Tạng Luật
Vinaya Pitaka

Tiểu Phẩm
Cullavagga

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch


IV. CHƯƠNG DÀN XẾP
(SAMATHAKKHANDHAKAṂ)

1. HÀNH XỬ LUẬT VỚI SỰ HIỆN DIỆN (SAMMUKHĀVINAYO):

[585] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thực thi các hành sự khiển trách, chỉ dạy, xua đuổi, hòa giải, án treo đối với các vị tỳ khưu không có hiện diện. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại thực thi các hành sự khiển trách, chỉ dạy, xua đuổi, hòa giải, án treo cho các tỳ khưu không có hiện diện?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư thực thi các hành sự khiển trách, chỉ dạy, xua đuổi, hòa giải, án treo cho các tỳ khưu không có hiện diện, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, thật không đúng đắn cho những kẻ rồ dại ấy, thật không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm. Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại thực thi các hành sự khiển trách, chỉ dạy, xua đuổi, hòa giải, án treo cho các tỳ khưu không có hiện diện? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo cho các tỳ khưu không có hiện diện; vị nào thực thi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[586] Một người nói sai Pháp, nhiều người nói sai Pháp, hội chúng nói sai Pháp. Một người nói đúng Pháp, nhiều người nói đúng Pháp, hội chúng nói đúng Pháp.

[587] Một người nói sai Pháp khiến cho một người nói đúng Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết không đúng Pháp theo hình thức của cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Một người nói sai Pháp khiến cho nhiều người nói đúng Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết không đúng Pháp theo hình thức của cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Một người nói sai Pháp khiến cho hội chúng nói đúng Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết không đúng Pháp theo hình thức của cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Nhiều người nói sai Pháp khiến cho một người nói đúng Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết không đúng Pháp theo hình thức của cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Nhiều người nói sai Pháp khiến cho nhiều người nói đúng Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết không đúng Pháp theo hình thức của cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Nhiều người nói sai Pháp khiến cho hội chúng nói đúng Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết không đúng Pháp theo hình thức của cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Hội chúng nói sai Pháp khiến cho một người nói đúng Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết không đúng Pháp theo hình thức của cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Hội chúng nói sai Pháp khiến cho nhiều người nói đúng Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết không đúng Pháp theo hình thức của cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Hội chúng nói sai Pháp khiến cho hội chúng nói đúng Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết không đúng Pháp theo hình thức của cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Dứt chín trường hợp của nửa phần tối.

[588] Một người nói đúng Pháp khiến cho một người nói sai Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết đúng Pháp theo cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Một người nói đúng Pháp khiến cho nhiều người nói sai Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết đúng Pháp theo cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Một người nói đúng Pháp khiến cho hội chúng nói sai Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết đúng Pháp theo cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Nhiều người nói đúng Pháp khiến cho một người nói sai Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết đúng Pháp theo cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Nhiều người nói đúng Pháp khiến cho nhiều người nói sai Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết đúng Pháp theo cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Nhiều người nói đúng Pháp khiến cho hội chúng nói sai Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết đúng Pháp theo cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Hội chúng nói đúng Pháp khiến cho một người nói sai Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết đúng Pháp theo cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Hội chúng nói đúng Pháp khiến cho nhiều người nói sai Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết đúng Pháp theo cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Hội chúng nói đúng Pháp khiến cho hội chúng nói sai Pháp biết được, khiến cho nhận thức được, khiến cho thấy được, khiến cho thấy rõ, khiến cho hiểu được, khiến cho hiểu rõ: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư, hãy chọn lấy điều này, hãy chấp nhận điều này.” Nếu sự tranh tụng ấy được giải quyết như thế là được giải quyết đúng Pháp theo cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Dứt chín trường hợp của nửa phần sáng.

2. HÀNH XỬ LUẬT BẰNG SỰ GHI NHỚ (SATIVINAYO):

[589] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Rājagaha, Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, phẩm vị A-la-hán đã được đại đức Dabba Mallaputta chứng đạt vào lúc bảy tuổi. Vị ấy đã thành đạt tất cả những gì vị đệ tử cần phải chứng đạt. Và đối với vị ấy, không có bất cứ việc gì cao thượng hơn cần phải làm hoặc sự tích lũy thêm (các việc) đã làm.

[590] Khi ấy, đại đức Dabba Mallaputta trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Phẩm vị A-la-hán đã được ta chứng đạt vào lúc bảy tuổi. Ta đã thành đạt tất cả những gì vị đệ tử cần phải chứng đạt. Và đối với ta, không có bất cứ việc gì cao thượng hơn cần phải làm hoặc sự tích lũy thêm (các việc) đã làm. Vậy ta nên thực hiện việc phục vụ gì cho hội chúng?” Rồi điều này đã khởi đến cho đại đức Dabba Mallaputta: “Hay là ta nên phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng?”

[591] Sau đó vào buổi tối, đại đức Dabba Mallaputta đã xuất khỏi thiền tịnh và đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Dabba Mallaputta đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, trường hợp con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Phẩm vị A-la-hán đã được ta chứng đạt vào lúc bảy tuổi. Ta đã thành đạt tất cả những gì vị đệ tử cần phải chứng đạt. Và đối với ta, không có bất cứ việc gì cao thượng hơn cần phải làm hoặc sự tích lũy thêm (các việc) đã làm. Vậy ta nên thực hiện việc phục vụ gì cho hội chúng?” Bạch ngài, rồi điều này đã khởi đến cho con: “Hay là ta nên phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng?” Bạch ngài, con muốn phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng.

- Này Dabba, tốt lắm, tốt lắm! Chính vì điều ấy ngươi hãy phân bố chỗ cư ngụ và sắp xếp các bữa ăn cho hội chúng.

- Bạch ngài, xin vâng. Đại đức Dabba Mallaputta đã đáp lời đức Thế Tôn.

[592] Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các vị tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hội chúng hãy chỉ định Dabba Mallaputta là vị phân bố chỗ trú ngụ và là vị sắp xếp các bữa ăn. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, Dabba cần được yêu cầu. Sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định đại đức Dabba Mallaputta là vị phân bố chỗ trú ngụ và là vị sắp xếp các bữa ăn. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định đại đức Dabba Mallaputta là vị phân bố chỗ trú ngụ và là vị sắp xếp các bữa ăn. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định đại đức Dabba Mallaputta là vị phân bố chỗ trú ngụ và là vị sắp xếp các bữa ăn xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Đại đức Dabba Mallaputta đã được hội chúng chỉ định là vị phân bố chỗ trú ngụ và là vị sắp xếp các bữa ăn. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[593] Và khi đã được chỉ định, đại đức Dabba Mallaputta phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu có cùng sở hành. Vị ấy phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu chuyên về Kinh (nghĩ rằng): “Các vị sẽ tụng đọc Kinh với nhau.” Vị ấy phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu rành rẽ về Luật (nghĩ rằng): “Các vị sẽ xác định về Luật với nhau.” Vị ấy phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu chuyên giảng Pháp (nghĩ rằng): “Các vị sẽ thảo luận về Pháp với nhau.” Vị ấy phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu chuyên thiền định (nghĩ rằng): “Các vị sẽ không quấy rầy lẫn nhau.” Vị ấy phân bố chỗ trú ngụ chung một khu vực cho các tỳ khưu chuyên nói chuyện thế tục, sinh hoạt có nhiều sự năng động về thân (nghĩ rằng): “Các đại đức này cũng sẽ yên ổn với thú vui ấy.” Còn các tỳ khưu đi đến vào buổi tối, vị ấy nhập thiền đề mục ánh sáng và phân bố chỗ trú ngụ cho các vị ấy bằng chính ánh sáng ấy. Cho nên các tỳ khưu cố ý đi đến vào buổi tối (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ chứng kiến sự kỳ diệu về thần thông của đại đức Dabba Mallaputta.” Sau khi đi đến gặp đại đức Dabba Mallaputta, các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức Dabba, hãy phân bố chỗ trú ngụ cho chúng tôi.

Đại đức Dabba Mallaputta nói với các vị ấy như vầy:

- Các đại đức thích chỗ nào? Tôi sẽ phân bố chỗ nào?

Các vị ấy cố ý đề cập các chỗ ở xa xôi:

- Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu). Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở khe núi Kẻ Cướp. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở sườn núi Isigili, chỗ tảng đá Đen. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở sườn núi Vebhāra, hang Sattapaṇṇa (Thất Diệp). Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở Sītavana (Hàn Lâm), động Sappasoṇḍika. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở hẽm núi Gomaṭa. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở hẽm núi Tiṇḍuka. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở hẽm núi Kapota. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở khu vườn Tapoda. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở vườn xoài của Jīvaka. Này đại đức Dabba, hãy phân bố cho chúng tôi chỗ trú ngụ ở Maddakucchi, nơi vườn nai.

Đối với các vị ấy, đại đức Dabba Mallaputta đã nhập thiền đề mục ánh sáng và đi ở phía trước với ngón tay được thắp sáng. Chính nhờ ánh sáng ấy, các vị ấy đi theo sát ở phía sau đại đức Dabba Mallaputta. Đại đức Dabba Mallaputta phân bố chỗ trú ngụ cho các vị ấy như vầy:

- Đây là giường, đây là ghế, đây là nệm, đây là gối, đây là chỗ tiêu, đây là chỗ tiểu, đây là nước uống, đây là nước rửa, đây là gậy chống, đây là qui định của hội chúng: “Giờ này có thể đi vào. Giờ này có thể đi ra.”

Sau khi đã phân bố chỗ trú ngụ cho các vị ấy như thế, đại đức Daba Mallaputta quay trở về lại Veḷuvana.

[594] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka [1] chỉ là các vị mới tu và phước báu ít ỏi. Các vị ấy thường nhận được những chỗ trú ngụ kém thuộc về hội chúng và những bữa ăn tồi. Vào lúc bấy giờ, dân chúng ở Rājagaha mong muốn cúng dường đến các tỳ khưu trưởng lão thức ăn được chuẩn bị hoàn hảo gồm có bơ lỏng, dầu ăn, phần ăn ngon, và thường dâng đến các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka vật bình thường theo khả năng gồm có cơm tấm và món thứ hai là cháo chua. Các vị ấy khi đi thọ thực về sau bữa ăn thường hỏi các tỳ khưu trưởng lão rằng:

- Này các đại đức, trong nhà ăn các vị đã có thức gì? Các vị đã không có thức gì?

Một số trưởng lão trả lời như vầy:

- Này các đại đức, chúng tôi có bơ lỏng, có dầu ăn, có phần ăn ngon.

Các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka nói như vầy:

- Này các đại đức, chúng tôi đã không được gì cả, chỉ là vật bình thường theo khả năng gồm có cơm tấm và món thứ hai là cháo chua.

[595] Vào lúc bấy giờ, có vị gia chủ là người có bữa ăn ngon thường cúng dường đến hội chúng bữa ăn gồm bốn phần là bữa ăn thường lệ. Vị ấy cùng vợ và các con thường hiện diện và phục vụ ở nhà ăn. Họ dâng các vị này cơm, dâng các vị kia canh, dâng các vị nọ dầu ăn, và dâng các vị khác phần ăn ngon.

[596] Vào lúc bấy giờ, bữa ăn vào ngày hôm sau của vị gia chủ có bữa ăn ngon đã được sắp xếp cho các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka. Hôm ấy, vị gia chủ có bữa ăn ngon đã đi đến tu viện do công việc cần làm nào đó. Vị ấy đã đi đến gặp đại đức Dabba Mallaputta, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Dabba Mallaputta rồi ngồi xuống ở một bên. Đại đức Dabba Mallaputta đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị gia chủ có bữa ăn ngon đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đại đức Dabba Mallaputta chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, vị gia chủ có bữa ăn ngon đã nói với đại đức Dabba Mallaputta điều này:

- Thưa ngài, bữa ăn vào ngày mai ở nhà chúng tôi đã được sắp xếp cho vị nào?

- Này gia chủ, bữa ăn vào ngày mai ở nhà gia chủ đã được sắp xếp cho các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka.

Khi ấy, vị gia chủ có bữa ăn ngon đã không được hài lòng (nghĩ rằng): “Tại sao các tỳ khưu tồi lại thọ thực ở nhà của chúng ta?” rồi đã đi về nhà và dặn dò người tớ gái rằng:

- Này con, hãy xếp đặt chỗ ngồi ở nhà kho cho các vị đến thọ thực vào ngày mai và dâng cho họ cơm tấm và món thứ hai là cháo chua.

- Thưa chủ nhân, xin vâng. Người tớ gái ấy đã đáp lại vị gia chủ có bữa ăn ngon.

Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka (bàn bạc rằng): “Này các đại đức, hôm qua bữa ăn của vị gia chủ là người có bữa ăn ngon đã được sắp xếp cho chúng ta. Vào ngày mai, vị gia chủ có bữa ăn ngon cùng vợ và các con sẽ hiện diện và phục vụ chúng ta. Họ sẽ dâng các vị này cơm, sẽ dâng các vị kia canh, sẽ dâng các vị nọ dầu ăn, và sẽ dâng các vị khác phần ăn ngon.” Do chính tâm vui mừng ấy, ban đêm các vị đã không ngủ được như ý.

Sau đó vào buổi sáng, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã mặc y, cầm y bát, đi đến nhà của vị gia chủ có bữa ăn ngon. Cô tớ gái ấy đã nhìn thấy các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka từ đàng xa đang đi lại, sau khi thấy đã xếp đặt chỗ ngồi ở nhà kho và nói với các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka điều này:

­- Thưa các ngài, xin hãy ngồi.

Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka khởi ý rằng: “Chắn hẳn đến giờ này bữa ăn vẫn chưa hoàn tất nên chúng ta mới được cho ngồi ở nhà kho như thế này!” Sau đó, cô tớ gái ấy đã trở lại với cơm tấm và món thứ hai là cháo chua (nói rằng):

- Thưa các ngài, xin hãy thọ thực.

- Này chị, chúng tôi là các vị thọ nhận bữa ăn thường lệ.

- Tôi biết các ngài đại đức là các vị thọ nhận bữa ăn thường lệ. Tuy nhiên, chính ngày hôm qua tôi đã được gia chủ dặn dò rằng: “Hãy xếp đặt chỗ ngồi ở nhà kho cho các vị đến thọ thực vào ngày mai và dâng cho họ cơm tấm và món thứ hai là cháo chua.” Thưa các ngài, xin hãy thọ thực.

Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka (bàn bạc rằng): “Này các đại đức, hôm qua vị gia chủ có bữa ăn ngon đã đi đến tu viện gặp Dabba Mallaputta. Chắc chắn rằng chúng ta đã bị Dabba Mallaputta ly gián với vị gia chủ!” Chính vì tâm bực bội ấy, các vị ấy đã không thọ thực được như ý. Sau đó, khi trở về từ chỗ thọ thực sau bữa ăn, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã đi đến tu viện, bỏ rơi y bát, rồi ngồi xuống ôm đầu gối bằng y hai lớp (saṅghāṭipallatthikāya) ở phía bên ngoài cổng ra vào của tu viện, im lặng, xấu hổ, rút vai lại, mặt cúi xuống, trầm ngâm, không nói năng.

Khi ấy, tỳ khưu ni Mettiyā đã đi đến gặp các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka điều này:

- Tôi xin chào các ngài đại đức.

Khi được nói như thế, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã không đáp lại.

Đến lần thứ nhì, …(như trên)…

Đến lần thứ ba, tỳ khưu ni Mettiyā đã nói với các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka điều này:

- Tôi xin chào các ngài đại đức.

Đến lần thứ ba, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã không đáp lại.

- Có phải tôi làm phật lòng các ngài đại đức? Tại sao các ngài đại đức không nói chuyện với tôi?

- Này cô ni, bởi vì cô vẫn dửng dưng như thế trong khi chúng tôi bị Dabba Mallaputta làm tổn hại.

- Thưa các ngài đại đức, tôi làm được điều gì?

- Này cô ni, nếu cô chịu làm thì ngay trong ngày hôm nay đức Thế Tôn có thể trục xuất Dabba Mallaputta.

- Thưa các ngài đại đức, tôi làm được điều gì? Tôi có thể làm điều gì?

- Này cô ni, cô hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy nói với đức Thế Tôn như vầy: “Bạch ngài, điều này là không đúng đắn, không hợp lý. Bạch ngài, chính ở quốc độ nào không có sự sợ hãi, không có tai họa, không có sầu khổ thì chính ở quốc độ ấy có sự sợ hãi, có tai họa, và có sầu khổ. Từ nơi nào gió lặng đi thì từ nơi ấy có bão tố. Con nghĩ rằng nước đã bùng cháy lên rồi; con đã bị ô nhục bởi ngài đại đức Dabba Mallaputta.”

- Thưa các ngài đại đức, xin vâng.

Rồi tỳ khưu ni Mettiyā nghe theo các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, tỳ khưu ni Mettiyā đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, điều này là không đúng đắn, không hợp lý. Bạch ngài, chính ở quốc độ nào không có sự sợ hãi, không có tai họa, không có sầu khổ thì chính ở quốc độ ấy có sự sợ hãi, có tai họa, và có sầu khổ. Từ nơi nào gió lặng đi thì từ nơi ấy có bão tố. Con nghĩ rằng nước đã bùng cháy lên rồi; con đã bị ô nhục bởi ngài đại đức Dabba Mallaputta.

[597] Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi đại đức Dabba Mallaputta rằng:

- Này Dabba, ngươi có nhớ ngươi là kẻ đã làm việc như thế, giống như điều tỳ khưu ni này vừa nói không?

- Bạch ngài, con như thế nào đức Thế Tôn biết rõ mà.

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn ...(như trên)...

Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã hỏi đại đức Dabba Mallaputta rằng:

- Này Dabba, ngươi có nhớ ngươi là kẻ đã làm việc như thế, giống như điều tỳ khưu ni này vừa nói không?

- Bạch ngài, con như thế nào đức Thế Tôn biết rõ mà.

- Này Dabba, các vị (dòng dõi) Dabba không phủ nhận như thế. Nếu ngươi có làm, hãy nói: “Có làm;” nếu ngươi không làm, hãy nói: “Không làm.”

- Bạch ngài, từ khi con được sanh ra, con không bao giờ thấy mình là kẻ tầm cầu việc đôi lứa ngay cả trong lúc ngủ mơ, huống gì là tỉnh thức.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, chính vì việc ấy các ngươi hãy trục xuất tỳ khưu ni Mettiyā và hãy tra hỏi các tỳ khưu này.

Nói xong điều ấy, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào trú xá.

Sau đó, các tỳ khưu ấy đã trục xuất tỳ khưu ni Mettiyā. Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka đã nói với các tỳ khưu ấy điều này:

- Này các đại đức, chớ có trục xuất tỳ khưu ni Mettiyā, cô ta không làm sai điều gì.Vì chúng tôi nổi giận, không hài lòng, có ý định loại trừ nên xúi giục cô ta thôi.

- Này các đại đức, có phải các vị bôi nhọ đại đức Dabba Mallaputta với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ?

- Này các đại đức, đúng vậy.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka lại bôi nhọ đại đức Dabba Mallaputta với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu Mettiya và Bhummajaka bôi nhọ Dabba Mallaputta với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

…(như trên)… Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, chính vì việc ấy hội chúng hãy ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến Dabba Mallaputta là vị thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ.[2] Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Này các tỳ khưu, Dabba Mallaputta ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, rồi ngồi chồm hổm, chắp tay lại, và nên nói như vầy:

Bạch các ngài, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka này bôi nhọ tôi với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Bạch các ngài, là người thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ tôi đây cầu xin hội chúng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ.

Nên cầu xin đến lần thứ nhì. Nên cầu xin đến lần thứ ba:

Bạch các ngài, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka này bôi nhọ tôi với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Bạch các ngài, là người thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ tôi đây cầu xin hội chúng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ lần thứ ba.”

[598] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka này bôi nhọ đại đức Dabba Mallaputta với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Là vị thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ, đại đức Dabba Mallaputta cầu xin hội chúng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến đại đức Dabba Mallaputta là vị thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka này bôi nhọ đại đức Dabba Mallaputta với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Là vị thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ, đại đức Dabba Mallaputta cầu xin hội chúng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ. Hội chúng ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến đại đức Dabba Mallaputta là vị thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ. Đại đức nào đồng ý việc ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến đại đức Dabba Mallaputta là vị thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka này bôi nhọ đại đức Dabba Mallaputta với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Là vị thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ, đại đức Dabba Mallaputta cầu xin hội chúng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ. Hội chúng ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến đại đức Dabba Mallaputta là vị thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ. Đại đức nào đồng ý việc ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến đại đức Dabba Mallaputta là vị thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đã được hội chúng ban cho đại đức Dabba Mallaputta là vị thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[599] Này các tỳ khưu, đây là năm sự ban cho đúng Pháp của cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ: Vị tỳ khưu được trong sạch không có phạm tội, các vị (khác) vu cáo vị ấy, vị ấy cầu xin, hội chúng ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị ấy đúng Pháp, với sự hợp nhất. Này các tỳ khưu, đây là năm sự ban cho đúng Pháp của cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ.

3. HÀNH XỬ LUẬT KHI KHÔNG ĐIÊN CUỒNG (AMŪḶHAVINAYO):

[600] Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu Gagga bị điên và bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu khiển trách tỳ khưu Gagga với tội đã được thực hiện (bởi vị ấy) khi bị điên, bị thay đổi tâm tính:

- Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?

Vị ấy nói như vầy:

- Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.

Mặc dầu được vị ấy nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng:

- Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu lại khiển trách tỳ khưu Gagga với tội đã được thực hiện khi vị ấy bị điên, bị thay đổi tâm tính: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.” Mặc dầu được vị ấy nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu …(như trên)…, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

…(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, chính vì việc ấy hội chúng hãy ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến tỳ khưu Gagga khi không điên cuồng. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Này các tỳ khưu, tỳ khưu Gagga ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, rồi ngồi chồm hổm, chắp tay lại, và nên nói như vầy:

Bạch các ngài, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu khiển trách tôi với tội đã được thực hiện khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Tôi nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.’ Mặc dầu được tôi nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Bạch các ngài, giờ không điên cuồng tôi đây cầu xin hội chúng cách hành xử Luật khi không điên cuồng.

Nên cầu xin đến lần thứ nhì. ...(như trên)...

Nên cầu xin đến lần thứ ba: Bạch các ngài, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu khiển trách tôi với tội đã được thực hiện khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Tôi nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.’ Mặc dầu được tôi nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Bạch các ngài, giờ không điên cuồng tôi đây cầu xin hội chúng cách hành xử Luật khi không điên cuồng lần thứ ba.”

[601] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Gagga này đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu khiển trách tỳ khưu Gagga với tội đã được thực hiện khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.’ Mặc dầu được vị ấy nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Vị ấy giờ không điên cuồng nên cầu xin hội chúng cách hành xử Luật khi không điên cuồng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến tỳ khưu Gagga khi không điên cuồng. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Gagga này đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu khiển trách tỳ khưu Gagga với tội đã được thực hiện khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.’ Mặc dầu được vị ấy nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Vị ấy giờ không điên cuồng nên cầu xin hội chúng cách hành xử Luật khi không điên cuồng. Hội chúng ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến tỳ khưu Gagga khi không điên cuồng. Đại đức nào đồng ý việc ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến tỳ khưu Gagga khi không điên cuồng xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: …(như trên)…

Cách hành xử Luật khi không điên cuồng đã được hội chúng ban cho tỳ khưu Gagga khi không điên cuồng. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[602] Này các tỳ khưu, đây là ba sự ban cho không đúng Pháp của cách hành xử Luật khi không điên cuồng, ba (sự ban cho) là đúng Pháp.

Thế nào là ba sự ban cho không đúng Pháp của cách hành xử Luật khi không điên cuồng?

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu vi phạm tội. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?” Vị ấy dầu có nhớ, vẫn nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không nhớ là đã phạm tội như thế.” Hội chúng ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị ấy. Việc ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng là không đúng Pháp.

[603] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu vi phạm tội. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?” Vị ấy dầu có nhớ, vẫn nói như vầy: “Này các đại đức, tôi nhớ như là từ giấc mơ vậy.” Hội chúng ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị ấy. Việc ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng là không đúng Pháp.

[604] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu vi phạm tội. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?” Vị ấy, là vị không bị điên, (giả vờ) hành động trên cơ sở bị điên (nói rằng): “Tôi cũng làm như thế. Các vị cũng làm như thế. Điều ấy cũng được phép đối với tôi. Điều ấy cũng được phép đối với các vị.” Hội chúng ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị ấy. Việc ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng là không đúng Pháp.

Đây là ba sự ban cho không đúng Pháp của cách hành xử Luật khi không điên cuồng.

[605] Thế nào là ba sự ban cho đúng Pháp của cách hành xử Luật khi không điên cuồng?

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị điên, bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?” Vị ấy không nhớ được nên nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không nhớ được là đã phạm tội như thế.” Hội chúng ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị ấy. Việc ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng là đúng Pháp.

[606] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị điên, bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?” Vị ấy không nhớ được nên nói như vầy: “Này các đại đức, tôi nhớ như là từ giấc mơ vậy.” Hội chúng ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị ấy. Việc ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng là đúng Pháp.

[607] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị điên, bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?” Vị ấy là vị bị điên, hành động trên cơ sở bị điên (nói rằng): “Tôi cũng làm như thế. Các vị cũng làm như thế. Điều ấy cũng được phép đối với tôi. Điều ấy cũng được phép đối với các vị.” Hội chúng ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị ấy. Việc ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng là đúng Pháp.

Đây là ba sự ban cho đúng Pháp của cách hành xử Luật khi không điên cuồng.

4. VIỆC PHÁN XỬ THEO TỘI ĐÃ ĐƯỢC THỪA NHẬN (PAṬIÑÑĀTAKARAṆAṂ):

[608] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thực thi các hành sự khiển trách, chỉ dạy, xua đuổi, hòa giải, và án treo đối với các tỳ khưu không có sự thừa nhận. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại thực thi các hành sự khiển trách, chỉ dạy, xua đuổi, hòa giải, và án treo đối các tỳ khưu không có sự thừa nhận?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói …(như trên)…, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

…(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo không nên thực thi đối với các tỳ khưu không có sự thừa nhận; vị nào thực thi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[609] Này các tỳ khưu, việc phán xử theo tội đã được thừa nhận như vầy là không đúng Pháp, như vầy là đúng Pháp.

Và này các tỳ khưu, thế nào là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là không đúng Pháp?

- Vị tỳ khưu phạm tội pārājika (bất cộng trụ). Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Có phải đại đức đã phạm tội pārājika?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã không phạm tội pārājika, tôi đã phạm tội saṅghādisesa (Tăng tàng).” Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội saṅghādisesa. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là không đúng Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội pārājika. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Có phải đại đức đã phạm tội pārājika?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã không phạm tội pārājika, tôi đã phạm tội thullaccaya (trọng tội).” Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội thullaccaya. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là không đúng Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội pārājika. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Có phải đại đức đã phạm tội pārājika?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã không phạm tội pārājika, tôi đã phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội pācittiya. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là không đúng Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội pārājika. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Có phải đại đức đã phạm tội pārājika?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã không phạm tội pārājika, tôi đã phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ).” Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội pāṭidesanīya. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là không đúng Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội pārājika. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Có phải đại đức đã phạm tội pārājika?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã không phạm tội pārājika, tôi đã phạm tội dukkaṭa (tác ác).” Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội dukkaṭa. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là không đúng Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội pārājika. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Có phải đại đức đã phạm tội pārājika?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã không phạm tội pārājika, tôi đã phạm tội dubbhāsita (ác khẩu).” Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội dubbhāsita. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là không đúng Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội saṅghādisesa. …(như trên)… tội thullaccaya. …(như trên)… tội pācittiya. …(như trên)… tội pāṭidesanīya. …(như trên)… tội dukkaṭa. …(như trên)… tội dubbhāsita. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Có phải đại đức đã phạm tội dubbhāsita?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã không phạm tội dubbhāsita, tôi đã phạm tội pārājika.” Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội pārājika. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là không đúng Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội dubbhāsita. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Có phải đại đức đã phạm tội dubbhāsita?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã không phạm tội dubbhāsita, tôi đã phạm tội saṅghādisesa.…(như trên)… tội thullaccaya. …(như trên)… tội pācittiya. …(như trên)… tội pāṭidesanīya. …(như trên)… tội dukkaṭa.” Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội dukkaṭa. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là không đúng Pháp.

Này các tỳ khưu, việc phán xử theo tội đã được thừa nhận như thế gọi là không đúng Pháp.

[610] Này các tỳ khưu, thế nào là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là đúng Pháp?

- Vị tỳ khưu phạm tội pārājika. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Có phải đại đức đã phạm tội pārājika?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã phạm tội pārājika.” Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội pārājika. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là đúng Pháp.

Vị tỳ khưu phạm tội saṅghādisesa. …(như trên)… tội thullaccaya. …(như trên)… tội pācittiya. …(như trên)… tội pāṭidesanīya. …(như trên)… tội dukkaṭa. …(như trên)… tội dubbhāsita. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị khiển trách vị ấy về điều ấy: “Có phải đại đức đã phạm tội dubbhāsita?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã phạm tội dubbhāsita.” Hội chúng hành sự cho vị ấy với tội dubbhāsita. Việc phán xử theo tội đã được thừa nhận là đúng Pháp.

Này các tỳ khưu, việc phán xử theo tội đã được thừa nhận như thế gọi là đúng Pháp.

5. THUẬN THEO SỐ ĐÔNG (YEBHUYYASIKĀ):

[611] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sống có nảy sinh các sự xung đột giữa hội chúng, có nảy sinh các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, và làm tổn thương lẫn nhau bằng các vũ khí mồm miệng. Họ không thể giải quyết sự tranh tụng ấy. Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giải quyết sự tranh tụng có hình thức như thế thuận theo số đông. Vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện nên được chỉ định làm vị phân phát thẻ (salākaggāhāpako): là vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, và là vị biết (thẻ) đã được nhận hay đã không được nhận.

Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phát thẻ. Đây là lời đề nghị.

 Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phát thẻ. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phát thẻ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân phát thẻ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

[612] Này các tỳ khưu, đây là mười sự phân phát thẻ không đúng Pháp, mười (sự phân phát thẻ) đúng Pháp.

Thế nào là mười sự phân phát thẻ không đúng Pháp?

- Khi sự tranh tụng là việc nhỏ nhặt, chưa đến mức phải xử lý,[3] không được nhớ lại hoặc (không được) làm cho nhớ lại, (vị phân phát thẻ) biết rằng: “Các vị nói sai Pháp là nhiều hơn,” (nghĩ rằng): “Có lẽ các vị nói sai Pháp là nhiều hơn,” biết rằng: “Hội chúng sẽ bị chia rẽ,” (nghĩ rằng): “Có lẽ hội chúng sẽ bị chia rẽ,” các vị nhận lãnh thẻ không được hợp lệ, các vị có sự chia phe nhóm khi nhận lãnh thẻ, các vị nhận lãnh không theo quan điểm (của bản thân).

Đây là mười sự phân phát thẻ không đúng Pháp.

[613] Thế nào là mười sự phân phát thẻ đúng Pháp?

- Khi sự tranh tụng không phải là việc nhỏ nhặt, đã đến mức phải xử lý, được nhớ lại hoặc (được) làm cho nhớ lại, (vị phân phát thẻ) biết rằng: “Các vị nói đúngPháp là nhiều hơn,” (nghĩ rằng): “Có lẽ các vị nói đúng Pháp là nhiều hơn,” biết rằng: “Hội chúng sẽ không bị chia rẽ,” (nghĩ rằng): “Có lẽ hội chúng sẽ không bị chia rẽ,” các vị nhận lãnh thẻ một cách hợp lệ, các vị có sự hợp nhất khi nhận lãnh thẻ, các vị nhận lãnh theo quan điểm (của bản thân).

Đây là mười sự phân phát thẻ đúng Pháp.

6. THEO TỘI CỦA VỊ ẤY (TASSAPĀPIYASIKĀ):

[614] Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu Upavāḷa trong khi được thẩm vấn về tội giữa hội chúng đã phủ nhận rồi lại thừa nhận, đã thừa nhận rồi lại phủ nhận, tránh né tội ấy bằng một tội khác, cố tình nói lời dối trá. Các tỳ khưu ít ham muốn …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao tỳ khưu Upavāḷa trong khi được thẩm vấn về tội giữa hội chúng đã phủ nhận rồi lại thừa nhận, đã thừa nhận rồi lại phủ nhận, tránh né tội ấy bằng một tội khác, cố tình nói lời dối trá?

Sau đó, các tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói …(như trên)…, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

…(như trên)… Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này cá­c tỳ khưu, chính vì việc ấy hội chúng hãy thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến tỳ khưu Upavāḷa. Và này các tỳ khưu, nên thực thi như vầy: Trước hết, tỳ khưu Upavāḷa cần được quở trách; sau khi quở trách cần được nhắc nhở; sau khi nhắc nhở rồi cần được xác định tội; sau khi được xác định tội, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Upavāḷa này trong khi được thẩm vấn về tội giữa hội chúng đã phủ nhận rồi lại thừa nhận, đã thừa nhận rồi lại phủ nhận, tránh né tội ấy bằng một tội khác, cố tình nói lời dối trá. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến tỳ khưu Upavāḷa. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Upavāḷa này trong khi được thẩm vấn về tội giữa hội chúng đã phủ nhận rồi lại thừa nhận, đã thừa nhận rồi lại phủ nhận, tránh né tội ấy bằng một tội khác, cố tình nói lời dối trá. Hội chúng thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến tỳ khưu Upavāḷa. Đại đức nào đồng ý việc thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến tỳ khưu Upavāḷa xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: …(như trên)…

Hành sự theo tội của vị ấy đã được hội chúng thực thi đến tỳ khưu Upavāḷa. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[615] Này các tỳ khưu, đây là năm sự thực thi đúng Pháp của hành sự theo tội của vị ấy: Là vị không trong sạch, không có hổ thẹn, có sự khiển trách, hội chúng thực thi hành sự theo tội của vị ấy cho vị ấy đúng Pháp, với sự hợp nhất.

Này các tỳ khưu, đây là năm sự thực thi đúng Pháp của hành sự theo tội của vị ấy.

[616] Này các tỳ khưu, hành sự theo tội của vị ấy là hành sự không đúng Pháp, là hành sự không đúng Luật, khó được hoàn tất khi hội đủ ba điều kiện: được thực thi thiếu sự hiện diện, được thực thi thiếu sự tra hỏi, được thực thi với sự không thừa nhận (appaṭiññāya kataṃ). Này các tỳ khưu, hành sự theo tội của vị ấy hội đủ ba điều kiện này là hành sự không đúng Pháp, là hành sự không đúng Luật, khó được hoàn tất.

…(như trên)…

Này các tỳ khưu, hành sự theo tội của vị ấy là hành sự không đúng Pháp, là hành sự không đúng Luật, khó được hoàn tất khi hội đủ ba điều kiện khác nữa: được thực thi khi chưa xác định tội, được thực thi không theo Pháp, được thực thi bởi phe nhóm. Này các tỳ khưu, hành sự theo tội của vị ấy hội đủ ba điều kiện này là hành sự không đúng Pháp, là hành sự không đúng Luật, khó được hoàn tất.

[617] Này các tỳ khưu, hành sự theo tội của vị ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật, được hoàn tất tốt đẹp khi hội đủ ba điều kiện: được thực thi với sự hiện diện, được thực thi từ sự tra hỏi, được thực thi với sự thừa nhận (paṭiññāya kataṃ). Này các tỳ khưu, hành sự theo tội của vị ấy hội đủ ba điều kiện này là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật, được hoàn tất tốt đẹp.

…(như trên)…

Này các tỳ khưu, hành sự theo tội của vị ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật, được hoàn tất tốt đẹp khi hội đủ ba điều kiện khác nữa: được thực thi sau khi xác định tội, được thực thi đúng theo Pháp, được thực thi với sự hợp nhất. Này các tỳ khưu, hành sự theo tội của vị ấy hội đủ ba điều kiện này là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật, được hoàn tất tốt đẹp.

[618] Này các tỳ khưu, nếu muốn hội chúng có thể thực thi hành sự theo tội của vị ấy đối với vị tỳ khưu hội đủ ba đặc tính: Vị thường gây nên sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng; vị ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, chưa được làm cho thoát (tội); vị thân cận giới tục gia, sống không nghiêm chỉnh lẫn lộn cùng người thế tục. Này các tỳ khưu, nếu muốn hội chúng có thể thực thi hành sự theo tội của vị ấy đối với vị tỳ khưu hội đủ ba đặc tính này.

[619] Này các tỳ khưu, nếu muốn hội chúng có thể thực thi hành sự theo tội của vị ấy đối với vị tỳ khưu hội đủ ba đặc tính khác nữa: Vị bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, vị bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, vị bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến sái quấy. Này các tỳ khưu, …(như trên)… ba đặc tính này.

[620] Này các tỳ khưu, …(như trên)… ba đặc tính khác nữa: Vị chê bai đức Phật, vị chê bai đức Pháp, vị chê bai đức Tăng. Này các tỳ khưu, nếu muốn hội chúng có thể thực thi hành sự theo tội của vị ấy đối với vị tỳ khưu hội đủ ba đặc tính này.

[621] Này các tỳ khưu, nếu muốn hội chúng có thể thực thi hành sự theo tội của vị ấy đối với ba hạng tỳ khưu: Hạng thường gây nên sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng; hạng ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, chưa được làm cho thoát (tội); hạng thân cận giới tục gia, sống không nghiêm chỉnh lẫn lộn cùng người thế tục. Này các tỳ khưu, nếu muốn hội chúng có thể thực thi hành sự theo tội của vị ấy đối với ba hạng tỳ khưu này.

[622] Này các tỳ khưu, nếu muốn hội chúng có thể thực thi hành sự theo tội của vị ấy đối với ba hạng tỳ khưu khác nữa: Hạng bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, hạng bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, hạng bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến sái quấy. Này các tỳ khưu, …(như trên)… ba hạng tỳ khưu này.

[623] Này các tỳ khưu, …(như trên)… ba hạng tỳ khưu khác nữa: hạng chê bai đức Phật, hạng chê bai đức Pháp, hạng chê bai đức Tăng. Này các tỳ khưu, nếu muốn hội chúng có thể thực thi hành sự theo tội của vị ấy đối với ba hạng tỳ khưu này.

[624] Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu được thực thi hành sự theo tội của vị ấy nên làm phận sự một cách nghiêm chỉnh. Trong trường hợp này, các phận sự nghiêm chỉnh ấy là: Không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên ban cho phép nương nhờ, không nên bảo sa di phục vụ, không nên chấp nhận sự chỉ định giảng dạy tỳ khưu ni, không nên giảng dạy tỳ khưu ni dầu đã được chỉ định, …(như trên)…, không nên tạo bè phái với các tỳ khưu.

Sau đó, hội chúng đã thực thi hành sự theo tội của vị ấy đối với tỳ khưu Upavāḷa.

7. CÁCH DÙNG CỎ CHE LẤP (TIṆAVATTHĀRAKAṂ):

[625] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Khi ấy, điều này đã khởi đến các vị tỳ khưu ấy: “Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa; vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

[626] - Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy nếu các tỳ khưu (nghĩ) như vầy: “Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, có nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa; vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Này các tỳ khưu, ta cho phép giải quyết sự tranh tụng có hình thức như thế bằng cách dùng cỏ che lấp.

[627] Và này các tỳ khưu, nên giải quyết như vầy: Tất cả nên tụ họp lại một chỗ; sau khi tụ họp lại, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên giải quyết sự tranh tụng này bằng cách dùng cỏ che lấp, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng,[4] ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ.”

Một vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực trong số các tỳ khưu cùng thuộc về một phe nên thông báo đến phe của mình rằng:

Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, tôi sẽ sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính chư đại đức và tội của tôi vì sự lợi ích của chính chư đại đức và vì sự lợi ích của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ.”

[628] Rồi một vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực trong số các tỳ khưu cùng thuộc về phe kia nên thông báo đến phe của mình rằng:

Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, tôi sẽ sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính chư đại đức và tội của tôi vì sự lợi ích của chính chư đại đức và vì sự lợi ích của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ.”

[629] Sau đó, hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực trong số các tỳ khưu cùng thuộc về một phe rằng:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi xin sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính các đại đức này và tội của tôi vì sự lợi ích của chính các đại đức này và vì sự lợi ích của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Vì sự lợi ích của chính các đại đức này và vì sự lợi ích của tôi, tôi xin sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính các đại đức này và tội của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ. Đại đức nào đồng ý việc sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng đối với các tội này của chúng tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ, xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Các tội này của chúng tôi đã được sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[630] Rồi hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực trong số các tỳ khưu cùng thuộc về phe kia rằng:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi xin sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính các đại đức này và tội của tôi vì sự lợi ích của chính các đại đức này và vì sự lợi ích của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Vì sự lợi ích của chính các đại đức này và vì sự lợi ích của tôi, tôi xin sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính các đại đức này và tội của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ. Đại đức nào đồng ý việc sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng đối với các tội này của chúng tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ, xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Các tội này của chúng tôi đã được sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[631] Và này các tỳ khưu, như thế các tỳ khưu ấy đã được thoát khỏi các tội ấy ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ, ngoại trừ (các vị) có quan điểm khác về hành sự này, ngoại trừ các vị không hiện diện ở đó.

8. SỰ TRANH TỤNG:

[632] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu tranh cãi với các tỳ khưu ni, các tỳ khưu ni cũng tranh cãi với các tỳ khưu. Tỳ khưu Channa sau khi theo phe các tỳ khưu ni cũng tranh cãi với các tỳ khưu và được xem là thuộc phe các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao tỳ khưu Channa sau khi theo phe các tỳ khưu ni lại tranh cãi với các tỳ khưu và được xem là thuộc phe các tỳ khưu ni?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói …(như trên)…, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

…(như trên)… Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này cá­c tỳ khưu, đây là bốn sự tranh tụng: Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, sự tranh tụng liên quan đến tội, và sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ.

[633] Ở đây, thế nào là sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi rằng: “Đây là Pháp,” hoặc “Đây không phải là Pháp,” hoặc “Đây là Luật,” hoặc “Đây không phải là Luật,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,” hoặc “Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thực hành,” hoặc “Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thực hành,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ quy định,” hoặc “Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ quy định,” hoặc “Điều ấy là phạm tội,” hoặc “Điều ấy là không phạm tội,” hoặc “Điều ấy là tội nhẹ,” hoặc “Điều ấy là tội nặng,” hoặc “Tội còn dư sót,” hoặc “Tội không còn dư sót,” hoặc “Tội xấu xa,” hoặc “Tội không xấu xa.” Ở đây, việc nào là sự xung đột, sự gây gỗ, sự tranh luận, sự tranh cãi, nhiều quan điểm, khác quan điểm, cãi vã là thói thường của sự nóng nảy (vipaccatāya vohāro medhagaṃ); việc ấy được gọi là sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

[634] Ở đây, thế nào là sự tranh tụng liên quan đến khiển trách?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu khiển trách vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới, hoặc với sự hư hỏng về hạnh kiểm, hoặc với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Trong trường hợp ấy, việc nào là sự khiển trách, sự xoi mói, sự buộc tội, sự chỉ trích, sự moi móc (amusampavaṅkatā), sự xúi giục (abbhussahanatā), sự khích động (anubalappadānaṃ); việc ấy được gọi là sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

[635] Ở đây, thế nào là sự tranh tụng liên quan đến tội?

- Năm nhóm tội[5] là sự tranh tụng liên quan đến tội, bảy nhóm tội[6] là sự tranh tụng liên quan đến tội; việc ấy được gọi là sự tranh tụng liên quan đến tội.

[636] Ở đây, thế nào là sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ?

- Việc gì thuộc về hội chúng cần phải hoàn thành cần phải thực thi (tức là) hành sự với lời công bố (apalokanakammaṃ),[7] hành sự với lời đề nghị (ñattikammaṃ), hành sự với lời thông báo đến lần thứ hai (ñattidutiyakammaṃ), hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư (ñatticatutthakammaṃ). Việc ấy được gọi là sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ.

[637] Nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi là gì?

- Có sáu nguyên nhân tranh cãi là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi. Cũng có ba nguyên nhân không tốt đẹp là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi và cũng có ba nguyên nhân tốt đẹp là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

Sáu nguyên nhân tranh cãi nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi?

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu trở nên giận dữ có sự hằn học. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào trở nên giận dữ, có sự hằn học, vị ấy sống không cung kính, không phục tùng bậc Đạo Sư; vị ấy sống không cung kính, không phục tùng Giáo Pháp; vị ấy sống không cung kính, không phục tùng hội chúng; vị ấy có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào sống không cung kính, không phục tùng bậc Đạo Sư, …(như trên)… Giáo Pháp, …(như trên)… hội chúng…, có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập, vị ấy gây nên sự tranh cãi trong hội chúng. Đó là sự tranh cãi đem lại sự không lợi ích cho nhiều người, đem lại sự không an lạc cho nhiều người, đem lại sự không tấn hóa cho nhiều người, đem lại sự không lợi ích và khổ đau cho chư thiên và nhân loại. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi nhận thức được nguyên nhân tranh cãi có hình thức như thế một cách chủ quan và khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên nỗ lực cho sự chấm dứt của chính nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không nhận thức được nguyên nhân tranh cãi có hình thức như thế một cách chủ quan hoặc khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên thực hành để không đem lại sự hỗ trợ trong tương lai cho chính nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy. Như thế nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy có được sự chấm dứt. Như thế nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy không có được sự hỗ trợ trong tương lai.

[638] Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa: Có vị tỳ khưu trở nên đạo đức giả và dối trá, …(như trên)…, trở nên đố kỵ và bỏn xẻn, …(như trên)…, trở nên mưu mẹo và xảo trá, …(như trên)…, trở nên ác dục và tà kiến, …(như trên)…, trở nên chấp thủ một cách lộ liễu, ương ngạnh, khó sửa đổi. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào trở nên chấp thủ một cách lộ liễu, ương ngạnh, khó sửa đổi, vị ấy sống không cung kính, không phục tùng bậc Đạo Sư; vị ấy sống không cung kính, không phục tùng Giáo Pháp; vị ấy sống không cung kính, không phục tùng Hội chúng; vị ấy có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào sống không cung kính, không phục tùng bậc Đạo Sư, …(như trên)… Giáo Pháp, …(như trên)… Hội chúng…, có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập, vị ấy gây nên sự tranh cãi trong hội chúng. Đó là sự tranh cãi đem lại sự không lợi ích cho nhiều người, đem lại sự không an lạc cho nhiều người, đem lại sự không tấn hóa cho nhiều người, đem lại sự không lợi ích và khổ đau cho chư thiên và nhân loại. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi nhận thức được nguyên nhân tranh cãi có hình thức như thế một cách chủ quan và khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên nỗ lực cho sự chấm dứt của chính nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không nhận thức được nguyên nhân tranh cãi có hình thức như thế một cách chủ quan hoặc khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên thực hành để không đem lại sự hỗ trợ trong tương lai cho chính nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy. Như thế nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy có được sự chấm dứt. Như thế nguyên nhân tranh cãi xấu xa ấy không có được sự hỗ trợ trong tương lai.

Sáu nguyên nhân tranh cãi này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

[639] Ba nguyên nhân không tốt đẹp nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi do tâm tham lam, tranh cãi do tâm xấu xa, tranh cãi do tâm mê muội rằng: “Đây là Pháp,” hoặc “Đây không phải là Pháp,” hoặc “Đây là Luật,” hoặc “Đây không phải là Luật,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,” hoặc “Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thực hành,” hoặc “Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thực hành,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ quy định,” hoặc “Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ quy định,” hoặc “Điều ấy là phạm tội,” hoặc “Điều ấy là không phạm tội,” hoặc “Điều ấy là tội nhẹ,” hoặc “Điều ấy là tội nặng,” hoặc “Tội còn dư sót,” hoặc “Tội không còn dư sót,” hoặc “Tội xấu xa,” hoặc “Tội không xấu xa.

Ba nguyên nhân không tốt đẹp này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

[640] Ba nguyên nhân tốt đẹp nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi do tâm không tham lam, tranh cãi do tâm không xấu xa, tranh cãi do tâm không mê muội rằng: “Đây là Pháp,” hoặc “Đây không phải là Pháp,” …(như trên)… hoặc “Tội xấu xa,” hoặc “Tội không xấu xa.

Ba nguyên nhân tốt đẹp này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

[641] Nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách là gì?

- Có sáu nguyên nhân khiển trách là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách. Cũng có ba nguyên nhân không tốt đẹp là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, và cũng có ba nguyên nhân tốt đẹp là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách. Cơ thể (thân) cũng là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, và lời nói (khẩu) cũng là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

[642] Sáu nguyên nhân khiển trách nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách?

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu trở nên giận dữ có sự hằn học. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào trở nên giận dữ, có sự hằn học, vị ấy sống không cung kính, không phục tùng bậc Đạo Sư; vị ấy sống không cung kính, không phục tùng Giáo Pháp; vị ấy sống không cung kính, không phục tùng Hội chúng; vị ấy có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào sống không cung kính, không phục tùng bậc Đạo Sư, …(như trên)… Giáo Pháp, …(như trên)… Hội chúng…, có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập, vị ấy gây nên sự khiển trách trong hội chúng là sự khiển trách đem lại sự không lợi ích cho nhiều người, đem lại sự không an lạc cho nhiều người, đem lại sự không tấn hóa cho nhiều người, đem lại sự không lợi ích và khổ đau cho chư thiên và nhân loại. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi nhận thức được nguyên nhân khiển trách có hình thức như thế một cách chủ quan và khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên nỗ lực cho sự chấm dứt của chính nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không nhận thức được nguyên nhân khiển trách có hình thức như thế một cách chủ quan hoặc khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên thực hành để không đem lại sự hỗ trợ trong tương lai cho chính nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy. Như thế nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy có được sự chấm dứt. Như thế nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy không có được sự hỗ trợ trong tương lai.

[643] Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa: Có vị tỳ khưu trở nên đạo đức giả và dối trá, …(như trên)…, trở nên đố kỵ và bỏn xẻn, …(như trên)…, trở nên mưu mẹo và xảo trá, …(như trên)…, trở nên ác dục và tà kiến, …(như trên)…, trở nên chấp thủ một cách lộ liễu, ương ngạnh, khó sửa đổi. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào trở nên chấp thủ một cách lộ liễu, ương ngạnh, khó sửa đổi, vị ấy sống không cung kính, không phục tùng bậc Đạo Sư; vị ấy sống không cung kính, không phục tùng Giáo Pháp; vị ấy sống không cung kính, không phục tùng Hội chúng; vị ấy có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nào sống không cung kính, không phục tùng bậc Đạo Sư, …(như trên)… Giáo Pháp, …(như trên)… Hội chúng…, có sự thực hành không trọn vẹn việc học tập, vị ấy gây nên sự khiển trách trong hội chúng là sự khiển trách đem lại sự không lợi ích cho nhiều người, đem lại sự không an lạc cho nhiều người, đem lại sự không tấn hóa cho nhiều người, đem lại sự không lợi ích và khổ đau cho chư thiên và nhân loại. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi nhận thức được nguyên nhân khiển trách có hình thức như thế một cách chủ quan và khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên nỗ lực cho sự chấm dứt của chính nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không nhận thức được nguyên nhân khiển trách có hình thức như thế một cách chủ quan hoặc khách quan, này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy các ngươi nên thực hành để không đem lại sự hỗ trợ trong tương lai cho chính nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy. Như thế nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy có được sự chấm dứt. Như thế nguyên nhân khiển trách xấu xa ấy không có được sự hỗ trợ trong tương lai.

Sáu nguyên nhân khiển trách này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

[644] Ba nguyên nhân không tốt đẹp nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu khiển trách vị tỳ khưu do tâm tham lam, khiển trách do tâm xấu xa, khiển trách do tâm mê muội với sự hư hỏng về giới, hoặc với sự hư hỏng về hạnh kiểm, hoặc với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng.

Ba nguyên nhân không tốt đẹp này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

[645] Ba nguyên nhân tốt đẹp nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu khiển trách vị tỳ khưu do tâm không tham lam, khiển trách do tâm không xấu xa, khiển trách do tâm không mê muội với sự hư hỏng về giới, với sự hư hỏng về hạnh kiểm, với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng.

Ba nguyên nhân tốt đẹp này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

[646] Cơ thể (thân) như thế nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách?

- Ở đây có vị có màu da tối, có vóc dáng xấu xí, dị dạng (okoṭimako), nhiều bệnh: hoặc là chột mắt, hoặc là chân bị tật, hoặc bị què, hoặc bị liệt nửa thân, các vị khiển trách vị ấy về điều ấy. Cơ thể (thân) như thế ấy là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

[647] Lời nói (khẩu) như thế nào là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách?

- Ở đây có vị có giọng nói khó (nghe), có tật cà lăm, có giọng nói khàn khàn, các vị khiển trách vị ấy về điều ấy. Lời nói (khẩu) như thế ấy là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

[648] Nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tội là gì?

- Sáu nguồn sanh tội là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tội. Có sự phạm tội sanh lên do thân, không do khẩu không do ý. Có sự phạm tội sanh lên do khẩu, không do thân không do ý. Có sự phạm tội sanh lên do thân và do khẩu, không do ý. Có sự phạm tội sanh lên do thân và do ý, không do khẩu. Có sự phạm tội sanh lên do khẩu và do ý, không do thân. Có sự phạm tội sanh lên do thân, do khẩu, và do ý.

Sáu nguồn sanh tội này là nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến tội.

[649] Nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ là gì?

- Có một nguyên nhân của sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ là: Hội chúng.

[650] Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi là tốt, là xấu, (hay) là không tốt không xấu?

- Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi có thể là tốt, có thể là xấu, có thể là không tốt không xấu.

[651] Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi nào là xấu?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi do tâm bất thiện: “Đây là Pháp,” hoặc “Đây không phải là Pháp,” …(như trên)… “Tội xấu xa,” hoặc “Tội không xấu xa.” Trong trường hợp ấy, việc nào là sự xung đột, gây gỗ, tranh luận, tranh cãi, nhiều quan điểm, khác quan điểm, cãi vã là thói thường của sự nóng nảy; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được gọi là xấu.

[652] Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi nào là tốt?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi do tâm thiện: “Đây là Pháp,” hoặc “Đây không phải là Pháp,” …(như trên)… hoặc “Tội xấu xa,” hoặc “Tội không xấu xa.” Trong trường hợp ấy, việc nào là sự xung đột, gây gỗ, tranh luận, tranh cãi, nhiều quan điểm, khác quan điểm, cãi vã là thói thường của sự nóng nảy; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được gọi là tốt.

[653] Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi nào là không tốt không xấu?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi do tâm vô ký: “Đây là Pháp,” hoặc “Đây không phải là Pháp,” …(như trên)… hoặc “Tội xấu xa,” hoặc “Tội không xấu xa.” Trong trường hợp ấy, việc nào là sự xung đột, gây gỗ, tranh luận, tranh cãi, nhiều quan điểm, khác quan điểm, cãi vã là thói thường của sự nóng nảy; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được gọi là không tốt không xấu.

[654] Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách là tốt, là xấu, (hay) là không tốt không xấu?

- Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách có thể là tốt, có thể là xấu, có thể là không tốt không xấu.

[655] Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách nào là xấu?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu do tâm bất thiện khiển trách vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới, hoặc với sự hư hỏng về hạnh kiểm, hoặc với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Trong trường hợp ấy, việc nào là sự khiển trách, sự xoi mói, sự buộc tội, sự chỉ trích, sự moi móc, sự xúi giục, sự khích động; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được gọi là xấu.

[656] Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách nào là tốt?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu do tâm thiện khiển trách vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới, với sự hư hỏng về hạnh kiểm, với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Trong trường hợp ấy, việc nào là sự khiển trách, sự xoi mói, sự buộc tội, sự chỉ trích, sự moi móc, sự xúi giục, sự khích động; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được gọi là tốt.

[657] Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách nào là không tốt không xấu?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu do tâm vô ký khiển trách vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới, với sự hư hỏng về hạnh kiểm, với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Trong trường hợp ấy, việc nào là sự khiển trách, sự xoi mói, sự buộc tội, sự chỉ trích, sự moi móc, sự xúi giục, sự khích động; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được gọi là không tốt không xấu.

[658] Sự tranh tụng liên quan đến tội là tốt, là xấu, (hay) là không tốt không xấu?

- Sự tranh tụng liên quan đến tội có thể là xấu, có thể là không tốt không xấu, không có sự tranh tụng liên quan đến tội là tốt.

[659] Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến tội nào là xấu?

- Này các tỳ khưu, việc (vị tỳ khưu) có sự vi phạm trong khi nhận biết, trong khi nhận thức rõ, đã cố ý, rồi vượt qua; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến tội được gọi là xấu.

Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến tội nào là không tốt không xấu?

- Này các tỳ khưu, việc (vị tỳ khưu) có sự vi phạm trong khi không nhận biết, trong khi không nhận thức rõ, đã không cố ý, rồi không vượt qua; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến tội được gọi là không tốt không xấu.

[660] Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ là tốt, là xấu, (hay) là không tốt không xấu?

- Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ có thể là tốt, có thể là xấu, có thể là không tốt không xấu.

[661] Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ nào là xấu?

- Việc hội chúng thực thi hành sự với lời công bố, hành sự với lời đề nghị, hành sự với lời thông báo đến lần thứ hai, hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư với tâm bất thiện; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được gọi là xấu.

[662] Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ nào là tốt?

- Việc hội chúng thực thi hành sự với lời công bố, hành sự với lời đề nghị, hành sự với lời thông báo đến lần thứ hai, hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư với tâm thiện; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được gọi là tốt.

[663] Ở đây, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ nào là không tốt không xấu?

- Việc hội chúng thực thi hành sự với lời công bố, hành sự với lời đề nghị, hành sự với lời thông báo đến lần thứ hai, hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư với tâm vô ký; việc ấy tức là sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được gọi là không tốt không xấu.

[664] (Một việc có thể) là sự tranh cãi (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, là sự tranh cãi không là sự tranh tụng, là sự tranh tụng không là sự tranh cãi, vừa là sự tranh tụng vừa là sự tranh cãi (hay không)?

- (Một việc) có thể là sự tranh cãi (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, có thể là sự tranh cãi không là sự tranh tụng, có thể là sự tranh tụng không là sự tranh cãi, có thể vừa là sự tranh tụng vừa là sự tranh cãi.

[665] Ở đây, việc nào là sự tranh cãi (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi rằng: “Đây là Pháp,” hoặc “Đây không phải là Pháp,” …(như trên)… hoặc “Tội xấu xa,” hoặc “Tội không xấu xa.” Trong trường hợp ấy, việc nào là sự xung đột, gây gỗ, tranh luận, tranh cãi, nhiều quan điểm, khác quan điểm, cãi vã là thói thường của sự nóng nảy; việc ấy là sự tranh cãi (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi.

Ở đây, việc nào là sự tranh cãi không là sự tranh tụng?

- Mẹ tranh cãi với con trai, con trai tranh cãi với mẹ, cha tranh cãi với con trai, con trai tranh cãi với cha, anh em trai tranh cãi với anh em trai, anh em trai tranh cãi với chị em gái, chị em gái tranh cãi với anh em trai, bạn bè tranh cãi với bạn bè; việc ấy là sự tranh cãi không là sự tranh tụng.

Ở đây, việc nào là sự tranh tụng không là sự tranh cãi?

- Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, sự tranh tụng liên quan đến tội, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ; việc ấy là sự tranh tụng không là sự tranh cãi.

Ở đây, việc nào vừa là sự tranh tụng vừa là sự tranh cãi?

- Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi vừa là sự tranh tụng vừa là sự tranh cãi.

[666] (Một việc có thể) là sự khiển trách (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, là sự khiển trách không là sự tranh tụng, là sự tranh tụng không là sự khiển trách, vừa là sự tranh tụng vừa là sự khiển trách (hay không)?

- (Một việc) có thể là sự khiển trách (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, có thể là sự khiển trách không là sự tranh tụng, có thể là sự tranh tụng không là sự khiển trách, có thể vừa là sự tranh tụng vừa là sự khiển trách.

[667] Ở đây, việc nào là sự khiển trách (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến khiển trách?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu khiển trách vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới, hoặc với sự hư hỏng về hạnh kiểm, hoặc với sự hư hỏng về tri kiến, hoặc với sự hư hỏng về nuôi mạng. Trong trường hợp ấy, việc nào là sự khiển trách, sự xoi mói, sự buộc tội, sự chỉ trích, sự moi móc, sự xúi giục, sự khích động; việc ấy là sự khiển trách (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến khiển trách.

Ở đây, việc nào là sự khiển trách nào không là sự tranh tụng?

- Mẹ khiển trách con trai, con trai khiển trách mẹ, cha khiển trách con trai, con trai khiển trách cha, anh em trai khiển trách anh em trai, anh em trai khiển trách chị em gái, chị em gái khiển trách anh em trai, bạn bè khiển trách bạn bè; việc ấy là sự khiển trách không là sự tranh tụng.

Ở đây, việc nào là sự tranh tụng không là sự khiển trách?

- Sự tranh tụng liên quan đến tội, sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ, sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi; việc ấy là sự tranh tụng không là sự khiển trách.

Ở đây, việc nào vừa là sự tranh tụng vừa là sự khiển trách?

- Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách vừa là sự tranh tụng vừa là sự khiển trách.

[668] (Một việc có thể) là sự phạm tội (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tội, là sự phạm tội không là sự tranh tụng, là sự tranh tụng không là sự phạm tội, vừa là sự tranh tụng vừa là sự phạm tội (hay không)?

- (Một việc) có thể là sự phạm tội (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tội, có thể là sự phạm tội không là sự tranh tụng, có thể là sự tranh tụng không là sự phạm tội, có thể vừa là sự tranh tụng vừa là sự phạm tội.

[669] Ở đây, việc nào là sự phạm tội (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tội?

- Năm nhóm tội là sự tranh tụng liên quan đến tội, và bảy nhóm tội là sự tranh tụng liên quan đến tội; việc ấy là sự phạm tội (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến tội.

Ở đây, việc nào là āpatti (sự phạm tội) không là sự tranh tụng?

- Quả vị Nhập Lưu (Sotāpatti), sự thành đạt (samāpatti) (đây là nghệ thuật chơi chữ với từ āpatti); việc ấy là āpatti (sự phạm tội) không là sự tranh tụng.

Ở đây, việc nào là sự tranh tụng không là sự phạm tội?

- Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ, sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách; việc ấy là sự tranh tụng không là sự phạm tội.

Ở đây, việc nào vừa là sự tranh tụng vừa là sự phạm tội?

- Sự tranh tụng liên quan đến tội vừa là sự tranh tụng vừa là sự phạm tội.

[670] (Một việc có thể) là nhiệm vụ (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ, là nhiệm vụ không là sự tranh tụng, là sự tranh tụng không là nhiệm vụ, vừa là sự tranh tụng vừa là nhiệm vụ (hay không)?

- (Một việc) có thể là nhiệm vụ (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ, có thể là nhiệm vụ không là sự tranh tụng, có thể là sự tranh tụng không là nhiệm vụ, có thể vừa là sự tranh tụng vừa là nhiệm vụ.

[671] Ở đây, việc nào là nhiệm vụ (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ?

- Này các tỳ khưu, việc nào thuộc về hội chúng cần phải hoàn thành, cần phải thực thi (tức là) hành sự với lời công bố, hành sự với lời đề nghị, hành sự với lời thông báo đến lần thứ hai, hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư; việc ấy là nhiệm vụ (hoặc là) sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ.

Ở đây, việc nào là nhiệm vụ không là sự tranh tụng?

- Nhiệm vụ của thầy giáo thọ, nhiệm vụ của thầy tế độ, nhiệm vụ của các vị chung thầy tế độ, nhiệm vụ của các vị chung thầy giáo thọ; việc ấy là nhiệm vụ không là sự tranh tụng.

Ở đây, việc nào là sự tranh tụng không là nhiệm vụ?

- Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi, sự tranh tụng liên quan đến khiển trách, sự tranh tụng liên quan đến tội; việc ấy là sự tranh tụng không là nhiệm vụ.

Ở đây, việc nào vừa là sự tranh tụng vừa là nhiệm vụ?

- Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ vừa là sự tranh tụng vừa là nhiệm vụ.

9. CHỈ ĐỊNH CÁCH DÀN XẾP MỘT SỰ TRANH TỤNG:

[672] Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được lắng dịu bởi bao nhiêu cách dàn xếp?

- Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được lắng dịu bởi hai cách dàn xếp: bằng cách hành xử Luật với sự hiện diện và bằng cách thuận theo số đông.

Nếu sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi không áp dụng được một cách dàn xếp là thuận theo số đông, thì có thể được lắng dịu bằng một cách dàn xếp là cách hành xử Luật với sự hiện diện hay không?

- Nên trả lời rằng: “Có thể.”

Như vậy là thế nào?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi: “Đây là Pháp,” hoặc “Đây không phải là Pháp,” hoặc “Đây là Luật,” hoặc “Đây không phải là Luật,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,” hoặc “Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thực hành,” hoặc “Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thực hành,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ quy định,” hoặc “Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ quy định,” hoặc “Điều ấy là phạm tội,” hoặc “Điều ấy là không phạm tội,” hoặc “Điều ấy là tội nhẹ,” hoặc “Điều ấy là tội nặng,” hoặc “Tội còn dư sót,” hoặc “Tội không còn dư sót,” hoặc “Tội xấu xa,” hoặc “Tội không xấu xa.” Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy có thể giải quyết sự tranh tụng ấy, này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết.

Được giải quyết nhờ vào điều gì?

- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?

- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự.

Và ở đây, sự hiện diện của hội chúng là gì?

- Các tỳ khưu theo số lượng cần thiết cho hành sự đã đi đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng gởi sự tùy thuận đã được đem lại, trong khi hiện diện các vị không phản đối; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của hội chúng.

Và ở đây, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật là gì?

- Với Pháp nào, với Luật nào, với lời giảng dạy nào của bậc Đạo Sư, sự tranh tụng ấy được giải quyết; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của Pháp, là sự hiện diện của Luật.

Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì?

- Vị tranh cãi, vị tranh cãi với vị ấy, cả hai phe đối địch của sự kiện đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.

[673] Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy không thể giải quyết sự tranh tụng ấy tại trú xứ ấy, này các tỳ khưu, các tỳ khưu ấy nên đi đến trú xứ có nhiều tỳ khưu hơn. Này các tỳ khưu, trong lúc đang đi trên đường đến trú xứ kia, nếu các tỳ khưu ấy có thể giải quyết sự tranh tụng ấy; này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết.

Được giải quyết nhờ vào điều gì?

- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?

- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự.

Và ở đây, sự hiện diện của hội chúng là gì?

- Các tỳ khưu theo số lượng cần thiết cho hành sự đã đi đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng gởi sự tùy thuận đã được đem lại, trong khi hiện diện các vị không phản đối; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của hội chúng.

Và ở đây, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật là gì?

- Với Pháp nào, với Luật nào, với lời giảng dạy nào của bậc Đạo Sư sự tranh tụng ấy được giải quyết; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của Pháp, là sự hiện diện của Luật.

Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì?

- Vị tranh cãi, vị tranh cãi với vị ấy, cả hai phe đối địch của sự kiện đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.

[674] Này các tỳ khưu, trong lúc đang đi trên đường đến trú xứ kia, nếu các tỳ khưu ấy không thể giải quyết sự tranh tụng ấy; này các tỳ khưu, sau khi đi đến trú xứ kia, các tỳ khưu ấy nên nói các tỳ khưu thường trú như vầy: “Này các đại đức, sự tranh tụng này đã sanh khởi như vầy, đã diễn tiến như vầy, lành thay xin các đại đức hãy giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp theo Luật theo lời dạy của bậc Đạo sư; như thế sự tranh tụng này có thể được giải quyết tốt đẹp.” Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu thường trú thâm niên hơn và các tỳ khưu đi đến là kém thâm niên, này các tỳ khưu, các tỳ khưu thường trú nên nói với các tỳ khưu đi đến như vầy: “Này các đại đức, các vị hãy sang một bên trong chốc lát để chúng tôi còn hội ý.” Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu thường trú kém thâm niên và các tỳ khưu đi đến là thâm niên hơn, này các tỳ khưu, các tỳ khưu thường trú nên nói với các tỳ khưu đi đến như vầy: “Này các đại đức, như vậy thì xin các vị hãy chờ tại đây trong chốc lát để chúng tôi còn hội ý.”

Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu thường trú trong lúc hội ý khởi lên như vầy: “Chúng ta không thể giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp theo Luật theo lời dạy của bậc Đạo sư được,” các tỳ khưu thường trú không nên nhận lãnh sự tranh tụng ấy.

Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu thường trú trong lúc hội ý khởi lên như vầy: “Chúng ta có thể giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp theo Luật theo lời dạy của bậc Đạo sư;” này các tỳ khưu, các tỳ khưu thường trú ấy nên nói với các tỳ khưu đi đến như vầy: “Này các đại đức, nếu các vị trình bày cho chúng tôi sự tranh tụng này đã sanh khởi như thế nào đã diễn tiến như thế nào, chúng tôi sẽ giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư theo cách sẽ được giải quyết tốt đẹp; như vậy chúng tôi sẽ nhận lãnh sự tranh tụng này. Này các đại đức, nếu các vị không trình bày cho chúng tôi sự tranh tụng này đã sanh khởi như thế nào đã diễn tiến như thế nào, chúng tôi sẽ giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư theo cách sẽ không được giải quyết tốt đẹp; như vậy chúng tôi sẽ không nhận lãnh sự tranh tụng này.” Này các tỳ khưu, sau khi xem xét kỷ lưỡng như vậy, các tỳ khưu thường trú nên nhận lãnh sự tranh tụng ấy.

Này các tỳ khưu, các tỳ khưu đi đến ấy nên nói với các tỳ khưu thường trú như vầy: “Chúng tôi sẽ trình bày cho các đại đức sự tranh tụng này đã sanh khởi như thế nào đã diễn tiến như thế nào. Nếu các đại đức có thể giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư trong giới hạn chừng ấy hoặc chừng ấy (ettakena vā ettakena vā antarena), như thế (sự tranh tụng) sẽ được giải quyết tốt đẹp; như vậy, chúng tôi sẽ giao phó sự tranh tụng này cho các đại đức. Nếu các đại đức không thể giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư trong giới hạn chừng ấy hoặc chừng ấy, như thế (sự tranh tụng) sẽ không được giải quyết tốt đẹp; như vậy, chúng tôi sẽ không giao phó sự tranh tụng này cho các đại đức, chính chúng tôi sẽ là người chủ trì sự tranh tụng này.” Này các tỳ khưu, sau khi xem xét kỷ lưỡng như vậy, các tỳ khưu đi đến nên giao phó sự tranh tụng ấy cho các tỳ khưu thường trú.

Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy có thể giải quyết sự tranh tụng ấy, này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết.

Được giải quyết nhờ vào điều gì? - Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện. Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện? - Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.

[675] Này các tỳ khưu, trong khi các tỳ khưu ấy phán xét sự tranh tụng ấy, nếu các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không lời phát biểu nào có ý nghĩa; này các tỳ khưu, ta cho phép giải quyết sự tranh tụng như thế ấy theo lối đại biểu (ubbāhikāya).

Theo lối đại biểu, cần chỉ định vị tỳ khưu hội đủ mười điều kiện: Là vị có giới hạnh, sống thu thúc theo sự thu thúc của giới bổn Pātimokkha, thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ (ācāragocara), thấy được sự nguy hiểm trong những tội lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành theo các điều học; là vị nghe nhiều, nắm giữ và tích lũy các điều đã được nghe, các pháp nào là tốt đẹp phần đầu, tốt đẹp phần giữa, tốt đẹp phần cuối, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, các pháp có hình thức như thế được (vị ấy) nghe nhiều, ghi nhớ, ôn đọc ra lời, dùng trí quán sát, dùng tri kiến phân tích; cả hai bộ giới bổn Pātimokkha đã khéo được truyền thừa với chi tiết đến vị ấy, khéo được phân tích, khéo được ứng dụng, khéo được xác định theo từng điều học, theo từng từ ngữ; là vị tinh xảo về Luật không có bối rối; là vị có năng lực làm cho cả hai phe đối địch của sự kiện phải tin tưởng, phải suy nghĩ lại, làm cho hiểu được, làm cho thấy được, và làm cho hoan hỷ; khéo léo giải quyết sự tranh tụng đã được diễn tiến; vị hiểu biết sự tranh tụng; hiểu biết nguyên cớ của sự tranh tụng; hiểu biết sự chấm dứt của sự tranh tụng; hiểu biết đường lối thực hành để chấm dứt sự tranh tụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định theo lối đại biểu vị tỳ khưu hội đủ mười điều kiện này.

[676] Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi chúng ta phán xét sự tranh tụng này, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không lời phát biểu nào có ý nghĩa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) để giải quyết sự tranh tụng này theo lối đại biểu. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi chúng ta phán xét sự tranh tụng này, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không lời phát biểu nào có ý nghĩa. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) để giải quyết sự tranh tụng này theo lối đại biểu. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) để giải quyết sự tranh tụng này theo lối đại biểu xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định để giải quyết sự tranh tụng này theo lối đại biểu. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[677] Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy có thể giải quyết sự tranh tụng ấy theo lối đại biểu, này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết.

Được giải quyết nhờ vào điều gì? - Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện. Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện? - Sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[678] Này các tỳ khưu, trong khi các tỳ khưu ấy đang phán xét sự tranh tụng ấy, nếu ở đó, có vị tỳ khưu là Pháp sư nhưng kiến thức của chính vị ấy không được truyền thừa, không biết sự phân tích về giới bổn, vị ấy trong khi không xem xét ý nghĩa lại phủ nhận ý nghĩa ẩn sau các văn tự. Các tỳ khưu ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy) là Pháp sư nhưng kiến thức của chính vị ấy không được truyền thừa, không biết sự phân tích về giới bổn, vị ấy trong khi không xem xét ý nghĩa lại phủ nhận ý nghĩa ẩn sau các văn tự. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, chúng ta nên loại ra vị tỳ khưu tên (như vầy) và những người còn lại (chúng ta) sẽ giải quyết sự tranh tụng này.”

Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy sau khi loại vị tỳ khưu ấy ra có thể giải quyết sự tranh tụng ấy; này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết.

Được giải quyết nhờ vào điều gì? - Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện. Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện? - Sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[679] Này các tỳ khưu, trong khi các vị tỳ khưu ấy đang phán xét sự tranh tụng ấy, nếu ở đó, có vị tỳ khưu là Pháp sư bởi vì kiến thức của vị ấy được truyền thừa (nhưng) không biết sự phân tích về giới bổn, vị ấy trong khi không xem xét ý nghĩa lại phủ nhận ý nghĩa ẩn sau các văn tự. Các tỳ khưu ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy) là Pháp sư bởi vì kiến thức của vị ấy được truyền thừa (nhưng) không biết sự phân tích về giới bổn, vị ấy trong khi không xem xét ý nghĩa lại phủ nhận ý nghĩa ẩn sau các văn tự. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, chúng ta nên loại ra vị tỳ khưu tên (như vầy) và những người còn lại (chúng ta) sẽ giải quyết sự tranh tụng này.”

Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy sau khi loại vị tỳ khưu ấy ra có thể giải quyết sự tranh tụng ấy; này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết.

Được giải quyết nhờ vào điều gì? - Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện. Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện? - Sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[680] Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy không thể giải quyết sự tranh tụng ấy theo lối đại biểu, này các tỳ khưu, các tỳ khưu ấy nên giao lại sự tranh tụng ấy cho hội chúng:

- Bạch các ngài, chúng tôi không thể giải quyết sự tranh tụng này theo lối đại biểu, chính hội chúng hãy giải quyết sự tranh tụng này.

Này các tỳ khưu, ta cho phép giải quyết thuận theo số đông sự tranh tụng có hình thức như thế. Cần chỉ định vị phân phát thẻ (salākaggāhāpako) là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, và vị biết (thẻ) đã được nhận hay không được nhận.

…(như trên)…

Tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân phát thẻ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

 Vị tỳ khưu phân phát thẻ ấy nên phân phát các thẻ. (Trường hợp) các tỳ khưu là các vị nói đúng Pháp có (số lượng) nhiều hơn phát biểu (nên giải quyết) như thế nào thì sự tranh tụng ấy nên được giải quyết như thế ấy. Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết.

Được giải quyết nhờ vào điều gì?

- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và thuận theo số đông.

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?

- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự.

Và ở đây, sự hiện diện của hội chúng là gì? - Các tỳ khưu theo số lượng cần thiết cho hành sự đã đi đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng gởi sự tùy thuận đã được đem lại, trong khi hiện diện các vị không phản đối; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của hội chúng. Và ở đây, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật là gì? - Với Pháp nào, với Luật nào, với lời giảng dạy nào của bậc Đạo Sư sự tranh tụng ấy được giải quyết; ở đây điều ấy là sự hiện diện của Pháp, là sự hiện diện của Luật. Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì? - Vị tranh cãi, vị tranh cãi với vị ấy, cả hai phe đối địch của sự kiện đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.

Và ở đây, điều gì là liên quan đến thuận theo số đông?

- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận, sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự thuận theo số đông; ở đây điều ấy là liên quan đến thuận theo số đông.

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.

[681] Vào lúc bấy giờ, ở Sāvatthi có sự tranh tụng đã sanh khởi như vầy, đã diễn tiến như vầy. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của hội chúng ở Sāvatthi và đã nghe rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia có nhiều trưởng lão cư ngụ là các vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là các bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Nếu các trưởng lão ấy có thể giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư, như vậy sự tranh tụng này sẽ được giải quyết tốt đẹp.” Sau đó, các tỳ khưu ấy đã đi đến trú xứ ấy và đã nói với các trưởng lão ấy điều này:

- Thưa các ngài, sự tranh tụng này đã sanh khởi như vầy, đã diễn tiến như vầy. Thưa các ngài, lành thay các trưởng lão hãy giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư, như vậy sự tranh tụng này sẽ được giải quyết tốt đẹp.

Khi ấy, các trưởng lão ấy (nghĩ rằng): “Sự tranh tụng đã được hội chúng ở Sāvatthi giải quyết như thế ấy là đã được giải quyết tốt đẹp” rồi đã giải quyết sự tranh tụng ấy y như thế.

Sau đó, các tỳ khưu ấy không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của hội chúng ở Sāvatthi, không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của nhiều vị trưởng lão và đã nghe rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia có ba vị trưởng lão cư ngụ…(như trên)…có hai vị trưởng lão cư ngụ…(như trên)… có một vị trưởng lão cư ngụ là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Nếu trưởng lão ấy có thể giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư, như vậy sự tranh tụng này sẽ được giải quyết tốt đẹp.” Sau đó, các tỳ khưu ấy đã đi đến trú xứ ấy và đã nói với vị trưởng lão ấy điều này:

- Thưa ngài, sự tranh tụng này đã sanh khởi như vầy, đã diễn tiến như vầy. Thưa ngài, lành thay ngài trưởng lão hãy giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư, như thế sự tranh tụng này sẽ được giải quyết tốt đẹp.

Khi ấy, vị trưởng lão ấy (nghĩ rằng): “Sự tranh tụng đã được hội chúng ở Sāvatthi giải quyết như thế ấy, sự tranh tụng đã được nhiều vị trưởng lão giải quyết như thế ấy, sự tranh tụng đã được ba vị trưởng lão giải quyết như thế ấy, sự tranh tụng đã được hai vị trưởng lão giải quyết như thế ấy là đã được giải quyết tốt đẹp” rồi đã giải quyết sự tranh tụng ấy y như thế.

Sau đó, các tỳ khưu ấy không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của hội chúng ở Sāvatthi, không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của nhiều vị trưởng lão, không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của ba vị trưởng lão, không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của hai vị trưởng lão, không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của một vị trưởng lão nên đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, sự tranh tụng này đã được dứt điểm, đã được yên lặng, đã được giải quyết, đã được giải quyết tốt đẹp. Này các tỳ khưu, vì sự nhận thức rõ ràng của các tỳ khưu ấy, ta cho phép ba cách phân phát thẻ: lối kín đáo (gūḷhakaṃ), sự nói nhỏ vào tai (sakaṇṇajappakaṃ), lối công khai (vivaṭakaṃ).

Và này các tỳ khưu, thế nào là cách phân phát thẻ theo lối kín đáo?

- Vị tỳ khưu phân phát thẻ nên làm các thẻ khác nhau rồi đi đến gặp từng vị tỳ khưu một và nên nói như vầy: “Thẻ này là cho vị nói như vầy, thẻ này là cho vị nói như kia. Đại đức thích cái nào thì nhận cái ấy.” Khi giao nên nói rằng: “Và chớ cho bất cứ ai thấy.” Nếu vị ấy biết rằng: “Các vị nói sai Pháp là nhiều hơn,” nên thâu hồi lại (nói rằng): “(Các thẻ) bị lấy lầm lẫn.” Nếu vị ấy biết rằng: “Các vị nói đúng Pháp là nhiều hơn,” nên công bố rằng: “(Các thẻ) được nhận lấy tốt đẹp.” Này các tỳ khưu, như vậy là cách phân phát thẻ theo lối kín đáo.

Và này các tỳ khưu, thế nào là cách phân phát thẻ với sự nói nhỏ vào tai?

- Vị tỳ khưu phân phát thẻ nên nói vào tai của từng vị tỳ khưu một rằng: “Thẻ này là cho vị nói như vầy, thẻ này là cho vị nói như kia. Đại đức thích cái nào thì nhận cái ấy.” Khi giao nên nói rằng: “Và chớ nói cho bất cứ ai.” Nếu vị ấy biết rằng: “Các vị nói sai Pháp là nhiều hơn,” nên thâu hồi lại (nói rằng): “(Các thẻ) bị lấy lầm lẫn.” Nếu vị ấy biết rằng: “Các vị nói đúng Pháp là nhiều hơn,” nên công bố rằng: “(Các thẻ) được nhận lấy tốt đẹp.” Này các tỳ khưu, như vậy là cách phân phát thẻ với sự nói nhỏ vào tai.

Và này các tỳ khưu, thế nào là cách phân phát thẻ theo lối công khai?

- Nếu vị ấy biết rằng: “Các vị nói đúng Pháp là nhiều hơn,” chính nhờ vào sự quả quyết nên phân phát (thẻ) bằng cách phân phát thẻ theo lối công khai. Này các tỳ khưu, như vậy là cách phân phát thẻ theo lối công khai.

Này các tỳ khưu, đây là ba cách phân phát thẻ.

[682] Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được lắng dịu bởi bao nhiêu cách dàn xếp?

- Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được lắng dịu bởi bốn cách dàn xếp: bằng cách hành xử Luật với sự hiện diện, bằng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, bằng cách hành xử Luật khi không điên cuồng, và theo tội của vị ấy.

[683] Nếu sự tranh tụng liên quan đến khiển trách không áp dụng được hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật khi không điên cuồng và theo tội của vị ấy thì có thể được lắng dịu bằng hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật với sự hiện diện và cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ hay không?

- Nên trả lời rằng: “Có thể.”

Như vậy là thế nào?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu bôi nhọ vị tỳ khưu với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu được thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ, cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ nên được ban cho.

Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, …(như trên)…, và nên nói như vầy:

Bạch các ngài, các tỳ khưu bôi nhọ tôi với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Bạch các ngài, là người được thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ, tôi đây cầu xin hội chúng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ.”

Nên cầu xin đến lần thứ nhì. Nên cầu xin đến lần thứ ba:

[684] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu bôi nhọ vị tỳ khưu tên (như vầy) với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Là người được thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ, vị ấy cầu xin hội chúng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị tỳ khưu tên (như vầy), là người thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu bôi nhọ vị tỳ khưu tên (như vầy) với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Là người thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ, vị ấy cầu xin hội chúng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ. Hội chúng ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị tỳ khưu tên (như vầy) là người thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ. Đại đức nào đồng ý việc ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị tỳ khưu tên (như vầy) là người thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: …(như trên)…

Cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đã được hội chúng ban cho vị tỳ khưu tên (như vầy) là người thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?

- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ.

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện? - Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)… Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì? - Vị khiển trách và vị bị vị ấy khiển trách, cả hai phe đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ?

- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận, sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự hành xử Luật bằng sự ghi nhớ; ở đây điều ấy là ở trong cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ.

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.

[685] Nếu sự tranh tụng liên quan đến khiển trách không áp dụng được hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ và theo tội của vị ấy thì có thể được lắng dịu bằng hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật với sự hiện diện và cách hành xử Luật khi không điên cuồng hay không?

- Nên trả lời rằng: “Có thể.”

Như vậy là thế nào?

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị điên, bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu buộc tội vị ấy với tội đã được thực hiện khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.” Mặc dầu được vị ấy nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?

Này các tỳ khưu, nên ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị tỳ khưu ấy khi không điên cuồng. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, …(như trên)… và nên nói như vầy:

Bạch các ngài, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu khiển trách tôi với tội đã được thực hiện khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Tôi nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.’ Mặc dầu được vị ấy nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Bạch các ngài, giờ không điên cuồng tôi đây cầu xin hội chúng cách hành xử Luật khi không điên cuồng.”

Nên cầu xin đến lần thứ nhì. Nên cầu xin đến lần thứ ba:

[686] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu đã khiển trách vị ấy với tội đã được thực hiện khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.’ Mặc dầu được vị ấy nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Giờ không điên cuồng, vị ấy cầu xin hội chúng cách hành xử Luật khi không điên cuồng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị tỳ khưu tên (như vầy) khi không điên cuồng. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu đã khiển trách vị ấy với tội đã được thực hiện khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.’ Mặc dầu được vị ấy nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’ Giờ không điên cuồng, vị ấy cầu xin hội chúng cách hành xử Luật khi không điên cuồng. Hội chúng ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến tỳ khưu tên (như vầy) khi không điên cuồng. Đại đức nào đồng ý việc ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến tỳ khưu tên (như vầy) khi không điên cuồng xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: …(như trên)…

Cách hành xử Luật khi không điên cuồng đã được hội chúng ban cho tỳ khưu tên (như vầy) khi không điên cuồng. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?

- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và cách hành xử Luật khi không điên cuồng.

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện? - Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)…

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật khi không điên cuồng?

- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận, sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự hành xử Luật khi không điên cuồng; ở đây điều ấy là ở trong cách hành xử Luật khi không điên cuồng.

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.

[687] Nếu sự tranh tụng liên quan đến khiển trách không áp dụng được hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ và cách hành xử Luật khi không điên cuồng thì có thể được lắng dịu bằng hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật với sự hiện diện và theo tội của vị ấy hay không?

- Nên trả lời rằng: “Có thể.”

Như vậy là thế nào?

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu buộc tội vị tỳ khưu (khác) giữa hội chúng với tội nặng: “Đại đức có nhớ là đã phạm tội nặng như thế này, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika không?” Vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, tôi không nhớ là đã phạm tội nặng như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika.” Trong khi vị ấy chối từ, vị kia lại già lý lẽ hơn nữa: “Này đại đức hãy suy xét thật kỹ lưỡng xem thử có nhớ lại là đã phạm tội nặng như thế này, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika không?” Vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, tôi không nhớ là đã phạm tội như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika, tôi chỉ nhớ là đã phạm tội nhỏ nhoi như thế ấy.” Trong khi vị ấy chối từ, vị kia lại già lý lẽ hơn nữa: “Này đại đức, hãy suy xét thật kỹ lưỡng xem thử có nhớ lại là đã phạm tội nặng như thế này, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika không?” Vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, bởi vì khi đã phạm tội ấy, cho dầu là nhỏ nhoi tôi sẽ thú nhận dầu không được hỏi đến. Khi đã phạm tội nặng như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika, không lẽ tôi lại không thú nhận khi được hỏi đến hay sao?” Vị kia nói như vầy: “Này đại đức, bởi vì khi đã phạm tội ấy, mặc dù là nhỏ nhoi đại đức sẽ không thú nhận khi không được hỏi đến. Thì khi đã phạm tội nặng như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika, không lẽ đại đức lại thú nhận khi không được hỏi đến? Này đại đức, hãy suy xét thật kỹ lưỡng xem thử có nhớ lại là đã phạm tội nặng như thế này là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika không?” Vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, tôi nhớ ra là đã phạm tội như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika. Điều tôi nói rằng: ‘Tôi không nhớ là đã phạm tội như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika’ là nói đùa, là nói cho có nói.”

Này các tỳ khưu, hành sự theo tội của vị ấy nên được ban cho tỳ khưu ấy.

[688] Và này các tỳ khưu, nên thực thi như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) trong khi được tra hỏi tội nặng giữa hội chúng đã phủ nhận rồi thừa nhận, đã thừa nhận rồi phủ nhận, tránh né tội ấy bằng một tội khác, cố tình nói lời dối trá. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến tỳ khưu tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) trong khi được tra hỏi tội nặng giữa hội chúng đã phủ nhận rồi thừa nhận, đã thừa nhận rồi phủ nhận, tránh né tội ấy bằng một tội khác, cố tình nói lời dối trá. Hội chúng thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến tỳ khưu tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý việc thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến tỳ khưu tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: …(như trên)…

Hành sự theo tội của vị ấy đã được hội chúng thực thi đến tỳ khưu tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?

- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và theo tội của vị ấy.

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện? - Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)…

Và ở đây, điều gì là ở trong (cách giải quyết) theo tội của vị ấy?

- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận, sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự theo tội của vị ấy; ở đây điều ấy là ở trong (cách giải quyết) theo tội của vị ấy.

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.

[689] Sự tranh tụng liên quan đến tội được lắng dịu bởi bao nhiêu cách cách dàn xếp?

- Sự tranh tụng liên quan đến tội được lắng dịu bởi ba cách dàn xếp: bằng cách hành xử Luật với sự hiện diện, bằng việc phán xử theo tội đã được thừa nhận, và bằng cách dùng cỏ che lấp.

[690] Nếu sự tranh tụng liên quan đến tội không áp dụng được một cách dàn xếp là cách dùng cỏ che lấp thì có thể được lắng dịu bằng hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật với sự hiện diện và việc phán xử theo tội đã được thừa nhận hay không?

- Nên trả lời rằng: “Có thể.”

Như vậy là thế nào?

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội nhẹ. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu (khác), đắp thượng y một bên vai, rồi ngồi chồm hổm, chắp tay lại, và nên nói như vầy:

- Thưa đại đức, tôi đã phạm tội tên (như vầy), tôi xin trình tội ấy.

Vị kia nên nói rằng:

- Đại đức thấy được (tội) không?

- Thưa có, tôi thấy được.

- Đại đức hãy thu thúc trong tương lai.

Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?

- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và việc phán xử theo tội đã được thừa nhận.

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?

- Sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)…

Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì?

- Vị khai báo (tội) và vị chứng minh vị ấy khai báo (tội), cả hai đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.

Và ở đây, điều gì là ở trong việc phán xử theo tội đã được thừa nhận?

- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận, sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự phán xử theo tội đã được thừa nhận; ở đây điều ấy là ở trong việc phán xử theo tội đã được thừa nhận.

Này các tỳ khưu, khi đã được giải quyết như thế, nếu vị ghi nhận (tội) khơi lại sự tranh tụng, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Nếu vị ấy chấp nhận như thế, theo đó việc ấy là tốt đẹp. Nếu vị ấy không chấp nhận như thế, này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp nhiều vị tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, rồi ngồi chồm hổm, chắp tay lại, và nên nói như vầy:

- Thưa các ngài, tôi đã phạm tội tên (như vầy), tôi xin trình tội ấy.

Các vị tỳ khưu ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

- Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) nhớ được, bộc lộ ra, nói ra bằng lời, trình ra sự phạm tội. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, tôi nên ghi nhận tội của vị tỳ khưu tên (như vầy).

Vị ấy nên nói rằng:

- Đại đức thấy được (tội) không?

- Thưa có, tôi thấy được.

- Đại đức hãy thu thúc trong tương lai.

Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?

- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và việc phán xử theo tội đã được thừa nhận.

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện? - Sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)… Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì? - Vị khai báo (tội) và vị chứng minh vị ấy khai báo (tội), cả hai đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.

Và ở đây, điều gì là ở trong việc phán xử theo tội đã được thừa nhận?

- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận, sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự phán xử theo tội đã được thừa nhận; ở đây điều ấy là ở trong việc phán xử theo tội đã được thừa nhận.

Này các tỳ khưu, khi đã được giải quyết như thế, nếu vị ghi nhận (tội) khơi lại sự tranh tụng, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu vị ấy không chấp nhận như thế, này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, rồi ngồi chồm hổm, chắp tay lại, và nên nói như vầy:

- Bạch các ngài, tôi đã phạm tội tên (như vầy), tôi xin trình tội ấy.

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) nhớ được, bộc lộ ra, nói ra bằng lời, trình ra sự phạm tội. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi nên ghi nhận tội của vị tỳ khưu tên (như vầy).

Vị ấy nên nói rằng:

- Đại đức thấy được (tội) không?

-Thưa có, tôi thấy được.

- Đại đức hãy thu thúc trong tương lai.

Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?

- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và việc phán xử theo tội đã được thừa nhận. Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện? - Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)…

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.

[691] Nếu sự tranh tụng liên quan đến tội không áp dụng được một cách dàn xếp là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận thì có thể được lắng dịu bằng hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật với sự hiện diện và cách dùng cỏ che lấp hay không?

- Nên trả lời rằng: “Có thể.”

Như vậy là thế nào?

- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Này các tỳ khưu, trong trường hợp ấy nếu các tỳ khưu (nghĩ) như vầy: “Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, có nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa.” Này các tỳ khưu, ta cho phép giải quyết sự tranh tụng có hình thức như thế bằng cách dùng cỏ che lấp.

Và này các tỳ khưu, nên giải quyết như vậy: Tất cả nên tụ họp lại một chỗ; sau khi tụ họp lại, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên giải quyết sự tranh tụng này bằng cách dùng cỏ che lấp, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ.”

Một vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực trong số các tỳ khưu cùng thuộc về một phe nên thông báo đến phe của mình rằng:

Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, tôi sẽ sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính chư đại đức và tội của tôi vì sự lợi ích của chính chư đại đức và vì sự lợi ích của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ.”

[692] Rồi một vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực trong số các tỳ khưu cùng thuộc về phe kia nên thông báo đến phe của mình rằng:

Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, tôi sẽ sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính chư đại đức và tội của tôi vì sự lợi ích của chính chư đại đức và vì sự lợi ích của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ.”

[693] Sau đó, hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực trong số các tỳ khưu cùng thuộc về một phe rằng:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi xin sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính các đại đức này và tội của tôi vì sự lợi ích của chính các đại đức này và vì sự lợi ích của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Vì sự lợi ích của chính các đại đức này và vì sự lợi ích của tôi, tôi xin sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính các đại đức này và tội của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ. Đại đức nào đồng ý việc sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng đối với các tội này của chúng tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ, xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Các tội này của chúng tôi đã được sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Sau đó, hội chúng …(như trên)… thuộc về phe kia rằng:

...(như trên)... tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?

- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và cách dùng cỏ che lấp.

Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện? - Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. Và ở đây, sự hiện diện của hội chúng là gì? - Các tỳ khưu theo số lượng cần thiết cho hành sự đã đi đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng gởi sự tùy thuận đã được đem lại, trong khi hiện diện các vị không phản đối; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của hội chúng. Và ở đây, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật là gì? - Với Pháp nào, với Luật nào, với lời giảng dạy nào của bậc Đạo Sư sự tranh tụng ấy được giải quyết; ở đây điều ấy là sự hiện diện của Pháp, là sự hiện diện của Luật. Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì? - Vị khai báo (tội) và vị chứng minh vị ấy khai báo (tội), cả hai đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.

Và ở đây, điều gì là ở trong việc dùng cỏ che lấp?

- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận, sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự dùng cỏ che lấp; ở đây điều ấy là ở trong việc dùng cỏ che lấp.

Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.

[694] Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được lắng dịu bởi bao nhiêu cách dàn xếp?

- Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được lắng dịu bởi một cách dàn xếp: bằng cách hành xử Luật với sự hiện diện.

Dứt Chương Dàn Xếp là chương thứ tư.

*******


[1] Hai vị này là các vị đứng đầu trong nhóm Lục Sư. Thứ tự được ngài Buddhaghosa trình bày là hai vị Paṇḍuka và Lohitaka ở thành Sāvatthi, hai vị Mettiya và Bhummajaka ở thành Rājagaha, hai vị Assaji và Punabbasuka ở vùng núi Kīṭā.

[2] Ngài Buddhaghosa giải thích cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ này nên cho đến chính vị có các lậu hoặc đã được đoạn diệt, không cho đến vị khác ngay cả vị Bất Lai (antamaso anāgāminopi).

[3] Na gatigataṃ hoti: Ngài Buddhaghosa giải thích rằng sự tranh tụng ấy chưa được đưa đến hai ba trú xứ, chưa được phán xét tại nơi ấy hoặc tại chính nơi kia.

[4] Trường hợp tỳ khưu phạm tội pārājikasaṅghādisesa (tức là bất cộng trụ và tăng tàng).

[5] Năm nhóm tội là: pārājika, saṅghādisesa, nissaggiya pācittiya, pācittiya, và dukkaṭa (tức là bất cộng trụ, tăng tàng, ưng xả đối trị, ưng đối trị, và tác ác).

[6] Thêm vào thullaccayadubbhāsita là bảy (tức là trọng tội và ác khẩu)..

[7] Hành sự công bố hành xử năm trường hợp: Sự phục hồi, sự đuổi đi, hành sự cạo tóc (bhaṇḍukamma), hành phạt Brahma (Phạm Đàn), và hành sự có sự khác biệt về tướng trạng là thứ năm (xem Tập Yếu - Parivāra, chương XIX, [1354]).

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 02 | 03a | 03b | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda Nguyệt-Thiên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 06-06-2005