Tạng Luật
Vinayapitaka
Bộ Tập Yếu
Parivāra
Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch
2004
XI. CHƯƠNG CÁO TỘI
[1077] Vị xét xử nên hỏi vị cáo tội rằng: “Này đại đức, việc mà đại đức cáo tội vị tỳ khưu này, đại đức cáo tội vị này về điều gì? Có phải đại đức cáo tội với sự hư hỏng về giới? Có phải đại đức cáo tội với sự hư hỏng về hạnh kiểm? Có phải đại đức cáo tội với sự hư hỏng về tri kiến?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Hoặc là tôi cáo tội với sự hư hỏng về giới. Hoặc là tôi cáo tội với sự hư hỏng về hạnh kiểm. Hoặc là tôi cáo tội với sự hư hỏng về tri kiến.”
Vị ấy nên được nói như sau: “Vậy đại đức có biết sự hư hỏng về giới không? Có biết sự hư hỏng về hạnh kiểm không? Có biết sự hư hỏng về tri kiến không?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, tôi biết sự hư hỏng về giới. Tôi biết sự hư hỏng về hạnh kiểm. Tôi biết sự hư hỏng về tri kiến.”
Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, vậy điều gì là sự hư hỏng về giới? Điều gì là sự hư hỏng về hạnh kiểm? Điều gì là sự hư hỏng về tri kiến?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Bốn tội pārājika, mười ba tội saṅghādisesa, đó là sự hư hỏng về giới. Tội thullaccaya, tội pācittiya, tội pāṭidesanīya, tội dukkaṭa, tội dubbhāsita, đó là sự hư hỏng về hạnh kiểm. Tà kiến, tri kiến cực đoan, đó là sự hư hỏng về tri kiến.”
Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc mà đại đức cáo tội vị tỳ khưu này, có phải đại đức cáo tội do đã được thấy,? Có phải đại đức cáo tội do đã được nghe? Có phải đại đức cáo tội do sự nghi ngờ?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Hoặc là tôi cáo tội do đã được thấy. Hoặc là tôi cáo tội do đã được nghe. Hoặc là tôi cáo tội do sự nghi ngờ.”
Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc mà đại đức cáo tội vị tỳ khưu này do đã được thấy, đại đức đã thấy gì? Đại đức đã thấy thế nào? Đại đức đã thấy khi nào? Đại đức đã thấy ở đâu? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội pārājika? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội saṅghādisesa? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội thullaccaya? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội pācittiya? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội pāṭidesanīya? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội dukkaṭa? Có phải đã thấy (vị này) đang phạm tội dubbhāsita? Và đại đức đã ở đâu? Và vị tỳ khưu này đã ở đâu? Và đại đức đã làm gì? Và vị tỳ khưu này đã làm gì?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, tôi không cáo tội vị tỳ khưu này do đã được thấy, tuy nhiên tôi cáo tội do đã được nghe.”
Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc mà đại đức cáo tội vị tỳ khưu này do đã được nghe, đại đức đã nghe gì? Đại đức đã nghe thế nào? Đại đức đã nghe khi nào? Đại đức đã nghe ở đâu? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội pārājika’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội saṅghādisesa’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội thullaccaya’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội pācittiya’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội pāṭidesanīya’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội dukkaṭa’? Có phải đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm tội dubbhāsita’? Có phải đã nghe từ vị tỳ khưu? Có phải đã nghe từ vị tỳ khưu ni? Có phải đã nghe từ cô ni tu tập sự? Có phải đã nghe từ vị sa di? Có phải đã nghe từ vị sa di ni? Có phải đã nghe từ nam cư sĩ? Có phải đã nghe từ nữ cư sĩ? Có phải đã nghe từ các đức vua? Có phải đã nghe từ các quan đại thần của đức vua? Có phải đã nghe từ các ngoại đạo? Có phải đã nghe từ các đệ tử của ngoại đạo?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, tôi không cáo tội vị tỳ khưu này do đã được nghe, tuy nhiên tôi cáo tội do sự nghi ngờ.”
Vị ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc mà đại đức cáo tội vị tỳ khưu này do sự nghi ngờ, đại đức nghi ngờ gì? Đại đức nghi ngờ như thế nào? Đại đức nghi ngờ khi nào? Đại đức nghi ngờ ở đâu? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội pārājika’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội saṅghādisesa’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội thullaccaya’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội pācittiya’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội pāṭidesanīya’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội dukkaṭa’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm tội dubbhāsita’? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ vị tỳ khưu? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ vị tỳ khưu ni? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ cô ni tu tập sự? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ vị sa di? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ vị sa di ni? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ nam cư sĩ? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ nữ cư sĩ? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ các đức vua? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ các quan đại thần của đức vua? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ các ngoại đạo? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ các đệ tử của ngoại đạo?”
[1078]
Điều được
thấy tương tợ
với điều đã được thấy,
điều được thấy phù hợp
với điều đã được thấy,
do điều đã được thấy
bị nghi không thanh tịnh
dẫu rằng không vi phạm;
người ấy do thú nhận
lễ Uposatha
nên hành với vị ấy.
Điều được nghe tương tợ
với điều đã được nghe,
điều được nghe phù hợp
với điều đã được nghe,
do điều đã được nghe
bị nghi không thanh tịnh
dẫu rằng không vi phạm;
người ấy do thú nhận
lễ Uposatha
nên hành với vị ấy.
Điều cảm nhận tương tợ
với điều được cảm nhận,
điều cảm nhận phù hợp
với điều được cảm nhận,
do điều được cảm nhận
bị nghi không thanh tịnh
dẫu rằng không vi phạm;
người ấy do thú nhận
lễ Uposatha
nên hành với vị ấy.
[1079] Việc gì là đầu tiên, việc gì là ở giữa, việc gì là kết cuộc của sự cáo tội?
- Hành động thỉnh ý là đầu tiên, sự tiến hành là ở giữa, sự dàn xếp là kết cuộc của sự cáo tội.
Có bao nhiêu căn nguyên, có bao nhiêu sự việc, có bao nhiêu nền tảng của sự cáo tội? Vị cáo tội với bao nhiêu hình thức?
- Có hai căn nguyên, có ba sự việc, có năm nền tảng của sự cáo tội. Vị cáo tội với hai hình thức.
Hai căn nguyên của sự cáo tội là gì?
- Có nguyên cớ hoặc không có nguyên cớ. Đây là hai căn nguyên của sự cáo tội.
Ba sự việc của sự cáo tội là gì?
- Do đã được thấy, do đã được nghe, do sự nghi ngờ. Đây là ba sự việc của sự cáo tội.
Năm nền tảng của sự cáo tội là gì?
- “Tôi sẽ nói đúng thời không phải không đúng thời; tôi sẽ nói với sự thật không phải với sự không thật; tôi sẽ nói mềm mỏng không thô lỗ; tôi sẽ nói có liên hệ đến mục đích không phải không liên hệ đến mục đích; tôi sẽ nói với tâm từ không phải với nội tâm có sân hận.” Đây là năm nền tảng của sự cáo tội.
Vị cáo tội với hai hình thức gì?
- Vị cáo tội bằng thân hoặc là cáo tội bằng khẩu. Vị cáo tội với hai hình thức này.
[1080] Vị cáo tội nên thực hành thế nào? Vị bị cáo tội nên thực hành thế nào? Hội chúng nên thực hành thế nào? Vị xét xử nên thực hành thế nào?
Vị cáo tội nên thực hành thế nào?
- Vị cáo tội nên cáo tội vị khác sau khi đã an trú trong năm pháp: “Tôi sẽ nói đúng thời không phải không đúng thời; tôi sẽ nói với sự thật không phải với sự không thật; tôi sẽ nói mềm mỏng không thô lỗ; tôi sẽ nói có liên hệ đến mục đích không phải không liên hệ đến mục đích; tôi sẽ nói với tâm từ không phải với nội tâm có sân hận.” Vị cáo tội nên thực hành như thế.
Vị bị cáo tội nên thực hành thế nào?
- Vị bị cáo tội nên an trú trong hai pháp: trong sự chân thật và trong sự không nổi giận. Vị bị cáo tội nên thực hành như thế.
Hội chúng nên thực hành thế nào?
- Hội chúng nên biết điều gì đã được nói ra và chưa được nói ra. Hội chúng nên thực hành như thế.
Vị xét xử nên thực hành thế nào?
- Sự tranh tụng ấy được giải quyết với Pháp nào, với Luật nào, với lời dạy nào của bậc Đạo Sư, vị xét xử nên giải quyết sự tranh tụng ấy theo như thế. Vị xét xử nên thực hành như thế.
[1081]
Lễ
Uposatha
do bởi mục đích gì?
Lễ Pavāraṇā
có nguyên nhân là gì?
Phạt parivāsa
do bởi mục đích gì?
Việc trở lại từ đầu
có nguyên nhân là gì?
Hành phạt mānatta
do bởi mục đích gì?
Việc giải tội (phục hồi)
có nguyên nhân là gì?
– Lễ Uposatha
nhằm mục đích hợp nhất.
Lễ Pavāraṇā
nhằm mục đích thanh tịnh.
Phạt parivāsa
để hành mānatta.
Việc trở lại từ đầu
nhằm mục đích kềm chế.
Hành phạt mānatta
nhằm mục đích giải tội.
Việc giải tội (phục hồi)
nhằm mục đích thanh tịnh.
Vì ưa thích, sân hận,
vì sợ hãi, si mê,
sỉ nhục các trưởng lão
khi tan rã xác thân,
trở thành kẻ trí tồi,
tự mình chôn lấy mình,
các giác quan hư hoại,
không tôn kính học tập
kẻ khờ đi địa ngục.
Không nương tựa tài vật
và chẳng nương nhờ người,
sau khi đã buông bỏ
luôn cả hai điều này
Pháp bảo như thế nào
thực hành như thế ấy.
Vị sỉ nhục giận dữ,
thù hằn, và ác độc,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Nói thì thầm bên tai,
tầm cầu điều hư hỏng,
bỏ lơ điều xét đoán,
hành theo đường sai trái,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Vị cáo tội sái thời,
không phải là sự thật,
với (lời nói) thô lỗ,
không liên hệ mục đích,
với nội tâm sân hận
cáo tội không tâm từ,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Đúng Pháp, và sai Pháp,
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
đúng Pháp, và sai Pháp,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Đúng Luật, và sai Luật,
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
đúng Luật, và sai Luật,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Điều đã nói, chưa nói
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
điều đã hoặc chưa nói,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Tập quán, không tập quán
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
tập quán, không tập quán,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Quy định, chưa quy định
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
quy định, chưa quy định,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Phạm tội, không phạm tội
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
phạm tội, không phạm tội,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Tội nhẹ, hay tội nặng
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
tội nhẹ, hay tội nặng,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Dư sót, không dư sót
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
dư sót, không dư sót,,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Xấu xa, không xấu xa
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
xấu xa, không xấu xa,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Việc trước, hoặc việc sau
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
việc trước, hoặc việc sau,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Cách phát biểu mạch lạc,
vị ấy không biết đến
và cũng không rành rẽ
cách phát biểu mạch lạc,
vu cáo rằng: “Có tội”
với vị không phạm tội,
kẻ cáo tội như thế
tự thiêu đốt chính mình.
Dứt Chương Cáo Tội.
Tóm lược chương này:
[1082]
Cáo tội
và xét xử,
việc đầu tiên, căn nguyên,
lễ Uposatha,
cảnh giới ngày vị lai,
lời dạy được duy trì
ở trong Chương Cáo Tội.
*******
-ooOoo-
Ðầu trang | Mục
lục | 01a | 01b |
01c | 01d |
02a | 02b |
03 | 04 | 05 |
06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19
Chân thành cám ơn Tỳ khưu
Indacanda Nguyệt Thiên đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 05-2005)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 06-06-2005