THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]


9. Những yếu tố nào đối nghịch với các pháp Pāramī?

Đối với câu hỏi: “Những yếu tố nào đối nghịch với các pháp Ba-la- mật?” Câu trả lời là: “Xét chung thì tất cả những yếu tố gây ô nhiễm và tất cả những pháp bất thiện là những pháp đối nghịch với các pháp Ba-la-mật.”

Xét chi tiết thì ái đối với vật thí và tánh keo kiệt là pháp đối nghịch với Bố thí Ba-la-mật. Những hành động bất thiện về thân, ngữ và ý là pháp đối nghịch với Trì giới Ba-la-mật. Tâm vui thích trong các cảnh dục, các phiền não dục và các sanh hữu là pháp đối nghịch với Xuất gia Ba-la-mật. Si mê quá độ là pháp đối nghịch với Trí tuệ Ba-la-mật. Tám trường hợp lười biếng đã được kể ra ở trước là những pháp đối nghịch với Tinh tấn Ba-la-mật. Tâm cố chấp do tham muốn các cảnh vừa lòng hoặc giận ghét các cảnh trái ý là pháp đối nghịch với Nhẫn nại Ba-la-mật. Không nói lời chân thật là pháp đối nghịch với Chân thật Ba-la-mật. Không có khả năng thắng phục các pháp đối nghịch với các pháp Ba-la-mật (không thực hành chúng một cách thành công) là pháp đối nghịch với Chí nguyện Ba-la-mật. Chín hình thức làm sanh khởi hận thù là pháp đối nghịch với Bác ái Ba-la-mật. Không có cái nhìn bình thản trước các cảnh vừa lòng và Phật ý là pháp đối nghịch với Xả Ba-la-mật.

Chi tiết hơn:

(i) Luyến ái các vật thực cho đi (lobha - tham), không có thiện cảm với những người thọ nhận (dosa - sân) và không hiểu biết về bố thí và những quả phước của nó (moha - si mê) là những pháp đối nghịch với pháp Bố thí. Chỉ khi nào vắng mặt những trạng thái tham, sân và si như vậy thì sự bố thí mới được thành tựu mỹ mãn.

(ii) Thập ác nghiệp là những pháp đối nghịch với Giới Ba-la-mật vì sự thọ trì giới được thành tựu chỉ khi nào người ta thoát khỏi những điều ác về thân, ngữ và ý.

(iii) Sự xuất gia là hành động cao quý, từ bỏ: các dục lạc, ngược đãi kẻ khác và tự làm khổ mình. Đắm chìm trong dục lạc (lobha), ngược đãi kẻ khác (dosa) và làm khổ mình (moha) là những pháp đối nghịch với Xuất gia Ba-la-mật.

(iv) Trí tuệ đem lại ánh sáng cho những chúng sanh bị mù quáng bởi tham ái, sân hận và si mê. Do đó, ba yếu tố bất thiện này đối nghịch với Trí tuệ Ba-la-mật.

(v) Qua tham ái, người ta lưỡng lự trước các việc phước. Qua sân hận người ta không thể an trú trong các phước thiện và qua si mê, người ta không thể phấn đấu trong con đường chánh. Nhờ tinh tấn mà người ta làm các việc phước không chùn bước, an trú trong chúng và tiến bộ theo phương hướng đúng đắn. Do đó, ba yếu tố bất thiện này đối nghịch với Tinh tấn Ba-la-mật.

(vi) Chỉ do nhẫn nại, người ta khiến tham ái vắng mặt đối với những cảnh vừa lòng và khiến sân hận bị loại trừ đối với những cảnh trái ý. Nhờ vậy, người ta có thể nhận biết tánh vô ngã và trống rỗng của các hiện tượng tự nhiên. Như vậy tham, sân và si không thể nhận biết bản chất không của các hiện tượng pháp, nên chúng là những pháp đối nghịch với Nhẫn nại Ba-la-mật.

(vii) Không có chân thật, người ta có thể thiên vị do luyến ái đối với những người tốt với mình, hoặc giận ghét vì họ đã làm hại mình. Trong những hoàn cảnh như vậy, chân thật không thể hiện hữu một cách mạnh mẽ. Chỉ bằng pháp chân thật, người ta mới có thể thoát khỏi sự thiên vị do tham, sân hoặc si, là những pháp ngăn chặn sự hiện khởi của pháp Chân thật. Như vậy ba yếu tố bất thiện này là những pháp đối nghịch với pháp Chân thật.

(viii) Bằng chí nguyện, người ta có thể vượt qua những pháp thăng trầm của cuộc sống và giữ tâm kiên cố trong việc thực hành pháp Ba-la-mật. Do đó, tham, sân và si mê - là những pháp lụy đắm theo những thăng trầm của cuộc sống, là những pháp đối nghịch với Chí nguyện Ba-la-mật.

(ix) Sự phát triển tâm từ có thể loại trừ những chướng ngại của con đường tiến bộ tâm linh. Do đó, ba yếu tố bất thiện này, tạo nên những chướng ngại, là những pháp đối nghịch với Bác ái Ba- la-mật.

(x) Không có xả thì tham đối với những cảnh khả ái, và sân hận đối với những cảnh trái ý mà không thể loại trừ, ngăn chặn. Người ta cũng không thể nhìn đối cảnh với tâm bình thản. Chỉ khi có pháp Xả người ta mới nhìn đối cảnh với tâm bình thản được. Do đó, ba yếu tố bất thiện này là những pháp đối nghịch với Xả Ba-la-mật.


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]