THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]


PHỤ CHÚ GIẢI CHƯƠNG 6

CÁC PHÁP BA-LA-MẬT (PĀRAMĪ)

J. XẢ BA-LA-MẬT (UPEKKHĀ PĀRAMĪ)

Cách dịch theo nghĩa đen của chữ upekkhā là “cái nhìn trung dung”, nghĩa là giữ vị trí trung dung giữa hai cực đoan khổ và lạc.

Nếu ý nghĩa này không được hiểu đúng thì người ta có thể nghĩ sai về nó là “vô tâm hay lãnh đạm”. Nhưng upekkhā không phải như thế, upekkhā chú ý đến đối tượng nhưng với tâm trạng bình thản khi đối diện với các cảnh vui hoặc buồn.

Sự tu tập Upekkhā

Sự tu tập upekkhā giống như sự tu tập mettā được nêu ra trong bộ Paṭisambhidāmagga. Như đã nêu ra ở trên, những phương pháp được đem vào thực hành trong việc tu tập mettā có đến 528 vì có 4 cách cơ bản. Nói cách khác, trong việc tu tập upekkhā, chỉ có một cách là kammassakā, nghĩa là “tất cả chúng sanh đều có nghiệp là tài sản của chính họ”. Do đó, những phương pháp trong trường hợp này hình thành ¼ trong 528 cách, tức là 132 cách.

Giống như ở phương pháp tu mettā, có 12 loại chúng sanh: 5 vô hạn lượng (anodhisa) và 7 hạn lượng (odhisa). Nếu có 4 cách rải mettā thì upekkhā chỉ có một cách, nên chúng ta chỉ dùng một cách để ứng dụng upekkhā vào 12 loại chúng sanh trong 10 phương.

(1) Sabbe sattā kammassakā (tất cả chúng sanh đều có nghiệp là tài sản riêng của họ);

(2) Sabbe pāṇā kammassakā (tất cả loài hữu tình đều có nghiệp là tài sản riêng của họ);

(3) Sabbe bhūtā kammassakā (tất cả mọi loài đang hiện hữu đều có nghiệp là tài sản riêng của họ);

(4) Sabbe puggalā kammassakā (tất cả các cá nhân đều có nghiệp là tài sản của riêng họ);

(5) Sabbe attabhāvapariyāpannā kammassakā (tất cả loài có nhục thể đều có nghiệp là tài sản riêng của chúng);

(6) Sabbā itthiyo kammassakā (tất cả giống cái đều có nghiệp là tài sản riêng của họ)

(7) Sabbe purisā kammassakā (tất cả giống đực đều có nghiệp là tài sản riêng của họ);

(8) Sabbe ariyā kammassakā (tất cả chư thánh hiền đều có nghiệp là tài sản riêng của họ);

(9) Sabbe anariyā kammassakā (tất cả phàm phu đều có nghiệp là tài sản riêng của họ);

(10) Sabbe devā kammassakā (tất cả chư thiên đều có nghiệp là tài sản riêng của họ);

(11) Sabbe manussā kammassakā (tất cả nhân loại đều có nghiệp là tài sản riêng của họ);

(12) Sabbe vinipātikā kammassakā (tất cả loài đọa xứ đều có nghiệp là tài sản riêng của họ);

Khi 12 cách quán của upekkhā được áp dụng vào 10 phương, ta có 120 cách. Đem 120 cách này cộng với 12 cách chính thì ta có 132 cách. Trong 132 cách này, người ta có thể chọn một cách hoặc cả thảy để tu tập upekkhā.

Giải rõ hơn: Như trong trường hợp của mettā, người ta có thể tu tập mettā bằng cách sử dụng những tên gọi khác của chúng sanh và cá nhân nếu người ấy muốn. Từ kammassakā cũng có thể được thay thế bằng những từ Pāḷi khác có cùng ý nghĩa đã được nêu ra trong bài kinh Abhinha, Nīvarana Vagga, Pañcaka Nipāta trong Tăng chi bộ. Có đoạn viết rằng: Sabbe sattā kammassakā, kammadāyadā, kammayonī, kammabandhū, kammapaṭissaraṇā.

(1) Kammassakā - Có nghiệp là tài sản riêng của mình;

(2) Kammadāyadā - Có nghiệp là tài sản kế thừa của mình;

(3) Kammayonī - Có nghiệp là mẫu thai của chính mình;

(4) Kammabandhū - Có nghiệp là người thân của chính mình;

(5) Kammapaṭissaranā - Có nghiệp là chỗ nương tựa của chính

mình.

Bởi vì cả 5 từ Pāḷi này đều có cùng ý nghĩa giống nhau nên người tu tập upekkha có thể thay thế “sabbe sattā kammassakā” bằng bất cứ câu nào trong những câu còn lại như:

Sabbe sattā kammadāyadā. Sabbe sattā kammayonī.

Sabbe sattā kammabandhū. Sabbe sattā kammapaṭissaranā.

Điểm cần suy xét

Điểm cần suy xét ở đây là: Chúng ta biết rằng mettā là pháp Ba-la- mật cần được thực hành vì lợi ích của chúng sanh và vì thế nó đáng được xem là pháp Ba-la-mật cao quý. Nói cách khác, tuy upekkhā là pháp Ba-la-mật cần được thực hành viên mãn, nó là thái độ tâm cho rằng “hạnh phúc hay đau khổ là số phận của con người trong kiếp sống. Nếu người ta có thiện nghiệp để cho quả hạnh phúc, người ấy sẽ được hạnh phúc. Nếu người có ác nghiệp cho quả đau khổ, người ấy sẽ phải lãnh chịu đau khổ. Ta không thể làm gì để thay đổi nghiệp của kẻ khác.” Thật không sai chút nào khi cho rằng thái độ như vậy là cao quý. Có sai lầm không khi cho rằng Xả là thái độ vô cảm không quan tâm đến phúc lợi của chúng sanh? Do đó điều cần xét đến là tại sao Xả lại được xem là đức tôn quý của pháp Ba-la-mật.

Trong những vấn đề thuộc tục sự cũng như thánh sự, điều hiển nhiên là cái gì khó đạt được thì có giá trị lớn và điều gì dễ thành đạt thì có ít giá trị. Cho nên ai cũng biết rằng: Trong thế gian những thứ dễ dàng có được như cát sạn thì rẻ tiền. Còn vàng, bạc, hồng ngọc và những loại ngọc khác là những thứ hiếm, thì quý giá.

Tương tự, những vấn đề thuộc thánh sự thì tham, sân và những pháp bất thiện khác có thể sanh khởi dễ dàng. Cho nên chúng có ít giá trị và không cần cố gắng để làm cho chúng sanh khởi. Trên thực tế, điều khó làm là ngăn chặn không cho chúng sanh khởi trong điều kiện khó kiểm soát. Chúng quả thật giống như rêu cỏ vô dụng. Nói cách khác, bố thí, trì giới và những thiện nghiệp khác không thể sanh khởi nếu không có sự nỗ lực cố gắng cần thiết. Chúng không sanh khởi một cách tự nhiên. Một trong những thiện nghiệp ấy là sự tu tập pháp mettā, là pháp cao hơn cả bố thí và trì giới. Pháp bác ái chân thật này quả thật khó tu tập.

Có ba loại người: verī-puggala (kẻ thù), majjhatta- puggala (người không thân cũng không thù) và piya- puggala (người thân). Rải mettā đến kẻ thù thì khó, đến người không thân không thù thì không khó. Ngược lại, rải mettā đến người thân thì dễ dàng! Mettā mà chỉ dành riêng cho người thân thì không có giá trị vì đó là việc làm dễ dàng.

Nếu người ta muốn thực hành viên mãn mettā pāramī một cách đúng pháp thì người ấy nên rải mettā đến chính mình trước để làm chuẩn.

Khi mettā được rải đến kẻ thù, người thân và người không thân không thù, người rải phải thực hiện đối với ba hạng người này một cách đồng đều, không phân biệt, giống như đã làm đối với chính mình. Làm như thế có dễ dàng không? Không, không dễ chút nào cả. Quả thật khó rải mettā ngay cả đến người thân giống như đến chính mình, nói chi đến kẻ thù hoặc người không thân không thù, như đã được Đức Phật chỉ dạy: “Atasamaṃ pemaṃ n’atthi - Không có ai yêu thương người khác hơn chính mình”. Chỉ khi nào mettā được rải đến cả ba hạng người một cách đồng đều không chút phân biệt, giống như rải đến chính mình thì mettā như vậy mới là mettā pāramī thực sự.

Điều này cho thấy sự tu tập mettā khó đến mức nào và giá trị của nó to lớn dường nào. Về sự tu tập hình thức mettā này, như đã nói ở trên, Suvannasāma được yêu mến bởi các loại thú rừng như cọp, sư tử, v.v… Sự tu tập upekkhā còn khó hơn nữa.

Thật không dễ gì để tu tập upekkhā ngay cả đến người không thân không thù. Có nhiều người thường nói rằng: “Bây giờ tôi có tâm xả đối với người ấy” hoặc “trong vấn đề này, tôi giữ thái độ kammassavā,” v.v… Vì câu nói như vậy hàm nghĩa không quan tâm, nên xem ra upekkhā xem ra ít quan trọng. Trên thực tế, upekkhā bao hàm sự quan tâm đến đối tượng.

Rải mettā đến người thân dễ dàng như thế nào thì quán upekkhā đối với đối tượng không thân không thù cũng dễ dàng như thế ấy. Vì người quán upekkhā không thương cũng không ghét người kia, nên dễ dàng giữ thái độ bình thản đối với người ấy mà không có ước muốn thấy người ấy hạnh phúc hay đau khổ. Nhưng quán upekkhā đến kẻ thù thì khó khăn hơn. Người đã có tâm ghét một ai đó thì sẽ cảm thấy vui sướng khi người kia bị suy sụp hoặc ganh ghét khi thấy người kia được thịnh đạt. Thật khó để ngăn chặn hai loại ác pháp này. Khi một trong hai loại ác pháp này sanh khởi trong tâm thì người ta không còn giữ được trạng thái upekkhā.

Quán upekkhā đối với người thân còn khó hơn đối với kẻ thù. Người ta vốn có tình thương mến đối với người thân, nên khi người thân được thịnh đạt thì người ấy vui mừng, hài lòng còn khi người thân gặp bất hạnh thì người ấy sẽ buồn phiền thất vọng. Thật khó để ngăn chặn tình cảm vui sướng hoặc buồn khổ trong chính mình, chừng nào người ta còn mang tâm phân biệt và thiên vị thân thù, chừng đó người ấy không thể tu tập upekkhā được.

Như đã nói, sự tu tập upekkhā không phải là thái độ vô tâm hay lãnh đạm. Ngược lại, nó quan tâm đến đối tượng quán. Khi quán như vậy, người ta tự nhủ rằng: “Chẳng làm gì được để khiến cho chúng sanh bao gồm cả chính mình được hạnh phúc hay không hạnh phúc. Những người có thiện nghiệp thì sẽ được hạnh phúc và những người có ác nghiệp sẽ phải lãnh chịu đau khổ. Vì hạnh phúc và đau khổ có liên quan đến nghiệp quá khứ của họ nên họ không làm gì được. Chỉ có sự quán xét thâm sâu theo cách này khi lấy chúng sanh làm đối tượng của pháp quán mới là Xả thực sự. Tâm xả ấy không chứa đựng sự bồn chồn hay khó chịu, nó cao quý và bình lặng. Tâm xả càng vượt xa mettā bao nhiêu thì mức độ tâm linh càng cao bấy nhiêu.

Giống như mettā, upekkhā là một trong bốn mươi đề mục của thiền chỉ và cũng là một trong mười pháp Ba-la-mật. Người tâm thiền chỉ lấy upekkhā làm đề mục chỉ vì muốn đạt được tầng thiền cao nhất, chứ không phải các tầng thiền bậc thấp. Những người chậm trí phải qua 5 lần chứng đắc các tầng thiền mới đạt đến tầng thiền cao nhất.

Đức Phật đã giảng giải về ngũ thiền gọi là phương pháp pañcaka. Thiền đạt được lần đầu tiên gọi là Sơ thiền, chứng lần thứ hai gọi là Nhị thiền và cứ như thế cho đến Ngũ thiền. Như vậy, có năm tầng thiền dành cho những người chậm trí.

Tuy nhiên, người mẫn trí đạt đến tầng thiền cao nhất sau khi đạt được trải qua bốn lần. Đức Phật đã giảng giải về bốn tầng thiền gọi là Catukka. Thiền được chứng lần thứ nhất gọi là Sơ thiền, v.v... Bằng cách này, có bốn tầng thiền dành cho những người mẫn trí.

Những người chưa đạt được tầng thiền nào bằng một trong hai cách này thì không nên cố gắng niệm upekkhā để đạt được tầng thiền cao nhất. Upekkhā là đề mục thiền thứ năm trong phương pháp pañcaka và thuộc về tầng thiền thứ tư trong phương pháp catukkha. Người chậm trí có thể niệm upekkhā chỉ khi nào họ đã chứng đắc tứ thiền và người mẫn tiệp trí chỉ sau khi đạt được ba tầng thiền đầu tiên, bằng những đề mục thiền chỉ khác. Như đã nói, upekkhā có tính chất vi tế, trong lặng và cao quý thuộc về tầng thiền cao nhất, không thuộc về những tầng thiền thấp.

Nói cách khác, mettā thuộc về ba hoặc bốn tầng thiền bậc thấp. Điều này khẳng định rằng upekkhā cao siêu hơn mettā. Nếu upekkhā không được dùng làm đề mục thiền, mà chỉ được dùng trong pháp Ba- la-mật thì nó có thể được tu tập bất cứ lúc nào.

Mahā Lomahaṃsa Cariya - Thân mao thụ lập đại bổn sanh

Liên quan đến xả Ba-la-mật, câu chuyện về những cố gắng khốc liệt, làm dựng tóc của Bồ-tát trong khi thực hành xả Ba-la-mật sẽ được ghi lại từ Chú giải của bộ Cariyā Piṭaka.

Một thuở nọ, Bồ-tát sanh vào một gia đình giàu sang và có địa vị. Khi đến lúc để phải học các môn học, vị ấy đến học một vị giáo sư nổi tiếng. Sau khi hoàn thành việc học, vị ấy về nhà để phụng dưỡng cha mẹ. Khi cha mẹ qua đời, mọi người trong gia đình khuyên vị ấy hãy bảo vệ và làm Tăng trưởng của cải kế thừa.

Tuy nhiên, Bồ-tát đã từng phát triển nổi sợ hãi tam giới và nổi sợ hãi ấy dựa trên bản chất vô thường của tất cả các pháp hữu vi. Vị ấy cũng đã từng giác ngộ tánh bất tịnh của tấm thân và không còn ưa thích chút nào với tình trạng vướng víu trong đám rừng phiền não của đời sống gia chủ. Thực ra, ước muốn thoát ra khỏi thế giới dục lạc của vị ấy đã và đang lớn dần. Vị ấy muốn xuất ly thế gian sau khi từ bỏ khối của cải to lớn. “Nhưng nếu ta xuất gia thì mọi người sẽ ca ngợi hết lời và nhờ đó ta sẽ trở nên nổi tiếng,” vị ấy tự suy nghĩ. Vì vị ấy không thích danh tiếng, lợi lộc và tôn vinh nên vị ấy không từ bỏ thế gian. Để thử năng lực của chính mình xem bản thân có thể đứng vững trước những thăng trầm của thế gian như được mất v.v… vị ấy ăn mặc như người bình thường rời khỏi nhà. Ước muốn đặc biệt của vị ấy là thực hành viên mãn hình thức cao nhất của xả Ba-la-mật bằng cách chịu đựng sự lăng mạ của kẻ khác. Sống cuộc đời cao quý với những pháp khổ hạnh, vị ấy được mọi người gọi là người lập dị có tâm nhu nhược, không bao giờ có thái độ nóng giận đối với kẻ khác, được xem là người sống bên lề của xã hội, vị ấy lang thang qua những ngôi làng, thành phố lớn nhỏ nhưng mỗi nơi vị ấy chỉ dừng lại qua một đêm rồi đi tiếp. Chỗ nào bị hành hạ, lăng nhục nhiều nhất thì vị ấy ở lại lâu hơn. Khi áo quần trên mình rách toạc, cũ sờn, vị ấy cố gắng vá víu lại để che thân. Dù bị rách nát tệ hại, vị ấy cũng không nhận y phục của người khác cho, mà chỉ chấp vá lại bằng những miếng giẻ vụn nhặt bên đường hay đống rác để che thân rồi đi tiếp.

Sau khi sống cuộc đời như vậy trong một thời gian dài, vị ấy đi đến một ngôi làng. Những đứa trẻ trong làng có tánh nghịch ngợm thô bạo. Một số đứa trẻ thuộc những gia đình của người đàn bà góa và những gia đình quan chức thì có tâm bốc đồng, ba hoa, ăn nói bừa bãi, phóng túng. Chúng thường sống bụi đời và quậy phá kẻ khác. Khi chúng thấy những người lớn tuổi và nghèo đang đi, chúng đi theo và rắc tro trên lưng họ, chúng để lá ketaki vào trong nách của những người già để làm cho họ ngứa ngáy, khó chịu. Khi những người già quay lại để nhìn chúng thì chúng nhại theo cử chỉ, dáng điệu của họ như khom lưng uốn gối, giả bộ câm v.v… rồi la cười vui vẻ.

Khi Bồ-tát trông thấy những đứa trẻ bất trị, Ngài suy nghĩ: “Ta đã tìm thấy đối tượng thích hợp để thực hành viên mãn Xả Ba-la-mật,” và Ngài quyết định ở lại ngôi làng ấy. Khi thấy Ngài, bọn trẻ tinh nghịch ra sức trêu chọc và Ngài giả bộ như không thể chịu đựng chúng và làm như sợ chúng, bèn bỏ chạy. Bọn trẻ vẫn bám theo Ngài.

Trên đường bỏ chạy, Ngài đến một bãi tha ma rồi suy nghĩ: “Đây là chỗ mà không ai ngăn chặn bọn trẻ tinh nghịch đừng hãm hại ta. Bây giờ, ta có cơ hội để thực hành Xả Ba-la-mật đến mức cao nhất.” Ngài đi vào bãi tha ma lấy một cái sọ người làm gối và nằm xuống ngủ. Được cơ hội để buông thả tánh tinh nghịch quái ác, những đứa trẻ ngu ngốc đi đến chỗ Bồ-tát đang nằm ngủ và tuôn ra đủ lời lăng mạ, phun đàm, nhổ nước bọt vào Ngài và làm các điều ác khác rồi bỏ đi. Bằng cách này, mỗi ngày chúng đều đến bãi tha ma để hành hạ Bồ-tát.

Thấy hành động sái quấy của bọn trẻ bất lương này, một số người có trí đã ngăn chặn hành động của chúng. Với sự hiểu biết rằng: “Đây quả thật là vị Sa-môn thánh thiện có đại oai lực.” Tất cả họ đều đảnh lễ Ngài bằng sự tôn kính tột bậc.

Bồ-tát giữ cùng một thái độ đối với cả bọn trẻ ngu dốt và những người có trí. Ngài không biểu lộ tình cảm đối với những người tôn kính Ngài mà cũng không giận ghét đối với bọn trẻ lăng nhục Ngài. Thay vào đó, Ngài giữ thái độ bình lặng giữa thương và ghét đối với cả hai hạng người thiện trí và ác ngu. Bằng cách này, Ngài đã thực hành viên mãn Xả Ba-la-mật.

(Câu chuyện này được gọi là Mahā Lomahaṃsa Jātaka, tên Lomahaṃsa không phải là tên của Bồ-tát. Câu chuyện chỉ đề cập tác dụng đến những người biết Bồ-tát thực hành thế nào, câu chuyện khiếp sợ này khiến họ phải dựng đứng tóc; cho nên mới có câu chuyện có nhan đề Mahā Lomahaṃsa).

Sự thành tựu Upekkhā

Sự lịm tắt của thương và ghét chính là sự thành tựu upekkhā (Upekkhā Pāramī có nghĩa là sự vắng lặng của hai trạng thái tâm này. Không có Xả Ba-la-mật nếu cả hai trạng thái tâm này không được vắng lặng).

Trong những vấn đề đặc biệt, giữ thái độ làm ngơ không chút quan tâm đến điều gì dẫn đến sự suy yếu của upekkhā. Thái độ như vậy không thể gọi là upekkhā được. Nó chỉ là sự vô tâm mà cứ tưởng lầm là xả.

Xả chân thực không phải là sự vô tâm hay lãnh đạm. Nó trông thấy cả điều thiện lẫn điều ác dẫn đến hạnh phúc và đau khổ. Nhưng người thọ trì upekkhā thì quán xét rõ ràng như vầy: “Ta không quan tâm đến những vấn đề hạnh phúc và đau khổ này. Chúng là kết quả của những nghiệp thiện và ác của chúng.”

Trong bộ Chú giải Netti, có đoạn giải thích rằng: người mất trí dầu đối diện với các cảnh thiện hoặc bất thiện cũng thản nhiên giống như trạng thái xả. (Si mê (moha) mang lốt upekkhā là giả dối). Miễn cưỡng làm các việc phước cũng có khuynh hướng giả dối nếu cho rằng đó là cách thực hành upekkhā cao nhất. Sự giải đãi (kosajja) trong khi làm các việc thiện cũng có thể mang lốt upekkhā. Cho nên cần phải cẩn thận đừng bị si mê hoặc giải đãi dối gạt mà lầm tưởng là upekkhā.

Thực chất của Upekkhā

Upekkhā trong ý nghĩa cùng tột là một thực tại riêng biệt. Nó là một sở hữu (cetasika) có tên gọi là Tatramajjhattata (Trung bình xả). Nhưng tất cả mọi sở hữu tatramajjhattata không thể được gọi chung là Upekkhā Pāramī. Tatramajjhattatā là sở hữu kết hợp với tất cả các tâm đẹp (sobhana citta). Tatramajjhattatā được xem là Upekkhā Pāramī khi nó bắt cảnh chúng sanh và suy xét như vầy: “Hạnh phúc và đau khổ của chúng sanh do nghiệp của họ mang lại mà không ai có thể can thiệp được. Họ có nghiệp là tài sản riêng và nguyên nhân.” Tatramajjhattatā sanh khởi không phải từ sự quán xét về chúng sanh mà về Tam bảo, bố thí và trì giới thì không thể là Upekkhā Pāramī được.

Khi xả được duy trì trong lúc quán hạnh phúc và đau khổ của chúng sanh thì Tatramajjhattatā không sanh khởi đơn lẻ, mà tâm và tất cả sở hữu tương ứng đều cùng xuất hiện với nó. Dầu cảnh của Tatramajjhattatā và cảnh của những pháp tương ứng với với nó là một, nhưng xả đối với hạnh phúc và đau khổ của chúng sanh là phận sự chính của nó. Do đó, Tatramajjhattatā được định danh là Upekkhā Pāramī. Tâm và những sở hữu tương ứng của nó cũng được bao gồm trong Upekkhā Pāramī. Tatramajjhattatā giữ vai trò chủ đạo và đây là sự khác biệt duy nhất giữa nó và những pháp tương ưng của nó.

10 loại Upekkhā

Có những loại upekkhā khác mà không thể được bao gồm trong Upekkhā Pāramī dầu mỗi loại đều là thực thể cùng tột. Bộ Visuddhimagga và bộ Atthasalinī có kể ra 10 loại upekkhā như vầy:

(1) Chalang’upekkhā - Lục phần xả

(2) Brahmavihār’upekkhā - Phạm trú xả

(3) Bojjhaṅg’upekkhā - Giác chi xả

(4) Vīriy’upekkhā - Tinh tấn xả

(5) Saṅkhār’upekkhā - Hành xả

(6) Vedan’upekkhā - Thọ xả

(7) Vipassan’upekkhā - Quán xả

(8) Tatramajjhatt’upekkhā - Xứ trung pháp xả

(9) Jhān’upekkhā - Thiền xả

(10) Parisuddh’upekkhā - Biến tịnh xả


1. Có sáu cảnh thiện và bất thiện xuất hiện ở sáu môn. Các vị A-la- hán không vui thích đối với các cảnh khả ái và không buồn chán đối với những cảnh không khả ái. Vì luôn luôn có niệm và tỉnh giác, các Ngài ghi nhận chúng trong tâm. Loại tâm bình thản này được gọi là Chalang’upekkhā (Nghĩa là xả đối với sáu phần, đó là 6 môn và 6 cảnh).

2. Xả với cái nhìn rằng hạnh phúc và đau khổ của chúng sanh xảy ra tùy theo nghiệp của họ thì được gọi là Brahmavihār’upekkhā (Xả Ba-la-mật chính là loại xả này).

3. Khi những cố gắng được thực hiện nhằm mục đích chứng đắc Đạo Quả, nếu một số pháp yếu và số khác mạnh, những chi pháp yếu sẽ được làm cho mạnh lên và những chi pháp mạnh hơn sẽ bị áp chế lại. Nhưng khi những chi đạo này đạt đến trạng thái của những pháp Giác chi (Bojjhaṅga) thì những chi đạo tương ưng của chúng có sức mạnh bằng nhau. Upekkhā giữ quân bình những yếu tố này được gọi là Bojjhang’upekkhā.

4. Trong việc nỗ lực nhằm mục đích chứng đắc Đạo Quả, sự tinh tấn được phát triển chỉ đến mức độ cần thiết, không nhiều hơn cũng không ít hơn, thì được gọi là Vīriy’upekkhā.

5. Trong việc nỗ lực nhằm mục đích chứng đắc định, Đạo và Quả, sự duy trì trạng thái tách khỏi những pháp hữu vi (saṅkhāra dhamma) như năm triền cái (nīvarana) v.v... mà cần phải được đoạn trừ bằng Sơ thiền, v.v... thì được gọi là Saṅkhār’upekkhā. (Saṅkhār’upekkhā này khởi sanh khi tuệ Vipassana chín muồi. Trước khi tuệ Vipassana chín muồi, người ta cần phải nỗ lực để đoạn trừ saṅkhāra dhamma. Khi sự chín muồi đã đạt được thì không cần tạo ra những nỗ lực đặc biệt để đoạn trừ chúng. Chỉ có thái độ bình thản là cần thiết cho mục đích này).

6. Sự cảm thọ không vui không buồn, không khổ không lạc khi đối diện cảnh là thọ xả - Vedan’upekkhā.

7. Trạng thái xả xảy ra khi tuệ quán khởi sanh về ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã của các uẩn thì được gọi là quán xả - Vipassan’upekkhā (Vipassanā được giải thích tóm tắt như vầy: Vi nghĩa là “đặc biệt” và passana là “thấy”. Vipassanā là sự thấy đặc biệt hay tuệ quán. Biết những vật cụ thể như đàn ông, đàn bà, v.v... là sự hiểu biết thông thường đối với tất cả mọi người. Đó là sự hiểu biết dựa vào tưởng, không phải sự hiểu biết đặc biệt dựa vào trí tuệ thâm sâu. Tuệ Vipassanā là như vầy: “Không có những pháp như “ta” hoặc “người ấy”. Cái được mệnh danh là “ta” hoặc “người kia” chỉ là khối danh và sắc, nó phải chịu sự tan rã và hoại diệt. Những uẩn này biến hoại liên tục mà không có sự gián đoạn. Không có dấu hiệu của sự suy hoại chỉ vì mọi vật đang biến hoại hằng được thay thế bởi cái mới).

8. Upekkhā được duy trì mà không tạo ra những cố gắng để duy trì trạng thái bình thản đối với những pháp tương quan này, đã được làm cho khá quân bình trong mỗi phận sự của chúng thì được gọi là Tatramajjhatt’upekkhā.

9. Trong việc phát triển các tầng thiền, sự duy trì trạng thái xả đối với sự an lạc tột bậc của tam thiền được gọi là thiền xả - Jhānu’pekkhā. (Đó là trạng thái xả mà chỉ có được ở tầng thiền cuối cùng).

10. Tính cách làm thanh tịnh các pháp đối nghịch và không đòi hỏi sự cố gắng nào trong việc làm yên tịnh chúng thì được gọi là Biến tịnh xả - Parisuddh’upekkhā. (Đó là trạng thái xả mà chỉ có ở tầng thiền thứ tư, ở đó không cần còn các pháp đối nghịch).


Trong mười loại xả này, 6 loại, đó là Chalaṅg’upekkhā, Brahmavihār’upekkhā, Bojjhaṅg’upekkhā, Tatramajjhattat’-upekkhā, Jahān’upekkhā Parisuddh’upekkhā đều giống nhau về ý nghĩa cùng tột của chúng. Tất cả chúng đều là những sở hữu Tatramajjhattatā.

Như vậy tại sao chúng được kể thành sáu loại? Bởi vì chúng khác nhau về thời gian sanh khởi của chúng. Ví dụ: một người lúc nhỏ được gọi là cậu bé (kumāra). Khi lớn hơn thì được gọi là thanh niên (yuva); khi già hơn thì gọi là người lớn (vuddha), “vị tướng lãnh”, “vị vua”, v.v... một người được gọi khác nhau như vậy theo các thời kỳ trong cuộc đời.

Nói rõ hơn là: Chúng khác nhau về phận sự riêng của chúng như:

(1) Như đã nói ở trên: quán tất cả 6 cảnh tốt và xấu bằng tâm xả là phận sự của Chalaṅg’upekkhā.

(2) Quán hạnh phúc và đau khổ của chúng sanh bằng tâm xả là phận sự của Brahmavihār’upekkhā.

(3) Trong sự cố gắng để chứng đắc các tầng thiền, Đạo và Quả, quán năm triền cái bằng tâm xả, năm triền cái phải được đoạn trừ là phận sự của Bojjhaṅg’upekkhā.

(4) Phát triển tinh tấn không nhiều hơn cũng không ít hơn mức cần thiết là phận sự của Viriy’upekkhā.

(5) Quán bằng tâm xả tất cả những pháp tương quan mà không có sự cố gắng làm mạnh lên hoặc làm yếu đi là phận sự của Saṅkhār’upekkhā.

(6) Quán các thọ bằng trạng thái xả là phận sự của Vedan’upekkhā.

(7) Quán bằng tâm xả ba đặc tánh (vô thường, khổ và vô ngã) là phận sự của Vipassan’upekkhā.

(8) Quán bằng tâm xả các pháp tương ưng mà đã trở nên quân bình là phận sự của Tatramajjhattatupekkhā.

(9) Quán bằng trạng thái xả ngay cả sự an lạc cao nhất của các tầng thiền là phận sự của Jhān’upekkhā.

(10) Quán bằng trạng thái xả các pháp đối nghịch đã được thanh tịnh hóa là phận sự của Parisuddh’upekkhā.

Như vậy, không chỉ những khác biệt về phận sự, mà những khác biệt về cảnh cũng cần được lưu ý. Viriy’upekkhā là sở hữu vīriya vedan’upekkhā là sở hữu vedanā : cả hai đều là những sở hữu trí tuệ (paññā cetasikā). Nhưng chúng có hai phận sự khác nhau như sau:

Khi quán mà không cần tạo ra những cố gắng đặc biệt về ba đặc tánh của các pháp hữu vi là Vipassan’upekkha. Khi quán các pháp hữu vi (saṅkhāra) bằng trạng thái xả mà không có sự sợ hãi là Saṅkhār’upekkhā.

Upekkhā Pāramī & 10 Upekkhā

Bản liệt kê 10 upekkhā này do các nhà Chú giải nêu ra không bao gồm Upekkhā Pāramī. Cho nên người ta có thể thắc mắc rằng: Phải chăng sự loại trừ này là do Upekkhā Pāramī không được kết hợp bởi upekkhā nào trong mười upekkhā này hay do sự sơ xuất của các nhà Chú giải? Không thể nói rằng các nhà Chú giải đã quá sơ xuất đến nổi quên không đưa nó vào bản liệt kê. Người ta cho rằng Pāramī Upekkhā được chứa trong Brahmavihār’upekkhā.

Tuy nhiên có một số người cho rằng Brahma-vihār’upekkhā Upekkhā Pāramī là hai pháp khác nhau. Theo họ thì giữ cùng một thái độ đối với kẻ thù cũng như người thân là Upekkhā Pāramī. Giữ cùng một thái độ đối với hạnh phúc cũng như đau khổ của chúng sanh cho rằng hai tình trạng này là quả nghiệp của chính họ, đó là Brahmavihār’upekkhā.

Tuy nhiên bản chất của Upekkhā Pāramī được giải thích trong bộ

Buddhavaṃsa như vầy:

That’eva tvaṃ pi sukhadukkhe tulābhūto sadā bhava upekkhāpāramitaṃ gantvā sambodhiṃ pāpuṇissati

Trong câu kệ này, sukhadukkhe tulābhuto nghĩa là “hạnh phúc và đau khổ giống như hai đĩa của cái cân”.

Như vậy sự quán hạnh phúc và đau khổ được giảng dạy là nền tảng của Upekkhā Pāramī cũng có trong câu chuyện Mahā Lomahaṃsa của bộ Cariyā piṭaka. Trong đó có đoạn nói rằng:

Ye me dukkhaṃ upadahanti ye ca denti sukhaṃ mama sabbesaṃ samako homi.

Trong câu kệ này cũng có dạy rằng: “Một số người làm hại trong khi số khác thì an ủi xoa dịu. Thái độ của ta đối với tất cả họ đều như nhau.” “ Sukha dukkhe tulābhuto yayesu ca - Dầu ở trong hạnh phúc và đau khổ, hoặc trong danh tiếng và nhục nhả, ta giống như hai cái đĩa trên bàn cân.”

Theo bộ Atthasālinī và Chú giải bộ Pātha Jātaka, những lời giải thích được nêu ra cũng dựa trên cơ sở của hai trạng thái tâm ấy: hạnh phúc và đau khổ. “Dầu những đứa trẻ làng hành hạ, lăng nhục (phun đàm, v.v…) thường đem đến sự đau khổ và sự tôn kính bằng hoa, vật thơm, v.v… của dân làng đem lại hạnh phúc cho vị ấy, nhưng Bồ-tát chỉ tỏ thái độ xả đối với cả hai. Xả của Bồ-tát không đi lệch khỏi vị trí cân bằng là Xả Ba-la-mật tối thượng – Paramattha Upekkhā Pāramī.

Ngoài ra, khi bộ Visuddhimagga và bộ Atthasālinī giải thích những đặc tánh, v.v... của Brahmavihā-r’upekkhā, trong đó nói rằng: Sattesu majjhattakaralakkhana upekkhā - pekkhā có đặc tánh nhìn các pháp bằng trạng thái xả. Satta “chúng sanh” ở đây được dùng là từ chung. Nó có nghĩa là những kẻ có ác cảm và những kẻ có thiện cảm đối với chính mình, hoặc những kẻ hạnh phúc và những kẻ đau khổ. Do đó, giữ thái độ xả đối với kẻ thù cũng như người thân rõ ràng là Brahmavihār’upekkhā. Cho nên rõ ràng là nó cũng có nghĩa rằng Pāramī Upekkhā được bao gồm trong Brahmavihār'upekkhā.

Chấm dứt Chương Xả Ba-la-mật

(HẾT TẬP 1.A)


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]