THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]


6. Những điều kiện cơ bản của các pháp Pāramī?

Nói tóm tắt, đó là:

(a) Abhinihāra - Đại nguyện

(b) Mahā-karuṇa & Upāya-kosalla-ñāṇa – Tâm Đại bi và phương tiện thiện xảo trí

(c) Buddhabhūmi - Bốn Phật địa

(d) Ajjhāsaya - Mười sáu thiên hướng

(e) Paccavekkhana ñāṇa - Quán sát trí là trí suy xét về những tai hại của việc không bố thí, v.v...và những lợi ích của việc bố thí v.v...

(f) Carana - Mười lăm loại hạnh và năm loại thắng trí - Abhiñña, cùng với những nguyên nhân phụ của chúng.

Giải rộng:

A. Abhinihāra – Đại nguyện

(abhi nghĩa là hướng về Nhất thiết trí; nihāra nghĩa là ‘hướng tâm’ hay ‘chuyên tâm’; nghĩa là sự phát nguyện thành đạt quả vị Chánh đẳng giác).

Ở đây, tám yếu tố cần thiết để được thọ ký thành Phật được mô tả trong Chương nói về ‘Sự xuất hiện hy hữu của một vị Phật’, cuốn I, phần I.

Trong kiếp sống mà có đầy đủ tám yếu tố (như kiếp của Sumedha), những ý nghĩ sau đây thường xuất hiện trong tâm của chư vị Bồ tát (như bậc trí tuệ Sumedha) mà không khởi dậy trong tâm của bất cứ ai, ngoại trừ những bậc đã có đủ tám yếu tố ấy.

“Sau khi vượt qua đại dương sanh tử luân hồi bằng chính sự cố gắng của ta, ta cũng sẽ cứu độ chúng sanh. Sau khi đã tự mình thoát khỏi mọi xiềng xích của luân hồi, ta cũng sẽ giải thoát cho chúng sanh. Sau khi ta nhiếp phục các căn, ta cũng sẽ dạy cho chúng sanh cách nhiếp phục các căn; sau khi đã dập tắt các ngọn lửa của phiền não trong chính ta, ta sẽ giúp chúng sanh dập tắt các ngọn lửa trong tâm của họ; sau khi đã đạt được sự an lạc tối thượng của Niết bàn, ta sẽ giúp chúng sanh hưởng sự an lạc ấy; sau khi đã dập tắt trong chính ta những ngọn lửa của ba luân (phiền não luân, nghiệp luân và dị thục luân), ta sẽ dập tắt những ngọn lửa ấy đang rực cháy trong chúng sanh. Sau khi đã tự mình thanh lọc những nhiễm ô của phiền não bằng sự cố gắng của chính mình, ta sẽ đem đến sự thanh tịnh cho chúng sanh; sau khi đã đạt được trí tuệ về Tứ Thánh đế, ta sẽ dạy Tứ Thánh đế ấy đến chúng sanh (tóm lại, ta sẽ cố gắng trở thành Phật và độ thoát chúng sanh).”

Như vậy ước nguyện đắc thành Phật quả khởi sanh mãnh liệt, liên tục, là tâm đại thiện (mahā-kusala citta) cùng với những sở hữu đồng sanh của nó; những tâm đại thiện và những sở hữu đồng sanh ấy hướng về Phật quả được gọi là Đại nguyện (abhinihāra), là điều kiện cơ bản của tất cả mười pháp Ba-la-mật.

Quả thật vậy, chính do sự khởi phát của đại nguyện này mà chư vị Bồ tát mới được thọ ký thành Phật. Sau khi được thọ ký rồi, khởi sanh liên tục sự suy xét về các pháp Ba-la-mật; sự quyết tâm thực hành chúng và những sự thực hành cần thiết để đưa vị ấy đến đỉnh cao của sự thành tựu.

Đại nguyện này có đặc tánh là sự hướng tâm đến Nhất thiết trí. Phận sự của nó là tha thiết cầu Phật quả và sau khi ước nguyện ấy được xác chứng, hành giả lại mong cầu khả năng đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh cho đến khi họ chứng đắc Niết bàn. Sự hiện khởi của nó trong tâm của hành giả làm nhân cơ bản cho các pháp dẫn đến giác ngộ. Nguyên nhân gần của nó là tâm Đại bi.

Đại nguyện này có cảnh của nó là lãnh vực không thể biết được dành cho chư Phật và phúc lợi của vô lượng chúng sanh trong hết thảy thế gian vô tận. Như vậy nó đáng được xem là nền tảng cho các hạnh nghiệp như các pháp Ba-la-mật, các pháp hành và các việc thiện đáng tôn kính nhất có năng lực vô song.

Năng lực vô song này được giải tóm tắt như sau:

Ngay sau khi đại nguyện phát khởi, vị Bồ tát sẵn sàng đi vào lãnh vực thực hành để chứng đạt Nhất thiết trí (Mahābodhiyāna paṭipatti). Khi ấy vị Bồ tát quyết định thành Phật. Sự kiên định này trở nên bất thối sau khi đại nguyện đã phát khởi trong tâm vị ấy và nhờ vậy trở thành vị Bồ tát thực thụ. (Một người xứng đáng được danh hiệu ‘Bồ tát’ chỉ khi nào có được đại nguyện này).

Từ lúc ấy trở đi, vị Bồ tát hoàn toàn có khuynh hướng nghiêng về Nhất thiết trí và năng lực thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, sự dứt bỏ (cāga), các công hạnh (cariya). Như vậy, các pháp dẫn đến giác ngộ đã an trú trong tâm vị Bồ tát.

Vì đã có đại nguyện này nên đạo sĩ Sumedha đã tra xét đúng đắn các pháp Ba-la-mật bằng Ba-la-mật Tư trạch trí (Pāramī-pavicaya- ñāṇa). Loại trí này còn được gọi là Vô sư trí, chính vị ấy có được mà không cần sự giúp đỡ của người thầy; nó cũng được gọi là Tự tồn trí (Sayambhū-ñāṇa), là trí dẫn đường đến quả vị Chánh đẳng giác. Sau khi nghĩ suy và quán xét đến các pháp Ba-la-mật một cách rõ ràng và chính xác, vị ấy tinh tấn thực hành viên mãn chúng trong thời gian dài bốn A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp.

Đại nguyện này có:

(a) Paccaya - Bốn duyên

(b) Hetu - Bốn nhân

(c) Bala - Bốn lực

(a) Paccaya - Bốn duyên

(i) Khi vị Đại sĩ phát nguyện thành Phật, trông thấy Đức Phật đang thị hiện song thông, vị ấy suy nghĩ: “Nhất thiết trí có năng lực thật là vĩ đại. Nhờ có được Nhất thiết trí mà Đức Phật đạt được bản tánh kỳ diệu, cao siêu và có được năng lực bất khả tư nghì như vậy.” Sau khi chứng kiến những uy lực của Đức Phật, vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.

(ii) Dù tự mình không tận mắt trông thấy oai lực vĩ đại của Đức Thế Tôn, nhưng vị ấy nghe người khác nói: “Đức Thế Tôn có những năng lực như vậy, như vậy.” Sau khi nghe thế, vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.

(iii) Dù vị ấy không chứng kiến, cũng không nghe nói về những oai lực vĩ đại của Đức Thế Tôn, nhưng vị ấy học hỏi được từ những bài pháp nói về oai lực của Đức Phật. Nhờ học hỏi như vậy, vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.

Dù vị ấy không chứng kiến, không nghe người khác nói cũng không nghe thuyết pháp về những oai lực của Đức Thế Tôn, nhưng vốn có thiên hướng cao quý, vị ấy suy nghĩ rằng: “Ta sẽ bảo vệ di sản, dòng dõi, truyền thống và luật lệ của chư Phật.” Do sự tôn kính tột bậc này đối với Pháp (Dhammagaru), vị ấy khởi tâm phát nguyện thành Phật.

(b) Hetu - Bốn nhân

(i) Vị đại sĩ có pháp nương tựa gần nhất - cận y (upanissaya) là đã từng thực hiện những phước lành đặc biệt của chư Phật quá khứ (phước đặc biệt - adhikāra).

(ii) Vị ấy vốn có thiên chất thương xót chúng sanh và sẵn sàng làm vơi dịu khổ đau cho chúng sanh dù phải hy sinh cả tánh mạng.

(iii) Vị ấy có tinh tấn và sức mạnh để phấn đấu trường kỳ cho đến khi thành đạt mục tiêu tối thượng là Phật quả; không nản chí trước những đau đớn và sầu khổ trong luân hồi hoặc những khó khăn vất vả trong khi làm việc lợi sanh.

(iv) Vị ấy hằng vui thích thân giao với bạn tốt, những người bạn này sẽ khuyên ngăn vị ấy không làm điều ác mà nhắc nhở, khuyến khích vị ấy làm các điều thiện.

Trong bốn nhân này, có pháp nương tựa gần nhất (upanissaya sampadā), nghĩa là do đại sĩ đã nguyện trong tâm hoặc nói ra lời trước sự hiện diện của chư Phật quá khứ (kinh sách không nói bao nhiêu vị) vì Phật quả, vị ấy luôn luôn có chí hướng về thành đạt Nhất thiết trí; vị ấy cũng luôn luôn có khuynh hướng làm việc lợi sanh.

Nhờ có pháp nương tựa gần nhất như vậy mà vị ấy có thể phân biệt rất chính xác những ai sẽ trở thành Phật Độc giác (Paccekabuddha) hoặc Thinh văn giác (Bích chi Bồ tát hoặc Thanh văn Bồ tát – Sāvaka- bodhisatta) qua (a) các quyền (indriya), (b) các pháp hành đem lại lợi lạc cho chúng sanh, (c) sự thiện xảo trong việc phục vụ lợi ích đến kẻ khác và biết phân biệt thiện ác (Xứ phi xứ thiện xảo trí - thānāthāna- kosalla-ñāṇa). (Từ ba đặc tánh này, có thể kết luận rằng chư Bồ tát đã từng làm những phước lành đặc biệt của chư Phật quá khứ).

Nói về sự thân cận bạn tốt, bạn tốt ở đây có nghĩa là những người có tám đức tánh: đức tin, giới, nghe nhiều học rộng, dứt bỏ, tinh tấn, chánh niệm, định và tuệ.

Với đức tin, người bạn tốt có niềm tin vào Nhất thiết trí của Đức Thế Tôn, tin tưởng vào nghiệp của chính mình và quả của nghiệp. Do có đức tin như vậy, vị ấy không từ bỏ ước nguyện vì phúc lợi của chúng sanh. Ước nguyện này là nguyên nhân cơ bản để thành đạt sự Giác ngộ tối cao.

Là người có giới, vị ấy thân ái với chúng sanh hằng kính trọng vị ấy. Nghe nhiều học rộng, trước hội chúng vị ấy thuyết những bài pháp cao siêu đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh. Thành tựu pháp dứt bỏ, vị ấy thiểu dục, dễ nuôi, không luyến ái theo dục trần, tâm xả ly đối với chúng.

Nhờ tinh tấn, vị ấy luôn cố gắng làm tăng trưởng phúc lợi cho chúng sanh. Là người có chánh niệm, vị ấy không bao giờ bỏ qua những việc phước. Nhờ thành tựu về định, vị ấy là người có tâm tập trung, không tán loạn. Nhờ có trí tuệ, vị ấy hiểu các pháp như thật.

Qua chánh niệm, người bạn tốt xem xét kết quả của những việc phước và những điều tội. Qua trí tuệ, vị ấy hiểu đúng điều gì có lợi hoặc có hại đến chúng sanh. Qua định, vị ấy giữ tâm kiên cố, và qua tinh tấn, vị ấy tránh không làm những điều có hại đến chúng sanh và hướng dẫn họ luôn luôn nhiệt tâm cố gắng làm các điều thiện vì sự an lạc của họ.

Nhờ thân cận và nương tựa bạn tốt, là bậc có tám đức tánh như vậy, vị Bồ tát cố gắng tăng cường sự thành tựu của chính mình về pháp nương tựa (upanissaya-sampatti). Bằng trí tuệ trong sáng và sự thanh tịnh tột bậc của hành vi, lời nói được thành tựu qua những cố gắng kiên trì, vị ấy đắc thành bốn đại lực. Chẳng bao lâu, vị ấy sẽ có đủ tám yếu tố cần thiết cho việc thọ ký. Bồ tát cho thấy khát vọng về đại nguyện (Mahābhinihāra) và an trú vững chắc là một vị Bồ tát thực thụ. Từ đó trở đi, vị ấy không còn nguyện vọng nào khác ngoài sự Giác ngộ tối thượng. Vị ấy trở thành con người cao quý với quyết tâm không thay đổi là trở thành vị Chánh biến tri.

(c) Bala - Bốn đại lực

(i) Ajjhattikabala Nội lực: (Chí hướng vô bờ bến cầu Nhất thiết trí hoặc Chánh đẳng giác dựa vào khả năng về thể chất của chính mình, với sự tôn kính Pháp (Dhamma gārava), duyên thứ tư trong bốn duyên đã nêu ra ở trên). Khi vận dụng năng lực này, có sự tự lực và tâm hỗ thẹn tội lỗi, vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng ngộ Tối thượng giác.

(ii) Bāhirabala Ngoại lực: (Chí hướng vô bờ bến cầu Nhất thiết trí dựa vào ngoại lực, là ba duyên đầu tiên trong bốn duyên đã mô tả ở trên). Khi sử dụng năng lực này, dựa vào thế giới bên ngoài, được hỗ trợ bởi sự tự tin và lòng tự hào rằng: “Ta là người có đủ các năng lực để chứng đắc Phật quả,” vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng ngộ Tối thượng giác.

(iii) Upanissaya-bala Trợ duyên lực: (Chí hướng dũng mãnh cầu Nhất thiết trí dựa vào duyên đầu tiên trong bốn duyên). Khi sử dụng năng lực này, nhờ có các quyền nhạy bén và sự thanh tịnh tự nhiên, được hỗ trợ bởi chánh niệm, vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng ngộ Tối thượng giác.

(iv) Payoga-bala Tinh tấn lực (Có sự tinh tấn đầy đủ và thích hợp để chứng đạt Nhất thiết trí, sự theo đuổi tận lực và kiên trì của các duyên hỗ trợ và các việc phước). Khi sử dụng năng lực này với sự thanh tịnh của hành vi và lời nói, thường xuyên chuyên tâm vào các việc phước, vị Bồ tát phát nguyện cầu Phật quả, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và chứng đạt Nhất thiết trí.

Sau khi đã có đủ bốn duyên, bốn nhân và bốn lực, đến thời kỳ mà vị Bồ tát đạt đến giai đoạn phát triển như trong kiếp của bậc trí tuệ Sumedha, vị ấy có được tám yếu tố để được thọ ký thành Phật. Được thúc đẩy bởi sự thành tựu tám yếu tố này, đại nguyện phát khởi: “Ta sẽ nhiệt tâm phấn đấu không ngừng nghỉ để đắc thành Phật quả và tiếp độ chúng sanh.” Đại nguyện (abhinihara) này hình thành điều kiện cơ bản cho tất cả các pháp Ba-la-mật.

Những đức tánh kỳ diệu

Khi đại nguyện (abhinihara) này đã khởi phát, những đức tánh kỳ diệu sau đây cũng thường trụ trong tâm Bồ tát: (i) vị ấy hằng thương mến tất cả chúng sanh như con ruột của mình; (ii) tâm của vị ấy không bị các pháp bất thiện làm nhiễm ô; (iii) tất cả mọi ý định, hành vi và lời nói của vị ấy đều hướng về lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh; và (iv) viên mãn các pháp pāramī, và thực hành pháp xả ly (caga) và các thiện hạnh (cariya). Thay vì bị suy giảm, các pháp ngày càng thuần thục và mạnh mẽ. Nhờ sự sanh khởi của bốn đức tánh kỳ diệu này, vị Bồ tát trở thành người có ‘nguồn’ thiện pháp và độ lượng cao cả nhất. Kết quả là Ngài trở thành Bậc xứng đáng thọ lãnh những vật thí quý trọng, đáng là ruộng phước điền vô thượng để chúng sanh gieo hạt giống phước bằng sự cúng dường và kính trọng tột bậc.

B. Mahā-karunā & Upāya-kosalla-ñāṇa (Tâm Đại bi & Phương tiện thiện xảo trí)

Tương tự như đại nguyện (abhinihāra), tâm đại bi (mahā-karuna) và phương tiện thiện xảo trí (upāya-kosalla-ñāṇa) cũng hình thành những điều kiện cơ bản cho các pháp Ba-la-mật (hai điều kiện này đã được bàn kỹ ở trên). Qua hai pháp này, chư vị Bồ tát có thể liên tục làm gia tăng lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh, không quan tâm đến lợi ích của riêng mình. Dù sự thực hành các phận sự của chư Bồ tát vượt xa khả năng của con người bình thường, các Ngài cũng không hề thối chí.

Do tâm đại bi và phương tiện thiện xảo trí luôn hiện hữu trong tâm chư Bồ tát, nên những người đặt niềm tin nơi các Ngài, có sự tôn kính các Ngài, được gặp các Ngài thường xuyên hoặc luôn tưởng nhớ những ân đức của các Ngài thì lợi ích và hạnh phúc sẽ phát sanh đến họ.

Giải thêm: Về từ bi và trí tuệ, chính do trí tuệ mà Bồ tát chứng đắc Nhất thiết trí, chính do từ bi mà Ngài thực hành các phận sự của một vị Phật. Nhờ trí tuệ, Ngài có thể vượt qua đại dương luân hồi. Do lòng bi mẫn, Ngài cứu độ chúng sanh. Do trí tuệ, Ngài thông suốt nỗi đau khổ của chúng sanh. Do bi mẫn, Ngài cố gắng làm vơi dịu đau khổ của họ. Do trí tuệ, Ngài chán khổ đau. Do bi mẫn, Ngài chấp nhận đau khổ buồn chán đó như là hạnh phúc để thực hành các công hạnh, ngõ hầu giải thoát chúng sanh. Qua trí tuệ, Ngài ước nguyện Niết bàn. Qua từ bi, Ngài tiếp tục luân chuyển trong luân hồi.

Như vậy, từ bi và trí tuệ lợi ích về nhiều mặt. Hai pháp này không chỉ làm nền tảng cho các pháp Ba-la-mật, chúng còn là điều kiện cơ bản cho đại nguyện cầu Phật quả.

C. Buddhabūmi (Bốn Phật địa)

Tương tự như đại nguyện, từ bi và trí tuệ, bốn Phật địa sau đây làm điều kiện cơ bản cho các pháp Pāramī.

(a) Ussāha: dũng mãnh là sự nỗ lực để thành tựu các pháp Ba-la-mật, sự xả ly (cāga) và các thiện hạnh (cariya).

(b) Ummaṅga: Thượng trí là phương tiện thiện xảo trí (upāya kosalla-ñāṇa)

(c) Avaṭṭhāna: Kiên trụ là quyết định kiên cố trong các pháp hành dẫn đến Phật quả.

(d) Hita cariya: Lợi hành là sự tu tập tâm từ và tâm bi.

Bốn yếu tố này được gọi là Phật địa vì chúng dẫn đến sự sanh khởi của Nhất thiết trí.

D. Ajjhāsaya (16 Thiên hướng)

(Thiên hướng có nghĩa là khuynh hướng hay tính khí ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của con người. Về cơ bản, thiên hướng có hai loại: tốt và xấu). Có mười sáu thiên hướng tốt. Đó là thiên hướng về xuất gia - xuất gia ý lạc (nekkhammajjhāsaya), thiên hướng viễn ly - viễn ly ý lạc (pavivekajjhāsaya), thiên hướng vô tham - vô tham ý lạc (alobhajjhāsaya), thiên hướng vô sân - vô sân ý lạc (adosajjhāsaya), thiên hướng vô si - vô si ý lạc (amohajjhāsaya); thiên hướng xuất ly - xuất ly ý lạc (nissaranajjhāsaya), và thiên hướng về mười Pāramī (dānajjhāsaya, sīlajjhāsaya v.v…)

Do có thiên hướng xuất gia mạnh mẽ, các vị Bồ tát thấy sự hiểm nguy trong các dục lạc và đời sống gia đình. Do có thiên hướng viễn ly mạnh mẽ, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong đoàn thể và đời sống xã hội. Do có thiên hướng mạnh mẽ về vô tham, vô sân và vô si, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong tham, sân và si. Do có thiên hướng xuất ly mạnh mẽ, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong các cõi. Các pháp Ba- la-mật không sanh khởi trong người mà không nhìn thấy sự hiểm nguy của tham, sân, v.v... Do đó sáu thiên hướng về vô tham, vô sân, v.v... cũng là những điều kiện của các pháp pāramī.

Cũng vậy, mười thiên hướng về bố thí (dānajjhāsaya) v.v... hình thành những điều kiện của các pháp pāramī. Bố thí ý lạc nghĩa là thiên hướng thường xuyên bố thí qua sức mạnh của vô tham, nhờ thấy sự hiểm nguy trong các pháp đối nghịch của nó.

Do thiên hướng mạnh mẽ về vô tham, chư Bồ tát thấy sự hiểm nguy trong các pháp đối nghịch của nó như bỏn xẻn, vì thế dẫn đến sự thực hành viên mãn Bố thí Ba-la-mật. Do thiên hướng mạnh mẽ về Giới, các Ngài thấy sự hiểm nguy trong việc suy đồi đạo đức, và vì thế mà thực hành viên mãn Giới Ba-la-mật. Cách suy xét như vậy áp dụng các pháp Ba-la-mật còn lại.

Nên đặc biệt lưu ý rằng những pháp đối nghịch với thiên hướng xuất gia là dục lạc và đời sống gia đình; đối nghịch với trí tuệ là si mê (moha) và hoài nghi (vicikicchā); đối nghịch với tinh tấn là lười biếng (kosajja), giải đãi; đối nghịch với nhẫn nại là không kham nhẫn, oán giận (akkhanti, dosa); đối nghịch với chân thật là nói dối; đối nghịch với chí nguyện là sự không quyết tâm (không vững vàng trên con đường hành thiện); đối nghịch với từ ái là ác ý; đối nghịch với hành xả là sự dính mắc theo những pháp thăng trầm của thế gian.

Do thiên hướng mạnh mẽ về Hành xả, chư Bồ tát thấy mối nguy hiểm trong các pháp đối nghịch với nó, đó là sự cột trói theo các pháp thăng trầm của thế gian, nên các Ngài thực hành viên mãn Hành xả Ba-la-mật. Bằng cách này, mười thiên hướng về các pháp Ba-la-mật cũng hình thành điều kiện của các pháp pāramī.

E. Paccavekkhana ñāṇa (Quán sát trí)

Trí xem xét về những điều bất lợi do không thực hành mười pháp Ba-la-mật như bố thí, trì giới v.v… và những điều lợi ích nhờ thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật.

(Những ai có chí nguyện thành Phật nên nghiên cứu kỹ lưỡng về phần này).

1. Phương pháp suy xét chi tiết về Bố thí Ba-la-mật

“Những vật sở hữu như vàng, bạc, gia súc, trâu bò, tôi nam tớ nữ, vợ con, v.v... đem lại tai họa to lớn cho chủ nhân của chúng, những người luyến ái với chúng. Vì chúng là những đối tượng khả ái được mọi người ưa thích nên chúng có thể bị lấy mất hoặc bị hoại bởi năm loại kẻ thù (nước, lửa, vua quan, trộm cướp và những người thừa kế sa đọa), chúng gây ra những cuộc cải vả và tranh chấp. Chúng không có thực tánh. Việc thâu đạt và bảo vệ chúng ắt phải có sự khuấy rối người khác. Sự tiêu hoại của chúng dẫn đến đau khổ khốc liệt như sầu, bi, v.v... Do chấp thủ chúng mà những người bỏn xẻn (macchariya) phải bị tái sanh vào khổ cảnh. Như vậy, những vật sở hữu này đem lại nhiều tai họa cho chủ nhân qua nhiều cách. Bố thí chúng, xa lìa chúng, từ bỏ chúng là cách thoát ly duy nhất để đi đến hạnh phúc. Vị Bồ tát quán theo cách này và thực hành chánh niệm để phát triển việc thực hành bố thí.

Vị Bồ tát cũng quán xét như vầy, bất cứ khi nào có người đến khất thực: “Đây là người bạn rất thân ái, thường giải bày với ta tất cả những bí mật riêng tư của vị ấy. Vị ấy hướng dẫn ta cách đem theo bên mình – bằng phương tiện bố thí, đem tài sản sang những kiếp sau. Nếu không bằng cách này thì ta phải bỏ lại tất cả tài sản trên thế gian này. Đây là người bạn vĩ đại giúp dời đi tài sản của ta từ thế gian này, như một ngôi nhà đang rực cháy bởi ngọn lửa của thần chết, đến một nơi an toàn. Đối với ta, vị ấy như kho chứa an toàn những tài sản của ta, tránh khỏi sự thiêu đốt tiêu vong” và “Vị ấy là người bạn tốt nhất vì tạo điều kiện cho ta làm việc bố thí, vị ấy giúp ta đạt được những pháp chứng đắc khó nhất và thù thắng nhất, đó là sự thành tựu bốn Phật địa (Buddhabhūmi).

Bồ tát cũng suy xét như vầy: “Người này đã đem lại cho ta cơ hội làm công việc cao quý nhất. Do đó, ta nên nắm bắt cơ hội này, không lơ đễnh. Mạng sống của ta chắc chắn sẽ kết thúc. Do đó, ta nên bố thí ngay cả khi không ai hỏi xin, (quả thật ta nên làm) nhiều hơn ngay cả khi có người hỏi xin. Chư Bồ tát có khuynh hướng mạnh mẽ về bố thí thường tìm người thọ vật thí. Trong trường hợp của ta, người ăn xin đã tự ý đến để nhận vật thí của ta vì phước của ta. Hành động bố thí được thể hiện đến người nhận, đúng với bản chất của nó nhưng sự bố thí chỉ đem lại lợi ích cho ta mà thôi. Ta sẽ đem lợi ích đến tất cả chúng sanh này giống như là đem cho ta vậy. Làm sao ta có thể thực hành viên mãn Bố thí Ba-la-mật nếu không có ai thọ lãnh vật thí của ta? Ta chỉ kiếm được và tích lũy được tài sản khi có người đến xin ta. Khi nào họ sẽ đến và tự do sử dụng tài sản của ta tùy thích mà không cần xin ta? Bằng cách nào để ta kết thân với những người thọ lãnh và làm sao để họ thân thiện với ta. Ta sẽ hoan hỷ như thế nào trong khi bố thí và sau khi bố thí? Làm sao để ta biết tâm của họ và cho họ những gì họ cần mà họ không cần hỏi? Khi ta có vật thí và người thọ vật thí, nếu ta không cho họ thì đó là sự dối gạt to lớn đối với ta. Ta sẽ dứt bỏ tứ chi và mạng sống như thế nào để cho chúng đến những người cần?” Bồ tát nên thường xuyên phát triển thiên hướng bố thí như vậy.

Cũng như loài côn trùng (kīṭaka) nhảy trở lại với người quăng nó mà không chút quan tâm, những quả thiện sẽ trở lại với người đã bố thí dồi dào mà không mong mỏi quả phước. Bằng cách quán như vậy, vị Bồ tát nên phát triển tâm không ao ước, không mong mỏi chút quả nào từ việc phước của mình (quả ở đây là hạnh phúc của cõi chư thiên và nhân loại, không phải sự chứng đắc Phật quả).

Thái độ lúc bố thí cúng dường

Khi người thọ thí là người thân quen, vị ấy nên vui mừng suy xét như vầy: “Người đến xin ta là người thân quen.” Nếu người thọ thí không thân quen, vị ấy nên vui mừng suy xét: “Do sự cúng dường này, chắc chắn ta sẽ có được sự thân thiết với vị ấy.” Nếu người thọ thí là kẻ thù, vị ấy nên đặc biệt vui mừng suy xét như vầy: “Kẻ thù của ta đã khất thực, do sự cúng dường này chắc chắn vị ấy sẽ trở thành người thân thiết với ta.”

Như vậy, vị ấy nên cúng dường đến người lạ hoặc kẻ thù giống như đến người thân quen bằng tâm bi mẫn do từ ái dẫn đầu.

Khi gặp khó khăn lớn

Nếu người có chí nguyện thành Phật nhận thấy mình quá luyến ái với những vật cúng dường, không thể từ bỏ được do sự tham luyến với chúng đã ăn sâu trải qua thời gian dài, vị ấy nên suy xét như vầy: “Hỡi con người tốt, có chí nguyện thành Phật, khi ngươi đã phát nguyện đắc thành Phật quả, để tiếp độ chúng sanh, ngươi đã từ bỏ cả thân mạng của mình. Giờ đây, ngươi lại luyến ái với những vật ngoài thân giống như việc tắm rữa của con voi. Cũng vậy, ngươi không nên ái luyến bất cứ vật gì.”

(Những con vật khác tắm rữa để làm sạch thân của chúng, loài voi tắm không phải để làm sạch thân của chúng, mà để phát nát hoa sen, chồi sen và ngó sen ở trong hồ. Việc tắm rữa của con voi không đem lại lợi ích gì. Sự luyến ái với những vật ngoài thân không có kết quả gì, không đem lại lợi ích cho việc chứng đắc Phật quả).

Giả sử có một cây thuốc. Những ai cần rễ của nó thì lấy rễ. Những ai cần nhánh, vỏ, thân, lá, hoa, quả của nó thì lấy bất cứ thứ gì họ cần. Dù bị lấy đi vỏ, thân, rễ, v.v... cây thuốc cũng không thương tiếc mà nghĩ: “Họ đã tước mất những vật sở hữu của ta.”

Cũng thế, vị Bồ tát nên suy xét như vầy: “Ta, người đã xả thân làm việc lợi sanh, không nên nuôi dưỡng ngay cả một mảy may ý nghĩ sai lầm trong việc phục vụ người khác bằng cách sử dụng tấm thân bất tịnh, đau khổ và bội bạc này. Bốn địa đại dù ở trong thân hoặc ngoài thân, tất cả đều phải bị tan rã, tiêu hoại. Không có sự khác biệt giữa tứ đại trong thân và tứ đại ngoài thân. Nếu không nhận biết như vậy, ý nghĩ chấp thủ tấm thân này: “Thân này là của ta, thân này là ta, thân này là tự ngã của ta.” Rõ ràng là ý nghĩ vô minh. Bởi vậy, không quan tâm đến tay, chân, thịt và máu, giống như những vật ngoài thân, ta nên sẵn sàng cho đi cả tấm thân này với ý nghĩ rằng: “Ai cần thứ gì trong thân này, cứ tùy ý lấy đi.”

Khi vị ấy suy xét như vậy, không quan tâm đến mạng sống và tứ chi của mình, từ bỏ chúng vì sự giác ngộ tối thượng, hành vi, lời nói và ý nghĩ ngày càng thanh tịnh hơn. Vị Bồ tát đã có sự thanh tịnh về thân, khẩu, ý và như vậy sẽ an trú trong chánh đạo dẫn đến Niết bàn. Vị ấy cũng có được sự thành tựu về trí tuệ phân biệt điều gì tổn hại và điều gì có lợi ích. Kết quả là vị ấy trở thành người có khả năng phụng sự chúng sanh càng ngày càng nhiều hơn bằng những vật thí tốt đẹp (vatthu dāna), những vật thí vô hại (abhayadāna) và cả sự bố thí về pháp (dhammadāna). (Đây là cách suy quán chi tiết của vị Bồ tát về Bố thí Ba-la-mật).

2. Phương pháp suy xét chi tiết về Giới Ba la mật

“Giới là loại nước chánh pháp có thể rửa sạch những phiền não trong tâm, là loại ô nhiễm mà không thể dùng nước sông Hằng hay bất cứ loại nước nào để rửa sạch chúng. Giới là loại lương dược đoạn diệt cơn sốt của dục vọng trong khi các loại thuốc khác như bột hoàng đàn, v.v... không thể làm vơi dịu nó được. Giới là vật trang sức của những bậc trí tuệ mà loại trang sức của người bình thường như vòng cổ, dây chuyền, hoa tai, v.v... không thể sánh được.

Đó là loại hương tự nhiên bay khắp muôn phương và thơm ngát mọi lúc mọi nơi. Đó là loại bùa trói buộc (vasikaraṇa mantra) có năng lực khiến cho hàng thượng sanh như vua chúa, Bà-la-môn, chư thiên cùng Phạm thiên, v.v… phải tôn kính lễ bái. Giới là bậc thang để bước lên cõi chư thiên và Phạm thiên. Giới là phương tiện để chứng đắc thiền và các Thắng trí; là đại lộ dẫn đến đại kinh đô Niết bàn, là nền tảng của ba hình thức Giác ngộ. Vì Giới làm thành tựu tất cả những điều mà người ta mong ước nên Giới quí hơn cả ngọc như ý (cintamani) và cây như ý (kappa rukkha). Vị Bồ tát suy xét những đức tánh của Giới như thế.

(Chú giải giới thiệu bài kinh Aggikhandhopam, v.v... để suy xét về các tội do không có giới. Sau đây là phần tóm tắt của bài kinh Aggikhandhopama được nêu ra ở chương Sattaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya (Tăng chi bộ).

Một thuở nọ khi Đức Phật đang trên đường đi về miền quê của nước Kosala, có nhiều vị tỳ khưu tháp tùng, Ngài trông thấy một khối lửa đang rực cháy ở một chỗ nọ. Đức Phật rời khỏi con đường chính đến ngồi dưới một gốc cây, trên tấm y bốn lớp do đại đức Ānanda trải sẵn.

Rồi Đức Phật nói với các vị tỳ khưu:

(i) Này các tỳ khưu, các ngươi hãy xem bên nào tốt hơn: ngồi và nằm ôm lấy khối lửa hừng đỏ hay ngồi và nằm ôm lấy cô thiếu nữ thượng lưu, có thân mềm khả ái, đầy khoái lạc khi chạm vào? Các vị tỳ khưu (thiếu trí) trả lời rằng ôm cô thiếu nữ thì tốt hơn. Đức Phật giải thích: Đối với người có Giới, thà ngồi và nằm ôm lấy ngọn lửa hừng cháy đỏ vì nó chỉ làm khổ ta trong một kiếp thôi, trong khi ôm lấy cô thiếu nữ thì sẽ đưa ta xuống các khổ cảnh.

Ngài tiếp tục hỏi các vị tỳ khưu:

(ii) Bên nào tốt hơn: bị một người đàn ông mạnh khỏe cầm cây roi da đánh vào đôi chân của mình cho đến khi xương, thịt và da đều bầm nát hay vui thích trong sự lễ bái, cúng dường của đàn-na tín- thí?

(iii) Bên nào tốt hơn: để một người đàn ông mạnh khỏe cầm cây lao đâm xuyên ngực của mình hay vui thích trong sự lễ bái, cúng dường của đàn-na tín-thí ?

(iv) Bên nào tốt hơn: để một người đàn ông mạnh khỏe cầm đĩa sắt nóng đỏ đắp lên người của mình hay mặc vào chiếc y do đàn-na tín-thí cúng dường?

(v) Bên nào tốt hơn: há miệng ra và nuốt vào bụng cục sắt nóng đỏ hay ăn vật thực do đàn-na tín-thí cúng dường?

(vi) Bên nào tốt hơn: để cho một người đàn ông mạnh khỏe nắm lấy đầu hoặc vai và đè ta xuống trên cái lò sắt cháy đỏ hay nằm, ngồi trên chiếc giường do đàn-na tín-thí thí cúng dường?

(vii)Bên nào tốt hơn: để một người đàn ông mạnh khỏe cầm chân treo ngược ta lên và ném ta vào trong cái chảo sắt nóng chảy đang sôi sục hay trú ngụ trong tịnh xá do đàn-na tín-thí cúng dường?

Đối với câu hỏi này, các vị tỳ khưu (thiếu trí) đều trả lời giống như câu trả lời ở câu hỏi đầu tiên. Đức Phật đưa ra các câu trả lời giống như câu trả lời đầu tiên của Ngài. Nghĩa là đối với người có Giới, thà để người ta đánh vào chân cho bể nát, đâm xuyên qua ngực, v.v... vì chúng chỉ gây đau khổ trong một kiếp thôi. Trong khi đó, vui thích trong sự lễ bái cúng dường của đàn-na tín-thí, ôm cô gái trẻ, v.v... sẽ đưa ta xuống các khổ cảnh đầy cực hình đau đớn trong nhiều kiếp.

Đức Phật kết thúc thời pháp bằng những lời sau đây:

Để đem lại lợi ích cao nhất cho những người tín thí đã dâng cúng tứ sự và giúp cho đời sống của vị tỳ khưu trong Tăng đoàn được dễ dàng, vị tỳ khưu nên chuyên tâm thực hành Tam học [Sikkhā -Tăng thượng Giới học (adhisīla sikkhā), Tăng thượng Tâm học (adhicitta sikkhā) và

Tăng thượng Tuệ học (adhipaññā sikkhā)]. Vị tỳ khưu mong mỏi lợi ích cho chính mình cũng như cho người khác, phải thường xuyên nhiệt tâm chánh niệm.

Cuối thời pháp, sáu mươi vị tỳ khưu nôn ra máu nóng, sáu mươi vị tỳ khưu phạm giới nhẹ thì xin hoàn tục, sáu mươi vị tỳ khưu có phạm hạnh trong sạch thì chứng đắc đạo quả A-la-hán.

(Đây là bài tóm tắt của bài kinh Aggikhandhopama)

Cũng nên suy xét về các đức tánh của Giới theo cách này như vầy: “Người có Giới hoan hỷ trong ý nghĩ: ‘Ta đã thực hiện việc thiện lành bảo vệ người ta tránh khỏi điều tai hại.’ Vị ấy không phải trách mình hoặc bị các bậc trí tuệ chê trách. Với vị ấy, không thể có cực hình hay sự tái sanh vào khổ cảnh. Vị ấy được các bậc trí tuệ khen ngợi rằng: “Người này có Giới và có thiện hạnh. Không giống như người không giới hạnh, vị ấy hoàn toàn thoát khỏi sự ăn năn, hối hận.”

Vì Giới là nguyên nhân chính của chánh niệm, đem lại nhiều lợi ích như ngăn chặn sự mất mát tài sản (bhogavyasana) v.v... và vì Giới đoạn diệt các bất thiện pháp nên nó là nguồn tài sản quý nhất và cũng là nguồn hạnh phúc của chúng sanh.

Dù thuộc giai cấp bần cùng nhưng là người có giới, anh ta vẫn nhận được sự tôn kính và lễ bái từ những người quí tộc, thượng lưu, vua quan, Bà-la-môn, v.v... Như vậy sự thành tựu của Giới vượt trội dòng tộc hoặc địa vị xã hội.

Tài sản của Giới vượt trội tài sản vật chất bên ngoài vì nó không thể bị nguy hiểm bởi năm loại kẻ thù. Giới đi theo người ta sang kiếp sau. Giới có lợi ích to lớn và làm nền tảng cho định và tuệ.

Ngay cả những người được gọi là nhà cai trị trong thế gian cũng không thể kiểm soát tâm của họ. Chỉ những người có Giới mới kiểm soát được tâm của họ (cittissariya). Do đó, Giới cao quý hơn cả quyền bá chủ, v.v... Những người có Giới đạt được đức tánh tự chủ (issariya) trong những kiếp sống của họ.

Giới cao hơn cả chính mạng sống, vì Đức Phật dạy rằng sống một ngày có Giới tốt hơn sống cả trăm năm mà không có Giới, và sống mà không có Giới thì xem như đã chết.

Vì chính kẻ thù cũng kính trọng người có Giới và vì vị ấy không thể bị già, bịnh và các điều rủi ro tai hại lấn lướt, nên Giới vượt lên cả vẻ đẹp sắc thân của vị ấy. Vì Giới là nền tảng cho các trạng thái hạnh phúc của chư thiên hoặc Niết bàn, nên nó cao quí hơn các tòa lâu đài và cung điện hoặc địa vị cao nhất trong thế gian như vua, quan hoặc thái tử.

Giới quí hơn cả quyến thuộc và bạn bè, là những người hằng mong mỏi hạnh phúc đến ta vì nó thực sự đẩy mạnh lợi ích và hạnh phúc của ta, và còn theo sát ta sang kiếp sau.

Giới làm kẻ bảo vệ thân này tránh khỏi bốn loại binh chủng hoặc các thứ độc hại như bùa chú, thuốc độc, v.v....

Khi người ta suy xét rằng: “Giới có đầy đủ vô số đức tánh” thì Giới chưa hoàn hảo của vị ấy sẽ trở nên hoàn hảo hoặc Giới bất tịnh của người ấy sẽ trở nên thanh tịnh.

Nếu trạng thái giận ghét trong dòng tâm của vị ấy đối nghịch với Giới và luôn cứ tăng lên với người có chí nguyện thành Phật, vị ấy nên suy xét như vầy:

“Không phải rằng ngươi đã phát nguyện thành đạt A-la-hán đạo và Nhất thiết trí sao? Nếu Giới của ngươi bị khiếm khuyết thì ngươi không thể hưng thịnh ngay cả những vấn đề trong thế gian, nói chi đến pháp siêu thế gian, Nhất thiết trí mà ngươi đã ước nguyện là thành quả cao nhất. Vì Giới là nền tảng của Nhất thiết trí nên Giới của ngươi phải có phẩm chất rất cao. Do đó, ngươi phải là người quan tâm nhiều đến Giới.”

Hoặc “Ngươi nên thuyết pháp và tế độ chúng sanh bằng ba chiếc xe có những đặc tánh như vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Ngươi cũng nên giúp chúng sanh chưa cụ túc về ngũ căn (tín, tấn, niệm, định và tuệ) được cụ túc. Như sự chữa trị của bác sĩ cho lầm toa, sự chữa trị ấy không đáng tin cậy, cũng vậy lời nói của người không có Giới không được nhiều người tin tưởng. Do đó, khi suy xét để làm người đáng tin cậy, ngõ hầu giúp chúng sanh đạt đến sự cụ túc các quyền của họ, ngươi phải có Giới trong sạch.”

Hơn nữa, “Chỉ khi nào ta có những đức tánh đặc biệt như các pháp chứng về thiền, v.v... khi ấy ta mới có thể giúp đỡ kẻ khác và thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật như Trí tuệ, v.v....Và những đức tánh đặc biệt như các pháp chứng về thiền, v.v... không thể xảy ra nếu không có Giới thanh tịnh. Do đó, ngươi phải là người có Giới thanh tịnh tự nhiên.

Suy xét như vậy, vị Bồ tát nên nhiệt tâm phấn đấu để làm cho Giới của mình được thanh tịnh.

(Đây là cách suy xét chi tiết về Giới Ba-la-mật)

3. Phương pháp suy xét chi tiết về Xuất gia Ba la mật

Vị Bồ tát nên quán xét về những điều bất lợi của đời sống gia đình - trói chặt người ta trong các bổn phận đối với vợ và con, và những lợi ích của đời sống xuất gia, giống như hư không tự do và thênh thang, không bị trói buộc bởi các phận sự như vậy.

Như đã giải thích trong bài kinh Dukkhakkhandha, trong Majjhima Nikāya, ta nên trú trong sự thật rằng các cảnh dục đem lại nhiều ưu phiền và than thở hơn sự thọ hưởng, v.v.... Do thôi thúc của dục, trong khi cố gắng tìm kiếm các cảnh dục, người ta phải trải qua nhiều đau khổ do tiếp xúc với nóng, lạnh, ruồi, muỗi, gió, nắng, các loài bò sát, rận rệp, v.v.... Sự đau đớn và thất vọng khi khổ công vất vả tìm kiếm dục lạc chấm dứt bằng con số không. Sự bồn chồn, lo âu cho sự an toàn của dục lạc trước năm loại kẻ thù sau khi đã có được chúng. Sự đau khổ vô tận do những cuộc chiến tranh kinh khiếp gây ra vì lòng tham đối với các cảnh dục. Ba mươi hai loại cực hình (kamma karana) trong cuộc sống này, dành sẵn cho những người phạm tội do lòng ham muốn dục lạc. Sự đau đớn kinh khủng ở kiếp sau trong bốn khổ cảnh.

(Đây là cách quán chi tiết về Xuất gia Ba-la-mật)

4. Phương pháp suy xét chi tiết về Trí tuệ Ba la mật

“Không có Trí tuệ thì các pháp Ba-la-mật như bố thí, trì giới, v.v... không thể thanh tịnh được; và Tư trong bố thí, Tư trong trì giới, v.v... không thể làm phận sự của chúng được. Bằng cách này, ta nên suy xét về các đức tánh của Trí tuệ.

Không có mạng sống thì guồng máy thân thể này mất đi ý nghĩa của nó và không thể làm đúng phận sự. Không có tâm thức thì các căn như mắt, tai, v.v... không thể làm phận sự thấy, nghe, v.v.... Cũng vậy, tín quyền, tấn quyền, v.v... không thể làm phận sự riêng của chúng một cách khả quan nếu không có Trí tuệ. Do đó, Trí tuệ là nguyên nhân chính yếu cho sự thành tựu các pháp Ba-la-mật như bố thí, v.v...

Cách mà Trí tuệ giúp thành tựu các pháp Ba la mật khác

(a) Bởi vì chư Bồ tát giữ con mắt trí tuệ của các Ngài luôn luôn mở ra, ngay khi cho đi tứ chi và các bộ phận thân thể, các Ngài bố thí mà không khen mình hoặc chê người. (Như đã nói ở trên) giống như cây thuốc lớn, các Ngài bố thí mà không sanh khởi những ý nghĩ sai lạc, và luôn luôn có sự hoan hỷ trong cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai.

Chỉ khi nào có Trí tuệ người ta mới có được phương tiện thiện xảo trí và bố thí vì lợi ích của kẻ khác. Và chỉ hành động bố thí như vậy mới là Ba-la-mật thật sự. (Không có trí tuệ, người ta có thể bố thí với động cơ tự lợi, hành động bố thí vì lợi ích của riêng mình như vậy giống như việc cho vay lấy lãi).

(b) Giới bị tham, sân, v.v... lấn lướt nếu không có Trí tuệ thì không thể đạt được thanh tịnh, đừng nói đến việc làm nền tảng cho Nhất thiết trí.

(c) Chỉ những người có Trí tuệ mới nhìn thấy những phiền toái của đời sống gia đình và những lợi lạc của đời sống Sa-môn, những tội lỗi trong các dục lạc và những lợi lạc trong việc chứng thiền, các tội lỗi trong luân hồi và những lợi lạc của Niết bàn. Thấy như vậy, vị ấy ra đi sống đời không nhà, chứng thiền và tự mình giác ngộ Niết bàn. Rồi vị ấy cũng có thể giúp người khác xuất gia, an trú trong thiền và Niết bàn.

(d) Tinh tấn mà không có trí tuệ là tà tinh tấn; nó không đem lại mục đích mong muốn (không phấn đấu tốt hơn tà tinh tấn). Khi có trí tuệ đi kèm, sự tinh tấn sẽ đi đúng đường dẫn đến mục đích mong muốn.

(e) Chỉ người có trí tuệ mới có thể nhẫn chịu những điều sái quấy do kẻ khác làm. Đối với người không trí tuệ, những hành động xúc phạm của kẻ khác làm cho vị ấy khởi tâm bất thiện như nóng giận, v.v... đối nghịch với nhẫn nại. Đối với người có trí tuệ, những hành động sái quấy như vậy giúp cho vị ấy tu tập pháp nhẫn nại và phát triển pháp ấy ngày càng mạnh hơn.

(f) Chỉ người có trí tuệ mới thấu hiểu ba sự thật đúng với bản chất của chúng: ly vọng ngữ đế (viratī sacca), ngữ đế (vacī sacca) và trí đế (ñāṇa sacca), những nguyên nhân và những pháp đối nghịch của chúng. Sau khi đã tự mình thấu hiểu chúng (bằng cách đoạn trừ điều nên đoạn trừ và tu tập điều nên tu tập), vị ấy có thể giúp kẻ khác đi đúng con đường của chân lý.

(g) Sau khi đã củng cố chính mình bằng sức mạnh của Trí tuệ. Bậc trí tuệ thành tựu được định tâm. Với tâm được tập trung, sự quyết tâm kiên cố thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật có thể xảy ra.

(h) Chỉ người có trí tuệ mới có thể hướng những ý nghĩ từ ái của vị ấy đến ba hạng người mà không phân biệt họ là thân, thù hoặc không thân không thù.

(i) Và chỉ người có trí tuệ mới có thể duy trì trạng thái xả trước những pháp thăng trầm của cuộc sống (dù tốt hoặc xấu) mà không bị ảnh hưởng bởi những pháp ấy.

Bằng cách này, vị ấy nên suy xét về những đức tánh của trí tuệ, biết nó là nguyên nhân cho sự thanh tịnh của các pháp Ba-la-mật.

Hoặc vị Bồ tát tự khuyên mình như vầy: “Không có trí tuệ thì không thể có tri kiến hoàn hảo và thanh tịnh. Không có tri kiến hoàn hảo và thanh tịnh thì không thể có giới hoàn hảo và thanh tịnh. Không có giới hoàn hảo và thanh tịnh thì không có định hoàn hảo và thanh tịnh. Không có định thì người ta không thể quyết định làm điều lợi ích cho mình, nói chi cho kẻ khác. Do đó, trong khi thực hành các pháp Ba-la-mật để đem lại lợi ích và hạnh phúc cho kẻ khác, ngươi phải nỗ lực cố gắng trau dồi trí tuệ.”

Vì do năng lực của trí tuệ mà vị Bồ tát được an trú trong bốn Trụ xứ - Caturadhitthāna: tuệ xứ (paññā), đế xứ (sacca), thí xứ (dāna) và tịch tịnh trụ xứ (upasama) đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh bằng bốn Nhiếp sự (catu saṅgaha vatthu): bố thí (dāna), ái ngữ (peyya vajja), lợi hành (attha cariya) và đồng sự (samānattata), giúp chúng sanh an trú trên con đường giải thoát và khiến ngũ quyền: tín, tấn, niệm, định và tuệ của họ được trưởng thành.

Cũng vậy, do năng lực của trí tuệ mà vị ấy chuyên tâm vào việc suy xét các thực tại cùng tột như uẩn (khandha), xứ (āyatana) v.v... và nhờ vậy hiểu đúng các tiến trình của luân hồi và sự chấm dứt của nó. Bồ tát gắng sức đưa những việc phước của mình như Bố thí Ba-la-mật v.v... đến mức độ lợi ích nhất và thọ hưởng những lợi lạc của Đạo và Quả. Như vậy, Bồ tát hành đạo để hoàn thành và viên mãn con đường tu tập của chư vị Bồ tát.

Nhờ thấy rõ nhiều đức tánh của trí tuệ theo cách này, vị ấy nên thường xuyên tu tập Trí tuệ Ba-la-mật.

(Đây là cách suy xét chi tiết về Trí tuệ Ba-la-mật)

5. Phương pháp suy xét chi tiết về Tinh tấn Ba la mật

Ngay cả việc theo đuổi những vấn đề trong thế gian mà kết quả của chúng có thể thấy trước, người ta cũng không thể đạt được mục đích mong muốn nếu không có sự tinh tấn cần thiết. Nhưng với người có sự tinh tấn không mệt mỏi thì không có điều gì mà anh ta không thể đạt được. Ta nên suy xét như vầy: “Người thiếu tinh tấn không thể bắt đầu công việc cứu độ chúng sanh ra khỏi cơn lốc của luân hồi. Người có tinh tấn trung bình sẽ làm công việc ấy nhưng nửa chừng thì bỏ dở, không thể đi đến đích. Chỉ người có tinh tấn thắng ưu, quan tâm đến sự hoàn thành nhiệm vụ, không quan tâm đến lợi ích của riêng mình, sẽ giác ngộ mục đích tối thượng là Nhất thiết trí.

Lại nữa, nếu không có tinh tấn đầy đủ thì ngay cả những người có chí nguyện thành đạt quả vị Thanh văn giác hoặc Phật Độc giác, muốn giải thoát chính mình ra khỏi luân hồi cũng không thể đạt được mục đích giác ngộ như mong muốn. Làm thế nào một người có chí nguyện thành bậc Chánh đẳng giác có thể tế độ toàn thể thế gian cùng với chư thiên và Phạm thiên nếu không có sự tinh tấn đầy đủ?

Một đội binh phiền não như tham, sân, v.v... khó điều phục như những con voi đang trong thời kỳ động dục. Các nghiệp (kamma) sanh lên từ những phiền não này, giống như những đao phủ cầm những thanh gươm sẵn sàng giết chết tội nhân. Bốn cõi khổ do những nghiệp này gây ra luôn luôn mở rộng những cánh cửa của chúng. Những bạn ác luôn ở quanh ta để xui khiến ta phạm vào những nghiệp này và đưa ta đến bốn cõi khổ. Bản tánh của kẻ phàm phu thiếu trí là dễ nghe theo những lời khuyên xấu của ác hữu. Do đó, ta nên giữ mình tránh xa những bạn ác, những kẻ ngụy biện cho những hành động sai lầm rằng ‘Nếu sự giải thoát khỏi luân hồi là có thật, thì tự nhiên người ta sẽ đạt được nó mà không cần cố gắng’. Chỉ do năng lực của tinh tấn, người ta mới có thể đoạn trừ những quan điểm sai lầm như vậy.

Hoặc “Nếu Phật quả có thể đạt được qua sự cố gắng của tự thân, thì khó khăn nào dành cho người có sự tinh tấn như ta.”

(Đây là cách suy xét chi tiết về Tinh tấn Ba-la-mật)

6. Phương pháp suy xét chi tiết về Nhẫn nại Ba-la-mật

“Nhẫn nại loại trừ sân hận là pháp đối nghịch với tất cả các thiện pháp và nó cũng là khí giới bất bại của các thiện nhân trong việc tu tập các thiện pháp. Nhẫn nại cũng là vật trang sức của chư Bồ tát, những bậc có thể điều ngự kẻ khác, là sức mạnh của các bậc Sa-môn và Bà- la-môn, là dòng nước mát dập tắt ngọn lửa sân hận, là lá bùa hộ mạng làm vô hiệu hóa những lời thô thiển hung dữ của những kẻ ác, là thiên hướng tự nhiên của những bậc đã an trú trong pháp thu thúc và của những bậc có trí tuệ tối cao.”

“Nhẫn nại là căn quyền sâu như đại dương, là bờ biển ngăn chặn mọi cơn sóng của đại dương, là cánh cửa chặn lại con đường đi xuống khổ cảnh, là chiếc thang để bước lên các cõi chư thiên và Phạm thiên, là thánh địa nơi mà các thiện pháp ngự trị, là sự thanh tịnh cao nhất của thân ngữ và ý.” Vì thế chúng ta nên suy xét về các đức tánh của nhẫn nại.

Lại nữa, pháp nhẫn nại nên được tu tập một cách thường xuyên, bằng cách quán xét: “Vì không trú trong pháp nhẫn nại là pháp đem lại an tịnh, những chúng sanh gieo tạo các ác nghiệp, kết quả là họ phải chịu khổ trong kiếp này cũng như trong kiếp sau.”

“Dù sự thật rằng ta đau khổ do sự sai lầm của người khác, thân này của ta ví như cánh đồng, hành động gieo trồng những hạt giống khổ đau không ai khác ngoài bản thân ta.”

“Sự nhẫn nại này là phương tiện để trả món nợ khổ đau”.

“Nếu không có người làm ác thì làm sao ta có thể thực hành viên mãn pháp Nhẫn nại Ba-la-mật?”

“Dù bây giờ người này xúc phạm ta, nhưng trong quá khứ người này đã từng mang lại lợi lạc cho ta.”

“Hành động sái quấy của kẻ khác là nhân để ta thực hành pháp nhẫn nại và vì vậy nó chứng tỏ có lợi ích đối với ta”.

“Tất cả những chúng sanh này đều như con ruột của ta, làm sao một người có trí tuệ như ta lại có thể tức giận về những hành động sái quấy của con ruột mình?”

“Người ấy ngược đãi ta tựa như tâm của họ bị con quỷ nhập vào; ta nên giải cứu cho họ.”

“Ta cũng là nguyên nhân của hành động sai trái. Chính hành động sai trái này làm sanh khởi đau khổ (vì nếu ta không hiện hữu thì không thể có hành động sai trái).”

“Chính danh sắc (nāma-rūpa) làm điều sai trái và cũng chính danh sắc khác tiếp thọ hành động sai trái. Nhưng giờ đây hai khối danh sắc đã diệt rồi. Vậy ta nên giận ai đây? Không nên khởi lên sân hận.”

Và “Nếu hiểu đúng ý nghĩa cùng tột của tất cả các pháp là vô ngã thì không có người sai và không ai thực hiện sai lầm.” Vị Bồ tát tu tập pháp nhẫn nại bằng sự suy xét như trên.

Nếu sân hận sanh khởi do những điều sai trái của kẻ khác và cứ tiếp tục chế ngự tâm do sức mạnh của thói quen trong một thời gian dài, vị Bồ tát suy xét như vầy:

“Nhẫn nại là pháp hỗ trợ các pháp hành chống lại những sai trái của kẻ khác.”

“Những điều sai trái do kẻ khác đem lại đau khổ cho ta, trở thành nhân tố sanh khởi niềm tin trong ta; vì đau khổ là nguyên nhân để sanh khởi niềm tin và cũng là nhân tố của khổ tưởng và bất toại nguyện (anabhirati-saññā) với thế gian.”

“Bản chất của các căn như mắt v.v.. là phải tiếp xúc với các cảnh, xấu hoặc tốt. Không thể nào mong muốn đừng tiếp xúc với cảnh trái ý nghịch lòng.”

“Chạy theo sự sai khiến của sân hận, người ta bị thiêu đốt trong những cơn nóng giận. Có lợi ích gì mà bắt chước theo những hành động sai lầm như vậy?

“Bậc Giác ngộ thương chúng sanh như con ruột của Ngài. Do đó, là người có chí nguyện cầu Giác ngộ, ta không nên tức giận hoặc tuyệt vọng vì họ.”

“Nếu người hành động sai lầm đối với ta là người có những đức tánh cao quý như giới, thì ta nên suy xét như vầy: “Ta không nên nổi nóng với một người có giới đức như vậy.”

“Nếu người hành động sai lầm đối với ta là người không có những đức tánh cao quý như giới, thì ta nên suy xét như vầy: “ Đây là người mà ta nên xem xét với lòng bi mẫn”

“Nóng giận làm giảm thiểu thanh danh và các đức tánh của ta.” “Nóng giận với người khác sẽ làm cho khuôn mặt của ta trở nên xấu xí, khiến ta khó ngủ, v.v... làm kẻ thù vui mừng, đắc chí.”

“Kết quả của nóng giận là mất tài sản, mất bạn bè, người cấp dưới sẽ rời xa mình và sẽ cuối cùng bị tái sanh vào khổ cảnh. (Sattaka Nipāta, Aṅguttara Nikāya – Kinh Tăng chi)

“Sự nóng giận này là kẻ thù hùng mạnh, đem lại mọi điều tai hại và tiêu diệt tất cả sự thịnh vượng.”

“Khi một người có pháp nhẫn nại, người ấy sẽ không có kẻ thù.” “Khi nghĩ rằng nhờ nhẫn nại, ta sẽ không gặp phải khổ đau (khổ đau xảy đến với người làm ác). Dùng sân hận để trả thù người kia tức là ta đang đi theo bước chân của kẻ thù.”

“Nếu ta chinh phục được sân hận bằng pháp nhẫn nại thì ta cũng sẽ hoàn toàn chiến thắng kẻ thù - kẻ làm nô lệ cho sân hận.”

“Từ bỏ pháp nhẫn nại cao quý vì sự nóng giận là điều không đúng” “Làm sao ta có được những đức tánh cao quý như giới, v.v... khi sân hận - pháp đối nghịch với tất cả thiện pháp đang sanh khởi trong ta? Và nếu vắng mặt những đức tánh như vậy thì làm sao ta có thể giúp đỡ chúng sanh và đạt thành mục tiêu là Phật quả?”

“Chỉ bằng nhẫn nại, người ta mới có thể giữ tâm không bị cuốn hút bởi ngoại cảnh và tâm được tập trung. Và nhờ tâm được tập trung, người ta mới có thể thấy rõ tất cả pháp hữu vi là vô thường và bất toại nguyện, tất cả các pháp là vô ngã; Niết bàn là pháp vô vi, bất tử, v.v... Và những ân đức của một vị Phật có những năng lực vô song, bất khả tri.”

Do khả năng như vậy, hành giả an trú trong Tuệ quán (anuloma khanti), nhận ra rằng “Tất cả các pháp là hiện tượng tự nhiên, chẳng có gì liên quan đến ngã. Chúng sanh và diệt theo đúng các duyên riêng biệt của chúng. Chúng chẳng từ đâu đến và chẳng đi về đâu. Chúng không thường tồn như một thực thể. Không có chủ nhân trong nhóm pháp tự nhiên này (vì không có gì gọi là nhân vật riêng biệt ở chỗ đầu tiên cả). Khi giác ngộ các pháp đúng như thật, người ta có thể biết rõ rằng chúng không phải là chỗ trú của ‘cái Ta’. Bằng sự suy xét như vậy, chư Bồ tát vững vàng trong cứu cánh của các Ngài, chắc chắn sẽ thành bậc Chánh đẳng giác.

(Đây là sự suy xét chi tiết về Nhẫn nại Ba-la-mật).

7. Phương pháp suy xét chi tiết về Chân thật Ba-la -mật

Chân thật Ba-la-mật nên suy xét theo cách như vầy:

“Nếu không có chân thật thì các đức tánh như giới, v.v... không thể xảy ra và không thể có sự thực hành ước nguyện chứng đắc Phật quả.”

“Khi chân thật bị phá hủy thì tất cả ác pháp đều có thể sanh khởi.” “Người không nói lời chân thật thường xuyên thì được xem là không đáng tin cậy trong chính kiếp sống này. Trong những kiếp tương lai cũng vậy, lời nói của người ấy sẽ không được mọi người chấp nhận.”

“Chỉ bằng pháp chân thật, người ta mới có thể tu tập các thiện pháp như giới, v.v…”

“Chỉ qua pháp chân thật làm nền tảng, người ta mới có thể làm thanh tịnh và thực hành viên mãn các đức tánh cao quý như các pháp Ba-la-mật (pāramī) , xả ly (cāga), tánh hạnh (cariya) - Nhờ chân thật đối với các pháp, người ta có thể thực hành các phận sự về pāramī, cāga, cariya và được an trú trong pháp hành của chư vị Bồ tát

(Đây là cách suy xét chi tiết về Chân thật Ba-la-mật)

8. Phương pháp suy xét chi tiết về Chí nguyện Ba- la- mật

Nếu không có chí nguyện cương quyết thực hành các điều thiện như Bố thí Ba-la-mật, v.v... thì khi gặp phải các pháp đối nghịch của chúng như bỏn xẻn (macchariya), ác giới (dussīlya), v.v... người ta không thể vững tâm để thực hiện những việc thiện như vậy; và nếu không có sự vững tâm, thì người ta không thể thực hành chúng một cách khéo léo và dũng cảm. Và nếu không có sự thiện xảo và dũng cảm thì những pháp Ba-la-mật như bố thí, v.v... là những pháp cần thiết để chứng đắc Nhất thiết trí, không thể thành tựu được.

“Chỉ khi nào chí nguyện trong việc thực hành các điều thiện như Bố thí Ba-la-mật, v.v... được vững vàng, khi ấy người ta mới có thể vững tâm mà đối mặt với các pháp đối nghịch của chúng như bỏn xẻn, ác giới, v.v.... Chỉ khi nào có sự vững tâm kiên định như vậy, người ta mới có được sự thiện xảo và dũng cảm trong việc thực hành các điều thiện như vậy. Chỉ khi ấy Bố thí Ba-la-mật, v.v... hình thành những pháp cần thiết cho sự chứng đắc Nhất thiết trí, mới có thể được thành tựu.” Bằng cách này thì Chí nguyện Ba la mật được suy xét đến.

(Đây là cách suy xét chi tiết về Chí nguyện Ba-la-mật.)

9. Phương pháp suy xét chi tiết Tâm từ Ba-la-mật

“Người chỉ quan tâm đến lợi ích và hạnh phúc của riêng mình (người ích kỷ) không thể được hưng thịnh trong kiếp này hoặc kiếp sau nếu không trau dồi tâm từ mong mỏi hạnh phúc cho kẻ khác. Vị Bồ tát luôn mong ước an trú chúng sanh trong hạnh phúc của Niết bàn thì càng phải phát triển tâm từ nhiều hơn. Chỉ bằng cách nuôi dưỡng tâm từ bi vô lượng đối với tất cả chúng sanh, Bồ tát mới có thể an trú họ trong Niết bàn.”

“Với tâm mong muốn tế độ tất cả chúng sanh đạt được hạnh phúc siêu trần của Niết bàn khi ta thành Phật, thì ngay bây giờ ta nên khởi tâm mong mỏi họ được tăng tiến hưng thịnh trong thế gian.”

“Nếu bây giờ ta không khởi tâm mong mỏi hạnh phúc cho tất cả chúng sanh, thì biết khi nào ta mới thực hành viên mãn những hành động về lời nói và hành vi để đem lại hạnh phúc cho họ?”

“Những chúng sanh mà ngay bây giờ được ta nuôi dưỡng bằng pháp từ bi, tương lai sẽ trở thành người thừa kế Giáo pháp của ta.”

“Nếu không có chúng sanh thì lấy gì để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Do đó, chúng sanh hình thành những điều kiện bổ túc cho sự thành tựu tất cả những ân đức của một vị Phật. Chúng sanh là mảnh ruộng mầu mỡ để gieo tạo những hạt giống phước, là lãnh địa tốt nhất để thực hiện việc phước, là trú xứ độc nhất đáng được tôn kính.”

Bằng cách này, hành giả nên trau dồi thiện ý đối với tất cả chúng sanh.

Cũng nên suy xét những đức tánh của bác ái theo cách này:

“Đại bi là pháp hành căn bản đầu tiên nhất trong tất cả những pháp hành dẫn đến đạo quả Phật. Đối với vị Bồ tát hoan hỷ trong việc đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh mà không phân biệt thân, thù hoặc không thân không thù (mettā), thì lòng mong mỏi đoạn trừ đau khổ và bất hạnh của chúng sanh (karunā) sẽ trở nên mạnh mẽ và vững vàng. Như vậy tâm từ ái làm nền tảng cho đại bi nên được phát triển đến tất cả chúng sanh.

(Đây là cách suy xét chi tiết về Từ ái Ba-la-mật .)

10. Phương pháp suy xét về chi tiết Xả Ba-la-mật

“Nếu không có tâm xả thì những lời chửi mắng và những hành động xúc phạm của kẻ khác sẽ làm cho tâm ta phiền não. Tâm bị phiền não thì không thể thực hiện các việc phước như bố thí, v.v... là những pháp cần thiết để chứng đắc Phật quả.”

“Khi tâm bác ái được rải đến chúng sanh mà không có tâm xả đi kèm thì các pháp Ba-la-mật không thể thanh tịnh được.”

“Vị Bồ tát không phân biệt vật thí cũng không phân biệt người thọ lãnh. Điều này không thể xảy ra nếu không có tâm xả.”

“Nếu tự thân không có pháp xả, và không xem xét đến những nguy cơ xảy đến trong cuộc sống và đời sống phụ thuộc thì người ta không thể hướng đến việc làm cho giới được thanh tịnh.

“Vượt lên trên những kẻ không thích làm điều thiện và thích đắm chìm trong các khoái lạc, chỉ những người có pháp xả mới đạt được sức mạnh của sự từ bỏ.”

“Tất cả những phận sự của các pháp cần thiết về ba-la-mật được thành tựu chỉ bằng cách xem xét chúng một cách đúng đắn bằng trí xả (ñāṇupekkhā).”

“Khi vắng mặt pháp xả thì sự tinh tấn quá mức sẽ làm cho pháp thiền không có kết quả.”

“ Chỉ có pháp xả, chúng sanh mới có sự kham nhẫn.” “Chỉ do pháp xả, chúng sanh mới có sự chân thật.”

“Nhờ giữ tâm bình thản trước các pháp thăng trầm của đời sống, chí nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật của hành giả mới trở nên vững vàng, không dao động.”

“Chỉ bằng pháp xả, người ta mới có thể bình thản trước những điều sai trái do kẻ khác đem đến; chỉ có sự bình thản như vậy mới đẩy mạnh việc an trú trong bác ái.”

Tu tập các pháp Ba-la-mật theo cách này, trú vững chắc trong chí nguyện, thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật - Tất cả những điều này chỉ có thể xảy ra nhờ pháp xả.

( Đây là cách suy xét chi tiết về Xả Ba-la-mật)

Những cách quán sát (paccavekkhanā-ñāṇa) về những điều bất lợi do không tạo những việc phước như bố thí, v.v... và về những lợi ích phát sanh từ những việc phước như vậy đã hình thành nền tảng cho các pháp Ba-la-mật.

F. Mười lăm Hạnh (Carana) và năm Thắng trí (Abhiññā) cùng với những chi pháp của chúng

Cũng như Quán sát trí, mười lăm loại Hạnh và năm Thắng trí cùng với những chi pháp của chúng hình thành nền tảng của các pháp pāramī.

Mười lăm Hạnh (carana) là:

(1) Sīla saṁvara - Giới thu thúc

(2) Indriyesu guttadvarata - Sự đóng kỹ các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) bằng chánh niệm để bọn cướp dưới dạng những hành động ác không thể đột nhập vào tâm.

(3) Bhojanamattaññuta - Tiết độ trong thọ thực

(4) Jagariyānuyoga - Trong sáu phần thời gian của ngày và đêm: sáng, trưa, chiều, canh một, canh hai và canh cuối của đêm, chỉ ngủ trong canh hai, còn năm canh còn lại thì hành thiền với hai oai nghi là ngồi và đi kinh hành.

(5-11) Bảy đức tánh: tín, tấn, niệm, tuệ, văn, tàm và quý.

(12-15) Bốn thiền (sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền).

Trong mười lăm carana, các thành phần của bốn hạnh đầu tiên là mười ba pháp đầu đà (dhutaṅga) và những đức tánh như tri túc, thiểu dục, v.v....

Trong bảy đức tánh:

a) Các yếu tố hình thành đức tin là:

(i) Buddhānussati - Niệm Phật.

(ii) Dhammānussati - Niệm Pháp.

(iii) Saṅghānussati - Niệm Tăng.

(iv) Sīlānussati - Niệm giới.

(v) Cāgānussati - Niệm xả ly.

(vi) Devatānussati - Niệm chư thiên.

(vii) Upasamānussati - Niệm tịch tịnh.

(viii) Lukhapuggala parivajjana - Không thân cận với người thô lỗ, người không có đức tin.

(ix) Siniddha-puggala - Thân cận với những người hòa nhã, có đức tin.

(x) Pasādanīya dhamma paccavekkhanā - Quán các pháp làm khởi dậy niềm tịnh tín.

(xi) Tadadhimuttatā - Có khuynh hướng khởi dậy niềm tin trong mọi oai nghi.

b) Các yếu tố hình thành chánh niệm:

(i) Chánh niệm và giác tỉnh trong bảy tư thế như đi tới, đi lui, v.v....

(ii) Không thân cận với những người chểnh mảng, thiếu thận trọng.

(iii) Thân cận với những người có chánh niệm.

(iv) Có khuynh hướng khởi lên chánh niệm trong mọi oai nghi.

c-d) Các thành tố của tàm và quý:

(i) Quán về khổ nạn do ác nghiệp gây nên.

(ii) Quán về những thân phận khốn khổ trong bốn khổ cảnh.

(iii) Quán về đặc tánh nâng đỡ của phước.

(iv) Không thân cận với những người không có tàm quý.

(v) Thân cận với những người có tàm quý.

(vi) Có khuynh hướng tu tập về tàm và quý.

e) Các yếu tố tạo nên sự đa văn là:

(i) Kiếp trước thường cố gắng học hỏi.

(ii) Thường hay tìm tòi học hỏi.

(iii) Thân cận với người thực hành thiện pháp.

(iv) Tầm cầu kiến thức chánh đáng.

(v) Có sự chín chắn về các quyền như tín quyền, v.v....

(vi) Tránh xa phiền não.

(vii) Không thân cận với những kẻ ngu dốt.

(viii) Thân cận với những bậc đa văn; và

(ix) Có khuynh hướng mở rộng kiến thức trong tất cả mọi oai nghi.

f) Các yếu tố làm khởi sanh tinh tấn:

(i) Quán về những khổ nạn trong bốn khổ cảnh.

(ii) Quán về những lợi ích của sự nỗ lực tinh tấn.

(iii) Quán về tánh chất khả ái của con đường mà các bậc giới đức như Đức Phật, v.v... đã đi qua.

(iv) Tôn kính vật thí bằng cách siêng năng thực hành chánh pháp.

(v) Quán về di sản cao quý của chánh pháp .

(vi) Quán Đức Phật là bậc Tối thượng sư.

(vii) Quán rằng ta là người thuộc dòng dõi của Đức Phật.

(viii) Quán những đức tánh cao quý trong Pháp bảo.

(ix) Không thân cận những kẻ lười biếng.

(x) Thân cận những bậc chuyên cần, tinh tấn và

(xi) Có khuynh hướng phát triển tinh tấn trong mọi oai nghi.

g) Các thành tố của trí tuệ:

(i) Suy đi xét lại về các uẩn (khandha), các xứ (āyatana), các giới (dhatu), v.v... của chính mình;

(ii) Giữ trong sạch các vật trong thân và ngoài thân;

(iii) Giữ quân bình giữa tín và tuệ, giữa tấn và định đúng như câu nói:

“Đức tin thái quá dẫn đến ngoan đạo thái quá. Trí tuệ thái quá dẫn đến xảo biện.

Tinh tấn thái quá dẫn đến phóng dật. Định thái quá dẫn đến hôn muội.

Không bao giờ có niệm thái quá.”

(iv) Không thân cận với những kẻ ngu si;

(v) Thân cận với các bậc trí tuệ;

(vi) Quán về tánh đa dạng của trí tuệ thâm sâu liên quan đến các pháp vi diệu như uẩn, v.v... và

(vii) Có khuynh hướng phát triển trí tuệ trong mọi oai nghi.

h) Các yếu tố để thành tựu bốn tầng thiền:

(i) Bốn hạnh đầu tiên bắt đầu bằng sự trì giới.

(ii) Phần đầu của thiền chỉ và

(iii) Năm pháp tự tại (vasibhava)

Qua các hạnh (carana) và các thắng trí (abhiññā), người ta có thể đạt được sự nỗ lực thanh tịnh (payoga-suddhi) và thiên hướng thanh tịnh (āsaya-suddhi). Qua sự nỗ lực thanh tịnh, người ta có thể thực hiện vô úy thí (abhaya-dāna) đến chúng sanh. Qua thiên hướng thanh tịnh, người ta có thể thực hiện tài thí (āmisa dāna), và qua sự thanh tịnh của cả hai, Pháp thí (dhamma-dāna) có thể xảy ra.

Bằng cách này, người ta có thể hiểu cách mà các Hạnh và các Thắng trí hình thành những pháp cần thiết để thành tựu các pháp pāramī.


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]