THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 2
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Phần trước] [Mục lục tập 2] [Tiếp theo]
CÂU CHUYỆN VỀ VỊ THIÊN SETAKETU VỊ PHẬT ĐƯƠNG LAI
Đức Gotama đương lai của chúng ta đã mang trên mình cánh hoa thọ ký: “ Người này chắc chắn sẽ thành Phật giữa ba loài chúng sanh (nhân loại, chư thiên và Phạm thiên).” Đây là lời tiên tri của hai mươi bốn vị Phật, từ Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṇkarā) đến Đức Phật Ca-diếp (Kassapa). Tuy nhiên thời gian suốt bốn A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp mà Bồ tát Gotama của chúng ta thực hành các pháp Ba-la-mật thì có đến hai mươi bảy vị Phật đã xuất hiện trong thế gian. Suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp ấy, Bồ tát đã tinh tấn thực hành các pháp Ba-la-mật, sự xả ly (cāga) và các thiện hạnh (cariya) qua bốn cách tu tập (bhāvanā) và đã đạt đến đỉnh cao của sự viên thành tất cả những pháp cần thiết dẫn đến sự chứng đắc Phật quả. Đến kiếp cuối cùng, kiếp sanh làm thái tử Vessantara, Ngài đã thực hiện những việc phước tối thượng, rốt ráo, vượt trội tất cả mọi việc phước, vô song, báo hiệu giai đoạn giác ngộ mục tiêu tối thượng sắp xảy ra. Những việc phước này làm chấn động trời đất, ngay cả đại địa vô tình cũng phải rùng mình rung chuyển đến bảy lần. Và sau khi hết thọ mạng của kiếp ấy ở cõi người, Bồ tát sanh về cõi Đâu-suất-đà (Tusitā), làm một vị thiên có tên là Setaketu. Ngài vượt trội các chư thiên khác về mười điều phước, đó là
(1) Tuổi thọ, (2) Sắc đẹp, (3) Sự an lạc, (4) Tài sản và tùy tùng, (5) Quyền lực, (6) Sắc, (7) Thinh, (8) Hương, (9) Vị và (10) Xúc.
(Khi nói rằng : “ Đại dương bắt đầu từ dãy núi Cakkavāla càng lúc càng sâu thẳm đến khi gặp chân núi Meru (Tu-di-sơn), chiều sâu của nó là tám mươi bốn ngàn do-tuần,” đếm được hết những giọt nước trong đại dương ấy là điều không thể được. Cũng vậy, khi những bậc giới đức nhờ nghe hoặc đọc mà biết được rằng vị Bồ tát suốt bốn A- tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) và một trăm ngàn đại kiếp thực hành các pháp Ba-la-mật (pāramī), các pháp xả ly (cāga) và các thiện hạnh (cariya) tu tập liên tục, không mỏi mệt. Người ta suy quán thâm sâu với niềm tin rằng vị Bồ tát đã thực hành các pháp Ba-la-mật,v.v… trong nhiều kiếp luân hồi còn nhiều hơn vô số giọt nước trong đại dương).
(Buddha kolāhala)
Vị thiên Setaketu, vị đương lai Phật, thọ hưởng hạnh phúc tối thượng ở cõi Đâu-suất-đà (Tusitā) trong bốn ngàn năm, theo cách tính của chư thiên, tương đương với năm trăm bảy mươi sáu triệu năm ở cõi người. Theo cách tính ở cõi nhân loại, một ngàn năm trước khi thọ mạng của vị ấy kết thúc ở cõi Tusitā, khi ấy các vị Phạm thiên của cõi Suddhāvāsa (Ngũ tịnh cư) công bố rằng:
“ Này các bạn, trong một ngàn năm nữa kể từ hôm nay sẽ có một vị Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trong thế gian.”
Do lời công bố vang lên từ cõi trời, tiếng reo vui về sự xuất hiện của Đức Phật (Buddha kolāhala): “ Đức Phật Chánh biến tri sắp ra đời ! Đức Phật Chánh biến tri sắp ra đời!” vang dội khắp toàn thể thế gian một ngàn năm, trước khi sự kiện diễn ra.
(Đề cập về tên của vị thiên Bồ tát này, chương Ratanasaṅkama của bộ Buddhavaṃsa Pāḷi có nêu ra như sau: Yadā’haṃ tusite kāye santusito nāma’haṃ tadā. Câu này cho thấy rằng vị thiên có tên là Santusita. Cũng trong Chú giải Buddhavaṃsa và bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā, tên Santusita cũng được nêu lên. Nhưng trong bộ Pubbenivāsa-kathā, Verañja-kaṇḍa của Chú giải Pārājika và trong kinh Bhayabherava của Chú giải Mūlapaṇṇāsa thì tên của vị thiên là Setaketu. Hơn nữa các tác giả của các bộ Buddhavaṃsa bằng tiếng Miến như bộ Tathāgata- Udāna Dīpanī, Mālalaṅkāra Vatthu, Jinatthapakāsanī, v.v… cũng nêu tên của vị thiên là Setaketu. Do đó, nhiều vị A-xà-lê đã giải thích rằng Santusita là tên chung dành cho chư thiên ở cõi Tusita, còn Setaketu là tên riêng của vị thiên sẽ thành Phật danh hiệu Gotama).
Sau khi nghe tiếng reo vang báo tin về sự xuất hiện của một vị Phật, tất cả các vị vua chư thiên thuộc mười ngàn thế giới như Catu Mahārāja, Sakka, Suyāmā, Santusita, Sunimmita , Vasavattī và tất cả chư đại Phạm thiên đồng cu hội ở một vũ trụ nọ để bàn bạc về Đức Phật đương lai, bậc có tuổi thọ ở cõi chư thiên chỉ còn bảy ngày theo cách tính của loài người và dấu hiệu chấm dứt thọ mạng đã hiện khởi qua năm tiền tướng (pubbanimitta). Rồi tất cả cùng đi đến vị thiên Setaketu chấp tay thành kính và nói lời thỉnh cầu đến vị thiên Bồ tát ấy như sau:
“ Thưa Bồ tát thiên, Ngài đã thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật, không mong cầu địa vị Đế thích thiên vương, Ma vương, Phạm thiên hoặc Chuyển luân vương. Ngài đã thực hành các pháp Ba- la-mật này chỉ với ước nguyện thành bậc Chánh đẳng giác để giải thoát chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Hỡi Bồ tát thiên, đây là thời gian thích hợp nhất để Ngài thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác! Quả thật đã đúng lúc để Ngài trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác! Do đó, cầu mong Ngài hãy thọ sanh vào lòng mẹ của Ngài ở cõi nhân loại. Sau khi chứng đắc sự Giác ngộ tối thượng, cầu xin Ngài hãy giải thoát cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi luân hồi bằng sự thuyết giảng về pháp Bất tử, Niết bàn.”
Vị thiên Bồ tát Setaketu không vội vả nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên đến từ khắp mười ngàn thế giới. Theo đúng truyền thống của chư Bồ tát trong quá khứ, Ngài thực hiện năm điều suy xét trọng đại sau:
1. Thời kỳ thích hợp cho sự xuất hiện của một vị Phật,
2. Châu thích hợp để một vị Phật xuất hiện,
3. Quốc độ thích hợp để một vị Phật xuất hiện,
4. Dòng tộc mà vị Bồ tát sẽ tái sanh trong kiếp chót của Ngài,
và
5. Thọ mạng người mẹ của Bồ tát.
(1) Trong năm điều quán xét trọng đại này, trước tiên Bồ tát suy xét: “ Đã đúng thời kỳ để Đức Phật xuất hiện trong thế giới nhân loại chưa ?” Thời kỳ không thích hợp là khi thọ mạng của loài người đang tăng đến một trăm ngàn tuổi. Vì tuổi thọ quá cao nên khổ sanh, khổ già, khổ bịnh và khổ chết không hiện khởi rõ rệt. Bị che khuất bởi thọ mạng lâu dài, loài người có khuynh hướng không quan tâm đến mọi khổ đau. Các bài pháp được chư Phật thuyết giảng bằng nhiều cách, thường tập trung quanh các đặc tánh về vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā). Nếu chư Phật xuất hiện khi thọ mạng của loài người nhiều hơn một trăm ngàn tuổi mà thuyết các bài pháp về anicca, dukkha và anattā thì những người trong thời kỳ ấy sẽ phân vân, tự hỏi chư Phật đang thuyết giảng gì. Họ sẽ không lắng nghe và cũng không tin vào những bài pháp. Do không lắng nghe hoặc không có niềm tin, loài người chắc chắn sẽ phân vân tự hỏi chư Phật đang thuyết giảng gì. Họ sẽ không bao giờ giác ngộ Tứ Thánh Đế và không bao giờ chứng đạt Niết bàn. Thật vô ích khi thuyết giảng với những người không có niềm tin về Tam tướng để giải thoát họ ra khỏi luân hồi. Do đó, thời kỳ mà thọ mạng của loài người trên một trăm ngàn năm là thời kỳ không thích hợp để chư Phật xuất hiện.
Thời kỳ mà tuổi thọ của loài người dưới một trăm tuổi cũng không thích hợp để chư Phật xuất hiện vì chúng sanh trong thời kỳ ấy tâm chất chứa quá nhiều phiền não dục. Những bài pháp về vô thường, khổ và vô ngã được thuyết giảng đến những người như vậy sẽ không có tác dụng. Thực tế những bài pháp sẽ biến mất ngay mà không để lại dấu vết, giống như người cầm cây gậy mà viết chữ trên mặt nước. Do đó, thời kỳ mà thọ mạng của loài người đang suy giảm dưới một trăm tuổi, cũng không phải là thời kỳ thích hợp để chư Phật xuất hiện.
(Chỉ những thời kỳ thọ mạng của loài người dao động từ một trăm ngàn tuổi xuống một trăm tuổi mới thích hợp để một vị Phật xuất hiện. Đây là những thời kỳ mà trong đó các tướng sanh, già và chết hiện bày rõ nét nhất. Giáo pháp về Tam tướng: vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā), và giáo pháp dạy con đường thoát khỏi luân hồi cũng dễ dàng lãnh hội; chúng sanh trong những thời kỳ ấy cũng không chất chứa quá nhiều phiền não dục. Thế nên những thời kỳ như vậy là cơ hội thích hợp nhất để một vị Phật xuất hiện. Do đó, chỉ thời kỳ thọ mạng dưới một trăm ngàn tuổi và trên một trăm tuổi là thời kỳ thích hợp nhất để vị Bồ tát kiếp chót chứng đắc Phật quả. (Trùng hợp thay, khi chư thiên và Phạm thiên đến thỉnh cầu Bồ tát Setaketu thì thọ mạng của loài người đang ở trong thời kỳ một trăm tuổi). Như vậy, Bồ tát Setaketu sau khi quán xét về thời kỳ thấy rõ ràng là đúng thời và quyết định, “ Đây là thời kỳ thích hợp nhất để ta thành Phật.”
(2) Tiếp theo, Bồ tát suy xét về châu đảo, là nơi mà chư Phật xuất hiện. Có bốn đại châu, mỗi châu có năm trăm đảo nhỏ bao quanh. Trong bốn châu này, Nam thiện bộ châu còn được gọi là Diêm phù đề châu (Jambudīpa) vì có cây Jambu, cây táo hồng mọc lên ở đó. Bồ tát thấy rõ chỉ có châu này là nơi mà chư Phật quá khứ hằng xuất hiện.
(3) Rồi Ngài tiếp tục suy xét như vầy: “ Diêm phù đề này rất rộng lớn với kích thước mười ngàn do tuần. Chư Phật quá khứ đã xuất hiện ở đâu trong miền đất rộng lớn này?” Rồi Bồ tát trông thấy Majjhimadesa - Trung thổ, ở trong xứ Jambudīpa, là nơi thích hợp để chư Phật quá khứ xuất hiện.
(Xứ Trung thổ, Majjhimadesa có mốc ranh giới ở hướng đông là cây đại sāla nằm phía đông của thị trấn Gajaṅgala; ở hướng đông nam có con sông Sallavatī; ở hướng nam có thị trấn Setakaṇṇika; ở hướng tây có ngôi làng Bà-la-môn Thūna; ở hướng bắc có núi Usiradhaja. Xứ Trung thổ được cho là dài ba trăm do tuần, rộng hai trăm năm mươi do tuần, chu vi chín trăm do tuần. Những vùng ở bên ngoài ranh giới được gọi là biên địa (paccanta). Chư Phật Chánh Đẳng Giác, chư Độc giác Phật, hai vị Thượng thủ Thinh văn, tám mươi Đại đệ tử, các vị Chuyển luân vương, những vị Khattiya (Sát-đế- lỵ), các Bà-la-môn, các gia chủ giàu có và quyền lực chỉ sống ở vùng Trung thổ hưng thịnh này).
Xứ Trung thổ có thành Kapilavatthu, là kinh đô của một vương quốc do các vị Sakya cai trị. Bồ tát Setaketu quyết định sanh vào kinh đô vương giả ấy.
(4) Rồi Bồ tát suy xét về dòng tộc mà chư vị Bồ tát sẽ sanh vào trong kiếp chót và thấy rõ rằng: “ Chư Bồ tát quá khứ trong kiếp chót không sanh vào giai cấp thương nhân hoặc giai cấp bần cùng. Các Ngài chỉ sanh vào dòng dõi vua chúa hoặc dòng dõi Bà-la-môn, dòng dõi nào được dân chúng trong thời đó tôn vinh nhất. Vào thời kỳ mà dân chúng tỏ sự tôn quý cao nhất đến dòng dõi vua chúa thì Bồ tát tái sanh vào dòng dõi ấy. Vào thời kỳ mà dân chúng xem dòng dõi Bà-la- môn là cao nhất trong xã hội thì Bồ tát tái sanh vào dòng dõi Bà-la- môn. Trong thời hiện tại này, dân chúng tôn trọng các vị Khattiya (vua chúa) nhiều nhất, ta sẽ tái sanh vào một trong những gia đình này. Trong số những gia tộc này, thì vua Suddhodana (Tịnh phạn) của thành Kapilavatthu là con cháu trực hệ của vua Mahāsammata, là vị vua đầu tiên được tuyển chọn từ lúc khai thiên lập địa, đây là dòng dõi Khattiya thuần túy của những người Sakya (Thích ca). Vua Suddhodana thuộc dòng cao quý và thuần khiết sẽ là phụ vương của ta.”
(5) Cuối cùng Bồ tát suy xét về người mẹ trong kiếp cuối làm người của Ngài. Ngài thấy rõ: “ Mẹ của một vị Phật là người mẫu mực đoan chính và khiêm tốn. Bà không bao giờ uống rượu và các chất say. Bà là người đã gieo tạo nhiều phước báu và đã thực hành các pháp Ba-la-mật trải qua một trăm ngàn đại kiếp với chí nguyện được làm mẹ của một vị Phật. Từ lúc bà sanh ra làm người mẹ tương lai của một vị Phật, bà luôn luôn thọ trì nghiêm ngặt ngũ giới, không bị khuyết phạm. Sirī Mahāmāyā, chánh hậu của vua Suddhodana, là người có đầy đủ tất cả những đức tánh này. Như vậy chánh hậu Sirī Mahāmāyā này sẽ là mẹ của ta.” Rồi Ngài suy xét thêm về thọ mạng của hoàng hậu Sirī Mahāmāyā và thấy rằng bà chỉ sống được mười tháng bảy ngày nữa là hết tuổi thọ.
Sau khi thực hiện năm điều suy xét, Bồ tát chư thiên Setaketu quyết định: “ Ta sẽ xuống cõi nhân loại và thành Phật.” Khi đã quyết định như vậy, Bồ tát chấp thuận sự thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới: “ Hỡi chư thiên và Phạm thiên, bây giờ là lúc Ta thành Phật đúng như sự thỉnh cầu của các vị. Bây giờ các vị có thể yên tâm ra về. Ta sẽ xuống cõi nhân loại để chứng đắc Phật quả.”
Sau khi đã hứa chuẩn và nói lời từ biệt tất cả chư thiên và Phạm thiên, Bồ tát Setaketu đi vào khu vườn Nandavana có chư thiên cõi Tusitā theo hầu.
Bài nói về vườn Nandavana được nêu ra ở đây dựa vào phẩm Nandana Vagga của bộ Chú giải Sagāthā Vagga, Saṁyutta. Sở dĩ vườn chư thiên này có tên Nandavana là vì nó làm hài lòng tất cả chư thiên đến ngoạn lãm nơi đó.
Mỗi cõi của sáu cõi chư thiên dục giới đều có riêng khu vườn Nandavana. Tất cả những khu thiên lâm viên này đều đem lại niềm vui thích giống nhau dù chúng ở những cõi thấp hơn hoặc những cõi cao hơn. Tuy nhiên, chỉ có thiên lâm viên Nandavana của cõi Tāvatiṃsa (Ba mươi ba hay Tam thập Tam thiên) được mô tả đầy đủ chi tiết trong các bộ kinh.
Thiên lâm viên Nandavana là khu vườn lộng lẫy, được tô thắm rực rỡ bởi tất cả những loại kỳ hoa dị thảo, những ngôi giả ốc, những loại xe thuyền và các phương tiện vận chuyển khác, cùng tất cả mọi thú vui của cõi dục giới, đầy quyến rũ, kỳ diệu và làm nức lòng kẻ phàm trần. Đó là một hí viện thực sự, nơi lui tới của chư thiên để tiêu khiển, thưởng ngoạn những bài ca, điệu múa và những khoái lạc khác do các vũ nữ và các nhạc sĩ nhiều hạng tuổi, xinh đẹp muôn vẻ, các loại giọng, muôn hình và muôn sắc. Mỗi nhóm đều cố gắng phục vụ khách vượt trội hơn nhóm khác bằng tất cả các loại dục lạc.
Lâm viên Nandavana này được chư thiên xem là vật trang điểm vĩ đại cho trú xứ của họ do sự nguy nga tráng lệ của khu vườn, là nơi thưởng ngoạn hấp dẫn nhất và chư thiên đi vào đó để tầm cầu năm loại dục lạc - sắc khả ái, thinh khả ái, hương khả ái, vị khả ái và xúc khả ái - tất cả đều cảm thấy vui sướng và thỏa mãn.
Lâm viên Nandavana này cũng là nơi đem lại sự khuây khỏa cho chư thiên sắp chấm dứt thọ mạng. Năm điềm tướng báo hiệu sự sắp mạng chung của họ xuất hiện. Nhiều vị thiên bị sụp đổ, sầu muộn và ta thán khi phải đối diện với những điềm tướng báo hiệu sự mất mát đời sống hạnh phúc vĩnh viễn sắp xảy ra. Nhưng khi họ đã đi vào khu lâm viên đầy mê hoặc này, họ sẽ quên hết mọi sầu não, cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng và an lạc ngay.
Dù bị bất an, buồn khổ hay thất vọng bởi bất cứ điều gì, khi chư thiên bước vào khu lâm viên Nandavana thì họ bị cuốn ngay vào các khoái lạc. Như màn sương mai bỗng tan biến khi chạm phải những tia nắng của mặt trời, như ngọn đèn dầu chập chờn và tắt lịm trước luồng gió mạnh; cũng vậy những lo âu, buồn khổ của chư thiên sắp mạng chung cũng được lắng dịu. Có một câu nói bất hủ như sau : “ Ai chưa đến khu vườn Nandavana, nơi quy tụ tất cả các loại dục lạc thù thắng nhất của thế gian thì không thể hiểu được hạnh phúc thực sự của thế gian.” Đó là sự hấp dẫn của khu lâm viên Nandavana đối với tất cả những kẻ phàm phu.
Trong bài trình bày về Verañjakaṇḍa trong bộ Vinaya Sārattha Dīpanī, cuốn I, mô tả như sau: “ Khu lâm viên Nandavana của chư thiên ở cõi Tāvatiṁsa rộng sáu mươi do tuần. (Theo một số vị A-xà-lê thì nó rộng năm trăm do tuần). Khu vườn được tô điểm rực rỡ bởi một ngàn loại cây quý hiếm của cõi chư thiên.
Bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā trong bài bình giải về Tividha Buddha Khetta cũng nói rằng: “Khu vườn Nandavana nằm phía Đông của thành phố Sudassana ở cõi Tāvatiṁsa, được bao quanh bởi những dãy tường thành, những tấm màn lửa và những cổng vào hình vòng cung làm bằng bảy loại châu báu. Khu vực rộng một ngàn do tuần. Đó là khu giải trí dành cho tất cả chư thiên. Hai cái hồ xinh đẹp Mahānanda và Cūlananda, nằm giữa khu vườn Nandavana và thành phố Sudassana, mặt hồ màu xanh lá thẫm hợp với bầu trời trong sáng.”
Khi vị thiên Bồ tát Setaketu đi vào khu vườn Nandavana, nhóm chư thiên tùy tùng nam nữ thưa với Bồ tát rằng:
“ Sau khi mạng chung từ cõi chư thiên này, cầu chúc Ngài đi đến cõi hạnh phúc khác, chỗ mà chúng sanh đạt được do quả của những việc phước!”
Khi Bồ tát đang du lãm quanh khu vườn Nandavana cùng với hội chúng chư thiên, họ vừa đi vừa thỉnh Ngài nhớ đến những việc phước trong kiếp quá khứ, thì giờ phút Bồ tát mạng chung đã tới.
Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā, chánh hậu vua Suddhodana của vương quốc Kapilavatthu, hiện đang thọ hưởng các dục lạc vương giả tuyệt trần. Lúc bấy giờ bà đang qua thời kỳ trung niên của cuộc đời – majjhima vaya. (Thọ mạng của loài người lúc bấy giờ là một trăm tuổi. Như vậy tuổi của hoàng hậu Sirī Mahāmāyā vào khoảng năm mươi lăm tuổi và bốn tháng. Điều này được giải thích chi tiết trong bộ Samanta Cakkhu Dīpanī).
Vào ngày mồng chín tháng 6 (tháng Āsāḷha) năm 67, theo lịch Mahā Era, hoàng hậu Sirī Mahāmāyā được năm mươi lăm tuổi và bốn tháng. Dân chúng trong vương quốc vui mừng tổ chức lễ hội chòm sao Uttarāsāḷha - lễ hội truyền thống hằng năm. Muôn người như một đều hết mình tham gia lễ hội, người nào cũng ra sức tổ chức hội hè trội hơn người khác.
Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā cũng tham gia lễ hội, được tổ chức từ ngày mồng chín đến ngày mười bốn. Điểm đặc biệt của lễ hội là mọi người hoàn toàn kiêng rượu và thi nhau làm đẹp bằng các loại hoa, vật thơm và những vật trang sức. Vào ngày trăng tròn của tháng, hoàng hậu thức dậy lúc sáng sớm, tắm bằng nước thơm, bố thí tiền bạc và vật dụng trị giá bốn trăm ngàn đồng tiền vàng. Rồi ăn mặc, trang điểm và dùng điểm tâm với những món thượng vị nhất. Sau đó bà nhận Bát quan trai giới (từ vị thầy của bà là đạo sĩ Devila), rồi đi đến khuê phòng cực kỳ xinh đẹp. Nơi đây bà trải qua suốt ngày trên chiếc trường kỷ lộng lẫy và thọ trì Bát quan trai giới.
Vào canh cuối của đêm trăng tròn ấy, khi đang nằm trên chiếc trường kỷ lộng lẫy và thọ trì Bát quan trai giới, hoàng hậu Sirī Mahā Māyā bỗng chìm vào giấc ngủ ngắn và trải qua một giấc mộng báo hiệu sự nhập thai của Bồ tát như sau:
Bốn vị Thiên vương (Catummahārājā) đến nhấc chiếc trường kỷ và đưa hoàng hậu đến hồ Anotatta ở Himalaya. Rồi bà được đặt trên mặt một tảng đá bằng phẳng có kích thước sáu mươi do tuần, dưới bóng cây Sala cao bảy do tuần. Sau đó, bốn vị hoàng hậu của bốn vị thiên vương xuất hiện, đưa hoàng hậu Mahāmāyā xuống hồ Anotatta và tắm cho bà thật sạch sẽ. Rồi họ mặc cho hoàng hậu y phục cõi thiên và tô điểm cho bà với những đóa hoa trời xinh đẹp. Rồi họ đặt bà nằm trở lại, đầu hướng đông, trong căn phòng của tòa lâu đài vàng nằm trong ngọn núi bạc, không xa hồ Anotatta.
Ngay lúc ấy, trong giấc mơ bà trông thấy một con voi thuần trắng đang gặm cỏ quanh núi vàng, gần núi bạc nơi có tòa lâu đài bằng vàng mà bà đang nằm ngủ ở trong. Rồi con bạch tượng đi xuống từ núi vàng, bước lên núi bạc và đi vào lâu đài bằng vàng. Khi ấy con bạch tượng đi quanh hoàng hậu theo chiều kim đồng hồ, rồi đi vào thai bào của hoàng hậu từ hông bên phải.
Khi hoàng hậu đang nằm mộng như vậy, thì vị thiên Bồ tát Setaketu đang dạo quanh khu vườn Nandavana ở cõi Tusitā, đang thọ hưởng sắc thinh khả ái; và ngay lúc đó Bồ tát mạng chung từ cõi chư thiên với tâm hoàn toàn giác tỉnh. Ngài thọ sanh vào bào thai như hoa sen của mẹ bằng tâm Đại quả (mahāvipāka citta) - một trong 19 tâm tục sanh (paṭisandhi citta), kết quả của tâm đại thiện (mahākusala citta), câu hành hỉ (somanassa sahagata), tương ưng trí (ñāṇa sampayutta), vô trợ hay tự phát (asaṅkhārika) và được tạo ra bởi trạng thái chuẩn bị (parikamma bhāvanā) của thiền Tâm Từ (mettā jhāna). Sự kiện ấy xảy ra vào sáng thứ năm ngày rằm, tháng Āsāḷha năm 67, lịch Mahā Era do vua Añjana, ông nội của Bồ tát lập nên. Bồ tát thọ sanh đúng vào lúc mặt trăng giao hội với chòm sao Uttarāsāḷha.
(Năm tháng, ngày thọ sanh và đản sanh của Bồ tát được nêu ra theo đúng với cách tính trong các tác phẩm tục sự về khoa chiêm tinh và biên niên sử của các vị vua. Các bộ kinh Pāḷi, Chú giải và Phụ chú giải đều không đề cập về vấn đề này. Bộ Gotamapurāṇa cho rằng năm thứ 2570 của thời kỳ kaliyuga là năm sanh của Đức Phật Gotama).
Ngay vào lúc Bồ tát thọ sanh, đại địa chấn động dữ dội. Mười ngàn thế giới rung chuyển và chao đảo theo sáu cách sau đây:
(1) Mặt đất nổi phồng ở hướng Đông và chìm xuống ở hướng Tây.
(2) Mặt đất nổi phồng ở hướng Tây và chìm xuống ở hướng Đông.
(3) Mặt đất nổi phồng ở hướng Bắc và chìm xuống ở hướng Nam.
(4) Mặt đất nổi phồng ở hướng Nam và chìm xuống ở hướng Bắc.
(5) Mặt đất nổi phồng ở chính giữa và chìm xuống ở chung quanh.
(6) Mặt đất nổi phồng ở chung quanh và chìm xuống ở chính giữa.
Thêm nữa, cùng với sự thọ sanh của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài xuất hiện ba mươi hai hiện tượng khác thường, là thông lệ đối với chư Bồ tát trong kiếp chót. Qua các hiện tượng kỳ diệu này, các bậc trí có thể biết được rằng: “ Vị Bồ tát đã thọ sanh.” Ba mươi hai hiện tượng báo trước này được kể ra trong phần giới thiệu của Chú giải Bổn sanh như sau:
(1) Ánh sáng rực rỡ tối thắng chiếu khắp mười ngàn thế giới.
(2) Người mù được sáng mắt vào lúc ấy, tựa như họ muốn trông thấy oai lực của vị Bồ tát.
(3) Người điếc cũng nghe được vào lúc ấy.
(4) Người câm nói được vào lúc ấy.
(5) Người khuyết tật trở lại bình thường vào lúc ấy.
(6) Người què có khả năng đi được vào lúc ấy.
(7) Chúng sanh bị giam giữ, cột trói, đều thoát khỏi lao tù, xiềng xích.
(8) Lửa trong mọi địa ngục đều tắt.
(9) Những chúng sanh ở cõi ngạ quỹ đều thoát khỏi đói khát.
(10) Muôn thú thoát khỏi hiểm nguy.
(11) Tất cả chúng sanh có bệnh đều được bình phục.
(12) Chúng sanh nói lời thân ái với nhau.
(13) Loài ngựa hí vang trong niềm hân hoan.
(14) Loài voi cũng rống lên tiếng rống hay nhất của chúng.
(15) Tất cả các loại nhạc khí như đàn hạc, kèn, v.v… đều tự phát ra tiếng nhạc rộn rã.
(16) Các vật trang sức trên người chúng sanh như vòng cổ, vòng đeo tay, v.v… đều phát ra tiếng kêu thanh tao mà không cần chạm vào nhau.
(17) Tất cả mọi cảnh vật trong khắp các hướng đều trở nên thông suốt và rõ ràng.
(18) Gió thổi hiu hiu đem lại sự an bình và thoải mái cho tất cả chúng sanh.
(19) Mưa sái mùa rơi nặng hạt.
(20) Những luồng nước ngầm thoát ra khỏi lòng đất và chảy đi khắp các hướng.
(21) Trên trời không có chim bay (thời điểm đó không có chim bay trên không trung).
(22) Nước ở các con sông, suối đều ngưng chảy “ như người hầu sợ hãi ngưng di chuyển khi nghe tiếng la của ông chủ.”
(23) Nước mặn ở dưới biển vào lúc ấy trở nên ngọt.
(24) Mặt sông hồ ở khắp nơi đều được phủ đầy năm loại hoa sen ba màu.
(25) Tất cả các loại hoa ở dưới nước và trên đất đồng loạt nở rộ vào lúc ấy.
(26) Hoa ở trên thân cây (khandha paduma) nở thắm tuyệt đẹp.
(27) Hoa ở trên cành (sākhā paduma) cũng nở thắm tuyệt đẹp.
(28) Hoa ở trên các dây leo (latā paduma) cũng nở thắm tuyệt đẹp.
(29) Những cụm hoa (daṇḍa paduma) hiện lên từ những tảng đá lớn và nở ra đủ bảy tầng.
(30) Hoa sen của chư thiên rơi từng chùm xuống mặt đất.
(31) Mưa hoa rơi xuống liên tục khắp vùng.
(32) Các nhạc cụ chư thiên tự nhiên trỗi nhạc.
Trong chương nói về lịch sử của hai mươi bốn vị Phật, mỗi vị Phật lúc thọ sanh vào lòng mẹ trong kiếp chót của các Ngài đều có xảy ra ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu này.
Khi hoàng hậu Sirī Mahāmāyā thức dậy, bà kể lại giấc mộng của bà với vua Suddhodana.
Sáng hôm sau vua Suddhodana cho triệu tập sáu mươi bốn vị Bà-la-môn thông thái bậc thầy, mời họ ngồi trên những chỗ ngồi đã được sửa soạn dành cho những bậc cao quí và trên nền đất đã được trát phân bò bằng phẳng và mặt trên có rải bánh tráng, hột nổ và những thứ khác để tỏ dấu hiệu tôn kính. Đức vua cũng dâng cúng đến các vị Bà-la-môn món cơm sữa được nấu bằng sữa tươi , mật ong và đường đựng trong những cái tô bằng vàng có nắp đậy bằng vàng và bạc. Đức vua còn tặng cho họ những bộ y phục mới, những con bò sữa, và những hình thức tôn kính khác để làm cho họ thỏa mãn và hài lòng.
Sau khi đã thết đãi các vị Bà-la-môn và tôn kính họ khiến họ được vui vẻ thỏa mãn, đức vua Suddhodana cho người kể lại giấc mộng của hoàng hậu rồi hỏi họ rằng: “ Giấc mộng như vậy báo điềm gì? Hên hay xui? Hãy giải thích cho trẫm rõ.”
Sau khi đã phân tích tỉ mỉ những chi tiết của giấc mộng, các vị Bà-la-môn tâu rằng: “ Tâu đại vương, hãy yên tâm. Hoàng hậu đã có thai. Bệ hạ chắc chắn sẽ có một người con trai. Nếu khi lớn lên hoàng tử chọn cuộc đời đế vương thì hoàng tử chắc chắn sẽ trở thành vua Chuyển luân trị vì khắp bốn châu thiên hạ. Nếu hoàng tử từ bỏ đời sống gia đình, xuất gia làm Sa-môn, thì chắc chắn sẽ trở thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác, phá tan mọi phiền não trong tam giới.”
Từ lúc Bồ tát thọ sanh, vị thiên vương (Catumahārājā), tên Vessavana và những vị khác sống trong cõi sa bà này, đến phòng của hoàng hậu Sirī Mahāmāyā và liên tục bảo vệ ngày đêm. Mỗi vị cầm một cây đại đao để trấn giữ, ngăn chặn các loài dạ xoa và Atula, các loại chim thần và thú thần mà Bồ tát và hoàng hậu có thể nghe hoặc thấy. Bằng cách này, bốn chục ngàn vị thiên vương trong mười ngàn thế giới, canh giữ toàn thể không gian từ những cánh cửa phòng của hoàng hậu đến tận cùng của thế giới, đuổi đi các loài quỉ dữ, các loài dạ xoa, v.v...
Bảo vệ như vậy không phải vì e ngại ai đó làm hại đến tính mạng của Bồ tát và hoàng hậu; dù mười trăm ngàn triệu Ma-vương đem mười trăm ngàn triệu quả núi Tu-di (Meru) để đe dọa mạng sống của Bồ tát trong kiếp chót và mẹ của ngài, chắc chắn tất cả sẽ bị tiêu diệt, Bồ tát và mẹ của ngài sẽ bình an, vô hại.
Sự bảo vệ chỉ là phòng ngừa những cảnh và âm thanh trái ý, không vừa lòng có thể gây ra sự lo lắng và sợ hãi cho hoàng hậu. Một lý do khác, các vị thiên vương bảo vệ Bồ tát vì oai lực của Ngài làm khởi dậy sự tôn kính và ngưỡng mộ trong họ.
Một câu hỏi có thể được đặt ra là liệu các vị thiên vương đến bảo vệ hai mẹ con của Bồ tát, họ có hiện hình cho bà trông thấy không? Câu trả lời là họ không hiện ra khi bà đang tắm, làm sạch thân thể, đang mặc y phục và đang độ thực. Họ chỉ hiện ra cho bà thấy khi bà đi vào phòng và nằm trên chiếc trường kỹ quí báu.
Hình ảnh của các vị thiên vương có thể làm cho người bình thường phải sợ hãi; nhưng do oai đức của Bồ tát và hoàng hậu, bà không chút sợ hãi khi thấy họ. Bà thấy họ như thấy các dũng sĩ hoàng cung quen thuộc.
Mẫu thân của Bồ tát trong kiếp cuối của Ngài luôn thọ trì giới rất trong sạch. Trước khi Đức Phật xuất hiện, dân chúng thường thọ trì giới từ những vị du sĩ bằng cách thành kính quỳ lạy họ. Hoàng hậu Sirī Mahāmāyā trước khi thọ thai Bồ tát, cũng thường thọ giới từ ẩn sĩ Kāḷadevila. Nhưng khi Bồ tát bắt đầu thọ sanh trong bào thai của bà thì việc bà quỳ lạy bất cứ ai không còn thích hợp nữa. Giới chỉ được thọ trì từ người có giới ngang bằng hoặc cao hơn, không phải người có giới thấp hơn. Từ lúc thọ thai Bồ tát, hoàng hậu tự mình thọ giới. Điều cần lưu ý, ở đây là giới tự nhiên phát sanh trong người của hoàng hậu Sirī Mahāmāyā nên bà không cần phải xin giới từ đạo sĩ Kāḷadevila.
Mẹ của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài, từ lúc bà mang thai hoàn toàn không có dục tâm đối với bất cứ người đàn ông nào, ngay cả đối với cha của Bồ tát. Bản tánh tự nhiên của bà trong giai đoạn ấy là hoàn toàn trong sạch, vô nhiễm. Ngược lại, không thể nói rằng những kẻ phàm phu không sanh khởi dục tâm khi trông thấy sắc tướng của bà. Do oai đức của các pháp Ba-la-mật và các việc phước mà hoàng hậu đã tích lũy trong nhiều đời nhiều kiếp, bà có sắc đẹp siêu phàm, dung mạo tao nhã mà không một họa sĩ tài ba hay một điêu khắc gia lão luyện nào có thể vẽ hoặc tạc lại hình ảnh của bà một cách trung thực và chính xác.
Khi trông thấy hoàng hậu như vậy, nếu kẻ nhìn ngắm cảm thấy chưa thỏa mãn, hoặc nếu họ cố gắng đến gần bà do sự thôi thúc của ái dục, thì chân của họ sẽ bị chôn chặt tại chỗ, tựa như họ bị trói xiềng bởi những sợi xích sắt. Do đó, cần ghi nhớ rằng, mẹ của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài là một trang thục nữ cao quý, có một không hai, không thể bị xâm phạm bởi bất cứ ai dù là người hay chư thiên.
Bào thai kiết tường nơi Bồ tát ngự, thiêng liêng như bảo tháp mà không một ai khác xứng đáng ở trong đó. Ngoài ra, khi mẹ của Bồ tát còn sống thì không có người phụ nữ nào khác, ngoài chính bà có thể được tôn phong địa vị cao nhất là chánh hậu. Do đó, bảy ngày sau khi hạ sanh Bồ tát thì quy luật tự nhiên là hoàng hậu sẽ tái sanh vào cõi Tusitā (Đâu-suất-đà). Bào thai giống như hoa sen của hoàng hậu Mahāmāyā, nơi Bồ tát ngự tựa như chứa đầy những viên kim cương lấp lánh.
Hay tin tốt lành rằng chánh hậu Mahāmāyā của vua Suddhodana, bậc trị vì vương quốc Kapilavatthu, đã thọ thai một hoàng tử có đầy oai lực, các vị vua khắp nơi xa gần đều gởi đến những món quà tặng có giá trị nhất như vải vóc, vật trang sức, dụng cụ âm nhạc, v.v... có thể làm Bồ tát hoan hỉ. Do quả phước của Bồ tát và mẹ của ngài trong những kiếp quá khứ, những lễ vật đến từ khắp nơi nhiều không kể xiết.
Tuy hoàng hậu Mahā Māyā mang thai Bồ tát nhưng bà không bị khổ như những phụ nữ mang thai khác như chân tay bị sưng phồng, đau đớn, nặng nề, v.v... Do không bị những sự khó chịu này, bà dễ dàng vượt qua được thời kỳ thai nghén đầu tiên. Đến thời kỳ thứ hai, khi phôi thai hình thành đầy đủ năm phần chính của con người, bà thường ngắm nhìn đứa bé để xem liệu có đang ở vị trí thuận tiện, thích hợp và nếu không, thì có những phương thức chăm sóc đặc biệt theo cách của những người mẹ. Bất cứ khi nào ngắm nhìn, bà đều thấy rõ Bồ tát như sợi chỉ ngũ sắc xuyên qua viên ngọc tám cạnh, xinh đẹp và trong suốt; hoặc bà thấy Ngài đang ngồi kiết già trầm tịnh tựa vào xương sống của người mẹ, như vị pháp sư ngồi trên pháp tòa tựa vào lưng ghế.
Sở dĩ hoàng hậu Mahāmāyā từ bên ngoài có thể nhìn thấy được người con đang ở trong bào thai như hoa sen là do oai đức của các việc phước mà bà đã thực hiện trong nhiều kiếp quá khứ. Da sạch sẽ và láng mịn khác thường, không chút tỳ vết. Da ở vùng bụng của bà cũng sạch sẽ, láng mịn và trong suốt như tấm kính. Như vậy mẹ của Bồ tát có thể thấy thai nhi bằng mắt thường của bà xuyên qua lớp da mỏng trên bụng như món bảo vật đựng trong cái hộp bằng pha lê.
Chú ý: Dù hoàng hậu Mahāmāyā có thể trông thấy đứa con trong bụng của bà nhưng người con, Bồ tát thì không thể trông thấy mẹ của mình vì nhãn thức của Ngài (cakkhuviññāṇa) chưa phát triển đầy đủ trong khi còn ở trong bụng mẹ.
Tất cả những phụ nữ thường sanh con sau hoặc trước mười tháng mang thai, họ không biết chính xác thời gian mà đứa bé sẽ sanh ra. Việc sanh con của họ xảy ra bất chừng khi họ đang ở một trong bốn tư thế: một số sanh con khi đang nằm, số khác thì ngồi, đứng hoặc đang đi.
Tuy nhiên, mẹ của Bồ tát trong kiếp chót của Ngài thì hoàn toàn khác. Bồ tát sanh ra khi mẹ đang trong tư thế đứng. Khi ra đời như vậy, thân của Ngài sạch sẽ tinh khiết, không một chút cấu uế, như viên hồng ngọc được đặt trên tấm vải lụa kāsi mới dệt.
Đứa bé bình thường khi ra đời phải trải qua nhiều đau đớn. Người mẹ khi bắt đầu chuyển bụng thì một số biến cố lần lượt xảy ra: đứa bé bị quay ngược lại, đầu trút xuống dưới và bị tống ra qua một đường khe hẹp, cứng, chịu nhiều đau đớn cùng cực, giống như một người đang rơi xuống hố thẳm hay một con voi bị kéo ra qua lỗ khóa.
Việc ra đời của Bồ tát thì không như vậy, Ngài sanh ra dễ dàng như nước chảy qua cái lọc nước; như vị pháp sư từ tốn và khoan thai đi xuống pháp tòa sau khi thuyết pháp xong; như người chầm chậm đi xuống bậc cấp của bảo tháp; như mặt trời với hàng ngàn tia sáng từ từ nhô lên khỏi ngọn núi vàng; Bồ tát ung dung, tự tại đi ra với chân duỗi thẳng, bàn tay mở ra, mắt mở rộng, chánh niệm và tỉnh giác, hoàn toàn không chút sợ hãi.
Khi hoàng hậu Mahāmāyā mang thai đến giai đoạn cuối, cưu mang Bồ tát suốt mười tháng trong bào thai giống như hoa sen, tựa như bà đang mang một bát dầu, bà cảm thấy muốn đến thành phố Devadaha để viếng thăm quyến thuộc hoàng gia của bà. Bà thỉnh cầu vua Suddhodana rằng: “ Tâu bệ hạ, thiếp muốn về thăm quyến thuộc ở Devadaha.”
Đức vua Suddhodana chấp thuận và truyền lịnh sửa soạn mọi thứ cho chuyến đi của hoàng hậu. Toàn bộ con đường từ Kapilavatthu đến Devadaha được sửa sang bằng phẳng, những cây chuối, những cây cau rừng, những cái chum đựng đầy nước được đặt hai bên đường, cờ xí cũng được treo dọc theo đường. Sau khi đã trang hoàng con đường giống như cõi chư thiên, đức vua cho đặt hoàng hậu ngồi trên chiếc kiệu vàng có một ngàn người khiêng, những vệ sĩ và những nữ hầu cũng đi theo để làm các phận sự cần thiết. Trong sự lộng lẫy và huy hoàng như vậy, hoàng hậu được tiễn về Devadaha.
(Bài mô tả về chuyến đi của hoàng hậu Mahāmāyā từ Kapilavatthu đến Devadaha được nêu ra trong phần Anudīpanī).
Giữa hai kinh đô Kapilavatthu và Devadaha có vườn cây sāla tên là vườn Lumbinī, là nơi thưởng lãm của dân chúng ở cả hai vương quốc. Khi hoàng hậu Mahāmāyā đến đó thì tất cả cây sāla trong vườn đều nở hoa từ gốc tới ngọn.
Giữa những bông hoa và những tán lá của cây sāla có những đàn ong đủ năm sắc màu kêu vo ve vui nhộn và đàn chim đủ loại cất tiếng hót tạo ra những âm thanh tưng bừng, rộn rã. Toàn thể rừng cây sāla khả ái, khả lạc bởi những nét riêng biệt, ví như khu vườn Cittalatā của Đế Thích thiên vương. Nó giống như nơi thường xuyên có những tiếng chào hỏi qua lại và những tiếng cười vui vẻ trong một buổi tiệc do một vị vua hùng mạnh tổ chức. (Đây là bài mô tả về khu vườn được nêu ra trong Chú giải Bổn sanh kinh).
Do những âm thanh rộn rã phát ra từ những cô ong cái đang lượn trên những chồi non và những bông hoa, những nhánh cây và những tán lá; chúng bị kích thích bởi chất mật say tiết ra từ những bông hoa sāla thơm ngát. Lumbinī quả thật giống như vườn Nandavana của chư thiên.
Đại đức Buddhadatta, tác giả của bộ Chú giải Buddhavaṃsa có bài kệ sau đây để tán dương khu vườn Lumbinī:
Vibhūsitā bālajanāticālinī, Vibhūsitaṅgī vaniteva mālinī
Sadā janānaṃ nayanālimālinī Vilumpinīvātiviroci lumbinī.
“Giống như một thiếu nữ có thể làm say đắm tất cả những người nam, người của nàng đầy những chuỗi ngọc, những chiếc vòng tai, và điểm xuyến với những bông hoa cực kỳ xinh đẹp. Khu vườn Lumbinī cũng vậy, với những nét tô điểm, nó là nơi lui tới ưa thích của mọi người, vui thích thưởng ngoạn bằng đôi mắt say mê của loài ong với những bông hoa hương sắc tựa như cô tiểu thư khuê các cực kỳ xinh đẹp.”
Trông thấy vườn Lumbinī rực rỡ, khả ái như vậy, hoàng hậu Mahā-māyā muốn vào vui chơi trong đó. Được sự cho phép của vua Suddhodana, các quan và tùy tùng đưa hoàng hậu đi vào khu vườn trên chiếc kiệu vàng.
Lúc hoàng hậu Mahāmāyā đi vào khu vườn Lumbinī, thì tất cả chư thiên công bố vang rền khắp mười ngàn thế giới: “ Ngày hôm nay Bồ tát sẽ ra đời.” Chư thiên và Phạm thiên từ khắp mười ngàn thế giới cu hội lại, tập hợp toàn thể vũ trụ này. Họ đem theo nhiều loại châu báu làm quà cúng dường để tỏ sự tôn kính nhân ngày đản sanh của Bồ tát. Khắp bầu trời được che phủ bằng những cái lọng trắng của chư thiên và toàn thể thế giới vang dội những bài ca kiết tường, nhạc trời và những tiếng tù và.
Khi hoàng hậu Mahāmāyā vừa đi vào vườn Lumbinī, bà bỗng khởi lên ước muốn đầy thôi thúc là nắm lấy nhánh cây sāla đang ra hoa rực rỡ. Tựa như biết được ước muốn của bà, thân cây sāla tròn và thẳng đứng bỗng cong xuống như cây mía và từ từ hạ xuống ngang tầm tay của hoàng hậu. Quả là một hiện tượng phi thường, làm động tâm nhiều người.
Hoàng hậu Mahāmāyā nắm lấy cành cây sāla đang oằn xuống với cánh tay duỗi thẳng được trang sức những vòng tay bằng vàng óng ánh, ngón tay của bà thon nhỏ như cọng sen, móng tay đỏ óng ả như màu đỏ của mỏ của con chim két. Sắc đẹp kiều diễm của hoàng hậu Mahāmāyā lúc ấy như mặt trăng vừa ra khỏi đám mây đen hoặc như tia chớp chiếu sáng hay như nàng tiên nữ xinh đẹp xuất hiện ở vườn Nandavana.
Khi đang vịn vào nhánh cây sāla, hoàng hậu Mahāmāyā đứng uy nghi, trong chiếc áo gấm trắng phủ xuống gót chân, thêu những mẫu chỉ vàng rất xinh đẹp, giống như mắt con cá chép. Ngay khi ấy, bà cảm thấy có những dấu hiệu sắp sanh. Tùy tùng của bà vội vã dựng lên một hàng rào cách ly bằng những tấm màng và rồi họ rút lui.
Lập tức mười ngàn thế giới cùng đại dương gầm thét, chao đảo và rung chuyển giống như bánh xe của người thợ gốm. Chư thiên và Phạm thiên đồng thanh reo mừng và tung rải những nắm hoa trời; tất cả các loại nhạc khí đều tự nhiên phát ra những âm thanh kỳ diệu. Toàn thể thế giới trở nên thông suốt khắp các hướng, không bị ngăn che. Tất cả ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu đồng loạt xảy ra để báo hiệu sự đản sanh của Bồ tát. Như vật báu ra khỏi ngọn núi Vipulla và bay lượn trên không trung rồi từ từ đáp xuống nơi được đặt sẵn; Bồ tát cũng vậy, với ba mươi hai hảo tướng và tám mươi tướng phụ trên người, Ngài ra khỏi bào thai hoa sen như bảo tháp của hoàng hậu Mahāmāyā với thân sạch sẽ và tinh khiết vào ngày rằm của tháng Vesākha - ngày mặt trăng giao hội với chòm sao Visākha.
Lúc Bồ tát đản sanh, hai cột nước thuần khiết ấm mát từ trên hư không chảy xuống, tưới lên cơ thể sạch sẽ và tinh khiết của Bồ tát và mẹ của Ngài như một dấu hiệu tôn kính. Do vậy Bồ tát và hoàng hậu có thể thích nghi với việc nóng và lạnh trong cơ thể.
Bốn vị đại Phạm thiên (Brahmā), những bậc đã xa lìa phiền não dục, đầu tiên đón nhận Bồ tát trong một tấm lưới vàng vào lúc Ngài sanh ra. Rồi họ đặt Ngài trước mặt người mẹ và nói rằng: “ Thưa hoàng hậu tôn kính, hãy vui sướng lên. Một đứa con trai có đại uy lực đã sanh đến cho bà!”
Tiếp theo, bốn vị đại Thiên vương đón nhận Bồ tát từ tay của bốn vị Phạm thiên bằng tấm da màu đen của con sơn dương, được xem là vật may mắn. Tiếp theo, loài người tiếp nhận Bồ tát từ tay của bốn vị Thiên vương bằng tấm vải trắng.
Sau khi rời khỏi tay của loài người, Bồ tát đứng vững chắc trên đôi bàn chân của Ngài, lòng bàn chân xinh đẹp như đế của đôi giày vàng. Khi đứng vững chải trên mặt đất như vậy, Ngài nhìn về hướng đông. Khi Bồ tát nhìn về hướng đông như vậy thì hàng ngàn thế giới ở hướng đông trở thành một khoảng không trải dài liên tục, không có sự ngăn che giữa thế giới này với thế giới khác. Chư thiên và nhân loại ở khu vực phía đông bày tỏ sự tôn kính tột bậc đến Bồ tát bằng những vật thơm, các loại hoa, v.v… và nói rằng: “ Thưa Bậc cao nhân hiền thánh, ở hướng đông này không một ai ngang bằng Ngài. Làm sao có thể có được bậc cao quí hơn Ngài ?”
Tương tự, Bồ tát nhìn về các hướng còn lại trong mười phương. Bốn hướng chính, bốn hướng phụ, hướng trên và hướng dưới - lần lượt từng hướng một, Ngài thấy không một ai ngang bằng Ngài trong tất cả những hướng này. Ngài xoay mặt về hướng bắc và từ chỗ đứng, Ngài bước đi bảy bước về phía trước.
Khi Bồ tát bước đi, Đại phạm thiên (Mahā Brahmā), vua của các vị Phạm thiên theo hầu, tay cầm cái lọng trắng; một vị thiên là chúa tể cõi Suyāma theo hầu, tay cầm cái phất trần bằng lông đuôi của con bò Tây tạng. Những vị thiên khác tay cầm những biểu tượng của vua như đôi hia, bảo kiếm và vương miện cũng theo hầu Bồ tát. Loài người lúc ấy không thể trông thấy chư thiên này, họ chỉ có thể trông thấy các biểu tượng của vua mà thôi.
Khi Bồ tát bước đi, Ngài thực sự bước đi trên đất, nhưng loài người thì trông thấy Ngài dường như lướt đi trên hư không. Bồ tát bước đi với thân ‘tự nhiên’ không y phục của một đứa bé mới sanh, nhưng đối với loài người thì Ngài bước đi với y phục đầy đủ. Bồ tát bước đi với hình hài của một đứa bé mới sanh, nhưng loài người lại trông thấy Ngài là một thanh niên tuấn tú ở tuổi mười sáu.
(Những điều được kể ra ở đây liên quan đến việc bước đi bảy bước về hướng bắc của Bồ tát theo các bài Chú giải về Buddhavaṃsa, Sutta Mahāvagga và bộ Jātaka. Ở chương Vijāta Maṅgala của bộ Jinālaṅkāra thì sự đản sanh của Bồ tát được kể lại có phần chi tiết hơn như sau)
Trong khi Bồ tát bước đi thì Đại phạm thiên theo hầu, tay cầm cái lọng trắng rộng ba do tuần để che cho Ngài, các vị Đại phạm thiên còn lại từ khắp mười ngàn thế giới cũng làm như vậy. Như vậy toàn thể thế giới được che phủ bằng những cái lọng trắng, giống như những tràng hoa được kết bằng những bông hoa màu trắng.
Mười ngàn vị thiên vương Dạ-ma (Suyāma) sống trong mười ngàn thế giới, cầm những cái phất trần bằng lông đuôi của con bò Tây tạng. Mười ngàn vị thiên vương Đâu-suất-đà (Santusita) của những thế giới ấy cầm những cái quạt tròn, có cẩn hồng ngọc. Tất cả đều phe phẩy những cái phất trần và những cái quạt trải dài đến những chân núi của tận cùng thế giới. Tương tự, mười ngàn vị Đế thích thiên vương (Sakka) sống trong mười ngàn thế giới đang đứng thổi những chiếc tù và.
Tất cả chư thiên khác cũng làm theo cách như thế, một số thì cầm những bông hoa bằng vàng; số khác thì cầm những bông hoa tự nhiên hoặc những bông hoa bằng pha lê lấp lánh (như thủy tinh); một số cầm những cái phất trần và cờ xí; số khác thì cầm những vật cúng dường có cẩn ngọc. Các tiên nữ tay cầm nhiều loại lễ vật khác nhau cũng đứng đầy cả thế gian.
Khi cảnh tượng tôn kính đang diễn ra, các nhạc khí của chư thiên và nhân loại đang được tấu lên và các tiên nữ đang vui mừng múa hát thì Bồ tát dừng lại sau khi đi bảy bước về hướng bắc. Vào lúc ấy, tất cả Phạm thiên, chư thiên và nhân loại đều giữ yên lặng chờ đợi với ý nghĩ rằng: “ Bồ tát sắp nói ra điều gì đây ?”
Bồ tát dừng lại sau khi đi bảy bước về hướng bắc, ngài thốt lên kệ ngôn vô uý vang khắp cả mười ngàn thế giới:
(a) “ Aggo’ haṁ asmi lokassa !
Ta là bậc Tối thượng trong chúng sanh khắp ba cõi !
(b) “ Jeṭṭho’ haṁ asmi lokassa !”
Ta là bậc Vĩ đại nhất trong chúng sanh khắp ba cõi!
(c) “Seṭṭho’ haṁ asmi lokassa !”
Ta là bậc Tối thắng trong chúng sanh khắp ba cõi !
(d) “ Ayaṁ antimā jāti !”
Kiếp này là kiếp chót của ta !
(e) “ Natthi dāni punabbhavo !”
Sau kiếp này không còn kiếp nào khác nữa !
Khi Bồ tát nói lời vô úy này thì không ai có thể thách thức hay đối địch với Ngài, toàn thể Phạm thiên, chư thiên và nhân loại đều bày tỏ sự tôn kính tán dương.
Những hành động phi thường diễn ra vào lúc Bồ tát đản sanh, mỗi hành động là một điềm tướng và ý nghĩa của các điềm tướng ấy được giải thích như sau:
(1) Bồ tát đứng vững chắc bằng đôi chân trên mặt đất là điềm tướng cho thấy tương lai Ngài sẽ chứng đắc Tứ thần túc (iddhipāda)
(2) Bồ tát quay mặt về hướng bắc là điềm tướng báo hiệu Ngài sẽ là bậc tối thượng hơn tất cả chúng sanh.
(3) Bồ tát đi bảy bước là điềm tướng báo hiệu Ngài sẽ chứng đắc Thất giác chi.
(4) Cái lọng trắng che mát cho Bồ tát là điềm tướng báo hiệu Ngài sẽ chứng đắc thánh quả A-la-hán.
(5) Bồ tát có được năm biểu tượng thuộc vương quyền là điềm tướng báo hiệu Ngài sẽ chứng đắc năm loại Giải thoát (Vimutti): Giải thoát qua sự thực hành các việc phước trong cõi dục - Nhất thời giải thoát (Tadaṅga vimutti); Giải thoát do sự chứng đắc các tầng thiền - Trấn phục giải thoát (Vikkhambhana vimutti); Giải thoát do sự chứng đắc các Đạo – Chánh đoạn giải thoát (Samuccheda vimutti); Giải thoát do sự chứng đắc các quả - Chỉ diệt giải thoát (Paṭippassaddhi vimutti); Giải thoát do sự chứng đắc Niết bàn - Xuất ly giải thoát (Nissaraṇa vimutti).
(6) Bồ tát nhìn thấu suốt khắp mười phương mà không bị ngăn ngại, là điềm tướng báo hiệu tương lai Ngài sẽ chứng đắc Vô chướng trí (Anāvaraṇa ñāṇa)
(7) Bồ tát nói lời vô úy “Ta là bậc Tối thượng, bậc Vĩ đại nhất và bậc Tối thắng!” là điềm tướng báo hiệu tương lai Ngài sẽ quay bánh xe chánh pháp mà không có vị Phạm thiên, chư thiên hay nhân loại nào có khả năng ngăn cản sự luân chuyển của nó.
(8) Vô úy ngôn của Bồ tát: “ Đây là kiếp cuối cùng của ta ! Đối với ta không còn kiếp nào khác nữa!” là điềm tướng báo hiệu tương lai Ngài sẽ chứng đắc vô dư Niết bàn (anupādisesa).
Bồ tát đã từng nói được ngay sau khi ra đời, không chỉ trong kiếp chót làm thái tử Siddhattha, mà trong kiếp sanh làm Mahosadha bậc trí và kiếp sanh làm vua Vessantara. Do đó, có ba kiếp mà Bồ tát đã nói được ngay sau khi sanh ra.
Lượt giải :
(1) Trong kiếp sanh làm bậc trí Mahosadha, Bồ tát ra khỏi lòng mẹ tay cầm miếng gỗ đàn hương do Đế thích đặt vào. Người mẹ thấy miếng gỗ trong lòng bàn tay của đứa con mới sanh, bèn hỏi rằng: “ Này con yêu, con cầm cái gì trong tay vậy?” Bồ tát liền trả lời: “ Thưa mẹ, đây là thuốc chữa bệnh.”
Ngay tức thì đứa bé được đặt tên là Osadha Kumāra, nghĩa là “Cậu bé có thuốc trị bịnh.” Thuốc trị bịnh ấy được cất giữ cẩn thận trong một cái lọ. Các bệnh nhân với tất cả các loại bệnh, như mù, điếc, v.v... đều được chữa khỏi bằng thuốc ấy. Người đầu tiên được chữa khỏi là cha của Bồ tát, trưởng giả Sirivaddhana, ông bị chứng nhức đầu. Do thuốc chữa bệnh có tác dụng hiệu quả nên chàng trai trẻ được dân chúng tôn danh là Mahosadha, Dược vương Bồ tát.
(2) Trong kiếp sanh làm vua Vessantara; vào lúc mới ra đời Bồ tát mở rộng bàn tay phải và nói rằng: “ Thưa mẹ, trong cung vàng mẹ có gì cho con để con bố thí không?” Người mẹ trả lời: “ Này hoàng nhi yêu dấu, con đã sanh vào hoàng cung, nơi đây có nhiều của cải để con tha hồ bố thí.” Rồi người mẹ đặt một túi tiền đựng một ngàn đồng tiền vàng vào bàn tay con. Như vậy, Bồ tát cũng nói được ngay sau khi sanh ra trong kiếp làm vua Vessantara.
(3) Như đã kể trên, trong kiếp chót sanh làm thái tử Siddhattha, Bồ tát đã nói lời vô uý ngay khi Ngài vừa mới sanh ra.
Vào lúc đản sanh của Bồ tát, những hiện tượng kỳ diệu đã xảy ra rõ ràng. Những hiện tượng này và điềm báo của chúng được giải thích dưới đây theo đúng với bài kinh Mahāpadāna và các bài Chú giải của bộ Buddhavaṃsa.
(1) Vào lúc đản sanh của Bồ tát, mười ngàn thế giới chấn động. Đây là điềm báo sự chứng đắc Nhất thiết trí của Ngài.
(2) Chư thiên và Phạm thiên trong mười ngàn thế giới cu hội lại trong vũ trụ này. Đây là điềm báo sự cu hội của chư thiên và Phạm thiên để nghe Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân.
(3) Phạm thiên và chư thiên đầu tiên tiếp nhận Bồ tát vào lúc Ngài mới đản sanh. Đây là điềm báo Ngài sẽ chứng đắc bốn tầng thiền Sắc giới (Rūpāvacara-jhāna).
(4) Nhân loại đón nhận Bồ tát từ tay của Phạm thiên và chư thiên. Đây là điềm báo ngài sẽ chứng đắc bốn tầng thiền Vô sắc giới (Arūpāvacara-jhāna).
(5) Các loại đàn dây tự nhiên phát ra tiếng nhạc. Đây là điềm báo Ngài sẽ chứng đắc Cửu thứ đệ định (Anupubba vihāra samāpatti) gồm có tứ thiền Hữu sắc (Rūpāvacara-samāpatti), tứ thiền Vô sắc ( Arūpāvacara-samāpatti), và Diệt thọ tưởng định (Nirodha-samāpatti).
(6) Những loại nhạc cụ bằng da, trống lớn và trống nhỏ cũng tự nhiên phát ra tiếng nhạc. Đây là điềm báo Đức Phật sẽ gióng lên tiếng trống bất tử để nhân loại và chư thiên cùng nghe.
(7) Nhà tù, trại giam và các gông xiềng trói buộc con người đều tự nhiên vỡ ra từng mảnh. Đây là điềm báo Ngài sẽ đoạn diệt hoàn toàn ngã kiến về ‘cái ta’.
(8) Tất cả các loại bệnh đều biến mất khỏi người bệnh, như bụi bám trên những vật bằng đồng được chùi rữa bằng acid. Đây là điềm báo nhân loại sẽ chứng đắc Tứ Thánh Đế, đoạn diệt luân hồi khổ.
(9) Người mù bẩm sinh có thể nhìn thấy mọi hình mọi sắc như người bình thường. Đây là điềm báo nhân loại sẽ được chứng đắc Thiên nhãn (Dibbacakkhu).
(10) Người điếc bẩm sanh nghe được mọi âm thanh như người bình thường. Đây là điềm báo nhân loại sẽ được chứng đắc Thiên nhĩ (Dibbasota).
(11) Người què có được đôi chân bình thường và có thể đi lại như mọi người. Đây là điềm báo sự chứng đắc Tứ thần túc (Iddhipāda).
(12) Người câm bẩm sinh có được sự ghi nhớ và có thể nói được. Đây là điềm báo sự hoạch đắc Tứ niệm xứ (Satipaṭṭhāna).
(13) Những chiếc thuyền đang trôi dạt mất định hướng ngoài biển cả đều trở về cảng một cách an toàn. Đây là điềm báo sự chứng đắc Tứ Vô ngại giải trí (Patisaṃbhidā-ñāṇa).
(14) Tất cả các loại ngọc quí ở cõi chư thiên và nhân loại đều phát sáng lấp lánh. Đây là điềm báo sự hoạch đắc ánh sáng của chánh pháp, oai lực sáng chói của Đức Phật, Bậc tỏa chiếu ánh sáng của chánh pháp đến những ai muốn lãnh hội nó.
(15) Pháp bác ái tỏa rộng trong tất cả chúng sanh đang thù nghịch lẫn nhau. Đây là điềm báo sự chứng đắc Tứ Vô lượng tâm (Brahmavihāra).
(16) Những ngọn lửa địa ngục đều lịm tắt. Đây là điềm báo sự chấm dứt mười một loại lửa như tham, sân, v.v...
(17) Ánh sáng xuất hiện trong địa ngục Lokantarika, nơi thường xuyên tối tăm. Đây là điềm báo về khả năng diệt trừ bóng tối của vô minh và sự tỏa sáng của trí tuệ.
(18) Nước sông thường xuyên lưu chuyển bỗng ngưng chảy. Đây là điềm báo sự hoạch đắc Tứ Vô úy trí (Catuvesārajja ñāṇa).
(19) Tất cả các nước trong đại dương đều chuyển qua vị ngọt. Đây là điềm báo sự hoạch đắc hương vị ngọt ngào độc nhất của sự an lạc do chấm dứt các phiền não.
(20) Thay vào những cơn cuồng phong bảo táp, những luồng gió nhẹ thổi qua mát mẻ và dễ chịu. Đây là điềm báo sự biến mất sáu mươi hai loại tà kiến.
(21) Tất cả các loại chim đang bay trên không trung, hay đang đậu trên các ngọn cây hoặc ở trên núi đều bay xuống đậu dưới mặt đất. Đây là điềm báo nhân loại sẽ quy Tam bảo suốt đời sau khi nghe pháp của Đức Phật.
(22) Mặt trăng chiếu sáng hơn bình thường. Đây là điềm báo trạng thái hân hoan của nhân loại.
(23) Mặt trời có sức nóng vừa phải và hào quang tươi sáng tạo ra khí hậu ôn hòa. Đây là điềm báo nhân loại sẽ được an lạc về thân lẫn tâm.
(24) Chư thiên đứng ở ngưỡng cửa trước lâu đài của họ, vỗ tay, huýt sáo và vui mừng tung vẫy y áo của họ. Đây là điềm báo sự chứng đắc đạo quả Phật Chánh biến tri của Đức Phật và ngâm lên bài kệ khải hoàn.
(25) Mưa đổ xối xả xuống khắp bốn châu. Đây là điềm báo sẽ có cơn mưa của pháp bất tử rưới xuống chúng sanh do sức mạnh vĩ đại của trí tuệ.
(26) Tất cả chúng sanh đều không thấy đói. Đây là điềm báo họ sẽ chứng đắc pháp Bất tử bằng pháp Niệm thân (kāyagatāsati) mà trong đó thân là đề mục của niệm, hay sự thoát khỏi cơn đói các phiền não sau khi đã thọ hưởng món ăn bất tử của pháp Niệm thân.
(27) Tất cả chúng sanh đều không cảm thấy khát. Đây là điềm báo họ sẽ chứng đắc sự an lạc của thánh Quả A-la-hán.
(28) Những cánh cửa đã đóng tự nhiên mở tung. Đây là điềm báo những cánh cửa đi vào Niết bàn sẽ được mở ra, đó là Bát Thánh đạo.
(29) Cây ra hoa và cây ăn trái tự nhiên ra hoa và trái. Đây là điềm báo chúng sanh sẽ mang vào những bông hoa Giải thoát (Vimutti) và những quả của bốn tầng Thánh (Ariya-phala).
(30) Tất cả mười ngàn thế giới đều được che phủ bởi một lá cờ hoa duy nhất. Mười ngàn thế giới được che phủ bởi lá cờ chiến thắng. Đây là điềm báo về sự trải rộng của lá cờ hoa, tức Thánh đạo.
Hơn nữa, cơn mưa rơi xuống những bông hoa cực kỳ xinh đẹp và thơm ngát; sự rực sáng của những ngôi sao và những chòm sao ngay cả dưới ánh sáng của mặt trời; sự xuất hiện những dòng suối trong thuần khiết từ lòng đất; các con thú ra khỏi hang; không có tham, sân và si; không có những đám mây bụi; không có những mùi khó chịu; tràn ngập những mùi hương thơm ngát của cõi thiên giới; nhân loại trông thấy các vị Phạm thiên sắc giới (rūpa-brahmā); không có sự sanh và tử của nhân loại và các hiện tượng khác diễn ra một cách rõ ràng. Sự xuất hiện của những hiện tượng này báo hiệu sự chứng đắc những ân đức của Đức Phật.
Vào lúc Bồ tát đản sanh, bảy nhân vật sau đây sanh ra cùng một lúc:
(1) Công chúa Yasodharā, cũng có tên là Baddakaccānā, mẹ của hoàng tử Rāhula,
(2) Hoàng tử Ānanda,
(3) Vị quan Channa,
(4) Vị quan Kāḷudāyī,
(5) Tuấn mã Kaṇḍaka,
(6) Cây đại bồ-đề Assattha và
(7) Sự xuất hiện của bốn hủ vàng.
Vì tất cả sanh ra hay xuất hiện cùng lúc với Bồ tát nên được gọi là bảy nhân vật đồng sanh với Bồ tát. Trong bảy nhân vật này:
(1) Công chúa Yasodharā Baddakaccānā là con của vua Suppabuddha và hoàng hậu Amittā thuộc vương quốc Devadaha,
(2) Hoàng tử Ānanda là con trai của vị Thích ca Amittodāna, em trai của vua Suddhodāna
(3) Cây đại Bồ đề mọc lên ở trung tâm của khu vực chiến thắng, nơi mà Đức Phật thành đạo ở khu rừng Uruvelā thuộc xứ Trung Ấn,
(4) Bốn hủ vàng lớn xuất hiện trong những khu vực cung điện của kinh đô Kapilavatthu. Trong bốn hủ vàng này:
(a) Hủ vàng Sankha, miệng hủ có đường kính là một gāvuta.
(b) Hủ vàng Ela, miệng hủ có đường kính là hai gāvuta.
(c) Hủ vàng Uppala, miệng hủ có đường kính là ba gāvuta.
(d) Hủ vàng cuối cùng tên là Puṇḍarīka, miệng hủ có đường kính là 4 gāvuta, tương đương một do tuần (yojana).
Khi một số vàng được lấy ra khỏi bốn hủ vàng này thì vàng lại đầy như cũ, không có dấu vết của sự hao hụt. (Bài mô tả về bốn hủ vàng này được nêu ra trong bài kinh Caṅkī của bộ Chú giải Majjhimapaṇṇāsa, và trong bài trình bày về bài kinh Sonadaṇḍa của bộ Chú giải Dīgha Nikāya Sīlakkhandhavagga).
Thứ tự về tên của bảy nhân vật đồng sanh với Bồ tát được nêu ra ở trong các bộ Chú giải về bộ Jātaka và bộ Buddhavaṃsa và trong bài kinh Mahāpadāna của bộ Chú giải Dīgha Nikāya Mahāvagga.
Trong bài kể về câu chuyện của Kāḷudāyī trong bộ Chú giải Aṅguttara và câu chuyện của Rāhula trong bộ Vinaya Sārattha Dīpanī Ṭīkā, tên của Ānanda đã bị bỏ sót trong bài liệt kê. Nó gồm có (1) Cây bồ-đề, (2) Yasodharā, (3) Bốn hủ vàng, (4) Con voi kiết tường tên Ārohanīya, (5) Tuấn mã Kaṇḍaka, (6) Vị quan Channa, (7) Vị quan Kāḷudāyī.
Dân chúng của hai kinh thành Kapilavatthu và Devadaha tiễn hoàng hậu Mahāmāyā và Bồ tát, con trai của bà về kinh thành Kapilavatthu.
Vào ngày Bồ tát và mẹ của Ngài được đưa về kinh đô Kapilavatthu, chư thiên ở cõi Tāvatiṃsa do Sakka (Đế thích) dẫn đầu, rất hân hoan khi biết rằng: “ Một người con trai tôn quý đã sanh đến cho vua Suddhodana ở kinh thành Kapilavatthu” và “ Người con trai tôn quý này chắc chắn sẽ thành một vị Chánh Đẳng Giác tại thánh địa của cây Bồ-đề Assattha.” Họ tung lên không trung những chiếc áo choàng của họ, vỗ tay, v.v... và bày tỏ những hình thức hoan hỉ khác.
Lúc bấy giờ đạo sĩ Kāḷadevila, bậc đã chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông, thường hay độ thực ở cung điện của vua Suddhodana, rồi bay lên cõi Tāvatiṃsa và nghỉ ngơi suốt ngày trên đó. Vị ấy ngồi trên chiếc ghế bằng ngọc bảy báu trong cung điện và thọ hưởng sự an lạc của thiền định. Khi xuất khỏi thiền, đứng trước cửa cung điện và nhìn quanh, vị ấy trông thấy Sakka đang hân hoan, vui mừng và chư thiên đang tung lên trời những chiếc khăn vấn đầu, những chiếc áo khoác của họ và đang tán dương những ân đức của Bồ tát trên con đường chính của chư thiên dài sáu mươi do tuần. Đạo sĩ hỏi, “ Thưa chư thiên, điều gì làm cho các vị hoan hỉ và vui vẻ như thế ? Hãy cho bần đạo biết lý do.”
Nhân đó, chư thiên bèn trả lời: “ Kính bạch đạo sĩ, một người con trai tôn quý đã sanh đến cho vua Suddhodāna ngày hôm nay. Người con trai tôn quý ấy, khi ngồi kiết già dưới cội cây bồ-đề Assattha nơi thiêng liêng nhất, là trung tâm của vũ trụ, sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh Đẳng Giác. Khi ấy Ngài sẽ thuyết pháp, chuyển bánh xe pháp. Như vậy chúng tôi sẽ có được cơ hội vàng ngọc là được thấy oai đức vô lượng của một vị Phật và được nghe giáo pháp cao siêu của Ngài. Đó là lý do khiến chúng tôi vui sướng hân hoan.”
Sau khi nghe câu trả lời của chư thiên, đạo sĩ Kāḷadevila vội vã rời khỏi Tāvatiṃsa và vào ngồi nơi đã chuẩn bị sẵn trong cung điện của vua Suddhodāna. Sau khi trao đổi những lời chào hỏi với đức vua, đạo sĩ Kāḷadevila nói rằng “Tâu bệ hạ, tôi đã nghe rằng một người con trai tôn quý đã sanh đến cho bệ hạ. Tôi muốn gặp mặt thái tử.” Đức vua truyền lịnh đưa thái tử đến với y phục chỉnh tề, và đức vua bồng đứa con trai để trước mặt vị quốc sư để bày tỏ sự tôn kính. Khi Bồ tát được đưa đến trước như vậy thì hai chân của Ngài bay bổng lên và đứng trên búi tóc của đạo sĩ giống như tia chớp xẹt xuống đỉnh của những đám mây đen.
Điểm đặc biệt lưu ý: Quả thật không có ai để Bồ tát phải hạ mình tôn kính trong kiếp cuối của Ngài. Nếu có ai đó, vì không biết điều này mà đặt đầu của Bồ tát dưới chân của Kāḷadevila thì cái đầu của Kāḷadevila sẽ vỡ thành bảy mảnh.
Khi nhận ra oai lực kỳ diệu và phi thường này của Thái tử, đạo sĩ Kāḷadevila quyết định rằng: “ Ta sẽ không tự hủy hoại mình.” Đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, vị ấy chấp tay đảnh lễ Thái tử. Chứng kiến cảnh kỳ diệu này, vua Suddhodāna cũng cúi mình trước chính người con của mình.
Kāḷadevila, sau khi chứng đắc Bát thiền và Ngũ thông, có thể nhớ lại các sự kiện trong bốn mươi kiếp quá khứ và thấy trước (biết trước) các sự kiện trong bốn mươi kiếp tương lai. Như vậy vị ấy có khả năng nhớ lại và biết rõ những sự kiện trong tám mươi kiếp. (Chi tiết mô tả về Kāḷadevila được nêu ra trong phần Anudīpanī).
Sau khi ngắm nhìn kỹ những tướng chính và phụ trên người của Thái tử, đạo sĩ Kāḷadevila suy gẫm việc Thái tử sẽ thành Phật hay không và với trí tuệ biết rõ tương lai, đạo sĩ thấy rằng Thái tử chắc chắn sẽ thành Phật. Do trí tuệ thấy rằng “ Đây là con người cao cả.” Đạo sĩ bật cười trong nỗi hoan hỷ tột cùng.
Đạo sĩ lại suy ngẫm xem bản thân có được thấy Thái tử thành Phật hay không; qua trí tuệ biết rõ tương lai đạo sĩ biết rằng, trước khi Thái tử chứng đắc Phật quả thì bản thân vị ấy đã hết tuổi thọ và tái sanh vào cõi Phạm thiên vô sắc, nơi đó các vị Phạm thiên vô sắc không thể nghe được giáo pháp bất tử cho dù có hằng trăm hằng ngàn vị Phật đến và thuyết pháp. “Ta sẽ không có cơ hội trông thấy và đảnh lễ con người cao siêu này, bậc có đầy đủ phước báu Ba-la-mật vô song. Đây là sự mất mát lớn đối với ta.” Sau khi nói thế và đầy sầu khổ, đạo sĩ Kāḷadevila bật khóc nức nở.
(Cõi vô sắc (arūpa) của các vị Phạm thiên là cõi hoàn toàn không có sắc pháp, chỉ có tâm (citta) và sở hữu tâm (cetasika) mà thôi. Cõi ấy chứa những hạng phàm phu tam nhân (tihetuka puthujjana) với ba căn (vô tham, vô sân và vô si) và những bậc thánh như Tu-đà-hườn (Sotāpanna), Tư-đà-hàm (Sakadāgāmī), và A-na- hàm (Anāgāmī), là những bậc đã chứng thiền vô sắc (arūpa jhāna). Những vị Sotāpanna, Sakadāgāmī và Anāgāmī đã sanh về cõi Phạm thiên vô sắc (arūpa brahma) ấy thì sẽ không còn trở lại những cõi thấp hơn. Vì khi còn ở các cõi thiện dục giới (kāma sugati) và các cõi sắc (rūpa) giới, các ngài đã thực hành pháp Thiền quán tuệ (Vipassanā) và đã chứng đắc các tầng thánh bậc thấp, nên khi sanh về các cõi vô sắc các ngài vẫn có thể tiếp tục pháp hành thiền tuệ và chứng đắc các tầng thánh cao hơn cho đến chứng đắc đạo quả A-la-hán và chấm dứt luân hồi, cho dù các ngài không nghe pháp từ bất cứ ai. Những kẻ phàm phu có tam nhân (những bậc đã đắc thiền vô sắc ở cõi người) như các đạo sĩ Kāḷadevila, Āḷāra và Udaka thì tái sanh về cõi vô sắc khi thân hoại mạng chung. Vì cõi này có đặc tánh là không có sắc pháp nên những chúng sanh tái sanh về đó hoàn toàn không có mắt (cakkhupasāda) để nhìn thấy Đức Phật và không có tai (sotapasāda) để nghe Pháp. Như vậy họ không thể trông thấy Đức Phật cũng không thể nghe giáo pháp của Ngài cho dù Ngài đến đó thuyết pháp. Thực tế thì chư Phật không đi đến và thuyết pháp ở cõi vô sắc. Và nếu những kẻ phàm phu không có cơ hội để nghe pháp thì họ sẽ không bao giờ chứng đắc Đạo Quả).
Đạo sĩ Kāḷadevila và Udaka đã sanh về cõi vô sắc Phi tưởng phi phi tưởng (nevasaññā-nāsaññāyatana arūpa) sẽ ở trong luân hồi (saṁsāra) suốt tám mươi bốn ngàn đại kiếp. Đạo sĩ Āḷāra sanh về cõi vô sắc Vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana arūpa) và sống ở đó trong sáu chục ngàn đại kiếp. Do đó, cho dù chư Phật có xuất hiện ở cõi người trong đại kiếp này, thì họ cũng không có cơ hội để chứng ngộ giải thoát.
Về điểm này, người ta hỏi rằng phải chăng đạo sĩ Kāḷadevila không thể tái sanh vào một cõi sắc giới nào đó nếu vị ấy hướng tâm về cõi đó? Câu trả lời: Vì đạo sĩ đã chứng đắc tám tầng thiền hợp thế, nên sự tái sanh của vị ấy có thể xảy ra ở bất cứ cõi nào trong mười cõi Phạm thiên hữu sắc đến cõi cao nhất là cõi Vehapphala (Quãng quả thiên) nếu vị ấy có ước muốn như vậy.
Người ta hỏi rằng: “ Nếu có cơ hội như vậy, tại sao đạo sĩ Kāḷadevila không ước được sanh vào một trong mười cõi sắc giới theo sự chọn lựa của vị ấy ?” Câu trả lời là đạo sĩ không có ước muốn ấy là vì vị ấy không đủ thiện xảo để làm như vậy. Đại ý là: Người chứng được Bát thiền có thể tái sanh vào cõi sắc giới hoặc vô sắc giới mà vị ấy thích. Nếu sanh về đó, vị ấy sẽ có cơ hội đảnh lễ Đức Phật với tư cách là một vị Phạm thiên hữu sắc (rūpa Brahmā). Nhưng vị ấy không sanh về đó là vì vị ấy thiếu sự thiện xảo thích hợp để hướng tâm về cõi đặc biệt ấy, cõi thấp hơn các cõi vô sắc.
(Thêm một vấn đề khác: “Kāḷadevila là người đã trấn phục ưu bi (domanassa) vì đã chứng đắc các tầng thiền thì lẽ ra không nên đầu hàng cảm thọ bất lạc ấy và chảy nước mắt.” Vị ấy làm như vậy vì trấn phục được ưu bi nhưng chưa đoạn diệt được nó. Giải rõ hơn : Chỉ những phiền não đã bị đoạn diệt hoàn toàn do bởi thánh Đạo thì không thể tái xuất hiện trong dòng tâm của vị thánh ấy. Nhưng những phiền não chỉ vắng lặng trong tâm của người chứng đắc các tầng thiền hiệp thế, thì có khả năng khi gặp điều gì đó đủ mạnh để kéo chúng xuất hiện trở lại. Kāḷadevila chưa đoạn diệt những phiền não như vậy mà chỉ trấn phục chúng nên vị ấy khóc là điều không lạ).
(Lại một câu hỏi khác được đặt ra là: Làm sao đạo sĩ Kāḷadevila có thể tái sanh vào cõi vô sắc khi vị ấy đã bị đứt thiền do ưu bi khởi sanh lúc vị ấy khóc? Câu trả lời là vị ấy có thể tái sanh. Đạo sĩ có thể nhập thiền trở lại mà không cần phải cố gắng. Nói rõ hơn: Những phiền não mà các vị Yogi còn phàm vừa mới đoạn trừ có thể khởi sanh lại, do một cảnh bất thiện mạnh mẽ nào đó và vì thế làm cho các vị Yogi bị đứt thiền nhưng nếu các phiền não không đến mức độ mạnh nhất thì các vị này có thể nhập thiền trở lại ngay khi những phiền não ấy được nhiếp phục mà người khác không thể biết được điều này).
(Tóm lại, giống như đạo sĩ Kāḷadevila, những người đã đắc Bát thiền có thể tái sanh vào một trong mười cõi Phạm thiên hữu sắc là những cõi thấp hơn, hoặc một trong bốn cõi Phạm thiên vô sắc, là những cõi cao hơn, nếu họ đã chuẩn bị tâm để làm như vậy. Nếu họ không chuẩn bị tâm, họ chỉ tái sanh vào cõi đã quyết định bởi tầng thiền cao nhất vì riêng tầng thiền ấy quyết định sự tái sanh. Kiến thức cho rằng người ta có thể đạt đến bất cứ cõi nào mà họ hướng tâm đến là kiến thức chỉ có được trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật. Tuy nhiên, ngoài giáo pháp của Đức Phật thì không có sự thấu hiểu như vậy. Kāḷadevila không phải là đệ tử của Đức Phật nên không ở trong giáo pháp của Đức Phật. Do đó, vị ấy không biết phương pháp rèn luyện tâm. Nếu vị ấy biết, thì vị ấy có lẽ đã làm như vậy để được tái sanh vào một trong mười cõi Phạm thiên hữu sắc, trong đó Vehapphala (Quảng quả thiên) là cõi cao nhất. Nếu vị ấy làm thế, vị ấy có lẽ đã tái sanh ở đó và có cơ hội để yết kiến Đức Phật. Nhưng vì vô minh đã che mờ khiến vị ấy đã không làm điều thích hợp cho bản thân. Thế nên, Kāḷadevila đã tái sanh vào Phi tưởng phi phi tưởng vô sắc giới (Nevasaññā-nāsaññāyatana arūpa), là cõi vô sắc cao nhất. Và khi quán thấy sự tái sanh sắp đến của mình vị ấy ưu phiền đến nỗi không kìm được nước mắt. Khi khóc như vậy, đạo sĩ đã đánh mất các tầng thiền của mình. Nhưng vì đạo sĩ không phạm phải đại ác nghiệp nào nên vị ấy đắc định trở lại bằng cách tiếp tục lại những bước thực hành ban đầu của pháp thiền Kasiṇa một cách quen thuộc, ngay khi sức mạnh của ưu bi lắng xuống, nên không ai hay biết việc vị ấy bị đứt thiền. Đạo sĩ Kāḷadevila vào lúc mạng chung đã chứng đắc tầng thiền cao nhất là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định nên vị ấy tái sanh về đó).
Các quan trông thấy đạo sĩ khi cười khi khóc, họ suy nghĩ như vầy: “ Vị đạo sĩ đáng kính của chúng ta cười rồi lại khóc, thật kỳ lạ.” Họ bèn dò hỏi: “ Thưa đạo sĩ, tai họa gì xảy đến cho con trai của chủ chúng tôi chăng?” “Không có tai họa nào xảy đến cho Thái tử. Thực vậy, vị ấy sẽ thành Phật.” “Thế thì tại sao đạo sĩ lại khóc ?” Các quan lại hỏi. “ Bởi vì ta không có được cơ hội trông thấy sự thành đạo của một con người cao cả có những đức tánh kỳ diệu như vậy. Đây là sự mất mát to lớn đối với ta. Vì nghĩ vậy nên ta mới than khóc.” Đạo sĩ trả lời.
(Câu chuyện trên được kể lại đúng với những gì được mô tả trong các bộ Chú giải Buddhavaṃsa và Jātaka và bộ Phụ chú giải Jinālaṅkāra. Trong một số tác phẩm viết về cuộc đời của Đức Phật bằng văn xuôi, nội dung như sau: Khi vua Suddhodāna hỏi: “ Thái tử sẽ đi xuất gia và thành Phật năm bao nhiêu tuổi?” Kāladevila trả lời : “ Năm Thái tử ba mươi lăm tuổi.” Đây là phần suy diễn được rút ra từ lời của đạo sĩ Kāladevila nói với đứa cháu trai (con trai của người em gái), chàng thanh niên Nālaka, “Này cháu Nālaka, đức vua Suddhodana đã có một người con trai, chính người con trai này là Đức Phật đương lai; Ngài sẽ thành đạo ở tuổi ba mươi lăm.” Đức vua không hài lòng khi nghe rằng con trai của mình sẽ thành Phật, vị ấy chỉ muốn thấy con trai của mình làm Chuyển luân vương. Do đó, đức vua hỏi về thời gian đi xuất gia và thành Phật của con trai. Đó là lý do khiến có sự lướt bỏ đoạn văn như vậy trong các bộ Chú giải và Phụ chú giải. Ở đây trong tác phẩm này cũng vậy, chúng tôi không nêu ra nội dung của đoạn văn kể trên).
Sau khi trả lời như vậy, đạo sĩ Kāḷadevila suy ngẫm: “Tuy ta không được trông thấy sự thành đạo của Thái tử Bồ tát, nhưng hiện ai trong quyến thuộc của ta sẽ có cơ hội chứng kiến sự kiện ấy?” Rồi vị ấy thấy rằng đứa cháu trai Nālaka sẽ có cơ hội ấy. Thế nên, đạo sĩ đi đến nơi của người em gái, và cho gọi đứa cháu trai đến, bèn nói với cậu ta rằng: “Này cháu Nālaka, việc người con trai của vua Suddhodana ra đời trong hoàng cung. Thái tử là hiện thân của một vị Bồ tát. Ngài sẽ thành Phật khi đến tuổi ba mươi lăm. Cháu là người đáng được yết kiến Đức Phật. Do đó, cháu nên đi xuất gia ngay ngày hôm nay.”
Tuy sanh trong gia đình giàu có, tài sản của cha mẹ trị giá lên đến tám trăm bảy chục triệu đồng tiền vàng, nhưng chàng trai Nālaka đặt niềm tin nơi cậu và nghĩ rằng: “ Cậu của ta không bao giờ bảo ta làm điều gì bất lợi. Vị ấy dạy như vậy vì điều đó thật sự có lợi ích.” Kết luận như vậy, cậu ta sai người mua về y và bát của Sa-môn và ngay lập tức cạo râu tóc và mặc vào y phục Sa-môn, Nālaka tự nhủ: “ Ta xuất gia đây vì niềm tịnh tín đối với Đức Phật, bậc cao quý nhất trong thế gian. (Ta xuất gia để được gặp Đức Phật, chắc chắn Ngài sẽ xuất hiện).”
Sau khi nói vậy, cậu ta quay mặt về hướng Kapilavatthu, nơi Bồ tát đang trú ngụ, và chấp tay tôn kính đảnh lễ với năm điểm chạm đất. Sau đó cậu ta đặt cái bát vào trong cái túi, mang nó trên vai và đi vào Himalaya, Nālaka thực hành pháp khổ hạnh trong rừng trong khi chờ đợi Đức Phật (Liên quan đến sự đản sanh của Bồ tát, lịch sử về dòng dõi của Ngài cùng với sự thành lập kinh đô Kapilavatthu được nêu ra trong phần Anudīpanī).
Vào ngày thứ năm sau khi Bồ tát đản sanh, vua cha Suddhodana tổ chức lễ Gội đầu, và ý định đặt tên cho con trai, đức vua sai rải khắp hoàng cung bốn loại bột thơm, đó là: tagara (linh lăng hương), lavaṅga (đinh hương), kuṅkuma (bột nghệ tây) và tamala ( một loại cây cho bột thơm), và cũng sai rải năm loại hoa phẩm, đó là : saddala (một loại cỏ), gạo, hạt mù tạt, nụ hoa lài và hột nổ. Đức vua cũng sai nấu món cơm sữa tinh khiết không có nước, và cho mời một trăm lẻ tám vị Bà-la-môn thông thái rành mạch về Tam Phệ đà, và chuẩn bị cho họ chỗ ngồi tốt và sạch sẽ trong hoàng cung và đãi họ món cơm sữa thượng vị.
( Bốn loại bột thơm ở đây đúng với những gì được nêu ra trong bài kinh Sekha, Majjhima Paṇṇāsa Ṭīkā và trong phần Ṭīkā về bài kinh Mahāparinibbāna. (a) Tuy nhiên, trong bài kinh Mahāsudassana, kuṅkuma được thay thế bằng turukkha. (b) Trong bài trình bày về Avidure Nidāna, v.v… Jātaka Ṭīkā, sự liệt kê là đàn hương, linh lăng hương, long não và tinh chất của đàn hương. (c) Trong bộ Magadha Abhidhāna (Abhidhānappadīpikā), bốn loại bột thơm là bột nghệ tây, đinh hương, bột cây tagara và turukkha; (d) Trong bài kinh thứ sáu của phẩm Āsīvisa Vagga, Salāyatana Saṃyutta Ṭīkā, gồm có bột nghệ tây, turukkha, đinh hương, và tamala; (e) Bộ Mālālaṅkāra vatthu thì mô tả là sāla, mahātagara, tinh chất của cây long não và tinh chất của gỗ đàn hương; (f) Bộ Jinatthapakāsanī thì kể ra là aguru ( gỗ cây lô hội), tagara, long não và đàn hương).
Sau khi thết đãi long trọng như vậy, đức vua tôn vinh họ bằng các lễ vật quí giá, và từ một trăm lẻ tám vị Bà-la-môn, tám vị được tuyển chọn tiên đoán về các tướng trên thân của Thái tử.
Trong tám vị Bà-la-môn được tuyển chọn, bảy vị là : Rāma, Dhaja, Lakkhaṇa, Jotimanta, Yañña, Subhoja và Suyāma, sau khi xem xét các tướng trên thân của Thái tử, mỗi vị đều đưa lên hai ngón tay và cho lời tiên tri như sau: “ Nếu sống cuộc đời gia chủ thì Thái tử sẽ thành một vị Chuyển luân vương, trị vì khắp bốn đại châu. Tuy nhiên, nếu xuất gia làm Sa-môn thì Thái tử sẽ thành Phật.”
Nhưng Sudatta thuộc dòng Bà-la-môn Koṇḍañña, người trẻ tuổi nhất trong tám vị, sau khi xem xét cẩn thận các tướng của bậc đại nhân trên thân của Thái tử, đưa lên một ngón tay và chỉ tiên tri một câu như sau: “ Không có lý do gì để Thái tử sống cuộc đời thế tục. Ngài chắc chắn sẽ thành Phật, phá tan bức màn phiền não.”
(Vị Bà-la-môn trẻ Sudatta của dòng dõi Koṇḍañña là người mà trong kiếp hiện tại của vị ấy là kiếp chót và do tích lũy nhiều phước báu trong quá khứ đã giúp vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán. Thế nên, vị ấy xuất sắc hơn bảy vị bà-la-môn thâm niên lạp trưởng kia về kiến thức và có thể thấy trước khả năng thành Phật của Thái tử nên vị ấy mới tự tin đưa chỉ một ngón tay).
Sự tiên tri các tướng do chàng trai Sudatta, người thuộc dòng dõi Koṇḍañña, đưa lên chỉ một ngón tay đã được tất cả các vị Bà-la- môn uyên bác công nhận.
Các vị Bà-la-môn có thể biết được các tướng trên thân của bậc đại nhân như Đức Phật và những vị thánh khác là do những sự kiện sau: Vào thời điểm, khi một vị Phật sắp xuất hiện thì các vị Phạm thiên ở cõi Tịnh cư thiên đưa các bộ sách về thiên văn, những bài biên soạn về cách giải các tướng, v.v... của bậc đại nhân sẽ thành Phật (Buddha Mahāpurisa Lakkhana). Các vị Phạm thiên đi xuống cõi nhân loại và trong hình tướng những vị thầy Bà-la-môn dạy học trò. Các giáo sư ấy cho rằng: “ Những ai có phước đã tích lũy và có trí tuệ thành thục sẽ học được những bộ sách về thiên văn, bao gồm thuật xem tướng của bậc đại nhân.” Đó là lý do khiến những vị Bà-la-môn này có thể xem được những tướng báo trước sự chứng đắc Phật quả và những điều khác.
1. Bàn chân bằng phẳng và đầy đặn;
2. Một trăm lẻ tám vòng tròn nhỏ trên mỗi bàn chân, với bánh xe có một ngàn căm, vành xe, trục xe và tất cả những tướng khác;
3. Hai gót chân nhô ra;
4. Ngón tay và ngón chân dài và thon;
5. Lòng bàn tay và lòng bàn chân mềm mại;
6. Ngón chân và ngón tay đều đặn như những song cửa sổ bằng vàng của hoàng cung, kẽ hở giữa hai ngón tay và giữa hai ngón chân rất khít;
7. Hai mắt cá chân hơi cao và không dính bụi;
8. Hai chân giống như của loài sơn dương tên eṇī;
9. Cánh tay có bàn tay dài, có thể chạm đến đầu gối khi đứng thẳng;
10. Tướng mã âm tàng, tức bộ phận sinh dục ẩn dạng trong lớp da bọc ngoài giống như của con voi Chaddanta;
11. Nước da vàng và sáng như vàng ròng siṅgīnikkha;
12. Da nhẵn mịn, bụi không thể bám vào;
13. Lông trên người, mỗi lỗ chỉ có một sợi;
14. Mỗi sợi lông trên thân của Bồ tát đều xoắn lên phía trên, tựa như chúng đang cung kính nhìn lên mặt của Ngài;
15. Thân thẳng như thân của Phạm thiên;
16. Bảy chỗ trên thân có thịt đầy đặn: hai phần trên của bàn chân, hai mu của bàn tay, hai vai và cổ;
17. Thân của Ngài đầy đặn và khéo phát triển như phần trước của con sư tử.
18. Mặt sau của thân đầy đặn và khéo phát triển từ cổ xuống thắt lưng như tấm đi-văng bằng vàng, không có vết rảnh ở giữa xương sống;
19. Thân của ngài cân đối như cây đa tỏa nhánh tròn vì chiều cao của thân và sải tay của Ngài có kích thước bằng nhau;
20. Cổ của Ngài tròn đều;
21. Bảy ngàn mao mạch tập trung ở cuống họng và truyền vị của vật thực đi khắp thân dù vật thực ấy nhỏ bằng hạt mè;
22. Cằm sư tử ( hơi giống cằm của người sắp mỉm cười);
23. Răng của Ngài có đúng bốn mươi cái;
24. Hàm răng đều đặn;
25. Răng rất khít, không có kẽ hở;
26. Bốn chiếc răng nhọn của Ngài trắng và sáng như sao mai;
27. Lưỡi dài, dẹp và mềm;
28. Giọng nói có tám đặc tánh giống như giọng nói của Phạm thiên;
29. Đôi mắt Ngài xanh trong;
30. Lông mi mềm và mượt giống như lông mi của bê con mới sanh;
31. Tướng bạch hào mi giữa hai chân mày;
32. Tướng lớp thịt mỏng xuất hiện tự nhiên ở trán, như dãi băng thêu bằng chỉ sợi vàng vấn quanh đầu
Đây là ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân (được trích ra từ bài kinh Mahāpadāna và Lakkhana của Dīgha Nikāya - Trường bộ kinh cũng như từ bài kinh Brahmāyu của Majjhima Nikāya -Trung bộ kinh).
1. Tướng bàn chân bằng phẳng và đầy đặn.
Khi những người khác đặt chân xuống đất, thì đầu ngón chân, hoặc gót, hoặc phía ngoài của bàn chân chạm đất trước, còn lòng bàn chân thì không chạm đất. Cũng thế, khi bàn chân được nhấc lên khỏi mặt đất thì đầu ngón chân hoặc gót hoặc phía ngoài của bàn chân lên trước.
Nhưng một bậc cao nhân như Bồ tát, khi đặt bàn chân xuống mặt đất thì cả bàn chân đều chạm đất như đế của chiếc giày vàng mềm mại đặt trên đất. Cũng thế, khi Ngài nhấc chân lên thì tất cả các phần của bàn chân đều lên một lượt. Trường hợp vị Bồ tát tôn quí đặt chân trên chỗ đất không bằng phẳng, lồi lõm, có đường rảnh, có khe nứt, có hào mương, hố, v.v... thì tất cả những phần lõm sẽ nổi lên ngay khi ấy, giống như cái túi da được thổi phồng và mặt đất nơi đó trở nên bằng phẳng, giống như mặt trống.
Nếu Ngài nhấc chân lên với ý định đặt chân xuống ở một khoảng xa thì ngay cả núi Tu-di (Meru) cũng xuất hiện dưới bàn chân của Ngài ngay lập tức.
Các hình thù trong một trăm lẻ tám vòng tròn là : (1) một cây đại thương, (2) một ngôi nhà nguy nga, srivatsa, (3) một bó hoa mao lương, (4) ba hình vòng ngấn ở cổ, (5) một vật trang sức ở trên đầu,
(6) một bữa ăn được bày sẵn, (7) một long sàng, (8) một cái móc câu, (9) cung điện, (10) một cổng vòng cung, (11) một cái lọng trắng, (12) một cây kiếm, (13) một cái quạt tròn bằng lá thốt nốt, (14) cái quạt bằng lông đuôi của con chim công, (15) một khăn vấn đầu như cái trán, (16) viên hồng ngọc, (17) cái bát bóng loáng, (18) chuỗi hoa sumana, (19-23) năm loại hoa sen : sen xanh, sen đỏ, sen trắng, sen paduma và sen puṇḍrīka, (24) cái bình đựng đầy hạt cải, v.v... (25) cái bát chứa đầy những thứ tương tự, (26) đại dương, (27) núi cakkavāla, (28) núi Himalaya, (29) núi Meru, (30-31) mặt trăng và mặt trời, (32) các tinh tú, (33-36) bốn châu đảo với hai ngàn tiểu đảo bao quanh, (37) một vị Chuyển luân vương với những bông hoa và bảy báu, (38) chiếc tù và trắng bằng vỏ ốc, (39) đôi cá chép vàng, (40) một cây lao, (41-47) bảy con sông lớn, (48-54) bảy rặng núi bao quanh, (55-61) bảy con sông nằm giữa bảy rặng núi, (62) một đại bàng chúa garuḍa, (63) một con cá sấu, (64) một lá cờ, (65) một cây phướn, (66) một cái kiệu vàng, (67) một cái phất trần bằng đuôi con bò yak, (68) núi bạc Kelāsa, (69) một sư tử chúa, (70) một chúa, (71) một ngựa chúa Valāhaka, (72) một voi chúa Uposatha hay một voi chúa Chaddānata, (73) một rồng chúa Bāsukī, (74) một thiên nga chúa, lông bằng vàng, (75) một bò chúa, (76) một voi chúa Erāvaṇa, (77) một quái vật bằng vàng ở biển, (78) một chiếc thuyền bằng vàng, (79) một vị đại Phạm thiên, (80) bò mẹ và bò con, (81) một Thích đề hoàn nhân (kinnara) đực và cái, (82) một điểu vương Ca-lăng-tần-già (karavīka, (83) một chim công chúa, (84) một chim sếu chúa, (85) một ngỗng chúa cakkavāka, (86) một trĩ chúa jīvajīva, (87-92) sáu cõi trời dục giới, (93-108) mười sáu cõi Phạm thiên sắc giới.
Đây là những hình ảnh nằm trong một trăm lẻ tám vòng tròn ở dưới hai bàn chân của Bồ tát.
(Những hình này được kể ra trong bài kệ của ngài Tăng thống Taunggwin Sayadaw, ở cuốn I, bộ Guḷhathadīpaṃ của ngài).
Có nghĩa là hai gót chân phát triển toàn diện. Giải rõ : với người bình thường thì phần trước của bàn chân dài hơn; bắp chuối chân nằm bên trên gót chân, và vì vậy gót chân trông như bị gọt. Trường hợp của vị Bồ tát tôn quí thì không như vậy, bàn chân của Ngài có thể được chia thành phần đều nhau, trong đó hai phần trước hình thành phần chính của bàn chân. Bắp chuối chân nằm ở phần thứ ba, gót chân nằm ở phần thứ tư, trông như món đồ chơi hình tròn được đặt trên tấm thảm đỏ tựa như nó được gọt đẽo qua máy tiện. ( Đối với những người bình thường, vì bắp chuối nằm ở trên của gót chân nên gót chân trông thô xấu tựa như nó bị gọt. Tuy nhiên, nơi vị Bồ tát, bắp chuối nằm ở phần thứ ba. Gót chân tròn kết hợp phần thứ tư và dễ thấy vì gót đỏ như son nên trông phù hợp và nhanh nhẹn).
Những người bình thường, một số ngón tay và ngón chân dài, số khác thì ngắn, những đường vòng của chúng cũng khác nhau.
Nhưng của vị Bồ tát thì khác, ngón tay và ngón chân của Ngài cả hai đều dài và bằng; ngón thì đầy đặn và thon lên đến đầu ngón.
Lòng bàn tay và lòng bàn chân của Bồ tát rất mềm mại - Dầu đến tuổi già, chúng vẫn mềm mại như lúc còn trẻ.
Bốn ngón tay (không kể ngón cái) và năm ngón chân của Bồ tát có chiều dài bằng nhau. Tám ngón tay của thái tử Bồ tát ở cả hai bàn tay đều có chiều dài bằng nhau; cả mười ngón chân ở hai bàn chân của Ngài cũng thế. Thế nên, những đường hơi cong trên những khớp nối có hình hạt lúa mạch không có sự khác biệt về chiều dài. Thực ra, chúng giống như một dãy những đường cong.
Mắt cá chân của những người bình thường nằm gần sát với mu của bàn chân như bị buộc bởi những thanh kẹp và những cái đinh nhỏ và chúng không thể xoay theo ý muốn. Khi người ta bước đi thì không thể trông thấy lòng bàn chân.
Mắt cá chân của Bồ tát thì không phải như thế, chúng nằm bên trên cách bàn chân khoảng hai hay ba ngón tay giống như cái cổ của bình tưới nước. Do đó, phần trên của thân từ rốn trở lên ở vị trí không chuyển động, như pho tượng vàng được đặt trên chiếc thuyền; chỉ phần dưới của thân mới di động và bàn chân quay tròn dễ dàng. Những người đứng ngoài nhìn vào từ bốn hướng - trước, sau, bên phải và bên trái - đều có thể dễ dàng trông thấy lòng bàn chân của Ngài. (Khi con voi bước đi, người ta có thể trông thấy lòng bàn chân của nó từ đằng sau. Nhưng khi Bồ tát bước đi, lòng bàn chân của Ngài có thể được thấy từ bốn hướng).
(Hãy sờ vào cẳng chân của chính mình, ta sẽ thấy phần cứng của xương ống chân nhô ra ở phía trước và phần thịt lỏng lẻo ở phía sau). Nhưng bắp chuối chân của Bồ tát thì khác, giống như vỏ thóc bọc lấy hạt thóc, những thớ thịt bọc đều xương ống chân làm cho cẳng chân tròn đều và xinh xắn, giống như cẳng chân của loài sơn dương, tên gọi eṇī.
Những người bình thường có thể bị gù lưng hoặc có chân đi vòng kiềng, hoặc vừa gù lưng vừa đi vòng kiềng. Những người lưng cong thì thân không cân đối vì phần trên của thân ngắn hơn phần dưới. Người có chân vòng kiềng cũng vậy, phần dưới thân của họ ngắn hơn phần trên. Vì thân phát triển không cân đối nên họ không thể chạm tay đụng đầu gối, trừ khi họ nghiêng người tới trước.
Trường hợp của vị Bồ tát thì không phải vậy. Phần trên và phần dưới đều cân đối, hoàn hảo; vì vậy ngay khi Ngài đứng thẳng người, không cúi, tay của Ngài vẫn có thể chạm vào đầu gối.
Bộ phận sinh dục của Bồ tát được dấu kín trong lớp da như hoa sen, giống như bộ phận sinh dục của những con bò chúa hay những con voi chúa, v.v... Bộ phận sinh dục có lớp da bọc phía ngoài tựa như được đặt trong cái túi bằng vải len hay vải lụa.
Nước da tự nhiên của Bồ tát có màu vàng sáng bóng như pho tượng bằng vàng được chùi bóng bằng bột oxid chì đỏ và được chà bằng răng cửa của con báo và bằng đất son.
(Về đặc tướng này, cho dù những bộ kinh Pāḷi và những bộ Chú giải giải rõ rằng : “ ...suvaṇṇavaṇṇa vā kañcanasannibhattaca…” trong đó, suvaṇṇa và kañcana có nghĩa là vàng thông thường. Bản dịch của những vị Chú giải sư cao quí, dịch những từ này sang tiếng Miến là “ như vàng siṅgīnikkha…”. Chữ ‘siṅgīnikkha savaṇṇa’ có nghĩa là ‘có sắc của vàng ròng siṅgīnikkha’ được chứa trong những câu kệ do Đế thích giả dạng một chàng trai thốt lên, khi Bồ tát đi vào thành Rājagaha để khất thực, và cũng do sự kiện rằng siṅgī nổi tiếng là loại vàng tốt nhất. Trong số loại vàng mà người ta dùng, vàng rasaviddha tốt hơn vàng yuttika; vàng ākaruppaññā tốt hơn vàng rasaviddha; vàng được chư thiên dùng tốt hơn vàng ākaruppaññā; trong các loại vàng được chư thiên dùng thì vàng sātakumbha tốt hơn vàng cāmīkara; vàng jambunada tốt hơn vàng sātakumbha; và cuối cùng vàng singī thì tốt hơn vàng jambunada. Điều này được nêu ra trong bài trình bày về Paṭhama Pīṭha của bộ Chú giải Vimānavatthu, và phần trình bày của chương nói về Bimbisārasamāgama, Mahākhandhaka của bộ Vinaya Mahāvagga, Terasakaṇḍa Ṭīkā).
Da của bậc cao nhân mềm và nhẵn khiến cả bụi mịn và thô không thể bám vào, như giọt nước rơi trên lá sen không thể bám trên lá được mà lăn đi và rơi xuống. Tương tự, tất cả những hạt bụi chạm vào Bồ tát đều trượt đi ngay.
Nếu thân của Ngài không bị dính bụi và sạch sẽ như vậy thì tại sao Ngài phải rửa chân tay hoặc tắm ? Ngài làm như vậy với mục đích để thích ứng với nhiệt độ khi ấy, để làm tăng thêm phước báu của thí chủ, và để làm gương là làm sạch chính mình trước khi đi vào tịnh xá theo đúng các điều luật mà các vị tỳ khưu phải hành trì.
Những người bình thường có hai hoặc ba sợi lông hoặc nhiều hơn mọc trên mỗi lỗ chân lông. Nhưng trường hợp của vị Bồ tát thì khác; chỉ có một sợi lông mọc trên mỗi lỗ chân lông.
Lông trên thân của Bồ tát, mỗi sợi ở một lỗ chân lông, có màu xanh như màu của đá collorium. Những sợi lông này xoắn lên phía trên theo chiều kim đồng hồ thành ba vòng, tựa như chúng đang bày tỏ sự tôn kính nhìn lên mặt của Bồ tát, trông tươi tắn và duyên dáng như hoa sen mới nở.
Thân của vị Phạm thiên không bao giờ nghiêng về phía trước, hoặc phía sau hoặc hai bên mà có tư thế thẳng đứng. Thân của Bồ tát hoàn toàn thẳng đứng, thân Ngài mềm dẻo và xinh đẹp tựa nó được hòa quyện trong vàng siṅgīnikkha.
Đối với những người bình thường, thân của họ thường nghiêng hoặc cong về một phía ở một trong ba chỗ: ở gáy, thắt lưng hoặc hai đầu gối. Trong ba chỗ này, nếu nó nghiêng ở thắt lưng thì thân sẽ gãy về phía sau; nếu nó nghiêng ở gáy hoặc hai đầu gối thì thân sẽ cụp về phía trước. Một số người rất cao có khuynh hướng nghiêng về hai bên, hoặc bên phải hoặc bên trái. Nhưng người bị gãy ra phía sau thì mặt thường cúi xuống tựa như họ đang nghiên cứu những đặc tánh của đất.
Một số người thân nghiêng và gầy ốm như cây cọc hoặc cây gậy vì họ không đủ máu và thịt.
Tuy nhiên, Bồ tát không giống như thế, vì Ngài có thân thẳng đứng, giống như cái cột bằng vàng của cái cổng vòng cung được dựng lên ở lối vào thành phố chư thiên.
Trong vấn đề này, những tướng như thân thẳng đứng giống như thân của Phạm thiên và một số tướng khác của bậc đại nhân chưa hiện bày đầy đủ khi Ngài còn bé trước mắt người bình thường có hiểu biết trung bình. Nhưng qua sự xem xét các tướng, các nét đặc thù và những điều kiện hiện có lúc Ngài mới sinh ra, các vị Bà-la-môn, nhờ sự hiểu biết rành mạch về các Vedariga Mantra của các vị Phạm thiên ở cõi Tịnh cư đã truyền lại, họ tin rằng “ Khi thái tử Bồ tát lớn lên thì thân Ngài thẳng đứng giống như thân của Phạm thiên, những tướng khác sẽ hiện bày rõ ràng và tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy.” Họ nghiền ngẫm, suy xét, tính toán và đưa ra lời bình giải tựa như những hảo tướng ấy lúc bấy giờ đã hiển hiện đầy đủ trước mắt họ. (Khi trưởng thành Ngài chính xác có bốn chục cái răng, tánh chất đều đặn của chúng và những nét đặc thù khác chưa hiện khởi lúc Ngài còn bé, nhưng các vị Bà-la-môn thấy trước rằng những nét đặc thù này sẽ xuất hiện trong tương lai vào thời điểm thích hợp).
Những người bình thường có hai mu bàn chân và hai mu bàn tay, mà những đường động mạch nổi lên như mạng lưới. Các khớp xương cũng được thấy rõ ở hai đầu của vai và cổ. Do đó, khi nhìn họ, người ta sẽ nghĩ rằng họ giống như những ngạ quỉ, loài sống ở bãi tha ma có đôi vai xấu xí, xương cổ lồi và gân lộ ra.
Bồ tát thì không như vậy. Bảy chỗ trên đều có những thớ thịt đầy đặn. Thịt đầy đặn không có nghĩa là thịt phồng lên thô kệch, xấu xí. Thịt đầy ở đây có nghĩa vừa đủ thanh nhã, làm cho các đường gân và các khớp xương không lộ ra. Bồ tát không có những đường động mạch nổi lên ở mu bàn chân và mu bàn tay, và cũng không có những đốt xương nhô ra ở hai vai và cổ. Cổ của Ngài tròn đều như cái trống vàng được đánh bóng. Nhờ sự đầy đặn và xinh xắn ở bảy chỗ nói trên, Ngài xuất hiện trước mắt người xem như một pho tượng được đẽo gọt hoàn hảo hay như một bức chân dung bất hủ được vẽ từ tay một họa sĩ tài ba.
Phần trước của con sư tử được phát triển đầy đủ, nhưng phần sau thì không. Như vậy, phần sau không được nêu ra làm ví dụ ở đây, chỉ có phần trước được dùng làm ví dụ so sánh. Dầu ví dụ này được nêu ra cũng không phải là có những tướng khó coi trên người của Bồ tát như ở con sư tử, tức là cúi xuống, nhổm dậy, rùn người xuống và vươn tới, v.v… ở một số phần của cơ thể. Thực tế thì tứ chi của Bồ tát chỗ nào nên như thế nào, thì chúng như thế ấy: dài chỗ nên dài, ngắn ở chỗ nên ngắn, đầy đặn ở chỗ nên đầy đặn, mảnh khảnh ở chỗ nên mảnh khảnh, to rộng ở chỗ nên to rộng và tròn đầy ở chỗ nên tròn đầy và như vậy, tứ chi của Ngài hoàn hảo nhất và xinh đẹp nhất. Đối với một con người có thân sắc hoàn hảo như vậy, ngay một nghệ nhân đại tài cũng không thể mô tả hết chân dung của Ngài.
Ý nghĩa tóm gọn là như thế này: lưng của Bồ tát được phát triển đặc biệt và phi thường. Các thớ thịt ở trên xương sườn, thịt ở hai bên phải và trái của lưng và thịt ở giữa lưng tạo thành và duyên dáng từ lưng đến cổ.
Mặt lưng của những người thường trông như bị chẻ thành hai phần. Xương sống và thịt của họ ở giữa bị lỏm xuống; hoặc bị cong hoặc lộ ra thành từng đốt. Thịt ở mỗi bên của xương sống nổi lên và thẳng như thanh tre được đặt ở vị trí nằm sấp. Thịt phía ngoài lưng thì mỏng và thưa thớt.
Bồ tát thì khác. Thịt ở mỗi bên và ở cuối cột xương sống, thịt ở trên xương sườn ở phần dưới của hai vai dọc theo giữa cột xương sống, tất cả đều được phát triển đầy đủ từ thắt lưng đến cổ mà không có vết đứt dài ở giữa. Và vì vậy, mặt lưng của Ngài đầy những lớp thịt như tấm đi văn bằng vàng được dựng đứng.
Như cây đa có thân và các nhánh dài năm mươi hoặc một trăm hắc tay, chiều cao và chiều ngang bằng nhau, cũng vậy chiều cao của Bồ tát và chiều dài của hai cánh tay dang ra có kích thước bằng nhau (bốn hắc tay) (chiều cao của thân và chiều dài của sải tay nơi những người thường không bằng nhau).
Một số người có cổ dài như cổ con sến, số khác thì cổ cong; số khác nữa cổ béo lùn, bạnh ra và lớn như cổ heo. Khi họ nói chuyện thì những đường gân trên cổ nổi lên trông như mạng lưới chằng chịt và giọng nói thì phát ra yếu ớt.
Cổ của Bồ tát như chiếc trống nhỏ và tròn. Khi Ngài nói thì những đường gân trên cổ không được trông thấy. Giọng nói của Ngài lớn và vang như tiếng sấm hoặc tiếng trống.
Đầu của bảy ngàn mao mạch nối kết nhau và tạo thành một nhóm nằm ở cuống họng. Chúng có mặt như vậy như thể chúng đang chờ đợi để truyền vị tất cả vật thực đã ăn đi khắp châu thân. Khi vật thực dù nhỏ như hạt mè đặt trên đầu lưỡi và khi ăn thì vị của nó được truyền đi khắp châu thân. Đó là lý do khiến Bồ tát có khả năng duy trì mạng sống chỉ bằng một hạt cơm hoặc một nắm đậu, v.v... suốt sáu năm Ngài thực hành pháp khổ hạnh.
Đối với những người thường thì chất dinh dưỡng của tất cả vật thực họ ăn không thể truyền đi khắp thân thể của họ. Vì lý do này họ thường mắc nhiều căn bịnh.
Hàm dưới của con sư tử đầy đặn, hàm trên của nó thì không. Tuy nhiên, cả hàm trên và hàm dưới của Bồ tát đầy đặn như hàm dưới của con sư tử. Chúng cũng có thể sánh với mặt trăng mọc vào đêm mười hai của tháng.
Bồ tát có hai mươi cái răng ở hàm trên và hai mươi cái răng ở hàm dưới, tổng cộng là bốn mươi cái.
Đối với người thường được xem là có bộ răng đầy đủ chỉ có ba mươi hai cái. Tuy nhiên, Bồ tát hơn mọi người là Ngài có bốn mươi cái răng.
Người bình thường, răng cái thì nhô ra trước, cái thì ngắn và thụt vào, v.v… bộ răng không trật tự. Ngược lại, răng của Bồ tát như những hạt ngọc trai đều đặn.
Người thường thì răng thưa thớt, kẽ hở giữa các răng xa nhau giống như kẽ hở hàm răng con cá sấu. Thế nên, khi họ ăn hay nhai, thức ăn hay mắc vào kẻ răng. Riêng Bồ tát không như vậy, răng Ngài như những hạt kim cương được xếp đều đặn và thẳng tấp trên tấm ván bằng vàng hay san hô.
Một số răng cửa của người thường bị lão hóa nên đen hoặc mất màu. Nhưng bốn cái răng nhọn của Bồ tát thì rất trắng, chúng bóng và sáng như sao mai.
(Về vấn đề này, câu hỏi được nêu ra là tại sao các vị Bà-la-môn uyên bác có thể biết được những đặc tướng liên quan đến những chiếc răng này, khi thực tế chúng chưa xuất hiện khi Bồ tát mới sanh ra. Câu trả lời là : Các vị Bà-la-môn uyên bác đọc được những tướng trên thân nhờ vào bộ sách Bà-la-môn giáo của họ, quan sát chỗ cái răng sẽ mọc, và đoán trước được điều gì chắc chắn sẽ xảy ra khi Bồ tát đến tuổi trưởng thành, nên họ đã tiên đoán tựa như những cái răng ấy đã mọc lên rồi).
Ở đây những điều liên quan đến tướng của bậc đại nhân sẽ được tìm thấy trong bài kinh Ambaṭṭha và những bài kinh khác. Vào thời gian trước khi Đức Phật xuất hiện, các vị Phạm thiên ở cõi Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa) đã đưa khoa tiên tri vào những bộ sách Vệ đà, công bố rằng: “ Những điều này được dùng để tiên tri về chư Phật,” họ đã đưa ra những lời chỉ dẫn trong các bộ sách Vệ-đà khi hóa hiện làm những giáo sư Bà-la-môn. Trong bộ sách nói về các tướng của bậc đại nhân chỉ ra cách tiên tri về chư Phật, các tướng trên thân của những bậc sẽ thành Phật, Bích chi Phật (Paccekabuddha), Thượng thủ thinh văn (Aggasāvaka), Tám mươi Đại thinh văn (Mahāsāvaka), mẹ và cha của vị Phật, thị giả của Ngài hay vị Chuyển luân vương đều được mô tả đầy đủ. Do đó, sự mô tả các tướng của bậc đại nhân được ghi lại trực tiếp trong các bộ sách Vệ đà cổ xưa này.
(Nhưng sau khi Đức Phật viên tịch đại Niết bàn thì khoa tiên tri các tướng của bậc đại nhân đã xuất hiện do oai lực của Đức Phật dần dần biến mất, giống như ánh sáng của mặt trời dần dần biến mất sau khi mặt trời lặn).
Lưỡi của người thường có thể dày, có thể nhỏ, ngắn, thô hoặc bằng phẳng. Tương phản với chúng, lưỡi của Bồ tát mềm mại, dài, rộng và xinh đẹp.
Giải rõ hơn: những tướng nơi lưỡi của Đức Phật không thể dễ dàng trông thấy được bởi những người muốn nghiên cứu chúng sau khi Ngài đắc Phật quả. Bởi vậy, để phá tan hoài nghi của những thiện nam tử Ambaṭṭha, Uttara và những người khác đến để xem xét những đặc tướng ấy, Đức Phật đã cho họ thấy cái lưỡi mềm mại của Ngài bằng cách uốn cong và xoắn nó lại, như miếng giấy vấn quanh vật cuốn, và rồi đưa lưỡi chạm vào hai bên lỗ mũi. Ngài cũng cho thấy bề dài của cái lưỡi bằng cách chạm nó vào hai bên lỗ tai. Ngài cũng hiện bày bề rộng của cái lưỡi bằng cách đưa nó lên che hết cái trán đến chân tóc. (Lưỡi của người bình thường không thể đưa ra khỏi miệng dài hơn một inch).
Những người thường có giọng nói bị đứt quãng, vỡ tiếng và khó nghe như tiếng kêu của con quạ. Ngược lại, Bồ tát có giọng nói như của Phạm thiên. Để làm rõ hơn : giọng nói của Phạm thiên trong trẻo và rõ ràng vì nó không bị ảnh hưởng bởi mật hay đàm. Cũng vậy các bộ phận phát âm của Bồ tát như cuống họng, vòm miệng, v.v... đều sạch sẽ và thông suốt do oai lực của những việc phước mà Ngài đã tích luỹ trong quá khứ. Do tính chất sạch sẽ và không khuyết điểm này, âm thanh phát ra từ rốn rất trong trẻo, nó có tám đặc tánh, đó là :
1. Rõ ràng
2. Dễ nghe
3. Êm ái
4. Khả ái
5. Tròn chữ
6. Gọn vừa ( không vượt quá người nghe)
7. Sâu lắng
8. Vang dội
Thật phi thường và kỳ diệu về giọng nói là nó ngọt ngào và khả ái gấp trăm lần, ngàn lần so với giọng hót cực kỳ du dương của con chim Ca-lăng-tần-già (karavīka). Giải thích: Tiếng kêu của chim karavīka chậm, ngân dài và khả ái, ấm áp, gọn sắc và du dương. Khi đậu ở nhánh cây phía trên, nó cất tiếng hót, và rồi nó nhảy xuống nhánh dưới. Tuy nhiên, người ta vẫn còn nghe tiếng của nó đã hót khi ở nhánh trên. Như vậy tiếng hót của nó ngân dài và khả ái.
Sau khi mổ vào trái xoài chín thơm ngon và uống nước của trái xoài ấy, chim karavīka cất lên tiếng hót; khi ấy tất cả loài vật bốn chân đều say đắm giọng hót của nó ( tựa như chúng đang bị ngất đi bởi cơn say) và bắt đầu nhảy nhót trong vui sướng. Loài vật khác cũng vậy, khi đến bãi cỏ và đang gặm cỏ chúng đã quên đi miếng cỏ trong miệng mà đứng yên, lắng nghe tiếng hót của chim karavīka. Những động vật như hươu, nai, v.v... đang sợ hãi bỏ chạy vì bị những con thú săn mồi như sư tử, báo và cọp rượt đuổi, nhưng khi nghe tiếng hót của chim karavīka, chúng quên cả mạng sống của mình, dừng lại, nếu chân đã nhấc lên thì vẫn như vậy, hoàn toàn bất động. Cũng thế, những con thú hoang đang rượt đuổi con mồi cũng quên đi miếng mồi trước mắt mà dừng lại để nghe tiếng hót của chim karavīka. Những con chim đang bay trên không trung bỗng xòe cánh ra và ngừng bay để lắng nghe. Loài cá ở dưới nước cũng vậy, chúng vận dụng những bộ phận nghe và ngừng lội để nghe bài ca của chim karavīka (Buddhavaṃsa Atthakathā).
(Hãy xem câu chuyện về giọng hót của chim karavīka và hoàng hậu Asandhimittā trong phần Anudīpanī của cuốn sách này).
Điều này không có nghĩa là đôi mắt của Bồ tát đều xanh. Đây chỉ là cách nói chung chung. Thực ra, chỗ con mắt có màu xanh giống như màu của hoa aparājita, chỗ con mắt có màu vàng giống như màu của hoa kaṇikāra; chỗ con mắt có màu đỏ giống như màu của hoa bandhuku; chỗ con mắt có màu trắng giống như màu của sao mai; chỗ con mắt có màu đen giống như màu của những hạt cườm đen. Đôi mắt của Bồ tát giống như cánh cửa sổ mở của cung điện bằng vàng - Cửa sổ có họa tiết hình con sư tử bằng những viên hồng ngọc ở dưới chân cửa. (Theo bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā, sự so sánh được nêu ra là cửa sổ của cung điện có hình con sư tử làm bằng những viên hồng ngọc và được gắn ở dưới chân tường).
Tướng đặc biệt này có tên Pāḷi là gopakhuma lakkhana. Chữ Pāḷi gopakhuma ám chỉ con mắt (toàn bộ con mắt) bao gồm lông mi và những phần khác của con mắt. Trong tất cả những loại bê, mắt của con bê đen đầy và đục. Mắt của con bê đỏ đặc biệt trong và sáng. Ở đây trường hợp của gopakhuma lakkhaṇā có nghĩa là mắt của con bê đỏ mới sanh. Đôi mắt của người bình thường không hoàn hảo, giống như đôi mắt của loài voi, chuột hay quạ, một số thì mắt lồi, số khác thì mắt chìm sâu trong hốc mắt. Đôi mắt của Bồ tát thì khác, chúng giống như những viên hồng ngọc được đánh bóng và được chùi sạch và có những sợi lông mi mềm, bóng và hơi xanh mọc lên đều đặn. Tướng của toàn thể con mắt ở đây nổi bậc là lông mi (tướng này trên thực tế là sự mô tả toàn bộ con mắt liên quan đến mi mắt là một phần của con mắt. Điều này nghĩa là Bồ tát có đôi mắt không lồi ra cũng không sâu hoắm, mà đôi mắt trong như những viên hồng ngọc được đánh bóng và được chùi sạch, với những sợi lông mi mềm, mượt, bóng và hơi xanh, mọc đều thành hàng như lông mi của con bê đỏ mới sanh).
Sợi lông này mọc lên một cách duyên dáng giữa hai chân mày, ngay trên đường sóng mũi và ở trung tâm của trán. Toàn bộ sợi lông có màu trắng như màu của vải lụa simbali. Khi được kéo thẳng ra thì chiều dài của sợi lông là hai hắc tay. Khi được buông ra khỏi bàn tay thì sợi lông xoắn lại theo chiều kim đồng hồ với đầu của nó xoắn lên phía trên. Nó có vẻ đẹp, thu hút sự chú ý và làm khởi dậy sự tôn kính nơi người xem, giống như ngôi sao bằng bạc được đính trên cái đĩa bằng vàng ròng, hoặc như sữa nguyên chất chảy ra từ cái bình bằng vàng, hoặc như sao mai trong bầu trời phản chiếu ánh sáng của mặt trời mới mọc.
Điều này có nghĩa là Bồ tát có cái trán hoàn hảo cũng như cái đầu hoàn hảo.
Lớp thịt mỏng này che hết trán của Bồ tát từ bên phải sang bên trái. lớp thịt đặc biệt này mềm, có màu vàng ròng, bóng láng và rộng, duyên dáng như dãi băng bằng vàng vấn quanh đầu của vua. Thực vậy, dải băng bằng vàng ở trên trán của vua là biểu tượng của các vị vua vì nó có đặc tướng như của Bồ tát. (Đây là lời giải thích về cái trán hoàn hảo của Bồ tát).
Đầu của Bồ tát hoàn hảo về tất cả mọi phương diện. Đầu của những người thường: một số giống như đầu của con khỉ, tựa như chúng bị tách ra làm hai phần; số khác trông như có những đường nứt; số khác nữa có rất ít thịt đến nỗi chúng trông như những cái sọ có lớp da bọc ngoài; có đầu không cân đối như trái bầu, có đầu phình ra ở phía sau hoặc vồ ở phía trước. Tương phản với chúng, Bồ tát có cái đầu hoàn hảo như cái trụ gỗ của hàng song được đẽo gọt tròn đều, nhẵn và xinh đẹp.
(Tướng thứ ba mươi hai được nêu ra trong kinh Tạng là uṇhīsasīso. Ý nghĩa của nó có thể hiểu theo hai cách: (a) có cái đầu trông như được bọc ngoài bởi lớp thịt mỏng ở trên trán và (b) có cái đầu tròn tuyệt hảo như dãi băng quanh đầu được làm bởi người thợ bậc thầy. Do bởi hai ý nghĩa của nó, những lời giải thích về cái trán hoàn hảo và cái đầu hoàn hảo được nêu ra ở đây).
(Nghiệp (kamma) và những yếu tố khác tạo ra ba mươi tướng chánh này sẽ được bàn riêng về mỗi tướng ở phần Anudīpanī).
Kết thúc phần giải thích về ba mươi hai tướng chánh
Bồ tát, bậc đại sĩ, cũng có tám mươi tướng phụ gọi là asīti anuvyañjana, phụ theo các tướng chánh. Tám mươi tướng phụ này được kể ra một cách tóm tắt như đã được kể ra trong bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā và những bộ kinh khác.
(1)span style="font:7.0pt "Times New Roman""> Tướng những ngón tay và những ngón chân khít đều với nhau không có kẽ hở (cit’aṅgulita).
(2) Những ngón tay và những ngón chân thon dần từ dưới lên trên (anupubb’aṅgulita).
(3) Ngón tay và ngón chân tròn (vaṭṭ’aṅgulita). (Đây là ba tướng về ngón tay và ngón chân).
(4) Móng tay và móng chân hồng đỏ (tamba nakhatā).
(5) Móng tay và móng chân dài, nhọn đều và nổi bậc (tuṅga nakhatā).
(6) Móng tay và móng chân gọn và bóng láng (siniddha nakhatā). (Đây là ba đặc tướng liên quan đến móng tay và móng chân).
(7) Mắt cá chân bằng phẳng (niguḷa gopphakatā). (Mắt cá chân của những người thường phình ra và dễ thấy).
(8) Đầu của tất cả mười ngón chân ngang bằng nhau (sama pādatā) . (Đây là một đặc tướng liên quan đến ngón chân).
(9) Tướng đi hùng dũng như voi chúa (gajasamān’akkamatā).
(10) Tướng đi dõng mãnh như sư tử (sīhasamān’akkamatā).
(11) Tướng đi duyên dáng như thiên nga chúa (haṃsasamān’akkamatā).
(12) Tướng đi vững chải như bò chúa (usabhamān’akkamatā).
(13) Tướng đi theo chiều kim đồng hồ (dakkhiṇātvaṭṭa gatitā). (Đây là năm đặc tướng liên quan đến tướng đi của Đức Phật).
(14) Đầu gối tròn, trông xinh đẹp ở mọi phía (samantato cārujaṇṇu maṇḍalatā). (Đây là một đặc tướng liên quan đến đầu gối).
(15) Bộ phận nam tính phát triển tốt (paripuṇṇa purisavyañjanatā). (Đây là một đặc tướng về bộ phận sinh dục đàn ông).
(16) Rốn có những đường liền lạc (acchidda nābhitā).
(17) Rốn sâu (gambhīra nābhitā).
(18) Rốn có vòng nhỏ chạy quanh bên phải (dakkhiṇāvatta nābhitā) . (Đây là ba đặc tướng liên quan đến rốn).
(19) Hai bắp vế và hai cánh tay giống như cái vòi của con voi (dviradakara sadisa-ūrubhujatā). (Đây là một tướng liên quan đến bắp vế và cánh tay).
(20) Thân thể khỏe mạnh (suvibhatta gattatā).
(21) Thân nẩy nở dần dần (anupubba gattatā). (Có nghĩa là phần trên và phần dưới của thân cân xứng).
(22) Thân mịn màng (mattha gattatā).
(23) Thân rất cân đối (anussann ānanussanna sabbagattatā).
(24) Thân không có nếp nhăn (alīna gattatā).
(25) Thân không có nốt ruồi, tàn nhang, v.v... (tilakādivirahita gattatā).
(26) Thân luôn sáng chói (anupubba rucira gattatā).
(27) Thân đặc biệt sạch sẽ (suvisuddha gattatā) . (Nhiều đặc tướng liên quan đến thân sẽ theo sau).
(28) Sức mạnh của thân bằng sức mạnh của mười ngàn triệu con voi Kalavaka (koṭisahassa hatthibala dhāraṇatā). (Đây là một đặc tướng duy nhất liên quan đến sức mạnh của thân).
(29) Mũi dài như chiếc gậy hích bịt vàng (tunga nāsatā). (Đây là một đặc tướng duy nhất liên quan đến mũi).
(30) Lợi (niếu) có màu đỏ sẫm (suratta dvijamaṁsatā) (Trong bộ sách Samantacakkhu Dīpanī có chữ rattadvjamukhatā, đôi môi đỏ). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến lợi).
(31) Răng sạch (suddha dantatā).
(32) Răng đều đặn và nhẵn bóng (siniddha dantatā). (Hai đặc tướng liên quan đến răng).
(33) Ngũ căn thuần tịnh (visuddh’indriyatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến ngũ căn).
(34) Răng nhọn tròn (vaṭṭa dāṭhatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến răng nhọn).
(35) Đôi môi đỏ (ratt’oṭṭhatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến môi).
(36) Vòm miệng dài (āyata vadānatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến miệng).
(37) Những đường chỉ đậm trên hai lòng bàn tay (gambhīra pāṇilekhatā).
(38) Những đường chỉ dài trên hai lòng bàn tay dài (āyata lekhatā).
(39) Những đường chỉ thẳng trên hai lòng bàn tay (uju lekhatā).
(40) Những đường chỉ trên hai lòng bàn tay cấu trúc xinh đẹp (surucira-saṇṭhāna lekhatā).
(41) Vầng hào quang tròn tỏa ra quanh thân (parimaṇḍala kāyappabhātvantatā).
(42) Hai gò má đầy đặn (paripuṇṇa kapolatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến gò má ).
(43) Đôi mắt dài và lớn (āyatavisāla nettatā).
(44) Đôi mắt rất trong với năm sắc màu (pañca pasādavanta nettatā). (Hai đặc tướng liên quan đến mắt ).
(45) Lông mi cong (kuñjitagga bhamukatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến lông mi).
(46) Lưỡi mềm, mỏng và đỏ (mudu tanuka ratta jīvhatā). (Samantacakkhu Dīpanī, cuốn I, cho rằng đặc tướng này nên hiểu là gồm có ba chi: mềm, mỏng và đỏ, trong khi những Chú giải sư khác chỉ giải thích rằng nó chỉ có hai chi: mềm và mỏng. Ở đây trong bộ sách này, đặc tướng được nêu theo đúng với bộ Jinālaṅkāra Ṭikā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến lưỡi).
(47) Đôi tai dài và xinh đẹp (āyata-rucira kaṇṇatā). (Liên quan đến tướng này, những vị khác cho là có hai chi). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến tai).
(48) Tướng gân máu không lộ ra dưới lớp da (nigganṭthi siratā).
(49) Những tĩnh mạch không chìm cũng không nổi (niggūḷa siratā). ( tức là không thể trông thấy những tĩnh mạch). (Hai đặc tướng liên quan đến tĩnh mạch).
(50) Đầu tròn thanh lịch như một cái ô tròn (vatta-chattanibha cāru sīsatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến đầu).
(51) Trán dài, rộng và đẹp (āyata-puthu nalāṭa sobhatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến trán).
(52) Hai hàng lông mày tự nhiên và xinh đẹp, không cần chải (susaṇṭhāna bhamukatā).
(53) Lông mày mềm (saṇha bhamukatā).
(54) Lông mày mọc đều đặn (anuloma bhamukatā).
(55) Hàng lông mày rộng (mahānta bhamukatā).
(56) Hàng lông mày dài (āyata bhamukatā).
(Năm đặc tướng liên quan đến lông mày).
(57) Thân mềm dẻo (sukumāla gattatā).
(58) Thân rất khả ái (ativiya-somma gattatā).
(59) Thân rất tươi sáng (ativiya-ujjalita gattatā).
(60) Thân luôn sạch bụi (vimala gattatā).
(61) Thân không dính bụi ( da luôn luôn trông tươi tắn) (komala gattatā).
(62) Cơ thể gọn gàng và ưa nhìn (siniddha gattatā).
(63) Cơ thể có mùi thơm (sugandha tanutā). (Mười lăm đặc tướng liên quan đến cơ thể, bao gồm tám đặc tướng trên từ số 20 đến 27).
(64) Lông có chiều dài bằng nhau (sama lomatā).
(65) Lông không dính bụi (komala lomatā).
(66) Tất cả sợi lông trên cơ thể đều xoắn theo chiều kim đồng hồ (dakkhiṇāvaṭṭa lomatā).
(67) Lông trên cơ thể có màu xanh biếc (bhinn’añjana-sadisanīla lomatā).
(68) Lông trên cơ thể vòng tròn (vaṭṭa lomatā).
(69) Những sợi lông trên cơ thể đều trơn láng (siniddha lomatā). (Sáu đặc tướng liên quan đến lông trên cơ thể).
(70) Hơi thở vô ra rất vi tế (atisukkhuma-assāsapassasā dhāraṇatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến hơi thở).
(71) Miệng tỏa ra mùi thơm (sugandha mukhatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến miệng).
(72) Đỉnh đầu có hương thơm (sugandha muddhanatā). (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến đỉnh đầu).
(73) Tóc đen nhánh (sunīla kesatā).
(74) Tóc xoắn theo chiều kim đồng hồ (dakkhiṇāvaṭṭa kesatā).
(75) Tóc mềm mượt tự nhiên (susaṇṭhāna kesatā).
(76) Tóc ngắn và gọn gàng (siniddha kesatā saṇha kesatā).
(77) Tóc không bị rối (aluḷita kesatā).
(78) Những sợi tóc có chiều dài bằng nhau (sama kesatā). ( Những người thường tóc dài và ngắn lẫn lộn. Trường hợp của Bồ tát thì không).
(79) Tóc không dính ( komala kesatā). (Bảy đặc tướng liên quan đến tóc).
(80) Một vầng hào quang chiếu ra từ đỉnh đầu gọi là ketumālāratana vicittatā. (Đây là đặc tướng duy nhất liên quan đến hào quang).
Bồ tát có tám mươi tướng phụ kể trên. (Sự mô tả được nêu ra ở đây theo bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā).
Những tướng chánh và tướng phụ được kể ra ở trên được gọi là đặc tướng satapuñña. Mỗi việc phước mà Bồ tát đã thực hiện gấp trăm lần so mỗi việc phước mà những người khác đã làm, Ngài đã làm những điều phước trải qua vô số kiếp. Do đó, những việc phước của Ngài được gọi là satapuñña ‘phước trăm lần’, nhờ thế Ngài có được 32 hảo tướng và tám mươi tướng phụ.
Như vậy sau khi xem xét kỹ lưỡng các tướng chánh và tướng phụ của Bồ tát, các vị Bà-la-môn thông thái tiên tri rằng : “ Thái tử sẽ thành Phật”. Sau khi thảo luận với nhau nên đặt tên gì cho Thái tử, họ đặt tên cho Ngài là Siddhattha là điềm chỉ ra Ngài sẽ hoàn thành viên mãn phận sự đem lại lợi ích cho toàn thể thế gian.
(Đề cập về nhóm năm vị tỳ khưu (Pañcavaggī) do đại đức Koṇḍañña dẫn đầu, bộ Phụ chú giải Sārattha Dīpanī Vinaya và bộ Chú giải Jātaka Atthakathā cùng bộ Chú giải Buddhavaṃsa cũng có những câu chuyện khác nhau. Câu chuyện về năm vị tỳ khưu sẽ được đưa vào ở đây căn cứ vào các bản dịch của những bộ Chú giải và Phụ chú giải kể trên).
Vào lúc đản sanh của Bồ tát, từ những vị Bà-la-môn thông thái được tuyển chọn vào xem tướng cho Bồ tát như các vị Rāma, Dhaja, Lakkhaṇa, Manti, Koṇḍañña, Bhoja, Suyāma và Sudatta, nhóm năm anh em Koṇḍañña tiên đoán rằng: “ Thái tử chắc chắn sẽ thành Phật.” Sau khi trao lại cho gia đình của họ món tiền thưởng mà họ nhận được trong buổi lễ xem tướng cho Thái tử, họ mặc vào y phục của vị đạo sĩ, hiến dâng cuộc đời của họ đến Bồ tát vì họ đã kết luận rằng: “ Bậc đại nhân ấy, vị Thái tử Bồ tát ấy chắc chắn sẽ thành Phật, Ngài sẽ không sống cuộc đời thế tục.” Những vị Bà-la-môn này đã thông suốt các bộ kinh Phệ đà (Veda) ngay từ lúc còn nhỏ, và ngay khi ấy họ cũng đã được xem như những vị thầy. Nhóm năm anh em Koṇḍañña đã thỏa thuận với nhau là sẽ từ bỏ thế gian, vì họ nghĩ rằng: “Chúng ta không thể nào cắt bỏ mối ràng buộc của gia đình khi đã lập gia đình. Do đó, tốt hơn cho chúng ta là xuất gia sớm.” Do đó, họ đã hiến dâng cuộc đời của mình đến Bồ tát ngay sau khi họ có lời tiên tri lúc họ vẫn còn trẻ. Sau khi vào trú trong rừng, thỉnh thoảng họ dò hỏi mọi người: “ Này các vị, vị Thái tử trẻ đã từ bỏ thế gian chưa ?” Dân chúng đáp rằng: “ Làm sao các ngài có thể nghĩ rằng Thái tử từ bỏ thế gian trong khi đang thọ hưởng khoái lạc đế vương giữa các cung nữ xinh đẹp trong ba cung điện, tựa như ngài là một vị thiên.” Rồi các vị Bà-la- môn nghĩ rằng: “ Trí tuệ của Thái tử chưa trưởng thành,” và họ tiếp tục chờ đợi Thái tử đi xuất gia. (Đây là bản dịch được nêu ra trong cuốn ba của bộ Sārattha Dīpanī Ṭīkā).
Sau khi đặt tên cho Thái tử là Siddhattha, tám vị Bà-la-môn thông thái nhất về nhà, gọi những đứa con trai của họ đến và nói rằng: “ Này các con, bây giờ chúng ta đã già. Thái tử Siddhattha, con trai của vua Suddhodāna của chúng ta, chắc chắn sẽ thành Bậc Giác ngộ. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết chắc liệu chúng ta có gặp được vị thái tử khi Ngài thành Phật hay không. Khi Ngài thành Phật, các con hãy xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật ấy !”
Trong tám vị Bà-la-môn thông thái, bảy vị sống đến tuổi già nhưng mạng chung trước khi Thái tử xuất ly và tái sanh vào cõi hạnh phúc hay đau khổ theo nghiệp riêng của họ. Riêng Koṇḍañña vẫn còn sống khỏe mạnh. Khi Bồ tát đến tuổi trưởng thành và từ bỏ thế gian, ngài đi đến khu rừng Uruvela và trầm ngâm suy nghĩ: “ Nơi này thật lý tưởng cho người có khuynh hướng tham thiền nhập định.” Và khi đang chuyên tâm thực hành khổ hạnh trong khu rừng ấy thì Koṇḍañña nghe tin: “ Bồ tát đã xuất gia làm Sa-môn”, bèn đến gặp những đứa con trai của bảy vị Bà-la-môn quá cố và nói rằng: “ Này những chàng trai trẻ, thái tử Siddhattha đã xuất gia Sa-môn rồi. Thái tử chắc chắn sẽ thành Phật. Nếu cha của các cậu vẫn còn sống, họ sẽ xuất gia và sống đời đạo sĩ ngay ngày hôm nay. Nếu các cậu muốn xuất gia Sa-môn thì hãy làm đi. Ta sẽ theo vị Thái tử cao quý và trở thành Sa-môn.” Trong những người con trai của bảy vị Bà-la-môn, ba người ở lại vì họ không muốn xuất gia. Chỉ bốn người còn lại đồng ý và xuất gia Sa- môn do Koṇḍañña dẫn đầu. Năm người này được gọi nhóm năm vị trưởng lão – Pañcavaggī Thera (Đây là câu chuyện được nêu ra trong hai bộ Chú giải Buddhavaṃsa và Jātaka).
Sau khi đức vua Suddhodāna mời các vị Bà-la-môn đến hoàng cung xem tướng cho Thái tử, họ tiên tri rằng: “ Thái tử sẽ từ bỏ thế gian và trở thành một Sa-môn.” Đức vua hỏi rằng: “ Con trai của ta sẽ trông thấy những gì mà đi xuất gia?” Các vị Bà-la-môn đồng thanh trả lời: “ Do trông thấy bốn điềm tướng : một người già, một người bịnh, một người chết và một vị Sa-môn – con trai của bệ hạ sẽ từ bỏ thế gian và trở thành một Sa-môn.”
Sau khi nghe câu trả lời của các vị Bà-la-môn, vua Suddhodāna bèn truyền lịnh: “ Nếu con trai của trẫm xuất gia sau khi thấy bốn điềm tướng, vậy từ nay trở đi, cấm bất cứ người già, người bịnh, hay Sa-môn nào đến viếng con trai của ta. Họ sẽ làm cho Thái tử động tâm (saṃvega) và khởi chí xuất gia. Ta không muốn con trai của ta thành Phật. Ta chỉ muốn thái tử làm Chuyển luân vương, trị vì bốn đại châu với hai ngàn đảo nhỏ bao quanh và đi trên hư không bằng xe báu có tùy tùng theo hầu rộng hai do tuần.” Khi ấy lính gác được bố trí quanh bốn hướng, mỗi chỗ cách nhau một gāvuta, giữ không để người già, người bịnh, người chết và vị Sa-môn ở trong tầm thấy của Bồ tát.
Vào ngày hôm ấy, lễ tắm đầu kiết tường được tổ chức với tám chục ngàn hoàng thân tham dự và họ đã bàn bạc với nhau: “ Dù thái tử có thành Phật hay Chuyển luân vương chăng nữa, mỗi người trong chúng ta hãy cho một đứa con trai để hầu hạ vị ấy. Nếu thái tử thành Phật, vị ấy sẽ sống một cách uy phong giữa hội chúng Sa-môn gồm những người thuộc dòng Sát-đế-lỵ. Hoặc nếu thái tử thành Chuyển luân vương, vị ấy sẽ oai phong đi giữa đám tùy tùng gồm tám chục ngàn vị hoàng tử.” Thế rồi mỗi người trong bọn họ, hứa sẽ dâng hiến một người con trai đến Bồ tát.
Vào ngày thứ bảy sau khi hạ sanh Thái tử, hoàng hậu Mahāmāyā Devī mạng chung sanh về cõi Tusitā làm một vị thiên tên Santusita.
(Hoàng hậu chết không phải vì bà đã hạ sanh Bồ tát mà do bà hết tuổi thọ. Hãy nhớ lại rằng ngay khi Bồ tát, chư thiên Setaketu thực hiện năm điều suy xét thì hoàng hậu Mahāmāya chỉ còn sống được mười tháng và bảy ngày. Không ai có thể xứng đáng ở trong bào thai như hoa sen của Phật mẫu vì nó giống như hương phòng dành cho Đức Phật hoặc tượng của Ngài hoặc vật tôn thờ. Ngoài ra, trong khi mẹ của Bồ tát còn sống, không một người nào khác có thể thay thế địa vị Chánh hậu của bà. Thế nên, việc hoàng hậu còn sống thêm bảy ngày sau khi hạ sanh Bồ tát là pháp thông lệ. Cho nên hoàng hậu mạng chung trong thời gian ấy).
Với câu hỏi: “Hoàng hậu Mahāmāyā chết vào thời kỳ nào trong cuộc đời ?” Câu trả lời là: “ Bà chết vào thời kỳ giữa.” Giải rõ: Vì chúng sanh trong thời kỳ đầu có nhiều ham muốn và khát vọng, nên người đàn bà mang thai trong thời kỳ này không thể chăm sóc cái bào thai một cách chu đáo được. Do đó, đứa bé ở thời kỳ này dễ bị nhiều chứng bịnh. Tuy nhiên, bào thai sẽ được sạch sẽ khi người mẹ đã qua hai phần ba của thời kỳ giữa và ở giai đoạn một phần ba cuối. Và bất cứ hài nhi nào ở trong bào thai sạch sẽ như vậy sẽ không bị các chứng bịnh. Do đó, mẹ của Bồ tát, sau khi thọ hưởng khoái lạc ở cung vàng điện ngọc trong thời kỳ đầu của bà, đã sanh con và chết khi bà bước qua giai đoạn một phần ba cuối của thời kỳ giữa. (Chú giải kinh
Trường bộ, cuốn II, trong phần trình bày về pháp tánh của vị Bồ tát - Bodhisatta dhammatā).
Theo đúng sự trình bày của bộ Chú giải này, các vị Chú giải sư cổ xưa đã biên soạn một bài kệ súc tích để giải thích rằng mẹ của Bồ tát đã mạng chung khi bà đúng năm mươi sáu tuổi, bốn tháng và hai mươi bảy ngày. Cũng có bài khác nói rằng hoàng hậu Mahāmāyā thọ thai khi bà được năm mươi lăm tuổi, sáu tháng và hai mươi ngày.
Giải thích thêm : Vào thời kỳ hoàng hậu Māyā tái sanh làm người, thọ mạng trung bình của loài người là một trăm tuổi, đem 100 tuổi chia ra thành ba thời kỳ, mỗi thời kỳ là ba mươi ba năm và bốn tháng. Bà thọ hưởng đời sống cao sang của bà trong thời gian đầu gồm ba mươi ba năm và bốn tháng. Nếu thời kỳ thứ hai là ba mươi ba năm bốn tháng mà đem chia thành ba giai đoạn thì mỗi giai đoạn là mười một năm, một tháng và mười ngày. Như vậy hai giai đoạn đầu sẽ là hai mươi hai năm, hai tháng và hai mươi ngày. Thời gian của hai giai đoạn này cộng với thời gian của thời kỳ đầu, tổng cộng là năm mươi lăm năm, sáu tháng và hai mươi ngày. Ở tuổi này hoàng hậu mang thai Bồ tát. Đây là phần giải thích về nội dung của bài kệ thứ hai.
Nếu lấy mười tháng thời gian mang thai Bồ tát và bảy ngày sau khi hạ sanh Bồ tát cộng với năm mươi lăm năm, sáu tháng và hai mươi ngày thì toàn bộ thời gian là năm mươi sáu năm, bốn tháng và hai mươi bảy ngày. Đây là phần giải thích của bài kệ thứ nhất.
Với câu hỏi liệu hoàng hậu Māyā sẽ tái sanh làm vị thiên nam hay nữ ở cõi Tusitā, câu trả lời là bà tái sanh làm vị thiên nam.
Về vấn đề này, sau khi nghiên cứu một cách hời hợt câu Pāḷi ‘mātaraṃ pamukhaṃ katvā’, một số học giả nói hoặc viết rằng bà tái sanh làm thiên nữ; nhưng những tác phẩm đáng tin cậy như Chú giải bộ Theragāthā và những tác phẩm khác thì cho rằng “ Bà Māyā chỉ là vị thiên nam ở cõi Tusitā.” Theo những câu kệ của trưởng lão Kāḷudāyi ở chương Dasaka Nipāta của bộ Chú giải Theragāthā, cuốn II, nói rằng “dev’ūpapatti pana purisabhāven’eva jātā - sự tái sanh của hoàng hậu Mahāmāyā ở cõi chư thiên chỉ xảy ra dưới hình dạng người nam.”
Cũng trong chương nói về sự đản sanh của Bồ tát, bộ Jinālaṅkāra Ṭīkā có đoạn nói rằng: “ Yasmā ca Bodhisattena vasitakucchi nāma cetiyagabbhasadisā hoti, na sakkā aññena sattena āvasituṃ vā paribhuñjituṃ vā. Tasmā Bodhisattamātā gabbhavuṭṭhānato sattame divase kāḷaṃ katvā Tusitapure devaputto hutvā nibatti - Bào thai nơi Bồ tát ngụ giống như căn phòng của bảo tháp, những chúng sanh khác không xứng đáng được trú trong đó hay sử dụng nó. Do đó, bảy ngày sau khi hạ sanh, mẹ của Bồ tát mạng chung và trở thành ‘vị thiên tử’ ở thành phố chư thiên của cõi Tusitā.”
Cũng trong phần trình bày về phẩm Vīsatigathā của bộ Manidīpa Tīkā, cuốn I, có đoạn khẳng định rằng: “ Sirī Mahāmāyā hi Bodhisattaṃ vijayitvā sattābhamattaṁ thātvā ito cavitvā Tusitabhavane purisabhāven’eva nibattā, na itthibhāvenā ti - Bảy ngày sau khi hạ sanh Bồ tát, hoàng hậu Sirī Mahāmāyā mạng chung từ cõi này và chỉ tái sanh làm vị thiên nam, không phải tiên nữ. Theo pháp tánh tự nhiên thì tất cả những người mẹ của các vị Bồ tát đều sống chỉ bảy ngày sau khi sanh con và mạng chung sanh về cõi Tusitā, là vị thiên nam, không bao giờ là tiên nữ.” Do đó, sự kiện hoàng hậu Mahāmāya tái sanh làm vị thiên nam là điều nên chấp nhận không hoài nghi.
Đức vua Suddhodāna đã tuyển chọn hai trăm bốn chục người nữ để hầu hạ cho thái tử Siddhattha, họ là những nữ hầu sạch sẽ và khéo léo trong việc thực hiện các phận sự như nuôi bằng sữa ở vú bằng cách cho uống sữa ngọt không có vị hăng, cay, mặn và những vị không tốt khác; tắm, bồng ẳm và làm những công việc phục vụ khác.
Đức vua cũng chỉ định sáu chục người nam theo phụ giúp các nữ hầu và cũng chỉ định thêm sáu chục vị quan để giám sát các phận sự của những người hầu nam và nữ này. Trong số hai trăm bốn chục nữ hầu này, sáu chục người làm công việc cho thái tử bú sữa, sáu chục người khác làm công việc tắm rửa bằng nước thơm và mặc y phục cho thái tử; lại sáu chục người khác làm công việc bồng ẳm Ngài thường xuyên và sáu chục nữ hầu còn lại cũng làm công việc tương tự thế phiên cho sáu chục nữ hầu trước. Như vậy công việc chăm sóc thái tử đã được phân công đến hai trăm bốn chục nữ hầu. Ngoài ra, còn có thêm ba trăm sáu chục người khác chăm lo cho vị thái tử nhỏ.
Tất cả những chi tiết được nêu ra ở đây là theo bộ Sutta Mahāvagga và Chú giải của nó, trong đó nói rõ việc vua Bandhumā chỉ định những người hầu để chăm sóc cho con trai là thái tử Vipassī (Bồ tát). Dựa vào cơ sở này, sự chỉ định của vua Suddhodāna đã được mô tả.
Trong bổn sanh Temiya của bộ Chú giải bổn sanh, sự mô tả chi tiết về việc vua Kāsi tuyển chọn những người hầu cho con trai là thái tử Bồ tát Temiya, được ghi lại như sau:
(1) Người nữ có thân cao không được chỉ định làm vú nuôi, vì cổ của đứa bé dễ bị dài ra do khi bú sữa phải kề sát ngực của nàng ta.
(2) Người nữ thân thấp bé không được chỉ định làm vú nuôi, vì cổ của đứa bé dễ bị ngắn lại do khi bú sữa phải kề sát ngực của nàng ta.
(3) Người nữ thân gầy guộc không được chỉ định làm vú nuôi, vì tứ chi của đứa bé như bắp đùi, v.v... dễ bị thương tổn do khi bú sữa phải kề sát ngực của nàng.
(4) Người nữ thân mập mạp không được chỉ định làm vú nuôi, vì hai chân của đứa bé dễ bị dị tật do khi bú sữa phải kề sát ngực của nàng.
(5) Người nữ có vú dài không được chỉ định làm vú nuôi, vì đứa bé dễ bị hếch mũi bởi vú của nàng ta đè vào mũi của đứa bé khi đứa bé đang bú.
(6) Người nữ có nước da quá sậm không được chỉ định làm vú nuôi, vì sữa của nàng ta rất lạnh và không thích hợp cho đứa bé về lâu dài.
(7) Người nữ có nước da quá trắng không được chỉ định làm vú nuôi, vì sữa của nàng quá ấm và không thích hợp cho đứa bé về lâu dài.
(8) Người nữ bị bịnh ho không được chỉ định làm vú nuôi, vì sữa của nàng chua và không thích hợp cho đứa bé.
(9) Người nữ bị bịnh phổi không được chỉ định làm vú nuôi, vì sữa của nàng có vị hăng và đắng và không thích hợp cho đứa bé.
Những người đàn bà như vậy không được chỉ định làm vú nuôi, chỉ những người đàn bà không mắc phải mọi điều khiếm khuyết (về thân) mới được chỉ định làm vú nuôi.
Tuy những người hầu đã được tuyển chọn và chỉ định làm công việc chăm sóc Bồ tát theo cách kể trên, điều đặc biệt là Ngài có người dì, kế mẫu Mahāpajāpati Gotamī thường xuyên chăm sóc như một người mẹ thật sự.
Giải thích : Sau khi hoàng hậu Mahāmāyā mạng chung, vua Suddhodāna phong dì của Bồ tát - Mahāpajāpati Gotamī lên địa vị chánh hậu. Hai hoặc ba ngày sau khi Bồ tát đản sanh, bà Mahāpajāpati Gotamī cũng hạ sanh hoàng tử Nanda. Bà giao đứa con ruột của bà là hoàng tử Nanda cho các vú nuôi chăm sóc (khi ấy hoàng tử Nanda chỉ được ba hoặc bốn ngày tuổi) và bà thế vào địa vị người mẹ để nuôi dưỡng Bồ tát. Như vậy Bồ tát thường xuyên ở trong vòng tay chăm sóc của người dì ruột (và cũng là kế mẫu) (Trích dẫn từ bài kinh Dakkhiṇāvibhaṅga trong bộ Chú giải Uparipaṇṇāsa).
Như vậy, thái tử Bồ tát Siddhattha lớn lên dưới sự chăm sóc của kẻ hầu người hạ trong cung vàng điện ngọc.
KẾT THÚC CHƯƠNG 1
PHẬT BẢO
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B