THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.A
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1A] [Tiếp theo]


PHỤ CHÚ GIẢI CHƯƠNG 6

CÁC PHÁP BA-LA-MẬT (PĀRAMĪ)

I. TỪ BA-LA-MẬT (METTĀ PĀRAMĪ)

Ba loại Pema

Các vị A-xà-lê thuở xưa đã dịch chữ mettā trong chữ mettā pāramī là tình yêu. Tương tự, chữ pema cũng có nghĩa là tình yêu. Nhưng tình yêu của mettā đặc biệt hơn tình yêu của pema. Cho nên, pema được phân thành ba loại:

(1) Taṅhā-pema (Tình ái)

(2) Gehasita-pema (Luyến ái)

(3) Mettā-pema (Từ ái) Trong ba loại này:

(1) Taṅhā-pema (Tình ái) là tình yêu trai gái giữa những người đàn ông với những người đàn bà và nó sanh lên từ sự tham muốn, khát dục.

(2) Gehasita-pema (Luyến ái) là tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh, chị, em và tình yêu dựa trên sự sống chung với nhau trong cùng một nhà.

Cả Taṅhā pema Gehasita pema đều không có tánh chất thiện: loại trước là Taṅhā rāga (Tình ái) trong khi loại sau là Lobha (Tham ái).

(3) Mettā-pema (Từ ái) là tình thương đối với mọi người với lòng mong mỏi cho họ được hạnh phúc. Loại tình thương này hoàn toàn không có luyến ái. Mọi người có thể có quan điểm và cách sống khác nhau. Tuy nhiên, người có từ ái cảm thấy vui mừng nghe tin những người ở cách xa được thịnh đạt. Sự ngăn cách như vậy không ngăn cản người ta cảm thấy hài lòng với hạnh phúc của mọi người. Do đó, mettā có đặc tánh thanh tịnh và cao quý và được gọi là Brahma vihāra (Phạm trú hay Vô lượng tâm) nghĩa là phát triển tình thương như vậy tức là sống trong trạng thái tâm siêu việt. Không chỉ mettā karunā (bi), muditā (hỉ) và upekkhā (xả) cũng là Brahma vihāra.

Bởi vậy, Brahma-vihāra bao gồm bốn đức tánh này. Chúng cũng được gọi là Tứ phạm hạnh (Brahma-cariya). (Một tên khác của Brahma-vihāra Apamaññā - Vô lượng, vì chúng là những trạng thái tâm được tu tập và trải rộng đến tâm chúng sanh không giới hạn về số lượng).

Nên chú ý cẩn thận rằng sự tu tập Từ ái không phải là sự phát triển tình ái bất tịnh (taṅhā-pema) và luyến ái (gehasita-pema), mà là sự tu tập Mettā-pema thanh tịnh và cao quý. Cách tu tập Mettā sẽ được nói rõ sau.

Mettā & Adosa

Mettā là thực tại hiện hữu trong ý nghĩa cùng tột của nó (Paramattha). Nhưng khi những thực tại cùng tột được kể ra thì metta không có trong số đó vì nó được bao trùm bởi từ adosa cetasika (sở hữu vô sân), là từ được hiểu theo nghĩa khác rộng hơn. Mettā là một phần của vô sân (adosa).

Giải rộng: Theo bộ Abhidhamma Saṅgaha, sở hữu vô sân (adosa cetasika) kết hợp với 59 tâm đẹp (sobhana-citta). Bất cứ khi nào 59 tâm này sanh khởi đều có sanh khởi sở hữu vô sân. Adosa có thể bắt nhiều cảnh của nó. Trong sự thực hành mọi hình thức bố thí hoặc thọ trì các loại Giới luôn luôn có mặt adosa. Nhưng mỗi lần adosa sanh khởi trong những trường hợp như vậy thì nó không nhất thiết là metta. Chỉ khi nào người ta hướng tâm đến chúng sanh với ý nghĩ rằng: “Cầu cho tất cả chúng sanh đều được an vui hạnh phúc,” khi ấy sở hữu adosa mới được gọi là Metta.

Về Nhẫn nại Ba-la-mật (Khantī Pāramī) cũng vậy, nhẫn nại (khantī) có thể hàm ý vô sân (adosa), nhưng không phải tất cả sở hữu vô sân (adosa cetasika) đều là Nhẫn nại (khantī). Khi người ta bị kẻ khác đối xử sai trái mà người ấy tự kiềm chế không tỏ thái độ sân hận, thì trạng thái adosa ấy mới được gọi là khantī. Tương tự, không phải tất cả những trường hợp vô sân khởi sanh dưới dạng mong mỏi chúng sanh hạnh phúc, nó mới được xem là từ ái (Mettā).

528 loại Mettā

Về Mettā, mọi người thường nói rằng mettā có 528 loại. Nhưng trên thực tế thì không phải vậy. Cần lưu ý rằng sở dĩ người ta nói vậy là vì theo bộ Paṭisambhidā-magga thì có 528 cách tu tập mettā.

Trong 528 cách này, 5 cách là anodhisa, đó là:

(1) Sabbe sattā (Tất cả chúng sanh)

(2) Sabbe paṇā (Tất cả loài hữu tình)

(3) Sabbe bhūtā (Tất cả loài đang hiện hữu)

(4) Sabbe puggalā (Tất cả những cá nhân)

(5) Sabbe attabhāvapariyāpannā (Tất cả loài có thân)

Khi người ta hướng tâm đến tất cả chúng sanh trong 31 cõi bằng một trong năm cách này, trong sự hướng tâm ấy không một chúng sanh nào bỏ sót. Vì không một chúng sanh nào mà không được bao gồm trong năm cách này, nên chúng được gọi là năm anodhisa. Odhi trong anodhisa nghĩa là hạn lượng. Cho nên anodhisa là “vô hạn lượng”.

Khi Mettā được hướng đến chúng sanh có đặc tánh riêng thì sự phân loại sẽ như sau:

(1) Sabbā itthiyo (Tất cả giống cái)

(2) Sabbe purisā (Tất cả giống đực)

(3) Sabbe ariyā (Tất cả chư Thánh)

(4) Sabbe anariyā (Tất cả phàm phu)

(5) Sabbe devā (Tất cả chư thiên)

(6) Sabbe manusā (Tất cả nhân loại)

(7) Sabbe vinipātikā (Tất cả loài đọa xứ)

Mỗi nhóm trong bảy nhóm này là một loại riêng và vì thế chúng được gọi là odhisa (hay bảy loại chúng sanh có hạn lượng).

Bằng cách này, có cả thảy 12 loại chúng sanh: 5 anodhisa và 7 odhisa, là những loại chúng sanh làm đối tượng cho mettā.

Cách rải tâm bác ái đến 12 loại chúng sanh này được chỉ bày như sau:

(1) Averā hontu (Cầu cho các chúng sanh đừng oan trái lẫn nhau)

(2) Abyapajjhā hontu (Cầu cho các chúng sanh đừng có ác tâm với nhau)

(3) Anīghā hontu (Cầu cho các chúng sanh thoát khỏi khổ đau)

(4) Sukhī attānaṃ pariharantu (Cầu cho các chúng sanh có thể giữ mình cho được an vui)

Khi Mettā được rải đến 12 loại chúng sanh bằng bốn cách này, ta có

48 cách rải tâm bác ái, chưa kể đến các hướng trong 48 cách này.

Nếu rải mettā đến mười phương chúng sanh, ta có 480 cách rải tâm bác ái: “Nguyện cho tất cả chúng sanh trong hướng đông đừng có oan trái lẫn nhau, đừng có khổ, đừng làm hại lẫn nhau và có thể giữ mình cho được an vui.” Tâm bác ái cũng được rải đến các hướng khác như vậy. Cho nên có tổng cộng 480 cách rải tâm bác ái.

Lấy 48 cách không kể mười phương cộng vào 480 cách có kể mười phương, ta có tổng cộng 528 cách rải tâm bác ái.

528 cách rải tâm bác ái này có tên gọi ngắn gọn là “rải tâm bác ái” do các vị A-xà-lê xưa soạn ra để tụng đọc mỗi ngày. Nếu người ta muốn rải tâm bác ái theo cách thứ nhất bằng tiếng Pāḷi, người ấy có thể thực hiện bằng cách đọc như vầy: “Sabbe sattā averā hontu”. Thường xuyên tụng đọc theo cách này có nghĩa là đang tu tập tâm bác ái. Nếu người ta muốn làm như vậy theo cách thứ hai bằng tiếng Pāḷi thì nên đọc như vầy: “Sabbe sattā abyāpajjhā hontu.” Tất cả 528 cách rải tâm bác ái nên hiểu như vậy).

Sự tu tập tâm bác ái bằng 528 cách này là pháp môn được chỉ dẫn trong bộ Patisambhidāmagga rất phổ biến. Trong bộ kinh ấy, không thấy đề cập đến sự tu tập karunā, muditā upekkhā ở cuối của bài nói về mettā. Nhưng ngày nay sự tu tập tâm bác ái đã được đưa vào một số bộ sách, trong đó ở cuối mục tu tập tâm bác ái có: (a) Dukkha muccantu (Cầu cho họ thoát khỏi đau khổ) là sự tu tập karunā (bi), (b) Yathā laddhā sampattito māvigacchantu (Cầu cho họ đừng bị mất mát của cải họ kiếm được) là sự tu tập muditā (hỉ), và (c) Kammassakā (Chúng sanh có nghiệp là của riêng của họ, mỗi chúng sanh là sản phẩm do chính nghiệp của họ tạo ra) là sự tu tập upekkhā (xả). Như vậy sự tu tập Mettā bao hàm cả bác ái pháp còn lại: karunā, muditā upekkhā.

Theo bộ Paṭisambhidāmagga, sự tu tập mettā có bốn cách chính. Nhưng còn có những cách khác nữa như: “Sabbe sattā sukhino hontu - Cầu cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc”; “Sabbe sattā khemino hontu - Cầu cho tất cả chúng sanh sống trong yên ổn”. Những ý tưởng như vậy đều là mettā.

Sự tu tập Mettā theo bài kinh Mettā

Bài kinh Mettā được Đức Phật thuyết giảng liên quan đến các vị tỳ khưu ở rừng, được tụng lại ở các hội nghị Kiết tập và được lưu giữ ở chương Sutta Nipāta và Khuddaka Pātha. Bài kinh mô tả 15 đức tánh mà những ai muốn tu tập mettā cần phải có. Mười lăm đức tánh này có tên Pāḷi là Mettāpubbabhāga.

Bài Kinh có nội dung như vầy:

Hành giả sáng trí trong pháp cao quý và chân chánh là người muốn trú quán Niết bàn qua trí tuệ - Niết bàn là tịch tịnh. Hành giả nên cố gắng để có được những đức tánh sau đây:

(1) Khả năng làm điều thiện.

(2) Chánh trực

(3) Hoàn toàn chân thật

(4) Tiếp thu những lời nói của những bậc trí tuệ.

(5) Nhu thuận (Mudu).

(6) Không ngã mạn.

(7) Tri túc.

(8) Dễ nuôi

(9) Không bận rộn do những phận sự không cần thiết.

(10) Sống giản dị (Vị tỳ khưu chỉ cần tám món vật dụng là đủ, như con chim bay đi với đôi cánh duy nhất).

(11) Lục căn thanh tịnh.

(12) Có trí tuệ chính chắn,

(13) Khiêm tốn trong việc làm, lời nói và ý nghĩ.

(14) Không dính mắc với các thí chủ nam nữ (đặc biệt đối với các vị tỳ khưu. Người tại gia cũng vậy, không nên luyến ái với bạn bè, người thân).

(15) Không làm những điều mà các bậc trí tuệ hằng chê trách, dù là việc nhỏ nhất.

Bài kinh giải thích cách tu tập Mettā được lưu ý như sau:

(a) Sabbasaṅgāhika mettā - Mettā được tu tập bao gồm hết thảy chúng sanh.

(b) Dukabbhāvanā mettā - Mettā được tu tập bằng cách chia chúng sanh thành hai nhóm, và

(c) Tikabhāvanā mettā - Mettā được tu tập bằng cách chia chúng sanh thành ba nhóm.


(a) Sabbasaṅgāhika mettā

Trong ba cách tu tập mettā này, cách tu tập Sabbasaṅgāhika mettā được giải thích bằng tiếng Pāḷi khuyên chúng ta rải tâm như vầy: “Sukhino vā khemino hontu, sabbe sattā bhavantu sukhitattā.” Nếu ai muốn tu tập mettā theo sự giải thích này thì nên đọc và quán như sau:

(1) Sabbe sattā sukhino hontu- Nguyện cho tất cả chúng sanh đều có thân an lạc.

(2) Sabbe sattā khemino hontu - Nguyện cho tất cả chúng sanh được thoát khỏi tai họa.

(3) Sabbe sattā sukhitattā hontu - Nguyện cho tất cả chúng sanh đều có tâm an lạc.

Đây là cách tu tập Sabbasaṅgāhika mettā đã được giảng dạy trong bài kinh Mettā.

(b) Dukabhāvanā mettā

Dukabhāvanā mettā Tikabhāvanā mettā cả hai cách này rất có thể làm bối rối những người không biết cách diễn dịch bài kinh Pāḷi. (Người ta có thể bị bối rối như thế nào sẽ không được giải thích, e rằng nó sẽ tạo ra nhiều rối rắm hơn). Cách tu tập Dukabhāvanā mettā như sau:

Có bốn cặp chúng sanh, đó là:

(1) Tasa thāvara duka - Cặp chúng sanh có sợ hãi và không sợ hãi.

(2) Diṭṭhādiṭṭha duka - Chúng sanh hữu hình và chúng sanh vô hình.

(3) Dūra santika duka - Chúng sanh ở gần và chúng sanh ở xa.

(4) Bhūta sambhavesī duka - Các vị A-la-hán và phàm phu cùng các bậc hữu học.


(1) Tasā vā thāvarā vā anavasesā sabbe sattā bhavantu sukhitattā - “Cầu cho tất cả những phàm phu và các bậc hữu học còn sợ hãi và cầu cho những bậc A-la-hán đã hết sợ hãi, được an vui cả thân lẫn tâm.” Quán như vậy là cách tu tập Tasa thavara duka bhāvanā mettā.

(2) Diṭṭhā vā adiṭṭhā vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā - “Cầu cho tất cả chúng sanh hữu hình và vô hình đều được an vui cả thân lẫn tâm”. Quán như vậy là cách tu tập Diṭṭhādiṭṭha duka mettā.

(3) Dūrā vā avidūrā vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā “Cầu cho tất cả chúng sanh ở gần và ở xa đều được an vui cả thân lẫn tâm”. những ý nghĩ như vậy là cách tu tập Dura santika dukabhāvanā mettā.

(4) Bhūtā vā sambhavesi va anavasesā sabba- sattā bhavantu sukhitattā - “Cầu cho tất cả những chúng sanh là các bậc A-la-hán, và những phàm phu và các bậc hữu học (hoặc những chúng sanh đã sanh ra và những chúng sanh còn trong bụng mẹ), tất cả đều an vui cả thân lẫn tâm”. Những ý nghĩ như vậy là cách tu tập về Bhūta sambhavesī dukabhāvanā mettā.

Bốn cách tu tập bác ái trên đây được gọi là dukabhāvanā mettā, tức là Mettā được tu tập sau khi chia chúng sanh thành hai nhóm.


(c) Tikabhāvanā mettā

Pháp tu tập Tikabhāvanā mettā này có ba loại:

(1) Dīgha rassa majjhima tika - nhóm 3 gồm những chúng sanh thấp (ngắn), cao (dài) và bậc trung.

(2) Mahantāṇuka majjhima tika - nhóm 3 gồm những chúng sanh lớn, nhỏ và trung bình.

(3) Thūḷānuka majjhima tika - nhóm 3 gồm những chúng sanh mập, gầy và trung bình.

(1) Dīghā vā rassa vā majjhimā vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā - “Cầu cho tất cả chúng sanh có thân dài, ngắn và trung bình thảy đều an vui cả thân lẫn tâm.” Quán như vậy là cách tu tập Dīgha rassa majjhima tikabhāvanā mettā.

(2) Mahantā vā aṇukā vā majjhimā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā - “Cầu cho tất cả chúng sanh có thân to lớn, nhỏ bé hoặc trung bình thảy đều an vui cả thân lẫm tâm.” Quán như vậy là cách tu tập Mahantāṇuka majjhima tikabhāvanā mettā.

(3) Thūlā vā anukā vā majjhimā vā anavasesā sabbasattā bhavantu sukhitattā - “Cầu cho tất cả chúng sanh có thân béo mập, gầy ốm hoặc trung bình thảy đều được an vui cả thân lẫm tâm.” Quán như vậy là cách tu tập Thūlāṇuka majjhima tikabhāvanā mettā.

Ba cách tu tập Mettā kể trên được gọi là Tika bhāvanā mettā, tức là

Mettā được tu tập sau khi chia chúng sanh thành ba nhóm.

Bởi vì ba cách tu tập mettā này, đó là (a) Sabbasaṅgāhika mettā,

(b) Dukabhāvanā mettā và (c) Tikabhāvanā mettā là những tư tưởng về bác ái được tu tập với lòng mong ước thấy chúng sanh được hạnh phúc và thạnh đạt, nên chúng được gọi là Hitasukhāgamapatthanā mettā.

Tương tự, những tư tưởng bác ái được tu tập với lòng mong ước trông thấy chúng sanh thoát khỏi bất hạnh và đau khổ, đó là Ahitadukkhānāgamapatthanā mettā. Loại mettā này được mô tả bằng tiếng Pāḷi như sau:

Na paro paraṃ nikubbetha,

Nā’ timaññetha katthaci naṃ kañ ci,

Vyārosanā paṭighasaññā. Nānnamaññassa dukkham iccheyya.

Ý nghĩa là: “Cầu cho chúng sanh đừng dối gạt lẫn nhau, đừng khinh khi lẫn nhau. Cầu cho họ đừng gây đau khổ và hại kẻ khác bằng thân, khẩu và ý.” Quán như vậy là cách tu tập Ahitadikkhānāgamapatthanā mettā.

Người ta có thể thắc mắc rằng: “Tại sao sự tu tập mettā không được mô tả bằng một cách duy nhất mà phải có nhiều cách như đã được mô tả trong bộ Paṭisambhidāmagga và trong bài kinh Mettā?”

Câu trả lời là: Tâm của kẻ phàm phu luôn luôn bay nhảy hết cảnh này đến cảnh khác. Tâm như vậy không thể được giữ chắc vào đối tượng của mettā chỉ bằng một cách. Sự định tâm vững chắc có thể đạt được bằng sự thay đổi phương pháp quán được lập lại nhiều lần. Cho nên Đức Phật mới giảng dạy nhiều cách tu tập mettā. Về sau các vị trưởng lão cũng có bổn phận giải thích những cách khác nhau này. Có cách giải thích khác: những người tu tập bác ái, mỗi người đều có năng lực cơ bản khác nhau; đối với một số người thì phương pháp anodhisa mettā dễ hiểu hơn; đối với một số người thì phương pháp odhisa mettā minh bạch hơn; đối với một số người phương pháp rải mettā đến chúng sanh trong các phương hướng thì cụ thể hơn; đối với một số người thì phương pháp tu tập Sabbasaṅgāhika trong bài kinh Mettā thì rõ ràng hơn; đối với một số người thì cách tu tập Dukabhāvanā thì thích hợp hơn; đối với một số người thì phương pháp tu tập Tikabhāvanā thì chi tiết hơn. Vì những người tu tập mettā có những căn tánh khác nhau, nên để thích hợp với mỗi cá nhân, Đức Phật đã giảng dạy những cách tu tập khác nhau này và về sau các vị A-xà-lê phải giải thích chúng một cách đầy đủ.

Mettā của vị Bồ-tát

Cách tu tập mettā của vị Bồ-tát giải rõ trong Bổn sanh Suvaṇṇasāma của bộ Cariya Pitaka và chương Mahā Nipāta của Bổn sanh kinh. Câu chuyện trong bộ Cariya Piṭaka được tóm tắt như sau: “Này Sāriputa, khi ta sanh làm Suvaṇṇasāma, sống ở một chỗ ngụ do Sakka dựng lên, ta rải tâm bác ái đến các loại sư tử và hổ báo trong rừng. Ta sống giữa các loài thú rừng như sư tử, cọp, beo, chó sói, trâu núi, nai đốm và gấu. Chẳng có con thú nào sợ hãi khi gần ta và ta cũng không e sợ chúng. Ta sống hạnh phúc trong rừng vì ta được che chở bởi năng lực của mettā.”

Qua đoạn kinh này, chúng ta không biết gì về gia đình, dòng dõi, v.v… của Suvaṇṇasāma. Điều mà chúng ta biết là cuộc sống hạnh phúc và thánh thiện của vị ấy, không chút sợ hãi đối với các loại thú rừng nhờ oai đức của pháp bác ái của vị ấy.

Tuy nhiên, ở chương Mahā Nipāta, câu chuyện kể rằng khi Bồ-tát Suvaṇṇasāma bị trúng tên, vị ấy hỏi: “Tại sao ông bắn tên vào người tôi?” và vua Piliyakkha trả lời: “Trong khi ta nhắm vào con nai, con nai đã ở đúng điểm nhắm của ta, nhưng vì sợ ngươi nên nó đã bỏ chạy, vì thế ta đã nổi giận mà bắn vào người.” Rồi Suvaṇṇa-sāma đáp lại: “Khi thấy ta, con nai không bị sợ hãi, những con thú khác cũng vậy.” Vị ấy cũng nói rằng: “Tâu bệ hạ, ngay cả loài Kinnara có tánh rất rụt rè, đang sống ở núi Gandhamādana cũng vui sướng đến gần ta khi chúng đang đi trong núi đồi và các khu rừng.”

Từ câu kệ này, chúng ta thấy rằng Bồ-tát Suvaṇṇa-sāma, khi sống ở trong rừng, đã rải tâm bác ái đến tất cả muôn thú bao gồmpan style="letter-spacing:1.4pt"> loại Kinnara và tất cả thú rừng đều yêu thương vị ấy.

Trong bài liệt kê mười một điều lợi ích phát sanh từ việc rải tâm bác ái, có một lợi ích là được chư thiên, nhân loại, dạ xoa, a-tu-la thương mến. Nhưng từ câu chuyện Suvaṇṇasāma, chúng ta biết rằng loài muôn thú cũng yêu mến người rải tâm bác ái.

Chuyện trưởng lão Visākha

Visākha là một gia chủ xứ Pātaliputta, sau khi nghe nói về Sri Laṅkā bèn khởi ước muốn đi đến nước ấy để thực hành pháp. Sau khi để lại tất cả tài sản cho gia đình, vị ấy lên tàu đi đến Sri Laṅkā và xuất gia tỳ khưu tại tịnh xá Mahāvihāra. Trong năm tháng, vị ấy đã học hai bộ Dve Mātikā (hai bộ sách về Luật tổng quát) và sau đó vị ấy rời khỏi Mahāvihāra để đi đến một tịnh xá thích hợp cho việc hành thiền của vị ấy. Ở mỗi tịnh xá vị ấy hành đạo trong bốn tháng.

Trên đường đi đến tịnh xá tọa lạc trên một ngọn đồi có tên là Cittala, Visākha đi đến một ngã tư đường và trong khi ấy đang suy nghĩ nên chọn con đường nào, thì chư thiên của ngọn đồi dẫn vị ấy rẽ về hướng phải. Nhờ thế mà vị ấy đến tịnh xá và ngụ ở đó trong bốn tháng. Sau khi sửa soạn hành trang để đi đến tịnh xá khác vào ngày hôm sau, trưởng lão đi ngủ. Trong khi Ngài đang nằm ngủ như vậy thì một vị thọ thần ngồi khóc trên một tấm ván của bậc thang, trưởng lão hỏi: “Ai đang khóc thế?”

Vị thiên trả lời: “Bạch Ngài, tôi là thọ thần.” “Tại sao ông khóc?”

“Bởi vì Ngài sắp ra đi.”

“Có lợi ích gì cho ngươi nếu ta ở đây?”

“Ngài ở đây sẽ khiến cho chư thiên, dạ xoa và quỉ thần thương mến lẫn nhau. Sau khi Ngài đi rồi, họ sẽ gây gỗ nhau và nói lời thô lỗ.”

“Nếu ta ở đây mà thực sự giúp các ngươi sống hạnh phúc như ngươi đã nói thì ta sẽ ở lại đây thêm bốn tháng nữa.”

Khi bốn tháng đã hết đã hết, vị trưởng lão sắp ra đi và vị thọ thần lại đến khóc. Bằng cách này, vị trưởng lão không thể nào ra đi được nữa và đã nhập Niết bàn tại tịnh xá Cittala ấy.

Câu chuyện cho thấy rằng những kẻ hưởng mettā không chỉ yêu mến người rải mettā, họ còn khởi tâm mát mẻ với nhau nữa do ảnh hưởng của mettā được rải ra.

Mettā của người thợ săn

Trong Bổn sanh Mahāhaṃsa của chương Asīti Nipāta, khi Bồ-tát, chúa của loài thiên nga, bị dính bẫy, vị ấy đau đớn do bị thương tích. Trông thấy chúa của loài thiên nga đang quằn quại trong đau đớn, người thợ săn ân hận, nhẹ nhàng bồng thiên nga chúa trên đôi tay và săn sóc nó với tâm chan chứa từ ái để làm vơi đi cơn đau của nó. Ngay cả những vết bầm xước cũng không còn trên đôi chân của thiên nga mà trở lại bình thường, liền lại như cũ do năng lực bác ái của người thợ săn.

Đây chỉ là phần cô đọng của Bổn sanh Mahā Haṃsa. Những câu chuyện tương tự được kể lại ở Bổn sanh Pathama Cūla Haṃsa Jātaka của chương Asīti Nipāta, Bổn sanh Rohana Haṃsa Jātaka và Bổn sanh Cūla Haṃsa Jātaka của chương Vīsati Nipāta. Oai lực của Mettā có thể được hiểu rõ hơn từ những câu chuyện này.

Tham ái trong lớp vỏ của bác ái

Người tu tập bác ái nên chú ý một điều, là không để tham ái (rāga) len lỏi vào pháp bác ái của người ấy như đã được giải thích trong bộ Chú giải Netti: “Rāgo mettā-yanāmukhena vañceti - Tham ái trong lớp vỏ bác ái là sự dối gạt.”

Trong phần Brahmavihāra Niddesa của bộ Visuddhi-magga cũng có đoạn giải thích như sau: “Sự diệt tắt nóng giận có nghĩa là sự thành tựu bác ái nhưng sự sanh khởi tham ái có nghĩa là sự tiêu diệt bác ái.”

Ý nghĩa là: Khi một người rải tâm bác ái của mình đến một người khác mà người ấy đã từng giận ghét thì sự giận ghét sẽ biến mất và mettā xuất hiện trong người ấy, đó là thiện ý. Do đó, sự biến mất nóng giận dẫn đến sự xuất hiện mettā. Nếu tham ái xuất hiện trong người ấy khi anh ta đang rải mettā như vậy thì mettā của anh ta sẽ mất đi. Bấy giờ người ấy bị đánh lừa bởi tham ái đang đội lốt của mettā.

mettā là một trong mười pháp Ba-la-mật, nó cần được rải đến những chúng sanh khác cho đến khi người ta đáp lại thiện ý của họ. Do đó, sự biến mất nóng giận dẫn đến sự xuất hiện mettā. Nếu tham ái xuất hiện trong người ấy trong khi anh ta đang rải mettā thì mettā thật ấy sẽ nhường chỗ cho mettā giả, tức là tham ái.

mettā là một trong mười pháp Ba-la-mật nên nó cần được rải đến những chúng sanh khác cho đến khi người ta đáp lại thiện ý của họ đến chính mình giống như trong câu chuyện về Bồ-tát Suvaṇṇasāma và những câu chuyện khác. Mettā không chỉ có mặt trong mười pháp Ba-la-mật mà cũng có mặt trong bốn mươi đề mục của thiền chỉ. Thế nên, chư Bồ-tát và những bậc hiền trí thuở xưa đã tu tập mettā để đắc định và có thần thông. Những câu chuyện minh họa được tìm thấy trong bổn sanh Seyya, Abbhantara Vagga trong Tika Nipāta và Bổn sanh Ekarāja, Kaliṅga Vagga trong Cātukka Nipāta.

Câu chuyện Bổn sanh Seyya

Đây là câu chuyện tóm tắt: Vua Brahmadatta của vương quốc Bārāṇasī trị vì rất chính đáng nhờ vị ấy có thọ trì mười vương pháp. Vị ấy bố thí, thọ trì ngũ giới và bát quan trai giới. Một vị quan phạm tội trong hoàng cung bị đức vua trục xuất ra khỏi vương quốc. Ông ta di đến nước láng giềng Kosala, vào xin phục vụ vua nước đó và xúi dục vị vua ấy xâm chiếm nước Bārāṇasī, mà theo ông ta, có thể thực hiện dễ dàng. Vua Kosala nghe lời của vị quan này, tấn công nước Bārāṇasī và bắt sống vua Brahmadatta. Tuy nhiên, vua Brahmadatta và các quan của vị ấy từ đầu chí cuối không hề kháng cự.

Trong nhà giam, Brahmadatta rải tâm bác ái đến vua Kosala, vị vua cướp nước và nhờ vậy đã đắc định bằng đề mục mettā này, nó được gọi là mettājhāna (thiền tâm từ). Do oai lực của metta ấy, vua Kosala cảm thấy toàn thân bị đốt cháy đau đớn mãnh liệt. Vua Kosala hỏi các quan: “Tại sao ta bị đốt cháy như thế này?” Họ đáp lại: “Tâu bệ hạ, sở dĩ như vậy là vì bệ hạ đã bắt giam vua Brahmadatta, là người có giới đức trong sạch.” Nghe vậy, vua Kosala vội vã đi đến Bồ-tát Brahmadatta, xin lỗi Bồ-tát và trả lại vương quốc cho vị ấy. Câu chuyện này cho thấy rằng việc rải tâm bác ái dẫn đến sự đắc Thiền.

Câu chuyện Bổn sanh Ekarāja

Thuở nọ, một vị quan của vua Brahmadatta đã phạm tội. Câu chuyện bắt đầu như vậy, sự kiện diễn ra giống như trong bổn sanh Seyya. Cả câu chuyện Seyya và Ekarāja đều giống như Bổn sanh Sīlava trong Ekaka Nipāta. Muốn biết toàn bộ câu chuyện, hãy xem bổn sanh Mahā Sīlava Jātaka.

Điểm đặc biệt của Bổn sanh Ekarāja như thế này: Trong khi vua nước Bārāṇasī đang ngồi uy nghi giữa các quan trong triều, vua Dubbhisena của nước Kosala sai trói và nhốt vị ấy trong khung cửi, rồi treo ngược vị ấy trên ngưỡng cửa của hoàng cung. Sau khi lấy vị vua cướp nước làm đề mục để rải tâm bác ái, vua Brahmadatta chứng đắc thiền và ngũ thông. Vị ấy tự thoát mình ra khỏi xiềng xích và ngồi kiết già giữa không trung. Thân của Dubbhisena trở nên nóng cháy và sức nóng mãnh liệt đến nổi ông ta lăn mình vật vã trên đất mà kêu gào: “Ôi! nóng quá! Nóng quá!” Rồi vị ấy hỏi các quan: “Tại sao điều này lại xảy đến với ta?” Các quan đáp lại: “Tâu bệ hạ, bệ hạ bị nóng cháy như vậy là vì bệ hạ đã lầm lạc sai bắt và treo ngược một vị vua có giới đức và vô tội.” “Thế thì hãy nhanh chóng trả tự do cho vị ấy.” Theo lịnh truyền, các quan ngay lập tức đi đến chỗ của đức vua Brahmadatta và trông thấy vị ấy đang ngồi kiết già giữa hư không. Bởi vậy họ trở lại và tâu với vua Dubbhisena.

Mettā của Đức Phật

Một thuở nọ khi Tăng chúng có Đức Phật dẫn đầu đang du hành đến Kusinara, các vị hoàng tử xứ Malla đã bàn bạc và thỏa thuận với nhau rằng nếu có người nào trong bọn họ mà không đón tiếp Tăng chúng thì sẽ bị phạt. Do đó, một vị hoàng tử nọ tên là Roja, đã từng là bạn của Ānanda khi trưởng lão chưa xuất gia, đã cùng với các vị hoàng tử Malla đón tiếp chúng Tăng. Nhân đó, đại đức Ānanda nói lời khích lệ Roja rằng đó là cơ hội hiếm có để làm như vậy vì Tăng chúng có Đức Phật dẫn đầu. Roja đáp lại rằng vị ấy làm như vậy không phải vì niềm tin nơi Tam bảo mà do sự thỏa thuận giữa họ. Thấy câu trả lời đầy miễn cưỡng của Roja, Ānanda bèn đi đến Đức Phật và bạch lại chuyện ấy. Vị ấy cũng thỉnh cầu Đức Phật tế độ cho Roja. Khi ấy Đức Phật rải tâm bác ái đến Roja khiến vị ấy không thể ở yên một chỗ, giống như con bê xa mẹ, đã đi đến tịnh xá nơi mà Đức Phật đang trú ngụ. Với niềm tịnh tín nơi Đức Phật đang khởi sanh trong vị ấy, vị ấy đảnh lễ Đức Phật và nghe Ngài thuyết pháp. Cuối thời pháp Roja chứng quả Nhập lưu.

Một lần khác cũng vậy, khi chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu đang đi vào thành Rājagaha để khất thực, thì Devadatta, sau khi bàn bạc với vua Ajātasattu, đã thả voi dữ Nālāgiri để tấn công Đức Phật. Đức Phật nhiếp hóa voi dữ bằng cách rải tâm bác ái đến nó. Khi ấy dân chúng thành Rājagaha vui mừng nói lên bài kệ sau đây:

Daṇḍen’eke damayanti ankusāhi kasāhi ca

adaṇdena asatthena nāgo danto mahesinā.

Những người dạy thú, quản tượng và người huấn luyện ngựa đã thuần phục chúng bằng roi hay gậy.

Tuy nhiên, voi điên Nālāgiri đã được Đức Phật nhiếp hóa mà không cần dùng đến roi gậy hay khí giới.

Chấm dứt Chương Từ Ba-la-mật


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]