TAM TẠNG PĀLI - VIỆT tập 31

 

THERAGĀTHĀPĀḶI - TRƯỞNG LÃO KỆ

 

Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

 

 

4. NHÓM BỐN

186.

267. “Được trang điểm, có y phục đẹp, có vòng hoa, có bôi trầm hương, một người nữ, là vũ công, nhảy múa theo tiếng nhạc ở giữa đường lớn.

268. Tôi đã đi vào thành để khất thực. Trong khi đi, tôi đã nhìn thấy cô ấy, được trang điểm, có y phục đẹp, tựa như cái bẫy sập của Thần Chết đã được giăng lên.

269. Do đó, sự tác ý theo đúng đường lối đã khởi lên ở tôi, điều bất lợi đã hiện rõ, sự nhàm chán đã được thiết lập.

270. Do đó, tâm của tôi đã được giải thoát; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Nāgasamāla đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nāgasamāla.

187.

271. “Bị tác động bởi cơn buồn ngủ, tôi đã đi ra khỏi trú xá. Trong khi đang bước lên đường kinh hành, ngay tại chỗ ấy, tôi đã bị ngã trên mặt đất.

272. Sau khi phủi khắp tay chân, rồi lại bước lên đường kinh hành, tôi đã đi kinh hành ở đường kinh hành, tôi đây đã khéo được định tĩnh nội tâm.

273. Do đó, sự tác ý theo đúng đường lối đã khởi lên ở tôi, điều bất lợi đã hiện rõ, sự nhàm chán đã được thiết lập.

274. Do đó, tâm của tôi đã được giải thoát; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”[1]

Đại đức trưởng lão Bhagu đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Bhagu.

188.

275. “Và những người khác không nhận thức được, chúng ta ở đây đang đến gần cái chết. Còn những người nào nhận thức được điều ấy, nhờ thế các sự tranh chấp được chấm dứt.[2]

276. Và khi những kẻ không nhận thức được hành xử như là những người bất tử, thì những người nào nhận thức được Giáo Pháp là những người không bệnh trong số những người bệnh.

277. Bất cứ hành động nào là lơi lỏng, và sự hành trì nào bị ô nhiễm, việc hành Phạm hạnh (nào) gây sự nghi ngờ, việc ấy không có quả báu lớn lao.

278. Kẻ nào không có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (kẻ ấy) bị cách xa khỏi Chánh Pháp, giống như bầu trời so với trái đất.”

Đại đức trưởng lão Sabhiya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sabhiya.

189.

279. “Thật ghê tởm những thân xác, có mùi khó chịu, thuộc phe cánh Ma Vương, bị rò rỉ, ở thân thể của nàng có chín dòng chảy luôn luôn tuôn trào.

280. Chớ nghĩ ngợi về các thân xác, chớ công kích các đức Như Lai. Ngay cả cõi trời, các vị cũng không bị luyến ái, vậy thì có điều gì ở loài người?

281. Còn những kẻ nào ngu dốt, kém thông minh, có trí tồi, bị mê muội bao trùm, những kẻ như thế ấy bị luyến ái ở nơi ấy, ở sự trói buộc đã được Ma Vương bày ra.

282. Những người nào có tham ái, sân hận, và vô minh đã được xa lìa, những người như thế ấy không bị luyến ái ở nơi ấy, có các sợi dây đã được cắt đứt, không còn sự trói buộc.”

Đại đức trưởng lão Nandaka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nandaka.

190.

283. “Trong năm mươi lăm năm, tôi đã mang bụi bặm cáu ghét. Trong khi thọ dụng bữa ăn mỗi tháng một lần, tôi đã nhỏ bỏ râu và tóc.

284. Tôi đã đứng một chân, tôi đã xa lánh việc ngồi, và tôi đã nhai các cục phân bò khô, và tôi đã không chấp nhận lời mời thỉnh.

285. Sau khi thực hành nhiều nghiệp có khả năng dẫn đến khổ cảnh tương tự như thế ấy, trong khi đang bị cuốn trôi bởi dòng nước lũ, tôi đã đi đến nương nhờ đức Phật.

286. Hãy nhìn xem sự đi đến nương nhờ, hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Jambuka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Jambuka.

191.

287. “Quả thật đã có điều tốt lành cho tôi tại Gayā, vào kỳ lễ hội Phaggu ở Gayā, là việc tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác đang thuyết giảng Giáo Pháp tối thượng.

288. Ngài là bậc Lãnh Đạo có hào quang vĩ đại, bậc thầy có đồ chúng, đã đạt đến vị thế tối cao, là đấng Chiến Thắng của thế gian luôn cả chư Thiên, có sự nhận thức không thể sánh bằng.

289. Là bậc Long Tượng, đấng Đại Hùng, có sự chói sáng vĩ đại, không còn lậu hoặc, có sự đoạn tận tất cả các lậu hoặc, bậc Đạo Sư, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu.

290. Quả vậy, đức Thế Tôn ấy đã giúp cho tôi, Senaka, kẻ bị ô nhiễm dài lâu, bị trói buộc bởi xiềng xích tà kiến, được thoát khỏi tất cả các mối buộc thắt.”

Đại đức trưởng lão Senaka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Senaka.

192.

291. “Kẻ nào vội vã vào thời điểm chậm rãi, và chậm rãi ở việc cần vội vã, do sự sắp xếp không theo đúng đường lối, kẻ ngu lâm cảnh khổ đau.

292. Các điều tốt đẹp của kẻ ấy bị suy giảm, tựa như mặt trăng ở hạ huyền. Kẻ ấy nhận chịu sự ô nhục và bị xích mích với các bạn bè.

293. Người nào chậm rãi vào thời điểm chậm rãi, và vội vã ở việc cần vội vã, do sự sắp xếp theo đúng đường lối, người sáng suốt đạt được sự an lạc.

294. Các điều tốt đẹp của người ấy được làm tròn đầy, tựa như mặt trăng ở thượng huyền. Người ấy đạt được danh vọng và tiếng thơm, không bị xích mích với các bạn bè.”

Đại đức trưởng lão Sambhūta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sambhūta.

193.

295. “Họ đã nhận biết về tôi rằng: ‘Rāhula may mắn,’ được thành tựu luôn cả hai điều, bởi vì tôi là người con trai của đức Phật, và bởi vì tôi có sự nhận thức về các pháp.

296. Bởi vì các lậu hoặc của tôi đã được cạn kiệt, và bởi vì không còn tái sanh nữa, tôi là vị A-la-hán, bậc xứng đáng cúng dường, có ba Minh, đã nhìn thấy sự Bất Tử.

297. (Chúng sanh) bị mù quáng bởi dục vọng, bị bao trùm bởi tấm lưới, bị che đậy bởi tấm choàng tham ái, bị trói buộc cùng với thân quyến bị lơ đễnh, tựa như những con cá ở nơi cửa miệng của tấm lưới.

298. Sau khi buông bỏ dục vọng ấy, sau khi cắt đứt sự trói buộc của Ma Vương, sau khi nhổ lên tham ái luôn cả gốc rễ, tôi trở nên có trạng thái mát mẻ, Niết Bàn.”

Đại đức trưởng lão Rāhula đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Rāhula.

194.

299. “Được che kín bằng vàng bạc, dẫn đầu đám nữ tỳ, ẵm đứa con trai ở trong lòng, người vợ đã đi đến gần tôi.

300. Sau khi nhìn thấy nàng ấy đang tiến đến, người mẹ của đứa con trai của mình, đã được trang điểm, có y phục đẹp, tựa như cái bẫy sập của Thần Chết đã được giăng lên.

301. Do đó, sự tác ý theo đúng đường lối đã khởi lên ở tôi, điều bất lợi đã hiện rõ, sự nhàm chán đã được thiết lập.

302. Do đó, tâm của tôi đã được giải thoát; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Candana đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Candana.

195.

303. “Thật vậy, Chánh Pháp hộ trì người có sự thực hành Chánh Pháp. Chánh Pháp, khéo được thực hành, đem lại sự an lạc. Điều này là quả báu khi Chánh Pháp khéo được thực hành: Người có sự thực hành Chánh Pháp không đi đến khổ cảnh.

304. Bởi vì Chánh Pháp và Phi Chánh Pháp, cả hai không có quả thành tựu giống nhau: Phi Chánh Pháp dẫn đến địa ngục, Chánh Pháp giúp cho thành tựu nhàn cảnh.

305. Chính vì thế, nên thể hiện sự mong muốn ở Chánh Pháp, trong khi hoan hỷ như vậy với đấng Thiện Thệ như thế ấy. Các đệ tử của đấng Thiện Thệ cao quý, vững vàng trong Chánh Pháp, là các bậc thông minh, được thoát ra, có sự đi đến nơi nương nhờ quý cao tối thắng.

306. Vị ấy, có gốc rễ của mụt nhọt đã được phá tung, có mạng lưới tham ái đã được xóa sạch, có sự luân hồi đã được cạn kiệt, và không còn có bất cứ (ô nhiễm) gì, giống như mặt trăng sáng lạng vào ngày trăng tròn.”

Đại đức trưởng lão Dhammika đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Dhammika.

196.

307. “Vào lúc con hạc có cặp cánh trắng trong sạch, bị hoảng hốt vì nỗi sợ hãi đối với đám mây đen, bay về tổ, có sự mong mỏi chỗ trú ngụ, khi ấy con sông Ajakaraṇī khiến tôi thích thú.

308. Vào lúc con hạc màu trắng vô cùng sạch sẽ, bị hoảng hốt vì nỗi sợ hãi đối với đám mây đen, tìm kiếm chỗ ẩn náu, không nhìn thấy chỗ ẩn náu, khi ấy con sông Ajakaraṇī khiến tôi thích thú.

309. Ở nơi ấy, những cây mận đỏ hai bên bờ sông khiến cho người nào mà không thích thú? Chúng làm rạng rỡ bờ sông ở phía sau chỗ ngụ của tôi.

310. Khéo bỏ rơi được bầy rắn, những con ếch có giọng tốt kêu inh ỏi rằng: ‘Hôm nay, không phải là lúc sống xa các dòng sông của những ngọn núi. Sông Ajakaraṇī là an toàn, yên lành, vô cùng thích thú.’”

Đại đức trưởng lão Sappaka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sappaka.

197.

311. “Tôi đã xuất gia vì mục đích mạng sống, sau khi đã đạt được sự tu lên bậc trên, nhờ đó tôi đã có được niềm tin, với sự tinh tấn vững vàng, tôi đã ra sức.

312. Hãy để thân xác này bị rã tan theo như ước muốn, hãy để cho các mẩu thịt bị phân hủy, hãy để cho cả hai ống quyển của tôi bị rơi rụng khỏi các chỗ nối ở đầu gối.

313. Khi mũi tên tham ái chưa được nhổ lên, tôi sẽ không ăn, không uống, và sẽ không đi ra khỏi trú xá, tôi cũng sẽ không nằm xuống một bên hông.

314. Trong khi tôi đây sống như vậy, hãy nhìn xem sự tinh tấn và nỗ lực của tôi. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”[3]

Đại đức trưởng lão Mudita đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mudita.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Vị Nāgasamāla, và vị Bhagu, vị Sabhiya, và vị Nandaka nữa, vị Jambuka, vị trưởng lão Senaka, vị Sambhūta, và vị Rāhula nữa.

Candana là vị trưởng lão; mười vị này là các đệ tử của đức Phật.[4] Vị Dhammika, vị trưởng lão Sappaka, và vị Mudita nữa là ba. Có năm mươi hai câu kệ và tất cả các vị trưởng lão là mười ba.”

Nhóm Bốn được chấm dứt.

--ooOoo--

5. NHÓM NĂM

198.

315. “Là vị tỳ khưu, sau khi đi đến bãi tha ma, tôi đã nhìn thấy (thây) người phụ nữ bị liệng bỏ, bị quăng ở nghĩa địa, đang bị gặm nhấm, lúc nhúc những dòi.

316. Sau khi nhìn thấy chính nàng ấy, đã chết, xấu xa, nhiều người ghê tởm. Còn tôi đã giống như người mù đối với thây người đang rò rỉ, sự luyến ái về các dục đã xuất hiện (ở tôi).

317. Nhanh chóng hơn việc nấu chín nồi cơm, tôi đã lìa khỏi địa điểm ấy. Có niệm, có sự nhận biết rõ, tôi đã ngồi xuống ở một góc.

318. Do đó, sự tác ý theo đúng đường lối đã khởi lên ở tôi, điều bất lợi đã hiện rõ, sự nhàm chán đã được thiết lập.

319. Do đó, tâm của tôi đã được giải thoát; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”[5]

Đại đức trưởng lão Rājadatta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Rājadatta.  

199.

320. “Người đàn ông, trong khi gắn bó bản thân ở sự luyện tập sai trái (sự hành xác), trong khi ước muốn việc nên làm, nếu trong khi thực hành mà không thể chứng đắc, điều ấy là biểu hiện về số phần xui xẻo của tôi.

321. Nếu buông lơi một việc (hành xác), là việc đem lại sầu khổ đã được rũ bỏ đã được chế ngự, thì có thể xem như người có vận rủi. Nhưng nếu buông lơi tất cả (không tu tập), thì có thể xem như kẻ mù, do không nhận thức được sự bằng phẳng và gồ ghề.

322. Nếu làm điều nào thì nên nói chính điều ấy; nếu không làm điều nào thì không nên nói điều ấy. Các bậc sáng suốt biết rõ người không làm mà nói.[6]

323. Cũng giống như bông hoa xinh đẹp có sắc không hương, tương tự như thế lời nói được khéo nói của kẻ không thực hành thì không có kết quả.

324. Cũng giống như bông hoa xinh đẹp có sắc có hương, tương tự như thể lời nói được khéo nói của người có thực hành là có kết quả.”[7]

Đại đức trưởng lão Subhūta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Subhūta.

200.

325. “Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Tôi sống ở trong ấy, được yên tĩnh. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.

326. Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Tôi sống ở trong ấy, có tâm an tịnh. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.

327. Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Tôi sống ở trong ấy, có sự luyến ái được xa lìa. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.

328. Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Tôi sống ở trong ấy, có sự sân hận được xa lìa. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.

329. Trời mưa giống như (đang hát) bài hát hay, cái cốc nhỏ của tôi đã được lợp, thoải mái, kín gió. Tôi sống ở trong ấy, có sự si mê được xa lìa. Như vậy, này ông Trời, nếu ông muốn, ông hãy đổ mưa.”

Đại đức trưởng lão Girimānanda đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Girimānanda.

 

201.

330. “Điều nào trong số các pháp (tu tập) mà vị thầy tế độ, trong lúc mong mỏi cho con, đã hỗ trợ cho con (là người) đang ước ao sự Bất Tử, điều cần phải thực hiện ấy đã được con thực hiện.

331. Giáo Pháp đã được đạt đến, đã được chứng ngộ bởi bản thân, không phải việc nghe nói suông. Có trí tuệ trong sạch, không còn hoài nghi, con tuyên bố trong sự hiện diện của thầy.

332. Có Thiên nhãn đã được trong sạch, con biết được đời sống trong thời quá khứ. Mục đích của bản thân đã được con thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.

333. Trong khi con không bị xao lãng, các việc học tập về lời giáo huấn của thầy đã khéo được lắng nghe. Tất cả các lậu hoặc của con đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.

334. Thầy đã chỉ dạy cho con sự hành trì của bậc Thánh, có lòng thương tưởng, đã hỗ trợ con. Lời giáo huấn của thầy không phải rỗng không, con là người học trò đã được học tập.”[8]

Đại đức trưởng lão Sumana đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sumana.

202.

335. “Lành thay! Quả đúng vậy mẹ của tôi đã giơ lên cây roi đầu nhọn. Sau khi lắng nghe lời nói của bà, được nhắc nhở bởi đấng sanh thành, tôi có sự nỗ lực tinh tấn, có bản tính cương quyết, đã đạt đến sự giác ngộ tối thượng.

336. Tôi là vị A-la-hán, bậc xứng đáng cúng dường, có ba Minh, đã nhìn thấy sự Bất Tử. Sau khi chiến thắng đạo binh của Namuci (Ma Vương), tôi sống, không có lậu hoặc.

337. Các lậu hoặc nào của tôi đã được tìm thấy ở bên trong và bên ngoài, tất cả, không thiếu sót, đã được trừ tuyệt và không sanh lên lại nữa.

338. Người chị, quả có lòng tự tín, đã nói về sự việc này: ‘Sự không ham muốn quả nhiên cũng có ở nơi chị, và sự tham ái không tìm thấy ở nơi em.’

339. Khổ đau đã được làm cho chấm dứt; đây là xác thân sau chót có sự luân hồi sanh tử, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Vaḍḍha đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vaḍḍha.

203.

340. “Quả thật vì sự lợi ích của tôi, đức Phật đã đi đến dòng sông Nerañjarā. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, tôi đã lánh xa tà kiến.

341. Là phàm phu, có trạng thái mù quáng, trong khi nghĩ rằng: ‘Việc này là trong sạch,’ tôi đã hy sinh những việc hy sinh các loại, tôi đã cúng tế việc cúng tế ngọn lửa.

342. Tôi đã lao vào bụi rậm tà kiến, bị mê mờ bởi sự bám víu. Là kẻ ngu si, có trạng thái mù quáng, tôi đã nghĩ rằng (đạo lộ) không trong sạch là (đạo lộ) trong sạch.

343. Tà kiến của tôi đã được dứt bỏ, tất cả các hữu đã được phá vỡ, tôi tôn thờ ngọn lửa xứng đáng được cúng dường, tôi lễ bái đức Như Lai.

344. Tất cả si mê của tôi đã được dứt bỏ, sự tham ái về hiện hữu đã được phá tan, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Nadīkassapa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nadīkassapa.

204.

345. “Ba lần trong ngày, buổi sáng, giữa trưa, chiều tối, tôi đây đã lội xuống nước ở tại Gayā, vào kỳ lễ hội Phaggu ở Gayā.

346. Việc xấu xa nào đã được tôi làm ở những kiếp sống khác trong quá khứ, giờ đây tôi gột sạch nó ở kiếp này; trước đây tôi đã có tà kiến như vậy.

347. Sau khi lắng nghe lời nói và từ ngữ liên quan đến Giáo Pháp và mục đích đã khéo được thuyết giảng, tôi đã quán xét ý nghĩa thật sự đúng theo bản thể, theo đúng đường lối.

348. Tôi có mọi điều xấu xa đã được tắm rửa, không còn vết nhơ, được thanh lọc, tinh khiết, là người thừa tự trong sạch của bậc trong sạch, là người con trai chính thống của đức Phật.

349. Sau khi đã lặn sâu vào dòng nước tám ngành, tôi đã gột sạch mọi điều xấu xa, tôi đã chứng đắc ba Minh; lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”

Đại đức trưởng lão Gayākassapa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Gayākassapa.

205.

350. “Trong khi sống ở trong khu rừng là cánh rừng rộng lớn, có chỗ khất thực bị hạn chế, khốn khó, này tỳ khưu, ngươi sẽ làm thế nào?

351. Trong khi thấm nhuần thân xác với niềm hỷ lạc bao la, trong khi chịu đựng dầu là sự khốn khó, con sẽ sống ở cánh rừng rộng lớn.

352. Trong khi tu tập các sự thiết lập niệm, các quyền, và các lực, và trong khi tu tập các chi phần đưa đến giác ngộ, con sẽ sống ở cánh rừng rộng lớn.

353. Có sự nỗ lực tinh tấn, có bản tính cương quyết, thường xuyên có sự ra sức vững chãi, sau khi nhìn thấy những vị có sự hợp nhất, đã được liên kết, con sẽ sống ở cánh rừng rộng lớn.

354. Ngày và đêm không biếng nhác, trong khi tưởng niệm về đấng Toàn Giác, bậc Cao Cả, đã được rèn luyện, đã được định tĩnh, con sẽ sống ở cánh rừng rộng lớn.”

Đại đức trưởng lão Vakkali đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vakkali.

206.

355. “Này tâm, ta sẽ buộc chặt ngươi tựa như buộc chặt con voi ở chốt cửa. Này mạng lưới dục vọng, này kẻ sanh ra thân thể, ta sẽ không xúi giục ngươi về việc xấu xa.

356. Đã bị buộc chặt, ngươi không di chuyển, tựa như con voi trong khi không đạt được việc mở ra cánh cửa. Này tâm xảo quyệt, trong khi còn tiếp tục thể hiện sức mạnh, ưa thích điều xấu xa, ngươi sẽ không đi tới lui.

357. Giống như người có sức mạnh, cầm cái móc câu, làm cho con voi mới bị bắt, chưa được huấn luyện, phải xoay chuyển nghịch với ước muốn, tương tự như vậy ta sẽ khiến ngươi xoay chuyển.

358. Giống như người đánh xe xuất chúng, thiện xảo trong việc thuần phục ngựa quý, huấn luyện con ngựa thuần chủng, tương tự như thế, đã được đứng vững ở năm lực, ta sẽ huấn luyện ngươi.

359. Ta sẽ trói buộc ngươi bằng niệm. Có bản thể trong sạch, ta sẽ làm cho ngươi sạch sẽ. Này tâm, bị khống chế bởi cái ách tinh tấn, bị kiềm chế, ngươi sẽ không đi xa.”

Đại đức trưởng lão Vijitasena đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Vijitasena.

207.

360. “Kẻ có trí tồi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với tâm thù nghịch, (kẻ ấy) bị cách xa khỏi Chánh Pháp, giống như trái đất so với bầu trời.

361. Kẻ có trí tồi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với tâm thù nghịch, (kẻ ấy) bị suy giảm về Chánh Pháp, tựa như mặt trăng ở hạ huyền.

362. Kẻ có trí tồi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với tâm thù nghịch, (kẻ ấy) bị hao mòn về Chánh Pháp, giống như con cá ở nơi ít nước.

363. Kẻ có trí tồi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với tâm thù nghịch, (kẻ ấy) không tiến triển trong Chánh Pháp, tựa như hạt giống bị thối ở cánh đồng.

364. Và người nào lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với tâm hân hoan, sau khi tiêu trừ tất cả các lậu hoặc, sau khi chứng ngộ trạng thái không bị chuyển dịch, sau khi đạt được sự an tịnh tuyệt đối, (vị ấy) Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Yasadatta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Yasadatta.

208.

365. “Tôi đã đạt được sự tu lên bậc trên, và tôi đã được giải thoát, không còn lậu hoặc. Tôi đã được diện kiến đức Thế Tôn, và đã ngụ chung trú xá.

366. Đức Thế Tôn đã trải qua phần nhiều của đêm ở ngoài trời. Rồi bậc Đạo Sư, vị thiện xảo về việc an trú, đã đi vào trú xá.

367. Sau khi trải ra tấm y hai lớp, đức Gotama đã chuẩn bị việc nằm, tựa như con sư tử ở trong hang đá, với sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ.

368. Sau đó, Soṇa, vị đệ tử của bậc Chánh Đẳng Giác, vị có sự ăn nói tốt đẹp, đã nói về Chánh Pháp trong sự hiện diện của đức Phật tối thượng.

369. Sau khi đã biết toàn diện về năm uẩn, sau khi đã tu tập về Đạo Lộ, sau khi đạt được sự an tịnh tuyệt đối, vị ấy Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Soṇakuṭikaṇṇa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Soṇakuṭikaṇṇa.

209.

370. “Thật vậy, vị nào thông minh, hiểu được lời nói của các bậc thầy, có thể sống theo lời dạy ấy và còn có thể làm sanh khởi lòng yêu mến, vị ấy được gọi là có sự tôn sùng và là vị sáng suốt, sau khi hiểu biết về các pháp, vị ấy có thể có sự chứng đắc.

371. Vị nào không bị các nỗi bất hạnh lớn lao đã sanh khởi làm cho dao động trong khi quán xét, vị ấy được gọi là có sự dõng mãnh và là vị sáng suốt, sau khi hiểu biết về các pháp, vị ấy có thể có sự chứng đắc.

372. Thật vậy, vị nào vững vàng, tựa như biển cả, không còn dục vọng, có trí tuệ thâm sâu, có sự nhìn thấy ý nghĩa vi tế, vị ấy được gọi là không thể dời đổi và là vị sáng suốt, sau khi hiểu biết về các pháp, vị ấy có thể có sự chứng đắc.

373. Và vị nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, là thuộc về Giáo Pháp, có sự hành trì thuận theo Giáo Pháp, vị có đức tính như thế ấy được gọi là vị sáng suốt, sau khi hiểu biết về các pháp, vị ấy có thể có sự chứng đắc.

374. Vị nào hiểu biết ý nghĩa của lời đã được thuyết giảng, và sau khi hiểu được ý nghĩa thì thực hành theo như thế, vị ấy được gọi là ở bên trong ý nghĩa và là vị sáng suốt, sau khi hiểu biết về các pháp, vị ấy có thể có sự chứng đắc.”

Đại đức trưởng lão Kosiya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kosiya.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Vị Rājadatta, và vị Subhūta, vị Girimānanda, và vị Sumana, vị Vaḍḍha và trưởng lão Kassapa, vị Gayākassapa, và vị Vakkali.

Vị Vijita, và vị Yasadatta, vị Soṇa, vị có tên Kosiyasa. Có sáu mươi lăm câu kệ và ở đây là mười hai vị trưởng lão.”

Nhóm Năm được chấm dứt.

--ooOoo--

6. NHÓM SÁU

210.

375. “Sau khi nhìn thấy các điều kỳ diệu của vị có danh vọng Gotama, bị đánh lừa bởi sự ganh tỵ và ngã mạn, tôi đã không quỳ mọp xuống liền khi ấy.

376. Biết được sự suy tư của tôi, đấng Điều Ngự Trượng Phu đã quở trách. Do đó, tôi đã có sự chấn động, có sự nổi da gà kỳ lạ.

377. Sự thành tựu của tôi trước đây khi ở trạng thái đạo sĩ tóc bện là nhỏ nhoi, vào khi ấy, tôi đã buông bỏ nó và tôi đã xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.

378. Trước đây, được hài lòng với sự hy sinh, bị vọng tưởng về dục giới, sau này, tôi đã xóa sạch sự luyến ái, sân hận, và luôn cả si mê.

379. Có Thiên nhãn đã được trong sạch, tôi biết được đời sống trong thời quá khứ. Có thần thông, biết được tâm của người khác, và tôi đã đạt được Thiên nhĩ.

380. Vì mục đích nào mà tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà, mục đích ấy của tôi, sự cạn kiệt tất cả các điều ràng buộc, đã được thành tựu.”

Đại đức trưởng lão Uruvelakassapa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Uruvelakassapa.

211.

381. “Lúa đã được đem về, thóc đã đến sân đập giũ. Và tôi không nhận được đồ ăn khất thực, làm thế nào tôi có thể tồn tại?

382. Hãy niệm tưởng đến đức Phật vô lượng, được tịnh tín, với cơ thể được thấm nhuần bởi hỷ, ngươi sẽ được phấn chấn thường xuyên.

383. Hãy niệm tưởng đến Giáo Pháp vô lượng, được tịnh tín, với cơ thể được thấm nhuần bởi hỷ, ngươi sẽ được phấn chấn thường xuyên.

384. Hãy niệm tưởng đến Hội Chúng vô lượng, được tịnh tín, với cơ thể được thấm nhuần bởi hỷ, ngươi sẽ được phấn chấn thường xuyên.

385. ‘Ngài sống ở ngoài trời, những đêm mùa đông này lạnh lẽo. Chớ để cơn lạnh chế ngự, gây khổ nhọc. Ngài hãy đi vào trú xá, có chốt cửa đã được gài.’

386. ‘Tôi sẽ chạm đến bốn vô lượng tâm, và nhờ vào chúng, được an lạc, tôi sẽ sống. Tôi sẽ không bị khổ nhọc bởi cơn lạnh, trong khi sống không bị khuấy động.’”

Đại đức trưởng lão Tekicchakāni đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Tekicchakāni.

212.

387. “Kẻ nào không có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (kẻ ấy) bị suy giảm về Chánh Pháp, giống như con cá ở nơi ít nước.

388. Kẻ nào không có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (kẻ ấy) không tiến triển trong Chánh Pháp, tựa như hạt giống bị thối ở cánh đồng.

389. Kẻ nào không có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (kẻ ấy) bị cách xa Niết Bàn trong Giáo Pháp của đấng Pháp Vương.

390. Vị nào có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (vị ấy) không bị suy giảm về Chánh Pháp, giống như con cá ở nơi nhiều nước.

391. Vị nào có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (vị ấy) tiến triển trong Chánh Pháp, tựa như hạt giống tốt lành ở cánh đồng.

392. Vị nào có sự kính trọng đối với các vị đồng Phạm hạnh, (vị ấy) là gần Niết Bàn trong Giáo Pháp của đấng Pháp Vương.”

Đại đức trưởng lão Mahānāga đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mahānāga.

213.

393. “Sau khi đi đến bãi tha ma, Kulla tôi đã nhìn thấy (thây) người phụ nữ bị liệng bỏ, bị quăng ở nghĩa địa, đang bị gặm nhấm, lúc nhúc những dòi.

394. Này Kulla, ngươi hãy nhìn thấy xác thân là bệnh hoạn, không trong sạch, hôi thối, đang tiết ra, đang rò rỉ, được những kẻ ngu thích thú.

395. Sau khi cầm lấy cái gương soi Giáo Pháp, nhằm đạt được trí tuệ và sự hiểu biết, tôi đã quán xét thân này là rỗng không bên trong lẫn bên ngoài.

396. Thân này thế nào, thân kia thế ấy; thân kia thế nào, thân này thế ấy. Phần dưới thế nào, phần trên thế ấy; phần trên thế nào, phần dưới thế ấy.

397. Ban ngày thế nào, ban đêm thế ấy; ban đêm thế nào, ban ngày thế ấy. Trước đây thế nào, sau này thế ấy; sau này thế nào, trước đây thế ấy.

398. Sự thích thú đối với nhạc cụ gồm năm loại là không được giống như (sự thích thú) của vị có tâm chuyên nhất đang nhìn thấy rõ Giáo Pháp một cách đúng đắn.”

Đại đức trưởng lão Kulla đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kulla.

214.

399. “Đối với người có thói quen xao lãng, tham ái tăng trưởng tựa như giống dây chùm gởi, kẻ ấy trôi nổi từ đời này sang đời khác, tựa như con khỉ ở trong rừng đang muốn trái cây.

400. Tham ái hạ liệt ấy, sự quyến luyến ở thế gian, chế ngự kẻ nào, các sầu muộn phát khởi nơi kẻ ấy, tựa như giống cỏ bīraṇa được đổ mưa.

401. Và người nào chế ngự tham ái hạ liệt ấy, là việc khó vượt qua ở trên đời, các sầu muộn rơi khỏi vị ấy, tựa như giọt nước trượt khỏi lá sen.

402. Tôi nói với quý vị về điều tốt đẹp ấy, cho đến hết thảy quý vị đã tụ hội ở đây. Quý vị hãy đào bới gốc rễ của tham ái, tựa như người cần rễ cỏ usīra đào bới cỏ bīraṇa. Chớ để Ma Vương còn tiếp tục bẻ gãy quý vị, tựa như chính dòng nước đã bẻ gãy cây sậy.

403. Quý vị hãy thực hành lời dạy của đức Phật, chớ để thời khắc của quý vị trôi qua, bởi vì những kẻ đã để thời khắc trôi qua bị sầu muộn khi bị đưa vào trong địa ngục.

404. Sự xao lãng luôn luôn là ô nhiễm, ô nhiễm được trỗi dậy do xao lãng, nhờ vào sự không xao lãng và sự hiểu biết, quý vị nên nhổ lên mũi tên của chính mình.”

Đại đức trưởng lão Māluṅkyaputta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Māluṅkyaputta.

215.

405. “Hai mươi lăm năm kể từ khi tôi được xuất gia, tôi đã không chứng đắc sự an tịnh của tâm, dầu chỉ là khoảng thời gian của việc khảy móng tay.

406. Sau khi không đạt được sự chuyên nhất của tâm, bị hành hạ bởi sự luyến ái ở các dục, tôi đã buông xuôi cánh tay trong lúc than vãn, tôi đã đi ra khỏi trú xá.

407. Hay là ta sẽ mang lại con dao, có lợi ích gì với mạng sống của ta? Bởi vì trong khi từ bỏ việc học tập, người như ta có thể kết liễu mạng sống bằng cách nào?

408. Khi ấy, sau khi cầm lấy dao cạo, tôi đã ngồi xuống ở chiếc giường nhỏ. Con dao cạo đã được đưa đến gần để cắt đứt mạch máu (ở cổ họng) của bản thân.

409. Do đó, sự tác ý theo đúng đường lối đã khởi lên ở tôi, điều bất lợi đã hiện rõ, sự nhàm chán đã được thiết lập.

410. Do đó, tâm của tôi đã được giải thoát; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”[9]

Đại đức trưởng lão Sappadāsa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sappadāsa.

216.

411. “Này Kātiyāna, hãy đứng lên, hãy ngồi xuống (tham thiền), chớ có ngủ nhiều, hãy tỉnh thức. Chớ để Thần Chết, kẻ thân quyến của sự xao lãng, chiến thắng kẻ lười biếng ngươi chỉ bằng mưu kế.

412. Cũng giống như làn sóng mạnh của đại dương, sự sanh và sự già vùi dập ngươi tương tự như vậy. Ngươi đây hãy tự mình tạo lập hòn đảo tốt đẹp, bởi vì chốn nương tựa khác cho ngươi quả không tìm thấy.

413. Bởi vì bậc Đạo Sư đã hoàn thành con đường ấy vượt qua khỏi sự bám víu và nỗi sợ hãi về sự sanh, sự già. Đầu đêm và cuối đêm, người hãy gắn bó, không xao lãng, hãy thực hiện việc tu luyện một cách vững chãi.

414. Hãy cởi bỏ mọi sự trói buộc trước đây, có sự thọ dụng về y hai lớp, đầu cạo bằng dao, và đồ ăn khất thực, chớ gắn bó việc chơi giỡn, lạc thú, và ngủ nghê, này Kātiyāna, hãy tham thiền.

415. Này Kātiyāna, hãy tham thiền, hãy chiến thắng, là người rành rẽ về các con đường của sự an toàn khỏi các ràng buộc, sau khi thành tựu sự thanh tịnh vô thượng, ngươi sẽ tịch tịnh, tựa như ngọn lửa bị dập tắt bởi nước.

416. Cây đèn có ngọn lửa yếu ớt bị vùi dập bởi ngọn gió tựa như giống dây leo, cũng tương tự như vậy, này người dòng dõi Inda, trong khi không bám víu, ngươi hãy giũ bỏ Ma Vương, có tham ái đã được xa lìa ở các cảm thọ, ngươi đây hãy chờ đợi thời điểm, ngay ở nơi này, có trạng thái mát mẻ.”

Đại đức trưởng lão Kātiyāna đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kātiyāna.

217.

417. “(Con đường Thánh tám chi phần)[10] đã khéo được thuyết giảng bởi đức Phật, bậc Hữu Nhãn, vị thân quyến của mặt trời, người đã vượt qua tất cả các điều ràng buộc, có sự tiêu diệt tất cả các sự xoay vần.

418. (Con đường Thánh tám chi phần) là sự dẫn dắt ra khỏi, có sự vượt lên trên, có sự làm khô héo gốc rễ của tham ái, sau khi cắt đứt gốc rễ của chất độc có sự hủy hoại, rồi giúp cho đạt được sự tịch diệt.

419. Do việc phá vỡ gốc rễ của trạng thái vô trí, có sự phá tung tình trạng khống chế của nghiệp, có sự làm giáng xuống tia sét trí tuệ ở sự nắm giữ của các nhận thức.

420. Có sự giúp cho việc nhận thức các thọ, có sự giải thoát khỏi các chấp thủ, có sự quán xét bằng trí tuệ về sự hiện hữu tựa như hố than hừng.

421. Con đường Thánh tám chi phần, tốt đẹp, có phẩm chất vĩ đại, vô cùng sâu thẳm, có sự cản ngăn trạng thái già và chết, có sự làm an tịnh các khổ đau.

422. Sau khi biết nghiệp là ‘nghiệp’ và quả thành tựu là quả thành tựu, có sự nhìn thấy bằng ánh sáng chân thật đối với các pháp tùy thuận sanh khởi, (con đường Thánh tám chi phần) là an tịnh, có sự dẫn đến chốn an toàn vĩ đại, có sự tốt đẹp ở phần cuối (Niết Bàn).”

Đại đức trưởng lão Migajāla đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Migajāla.

218.

423. “Tôi bị đắm say với sự kiêu hãnh về dòng dõi, về của cải và về uy quyền. Tôi đã sống, bị đắm say với sự kiêu hãnh về màu da và dáng vóc của thân hình.

424. Bị hủy hoại bởi sự ngã mạn quá lố, ngu dốt, bướng bỉnh, có ngọn cờ (ngã mạn) đã được dương lên, tôi đã nghĩ rằng không có cái gì bằng và hơn được bản thân tôi.

425. Bướng bỉnh vì ngã mạn, không có sự tôn trọng, tôi đã không đảnh lễ bất cứ người nào, dầu là mẹ, và cha, luôn cả những người khác được xem là đáng tôn kính.

426. Sau khi nhìn thấy đấng Hướng Đạo cao cả, bậc Điều Ngự cao quý tối thượng, tựa như mặt trời đang chói sáng, được Hội Chúng tỳ khưu tôn vinh.

427. Sau khi quăng bỏ ngã mạn và kiêu hãnh, với tâm ý vô cùng tịnh tín, tôi đã đê đầu đảnh lễ bậc Tối Thượng của tất cả chúng sanh.

428. Sự ngã mạn quá lố và sự khinh miệt đã được dứt bỏ, đã khéo được xóa sạch, bản ngã ‘tôi là’ đã được trừ tuyệt, tất cả ngã mạn các loại đã được tiêu diệt.”

Đại đức trưởng lão Jenta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Jenta.

219.

429. “Vào lúc tôi vừa mới được xuất gia, bảy tuổi kể từ lúc sanh, tôi đã chế ngự con rồng chúa có đại thần lực bằng thần thông.

430. Tôi đem nước từ cái hồ lớn Anotatta về cho thầy tế độ. Do đó, sau khi nhìn thấy, bậc Đạo Sư đã nói về tôi điều này:

431. ‘Này Sāriputta, hãy nhìn cậu bé trai này đang tiến đến, mang theo hũ nước nhỏ, nội tâm khéo định tĩnh.

432. Với lối hành xử đáng mến, có oai nghi tốt đẹp, và có sự tự tín ở thần thông, là sa-di của vị Anuruddha.

433. Được thuần chủng nhở vào vị thuần chủng, được làm cho tốt đẹp nhờ vào vị tốt đẹp, được huấn luyện, được học tập với vị Anuruddha, người có phận sự đã được làm xong.

434. Sau khi đạt đến sự an tịnh tối thượng, sau khi chứng ngộ trạng thái không bị chuyển dịch, vị sa-di có thiện tâm mong muốn rằng: ‘Mong rằng chớ ai biết đến tôi.’”

Đại đức trưởng lão Sumana đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sumana.

220.

435. “Trong khi sống ở trong khu rừng là cánh rừng rộng lớn, có chỗ khất thực bị hạn chế, khốn khó, này tỳ khưu, ngươi sẽ làm thế nào?

436. Trong khi thấm nhuần thân xác với niềm hỷ lạc bao la, trong khi chịu đựng dầu là sự khốn khó, con sẽ sống ở cánh rừng rộng lớn.[11]

437. Trong khi tu tập bảy chi phần đưa đến giác ngộ, các quyền, và các lực, đã đạt được sự tinh tế của thiền, con sẽ sống không có lậu hoặc.

438. Trong khi thường xuyên quán xét tâm trong sạch, đã được giải thoát khỏi các phiền não, không bị vẩn đục, con sẽ sống không có lậu hoặc.

439. Các lậu hoặc nào của tôi đã được tìm thấy ở bên trong và bên ngoài, tất cả, không thiếu sót, đã được trừ tuyệt, và sẽ không sanh lên lại nữa.[12]

440. Năm uẩn đã được biết toàn diện, chúng tồn tại với gốc rễ đã bị cắt đứt, sự cạn kiệt của khổ đau đã được đạt đến, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Nhātakamuni đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Nhātakamuni.

221.

441. “Đối với vị không còn sự tức giận, đã được thuần phục, có cuộc sống bình lặng, đã được giải thoát nhờ vào trí tuệ chân chánh, an tịnh như thế ấy, do đâu có sự tức giận?

442. Đối với chính vị ấy, nếu nổi giận lại với kẻ đã bị nổi giận thì còn tồi tệ hơn kẻ ấy; trong khi không nổi giận lại với kẻ đã bị nổi giận, là người chiến thắng cuộc chiến khó thể chiến thắng.

443. Sau khi biết được người khác đã bị nổi giận, người thực hành lợi ích cho cả hai, cho bản thân và cho người khác, là người có niệm, được an tịnh.

444. Vị ấy, trong khi điều trị cho cả hai, cho bản thân và cho người khác, đám đông không hiểu biết lý lẽ nghĩ về vị ấy rằng: ‘Là kẻ ngu.’

445. Nếu sự tức giận khởi lên ở ngươi, ngươi hãy nghĩ đến ví dụ về cái cưa. Nếu tham ái về vị giác khởi lên, ngươi hãy nhớ đến ví dụ về thịt của con trai.

446. Nếu tâm của ngươi chạy theo các dục và các hữu, ngươi hãy tức thời khống chế bằng niệm, tựa như khống chế con thú hư ăn phá cây trồng.”

Đại đức trưởng lão Brahmadatta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Brahmadatta.

222.

447. “Nước mưa bị văng lại ở vật đã được che đậy, không văng lại ở vật đã được mở ra. Vì thế, hãy mở ra vật đã được che đậy, như vậy, ở vật ấy nước mưa không văng lại.

448. Thế gian bị hành hạ bởi sự chết, bị vây quanh bởi sự già, bị áp chế bởi mũi tên tham ái, luôn luôn bị mê mờ bởi ước muốn.

449. Thế gian bị hành hạ bởi sự chết, bị bao vây bởi sự già, bị hãm hại thường xuyên, không nơi nương tựa, tựa như kẻ trộm nhận chịu hành phạt.

450. Sự chết, bệnh hoạn, sự già, tựa như ba khối lửa tiến đến gần. Không có sức lực để đối đầu, không có tốc lực để tẩu thoát.

451. Nên làm cho ngày không bị trống rỗng, dầu ít hoặc nhiều. Mỗi một đêm mà kẻ ấy buông trôi, mạng sống của kẻ ấy bị bớt đi chừng ấy.

452. Đêm cuối cùng tiến đến gần ngươi trong lúc ngươi đang đi, đang đứng, thậm chí đang ngồi, hoặc đang nằm; đối với ngươi không phải là thời gian để xao lãng.”

Đại đức trưởng lão Sirimanda đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sirimanda.

223.

453. “Vật có hai chân này, không trong sạch, có mùi hôi, được chứa đầy vật ghê tởm các loại, đang rỉ ra từ chỗ này chỗ nọ, lại được nâng niu.

454. Chúng nắm bắt kẻ phàm phu, tựa như (người thợ săn đánh bắt) con nai đang lẩn trốn bằng bẫy sập, tựa như con cá bằng lưỡi câu, tựa như con khỉ bằng chất dính.

455. Các sắc, các thinh, các vị, các hương, và các xúc làm thích ý, năm loại dục này được thấy ở hình thể người nữ.

456. Những kẻ phàm phu nào, có tâm bị luyến ái, gần gũi các người nữ, (những kẻ ấy) làm phát triển cái nghĩa địa ghê rợn; chúng tích lũy việc tái sanh.

457. Và vị nào tránh xa các người nữ, tựa như tránh xa bàn chân khỏi đầu của con rắn, vị ấy, có niệm, vượt qua sự quyến luyến này ở thế gian.

458. Sau khi nhìn thấy sự bất lợi của các dục, sau khi nhận thấy sự xuất ly là an toàn, được thoát ra khỏi tất cả các dục, tôi đã đạt được sự cạn kiệt của các lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Sabbakāmi đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sabbakāmi.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Vị Uruvelakassapa và trưởng lão Tekicchakāri, vị Mahānāga, và vị Kulla, vị Māluṅkya, vị Sappadāsaka, vị Katiyāna, vị Migajāla, vị Jenta, vị có tên Sumana, vị Nhātamuni, vị Brahmadatta, vị Sirimanda, và vị Sabbakāmi, có tám mươi bốn câu kệ và ở đây là mười bốn vị trưởng lão.”

Nhóm Sáu được chấm dứt.

--ooOoo--

7. NHÓM BẢY

224.

459. “Đã được trang sức, có y phục đẹp, có mang vòng hoa, đã được tô điểm, có hai bàn chân đã được làm đỏ, cô kỹ nữ mang đôi dép vào.

460. Sau khi tháo đôi dép ra, (đứng) ở phía trước, chắp hai tay lại, nàng ấy đã nở nụ cười rồi nói với tôi một cách mềm mỏng, êm dịu rằng:

461. ‘Chàng còn trẻ mà đã xuất gia. Chàng hãy tồn tại theo sự chỉ dẫn của thiếp, hãy thọ hưởng các dục của con người. Thiếp trao cho chàng của cải.

462. Thiếp hứa với chàng sự chân thật, hay là thiếp mang lại cho chàng ngọn lửa (thề). Khi nào cả hai chúng ta sẽ trở nên già cả, có sự nương tựa vào cây gậy, cả hai cũng sẽ xuất gia, trong cả hai trường hợp đều có vận may.’

463. Và sau khi nhìn thấy nàng kỹ nữ ấy, đã được trang sức, có y phục đẹp, chắp hai tay lại, đang nài nỉ, tựa như cái bẫy sập của Thần Chết đã được giăng lên.

464. Do đó, sự tác ý theo đúng đường lối đã khởi lên ở tôi, điều bất lợi đã hiện rõ, sự nhàm chán đã được thiết lập.

465. Do đó, tâm của tôi đã được giải thoát; hãy nhìn xem bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.”[13]

Đại đức trưởng lão Sundarasamudda đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sundarasamudda.

 

225.

466. “Ở cụm rừng thuộc phần khác của khu vườn Ambāṭaka, vị Bhaddiya hiền thiện, sau khi trừ diệt tham ái luôn cả gốc rễ, tham thiền tại nơi ấy.

467. Nhiều người thích thú với các trống con, các đàn vīṇā, và các chập chõa, còn tôi, ở nơi gốc cây, được thích thú trong Giáo Pháp của đức Phật.

468. Nếu đức Phật có thể ban cho tôi ân huệ, và ân huệ ấy có thể được nhận lãnh bởi tôi, thì tôi sẽ chọn lấy cho tất cả thế gian (pháp môn) niệm thường xuyên được đặt ở thân.

469. Những ai đã xét đoán tôi theo hình dáng, và những ai đã đi theo tôi vì giọng nói, những người ấy, nhận chịu sự tác động bởi mong muốn và luyến ái, không nhận biết được tôi.

470. Không nhận biết bên trong, và không nhìn thấy bên ngoài, kẻ ngu với sự che lấp ở xung quanh, chính kẻ ấy bị lôi cuốn theo giọng nói.

471. Không nhận biết bên trong, và nhìn thấy rõ bên ngoài, với sự nhìn thấy kết quả ở bên ngoài, kẻ ấy cũng bị lôi cuốn theo giọng nói.

472. Nhận biết được bên trong, và nhìn thấy rõ bên ngoài, với sự nhìn thấy không bị che lấp, người ấy không bị lôi cuốn theo giọng nói.”

Đại đức trưởng lão Lakuṇṭakabhaddiya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Lakuṇṭakabhaddiya.  

226.

473. “Tôi đã là con trai độc nhất, được mẹ yêu, được cha yêu. Do nhiều sự thực hành về phận sự và nhiều lần cầu khấn mà tôi được sanh ra.

474. Và họ, vì lòng thương tưởng đến tôi, có ước muốn về sự tốt đẹp, có sự tầm cầu về lợi ích, cả hai, người cha và người mẹ, đã đưa tôi đến đức Phật.

475. ‘Người con trai này được sanh ra một cách khó nhọc, mảnh mai, khéo được nuôi dưỡng. Thưa đấng Bảo Hộ, chúng tôi xin dâng đến ngài đứa bé này để làm người phục vụ cho đấng Chiến Thắng.’

476. Và bậc Đạo Sư, sau khi tiếp nhận tôi, đã nói với vị Ānanda điều này: ‘Hãy mau chóng xuất gia cho đứa bé này. Trẻ này sẽ là thuần chủng.’

477. Sau khi đã cho tôi xuất gia, bậc Đạo Sư, đấng Chiến Thắng, đã đi vào trú xá. Sau đó, khi mặt trời còn chưa lặn xuống, tâm của tôi đã được giải thoát.

478. Kế đó, đức Thế Tôn, sau khi hoàn tất (việc thể nhập), đã xuất khỏi thiền tịnh. Ngài đã nói với tôi rằng: ‘Này Bhadda, hãy đến;’ việc ấy đã là sự tu lên bậc trên của tôi.

479. Việc tu lên bậc trên đã đạt được bởi tôi vào năm bảy tuổi kể từ lúc sanh, ba Minh đã được thành tựu, ôi bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp!”

Đại đức trưởng lão Bhadda đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Bhadda.

227.

480. “Sau khi nhìn thấy bậc Tối Thượng Nhân đang đi kinh hành ở bóng râm của tòa lâu đài, sau khi đi đến gặp Ngài ở tại nơi ấy, tôi đã đảnh lễ bậc Tối Thượng Nhân.

481. Sau khi đắp y một bên vai, sau khi chắp hai tay lại với nhau, tôi đã đi kinh hành theo sau bậc Vô Nhiễm, đấng Tối Thượng của tất cả chúng sanh.

482. Sau đó, đấng Hiểu Biết, bậc rành rẽ về các câu hỏi, đã hỏi tôi những câu hỏi. Không khiếp đảm, và không sợ hãi, tôi đã trả lời bậc Đạo Sư.

483. Đức Như Lai đã tùy hỷ với những câu hỏi đã được đáp lại. Sau khi nhìn xem hội chúng tỳ khưu, Ngài đã nói lên ý nghĩa này:

484. ‘Thật là lợi ích cho những người xứ Aṅga và Magadha nào có được y phục, vật thực, thuốc chữa bệnh, chỗ nằm ngồi, việc đứng dậy, và (hành động) thích hợp mà vị này thọ dụng, thật là lợi ích cho những người ấy,’ và Ngài đã nói rằng:

485. ‘Này Sopāka, kể từ hôm nay trở đi, ngươi hãy đi đến gặp Ta. Và này Sopāka, chính việc này hãy là sự tu lên bậc trên của ngươi.’

486. Được bảy tuổi kể từ lúc sanh, sau khi đạt được việc tu lên bậc trên, tôi duy trì thân mạng cuối cùng, ôi bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp!”

Đại đức trưởng lão Sopāka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sopāka.

228.

487. “Sau khi bẻ gãy những cây sậy bằng hai bàn tay, sau khi làm cốc liêu, tôi đã cư ngụ. Do việc ấy, tên của tôi đã được thừa nhận là ‘Sarabhaṅga’ (Người bẻ sậy).

488. Giờ đây, đối với tôi không được phép bẻ gãy các cây sậy bằng hai bàn tay. Các điều học đã được quy định cho chúng tôi bởi đức Gotama có danh tiếng.

489. Sarabhaṅga tôi đã không nhìn thấy đầy đủ toàn bộ căn bệnh trước đây, căn bệnh này đây đã được nhìn thấy nhờ vào lời nói của bậc Thượng Thiên.

490. Bằng chính đạo lộ nào (đức Phật) Vipassī đã đi, bằng chính đạo lộ nào (đức Phật) Sikhī, Vessabhū, Kakusandha, Koṇāgamana, Kassapa (đã đi), đức Gotama đã đi bằng đạo lộ ấy.

491. Bảy vị Phật có tham ái đã lìa, không còn chấp thủ, đã đi sâu vào sự cạn kiệt, Giáo Pháp này đã được thuyết giảng bởi các vị là hiện thân của Giáo Pháp như thế ấy.

492. Vì lòng thương tưởng đối với các sanh mạng, bốn Chân Lý cao thượng là Khổ, Tập, Đạo, Diệt là sự hoàn toàn cạn kiệt của khổ.

493. Là nơi mà nỗi khổ đau vô cùng tận ở sự luân hồi ngừng xoay chuyển. Do sự tan rã của thân này, và do sự hoàn toàn cạn kiệt của mạng sống, không có sự tái sanh khác nữa, tôi đã khéo được giải thoát về mọi mặt.”

Đại đức trưởng lão Sarabhaṅga đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sarabhaṅga.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

  “Vị trưởng lão Sundarasamudda, vị trưởng lão Lakuṇṭabhaddiya, vị trưởng lão Bhadda, và vị Sopāka, vị đại ẩn sĩ Sarabhaṅga, ở nhóm bảy có năm vị trưởng lão và ba mươi lăm câu kệ.”

Nhóm Bảy được chấm dứt.

--ooOoo--

8. NHÓM TÁM

229.

494. “Không nên làm việc nhiều, nên tránh xa mọi người, không nên gắng sức. Là người năng nổ, bị tham đắm ở vị nếm, vị ấy bỏ bê mục đích, nguồn đem lại sự an lạc.

495. Họ đã biết việc đảnh lễ và cúng dường ở các gia đình chỉ là ‘bùn lầy.’ Mũi tên mảnh mai thì khó rút ra, sự tôn vinh là khó từ bỏ đối với kẻ ti tiện.[14]

496. Việc làm xấu xa của một người là không liên quan đến người khác, không nên tự mình thực hiện việc ấy, bởi vì loài người là thân quyến của nghiệp.

497. Không do lời nói của người khác mà trở thành kẻ trộm, không do lời nói của người khác mà trở thành bậc hiền trí, bản thân nhận biết con người thế nào, chư Thiên cũng đã biết con người thế ấy.

498. Và những người khác không nhận thức được là chúng ta đang đến gần cái chết ở đời sống này. Còn những người nào nhận thức được điều ấy, nhờ thế các sự tranh chấp được chấm dứt.[15]

499. Người có trí tuệ cũng vẫn sống mặc dầu có sự cạn kiệt của tài sản, nhưng do sự không đạt được trí tuệ, mặc dầu là người có của cải cũng không phải đang sống.

500. Nghe được tất cả nhờ vào tai, nhìn được tất cả nhờ vào mắt, người thông minh không nên bỏ qua điều đã được thấy, được nghe.

501. Người có mắt nên là như kẻ mù, người có tai nên là như kẻ điếc, người có trí tuệ nên là như kẻ câm, người có sức mạnh tựa như kẻ yếu đuối, và khi có sự việc đã được sanh khởi, hãy nằm xuống ngủ như kẻ chết.”

Đại đức trưởng lão Mahākaccāyana đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mahākaccāyana.

230.

502. “Không nổi giận, không thù hằn, không xảo trá, sự nói đâm thọc là không có, hẳn nhiên vị tỳ khưu có đức tính thế ấy, sau khi qua đời như vậy không bị sầu muộn.

503. Không nổi giận, không thù hằn, không xảo trá, sự nói đâm thọc là không có, vị tỳ khưu luôn có các giác quan được bảo vệ, sau khi qua đời như vậy không bị sầu muộn.

504. Không nổi giận, không thù hằn, không xảo trá, sự nói đâm thọc là không có, vị tỳ khưu ấy có giới tốt đẹp, sau khi qua đời như vậy không bị sầu muộn.

505. Không nổi giận, không thù hằn, không xảo trá, sự nói đâm thọc là không có, vị tỳ khưu ấy có bạn bè tốt đẹp, sau khi qua đời như vậy không bị sầu muộn.

506. Không nổi giận, không thù hằn, không xảo trá, sự nói đâm thọc là không có, vị tỳ khưu ấy có trí tuệ tốt đẹp, sau khi qua đời như vậy không bị sầu muộn.

507. Đối với vị nào niềm tin ở đức Như Lai là không bị dao động, đã khéo được thiết lập, và đối với vị nào có giới tốt đẹp, được ưa thích bởi các bậc Thánh, được ca ngợi, ...

508. ... đối với vị nào có sự tịnh tín ở Hội Chúng, và sự nhận thức có trạng thái ngay thẳng, họ đã nói về vị ấy rằng: ‘Không bị nghèo khó,’ mạng sống của vị ấy không phải là trống rỗng.

509. Do đó, người thông minh, trong lúc ghi nhớ lời giáo huấn của chư Phật, nên gắn bó với đức tin, giới, sự tịnh tín, và sự nhận thức về Giáo Pháp.”

Đại đức trưởng lão Sirimitta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sirimitta.

231.

510. “Vào lúc tôi đã nhìn thấy đấng Đạo Sư, bậc không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu lần đầu tiên, do đó đã có sự chấn động ở tôi sau khi nhìn thấy đấng Tối Thượng Nhân.

511. Người nào cúi lạy vận may đã đi đến với các bàn tay và các bàn chân, sau khi làm hoan hỷ bậc Đạo Sư như thế này, người ấy sao có thể bỏ qua cơ hội?

512. Khi ấy, tôi đã lìa bỏ con trai và người vợ, tài sản và lúa gạo. Sau khi nhờ người cắt tóc râu, tôi đã xuất gia sống đời không nhà.

513. Được đầy đủ về việc học tập và sự nuôi mạng, đã khéo được thu thúc ở các giác quan, trong khi kính lễ đấng Toàn Giác, tôi đã sống, không bị đánh bại.

514. Sau đó, tôi đã có ước nguyện, tôi đã mong mỏi ở trong tâm rằng: ‘Khi mũi tên tham ái chưa được lấy ra, ta không nên ngồi xuống cho dầu chỉ phút chốc.’

515. Trong lúc tôi đây đang sống như vậy, hãy nhìn xem sự tinh tấn và ra sức của tôi. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.

516. Có Thiên nhãn được trong sạch, tôi biết được đời sống trong thời quá khứ. Tôi là vị A-la-hán, bậc xứng đáng cúng dường, đã được giải thoát, không còn mầm mống tái sanh.

517. Sau đó, vào lúc tàn đêm cho đến khi mọc lên của mặt trời, sau khi làm khô héo tất cả tham ái, tôi đã ngồi xuống với thế ngồi kiết già.”

Đại đức trưởng lão Mahāpanthaka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mahāpanthaka.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Trưởng lão Mahākaccāyana, vị Sirimitta, vị Mahāpanthaka. Ở nhóm tám này, có hai mươi bốn câu kệ.”

Nhóm Tám được chấm dứt.

--ooOoo--

9. NHÓM CHÍN

232.

518. “Khi nào bậc sáng trí (nhận thức rằng) ‘già và chết là khổ,’ là điều mà những kẻ phàm nhân ngu si bị vướng mắc, sau khi biết toàn diện về khổ, rồi tham thiền, thật sự có niệm, thì không còn tìm thấy sự thích thú nào tối thắng hơn điều ấy.

519. Khi nào (vị ấy) đã trừ tuyệt sự đem lại khổ đau, sự quyến luyến, sự đem lại khổ đau do sự tích lũy các điều chướng ngại, tham ái, rồi tham thiền, thật sự có niệm, thì không còn tìm thấy sự thích thú nào tối thắng hơn điều ấy.

520. Khi nào nhìn thấy bằng tuệ lối đi gồm tám chi phần, tốt đẹp, Đạo Lộ tối thượng, có sự rửa sạch tất cả phiền não, rồi tham thiền, thật sự có niệm, thì không còn tìm thấy sự thích thú nào tối thắng hơn điều ấy.

521. Khi nào (vị ấy) phát triển vị thế không sầu muộn, xa lìa luyến ái, không bị tạo tác, an tịnh, có sự rửa sạch tất cả phiền não, có sự cắt đứt việc trói buộc của những điều ràng buộc, thì không còn tìm thấy sự thích thú nào tối thắng hơn điều ấy.

522. Khi nào tiếng sấm của đám mây đen gào thét ở bầu trời, những dòng nước dầy đặc khắp mọi nơi ở đường bay của những con chim, và vị tỳ khưu đi đến hang núi, rồi tham thiền, thì không còn tìm thấy sự thích thú nào tối thắng hơn điều ấy.

523. Khi nào chính vị Sa-môn ngồi xuống ở bãi đất dọc những dòng sông, được chen chúc bông hoa, với những chùm hoa rừng nhiều màu sắc, rồi tham thiền, thì không còn tìm thấy sự thích thú nào tối thắng hơn điều ấy.

524. Khi nào vào lúc nửa đêm, ở cánh rừng thanh vắng, khi trời đang đổ mưa, những con thú có răng nanh gầm rống, và vị tỳ khưu vẫn đi đến hang núi, rồi tham thiền, thì không còn tìm thấy sự thích thú nào tối thắng hơn điều ấy.

525. Khi nào (vị ấy) đã chặn đứng các sự suy nghĩ của bản thân, đã nương tựa vào khe núi, bên trong ngọn núi, có sự buồn bực đã được xa lìa, có sự cứng cỏi của tâm đã ra đi, rồi tham thiền, thì không còn tìm thấy sự thích thú nào tối thắng hơn điều ấy.

526. Khi nào có sự an lạc, có sự tiêu tan của sự nhiễm ô cứng cỏi và sầu muộn, không còn bị cản trở, không còn tham ái, hết bị mũi tên, đã thật sự thủ tiêu tất cả các lậu hoặc, rồi tham thiền, thì không còn tìm thấy sự thích thú nào tối thắng hơn điều ấy.”

Đại đức trưởng lão Bhūta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Bhūta.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Vị trưởng lão Bhūta đã được thấy như vậy, một mình, như sừng của loài tê giác; ở nhóm chín cũng chỉ có chín câu kệ này.”

Nhóm Chín được chấm dứt.

--ooOoo--

10. NHÓM MƯỜI

233.

527. “Bạch đấng Đạo Sư, giờ đây các cây cối có màu đỏ thẫm, sẽ có sự kết trái sau khi rũ bỏ lớp lá (úa). Chúng tỏa sáng tựa như có ngọn lửa. Bạch đấng Đại Hùng, là lúc cho các sự thọ hưởng và vui thú.

528. Các cây cối, nở rộ hoa, làm thích ý, tỏa hương tất cả các hướng ở xung quanh. Sau khi dứt bỏ lá, chúng đang mong được kết trái. Bạch đấng Anh Hùng, là thời điểm ra đi khỏi nơi đây.

529. Bạch đấng Đạo Sư, thời tiết là dễ chịu, không quá lạnh, lại không quá nóng, thích hợp cho việc đi đường xa. Hãy để cho những người dân xứ sở Sākiya và Koḷiya nhìn thấy Ngài, với mặt nhìn hướng tây, đang băng qua dòng sông Rohiṇī.

530. Thửa ruộng được cày với niềm hy vọng, hạt giống được gieo với niềm hy vọng, những người thương buôn đi biển với niềm hy vọng là những người mang về của cải. Với niềm hy vọng nào mà tôi đứng (ở đây), mong rằng niềm hy vọng ấy của tôi được thành tựu.

531. Họ vẫn còn tiếp tục gieo giống, vị Thiên vương còn tiếp tục mưa, các nông dân còn tiếp tục cày xới thửa ruộng, thóc lúa còn tiếp tục đi đến với vương quốc.

532. Những người ăn mày còn tiếp tục đi xin, các thí chủ còn tiếp tục bố thí, sau khi còn tiếp tục bố thí, các thí chủ còn tiếp tục đi đến vị thế cõi trời.

533. Thật vậy, đấng Anh Hùng, bậc có trí tuệ quảng đại, làm trong sạch bảy đời (tổ phụ) ở tại gia tộc nào mà vị ấy sanh ra. Tôi nghĩ rằng bệ hạ có khả năng là vị Trời của chư Thiên, bởi vì nhờ ngài mà bậc hiền trí có tên là Sự Thật đã được sanh ra.

534. Người cha của vị Đại Ấn Sĩ tên là Suddhodana, còn người mẹ của đức Phật tên là Māyā, bà đã mang nặng đức Bồ Tát trong bào thai, do sự tan rã của thân, bà vui hưởng ở cõi Trời.

535. Bà Gotamī ấy, đã mệnh chung, từ nơi ấy đã chết đi, được thọ hưởng các dục ở cõi trời. Bà ấy vui hưởng năm loại dục, được các nhóm chư Thiên ấy tùy tùng.

536. Tôi là người con trai của đức Phật, vị Aṅgīrasa, bậc có sự chịu đựng việc không thể chịu đựng, bậc không người đối xứng như thế ấy. Bạch Ngài Sakka, Ngài là người cha của cha con. Bạch Ngài Gotama, theo nguyên tắc Ngài là ông nội của Con.”

Đại đức trưởng lão Kāḷudāyi đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kāḷudāyi.

234.

537. “Nếu không tìm thấy người nào khác ở phía trước hoặc ở phía sau, là điều thoải mái vô cùng cho người đang sống một mình ở khu rừng.

538. Giờ đây, tôi sẽ một mình đi vào khu rừng, (là nơi) đã được đức Phật ca ngợi, (là nơi) thoải mái cho vị tỳ khưu có bản tính cương quyết, cư trú một mình.

539. Là người có khả năng đối với mục đích, một mình tôi sẽ đi nhanh chóng vào khu rừng đáng yêu, nơi tạo ra niềm phỉ lạc cho các hành giả, được lai vãng bởi những con voi đã bị lên cơn động dục.

540. Ở khu rừng mát mẻ, khéo nở rộ hoa, trong hang núi mát lạnh, sau khi rửa ráy các phần thân thể, tôi sẽ đi kinh hành, đơn độc một mình.

541. Đơn độc một mình, không người thứ hai, ở khu rừng lớn đáng yêu, khi nào tôi sẽ sống không còn lậu hoặc, có phận sự đã được làm xong?

542. Tôi có ước muốn thực hiện như vậy, mong sao ý định của tôi được thành tựu. Chính tôi sẽ hoàn thành, không ai là người làm thế cho ai.

543. Tôi đây buộc chặt lại áo giáp (tinh tấn), tôi sẽ đi vào khu rừng. Chưa đạt được sự cạn kiệt các lậu hoặc, tôi sẽ không lìa khỏi nơi ấy.

544. Khi ngọn gió mát lạnh có mùi hương ngọt ngào đang thổi, ngồi ở đỉnh ngọn núi, tôi sẽ phá vỡ vô minh.

545. Tại khu rừng được bao phủ bông hoa, trong hang động quả thật mát lạnh, được an lạc với sự an lạc giải thoát, tôi sẽ vui thích ở Giribbaja.

546. Tôi đây, với ý định đã được tròn đủ giống như mặt trăng ngày rằm, đã được hoàn toàn cạn kiệt mọi lậu hoặc, giờ đây không còn tái sanh nữa.”

Đại đức trưởng lão Ekavihāriya đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Ekavihāriya.

235.

547. “Người nào nhìn thấy trước tương lai, về sự việc có lợi, có hại, và cả hai điều ấy, những kẻ thù hoặc bạn bè của người ấy, trong khi tìm kiếm, không nhìn ra sự sơ hở (của người ấy).

548. Niệm hơi thở vào hơi thở ra của vị nào được tròn đủ, khéo được tu tập, được tích lũy theo thứ lớp giống như điều đã được thuyết giảng bởi đức Phật, vị ấy chiếu sáng thế gian này, tựa như mặt trăng được thoát khỏi đám mây.

549. Thật vậy, tâm của tôi trong trắng, không hạn lượng, đã được khéo tu tập, đã được thấu triệt, và đã được nắm chắc, nó chiếu sáng tất cả các phương.

550. Người có trí tuệ cũng vẫn sinh tồn cho dầu có sự khánh tận về tài sản, nhưng với việc không đạt được trí tuệ, người có tài sản cũng không sinh tồn.

551. Trí tuệ có sự phán xét điều đã được nghe, trí tuệ có sự làm tăng trưởng danh thơm tiếng tốt. Ở thế gian này, người sở hữu trí tuệ tìm thấy các niềm an lạc thậm chí ở những nỗi khổ đau.

552. Quy luật này không phải (chỉ riêng) cho hôm nay, không là kỳ bí, cũng không bất thường. Bất luận ở đâu, sanh ra rồi chết; trong trường hợp ấy có điều gì là bất thường?

553. Bởi vì đối với kẻ đã được sanh ra, sau sự sống thì có cái chết là điều chắc chắn, không bị gián đoạn. Ở đây, những ai được sanh ra đều chết, bởi vì các sanh mạng có quy luật tự nhiên như vậy.

554. Bởi vì điều lợi ích cho mạng sống của những người khác không đem lại lợi ích ấy cho người đã chết. Việc than khóc về người đã chết không phải là tiếng tốt, không phải là sự trong sạch, không được các Sa-môn, Bà-la-môn khen ngợi.

555. Việc than khóc hủy diệt con mắt và thân xác, còn dung nhan, sức lực, và trí óc bị tàn tạ. Những kẻ thù của người ấy trở nên mừng rỡ, những thân hữu của người này không được hạnh phúc.

556. Chính vì thế, nên mong mỏi (có được) những người thông minh và luôn cả những người học rộng sống ở trong gia tộc, nhờ vào năng lực trí tuệ của chính những người ấy mà họ hoàn thành phận sự, tựa như nhờ vào chiếc thuyền mà vượt qua dòng sông ngập tràn.”

Đại đức trưởng lão Mahākappina đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Mahākappina.

236.

557. “Ngu đần đã là phần số của tôi; trước đây tôi đã bị xem thường. Và người anh trai đã đuổi tôi đi: ‘Giờ đây, ngươi hãy đi về nhà.’

558. Bị đuổi đi bởi người anh trai tại cánh cổng của tu viện thuộc về hội chúng, với tâm trí buồn bã, tôi đây đã đứng ở nơi ấy, trông mong lời giáo huấn.

559. Đức Thế Tôn đã đi đến nơi ấy, đã sờ vào đầu của tôi, sau khi nắm tôi bằng cánh tay, rồi đã dẫn tôi vào tu viện thuộc về hội chúng.

560. Vì lòng thương tưởng đến tôi, bậc Đạo Sư đã trao cho miếng giẻ chùi chân (nói rằng): ‘Hãy (ngồi xuống) ở một bên rồi chú tâm vào vật trong sạch này cho đến khi đã được chú tâm vững chắc.’

561. Sau khi lắng nghe lời nói của Ngài, được thích thú ở lời giáo huấn, tôi đã an trú. Tôi đã thực hành về định nhằm đạt đến mục đích tối thượng.

562. Có Thiên nhãn đã được trong sạch, tôi biết được đời sống trong thời quá khứ. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.

563. Sau khi hóa hiện bản thân thành một ngàn người, Panthaka đã ngồi ở Ambavana (vườn xoài) đáng yêu cho đến khi có sự thông báo về thời gian.

564. Sau đó, bậc Đạo Sư đã phái sứ giả thông báo về thời gian cho tôi. Khi thời gian đã được thông báo, tôi đã đi đến bằng đường không trung.

565. Sau khi đảnh lễ hai bàn chân của bậc Đạo Sư, tôi đã ngồi xuống ở một bên. Sau khi biết tôi đã ngồi xuống, khi ấy bậc Đạo Sư đã thọ nhận.

566. Là nơi dâng cúng của tất cả thế gian, là vị thọ nhận các vật hiến cúng, là thửa ruộng phước báu của loài người, Ngài đã thọ nhận vật cúng dường.”

Đại đức trưởng lão Cūḷapanthaka đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Cūḷapanthaka.

 

237.

567. “(Thân xác) được chứa đầy các vật ghê tởm khác loại, có nguồn xuất xứ là hầm phân lớn, tựa như ao nước bị tù đọng, mụt nhọt to, vết thương lớn.

568. (Thân xác) được chứa đầy mủ và máu, được cưu mang bởi hố phẩn, có sự rò rỉ nước, thân xác luôn luôn tuôn trào chất hôi thối.

569. (Thân xác) được buộc lại bằng sáu mươi dây chằng, được tô trét với sự tô trét bằng thịt, được buộc chặt với lớp áo bằng da, thân xác hôi thối là không có lợi ích.

570. (Thân xác) được nối lại bằng sự nối nhau của những khúc xương, được buộc lại bằng những sợi chỉ gân, do sự tập hợp của nhiều thứ mà thân xác tạo ra sự cử động.

571. (Thân xác) chắc chắn tiến đến sự chết, ở gần bên Thần Chết, sau khi từ bỏ (thân xác) ngay tại nơi ấy, con người ra đi theo ý muốn.

572. Thân xác bị che lấp bởi vô minh, bị buộc lại bởi các mối buộc thắt, thân xác có sự chìm đắm trong cơn lũ, bị trùm lên bởi màng lưới ngủ ngầm.

573. (Thân xác) bị gắn liền với năm sự che lấp, bị bận rộn với sự suy tầm, bị đeo đuổi bởi cội rễ tham ái, bị che đậy bởi sự che đậy của si mê.

574. Thân xác này vận hành như vậy, bị thúc đẩy bởi động lực của nghiệp, và sự thành tựu có sự tiêu hoại là điểm kết thúc, (dầu) có bản thể khác biệt (nhưng) đều bị tiêu hoại.

575. Những kẻ phàm phu nào, mù quáng, ngu dốt, cho rằng thân xác này là của tôi, (những kẻ ấy) làm phát triển cái nghĩa địa ghê rợn; chúng nắm lấy việc tái sanh.

576. Những người nào tránh né thân xác này, tựa như tránh né con rắn bị lấm lem bởi phẩn, (những người ấy) sau khi ói mửa ra gốc rễ của hữu, thành tựu Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Kappa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Kappa.

238.

577. “Vị tỳ khưu, vì nguyên nhân thiền tịnh, nên tới lui chỗ trú ngụ vắng vẻ, ít tiếng ồn, được lai vãng bởi các thú dữ.

578. Sau khi mang lại từ đống rác, từ bãi tha ma, và từ những đường lộ, từ đó sau khi thực hiện y hai lớp, nên mặc y thô xấu.

579. Sau khi làm cho tâm hạ thấp xuống, vị tỳ khưu nên đi khất thực theo tuần tự từ nhà này đến nhà khác, có cánh cửa (của các giác quan) được canh phòng, khéo được thu thúc.

580. Nên hoan hỷ với vật dầu tồi tàn, không nên mong mỏi nhiều vị nếm khác. Đối với vị bị tham đắm ở các vị nếm, tâm của vị ấy không thích thú trong việc tham thiền.

581. Vị hiền trí nên sống, có ít ham muốn, và tự hoan hỷ (tri túc), được tách biệt, và không giao tiếp với cả hai hạng tại gia và xuất gia.

582. Người ngu hoặc người câm như thế nào, nên phô bày bản thân như thế ấy, bậc sáng trí không nên giảng giải ở giữa hội chúng quá dài thời gian.

583. Vị ấy không nên khiển trách bất cứ người nào, nên tránh xa việc hãm hại, được thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, và nên biết chừng mực về vật thực.

584. Được rành rẽ về việc làm sanh khởi đối với tâm, đối với hiện tướng đã được nắm lấy, nên gắn bó với chỉ tịnh và minh sát đúng theo thời điểm.

585. Được đầy đủ sự liên tục về tinh tấn, nên luôn luôn có sự tu luyện được gắn bó, và khi chưa đạt đến sự chấm dứt của khổ, vị sáng trí không nên đi đến sự quả quyết.

586. Đối với vị tỳ khưu có ước muốn về sự thanh tịnh, trong khi sống như vậy, tất cả các lậu hoặc của vị ấy được cạn kiệt, và (vị ấy) chứng đắc sự Tịch Tịnh.”

Đại đức trưởng lão Upasena Vaṅgantaputta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Upasena.

239.

587. “Nên nhận thức về mục đích của mình, nên xem xét lời Phật dạy, và điều nào ở thế gian này có thể thích hợp đối với người đã đạt đến bản thể Sa-môn.

588. Ở đây, bạn hữu tốt lành, sự thọ trì rộng rãi các việc học tập, và sự vâng lời đối với các bậc thầy; điều này là thích hợp đối với vị Sa-môn.

589. Sự tôn kính đối với chư Phật, sự tôn trọng Giáo Pháp đúng theo thực thể, và sự cung kính Hội Chúng; điều này là thích hợp đối với vị Sa-môn.

590. Được gắn bó với hạnh kiểm và hành xứ, sự nuôi mạng được trong sạch không bị chê trách, và sự chín chắn của tâm; điều này là thích hợp đối với vị Sa-môn.

591. Hạnh kiểm và sự kiêng cữ, oai nghi tạo niềm tin, và sự gắn bó vào tăng thượng tâm; điều này là thích hợp đối với vị Sa-môn.

592. Các trú xứ ở rừng, xa vắng, có các tiếng động ít ỏi, đáng được vị hiền trí lui tới; điều này là thích hợp đối với vị Sa-môn.

593. Giới hạnh, và sự học rộng, sự khảo sát các pháp đúng theo bản thể, sự lãnh hội về các Sự Thật; điều này là thích hợp đối với vị Sa-môn.

594. Và nên tu tập về ‘vô thường,’ tưởng về vô ngã, và tưởng về tử thi, và không thích thú đối với thế gian; điều này là thích hợp đối với vị Sa-môn.

595. Và nên tu tập các chi phần đưa đến giác ngộ, các nền tảng của thần thông, các quyền, các lực, Thánh Đạo tám chi phần; điều này là thích hợp đối với vị Sa-môn.

596. Vỉ hiền trí nên dứt bỏ tham ái, nên phá tan các lậu hoặc luôn cả gốc rễ, nên sống đã được giải thoát; điều này là thích hợp đối với vị Sa-môn.”

Đại đức trưởng lão Gotama đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Gotama khác.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Vị trưởng lão Kāḷudāyī ấy, vị Ekavihārī, và vị Kappina, vị Cūḷapanthaka, vị Kappa, vị Upasena, và vị Gotama, bảy vị trưởng lão này ở nhóm mười, và ở đây có bảy mươi câu kệ.”

Nhóm Mười được chấm dứt.

--ooOoo--

11. NHÓM MƯỜI MỘT

240.

597. “Này con yêu, điều gì là mục đích của con ở khu rừng, vào mùa mưa, như là Ujjuhāna? Verambā là đáng yêu đối với con, bởi vì sự tách ly là dành cho những người chứng thiền.

598. Giống như ngọn gió Veramba xua đi những đám mây vào mùa mưa, các suy nghĩ của tôi được tản mát lan rộng, được gắn liền với việc ẩn cư.

599. Loài quạ đen, xuất thân từ quả trứng, loanh quanh ở chỗ ngụ nơi bãi tha ma, làm sanh khởi ở tôi niệm nương vào sự lìa xa luyến ái ở xác thân.

600. Những người khác không bảo bọc vị xuất gia, và vị xuất gia không bảo bọc những người khác; đúng vậy vị tỳ khưu nằm một cách an lạc, không trông mong về các dục.

601. Với nước trong trẻo, với những tảng đá lớn, được lai vãng bởi các con khỉ và nai, được bao phủ bởi rong rêu ẩm ướt, những tảng núi đá ấy khiến tôi thích thú.[16]

602. Tôi đã sống ở những khu rừng, ở những khe núi, và ở những hang động, ở các chỗ trú ngụ xa vắng, được lai vãng bởi các thú dữ.

603. ‘Những sinh mạng này hãy bị giết hại, bị hành hạ, bị gánh chịu khổ đau,’ tôi không biết đến sự suy tư không thánh thiện, gắn liền với sân hận.

604. Bậc Đạo Sư đã được tôi hầu hạ, lời dạy của đức Phật đã được thực hành, vật mang nặng đã được đặt xuống, lối dẫn đến hiện hữu đã được xóa sạch.

605. Và vì mục đích nào mà tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà, mục đích ấy của tôi, sự cạn kiệt tất cả các điều ràng buộc, đã được thành tựu.

606. Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi chờ đợi thời điểm, giống như người làm thuê chờ đợi tiền công.

607. Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi chờ đợi thời điểm, có sự nhận biết rõ, có niệm.”

Đại đức trưởng lão Saṅkicca đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Saṅkicca.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Trưởng lão Saṅkicca, chỉ một vị, có phận sự đã được làm xong, không còn lậu hoặc, và chỉ có mười một câu kệ ở nhóm mười một.”

Nhóm Mười Một được chấm dứt.

--ooOoo--

12. NHÓM MƯỜI HAI

241.

608. “Ở đây, nên học tập chủ yếu về giới, bởi vì ở thế gian này, giới đã được học tập kỹ lưỡng, đã được thực hành, đem lại mọi sự thành tựu.

609. Bậc thông minh nên hộ trì giới trong khi ước nguyện ba điều hạnh phúc: sự khen ngợi, sự đạt được tài sản, và sự vui sướng ở cõi trời sau khi chết.

610. Bởi vì người có giới đạt được nhiều bạn bè do sự tự kiềm chế; trái lại người có giới tồi, trong khi làm điều xấu xa, bị các bạn bè xa lánh.

611. Người có giới tồi nhận chịu sự mất thể diện và tiếng xấu, còn người có giới luôn luôn đạt được thể diện, danh thơm, và sự khen ngợi.

612. Giới là gốc, là điểm tựa, và là nguồn sanh ra các điều tốt đẹp, đứng đầu tất cả các pháp; vì thế nên làm cho giới được trong sạch.

613. Giới là sự ngăn chặn, sự thu thúc, sự hứng khởi của tâm, và là điểm khởi đầu của tất cả chư Phật; vì thế nên làm cho giới được trong sạch.

614. Giới là sức mạnh không thể sánh bằng, giới là vũ khí tối thượng, giới là vật trang sức hạng nhất, giới là tấm áo giáp phi thường.

615. Giới là cây cầu có năng lực vĩ đại, giới là hương thơm vô thượng, giới là vật thoa hạng nhất, nhờ vào giới mà thổi khắp các phương.

616. Giới quả là vật dự phòng cao cả, giới là hành trang tối thượng, giới là vật chuyên chở hạng nhất, nhờ vào giới mà đi khắp các phương.

617. Kẻ ngu si, không chuyên chú ở các giới, nhận chịu sự quở trách ngay ở đời này và bị rầu rĩ ở đọa xứ sau khi chết, bị rầu rĩ ở khắp mọi nơi.

618. Người sáng trí, khéo chuyên chú vào các giới, nhận lãnh danh thơm ngay ở đời này và được tươi vui ở cõi trời sau khi chết, được tươi vui ở khắp mọi nơi.

619. Ở đây chỉ có giới là cao cả, tuy nhiên người có trí tuệ là tối thượng, ở giữa loài người và chư Thiên sự chiến thắng là nhờ vào giới và trí tuệ.”

Đại đức trưởng lão Sīlava đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sīlava.

242.

620. “Bị sanh ra ở gia đình thấp kém, tôi là nghèo khó, có ít thức ăn, nghề nghiệp của tôi đã là hạ tiện, tôi đã là người đổ rác hoa.

621. Đối với mọi người, tôi bị nhờm gớm, bị xem thường, và bị khinh miệt. Sau khi làm cho tâm hạ thấp xuống, tôi đã lễ bái nhiều người.

622. Rồi tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác, bậc Đại Hùng, dẫn đầu hội chúng tỳ khưu, đang đi vào thành phố tối thượng Magadha.

623. Sau khi đặt đòn gánh xuống, tôi đã đến gần để lễ bái. Vì lòng thương tưởng đến chính tôi, bậc Tối Thượng Nhân đã đứng lại.

624. Khi ấy, sau khi đảnh lễ hai bàn chân của bậc Đạo Sư, tôi đã đứng một bên. Tôi đã cầu xin bậc Tối Thượng của tất cả chúng sanh về việc xuất gia.

625. Sau đó, đấng Bi Mẫn, bậc Đạo Sư, đấng Thương Tưởng tất cả thế gian, đã nói với tôi rằng: ‘Này tỳ khưu, hãy đến;’ việc ấy đã là sự tu lên bậc trên của tôi.

626. Tôi đây, một mình, trong khi sống ở trong rừng, không biếng nhác, đã thực hành lời dạy của bậc Đạo Sư, giống như đấng Chiến Thắng đã giáo huấn tôi.

627. Vào canh thứ nhất của đêm, tôi đã nhớ lại đời sống trước đây. Vào canh giữa của đêm, tôi đã làm trong sạch Thiên nhãn. Vào canh cuối của đêm, tôi đã phá tan khối đống tăm tối (vô minh).

628. Sau đó, vào lúc cuối đêm cho đến lúc mọc lên của mặt trời, vị Trời Inda và đấng Brahmā, sau khi đi đến, đã cúi chào tôi, với tay chắp lại.

629. ‘Thưa bậc siêu nhân, xin kính lễ ngài. Thưa bậc tối thượng nhân, xin kính lễ ngài. Các lậu hoặc của ngài đây đã cạn kiệt. Bạch ngài, ngài là bậc xứng đáng được cúng dường.’

630. Kế đó, bậc Đạo Sư, sau khi nhìn thấy tôi được tập thể chư Thiên tôn vinh, đã để lộ nụ cười, rồi đã nói ý nghĩa này:

631. ‘Do khổ hạnh, do thực hành Phạm hạnh, do kiềm chế bản thân, và do rèn luyện, do điều này mà trở thành Bà-la-môn; tư cách Bà-la-môn này là tối thượng.’”

Đại đức trưởng lão Sunīta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Sunīta.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Hai vị trưởng lão Sīlava và Sunīta ấy có đại thần lực, ở nhóm mười hai có hai mươi bốn câu kệ.”

Nhóm Mười Hai được chấm dứt.

--ooOoo--

13. NHÓM MƯỜI BA

243.

632. “Vị nào đã được nổi bật ở vương quốc, đã là người hầu cận của đức vua Aṅga, vị ấy hôm nay là nổi bật về các pháp (siêu thế), Soṇa là người đã đi đến bờ kia của khổ đau.

633. Nên cắt đứt năm, nên từ bỏ năm, và nên tu tập vượt bực về năm. Vị tỳ khưu đã vượt qua khỏi năm sự bám víu được gọi là ‘đã vượt qua cơn lũ.’[17]

634. Đối với vị tỳ khưu kiêu ngạo, xao lãng, hướng ngoại, giới, định, và tuệ của vị ấy không đi đến sự tròn đủ.

635. Bởi vì việc cần làm đã bị bỏ bê, trái lại việc không cần làm được thực hiện. Đối với những kẻ kiêu ngạo, xao lãng, các lậu hoặc của những kẻ ấy tăng trưởng.

636. Và đối với những vị nào, niệm đặt ở thân khéo được tiến hành thường xuyên, những vị ấy không thực hành việc không cần làm, có sự kiên trì thực hiện các việc cần làm. Đối với những vị có niệm, có sự nhận biết rõ rệt, các lậu hoặc của những vị ấy đi đến sự chấm dứt.

637. Các ngươi hãy bước đi ở con đường thẳng tắp đã được chỉ dạy, chớ quay trở lại. Nên tự mình quở trách chính mình, nên đón rước Niết Bàn.

638. Về sự tinh tấn đã được khởi sự quá mức (của tôi), bậc Đạo Sư, đấng Vô Thượng ở thế gian, bậc Hữu Nhãn, sau khi làm ví dụ về cây đàn vīṇā, đã thuyết giảng Giáo Pháp.

639. Sau khi lắng nghe lời nói của Ngài, được thích thú ở lời giáo huấn, tôi đã an trú. Tôi đã thực hành về chỉ tịnh nhằm đạt đến mục đích tối thượng. Ba Minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.

640. Đối với người đã thiên về sự xuất ly và có tâm ý về việc tách ly, đối với người đã thiên về không hãm hại và có sự cạn kiệt của các chấp thủ, ...

641. ... đối với người đã thiên về sự cạn kiệt của tham ái và có tâm ý về sự không si mê, sau khi nhìn thấy sự sanh lên của các xứ, tâm (của người ấy) được giải thoát một cách đúng đắn.

642. Đối với vị tỳ khưu, có tâm an tịnh, đã được giải thoát một cách đúng đắn ấy, không có sự tích lũy đối với việc đã làm, việc cần phải làm không có.

643. Giống như tảng đá cứng rắn không bị lay chuyển bởi gió, tương tự như thế toàn bộ các sắc, các vị, các thinh, các hương, các xúc, ...

644. ... các đối tượng của tâm, được mong muốn và không được mong muốn, không làm xao động tâm vững chắc không bị ràng buộc của vị như thế ấy, và (vị ấy) theo dõi sự diệt của điều này.”

Đại đức trưởng lão Soṇa Koḷivisa đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Soṇa.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Trưởng lão Soṇa Koḷivisa, chỉ một vị, có đại thần lực, và trường hợp này có mười ba câu kệ ở nhóm mười ba.”

Nhóm Mười Ba được chấm dứt.

--ooOoo--

14. NHÓM MƯỜI BỐN

244.

645. “Vào lúc tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà, tôi không biết đến sự suy tư không thánh thiện, gắn liền với sân hận.

646. ‘Mong sao những sanh mạng này bị giết, bị hành hạ, bị gánh chịu khổ đau,’ tôi không biết đến suy tư (như vậy) trong khoảng thời gian dài này.

647. Và tôi biết về tâm từ vô lượng, đã khéo được tu tập, đã được tích lũy theo thứ lớp, giống như điều đã được thuyết giảng bởi đức Phật.

648. Là bạn bè của tất cả, là bằng hữu của tất cả, là người có lòng thương tưởng đối với tất cả chúng sinh, và tôi tu tập về tâm từ, luôn luôn vui thích trong việc không hãm hại.

649. Tôi vui thích với tâm không bị loạn động, không bị lay động, tôi tu tập sự an trú của Phạm Thiên, không được thực hành bởi kẻ thấp thỏi.

650. Đã chứng đạt vô tầm (nhị thiền), vị đệ tử của đấng Chánh Đẳng Giác tức thời có được trạng thái im lặng của bậc Thánh.

651. Cũng giống như ngọn núi đá, không bị lay động, đã khéo được thiết lập, tương tự như vậy vị tỳ khưu, do sự cạn kiệt của si mê, không rung chuyển tựa như ngọn núi.

652. Đối với người không có (đầu óc) nhơ bẩn, luôn tầm cầu sự tinh khiết, phần nhỏ bằng đầu cọng tóc của sự xấu xa được xem như là kích thước của đám mây.

653. Giống như thành trì ở biên thùy được canh phòng bên trong lẫn bên ngoài, quý vị hãy gìn giữ bản thân như vậy, chớ để thời khắc của quý vị trôi qua.

654. Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi chờ đợi thời điểm, giống như người làm thuê chờ đợi tiền công.

655. Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi chờ đợi thời điểm, có sự nhận biết rõ, có niệm.[18]

656. Bậc Đạo Sư đã được tôi hầu hạ, lời dạy của đức Phật đã được thực hành, vật mang nặng đã được đặt xuống, lối dẫn đến hiện hữu đã được xóa sạch.

657. Vì mục đích nào mà tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà, mục đích ấy của tôi, sự cạn kiệt tất cả các điều trói buộc, đã được thành tựu.[19]

658. Quý vị hãy nỗ lực với sự không xao lãng, điều này là lời chỉ dạy của tôi. Tốt lắm, tôi sẽ viên tịch Niết Bàn, tôi đã được giải thoát về mọi mặt.”

Đại đức trưởng lão Khadiravaniya Revata đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Khadiravaniyarevata.  

245.

659. “Cũng giống như con bò kéo thuần chủng, hiền thiện, được máng vào ách, chịu đựng cái ách, bị đè xuống bởi gánh nặng quá mức, không vượt khỏi việc quàng vào ách.

660. Tương tự như vậy, những người nào được hài lòng về trí tuệ, giống như biển cả được hài lòng với nước, không khinh chê những người khác; chính là pháp của các bậc Thánh đối với chúng sinh.

661. Đã đi vào sự tác động của thời gian theo từng thời điểm, đã đi theo sự tác động của hữu và phi hữu, con người lâm cảnh khổ đau; ở đây những thanh niên ấy sầu muộn.

662. Bị khích động bởi pháp hạnh phúc, bị ủ dột vì pháp khổ đau, những kẻ ngu bị tổn thương theo cả hai cách, không có sự nhìn thấy đúng theo bản thể.

663. Và những người nào, ở giữa khổ đau và hạnh phúc, đã khắc phục được cô thợ dệt (tham ái), những người ấy đứng yên tựa như cái ngạch cửa, họ không bị khích động hay bị ủ dột.

664. Những người ấy, không vì có lợi lộc, không vì mất lợi lộc, không vì mất danh vọng hay vì tiếng tăm, không vì tiếng chê hay vì lời khen, không vì khổ đau hay vì hạnh phúc, ...

665. ... trong mọi trường hợp, những người ấy không bị ô nhiễm, tựa như giọt nước ở lá sen. Những bậc sáng trí được an lạc ở mọi nơi, không bị đánh bại ở mọi nơi.

666. Với lẽ phải mà không có lợi lộc, và việc có lợi lộc liên quan đến sự sai trái, thì việc mất lợi lộc liên quan đến lẽ phải là tốt hơn nếu việc có lợi lộc liên quan đến sự sai trái.

667. Danh vọng cho những người ít trí tuệ, và không danh vọng cho những người hiểu biết, không danh vọng cho những người hiểu biết đương nhiên là tốt hơn, không phải là danh vọng cho những người ít trí tuệ.

668. Sự khen ngợi bởi những kẻ thiếu trí tuệ, và sự chê trách bởi những người hiểu biết, sự chê trách bởi những người hiểu biết đương nhiên là tốt hơn sự khen ngợi bởi những kẻ ngu.

669. Lạc được tạo ra do (ngũ) dục, và khổ liên quan đến việc tách ly, khổ do tách ly là tốt hơn là lạc được tạo ra bởi dục.

670. Mạng sống với sự sai trái, và cái chết bởi vì lẽ phải, cái chết liên quan đến lẽ phải là tốt hơn nếu sống liên quan đến sự sai trái.

671. Những người nào đã dứt bỏ các dục và sự giận dữ, có tâm an tịnh ở các cõi khác nhau, sống ở thế gian không bị vướng bận, đối với những người ấy không có thương hay ghét.

672. Sau khi tu tập các chi phần đưa đến giác ngộ, các quyền, và các lực, sau khi đạt được sự an tịnh tuyệt đối, những vị ấy Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Godatta đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Godatta.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Hai vị trưởng lão Revata và luôn cả Godatta ấy có đại thần lực, ở nhóm mười bốn có hai mươi tám câu kệ.”

Nhóm Mười Bốn được chấm dứt.

--ooOoo--

15. NHÓM MƯỜI SÁU

246.

673. “Sau khi lắng nghe Giáo Pháp có phẩm chất vĩ đại, tôi đây thêm phần tịnh tín. Sự xa lìa luyến ái đã được thuyết giảng là pháp không có chấp thủ về mọi mặt.

674. Có nhiều tranh ảnh ở thế gian, ở vòng cầu trái đất này, tôi nghĩ rằng chúng khuấy động sự suy tư, (theo lẽ) cái đẹp gắn liền với sự luyến ái.

675. Và giống như cơn mưa làm lắng xuống bụi bặm đã bị bốc lên bởi cơn gió, tương tự như thế các sự suy tư được lắng dịu khi nhìn thấy bằng trí tuệ.

676. Khi nhìn thấy bằng trí tuệ rằng: ‘Tất cả các pháp hữu vi là vô thường’ thì nhàm chán khổ đau, đây là con đường đưa đến sự thanh tịnh.

677. Khi nhìn thấy bằng trí tuệ rằng: ‘Tất cả các pháp hữu vi là khổ đau’ thì nhàm chán khổ đau, đây là con đường đưa đến sự thanh tịnh.

678. Khi nhìn thấy bằng trí tuệ rằng: ‘Tất cả các pháp là vô ngã’ thì nhàm chán khổ đau, đây là con đường đưa đến sự thanh tịnh.[20]

679. Đã được giác ngộ theo sau chư Phật, vị trưởng lão Koṇḍañña có sự cố gắng vững chãi, có sanh tử đã được dứt bỏ, có sự vẹn toàn về Phạm hạnh.

680. Cơn lũ (bốn bộc lưu) và bẫy sập (luyến ái), cây cọc (bướng bỉnh) chắc chắn, ngọn núi (si mê) khó phá tan, sau khi chặt đứt cây cọc và bẫy sập, sau khi đập vỡ núi đá khó đập vỡ, đã vượt qua, đã đi đến bờ kia, chứng thiền, vị ấy được thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.

681. Vị tỳ khưu tự kiêu, chao đảo, sau khi đi đến với các bạn bè ác xấu, thì chìm đắm trong cơn lũ lớn, bị vùi dập bởi làn sóng.

682. Vị không tự kiêu, không chao đảo, thận trọng, có giác quan đã được thu thúc, có bạn hữu tốt lành, thông minh, có thể thực hiện việc chấm dứt khổ đau.

683. Là người có tay chân giống như các khúc cây màu đen, ốm o, nổi đầy gân, biết chừng mực về cơm ăn nước uống, có tâm ý không biếng nhác.

684. Bị cắn bởi những con ruồi, bởi những con muỗi trong khu rừng, ở trảng cây rộng lớn, tựa như con voi luôn dẫn đầu trong chiến trận, vị có niệm nên chịu đựng tại nơi ấy.[21]

685. Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi chờ đợi thời điểm, giống như người làm thuê chờ đợi tiền công.[22]

686. Tôi không vui thích sự chết, tôi không vui thích sự sống, và tôi chờ đợi thời điểm, có sự nhận biết rõ, có niệm.[23]

687. Bậc Đạo Sư đã được tôi hầu hạ, lời dạy của đức Phật đã được thực hành, vật mang nặng đã được đặt xuống, lối dẫn đến hiện hữu đã được xóa sạch.[24]

688. Vì mục đích nào mà tôi đã xuất gia, rời nhà sống không nhà, mục đích ấy của tôi đã được thành tựu, tôi còn việc gì với việc sống chung?”

Đại đức trưởng lão Aññākoṇḍañña đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Aññākoṇḍañña.  

247.

689. “Bậc Toàn Giác, có bản thể nhân loại, đã chế ngự bản thân, được định tĩnh, trong khi cư xử theo đường lối Phạm hạnh, được thích thú trong sự tĩnh lặng của tâm.

690. Mọi người lễ bái Ngài, bậc đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp, chư Thiên cũng lễ bái Ngài, tôi đã được nghe như vậy từ bậc A-la-hán

691. Ngài đã vượt qua tất cả các điều ràng buộc, từ khu rừng (phiền não) đã đi đến nơi không còn là rừng (Niết Bàn), được thích thú với việc xuất ly khỏi các dục, đã được giải thoát, tựa như vàng đã được thoát ra khỏi khối đá.

692. Bậc Long Tượng ấy quả thật đã chói sáng vượt trội, tựa như núi Hi-mã-lạp chói sáng vượt trội các ngọn núi khác; trong số tất cả các vị được gọi là bậc long tượng, vị có tên Sự Thật là bậc không vượt hơn được.

693. Tôi sẽ tán dương với quý vị về bậc Long Tượng, bởi vì Ngài không làm điều tội lỗi. Nhã nhặn và không hãm hại là hai chân (trước) của bậc Long Tượng ấy.

694. Niệm và sự nhận biết rõ rệt là hai chân khác của bậc Long Tượng. Bậc Long Tượng khổng lồ có đức tin là cái vòi, có tâm xả là hai ngà màu trắng.

695. Niệm là cần cổ, cái đầu là tuệ, việc xem xét là sự suy nghĩ về các pháp, cái bụng là nơi cư trú bình đẳng của các pháp, cái đuôi là sự ẩn cư của Long Tượng.

696. Ngài chứng thiền, thích thú việc thở vào, khéo định tĩnh nội tâm. Bậc Long Tượng định tĩnh trong khi đi, bậc Long Tượng định tĩnh khi đứng.

697. Bậc Long Tượng định tĩnh trong khi nằm, cũng định tĩnh khi ngồi xuống. Ở mọi nơi, bậc Long Tượng đã được thu thúc; điều này là sự thành đạt của bậc Long Tượng.

698. Sau khi nhận được vật thực và y phục, trong khi lánh xa việc tích trữ, bậc Long Tượng thọ dụng các vật không lỗi lầm, không thọ dụng các vật lầm lỗi.

699. Sau khi chặt đứt (mười) điều ràng buộc nhỏ và lớn, tất cả sự trói buộc, bất cứ nơi nào bậc Long Tượng đi đến, bậc Long Tượng đi đến không có chút mong cầu.

700. Cũng giống như loài sen, được sanh ra ở nước, tăng trưởng, không bị lấm lem bởi nước, có hương thơm tinh khiết, làm thích ý.

701. Và tương tự y như thế, đức Phật, được sanh ra ở đời, sống ở đời, không bị ô nhiễm bởi đời, giống như loài sen không bị lấm lem bởi nước.

702. Đống lửa lớn cháy rực, không có nhiên liệu thì được lắng dịu, và khi các tro than được lặng yên thì được gọi là ‘tịch tịnh.’

703. Ví dụ này, giúp cho hiểu rõ về ý nghĩa, đã được thuyết giảng bởi các bậc hiểu biết, các bậc Long Tượng vĩ đại sẽ hiểu được về bậc Long Tượng đã được thuyết giảng bởi bậc Long Tượng.

704. Có luyến ái đã được xa lìa, có sân hận đã được xa lìa, có si mê đã được xa lìa, không còn lậu hoặc, trong khi dứt bỏ xác thân, bậc Long Tượng sẽ viên tịch Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”

Đại đức trưởng lão Udāyi đã nói những lời kệ như thế.

Kệ ngôn của trưởng lão Udāyi.

*****

TÓM LƯỢC NHÓM NÀY

“Hai vị trưởng lão Koṇḍañña và Udāyi ấy có đại thần lực, ở nhóm mười sáu có ba mươi hai câu kệ.”

Nhóm Mười Sáu được chấm dứt.

--ooOoo-- 


 


[1] Hai câu kệ 273, 274 giống hai câu kệ 269, 270.

[2] Câu kệ 275 giống câu kệ số 6 của Dhammapadapāḷi - Pháp Cú.

[3] Câu kệ 314 giống câu kệ 224.

[4] Thật ra mới liệt kê chỉ có chín vị. Do tính nhầm hay do bị thiếu sót một vị? Như vậy, tổng cộng chỉ có mười hai vị trưởng lão thay vì mười ba như bài kệ ngôn tóm lược đã ghi.

[5] Hai câu kệ 318, 319 giống hai câu kệ 269, 270.

[6] Câu kệ 322 giống câu kệ 226.

[7] Hai câu kệ 323, 324 giống hai câu kệ 51, 51 của Dhammapadapāḷi - Pháp Cú.

[8] Trưởng lão Sumana trình lên vị thầy tế độ về sự thành tựu của bản thân.

[9] Hai câu kệ 409, 410 giống hai câu kệ 269, 270.

[10] ‘Con đường Thánh tám chi phần’ là chủ đề, được ghi ở câu kệ 421 bên dưới.

[11] Hai câu kệ 435, 436 giống hai câu kệ 350, 351.

[12] Câu kệ 439 giống câu kệ 337.

[13] Hai câu kệ 464, 465 giống hai câu kệ 269, 270.

[14] Câu kệ 495 tương tợ câu kệ 124.

[15] Câu kệ 498 giống câu kệ 275.

[16] Câu kệ 601 giống câu kệ 113.

[17] Cắt đứt năm ràng buộc bậc thấp (hạ phần kiết sử), từ bỏ năm ràng buộc bậc cao (thượng phần kiết sử), và tu tập năm vượt bực về năm quyền (tín, tấn, niệm, định, tuệ), vượt khỏi năm sự trói buộc (luyến ái, sân si, ngã mạn, tà kiến), đã vượt qua cơn lũ là đã vượt qua bốn bộc lưu: dục bộc lưu, hữu bộc lưu, tà kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu (ThagA. ii, 268-269).

[18] Hai câu kệ 654, 655 giống hai câu kệ 606, 607.

[19] Hai câu kệ 656, 657 giống hai câu kệ 604, 605.

[20] Các câu kệ 676, 677, 678 giống các câu kệ 277, 278, 279 của Dhammapadapāḷi - Pháp Cú.

[21] Các câu kệ 683, 684 giống các câu kệ 243, 244.

[22] Câu kệ 685 giống câu kệ 606.

[23] Câu kệ 686 giống câu kệ 607.

[24] Câu kệ 687 giống câu kệ 604.


 

| 00 | 01 | 02 | 03 |

[Thư Mục Tổng Quát]<Mục Lục><Đầu Trang>