tỳ khưu đã là cách khác, giờ đây được thấy cách khác.
922. Việc bảo vệ khỏi gió lạnh, việc che đậy chỗ kín, các vị đã thọ dụng theo nhu cầu vừa đủ, tự hoan hỷ (tri túc) về bất cứ vật nào (đã thọ nhận).
923. Dầu là hảo hạng hay thô xấu, dầu là ít hoặc nhiều, các vị đã thọ dụng vì mục đích duy trì mạng sống, không bị tham đắm, không bị say đắm.
924. Các vị đã không năng nổ thái quá về các vật dụng cho đời sống, về thuốc men khi có bệnh, giống như các vị ấy (đã năng nổ) cho việc cạn kiệt các lậu hoặc.
925. Trong khi đeo đuổi việc ẩn cư, với sự chuyên chú về việc ấy, các vị đã sống ở khu rừng, ở các gốc cây, ở những khe núi, và ở các hang động.
926. (Các vị) khiêm tốn, tín tâm, dễ nuôi, mềm mỏng, tâm ý không cương ngạnh, không lú lẫn, không lắm lời, thiên về sự suy nghĩ đến điều lợi ích (cho mình và cho người).
927. Do đó, cách đi, cách ăn, cách xử sự đã tạo ra niềm tin. Uy nghi cử chỉ đã là tương tự như luồng nước dầu trơn tru.
928. Giờ đây, các vị trưởng lão có tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, có thiền chứng vĩ đại, có lợi ích lớn lao ấy đã tịch diệt, giờ đây các vị như thế ấy là ít ỏi.
929. Do sự cạn kiệt hoàn toàn của các thiện pháp và trí tuệ, Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, được hội đủ mọi biểu hiện cao quý, bị hủy hoại.
930. Đây là giai đoạn của các pháp ác và các ô nhiễm, nhưng các vị nào được tự tại trong việc ẩn cư vẫn thành tựu phần còn lại của Chánh Pháp.
931. Các ô nhiễm ấy, được tăng trưởng, xâm nhập ở nhiều người; tôi nghĩ rằng chúng đùa giỡn với những kẻ ngu si, tựa như các quỷ sứ đùa giỡn với những kẻ bị điên cuồng.
932. Bị chế ngự bởi các ô nhiễm, những kẻ ấy chạy theo đối tượng này đối tượng nọ ở các nền tảng tạo ra sự ô nhiễm, tựa như trong cuộc chiến đấu của bản thân (với Ma Vương) đã được công bố.
933. Sau khi hoàn toàn từ bỏ Chánh Pháp, bọn họ xung đột lẫn nhau. Trong khi theo đuổi các tà kiến, bọn họ nghĩ rằng: ‘Điều này là tốt hơn.’
934. Sau khi lìa bỏ tài sản, con trai, và vợ, bọn họ đã ra đi. Vì nguyên nhân một muỗng đồ ăn, bọn họ thực hành các việc không đáng làm.
935. Sau khi thọ thực đầy bụng, họ ngủ với tư thế nằm ngửa. Lúc thức dậy, họ khơi lên các cuộc nói chuyện, là các cuộc nói chuyện đã bị bậc Đạo Sư chê trách.
936. Họ tôn sùng và học tập tất cả cảc nghề nghiệp thủ công, không an tịnh nội tâm; ‘mục đích của đời sống Sa-môn’ là không có liên quan.
937. Họ cho các cư sĩ đất sét, dầu ăn, bột phấn, nước uống, chỗ ngồi, và thức ăn, trong khi mong mỏi (được cho lại) nhiều hơn.
938. (Họ cho) tăm xỉa răng, trái cây kapittha, bông hoa, các loại vật thực cứng, các đồ ăn khất thực đặc biệt, các trái xoài, và các trái cây āmalaka.
939. Về các loại thuốc men thì họ giống như những thầy thuốc, về các việc lớn nhỏ thì giống như các cư sĩ, về những đồ trang sức thì tựa như các cô gái điếm, về quyền uy thì giống như các vị Sát-đế-lỵ.
940. Lường gạt, lừa dối, làm chứng sai trái, buông lung, họ thọ hưởng vật chất bằng nhiều cách thức sắp đặt.
941. Chạy theo sau các viện cớ, các phương tiện, các cách thức sắp đặt, với mục đích nuôi mạng, bằng mánh lới họ thâu tóm nhiều tài sản.
942. Họ thiết lập đồ chúng vì nghề nghiệp không vì Giáo Pháp; họ thuyết giảng Giáo Pháp cho những người khác vì lợi lộc không vì mục đích.
943. Những kẻ bên ngoài hội chúng cãi cọ về lợi lộc của hội chúng; họ là những kẻ vô liêm sỉ, trong khi đang sống nhờ vào lợi lộc của người khác, lại không biết hổ thẹn.
944. Không được gắn bó (với các pháp Sa-môn) như thế ấy, một số cạo đầu, trùm y hai lớp; bị say đắm bởi lợi lộc và sự tôn vinh, họ mong muốn chỉ mỗi sự cung kính.
945. Khi đã phát khởi các sự việc đa dạng như vậy, giờ đây không phải là việc dễ dàng như trước để chứng đắc pháp chưa được chứng đắc, hoặc để duy trì pháp đã được chứng đắc.
946. Giống như người không mang giày bước đi ở khu vực có gai nhọn, tương tự như vậy, bậc hiền trí nên thiết lập niệm rồi mới nên đi lại ở trong làng.
947. Người nhớ đến các hành giả ở thời quá khứ, trong khi tưởng nhớ đến phận sự của các vị ấy, mặc dầu là thời điểm sau cùng, cũng vẫn có thể chạm đến vị thế Bất Tử.
948. Sau khi nói điều này ở khu rừng cây sālā, vị Sa-môn có giác quan đã được tu tập, vị Bà-la-môn, bậc ẩn sĩ, với việc tái sanh lần nữa đã được cạn kiệt, đã viên tịch Niết Bàn.”
Đại đức trưởng lão Pārāsariya đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Pārāsariya.
*****
“Vị Adhimutta, vị Pārāsariya, vị Telakāni, vị Raṭṭhapāla, vị Māluṅkya, vị Sela, vị Bhaddiya, vị Aṅgulimāla, vị có Thiên nhãn (Anuruddha), vị Pārāsariya, mười vị này đã thuật lại ở nhóm hai mươi. Có hai trăm và thêm vào bốn mươi lăm câu kệ.”
Nhóm Hai Mươi được chấm dứt.
--ooOoo--
949. “Sau khi nhìn thấy nhiều người có tín tâm, có bản thân đã được tu tập, khéo được thu thúc, vị ẩn sĩ thuộc dòng họ Paṇḍara đã hỏi vị tên Phussa rằng:
950. ‘Vào thời vị lai, người ta sẽ có ước muốn thế nào, ý định thế nào, thái độ thế nào? Được hỏi, xin ngài hãy nói cho tôi điều ấy.’
951. ‘Này vị ẩn sĩ có tên Paṇḍara, hãy lắng nghe lời nói của tôi, hãy tiếp thu một cách nghiêm chỉnh, tôi sẽ nói về vị lai.
952. Vào thời vị lai, sẽ có nhiều kẻ (có bản chất) giận dữ, thù hằn, bôi nhọ, ngoan cố, lừa lọc, ganh tỵ, và nhiều lập luận khác nhau.
953. Những kẻ có hành xứ ở bờ (bên này), với sự tự mãn là đã biết về Giáo Pháp thâm sâu, xem nhẹ và không kính trọng Giáo Pháp, không có sự kính trọng lẫn nhau.
954. Vào thời vị lai, nhiều điều bất lợi sẽ sanh khởi ở thế gian. Những kẻ có trí tồi sẽ làm ô nhiễm Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng này.
955. Thậm chí những kẻ thấp thỏi về đức hạnh sẽ có tự tin trong khi phát biểu ở hội chúng; những kẻ không nghe nhiều, lắm lời, sẽ trở nên có thế lực.
956. Ngay cả những vị có đức hạnh, trong khi phát biểu đúng theo sự thật ở hội chúng, những vị ấy sẽ trở nên yếu thế, rụt rè, không nhiệt tâm.
957. Vào thời vị lai, những kẻ có trí tồi sẽ ưng thuận bạc và vàng, ruộng, vườn, dê, cừu, tôi trai, và tớ gái.
958. Có tánh ưa phàn nàn, ngu si, không chuyên chú vào các giới, kiêu ngạo, họ đi đó đây, thích thú việc gây gỗ như là những con thú.
959. Và họ sẽ trở nên tự kiêu, trùm lên lá y màu xanh, dối trá, bướng bỉnh, nói nhiều, soi mói, và sẽ cư xử tựa như bậc Thánh.
960. Với đầu tóc được bôi dầu, có tính chao đảo, mắt được tô màu, trùm y màu ngà, họ sẽ đi ở đường lộ.
961. Bị say đắm các y phục màu trắng, họ nhờm gớm y ca-sa, biểu hiện của vị A-la-hán, được khéo nhuộm, không bị nhờm gớm bởi các bậc đã được giải thoát.
962. Họ sẽ trở nên có sự ham muốn về lợi lộc, biếng nhác, có sự tinh tấn thấp thỏi, trong khi cảm thấy mệt nhọc về các chốn rừng rú xa xôi, họ sẽ sống ở gần các xóm làng.
963. Những kẻ nào luôn thích thú việc tà mạng sẽ nhận lãnh lợi lộc, chính những kẻ ấy, trong khi không học tập, sẽ đi loanh quanh, không tự kiềm chế.
964. Những vị nào không nhận được lợi lộc, những vị ấy sẽ không được tôn vinh. Khi ấy, ngay cả những bậc sáng trí vô cùng hiền thiện, họ cũng sẽ không thân cận.
965. Trong khi chê trách biểu hiện được nhuộm màu cây sung của mình, một số kẻ sẽ mặc màu trắng là biểu hiện của các ngoại đạo.
966. Khi ấy, sự không kính trọng y ca-sa sẽ khởi lên ở những kẻ ấy, và sự quán tưởng về y ca-sa sẽ không có ở các tỳ khưu.
967. Con voi khi bị thống trị bởi sự đau đớn, bị đâm xuyên bởi mũi tên, bị kích động, mặc dầu có sự kinh sợ khủng khiếp, sự quán tưởng đã khởi đến con voi là điều không thể nghĩ bàn.
968. Bởi vì con voi Chaddanta, vào lúc ấy, sau khi nhìn thấy biểu hiện của vị A-la-hán khéo được nhuộm màu, ngay khi ấy đã nói lên những kệ ngôn gắn liền với điều lợi ích:
969. ‘Kẻ nào, có uế trược chưa lìa, sẽ khoác lên tấm vải ca-sa, (nếu) bỏ bê việc rèn luyện và sự chân thật, kẻ ấy không xứng với y ca-sa.
970. Và vị nào có uế trược được rũ bỏ, khéo chuyên chú vào các giới, gắn bó việc rèn luyện và sự chân thật, vị ấy quả nhiên xứng với y ca-sa.’[5]
971. Có giới bị hư hỏng, có trí tồi, buông lung, hành động theo ý thích, có tâm bị tản mạn, thiếu năng nổ, kẻ ấy không xứng với y ca-sa.
972. Và vị nào, được đầy đủ về giới, có luyến ái đã được xa lìa, được định tĩnh, có tâm ý và sự suy tư trong sạch, vị ấy quả nhiên xứng với y ca-sa.
973. Kẻ tự kiêu, kiêu ngạo, ngu dốt, đối với kẻ này thì giới không có, là kẻ xứng với y phục màu trắng, (kẻ ấy) sẽ làm gì với y ca-sa?
974. Vào thời vị lai, các tỳ khưu và các tỳ khưu ni, có tâm ác xấu, không có sự tôn trọng, sẽ khuấy rối đến các vị có tâm từ ái như thế ấy.
975. Ngay cả trong khi đang được các vị trưởng lão chỉ dạy về việc mặc y, những kẻ ngu dốt cũng sẽ không lắng nghe, có trí tồi, buông lung, hành động theo ý thích.
976. Những kẻ ngu dốt ấy, được học tập như vậy, không có sự kính trọng lẫn nhau, không lưu tâm đến các vị thầy tế độ, tựa như con ngựa chứng không để ý đến người đánh xe.
977. Như vậy sẽ là sự thực hành trong thời vị lai của các tỳ khưu và các tỳ khưu ni khi thời điểm sau cùng đã đến.
978. Khi điều nguy hiểm lớn lao ấy còn chưa xảy đến, trước khi nó xảy đến các vị hãy dễ dạy, nhu thuận, có sự kính trọng lẫn nhau.
979. Các vị hãy có tâm từ ái, có lòng bi mẫn, hãy thu thúc ở các giới, có sự nỗ lực tinh tấn, có bản tính cương quyết, thường xuyên có sự ra sức bền bỉ.
980. Sau khi nhìn thấy sự xao lãng là nguy hiểm, sự không xao lãng là an toàn, các vị hãy tu tập Đạo Lộ tám chi phần, trong khi đang chạm đến vị thế Bất Tử.’”
Đại đức trưởng lão Phussa đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Phussa.
981. “Vị có hạnh kiểm như thế, có tánh tốt như thế, có niệm, có sự suy tư đã được kiềm chế, có thiền chứng, không bị xao lãng, được thỏa thích ở nội tâm, có bản thân được định tĩnh, đơn độc, tự biết đủ, người ta gọi vị ấy là tỳ khưu.
982. Trong khi thọ dụng đồ ăn ướt hay đồ ăn khô, không nên thỏa mãn một cách quá độ, vị tỳ khưu du hành, có bao tử thiếu thốn, có vật thực chừng mực, có niệm.
983. Nên ngưng không ăn bốn, năm vắt cơm (sau cùng) và nên uống nước, vậy là đủ cho sự sống thoải mái của vị tỳ khưu bản tính cương quyết.
984. Nếu mặc lên y ấy, (là y) đã được làm cho đúng phép, thì điều này là có lợi ích, vậy là đủ cho sự sống thoải mái của vị tỳ khưu bản tính cương quyết.
985. Đối với vị đang ngồi với thế kiết già, trời mưa còn chưa làm ướt đầu gối, vậy là đủ cho sự sống thoải mái của vị tỳ khưu bản tính cương quyết.
986. Người nào đã thấy lạc là khổ, đã nhìn thấy khổ là mũi tên, đã không ở giữa cả hai (lạc và khổ), còn có điều gì (trói buộc) ở thế gian và có thể trở thành cái gì (ở tương lai)?
987. Mong rằng kẻ có ước muốn xấu xa, biếng nhác, có sự tinh tấn kém cỏi, ít học hỏi, không có sự tôn trọng, chớ bao giờ gần bên tôi, còn có điều gì ở thế gian (để giáo huấn) và có thể trở thành cái gì (được lợi ích)?
988. Và mong rằng vị nghe nhiều, thông minh, khéo chuyên chú vào các giới, được gắn bó với sự vắng lặng của tâm, hãy đứng ngay ở đỉnh đầu.
989. Kẻ nào bị gắn bó với vọng tưởng, thỏa thích vọng tưởng giống như con thú, kẻ ấy đã lìa xa Niết Bàn, sự an toàn khỏi các ràng buộc, vô thượng.
990. Và vị nào, sau khi từ bỏ vọng tưởng, được thích thú ở đạo lộ không có vọng tưởng, vị ấy đã thành tựu Niết Bàn, sự an toàn khỏi các ràng buộc, vô thượng.
991. Cho dầu ở làng hoặc là ở rừng, cho dầu ở thung lũng hoặc ở cao nguyên, nơi nào các vị A-la-hán cư ngụ, vùng đất ấy thật đáng yêu.[6]
992. Các khu rừng đáng yêu là nơi con người không ưa thích. Những vị có luyến ái đã được xa lìa sẽ ưa thích, các vị ấy không phải là những kẻ tầm cầu ái dục.
993. Nên gặp gỡ người thông minh, nhìn thấy được lỗi lầm, có lời nói khiển trách, tựa như người chỉ ra những của cải chôn giấu. Nên giao thiệp với người thông minh như thế ấy. Người giao thiệp với vị (thông minh) như thế ấy có được điều tốt hơn, không xấu.[7]
994. Người có thể giáo giới, có thể chỉ dạy, có thể ngăn chặn điều không tốt lành, thật vậy đối với những người tốt thì người ấy được thương mến, đối với những người không tốt thì không được yêu mến.[8]
995. Đức Phật Thế Tôn, bậc Hữu Nhãn, đã thuyết giảng Giáo Pháp đến người khác. Trong khi Giáo Pháp đang được thuyết giảng, là người có mục đích, tôi đã lắng tai nghe. Việc lắng nghe ấy của tôi là không vô ích, tôi đã được giải thoát, không còn lậu hoặc.
996. Không vì đời sống trong thời quá khứ, cũng không vì Thiên nhãn, vì thần thông về việc biết được tâm (của người khác), về sự chết và sự sanh, về sự thanh tịnh của nhĩ giới, là ước nguyện không có ở tôi.
997. Vị trưởng lão Upatissa, tối thượng về trí tuệ, đầu cạo, trùm lên y hai lớp, đã ngồi xuống ngay tại gốc cây, tham thiền.
998. Đã đạt được trạng thái vô tầm, vị đệ tử của bậc Chánh Đẳng Giác ngay tức thời đạt đến trạng thái im lặng thánh thiện.
999. Cũng giống như ngọn núi đá, không bị lay động, đã khéo được thiết lập, tương tự như vậy vị tỳ khưu, do sự cạn kiệt của si mê, không rung chuyển tựa như ngọn núi.[9]
1000. Đối với người không có (đầu óc) nhơ bẩn, luôn tầm cầu sự tinh khiết, phần nhỏ bằng đầu cọng tóc của sự xấu xa được xem như là kích thước của đám mây.[10]
1001. Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, tôi sẽ lìa bỏ thân xác này, có sự nhận biết rõ, có niệm.
1002. Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi chờ đợi thời điểm, giống như người làm thuê chờ đợi tiền công.[11]
1003. Ở cả hai thời, sau này (lúc về già) hoặc trước đây (lúc còn trẻ), cái này chính là sự chết, không phải không chết, các vị hãy tiến bước, các vị chớ có hư hỏng, chớ để thời khắc của quý vị trôi qua.
1004. Giống như thành trì ở biên thùy được canh phòng bên trong lẫn bên ngoài, các vị hãy gìn giữ bản thân như vậy, chớ để thời khắc của quý vị trôi qua,[12] bởi vì những kẻ đã để thời khắc trôi qua bị sầu muộn khi bị đưa vào ở địa ngục.
1005. Vị an tịnh, tự chế, có lời nói đúng đắn, không tự kiêu, rũ bỏ các ác pháp tựa như gió làm rụng lá cây.[13]
1006. Vị an tịnh, tự chế, có lời nói đúng đắn, không tự kiêu, rũ bỏ các ác pháp tựa như gió ngắt bỏ lá cây.
1007. Vị an tịnh, không buồn phiền, hoàn toàn tịnh tín, không náo động, có giới tốt đẹp, thông minh, có thể thực hiện việc chấm dứt khổ đau.
1008. Không thể tin được rằng một số người tại gia luôn cả xuất gia lại là như vầy, thậm chí đã là tốt lành rồi trở thành không tốt lành, đã là không tốt lành rồi lại trở thành tốt lành.
1009. Ước muốn về dục, và ác tâm, sự dã dượi buồn ngủ, sự phóng dật, và hoài nghi, đây là năm ô nhiễm ở tâm của vị tỳ khưu.
1010. Đối với vị nào, ở cả hai trường hợp, đang được tôn vinh và không có tôn vinh, mà có sự an trú không bị xao lãng, định của vị ấy không dao động.
1011. Vị tham thiền liên tục, có sự quán xét về tà kiến vi tế, có sự ưa thích về sự cạn kiệt của chấp thủ, người ta gọi vị ấy là ‘bậc thiện nhân.’
1012. Đại dương, trái đất, quả núi, và luôn cả ngọn gió, không được liên kết với sự so sánh về sự giải thoát cao quý của bậc Đạo Sư.
1013. Vị tiếp tục xoay chuyển bánh xe, bậc trưởng lão, có trí tuệ lớn lao, được định tĩnh, tương tự đất, nước, và lửa, không bị luyến ái, không bị sân hận.
1014. Đã đạt đến sự toàn hảo về tuệ, có tánh giác vĩ đại, có tư tưởng lớn lao, không đần độn giống như là đần độn, luôn sống được tịch tịnh.
1015. Bậc Đạo Sư đã được tôi hầu hạ, lời dạy của đức Phật đã được thực hành, vật mang nặng đã được đặt xuống, lối dẫn đến hiện hữu đã được xóa sạch.[14]
1016. Quý vị hãy nỗ lực với sự không xao lãng, điều này là lời chỉ dạy của tôi. Tốt lắm, tôi sẽ viên tịch Niết Bàn, tôi đã được giải thoát về mọi mặt.”[15]
Đại đức trưởng lão Sāriputta đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Sāriputta.
1017. “Người sáng trí không nên kết bạn với kẻ nói đâm thọc, giận dữ, bỏn xẻn, vui với sự bất hạnh (của người khác); việc giao du với kẻ xấu là tệ hại.
1018. Người sáng trí nên kết bạn với người có đức tin, khéo cư xử, có trí tuệ, và nghe nhiều; việc giao du với người tốt là may mắn.
1019. Hãy nhìn xem bóng dáng được vẽ màu, nơi hội tụ các vết thương, được dựng lên (bằng ba trăm khúc xương), bệnh hoạn, nhiều suy tư (sái quấy), không có sự tồn tại trường cửu.[16]
1020. Hãy nhìn xem vóc dáng được vẽ màu, với ngọc ma-ni và với bông tai; là xương được bọc lại bởi da, nó rạng rỡ nhờ vải vóc.
1021. Các bàn chân được sơn màu đỏ, khuôn mặt được bôi phấn bột, là đủ cho sự mê muội đối với kẻ ngu, nhưng không đủ đối với người có sự tầm cầu bờ kia.
1022. Các sợi tóc được làm thành tám lớp, các con mắt được bôi thuốc màu, là đủ cho sự mê muội đối với kẻ ngu, nhưng không đủ đối với người có sự tầm cầu bờ kia.
1023. Thân thể hôi thối đã được trang điểm tựa như hộp thuốc bôi đã được vẽ màu, là đủ cho sự mê muội đối với kẻ ngu, nhưng không đủ đối với người có sự tầm cầu bờ kia.
1024. Thợ săn đã đặt bẫy mồi, con nai đã không đến gần cái lưới bẫy. Sau khi ăn xong mồi nhử, chúng ta hãy ra đi, trong khi kẻ bắt thú đang than vãn.
1025. Các bẫy mồi của gã thợ săn đã bị đứt lìa, con nai đã không đến gần cái lưới bẫy. Sau khi ăn xong mồi nhử, chúng ta hãy ra đi, trong khi kẻ săn thú sầu muộn.
1026. Vị thị giả của đức Phật, nghe nhiều, có sự thuyết giảng tài ba, có gánh nặng đã được buông xuống, không bị ràng buộc, vị dòng dõi Gotama chuẩn bị việc nằm.
1027. (Vị ấy) có lậu hoặc đã được cạn kiệt, không bị ràng buộc, đã vượt qua sự bám víu, đã khéo được tịch tịnh, đang duy trì thân mạng cuối cùng, là người đã đi đến bờ kia của sanh tử.
1028. Vị dòng dõi Gotama ấy đấy, đứng ở Đạo Lộ dẫn đến Niết Bàn, nơi ấy các lời dạy của đức Phật, vị thân quyến của mặt trời, đã được thiết lập.
1029. Tôi đã tiếp nhận tám mươi hai ngàn từ đức Phật, hai ngàn từ vị tỳ khưu, tám mươi bốn ngàn Pháp (uẩn) này là có sự vận hành.
1030. Kẻ này ít học, tựa như con bò đực trở thành già cỗi, các bắp thịt của kẻ ấy tăng trưởng, trí tuệ của kẻ ấy không tăng trường.
1031. Người nào học nhiều rồi khinh chê kẻ ít học về việc học, giống như người cầm cây đèn bị mù, điều nảy sanh trong trí của tôi tương tự y như thế.
1032. Hãy phụng sự người học nhiều, và chớ hủy hoại việc học, việc ấy là gốc rễ của Phạm hạnh; vì thế nên là người có sự ghi nhớ về Giáo Pháp.
1033. Là người biết điều nào trước điều nào sau, biết về ý nghĩa, rành rẽ về ngôn ngữ và từ vựng, nắm giữ điều đã được học tốt đẹp, và quán xét về ý nghĩa.
1034. Đã nảy sanh ước muốn nhờ vào sự nhẫn nại, sau khi đã ra sức thì cân nhắc về điều ấy, vị ấy nỗ lực đúng thời điểm, nội tâm khéo được định tĩnh.
1035. Vị đệ tử của đức Phật, có sự nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, có trí tuệ, đang mong mỏi sự nhận thức về Giáo Pháp; nên thân cận vị có đức tính như thế ấy.
1036. Vị đại ẩn sĩ, có sự nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, có sự bảo vệ kho tàng (Giáo Pháp), là con mắt của tất cả thế gian; sự nghe nhiều đáng được cúng dường.
1037. Có sự ưa thích Giáo Pháp, được thích thú Giáo Pháp, trong khi suy tư về Giáo Pháp, trong khi suy niệm về Giáo Pháp, vị tỳ khưu không rời bỏ Chánh Pháp.
1038. Đối với kẻ có sự chú trọng ở việc ích kỷ về thân xác, trong khi đang bị tiêu hoại (dần), không thể tự sách tấn, đối với kẻ bị tham đắm trong sự khoái lạc của cơ thể, tính chất thoải mái của Sa-môn từ đâu mà có?
1039. Mọi phương hướng không hiện rõ, các Giáo Pháp không hiển hiện cho tôi, khi người bạn tốt lành đã ra đi, như thể bóng tối xuất hiện.
1040. Đối với vị có bạn hữu đã đi xa, đối với vị có bậc Đạo Sư đã qua rồi, đã ra đi, không có người bạn nào giống như thế ấy, giống như niệm đặt ở thân.
1041. Những vị xưa kia đã qua rồi, tâm tôi không hợp với những vị mới. Hôm nay, tôi đây chỉ một mình, tham thiền, tựa như con chim đi về nơi trú ẩn.
1042. ‘Chớ ngăn cản nhiều người từ các xứ sở khác nhau đang đi đến để yết kiến, giờ là thời điểm, hãy để cho những người lắng nghe gặp Ta.’
1043. Đấng Đạo Sư, bậc Hữu Nhãn, cho cơ hội đến những người từ các xứ sở khác nhau đang đi đến để yết kiến, không ngăn cản.
1044. Hai mươi lăm năm, suy tưởng về ái dục đã không khởi lên ở tôi khi đang còn ở bản thể Hữu Học, hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp.
1045. Hai mươi lăm năm, suy tưởng về sân hận đã không khởi lên ở tôi khi đang còn ở bản thể Hữu Học; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp.
1046. Hai mươi lăm năm, tôi đã hầu cận đức Thế Tôn với tâm từ qua thân nghiệp, như chiếc bóng không có sự xa lìa.
1047. Hai mươi lăm năm, tôi đã hầu cận đức Thế Tôn với tâm từ qua khẩu nghiệp, như chiếc bóng không có sự xa lìa.
1048. Hai mươi lăm năm, tôi đã hầu cận đức Thế Tôn với tâm từ qua ý nghiệp, như chiếc bóng không có sự xa lìa.
1049. Khi đức Phật đang đi kinh hành, tôi đã đi theo ở phía sau. Khi Giáo Pháp đang được thuyết giảng, trí đã khởi lên ở tôi.
1050. Tôi là bậc Hữu Học, còn có việc cần phải làm, tâm ý chưa được đạt đến, và bậc Đạo Sư, người có lòng thương tưởng đến tôi, viên tịch Niết Bàn.
1051. Khi bậc Toàn Giác, được hội đủ mọi biểu hiện cao quý, viên tịch Niết Bàn, khi ấy đã có sự kinh sợ, khi ấy đã có sự nổi da gà.
1052. Vị Ānanda, bậc đại ẩn sĩ, có sự nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, con mắt của tất cả thế gian, viên tịch Niết Bàn.
1053. Vị đại ẩn sĩ, có sự nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, có sự bảo vệ kho tàng (Giáo Pháp), con mắt của tất cả thế gian, có sự xua tan tăm tối ở bóng đêm.
1054. Vị ẩn sĩ có sự uy nghi, có niệm, có sự quả quyết, người ghi nhớ về Chánh Pháp, là trưởng lão Ānanda có hầm mỏ châu báu.
1055. Bậc Đạo Sư đã được tôi hầu hạ, lời dạy của đức Phật đã được thực hành, vật mang nặng đã được đặt xuống, giờ đây không còn tái sanh nữa.”
Đại đức trưởng lão Ānanda đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Ānanda.
*****
“Vị Phussa, vị Upatissa, vị Ānanda, là ba vị đã được thuật lại ở nhóm Ba Mươi, các câu kệ đã được tạo ra ở tại nơi ấy là một trăm lẻ năm.”
Nhóm Ba Mươi được chấm dứt.
--ooOoo--
1056. “Không nên sống được tôn vinh bởi đồ chúng; bị bận tâm, định là điều khó đạt được. Sự giao du với nhiều hạng người là khổ sở, sau khi nhìn thấy như thế, không nên ưa thích đồ chúng.
1057. Vị hiền trí không nên đi đến các gia đình; bị bận tâm, định là điều khó đạt được. Là người năng nổ, bị tham đắm ở vị nếm, vị ấy bỏ bê mục đích, nguồn đem lại sự an lạc.
1058. Các vị đã tuyên bố việc đảnh lễ và cúng dường ở các gia đình chỉ là ‘bùn lầy.’ Mũi tên mảnh mai thì khó rút ra, sự tôn vinh là khó từ bỏ đối với người ti tiện.[17]
1059. Sau khi từ chỗ trú ngụ đi xuống, tôi đã đi vào làng để khất thực. Có người đàn ông bị cùi đang ăn, một cách nghiêm chỉnh tôi đã đứng gần gã ấy.
1060. Người ấy với bàn tay bị lở loét đã dâng vắt cơm cho tôi. Trong khi người ấy để vắt cơm vào, ngón tay của gã cũng đã bị rụng xuống ở nơi ấy.
1061. Và tôi đã dựa vào chân của vách tường, rồi thọ dụng vắt cơm ấy. Ngay trong khi đang ăn, hoặc đã ăn xong, sự ghê tởm không có ở nơi tôi.
1062. Vị nào có vắt cơm do đã đứng (khất thực) là thức ăn, và nước tiểu hôi thối là phương thuốc, chỗ nằm ngồi là gốc cây, và vải bị quăng bỏ là y phục, sau khi thọ hưởng các thứ này, chính vị ấy là người của bốn phương.
1063. Nơi nào nhiều người bị khổ nhọc trong khi leo lên ngọn núi, nơi ấy vị Kassapa, người thừa tự của đức Phật, có sự nhận biết rõ, có niệm, được hỗ trợ bởi năng lực của thần thông, leo lên.
1064. Trong khi trở về sau khi khất thực, vị Kassapa trèo lên tảng đá, tham thiền, không còn chấp thủ, sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ.
1065. Trong khi trở về sau khi khất thực, vị Kassapa trèo lên tảng đá, tham thiền, không còn chấp thủ, được tịch tịnh giữa những kẻ đang bị thiêu đốt.
1066. Trong khi trở về sau khi khất thực, vị Kassapa trèo lên tảng đá, tham thiền, không còn chấp thủ, có phận sự đã được làm xong, không còn lậu hoặc.
1067. Những thửa đất, được trải rộng với những tràng hoa kareri, làm thích ý, những tảng núi đá đáng yêu ấy, vang dội tiếng rống của loài voi, khiến tôi thích thú.
1068. Có màu sắc của những đám mây xanh, những dòng chảy tinh khiết, được ưa thích, mát lạnh nhờ vào nước, những tảng núi đá ấy, được che kín bởi những con mối đỏ, khiến tôi thích thú.
1069. Tương tự đỉnh chóp của đám mây xanh, tương đương với ngôi nhà mái nhọn cao quý, những tảng núi đá đáng yêu ấy, vang dội tiếng kêu của loài voi, khiến tôi thích thú.
1070. Mặt đất bằng đáng yêu được đổ cơn mưa lớn, các hòn núi được các vị ẩn sĩ lai vãng, những tảng núi đá ấy, vang dội tiếng kêu bởi những con chim công, khiến tôi thích thú.
1071. Vừa đủ cho tôi, người có ước muốn tham thiền, có bản tính cương quyết, có niệm. Vừa đủ cho tôi, vị tỳ khưu có ước muốn về mục đích, có bản tính cương quyết.
1072. Vừa đủ cho tôi, vị tỳ khưu có ước muốn về sự thoải mái, có bản tính cương quyết. Vừa đủ cho tôi, người có ước muốn rèn luyện, có bản tính cương quyết như thế ấy.
1073. Tương tự như những đóa hoa của cây sợi gai, giống như bầu trời được bao phủ bởi những đám mây, những tảng núi đá ấy, được đông đúc các giống chim nhiều loại, khiến tôi thích thú.
1074. Không đông đảo những người tại gia, được lai vãng bởi những bầy nai, những tảng núi đá ấy, được đông đúc với các giống chim nhiều loại, khiến tôi thích thú.
1075. Với nước trong vắt, với những tảng đá lớn, được lai vãng bởi các con khỉ và nai, được bao phủ bởi rong rêu ẩm ướt, những tảng núi đá ấy khiến tôi thích thú.[18]
1076. Theo tôi, sự thích thú đối với năm loại nhạc cụ là không phải thế ấy, giống như (sự thích thú) của vị có tâm chuyên nhất đang nhìn thấy rõ Giáo Pháp một cách đúng đắn.[19]
1077. Không nên làm việc nhiều, nên tránh xa mọi người, không nên gắng sức. Là người năng nổ, bị tham đắm ở vị nếm, vị ấy bỏ bê mục đích, nguồn đem lại sự an lạc.
1078. Không nên làm việc nhiều, nên tránh xa việc không đưa đến mục đích. Thân thể bị kiệt quệ, mệt mỏi; bị khổ nhọc, vị ấy không tìm thấy sự vắng lặng.
1079. Chỉ với việc mấp máy đôi môi, cũng không nhìn thấy được bản ngã. Kẻ có cái cổ cứng cỏi bước đi, nghĩ rằng: ‘Ta là tốt hơn.’
1080. Không tốt hơn, kẻ ngu dốt nghĩ rằng bản thân là tốt hơn. Những người hiểu biết không khen ngợi con người có tâm ý cứng cỏi ấy.
1081. Người nào không dao động ở các trạng thái tự phụ (nghĩ rằng): ‘Ta là tốt hơn,’ hoặc là ‘Ta không là tốt hơn,’ ‘Ta là kém cỏi hoặc tương đương,’ ...
1082. ... vị tương tự như thế ấy, có trí tuệ, khéo chuyên chú vào các giới, được gắn bó với sự vắng lặng của tâm; quả vậy, những người hiểu biết khen ngợi vị ấy.
1083. Kẻ nào không có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (kẻ ấy) bị cách xa khỏi Chánh Pháp, giống như trái đất so với bầu trời.[20]
1084. Còn đối với những vị nào, sự hổ thẹn và ghê sợ (tội lỗi) luôn được thiết lập một cách đúng đắn, Phạm hạnh được tiến triển, đối với những vị ấy việc tái sanh lần nữa được cạn kiệt.
1085. Vị tỳ khưu tự kiêu, chao đảo, đã khoác lên với tấm vải bị quăng bỏ, tựa như con khỉ với tấm da sư tử, vị ấy không chói sáng với y ấy.
1086. Vị không tự kiêu, không chao đảo, thận trọng, có giác quan đã được thu thúc, chói sáng với tấm vải bị quăng bỏ, tựa như con sư tử ở trong hang núi.
1087. Nhiều vị Thiên nhân này, có thần thông, có danh tiếng, tất cả mười ngàn vị Thiên nhân ấy là thuộc về tập thể của đấng Phạm Thiên.
1088. Các vị đứng, chắp tay lại, đang lễ bái vị Tướng Quân Chánh Pháp Sāriputta, bậc anh hùng, có thiền chứng lớn lao, được định tĩnh.
1089. ‘Thưa bậc siêu nhân, xin kính lễ ngài. Thưa bậc tối thượng nhân, xin kính lễ ngài. Chúng tôi không thấu hiểu về việc ngài tham thiền nương vào đề mục nào.
1090. Quả là điều kỳ diệu về việc chư Phật có hành xứ thâm sâu của bản thân, chúng tôi không thấu hiểu được các Ngài, (mặc dầu) được hội tụ sự (tinh tế như người bắn tên) xuyên thủng cọng tóc.’
1091. Khi ấy, sau khi nhìn thấy vị Sāriputta ấy, vị xứng đáng sự tôn vinh, được tập thể chư Thiên tôn vinh như thế ấy, nụ cười đã hiện ra ở vị Kappina.
1092. So sánh ở lãnh vực của chư Phật, ngoại trừ bậc Đại Hiền Trí, tôi được nổi bật về đức hạnh của các pháp từ khước, người tương tự như tôi không tìm thấy.
1093. Bậc Đạo Sư đã được tôi hầu hạ, lời dạy của đức Phật đã được thực hành, vật mang nặng đã được đặt xuống, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1094. Đấng Gotama, bậc không thể đo lường, không bị vướng bận về y phục, về chỗ nằm, về vật thực, tựa như hoa sen là không lấm lem bởi nước, đã thiên về việc xuất gia, đã được thoát ra khỏi tam giới.
1095. Bậc Đại Hiền Trí có sự thiết lập niệm là cái cổ, có đức tin là cánh tay, có tuệ là cái đầu. Bậc có đại trí, luôn luôn du hành, được tịch tịnh.”
Đại đức trưởng lão Mahākassapa đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Mahākassapa.
*****
“Ở nhóm Bốn Mươi, vị tên Mahākassapa là vị trưởng lão độc nhất, và các câu kệ là bốn mươi hai.”
Nhóm Bốn Mươi được chấm dứt.
--ooOoo--
1096. “Khi nào tôi sẽ sống đơn độc một mình, không hai, ở những hang núi, đang nhìn thấy rõ tất cả hiện hữu là vô thường? Điều này đây là (suy nghĩ) của tôi, khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1097. Khi nào tôi (sẽ trở thành) vị hiền trí, mặc y vá bị rách rưới, với vải màu ca-sa, không sở hữu, không ham muốn, sau khi tiêu diệt luyến ái, sân hận, và si mê tương tự y như thế, rồi sẽ đi vào khu rừng sống có sự an lạc?
1098. Khi nào tôi sẽ sống một mình, ở tại khu rừng, có sự sợ hãi đã được xa lìa, đang nhìn thấy rõ thân này là vô thường, hang ổ của sự hủy hoại và bệnh tật, bị áp chế bởi sự chết và sự già? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1099. Khi nào tôi sẽ sống, sau khi cầm lấy cây gươm sắc bén làm bằng trí tuệ cắt đứt nhánh dây leo tham ái, nguồn sanh ra sợ hãi, vật đem lại khổ đau, có sự đeo bám với nhiều hình thức? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1100. Khi nào tôi sẽ mạnh dạn cầm lấy con dao làm bằng trí tuệ, có quyền uy nổi trội của các vị ẩn sĩ và sẽ mạnh dạn đánh tan Ma Vương cùng với đạo quân binh nơi bảo tọa sư tử? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1101. Khi nào ở các cuộc tụ hội của các bậc đức hạnh, tôi có thể được các vị có lòng tôn kính Giáo Pháp như thế ấy, có quan điểm đúng theo sự thật, có các giác quan đã được chế ngự, ghi nhận là có sự nỗ lực? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1102. Khi nào các sự mệt mỏi, đói, khát, gió, nóng, hoặc các loài sâu bọ, rắn rết sẽ không quấy rối tôi, điều ấy ở Giribbaja là không tốt cho mục đích? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1103. Khi nào, với bản thân đã được định tĩnh, có niệm, tôi sẽ đạt đến bằng trí tuệ điều đã được thấu triệt bởi bậc Đại Ẩn Sĩ, (tức là) bốn Sự Thật rất khó nhận thức? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1104. Khi nào được gắn bó với các sự vắng lặng, tôi sẽ nhìn thấy bằng trí tuệ vô số các sắc, các thinh, các hương, các vị, các xúc, và các pháp là bị cháy rực? Khi nào điều này đây đối với tôi (sẽ trở thành hiện thực)?
1105. Khi nào bị nói bằng lời nói thô lỗ, do hiện tượng ấy, tôi sẽ không trở nên phật ý, và ngay cả khi được ca ngợi, do hiện tượng ấy, tôi sẽ không trở nên hớn hở? Khi nào điều này đây đối với tôi (sẽ trở thành hiện thực)?
1106. Khi nào tôi có thể xem các nhánh củi, các cọng cỏ, các dây leo, các uẩn này, và vô lượng các pháp, thuộc về nội phần luôn cả ngoại phần, là như nhau? Khi nào điều này đây đối với tôi (sẽ trở thành hiện thực)?
1107. Khi nào đám mây đen thuộc mùa mưa với nước mới sẽ đổ mưa xuống tôi cùng với y áo trong khi tôi đang ở trong rừng bước đi trên đạo lộ đã được các bậc ẩn sĩ tiến bước? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1108. Khi nào, sau khi nghe được tiếng kêu của chim công ở trong hang núi, loài chim có mào ở trong rừng, tôi sẽ thức dậy và tự suy nghiệm về sự chứng đạt Bất Tử? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1109. Khi nào tôi sẽ vượt qua sông Gaṅgā, sông Yamunā, sông Sarassatī, vực thẳm của trái đất, và cửa ngõ vào địa ngục bằng thần thông, không bị trở ngại, không có hãi sợ? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1110. Khi nào, trong khi xa lánh tất cả hiện tướng mỹ miều, được gắn bó với thiền, tôi sẽ phá tan lòng ham muốn ở năm loại dục, tựa như con voi có sự di chuyển không bị ràng buộc? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1111. Khi nào tôi sẽ được vui mừng sau khi đã chứng đắc Giáo Pháp của bậc Đại Ẩn Sĩ, tựa như người nghèo khó, bị mắc nợ, bị áp bức bởi những kẻ có tài sản, sẽ được vui mừng sau khi tìm ra của cất giấu? Khi nào điều ấy sẽ trở thành hiện thực?
1112. Trong nhiều năm, ta đã được ngươi yêu cầu rằng: ‘Điều này đối với ngài là quá đủ về việc sống ở gia đình!’ Việc ấy, giờ đây, trong khi ta đã xuất gia, này tâm, vì lý do gì mà ngươi không khích lệ?
1113. Này tâm, không phải là ta đã được ngươi yêu cầu rằng: ‘Ở Giribbaja, những con chim có cánh nhiều màu sắc, có sự kêu gào bởi tiếng sấm của vị Thần Inda vĩ đại, chúng sẽ làm ngài vui thích, khi ngài tham thiền ở trong rừng?’
1114. Sau khi đã lìa bỏ tất cả, bạn bè, các người yêu quý, và các thân quyến ở gia đình, thú vui và ngũ dục ở thế gian, ta đã đi đến nơi này; này tâm, như thế ngươi cũng chưa được hài lòng đối với ta sao?
1115. Việc này chỉ liên quan đến ta, do đó không có ngươi và các thứ khác. Vào thời điểm mặc áo giáp, việc gì với sự than vãn? Trong khi xem xét rằng: ‘Mọi thứ này là dao động,’ ta đã ra đi tầm cầu vị thế Bất Tử.
1116. Vị tuyên thuyết về lời đã khéo được thuyết giảng, bậc tối thượng của loài hai chân, vị thầy thuốc vĩ đại, đấng Điều Ngự Trượng Phu (đã nói rằng): ‘Tâm thì dao động tương tự con khỉ, với người có sự luyến ái chưa được xa lìa thì việc chế ngự vô cùng khó khăn.’
1117. Bởi vì các dục là đa dạng, ngọt ngào, làm thích ý, các phàm nhân ngu si bị dính chặt vào chúng. Những kẻ ấy mong muốn khổ đau, có sự tầm cầu việc tái sanh, bị tâm dẫn dắt, xô đẩy vào địa ngục.
1118. ‘Ở khu rừng được kêu vang bởi các loài chim công, chim cò, trong khi sống được tôn vinh bởi những con báo, bởi những con hổ, ngài hãy từ bỏ sự mong mỏi ở thân, chớ lơi lỏng,’ này tâm, ngươi thường khích lệ ta trước đây như thế.
1119. ‘Ngài hãy tu tập các thiền và các quyền, các lực, các chi phần đưa đến giác ngộ, các sự tu tập về định, và hãy chạm đến ba Minh trong Giáo Pháp của đức Phật,’ này tâm, ngươi thường khích lệ ta trước đây như thế.
1120. ‘Ngài hãy tu tập đạo lộ đưa đến sự đạt được Bất Tử, có sự dẫn dắt ra khỏi, có sự đi sâu vào việc cạn kiệt tất cả khổ đau, có tám chi phần, có sự rửa sạch tất cả phiền não,’ này tâm, ngươi thường khích lệ ta trước đây như thế.
1121. ‘Ngài hãy xem xét theo đúng đường lối rằng các uẩn là khổ đau, và từ đó khổ đau sanh lên, ngài hãy từ bỏ nó; ngay tại nơi đây, ngài hãy thực hiện việc chấm dứt khổ đau,’ này tâm, ngươi thường khích lệ ta trước đây như thế.
1122. ‘Ngài hãy nhìn thấy rõ theo đúng đường lối là vô thường, là khổ đau, là không, là vô ngã, là bất hạnh, là hủy hoại; ngài hãy ngưng lại các sự lang thang của ý thuộc về tâm,’ này tâm, ngươi thường khích lệ ta trước đây như thế.
1123. ‘Đầu cạo, có sự hủy tướng, đã đi đến với sự mắng nhiếc, chỉ có cái bát ở bàn tay, ngài hãy khất thực ở những gia đình; ngài hãy gắn bó với lời dạy của bậc Đạo Sư, của vị Đại Ẩn Sĩ,’ này tâm, ngươi thường khích lệ ta trước đây như thế.
1124. ‘Có bản thân đã khéo được thu thúc, trong khi đi giữa đường ở nơi các gia đình, với tâm ý không bám víu ở các dục, giống như mặt trăng ở vào tháng sáng lạng và đầy đặn,’ này tâm, ngươi thường khích lệ ta trước đây như thế.
1125. ‘Ngài hãy là vị ngụ ở rừng và chuyên đi khất thực, hãy là vị ngụ ở mộ địa và mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, hãy là vị chuyên về oai nghi ngồi (không nằm), luôn luôn được vui thích ở hạnh từ khước,’ này tâm, ngươi thường khích lệ ta trước đây như thế.
1126. Giống như người tầm cầu trái cây, sau khi gieo trồng các cây, có phải ngươi muốn chặt chính cái cây ấy ở gốc rễ? Này tâm, ngươi đã làm điều tương tự như thế, là việc ngươi khích lệ ta về vô thường, về dao động.
1127. Này kẻ vô hình, kẻ đi xa, kẻ bước đi một mình, giờ đây ta sẽ không làm theo lời nói của ngươi, bởi vì các dục là khổ đau, cay đắng, có nỗi sợ hãi lớn lao, ta sẽ sống, có tâm hướng đến chỉ mỗi Niết Bàn.
1128. Ta đã ra đi, không phải vì bất hạnh hoặc vì đã làm điều vô liêm sỉ, không phải vì lý do (bốc đồng) của tâm, không phải vì bị đày đi xa, không phải vì lý do nuôi mạng, này tâm, ta đã thực hiện lời hứa đối với ngươi.
1129. ‘Tánh ít ham muốn, việc dứt bỏ sự gièm pha, sự lắng dịu của khổ đau là được ca ngợi bởi các bậc thiện nhân,’ này tâm, vào lúc đó ngươi khích lệ ta như thế, giờ đây ngươi đi theo lối đã thực hành trước đây.
1130. Tham ái và vô minh, đáng yêu và không đáng yêu, các sắc mỹ miều và các cảm thọ khoái lạc, và các loại dục làm thích ý đã được ói mửa ra, ta không thể ra sức nuốt vào các thứ đã được ói mửa ra.
1131. Này tâm, lời nói của ngươi đã được ta thực hiện khắp mọi nơi, ngươi đã không bị tức giận với ta trong nhiều kiếp sống, sự hình thành nội tâm là nhờ vào lòng biết ơn của ngươi, trong khi (ta) bị luân hồi dài lâu, khổ đau đã được tạo ra là do ngươi.
1132. Này tâm, chính ngươi làm chúng ta trở thành Bà-la-môn, ngươi làm cho trở thành vị Sát-đế-lỵ, hoặc ẩn sĩ của hoàng gia, một thời chúng ta là các thương buôn và các nô lệ, hoặc thậm chí bản thể chư Thiên cũng do chính ngươi thôi.
1133. Với lý do chính vì ngươi, chúng ta trở thành các A-tu-la, có nguồn gốc là ngươi, chúng ta trở thành các người địa ngục, rồi một thời còn là các súc sanh, hoặc thậm chí bản thể ngạ quỷ cũng do chính ngươi thôi.
1134. Không lẽ ngươi sẽ lừa gạt ta lần này lần khác, như là đang phô bày cái mặt nạ vào lúc này lúc khác, ngươi đùa giỡn với ta như là đùa giỡn với kẻ điên khùng, này tâm, ta đã bị sai sót bất cứ điều gì đối với ngươi?
1135. Trước đây, cái tâm này đã du hành lang thang bằng cách nào theo ý thích, đến nơi nào theo ước muốn, một cách thoải mái, giờ đây tôi sẽ chế ngự nó theo đúng đường lối, tựa như người cầm móc câu chế ngự con voi bị phát dục.[21]
1136. Và bậc Đạo Sư của ta đã khẳng định thế gian này là vô thường, không trường cửu, không cốt lõi. Này tâm, ngươi hãy lao vào Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, hãy giúp cho ta vượt qua dòng lũ lớn rất khó vượt qua.
1137. Này tâm, điều này đối với ngươi không giống như trước đây, ta không thể quay về trong sự khống chế của ngươi, ta đã xuất gia trong Giáo Pháp của bậc Đại Ẩn Sĩ, những người như ta không gánh chịu sự tổn hại.
1138. Các núi, các biển, các dòng sông, trái đất, bốn hướng chính, các hướng phụ, phần bên dưới, các thế giới chư Thiên, tất cả ba cõi đều vô thường, bị áp chế; này tâm, ngươi sẽ đi đến đâu vui thích khoái lạc?
1139. Này tâm, ta là người có sự vững chãi là mục đích tối hậu, ngươi sẽ làm gì ta? Này tâm, ta không còn là kẻ đi theo sự khống chế của ngươi. Đương nhiên, không nên chạm đến túi da có miệng ở hai đầu, thật ghê tởm cái vật chứa đầy chín dòng chảy!
1140. Ở dốc núi và chóp đỉnh rất thiên nhiên và xinh đẹp, bị xâm nhập, lai vãng bởi loài heo rừng và linh dương, ở khu rừng được rưới rắc bởi những con mưa với làn nước mới, được đi đến ngôi nhà hang động ở nơi ấy, ngươi sẽ vui thích.
1141. Những con chim có cánh nhiều màu sắc, có cổ màu xanh xinh xinh, có mồng xinh, có lông và cánh được tô màu xinh đẹp, có sự kêu gào bởi tiếng sấm vang dội vô cùng êm dịu, chúng sẽ làm ngươi vui thích, khi ngươi tham thiền ở trong rừng?
1142. Khi trời đã đổ mưa, khi cỏ dại dài bốn lóng tay, khi khu rừng đã được nở rộ hoa trông như đám mây, ta sẽ nằm ở giữa các ngọn núi như là loài cây cối, (tấm thảm cỏ) ấy sẽ êm ái đối với ta tương tự bông gòn.
1143. Tuy nhiên, ta sẽ hành động thậm chí như là vị chúa tể. Hãy là vừa đủ cho ta với bất cứ vật nào được thọ nhận. Giống như kẻ không bị mệt mỏi, ta sẽ hành động đối với ngươi, giống như đối với cái túi da mèo đã khéo bị nhồi nắn.
1144. Tuy nhiên, ta sẽ hành động thậm chí như là vị chúa tể. Hãy là vừa đủ cho ta với bất cứ vật nào được thọ nhận. Với sự tinh tấn, ta sẽ đưa ngươi vào sự cai quản của ta, tựa như người cầm móc câu thiện xảo (sẽ khống chế) con voi đã bị động dục.
1145. Với ngươi đã khéo được thuần phục, đã được vững chãi, tựa như người thầy huấn luyện với con ngựa thuần thục, ta có khả năng để thực hành Đạo Lộ tốt lành, (là đạo lộ) luôn được các vị có sự hộ trì tâm thân cận.
1146. Ta sẽ trói buộc ngươi vào đối tượng (của đề mục thiền) bằng sức mạnh, tựa như trói chặt con voi vào cây cột bằng sợi dây thừng chắc chắn. Ngươi sẽ khéo được hộ trì bởi ta, khéo được tu tập nhờ vào niệm, không còn bị lệ thuộc vào tất cả hiện hữu.
1147. Sau khi cắt đứt việc theo đuổi đạo lộ sai trái bằng tuệ, sau khi chế ngự bằng sự rèn luyện, sau khi đặt vào đạo lộ, sau khi nhìn thấy nhân sanh khởi, sự tan rã và sự tạo thành, ngươi sẽ trở thành người thừa tự của vị giáo chủ tối cao.
1148. Này tâm, do tác động của bốn sự lầm lạc đã được xác định, ngươi đã dẫn ta tựa như dẫn đứa trẻ làng quê đi vòng quanh, sao ngươi không hầu cận đấng Bi Mẫn, bậc Đại Ẩn Sĩ, vị có sự cắt đứt những ràng buộc và trói buộc?
1149. Giống như con nai, tự tại, ở khu rừng nhiều màu sắc xinh đẹp, (sau khi đến được) ngọn núi đáng yêu có vòng hoa là đám mây mưa, tại nơi ấy, ở ngọn núi không đông đúc, ta sẽ vui thích. Này tâm, chắc chắn là ngươi sẽ ở lại bên kia.
1150. Những người nam và người nữ nào, có sự hoạt động theo ước muốn do sự tác động của ngươi, hưởng thụ lạc thú (thế tục), (những người ấy) là ngu si, có sự xoay chuyển theo quyền lực của Ma Vương. Này tâm, những kẻ có sự thích thú với hiện hữu là các đệ tử của ngươi.”
Đại đức trưởng lão Tālapuṭa đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Tālapuṭa.
*****
“Ở nhóm Năm Mươi có một vị Tālapuṭa trong sạch, ở đó các câu kệ là năm mươi và còn thêm năm nữa.”
Nhóm Năm Mươi được chấm dứt.
--ooOoo--
1151. “Là những vị ngụ ở rừng và chuyên đi khất thực, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, nội tâm khéo được định tĩnh, chúng ta hãy phá tan đạo binh của Thần Chết.
1152. Là những vị ngụ ở rừng và chuyên đi khất thực, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, chúng ta hãy dẹp bỏ đạo binh của Thần Chết, tựa như con voi phá bỏ căn chòi bằng lau sậy.
1153. Là những vị ngụ ở gốc cây, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, khéo được định tĩnh nội tâm, chúng ta hãy phá tan đạo binh của Thần Chết.
1154. Là những vị ngụ ở gốc cây, kiên trì, thích thú với vật được bỏ vào bình bát do sự khất thực, chúng ta hãy dẹp bỏ đạo binh của Thần Chết, tựa như con voi phá bỏ căn chòi bằng lau sậy.
1155. ‘Này cái chòi nhỏ có khung sườn là xương, được khâu lại với thịt và gân. Thật ghê tởm những thân xác với mùi khó chịu, nàng còn âu yếm thân thể của người khác.[22]
1156. Này cái túi chứa phân, này vật được gói lại bằng lớp da, này nữ yêu tinh có (hai) khối u ở ngực, chín dòng chảy ở thân thể của nàng luôn luôn tuôn trào.
1157. Cơ thể của nàng có chín dòng chảy, tạo ra mùi khó chịu, là vật chướng ngại. Vị tỳ khưu tránh xa nó, giống như tránh xa cục phân, với ước muốn được trong sạch.
1158. Nếu người ta biết về nàng, giống như ta biết về nàng, họ sẽ tránh né ra xa, như là (tránh xa) bãi chứa phân vào lúc mưa.’
1159. ‘Thưa vị đại anh hùng, thưa ngài Sa-môn, điều ấy là như vậy, giống như ngài đã nói. Và nhiều người chìm đắm ở nơi này, tựa như con bò già (chìm đắm) ở vũng lầy.’
1160. ‘Kẻ nào suy nghĩ để tô màu vàng nghệ hoặc bất cứ màu nào khác ở bầu trời, việc ấy chỉ đem lại phiền muộn.
1161. Tâm này, tương tự như bầu trời, nội phần khéo được định tĩnh. Này cô nàng có tâm địa xấu xa, chớ công kích, tựa như loài bướm đêm công kích đống lửa.
1162. Hãy nhìn xem bóng dáng được vẽ màu, nơi hội tụ các vết thương, được dựng lên (bằng ba trăm khúc xương), bệnh hoạn, nhiều suy tư (sái quấy), không có sự tồn tại trường cửu.[23]
1163. Hãy nhìn xem vóc dáng được vẽ màu, với ngọc ma-ni và với bông tai; là xương được bọc lại bởi da, nó rạng rỡ nhờ những vải vóc.
1164. Các bàn chân được sơn màu đỏ, khuôn mặt được bôi phấn bột, là đủ cho sự mê muội đối với kẻ ngu, nhưng không đủ đối với người có sự tầm cầu bờ kia.
1165. Các sợi tóc được làm thành tám lớp, các con mắt được bôi thuốc màu, là đủ cho sự mê muội đối với kẻ ngu, nhưng không đủ đối với người có sự tầm cầu bờ kia.
1166. Thân thể hôi thối đã được trang điểm tựa như hộp thuốc bôi đã được vẽ màu, là đủ cho sự mê muội đối với kẻ ngu, nhưng không đủ đối với người có sự tầm cầu bờ kia.
1167. Thợ săn đã đặt bẫy mồi, con nai đã không đến gần cái lưới bẫy. Sau khi ăn xong mồi nhử, chúng ta hãy ra đi, trong khi kẻ bắt thú đang than vãn.
1168. Cái bẫy mồi của gã thợ săn đã bị đứt lìa, con nai đã không đến gần cái lưới bẫy. Sau khi ăn xong mồi nhử, chúng ta hãy ra đi, trong khi kẻ săn thú sầu muộn.’
1169. Khi Sāriputta, vị đã thành tựu nhiều biểu hiện, Niết Bàn, khi ấy đã có sự kinh sợ, khi ấy đã có sự nổi da gà.
1170. Quả vậy, các pháp hữu vi là vô thường, có pháp sanh và diệt, sau khi sanh lên chúng hoại diệt, sự tịnh lặng của chúng là an lạc.
1171. Những người nào nhìn thấy năm uẩn là cái khác, không phải là bản ngã, những người ấy thấu triệt điều tinh vi, giống như xuyên thủng đầu cọng tóc bằng mũi tên.
1172. Và những người nào nhìn thấy các hành là cái khác, không phải là bản ngã, những người ấy đã thấu triệt điều vi tế, giống như đã xuyên thủng đầu cọng tóc bằng mũi tên.
1173. Tựa như bị chém bởi thanh gươm, tựa như đang bị thiêu đốt ở đỉnh đầu, vị tỳ khưu sống đời du sĩ, có niệm, nhằm dứt bỏ sự luyến ái ở các dục.[24]
1174. Tựa như bị chém bởi thanh gươm, tựa như đang bị thiêu đốt ở đỉnh đầu, vị tỳ khưu sống đời du sĩ, có niệm, nhằm dứt bỏ sự luyến ái ở hiện hữu.
1175. Được khích lệ bởi vị có bản thân đã được tu tập, bởi vị có sự mang thân mạng cuối cùng, bằng ngón chân cái tôi đã làm rung động tòa lâu đài của Migāramātu.[25]
1176. Niết Bàn, sự thoát khỏi tất cả các mối buộc thắt, có thể được chứng đắc; việc này không liên quan sự lơi lỏng, không phải với chút ít sức lực.
1177. Và vị tỳ khưu trẻ này, con người tối thượng này, mang thân mạng cuối cùng, sau khi chiến thắng Ma Vương cùng với đạo quân binh.
1178. Các tia sét đã đánh dọc theo khe núi Vebhāra và Paṇḍava, người con trai của bậc không người đối xứng như thế ấy đã đi vào khe núi, tham thiền.
1179. Bậc hiền trí, an tịnh, tiết chế, có chỗ ngụ xa vắng, là người thừa tự của đức Phật tối thượng, được đấng Phạm Thiên lễ bái.
1180. Này Bà-la-môn, hãy đảnh lễ vị Kassapa, bậc hiền trí, an tịnh, tiết chế, có chỗ ngụ xa vắng, là người thừa tự của đức Phật tối thượng.
1181. Và người nào có thể trải qua một trăm kiếp sống ở giữa loài người lần này lần khác, tất cả đều là dòng dõi Bà-la-môn, có các sự tốt lành, thành tựu về kinh Vệ Đà.
1182. Thậm chí nếu có thể là người giảng dạy, vượt qua bờ kia của ba bộ Vệ Đà, việc ấy không giá trị bằng một phần mười sáu của việc đảnh lễ đến vị (Kassapa) ấy.
1183. Vị ấy, trước bữa ăn, đã chạm đến tám (thiền) giải thoát, thuận chiều và nghịch chiều, sau đó mới đi khất thực.
1184. Này Bà-la-môn, chớ công kích vị tỳ khưu như thế ấy, chớ đào sâu bản ngã, ngươi hãy khởi tâm tịnh tín ở vị A-la-hán như thế ấy, hãy mau chắp tay đảnh lễ, chớ làm vỡ tan cái đầu của ngươi.
1185. Bị dẫn đầu bởi sự luân hồi, kẻ này không nhìn thấy Diệu Pháp, gã chạy theo con đường sai trái, con đường cong quẹo dẫn xuống phía dưới.
1186. Tựa như con dòi bị lấm lem bởi phẩn, bị bám víu vào pháp hữu vi, bị đắm chìm trong lợi lộc và sự tôn vinh, Poṭhila rỗng không ra đi.
1187. Và hãy nhìn xem vị Sāriputta đang đi đến, có dáng vẻ tốt đẹp, đã được giải thoát ở cả hai phần, nội tâm khéo được định tĩnh.
1188. Vị không còn mũi tên, có sự ràng buộc đã được cạn kiệt, có ba Minh, có sự chiến thắng Thần Chết, bậc đáng được cúng dường, là thửa ruộng phước vô thượng của loài người.
1189. Nhiều vị Thiên nhân này, có thần thông, có danh tiếng, tất cả mười ngàn vị Thiên nhân được dẫn đầu bởi đấng Phạm Thiên, đứng, chắp tay lại, đang lễ bái vị Moggallāna.
1190. ‘Thưa bậc siêu nhân, xin kính lễ ngài. Thưa bậc tối thượng nhân, xin kính lễ ngài. Các lậu hoặc của ngài đã được cạn kiệt. Thưa ngài, ngài là bậc đáng được cúng dường.’
1191. Được người và trời tôn vinh, bậc chế ngự Thần Chết đã được hiện khởi, không bị lấm lem bởi pháp hữu vi, tựa như loài sen không bị lấm lem bởi nước.
1192. Vị tỳ khưu ấy, với năng lực về các loại thần thông, về việc tử và sanh, nhìn thấy chư Thiên vào lúc hợp thời, đối với vị ấy thế gian luôn cả Phạm Thiên giới được nhận biết bằng một ngàn cách trong giây lát.[26]
1193. Còn vị tỳ khưu đã đi đến bờ kia, nếu là tối thắng y như thế ấy, chính là vị Sāriputta, với tuệ, với giới, và với sự an tịnh.
1194. Tôi có thể biến hóa ra trăm ngàn koṭi bản thể của mình trong giây lát. Là thiện xảo trong các việc biến hóa, tôi có được năng lực về thần thông.
1195. Vị dòng dõi Moggallāna, đã đi đến sự toàn hảo về năng lực của định và minh trong Giáo Pháp của bậc không bị vướng mắc, là vị thông minh, có giác quan được định tĩnh, đã cắt đứt sự trói buộc, giống như con voi giật đứt sợi dây rừng thối tha.
1196. Bậc Đạo Sư đã được tôi hầu hạ, lời dạy của đức Phật đã được thực hành, vật mang nặng đã được đặt xuống, lối dẫn đến hiện hữu đã được xóa sạch.[27]
1197. Vì mục đích nào mà tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà, mục đích ấy của tôi, sự cạn kiệt tất cả các điều ràng buộc, đã được thành tựu.[28]
1198. Địa ngục, nơi mà Dussī đã bị nung nấu sau khi công kích vị Thinh Văn (hàng đầu) Vidhura và vị Bà-la-môn Kakusandha (Phật Toàn Giác), đã là như thế nào?
1199. Đã là trăm cây cọc sắt, tất cả có cảm thọ riêng biệt. Địa ngục, nơi mà Dussī đã bị nung nấu sau khi công kích vị Thinh Văn (hàng đầu) Vidhura và vị Bà-la-môn Kakusandha (Phật Toàn Giác), đã là như thế này.
1200. Người biết rõ điều này là vị tỳ khưu Thinh Văn của đức Phật. Này Kaṇha, sau khi công kích vị tỳ khưu như thế ấy, ngươi (sẽ) đi đến khổ đau.
1201. Các cung điện ngự ở giữa hồ, có sự tồn tại một kiếp, có màu ngọc bích, xinh đẹp, rực rỡ, chói lọi. Nơi ấy, nhiều tiên nữ nhảy múa, có bản thể và màu sắc khác biệt.
1202. Người biết rõ điều này là vị tỳ khưu Thinh Văn của đức Phật. Này Kaṇha, sau khi công kích vị tỳ khưu như thế ấy, ngươi (sẽ) đi đến khổ đau.
1203. Đúng vậy, vị này, được khích lệ bởi đức Phật, trong khi hội chúng tỳ khưu đang chứng kiến, đã làm rung động tòa lâu đài của Migāramātu bằng ngón chân cái.
1204. Người biết rõ điều này là vị tỳ khưu Thinh Văn của đức Phật. Này Kaṇha, sau khi công kích vị tỳ khưu như thế ấy, ngươi (sẽ) đi đến khổ đau.
1205. Được hỗ trợ bởi năng lực của thần thông, vị này đã làm rung động tòa lâu đài Vejayanta bằng ngón chân cái, và đã làm chư Thiên kinh động.
1206. Người biết rõ điều này là vị tỳ khưu Thinh Văn của đức Phật. Này Kaṇha, sau khi công kích vị tỳ khưu như thế ấy, ngươi (sẽ) đi đến khổ đau.
1207. Ở tòa lâu đài Vejayanta, vị này hỏi (Thiên Chủ) Sakka rằng: ‘Thưa ngài, có phải ngài cũng biết về các sự giải thoát do sự cạn kiệt của tham ái?’ Được hỏi câu hỏi, (Thiên Chủ) Sakka đã trả lời vị ấy đúng theo sự thật.
1208. Người biết rõ điều này là vị tỳ khưu Thinh Văn của đức Phật. Này Kaṇha, sau khi công kích vị tỳ khưu như thế ấy, ngươi (sẽ) đi đến khổ đau.
1209. Đứng tại cuộc hội họp ở Sudhammā, vị này hỏi đấng (Đại) Phạm Thiên rằng: ‘Thưa ngài, thậm chí hôm nay quan điểm ấy của ngài cũng là quan điểm của ngài đã có trước kia? Ngài có nhìn thấy sự chói lọi ở thế giới Phạm Thiên đang mất dần không?’
1210. Được hỏi câu hỏi, Phạm Thiên đã trả lời vị ấy đúng theo sự thật rằng: ‘Thưa ngài, quan điểm ấy không còn là của tôi, đó là quan điểm của tôi đã có trước kia.
1211. Tôi nhìn thấy sự chói lọi ở thế giới Phạm Thiên đang mất dần. Làm thế nào hôm nay tôi đây có thể nói: Tôi là thường hằng, là trường tồn được?’
1212. Người biết rõ điều này là vị tỳ khưu Thinh Văn của đức Phật. Này Kaṇha, sau khi công kích vị tỳ khưu như thế ấy, ngươi (sẽ) đi đến khổ đau.
1213. Bằng sự giải thoát, vị này đã sờ vào chóp đỉnh của núi Neru vĩ đại, (luôn cả) khu rừng thuộc về Châu Pubbavideha, và những người đàn ông nằm ở mặt đất (thuộc Châu Uttarakuru)
1214. Người biết rõ điều này là vị tỳ khưu Thinh Văn của đức Phật. Này Kaṇha, sau khi công kích vị tỳ khưu như thế ấy, ngươi (sẽ) đi đến khổ đau.
1215. Thật vậy, ngọn lửa không nghĩ rằng: ‘Ta thiêu đốt kẻ ngu;’ chỉ có kẻ ngu bị thiêu đốt sau khi công kích ngọn lửa đã được cháy rực.
1216. Này Ma Vương, tương tự y như thế, sau khi công kích đức Như Lai, ngươi sẽ thiêu đốt bản thân chính mình, tựa như kẻ ngu chạm vào ngọn lửa.
1217. Sau khi công kích đức Như Lai, Ma Vương đã tạo ra điều vô phước. Này kẻ xấu xa, phải chăng ngươi nghĩ rằng: ‘Việc ác của ta không kết quả?’
1218. Này Thần Chết, việc ác của ngươi đang làm được tích lũy thời gian lâu dài. Này Ma Vương, ngươi hãy lánh xa đức Phật, ngươi chớ làm khó các vị tỳ khưu.
1219. Vị tỳ khưu ở khu rừng bhesakalā đã quở trách Ma Vương như thế. Do đó, Dạ-xoa ấy, buồn rầu, đã biến mất ngay tại chỗ ấy.”
Đại đức trưởng lão Mahāmoggallāna đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Mahāmoggallāna.
*****
“Ở nhóm Sáu Mươi, vị Moggallāna có đại thần lực là vị trưởng lão độc nhất, các câu kệ ấy là sáu mươi tám.”
Nhóm Sáu Mươi được chấm dứt.
--ooOoo--
1220. “Thật vậy, trong khi tôi ra đi, rời nhà sống không nhà, những ý nghĩ suy tầm táo bạo này, từ sự tăm tối, đeo đuổi tôi.
1221. Những người con trai hung bạo, những cung thủ vĩ đại, đã được học tập, có cây cung vững chắc, có thể bắn ra xung quanh một ngàn mũi tên đến (tôi), tôi (cũng) không đào tẩu.
1222. Thậm chí, nếu nhiều hơn chừng ấy phụ nữ sẽ đi đến, họ cũng sẽ không bao giờ làm cho tôi, người đã khéo được đứng vững ở Giáo Pháp, nao núng.
1223. Bởi vì điều này đã do tôi đích thân nghe được về Đạo Lộ đi đến Niết Bàn của đức Phật, vị thân quyến của mặt trời; tâm tôi đã được thích thú về điều ấy.
1224. Này kẻ xấu xa, nếu ngươi đến gần ta trong lúc ta đang sống như vầy, này Thần Chết, ta sẽ làm cho ngươi sẽ không nhìn thấy ngay cả đường đi của ta.
1225. Sau khi từ bỏ toàn bộ sự ghét bỏ, sự ưa thích, và mọi suy tầm liên hệ đến gia đình, không nên thể hiện tham ái ở bất cứ đâu. Xa lìa tham ái, không có tham ái, vị ấy là tỳ khưu.
1226. Bất cứ vật gì ở nơi này, ở trái đất và ở không trung, đã đạt đến hình thể, bị gắn chặt với thế gian, tất cả đều là vô thường, bị hư hoại; những người đã lãnh hội như vậy, sống, có bản thân đã được cảm nhận.
1227. Chúng sanh bị cột trói vào các mầm tái sanh, vào điều đã được thấy, được nghe, được chạm đến, và được cảm nhận. Ở đây, ngươi hãy xua đuổi lòng ham muốn, trở thành người không còn dục vọng, bởi vì ở đây người nào không bị lấm lem (bởi ái dục), người ta đã gọi vị ấy là bậc hiền trí.
1228. Chúng sanh có sự suy tầm liên quan đến sáu mươi hai (tà kiến) đã bị dính líu vào các điều phi pháp thuộc về phàm nhân. Và nên là người không theo phe nhóm ở bất cứ nơi đâu, thêm nữa không có việc nắm lấy sự thô tục, vị ấy là tỳ khưu.
1229. Có khả năng, được định tĩnh lâu dài, không xảo trá, thận trọng, không tham ái, bậc hiền trí đã chứng đắc vị thế an tịnh, chờ đợi thời điểm, tùy duyên viên tịch Niết Bàn.
1230. Này vị (dòng dõi) Gotama, ngươi hãy dứt bỏ ngã mạn, và hãy từ bỏ hoàn toàn đường lối của ngã mạn. Bị say đắm ở đường lối của ngã mạn, ngươi đã có sự ân hận dài lâu.
1231. Bị nhơ bẩn bởi sự gièm pha, bị hãm hại bởi ngã mạn, chúng sanh rơi vào địa ngục. Bị hãm hại bởi ngã mạn, bị sanh vào địa ngục, loài người sầu muộn dài lâu.
1232. Bởi vì vị tỳ khưu không bao giờ sầu muộn, là người chiến thắng nhờ vào Đạo Lộ, đã thực hành đúng đắn, và thọ hưởng danh tiếng và sự an lạc, người ta đã gọi vị ấy là: ‘Bậc đã thấy pháp.’
1233. Vì thế, (hãy là) không cứng nhắc, có sự ra sức, sau khi từ bỏ các pháp che lấp, được thanh tịnh, và sau khi từ bỏ hoàn toàn ngã mạn, là người tạo ra sự chấm dứt nhờ vào (ba) Minh, có sự yên tịnh.
1234. Tôi bị thiêu đốt bởi sự luyến ái ở các dục, tâm của tôi bị thiêu đốt toàn diện. Thưa vị (dòng dõi) Gotama, vì lòng thương xót, lành thay, hãy nói về việc dập tắt.
1235. Vì sự tầm cầu sai trái của tưởng, tâm của ngươi bị thiêu đốt toàn diện. Ngươi hãy tránh xa hiện tướng mỹ miều, được gắn liền với luyến ái.
1236. Ngươi hãy nhìn thấy các hành là cái khác, là khổ đau, và chớ là bản ngã. Ngươi hãy dập tắt sự luyến ái lớn lao. Chớ để bị thiêu đốt lần này lần khác.
1237. Ngươi hãy tu tập tâm được chuyên nhất, khéo được định tĩnh, về (đề mục) tử thi. Đối với ngươi, hãy có niệm được đặt ở thân, hãy có nhiều sự nhàm chán.
1238. Ngươi hãy tu tập về vô tướng, hãy dẹp bỏ sự tiềm ẩn của ngã mạn, sau đó, nhờ vào sự lãnh hội về ngã mạn, ngươi sẽ sống, được an tịnh.
1239. Nên nói chỉ lời nói ấy thôi, với lời nói ấy không làm cho bản thân nóng nảy, và không hãm hại người khác; đúng vậy lời nói ấy đã được khéo nói.
1240. Nên nói chỉ mỗi lời êm ái, là lời nói được hoan hỷ đón nhận. Nên nói lời êm ái là lời nói không đem đến các điều ác xấu cho những người khác.
1241. Đúng vậy, chân thật là lời nói bất tử, điều ấy là quy luật muôn đời. Những người tốt đã được đứng vững ở sự thật, ở mục đích, và ở Giáo Pháp đã nói (như thế).
1242. Lời đức Phật nói là an toàn, đưa đến sự đạt được Niết Bàn, đưa đến sự thực hiện việc chấm dứt khổ đau; đúng vậy lời nói ấy là tối thượng.
1243. Có tuệ thâm sâu, thông minh, rành rẽ về đạo lộ và không phải đạo lộ, vị Sāriputta, có trí tuệ vĩ đại, thuyết giảng Giáo Pháp cho các vị tỳ khưu.
1244. Vị ấy cũng thuyết giảng tóm tắt, cũng thuyết giảng chi tiết. Với âm thanh như là của chim sáo, vị ấy đã nói lên tài biện luận.
1245. Trong khi vị ấy đang thuyết giảng điều ấy, mọi người lắng nghe lời nói ngọt ngào, với âm điệu đáng yêu, đáng được nghe, có sự thu hút. Các vị tỳ khưu có tâm hướng thượng, hoan hỷ, lắng tai nghe.
1246. Hôm nay, ngày rằm, năm trăm vị tỳ khưu, là các vị ẩn sĩ có sự cắt đứt những sự trói buộc và những điều ràng buộc, không bị khổ sở, có việc tái sanh lần nữa đã được cạn kiệt, đã tụ hội vì sự thanh tịnh (của hội chúng).
1247. Giống như đức Chuyển Luân Vương, được tháp tùng bởi các quan đại thần, đi vòng quanh khắp nơi ở trái đất có biển cả bao bọc này.
1248. Tương tự như vậy, các vị Thinh Văn có ba Minh, có sự chiến thắng Thần Chết, hầu cận vị Chiến Thắng trận đấu, người Hướng Dẫn đoàn xe, bậc Vô Thượng.
1249. Tất cả những người con trai của đức Thế Tôn, ở đây không có kẻ vô vị. Tôi đảnh lễ đấng tiêu diệt mũi tên tham ái, vị thân quyến của mặt trời.
1250. Hơn một ngàn vị tỳ khưu hầu cận đấng Thiện Thệ trong khi Ngài đang thuyết giảng Giáo Pháp xa lìa luyến ái, Niết Bàn, chốn không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu.
1251. Các vị lắng nghe Giáo Pháp không ô nhiễm, được thuyết giảng bởi đấng Chánh Đẳng Giác. Thật vậy, đấng Toàn Giác chiếu sáng, được hội chúng tỳ khưu tôn vinh.
1252. Bạch đức Thế Tôn, Ngài có tên là Long Tượng, vị ẩn sĩ tối thượng trong số các ẩn sĩ, sau khi trở thành như là đám mây lớn, Ngài đổ mưa xuống các đệ tử.
1253. Sau khi rời khỏi chỗ nghỉ ban ngày vì ước muốn diện kiến bậc Đạo Sư, bạch đấng Đại Hùng, đệ tử Vangīsa đảnh lễ các bàn chân của Ngài.
1254. Sau khi khắc phục đạo lộ và đường lối sai trái của Ma Vương, Ngài bước đi sau khi đã phá tan các chướng ngại. Các vị hãy nhìn xem đức Phật, với việc thực hiện sự giải thoát khỏi các sự trói buộc, hoàn toàn không bị lệ thuộc, sau khi đã phân tích (Giáo Pháp) thành từng phần riêng biệt.
1255. Bởi vì Ngài đã nói lên Đạo Lộ có nhiều cách thức với mục đích vượt qua dòng nước lũ, và khi Bất Tử ấy đã được nói lên, các vị đã thấy Pháp được đứng vững, không bị tiêu hoại.
1256. Bậc tạo ra ánh sáng, sau khi thấu triệt Giáo Pháp, đã nhìn thấy (Niết Bàn) sự vượt lên trên tất cả các sự tồn tại (của nhận thức). Sau khi biết được và chứng ngộ (Giáo Pháp) cao quý, Ngài đã thuyết giảng cho năm vị.
1257. Khi Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng như vậy, có sự xao lãng gì đối với các vị đang nhận thức Giáo Pháp? Chính vì thế, vị không xao lãng, trong lúc đang lễ bái, nên luôn luôn học tập theo lời giáo huấn của đức Thế Tôn ấy.
1258. Vị trưởng lão đã được giác ngộ kế tiếp đức Phật là vị có sự nỗ lực sắc bén Koṇḍañña, thường xuyên có sự đạt được các lạc trú và các sự ẩn cư.
1259. Pháp nào có thể đạt được bởi vị đệ tử có sự thực hành theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư, pháp ấy, tất cả cảc vị không bị xao lãng, đã được học tập, đều đạt được.
1260. Có đại oai lực, có ba Minh, thiện xảo về tâm của người khác, vị Koṇḍañña, người thừa tự của đức Phật, đảnh lễ các bàn chân của bậc Đạo Sư.
1261. Các vị Thinh Văn, có ba Minh, có sự chiến thắng Thần Chết, hầu cận bậc Hiền Trí, vị đã đi đến bờ kia của khổ đau, đang ngồi ở sườn của ngọn núi.
1262. Vị Moggallāna, có đại thần lực, quán sát bằng tâm, trong khi tìm kiếm tâm đã được giải thoát, không còn mầm mống tái sanh của các vị ấy.
1263. Các vị hầu cận đấng Hiền Trí Gotama, bậc đã được thành tựu tất cả các yếu tố như vậy, đã đi đến bờ kia của khổ đau, đã được thành tựu nhiều biểu hiện.
1264. Bạch Ngài Aṅgīrasa, bậc Đại Hiền Trí, giống như mặt trăng ở bầu trời không có mây đen, tựa như mặt trời không có vết nhơ chiếu sáng, cũng tương tự như vậy, Ngài rực rỡ hơn tất cả thế gian về danh vọng.
1265. Trước đây, say mê thơ văn, chúng tôi đã lang thang từ làng này đến làng khác, từ phố này đến phố khác, và chúng tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác, bậc đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp.
1266. Bậc Hiền Trí ấy, vị đã đi đến bờ kia của khổ đau, đã thuyết giảng Giáo Pháp cho tôi. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp, niềm tin đã sanh khởi đến chúng tôi.
1267. Sau khi lắng nghe lời nói của vị ấy, sau khi hiểu rõ về (năm) uẩn, (mười hai) xứ, và (mười tám) giới, tôi đã xuất gia, sống đời không nhà.
1268. Thật vậy, các đức Như Lai hiện khởi vì lợi ích của số đông, của những người nữ và những người nam nào là những người thực hành theo Giáo Pháp.
1269. Thật vậy, bậc Hiền Trí đã đạt đến sự Giác Ngộ vì lợi ích của những người ấy, của các vị tỳ khưu và tỳ khưu ni nào đã đạt đến và đã nhìn thấy quy luật.
1270. Vì lòng thương xót chúng sanh, bốn Chân Lý Cao Thượng đã khéo được thuyết giảng bởi đấng Hữu Nhãn, đức Phật, vị thân quyến của mặt trời:
1271. Khổ, sự sanh lên của Khổ, sự vượt qua khỏi Khổ, và Thánh Đạo tám chi phần đưa đến sự yên lặng của Khổ.
1272. Những điều này đã được nói lên như vậy, những điều ấy đã được tôi nhìn thấy đúng theo như thế. Mục đích của bản thân đã được tôi thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.
1273. Quả thật, việc đi đến tốt đẹp đã có cho tôi về việc ở gần với đức Phật của tôi. Trong số các pháp đã được phân loại, tôi đã tiến gần đến pháp tối thượng.
1274. Tôi đã đạt được sự toàn hảo về Thắng Trí, nhĩ giới đã được trong sạch, có ba Minh, tôi đã đạt được thần thông, thiện xảo về tâm của người khác.
1275. Tôi hỏi đấng Đạo Sư, bậc có trí tuệ tột đỉnh, về vị tỳ khưu đã từ trần ở Aggāḷava, là vị đã cắt đứt các sự hoài nghi ở thế giới hiện hữu, được biết tiếng, có danh vọng, có bản thể đã được tịch tịnh.
1276. Bạch đức Thế Tôn, Ngài đã đặt tên ‘Nigrodhakappa’ cho vị Bà-la-môn ấy. Vị ấy, mong mỏi sự giải thoát, trong lúc lễ bái Ngài, đã sống, có sự nỗ lực tinh tấn, có sự nhận thức vững chắc về Giáo Pháp.
1277. Bạch vị Sakya, tất cả chúng con cũng muốn được biết về vị Thinh Văn ấy. Bạch đấng Toàn Nhãn, những lỗ tai của chúng con là sẵn sàng cho việc nghe. Ngài là bậc Đạo Sư của chúng con. Ngài là bậc Vô Thượng.
1278. Xin Ngài hãy cắt đứt sự hoài nghi của chúng con, xin hãy nói cho con điều này. Bạch đấng có trí tuệ quảng đại, xin Ngài hãy cho biết về việc (vị ấy) đã được viên tịch Niết Bàn. Bạch đấng Toàn Nhãn, xin Ngài hãy nói ở ngay giữa chúng con, tựa như vị Trời Sakka có ngàn mắt ở giữa chư Thiên.
1279. Ở đây, bất cứ những mối buộc thắt nào, những con đường của si mê, những phe nhóm của vô trí, những chỗ đứng của hoài nghi, sau khi đạt đến đức Như Lai, chúng đều không tồn tại, bởi vì con mắt ấy là vô thượng giữa những con người.
1280. Bởi vì nếu chắc chắn không có người tiêu diệt các phiền não, giống như làn gió làm tiêu tan đám mây, thì toàn bộ thế gian sẽ bị bao trùm bởi bóng tối, ngay cả những vị có hào quang (trí tuệ) cũng không thể phát sáng.
1281. Và các bậc thông minh là những người tạo ra ánh sáng, vì thế, bạch đấng Anh Hùng, con nghĩ rằng Ngài là y như thế ấy. Chúng con đã đi đến với bậc có sự minh sát và sự hiểu biết, xin Ngài hãy giải thích về vị Kappa cho chúng con ở các hội chúng.
1282. Hỡi bậc có sự thu hút, xin Ngài hãy mau mau thốt lên giọng nói có sự thu hút, tựa như chim thiên nga rướn cổ, xin Ngài hãy dịu dàng thốt lên với âm thanh trọn vẹn khéo được điều khiển; toàn bộ tất cả chúng con đều tập trung lắng nghe.
1283. Sau khi thúc giục bậc có sự sanh tử đã được dứt bỏ không còn dư sót, tôi thông báo đến bậc đã giũ bỏ (phiền não); bởi vì người có thể làm được điều mong muốn không có trong số các phàm nhân, và người hành động đúng theo dự tính chỉ có trong số các đức Như Lai.
1284. Lời giải thích đầy đủ này của Ngài, bậc có trí tuệ ngay thẳng, đã được chấp nhận. Sự chắp tay sau cùng này đã được cúi chào tốt đẹp. Hỡi bậc có trí tuệ tột đỉnh, trong khi Ngài biết, xin Ngài chớ làm mê mờ.
1285. Hỡi đấng Anh Hùng tột bực, Ngài đã hiểu biết về Giáo Pháp cao thượng từ thấp đến cao, trong khi Ngài biết, xin Ngài chớ làm mê mờ. Con mong mỏi lời nói (của Ngài) giống như người có bản thân bị nóng bức trong lúc nóng nực mong mỏi nước; xin Ngài hãy đổ cơn mưa âm thanh.
1286. Phải chăng vị Kappāyana đã sống Phạm hạnh với mục đích tốt đẹp, không phải rỗng không? Có phải vị ấy đã Niết Bàn (không còn dư sót), hay là vẫn còn dư sót? Vị ấy đã được giải thoát như thế nào, hãy cho chúng con được nghe điều ấy.
(Lời của đức Thế Tôn)
1287. ‘Vị ấy đã cắt đứt tham ái ở danh và sắc này, dòng nước tham ái đã được tiềm ẩn bấy lâu. Vị ấy đã vượt qua sự sanh và sự chết.’ Đức Thế Tôn, bậc đứng đầu về năm pháp, đã nói như thế.
1288. Bạch bậc Ẩn Sĩ tối thượng, sau khi nghe điều ấy, con tin tưởng vào lời nói của Ngài. Thật vậy, điều đã được con hỏi là không vô ích, vị Bà-la-môn đã không dối gạt con.
1289. Vị có lời nói như thế nào thì có hành động như thế ấy đã là đệ tử của đức Phật. Vị ấy đã cắt đứt tấm lưới chắc chắn của Thần Chết xảo quyệt đã được giăng ra.
1290. Bạch đức Thế Tôn, vị Kappiya đã nhìn thấy sự khởi đầu của chấp thủ. Quả thật, vị Kappāna đã băng qua lãnh địa của Thần Chết, là nơi rất khó vượt qua.
1291. Hỡi bậc Tối Thượng của loài người, con đảnh lễ Ngài, vị Trời của chư Thiên, và người con trai của Ngài, đấng hậu duệ, vị đại anh hùng, bậc long tượng, dòng dõi chính thống của loài long tượng.”
Đại đức trưởng lão Vaṅgīsa đã nói những lời kệ như thế.
Kệ ngôn của trưởng lão Vaṅgīsa.
*****
“Ở nhóm Bảy Mươi, vị Vaṅgīsa có tài biện luận là vị trưởng lão độc nhất, không có vị nào khác, các câu kệ là bảy mươi mốt.”
Nhóm Lớn được chấm dứt.
*****
“Các kệ ngôn ấy là một ngàn hai trăm chín mươi mốt câu và các trưởng lão là hai trăm sáu mươi bốn vị đã được biết tiếng. Những người con trai của đức Phật, không còn lậu hoặc, sau khi rống lên tiếng rống của loài sư tử, sau khi đạt được sự an toàn ấy, đã Niết Bàn, tựa như đống lửa đã được diệt tắt.”
--ooOoo--
[1] Sau khi tiêu diệt năm bằng năm: sau khi tiêu diệt các phiền não sanh lên từ năm quyền: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân bằng năm quyền: tín, tấn, niệm, định, tuệ (ThagA. iii, 25).
[2] Câu kệ 862 giống câu kệ 97.
[3] Câu kệ 918 giống câu kệ 604.
[4] Theo Chú Giải, vị Pārāsariya cũng là vị Pārāsariya trước đây (726-746). Các câu kệ ở phần trước đã được nói lên lúc đức Phật còn tại tiền, còn các câu kệ này đã được thốt lên sau khi đức Phật viên tịch Niết Bàn, câu kệ 920 là của các vị tham gia cuộc Kết Tập (ThagA. iii, 74).
[5] Câu kệ 969, 970 giống câu kệ số 9, 10 của Dhammapadapāḷi - Pháp Cú.
[6] Câu kệ 991 giống câu kệ 98 của Dhammapadapāḷi - Pháp Cú.
[7] Câu kệ 993 giống câu kệ 76 của Dhammapadapāḷi - Pháp Cú.
[8] Câu kệ 994 giống câu kệ 77 của Dhammapadapāḷi - Pháp Cú.
[9] Câu kệ 999 giống câu kệ 651.
[10] Câu kệ 1000 giống câu kệ 652.
[11] Câu kệ 1002 giống câu kệ 606.
[12] Hai dòng đầu của câu kệ 1004 giống câu kệ 653.
[13] Câu kệ 1005 giống câu kệ 2.
[14] Câu kệ 1015 giống câu kệ 904.
[15] Câu kệ 1016 giống câu kệ 658.
[16] Các câu kệ 1019-1025 tương đương với các câu kệ 769-775.
[17] Câu kệ 1058 tương tự câu kệ 124.
[18] Câu kệ 1075 giống câu kệ 113 và 601.
[19] Câu kệ 1076 tương tự câu kệ 398.
[20] Câu kệ 1083 tương tự câu kệ 278.
[21] Câu kệ 1135 giống câu kệ 77.
[22] Bốn câu kệ 1155-1158 là lời giáo huấn của vị trưởng lão đến nàng kỹ nữ (ThagA. iii, 167).
[23] Các câu kệ 1162-1168 giống các câu kệ 769-775.
[24] Hai câu kệ 1173-1174 giống hai câu kệ 39-40.
[25] Migāramātu, mẹ của Migāra, tức là bà Visākhā, nữ thí chủ hộ độ hàng đầu (ND).
[26] Câu kệ 1192 giống câu kệ 909.
[27] Câu kệ 1196 giống câu kệ 604.
[28] Câu kệ 1197 tương tự câu kệ 136, 605.