THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]


1. Thế nào là các pháp Pāramī ?

Câu trả lời là: Những đức tánh như bố thí, trì giới, v.v... mà không bị hư hoại bởi ái dục, ngã mạn hoặc tà kiến, được thành lập dựa vào tâm Đại bi và Trí tuệ thiện xảo trong việc tầm cầu các phước lành thì được gọi là Pāramī.

Giải thích thêm: Ái dục làm lấm nhơ sự bố thí do ý nghĩ: “Đây là sự bố thí của ta.” Do ngã mạn: “Sự bố thí này do ta làm.” Do tà kiến: “Sự bố thí này là tự ngã của ta.” Sự bố thí như vậy được xem là đã bị lấm nhơ do ái dục, ngã mạn và tà kiến. Chỉ loại bố thí nào không bị lấm nhơ bởi ba pháp trên mới được xem là Pāramī. (Cách giải thích này áp dụng cho sự thọ trì giới và những pháp còn lại khác).

Để được xem là Pāramī, những hành động tạo phước như dāna, sīla, v.v... không chỉ thoát khỏi sự nhiễm ô của ái dục, ngã mạn và tà kiến, mà còn phải dựa trên đức Đại bi (Mahā-karunā) và phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa).

Đại bi – Mahā karunā

Vị Bồ tát nên đem hết khả năng của mình để khởi sanh tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sanh, ở gần hoặc ở xa, tựa như tất cả họ đều là con ruột của vị ấy. Không phân biệt thân hay thù, vị ấy nên xem tất cả

chúng sanh là những kẻ khổ đau tội nghiệp trong luân hồi, nơi đó họ ngày đêm bị thiêu đốt bởi các ngọn lửa tham, sân và si. Bởi các ngọn lửa sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ và ưu. Quán như vậy, vị ấy nên khởi tâm bi mẫn mãnh liệt đối với họ. Tâm bi mẫn của vị ấy phải rộng lớn bao la để cứu vớt chúng sanh ra khỏi luân hồi, ngay cả hy sinh mạng sống của mình. Tâm bi mẫn như vậy được gọi là tâm đại bi, Mahā-karunā

- nền tảng của tất cả các pháp pāramī.

Trong kiếp sanh làm đạo sĩ Sumedha, lúc gặp Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkāra), Bồ tát đã chứng đắc bát thiền và ngũ thông, và có thể chứng đắc đạo quả A-la-hán nếu Ngài muốn. Nhưng là một đại sĩ có lòng bi mẫn cao cả, Ngài chấp nhận chịu khổ trong luân hồi suốt bốn A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, ngõ hầu giải thoát chúng sanh khỏi khổ đau.

Phương tiện thiện xảo trí - Upāya-kosalla-ñāṇa

Đó là trí tuệ tinh thông trong sự thực hành các việc phước như dāna, sīla, v.v... nên nó trở thành phương tiện cơ bản và sự hỗ trợ để thành đạt Nhất thiết trí. Vị thiện nam tử có chí nguyện thành Phật nên chuyên tâm vào các việc phước như dāna, sīla, v.v... với mục tiêu duy nhất là chứng đắc Nhất thiết trí (người ấy không nên mong mỏi những điều mà dẫn đến đau khổ trong luân hồi). Trí tuệ giúp người ấy có thể hướng đến và khởi chí nguyện thành đạt Nhất thiết trí như là quả duy nhất của những việc phước của vị ấy thì được gọi là phương tiện thiện xảo trí, Upāya-kosalla-ñāṇa.

Đại bi (Mahā-karunā) và Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla- ñāṇa) là hai pháp cơ bản cho sự chứng đắc đạo quả Phật và cho sự thực hành các pháp ba-la-mật. Người có chí nguyện thành Phật, điều đầu tiên là phải cố gắng để thành đạt hai pháp cơ bản này.

Chỉ những đức tánh như dāna, sīla, v.v... được tu tập dựa trên hai pháp cơ bản này mới là Ba-la-mật thực sự.


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]