THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]


PHỤ CHÚ GIẢI CHƯƠNG 5

THỌ KÝ

Trong bộ kinh Buddhavaṃsa có đoạn nói về sự suy xét của đạo sĩ Sumedha như sau:

Kim me ekena tiṇṇena: có nghĩa là: “Có lợi ích gì cho việc giải thoát luân hồi cho riêng ta”.

Khi trích dẫn câu này, người ta nói pha chút khinh khi rằng:

“Trong thế gian này, người ta không nên vị kỷ. Người vị kỷ là người chỉ tìm lợi ích cho riêng mình. Người chỉ tìm lợi ích cho riêng mình là người vô dụng.”

Nhưng nếu đọc tiếp câu ấy, họ sẽ thấy:

Purisena thamadassina - ám chỉ rằng:

“Trong khi ta là bậc Thượng nhân biết rõ sức mạnh về trí tuệ, niềm tin và sự tinh tấn của ta.”

Câu này bổ nghĩa cho câu trước. Tất cả điều này cho thấy rằng chỉ những ai có khả năng mà vẫn vì mình, không sống vì kẻ khác thì đáng bị chê trách. Và những ai không có khả năng như vậy mà nói rằng: “Tôi sẽ sống cho kẻ khác” thì không thành thật với lời nói của mình, đáng bị xem thường vì họ không biết khả năng có giới hạn của mình.

Thực tế, những ai không có khả năng lo cho kẻ khác thì nên chăm lo cho lợi ích của chính mình. Điều này đã được Đức Phật dạy trong bộ kinh Pháp cú, chương thứ 20, phẩm Atta vagga.

Attadatthaṃ paratthena bahunā’ pi na hāpaye attadatthaṃ abhiññāya sadatthapasuto siyā. Đừng hy sinh lợi ích của chính mình mà sẵn lòng sống nhiều cho kẻ khác

Biết rõ khả năng giới hạn của mình thì nên sống vì lợi ích của chính mình.

Câu Pháp cú này hàm ý rằng: “Người không đủ khả năng sống cho kẻ khác mà nói là mình có khả năng, thì không thể đem lại lợi ích cho kẻ khác, cũng không thể làm lợi ích cho chính mình; như vậy người ấy đánh mất cả hai. Do đó, người không đủ khả năng sống cho kẻ khác, thì nên tìm lợi ích cho chính mình và chỉ sống cho chính mình. Người biết đích xác khả năng giới hạn của mình và chỉ sống cho chính mình (không đáng bị chê trách là người vị kỷ) mà được xem là người tốt, biết làm điều gì trong giới hạn khả năng của chính mình. Ngược lại, người có đặc tánh như Sumedha là phục vụ kẻ khác, lại chỉ lo cho riêng mình, không quan tâm đến lợi ích của kẻ khác thì quả thực đáng bị kết án là con người hoàn toàn vị kỷ.

Trái lại, chúng ta nên giúp đỡ kẻ khác nếu có khả năng. Nếu không được, thì nên lo cho chính mình để không bị mất lợi ích của mình. Người tìm lợi ích cho mình nhưng làm ra vẻ quan tâm đến lợi ích của kẻ khác thì đích thực là con người ác, xảo quyệt và bất lương.

Ni-liên-thiền (Nerañjarā)

Nerañjarā là tên một con sông do chữ Nelajala mà ra. Nela có nghĩa là “không khuyết điểm” và “jala là “nước”. Nerañjarā có nghĩa là “Con sông có nước thuần trong”.

Một từ gốc khác là Nīlajala: nīla là ‘màu xanh’ và jala là ‘nước’. ‘Nước xanh’ tức là ‘nước trong’. ‘Con sông có nước trong xanh’.

Vẫn còn một từ gốc khác là ‘nari jarā’ là một loại nhạc cụ tạo ra âm thanh như nước chảy.

Những điều chú thích trong phần Thọ ký

Qua đề tài này, tác giả không những bàn về sự thọ ký (tiên tri) mà còn bàn về các từ ngữ hoặc các nhóm từ. Chữ ‘Thọ ký’ thường được xem là xuất phát từ tiếng Pāḷi - byādita. Nhưng trong tiếng Pāli lại không có chữ byādita như vậy. Theo tác giả, có lẽ các học giả xưa đã nhại ra từ ngữ byākarana hoặc byākata.

Về nhóm chữ “Bước ra ngoài bằng bàn chân phải của Ngài và tôn

vinh vị ấy bằng tám nắm hoa”, tác giả giải thích như sau:

“Bước ra ngoài bằng bàn chân phải của Ngài được dịch ra từ nhóm chữ Pāḷi - dakkhinaṃ pādaṃ uddhari - Đức Phật Nhiên Đăng không chỉ bắt đầu bước bằng bàn chân phải của Ngài mà bên phải Ngài nghiêng về Sumedha. Cách từ giã như vậy là tục lệ rất cổ xưa của Ấn Độ để tỏ sự kính trọng sâu sắc trước một người đáng kính.

“Tôn kính vị ấy bằng tám nắm hoa.” Câu Pāḷi là: Aṭṭhahi pupphamuṭṭhīhi pūjetvā trong Chú giải Jataka và Chú giải Buddhavaṁsa. Qua câu này, một cuộc tranh luận khởi lên là phải chăng một vị Phật sống nên sự tôn kính đến một vị Bồ-tát sẽ thành Phật sau nhiều đại kiếp. Có người lý luận rằng Đức Phật Nhiên Đăng không phải tỏ sự tôn kính đến con ngườì của đạo sĩ Sumedha, mà sự tôn kính đến Nhất Thiết trí sẽ được chứng đắc bởi Sumedha. Lý luận này không thể chấp nhận được, không thích hợp đối với một Bậc đang sở hữu Nhất thiết trí lại tôn kính đến Nhất thiết trí mà vị Bồ-tát chưa chứng đắc.

Toàn bộ vấn đề tranh cãi nằm ở phần diễn dịch của chữ pūjetvā liên quan đến chữ pūjā: Chú giải bộ Khuddakapātha giải thích rằng pūjā có nghĩa là sakkāra (đối xử tốt), mānana (giữ sự kính trọng), và vandāma (sự tôn kính, sự kính lễ). Tác giả đưa ra quan điểm của mình rằng qua việc tôn kính đạo sĩ Sumedha bằng tám nắm hoa, Đức Phật không cúi đầu kính lễ (vandanā), Ngài chỉ đối xử tốt (sakkāra) và tỏ thái độ tôn trọng (mānana) vị ấy mà thôi.

Bộ kinh nói về sự thọ ký xảy ra vào ngày mà sao Visākhā liên hợp với trăng tròn. Đó là ngày rằm ngày tháng Kason (tháng 4 theo lịch của Myanma). Ngày này được xem là ngày tốt lành, ngày rằm tháng đầu năm mới.

Tất cả chư vị Bồ-tát đều được thọ ký vào ngày rằm tháng tư. Thế nên khi Sumedha được thọ ký trong ngày may mắn ấy thì chư thiên và Phạm thiên đều hoàn toàn tin tưởng để công bố rằng Sumedha chắc chắn sẽ thành Phật.o:p>

Tác giả cũng đề cập thêm rằng ngày rằm tháng tư không chỉ là ngày thọ ký mà còn là ngày chư Bồ-tát thọ sanh kiếp cuối cùng trong nhân loại, và cũng là ngày các Ngài thành Phật và nhập Niết bàn.


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]