THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]
Về câu hỏi: “Những yếu tố nào làm ô nhiểm các pháp pāramī?” Câu trả lời chung chung là: Cho rằng các pháp pāramī là “ta”, “của ta” và “tự ngã của ta” do ái dục, ngã mạn và tà kiến, là nguyên nhân làm ô nhiễm các pháp pāramī.
Tuy nhiên, câu trả lời chính xác theo từng trường hợp đặc biệt là:
(i) Tâm phân biệt vật thí này với vật thí kia, người thọ thí này với người thọ thí kia, là nguyên nhân làm ô nhiễm Bố thí Ba-la-mật. (Vị Bồ tát trong khi thực hành Bố thí Ba-la-mật không nên có sự phân biệt các loại vật thí mà vị ấy có và cũng không nên phân biệt người thọ thí thuộc đối tượng nào. Vị ấy không nên nghĩ về phẩm chất của vật thí, vật thí này quá thấp hèn; vật thí này quá cao sang. Vị ấy cũng không nên nghĩ về người thọ thí như: “Người này không có giới, ta không thể cho họ.” )
Những ý nghĩ phân biệt như vậy sẽ làm cho Bố thí Ba-la-mật trở nên bất tịnh.
(ii) Tâm phân biệt giữa các loại chúng sanh và giữa các trường hợp gây nên sự ô nhiễm cho Giới Ba-la-mật (Giới Ba-la-mật nên được thực hành bất chấp các loại chúng sanh và trường hợp nào, khi nghĩ rằng: “Ta chỉ kiên tránh sát sanh loại chúng sanh đó mà không kiên tránh sát sanh đối với những loại chúng sanh khác. Ta sẽ thọ trì các điều học chỉ trong trường hợp đó, các trường hợp khác thì không.” Suy nghĩ phân biệt như vậy sẽ làm ô nhiễm Giới Ba-la-mật).
(iii) Nghĩ rằng hai loại dục (vật dục - vatthu-kāma và phiền não dục - kilesa-kāna) và tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) là khả ái, khả lạc. Sự chấm dứt dục lạc và sanh hữu là không khả ái, không khả lạc. Ý nghĩ như vậy là nguyên nhân làm ô nhiễm Xuất gia Ba-la-mật.
(iv) Ý nghĩ sai lầm về ‘ta’ và ‘cái của ta’ là nguyên nhân ô nhiễm Trí tuệ Ba-la-mật.
(v) Những ý nghĩ lười biếng làm khởi sanh hôn trầm, thụy miên và trạo hối là nguyên nhân ô nhiễm Tinh tấn Ba-la-mật.
(vi) Những ý nghĩ phân biệt mình và kẻ khác (như những người của ta và những người của họ) là nguyên nhân ô nhiễm Nhẫn nại Ba- la-mật.
(vii) Những điều chưa thấy, chưa nghe, chưa xúc chạm và chưa biết mà nói rằng đã thấy, đã nghe, đã xúc chạm và đã biết. Những điều đã thấy, đã nghe, đã xúc chạm và đã biết mà nói rằng chưa thấy, chưa nghe, chưa xúc chạm và chưa biết là nguyên nhân ô nhiễm Chân thật Ba-la-mật.
(viii) Nghĩ rằng các pháp cần thiết cho sự giác ngộ, các pháp Ba-la- mật và các hạnh là không lợi ích và những pháp đối nghịch với chúng là có lợi ích. Ý nghĩ như vậy là nguyên nhân ô nhiễm Chí nguyện Ba-la-mật.
(ix) Nghĩ về người hộ độ của ta và người không hộ độ ta (người thân quen hoặc không thân quen) là nguyên nhân ô nhiễm Từ ái Ba- la-mật.
(x) Tâm phân biệt các cảnh khả ái với các cảnh không khả ái mà người ta trải qua là nguyên nhân ô nhiễm Xả Ba-la-mật.
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B