Tạng Luật
Vinayapitaka

Bộ Tập Yếu
Parivāra

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch
2004


XIX. NĂM PHẦN

[1340] Bốn loại hành sự: hành sự công bố, hành sự với lời thông báo, hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì, hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư. Bốn loại hành sự này bị hư hỏng vì bao nhiêu nguyên nhân?

- Bốn loại hành sự này bị hư hỏng vì năm nguyên nhân: hoặc là vì sự việc, hoặc là vì lời đề nghị, hoặc là vì lời thông báo, hoặc là vì ranh giới (sīmā), hoặc là vì tập thể.

[1341] Thế nào là các hành sự bị hư hỏng vì sự việc?

- Vị thực hiện loại hành sự nên được thực hiện với sự có mặt theo lối vắng mặt; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Thực hiện loại hành sự nên được thực hiện với sự thẩm vấn theo lối không có sự thẩm vấn; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Thực hiện loại hành sự nên được thực hiện với sự thú nhận theo lối không có sự thú nhận; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Thực hiện hành sự theo tội của vị ấy đối với vị xứng đáng cách hành xử Luật khi không điên cuồng; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Thực hiện hành sự khiển trách đối với vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Thực hiện hành sự chỉ dạy đối với vị xứng đáng hành sự khiển trách; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Thực hiện hành sự xua đuổi đối với vị xứng đáng hành sự chỉ dạy; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Thực hiện hành sự hòa giải đối với vị xứng đáng hành sự xua đuổi; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Thực hiện hành sự án treo đối với vị xứng đáng hành sự hòa giải; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng hành sự án treo; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho thực hành lại từ đầu vị xứng đáng hành phạt parivāsa; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng sự thực hành lại từ đầu; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Giải tội vị xứng đáng hành phạt mānatta; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên vị xứng đáng sự giải tội; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Thực hiện lễ Uposatha không vào ngày Uposatha; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Thực hiện lễ Pavāraṇā không vào ngày Pavāraṇā; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Như vậy là các hành sự bị hư hỏng vì sự việc.

[1342] Thế nào là các hành sự bị hư hỏng vì lời đề nghị?

- Các hành sự bị hư hỏng vì lời đề nghị bởi năm nguyên nhân: không đề cập đến sự việc, không đề cập đến hội chúng, không đề cập đến nhân sự, không đề cập đến lời đề nghị, hoặc là xác định lời đề nghị sau. Các hành sự bị hư hỏng vì lời đề nghị bởi năm nguyên nhân này.

[1343] Thế nào là các hành sự bị hư hỏng vì lời thông báo?

- Các hành sự bị hư hỏng vì lời thông báo bởi năm nguyên nhân: không đề cập đến sự việc, không đề cập đến hội chúng, không đề cập đến nhân sự, bỏ bớt phần thông báo, hoặc là thông báo không đúng thời. Các hành sự bị hư hỏng vì lời thông báo bởi năm nguyên nhân này.

[1344] Thế nào là các hành sự bị hư hỏng vì ranh giới?

- Các hành sự bị hư hỏng vì ranh giới bởi mười một nguyên nhân: thỏa thuận ranh giới quá nhỏ, thỏa thuận ranh giới quá lớn, thỏa thuận ranh giới có điểm mốc bị gián đoạn, thỏa thuận ranh giới có điểm mốc là bóng râm, thỏa thuận ranh giới không có điểm mốc, thỏa thuận ranh giới khi đứng ở ngoài ranh giới, thỏa thuận ranh giới ở trong giòng sông, thỏa thuận ranh giới ở trong biển cả, thỏa thuận ranh giới ở trong hồ thiên nhiên, gối ranh giới (mới) lên ranh giới (cũ), trùm ranh giới (mới) lên ranh giới (cũ). Các hành sự bị hư hỏng vì ranh giới bởi mười một nguyên nhân này.

[1345] Thế nào là các hành sự bị hư hỏng vì tập thể?

- Các hành sự bị hư hỏng vì tập thể bởi mười hai nguyên nhân: trong hành sự là công việc của nhóm bốn vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự (kammappattā) các vị ấy không đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối; trong hành sự là công việc của nhóm bốn vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối; trong hành sự là công việc của nhóm bốn vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện phản đối; trong hành sự là công việc của nhóm năm vị, ...(như trên)... trong hành sự là công việc của nhóm mười vị, ...(như trên)... trong hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy không đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối; trong hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối; trong hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện phản đối. Các hành sự bị hư hỏng vì tập thể bởi mười hai nguyên nhân này.

[1346] Trong hành sự là công việc của nhóm bốn vị, bốn vị tỳ khưu trong sạch là thiết yếu đối với hành sự, các vị trong sạch còn lại là xứng đáng sự tùy thuận. Hội chúng thực thi hành sự cho vị nào, vị ấy là không thiết yếu đối với hành sự và cũng không xứng đáng sự tùy thuận, tuy nhiên xứng đáng với hành sự. Trong hành sự là công việc của nhóm năm vị, năm vị tỳ khưu trong sạch là thiết yếu đối với hành sự, các vị trong sạch còn lại là xứng đáng sự tùy thuận. Hội chúng thực thi hành sự cho vị nào, vị ấy là không thiết yếu đối với hành sự và cũng không xứng đáng sự tùy thuận, tuy nhiên xứng đáng với hành sự. Trong hành sự là công việc của nhóm mười vị, mười vị tỳ khưu trong sạch là thiết yếu đối với hành sự, các vị trong sạch còn lại là xứng đáng sự tùy thuận. Hội chúng thực thi hành sự cho vị nào, vị ấy là không thiết yếu đối với hành sự và cũng không xứng đáng sự tùy thuận, tuy nhiên xứng đáng với hành sự. Trong hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị, hai mươi vị tỳ khưu trong sạch là thiết yếu đối với hành sự, các vị trong sạch còn lại là xứng đáng sự tùy thuận. Hội chúng thực thi hành sự cho vị nào, vị ấy là không thiết yếu đối với hành sự và cũng không xứng đáng sự tùy thuận, tuy nhiên xứng đáng với hành sự.

[1347] Bốn loại hành sự: hành sự công bố, hành sự với lời thông báo, hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì, hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư. Bốn loại hành sự này bị hư hỏng vì bao nhiêu nguyên nhân?

- Bốn loại hành sự này bị hư hỏng vì năm nguyên nhân: hoặc là vì sự việc, hoặc là vì lời đề nghị, hoặc là vì lời thông báo, hoặc là vì ranh giới (sīmā), hoặc là vì tập thể.

[1348] Thế nào là các hành sự bị hư hỏng vì sự việc?

- Cho tu lên bậc trên kẻ vô căn; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu); (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên kẻ đã chuyển sang ngoại đạo; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên loài thú; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên kẻ giết mẹ; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên kẻ giết cha; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên kẻ giết A-la-hán; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên kẻ chia rẽ hội chúng; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên kẻ làm (đức Phật) chảy máu; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên kẻ lưỡng căn; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Cho tu lên bậc trên người chưa đủ hai mươi tuổi; (hành sự) bị hư hỏng vì sự việc là hành sự sai pháp. Như vậy là các hành sự bị hư hỏng vì sự việc.

[1349] Thế nào là các hành sự bị hư hỏng vì lời đề nghị?

- Các hành sự bị hư hỏng vì lời đề nghị bởi năm nguyên nhân: không đề cập đến sự việc, không đề cập đến hội chúng, không đề cập đến nhân sự, không đề cập đến lời đề nghị, hoặc là xác định lời đề nghị sau. Các hành sự bị hư hỏng vì lời đề nghị bởi năm nguyên nhân này.

[1350] Thế nào là các hành sự bị hư hỏng vì lời thông báo?

- Các hành sự bị hư hỏng vì lời thông báo bởi năm nguyên nhân: không đề cập đến sự việc, không đề cập đến hội chúng, không đề cập đến nhân sự, bỏ bớt phần thông báo, hoặc là thông báo không đúng thời. Các hành sự bị hư hỏng vì lời thông báo bởi năm nguyên nhân này.

[1351] Thế nào là các hành sự bị hư hỏng vì ranh giới?

- Các hành sự bị hư hỏng vì ranh giới bởi mười một nguyên nhân: thỏa thuận ranh giới quá nhỏ, thỏa thuận ranh giới quá lớn, thỏa thuận ranh giới có điểm mốc bị gián đoạn, thỏa thuận ranh giới có điểm mốc là bóng râm, thỏa thuận ranh giới không điểm mốc, thỏa thuận ranh giới trong khi đứng ở ngoài ranh giới, thỏa thuận ranh giới ở trong giòng sông, thỏa thuận ranh giới ở trong biển cả, thỏa thuận ranh giới ở trong hồ thiên nhiên, gối ranh giới (mới) lên ranh giới (cũ), trùm ranh giới (mới) lên ranh giới (cũ). Các hành sự bị hư hỏng vì ranh giới bởi mười một nguyên nhân này.

[1352] Thế nào là các hành sự bị hư hỏng vì tập thể?

- Các hành sự bị hư hỏng vì tập thể bởi mười hai nguyên nhân: trong hành sự là công việc của nhóm bốn vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy không đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối; trong hành sự là công việc của nhóm bốn vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối; trong hành sự là công việc của nhóm bốn vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện phản đối; trong hành sự là công việc của nhóm năm vị, ...(như trên)... trong hành sự là công việc của nhóm mười vị, ...(như trên)... trong hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy không đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối; trong hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối; trong hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị, toàn bộ các vị tỳ khưu thiết yếu đối với hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng sự tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện phản đối. Các hành sự bị hư hỏng vì tập thể bởi mười hai nguyên nhân này.

[1353] Hành sự công bố hành xử bao nhiêu trường hợp? Hành sự với lời thông báo hành xử bao nhiêu trường hợp? Hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì hành xử bao nhiêu trường hợp? Hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư hành xử bao nhiêu trường hợp?

- Hành sự công bố hành xử năm trường hợp. Hành sự với lời thông báo hành xử chín trường hợp. Hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì hành xử bảy trường hợp. Hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư hành xử bảy trường hợp.

[1354] Hành sự công bố hành xử năm trường hợp nào?

- Sự phục hồi, sự đuổi đi, [1] hành sự cạo tóc (bhaṇḍukamma), hành phạt Brahma (Phạm Đàn), và hành sự có sự khác biệt về tướng trạng là thứ năm.[2] Hành sự công bố hành xử năm trường hợp này.

[1355] Hành sự với lời thông báo hành xử chín trường hợp nào?

- Sự phục hồi,[3] sự đuổi đi,[4] lễ Uposatha,[5] lễ Pavāraṇā, sự đồng ý,[6] sự cho lại,[7] sự ghi nhận (tội),[8] việc dời lui (ngày lễ Pavāraṇā), và hành sự có sự khác biệt về tướng trạng là thứ chín.[9] Hành sự với lời thông báo hành xử chín trường hợp này.

[1356] Hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì hành xử bảy trường hợp nào?

- Sự phục hồi, sự đuổi đi,[10] sự đồng ý,[11] sự ban cho,[12] sự thâu hồi (Kaṭhina), sự xác định (nền đất),[13] và hành sự có sự khác biệt về tướng trạng là thứ bảy.[14] Hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì hành xử bảy trường hợp này.

[1357] Hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư hành xử bảy trường hợp nào?

- Sự phục hồi, sự đuổi đi, sự đồng ý, sự ban cho, sự kềm chế, sự nhắc nhở, và hành sự có sự khác biệt về tướng trạng là thứ bảy.[15] Hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư hành xử bảy trường hợp này.

[1358] Trong hành sự là công việc của nhóm bốn vị, bốn vị tỳ khưu trong sạch là thiết yếu đối với hành sự, các vị trong sạch còn lại là xứng đáng sự tùy thuận. Hội chúng thực thi hành sự cho vị nào, vị ấy là không thiết yếu đối với hành sự và cũng không xứng đáng sự tùy thuận, tuy nhiên xứng đáng với hành sự. Trong hành sự là công việc của nhóm năm vị, ...(như trên)... Trong hành sự là công việc của nhóm mười vị, ...(như trên)... Trong hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị, hai mươi vị tỳ khưu trong sạch là thiết yếu đối với hành sự, các vị trong sạch còn lại là xứng đáng sự tùy thuận. Hội chúng thực thi hành sự cho vị nào, vị ấy là không thiết yếu đối với hành sự và cũng không xứng đáng sự tùy thuận, tuy nhiên xứng đáng với hành sự.

Dứt phần Hành Sự là phần thứ nhất.

[1359] Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm sự an lạc cho hội chúng. Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm việc trấn áp những nhân vật ác xấu, nhằm sự lạc trú của các tỳ khưu hiền thiện. Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai. Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm ngăn ngừa các sự oán hận trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các sự oán hận trong tương lai. Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm ngăn ngừa các lỗi lầm trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lỗi lầm trong tương lai. Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm ngăn ngừa các sự sợ hãi trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các sự sợ hãi trong tương lai. Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm ngăn ngừa các pháp bất thiện trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các pháp bất thiện trong tương lai. Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: vì lòng thương tưởng hàng tại gia, nhằm tách rời các nhóm của những kẻ ác xấu. Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, và nhằm sự hỗ trợ Luật. Đấng Như Lai quy định điều học cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Dứt phần Điều Lợi Ích là phần thứ nhì.

[1360] Giới bổn Pātimokkha được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: ...(như trên)... Sự đọc tụng giới bổn Pātimokkha được quy định ... Sự đình chỉ giới bổn Pātimokkha được quy định ... Lễ Pavāraṇā được quy định ... Sự đình chỉ lễ Pavāraṇā được quy định ... Hành sự khiển trách được quy định ... Hành sự chỉ dạy được quy định ... Hành sự xua đuổi được quy định ... Hành sự hòa giải được quy định ... Hành sự án treo được quy định ... Sự ban cho hành phạt parivāsa được quy định ... Sự cho thực hành lại từ đầu được quy định ... Sự ban cho hành phạt mānatta được quy định ... Sự giải tội được quy định ... Sự phục hồi được quy định ... Sự đuổi đi được quy định ... Sự tu lên bậc trên được quy định ... Hành sự công bố được quy định ... Hành sự với lời thông báo được quy định ... Hành sự với lời thông báo đến lần thứ nhì được quy định ... Hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư được quy định ...(như trên)...

Dứt phần Sự Quy Định là phần thứ ba.

[1361] Điều đã được quy định ở điều chưa được quy định, điều đã được quy định thêm ở điều đã được quy định ...(như trên)... Cách hành xử Luật với sự hiện diện đã được quy định ...(như trên)... Cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đã được quy định ...(như trên)... Cách hành xử Luật khi không điên cuồng đã được quy định ...(như trên)... Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận đã được quy định ...(như trên)... Thuận theo số đông đã được quy định ...(như trên)... Theo tội của vị ấy đã được quy định ...(như trên)... Cách dùng cỏ che lấp đã được quy định nhằm sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm sự an lạc cho hội chúng. Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm việc trấn áp những nhân vật ác xấu, nhằm sự lạc trú của các tỳ khưu hiền thiện. Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai. Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm ngăn ngừa các sự oán hận trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các sự oán hận trong tương lai. Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm ngăn ngừa các lỗi lầm trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lỗi lầm trong tương lai. Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm ngăn ngừa các sự sợ hãi trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các sự sợ hãi trong tương lai. Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm ngăn ngừa các pháp bất thiện trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các pháp bất thiện trong tương lai. Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: vì lòng thương tưởng hàng tại gia, nhằm tách rời các nhóm của những kẻ ác xấu. Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích: nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, và nhằm sự hỗ trợ Luật. Cách dùng cỏ che lấp đã được đấng Như Lai quy định cho các đệ tử vì hai điều lợi ích này.

Dứt phần Đã Được Quy Định là phần thứ tư.

[1362] Chín cách xếp loại: xếp loại theo sự việc, xếp loại theo sự hư hỏng, xếp loại theo tội, xếp loại theo duyên khởi, xếp loại theo nhân sự, xếp loại theo nhóm, xếp loại theo nguồn sanh tội, xếp loại theo sự tranh tụng, xếp loại theo sự dàn xếp.

[1363] Khi sự tranh tụng sanh khởi, nếu cả hai phe đối địch của sự kiện đều đi đến, sự việc nên được công bố cho cả hai bên; sau khi sự việc đã được công bố cho cả hai bên, sự thừa nhận của cả hai bên nên được lắng nghe; sau khi đã lắng nghe sự thừa nhận của cả hai bên, cả hai bên nên được nói rằng: “Khi sự tranh tụng này của chúng ta được giải quyết, cả hai bên sẽ được hoan hỷ.” Nếu cả hai bên nói rằng: “Chúng tôi sẽ hoan hỷ,” hội chúng nên gánh vác sự tranh tụng ấy. Nếu tập thể có đông kẻ vô liêm sỉ, nên giải quyết bằng đại biểu. Nếu tập thể có đông kẻ ngu dốt, nên tìm kiếm vị rành rẽ về Luật. Sự tranh tụng ấy được giải quyết bằng Pháp nào bằng Luật nào bằng lời dạy nào của bậc Đạo Sư, thì sự tranh tụng ấy nên được giải quyết theo như thế ấy.

[1364] Cần hiểu biết về sự việc. Cần hiểu biết về thể loại. Cần hiểu biết về tên gọi. Cần hiểu biết về tội vi phạm. “Việc đôi lứa” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Pārājika” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Lấy vật không được cho” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Pārājika” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Mạng sống con người” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Pārājika” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Pháp Thượng nhân” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Pārājika” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Sự xuất ra tinh dịch” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Sự xúc chạm cơ thể” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Lời nói dâm dục” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Tình dục cho bản thân” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Sự mai mối” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Việc cho xây dựng cốc liêu do tự mình yêu cầu (vật liệu)” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Việc cho xây dựng trú xá lớn” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Việc bôi nhọ tỳ khưu về tội pārājika không có nguyên cớ” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Việc bôi nhọ tỳ khưu về tội pārājika sau khi nắm lấy sự kiện nào đó chỉ là nhỏ nhặt thuộc về cuộc tranh tụng có quan hệ khác biệt” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Việc không dứt bỏ với sự nhắc nhở đến lần thứ ba của vị tỳ khưu là người chia rẽ hội chúng” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Việc không dứt bỏ với sự nhắc nhở đến lần thứ ba của các vị tỳ khưu là những người ủng hộ kẻ chia rẽ (hội chúng)” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Việc không dứt bỏ với sự nhắc nhở đến lần thứ ba của vị tỳ khưu khó dạy” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. “Việc không dứt bỏ với sự nhắc nhở đến lần thứ ba của vị tỳ khưu là kẻ làm hư hỏng các gia đình” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Saṅghādisesa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm. ...(như trên)... “Việc đại tiện, hoặc tiểu tiện, hoặc khạc nhổ vào trong nước do không có sự tôn trọng” vừa là sự việc vừa là thể loại. “Dukkaṭa” vừa là tên gọi vừa là tội vi phạm.

Dứt phần Chín Cách Xếp Loại là phần thứ năm.

Tóm lược chương này:

[1365]

Công bố, và thông báo,
thứ nhì, và thứ tư,,
sự việc, lời đề nghị,
lời thông báo, ranh giới,
và cả tập thể nữa.
Hiện diện, và thẩm vấn,
thú nhận, xứng đáng Luật.
Sự việc, và hội chúng,
nhân sự, (thiếu) đề nghị,
lập lời đề nghị sau.
Sự việc, hội chúng, người,
thông báo, và sái thời.
Quá nhỏ, và lớn rộng,
các điểm mốc gián đoạn,
bóng râm, ở bên ngoài,
giòng sông, và biển cả,
hồ nước, và gối lên,
trùm lên ranh giới (cũ).
Các nhóm bốn và năm,
nhóm mười, và hai mươi,
không đem, đã đem lại,
thiết yếu với hành sự,
xứng đáng gởi tùy thuận,
người xứng đáng hành sự.
Công bố năm trường hợp,
thông báo chín trường hợp,
thông báo đến lần hai
có đến bảy trường hợp,
lần tư bảy trường hợp.
Sự tốt đẹp, an lạc,
kẻ ác xấu, hiền thiện,
và cả các lậu hoặc,
oán hận, và lỗi lầm,
và cả sự sợ hãi,
bất thiện, hàng tại gia,
ác xấu, không niềm tin,
đã có được đức tin,
sự tồn tại Chánh Pháp,
và sự hỗ trợ Luật,
việc đọc tụng giới bổn
Pātimokkha nữa,
Và về sự thiết lập
giới Pātimokkha,
thiết lập lễ Tự Tứ,
khiển trách, và chỉ dạy,
xua đuổi, và hòa giải,
án treo, và hành phạt
tên parivāsa,
từ đầu, mānatta,
việc giải tội, phục hồi,
đuổi đi, cũng như thế
việc tu lên bậc trên,
công bố, và thông báo,
thứ nhì, và thứ tư.
Điều chưa được quy định,
điều được quy định thêm,
Luật hiện diện, ghi nhớ,
không điên, được thừa nhận,
thuận số đông, theo tội,
cách dùng cỏ che lấp.
Sự việc, điều hư hỏng,
tội phạm, sự mở đầu,
với nhân sự, và nhóm,
luôn cả nguồn sanh khởi,
và sự tranh tụng nữa,
dàn xếp, và xếp loại,
tên và tội tương tợ.

Tập Yếu được chấm dứt.

*******

Sau khi hỏi đường lối
các vị thầy tiền bối
ờ nơi nầy nơi khác,
bậc có đại trí tuệ
tên gọi là Dīpa
ghi nhớ điều đã nghe,
có tầm nhìn bao quát
suy nghĩ rồi ghi lại
tóm lược chi tiết này
đem lại niềm an lạc
cho những ai học hành
bằng đường lối học tập
theo phương thức trung gian;
tập ấy được gọi là
“Bộ Parivāra.”
Tất cả các sự việc,
cùng với điểm đặc biệt,
ý nghĩa theo ý nghĩa
đều ở trong Chánh Pháp,
giáo lý theo giáo lý
ở trong điều quy định.
Trải đều khắp lời dạy
như biển cả bao quanh
xứ Jambūdīpa,
hiểu được bộ Tập Yếu
xác định pháp từ đâu,
điều hư hỏng, sự việc,
quy định, quy định thêm,
nhân vật, một hội chúng,
và luôn cả hai bên,
xuất phát từ lỗi lầm
phổ biến trong thế gian.
Ai hoài nghi sanh khởi
dứt bỏ nhờ Tập Yếu,
như vua Chuyển Luân Vương
giữa đoàn quân vĩ đại,
sư tử giữa bầy nai,
mặt trời tỏa ánh sáng,
như trăng giữa đám sao,
như vị Đại Phạm Thiên
giữa tập thể Phạm Thiên,
như là vị lãnh đạo
ở giữa đám đông người;
cũng tương tợ như thế,
Chánh Pháp và Luật này
chói sáng nhờ Tập Yếu.

*******


[1] Ngài Buddhaghosa đề cập đến trường hợp “đuổi đi” sa di Kantaka trong phần sự việc ở điều pācittiya 70, sau đó thâu nhận lại là trường hợp “phục hồi.” Hiện nay, được áp dụng cho vị sa di chê bai đức Phật, chê bai Giáo Pháp, chê bai Hội chúng, tuyên bố về điều không được phép là được phép, v.v...

[2] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng hành sự của các tỳ khưu ni đối với vị tỳ khưu có những hành động khiếm nhã như rảy nước, mở ra cho thấy thân thể, cho thấy đùi, v.v... là loại hành sự này.

[3] Ngài Buddhaghosa nói đến trường hợp vị tỳ khưu ācāriya sau khi giảng giải về các pháp chướng ngại trong hành sự tu lên bậc trên cho giới tử rồi gọi người ấy đi vào trong hội chúng để cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên: “Suṇātu me bhante saṅgho, itthannāmo itthannāmassa āyasmato upasampadāpekkho, anusiṭṭho so mayā. yadi saṅghassa pattakallaṃ, itthannāmo āgaccheyyāti, ‘āgacchāhīti’ vattabbo” (Đại Phẩm – Mahāvagga, chương I, [142]).

[4] Ngài Buddhaghosa giải thích sự đuổi đi là trong khi đang phán xét sự tranh tụng bằng lối đại biểu, các vị tỳ khưu dùng lời thông báo để mời ra vị tỳ khưu là Pháp sư nhưng kiến thức của chính vị ấy không được truyền thừa, không biết sự phân tích về giới bổn, v.v... (Sđd., chương IV, [678]).

[5] Ngài Buddhaghosa nói về hành sự trong ngày lễ Uposatha với tuyên ngôn: “Suṇātu me bhante saṅgho, ajj’uposatho paṇṇaraso. Yadi saṅghassa pattakallaṃ, saṇgho uposathaṃ kareyyāti.” Tương tợ cho trường hợp lễ Pavāraṇā.

[6] Ngài Buddhaghosa cho ví dụ về trường hợp hai vị tỳ khưu thỉnh cầu sự đồng ý của hội chúng để hỏi và đáp về Luật trong ngày lễ Uposatha, v.v...

[7] Ngài Buddhaghosa giải thích là hành sự với tuyên ngôn cho lại y trong trường hợp sám hối tội nissaggiya pācittiya.

[8] Ngài Buddhaghosa giải thích là trường hợp vị tỳ khưu đại diện hội chúng để ghi nhận tội cho vị tỳ khưu đã phạm tội sám hối trước hội chúng.

[9] Ngài Buddhaghosa đề cập đến trường hợp sám hối tội bằng cách dùng cỏ che lấp, có tuyên ngôn của hành sự như sau: “... ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ (Sđd., [691]).

[10] Ngài Buddhaghosa đề cập đến trường hợp úp ngược và mở ra bình bát đối với Vaḍḍha Licchavī (Sđd., chương V, [112-118]).

[11] Ngài Buddhaghosa nêu lên các trường hợp như sau: Sự đồng ý về ranh giới không phạm tội vì xa lìa ba y, sự đồng ý về ngọa cụ, sự đồng ý về vị phân phối chỗ trú ngụ, v.v...

[12] Ngài Buddhaghosa đề cập đến trường hợp hành sự giao y Kaṭhina hoặc trao quyền thừa kế y của vị đã chết.

[13] Liên quan đến điều saṅghādisesa 6 và 7 của tỳ khưu về việc xây dựng cốc liêu và trú xá lớn.

[14] Ngài Buddhaghosa nói về sự dàn xếp bằng cách dùng cỏ che lấp có tuyên ngôn hành sự chung cho hội chúng sau khi hai vị tỳ khưu đại diện cho hai phe đã sám hối tội của phe mình (Sđd., chương IV, [693]).

[15] Ngài Buddhaghosa đề cập đến bảy loại hành sự bắt đầu là hành sự khiển trách, v.v... cho hai sự việc đầu, sự đống ý là sự đồng ý về việc giáo giới tỳ khưu ni, sự ban cho là ban cho hành phạt parivāsa và hành phạt mānatta, sự kềm chế là việc cho thực hành lại từ đầu, sự nhắc nhở là các trường hợp nhắc nhở đến lần thứ ba được đề cập trong một số điều học, và đặc tính trong hành sự là nói về hành sự tu lên bậc trên và hành sự giải tội.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 01c | 01d | 02a | 02b | 03 | 04 | 05 |
06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 05-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 06-06-2005