THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]
Nói về pháp Bố thí Ba-la-mật, trong kinh tạng Pāḷi liên quan đến lịch sử chư Phật có đề cập rõ ràng là Bồ-tát Sumedha đã tự khuyên mình nên bắt đầu với sự thực hành pháp Bố thí Ba-la-mật, bởi vì chư Bồ-tát quá khứ đã từng làm như vậy. Do đó điều dễ thấy là trong mười pháp Ba-la-mật, Bố thí là pháp cần phải thực hành trước nhất.
Nhưng trong phẩm Sagāthā của Tương ưng bộ (Saṁyutta Nikāya), chúng ta tìm thấy câu kệ “Sīle patiṭṭhāya naro sapañño...” Trong đó, Đức Phật giải thích rằng, khi một người có trí tuệ chín muồi thuộc hạng tam nhân (tihetu-patisandhika - là người khi tục sanh có ba nhân: vô tham, vô sân, vô si đi kèm ), khéo an trú trong giới, nhiệt tâm tu định và tuệ quán, người ấy có thể thoát khỏi mạng lưới ái dục chằng chịt. Ở đây, Đức Phật chỉ đề cập ba pháp tu: Giới (Sīla), Định (Samādhi), Tuệ (Paññā). Không một chút gợi ý về sự thực hành pháp Bố thí.
Hơn nữa Chú giải bộ Thanh Tịnh Đạo (Visudhimagga) trong phần giải thích về câu kệ trên cũng không nói đến vấn đề bố thí, và vì Bát chánh đạo dẫn đến Niết bàn chỉ bao gồm con đường liên quan đến Giới, Định và Tuệ mà không có con đường đạo nào trong đó bao gồm sự bố thí. Vì thế, một số người hiểu lầm rằng Bố thí không được Đức Phật xem là trọng yếu, rằng nó không dẫn đến sự chứng đắc Niết bàn, nó chỉ làm cho luân hồi nhiều hơn và vì vậy bố thí không đáng được tu tập.
Liên quan đến câu kệ trên, người ta nên hiểu đúng ý nghĩa như sau: Bài pháp này do Đức Phật thuyết vì lợi ích của những người thượng sanh có khả năng đoạn tận phiền não, chứng đắc A-la-hán trong kiếp hiện tại, không còn tái sanh luân hồi. Nếu những người thượng sanh như vậy, thực sự phấn đấu để chứng đắc đạo quả A-la- hán ngay trong kiếp hiện tại này; và do kết quả nỗ lực phấn đấu, nếu họ trở thành vị A-la-hán thì sự chuẩn bị tư lương cho kiếp sống mới đối với họ không cần thiết. Với người bẻ gãy bánh xe sanh tử trong chính kiếp sống này, tức là họ sẽ không còn tái sanh nữa. Vì không còn kiếp sống mới để gặt hái quả phước của sự bố thí nên việc bố thí đối với vị ấy là không cần thiết. Đó là lý do Đức Phật thuyết bài pháp này trong Tương ưng bộ. Ngài thuyết vì lợi ích của những người thượng sanh, chủ yếu nói về Giới, Định và Tuệ - quan trọng hơn pháp Bố thí vì ba pháp tu này trực tiếp đoạn tận phiền não. Đức Phật chẳng bao giờ nói không nên thực hành pháp Bố thí.
Bố thí có đặc tánh làm cho tâm ý trở nên nhu nhuyến, dễ thích ứng với thiện pháp. Khi người ta đã bố thí một cái gì đó thì chính hành động bố thí ấy sẽ là Cận y duyên (Upanissaya paccaya), là sự hỗ trợ quyết định làm cho tâm mềm mại hơn và sẵn sàng đi vào sự thực hành Giới, Đinh, Tuệ trong pháp thiền Minh sát. Theo kinh nghiệm, người Phật tử khi đến chùa hoặc bảo tháp mà không cúng dường gì thường cảm thấy vụng về và lúng túng, không có tâm sẵn sàng nhanh nhẹn để thọ giới, nghe pháp hoặc hành thiền. Do đó các vị thánh đệ tử như tín nữ Visākhā có thông lệ mang theo lễ vật cúng dường như cơm, đồ ngọt hoặc trái cây để dâng cúng vào buổi sáng, hoặc các thứ nước uống và các chế phẩm dược để dâng cúng vào buổi chiều, bất cứ khi nào bà đến viếng Đức Phật.
Những ai chưa trở thành vị A-la-hán trong kiếp sống này đều phải trải qua nhiều kiếp luân hồi. Cho nên nếu không thực hành pháp Bố thí trong kiếp hiện tại này thì sẽ rất khó khăn cho họ, để có được những điều kiện tốt đẹp trong kiếp sống mới. Dù họ có được sự tái sanh tốt, họ sẽ thấy mình thiếu thốn về của cải do không có chúng họ không thể làm những việc phước. (Trong trường hợp ấy, người ta có thể lý luận rằng họ có thể chuyên tâm vào việc thực hành Giới, Định, Tuệ. Nhưng nói dễ hơn làm. Quả thật, chỉ có sự hỗ trợ từ quả của những hành động bố thí trong kiếp quá khứ thì việc tu tập Giới, Định, Tuệ mới có thể thành công được). Do đó, điều quan trọng nhất cho những người còn phải đi tiếp chuyến hành trình dài trong luân hồi là trau dồi pháp Bố thí. Chỉ khi nào người ta đã chuẩn bị sẵn tư lương cho chuyến hành trình dài, tức pháp Bố thí, người ấy mới có thể đạt đến kiếp sống tốt đẹp. Và ở kiếp sống đó, nhờ có tài sản, của cải là quả của sự bố thí trong những kiếp quá khứ, người ấy mới có thể chuyên tâm thực hành bất cứ loại phước nào theo ý muốn.
Trong số những lữ hành trong vòng luân hồi, chư Bồ-tát là những nhân vật vĩ đại nhất.
Sau khi được thọ ký thành Phật, vị Bồ-tát tiếp tục thực hành các pháp Ba-la-mật để chứng đắc Nhất thiết trí trải qua bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Vị Độc giác Phật thì hai A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Do đó, đối với vị Bồ-tát, bậc đại lữ hành của vòng luân hồi, thì pháp Bố thí Ba-la-mật có tầm quan trọng hàng đầu.
Như vậy bài kinh trong Tương ưng bộ được Đức Phật thuyết dành cho những kẻ đã đủ nhân duyên để chứng đắc đạo quả A-la-hán. Những ai chưa thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật thì không nên cho rằng bố thí là không quan trọng.
Có một số người thắc mắc rằng liệu có thể chứng đắc Niết bàn không nếu chỉ thực hành pháp Bố thí. Xin thưa rằng, chỉ thực hành một pháp Ba-la-mật thôi thì dầu bố thí hoặc trì giới, hoặc tu thiền cũng sẽ không đem lại kết quả chứng đắc Niết bàn được. Thực hành riêng pháp Bố thí, nghĩa là không có sự trì giới hoặc tu thiền đi kèm.
Tương tự, thực hành riêng pháp tu thiền nghĩa là không có sự hỗ trợ của Giới và Bố thí. Nếu không có pháp thu thúc bằng Giới, người ta dễ rơi vào những việc ác. Nếu một người có những thói xấu lại không ngăn trừ mà cố gắng hành thiền thì cố gắng của người ấy sẽ trở nên vô ích, giống như hạt giống tốt được gieo trên thanh sắt nóng đỏ, không thể nào nẩy mầm mà chỉ thành tro than. Như vậy, nên lưu ý rằng không thích hợp để nói: “chỉ thực hành pháp Bố thí.”
Nhưng trong bài kinh Dakkhināvibhaṅga của Majjhima Nikāya (Trung bộ kinh), Đức Phật dạy về bảy loại vật thí dâng cúng chư Tăng và mười bốn loại vật thí bố thí đến từng nhân vật. Về mười bốn loại vật thí bố thí đến từng các nhân, nội dung chỉ phước Tăng dần theo thứ bậc của người thọ thí, bắt đầu từ súc vật đến chúng sanh cao quý nhất. Dĩ nhiên vật thí có phước báu lớn nhất là được dâng đến chư Tăng.
Lại nữa, trong câu chuyện Aṅkura Peta của bộ Ngạ quỷ sự (Peta Vatthu), chúng ta thấy câu chuyện về hai vị thiên. Khi Đức Phật đang ngồi trên chiếc ngai vàng của Đế Thích ở cõi trời 33 (Tam thập Tam thiên) thuyết giảng Abhidhamma, thì hai vị thiên Indaka và Ankura đến nghe pháp. Bất cứ khi nào có chư thiên nhiều oai lực đến thì Ankura phải nhường chỗ cho họ và lùi ra xa đến độ vị ấy cách Đức Phật đến mười do tuần; còn Indaka thì ngồi yên chỗ cũ, vị ấy không phải di chuyển. Lý do như sau: Vào thời kỳ thọ mạng của loài người là mười ngàn tuổi, Ankura là một đại phú gia. Suốt kiếp sống ấy, Ankura bố thí vật thực đến rất nhiều người dân thường, sai nấu vật thực trên những cái lò trải dài mười hai do tuần. Do kết quả của việc phước ấy, Ankura được sanh làm chư thiên. Còn Indaka được sanh làm chư thiên chỉ nhờ cúng dường một vá cơm đến vị A-la-hán Anuruddha.
Tuy vật cúng dường của Indaka là một vá cơm, nhưng người thọ nhận là một vị A-la-hán, nên quả phước đem lại cho Indaka rất lớn và cao quý. Là một vị thiên có oai lực ngang hàng với những vị khác, Indaka không phải nhường chỗ cho họ. Ngược lại, dù Ankura bố thí vật thực rất dồi dào trong thời gian rất dài, nhưng kẻ thọ lãnh chỉ là những người phàm phu và kết quả là phước phát sanh không đem lại địa vị cao, và vị ấy phải nhường chỗ mỗi khi có một vị thiên nhiều oai lực đến. Do đó, chúng ta tìm thấy lời khuyên trong Kinh tạng như sau: “Viceyya dānaṃ databbaṃ yathā dinnaṃ mahapphalaṃ,” nghĩa là “Khi thực hiện việc bố thí cúng dường, phải chọn người thọ lãnh có khả năng đem lại cho mình quả phước lớn nhất.”
Xem ra có sự mâu thuẫn giữa bộ kinh Pāḷi về Phật sử và những bài kinh Pāḷi khác như Dakkhinā Vibhaṅga v.v... Sự mâu thuẫn dường như sẽ dễ dàng giải quyết nếu người ta nhớ lại bài kinh như kinh Dakkhinā Vibhaṅga dành cho những người bình thường và chư thiên. Những lời bàn trong bộ Phật sử chỉ hướng đến chư Bồ-tát mà mục tiêu của các Ngài là chứng đắc Nhất Thiết Trí hay Trí tuệ của một vị Phật. Trí tuệ này duy nhất có một loại, không có cao, thấp hay trung bình. Vị Bồ-tát phải bố thí bất cứ cái gì Ngài có, đến bất cứ ai đến thọ lãnh chúng, không phân biệt địa vị của họ là cao, thấp hay trung bình. Vị ấy không phải suy xét rằng: “Người thọ lãnh này thuộc hạng thấp - nếu ta bố thí đến người này thì về sau ta chỉ chứng đắc được Nhất Thiết Trí bậc thấp. Người này thuộc hạng trung, nếu bố thí đến họ, về sau ta chỉ chứng được Nhất Thiết Trí bậc trung.” Do vậy, bố thí bất cứ cái gì có được, đến bất cứ ai thọ lãnh mà không phân biệt, là truyền thống thực hành của chư vị Bồ-tát thí có nguyện vọng thành đạt Nhất Thiết Trí.
Ngược lại, mục đích của những kẻ phàm phu, nhân loại hoặc chư thiên, khi thực hành bố thí là đạt được những lợi ích như ý thuộc về thế gian. Vì vậy, lẽ đương nhiên là họ sẽ chọn lựa đối tượng thọ lãnh tốt nhất để nhận vật thí của họ.
Tóm lại, có thể kết luận rằng không có mâu thuẫn giữa những bài kinh trong bộ Phật sử dành cho những vị Bồ-tát và những bài kinh như kinh Dakkhinā Vibhaṅga dành cho những người bình thường và chư thiên.
Những ý nghĩa có thể chấp nhận về chữ pāramī đã được giải thích nhiều cách trong chú giải của bộ Hạnh Tạng (Cariyā-pitaka).
Pāramī được kết hợp bởi ‘parama’ và ‘ī’. Parama: ‘tối thắng’, được dùng ở đây trong ý nghĩa về các vị Bồ-tát, là những bậc Tối thắng.
Hoặc pāramī có ngữ căn ‘para’ với tiếp vĩ ngữ ‘ma’. Ngữ căn para có nghĩa là ‘thực hành viên mãn’ hoặc ‘hộ trì’. Bởi vì các Ngài thực hành viên mãn và hộ trì những pháp như bố thí (dāna), v.v... nên các vị Bồ-tát được gọi là parama.
Hoặc tiếp đầu ngữ para được gắn liền với ngữ căn mava ‘thắt chặt’. Bởi vì các Bồ-tát cư xử tựa như các Ngài kết thân tình cảm và thu hút mọi người đến với các Ngài bằng những pháp Ba-la-mật nên các Ngài được gọi là parama.
Hoặc tiếp đầu ngữ paraṁ kết hợp với ngữ căn maja ‘trong sạch’, paraṁ có nghĩa là ‘hơn’. Vì chư Bồ-tát thoát khỏi trạng thái ô nhiễm và trong sạch hơn những người khác, nên các Ngài được gọi là parama.
Hoặc tiếp đầu ngữ paraṁ kết hợp với ngữ căn maya ‘đi’, paraṃ ‘ siêu việt’. Vì chư Bồ-tát đi đến trạng thái cao siêu của Niết bàn một cách đặc biệt nên các Ngài được gọi là parama.
Hoặc tiếp đầu ngữ paraṃ kết hợp với ngữ căn mu ‘quyết định’. Bởi vì chư Bồ-tát quyết định kiếp sống kế tiếp của các Ngài, như các Ngài quyết định trong kiếp hiện tại, nên các Ngài được gọi là parama. (Ý nghĩa là vì các vị Bồ-tát có thể quyết định chính xác làm điều gì để kiếp hiện tại được vui sướng và không khuyết điểm, nên các Ngài cũng có thể làm như vậy trong kiếp sống kế tiếp. Nghĩa là các Ngài có khả năng cải thiện các kiếp sống của mình).
Hoặc tiếp đầu ngữ paraṃ kết hợp với ngữ căn mi nghĩa là ‘gieo vào’; paraṃ nghĩa là ‘hơn’. Vì chư Bồ-tát ‘gieo vào’ càng lúc càng nhiều đức hạnh như giới v.v…trong lộ trình tâm, nên các Ngài được gọi là parama.
Hoặc tiếp đầu ngữ paraṃ nghĩa là ‘khác với’ hay ‘đối nghịch với’ với ngữ căn ‘mī’ có nghĩa là ‘nghiền nát’. Bởi vì chư Bồ-tát nghiền nát tất cả mọi kẻ thù là những pháp ô nhiễm, khác với hoặc đối nghịch với tất cả những thiện pháp, nên các Ngài được gọi là parama.
Hoặc danh từ pāra kết hợp với ngữ căn maja ‘làm trong sạch’, pāra nghĩa là ‘bờ bên kia’. Ở đây vòng luân hồi được xem là ‘bờ bên này’ và Niết bàn là ‘bờ bên kia’. Bởi vì chư Bồ-tát làm thanh tịnh chính mình và kẻ khác ở bờ bên kia Niết bàn nên các Ngài được gọi là paramī.
Hoặc danh từ pāra kết hợp với ngữ căn mava ‘buộc chặt’ hoặc ‘đặt chung với nhau’. Vì chư Bồ-tát đi đến bờ bên kia Niết bàn nên các Ngài được gọi là pāramī.
Hoặc ngữ căn là maya, nghĩa là ‘đi’. Vì chư Bồ-tát đi đến bờ bên kia Niết bàn nên các Ngài được gọi là parami.
Hoặc ngữ căn là ‘mu’, nghĩa là ‘hiểu biết’. Vì chư Bồ-tát hiểu biết như thật bờ bên kia Niết bàn nên các Ngài được gọi là parami.
Hoặc ngữ căn ‘mi’, nghĩa là “đặt vào”. Vì chư Bồ-tát đặt chúng sanh vào và đưa họ đến bờ bên kia Niết bàn nên các Ngài được gọi là parami.
Hoặc ngữ căn là ‘mi’, nghĩa là ‘nghiền nát’. Bởi vì chư Bồ-tát nghiền nát và đoạn tận tất cả ô nhiễm ở Niết bàn, chúng là kẻ thù của chúng sanh nên các Ngài được gọi là pāramī.
(Những ý nghĩa trên được trình bày đúng với từ nguyên học - sabhavanirutti)
Paramānaṃ ayaṃ pāramī: Pāramī nghĩa là tài sản dưới dạng những pháp hành của chư Bồ-tát; hoặc paramānaṁ kammaṁ pāramī; pāramī có nghĩa là những phận sự của chư Bồ-tát. Paramissa bhāvo pāramitā paramissa kammaṁ pāramitā: những phận sự đem lại trí tuệ nên được gọi là Bồ-tát.
Ý nghĩa trên được đúc kết như sau: một loạt phận sự như bố thí và những phận sự khác được chư Bồ-tát thực hành viên mãn thì được gọi là pāramī (hay pāramitā).
Trong Phụ chú giải của bộ Jinalaṅkāra có nói rằng: “Pārāṁ nibbānaṁ ayan ti gacchanti etāhi ti pāramiyo nibbānasādhakā hi dānacetanādayo dhammā pāramī ti vuccanti,” nghĩa là “Dānacetanā hay tác ý bố thí v.v... hình thành con đường dẫn đến Niết bàn, bờ bên kia của luân hồi nên được gọi là pāramī.”
Trong chú giải Hạnh tạng (Cariyāpitaka) cũng nói rằng: taṇhāmānadiṭṭhīhi anupahatā karun’ūpāyakosalla-pariggahita dānādayo gunā pāramiyo.
Pāramī được tạo thành bởi những pháp như bố thí v.v... có thể thấy được qua sự thể hiện của từ bi và trí tuệ. Lòng bi mẫn được thể hiện nơi những chúng sanh không bị nhiễm trước ái dục, ngã mạn và tà kiến. Trí tuệ là trí tầm cầu con đường và phương tiện được hướng đạo bởi lòng bi mẫn và trí tuệ nên được gọi là pāramī.
Upāya-kosalla-ñāṇa (Phương tiện thiện xảo trí): Đây là trí tuệ thiện xảo trong lúc làm các việc phước như bố thí, v.v… để chúng trở thành phương tiện cơ bản và trợ duyên cho việc chứng đắc Nhất thiết trí. Một người thuộc gia đình thuần thành, có nguyện vọng thành Phật nên chuyên tâm vào các việc phước như bố thí, trì giới, v.v… với mục tiêu duy nhất là chứng đắc Nhất thiết trí. Trí tuệ giúp người ấy hướng đến hoặc ao ước thành đạt Nhất thiết trí là Quả duy nhất của những việc phước thì được gọi là Phương tiện thiện xảo trí.
Mười pháp Ba-la-mật là:
1. Dāna - Bố thí
2. Sīla - Trì giới
3. Nekkhamma - Xuất gia
4. Pañña - Trí tuệ
5. Vīriya - Tinh tấn
6. Khanti - Nhẫn nại hay Kham nhẫn
7. Sacca - Chân thật
8. Adhitthāna - Quyết định
9. Mettā - Từ ái
10. Upekkhā - Hành xả
(Ý nghĩa đầy đủ của mười Ba-la-mật sẽ được giải thích rõ ràng trong những đoạn sau đây).
Về 10 pháp Ba-la-mật, trong chương nói về ‘Sự xuất hiện hy hữu của một vị Phật’ có đề cập rằng có bốn cách tu tập tâm. Một trong bốn pháp tu này bàn về sự kiện từ lúc chư Bồ-tát được thọ ký thành Phật cho đến kiếp cuối cùng, là kiếp các Ngài thành Vô thượng Chánh đẳng giác. Không có thời kỳ nào trong khoảng thời gian rất dài này mà các Ngài không thực hành mười pháp Ba-la-mật, các Ngài không bỏ qua việc thực hành Bố thí Ba-la-mật. Điều ấy khiến chúng ta phải thành tâm, tỉnh trí để suy xét về những pháp hành cao quý mà chư Bồ-tát hằng theo đuổi.
Người thực hành pháp thiền Minh sát phải biết bản chất của Danh và Sắc qua đặc điểm, phận sự, sự hiện khởi và nguyên nhân gần của chúng. Tương tự, muốn hiểu rõ các pháp Ba-la-mật người ta cần phải tìm hiểu đúng qua bốn cách định nghĩa trên. Ở bộ Chú giải Hạnh Tạng có một chương riêng nói về đặc điểm, phận sự, sự hiện khởi và nguyên nhân gần của các pháp Ba-la-mật.
Điểm chung đối với tất cả 10 pháp Ba-la-mật là chúng có đặc điểm phục vụ cho lợi ích của những kẻ khác.
Phận sự của chúng là:
a. Kiccarasa - Phục vụ kẻ khác.
b. Sampattirasa - có sự kiên định, sự viên thành.
Sự hiện khởi của chúng là:
a. Khiến tâm của vị Bồ-tát luôn tầm cầu lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh hay
b. Sự hiện khởi xuất hiện trong tâm của vị Bồ-tát rằng nó là phương tiện hữu ích để vị Bồ-tát tiến gần với quả vị Phật.
Nguyên nhân gần của chúng là:
a. Tâm đại bi, hay
b. Tâm đại bi và sự thiện xảo về phương tiện.
Đặc tánh (Lakkhana) có hai phương diện:
1. Samannasabhāva: đặc tánh chung là đặc tánh có thể áp dụng cho những pháp khác.
2. Visesasabhāva: đặc tánh riêng không áp dụng được cho những pháp khác. Ví dụ: Địa đại trong bốn đại có hai đặc tánh là vô thường và cứng.
Tánh vô thường có thể áp dụng cho cả ba đại còn lại, nhưng tánh cứng là đặc tánh riêng của địa đại mà thôi. Ba đại còn lại không có đặc tánh ấy.
Phận sự (Rasa) cũng có hai phương diện:
1. Kiccarasa: phận sự phải được thực hiện.
2. Sampattirasa: phận sự thành tựu.
Ví dụ: Phước sanh khởi sau khi nó làm vô hiệu hóa hoặc tẩy sạch tội. Như vậy khi người ta nói rằng “Phận sự của phước là vô hiệu hóa tội. Sự thành tựu rốt ráo của hành động phước là sản sanh những kết quả lợi ích. Như vậy phận sự của phước là thành đạt những quả lợi ích.
Bất cứ khi nào người ta nghiền ngẫm về những cảnh pháp, trong tâm của người ấy thường liên hệ đến tính chất của cảnh pháp cần suy xét, liên hệ đến phận sự của nó, kết quả của nó. Những sự hiện khởi mà xuất hiện như vậy trong tâm của người liên quan đến cảnh pháp mà họ suy nghĩ đến, được gọi là sự hiện khởi của cảnh pháp. Ví dụ: khi một người bắt đầu suy xét “Phước là gì?” thì nó sẽ xuất hiện trong tâm của người ấy. Về đặc tánh: “Phước có đặc tánh trong sạch.” Về phận sự: “Phước có phận sự tẩy sạch tội hay vô hiệu hóa tội.” Về nguyên nhân: “Phước có thể khởi sanh chỉ khi nào người ta thân cận với bạn tốt, có giới đức.” Về kết quả: “Phước có thể làm khởi sanh những kết quả đáng ưa thích.”
Yếu tố trợ duyên trực tiếp và mạnh mẽ nhất cho sự khởi sanh của phước là nguyên nhân gần hay túc xứ. Ví dụ: Trong các yếu tố làm khởi sanh phước thì tác ý khéo léo hay thái độ đúng đắn, là yếu tố trợ duyên trực tiếp và mạnh mẽ nhất để phước khởi sanh; vì vậy nó được gọi là nguyên nhân gần hay túc xứ.
Điều thiết yếu nhất liên quan đến chữ Dānapāramī (Bố thí Ba-la- mật) là bất cứ cái gì được cho đi hay bất cứ hành động cho nào, đều được gọi là Dāna. Có hai loại bố thí.
1. Puññavisayadāna - Phước cảnh bố thí là bố thí như là một việc phước
2. Lokavisayadāna - Thế gian cảnh thí là bố thí theo kiểu thế gian.
Bố thí với niềm tin trong sạch là những hành động phước và chỉ những sự bố thí như vậy mới tạo thành Bố thí Ba-la-mật.
Những vật thí được cho vì thương, giận, sợ hãi, hoặc ngu si...và ngay cả đưa ra hình phạt, đưa ra án tử là sự trao cho theo cách thế gian. Chúng không tạo thành Bố thí Ba-la-mật.
Liên quan đến việc bố thí, sẽ rất hữu ích nếu biết được điểm khác nhau và điểm giống nhau giữa Bố thí (Dāna) và Dứt bỏ (Pariccāga).
Trong bổn sanh Mahāhaṃsa của bộ Asītinipāta có nêu ra mười phận sự của một vị vua, đó là bố thí, trì giới, dứt bỏ, chánh trực, hoà nhã, tự chế, vô sân, độ lượng, nhẫn nại và không độc tài. Trong đó chúng ta thấy rằng bố thí và dứt bỏ được liệt kê riêng.
Theo Chú giải bộ Jātaka, có mười vật thí: đồ ăn, thức uống, phương tiện đi lại (gồm có dù che, dép), hoa, bột thơm, dầu thơm, giường, chỗ ngụ và những vật tạo ra ánh sáng. Tác ý xui khiến cho những vật thí này tạo nên sự bố thí. Tác ý kèm theo sự cho đi bất cứ vật nào trong những vật thí này được xem là dứt bỏ. Như vậy sự khác biệt ở đây nằm ở những loại vật thí khác nhau.
Nhưng Phụ chú giải của bộ Jātaka, khi trích dẫn các quan điểm của nhiều vị thầy đã nói rằng “Cho vật thí với ao ước được hưởng quả lành trong những kiếp sống tương lai là Bố thí. Phát lương cho người giúp việc hoặc người phục vụ, v.v… để đổi lấy lợi ích trong đời sống hiện tại là dứt bỏ.
Câu chuyện chứng minh sự khác biệt giữa bố thí và dứt bỏ được mô tả trong bộ Chú giải của Hạnh Tạng (Cariyāpitika) và trong bài Chú giải của Bổn sanh Terasanipata được tóm tắt như sau: Bồ-tát có một thời là vị Bà-la-môn uyên bác, tên là Akitti. Khi cha mẹ qua đời, vị ấy được kế thừa nhiều của cải tích lũy. Đầy đạo tâm, vị ấy suy xét như vầy: “Cha mẹ và tổ tiên của ta đã tích lũy số của cải to lớn như vậy mà từ bỏ chúng và ra đi. Với ta, ta sẽ tập trung vào của cải này rồi ra đi.”
Sau khi được vua cho phép, vị ấy sai đánh trống khắp nơi công bố sẽ có cuộc bố thí vĩ đại suốt bảy ngày. Vị ấy đích thân cho đi tất cả của cải của mình nhưng vẫn còn lại khá nhiều.
Vị ấy thấy rằng không cần đứng ra để điều khiển cuộc bố thí. Thế nên mở rộng cửa nhà, cửa kho báu và kho ngũ cốc để mọi người đến lấy bất cứ thứ gì mà họ thích. Vị ấy từ bỏ đời sống thế tục và xuất gia.
Trong câu chuyện trên, sự phân phát của cải do Bồ-tát đích thân làm trong bảy ngày đầu tiên là hành động bố thí, còn sự từ bỏ số của cải còn lại là hành động dứt bỏ. Bốn điều kiện cần có để tạo thành sự bố thí là:
(1) Người cho.
(2) Vật cho.
(3) Người nhận.
(4) Tác ý cho.
Sự phân phát vật thí của bậc trí tuệ Akitti trong bảy ngày đầu tiên đã hội đủ bốn điều kiện trên. Do đó nó được gọi là bố thí. Sau bảy ngày phân phát, vị ấy bỏ lại của cải để mọi người tự do đến lấy - cách cho như vậy mới được xem là dứt bỏ.
Trong công việc hằng ngày không phải là làm việc phước, khi chúng ta cho cái gì đến ai đó, chúng ta chỉ nói rằng chúng ta “cho”, tiếng Pāḷi là “deti”. Nhưng khi chúng ta dứt ra một phần của cải của chúng ta với ý nghĩa rằng: “Ai muốn lấy nó thì cứ lấy, không muốn thì cứ để đó”. Đó không phải là sự cho đi mà là sự từ bỏ hay dứt bỏ, tiếng Pāḷi là cāga, không phải dāna.
Tóm lại, khi chúng ta trao quyền sở hữu tài sản của chúng ta cho một người, nó được xem là cho đi hay hành động bố thí. Khi chúng ta từ bỏ ước muốn sở hữu tài sản của chúng ta, nó được xem là sự dứt bỏ hay từ bỏ (Như người ta dẹp bỏ cái gì đó mà không còn hữu dụng nữa).
Một cách phân biệt khác nữa là: trao đến những bậc phạm hạnh là bố thí; cho đến những người có địa vị thấp hơn là dứt bỏ. Như vậy khi một vị vua thực hành10 phận sự hay 10 vương pháp, cúng dường vật thí đến các vị tỳ khưu phạm hạnh, các Bà-la-môn, v.v… việc làm ấy là bố thí. Khi vị ấy cho vật thí đến những người ăn xin thấp kém, nó được xem là dứt bỏ.
Dầu Dāna và Pariccāga được kể riêng trong mười nhiệm vụ của một vị vua, nhưng theo sự thật rốt ráo thì hai từ này không khác nhau. Khi có dāna thì có thể có pariccāga. Khi có pariccāga thì có thể có dāna. Lý do, khi cho vật gì đến người nhận dầu người ấy ở gần hoặc xa, đó là hành động dāna. Khi ý nghĩa về quyền sở hữu bị loại bỏ trong tâm (vào lúc cho) thì sự từ bỏ này là pariccāga. Như vậy, bất cứ khi nào người ta cho một cái gì thì trước đó luôn có ý nghĩ “Ta sẽ không dùng nó nữa”, ám chỉ sự pariccāga. Do đó, trong các việc phước, pariccāga luôn luôn đi kèm với dāna.
Trong bộ Phật sử cũng vậy, bàn về 10 pháp Ba-la-mật, Đức Phật chỉ đề cập Bố thí Ba-la-mật, không nói đến dứt bỏ Ba-la-mật, bởi vì dứt bỏ được bao gồm trong bố thí. Vì bộ Phật sử chỉ bàn về Chân đế (không xét đến những cách sử dụng Tục đế), việc bố thí đến người nhận, bất kể địa vị bậc cao, trung bình hoặc thấp đều được xem là Bố thí Ba-la-mật. Thật không thích hợp, khi nói rằng cúng dường đến bậc phạm hạnh là bố thí và cho người có địa vị thấp hơn là dứt bỏ.
Tương tự, trong Tăng chi bộ và những bộ kinh Pāli khác, chúng ta tìm thấy sự liệt kê bảy đức tánh của một bậc Thánh như sau: Tín, Giới, Tuệ, Dứt bỏ, Đa văn, Tàm và Quý. Chỉ có, dứt bỏ (cāga) trong bản liệt kê mà không có đề cập đến bố thí ở đây. Vì nó được hiểu ngầm rằng bố thí được bao gồm trong dứt bỏ.
Đây là những ví dụ mà trong đó bố thí và dứt bỏ được đề cập đến mà không có sự phân biệt và với ý nghĩa đồng nhất.
Dù hành động bố thí nào cũng có thể được mô tả chung là Bố thí Ba-la-mật, nhưng những sự bố thí vĩ đại (có đặc tính phi thường) được mô tả trong Kinh tạng là những sự Dứt bỏ vĩ đại - Mahāpariccāga. Những sự Dứt bỏ vĩ đại bao gồm năm loại từ bỏ vật sở hữu được liệt kê khác nhau trong các bộ Chú giải.
Các bộ Chú giải của các bộ kinh Sīlakkhandha, Mūlapaṇṇāsa và Aṅguttara (trong phần giải thích về ý nghĩa của chữ Tathāgata) đã liệt kê năm loại dứt bỏ vĩ đại như sau:
1. Dứt bỏ tứ chi.
2. Dứt bỏ mắt.
3. Dứt bỏ của cải.
4. Dứt bỏ vương quốc.
5. Dứt bỏ vợ con.
Chú giải bộ Mūlapaṇṇāsa (Trong bài nói về bài kinh Cūḷasīhanāda Sutta) nêu ra một bản liệt kê khác như sau:
1. Dứt bỏ tứ chi.
2. Dứt bỏ vợ con.
3. Dứt bỏ vương quốc.
4. Dứt bỏ thân mạng.
5. Dứt bỏ mắt.
Phụ chú giải của bộ Visuddhimagga liệt kê như sau:
1. Dứt bỏ thân mạng.
2. Dứt bỏ mắt.
3. Dứt bỏ tài sản.
4. Dứt bỏ vương quốc.
5. Dứt bỏ vợ con.
Phụ chú giải của bộ Mahāvagga thuộc Dīgha Nikaya - Trường bộ kinh (Trong phần giải thích về bài kinh Mahāpadāna) đã liệt kê như sau:
1. Dứt bỏ tứ chi.
2. Dứt bỏ mắt.
3. Dứt bỏ thân mạng.
4. Dứt bỏ vương quốc.
5. Dứt bỏ vợ con.
Chú giải của bộ Itivuttaka (trong phần giải thích bài kinh đầu tiên của phẩm Dukanipāta, Dutiyavagga) đã liệt kê như sau:
1. Dứt bỏ tứ chi.
2. Dứt bỏ thân mạng.
3. Dứt bỏ của cải.
4. Dứt bỏ vợ con.
5. Dứt bỏ vương quốc.
Chú giải của bộ Buddhavaṁsa liệt kê như sau:
1. Dứt bỏ tứ chi.
2. Dứt bỏ thân mạng.
3. Dứt bỏ của cải.
4. Dứt bỏ vương quốc.
5. Dứt bỏ vợ con.
Chú giải của bộ Vessantara Jātaka liệt kê như sau:
1. Dứt bỏ của cải.
2. Dứt bỏ tứ chi.
3. Dứt bỏ con.
4. Dứt bỏ vợ.
5. Dứt bỏ thân mạng.
Trong Phụ chú giải của bộ Jinālaṅkāra cũng liệt kê như vậy, nhưng khác về thứ tự.
Tuy mỗi cách liệt kê ở trên có khác nhau chút ít về đối tượng dứt bỏ, nhưng điều cần lưu ý là những điểm quan trọng thì giống nhau, đó là những vật ngoài thân và thân mạng của chính mình. Trong những vật ngoài thân, chúng ta thấy những vật tách biệt với thân, đó là sự dứt bỏ của cải, dứt bỏ vợ con rất yêu dấu với chính mình. Dứt bỏ vương quốc là kho báu quan trọng nhất của chính mình. Về sự dứt bỏ thân thể, có hai cách: Cách không gây nguy hiểm tính mạng, tức là sự dứt bỏ tứ chi (aṅgapariccāga) và cách còn lại nguy hiểm đến tính mạng, tức là sự dứt bỏ mắt (nayanapariccāga) hay sự dứt bỏ cuộc sống (jivitaparaccāga) và sự từ bỏ thân mạng (attapariccāga). Ở đây việc bố thí mắt hoặc cho cả thân thể đều được xem là bố thí thân mạng.
Sự bố thí vĩ đại của vua Vesantara gồm bảy loại vật thí, mỗi loại có số lượng một trăm, được Chú giải mô tả là Đại thí (Mahādāna), không phải Đại dứt bỏ (Mahāpariccāga). Nhưng người ta có thể lý luận rằng sự bố thí vĩ đại này có thể được xem là một trong năm sự từ bỏ vĩ đại, tức là sự từ bỏ vĩ đại về của cải.
Để mở mang thêm kiến thức cho những người có nguyên vọng thành Phật Chánh Đẳng Giác hoặc Độc Giác Phật hoặc Thinh Văn Phật, chúng tôi đưa ra thêm những lời Chú giải phụ về những phương diện khác nhau của bố thí, và một trong những điều kiện để thành đạt giác ngộ. Những điều chú thích này được nêu ra dưới dạng những câu trả lời cho những câu hỏi sau đây:
1) Những pháp nào được gọi là Dāna?
2) Tại sao chúng được gọi là Dāna?
3) Đặc tánh, phận sự, sự hiện khởi và nguyên nhân gần của Dāna là gì?
4) Có bao nhiêu loại Dāna?
5) Những yếu tố nào làm cho kết quả của sự Dāna mạnh lên?
6) Những yếu tố nào làm suy yếu kết quả của sự Dāna?
Câu trả lời tóm gọn là “ Cetana -Tác ý” cho vật thí thích hợp được gọi là Dāna. Ý nghĩa sẽ rõ ràng hơn trong những đoạn sau đây.
Tác ý được gọi là Dāna (Bố thí) vì nó có trách nhiệm tạo ra hành động bố thí. Có thể không có bố thí nếu không có tác ý cho, hành động bố thí có thể xảy ra chỉ khi nào có tác ý cho.
Về điểm này, tác ý muốn nói ở đây là:
1. Tác ý vào lúc cho - gọi là muñca-cetanā, tác ý dứt bỏ, muñca nghĩa là sự dứt bỏ. Chỉ tác ý này đi kèm với hành động dứt bỏ mới tạo thành yếu tố thực sự của bố thí.
2. Tác ý khởi sanh vào lúc dự định trước khi bố thí được gọi là “tư tiền” (Pubba cetana). Loại tác ý này cũng có thể được xem là bố thí miễn là vật được cho có sẵn vào lúc khởi lên ý định “Ta sẽ cho vật này”. Nếu không có vật được cho thì ý nghĩ cho có thể được gọi là “pubba-cetanā” nhưng không thể mang tính chất bố thí. Nó chỉ có thể là ý nghĩa thiện mà thôi.
Tác ý được xem là đồng nghĩa với bố thí vì nó dựa trên định nghĩa: Dīyāti anenāti dānam, sự xúi dục hành động cho là bố thí (ở đây tác ý rõ ràng là nguyên nhân quyết định của hành động cho).
Những vật được cho cũng có thể gọi là bố thí do định nghĩa: Dīyāti dānaṃ, nghĩa là những vật được cho là vật thí.
Theo sau những định nghĩa này, những bộ Kinh tạng có nêu ra hai loại bố thí - Tác ý bố thí và Vật bố thí. Về điểm này những câu hỏi đã được đặt ra - lý do tại sao những vật cho đi được gọi là dāna, vì chỉ có tác ý mới có khả năng sanh ra kết quả, còn vật thí thì không. Sự thật là chỉ có tác ý mới sanh kết quả vì tác ý là hành động thuộc tâm. Nhưng như đã giải thích ở trên, tác ý chỉ được gọi là dāna nếu nó khởi sanh vào lúc có vật thích hợp để cho. Do đó vật bố thí cũng là yếu tố đóng góp quan trọng cho hành động bố thí để hình thành pháp dāna.
Ví dụ chúng ta nói “Cơm được nấu chín nhờ củi”. Thực tế thì lửa nấu chín cơm. Như vậy lửa cháy do củi và cơm được nấu chín do lửa. Qua ví dụ trên, không phải không đúng khi nói rằng: “Cơm được nấu chín do củi đốt”. Tương tự, chúng ta có thể nói rằng: “Kết quả lợi ích có được là do vật thí.”
Trong những hành động bố thí, vật cho đi có đặc điểm quan trọng nên các bộ Kinh nêu ra những loại bố thí khác nhau, tùy thuộc vào những vật thí khác nhau. Như vậy trong những bài Chú giải về Tạng Luật, có bốn loại bố thí, đó là bố thí thực phẩm, y phục, trú xứ và thuốc men.
Sự phân loại trong phần giải thích của bộ Abhidhamma, mọi thứ trong thế gian đều nằm trong 6 mục tương ứng với sáu cảnh. Có 6 loại bố thí là: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp.
Sự phân loại của bộ Suttanta, có mười loại bố thí – thực phẩm, thức uống, phương tiện đi lại, hoa, bột thơm, dầu thơm, giường, chỗ ngụ và những vật cho ánh sáng.
Tóm lại, câu kết luận cho phần này là: Tác ý là bố thí vì nó thúc
dục hành động cho đi; vật thí là bố thí vì nó là vật thích hợp để cho đi.
(a) Bố thí có đặc tánh là từ bỏ (lakkhaṇa)
(b) Phận sự của nó (kicca-rasa) là tiêu diệt sự tham luyến đối với vật bố thí, hay nó đặc tính của sự hoàn hảo (sampatti-rasa).
(c) Sự hiện khởi của nó là không luyến ái, tức là trạng thái không tham xuất hiện trong tâm của người bố thí hoặc biết rằng bố thí đưa đến tái sanh thiện thú và sự giàu sang.
(d) Nguyên nhân gần của bố thí là có vật thí (tài sản để cho đi). Nếu không có vật thí, thì không có bố thí.
Loại bố thí được xếp thành những nhóm hai.
1. Āmisa-dāna / Dhamma-dāna (Bố thí tài vật / Pháp thí )
a) Āmisa-dāna (Bố thí tài vật - Tài thí) gồm có cơm v.v... cũng được gọi là Bố thí tứ sự (paccaya dāna) (khi những vật thí là vật dụng của Sa-môn).
Giảng dạy Pháp trong hình thức thuyết giảng v.v… là việc bố thí Pháp. Đức Phật dạy rằng – việc bố thí Pháp là loại bố thí cao thượng nhất trong tất cả các loại bố thí. (Sự phân loại bố thí theo hai nhóm)
Có câu hỏi được đặt ra là xây chùa và dựng tượng Phật thuộc loại bố thí nào?
Có một số người cho rằng xây chùa và dựng tượng Phật tuy bao gồm sự từ bỏ số lớn của cải, nhưng nó không phải là hành động bố thí. Vì họ nói rằng một hành động cho mà trở thành sự dāna phải tròn đủ ba điều kiện: người nhận, người cho và vật cho. Dựng tượng và xây chùa rõ ràng là có người cho nhưng ai nhận vật thí của người ấy? Nếu không có người nhận vật thí thì làm sao có hành động dāna?
Theo quan điểm của họ, chùa và tượng Phật không phải là vật thí. Hơn nữa, chùa và tượng Phật là đối tượng để niệm tưởng về ân đức của Phật. Người xây chùa, dựng tượng thì trong tâm của họ không có người nhận đặc biệt nào để cho đi. Người ấy xây dựng chùa để giúp tạo ra hình ảnh sống động về Đức Phật ở trong tâm của người chiêm bái, giúp người kia thực hành pháp, niệm tưởng về ân Đức Phật. Do vậy, theo họ việc xây chùa dựng tượng có liên quan đến pháp thiền niệm Phật, không phải là hành động bố thí .
Lại nữa, một số người cho rằng vì người xây chùa và tôn trí tượng Phật làm những công việc này để tỏ sự tôn kính nhất đến Đức Phật, nên hành động của người ấy phải được xem là hành động tôn kính (apacāyana), là một trong mười điều phước (puññakiriya-vatthu). Họ nói thêm rằng bởi vì loại phước này - là tôn kính những bậc đáng tôn kính, là pháp hành về giới (cāritta-sīla), nó thuộc về sự thọ trì giới, không phải pháp thiền niệm Phật. Nhưng không phải phước của sự niệm Phật cũng chẳng phải phước của sự tôn kính liên quan sự từ bỏ vật thí. Trong khi đó, xây chùa và tôn trí tượng Phật đòi hỏi một số tiền chi phí lớn. Do đó những việc phước này phải được xem là thuộc về sự bố thí.
Ở đây, câu hỏi có thể đặt ra “Nếu nó thuộc về sự dāna, phải chăng đó là hành động dāna khi không có người nhận?” Theo các bộ Kinh, việc cho được xem là hành động dāna hay không thì phải được phán xét qua bốn định nghĩa: đặc tính, phận sự, sự hiện khởi và nguyên nhân gần. Chúng tôi đã nêu ra bốn định nghĩa ở trên rồi. Bây giờ ứng dụng vào vấn đề hiện tại. Chúng ta thấy đặc tính là sự từ bỏ vì người xây chùa và tôn tạo tượng Phật có sự từ bỏ một số tiền lớn. Về phận sự, có sự tiêu diệt luyến ái đối với vật cúng dường. Người bố thí biết rằng hành động bố thí của vị ấy sẽ đem lại kết quả là được sanh vào cõi người hoặc cõi chư thiên và có được tài sản lớn. Và cuối cùng về nguyên nhân gần, có vật cho. Như vậy bốn đặc điểm cần thiết đối với việc cho để thực sự trở thành hành động dāna đều hiện hữu ở đây và do đó chúng ta có thể kết luận rằng xây chùa và tôn trí tượng Phật thực sự là hành động dāna.
Về câu hỏi: Ai nhận vật thí? Tất cả chư thiên và nhân loại đến lễ bái ở chùa tháp và tượng Phật để niệm tưởng ân Đức Phật là những người nhận. Tất cả mọi thứ trong thế gian đều được dùng theo nhiều cách khác nhau tùy theo đặc tính của chúng. Vật thực được dùng để ăn; y phục dùng để mặc; vật thờ cúng dùng để tôn kính lễ bái.
Nếu hồ nước và giếng được đào ở gần đường công cộng thì dân chúng có thể đến lấy nước đem về uống, giặt rửa. Người đào giếng, hồ (tức là người bố thí) khi cho đào chúng, trong tâm của người ấy sẽ không có người nhận cụ thể nào. Khi khách lữ hành đi qua con đường ấy, dùng vật thí (nước), không ai có thể nói rằng vật thí của người đào giếng không phải là hành động bố thí.
Kết luận, thật thích hợp để nói rằng người xây chùa tôn trí tượng Phật là người dāna - chùa và tượng Phật là vật thí, chư thiên và nhân loại đến lễ bái là những người thọ nhận vật dāna.
Vấn đề cần xét ở đây là có cần tổ chức lễ rót nước để hình thành hành động dāna? Thực ra, trong các bộ kinh không thấy đề cập đến yêu cầu này. Tuy nhiên, sự thực hành ấy có truyền thống lâu dài.
Trong phần Chú giải về chương Cīvarakkhandhaka của bộ Vinaya Mahāvagga, chúng tôi tìm thấy việc đề cập đến truyền thống rót nước. “Có một sự chia rẽ giữa chư Tăng trong tịnh xá xảy ra trước thời gian dâng y. Khi đến ngày làm lễ, Phật tử dâng y đến một nhóm tỳ khưu kia, y chồng chất lên, làm lễ rót nước, họ tác bạch rằng: “Chúng con dâng đến nhóm tỳ khưu kia.” Nói về cách phân phối y trong chư Tăng, bộ Đại chú giải nói rằng, nếu đó là nơi mà mọi người không coi trọng lễ rót nước thì số y thuộc về nhóm tỳ khưu được thí chủ dâng cúng trực tiếp. Nhóm tỳ khưu chỉ nhận lễ rót nước không có quyền đòi hỏi y. Nhưng nếu đó là nơi mà mọi người coi trọng lễ rót nước thì nhóm tỳ khưu nhận lễ rót nước có quyền yêu cầu về y, vì lễ rót nước được tổ chức cho họ. Nhóm tỳ khưu nhận y trực tiếp từ thí chủ cũng có quyền đòi hỏi được chia phần, vì họ đã sở hữu những chiếc y ấy rồi. Do đó, hai nhóm tỳ khưu phải chia đều cho nhau. Phương pháp phân phối này là truyền thống thực hành ở những vùng nằm bên kia đại dương.
Những vùng nằm bên kia đại dương, đối với Sri lanka ám chỉ “Xứ Jampudīpa, tức là Ấn Độ.” Do đó nên chú ý rằng lễ rót nước là lối thực hành theo truyền thống của người Ấn Độ.
Khi xét đến ý nghĩa - có những vùng mà người ta xem trọng lễ rót nước và có những vùng mà người ta không xem trọng lễ rót nước. Thế nên, không thể nói rằng việc cúng dường tạo thành hành động bố thí chỉ khi có lễ rót nước. Lễ này chỉ quan trọng đối với những người thực hành theo truyền thống rót nước. Điều rõ ràng, đối với những người không thực hành theo truyền thống này thì lễ rót nước không cần thiết. Vì vậy, cần lưu ý rằng lễ rót nước không phải là yếu tố tiên quyết để thành tựu hành động bố thí.
b) Dhamma-dāna (Pháp thí): ngày nay có những người không có khả năng thuyết pháp nhưng vì muốn làm Pháp thí, đã mua kinh sách và bố thí. Dù sự bố thí kinh sách như vậy không thực sự là Pháp thí, nhưng người đọc sẽ được lợi ích nhờ đọc được những pháp hành và lời chỉ dẫn đưa người ta đến Niết bàn, nên người bố thí có thể được xem là người bố thí Pháp.
Như trường hợp người không có thuốc để đến người bịnh, chỉ có toa thuốc trị bệnh. Khi thuốc được mua về theo toa và uống thì bịnh khỏi. Người kia không trực tiếp cho thuốc, nhưng nhờ toa thuốc của anh ta có hiệu nghiệm, anh ta đáng được xem là người chữa trị. Cũng vậy, người bố thí kinh sách dù không trực tiếp thuyết pháp nhưng cũng giúp người đọc đạt được trí tuệ của Pháp và như vậy đáng được xem là người bố thí Pháp.
Kết luận phần này, hai loại bố thí được nêu ra ở trên - Tài thí (Amisa-dāna) và Pháp thí (Dhamma-dāna) cũng có thể được gọi là Amisa-pūja - Sự cúng dường bằng tài vật, và Dhamma-pūja - Sự cúng dường bằng thuyết giảng.
Chữ ‘Pūjā’ nghĩa là ‘tôn kính’ và thường được áp dụng khi một người nhỏ cúng dường đến người lớn hơn về tuổi tác hoặc địa vị. Dựa vào cách xử dụng này một số người đã giải thích rằng dāna (bố thí) nên được phân chia thành “Pūjadāna” và “anuggahadāna”. Pūjadāna (bố thí cúng dường) - người nhỏ tuổi hoặc địa vị thấp cúng dường đến người lớn tuổi hoặc có địa vị cao hơn. Và anuggahadāna (bố thí giúp đỡ) - do thiện cảm của người lớn tuổi hoặc người có địa vị cao bố thí đến người nhỏ tuổi hoặc có địa vị thấp.
Nhưng trong chương “Thọ ký”, chữ pūjā được dùng cho cả cao lẫn thấp và chữ anuggaha cũng được áp dụng cho cả hai trường hợp. Nói chung, “anuggaha” được dùng khi những người lớn tuổi hoặc có địa vị cao thực hiện sự bố thí đến những người nhỏ tuổi, địa vị thấp hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải nhờ những cách dùng của “āmi-sānuggaha” và “dhammānuggaha” để mô tả sự giúp đỡ và ủng hộ cho sự tiến bộ và phát triển giáo pháp của Đức Phật. Ở đây, chữ anuggaha được ứng dụng dành cho giáo pháp cao cả và thánh thiện nhất của Đức Phật. Như vậy cần nhớ rằng sự phân chia thành pujadāna và anuggahadāna không phải là sự phân chia tuyệt đối thành hai phương diện của sự bố thí, đúng hơn chỉ là sự phân chia dành cho cách dùng thông thường.
(Nội đích bố thí / Ngoại phần bố thí)
Ajjhattika-dāna (Nội đích bố thí / Bố thí chính con người của mình ) là cho mạng sống và tứ chi của chính mình. Bāhira-dāna (Ngoại phần bố thí / Bố thí của cải ngoài thân) bao gồm cho tất cả những vật sở hữu ở ngoài thân của người bố thí.
Ngày nay chúng ta đọc báo thấy những tin tức nói về sự cúng dường tứ chi ở chùa hoặc đốt thân cúng dường. Có một số bình luận về những việc bố thí cúng dường như vậy bao gồm tứ chi. Theo những bài bình luận ấy, sự cúng dường mạng sống và tứ chi như vậy là những hành động chỉ những Đại Bồ tát mới làm được, chứ không phải của những người tầm thường. Người ta nghi ngờ rằng liệu những sự cúng dường như vậy mà do người bình thường thực hiện có đem lại phước báu nào không?
Chúng ta hãy xét xem những quan điểm như vậy là đúng hay sai? Không phải vì một hành động cao cả nào đó mà nói rằng người ấy là một vị Bồ-tát; chỉ sau khi thực hành các pháp Ba-la-mật với hết khả năng của mình từng bước một, dần dần tiến hóa cho đến mức độ chín muồi người ta mới có thể trở thành vị Bồ-tát. Có một vị văn hào thuở xưa đã viết như vầy: “Chỉ do sự mạo hiểm người ta mới nắm chắc sự tiến bộ liên tục trong những kiếp tái sanh về sau.” Do đó chúng ta đừng vội vàng kết án những người bố thí một phần thân thể của họ hoặc cả thân mạng. Nếu một người do tác ý kiên cường (Tư) và niềm tin vững chắc, thật can đảm mới dám bố thí thân mạng của mình, chí đến dứt bỏ cả mạng sống, vị ấy thật sự đáng được tán dương là người Bố thí thân mạng – Ajjhattika-dāna.
3. Vatthu-dāna / Abhaya-dāna ( Vật chất bố thí / Vô úy thí)
Vatthu-dāna (Vật chất bố thí) thì liên quan đến sự bố thí tài sản vật chất và Abhaya-dāna (Vô uý thí) là cho sự an ổn về tính mạng hoặc tài sản. Pháp bố thí này thường là sự thể hiện lòng khoan dung, độ lượng của các vị vua.
(Hữu lậu bố thí / Vô lậu bố thí)
Vattanissita-dāna (Hữu lậu bố thí) là sự bố thí với tâm mong cầu được tài sản và niềm vui thích trong kiếp sau nghĩa là khổ đau trong luân hồi. Vivattanissita-dāna (Vô lậu bố thí) là bố thí với ước nguyện chứng đắc Niết bàn, giải thoát sanh tử.
(Tội nhiễm bố thí / Vô tội nhiễm bố thí)
Sāvajja-dāna (Tội nhiễm bố thí), ví dụ bố thí món thịt lấy từ sự giết chết con vật và Anavajja-dāna (Vô tội nhiễm bố thí) là bố thí vật thực không do giết thịt để làm vật thực bố thí.
Chúng ta thấy trường hợp một số người đánh cá kiếm tiền từ sự bắt cá, họ quyết định bỏ nghề với suy nghĩ:
“ Ta sẽ bỏ nghề đánh cá tội lỗi này và kiếm sống bằng nghề lương thiện”. Nhưng khi bắt tay làm những nghề khác, họ thấy tài sản của họ bị suy giảm, trở lại nghề cũ thì việc làm ăn của họ phát đạt. Đây là ví dụ về Tội nhiễm bố thí đã được làm trong những kiếp quá khứ cho quả trong kiếp hiện tại. Vì hành động bố thí ấy có kèm theo hành động sát sanh, vào lúc cho quả cũng vậy, sự thành công chỉ đạt được khi được kết hợp với hành động sát sanh (bắt cá). Nếu không được kết hợp với hành động sát sanh thì Tội nhiễm bố thí trong kiếp quá khứ không thể cho quả và tài sản của anh ta cũng suy giảm.
(Trực tiếp bố thí / Gián tiếp bố thí)
Sāhatthika-dāna (Trực tiếp bố thí) là sự bố thí bằng chính tay người cho và Anattika-dāna (Gián tiếp bố thí) là sự bố thí do người đại diện làm. (Theo bài kinh Tệ túc (Payasi) trong Đại Phẩm (Mahā Vagga), Trường bộ kinh (Dīgha Nikāya), Trực tiếp bố thí có quả báu nhiều hơn Gián tiếp bố thí).
(Cẩn trọng bố thí / Bất cẩn bố thí)
Sakkacca-dāna (Cẩn trọng bố thí), ví dụ như bố thí hoa. Sau khi hái hoa đem về, người bố thí kết chúng thành tràng hoa và sắp xếp rất công phu để trông cho đẹp, xinh xắn rồi đem cúng dường và Asakkacca-dāna (Bất cẩn bố thí) là bố thí không có sự chuẩn bị cẩn thận. Khi hoa được hái về, bố thí đem dâng liền mà không có sự sắp xếp vì anh ta nghĩ rằng những bông hoa tự nó là vật thí cũng đủ rồi.
(Hợp trí bố thí / Ly trí bố thí)
Ñāṇasampayutta-dāna (Hợp trí bố thí) là sự bố thí được kết hợp với trí hiểu biết rõ ràng về những hành động có tác ý và kết quả do chúng tạo ra và Ñāṇavippayutta-dāna (Ly trí bố thí) là hành động bố thí được thực hiện mà không có sự hiểu biết như vậy, chỉ theo những người bố thí khác mà làm. Vấn đề là biết rõ nguyên nhân và kết quả chắc chắn của nó trong khi bố thí được thực hiện, cũng đủ để tạo nên hành động Hợp trí bố thí. Về vấn đề này, cần có sự giải thích qua những lời khuyên sau đây: “Bất cứ khi nào thực hiện một việc bố thí, cần phải có Tuệ quán (Vipassanā-ñāṇa) đi kèm theo như vầy: ‘Ta, người cho vật thí thì vô thường, vật thí cũng vô thường và người thọ thí cũng mang tính chất vô thường.’ Bạn nên quán như vậy bất cứ khi nào thực hành bố thí.”
Lời khuyên này được áp dụng chỉ để khuyến khích thực hành pháp Minh sát mà thôi. Không nên hiểu sai rằng nếu không thực hành pháp Quán như vậy, thì việc bố thí sẽ không có trí đi kèm.
Trên thực tế bất cứ ai muốn tu tập pháp Minh sát trước hết phải loại bỏ ý niệm về cái Ta, người kia, đàn ông, đàn bà tức là ảo tưởng về Ta, ảo tưởng về ngã và phải thấy rằng chúng chỉ là những khối vật chất và tinh thần mà thôi. Sau đó phải tiếp tục quán niệm để giác ngộ ra rằng những danh uẩn và sắc uẩn này đều có đặc tánh vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Nếu không có sự phân tích danh sắc uẩn này, mà chỉ quán theo quan niêm thông thường rằng: ‘Ta là vô thường, vật thí là vô thường và người thọ thí là vô thường’ thì không thể có Tuệ quán thực sự.
(Hữu trợ bố thí / Vô trợ bố thí)
Sasaṅkhārika-dāna (Hữu trợ bố thí) là sự hối thúc hoặc tha thiết nài xin một người nào đó bố thí khi người kia đang do dự hoặc làm nhưng miễn cưỡng. Một sự yêu cầu đơn giản không nên xem đó là sự hối thúc. Asaṅkhārika-dāna (Vô trợ bố thí), ví dụ một người chưa có quyết định gì mà có người đến quyên góp từ thiện và anh ta bằng lòng cho ngay không do dự: “Đây là sự bố thí tự nguyện để đáp lại một sự yêu cầu đơn giản. Cũng trường hợp như vậy, nhưng ở đây, người cho lúc đầu chần chừ và từ chối. Nhưng khi lời yêu cầu được lập lại với sự khẩn nài: “Xin hãy bố thí đừng ngần ngại,” anh ta mới đóng góp. Sự bố thí của anh ta được làm sau khi có sự hối thúc, nên nó được xem là Hữu trợ bố thí. Trong trường hợp, không có người đến yêu cầu bố thí, người kia đầu tiên suy nghĩ sẽ bố thí rồi sau đó rút lại ý nghĩ ấy, nhưng sau khi tự thuyết phục, tự động viên, cuối cùng mới bố thí thì sự bố thí của anh ta thuộc loại Hữu trợ.
10. Somanassa-dāna / Upekkhā-dāna (Hoan hỷ bố thí / Xả bố thí)
Somanassa-dāna (Hoan hỷ bố thí) là bố thí với tâm hoan hỷ và vui vẻ và Upekkhā-dāna (Xả bố thí) là bố thí với tâm không vui cũng không buồn, bình thản.
(Hợp pháp bố thí / Phi pháp bố thí)
Dhammiya-dāna (Hợp pháp bố thí) là sự bố thí tài vật kiếm được đúng pháp bằng phương tiện chân chính và Adhammiya-dāna (Phi pháp bố thí) là sự bố thí tài vật kiếm được bằng phương tiện bất chính như trộm cắp, cướp đoạt. Tuy việc kiếm của cải bằng phương tiện phi đạo đức, không hợp pháp, tuy nhiên sự bố thí của cải dồi dào vẫn là việc phước. Nhưng kết quả phát sanh từ loại bố thí này không thể lớn bằng kết quả của sự bố thí hợp pháp, giống như hai loại cây mọc lên từ hạt giống tốt và hạt giống xấu.
12. Dasa-dāna / Bhujissa-dāna (Nô lệ bố thí / Vô câu thúc bố thí)
Dasa-dāna (Nô lệ bố thí) là bố thí với ước vọng thành tựu dục lạc trần gian. Sự bố thí làm cho người ta bị nô lệ. Là kẻ nô lệ cho tham ái, người ta thực hiện loại bố thí này để phục vụ cho ông chủ của họ - ái dục, muốn thỏa mãn những ước muốn của nó và Bhujissa-dāna (Vô câu thúc bố thí) là bố thí với ước nguyện chứng đắc Đạo Quả, Niết bàn - sự bố thí với quyết tâm đoạn diệt ái dục.
Chúng sanh trong vòng luân hồi vô tận thường muốn thọ hưởng những dục lạc khả ái về (sắc, thinh, hương, vị, xúc), ước muốn được thọ hưởng dục lạc được gọi là ái dục. Vì cứ mãi chạy theo ái dục như vậy, nên người ta trở thành nô lệ của nó.
Suốt cuộc đời làm nô lệ cho ái dục mà vẫn không thỏa mãn, chúng ta bố thí để kiếp sau có được cuộc sống sung sướng. Loại bố thí này có kèm theo ước muốn mãnh liệt được thọ hưởng dục lạc liên tục trong những kiếp sau nên được gọi là Nô lệ bố thí.
Nhưng khi chúng ta được may mắn nghe pháp của Đức Phật, chúng ta hiểu sức mạnh của ái dục này, sự mong muốn vô bờ bến của nó, sự đau khổ mà chúng ta phải thọ lãnh khi chạy theo nó. Đến lúc ấy, chúng ta mới lập quyết tâm: “Tôi sẽ không bao giờ làm nô lệ cho ái dục kinh khủng này nữa. Tôi quyết tâm không làm thỏa mãn những mong muốn của nó. Tôi sẽ tiêu diệt nó.” và để đoạn tận ái dục này, người ta bố thí với ước nguyện chứng đắc Đạo Quả, Niết bàn. Sự bố thí với ước nguyện như vậy được gọi là Vô câu thúc bố thí hay Giải thoát bố thí.
(Định lập bố thí / Bất định lập bố thí)
Thāvara-dāna (Định lập bố thí) là bố thí những vật thí có tính chất trường cửu, bất động như chùa tháp. tịnh xá, nhà nghỉ và đào giếng, đào hồ... Athāvara-dāna (Bất định lập bố thí) là bố thí những vật thí có tính chất di động, sử dụng tạm thời như vật thực, y phục, v.v...
Saparivāra-dāna là sự bố thí gồm cả vật chính và vật phụ ví như trong việc bố thí y áo gồm có y và những vật phụ thuộc khác. Aparivāra-dāna là bố thí chỉ gồm có vật chính mà không có vật phụ thuộc đi kèm.
Những tướng đặc biệt trên thân của chư Bồ-tát là kết quả phát sanh từ Saparivāra-dāna.
(Định kỳ bố thí / Ngẫu nhiên bố thí)
Nibaddha-dāna (Định kỳ bố thí) là sự bố thí thường xuyên và đều đặn như bố thí vật thực đến chư Tăng. Anibaddha-dāna (Ngẫu nhiên bố thí) là bố thí không thường xuyên, không định kỳ, chỉ ngẫu nhiên tùy hứng.
(Thủ trước bố thí / Vô thủ trước bố thí)
Paramattha-dāna (Thủ trước bố thí) là sự bố thí bị ô nhiễm bởi ái dục và tà kiến và Aparamattha-dāna (Vô thủ trước bố thí) là sự bố thí không bị ái dục và tà kiến làm ô nhiễm. Theo Tạng Abhidhamma, người bị lầm lạc chỉ do tà kiến, nhưng tà kiến lại luôn ở chung với ái dục. Khi tà kiến nhiễm vào tâm và dẫn dắt người ta đi sai đường thì tham ái cũng có tham dự. Cho nên cả tham ái và tà kiến đều được nêu ra ở trên. Sau khi thực hiện một việc bố thí, nếu người ta tha thiết nguyện rằng: “Cầu cho tôi sớm chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn do nhờ quả phước thanh cao này” thì sự bố thí sẽ thuộc loại Vô lậu bố thí và nó sẽ làm duyên để chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Nhưng nếu không nguyện như vậy mà nguyện với tâm bị ô nhiểm bởi tham ái và tà kiến rằng: “Do quả phước này cầu cho tôi trở thành một vị thiên tối thắng như Đế Thích, vua của Đạo lợi thiên hay một vị thiên ở những cõi trời có thọ mạng lâu dài” thì sự bố thí của người ấy không thể làm duyên để chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Đó là Thủ trước bố thí.
Nhiều việc thiện có thể được thực hiện bên ngoài giáo pháp của Đức Phật nhưng sự bố thí thường là Thủ trước bố thí. Chỉ trong giáo pháp của Đức Phật mới có Vô thủ trước bố thí. Thế nên, khi chúng ta may mắn gặp được giáo pháp của Đức Phật, chúng ta nên cố gắng thực hành loại Vô thủ trước bố thí (Aparamattha-dāna).
(Tàn thực bố thí / Bố thí những thứ còn mới mẻ)
Ucchiṭṭha-dāna (Tàn thực bố thí) là bố thí đồ dư thừa, phẩm chất xấu. Anucchiṭṭha-dāna (Bố thí những thứ còn mới mẻ), ví dụ trong khi dọn ra các món vật thực cho bữa ăn, mà có người xin xuất hiện, người kia cho trước một ít vật thực từ đó, sự bố thí ấy được xem là Tối thượng thí (Agga-dāna) và nó cũng là Anucchiṭṭha-dāna, bởi vì vật cúng dường không phải là thức ăn dư thừa. Nếu người xin đến khi chủ nhà đang ăn và chủ nhà bố thí vật thực từ bàn ăn ấy, sự bố thí ấy cũng được xem là Anucchiṭṭha-dāna - được xem là vật thí quý báu. Sau khi người ta ăn xong, bố thí bằng vật thực dư thừa gọi là Tàn thực thí. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, sự bố thí khiêm nhường của một người không có gì khác để cho ngoài đồ tàn thực, cũng được gọi là Anucchiṭṭha-dāna. Khi nào người cho có khả năng cho vật thí tốt hơn mà không cho thì được gọi là Ucchiṭṭha-dāna.
Sajīva-dāna là sự bố thí được thực hiện trong khi người ta đang còn sống. Accaya-dāna là sự bố thí được thực hiện sau khi người ta chết theo lời di chúc: “Tôi sẽ cho cái này đến người này sau khi tôi chết, người được chỉ định trong di chúc sẽ được thừa hưởng nó.” Vị tỳ khưu không được phép thực hiện sự bố thí Accaya-dāna, nghĩa là vị ấy không thể để dành tài sản của mình để cho kẻ khác sau khi vị ấy chết. Nếu vị tỳ khưu ấy có làm như vậy thì cũng không thành tựu việc bố thí. Người thọ lãnh sau này cũng không có quyền sở hữu di sản ấy. Nếu trong khi còn sống, vị tỳ khưu cho tài sản của mình đến một vị tỳ khưu khác, thì người thọ lãnh có quyền thừa hưởng di sản được cho. Hoặc khi vị tỳ khưu còn sống, một số tỳ khưu thường sống chung với vị ấy (Vissāssagaha) có thể lấy chia ra mà dùng. Hoặc nếu vị ấy cùng xài chung một vật gì đó với một vị tỳ khưu khác, khi vị ấy chết thì vị tỳ khưu còn sống trở thành chủ nhân duy nhất. Nếu không có những lý do này, thì tài sản của vị tỳ khưu trở thành tài sản của Tăng khi vị ấy chết. Do đó, di chúc bố thí chỉ hợp pháp và khả thi đối với người tại gia cư sĩ mà thôi.
(Cá nhân tuyển thí / Tăng thí)
Puggalika-dāna (Cá nhân tuyển thí) là bố thí đến riêng một người hoặc hai người. Saṅghadāna (Tăng thí) là bố thí đến toàn thể hội chúng tỳ khưu Tăng có nghĩa là nhóm tập thể hay hội chúng. Ở đây Tăng ám chỉ toàn thể hội chúng Thánh đệ tử của Đức Phật. Khi có ý định bố thí đến Tăng, người thí chủ không được mang ý nghĩ riêng về những vị Thánh đệ tử trong Tăng chúng mà phải nghĩ về toàn thể chúng Tăng. Chỉ khi đó sự cúng dường của vị ấy mới thuộc loại Tăng thí.
Bài kinh Dakkhināvibhaṅga (của Majjhima Nikāya - Trung bộ kinh) có kể ra 14 loại Cá nhân Tuyển thí và 7 loại Tăng thí.
1. Bố thí cúng dường đến một vị Phật (Budha).
2. Bố thí cúng dường đến một vị Độc giác Phật (Paccekabuddha).
3. Bố thí cúng dường đến vị A-la-hán (Arahat).
4. Bố thí cúng dường đến bậc đang trên đường chứng đắc Đạo Quả A-la-hán (arahatta-phala hay arahatta-magga).
5. Bố thí cúng dường đến bậc A-na-hàm (anāgāmi).
6. Bố thí cúng dường đến bậc đang trên đường chứng đắc Đạo Quả A-na-hàm (anāgāmi-phala).
7. Bố thí cúng dường đến bậc Tư-đà-hàm (sakadāgāmi).
8. Bố thí cúng dường đến bậc đang trên đường chứng đắc Đạo Quả Tư-đà-hàm (sakadāgāmi-phala).
9. Bố thí cúng dường đến bậc Tu-đà-hườn (sotāpatti).
10. Bố thí cúng dường đến bậc đang trên đường chứng đắc Đạo Quả Tu-đà-hườn (sotāpatti-phala).
11. Bố thí cúng dường đến các Sa-môn (ở ngoài giáo pháp của Đức Phật hoặc khi giáo pháp chưa bị tiêu hoại) đã chứng thiền hoặc thần thông.
12. Bố thí cúng dường đến người cư sĩ có giới.
13. Bố thí đến người thế gian không có giới.
14. Bố thí đến súc vật.
Trong 14 loại Cá nhân tuyển thí này, sự bố thí một bửa ăn đầy đủ đến một con vật sẽ đem lại những quả thiện như: sự trường thọ, sắc đẹp, thân an vui, sức mạnh và trí tuệ trong một trăm kiếp. Như vậy, theo thứ tự đi lên, bố thí một bửa ăn đầy đủ đến người kém giới sẽ đem lại những quả thiện này trong 1000 kiếp. Bố thí đến người có giới trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật chưa bị tiêu hoại và người có giới kia chưa quy y Tam bảo sẽ được phước một trăm ngàn kiếp. Đến những Sa-môn và đạo sĩ đã chứng đắc thiền hưởng phước 10 tỷ kiếp. Đến người cư sĩ hoặc Sa-di (trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật chưa bị hoại diệt) đã quy y Tam bảo và cúng dường đến bậc Thánh đã chứng đắc Tu-đà-hườn đạo, được hưởng phước một A-tăng-kỳ kiếp; và đến những bậc thánh cao hơn lên đến Đức Phật thì phước báu vô lượng (Theo Chú giải, ngay cả người chỉ quy y Tam bảo cũng được xem là người đang thực hành Pháp để giác ngộ Tu-đà-hườn quả - sotāpatti-phala).
Trong 14 loại Cá nhân Tuyển thí này, không đề cập đến những vị tỳ khưu giới luật lỏng lẻo. Sự mô tả của Đức Phật về người không có giới, chỉ liên quan đến thời kỳ giáo pháp của Đức Phật. Vì những lý do này, có khuynh hướng cho rằng sự bố thí cúng dường đến những vị tỳ khưu có giới hạnh không trong sạch trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật là đáng chê trách. Nhưng nên ghi nhớ rằng “Bất cứ ai trở thành người tu thì tối thiểu họ cũng quy y Tam bảo.” Và Chú giải cũng nói rằng bất cứ ai đã quy y Tam bảo, đều là người đang hành đạo để giác ngộ Tu-đà-hườn quả (sotāpatti-phala). Hơn nữa, sự bố thí đến người thế tục không có Giới (trong khi giáo pháp chưa hoại diệt) cũng có nhiều lợi ích.
Lại nữa, trong bộ kinh Milinda-Pañha (Mi-lin-đà vấn đạo), Đại Đức Na Tiên giải thích rằng một vị tỳ khưu không có giới vẫn tốt hơn người thế tục về mười phương diện như sự tôn kính đến Đức Phật, sự tôn kính đến Đức Pháp, sự tôn kính đến Đức Tăng, v.v... Như vậy theo bộ Milinda-Pañha, vị tỳ khưu không có giới, và theo Chú giải vì vị ấy được liệt vào hạng người đang hành đạo để giác ngộ Tu-đà-hườn quả (sotāpatti-phala). Thế nên, đừng bảo rằng bố thí đến vị tỳ khưu không có Giới là đáng chê trách và không có kết quả.
Còn một quan điểm khác liên quan đến vấn đề này. Vào thời kỳ không có giáo pháp của Đức Phật, những vị tỳ khưu không có giới, không thể gây tai hại gì đến Giáo pháp. Nhưng khi Giáo pháp tồn tại, họ có thể làm hại Giáo pháp. Vì lý do ấy, không nên hộ độ cho những vị tỳ khưu không có giới trong thời kỳ Giáo pháp của Đức Phật. Tuy nhiên, quan điểm này không vững chắc.
Vào lúc kết thúc thời pháp nói về bảy loại Tăng thí, Đức Phật dạy Ānanda rằng: “Này Ānanda, sau này sẽ có những vị tỳ khưu ác. Không có giới, chỉ có danh nghĩa tỳ khưu thôi, sẽ quấn y quanh cổ. Với tâm bố thí cúng dường đến Tăng đoàn, sự bố thí sẽ được thực hiện đến những vị tỳ khưu phi giới này. Tuy vậy, sự bố thí này vẫn gọi là Tăng thí. Như Lai khẳng định rằng phước ấy cũng đem lại những lợi ích vô lượng.”
Vẫn còn một quan điểm khác cần xét đến. Trong 4 loại Thanh tịnh thí (Dakkhinā-Visuddhi), Tịnh thí thứ nhất là: dù người thọ lãnh không có giới nhưng người cho có giới, sự bố thí được thanh tịnh do sự thanh tịnh của người cho. Vì vậy không nên nói rằng vị tỳ khưu phi giới không phải là người thọ thí và không lợi ích trong việc bố thí đến vị tỳ khưu ấy.
Do đó, nên lưu ý rằng chỉ đáng trách khi chúng ta bố thí với ý định xấu, như khuyến khích và khen ngợi những hành động sái quấy của vị tỳ khưu phi giới. Ngược lại nếu chúng ta cúng dường với tâm thanh tịnh chỉ nghĩ rằng “Nên bố thí khi có người đến xin.” Điều ấy hoàn toàn không đáng chê trách.
1. Bố thí đến cả hai hội chúng tỳ khưu và tỳ khưu ni do Đức Phật lãnh đạo, trong khi Đức Phật còn đang sống.
2. Bố thí đến cả Tăng lẫn Ni sau khi Đức Phật viên tịch.
3. Bố thí đến Tăng chúng.
4. Bố thí đến Ni chúng.
5. Bố thí đến nhóm tỳ khưu và tỳ khưu ni đại diện cho chúng Tăng Ni (với tác ý đến toàn thể Tăng chúng). Sự bố thí như vậy được thực hiện khi thí chủ không đủ khả năng bố thí đến hết thảy tỳ khưu và tỳ khưu ni. Thí chủ đi đến Tăng và yêu cầu các Ngài cử ra một số Tăng thọ lãnh vật thí.
6. Bố thí đến một nhóm tỳ khưu (với tác ý đến toàn thể chư Tăng) sau khi yêu cầu Tăng cử ra số tỳ khưu vừa với khả năng dâng cúng của thí chủ.
7. Có câu hỏi đặt ra rằng: Sau khi Đức Phật đã viên tịch liệu có thể thực hiện cách bố thí thứ nhất không? Câu trả lời: Được. Nghĩa là sự bố thí được thực hiện như sau: Sau khi đặt tượng Phật có đựng Xá lợi của Ngài trước mặt hội chúng Tăng Ni tham dự lễ, sự cúng dường diễn ra với câu tác bạch rằng:
“Con xin cúng dường tất cả vật thí này đến chúng Tăng có Đức Phật chủ tọa.”
Chư Tăng và chư Ni đã được thọ nhận lễ vật cúng dường rồi, còn Đức Phật tức là tượng Phật có chứa Xá lợi của Ngài thì lễ vật nào sẽ dành cho Ngài? Cũng như tài sản của người cha theo lệ thường thì để lại cho đứa con trai, lễ vật dâng đến Đức Phật sẽ truyền lại cho vị tỳ khưu làm phận sự tu tập theo di huấn của Ngài hoặc truyền lại cho Tăng. Đặc biệt, nếu những lễ vật dâng cúng như dầu, thục tô, v.v... húng sẽ được dùng để đốt đèn cúng dường Đức Phật. Những tấm vải trong lễ vật cúng dường sẽ được dùng làm cờ xí để tôn vinh Đức Phật.
Trong thời Đức Phật tại tiền, dân chúng thường không dính mắc cá nhân các vị tỳ khưu. Tâm của họ nghiêng về tập thể chúng Tăng và nhờ vậy, họ có thể bố thí dồi dào đến chúng Tăng. Kết quả là nhu cầu của các vị tỳ khưu được đáp ứng nhờ sự phân phối lợi hòa của Tăng. Các ngài có ít nhu cầu để phải lệ thuộc vào các thí chủ nam nữ, nên ít luyến ái đối với họ như: “Thí chủ của chùa tôi, thí chủ dâng y của chùa tôi, v.v...” Như vậy, các vị tỳ khưu có thể thoát khỏi sợi dây luyến ái.
Những ai muốn cúng dường loại Tăng thí Thanh tịnh thì nên bắt chước theo gương của gia chủ Ugga. Câu chuyện về gia chủ Ugga được tìm thấy trong phẩm Gahapati Vagga, Aṭṭhakanipāta của Aṅguttara Nikāya (Tăng chi bộ).
Một thuở nọ, khi Đức Thế Tôn đang ngụ ở ngôi làng Voi, trong xứ Bạt kỳ (Vajjī), Đức Thế Tôn dạy các tỳ khưu: “Này các tỳ khưu, các ngươi nên xem vị gia chủ Ugga của làng Voi là người có 8 đức tánh kỳ diệu.” Với lời dạy tóm tắt như vậy, Đức Phật đi vào bên trong tịnh xá.
Một buổi sáng nọ, có vị tỳ khưu đi đến nhà gia chủ Ugga và nói với ông ta rằng: “Này gia chủ, Đức Thế Tôn nói rằng ông là người có 8 đức tánh kỳ diệu. Tám đức tánh kỳ diệu mà Đức Thế Tôn nói về ông là gì vậy?”
“Bạch Đại đức, tôi không dám quả quyết về tám đức tánh đặc biệt mà Đức Phật nói là tôi có. Nhưng xin hãy chú ý nghe tôi kể về tám đức tánh kỳ diệu mà tôi thực sự có”. Rồi ông ta mô tả đầy đủ về tám đức tánh kỳ diệu như sau:
1. Lần đầu tiên tôi trông thấy Đức Phật là lúc mà tôi đang ăn uống vui chơi trong rừng hoa Thiết Mộc. Vừa khi tôi trông thấy Đức Phật đang đi đến từ xa thì tôi tỉnh rượu và lòng tịnh tín đối với các ân đức của Phật khởi sanh trong tâm tôi. Đây là điều kỳ diệu thứ nhất.
2. Vào lúc gặp Đức Phật lần đầu tiên ấy, tôi đã quy y Phật và nghe Ngài thuyết pháp. Kết quả là tôi chứng đắc quả thánh Nhập lưu và an trú trong Ngũ phạm hạnh giới (Brahmacariya-pañcama-sīla). Đây là điều kỳ diệu thứ hai.
(Ngũ phạm hạnh giới tương tự như Ngũ giới mà người cư sĩ thọ trì hằng ngày. Ngũ giới ‘tránh xa việc tà dâm’ là tránh xa việc quan hệ tình dục với bất cứ ai, trừ vợ của mình. Ngũ phạm hạnh giới: ‘Tôi tránh xa bất cứ hình thức quan hệ tình dục nào’ nghĩa là hoàn toàn tránh xa việc quan hệ, ngay cả với vợ của mình).
3. Tôi có 4 bà vợ. Ngay khi trở về nhà, tôi nói với họ rằng tôi đã thọ trì Ngũ phạm hạnh giới. Ai muốn ở lại trong ngôi nhà này thì được phép sử dụng tài sản của tôi tùy thích và dùng nó để làm các việc phước. Còn ai muốn về nhà cha mẹ thì được tự do, ai muốn lấy chồng khác thì tôi sẽ cưới cho. Bà vợ cả trong bốn bà vợ của tôi đã nói ra tên một người đàn ông nọ mà bà ta muốn lấy làm chồng. Tôi cho mời người đàn ông ấy đến rồi tay trái dắt vợ, tay phải tôi cầm bình nước và tôi đã gã bà vợ cả cho người đàn ông ấy. Khi đem gã vợ của tôi cho người đàn ông kia, tôi hoàn toàn bình thản, không xúc động. Đây là điều kỳ diệu thứ ba.
4. Tôi đã quyết định sử dụng tất cả tài sản của tôi chung với những người có thiện giới tánh. Đây là điều kỳ diệu thứ tư.
5. Tôi luôn đi đến vị tỳ khưu với tâm tôn kính đúng mức, không bao giờ bất kính. Nếu vị tỳ khưu thuyết pháp đến tôi thì tôi tôn kính lắng nghe, không chểnh mãng. Nếu vị tỳ khưu không thuyết pháp đến tôi, thì tôi thuyết pháp đến vị ấy. Đây là điều kỳ diệu thứ năm.
6. Bất cứ khi nào tôi thỉnh chư Tăng về nhà để cúng dường, chư thiên thường đi trước và báo cho tôi biết rằng: “Này gia chủ, các vị tỳ khưu này là những bậc Thánh, những vị phạm hạnh. Các vị tỳ khưu này là những người phàm có giới. Những vị tỳ khưu này không có giới.” Chuyện chư thiên đến báo tin cho tôi như vậy là bình thường. Điều kỳ diệu là khi tôi cúng dường vật thực hay tứ sự đến chư Tăng thì những ý nghĩ như “Tôi sẽ cũng dường đến vị này nhiều, vì vị ấy có giới đức. Hoặc tôi sẽ cúng dường đến vị này ít, vì có giới hạnh kém.” Những ý nghĩ như vậy, không bao giờ khởi sanh trong tâm tôi. Thực tế thì tôi dâng cúng đến mỗi vị chẳng hề có sự phân biệt thánh hay phàm, hữu giới hay phi giới. Đây là điều kỳ diệu thứ sáu.
7. Bạch đại đức, chư thiên đến và nói rằng pháp của Đức Phật được khéo thuyết giảng. Điều này không khiến tôi ngạc nhiên. Điều kỳ diệu là trong vài trường hợp tôi đã đáp lại với chư thiên rằng: “Hỡi chư thiên, dầu các vị có nói với tôi như vậy hoặc không phải như vậy, quả thật pháp của Đức Phật đã được khéo thuyết giảng (ông ta tin tưởng rằng pháp của Đức Phật được khéo thuyết giảng không phải do chư thiên nói cho ông ta biết, mà do tự ông ta biết như vậy). Tuy tôi đã liên lạc với chư thiên như vậy, tôi không cảm thấy ngã mạn về việc chư thiên đến với tôi và việc tôi nói chuyện với họ. Đó là điều kỳ diệu thứ bảy.
8. Cũng không có điều gì ngạc nhiên, nếu tôi chết trước Đức Thế Tôn và Ngài sẽ nói trước rằng: “Gia chủ Ugga đã hoàn toàn đoạn diệt năm hạ phần kiết sử dẫn đến tái sanh trong cõi dục. Ông ta là một vị A-na-hàm. Ngay trước khi Đức Phật tiên tri, tôi đã trở thành một vị A-na-hàm rồi, và tôi đã biết điều này rồi. Đây là điều kỳ diệu thứ tám.
Trong tám điều kỳ diệu do gia chủ Ugga mô tả, điều kỳ diệu thứ sáu liên quan đến việc bố thí không phân Thánh hay phàm, người có giới hay không giới. Điều cần thiết là nên giữ tâm vô tư trong những hoàn cảnh như vậy. Thái độ vô tư có thể hiểu theo cách này “Vì tôi đã thỉnh với ý định cúng dường đến Tăng, toàn thể Tăng. Khi tôi cúng dường đến bậc Thánh, tôi cũng giữ thái độ cúng dường đến Tăng - toàn thể Thánh thinh văn đệ tử của Đức Phật. Và khi tôi cúng dường đến người không có giới, tôi sẽ không nghĩ vị ấy là như vậy. Tôi chỉ nghĩ rằng mình đang cúng dường đến Tăng, toàn thể Thánh thinh văn đệ tử của Đức Phật. Đây là điều cần thiết để thực hiện sự bố thí đến Tăng.”
Khi làm một việc bố thí đến Tăng theo gương của gia chủ Ugga, người không nên để ý riêng đến đối tượng thọ lãnh. Hãy dẹp bỏ ý nghĩ riêng tư về đối tượng và cố gắng vững tâm, chỉ nghĩ đến toàn thể chư Tăng để sự bố thí của mình trở thành Tăng thí cao quí. Đức Phật đã chỉ dạy rõ ràng trong bài kinh Dakkhinā-vibhaṅga - sự bố thí thuộc loại Tăng thí, được thực hiện khi tâm của người thí chủ hướng đến toàn thể chúng Tăng và kết quả của việc phước ấy đem lại lợi ích vô lượng, vô song cho người thí chủ, cho dù người thọ lãnh là người không có giới. Sự bố thí là Tăng thí khi nó được thực hiện vớí tâm tôn kính đầy đủ đến Tăng. Nhưng làm như vậy không phải luôn dễ dàng. Giả sử có người muốn thực hiện Tăng thí, sau khi đã sửa soạn các lễ vật cúng dường cần thiết, người ấy đi đến tịnh xá và tác bạch với các vị tỳ khưu như vầy: “Kính bạch chư đại đức Tăng, con muốn tổ chức một lễ cúng dường đến chư Tăng, cầu xin chư Tăng cắt cử một người nào đó đại diện cho chư Tăng.” Nếu các vị tỳ khưu cử một vị Sa-di đại diện cho chư Tăng thì thí chủ có thể không hoan hỷ. Nếu Tăng chọn một vị trưởng lão cao hạ đại diện, thì thí chủ có thể rất hoan hỷ vui mừng nghĩ rằng: “Người thọ lãnh của ta là một vị trưởng lão cao hạ - Sự bố thí bị ảnh hưởng bởi nhân cách của người thọ thí như vậy không thể là một Tăng thí hoàn hảo.
Chỉ khi nào người ta chấp nhận người đại diện do Tăng cắt cử mà không chút ngờ vực và không quan tâm đến người thọ lãnh là sa-di hay tỳ khưu, tỳ khưu trẻ hay tỳ khưu già, tỳ khưu dốt hay tỳ khưu giỏi, và cúng dường với tâm chỉ nghĩ rằng: “Ta đang cúng dường đến Tăng” với sự tôn kính đầy đủ đến chư Tăng, chỉ khi ấy người kia mới thực hiện sự bố thí cúng dường Tăng.
Câu chuyện xảy ra ở bên kia đại dương, tức Ấn Độ. Một vị trưởng giả nọ sau khi đã dâng cúng tịnh xá, bèn tổ chức một cuộc bố thí cúng dường đến chư Tăng. Sau khi sắm sửa các lễ vật cúng dường, ông ta đi đến chúng Tăng và tác bạch với các Ngài như vầy: “Bạch hóa chư đại đức Tăng, cầu xin các Ngài cử ra một vị nào đó để thọ lãnh lễ vật cúng dường của con đến Tăng.” Đặc biệt người được chỉ định để đại diện Tăng thọ lãnh vật thí là một vị tỳ khưu không có giới. Dầu vị trưởng giả biết rõ vị tỳ khưu được chỉ định không có giới, nhưng ông ta đối xử với vị ấy một cách tôn kính hết mức - chỗ ngồi dành cho vị tỳ khưu được sửa soạn rất trang trọng với một chiếc lọng che ở trên, lại có hoa thơm và các hương liệu khác, ông ta rửa chân cho vị tỳ khưu kia rồi thoa dầu thơm với cử chỉ rất tôn kính tựa như ông ta đang hầu hạ kim thân của Đức Phật. Rồi ông ta cúng dường vật thí đến vị tỳ khưu với lòng tôn kính sâu sắc đến chúng Tăng.
Chiều hôm ấy, vị tỳ khưu phi giới đến nhà của ông ta, đứng trước cửa nhà hỏi mượn cái cuốc để làm việc chùa. Vị thí chủ của tịnh xá chẳng thèm đứng dậy khỏi chỗ ngồi, ông ta dùng chân hất cái cuốc tới trước mặt vị tỳ khưu. Những người trong gia đình tò mò hỏi ông ta: “Thưa ông chủ, sáng nay ông đã tôn kính vị tỳ khưu này biết bao. Bây giờ ông lại cư xử với vị ấy chẳng chút tôn kính nào cả. Tại sao ông có những thái độ trái ngược như vậy đối với vị tỳ khưu này?” Vị gia chủ đáp lại rằng: “Này các con thân, sáng nay ta đã tỏ sự tôn kính đến Tăng chứ không phải đến vị tỳ khưu phi giới này.”
Có một số người chủ trương rằng khi có vị tỳ khưu đi khất thực trước nhà một Phật tử mà người Phật tử này đã biết vị tỳ khưu kia không có giới, hạnh kiểm xấu thì sẽ không cúng dường đến vị tỳ khưu kia. Vì sự cúng dường cho vị tỳ khưu không có giới cũng giống như bón phân tưới nước cho cây độc.
Nhưng không thể nói rằng mọi hành động bố thí có tác ý đến những người phi giới là đáng trách. Điều cần xét đến ở đây là sự tác ý của người cho. Nếu người cho tán thành những thói xấu của người thọ thí, và cho với chủ ý ủng hộ và khích lệ những pháp hành phi đạo đức của người thọ thí, chỉ khi ấy sự bố thí của ông ta mới giống như vun phân, tưới nước vào cây độc. Nếu người cho không tán thành những thói xấu của người thọ thí, và không có tâm khuyến khích vị ấy tiếp tục những pháp hành tà vạy. Nếu người thí chủ thực hiện sự bố thí cúng dường theo cách của người thí chủ dâng cúng tịnh xá như đã mô tả trên, thì nó trở thành Tăng thí đúng nghĩa, không có sự chê trách nào đối với sự bố thí cúng dường như vậy.
Lại nữa, có một số người chủ trương rằng người thọ thí có giới hành tốt hay xấu, thì chẳng liên quan gi đến sự bố thí của thí chủ. Nó chỉ liên quan đến người thọ thí. Do đó cứ giữ tâm không phân biệt đối với hạnh kiểm của người thọ thí, dù tốt hay xấu, người cho chỉ bố thí với tâm như vầy: “Đây là một bậc Thánh.” Họ cho rằng sự bố thí ấy vô tội và có kết quả dồi dào y như sự bố thí cúng dường đến một vị A- la-hán. Quan điểm này không đứng vững.
Các đệ tử của các vị thầy không có khả năng biết được vị thầy có phải là Thánh hay A-la-hán không? Nhưng cứ mù quáng tin vào ông thầy của họ là bậc Thánh, bậc A-la-hán.
Loại tà kiến này được gọi là Tà kiến Thắng giải (Micchādhimokkha - sự quyết đoán hay kết luận sai lầm). Kết luận sai lầm hay quyết định sai lầm quả thật là tội lỗi. Là quyết định sai lầm nếu người ta nuôi ý nghĩ rằng: “Đây là những bậc Thánh, bậc A-la-hán đã giác ngộ.” trong khi người ta biết rằng họ không phải như vậy.
Khi đối mặt với những người thọ thí như vậy trong lúc bố thí cúng dường, thái độ thích hợp trong tâm là: “Các vị Bồ-tát khi thực hành bố thí Ba-la-mật không phân biệt các hạng người có địa vị bậc cao, bậc trung hoặc bậc thấp. Ta cũng theo gương các vị Bồ-tát ấy và bố thí một cách không phân biệt đến bất cứ ai đến xin vật thí của ta. Bằng cách này, sự bố thí sẽ không có khuynh hướng ủng hộ và cổ vũ những pháp hành xấu ác và cũng sẽ không bị xem là “ Quyết định sai lầm đối với người thọ thí.” Hành động bố thí như vậy sẽ không lỗi lầm hay đáng chê trách.
Nhiều điểm tranh luận và nhiều vấn đề sanh khởi trong những trường hợp bố thí đến cá nhân bởi vì có nhiều loại cá nhân khác nhau, tốt hoặc xấu. Trong trường hợp cúng dường đến Tăng - Tăng thí, chỉ có một loại Tăng, không có tốt và xấu. (Ở đây những vị Thánh Thinh văn đệ tử của Đức Phật được ám chỉ đến). Trong số Thánh Tăng, không có sự phân biệt cao, trung hoặc thấp. Tất cả các Ngài đều cao quí như nhau. Do đó, theo như đã giải thích ở trên, bất cứ khi nào có một người khất thực xuất hiện, không cần xét đến hạnh kiểm của người thọ thí, ta nên bố thí cúng dường với ý nghĩ rằng: “Ta bố thí cúng dường đến các đệ tử của Đức Phật, hội chúng tỳ khưu bậc Thánh.” Khi ấy sự bố thí những thuộc loại Tăng thí và người thọ thí là Tăng. Người thọ thí ấy nói đúng hơn chỉ là người đại diện của Tăng. Dù người thọ thí có giới hạnh thấp như thế nào chăng nữa, người thọ thí vẫn là Thánh Tăng. Và vì thế, đây thực là sự bố thí cao quí. Có một số người cho rằng rất khó thực hành theo lời khuyên là đừng quan tâm đến nhân cách của người thọ thí phi giới đang xuất hiện trước mặt mình, và bố thí chỉ nghĩ tới Tăng mà không nghĩ tới vị ấy, chỉ xét vị ấy là đại diện của Tăng. Điều khó khăn là người ta chưa quen với cách thực hành như vậy. Như khi tụng kinh lễ bái trước tượng Phật, người ta xem pho tượng ấy tượng trưng cho Đức Phật thực sự, và sự lễ bái cúng dường đến pho tượng như đến Đức Phật, thật sự là điều quen thuộc, không khó khăn gì.
Cũng như gia chủ Ugga trong thời Đức Phật và như người dâng cúng tịnh xá Jambu Dipa đã quen bố thí cúng dường đến vị tỳ khưu phi giới mà vẫn duy trì được ý nghĩ đó là đại diện của Đức Phật. Cũng vậy những người Phật tử hiện nay nên rèn luyện cách suy nghĩ cho quen với thái độ như vậy.
Bốn loại Tăng thí được mô tả trong tạng Luật ở đây không liên quan đến thí chủ thuộc hàng cư sĩ tại gia. Chỉ có bảy loại Tăng thí ở trên dành cho họ mà thôi. Sự phân loại của tạng Luật, dành cho chư Tăng để các Ngài biết cách phân chia vật cúng dường trong các thành viên của Tăng. Bốn loại Tăng thí này là:
(a) Sammukhībhūta Saṅghika (Hiện tiền Tăng già): Những vật cúng dường được phân phối trong chúng Tăng có mặt tại chỗ. Giả sử có một lễ dâng y ở một nơi nào đó trong thị trấn hoặc làng mạc. Ở đó có một số tỳ khưu tụ hội, và lễ cúng dường được thực hiện đến toàn thể Thánh Tăng bằng câu nói: “Con xin cúng dường đến Tăng.” Rất khó để trao đến tất cả chư Tăng ở trong thị trấn hoặc làng mạc. Do đó, sự phân phối được thực hiện cho chúng Tăng có mặt tại chỗ. (Sammukhībhūta: có mặt tại chỗ; Saṅghika:thuộc về Tăng.)
(b) Ārāmaṭṭha Saṅghika (Già lam Tăng già): Vật thí được phân phối trong chúng Tăng ngụ trong toàn thể khu vực của tịnh xá. Giả sử có một thí chủ vào bên trong khu vực của tịnh xá và cúng dường y phục đến một vị tỳ khưu hoặc các vị tỳ khưu mà ông ta gặp với lời tác bạch rằng: “Con xin cúng dường đến Tăng.” Vì sự cúng dường được thực hiện bên trong khu vực của tịnh xá, không phải đến tất cả các vị tỳ khưu ở vùng chung quanh. (Ārāmaṭṭha: nơi cư ngụ; Saṅghika: thuộc về Tăng)
(c) Gatagata Saṅghika (Đáo lai Tăng già): Vật thí thuộc về chư Tăng tại bất cứ chỗ nào mà họ đến. Giả sử có một thí chủ đi đến tịnh xá, nơi mà chỉ có một vị tỳ khưu trú ngụ và cúng dường một trăm bộ y với lời tác bạch rằng: “Con xin dâng đến Tăng.” Nếu vị tỳ khưu rành Luật, vị ấy có thể sở hữu tất cả y cúng dường ấy cho mình bằng sự nhận xét như vầy: “Hiện tại, ở tịnh xá này, ta là Tăng duy nhất. Do đó tất cả một trăm bộ y này thuộc về ta và ta sở hữu chúng.” Theo Luật thì vị ấy có quyền làm như vậy, vị ấy không phạm lỗi là độc chiếm đồ cúng dường đến Tăng. Nếu vị tỳ khưu không rành Luật, vị ấy sẽ không biết cách làm như vậy, quyết định đại rằng “Ta là chủ nhân duy nhất. Ta sở hữu chúng.” Giả sử vị ấy đi đến một nơi khác mang theo bên mình những bộ y ấy và các vị tỳ khưu mà vị ấy gặp sẽ hỏi vị ấy tại sao có nhiều y như thế. Nếu các vị tỳ khưu kia biết được vấn đề và đòi chia y, nói rằng: “Chúng tôi cũng có phần” và kết quả là tất cả y được chia đến tất cả các vị tỳ khưu. Khi ấy sự chia y này được xem là phương pháp tốt. Giả sử vị tỳ khưu kia không chia mà vẫn đi tiếp và gặp những vị tỳ khưu khác. Những vị tỳ khưu này cũng đòi chia y. Cứ như vậy vị tỳ khưu mang y đến đâu cũng bị các vị tỳ khưu ở đó đòi chia y. (Gatagata: bất cứ chỗ nào mà người ta đến, saṅghika: thuộc về Tăng.)
(d) Catuddisā Saṅghika (Tứ phương Tăng già): Vật cúng dường thuộc về tất cả tỳ khưu đến từ bốn phương. Những vật cúng dường như vậy bao gồm những vật thí nặng và quan trọng, cần phải xử lý bằng nhiều cách khác nhau, ví dụ: các tịnh xá. Các tịnh xá không được phân chia mà để chư Tăng từ bốn phương đến ở. (Catuddisā: từ bốn phương, Saṅghika: thuộc về Tăng)
Không quan tâm đến bốn cách này đã được nêu ra trong Tạng luật để có biện pháp phân biệt sở hữu chủ và phân phối những vật cúng dường đến Tăng, một số tỳ khưu đã sử dụng những vật cúng dường theo Luật này khi những thiện tín cúng dường. Ví dụ: giả sử có một số thí chủ khởi tâm tịnh tín đến một vị tỳ khưu nọ, đã xây dựng nên một tịnh xá không có ý định dành cho vị tỳ khưu kia mà dành cho toàn thể Tăng. Trong lễ rót nước bố thí, vị thí chủ thỉnh mười vị tỳ khưu gồm cả vị tỳ khưu kia. Sau thời tụng kinh Paritta, đến lúc thí chủ nói lời tác bạch, vị tỳ khưu muốn thí chủ dâng nó đến cá nhân nhưng thí chủ muốn dâng nó đến Tăng vì vị ấy tin rằng sự cúng dường như vậy thù thắng hơn và phước báu nhiều hơn. Hội chúng bèn giải quyết sự bất đồng ý kiến giữa thí chủ và vị tỳ khưu kia bằng cách yêu cầu thí chủ dâng cúng với lời tác bạch rằng: “Con xin dâng tịnh xá này đến Tăng có mặt ở đây và bây giờ (Sammukhibhūta Saṅghika).” Rồi chín vị tỳ khưu trong hội chúng nói với vị tỳ khưu còn lại rằng: “Chúng tôi từ bỏ tất cả quyền sở hữu của chúng tôi đối với tịnh xá và xin dâng lại cho Ngài,” nhường lại tịnh xá cho vị tỳ khưu ấy và ra đi.
Theo cách này, những thủ tục như vậy có thể được thực hiện, tin rằng ước nguyện làm Tăng thí của thí chủ được thành tựu và người thọ nhận muốn sở hữu riêng cũng hoan hỷ, vì chín vị tỳ khưu có cùng quyền sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu tịnh xá và trao quyền sở hữu độc nhất cho vị tỳ khưu ấy.
Nhưng trên thực tế, thủ tục như vậy không hợp pháp và không nên làm theo. Vật thí về tịnh xá là vật quan trọng. Mười vị tỳ khưu được thí chủ dâng tịnh xá đến không được phép chỉ định cho bất cứ vị tỳ khưu nào trong nhóm. Vật thí của thí chủ là vật thí dâng đến mười vị tỳ khưu đang hiện diện trong trường hợp đó mà thôi, chứ không phải toàn thể chư Tăng.
20. Akāla-dāna / Kāla-dāna (Bất định kỳ bố thí/ Định kỳ bố thí)
Akāla-dāna (Bất định kỳ bố thí) là tất cả những sự bố thí được thực hiện tùy hứng không liên quan đến thời gian đặc biệt nào.
Kāla-dāna (Định kỳ bố thí) là sự bố thí xảy ra trong những trường hợp đặc biệt.
Sự cúng dường y Kaṭhina suốt một tháng sau mùa an cư kiết hạ của chư Tăng, cúng dường y bắt đầu mùa an cư, bố thí vật thực riêng dành cho tỳ khưu bịnh, tỳ khưu ở phương xa đến, tỳ khưu lên đường đi xa là những sự bố thí xảy ra trong những trường hợp đặc biệt với mục đích đặc biệt được gọi là Định kỳ bố thí.
Định kỳ bố thí có phước lớn hơn Bất định kỳ bố thí bởi vì sự bố thí ấy đáp ứng được nhu cầu đặc biệt trong thời gian đặc biệt. Nhân của Định kỳ bố thí sẽ cho quả đặc biệt vào lúc người ta cần đến. Ví dụ: Nếu người thí chủ muốn ăn một món đặc biệt nào đó thì ước muốn của ông ta sẽ được thành tựu ngay. Cũng vậy, nếu ông ta muốn có y phục đặc biệt để mặc thì ông ta sẽ nhận được chúng.
(Sự bố thí có mặt thí chủ / Sự bố thí vắng mặt thí chủ)
Paccakkha-dāna (Sự bố thí có mặt thí chủ): Chữ Pāḷi - Paccakkha do hai chữ pati và akkha kết hợp - pati nghĩa là theo hướng, akkha nghĩa là ngũ căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Dù chữ paccakkha thường được hiểu là “trước mắt”, nghĩa đầy đủ của nó là “có thể biết được bằng các căn”. Như vậy paccakkha-dāna có nghĩa rộng hơn, không chỉ là loại bố thí mà thí chủ thấy tận mắt mà còn kể luôn cả những căn khác, nghĩa là nghe được, ngửi được và sờ mó được nó. Về vấn đề này, cần lưu ý rằng những sự bố thí có mặt thí chủ, paccakkha-dana, không hẳn giống như sự bố thí tận tay (sāhatthika-dāna). Apaccakkha-dāna (Sự bố thí vắng mặt thí chủ) là những sự bố thí có mặt thí chủ, theo yêu cầu của thí chủ mà không do chính tay thí chủ cúng dường là thuộc loại anattikadāna, sự bố thí theo yêu cầu của thí chủ.
22. Sadisa-dāna / Asadisa-dāna (Đẳng thí / Vô song thí)
Sadisa-dāna (Đẳng thí) là sự bố thí mà người khác cũng có thể làm. Asadisa-dāna (Vô song thí) là sự bố thí mà không ai có thể theo kịp. Khi những sự bố thí được thực hiện trong tinh thần tranh đua, các thí chủ thường ra sức làm trội hơn vị thí chủ trước về lượng cũng như về chất. Trong những cuộc bố thí thi đua như vậy, những sự bố thí tỏ ra vô song, không ai theo nổi thì được gọi là Vô song thí.
Theo Chú giải Pháp cú kinh như đã giải thích trong câu chuyện về Vô song thí ở phẩm Lokavagga, chỉ một thí chủ làm được Vô song thí trong suốt thời kỳ của mỗi vị Phật. Câu chuyện được kể ra như sau:
Một thời nọ, Đức Thế Tôn sau khi đi chu du hoằng pháp, có 500 vị A-la-hán tháp tùng, đã về lại Jetavana Tịnh Xá. Vua Pasenadi của nước Kosala tỏ sự tôn kính Đức Thế Tôn và 500 đệ tử của Ngài bằng cách thỉnh Đức Thế Tôn và chúng Thinh văn đệ tử đến hoàng cung và cúng dường long trọng đến các Ngài. Vua cũng cho mời dân chúng ở thành Sāvatthi đến dự lễ cúng dường của nhà vua để họ có thể xem và tùy hỷ với phước báu của vua. Ngày hôm sau, dân chúng của thành Sāvatthi vì muốn trội hơn đức vua, bèn đem tất cả những thứ quí giá nhất trong khắp thành phố và tổ chức một lễ bố thí cúng dường vượt trội những vật thí của đức vua dâng đến Đức Phật và chúng Tăng. Họ mời đức vua đến dự lễ của họ để quan sát và tùy hỉ việc phước của họ. Chấp nhận sự thách thức của dân chúng, ngày hôm sau đức vua tổ chức một cuộc lễ cúng dường khác trội hơn. Dân chúng cùng đức vua cứ thi đua nhau như vậy, tổng cộng đã có sáu lễ bố thí cúng dường mà vẫn chưa đến hồi kết thúc.
Đến vòng thi thứ bảy, đức vua suy nghĩ một cách tuyệt vọng: “Thật rất khó để vượt trội sự cố gắng của dân chúng trong vòng thi thứ bảy này, và đời sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu ta, người cai trị toàn xứ sở mà để thua những người ở dưới quyền cai trị của mình. Để an ủi đức vua, hoàng hậu Mallikā đã nghĩ ra một phương sách bố thí cúng dường mà dân chúng không thể nào địch lại được. Nàng cho dựng lên một cái giả ốc lớn: 500 vị A-la-hán đại đệ tử của Đức Phật sẽ ngồi trong giả ốc ấy có 500 vị hoàng tử đứng quạt hầu và tưới nước thơm trong khắp giả ốc. Ở sau lưng 500 vị A-la-hán sẽ có 500 con voi đang quì và dùng vòi giữ 500 cái lọng che cho các Ngài.
Theo sự sắp xếp trên, người ta thấy thiếu một con voi thuần hóa mới đủ 500 con. Vì vậy, họ để một con voi hoang, hung dữ ở sau lưng tôn giả Aṅgulimāla và bắt nó giữ cái lọng trắng như những con voi khác. Mọi người đều ngạc nhiên, sửng sốt khi thấy con voi dữ này cũng tham dự trong cuộc lễ và cầm chiếc lọng che tôn giả Aṅgulimāla một cách ngoan ngoãn.
Sau khi dâng cúng vật thực đến chúng Tăng, đức vua tuyên bố rằng: “Trẫm đã cúng dường tất cả mọi thứ trong cái giả ốc này, những thứ được phép và những thứ không được phép.” Nghe lời tuyên bố này, dân chúng phải chấp nhận thua cuộc vị họ không có các hoàng tử, lọng trắng và những con voi như thế.
Như vậy thí chủ của Vô song thí trong thời kỳ của bậc Tối thượng trong ba cõi - Đức Phật Gotama, là vua Pasenadi của nước Kosala. Cần lưu ý rằng mỗi vị Phật khác cũng có một thí chủ Vô song thí.
1) Bố thí cũng có thể chia làm 3 bực: Hạ (Hīna), Trung (Majjhima) và Thượng (Paṇīta). Mức độ của hành động thiện tùy thuộc vào sức mạnh của ý định (chanda), trạng thái tâm (citta), sự tinh tấn (viriya) và trí suy xét hay tư duy (vimaṃsā) trong hành động thiện ấy. Khi bốn yếu tố này yếu thì sự bố thí được xem là thuộc bậc hạ. Khi chúng ở mức trung bình thì sự bố thí thuộc bậc trung. Khi tất cả các yếu tố đều mạnh, sự bố thí được xem là thuộc bậc thượng.
2) Khi hành động bố thí được thúc đẩy bởi ước muốn được danh tiếng và sự khen ngợi, nó thuộc bậc hạ. Khi mục đích của sự bố thí là được cuộc sống hạnh phúc trong cõi người hoặc cõi chư thiên thì nó thuộc bậc trung. Nếu sự bố thí được làm để tôn kính các bậc Thánh hoặc chư vị Bồ-tát về gương bố thí của các Ngài thì đó là sự bố thí thù thắng thuộc bậc thượng.
Có nhiều bài kinh trong kinh tạng Pāḷi đã nêu ra những công viên và những tịnh xá được đặt tên của thí chủ. Ví dụ: Jetavana - khu vườn của hoàng tử Jeta; Anāthapiṇḍikārāma - tịnh xá do trưởng giả Anāthapiṇḍika dâng cúng; Ghositārāma - tịnh xá do trưởng giả Ghosita dâng cúng. Hệ thống tôn danh này được các vị trưởng lão trong cuộc Kiết tập lần thứ nhất chấp hành, với ý định khích lệ những người khác theo gương những vị thí chủ ấy và gặt hái phước báu cũng dồi dào như vậy. Thế nên, các thí chủ thời nay khi làm những việc bố thí như vậy, thường khắc tên của họ trên những tấm đá. Nhờ vậy, họ luôn được nhắc nhở và có chánh niệm, không phải vì muốn được danh tiếng mà để làm gương cho người khác noi theo.
3) Khi thí chủ nguyện được cuộc sống hạnh phúc trong cõi người hoặc cõi chư thiên, sự bố thí của ông ta thuộc bậc hạ. Khi ước nguyện là sự chứng đắc pháp Giác ngộ của vị Thinh văn hay Độc giác Phật thì sự bố thí thuộc bậc trung. Khi ước nguyện của thí chủ là Nhất thiết trí, sự bố thí của người ấy thuộc bậc thượng. Chữ Giác ngộ - Bodhi: Trí của một trong bốn thánh đạo. Các bậc trí ngày xưa đã khuyên rằng, sự bố thí giúp thành tựu sự giải thoát luân hồi (Vivattanissita). Ta đừng bao giờ bố thí cho qua mà không có ước nguyện đi kèm. Nên phát nguyện thành tựu một trong ba loại giác ngộ.
4) Lại nữa có ba hình thức bố thí khác, đó là Nô lệ bố thí (Dāna- dāsa), Bằng hữu bố thí (Dāna-sahāya) và Cung kỉnh bố thí (Dāna- sāmi).
Trong đời sống hằng ngày, người ta thường dùng những thứ tốt và cho người hầu kẻ hạ những thứ xấu hơn. Cũng thế, nếu người ta bố thí những thứ có phẩm chất kém hơn thứ mà người ta dùng cho chính mình thì sự bố thí ấy thuộc bậc hạ - Nô lệ bố thí (Dāna-dāsa). Trong đời sống hằng ngày, người ta thường tặng bạn bè những thứ mà họ đang sử dụng, nếu bố thí những thứ có phẩm chất bằng với những món đồ mình đang sử dụng thì sự bố thí ấy thuộc bậc trung - Bằng hữu bố thí (Dāna-sahāya). Trong đời sống hằng ngày, người ta dâng tặng đến những bậc trưởng thượng các món quà có phẩm chất tốt hơn những thứ họ thường dùng. nếu người ta dâng vật thí có phẩm chất như thế thì sự bố thí ấy thuộc bậc thượng - Cung kỉnh bố thí (Dāna- sāmi).
5) Có ba loại pháp thí – Dhamma-dāna (sự phân loại dựa vào ý nghĩa của chữ pháp Dhamma dành cho mỗi loại): Loại pháp thứ nhất - “Dhamma” được kết hợp với Āmisa dhamma-dāna, tức là Pháp thí. Đó là những cuốn sách chứa lời kinh hay những ngọn lá bối có ghi lời kinh. Trong sự phân loại này, “Pháp” chính là những bài kinh, là giáo pháp (Pariyatti Dhamma) được Đức Phật giảng dạy và được ghi lại trên những lá cọ hay những cuốn sách. Do đó, Pháp thí ở đây có nghĩa là sự giảng dạy những bài kinh hoặc trao kiến thức trong những lời dạy của Đức Phật đến mọi người. Pariyatti là vật thí, là cái được cho đi, người nghe là người thọ lãnh và người thuyết giảng là người bố thí.
(Trong loại pháp thí thứ hai, chữ “dhamma” ám chỉ đến pháp được bao gồm trong sự phân loại của tạng Abhidhamma về các sự bố thí thành sáu loại, đó là rūpa-dāna, sadda-dāna, gandha-dāna, rasa- dāna, phoṭṭhabba-dāna, và dhamma-dāna. Chữ dhamma trong trường hợp đặc biệt này được giải thích là tất cả mọi thứ hình thành đối tượng của tâm, gọi là cảnh pháp. Cảnh pháp gồm có: (1) ngũ căn (pasāda- rūpa), (2) mười sáu loại sắc vi tế (sukhuma-rūpa), (3) tám mươi chín loại tâm (citta), (4) năm mươi hai sở hữu tâm (cetasika), (5) Niết bàn và (6) các khái niệm hay pháp chế định (paññatti). Trong kinh Pariyatti dhamma, chữ dhamma nghĩa là “cao quí hay thánh thiện”. Ở đây nó có nghĩa là “sự thực cùng tột”.
Pháp thí thuộc loại này được làm bằng cách giúp đỡ những người có vấn đề về các căn. Ví dụ: Thị lực yếu, thính lực yếu, giúp người ta phục hồi thị lực là cakkhu (dhamma) dāna, giúp họ phục hồi thính lực là sota (dhamma) dāna, v.v... Sự bố thí nổi bậc nhất trong loại này là jīvita-dāna - làm Tăng tuổi thọ cho kẻ khác. Những sự bố thí còn lại cũng tương tự như vậy, như gandha, rasa, phoṭṭhabba và dhamma.
Trong loại pháp thí thứ ba, chữ dhamma ở đây ám chỉ Pháp bảo trong Tam bảo, tức là Phật, Pháp và Tăng. Như ở loại pháp thí thứ hai, Pháp ở đây nghĩa là lời dạy của Đức Phật. Trong khi đó ở loại thứ hai, “Pháp” là vật thí, người nghe pháp là kẻ thọ lãnh. Ở loại thứ ba này, Pháp là một phần trong Tam bảo, là người thọ nhận những lễ vật cúng dường như hương hoa, dầu, đèn, v.v... Khi Phật bảo và Tăng bảo trở thành những người thọ nhận, thì Pháp bảo cũng trở thành người thọ nhận những lễ vật cúng dường.
Câu chuyện sau đây là một ví dụ: Thuở Đức Phật ngụ tại Jetavana tịnh xá trong thành Savatthi. Lúc bấy giờ, một vị trưởng giả nọ có niềm tin với Giáo pháp, ông ta tự nghĩ: “Ta đã thường xuyên cúng dường vật thực, y phục, v.v… đến Đức Phật và chư Tăng, nhưng ta chưa bao giờ dâng lễ vật cúng dường đến Pháp bảo. Bây giờ là lúc để ta cúng dường Pháp.” Với ý nghĩ như vậy, ông ta đi đến Đức Phật và hỏi cách cúng dường Pháp.
Đức Thế Tôn đáp lại rằng: “Nếu ông muốn cúng dường Pháp, ông nên dâng vật thực, y phục, v.v… đến vị tỳ khưu đã rành mạch trong Pháp mà vị ấy đã giác ngộ.”
Khi vị trưởng giả hỏi Đức Thế Tôn xem vị tỳ khưu nào thích hợp để thọ lãnh sự cúng dường như vậy, Đức Phật bảo ông ta hãy hỏi chư Tăng. Chư Tăng bảo ông ta cúng dường đến tôn giả Ānanda. Thế nên, ông ta thỉnh tôn giả Ānanda về nhà để cúng dường vật thực, y phục, v.v… với ý nghĩ cúng dường Pháp mà tôn giả Ānanda đã giác ngộ. Câu chuyện này được mô tả trong phần giới thiệu Bổn sanh Bhikkhāparampara, Bổn sanh thứ mười ba của Pakinnaka Nipāta.
Theo câu chuyện ấy, vị trưởng giả là thí chủ, vật thực, y phục, v.v… là vật thí và Pháp ở trong người tôn giả Ānanda là kẻ thọ nhận vật thí.
Vị gia chủ này không chỉ là người duy nhất đã cúng dường như vậy. Trong thời của Đức Phật, với tâm nghĩ đến pháp là người thọ nhận lễ vật cúng dường, Kinh tạng cũng có kể về đại đức Sirī Dhammāsoka (Asoka), là người đã tỏ sự tôn kính pháp bằng cách xây dựng 84 ngàn tịnh xá, mỗi tịnh xá cúng dường đến một pháp môn (Dhammakkhandha) trong 84 ngàn pháp môn hình thành Giáo pháp của Đức Phật.
Sau khi nghe cuộc bố thí vĩ đại của vua Asoka, nhiều người ao ước bắt chước nhà vua trong việc cúng dường như vậy. Theo gương nhà vua một cách phù hợp là quan trọng, động cơ thật sự của vị vua này không chỉ cúng dường các tịnh xá mà còn là việc đảnh lễ nhóm Pháp bảo một cách cá nhân. Đối với nhà vua xây dụng tịnh xá chỉ là cách cúng dường vật thí. Những đại thí chủ ước theo gương của nhà vua Asoka, nhớ rằng khi xây dựng tịnh xá không chỉ cúng dường vật thí hay ý muốn danh tiếng – mục đích duy nhất là đảnh lễ Tam bảo.
Ý nghĩa của những Pháp thí này sẽ rất bổ ích nếu người ta nhớ đến tầm quan trọng của Pháp. Nhà Chú giải vĩ đại, đại đức Mahā Buddhaghosa đã kết luận trong tác Phẩm Aṭṭhasālinī của Ngài, Chú giải của bộ Dhamma-saṅganī, bộ sách thứ nhất của tạng Abhidhamma. bằng nguyện vọng: “Cầu mong Chánh pháp tồn tại lâu dài. Cầu mong tất cả chúng sanh đều tôn kính Chánh pháp – Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo, dhamme hotu sagāravā, sabbepi sattā.” Ngài ước nguyện như vậy vì Ngài đã biết rất rõ vai trò quan trọng của chánh pháp. Ngài giác ngộ ra rằng chừng nào Giáo pháp còn tồn tại thì lời dạy của Đức Phật không thể bị phai mờ quên lãng và mọi người tôn kính Pháp sẽ tỏ sự tôn kính Giáo pháp và thực hành theo. Và Đức Phật đã dạy rằng: “Chỉ những ai thấy Pháp mới thấy Như Lai.” Và gần cuối cuộc đời, Đức Phật đã dạy rằng: “Sau khi Như Lai viên tịch, giáo pháp sẽ là Đạo sư của các ngươi – So vo mamaccayena satthā.”
Do đó mọi người nên cố gắng trau dồi loại Bố thí pháp (Dhamma- dāna) thứ ba này.
6) Ba loại bố thí khác là Dukkara-dāna – Nan hành thí (sự bố thí khó làm); Mahā-dāna - Đại thí ; Sāmaññā-dāna - Bình thường thí những sự bố thí không quá khó làm cũng không quá phi thường).
Sự bố thí của Dārubhaṇḍaka Tissa là ví dụ về Dukkara-dāna được kể lại trong Chú giải của phẩm thứ 28 thuộc Ekadhammajhāna, Ekakanipāta, Tăng chi bộ.
Có một người đàn ông nhà nghèo nọ sống tại ngôi làng Mahāgāma của nước Sri Lanka, và kiếm sống bằng nghề đốn củi. Tên của ông ta là Tissa, nhưng vì ông ta sống bằng nghề đốn củi nên người ta gọi ông ta là Dārubhaṇḍaka Tissa (Tissa, người có tài sản duy nhất là củi).
Một hôm nọ, ông ta nói với vợ rằng: “Cuộc sống của chúng ta quá nghèo khổ, thấp thỏi. Dầu Đức Phật đã giảng dạy về những lợi ích của sự bố thí đều đặn (nibaddha-dāna) nhưng chúng ta không làm sao có thể thực hành cho được. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm được một việc là bố thí định kỳ mỗi tháng hai lần, và khi chúng ta có khả năng nhiều hơn thì chúng ta sẽ cúng dường vật thực tốt hơn bằng thẻ (salākabhatta).” Vợ của ông ta đồng ý với đề nghị của chồng và họ bắt đầu bố thí vật thực trong ngày hôm sau theo khả năng của họ.
Thời ấy người ta cúng dường vật thực tốt đến các vị tỳ khưu rất dồi dào. Một số tỳ khưu trẻ và Sa-di nhận vật thực từ hai vợ chồng ông Dārubhaṇḍaka Tissa, nhưng ngay sau đó họ quăng nó đi trước mặt hai vợ chồng. Người vợ nói với chồng: “Họ đã quăng bỏ vật thực cúng dường của chúng ta rồi.” Nhưng bà ta không bao giờ có ý nghĩ phật lòng đối với sự kiện ấy.
Sau đó, Dārubhaṇḍaka Tissa lại bàn với vợ: “Chúng ta quá nghèo, không thể dâng vật thực làm hài lòng các bậc Thánh. Chúng ta phải làm gì để làm thỏa mãn các Ngài.” “Những người có con cái thì không nghèo.” Bà vợ nói như vậy để an ủi, khích lệ người chồng và khuyên ông ta cho cô con gái đi làm thuê để kiếm ít tiền, Dārubhaṇḍaka nghe lời khuyên của vợ. Ông ta nhận được mười hai đồng tiền vàng và với số tiền ấy, ông ta đã mua một con bò sữa. Do tác ý thiện lành của họ, con bò đã cho rất nhiều sữa.
Vào buổi chiều, họ lấy sữa đem nấu thành sữa và bơ, còn sữa lấy được vào buổi sáng thì vợ ông ta nấu cháo sữa và đem món cháo ấy cùng sữa đặc và bơ, họ cúng dường đến chư Tăng. Bằng cách này, họ cúng dường được món vật thực mà chư Tăng rất hoan hỷ thọ nhận. Từ dạo đó trở đi, vật thí salākabhatta của Dārubhaṇḍaka chỉ dành cho các bậc Thánh có pháp chứng cao.
Một hôm Dārubhaṇḍaka nói với vợ rằng: “Nhờ đứa con gái của chúng ta mà chúng ta kiếm được một số tiền từ sự tủi nhục này. Chúng ta đã trở thành hạng thí chủ cúng dường vật thực đến các bậc Thánh, đem sự hài lòng lớn đến các Ngài. Bây giờ đừng quên phận sự cúng dường vật thực đều đặn suốt thời gian tôi vắng nhà. Tôi sẽ đi kiếm việc làm. Tôi sẽ trở về sau khi chuộc lại đứa con gái của chúng ta.” Rồi ông ta đi làm việc sáu tháng ở một nhà máy đường và dành dụm được mười hai đồng đem về chuộc lại đứa con gái.
Khi khởi sự lên đường vào lúc sáng sớm, ông ta trông thấy đại đức Tissa đang trên đường đến hành lễ ở một ngôi chùa tại làng Mahāgāma. Vị tỳ khưu này thực hành hạnh đầu đà đang đi khất thực. Dārubaṇḍhaka chạy theo vị tỳ khưu, đi sau lưng vị ấy và nghe vị ấy nói pháp. Khi đến ngôi làng, Dārubaṇḍhaka trông thấy một người đàn ông đang đi và xách theo một mo cơm. Dārubaṇḍhaka đề nghị ông ta bán mo cơm với giá một đồng.
Người đàn ông nhận ra rằng chắc phải có một lý do đặc biệt nào đó, khiến người đàn ông kia mua mo cơm của mình với giá một đồng mà đáng ra nó không đáng giá một phần mười sáu của một đồng, nên từ chối không bán với giá một đồng. Dārubaṇḍhaka trả lên hai đồng, ba đồng và cứ thế cuối cùng ông ta trả hết số tiền có được, nhưng người đàn ông kia vẫn làm ra vẻ chưa chịu bán (nghĩ rằng Dārubaṇḍhaka vẫn còn tiền trong người).
Cuối cùng, Dārubaṇḍhaka giải thích với người đàn ông kia rằng: “Tôi không còn đồng nào ngoài vỏn vẹn mười hai đồng tiền này. Nếu tôi có nhiều hơn thì tôi cũng cho ông luôn. Tôi mua mo cơm này không phải cho tôi. Vì muốn cúng dường để bát, tôi đã thỉnh vị tỳ khưu chờ tôi ở dưới bóng cây kia. Vật thực này sẽ được dâng đến vị tỳ khưu ấy. Hãy bán mo cơm cho tôi với giá mười hai đồng tiền này và ông cũng sẽ được phước.”
Cuối cùng, người đàn ông đồng ý bán mo cơm và Dārubaṇḍhaka cầm mo cơm đi đến vị tỳ khưu với lòng tràn đầy sung sướng. Khi cầm lấy bát từ tay vị tỳ khưu, Dārubaṇḍhaka đặt phần cơm vào trong đó, nhưng vị trưởng lão chỉ nhận một nửa phần cơm. Dārubaṇḍhaka khẩn nài vị tỳ khưu: “Bạch đại đức, phần ăn này chỉ đủ cho một người mà thôi. Con sẽ không ăn chút nào đâu. Con mang phần ăn này với ý định dâng hết cho Ngài. Xin Ngài mở lòng bi mẫn nhận hết phần vật thực này.” Nghe vậy, vị trưởng lão để cho Dārubaṇḍhaka trút hết phần vật thực vào trong bát.
Sau khi vị trưởng lão thọ thực xong, họ cùng nhau đi tiếp và vị tỳ khưu hỏi thăm về Dārubaṇḍhaka. Ông ta kể lại mọi chuyện về ông ta với vị tỳ khưu một cách rất thật thà. Vị trưởng lão rất kinh cảm trước lòng tịnh tín mãnh liệt của Dārubaṇḍhaka và vị ấy tự nghĩ: “Người này đã thực hiện Dukkara-dāna (nan hành thí - sự bố thí khó làm). Sau khi đã dùng bữa ăn do ông ta dâng cúng trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy, ta đã nợ ông ta rất nhiều và để đáp lại ta phải tỏ lòng tri ân. Nếu ta có thể tìm một nơi thích hợp, ta sẽ cố gắng hành pháp để chứng đắc đạo quả A-la-hán trong oai nghi ngồi. Dầu cho tất cả da thịt, máu của ta khô cạn hết, ta sẽ không rời khỏi tư thế ngồi này cho đến ta chứng đắc mục tiêu.” Khi họ đến ngôi làng Mahāgāma thì mỗi người đi theo con đường riêng của họ.
Khi đến tại tịnh xá Tissa Mahāvihāra, trưởng lão được chỉ định một căn phòng. Ở đó trưởng lão thể hiện sự tinh tấn vượt bực của mình, quyết tâm không đứng dậy khỏi chỗ ngồi cho đến khi Ngài đoạn diệt tất cả ô nhiễm và trở thành vị A-la-hán. Vị ấy không đứng dậy đi khất thực, kiên quyết chuyên tu cho đến rạng sáng của ngày thứ bảy và trở thành bậc A-la-hán với đầy đủ bốn Tuệ phân tích (Patisambhidā). Rồi trưởng lão tự nghĩ: “Thân của ta đã yếu quá rồi. Ta không biết còn sống được bao lâu.” Bằng năng lực thần thông, Ngài biết rằng danh sắc cấu tạo nên tấm thân này sẽ không còn tiếp tục được bao lâu. Khi sắp xếp mọi thứ ngăn nắp trong chỗ ngụ, Ngài ôm bát và Tăng-già-lê đi đến Tăng đường ở trung tâm của tịnh xá và đánh trống triệu tập các vị tỳ khưu.
Khi tất cả chúng tỳ khưu cu hội lại, vị Tăng trưởng dò hỏi ai đã triệu tập chúng Tăng. Đại đức Tissa, người thực hành pháp đầu đà (chỉ đi khất thực), đáp: “Bần Tăng đã đánh trống, thưa Ngài.” “Tại sao hiền giả làm như vậy?” “Bần Tăng chẳng có mục đích nào khác, nhưng có vị tỳ khưu nào trong chúng Tăng mà nghi ngờ các pháp chứng về Đạo và Quả, bần Tăng mong họ hãy nêu ra câu hỏi với bần Tăng.”
Vị Tăng trưởng bảo với đại đức Tissa rằng không có câu hỏi nào cả và hỏi lại lý do nào khiến đại đức nhiệt tâm kiên trì, liều cả thân mạng của mình để thành đạt pháp chứng. Đại đức Tissa kể lại tất cả mọi chuyện đã xảy ra và công bố rằng Ngài sẽ viên tịch trong ngày hôm ấy: “Tôi nguyện quan tài của tôi sẽ ở yên bất động cho đến khi người thí chủ dâng cúng vật thực của tôi, ông Dārubaṇḍhaka, đến và nhấc nó lên bằng đôi tay của ông ta.” Sau đó trưởng lão viên tịch.
Đức vua Kākavaṇṇatissa quang lâm và truyền lịnh cho những người mai táng của hoàng gia đặt thi thể vào quan tài và khiêng nó lên giàn hỏa táng ở bãi thiêu xác, nhưng họ không thể di dời được nó. Sau khi dò hỏi nguyên nhân, đức vua cho mời Dārubaṇḍhaka đến, cho ông ta mặc y phục xinh đẹp và bảo ông ta nhấc quan tài lên.
Câu chuyện đã kể rõ đầy đủ chi tiết về cách mà Dārubaṇḍhaka dùng thân nhấc bổng quan tài đưa lên đầu và quan tài tự bay bổng lên và đáp xuống giàn hỏa.
Sự bố thí của Dārubaṇḍhaka bao gồm sự hy sinh mười hai đồng tiền một cách dứt khoát, số tiền mà đáng ra được dùng để chuộc lại đứa con gái khỏi thân phận nô tỳ và phải mất sáu tháng mới kiếm được số tiền ấy, quả thật là một việc khó làm và sự bố thí ấy được gọi là Nan hành thí – Dukkara-dāna.
Một ví dụ khác về loại bố thí này được tìm thấy trong câu chuyện về sa-di Sukha, ở phẩm thứ mười của Chú giải Pháp cú. Trong một kiếp quá khứ, Sukha là một dân làng nghèo muốn ăn một bữa ăn hảo hạng của một vị phú hộ. Vị phú hộ Gandha bảo ông ta làm công trong ba năm để đổi lấy một bữa ăn như vậy. Do vậy, ông ta đã làm công cho vị phú hộ ròng rã ba năm và có được bữa ăn mà ông ta rất khao khát. Khi ông ta sắp ăn thì Đức Phật Độc giác xuất hiện. Chẳng chút do dự, ông ta dâng bữa ăn quí giá ấy đến Đức Phật Độc giác, một bữa ăn mà ông ta đã từng rất thèm khát và phải bỏ ra ba năm làm công để đổi lấy nó.
Một ví dụ khác được rút ra từ Bổn sanh Ummādantī của bộ Paññāsa Nipāta. Đó là câu chuyện về một cô gái nghèo làm việc trong ba năm để kiếm một bộ áo quần hoa mà nàng rất ao ước. Khi nàng sắp mặc vào người thì một đệ tử của Đức Phật Kassapa đi ngang qua, vị tỳ khưu ấy chỉ che trên người bằng một mớ lá vì y của vị ấy đã bị bọn cướp lấy mất. Nàng đã dâng đến vị tỳ khưu kia bộ y phục mà nàng rất thích, bộ y phục mà nàng phải đi làm công ba năm mới kiếm được. Sự bố thí ấy được gọi là Dukkara-dāna - Nan hành thí.
Những sự bố thí có tầm cỡ lớn, làm khởi dậy sự kinh cảm, đó là Đại thí – Mahā-dāna. Sự bố thí tám mươi bốn ngàn tịnh xá của đại đế Sirīdhammasoka để cúng dường tám mươi bốn ngàn pháp môn trong giáo pháp của Đức Phật được xem là Đại thí. Về vấn đề này, đại đức Mahāmoggaliputta Tissa đã nói rằng: “Trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật hoặc ngay cả lúc Đức Phật còn tại tiền, không có ai ngang bằng đại vương về sự bố thí bốn món vật dụng. Sự bố thí của đại vương là vĩ đại nhất.”
Dầu đại đức Mahāmoggaliputta Tissa đã nói như vậy, nhưng những sự bố thí của vua Asoka được làm theo sự chủ động của vị ấy, không có sự thi đua nên không cần phải phân loại chúng là Sadisa-dāna hoặc Asadisa-dāna. Sự bố thí của vua Pasenadi Kosala được làm để thi đua với những người dân trong thành Xá vệ, nên nó được gọi là Asadisa- dāna (Vô song thí).
Tất cả những sự bố thí khác có tánh chất bình thường, không khó làm cũng không có quy mô lớn, chỉ là những sự bố thí thông thường, được gọi là Samañña-dāna.
Lại nữa, có ba loại pháp thí khác được mô tả trong các bộ luật Vinaya Parivāra và Chú giải của các bộ ấy, đó là:
1. Cúng dường đến Tăng những vật thí với lời tác bạch dâng cúng đến Tăng.
2. Dâng đến chùa những vật thí với lời tác bạch dâng cúng đến chùa.
3. Cúng dường đến cá nhân những vật thí với lời tác bạch dâng cúng đến cá nhân.
Những sự bố thí này được gọi là Dhammika-dāna - Những vật thí được dâng cúng liên quan đến Pháp (chi tiết về những loại bố thí này sẽ được tìm thấy dưới đây về chín loại vật thí của Adhammika-dāna).
Các bộ kinh không nêu ra loại bố thí nào có bốn chi. Nhưng tạng Luật có liệt kê bốn loại vật dụng được xem như là những vật thí của thí chủ dâng cúng:
1. Cīvara-dāna - Vật thí về y phục
2. Pindapāta-dāna - Vật thí về đồ ăn
3. Senāsana-dāna - Vật thí về chỗ ngụ
4. Bhesajja-dāna - Vật thí về thuốc chữa bệnh
Bố thí cũng có thể phân thành bốn loại tùy theo sự trong sạch của thí chủ và người thọ thí.
(1) Sự bố thí mà trong đó thí chủ là người có giới còn người thọ
thí thì không.
(2) Sự bố thí mà trong đó người thọ thí có giới còn người bố thí
thì không.
(3) Sự bố thí mà trong đó cả thí chủ và người thọ thí đều không có giới.
(4) Sự bố thí người trong đó cả thí chủ và người thọ thí đều có giới.
Bài kinh Kāladāna trong phẩm Sumana-vagga, Pañcaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya kể về năm loại bố thí hợp thời như sau:
1. Bố thí cho khách mới đến.
2. Bố thí đến người sắp đi xa.
3. Bố thí đến người bịnh.
4. Bố thí trong thời kỳ khan hiếm.
5. Bố thí những thứ trong vụ mùa mới thâu họach đến những bậc có giới đức.
Có năm loại bố thí được làm bởi những người không có giới đức:
1. Dāna được làm mà không có sự xem xét cẩn thận rằng vật thí được dâng, có sửa soạn đúng pháp hay không, có tươi sạch và bổ dưỡng không.
2. Dāna một cách hời hợt, hay thiếu tôn kính đúng mức.
3. Dāna không được trao bằng chính tay của mình (Ví dụ: Sự bố thí của vua Pāyāsi là sự bố thí không có mặt vua, cho vị quan hầu là Uttara đứng ra dâng cúng).
4. Dāna như quăng bỏ đồ thừa, và
5. Dāna không có trí hiểu biết rằng, việc thiện được làm bây giờ chắc chắn sẽ cho quả lành trong tương lai (kammassakata ñāṇa).
Có năm loại vật thí được làm bởi những người có giới đức:
1. Dāna được xem xét cẩn thận và đúng pháp, tươi sạch và bổ dưỡng.
2. Dāna được thực hiện với sự tôn kính đúng mức.
3. Dāna được thực hiện bằng chính đôi tay của mình.
4. Dāna được thực hiện với sự quan tâm đúng mức, không phải như hành động quăng bỏ đồ thừa, và
5. Dāna được thực hiện với sự hiểu biết rằng, việc thiện được làm bây giờ chắc chắn sẽ cho quả lành trong tương lai.
Hai nhóm bố thí năm chi này được mô tả trong bài kinh thứ bảy của phẩm Tikaṇḍa Vagga, Pañcaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya.
1. Saddhā-dāna là bố thí được thực hiện với niềm tin nhân quả.
2. Sakkacca-dāna là bố thí được thực hiện sau khi xem xét cẩn thận rằng vật thí được dâng cúng có chuẩn bị đúng pháp, tươi sạch và bổ dưỡng.
3. Kāla-dāna là bố thí được thực hiện đúng lúc, hợp thời (vật thực bố thí được dâng cúng vào giờ ăn, y được dâng cúng trong mùa Kaṭhina).
4. Anuggaha-dāna là bố thí được thực hiện với tâm tế độ, giúp đỡ.
5. Anupaghāta-dāna là sự bố thí không ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chính mình và kẻ khác.
Tất cả năm loại bố thí này đều làm sanh khởi của cải to lớn, sự giàu có và phát đạt. Saddha-dāna cho kết quả là sắc đẹp, duyên dáng. Sakkacca-dāna khiến cho có tùy tùng trung thành, biết vâng lời. Kāla- dāna khiến cho quả phước trổ đúng thời và dồi dào. Anuggaha-dāna làm cho người ta thích hưởng quả phước của mình và có thể hưởng một cách trọn vẹn. Kết quả của Anupaghāta-dāna là tài sản có được sẽ được bảo vệ một cách vững chắc, không bị năm đại họa tiêu diệt (nước, lửa, vua quan, trộm cướp và kẻ thù). Sự phân chia năm loại bố thí này từ bài kinh thứ tám của bộ kinh trên.
Những pháp bố thí đối nghịch với năm loại này không thấy kể ra trong các bộ kinh, nhưng có thể nói rằng năm pháp bố thí đối nghịch do những người không có giới đức làm gồm có như sau:
(1) Asaddhiya-dāna: Dāna mà không tin luật nhân quả, chỉ bắt chước làm theo kẻ khác hoặc để khỏi bị chỉ trích, chê bai (những sự bố thí như vậy cũng đem lại của cải và sự giàu sang cho thí chủ nhưng không đem lại sắc đẹp).
(2) Asakacca-dāna: Dāna không xem xét cẩn thận rằng vật thí có được dâng hợp pháp hay không, có tươi sạch và bổ dưỡng không (của cải và sự thịnh đạt sẽ phát sanh từ những sự bố thí như vậy nhưng thí chủ sẽ không nhận được sự kính nể và vâng lời của người dưới).
(3) Akāla-dāna: Dāna phi thời sẽ đem lại của cải nhưng lợi ích không dồi dào và sẽ không trổ quả vào lúc cần đến.
(4) Ananuggaha-dāna: Dāna như là trách nhiệm, không có tác ý giúp đỡ hay tôn kính người thọ nhận. Người bố thí có thể được giàu sang do những sự bố thí như vậy, nhưng người này sẽ không thích thọ hưởng của cải của mình.
(5) Upaghātadāna-dāna: Dāna làm tổn thương chính mình và kẻ khác. Sự giàu sang có thể phát sanh từ những sự bố thí như vậy nhưng chúng sẽ bị tiêu diệt bởi năm loại kẻ thù.
Giải thích về sự Bố thí Phi thời, ví dụ: vào lúc ban ngày, trời còn sáng mà đốt đèn cúng dường ánh sáng đến Đức Phật, hoặc dâng cúng vật thực đến các vị tỳ khưu sau giờ ngọ.
Bộ Parivāra của tạng Luật nêu ra năm loại bố thí mà người ta quen gọi là những việc phước, nhưng đó chỉ là những hình thức bố thí tai hại và tổn đức.
Đó là:
1. Majja-dāna - Bố thí chất say.
2. Samajja-dāna - Tổ chức tiệc nhậu.
3. Iṭṭhi-dāna - Nữ thí.
4. Usabha-dāna - Cho bò đực đến với bò cái.
5. Cittakamma-dāna - Vẽ hoa hoặc cho những bức tranh khiêu dâm, hội họa thí.
Đức Phật mô tả những sự bố thí này là phi đạo đức, tội lỗi bởi vì chúng không thể có ý định tốt đi kèm. Một số người nghĩ rằng cho thuốc phiện đến người nghiện sắp chết là hình thức cai nghiện, là cho sự sống, là việc phước. Thực tế thì đây không phải là việc phước, vì tánh chất của thuốc phiện là kéo dài sự nghiện ngập, chính tâm bất thiện thúc đẩy người ta cho thuốc phiện.
Chú giải Bổn sanh có nêu ra chi tiết về chuyện cho rượu của Bồ-tát Vessantara như là một đại thí - Mahā-dāna.
Một số người cố gắng thanh minh rằng, việc bao gồm những chất say là những vật thí của Bồ-tát Vessantara, cho rằng Bồ-tát không có ý định cho rượu đến những người nghiện rượu. Rằng Thái tử Vessantara không muốn ai uống chất say nên ý định bất thiện không có trong đó. Thái tử chỉ muốn tránh những lời đàm tiếu của những người nghiện rượu, cho rằng đại thí của thái tử mà không có những vật thí bao gồm chất say.
(Nhưng lý luận như vậy không đứng vững) Các bậc đại nhân như vua Vessantara không quan tâm đến sự phê phán của kẻ khác, đặc biệt là sự phê phán lại không đúng. Vấn đề là lỗi lầm là việc uống. Nếu chất say ấy được dùng làm thuốc thoa bóp thì không có tội. Do vậy, chúng ta nên nghĩ rằng sự bố thí của vua Vessantara mà bao gồm cả chất say, chỉ nhằm mục đích như vậy thôi.
Trong bài kinh thứ chín của Phẩm thứ tư thuộc Aṭṭhaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya, có nêu ra đầy đủ về năm điều học bắt đầu bằng những chữ “Pañcimāni bhikkhave dānāni mahādānāni”, mô tả năm điều học như là năm loại Đại thí. Nhưng đừng hiểu lầm rằng sīla (giới) là dāna (bố thí) chỉ vì năm điều học được mô tả như là năm loại đại thí trong bài kinh trên. Đức Phật không có ý nói rằng sīla không khác với dāna hoặc cả hai là một. Sīla là sự thu thúc thân và khẩu, còn dāna là sự cho đi vật thí, và không nên xem hai pháp trên là một.
Khi một người thọ trì giới không sát sanh, từ bỏ sự sát sanh, vị ấy thực sự bố thí đến chúng sanh Pháp vô uý (abhaya-dāna). Bốn giới còn lại cũng được ứng dụng theo cách như vậy. Như vậy khi tất cả năm giới được thọ trì một cách hoàn hảo bằng sự thu thúc ấy, người có giới đang cho đến chúng sanh vật thí là sự vô hại, sự thoát khỏi tai họa, lo sợ và những điều phiền toái khác. Chính trong ý nghĩa này mà Đức Phật dạy ở đây rằng sự thọ trì Ngũ giới hình thành năm Đại thí.
Pháp bố thí sáu chi không được tìm thấy trực tiếp trong các bộ kinh. Tuy nhiên, bộ Atthasalinī, chú giải của bộ Dhammasangani, bộ đầu tiên của Abhidhamma, có kể về sáu loại bố thí mà trong đó sáu cảnh là vật thí: màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị, vật xúc chạm và đối tượng của tâm.
Tương tự, cũng không có mô tả những loại bố thí bảy chi nhưng bảy loại Tăng thí được mô tả ở trên có nhan đề “Những loại bố thí được kể theo cặp”, phụ đề “Những sự bố thí đến Tăng” có thể được xem là đại diện cho loại bố thí này.
(A) Đức Phật giảng dạy về nhóm tám loại bố thí trong bài kinh đầu tiên của Phẩm Thứ Tự, Aṭṭhaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya.
* Tám pháp dāna này là:
(1) Dāna không chần chừ, do dự khi có người đến xin
(2) Dāna do sợ chỉ trích hoặc do sợ sanh vào các cõi khổ.
(3) Dāna vì người xin trong quá khứ đã từng cho đến mình.
(4) Dāna với hy vọng rằng sau này người thọ thí sẽ cho lại mình.
(5) Dāna với ý nghĩ rằng cho là một việc thiện.
(6) Dāna với ý nghĩ rằng: “Ta là gia chủ tùy thích sắm sửa và nấu nướng vật thực. Thật không thích hợp nếu ta độ thực mà không bố thí đến những người mà không được phép sửa soạn và nấu nướng vật thực cho chính họ, tức là những vị tỳ khưu.”
(7) Dāna với ý nghĩ rằng: “Vật thí mà ta cho đi sẽ đem lại danh thơm, tiếng tốt rộng xa.”
(8) Dāna với ý nghĩ rằng nó sẽ là trợ duyên giúp người ta đắc định trong lúc thực hành thiền Chỉ và thiền Quán.
Trong tám loại dāna này, loại cuối cùng là tốt nhất, cao quí nhất vì đây là pháp, làm khởi sanh hỉ trong người đang thực hành thiền Chỉ và Quán, và giúp ích rất nhiều trong sự tinh tấn của người ấy. Bảy loại bố thí đầu không làm sanh khởi và khích lệ tâm trong việc thực hành thiền Chỉ và Quán. Và trong bảy pháp ấy, pháp thí thứ nhất và pháp thí thứ năm thù thắng hơn (panīta). Loại thứ bảy thuộc bực thấp (hīna), trong khi loại thứ 2,3,4 và 6 thuộc loại bực trung.
Tám loại bố thí có thể được phân thành hai nhóm:
- Puññavisaya-dāna - Phước cảnh thí: Sự bố thí thuộc phạm vi cho trong ý nghĩa làm phước.
- Lokavisaya-dāna - Thế gian cảnh thí: Sự bố thí thuộc phạm vi của người thế gian.
Loại 1, 5 và 8 là Puññavisaya-dāna, những loại còn lại thuộc về
Lokavisaya-dāna.
(B) Lại nữa, bài kinh thứ ba trong phẩm Dāna Vagga của Aṭṭhaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya có nêu ra một sự liệt kê khác về tám loại bố thí.
(1) Dāna do bị tác động.
(2) Dāna trong những hoàn cảnh không thể tránh được, làm với thái độ miễn cưỡng, bực tức.
(3) Dāna với tâm trạng mù mờ, ngu dốt, không hiểu luật nhân quả.
(4) Dāna do sợ bị chỉ trích, sợ tái sanh vào các cõi khổ, sợ người xin sẽ làm hại.
(5) Dāna với ý nghĩ rằng: “Vì tổ tiên ta đã có truyền thống bố thí, nay ta tiếp tục truyền thống ấy.”
(6) Dāna với mục đích được sanh vào cõi chư thiên.
(7) Dāna với hy vọng được hoan hỷ, vui sướng với tâm trong sạch,
(8) Dāna với ý nghĩ rằng nó sẽ trợ duyên giúp ta đắc định trong lúc thực hành thiền Chỉ và Quán.
Trong tám loại bố thí này cũng vậy, chỉ có loại thứ tám là cao quí nhất, loại thứ sáu và thứ bảy thuộc Puññavisaya-dāna (Phước cảnh thí), năm loại còn lại thuộc bậc thấp Lokavisaya-dāna (Thế gian cảnh thí).
(C) Lại nữa, trong bài kinh thứ năm của phẩm Dāna Vagga, Aṭṭhaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya, Đức Phật đã giảng dạy đầy đủ về chủ đề “Sự tái sanh do quả của pháp bố thí” (dānupapatti - thí sanh). Theo tám loại tái sanh có thể đạt được trong kiếp sau, các sự bố thí được phân chia thành tám loại:
(1) Thấy cảnh hạnh phúc của những người giàu có và thịnh đạt trong kiếp sống này, người ta bố thí với mong ước có được kiếp sống như vậy trong tương lai, đồng thời dẫn đến dời sống có giới hạnh. Sau khi chết, ước muốn của người ấy được thành tựu, người kia được tái sanh vào cõi người trong những hoàn cảnh giàu sang, sung sướng.
(2) Nghe rằng chư thiên trong cõi Tứ thiên vương (Catumahārājika) là những chúng sanh có oai lực, sống cuộc sống nhàn nhã và đầy đủ dục lạc, người ta bố thí đồng thời với trì giới, mong ước có được kiếp sống như vậy trong cõi (Tứ thiên vương). Sau khi chết ước muốn của người ấy được thành tựu, người kia được tái sanh vào cõi Tứ thiên vương.
(3) Nghe rằng chư thiên trong cõi Đao lợi (Tāvatimsa) là ... được tái sanh trong cõi Đao lợi.
(4) Nghe rằng chư thiên trong cõi Dạ ma (Yāmā) là ... được tái sanh vào cõi Dạ ma.
(5) Nghe rằng chư thiên trong cõi Đâu suất đà (Tusitā) là ... được tái sanh trong cõi Đâu suất đà.
(6) Nghe rằng chư thiên trong cõi Hóa lạc thiên (Nimmānarati) là ...
được tái sanh trong cõi Hóa lạc thiên.
(7) Nghe rằng chư thiên trong cõi Tha hóa tự tại thiên (Paranimmitavasavattī) là ... được tái sanh trong cõi Tha hóa tự tại thiên.
(8) Nghe rằng Phạm thiên (Brahma) có thọ mạng rất lâu dài, có thể hình xinh đẹp và hưởng cuộc sống an lạc, hạnh phúc, người ta bố thí với mong ước tái sanh vào cõi Phạm thiên và đồng thời cũng quan tâm đến đời sống đạo đức. Sau khi chết, người ấy được tái sanh vào cõi Phạm thiên như ý.
Từ câu nói trên, không nên kết luận rằng chỉ riêng bố thí mà được tái sanh vào cõi Phạm thiên. Có hai pháp chính mà một người muốn sanh vào cõi Phạm thiên phải thực hành: một là bố thí để tâm trở nên mềm mỏng, nhu nhuyến, hai là phải tu thiền đến đắc định bằng đề mục Tứ Vô lượng Tâm, đó là Từ (Mettā), Bi (Karunā), Hỉ (Muditā) và Xả (Upekkhā).
(D) Lại nữa, trong bài kinh thứ bảy của phẩm Dāna Vagga có liệt kê tám pháp bố thí của bậc Chân nhân (sappurisa-dāna):
1) Cho vật thí đã được làm trong sạch và hấp dẫn.
2) Cho vật thí có phẩm chất hảo hạng.
3) Cho vật thí đúng thời.
4) Cho vật thí thích hợp với người xin.
5) Bố thí sau khi chọn lựa kỹ người thọ thí và vật thí (viceyya- dāna). Khi loại trừ những người không có giới hạnh ra, những người thọ thí được chọn lựa phải là những người có giới, thực hành theo giáo pháp của Đức Phật. Còn vật thí, phải chọn loại có phẩm chất tốt.
6) Cho vật thí theo khả năng thường có của mình.
7) Cho vật thí với tâm thanh tịnh.
8) Cho vật thí với tâm hoan hỷ sau khi làm.
Trái ngược với tám pháp bố thí của bậc chân nhân là tám pháp bố thí của kẻ ác tri thức (Asappurisa-dāna) không được ghi ra trong nội dung nhưng có thể ước đoán chúng như sau:
1) Cho vật thí không trong tinh khiết, không hấp dẫn.
2) Cho vật thí chất lượng thấp kém.
3) Cho vật thí không hợp thời và không đúng lúc.
4) Cho vật thí không thích hợp với người xin.
5) Cho vật thí mà không lựa chọn kỹ lưỡng người thọ thí và vật thí.
6) Chỉ thỉnh thoảng cho vật thí mặc dù có khả năng làm việc này liên tục.
7) Cho vật thí với tâm không thanh tịnh.
8) Cho vật thí với tâm hối tiếc sau khi làm.
Bộ Luật Parivāra kể ra chín loại bố thí do Đức Phật chỉ dạy những là Bố thí Phi pháp (Adhammika-dāna). Chú giải bộ kinh trên giải thích về chín loại bố thí này như sau:
Vật thí mà thí chủ định dâng đến nhóm Tăng này bị bắt buộc:
1. dâng đến nhóm Tăng khác,
2. dâng đến một ngôi chùa khác,
3. dâng đến một cá nhân.
Vật thí mà thí chủ định dâng đến một ngôi chùa nọ lại bị bắt buộc
4. dâng đến một ngôi chùa khác,
5. dâng đến chúng Tăng
6. dâng đến một cá nhân.
Vật thí mà thí chủ có ý định dâng đến một cá nhân nọ lại bị ép:
7. dâng đến một cá nhân khác,
8. dâng đến chúng Tăng,
9. dâng đến chùa.
Ở đây vật thí được thí chủ cúng dường là tứ sự như y áo, thực phẩm, trú xứ và thuốc men và những món cần thiết mà tín thí đã cam kết cúng dường cho chúng Tăng, hay chùa, hay cá nhân.
Câu chuyện này nêu lên lý do Đức Phật dạy chín loại Bố thí phi pháp (adhammika-dāna) được ghi lại trong Pārajika kaṇḍa và văn bản Pācittiya Pāḷi theo Vinaya Pitaka.
Một lần Đức Phật đang ngụ tại Jetavana tịnh xá ở Sāvatthi. Rồi một nhóm người quyết định cúng dường thực phẩm và y cho chúng Tăng. Họ chuẩn bị đầy đủ và thực phẩm cùng y để cúng dường. Một nhóm tỳ khưu phi giới đến gặp nhóm thí chủ và buộc họ, thay vì thế thì cúng dường cho nhóm tỳ khưu phi giới này. Vì bị buộc bố thí y cho nhóm tỳ khưu phi giới, nhóm thí chủ chỉ còn lại thực phẩm dâng cúng chư Tăng. Biết được việc này, nhóm tỳ khưu có giới chỉ trích nhóm tỳ khưu phi giới và bạch với Đức Phật những điều đã xảy ra. Khi đó, Đức Phật đã chế giới: “ Bất cứ vị tỳ khưu nào thọ lãnh những vật thí đã được tác ý cúng dường chúng Tăng thì phạm Ưng xã đối trị (Nissaggiya Pācittiya Āpatti).”
Trong điều luật Ưng xả đối trị (Nissaggiya Pācittiya Āpatti), Đức Phật giải thích rằng: “Nếu vật thí được tác bạch dâng đến Tăng thì không thích hợp cho cá nhân, người thọ lãnh bị phạm Ưng xả đối trị (Nissaggiya Pācittiya Āpatti). Nếu ý định của thí chủ dâng vật thí đến Tăng mà bị buộc dâng đến chùa thì người gây ra phạm tội Tác ác (Dukkaṭa Āpatti). Biết rõ vật thí được tác bạch dâng đến một ngôi chùa nọ mà lại đem dâng đến một ngôi chùa khác hoặc đến Tăng hoặc đến một cá nhân thì phạm tội Tác ác (Dukkaṭa Āpatti). Biết rõ vật thí được tác bạch dâng đến một cá nhân nọ mà lại đem dâng đến một cá nhân khác, hoặc đến Tăng, hoặc đến chùa thì phạm tội Tác ác (Dukkaṭa Āpatti).”
Câu chuyện trên được ghi lại để minh họa tác ý phước báu tốt đẹp của thí chủ có thể hư hoại do sự can thiệp của người trung gian xấu tính và do sự can thiệp của họ đã biến phước thí hợp pháp hóa thành phi pháp (adhammika-dāna). Đức Phật giải thích 9 cách thọ nhận phi pháp (adhammika paṭiggaha) của 9 cách bố thí phi pháp (adhammika- dāna) và 9 cách sử dụng đúng (adhammika paribhoga) các vật dụng cúng dường đúng pháp.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không phải mọi hình thức sang đoạt vật thí từ người nhận gốc qua một người nhận khác đều là phi pháp bố thí (adhammika-dāna). Chính thí chủ có thể thay đổi ý định đầu tiên, vì một lý do tốt nào đó hoặc có thể một bậc trí nào đó thuyết phục thí chủ thay đổi đối tượng, để được phước nhiều hơn.
Một ví dụ chứng minh cho điều trên được tìm thấy trong câu chuyện về Mahā Pajāpati, là người đã sắm sửa một bộ y mới với ý định dâng đến Đức Phật. Đức Phật khuyên bà nên dâng y đó đến Tăng. Nếu đó là tội thì Đức Phật đã không cho lời khuyên. Sự thật thì Đức Phật đã biết rằng bà Mahā Pajāpati sẽ được phước lớn hơn nhiều, nhờ dâng bộ y ấy đến Tăng có Đức Phật chủ tọa.
Trong một thí dụ khác, Đức Phật thuyết phục vua Pasenadi của nước Kosala thay đổi ý định cho phép ngoại đạo xây dựng một ngôi tịnh xá gần tịnh xá Jetavana. Đức vua đã bị bọn ngoại đạo hối lộ để cho đất xây dựng tịnh xá của chúng. Vì biết rằng những cuộc tranh luận không hồi kết thúc sẽ xảy ra sau này, trước hết Đức Phật bảo tôn giả Ānanda cùng một số tỳ khưu đi thuyết phục, và sau đó bảo hai vị Thượng thủ Thinh văn, tôn giả Sāriputta và tôn giả Moggallāna đi thuyết phục đức vua đừng nhận của hối lộ cho họ xây dựng tịnh xá. Đức vua đã cáo lỗi để tránh gặp các vị Đại đệ tử. Kết quả là Đức Phật phải đích thân đi đến đức vua và kể cho vị ấy nghe câu chuyện về vua Bharu mà được kể lại trong bộ Duka Nipāta, là người cũng ở trong hoàn cảnh tương tự như vậy, đã gây ra nhiều đau khổ do nhận hối lộ. Sau khi thông tình đạt lý, đức vua đã sám hối với Đức Phật, rút lệnh cho đất và tịch thu tất cả vật liệu xây dựng tịnh xá đã được ngoại đạo đem đến chỗ đất ấy. Rồi đức vua truyền lịnh lấy những vật liệu xây dựng đấy, để làm một tịnh xá tại nơi đó và dâng nó đến Đức Phật.
Như đã giải thích ở trên, không hề có tội khi thí chủ thay đổi ý định đầu tiên của mình vì một lý do tốt và đem vật thí đến một người khác. Điều này ám chỉ trực tiếp đến người có những đức tính của Thánh Tăng. Nếu một thí chủ sắm sửa các vật thí để cúng dường các vị tỳ khưu và sẽ đến thăm các vị ấy. Nhưng nếu trong lúc đó, các vị tỳ khưu khéo an trú trong pháp bậc cao và là những thành viên của Thánh Tăng xuất hiện trước mặt vị thí chủ ấy, thí chủ có thể thay đổi ý định và dâng vật thí đến những vị Tăng khách mới để được lợi ích nhiều hơn. Các Ngài cũng có thể dùng những vật thí được thọ lãnh như vậy. Các Ngài xứng đáng thọ lãnh những vật thí mà lúc đầu thí chủ dự định dành cho những vị khách viếng thăm, là một ân đức của Tăng - Pāhuneyya.
Như trong trường hợp bố thí nhóm bốn, sáu, hoặc nhóm bảy, không có đề cập loại bố thí nhóm mười trong các bộ kinh. Nhưng các bộ Chú giải có cung cấp một bài liệt kê về mười loại vật thí.
Bài kinh Dakkhina Vibhaṅga cũng liệt kê các loại bố thí thuộc nhóm mười bốn, Cá nhân tuyển thí (xem mục 19, loại bố thí nhóm hai).
6. NHỮNG YẾU TỐ NÀO LÀM CHO KẾT QUẢ CỦA DĀNA YẾU ĐI?
Kinh Dāna, bài kinh số bảy của phẩm Devatā Vagga, trong Chakka Nipāta, Aṅguttara Nikāya, giải rõ những yếu tố làm Tăng cường những kết quả lợi ích của sự bố thí và những yếu tố làm suy yếu chúng. Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang trú tại tịnh xá Jetavana ở Savatthi, bằng thiên nhãn, Ngài trông thấy một tín nữ nọ, tên là Nandamāta, đang thực hiện công việc cúng dường to lớn đến chư Tăng do hai vị đại đức Sāriputa và Moggalāna dẫn đầu, ở thị trấn xa xôi xứ Velukandali. Sự cúng dường của nàng là sự cúng dường của một thí chủ có ba đặc tánh đặc biệt về sự thanh tịnh của tác ý, đó là:
(a) Cảm thọ hạnh phúc trước khi bố thí.
(b) Có tâm trong sạch lúc bố thí và
(c) Vui sướng sau khi bố thí.
Và người thọ nhận cũng có ba đặc tính thanh tịnh của tâm, đó là:
(a) Không luyến ái hoặc đang thực hành pháp đoạn diệt luyến ái.
(b) Không sân hoặc đang thực hành pháp đoạn diệt sân.
(c) Không si hoặc đang thực hành pháp đoạn diệt si.
“Này các tỳ khưu, cũng như nước trong đại dương bao la không thể đo lường được, lợi ích phát sanh từ sự bố thí có sáu đặc tánh ưu việt cũng vô lượng. Thật ra, các ngươi nói về nước trong đại dương là một khối nước khổng lồ, không thể đo lường được. Cũng vậy, các ngươi nói về sự bố thí như vậy có sáu đặc tánh ưu việt, là sự bố thí sẽ đem lại phước báu vô lượng.”
Theo bài kinh Pāli này, có thể thấy rằng ba đặc tánh mà người thí chủ có được và ba đặc tánh của người thọ nhận, hình thành sáu nhân tố làm lớn mạnh quả phước của sự bố thí. Nếu những đặc tánh trên càng ít, thì quả phước cũng giảm theo.
Trong Bổn sanh thứ chín về Mahādhammapāla trong Dasaka Nipāta của bộ Jātaka - kể rằng trong một kiếp quá khứ nọ, vua Suddhodana là một vị Bà-la-môn. Vị đại giáo sư của trường Texila mà vị Bà-la-môn gởi con trai đến học, đã hỏi vị Bà-la-môn tại sao những người trong gia hệ của ông không bị chết yểu, tất cả đều được sống đến hết tuổi thọ.
Vị Bà-la-môn trả lời bằng câu kệ sau đây:
Pubbeva dānā sumanā bhavāma dadampi ve attamanā bhavāma datvāpi ve nānutappāma pacchā tasmā hi amham dahara na mīyare.
Trước khi bố thí hân hoan,
Trong khi bố thí lòng càng sướng vui, Sau khi phước thí làm rồi,
Nỗi niềm sung sướng liên hồi khởi sanh Không hối tiếc đối với việc lành
Được ba nhân ấy gia đình sống lâu.
Từ câu chuyện này, người ta có thể suy ra rằng một sự bố thí được làm với đầy đủ ba đặc tánh kể trên thì lợi ích phát sanh từ đó sẽ là sự trường thọ trong kiếp sống hiện tại.
Lại nữa, trong bộ Atthasālinī và bộ Chú giải Pháp cú có nêu ra bốn nhân tố đem lại kết quả lợi ích trong kiếp sống hiện tại từ sự bố thí:
1. Paccayānaṃ dhammikata - Vật thí đúng pháp.
2. Cetanā mahattā - Có kèm theo niềm tin nhân quả và sự hoan hỷ trong 3 thời.
3. Vatthusampatti - Người thọ thí phải là người có pháp chứng bậc cao, vị A-la-hán hay A-na-hàm (anāgāmin)
4. Guṇatire-katā - Người thọ thí vừa xuất khỏi thiền diệt (nirodhasamāpatti).
Những sự bố thí cho quả trong hiện tại như thế này là bố thí của
Puṇṇa, Kākavaliya và cô gái bán tràng hoa Sumanā.
Trong bộ Atthasālinī, bốn điều này được gọi là bốn pháp Thanh tịnh của sự bố thí (Dakkhinā visuddhi - Thanh tịnh thí). Trong Chú giải Pháp cú, chúng được gọi là “Bốn pháp thành tựu” (Sampadā).
Lại nữa, có một sự liệt kê khác về bốn Thanh tịnh thí (dakkhina visuddhi) trong bài kinh Dakkhinā Vibhaṅga của bộ Uparipannāsa Pāḷi, đó là:
1) Sự bố thí được thanh tịnh do thí chủ, không phải do người thọ thí (cho dù người thọ thí không có giới - dussīla). Nếu người thí chủ có giới đức và cho vật thí hợp pháp với chủ ý thiện và trong sạch trước khi, đang khi và sau khi bố thí, lại có niềm tin nhân quả, thì sự bố thí được thanh tịnh do bởi người thí chủ và nó sẽ đem lại lợi ích lớn.
2) Sự bố thí được thanh tịnh bởi người nhận, chứ không phải do thí chủ (cho dù thí chủ không có giới và cho vật thí kiếm được một cách phi pháp, không có chủ tâm thiện và thanh tịnh trước khi, đang khi và sau khi bố thí, lại không có niềm tin nhân quả, nhưng nếu người thọ thí là bậc có giới đức, thời sự bố thí được thanh tịnh do bởi người thọ thí và sẽ đem lại lợi ích lớn).
3) Sự bố thí không thanh tịnh do bởi người cho hoặc người nhận, (khi thí chủ là người không có giới, cho vật thí kiếm được một cách bất chánh đến người thọ thí cũng không có giới, và không có chủ ý thiện và thanh tịnh trước khi, đang khi và sau khi bố thí, lại không có niềm tin nhân quả, sự bố thí sẽ không đem lại kết quả lớn cũng như hạt giống được gieo trên đất xấu).
4) Bố thí được thanh tịnh cả bên thí chủ lẫn người thọ thí, (khi thí chủ là người có giới đức, cho vật thí kiếm được một cách hợp pháp, với chủ tâm thanh tịnh và thiện trước khi, trong khi và sau khi bố thí đến người thọ thí có giới đức, sự bố thí sẽ dem lại kết quả lợi ích to lớn như hạt giống tốt được gieo trên mảnh đất mầu mỡ).
Qua những điều đã trình bày, có thể kết luận rằng có năm nhân tố làm cho quả phước của sự bố thí được lớn mạnh:
1. Thí chủ có thọ giới và có hạnh kiểm tốt.
2. Người thọ thí cũng có giới hạnh tốt.
3. Vật cúng dường thí chủ kiếm được một cách chính đáng.
4. Sự cúng dường với niềm hạnh phúc trước khi làm, với sự thỏa mãn thanh tịnh và vui mừng trong khi làm và tâm vui sướng sau khi làm.
5. Người thí chủ có niềm tin đầy đủ về luật nhân quả.
Năm nhân tố này nên đi kèm với sự bố thí để có được lợi ích lớn nhất. Nếu chúng giảm, thì kết quả lợi ích cũng giảm theo.
Điều quan trọng là hiểu rõ ý nghĩa đầy đủ về nhân tố thứ năm, đó là “Niềm tin nhân quả”. Phân tích theo văn phạm, saddhā có nghĩa là ‘khéo gìn giữ’.
Cũng như nước trong đã lắng hết các chất dơ bẩn xuống đáy, có thể giữ tốt hình ảnh của mặt trăng và mặt trời. Cũng vậy, niềm tin thanh tịnh mà không có các pháp ô nhiễm, có thể giữ chắc những ân đức của Đức Phật (dùng làm đề mục của pháp Niệm)
Một ví dụ khác, nếu một người không có đôi tay thì anh ta không thể cầm giữ vật trang sức. Nếu anh ta không có của cải, thì anh ta không thể sắm sửa các loại hàng hóa và vật dụng.
Không có hạt giống thì không có vụ mùa và ngũ cốc. Cũng vậy, không có niềm tin chúng ta không thể có các báu vật của sự bố thí, giới và thiền (và không thể có sự thọ hưởng dục lạc của cõi người và cõi chư thiên hoặc hạnh phúc của Niết bàn). Do vậy, Đức Phật, qua các bài pháp của Ngài, đã ví đức tin như đôi tay, của cải hoặc hạt giống.
Trong bộ kinh Milindapañha Sở vấn và bộ Chú giải Aṭṭhasālinī, đức tin được ví như viên ngọc trên vương miện của vị Chuyển luân vương có công dụng làm cho nước trở nên trong sáng – cho dù viên ngọc được đặt vào nước dơ bẩn thế nào chăng nữa. Dường thế ấy, đức tin loại trừ tức khắc tất cả những ô nhiễm trong tâm và làm cho tâm trở nên thanh tịnh, trong sáng. Nếu tâm có đức tin thì không có chỗ dành cho các pháp ô nhiễm như sầu khổ, ưu bi, v.v…
Khó khăn như thế nào khi giữ tâm vững chắc trong pháp quán về các ân đức của Đức Phật là kinh nghiệm của tất cả những người tu Phật. Nói cách khác, giữ tâm trong niềm tin duy nhất không xen lẫn các pháp ô nhiễm, quả thật không phải là vấn đề đơn giản. Nhưng qua pháp hành, người ta có thể duy trì tâm trong sáng thanh tịnh nhờ đức tin trong những khoảng thời gian ngắn, đến khi niềm tin vững vàng, người ta có thể thực hành như vậy trong khoảng thời gian dài.
Xét về vấn đề “có niềm tin nhân quả” như đã nêu ở trên, chúng ta nên suy xét như vầy: “Tôi sẽ bỏ ra một số tiền để làm việc phước thí này. Nó sẽ không vô ích. Qua hành động bố thí này, tôi sẽ trau dồi pháp Tư (cetanā), pháp này quí giá hơn của cải, tiền bạc mà tôi đã bỏ ra. Của cải của tôi có thể bị mất do năm loại kẻ thù, nhưng hành động tạo phước này thì không gì phá hủy được, và sẽ theo tôi trải qua nhiều kiếp luân hồi cho đến khi tôi chứng đắc Niết bàn.” Khả năng gìn giữ tâm trong sáng và thanh tịnh theo cách này là phải có niềm tin nhân quả. Và xét về kết quả phát sanh từ việc phước như vậy, chúng ta có kết luận vững chắc và rõ ràng như vầy: “Do hành động tạo phước này, tôi sẽ gặt hái những kết quả lợi ích trong suốt chuỗi dài luân hồi. Chắc chắn như vậy.” Khi suy xét như vậy và cảm thọ niềm tịnh hỉ khởi lên trong tâm tức là do có niềm tin nhân quả.
Như vậy điều quan trọng là phải tu tập đức tin bằng cách suy xét luật nhân quả để làm cho tâm được thanh tịnh, vì nó là nhân tố thứ năm làm lớn mạnh kết quả lợi ích của sự bố thí.
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B