Tạng Luật
Vinaya Pitaka
Tiểu Phẩm
Cullavagga
Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch
XI. CHƯƠNG
LIÊN QUAN NĂM TRĂM VỊ
(PAÑCASATIKAKKHANDHAKAṂ)
[614] Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã nói với các tỳ khưu rằng:
- Này các sư đệ, vào lúc ấy ta đang thực hiện cuộc hành trình đường xa từ Pāvā đi Kusinārā cùng với đại chúng tỳ khưu có số lượng năm trăm vị tỳ khưu. Này các sư đệ, khi ấy ta đã rời đường lộ rồi ngồi xuống ở gốc cây nọ. Vào lúc bấy giờ, có đạo sĩ lõa thể nọ sau khi nhận được hoa Mạn-đà-la (Mandārava) ở Kusinārā đang thực hiện cuộc hành trình đường xa đi Pāvā. Này các sư đệ, ta đã nhìn thấy vị đạo sĩ lõa thể ấy đang đi lại từ đàng xa, sau khi nhìn thấy ta đã nói với vị đạo sĩ lõa thể ấy điều này: “Này đạo hữu, đạo hữu có biết bậc Đạo Sư của chúng tôi không?” “Ồ đạo hữu, đúng vậy, tôi có biết. Hôm nay Sa-môn Gotama đã Vô Dư Niết Bàn được bảy ngày rồi. Do đó, tôi mới có được hoa Mạn-đà-la này.” Này các sư đệ, tại nơi ấy những tỳ khưu nào chưa đoạn tận ái dục, một số đưa tay lên khóc lóc, một số khuỵu chân ngã xuống lăn qua lăn lại: “Đức Thế Tôn Vô Dư Niết Bàn quá sớm, đấng Thiện Thệ Vô Dư Niết Bàn quá sớm, bậc Trí Tuệ đã biến mất trên đời quá sớm.” Còn những tỳ khưu nào đã đoạn tận ái dục, các vị ấy có sự suy niệm và hiểu biết thời chấp nhận: “Các Pháp hữu vi là vô thường, nhưng vì sao việc ấy lại có thể xảy ra ở đây?” Này các sư đệ, khi ấy ta đã nói với các tỳ khưu điều này: “Này các sư đệ, đủ rồi! Chớ có buồn rầu, chớ có than vãn nữa. Này các sư đệ, không phải điều ấy đã được đức Thế Tôn khuyến cáo và đề cập đến hay sao? Chính ngay với tất cả các vật thân yêu vừa ý đều có bản chất đa dạng, có bản chất không thật, và có bản chất thay đổi. Này các sư đệ, nhưng vì sao việc ấy lại có thể xảy ra ở đây? Bởi vì vật gì sanh lên, tồn tại, thay đổi, thuận theo pháp thế gian, (nếu nghĩ rằng): ‘Mong sao vật ấy chớ có bị hư hoại;’ sự kiện này không thể có được!” Này các sư đệ, vào lúc bấy giờ có vị xuất gia lúc đã già tên Subhadda đang ngồi trong tập thể ấy. Này các sư đệ, khi ấy vị xuất gia lúc đã già Subhadda đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: “Này các vị, thôi đi! Chớ có buồn rầu, chớ có than vãn nữa. Chúng ta được hoàn toàn tự do rồi, chúng ta đã bị vị đại sa-môn ấy làm khó khăn rằng: ‘Điều này được phép cho các ngươi, điều này không được phép cho các ngươi.’ Giờ đây, điều gì chúng ta thích chúng ta sẽ làm điều ấy, điều gì chúng ta không thích chúng ta sẽ không làm điều ấy.” Này các sư đệ, vậy chúng ta hãy trùng tụng Pháp và Luật trước khi điều Phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều Phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói về Phi Pháp trở nên mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói về Phi Luật trở nên mạnh và những người nói về Luật yếu đi.
[615] - Thưa ngài, chính vì điều ấy xin vị trưởng lão hãy tuyển chọn các tỳ khưu.
Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã tuyển chọn bốn trăm chín mươi chín vị A-la-hán. Các vị tỳ khưu đã nói với đại đức Mahākassapa điều này:
- Thưa ngài, vị đại đức Ānanda này tuy còn là bậc hữu học nhưng không thể nào bị chi phối bởi tham, bởi sân, bởi si mê, bởi sợ hãi. Và vị này thuộc lòng nhiều Pháp và Luật từ đức Thế Tôn. Thưa ngài, chính vì điều ấy xin vị trưởng lão hãy tuyển chọn luôn cả đại đức Ānanda.
Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã tuyển chọn luôn cả đại đức Ānanda.
Sau đó, các vị tỳ khưu trưởng lão đã khởi ý điều này:
- Vậy chúng ta có thể trùng tụng Pháp và Luật ở nơi nào?
Khi ấy, các vị tỳ khưu trưởng lão đã khởi ý điều này: “Thành Rājagaha đúng là nơi có tiềm năng về vật thực (mahāgocaraṃ) và có nhiều chỗ trú ngụ; hay là chúng ta có thể trùng tụng Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha, các tỳ khưu khác không được đi đến an cư mùa mưa ở thành Rājagaha?”
Sau đó, đại đức Mahākassapa đã thông báo đến hội chúng rằng:
- Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định năm trăm vị tỳ khưu này “để trùng tụng Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha, các tỳ khưu khác không được an cư mùa mưa ở thành Rājagaha.” Đây là lời đề nghị.
Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định năm trăm vị tỳ khưu này “để trùng tụng Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha, các tỳ khưu khác không được an cư mùa mưa ở thành Rājagaha.” Vị nào đồng ý việc chỉ định năm trăm vị tỳ khưu này “để trùng tụng Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha, các tỳ khưu khác không được an cư mùa mưa ở thành Rājagaha” xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Năm trăm vị tỳ khưu này đã được hội chúng chỉ định “để trùng tụng Pháp và Luật trong khi an cư mùa mưa ở thành Rājagaha, các tỳ khưu khác không được an cư mùa mưa ở thành Rājagaha.” Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.
[616] Sau đó, các tỳ khưu trưởng lão đã đi đến thành Rājagaha để trùng tụng Pháp và Luật. Khi ấy, các tỳ khưu trưởng lão đã bàn bạc điều này:
- Này các sư đệ, việc sửa chữa chỗ bị hư hỏng đã được đức Thế Tôn khen ngợi. Này các sư đệ, vậy vào tháng thứ nhất chúng ta hãy sửa chữa những nơi bị hư hỏng; vào tháng giữa, chúng ta sẽ tụ họp lại rồi trùng tụng Pháp và Luật.
Sau đó vào tháng thứ nhất, các tỳ khưu trưởng lão đã sửa chữa chỗ bị hư hỏng.
[617] Khi ấy, đại đức Ānanda (nghĩ rằng): “Ngày mai là đại hội, việc ta sẽ đi đến đại hội khi còn là bậc hữu học thật là không đúng đắn cho ta!” rồi đã trải qua gần trọn đêm với niệm trú ở thân cho đến lúc rạng đông (mới khởi ý rằng): “Ta sẽ nằm xuống” rồi nghiêng thân hình. Vào lúc đầu chưa chạm gối, hai chân vừa mới giở lên khỏi mặt đất, và trong khoảng thời gian ấy tâm đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ. Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến đại hội với tư cách là vị A-la-hán.
[618] Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã thông báo đến hội chúng rằng:
- Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi Upāli về Luật.
Đại đức Upāli đã thông báo đến hội chúng rằng:
- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, khi được đại đức Mahākassapa hỏi về Luật tôi sẽ trả lời.
Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Upāli điều này:
- Này sư đệ Upāli, điều pārājika (bất cộng trụ) thứ nhất đã được quy định ở đâu?
- Thưa ngài, ở Vesālī.
- Liên quan đến ai?
- Liên quan đến Sudinna con trai của Kalanda.
- Về sự việc gì?
- Về việc (thực hiện việc) đôi lứa.
Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Upāli về câu chuyện, đã hỏi về nguyên do, đã hỏi về nhân sự, đã hỏi về sự quy định, đã hỏi về sự quy định thêm, đã hỏi về sự phạm tội, và đã hỏi về sự không phạm tội của điều pārājika thứ nhất.
- Này sư đệ Upāli, điều pārājika thứ hai đã được quy định ở đâu?
- Thưa ngài, ở Rājagaha.
- Liên quan đến ai?
- Liên quan đến Dhaniya con trai người thợ đồ gốm.
- Về sự việc gì?
- Về việc lấy vật không được cho.
Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Upāli về câu chuyện, đã hỏi về nguyên do, đã hỏi về nhân sự, đã hỏi về sự quy định, đã hỏi về sự quy định thêm, đã hỏi về sự phạm tội, và đã hỏi về sự không phạm tội của điều pārājika thứ hai.
- Này sư đệ Upāli, điều pārājika thứ ba đã được quy định ở đâu?
- Thưa ngài, ở Vesālī.
- Liên quan đến ai?
- Liên quan đến nhiều vị tỳ khưu.
- Về sự việc gì?
- Về việc tước đoạt mạng người.
Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Upāli về câu chuyện, đã hỏi về nguyên do, đã hỏi về nhân sự, đã hỏi về sự quy định, đã hỏi về sự quy định thêm, đã hỏi về sự phạm tội, và đã hỏi về sự không phạm tội của điều pārājika thứ ba.
- Này sư đệ Upāli, điều pārājika thứ tư đã được quy định ở đâu?
- Thưa ngài, ở Vesālī.
- Liên quan đến ai?
- Liên quan đến các tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā.
- Về sự việc gì?
- Về pháp thượng nhân.
Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Upāli về câu chuyện, đã hỏi về nguyên do, đã hỏi về nhân sự, đã hỏi về sự quy định, đã hỏi về sự quy định thêm, đã hỏi về sự phạm tội, và đã hỏi về sự không phạm tội của điều pārājika thứ tư.
Bằng chính phương thức ấy, đại đức Mahākassapa đã hỏi về phần Luật của cả hai phái (tỳ khưu và tỳ khưu ni). Mỗi khi được hỏi, đại đức Upāli đã trả lời.
[619] Sau đó, đại đức Mahākassapa đã thông báo đến hội chúng rằng:
- Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi Ānanda về Pháp.
Đại đức Ānanda đã thông báo đến hội chúng rằng:
- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, khi được đại đức Mahākassapa hỏi về Pháp tôi sẽ trả lời.
Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Ānanda điều này:
- Này sư đệ Ānanda, kinh Brahmajāla (Phạm Võng) đã được thuyết ở đâu?
- Thưa ngài, ở nhà nghỉ của vua tại Ambalaṭṭhikā, ở khoảng giữa Rājagaha và Nālanda.
- Liên quan đến ai?
- Đến du sĩ ngoại đạo Suppiya và thanh niên Brahmadatta.
Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Ānanda về duyên khởi, đã hỏi về nhân sự của kinh Brahmajāla.
- Này sư đệ Ānanda, kinh Sāmaññaphala (Sa-môn Quả) đã được thuyết ở đâu?
- Thưa ngài, ở Rājagaha nơi vườn xoài của Jīvaka.
- Với ai?
- Với Ajātasattu con trai của Videhi.
Rồi đại đức Mahākassapa đã hỏi đại đức Ānanda về duyên khởi, đã hỏi về nhân sự của kinh Sāmaññaphala.
Bằng chính phương thức ấy, đại đức Mahākassapa đã hỏi về năm bộ kinh (nikāya). Mỗi khi được hỏi, đại đức Ānanda đã trả lời.
[620] Sau đó, đại đức Ānanda đã nói với các tỳ khưu trưởng lão điều này:
- Thưa các ngài, vào thời điểm Vô Dư Niết Bàn đức Thế Tôn đã nói với tôi như vầy: “Này Ānanda, khi ta không còn, hội chúng nếu muốn có thể bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.”
- Này sư đệ Ānanda, vậy ngươi có hỏi đức Thế Tôn: “Bạch ngài, vậy các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng là các điều nào?” không?
- Thưa các ngài, tôi đã không hỏi đức Thế Tôn: “Bạch ngài, vậy các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng là các điều nào?”
Một số trưởng lão đã nói như vầy:
- Giữ lại bốn điều pārājika (bất cộng trụ), các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.
Một số trưởng lão đã nói như vầy:
- Giữ lại bốn điều pārājika (bất cộng trụ), giữ lại mười ba điều saṅghādisesa (tăng tàng), các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.
Một số trưởng lão đã nói như vầy:
- Giữ lại bốn điều pārājika (bất cộng trụ), giữ lại mười ba điều saṅghādisesa (tăng tàng), giữ lại hai điều aniyata (bất định), các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.
Một số trưởng lão đã nói như vầy:
- Giữ lại bốn điều pārājika (bất cộng trụ), giữ lại mười ba điều saṅghādisesa (tăng tàng), giữ lại hai điều aniyata (bất định), giữ lại ba mươi điều nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị), các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.
Một số trưởng lão đã nói như vầy:
- Giữ lại bốn điều pārājika (bất cộng trụ), giữ lại mười ba điều saṅghādisesa (tăng tàng), giữ lại hai điều aniyata (bất định), giữ lại ba mươi điều nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị), giữ lại chín mươi hai điều pācittiya (ưng đối trị), các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.
Một số trưởng lão đã nói như vầy:
- Giữ lại bốn điều pārājika (bất cộng trụ), giữ lại mười ba điều saṅghādisesa (tăng tàng), giữ lại hai điều aniyata (bất định), giữ lại ba mươi điều nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị), giữ lại chín mươi hai điều pācittiya (ưng đối trị), giữ lại bốn điều Pāṭidesanīya (ưng phát lộ), các điều còn lại là các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng.
[621] Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã thông báo đến hội chúng rằng:
- Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Có các điều học của chúng ta có liên quan đến hàng tại gia và hàng tại gia cũng biết rằng: “Điều này là được phép đối với các sa-môn Thích tử, điều này là không được phép.” Nếu chúng ta bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng, sẽ có những người nói rằng: “Các điều học đã được Sa-môn Gotama quy định cho các đệ tử đến lúc người được hỏa táng. Khi nào bậc Đạo Sư của họ còn tồn tại khi ấy họ còn học tập các điều học. Bởi vì bậc Đạo Sư của họ đã Vô Dư Niết Bàn nên giờ đây họ không còn học tập các điều học nữa.” Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng không nên quy định thêm điều chưa được quy định và không nên bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng nên thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Đây là lời đề nghị.
Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Có các điều học của chúng ta có liên quan đến hàng tại gia và hàng tại gia cũng biết rằng: “Điều này là được phép đối với các sa-môn Thích tử, điều này là không được phép.” Nếu chúng ta bỏ đi các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng, sẽ có những người nói rằng: “Các điều học đã được Sa-môn Gotama quy định cho các đệ tử đến lúc người được hỏa táng. Khi nào bậc Đạo Sư của họ còn tồn tại khi ấy họ còn học tập các điều học. Bởi vì bậc Đạo Sư của họ đã Vô Dư Niết Bàn nên giờ đây họ không còn học tập các điều học nữa.” Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định và không bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Đại đức nào đồng ý việc không quy định thêm điều chưa được quy định, việc không bỏ đi điều đã được quy định, việc thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Hội chúng không quy định thêm điều chưa được quy định và không bỏ đi điều đã được quy định, hội chúng thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.
[622] Khi ấy, các tỳ khưu trưởng lão đã nói với đại đức Ānanda điều này:
- Này sư đệ Ānanda, đây là tội dukkaṭa (tác ác) cho ngươi về việc ngươi đã không hỏi đức Thế Tôn rằng: “Bạch ngài, vậy các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng là các điều nào?” Ngươi hãy sám hối tội dukkaṭa (tác ác) ấy.
- Thưa các ngài, vì không lưu ý nên tôi đã không hỏi đức Thế Tôn rằng: “Bạch ngài, vậy các điều học nhỏ nhặt và ít quan trọng là các điều nào?” Tôi không thấy được tội dukkaṭa (tác ác) ấy, nhưng vì niềm tin đối với các đại đức tôi xin sám hối tội dukkaṭa (tác ác) ấy.
- Này sư đệ Ānanda, đây cũng là tội dukkaṭa (tác ác) cho ngươi về việc ngươi đã đạp lên y tắm mưa của đức Thế Tôn rồi may. Ngươi hãy sám hối tội dukkaṭa (tác ác) ấy.
- Thưa các ngài, không phải vì không kính trọng mà tôi đã đạp lên y tắm mưa của đức Thế Tôn rồi may. Tôi không thấy được tội dukkaṭa (tác ác) ấy, nhưng vì niềm tin đối với các đại đức tôi xin sám hối tội dukkaṭa (tác ác) ấy.
- Này sư đệ Ānanda, đây cũng là tội dukkaṭa (tác ác) cho ngươi về việc ngươi đã cho phép phụ nữ đảnh lễ nhục thân của đức Thế Tôn trước tiên; trong khi họ khóc lóc nhục thân của đức Thế Tôn đã bị lấm lem bởi nước mắt. Ngươi hãy sám hối tội dukkaṭa (tác ác) ấy.
- Thưa các ngài, (nghĩ rằng): “Những người nữ này không nên ở lại vào ban đêm,” nên tôi đã cho phép phụ nữ đảnh lễ nhục thân của đức Thế Tôn trước tiên. Tôi không thấy được tội dukkaṭa (tác ác) ấy, nhưng vì niềm tin đối với các đại đức tôi xin sám hối tội dukkaṭa (tác ác) ấy.
- Này sư đệ Ānanda, đây cũng là tội dukkaṭa (tác ác) cho ngươi về việc trong khi đức Thế Tôn ra dấu hiệu rõ ràng, làm biểu hiện rõ rệt, ngươi đã không cầu khẩn đức Thế Tôn rằng: “Xin đức Thế Tôn hãy tồn tại trọn kiếp, xin đấng Thiện Thệ hãy tồn tại trọn kiếp vì sự lợi ích cho nhiều người, vì sự an lạc cho nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì sự tấn hoá, sự lợi ích, sự an lạc của chư thiên và nhân loại.” Ngươi hãy sám hối tội dukkaṭa (tác ác) ấy.
- Thưa các ngài, vì tâm đã bị Ác ma ám ảnh nên tôi đã không cầu khẩn đức Thế Tôn rằng: “Xin đức Thế Tôn Tôn hãy tồn tại trọn kiếp, xin đấng Thiện Thệ Tôn hãy tồn tại trọn kiếp vì sự lợi ích cho nhiều người, vì sự an lạc cho nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì sự tấn hoá, sự lợi ích, sự an lạc của chư thiên và nhân loại.” Tôi không thấy được tội dukkaṭa (tác ác) ấy, nhưng vì niềm tin đối với các đại đức tôi xin sám hối tội dukkaṭa (tác ác) ấy.
- Này sư đệ Ānanda, đây cũng là tội dukkaṭa (tác ác) cho ngươi về việc ngươi đã nỗ lực cho sự xuất gia của phụ nữ trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố. Ngươi hãy sám hối tội dukkaṭa (tác ác) ấy.
- Thưa các ngài, (nghĩ rằng): “Bà Mahāpajāpati Gotamī này là dì ruột của đức Thế Tôn, là người chăm sóc, là người nuôi dưỡng, là người cho sữa, bà đã cho đức Thế Tôn bú sữa khi người mẹ ruột qua đời” nên tôi đã nỗ lực cho sự xuất gia của phụ nữ trong Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố. Tôi không thấy được tội dukkaṭa (tác ác) ấy, nhưng vì niềm tin đối với các đại đức tôi xin sám hối tội dukkaṭa (tác ác) ấy.
[623] Vào lúc bấy giờ, đại đức Purāṇa đi du hành ở Dakkhiṇāgiri [1] cùng với đại chúng tỳ khưu có số lượng năm trăm vị tỳ khưu. Khi ấy, trong lúc Pháp và Luật đang được trùng tụng bởi các tỳ khưu trưởng lão, đại đức Purāṇa sau khi đã trú ở Dakkhiṇāgiri theo như ý thích đã đi đến thành Rājagaha, Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc, chỗ các tỳ khưu trưởng lão, sau khi đến đã thân thiện chào hỏi các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống ở một bên. Các tỳ khưu trưởng lão đã nói với đại đức Purāṇa đang ngồi một bên điều này:
- Này sư đệ Purāṇa, Pháp và Luật đã được trùng tụng bởi các vị trưởng lão. Ngươi hãy hành theo sự trùng tụng ấy.
- Này các đại đức, Pháp và Luật đã được các vị trưởng lão trùng tụng một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, tôi chỉ ghi nhận chính những gì tôi đã được nghe từ miệng và đã được thọ lãnh từ miệng của đức Thế Tôn thôi.
[624] Sau đó, đại đức Ānanda đã nói với các vị tỳ khưu trưởng lão điều này:
- Thưa các ngài, vào thời điểm Vô Dư Niết Bàn đức Thế Tôn đã nói với tôi như vầy: “Này Ānanda, như vậy thì khi ta không còn, hội chúng hãy áp đặt hình phạt Phạm Thiên [2] đối với tỳ khưu Channa.”
- Này sư đệ Ānanda, vậy ngươi có hỏi đức Thế Tôn: “Bạch ngài, vậy hình phạt Phạm Thiên là như thế nào?” không?
- Thưa các ngài, thật sự tôi đã hỏi đức Thế Tôn rằng: “Bạch ngài, vậy hình phạt Phạm Thiên là như thế nào?” “Này Ānanda, tỳ khưu Channa muốn điều gì thì có thể nói điều ấy, còn các tỳ khưu không được nói chuyện, không được nhắc nhở, không được chỉ dạy tỳ khưu Channa.”
- Này sư đệ Ānanda, chính vì điều ấy chính sư đệ hãy áp đặt hình phạt Phạm Thiên đối với tỳ khưu Channa.
- Thưa các ngài, làm thế nào tôi áp đặt hình phạt Phạm Thiên đối với tỳ khưu Channa được? Vị tỳ khưu ấy dữ tợn và thô lỗ.
- Này sư đệ Ānanda, chính vì điều ấy ngươi hãy đi cùng với nhiều vị tỳ khưu.
- Thưa các ngài, xin vâng.
Rồi đại đức Ānanda ngheo theo các tỳ khưu trưởng lão đã cùng với đại chúng tỳ khưu có số lượng năm trăm vị tỳ khưu đáp thuyền ngược giòng nước đi Kosambī. Sau khi rời thuyền, đại đức Ānanda đã ngồi xuống ở gốc cây nọ không xa vườn thượng uyển của đức vua Udena.
[625] Vào lúc bấy giờ, đức vua Udena ngự tại vườn thượng uyển cùng với đám hầu thiếp tùy tùng. Đám hầu thiếp của đức vua Udena đã nghe rằng: “Nghe nói giáo thọ sư của chúng ta là ngài Ānanda đang ngồi ở gốc cây nọ không xa vườn thượng uyển lắm.” Khi ấy, đám hầu thiếp của đức vua Udena đã tâu với đức vua Udena điều này:
- Tâu chúa thượng, nghe nói giáo thọ sư của chúng tôi là ngài Ānanda đang ngồi ở gốc cây nọ không xa vườn thượng uyển lắm. Tâu chúa thượng, các thần thiếp muốn viếng thăm ngài Ānanda.
- Chính vì điều ấy, các ngươi hãy thăm viếng Sa-môn Ānanda.
Sau đó, đám hầu thiếp của đức vua Udena đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đại đức Ānanda đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đám hầu thiếp của đức vua Udena đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đại đức Ānanda chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đám hầu thiếp của đức vua Udena đã dâng lên đại đức Ānanda năm trăm thượng y. Sau khi đã được hài lòng và hoan hỷ với lời dạy của đại đức Ānanda, đám hầu thiếp của đức vua Udena đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đại đức Ānanda, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi trở về lại đức vua Udena.
[626] Đức vua Udena đã nhìn thấy đám hầu thiếp đang đi lại từ đàng xa, sau khi thấy đã nói với đám hầu thiếp điều này:
- Thế các ái khanh có viếng thăm Sa-môn Ānanda không vậy?
- Tâu chúa thượng, các thần thiếp đã viếng thăm ngài Ānanda.
- Thế các ái khanh đã dâng vật gì cho Sa-môn Ānanda vậy?
- Tâu chúa thượng, các thần thiếp đã dâng cho ngài Ānanda năm trăm thượng y.
Đức vua Udena phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao Sa-môn Ānanda lại thọ lãnh quá nhiều y như vậy? Không lẽ Sa-môn Ānanda sẽ làm nhà buôn vải hay bày ra gian hàng tơ lụa đây?
Sau đó, đức vua Udena đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã bày tỏ sự thân thiện với đại đức Ānanda, sau khi trao đổi lời chào hỏi xã giao thân thiện đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Udena đã nói với đại đức Ānanda điều này:
- Thưa ngài Ānanda, có phải đám hầu thiếp của chúng tôi đã đến đây?
- Tâu đại vương, đám hầu thiếp của ngài đã đến đây.
- Vậy chớ họ đã dâng vật gì đến ngài Ānanda?
- Tâu đại vương, họ đã dâng đến tôi năm trăm thượng y.
- Vậy chớ ngài Ānanda sẽ làm gì với nhiều y đến thế?
- Tâu đại vương, tôi sẽ chia sẻ với các tỳ khưu có y bị tàn tạ.
- Vậy chớ ngài Ānanda sẽ làm gì với những y cũ và tàn tạ?
- Tâu đại vương, tôi sẽ dùng chúng làm khăn trải.
- Vậy chớ ngài Ānanda sẽ làm gì với những khăn trải bị cũ đi?
- Tâu đại vương, tôi sẽ dùng chúng làm vải bọc nệm.
- Vậy chớ ngài Ānanda sẽ làm gì với những vải bọc nệm bị cũ đi?
- Tâu đại vương, tôi sẽ dùng chúng làm thảm lót sàn.
- Vậy chớ ngài Ānanda sẽ làm gì với những thảm lót sàn bị cũ đi?
- Tâu đại vương, tôi sẽ dùng chúng làm giẻ chùi chân.
- Vậy chớ ngài Ānanda sẽ làm gì với những giẻ chùi chân bị cũ đi?
- Tâu đại vương, tôi sẽ dùng chúng làm giẻ lau bụi.
- Vậy chớ ngài Ānanda sẽ làm gì với những giẻ lau bụi bị cũ đi?
- Tâu đại vương, tôi sẽ cắt chúng ra trộn với bùn đất rồi trét làm nền.
Khi ấy đức vua Udena (khởi ý rằng): “Tất cả các sa-môn Thích tử này xử sự hợp lý, không phung phí kiểu trưởng giả” rồi đã dâng lên đại đức Ānanda năm trăm xấp vải khác nữa. Như vậy, đây là lần đầu tiên vật dụng về y đã phát sanh đến đại đức Ānanda một ngàn y.
[627] Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến tu viện Ghosita, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, đại đức Channa đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đại đức Ānanda đã nói với đại đức Channa đang ngồi một bên điều này:
- Này sư đệ Channa, hội chúng đã áp đặt hình phạt Phạm Thiên đối với sư đệ.
- Thưa sư huynh Ānanda, vậy hình phạt Phạm Thiên là như thế nào?
- Này sư đệ Channa, sư đệ muốn điều gì với các tỳ khưu thì có thể nói điều ấy. Còn các tỳ khưu không được nói chuyện, không được nhắc nhở, không được chỉ dạy sư đệ.
- Thưa sư huynh Ānanda, như vậy không phải sư đệ đã bị giết chết hay sao, bởi vì các tỳ khưu không được nói chuyện, không được nhắc nhở, không được chỉ dạy sư đệ nữa?
Rồi đã ngất xỉu té ngã ngay tại chỗ ấy.
Sau đó, bởi hình phạt Phạm Thiên đại đức Channa trở nên buồn rầu, xấu hổ, nhờm gớm, rồi một mình tách riêng, sống không lười biếng, nỗ lực, quyết tâm nên chẳng bao lâu sau, ngay trong kiếp hiện tại này, đã tự mình nhận thức, chứng đạt, và an trú vào Thắng Trí, mục đích tối thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Vị ấy đã biết rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn (đưa đến) bản ngã nào khác (tương tợ) như vầy nữa.” Và thêm một vị nữa là đại đức Channa đã trở thành vị A-la-hán.
Sau đó, khi đã chứng đạt trạng thái A-la-hán đại đức Channa đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này:
- Thưa sư huynh Ānanda, hôm nay xin hãy thu hồi hình phạt Phạm Thiên cho đệ.
- Này sư đệ Channa, kể từ khi sư đệ chứng đạt quả vị A-la-hán, kể từ thời điểm ấy hình phạt Phạm Thiên đã hết hiệu lực đối với sư đệ.
[628] Trong cuộc kết tập về Luật này đã hiện diện năm trăm vị tỳ khưu, không thiếu và không dư. Do đó, cuộc kết tập về Luật này được gọi là “Liên quan năm trăm vị.”
Dứt Chương Liên Quan Năm Trăm Vị là chương thứ mười một.
Trong chương này gồm có hai mươi ba sự kiện.
*******
Tóm lược chương này:
[629]
Bởi vì đấng Toàn Giác
chứng Vô Dư Niết Bàn,
và có vị trưởng lão
tên là Kassapa,
nói với nhóm tỳ khưu
việc bảo vệ chánh Pháp,
trên đường từ Pāvā,
điều đã được nói lên
bởi vị Subhadda.
Chúng ta hãy trùng tụng
về Chánh Pháp trước khi
Phi Pháp phát triển mạnh.
Năm trăm còn thiếu một,
đã chọn Ānanda,
cuộc kết tậpPháp, Luật,
cư trú hang hạng nhất.
Vị ấy hỏi về Luật
đến vị Upāli,
vị ấy hỏi về Kinh
bậc trí Ānanda,
đệ tử bậc Chiến Thắng
các vị đã tiến hành
việc kết tập Tam Tạng.
Các điều học nhỏ nhặt,
ít quan trọng, nhiều loại,
hành như đã quy định.
Không hỏi, đạp lên trên,
cho đảnh lễ, không xin,
việc xuất gia người nữ,
các tác ác của tôi
vì niềm tin (nên nhận).
Rồi vị Purāṇa
và hình phạt Phạm Thiên,
hầu thiếp Udena,
quá nhiều, và hư hoại,
khăn trải, và bọc nệm,
thảm lót, giẻ chùi chân,
lau bụi, nhồi với đất,
vị ấy được phát sanh
một ngàn y lần đầu
tên gọi Ānanda.
Sợ hành phạt Phạm Thiên,
đạt được bốn Chân Lý.
Năm trăm được tuyển chọn,
nên gọi “Năm Trăm Vị.”
[1] Dakkhiṇāgiri nghĩa là “ngọn núi ở phía nam” là tên của ngọn núi ở phía nam thành Rājagaha.
[2] Hình phạt Phạm Thiên: Brahmadaṇḍa được âm là Phạm Đàn.
-ooOoo-
Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 02 | 03a | 03b | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12
Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda Nguyệt-Thiên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2005)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 06-06-2005