THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 1.B
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 1B] [Tiếp theo]


10. Các pháp Pāramī được thực hành như thế nào?

Đối với câu hỏi: “Các pháp Ba-la-mật được thực hành như thế nào? Các vị Bồ tát thực hành các pháp Ba-la-mật như thế nào?” Câu trả lời là:

1. Xét về Dāna Pāramī

Chư Bồ tát thực hành Bố thí Ba-la-mật bằng nhiều cách như đem lại lợi ích cho chúng sanh, chăm lo phúc lợi cho họ, từ bỏ tứ chi và mạng sống, hóa giải những điều tai họa sẽ xảy đến với họ, dạy pháp cho họ, v.v....

Câu trả lời chi tiết là: Bố thí có ba loại: (a) āmisa-dāna - tài thí, (b) abhaya-dāna - vô úy thí, và (c) dhamma-dāna - pháp thí.

(a) Āmisa-dāna - Tài thí

Āmisa-dāna - Tài thí là sự bố thí vật chất, chia làm hai loại: (a) vật trong thân, (b) vật ngoài thân.

Theo Kinh, vật thí ngoài thân gồm có mười loại: thức ăn, nước uống, y phục, xe thuyền, hoa, dầu, giường chiếu, chỗ ngụ và đồ thắp sáng. Vật thí này trở nên nhiều loại chi tiết hơn khi mỗi thứ được chia ra thành nhiều loại như vật thực loại cứng, vật thực loại mềm, v.v....

Theo Abhidhamma, vật thí có 6 loại theo sáu cảnh trần, đó là vật thí về những cái thấy được, vật thí về âm thanh, v.v... Sáu loại vật thí này trở thành nhiều loại chi tiết hơn, ví dụ, những vật thấy được có thể là vật màu xanh, màu vàng, màu đỏ, v.v....

Tương tự có những vật vô tri như vàng, bạc, ngọc, ngọc trai, san hô, v.v... hoặc ruộng vườn, công viên, v.v... và cũng có những vật hữu tình như tôi trai, tớ gái, gia súc, v.v... Như vậy có rất nhiều loại vật thí ngoài thân.

Sự bố thí vật ngoài thân được thực hiện như thế nào?

Khi vị Bồ tát bố thí vật ngoài thân, Ngài cho bất cứ thứ gì mà người xin cần đến. Nếu Ngài biết nhu cầu của họ thì không cần người kia hỏi xin, Ngài cũng cho đúng món hàng ấy và còn nhiều hơn thế nếu được hỏi xin. Ngài cho đi các vật thí một cách hào phóng mà không cần bất cứ điều kiện nào.

Khi có đủ các loại vật thí, Ngài trao chúng đến người xin một cách đầy đủ, dồi dào. Khi không có đủ, Ngài chia (thành những phần bằng nhau), vật gì có thể phân chia rồi đem phân phát.

Có một điểm đặc biệt cần lưu ý, Ngài không cho những thứ gây tổn hại đến kẻ khác như khí giới, chất độc và các loại chất say. Ngài cũng không cho những thứ để vui chơi không đem lại lợi ích, chỉ đem lại sự dễ duôi, sự ham thích vui đùa.

Đối với người bịnh, Ngài không cho đồ ăn hoặc thức uống không thích hợp, Ngài chỉ cho cái gì thích hợp và đúng số lượng.

Cũng vậy, khi được hỏi xin, Ngài trao cho các gia chủ những thứ thích hợp với họ và đến các vị tỳ khưu những thứ thích hợp với các vị ấy. Ngài cho các vật thí mà không gây phiền phức cho những người thân với Ngài như mẹ, cha, quyến thuộc, bạn bè, vợ con, người hầu.

Sau khi hứa sẽ cho vật thí đắc giá, Ngài không cho vật gì ít giá trị hơn. Ngài bố thí mà không cầu danh lợi, sự tôn kính hoặc quả báu của nó. Ngài cũng không mong được tái sanh vào cõi hạnh phúc, sang giàu và thịnh vượng. Ngài chỉ có một ước nguyện duy nhất là chứng đắc Nhất thiết trí.

Ngài không bố thí với tâm coi thường người thọ thí hoặc vật thí. Ngay cả đối với những người thọ thí bất kính đối với Ngài, Ngài cũng không bố thí với tâm trạng buồn giận. Ngài luôn luôn bố thí với thái độ tôn kính, tâm thanh tịnh và lòng bi mẫn. Sự bố thí của Ngài kết hợp với niềm tin nhân quả.

Ngài bố thí mà không khiến người thọ nhận phải hạ mình hoặc tỏ thái độ tôn kính đến Ngài. Ngài không dùng những lời nói thô lỗ, cũng không tỏ thái độ buồn bực. Ngài bố thí với thái độ thân ái, kèm theo lời nói dịu dàng, khuôn mặt tươi vui và thiên hướng thanh tịnh.

Khi có sự luyến ái quá mức đối với vật nào đó do phẩm chất quí giá của nó hoặc do đã dùng nó trong thời gian dài hay do tánh ưa thích những vật quí giá, tuyệt hảo. Vị Bồ tát nhận biết tâm dính mắc nên nhanh chóng loại trừ nó và tìm kiếm người thọ nhận và cho ngay vật ấy.

Giả sử vị Bồ tát sắp thọ thực mà phần ăn chỉ đủ cho một người và có người đến trước mặt ấy xin vật thực. Trong hoàn cảnh như vậy, Ngàì sẽ cho ngay người xin phần ăn của mình một cách đầy tôn kính.

Khi ai hỏi xin vợ con, người hầu, v.v... trước hết Bồ tát giải thích cho họ hiểu hành động bố thí của mình; chỉ khi nào họ đã thông suốt và vui vẻ, Ngài mới cho họ đến người xin. Nhưng Ngài không thực hiện sự bố thí như vậy đến loài phi nhân như dạ xoa, v.v....

Cũng vậy, vị Bồ tát sẽ không cho vương quốc của mình đến những người sẽ làm hại hoặc làm khổ dân chúng, những người đi ngược với lợi ích của dân chúng. Ngài chỉ cho đến những người bảo vệ họ bằng sự cai trị đúng đắn.

Đây là cách thực hành bố thí những vật ngoài thân của vị Bồ tát. Sự bố thí những vật trong thân được thực hiện như thế nào? Vị Bồ tát bố thí vật trong thân theo hai cách:

(i) Cũng như một người, vì muốn có đồ ăn và y phục mà bán thân làm nô lệ cho kẻ khác. Tuy nhiên, vị Bồ tát xả thân phục vụ mọi người không mong cầu dục lạc hoặc thiện thú, chỉ cầu lợi ích và hạnh phúc cao nhất cho chúng sanh và sự viên mãn Bố thí Ba- la-mật ở mức cao nhất ví như sự bố thí toàn thân.

(ii) Ngài không do dự cũng không dao động khi cho đi tứ chi và các bộ phận trong thân thể của Ngài như tay, chân, mắt, v.v... đến bất cứ ai cần đến. Cũng như đối với những vật ngoài thân, Ngài không có sự luyến ái đối với tứ chi và các bộ phận trong thân , Ngài cũng không chút miễn cưỡng khi bố thí chúng ví như sự bố thí tứ chi và các bộ phận trong thân.

Hai mục đích của sự bố thí

Trong việc dứt bỏ tứ chi và các bộ phận hoặc cả thân, Bồ tát có hai mục đích: (i) thỏa mãn ước muốn của người thọ thí và cho họ hưởng bất cứ cái gì mà họ cần, và (ii) đạt sự thiện xảo trong việc thực hành các pháp Ba-la-mật bằng cách bố thí hào phóng mà không chút luyến ái đối với các vật thí. Vị Bồ tát bố thí những vật trong thân với niềm tin “Qua sự bố thí như vậy, chắc chắn ta sẽ chứng đắc Nhất thiết trí.”

Trong những hành động bố thí này, Ngài chỉ cho cái gì thực sự đem lại lợi ích cho người thọ thí. Đặc biệt đối với Ma vương hoặc tùy tùng của Ma vương, những kẻ muốn làm hại Bồ tát, thì Ngài sẽ không cho thân mạng và các bộ phận cơ thể của Ngài. Nhưng đối với tất cả những người khác đến xin chúng thì Ngài cho ngay, vì đó là dịp bố thí hiếm hoi.

(b) Abhaya-dāna - Vô úy thí

Vị Bồ tát bố thí sự không sợ hãi bằng cách bảo vệ chúng sanh và giải cứu cho họ dù phải hy sinh tánh mạng của Ngài. Khi họ gặp phải rủi ro và tai họa gây ra bởi vua quan, đạo tặc, lửa, nước, kẻ thù, thú dữ như sư tử, cọp, rắn, dạ xoa, v.v...

(c) Dhamma-dāna - Pháp thí

Bố thí Pháp có nghĩa là thuyết giảng chân lý một cách rõ ràng, với tâm thanh tịnh không bị ô nhiễm bởi tham, sân, v.v....

Đối với những người cần quả vị Thanh văn giác, Bồ tát thuyết pháp về Tam quy, giới thu thúc lục căn, sự tiết độ trong ăn uống, sự tỉnh giác, bảy thiện pháp, sự thực hành thiền chỉ và thiền quá, bảy bước thanh tịnh, trí tuệ về bốn Đạo (magga-ñāṇa), Tam minh (vijjā), sáu Thắng trí (abhiññā), bốn Tuệ phân tích (patisambhidhā-ñāṇa) và sự Giác ngộ của vị Thanh văn (sāvaka bodhi).

Ngài bố thí pháp bằng cách giảng giải chi tiết nội dung của những để tài kể trên, an trú trong Tam quy, giới, v.v... cho những người chưa được an trú và giúp những người đã an trú rồi làm thanh tịnh những pháp hành của họ.

Cũng vậy, đối với những người có chí nguyện thành đạt quả vị Bích chi Phật (Paccekabuddha) và Toàn giác Phật (Sammāsambuddha), Bồ tát thuyết pháp bằng cách giải thích cho họ hiểu rõ các đặc tánh, các phận sự, v.v... của 10 pháp Ba-la-mật với oai lực của chư vị Bồ tát trong ba cõi - lúc thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật, lúc trở thành Phật và viên mãn các phận sự của một vị Phật, an trú họ trong các pháp hành dẫn đến quả vị Độc giác và Toàn giác, và giúp làm thanh tịnh các pháp hành của những vị đã an trú trong đó.

Phân loại Thập bố thí kinh

Khi vị Bồ tát bố thí vật chất, Ngài cho vật thực với ước muốn: “Do sự bố thí này, mong rằng ta có thể giúp đỡ chúng sanh đạt được sự trường thọ, sắc đẹp, hạnh phúc, sức mạnh, trí tuệ và chứng đắc quả vị cao nhất là đạo quả A-la-hán.”

Tương tự, Ngài cho thức uống để làm vơi dịu cơn khát về phiền não dục của chúng sanh.

Ngài bố thí y để có được nước da màu vàng ròng và vật trang sức là tàm và quí; bố thí xe thuyền để được thành tựu về các loại thần thông và hạnh phúc của Niết bàn; bố thí vật thơm để tạo ra hương thơm của giới vô song; bố thí hoa và các loại dầu thơm để có được tất cả những đức tánh của một vị Phật; bố thí sàng tọa để có được bồ đoàn giác ngộ dưới cội cây bồ đề; bố thí giường ngủ để có được thế nằm của một vị Phật khi Ngài nhập tứ thiền đúng với câu nói: “Nằm nghiêng bên trái là thế nằm của người tham dục, nằm nghiêng bên phải là thế nằm của con sư tử, nằm ngửa là thế nằm của loài ngạ quỷ, nhập vào tứ thiền gọi là thế nằm của một vị Phật; bố thí chỗ ngụ như nhà nghỉ, v.v... để trở thành nơi nương tựa của chúng sanh; và bố thí đèn sáng để có được ngũ nhãn.

Các loại bố thí và mục đích của chúng

Vị Bồ tát bố thí màu sắc (rūpa-dāna) để có được hào quang thường xuyên tỏa rộng quanh vị Phật ra tám mươi hắc tay, ngay cả trong bóng tối của khu rừng rậm hoặc đêm ba mươi với mây đen dày đặc che phủ cả bầu trời. Bố thí âm thanh để có được giọng nói của Phạm thiên; bố thí các vị (nếm) trở thành người thân ái với tất cả chúng sanh; bố thí vật xúc chạm để có được tánh dịu dàng của một vị Phật; bố thí trái cây để chứng đạt Niết bàn, không già không chết; bố thí sự tự do cho những người nô lệ để thoát khỏi sự nô lệ phiền não; bố thí trò tiêu khiển trong sạch để có sự vui thích trong chánh pháp; bố thí con để khiến cho tất cả chúng sanh trở thành những đứa con bậc Thánh (bằng cách cho họ xuất gia trong Tăng chúng); bố thí vợ như hoàng hậu Maddi để trở thành chúa tể của tất cả thế gian, (trong bổn sanh Vessantara, hoàng hậu Maddi là vợ của Bồ tát Vessantara); bố thí mười loại của báu (như vàng, ngọc, san hô, v.v...) để đạt được 32 hảo tướng của bậc đại trượng phu; bố thí đồ trang sức để đạt được 80 tướng phụ của bậc đại trượng phu; bố thí tài sản trong thế gian để có được kho tàng chánh pháp; bố thí vương quốc để trở thành vị pháp vương; bố thí vườn ngoạn cảnh, hồ nước mát và rừng cây để đạt được những pháp cao siêu như các tầng thiền, đạo quả và giải thoát; bố thí chân đến bất cứ ai cần chúng để sau này Ngài có thể tự mình đi đến cội cây Bồ đề với đôi chân mang hảo tướng hình bánh xe; bố thí đôi tay của Ngài vì Ngài muốn mở rộng bàn tay chánh pháp để giúp đỡ chúng sanh vượt qua bốn trận bộc lưu (dục, hữu, tà kiến và vô minh); bố thí tai, mũi, v.v... để có được phổ nhãn của vị Phật (Samanta cakkhu) tức là Nhất thiết trí; bố thí thịt và máu với tâm mong ước rằng: “Mong rằng tấm thân của ta sẽ đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh trong tất cả mọi thời, ngay cả khi ta đang nhìn, đang nghe, đang hồi tưởng hoặc đang làm công việc cá nhân. Mong rằng nó sẽ là phương tiện để che chở cho toàn thể thế gian”; bố thí đầu, phần cao nhất của thân, để trở thành bậc tối thượng trên thế gian.

Trong những việc bố thí như vậy, vị Bồ tát làm không tầm cầu phương tiện bất chánh; không phải để ngược đãi kẻ khác; không phải vì sợ hãi, hoặc xấu hổ; không phải để gây phiền phức cho người thọ thí. Ngài không bố thí vật xấu và giữ lại vật tốt; Ngài cũng không khen mình và chê người; Ngài cũng không cầu mong thành quả nào khác ngoài Nhất thiết trí; Ngài không bố thí với tâm trạng ghét bỏ, khinh khi. Thực tế thì Ngài bố thí sau khi đã chuẩn bị lễ vật một cách cẩn thận bằng chính đôi tay của Ngài, hợp thời, có sự tôn kính đúng mức đối với người thọ thí, không có sự phân biệt, đầy hoan hỷ trong cả ba thời (trước khi, trong khi và sau khi bố thí).

Do đó, sau khi bố thí, Bồ tát không hề có chút hối tiếc. Ngài không kiêu ngạo hoặc có thái độ khinh khi đối với những người thọ thí mà nói với họ lời thân ái. Khi bố thí Ngài còn cho thêm vật phụ của nó cho đủ bộ.

Ví dụ: Khi Ngài muốn bố thí vật thực, Ngài nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí vật thực này cùng với những thứ phụ thuộc thích hợp khác và cũng bố thí thức uống, y phục, v.v…” và khi Ngài muốn bố thí y phục, Ngài nghĩ rằng: “Ta sẽ thực hiện sự bố thí y phục này với những thứ phụ thuộc thích hợp khác và cũng bố thí vật thực, v.v...” Ngài cho các loại vật thí khác cũng như thế.

Bất cứ khi nào Ngài bố thí hình sắc (rūpa dāna) Ngài cũng bố thí những thứ phụ theo nó như âm thanh (sadda dāna), v.v... Về sự bố thí âm thanh, v.v... cũng như thế.

Theo cách bố thí trong tạng Kinh, vật thí là những thứ dễ nhận biết. Nhưng cách bố thí theo tạng Abhidhamma, đó là những vật thí thuộc về đối tượng của các căn như sắc, thinh, v.v.... Người ta khó có thể biết được cái gì tạo thành sắc thí (rūpa dāna) và bằng cách nào để người ta thực hiện sự bố thí về sắc. Dưới đây là cách thực hiện cách bố thí như vậy.

Sáu loại bố thí theo tạng Abhidhamma

Rūpa dāna - Sắc thí

Trong sáu loại vật thí theo tạng Abhidhamma, sự bố thí sắc nên được hiểu như vầy: Sau khi kiếm được những vật thí như hoa, y phục, những khoáng chất có màu xanh, vàng, đỏ, trắng, v.v... người ta xem chúng chỉ là màu sắc và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí màu sắc. Đây là sự bố thí của ta về màu sắc.” Những vật thí được cho với ý nghĩ như vậy được gọi là sắc thí (rūpa dāna).

Không thể nào xảy ra nếu người ta muốn bố thí riêng một màu nào đó bằng cách tách rời nó ra khỏi vật thí mang màu sắc ấy. Muốn bố thí màu sắc, người ta có thể bố thí hoa, y phục hoặc khoáng chất có màu sắc mà đã chọn với ý nghĩ rằng. Đây là cách bố thí sắc (rūpa dāna).

Sadda dāna - Thinh thí

Bố thí âm thanh như âm thanh của trống, v.v... Khi bố thí như vậy, người ta không thể nào cho âm thanh giống như cho ngó sen và củ sen sau khi nhổ chúng lên hoặc bó hoa sen bằng cách đặt nó trong tay người thọ thí. Người ta bố thí âm thanh bằng cách cho những vật phát ra âm thanh như chuông hoặc trống với ý nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí âm thanh.” Vị ấy làm lễ Tam bảo bằng cách tự mình chơi một trong những nhạc cụ này hoặc bảo người khác làm như thế hoặc nghĩ rằng: “Đây là sự bố thí của ta về âm thanh,” người bố thí đặt cái chuông, cái trống đồng trên một cái giá đã định sẵn trong chùa hoặc bảo người khác làm như vậy. Hoặc bằng cách cúng dường đến người thuyết pháp những thứ bồi bổ giọng nói của các Ngài như mật ong, mật đường, v.v... Bằng sự thông báo và mời mọi người đến nghe pháp hoặc bằng cách thuyết pháp, luận đạo với những người đã đến với mình. Hoặc bày tỏ sự hoan hỷ những việc phước như cúng dường vật thực đến vị tỳ khưu hoặc xây dựng tịnh xá hoặc khuyến khích người khác làm như vậy. Sự bố thí như vậy được gọi là Thinh thí - Sadda dāna.

Gandha dāna - Hương thí

Cũng vậy, sự bố thí hương thơm được thực hiện sau khi đã kiếm được những vật thơm khả ái dưới dạng củ, nhánh hoặc bột, xem nó là hương thơm và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí hương thơm. Đây là sự bố thí của ta về hương thơm,” vị ấy cúng dường nó đến Tam bảo. Sự bố thí như vậy được gọi là Hương thí - Gandha dāna

Rasa dāna - Vị thí

Tương tự, sự bố thí vị được thực hiện sau khi kiếm được những thứ có vị ngon như hạt, củ, trái cây, v.v... xem nó chỉ là vị và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí vị. Đây là sự bố thí của ta về vị.” Người bố thí dâng cúng nó đến người thọ thí. Hoặc bố thí vật thực, có vị ngon như cơm, bắp, đậu, sữa, v.v... Sự bố thí như vậy được goị là Vị thí - Rasa dāna

Phoṭṭhabba dāna - Xúc thí

Đó là sự bố thí những vật xúc chạm như giường, ghế, nệm, võng, v.v... và các loại đồ trải như mùng, mền, chiếu, gối, v.v.... Sau khi kiếm được những vật xúc chạm mềm mại, khả ái như ghế, khăn trải giường, chăn v.v… xem chúng chỉ là vật xúc chạm và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí vật xúc chạm. Đây là sự bố thí của ta về vật xúc chạm,” Sự bố thí như vậy được gọi là Xúc thí - Phoṭṭhabba dāna

Dhamma dāna - Pháp thí

Pháp thí ở đây ám chỉ sự bố thí cảnh pháp (dhamma rammana), một trong sáu cảnh trần. Theo đúng với câu châm ngôn: “Dưỡng chất (oja), ẩm chất (pāna), sanh mạng (jīvita) được xem là Pháp thí.

Giải thích thêm:

Sau khi kiếm được vật thí nào đó như bơ, sữa, v.v... giàu chất dinh dưỡng (oja), xem chúng chỉ là chất dinh dưỡng. Thực sự là cảnh pháp, và nghĩ rằng: “Ta sẽ bố thí cảnh pháp. Đây là sự bố thí của ta về cảnh pháp,” vị ấy bố thí bơ, sữa, v.v... hoặc bố thí tám loại thuốc uống (pāna) được sửa soạn từ trái cây, hoặc các loại củ, hoặc nghĩ rằng “Đây là sự bố thí sanh mạng,” vị ấy bố thí những thứ đem lại sự trường thọ như vật thực bằng phiếu thực phẩm v.v... hoặc mời thầy thuốc về nhà chạy chữa cho người bịnh; hoặc hủy bỏ những chiếc bẫy thú, những lưới cá, những lồng chim; hoặc phóng thích, giải thoát cho những người bị tù đày; hoặc sai người đánh cồng chiêng loan báo “Cấm giết thú và đánh cá để bán thịt.” Rồi tự mình thi hành hoặc bảo kẻ khác làm như vậy để bảo vệ sanh mạng của chúng sanh. Sự bố thí như vậy được gọi là Pháp thí - dhamma-dāna


Chú thích:

1. Dhammārammaṇa: Theo cuốn sách về Abhidhamma do trưởng lão Narada biên soạn thì “Dhammārammana (Cảnh pháp) bao gồm tất cả những đối tượng của tâm ý. Pháp gồm cả những hiện tượng tâm lý và vật lý. Bộ sách triết học khái lược của U-shwe-Zan - Aung mô tả cảnh của ý thức là “cảnh của các căn hoặc cảnh của tâm.” Bộ sách còn giải thích thêm rằng “cảnh của tâm cũng bao gồm năm loại tâm phụ: (i) tâm (citta),(ii) sở hữu tâm (cetasika); (iii) sắc thần kinh (pasāda rūpa) và sắc vi tế (sukhuma rūpa), (iv)khái niệm (paññatti: tên gọi, ý niệm, quan niệm, khuynh hướng); và (v) Niết bàn.

2. Tám loại thức uống (pāna): Nước xoài, nước táo, nước chuối, nước trái chuối lá, nước trái cây mật ong, nước nho, nước củ sen hay súng, nước trái pharusaka.

3. Sự bố thí vật thực bằng phiếu thực phẩm, salāka bhatta, xem trang 94, cuốn 1, phần 1.


Vị Bồ tát cống hiến tất cả những thành quả của sự bố thí kể trên cho lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh trong khắp thế gian cho đến khi họ chứng đắc Niết bàn. Ngài làm như vậy để tạo ra những pháp cần thiết cho sự chứng đắc pháp giác ngộ tối thượng, cho ý chí không thối chuyển (chanda), sự tinh tấn (vīriya), định (samādhi), tuệ (pañña) và giải thoát (vimutti) của Ngài qua A-la-hán quả.

Trong việc thực hành Bố thí Ba-la-mật, Bồ tát tu tập tưởng vô thường liên quan đến mạng sống của Ngài và liên quan đến những vật sở hữu của Ngài. Ngài xem những vật sở hữu này thuộc về người khác. Ngài luôn phát triển tâm đại bi đến chúng sanh. Trong việc tăng trưởng tâm đại bi như vậy, Bồ tát tích lũy công đức được rút ra từ tài sản giá trị của Ngài. Như một người có căn nhà đang cháy bèn tự thoát thân và mang theo tất cả những của cải có giá trị nhất đến chỗ an toàn. Bồ tát tự cứu mình và đem những tài sản có giá trị của mình ra khỏi ngôi nhà lớn của ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới), ngôi nhà đang bị đốt cháy bởi 11 loại lửa (lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa già, lửa chết, lửa sầu, lửa bi, lửa đau đớn, lửa ưu và lửa tuyệt vọng, v.v…) bằng cách cho đi tất cả tài sản ấy không giữ lại dù một chút. Ngài bố thí mà không quan tâm, không phân biệt cái nào đem cho và cái nào để dùng.

2. Giới Ba-la-mật được thực hành viên mãn như thế nào?

Muốn giúp đỡ kẻ khác bằng tài sản vật chất, trước hết người ta phải cố gắng tích lũy của cải. Cũng vậy, muốn tô điểm lên người của chúng sanh bằng những vật trang sức của giới, vị Bồ tát phải bắt đầu làm trong sạch giới của chính mình.

Ở đây, giới được làm trong sạch theo 4 cách:

- Ajjhāsaya-visuddhi - bằng thiên hướng thanh tịnh

- Samādāna - bằng sự thọ trì giới

- Avītikkamana - bằng sự không vi phạm

- Paṭipakatika-karana - bằng sự sám hối sau khi đã phạm giới

(i) Ajjhāsaya-visuddhi - Một người qua thiên hướng thanh tịnh của chính mình, tự nhiên ghê tởm điều ác. Người ấy có thể có giới rất thanh tịnh, trong anh ta khởi dậy cảm giác hỗ thẹn tội lỗi (hiri).

(ii) Samādāna - Người đã thọ giới từ bậc trì giới suy xét rằng: “Ta đang thọ trì giới từ vị thầy như vậy.” Và nhờ có sự kính trọng những kẻ khác, người ta có thể được thanh tịnh về giới nhờ khởi dậy cảm giác ghê sợ tội lỗi (ottappa).

(iii) Avītikkamana - Khi đã có tàm và quí rồi thì không thể có sự vi phạm giới. Nhờ không vi phạm giới, người ta được thanh tịnh.

(iv) Paṭipakatika-karana - Do thiếu cẩn trọng, đôi khi người ta cũng phạm một hoặc hai giới. Sau đó do cảm hỗ thẹn và ghê sợ tội lỗi, người ta nhanh chóng làm trong sạch chúng bằng sự sám hối.

Vāritta sīla (Chỉ trì giới) & Cāritta sīla (Tác trì giới)

Giới được thanh tịnh theo bốn cách kể trên gồm có hai loại, đó là Vāritta sīla (Chỉ trì giới) và Cāritta sīla (Tác trì giới):

(i) Vāritta sīla: Không làm điều gì do Đức Phật đã cấm qua lời dạy: “Điều này là sai. Điều này không nên làm. Nên kiên tránh việc làm như vậy.” Như vậy tránh xa mười ác nghiệp như sát sanh, v.v... được gọi là Vāritta sīla - Chỉ trì giới.

(ii) Cāritta sīla: Tôn kính những bậc đáng kính như các vị thầy của mình, cha mẹ hoặc những bạn tốt và thực hành những phục vụ hữu ích và không thể chê trách đối với những bậc đáng kính ấy thì được gọi là Cāritta sīla - Tác trì giới.

Vị Bồ tát thọ trì Vāritta sīla - Chỉ trì giới như thế nào?

(a) Vị Bồ tát có tâm từ bi rất lớn đối với tất cả chúng sanh nên Ngài không có lòng oán hận đối với bất cứ ai ngay cả trong giấc ngủ. Ngài cũng kiên tránh sự sát sanh.

(b) Vì Ngài luôn luôn tận tâm giúp đỡ kẻ khác nên thà Ngài cầm lấy con rắn độc hơn là lấy cắp tài sản của kẻ khác.

(c) Trong những kiếp mà Bồ tát làm tỳ khưu hoặc đạo sĩ, Ngài luôn luôn tránh xa việc tà hạnh. Ngoài ra, Ngài còn tránh xa bảy pháp liên quan đến dục lạc (trong Aṅguttara Nikāya) đó là:

(i) Thích được người nữ mát-xa, xoa bóp.

(ii) Thích đùa giỡn với người nữ;

(iii) Thích liếc nhìn người nữ;

(iv) Thích nghe người nữ nói, cười, hát từ bên kia vách tường;

(v) Thích tưởng lại những hành động tình dục mà mình đã trải qua.

(vi) Thích nhìn kẻ khác thọ hưởng dục lạc và mong muốn những khoái lạc như vậy; và

(vii) Sống cuộc đời phạm hạnh với mong ước được tái sanh về cõi chư thiên để hưởng dục.

Ngay cả bảy pháp liên quan đến dục lạc cũng tránh xa, nên sự phạm giới tà hạnh không thể xảy ra đối với vị Bồ tát.

Trong những kiếp sanh làm gia chủ, Bồ tát không hề có ý nghĩ về tà hạnh đối với vợ của người.

(d,e,f,g) Khi nói, Ngài tránh không phạm vào 4 loại ác ngữ và chỉ nói lời chân thật, nói những lời đem lại sự hòa hợp giữa hai bên, nói lời thân ái và có dịp Ngài chỉ nói pháp một cách vừa phải.

(h,i,j) Tâm của Ngài luôn luôn vắng mặt tham ác và sân độc, Ngài hằng có trí biết rằng mỗi người là chủ nhân các nghiệp của chính mình (kammassakata ñāṇa). Ngài luôn có niềm tin và thiện ý đối với bậc Sa-môn đang thực hành chánh hạnh.

Ngài xa lìa bất thiện nghiệp dẫn đến 4 khổ cảnh, và Ngài an trú trong thiện nghiệp dẫn đến cõi chư thiên và Niết bàn. Do sự thanh tịnh trong các thiên hướng của Ngài, và do sự thanh tịnh của thân nghiệp và khẩu nghiệp của Ngài, tất cả ước muốn của vị Bồ tát mong ước lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh đều được thành tựu nhanh chóng. Ngài đạt được thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật.

Những lợi ích của việc kiên tránh các ác nghiệp

Bằng cách kiên tránh sự sát sanh (pānātipāta), vị Bồ tát bố thí sự vô hại đến tất cả chúng sanh. Ngài thành tựu trong việc phát triển tâm bác ái một cách dễ dàng và hưởng được 11 lợi ích từ sự tu tập pháp Bác ái. Cùng với những lợi ích khác như sức khỏe, trường thọ và sự an vui to lớn, Ngài có được các hảo tướng của bậc Đại nhân như ngón tay và ngón chân thon và dài. Ngài có thể đoạn trừ khuynh hướng tự nhiên về sân (dosa-vāsana).

Do sự tránh xa trộm cắp (adinnadāna), vị Bồ tát có được tài sản và của cải vững bền, không bị tàn hại bởi năm loại kẻ thù. Mọi người đều tin tưởng Ngài. Ngài hiền hòa, thân mến và đáng tin cậy. Với khuynh hướng xả ly, Ngài có thể đoạn diệt các khuynh hướng tự nhiên về tham (lobha-vāsana).

Nhờ tránh xa lối sống phi phạm hạnh (abrahmacariya), vị Bồ tát giữ tâm thanh tịnh và thân hành đứng đắn, thân ái, hài hòa với tất cả chúng sanh; Ngài nhận được tiếng tốt. Ngài không tham luyến với nữ giới. Nhờ khuynh hướng xả ly, Ngài có thể đoạn diệt các khuynh hướng về tham (lobha-vāsana).

Do tránh xa nói dối (musa-vada), vị Bồ tát rất được kính trọng, được chúng sanh tin cậy. Lời nói của Ngài được chấp nhận ngay và có ảnh hưởng lớn đến mọi người, Ngài được chư thiên yêu mến. Miệng của Ngài luôn luôn tỏa ra hương thơm. Lời nói và hành vi của Ngài được hộ phòng nghiêm ngặt. Ngài có những hảo tướng đặc biệt của bậc Đại nhân như mỗi lỗ chân lông trên thân chỉ có một sợi lông, v.v... Ngài có thể đoạn trừ các khuynh hướng tự nhiên về các phiền não (kilesa- vāsana).

Nhờ tránh xa lời nói ly gián (pisuna-vācā), vị Bồ tát có thân không thể bị hại và tùy tùng không bị chia rẻ bởi thủ đoạn của kẻ khác. Ngài có niềm tin vững chắc trong chánh pháp. Ngài là người bạn rất chung thủy, thân ái với tất cả chúng sanh, hưởng được các lợi ích là ít phiền não (kilesa).

Nhờ tránh xa lời nói thô ác (pharusa-vācā), nên vị Bồ tát thân ái với chúng sanh. Nhờ tánh vui vẻ, ôn hòa, giọng nói ngọt ngào, Ngài được chúng sanh kính trọng hết mức, Ngài có được tám đặc tánh của giọng nói(1).


(1) Tám đặc tánh của giọng nói: Theo bài kinh Mahāgovinda sutta của Đại Phẩm, Trường bộ kinh, tám đặc tánh của giọng nói mà Phạm thiên Sanankumāra có được là: (1) giọng nói thanh tịnh, (2) rõ ràng, dễ hiểu; (3) êm tai, (4) dịu dàng,

(1) tròn đầy, (6) không bị phân tán, lộn xộn, (7) vang dội, sâu lắng, và (8) vừa đủ nghe; giống như vị Phạm thiên, chư vị Bồ tát cũng có giọng nói mang tám đặc tánh này.


Do kiên tránh lời nói phù phiếm, vô ích (samphappalāpa-vāca), vị Bồ tát thân ái và gần gũi với tất cả chúng sanh, được chúng sanh tôn kính, trọng vọng. Thận trọng trước khi nói nên lời nói của Ngài được hoan hỷ chấp nhận và có ảnh hưởng lớn đến mọi người. Ngài vận dụng ảnh hưởng và có khả năng trả lời ngay những câu hỏi của kẻ khác. Khi thành Phật, Ngài có khả năng trả lời tất cả những câu hỏi của chúng sanh bằng nhiều loại ngôn ngữ. Ngài trả lời bằng tiếng Magadhi, ngôn ngữ của các bậc Thánh (ariyavācā). (Câu trả lời bằng tiếng Magadhi khiến cho thính chúng với một trăm lẻ một ngôn ngữ khác nhau, đều hiểu được như đang nghe ngôn ngữ của chính mình).

Do kiên tránh tham dục (abhijjhā), vị Bồ tát có được bất cứ cái gì Ngài mong ước không chút khó khăn, Ngài có được những của báu thù thắng, khả ái, Ngài được các tầng lớp vua chúa, Bà-la-môn, và các gia chủ tôn trọng cùng kính nể. Ngài không bao giờ bị kẻ thù đánh bại; Ngài không bị khuyết tật về các căn như mắt, tai, mũi, v.v... và trở thành người không ai có thể sánh bằng.

Do kiên tránh sân độc (vyāpāda), vị Bồ tát trở thành người dịu dàng, dễ mến và được mọi người yêu quý nên họ tin tưởng Ngài một cách dễ dàng. Ngài không xúc phạm kẻ khác, chỉ trú trong pháp bác ái và có oai lực lớn.

Nhờ phủ nhận tà kiến và chỉ tu tập chánh kiến, vị Bồ tát có được những người bạn tốt. Ngài không phạm vào điều ác dù bị đe dọa đến tánh mạng. Với tri kiến vững chắc rằng là chủ nhân của các nghiệp của chính mình, Ngài không tin vào các điềm tướng có tính chất mê tín (diṭṭha suta mutamaṅgala: niềm tin của những kẻ thiếu học, tin vào sự may mắn hoặc rủi ro của năm cảnh khi họ thấy, nghe hoặc va chạm trong điều kiện và hoàn cảnh nào đó). Ngài có niềm tin vững chắc trong Chánh pháp và Nhất thiết trí của chư Phật (cũng như con thiên nga chúa không ưa thích phân bò). Ngài cũng không ưa thích các loại tín ngưỡng nào khác ngoài Chánh kiến (sammā-diṭṭhi). Ngài hiểu rõ ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã. Trong kiếp cuối cùng khi Ngài thành Phật, Ngài đạt được Vô chướng trí (Anāvarana-ñāṇa), (biết mọi thứ mà không gặp bất cứ chướng ngại nào). Trước khi thành Phật, Ngài cũng là người đứng đầu chúng sanh trong bất cứ kiếp nào mà Ngài sanh ra và Ngài đạt được những điều may mắn cao nhất.

“Giới là nền tảng của tất cả mọi thành quả. Giới là nguồn gốc của tất cả mọi đức tánh của vị Phật, là pháp khởi đầu của tất cả các pháp Ba-la-mật.” Suy xét như vậy và rất quý trọng giới, vị Bồ tát phát triển chánh niệm và giác tỉnh trong bốn lãnh vực - kiểm soát thân nghiệp và khẩu nghiệp, thu thúc lục căn, nuôi mạng thanh tịnh, và việc sử dụng bốn món vật dụng. Ngài thực hành viên mãn sự thọ trì giới bằng sự cẩn trọng đúng mức, xem lợi lộc và danh tiếng là kẻ thù đội trong lốt của người bạn.

(Đây là cách thọ trì Chỉ trì giới - Varitta Sīla)

Cāritta Sīla - Tác trì giới của vị Bồ tát

Vị Bồ tát luôn niềm nở với những người bạn thiện lành, chắp tay tôn kính đón chào và tiếp đãi họ lịch sự. Ngài đích thân chăm sóc người bịnh và cung cấp cho họ những nhu cầu cần thiết. Sau khi nghe Pháp, Ngài bày tỏ sự hoan hỷ tán thán. Ngài nói lời tán dương các phẩm hạnh của những bậc giới đức. Ngài nhẫn nại chịu đựng những điều sai trái do kẻ khác đem đến và thường xuyên ghi nhớ những điều tốt mà họ đã làm cho Ngài. Ngài hoan hỷ trong những việc phước của người khác và cống hiến những việc phước của mình cho sự Giác ngộ tối thượng. Ngài hằng trú trong thiện pháp không một chút dễ duôi. Nếu bất cẩn phạm phải điều ác nào, Ngài thành thật nhận lỗi và sám hối với các pháp lữ. Ngài tu tập thiện pháp ngày một sâu rộng hơn và thành đạt được các pháp chứng cao hơn.

Cũng vậy, Ngài có sự thiện xảo và sốt sắng trong việc phục vụ chúng sanh về các vấn đề có lợi cho họ và đem lại sự hoan hỷ cho Ngài. Khi chúng sanh gặp khó khăn như bịnh tật, v.v... Ngài cố gắng xoa dịu họ bằng hết khả năng của Ngài. Khi có chuyện không may (vyasana) xảy đến với họ, liên quan đến quyến thuộc, tài sản, sức khỏe, giới hạnh và niềm tin, Ngài đoạn trừ sầu khổ cho họ bằng sự xoa dịu. Ngài khiển trách đúng pháp những người đáng bị khiển trách chỉ để giúp họ tránh khỏi điều ác và an trú họ trong thiện pháp. Đối với những người xứng đáng được nâng đỡ, Ngài cho họ sự giúp đỡ đúng pháp.

Khi nghe những pháp hành tối thượng của chư vị Bồ tát trong quá khứ, mà nhờ những pháp hành này làm cho các Ngài hoàn thiện các pháp Ba-la-mật, sự xả ly, các hạnh và những pháp hành khó thực hiện, có năng lực bất khả tư nghì, đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh, Bồ tát không chút sợ hãi hoặc nản lòng..

Ngài suy xét: “Tất cả các vị Bồ tát trong quá khứ giống như ta, tất cả chỉ là con người, thế mà nhờ thường xuyên tu tập về giới, định và tuệ, các vị đã chứng đạt sự Giác ngộ tối thượng. Cũng như các vị đại Bồ tát thuở xưa, ta cũng sẽ trải qua sự tu tập đầy đủ về giới, định và tuệ. Bằng cách này, sau khi thành tựu viên mãn ba pháp tu tập, cuối cùng ta cũng sẽ chứng đạt mục tiêu là Nhất thiết trí. Như vậy, với sự siêng năng không suy giảm, Ngài thực hành viên mãn các pháp tu tập về giới, v.v....

Tương tự, vị Bồ tát không khoe khoang những việc thiện của mình, thay vào đó Ngài thú nhận những lỗi lầm của Ngài không hề che giấu. Ngài có sự thiểu dục, dễ thỏa mãn, thích nơi vắng vẻ. Ngài chịu đựng mọi khó khăn vất vả, không tham muốn vật này hay vật nọ, không dao động. Ngài không tự cao, không ngã mạn, không tự phụ, không lăng mạ và không nói quá lời. Ngài sống vắng lặng, không hành động lừa đảo, gian dối để kiếm sống.

Ngài có thân hạnh và khẩu hạnh chân chánh và có những đề mục thiền quán. Ngài thấy nguy hiểm ngay cả trong lỗi lầm nhỏ nhất và thọ trì giới luật một cách cẩn trọng. Không luyến ái với tấm thân hoặc sanh mạng, Ngài chỉ hướng tâm đến sự chứng đạt Nhất thiết trí và Niết bàn, không ngừng chuyên tâm vào sự thực hành các thiện pháp. Ngài không chút luyến ái với tấm thân hay sanh mạng, thay vào đó Ngài xả bỏ chúng. Ngài cũng loại trừ các pháp làm ô nhiễm giới như sân hận, v.v...

Ngài không tự mãn với những thành quả bậc thấp, mà cố gắng đạt được những pháp chứng cao hơn. Do những nỗ lực, cố gắng như vậy, thành quả của Ngài về thiền, v.v... không bị suy giảm hoặc trì trệ, mà dần dần tăng trưởng lên những tầng bậc cao hơn,

Cũng vậy, Bồ tát giúp người mù đi đến chỗ họ muốn đến hoặc dẫn họ đi đúng đường; Ngài trao đổi, chuyện trò với người câm và người điếc bằng những cử chỉ, điệu bộ. Ngài cung cấp phương tiện đi lại đến những người què, hoặc tự Ngài cõng họ trên lưng đến bất cứ nơi nào họ muốn.

Ngài làm việc thiện rất chăm chỉ khiến những người kém đức tin, có thể phát triển đức tin, những kẻ lười biếng trở nên tinh tấn, những kẻ bất cẩn, thiếu chánh niệm có thể phát triển chánh niệm, những kẻ phóng dật, hay lo lắng có thể phát triển sự định tâm, và những kẻ ngu si, thiếu học có thể tu tập về trí tuệ. Ngài cố gắng làm cho người gặp khó khăn với những chướng ngại có thể đoạn trừ những chướng ngại ấy và những người hay khởi lên các tà tư duy về dục, sân và hại có thể đoạn trừ những tà tư duy ấy.

Đối với những người đã từng giúp đỡ Ngài, Ngài tỏ thái độ biết ơn, đón chào họ bằng những lời thân thiện, đền đáp họ bằng những lợi ích tương tự hoặc nhiều hơn những lợi ích mà họ đã cho Ngài. Trong lúc họ gặp rủi ro, Ngài giúp đỡ họ như một người bạn thân thiết.

Nhờ biết được thiên hướng tánh khí tự nhiên của chúng sanh, Ngài giúp họ thoát khỏi điều bất thiện và an trú họ trong thiện pháp. Ngài giúp đỡ họ bằng cách đáp ứng những nhu cầu và mong ước của họ. (Điều muốn nói ở đây là Ngài tìm cách kết bạn với họ để giúp họ thoát khỏi ác pháp và giúp họ an trú trong các thiện pháp bằng cách bố thí đến những người thích vật thí, nói lời từ ái với những người thích nhỏ nhẹ, chỉ ra lối sống hữu ích (atthacariyā) đến những người thích sống như vậy, đối xử công bằng (sāmanattatā) đối với những người muốn được đối xử như vậy).

Cũng vậy, với ý muốn đem lại lợi ích cho chúng sanh, Ngài không làm tổn thương hay tranh cãi với họ, không làm họ bẽ mặt, hoặc khiến họ phải ân hận. Ngài không tìm lỗi lầm của kẻ khác hay xem thường họ. Ngài khiêm cung khi tiếp xúc với những người khiêm hạ.

Ngài không hoàn toàn tách biệt với mọi người, cũng không thân thiện quá mức hoặc giao du với họ lúc phi thời. Ngài chỉ đến với những người đáng thân cận đúng lúc và đúng nơi. Ngài không nói xấu kẻ khác trước mặt bạn bè của họ, hoặc khen ngợi những người mà không có quan hệ tốt với họ. Ngài không kết thân với những bạn xấu.

Ngài không từ chối lời mời chính đáng cũng không đưa ra những yêu cầu thái quá, cũng không nhận nhiều hơn những gì Ngài cần đến. Ngài bày tỏ sự hoan hỷ và khích lệ đến những người có tín tâm bằng cách thuyết pháp đến họ về những lợi ích của đức tin. Cũng vậy, Ngài bày tỏ sự hoan hỷ, khích lệ những người có giới, bố thí, nghe nhiều học rộng và trí tuệ bằng cách thuyết giảng về những quả phước của những đức tánh này.

Ở vào kiếp mà Bồ tát xuất gia, chứng thiền và các pháp thần thông, Ngài thị hiện những pháp thần thông này làm khởi dậy sự kinh cảm trong những người cố chấp không chịu làm các việc thiện, bằng cách cho thấy những sự đau đớn kinh khủng trong các khổ cảnh. Ngài khiến những người không có đức tin và các thiện tánh khác an trú trong đức tin, v.v... và mở ra cho họ con đường tiếp cận giáo pháp của Đức Phật. Đối với những người đã có đức tin, v.v... Ngài giúp họ đạt được sự tiến bộ trong những thiện pháp ấy.

Bằng cách này, Tác trì giới của vị Bồ tát trải qua nhiều kiếp giống như “cơn lũ” càng lúc càng lớn mạnh hơn.

(Đây là phương pháp thực hành Giới ba-la-mật).

3. Xuất gia Ba-la-mật được thực hành viên mãn như thế nào?

Như đã giải thích ở trên, Xuất gia Ba-la-mật là nhóm tâm và sở hữu tâm muốn thoát khỏi các dục lạc và các kiếp sống, sự xuất gia ấy được thành lập dựa trên tâm Đại bi (Mahā-karunā) và phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa), trước nó là trí nhờm gớm và ghê sợ các tội trong chúng. Do đó, vị Bồ tát trước hết phải thấy rõ các tội trong các dục lạc và các kiếp sống bằng trí nhờm gớm và ghê sợ (Quá hoạn trí – adīnava-ñāṇa)

Ngài suy xét về các tội ấy như vầy: “Vì đời sống gia đình là chỗ trú ngụ của tất cả các loại phiền não do những chướng ngại như vợ con, v.v... hạn chế sự thực hiện các việc phước vì người ta bận rộn với nhiều công việc như buôn bán, cấy cày, v.v… nên đó không phải là chỗ thích hợp mà sự hạnh phúc của việc xuất gia đạt được.”

Các dục lạc của loài người giống như giọt mật trên đầu lưỡi kiếm, nhiều tai họa hơn vui sướng. Sự thọ hưởng dục lạc ngắn ngủi như tia chớp chợt lóe chợt tắt. Chúng giả tạm như vật ngụy trang che giấu đống phân, như đứa bé mút hoài ngón tay mà không thỏa mãn, tai hại như người ăn nhiều vật thực gây ra rủi ro bất hạnh, như miếng mồi trên cái móc câu, gây đau khổ trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, như sức nóng của ngọn lửa đang thiêu đốt. Chúng có tánh chất hút dính như mủ mít, là phương tiện để che dấu những vật hủy hoại như áo khoác của kẻ sát nhân. Như vậy, trước hết hãy suy xét những điều bất lợi trong các dục lạc và các kiếp sống, rồi suy xét tiếp về những lợi ích của sự thoát ly, tức là sự xuất gia, vị Bồ tát thực hành viên mãn Xuất gia Ba-la-mật.

Vì từ bỏ đời sống gia đình là nền tảng của Xuất gia Ba-la-mật vào thời kỳ không có giáo pháp của Đức Phật, và để thực hành viên mãn Ba-la-mật này, vị Bồ tát sống cuộc đời đạo sĩ, duy trì chủ thuyết về nghiệp (kamma-vādī) và quả nghiệp (kiriya-vādī). Tuy nhiên, khi Đức Phật xuất hiện trong thế gian, vị Bồ tát gia nhập vào Tăng đoàn trong giáo pháp của Đức Phật.

Sau khi đã xuất gia, Ngài thọ trì Chỉ trì giới (Vāritta sīla) và Tác trì giới (Cāritta sīla) , và để làm thanh tịnh hai loại giới này Ngài thực hành các pháp đầu đà (dhutaṅga)

Vị Bồ tát sau khi đã tẩy sạch các pháp ô nhiễm bằng nước sạch của giới, củng cố bằng các pháp đầu đà, Ngài sẽ có được thân hạnh và khẩu hạnh thanh tịnh. Ngài hài lòng với bất cứ loại y phục, vật thực và chỗ ngụ nào có được. Sau khi đã thực hành theo ba pháp đầu tiên trong bốn pháp truyền thống của bậc Thánh (ariya-vaṃsattaya), Ngài phấn đấu để đạt được pháp thứ tư, là sự vui thích trong thiền định (bhāvanārāma) bằng cách thực hành một đề mục thích hợp từ bốn mươi đề mục của thiền định, cho đến khi Ngài chứng được Cận định (Upacāra) và Nhập định (Appanā). Sự chứng đắc các tầng thiền chính là sự thực hành viên mãn Xuất gia Ba-la-mật của vị Bồ tát.

(Đây là phương pháp thực hành Xuất gia Ba-la-mật.)

4. Trí tuệ Ba-la-mật được thực hành như thế nào?

Vì ánh sáng của trí tuệ không thể ở chung với bóng tối của vô minh (moha) nên vị Bồ tát thực hành Trí tuệ Ba-la-mật tránh các nguyên nhân của si mê như ghét điều thiện (arati), lười biếng, ham ngủ, v.v... và chuyên tâm thực hành các pháp đem lại trí tuệ sâu rộng, chứng đắc các tầng thiền, v.v....

Trí tuệ có 3 loại: Văn sở thành tuệ (Sutamaya Paññā), Tư sở thành tuệ (Cintāmaya Paññā) và Tu sở thành tuệ (Bhavanāmaya Paññā).

(a) Sutamayā Paññā - Văn sở thành tuệ

Để làm cho Văn sở thành tuệ / Văn tuệ (Sutamayā paññā) hay Đa trí (bāhusacca) được lớn mạnh, trưởng thành, Bồ tát tu tập nó bằng sự nghiên cứu cẩn thận, nghe nhiều, tìm tòi học hỏi, ghi nhớ, tra hỏi bằng chánh niệm, tinh tấn và trí tuệ, đi trước là Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla-ñāṇa). Phạm vi của Văn tuệ biết được là: (i) Ngũ uẩn, Thập nhị xứ, Thập bát giới, Tứ diệu đế, Hai mươi hai quyền, Luật duyên khởi, các phương pháp Niệm, v.v... những pháp này tạo thành các yếu tố giác ngộ, cũng như nhiều loại Pháp như thiện, bất thiện, v.v.... Và (ii) những hình thức của trí tuệ hợp thế, trong sạch làm gia tăng lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh. Bằng cách này, vị Bồ tát tu tập Văn sở thành tuệ (Sutamayā paññā) và trở thành người có trí tuệ, tự mình tìm tòi học hỏi toàn bộ lãnh vực của nó và cũng giúp kẻ khác có được nó.

Cũng vậy, để phục vụ lợi ích của chúng sanh, vị Bồ tát tu tập trí tuệ khởi sanh ngay tại chỗ để tìm kiếm Phương tiện thích hợp (Thānuppaṭṭika paṭibhāna ñāṇa), còn được gọi là Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa). Do trí này mà vị Bồ tát có thể phân biệt các yếu tố đẩy mạnh sự tăng trưởng và hưng thịnh với các yếu tố gây ra sự tiêu diệt và tàn rụi trong nhiều loại công việc của chúng sanh.

(b) Cintāmaya Paññā - Tư sở thành tuệ

Tương tự, vị Bồ tát tu tập Tư sở thành tuệ/ Tư tuệ (Cintāmaya Paññā) bằng cách quán sâu vào các pháp tự nhiên, các thực tại cùng tột như các uẩn, v.v....

(Nghiên cứu cẩn thận, lắng nghe, học hỏi, ghi nhớ các pháp tự nhiên như các uẩn, v.v… là Văn sở thành tuệ - Sutamayā paññā. Trước tiên suy nghĩ rồi quán xét các pháp tự nhiên mà người ta đã nghiên cứu, học hỏi và ghi nhớ, là Tư sở thành tuệ - Cintāmaya paññā).

(c) Bhāvanāmaya paññā - Tu sở thành tuệ

Tương tự, vị Bồ tát, người đã tu tập các loại trí thuộc thế tục về các pháp tự nhiên như các uẩn, v.v... qua việc phân biệt các tướng riêng cũng như tướng chung, và thực hành viên mãn phần đầu tiên của trí tuệ qua pháp thiền quán (Bhāvanāmaya paññā), đó là chín loại Tuệ quán (vipassanā-ñāṇa) như trí thấy rõ các pháp hữu vi (sammasana- ñāṇa), tánh vô thường, khổ và vô ngã của chúng, v.v...

Nhờ thành tựu viên mãn Tuệ quán như vậy, vị Bồ tát thông hiểu đầy đủ về các đối tượng trong thân và ngoài thân chỉ là hiện tượng danh và sắc: “ Nhóm của hiện tượng chỉ là danh sắc, sanh khởi và hoại diệt tùy thuộc vào các duyên. Thực tế không có ai tạo ra chúng. Danh sắc là thực tại, sanh khởi chỉ để hoại diệt. Vì vậy nó có tánh vô thường; có tánh bất toại nguyện vì sự sanh diệt liên tục của nó; không thể kiểm soát và điều khiển nó thế nên nó vô ngã.” Nhờ thông hiểu bản chất thật của các pháp trong thân và ngoài thân không có sự khác biệt, Ngài từ bỏ luyến ái đối với chúng và giúp chúng sanh cũng được như vậy.

Suốt thời gian này trước khi chứng Phật quả, vị Bồ tát, với tâm đại bi, giúp chúng sanh bước vào ba cỗ xe đạo hành (paṭipatti) (nhờ đó mà chúng sanh có thể đạt được sự trưởng thành trong ba loại Giác ngộ) hoặc đạt đến sự trưởng thành trong pháp hành của họ nếu họ đã bước vào ba cỗ xe ấy.

Riêng về vị Bồ tát, Ngài cố gắng thành đạt năm pháp thuần thục trong thiền hợp thế và các loại thần thông, với sự hỗ trợ to lớn của Định kết hợp với các tầng thiền và thần thông, Ngài đạt đến đỉnh cao của Trí tuệ.

(Về phương pháp tu tập các tầng thiền Hợp thế, các loại thần thông và mười loại Tuệ quán, bộ Thanh tịnh đạo (Vishuddhi-magga) sẽ giải thích rõ. Điều đặc biệt nên chú ý là trong sự tu tập trí tuệ của vị Thinh văn tương lai được giải thích là lên đến giai đoạn đắc đạo. Tuy nhiên trong bộ sách Thanh tịnh đạo, tất cả những cố gắng của vị Bồ tát trong việc tu tập thiền quán, có nền tảng là tâm Đại bi (Mahā-karunā) và Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa), chỉ đạt đến pháp Thanh tịnh thứ sáu (Patipadā-ñānadassana-visudhi) thì dừng lại, không tiến sâu vào Đạo Quả (Ñānadassana-visudhi). Về mười giai đoạn của Tuệ quán, sự tu tập trí tuệ chỉ được thực hiện đến phần đầu của Hành xả trí (Saṅkhārupekkhā ñāṇa) mà thôi, chỉ chú ý đến chín giai đoạn thấp hơn của Tuệ quán).

(Đây là phương pháp thực hành Trí tuệ Ba-la-mật)

5. Phương pháp tu tập viên mãn Tinh tấn Ba-la-mật

Như vị tướng soái, nhằm mục đích chiến thắng kẻ thù đã cố gắng không ngừng. Cũng vậy, vị Bồ tát tự mình tìm cách chinh phục kẻ thù phiền não và muốn những kẻ khác cũng làm những cuộc chinh phục tương tự với sự tinh tấn để thành tựu viên mãn các Pháp Ba-la-mật.

Do đó, vị Bồ tát thường xuyên chánh niệm suy xét như vầy: “Ngày hôm nay ta đã tích lũy trí tuệ nào và các việc phước nào? Ngày hôm nay ta đã làm được việc gì để đem lại phúc lợi cho mọi người.” Quán xét như vậy mỗi ngày, vị ấy tinh tấn làm việc để phục vụ chúng sanh.

Để phục vụ chúng sanh, Ngài bố thí rộng rãi tất cả những vật sở hữu của mình, kể cả tứ chi và mạng sống. Tất cả mọi hành động về thân và khẩu của Ngài đều không ngoài mục đích là chứng đạt Nhất thiết trí. Tất cả những việc phước phát sanh từ những hành động như vậy đều được Ngài cống hiến cho sự chứng đạt Giác ngộ tối thượng.

Ngài quay lưng với dục lạc bằng tâm thoát ly chúng dù chúng tốt đẹp và đáng quí đến đâu chăng nữa.

Trong mọi công việc, Ngài phát triển và ứng dụng Phương tiện thiện xảo trí (Upāya-kosalla ñāṇa)

Ngài luôn siêng năng phục vụ lợi ích cho chúng sanh.

Ngài nhẫn nại với tất cả mọi cảnh dù khả ái hay trái ý nghịch lòng.

Ngài vững vàng trong pháp chân thật, không rời khỏi nó dù phải hy sinh cả tánh mạng.

Ngài rải tâm từ đến tất cả chúng sanh không có sự phân biệt thân, thù hoặc không thân không thù. Cũng như người cha muốn lãnh lấy mọi phiền khổ của đứa con, Ngài muốn lãnh lấy tất cả mọi phiền khổ của chúng sanh.

Ngài hoan hỷ với những việc phước của tất cả chúng sanh. Ngài luôn luôn quán niệm về tánh chất vĩ đại của chư Phật và oai lực vĩ đại của các Ngài. Bất cứ hành động nào về thân hay khẩu, tâm của Ngài chỉ hướng về Giác ngộ Ba la mật.

Bằng cách này, vị Bồ tát do thường xuyên chuyên tâm vào các việc phước như bố thí, v.v... Ngày qua ngày Ngài tích lũy phước báu và trí tuệ không ngừng.

Hơn nữa, sau khi từ bỏ tứ chi và mạng sống để bảo vệ chúng sanh và cho họ tùy ý sử dụng chúng, Ngài tìm mọi phương sách để xoa dịu đau khổ của chúng sanh như đói, khát, lạnh, nóng, gió, nắng, v.v....

Bất cứ hạnh phúc nào mà Ngài có được do đoạn trừ những nỗi khổ của chúng sanh, sự an lạc của thân và tâm do kết quả của sự trú ngụ ở những khu vườn khả ái, những hồ nước trong, những chỗ ngụ trong rừng, sự an lạc trong thiền định của chư Phật, chư Phật Độc giác, chư Thinh văn đệ tử và chư vị Bồ tát sau khi xuất gia, mà Ngài đã nghe người khác nói, Ngài muốn đem tất cả hạnh phúc này đến tất cả chúng sanh không phân biệt.

Khi Ngài đã chứng đắc các tầng thiền, Ngài tinh tấn ban phát hạnh phúc của chúng như hỉ, lạc, tịnh, định, trí thông hiểu các pháp như thật cho chúng sanh để họ cũng được thọ hưởng giống như Ngài.

Hơn nữa, Ngài thấy chúng sanh bị dập vùi trong cái khổ lớn của luân hồi (saṃsāra vaṭṭa dukkha), trong nỗi khổ do phiền não gây ra (kilesa dukkha), và trong nỗi khổ do nghiệp hành gây ra (abhisaṅkhāra dukkha).

Đây là cách Ngài trông thấy chúng sanh bị đau khổ: Ngài thấy rõ chúng sanh tạo tội đang lãnh chịu đau đớn tàn khốc ở các khổ cảnh (niriya), bị đâm, chém, cắt xẻo, nghiền nát, bị thiêu đốt nóng cháy liên tục trong thời gian dài

Ngài trông thấy chúng sanh làm súc sanh đang trải qua nỗi khổ đau do thù địch nhau, áp bức nhau, gây ra sự thương tổn, giết hại nhau - hoặc phải làm việc vất vả để phục vụ kẻ khác.

Ngài thấy rõ chúng sanh làm ngạ quỷ bị bao phủ trong những ngọn lửa hung tàn, bị thiêu đốt và héo úa bởi sự đói khát, gió nắng, v.v... sống bằng cái gì bị nôn ra, sống bằng nước dãi, đàm, mủ v.v... đang vật vã kêu gào.

Ngài trông thấy một số chúng sanh đang tầm cầu phương tiện kiếm sống gây héo tàn thân xác, bị các loại cực hình như chặt tay, chặt chân, v.v... do những tội lỗi mà họ phạm phải; trông hung tợn, xấu xí và khuyết tật; bị lún sâu trong vũng lầy đau khổ không khác gì nỗi khổ của những tội đồ trong địa ngục. Một số người bị hành hạ bởi sự đói và khát do thiếu vật thực, đang chịu khổ giống như loài ngạ quỷ. Một số chúng sanh đông đảo và nghèo hèn bị chèn ép bởi những người có thế lực hơn, bị ép phải phục dịch cho họ và phải lệ thuộc vào người chủ để kiếm miếng cơm manh áo. Ngài thấy nỗi khổ của họ không khác gì nỗi khổ của loài súc sanh.

Ngài trông thấy chư thiên của sáu cõi dục (là chúng sanh mà loài người xem là những kẻ hạnh phúc) đang đau khổ trong phóng dật vì họ đã nuốt ‘chất độc’ của dục lạc và đang bị đốt cháy bởi những ngọn lửa tham, sân và si, giống như một đống củi khô đang cháy lại bị những luồng gió mạnh thổi vào, không phút nào được an tịnh, luôn luôn chiến đấu trong tuyệt vọng và lệ thuộc những kẻ khác chỉ để tồn tại.

Ngài thấy các vị Phạm thiên ở các cõi hữu sắc và vô sắc - sau khi sống ở đó, trong thời gian tám mươi bốn ngàn đại kiếp (mahā-kappa), cũng phải chịu định luật tự nhiên của vô thường và cuối cùng cũng phải chìm vào trong vòng luân hồi khổ đau của sanh, già và chết giống như những con chim bị năng lực khổng lồ đẩy vào hư không hoặc những cây tên được người đàn ông khỏe mạnh bắn vào hư không.

Trông thấy sự đau khổ của họ một cách sống động như vậy, Bồ tát cảm thấy kinh cảm (saṃvega), và rải tâm từ của Ngài đến tất cả chúng sanh trong ba mươi mốt cõi.

Bồ tát liên tục tích lũy các pháp cần thiết cho sự Giác ngộ bằng các thiện nghiệp về thân, ngữ và ý, bằng sự cố gắng không ngừng để tất cả các pháp Ba-la-mật của Ngài đạt đến đỉnh cao của sự thành tựu viên mãn.

Lại nữa, pháp Tinh tấn có phận sự đưa Ngài đến Phật quả - nơi tích tụ những ân đức thanh tịnh, hùng mạnh vô song và bất khả tư nghì.

Người bình thường chỉ nghe về sự tinh tấn này của vị Bồ tát cũng không dám, nói chi đến việc thực hành.

Giải thích thêm:

Chỉ do năng lực của sự tinh tấn này mà Bồ tát phát triển, tích lũy và viên mãn các pháp cần thiết cho sự Giác ngộ - Ba đại nguyện về đạo quả Toàn giác Phật: Chứng đắc Phật quả (Buddho bodheyyaṃ), đạt sự giải thoát (mutto moceyyam) và vượt qua đại dương luân hồi (tiṇṇo tāreyyaṃ), bốn Phật địa, Tứ nhiếp pháp, đại bi, sự quán xét về duyên vô song đối với đạo quả Phật do sự giác ngộ các Phật tánh, không bị ô nhiễm bởi ái dục, ngã mạn và tà kiến liên quan đến tất cả các pháp; xem tất cả chúng sanh như con ruột của mình; không có sự chán nản vì cái khổ của luân hồi trong khi phấn đấu cho mục tiêu đạo quả Phật. Chuyên tâm tu tập Tăng thượng giới, Tăng thượng định và Tăng thượng tuệ, không lay chuyển trong sự thực hành ba pháp học này. Đầy hạnh phúc và hoan hỷ đối với các việc phước. Có khuynh hướng nghiêng về ba pháp viễn ly (Thân viễn ly - kāya viveka: xa lìa hội chúng, phe nhóm; Tâm viễn ly - citta viveka: xa lìa những ý nghĩ về dục lạc; Ý viễn ly – upadhi viveka: xa lìa phiền não). Chuyên tâm tu tập các tầng thiền. Không hề thỏa mãn với các pháp không thể chê trách được. Thuyết pháp đến người nghe với thiện ý. Nỗ lực cố gắng nhiều đối với các việc phước để thành tựu viên mãn các pháp Ba-la- mật. Cố gắng liên tục đầy can đảm, không buồn phiền trước những lời chỉ trích và những lỗi lầm của kẻ khác. An trú vững chắc trong pháp chân thật. Thuần thục trong các tầng thiền (jhāna). Chứng đắc các pháp thần thông (abhiññā). Thông đạt ba đặc tánh (anicca, dukkha, anatta). Tích lũy những pháp cần thiết cho sự chứng đạt bốn đạo siêu thế qua sự thực hành Tứ niệm xứ (Satipatthāna), v.v.... Thành tựu chín pháp siêu thế (bốn Đạo, bốn Quả và Niết bàn). Tất cả những cố gắng trong sự tu tập, tích lũy và thành tựu các pháp cần thiết cho sự giác ngộ chỉ có thể xảy ra do năng lực của tinh tấn. Do đó, khi chứng đắc Phật quả, Bồ tát tu tập để thành tựu pháp Tinh tấn một cách đầy đủ, không ngừng nghỉ, đầy nhiệt tâm, nhờ đó Ngài có thể tiến bộ ngày một cao hơn trong các pháp ưu việc.

Khi pháp Tinh tấn Ba-la-mật đầy dũng cảm này đã được thành tựu viên mãn thì các pháp Ba-la-mật theo sau nó như Nhẫn nại, Chân thật, v.v... cũng như các pháp Ba-la-mật đi trước nó như Bố thí, Giới, v.v… tất cả được thành tựu viên mãn nhờ vào pháp Tinh tấn. Do đó, sự thành tựu viên mãn Nhẫn nại Ba-la-mật và những pháp Ba-la-mật khác nên được hiểu theo cách này.

Như vậy, dứt bỏ của cải để bố thí ngõ hầu đem lại lợi ích và hạnh phúc cho kẻ khác là sự thành tựu quả Bố thí.

Không hủy hoại mà bảo vệ mạng sống tài sản và gia đình của chúng sanh, không gây ra sự bất đồng ý kiến, nói lời thân ái, có lợi ích, v.v... là sự thành tựu của Giới.

Cũng thế, làm nhiều việc lợi ích như thọ nhận bốn món vật dụng do chúng sanh dâng cúng và bố thí pháp đến họ là sự thành tựu của pháp Xuất gia. Thiện xảo trong các phương tiện làm gia tăng phúc lợi cho chúng sanh là sự thành tựu của pháp Trí tuệ. Nhiệt tâm phấn đấu, trải qua những khó khăn và không lơi là trong việc sử dụng phương tiện thiện xảo ấy là sự thành tựu của pháp Tinh tấn. Chịu đựng tất cả những điều sai trái của chúng sanh là sự thành tựu của pháp Nhẫn nại. Không dối gạt, không phá vỡ những điều đã hứa vì lợi ích của chúng sanh là sự thành tựu pháp Chân thật. Giữ tâm không bị lay chuyển dù phải chịu thiệt thòi về quyền lợi của mình, trong khi phục vụ chúng sanh là sự thành tựu pháp Chí nguyện. Thường xuyên quán niệm về lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh là sự thành tựu pháp Bác ái; tâm bình thản, không dao động khi được giúp đỡ hoặc bị quấy rầy bởi kẻ khác là sự thành tựu về pháp Xả.

Như vậy, Bồ tát tinh tấn tu tập để tích lũy phước và trí tuệ vô song mà người bình thường không thể làm được, vì vô lượng chúng sanh và sự thành tựu triệt để những điều kiện căn bản của các pháp Ba-la-mật như đã nêu ra ở trên - tất cả những công việc này có thể được xem là sự thực hành pháp thành tựu của các pháp Ba-la-mật.


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]