THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 2
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 2] [Tiếp theo]
Vua Tịnh Phạn (Suddhodāna) chủ trì lễ Hạ điền và đảnh lễ Bồ tát lần thứ hai
Đến ngày vua Suddhodāna tổ chức lễ hạ điền, là lễ hội mùa được tổ chức hằng năm. Vào ngày hôm ấy, toàn thể kinh đô Kapilavatthu được trang hoàng xinh đẹp như cõi chư thiên. Tất cả dân chúng ở kinh đô kể cả những người làm công đều ăn mặc y phục đẹp nhất, tốt nhất; sau khi xức nước hoa và mang những tràng hoa, họ tập trung ở quảng trường của hoàng cung. Ở những đám ruộng, nơi lễ hạ điền được tổ chức, một ngàn chiếc cày được để sẵn, tám trăm cái trong số đó dành cho đức vua và các quan. Bảy trăm chín mươi cái cày của các quan được trang sức bằng bạc, có lưỡi cày, ách, bò và gậy hích. Cái cày do vua điều khiển được trang sức bằng vàng.
Vua Suddhodāna rời khỏi kinh đô với đông đảo tùy tùng gồm các quan, vệ binh và những người hầu khác và đem theo Bồ tát đến khu vực của lễ hội rồi đặt Ngài dưới bóng mát khả ái của cây táo hồng to lớn có cành lá sum xuê. Bồ tát an ngự trên những tấm thảm nhung được trải dưới cây. Chiếc lọng vải nhung đỏ sẩm có thêu những ngôi sao bằng vàng và bạc che bên trên Ngài; những tấm màng lớn che chung quanh và lính canh đứng bên ngoài để bảo vệ Bồ tát. Rồi đức vua với y phục nghi lễ chỉnh tề, cùng với các quan đi đến mảnh ruộng kiết tường, nơi lễ hạ điền được tổ chức.
Khi đến mảnh ruộng kiết tường, đức vua bước lên chiếc cày bằng vàng đặc biệt dành cho vua. Bảy trăm chín mươi chín vị quan cũng điều khiển những chiếc cày của họ. Hai trăm chiếc cày còn lại được những người làm công của hoàng gia điều khiển và họ cày hết phần còn lại của mảnh ruộng. Đức vua chỉ đi một đường cày để đem lại kiết tường cho bá tánh. Buổi lễ diễn ra một cách trang nghiêm và long trọng. Các vú nuôi và lính canh được chỉ định để bảo vệ Bồ tát, rời bỏ vị trí của họ để xem đức vua chủ trì lễ hạ điền, họ nói với nhau rằng: “ Chúng ta hãy đi xem đức vua của chúng ta chủ trì lễ hạ điền trọng đại này.”
(Ānāpāna Jhāna)
Khi ấy, Thái tử sau khi nhìn quanh và không thấy ai, nhanh chóng ngồi dậy. Trong tư thế kiết già của bậc hành giả thiền tịnh, Ngài đi vào pháp niệm hơi thở, tập trung vào hơi thở vô ra, và Ngài chứng được Sơ định sắc giới (rūpavacara jhāna). (Về vấn đề này, cần hiểu rằng sở dĩ Bồ tát đắc thiền nhanh chóng như vậy vì Ngài đã từng thực hành pháp thiền đề mục hơi thở trải qua nhiều đại kiếp liên tục).
Những người hầu rời bỏ phận sự của họ đã kéo lại chỗ cung cấp vật thực để ăn uống một lát. Tất cả cây cối đều tỏa bóng mát phụ thuộc vào sự di chuyển của mặt trời, trừ cây táo hồng đang che mát cho Bồ tát. Khi xế trưa, bóng của tất cả cây cối đều ngã về phía đông. Tuy nhiên, bóng mát của cây táo hồng che cho Bồ tát vẫn không chuyển đổi theo sự chuyển động của mặt trời, ngay cả khi mặt trời đã xế bóng, vẫn tỏa bóng tròn đều như trước.
Các vú nuôi hầu hạ cuối cùng cũng nhớ ra rằng: “ Con trai của đức vua đã bị bỏ lại một mình”, họ vội vã trở về và khi đi vào bên trong, họ rất ngạc nhiên khi trông thấy Thái tử đang ngồi kiết già rất tôn nghiêm, và cũng thấy điều kỳ diệu là bóng của cây táo hồng vẫn ở yên vị trí cũ với bóng tròn đều như trước. Họ tức tốc đi đến đức vua và tâu rằng: “ Tâu bệ hạ, thái tử đang ngồi yên lặng và thanh tịnh với oai nghi thoát trần. Trời đã xế trưa, bóng của những cây khác đã di chuyển theo vị trí thay đổi của mặt trời, nhưng bóng của cây táo hồng che mát thái tử vẫn không thay đổi, vẫn giữ yên bóng tròn đều của nó.”
Đức vua lặng lẽ đi đến và quan sát. Khi tận mắt trông thấy hai điều kỳ diệu ấy, vị ấy thốt lên rằng: “ Ôi, đứa con trai cao quí của ta, đây là lần thứ hai mà bậc làm cha như ta phải đảnh lễ con.” Rồi đức vua đảnh lễ Bồ tát với lòng trìu mến và tôn kính.
Khi Thái tử bảy tuổi, Ngài đã lớn lên trong đời sống xa hoa giống như đời sống của chư thiên, một ngày nọ đức vua Suddhodāna hỏi các quan rằng: “ Này các khanh, loại thú vui nào làm những đứa bé vui thích?” Các quan tâu rằng: “ Tâu bệ hạ, những cậu bé thường thích vui chơi trong nước.” Vua Suddhodāna bèn cho mời các nghệ nhân đến và bảo họ chọn một nơi thích hợp để đào một cái hồ thật lộng lẫy.
Nhân đó, Sakka, vua của chư thiên, qua sự quán xét đã biết được rằng người ta đang tiến hành xây dựng hồ, vị ấy tự nghĩ: “ Một cái hồ dành cho Bồ tát mà do con người tạo dựng thì không thích hợp, chỉ có hồ do chư thiên làm mới thích hợp.” Thế nên, Sakka bèn gọi vị thiên Visukamma đến, nói rằng: “ Nào, hãy đi đến cõi nhân loại và tạo ra một cái hồ thích hợp để Bồ tát vui chơi.” Visukamma hỏi lại: “ Thưa thiên chủ, ngài muốn tôi làm hồ theo kiểu nào?” Sakka đáp lại: “ Cái hồ mà ngươi tạo ra phải đảm bảo là không có bùn và chất trơn. Trên bờ hồ được rải bằng hồng ngọc, san hô và ngọc trai; những bức thành bao quanh được làm bằng bảy loại đá quí. Những bậc cấp đi xuống hồ phải được làm bằng những tấm đan bằng vàng, bạc và hồng ngọc. Những tay vịn bằng hồng ngọc và đầu trụ lan can phải được nạm bằng san hô. Bên trong hồ để Bồ tát vui chơi khoác nước, ngươi nên tạo ra một chiếc thuyền bằng vàng có trang bị chiếc ghế bằng bạc, một chiếc thuyền bằng bạc có ghế ngồi bằng vàng, một chiếc thuyền bằng hồng ngọc có ghế ngồi bằng san hô và một chiếc thuyền bằng san hô có ghế ngồi bằng hồng ngọc. Trong những chiếc thuyền ấy phải có những cái bát bằng vàng, bạc, hồng ngọc và san hô để múc nước. Cái hồ như vậy phải được tôn tạo cho xinh đẹp và duyên dáng bằng năm loại sen.”
Chư thiên Visukamma, sau khi vâng lời, đi xuống cõi nhân loại ngay trong đêm ấy và tạo ra một cái hồ với đầy đủ mọi chi tiết như Sakka đã chỉ dẫn ngay tại chỗ mà vua Suddhodāna đã chọn. ( Ở đây, người ta có thể hỏi là làm sao năm loại sen có thể mọc và ra hoa ở trong một cái hồ mà không có bùn. Câu trả lời là: vị thiên Visukamma đã tạo ra những chiếc thuyền nhỏ bằng vàng, bằng bạc, bằng hồng ngọc và bằng san hô trong cái hồ không có bùn như vậy và đã chú nguyện rằng: “ Xin cho những chiếc thuyền nhỏ này chứa đầy chất nhờn và bùn để năm loại sen mọc lên và nở đầy hoa.” Nhờ có sự chú nguyện như vậy, năm loại sen đã phát triển tốt và ra hoa trong hồ). Phấn của các loại sen bay khắp mặt hồ do bởi những cơn gió nhẹ và những con sóng gợn lăn tăn. Năm loại ong đủ năm màu phát ra tiếng kêu vo ve đầy vui vẻ khi chúng bay từ bông hoa này đến bông hoa khác. Sau khi đã kiến tạo cái hồ tuyệt đẹp đúng như lời chỉ dẫn của Sakka, Visukamma trở về cõi chư thiên.
Sáng hôm sau, hằng ngàn người dân kinh đô trông thấy cái hồ nguy nga, tráng lệ rất đỗi diệu kỳ, họ vui sướng thốt lên rằng: “ Chắc chắn cái hồ này do Sakka và chư thiên tạo ra dành cho Thái tử !” Và như vậy, đầy hân hoan và vui sướng, họ báo tin ấy lên đức vua Suddhodāna. Vua Suddhodāna với đông đảo tùy tùng đi đến xem hồ. Khi trông thấy sự nguy nga và tráng lệ của cái hồ, vị ấy vui mừng: “ Quả thật cái hồ này là sự kiến tạo của chư thiên do oai lực của con trai ta!” Sau đó, Thái tử đi đến vui chơi trong hồ này với đầy đủ các khoái lạc của chư thiên. (Đây là những lời nói được trích ra trong bài kinh Sukhumāla Sutta, Devadūta Vagga, Tikanipāta, Chú giải Aṅguttara, cuốn II).
Thái tử, Bồ tát Siddhattha lớn lên trong tiện nghi và xa hoa vĩ đại, thọ hưởng các khoái lạc như vui chơi trong cái hồ chư thiên có đầy đủ năm loại sen, mặc y phục bằng vải mềm và mịn của xứ Kasi, luôn luôn được bảo vệ, che chở tránh khỏi nóng lạnh, bụi và sương bởi những chiếc lọng trắng của chư thiên và nhân loại.
Năm Thái tử mười sáu tuổi, vua Suddhodāna suy nghĩ: “ Đã đến lúc xây dựng các cung điện cho con trai của ta.” Và vị ấy mời các kiến trúc sư đại tài và nổi tiếng, các thợ mộc, thợ nề, thợ điêu khắc và thợ vẽ, rồi truyền lịnh cho họ xây dựng ba cung điện, đó là cung vàng Ramma, cung Suramma và cung vàng Subha, đặc biệt ba cung điện này thích hợp với thời tiết của ba mùa. Ba cung điện này có kích thước bằng nhau về chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Chúng chỉ khác nhau về số tầng trong các tháp nhọn.
(Ba cung điện này không được mô tả chi tiết trong các bộ Chú giải của bộ Buddhavaṃsa và bộ Jātaka. Chúng được mô tả chi tiết trong các bài trình bày của bài kinh Sukhumāla ở bộ Chú giải Aṅguttara; trong phần trình bày về bài kinh Māgandiya của bộ Chú giải Majjhimapaṇṇāsa và của chương Agarikasampatti trong bộ Phụ chú giải Jinālaṅkāra. Những gì được nêu ra ở đây là sự tổng hợp của các bài trình bày trong những bộ Chú giải và Phụ chú giải này).
(i) Cung điện Ramma được xây dựng để ngụ trong mùa đông.
(ii) Cung điện Suramma được xây dựng để ngụ trong mùa hè.
(iii) Cung điện Subha được xây dựng để ngụ trong mùa mưa.
Cung điện Ramma có chín tầng chóp. Cấu trúc và sự trang trí nội thất được thiết kế để các tầng hơi thấp giữ được độ ấm. Sự sắp xếp các cửa sổ có hình sư tử ở phía dưới và các cửa thông gió được thực hiện rất công phu để ngăn không cho hơi lạnh từ tuyết, sương, và gió vào bên trong. Các thợ vẽ cũng vẽ những bức hình về các ngọn lửa bốc cao và những đống lửa ở trên các vách tường, sàn nhà, v.v... để Thái tử thấy chúng sẽ có cảm giác ấm người. Những dãi hoa được kết bằng vật thơm, hoa, ngọc trai được treo rải rác ở những nơi thích hợp. Trên trần của cung điện được che bằng những tấm vải len và lụa có đính những ngôi sao bằng vàng, bạc và hồng ngọc tạo nên những màu sắc tươi sáng rực lửa. Ngoài ra, cũng có những vách chắn bằng vải len và những bức rèm bằng sợi rất mềm và mượt. Những chiếc áo khoác bằng vải nhung và y phục bằng vải len cũng được cất sẵn để thái tử mặc thay đổi. Vật thực dành cho mùa lạnh có vị cay, nóng cũng được chuẩn bị sẵn. Những cánh cửa sổ được mở ra vào ban ngày và đóng lại vào ban đêm để giữ căn phòng luôn luôn được ấm áp.
Cung điện Suramma có năm tầng tháp. Kiến trúc và sự trang trí nội thất được thiết kế để gió thông vào phòng; các ô tầng được xây dựng cao hơn các cửa sổ và các lá chắn được bố trí để tạo ra sự thông thoáng và rộng rãi, và để cho gió từ bên ngoài thổi vào bên trong nhiều hơn và làm mát hơn, những cánh cửa lớn và cửa sổ thường xuyên được mở ra. Một số cánh cửa được trang trí xinh đẹp và những cánh cửa khác thì có lưới (bằng sắt, vàng và bạc). Những bức vách, những cột chính, các mái, v.v... được trang trí bằng những bức tranh về những hoa sen xanh, đỏ và trắng để tạo ra cảm giác êm dịu cho người xem. Những cái chậu mới đầy nước được đặt gần các cửa sổ, trong đó trồng những loại sen như sen xanh, sen đỏ, sen trắng và sen có trăm cánh. Các cột nước và vòi sen được bố trí ở những chỗ thích hợp để làm cho cây cối xanh tươi và người xem cảm thấy mát mẻ như đang sống trong mùa mưa. Bên trong cung điện có những chậu hoa mà trong đó nước và bùn được trộn với bột thơm, được đặt ở những nơi thích hợp và năm loại sen ở trong đó luôn luôn nở hoa. Trần của cung điện được che bằng vải sợi bông, mềm, mượt và có khả năng tạo ra hơi mát. Ngoài ra, cũng có những khung chắn bằng vàng và những tấm rèm mỏng, mềm, xinh đẹp và được trang trí rực rỡ; những tấm thảm nền rất trắng có thể tạo ra khung cảnh mát mẻ. Những bộ y phục rất mỏng thích hợp cho mùa hè được treo sẵn để mặc. Đồ ăn mát và thơm ngon cũng được khéo sửa soạn.
Ở trên mái của cung điện Suramma có treo một mạng lưới những cái chuông gió nhỏ bằng vàng, tạo ra những âm thanh tươi vui và khả ái, vượt trội những âm thanh của năm loại nhạc khí. Trần của cung điện được làm bằng những tấm vàng có những lỗ rất nhỏ, được gắn ở dưới mái. Khi nước từ bốn cái hồ ở bốn phía của cung điện được bơm lên bên trên trần nhà, nó phát ra tiếng kêu tí tách và rỉ giọt qua những lỗ nhỏ giống như những giọt mưa rơi xuống khi trời đang mưa. Bên trên lớp trần bằng những tấm vàng ấy có một lớp trần khác bằng da khô của con trâu núi. Bên trên nữa là một lớp đá sỏi rất nhỏ mà từ đó chúng rơi xuống trên lớp da trâu tạo ra âm thanh đùng đùng của sấm trong mùa mưa.
Một trăm lẻ tám cái chum lớn bằng vàng và bằng bạc được đổ đầy nước hoa và đặt quanh giường của thái tử, bên ngoài các chum là khung màng có thêu hình những hoa sen. Để làm cho không khí được mát mẻ, dễ chịu, những loại sen xanh, đỏ và trắng được trồng trong những thùng tròn lớn bằng đồng đỏ chứa đầy bùn thơm đặt rải rác khắp nơi. Những bông sen nở rộ khi ánh nắng mặt trời chiếu vào. Tất cả những loại ong mật bay vào bên trong cung điện và vờn quanh những hoa sen để hút mật ngọt của chúng. Như vậy, cung điện Suramma, chỗ ngụ dành cho Thái tử trong mùa hè, ngày đêm luôn luôn tràn ngập hương thơm của các loại hoa.
Khi Thái tử sống trong cung điện này, và lúc vui chơi trong nước, những viên sỏi được ném xuống trên tấm da trâu như đã được mô tả ở trên để tạo ra những tiếng gầm của sấm, nước được bơm lên trần nhà chảy rỉ rả thành những giọt qua những lỗ nhỏ tựa như trời đang mưa. Vào lúc ấy, Thái tử mặc y phục màu xanh và mang đồ trang sức màu xanh, vui chơi trong nước, vui hưởng sự mát mẻ của nó suốt ngày giữa bốn chục ngàn tùy tùng cũng mặc y phục và trang sức màu xanh được xức nước hoa và bột thơm.
Ở bốn mặt bên ngoài cung điện Suramma, có bốn cái hồ mà trong đó nước có màu xanh lục bảo, trong mát và được phủ đầy năm loại sen. Những loài thủy cầm như thiên nga, vịt, cò, v.v... đủ các màu sắc, từ hồ ở phía đông bay ngang qua cung điện phát ra những âm thanh khả ái liên tục, rồi đáp xuống và nô đùa ở mặt hồ phía tây. Dường thế ấy, những con chim ở hồ phía tây tung cánh bay qua hồ phía đông, những con chim ở hồ phía bắc thì bay đến hồ phía nam và những con chim ở hồ phía nam thì bay đến hồ phía bắc, v.v... Cung điện mùa hè dù ở trong những tháng nóng nực vẫn mát mẻ, dễ chịu như trong mùa mưa.
Cung điện Subha có bảy tầng tháp. Cấu trúc phòng được thiết kế trung bình, không quá cao cũng không quá thấp, không quá rộng cũng không quá hẹp, để tạo ra cả hơi nóng lẫn hơi lạnh. Cửa lớn và các cửa sổ được thiết kế để thích hợp với các mùa nóng và lạnh, một số được bọc bằng những tấm vải dày, số khác thì có lỗ và lưới. Có những bức tranh về các ngọn lửa và những bức hình khác thì vẽ hình các ao hồ. Y phục và các tấm thảm thích hợp cho cả thời tiết nóng và lạnh luôn có sẵn khi sử dụng. Một số cửa lớn và cửa sổ được mở ra vào ban ngày và được đóng vào ban đêm; số khác thì được đóng vào ban ngày và mở ra vào ban đêm. (Vẻ đẹp và sự hoàn hảo của cung điện này giống như của cung điện mùa hè và cung điện mùa đông).
Sau khi vua Suddhodāana cho xây dựng ba tòa cung điện vĩ đại và lộng lẫy cho con trai mà trước kia chưa đời vua nào có được, vị ấy tự nghĩ: “ Con trai của ta đã đến tuổi mười sáu. Sau khi phong vương cho con bằng chiếc lọng trắng, ta sẽ ngắm con trai vui hưởng sự vinh quang và xa hoa của cuộc đời đế vương.” Rồi vị ấy sai gởi thiệp đến tám chục ngàn quyến thuộc của dòng Thích ca với nội dung như sau: “ Các hoàng tử Thích ca thân mến, giờ đây con trai của trẫm đã đến tuổi mười sáu. Trẫm sẽ phong vương cho con trai. Vậy xin mời tất cả các tiểu vương của dòng Thích ca hãy đem con gái đã đến tuổi trưởng thành đến cung điện của trẫm.”
Khi các vị tiểu vương của dòng Thích ca nhận được thiệp mời của vua Suddhodāna, họ từ chối không đáp ứng yêu cầu của vua Suddhodāna và trả lời bằng những lời đầy xúc phạm: “ Thái tử Siddhattha dầu có dung mạo khả ái nhưng thiếu học vấn. Vì không có một nghề để nuôi mạng, vị ấy sẽ không có khả năng nuôi sống gia đình. Vì vậy chúng tôi không thể chấp nhận yêu cầu của vua Suddhodāna mà gả con gái của chúng tôi cho Thái tử Siddhattha được.” (Những lời này được nêu ra trong các bộ Chú giải của các bộ kinh Buddhavaṃsa, Aṅguttara và trong các bộ Phụ chú giải Jinālaṅkāra. Tuy nhiên, trong bài giới thiệu về bộ Chú giải Jātaka, trong phần nói về Buddhavaṃsa, có đoạn nói rằng các vị tiểu vương Thích ca đã nói lời phê phán Thái tử Siddhattha ở một trong những buổi họp của họ, khi thái tử Bồ tát Siddhattha đang sống trong xa hoa tại ba cung điện, giữa bốn chục ngàn tùy tùng).
Khi nhận được thư phúc đáp của các vị tiểu vương Thích ca, vua Suddhadāna bèn đến gặp Thái tử và kể lại vấn đề. Rồi Thái tử hỏi rằng: “ Thưa phụ hoàng, con không cần học bất cứ điều gì. Phụ hoàng muốn con thi thố môn gì đây?” Vua Suddhodāna đáp lại: “ Này con thân, con nên biểu diễn cho các vị tiểu vương Thích Ca xem tài bắn cung của con bằng cây cung nặng một ngàn người kéo.” Khi ấy Thái tử Siddhattha đáp lại rằng: “Trong trường hợp ấy, thưa phụ vương, hãy cho người đi đánh trống và công bố khắp kinh đô rằng vào ngày thứ bảy kể từ hôm nay, con sẽ biểu diễn thuật bắn cung.” Vua Suddhodāna truyền lịnh cho công bố tin ấy khắp thành Kapilavatthu bằng tiếng trống.
Về từ Pāḷi ‘sahassathāmadhanu’, bộ Samantacakkhu Dīpanī, cuốn I, nói rằng nó có hàm nghĩa ‘cây cung do một ngàn người kéo’( theo các bài trong phần Ṭīkā Nipāta của bộ Chú giải Aṅguttara và Chú giải của bộ Buddhavaṃsa). Ý nghĩa của nó được thêm vào rằng: “ Tuy nhiên, nếu từ Pāḷi được xem là chỉ về sức nặng thì nó nên được dịch là ‘cây cung đòi hỏi sức kéo bằng một ngàn cân.’ ”
Và tin báo được lan truyền khắp thành Kapilavatthu, mọi công việc sắp xếp được thực hiện như chỗ biểu diễn thuật bắn cung của Bồ tát, chỗ ngồi xem dành cho các quan, các cung phi, tùy tùng, quân sĩ và các nhân vật nổi tiếng của dòng Thích ca. Vào ngày thứ bảy, khi mọi công việc chuẩn bị đã được làm xong, đức vua cùng với các quan, các vị nguyên soái lãnh binh và quan khách, tất cả đều ngồi vào chỗ ngồi của họ. Thái tử, sau khi ngồi vào bảo tọa có cẩn ngọc được đặt chính giữa quãng trường, Ngài cầm lấy cây cung nặng một ngàn cân do các tùy tùng đem đến. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Thái tử cầm cây cung bằng bàn tay trái, dùng ngón chân cái xoắn tròn sợi dây cung để làm căng sợi dây cung, ngài đưa bàn tay phải kéo sợi dây cung rồi thả ra để điều chỉnh nó. Âm thanh ngân lên phát ra từ dây cung rất lớn đến nỗi nó vang dội khắp thành Kapilavatthu tựa như nó sắp bay lên trời cao.
Nhân đó, một số người hỏi rằng: “ Âm thanh gì thế?” và những người khác trả lời rằng: “ Đây là tiếng sấm.” Tuy nhiên, số người khác nữa lại nói rằng: “ Ồ, các người không biết đó thôi, đây không phải là tiếng sấm. Nó là âm thanh được tạo ra khi vị thái tử Thích ca Siddhattha với dung mạo tuấn tú và nước da sáng rực, kéo cây cung nặng ngàn cân và rồi buông thả sợi dây cung.”
Tất cả tám chục ngàn vị tiểu vương dòng Thích Ca và những vị hoàng thân chứng kiến sự biểu diễn rất ngoạn mục của Thái tử khi Ngài điều chỉnh sợi dây cung, họ rất đỗi vừa lòng.
Bồ tát đã cho mời những vị cung thuật sư nổi tiếng của thành Kapilvatthu, đó là Akkhanavedhi, Vālavedhi, Saravedhi và Saddavedhi đến hội họp tại khu vực bắn cung. Về phần Ngài (rất giống như trong một kiếp quá khứ, khi Bồ tát sanh làm chàng trai Jotipāla, như đã được kể lại trong Bổn sanh Sarabhaṅga của chương Cattālīsa Nipāta), Ngài đứng giữa bốn chúng, uy nghi như vị chúa rồng xuất hiện từ lòng đất hay Sakka, vua của chư thiên trong cuộc duyệt binh. Ngài mặc võ phục có đính những viên hồng ngọc, đầu đội vương miện được trang trí bằng chín loại ngọc quí có nhiều mặt và quanh lưng Ngài là chiếc đai đính đầy bảy loại ngọc. Ngài cầm cây cung hình lưỡi liềm, được làm bằng sừng thú với những sợi dây màu san hô và đeo trên vai bao tên có màu lục bảo.
Bốn vị cung thuật sư nói trên đứng ở bốn góc, mỗi vị đều có những người hầu mang ba mươi ngàn cây tên. Riêng Bồ tát, Ngài chỉ cầm một cây tên đầu bọc kim cương và bảo bốn vị cung thuật sư đồng loạt bắn vào ngài.
(1) Các cung thuật sư không dám ra tay, khẩn nài rằng: “Thưa Thái tử, chúng tôi là những cung thuật sư lão luyện bậc nhất, có thể bắn trúng mục tiêu nhiều lần chỉ trong chớp nhoáng, có thể bắn chẻ đôi sợi lông đuôi con thú, có thể bắn trúng cây tên đã được bắn ra trước; và có thể bắn trúng mục tiêu mà không cần nhìn bằng mắt, chỉ nghe âm thanh. Thái tử còn trẻ, chúng tôi không thể cam tâm bắn vào Ngài.” Thái tử đáp lại: “ Đừng sợ, nếu các ngươi có thể bắn trúng, cứ bắn vào ta.” Ngài đứng thẳng không chút sợ hãi như con sư tử bằng vàng giữa sân rộng. Nhân đó, các xạ tiễn bậc thầy bắt đầu bắn đồng loạt hằng ngàn cây tên trong chớp nhoáng với hết khả năng của họ. Bồ tát chặn lại tất cả những cây tên đang bay đến bằng cây tên đầu bọc kim cương của Ngài và điều khiển để chúng không rơi lộn xộn, mà làm cho các đầu tên, đuôi tên và thân của cây tên sắp đều lại với nhau thành một cái phòng bằng những cây tên. Và cứ như thế, bốn vị cung thuật sư đã bắn hết số tên của họ. Khi Thái tử Bồ tát biết chắc rằng tất cả những cây tên đã được sử dụng hết, Ngài nhảy ra ngoài cái phòng đầy tên ấy mà không làm rối chúng.
Chứng kiến cung thuật của Bồ tát về tài chắn đỡ những cây tên đang được bắn vào Ngài, những khán giả tham dự gồm có các hoàng tử, hoàng thân, các vị Bà-la-môn, các trưởng giả, v.v... tất cả đều vui mừng hò reo và khen ngợi hết mình; họ vỗ ngực và vỗ tay làm vang dội cả không trung tựa như đại địa đang rung chuyển. (Đây quả thực là loại cung thuật dùng một cây mà chắn đỡ tất cả những cây tên đang được bắn đến từ kẻ thù, sarapaṭibāhana).
(2) Nhân đó, vua Suddhodana hỏi con trai: “ Con thân yêu, loại cung thuật mà con vừa mới biểu diễn được gọi là gì ?” “ Thưa phụ hoàng kính mến, cung thuật mà con vừa biễu diễn là thuật chắn đỡ những cây tên bay đến từ kẻ thù bằng cây tên của chính mình - sarapaṭibāhana.” Đức vua lại hỏi: “ Con thân yêu, ngoài con ra, còn ai khác có thể nắm được kỹ thuật này chăng?” Đáp lại, Bồ tát nói rằng: “ Kính thưa phụ hoàng, ngoài con ra, trong vùng Jambudīpa không một ai nắm được thủ thuật này.” Vua Suddhodāna lại nói: “ Con thân yêu, hãy trình diễn những cung thuật khác cho chúng ta xem.” Nhân đó, Thái tử nói rằng: “ Bốn cung thuật sư này đứng ở bốn góc không thể nào bắn trúng một mình con. Bây giờ con sẽ bắn một cây tên mà trúng bốn cung thuật sư này.” Nghe qua những lời này, bốn cung thuật sư mất tự chủ, run lên vì sợ hãi.
Rồi Thái tử cho trồng bốn cây chuối ở bốn góc tại chỗ mà bốn cung thuật sư đã đứng trước đó; sợi chỉ lụa đỏ buộc vào đuôi của cây tên có đầu bằng kim cương, Ngài nhắm vào thân một cây chuối rồi bắn ra cây tên. Cây tên đi xuyên qua thân cây chuối thứ nhất, nhưng không dừng lại ở đó mà tiếp tục đi xuyên qua cây chuối thứ hai; rồi tiếp tục đi xuyên qua thân cây chuối thứ ba và thứ tư, và cuối cùng nó trở lại cây chuối thứ nhất và đâm xuyên cây chuối này rồi bay đến nằm trong tay của Bồ tát. Như vậy bốn cây chuối đứng nối kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ. Tất cả những người đứng xem đều cất tiếng tung hô vang trời.
Đức vua Suddhodāna lại hỏi con trai: “Con thân yêu, loại cung thuật này gọi là gì?” “Kính thưa phụ hoàng, kỹ thuật biểu diễn vừa rồi của con là thuật bắn trúng tất cả những mục tiêu ở quanh một vòng tròn chỉ bằng một cây tên và cây tên trở lại tay của người đã bắn nó ra. Nó có tên gọi là cakkavedhi.” Rồi vua Suddhodana nói: “ Con thân yêu, hãy tiếp tục biểu diễn những loại cung thuật khác.” Và Thái tử lần lượt phô diễn các cung thuật sau đây:
(3) Kỹ thuật Saralaṭṭhi: bắn liên tục những cây tên thành một cây dài.
(4) Kỹ thuật Sararajju: bắn liên tục những cây tên thành hình giống như một chuỗi dây.
(5) Kỹ thuật Sarapāsāda: bắn các cây tên thành hình giống như cái nền cao.
(6) Kỹ thuật Sarasopāna: bắn những cây tên thành hình những bậc thang với những tầng mái che.
(7) Kỹ thuật Saramaṇḍapa: bắn những cây tên thành hình giống như một giả ốc.
(8) Kỹ thuật Sarapākāra: bắn những cây tên thành hình giống như bức tường tròn.
(9) Kỹ thuật Sarapokkharanī: bắn các cây tên thành hình cái hồ vuông.
(10) Kỹ thuật Sarapaduma: bắn những cây tên thành hình hoa sen có nhiều cánh.
(11) Kỹ thuật Saravedhi: bắn những cây tên để cây tên sau trúng vào cây tên trước đó.
(12) Kỹ thuật Saravassa: bắn những cây tên để tạo ra một đám mưa tên.
Đây là 12 loại cung thuật.
Hơn nữa, Thái tử Siddhattha còn biểu diễn bốn ngón chính sau đây của thuật bắn cung trước sự chứng kiến của vua Suddhodāna và khách tham dự.
(1) Kỹ thuật Akkhaṇavedhi: bắn những loạt tên cùng một lúc vào mục tiêu trong chớp nhoáng mà không có cây tên nào bị trượt ra ngoài.
(2) Kỹ thuật Vālavedhi: bắn chẻ đôi mục tiêu rất nhỏ như sợi lông.
(3) Kỹ thuật Saravedhi: bắn trúng vào những cây tên đi ngay trước.
(4) Kỹ thuật Saddavedhi: bắn trúng mục tiêu mà không cần nhìn, chỉ nghe âm thanh.
Ngoài ra, Thái tử cũng biểu diễn trước đông đảo cử tọa do vua Suddhodāna dẫn đầu về nghệ thuật bắn xuyên qua bảy loại vật thể bền chắc (satta mahākāyapadālana).
Bảy loại vật thể bền chắc được kể ra như sau: (1) khối da dày (cammakāya); (2) khối gỗ lớn (dāruaya); (3) khối đồng lớn (lohakāya); (4) khối sắt lớn (ayokāya); (5) khối cát lớn (valikakāya); (6) khối nước lớn (udakakāya); (7) khối ván lớn (phalakakāya).
Trong bảy khối vật thể này, (1) những cung thuật sư khác không thể bắn xuyên khối da dày mà chỉ có thể bắn xuyên một tấm da trâu núi với hết khả năng của họ. Nhưng Thái tử Bồ tát có thể bắn xuyên một khối da trâu được sắp thành một trăm lớp.
(2-7) Trong khi đó, những cung thuật sư khác chỉ có thể bắn xuyên một tấm ván gỗ udumbara dày tám ngón tay, hoặc một tấm ván gỗ panasa dày bốn ngón tay, còn Thái tử Bồ tát có thể bắn xuyên một trăm tấm ván như vậy. Tương tự, trong khi những cung thuật sư khác chỉ có thể bắn xuyên một tấm đồng dầy hai ngón tay hoặc một tấm sắt dầy một ngón tay, thì Thái tử Bồ tát có thể bắn xuyên nhiều tấm đồng hoặc tấm sắt như vậy. Tuy những cung thuật sư khác có thể bắn một cây tên xuyên qua một cỗ xe bò đầy cát hoặc đầy cỏ khô và khiến cho cây tên bay ra mặt sau của cỗ xe, còn Bồ tát có thể bắn xuyên nhiều cỗ xe như vậy. Trong khi những cung thuật sư khác có thể bắn cây tên vào trong nước đi xa chỉ 4 usabha (1 usabha = 140 cubits, tức là 100 hắc tay) hoặc chỉ 8 usabha trên mặt đất, tuy nhiên Thái tử có thể bắn xa nhiều usabha (hoặc ngay cả nhiều do tuần) vào trong nước hoặc trên mặt đất ( Trích dẫn từ Bổn sanh Asadisa của chương Dukanipāta).
Tài bắn cung kỳ diệu của Bồ tát được thể hiện không chỉ trong kiếp cuối của Ngài là Thái tử Siddhattha, mà trong những thời kỳ đầu tiên thực hành các pháp Ba-la-mật, kiếp sanh làm thái tử Asadisa. Sau đây là câu chuyện rút gọn của Bổn sanh Asadisa.
Trong khi đang thực hành các pháp Ba-la-mật, vào một kiếp nọ, Bồ tát sanh làm Thái tử Asadisa, là con trai cả của vua Brahmadatta ở kinh đô Bāranasī. Khi đến tuổi mười sáu, thái tử Asadisa đi đến trường đại học Takkasilā dưới sự chỉ dạy của vị giáo sư nổi tiếng Disāpāmokkha, vị ấy học Tam phệ đà và mười tám môn học khác đến trình độ cao nhất. Đặc biệt, thái tử đạt đến trình độ cao nhất về các kỹ thuật bắn cung mà không một ai khác có thể sánh bằng. Trở về Vāraṇasī sau khi đã hoàn tất các môn học, vị ấy từ chối không kế thừa ngôi vua với tư cách người con trưởng theo di chúc của phụ vương. Thế nên, các quan tôn người em của thái tử là hoàng tử Brahmadatta lên ngôi vua. Thái tử Asadisa tiếp tục sống an lạc với địa vị của một hoàng thân. Nhưng những tên nịnh thần và những kẻ cơ hội bên cạnh vua, để gieo mầm mống bất hòa đã đặt điều nói xấu thái tử Asadisa, họ tâu với vua rằng: “ Thái tử Asadisa đang âm mưu soán ngôi của bệ hạ.” Và vì tin theo những lời đâm thọc của chúng, đức vua truyền lịnh bắt giam người anh cả, là thái tử Asadisa.
Khi được những người hầu có thiện ý báo tin về vấn đề trên, Thái tử Asadisa cảm thấy rất đau xót, và rời khỏi vương quốc Vāranasī đến một vương quốc khác. Khi đến nơi, thái tử cho người tâu lên đức vua rằng có một cung thuật sư bậc thầy tại cổng thành của hoàng cung, muốn được phục vụ đức vua. Được vua thâu nhận với tiền lương một trăm ngàn đồng mỗi năm, từ đó thái tử Asadisa ở lại phục vụ cho đức vua với tư cách một cung thuật sư. Những cung thuật sư khác ganh tỵ với người mới đến vì chỉ được trả một ngàn đồng tiền lương mỗi năm nên phản đối sự ưu đãi ấy.
Một hôm nọ, tại vườn thượng uyển gần tảng đá kiết tường, vua trông thấy một chùm xoài ở trên ngọn cây xoài lớn. Vua suy nghĩ: “ Thật không thể nào leo lên để hái chùm xoài kia.” Đức vua bèn cho gọi các cung thuật sư cựu trào đến và hỏi họ rằng: “ Các ngươi có thể bắn rớt chùm xoài kia bằng một cây tên chăng?” Tất cả họ đều ba hoa: “ Tâu bệ hạ, đối với chúng tôi việc bắn rớt nó chẳng khó khăn gì. Bệ hạ cũng đã từng trông thấy tài năng của chúng tôi. Bây giờ xin bệ hạ hãy cho gọi vị cung thuật sư mới, người lãnh nhiều tiền hơn chúng tôi, bảo anh ta bắn rớt nó.”
Đức vua cho gọi Thái tử Asadisa đến và hỏi vị ấy rằng: “Này con, con có thể bắn rớt chùm xoài kia bằng một cây tên chăng?” Thái tử đáp lại: “ Tâu bệ hạ, nếu hạ thần được phép sử dụng chỗ mà bệ hạ đang nằm tựa thì công việc có thể làm được.” (Sở dĩ Ngài yêu cầu như vậy vì nhánh xoài nằm ngay bên trên chỗ mà đức vua đang nằm tựa). Đức vua bèn ra khỏi chỗ đang nằm tựa và cho phép Thái tử đứng vào chỗ ấy.
Không giống như những cung thuật sư khác, Thái tử không đi lại với tay cầm cây cung một cách phô trương. Ngài đi lại với cây cung được xếp lại và được cuốn trong tấm vải. Thái tử cho người che quanh bằng những tấm màng. Rồi vào bên trong tấm màng che để cỡi ra chiếc áo khoác màu trắng, Ngài thay y phục màu đỏ. Rồi Ngài cũng buộc chặc sợi dây đai vòng qua ngực, sau đó lấy ra cây kiếm từ bên trong chiếc bao và đeo nó ở bên vai trái. Rồi khoác lên người tấm vải màu vàng ròng với bao tên đeo trên lưng, Ngài cầm cây cung lớn được làm bằng sừng của con cừu, mỗi đoạn của nó được buộc chắc ở chỗ nối, bộ dây cung có màu san hô đỏ và với tấm vải vấn đầu có đính các loại ngọc quí. Sau khi xoay cây cung bằng các móng tay, Ngài vén tấm màng và đi ra như vị thái tử rồng xuất hiện từ lòng đất. Ngài đi thẳng đến chỗ bắn cung, hỏi đức vua rằng: “ Tâu bệ hạ, thần nên bắn rớt chùm xoài bằng cây tên đi lên hay đi xuống?” Đức vua đáp lại: “ Này con, trẫm đã từng thấy nhiều cung thuật sư bắn rớt trái cây bằng cây tên đi lên, nhưng trẫm chưa từng trông thấy các cung thuật sư nào bắn rớt chúng bằng cây tên đi xuống. Trẫm muốn xem khanh bắn đứt cuống của chùm xoài bằng cây tên đi xuống.” Thái tử đáp lại: “ Tâu bệ hạ, cây tên mà thần bắn ra đây sẽ bay lên đến cõi Tứ thiên vương (Catumahārājika). Thần cầu xin bệ hạ hãy nhẫn nại chờ đợi cây tên đi xuống từ cõi chư thiên ấy.” “Được rồi,” đức vua đồng ý.
Bồ tát còn giải thích thêm: “ Tâu bệ hạ, cây tên mà thần bắn ra đây, khi đi lên, nó sẽ cắt một nửa cuống xoài, và khi từ trên trời đi xuống, nó sẽ cắt đứt nửa còn lại của cuống xoài mà không sai một ly và đem xuống chùm xoài. Hãy xem đây, tâu bệ hạ.” Khi nói ra những lời này, Thái tử bắn cây tên đi vào bầu trời nhanh trong chớp nhoáng. Cây tên bay lên sau khi cắt đứt nửa cuống xoài, Thái tử khẳng định: “ Giờ đây cây tên chắc đã đến cõi Catumahārājika.” Ngài bèn bắn ra cây tên thứ hai với sức mạnh lớn hơn và nhanh hơn cây tên đầu. Cây tên thứ hai bay lên trúng vào lông đuôi của cây tên thứ nhất, làm cho nó quay đầu lại và đi xuống, và rồi cây tên thứ hai tiếp tục bay lên đến cõi Đạo lợi thiên (Tavatiṃsa) và được chư thiên ở đó bắt lấy.
Âm thanh phát ra từ cây tên đi xuống đang chẻ xuyên những cơn gió mạnh trong không trung, gầm to như tiếng sấm khiến quả đất như rung chuyển. Khi mọi người hỏi: “ Âm thanh gì thế?” Thái tử đáp lại rằng: “ Đó là âm thanh của cây tên đầu tiên đang lao xuống.” Ngài trấn an mọi người đang lo lắng sợ cây tên có thể rơi xuống họ nên nói rằng: “ Đừng sợ, cây tên sẽ không được phép rơi xuống trên đất, ta sẽ bắt lấy nó mà không làm hại đến ai cả.”
Cây tên nói trên khi đi xuống đã cắt đứt nửa cuống xoài còn lại mà không chếch ra dầu chỉ bằng một cọng tóc. Trước sự chứng kiến của mọi người, nó rơi xuống cùng với chùm xoài. Thái tử Asadisa một tay bắt lấy cây tên và tay kia bắt lấy chùm xoài, không để chúng rơi xuống đất.
Đức vua và hàng ngàn người đứng xem đều rất kinh ngạc trước sự biểu diễn diệu kỳ và bày tỏ sự khâm phục: “Chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một sự biểu diễn nào tuyệt diệu như vậy.” Họ vỗ tay nồng nhiệt tán dương Thái tử, và tung lên trời hằng ngàn chiếc khăn đội đầu. Mọi người tham dự, để bày tỏ sự hài lòng và vui sướng họ đã ban tặng hậu hỉ đến Thái tử những món quà trị giá cả chục triệu đồng. Về phần đức vua, vị ấy ban tặng Ngài nhiều tiền thưởng và một đoàn tùy tùng đông đảo tựa như rưới xuống một cơn mưa lớn.
Như vậy, Thái tử Siddhattha, Bồ tát đã biểu diễn tài bắn cung kỳ diệu và phi thường khi Ngài sanh làm Thái tử Asadisa. Trong kiếp cuối cùng này, thái tử Siddhattha đã phô diễn trước hội chúng như vậy không chỉ riêng về nghệ thuật bắn cung, tức là bốn kỹ thuật chính, mười hai kỹ thuật phụ, tài bắn xuyên bảy loại vật thể bền chắc, mà cả những môn nghệ thuật khác nữa. Chỉ khi ấy, sự hoài nghi của tám chục ngàn vị hoàng thân: “ Vị ấy có được những pháp thành tựu của một người đàn ông chăng?” mới chấm dứt.
Sự tiếp nhận vương quyền với sự hầu hạ của 40 ngàn công nương dòng Thích Ca
Như vậy, Thái tử Bồ tát Siddhattha đã biểu diễn tài nghệ bắn cung của Ngài để xóa đi mọi hoài nghi, sự coi thường, sự nói xấu và chê bai do những vị hoàng thân trút lên ngài. Tài năng có một không hai của Ngài, rất kỳ diệu và hy hữu. Nhân đó, tất cả những vị hoàng thân sau khi hết hoài nghi mà họ đã nuôi dưỡng trước kia, đều vui sướng thốt lên rằng: “ Trước kia trong lịch sử các triều đại của dòng Thích ca, chưa một ai chứng kiến được những tài nghệ như chúng ta đã chứng kiến hôm nay.” Và hài lòng với những tài năng khác của Thái tử đến nỗi họ bằng lòng gả con gái của họ để làm cung thiếp hầu hạ Thái tử. Các vị công nương có gia hệ thuần chủng và có sắc đẹp tuyệt trần được gởi đến hoàng cung con số lên đến bốn mươi ngàn người.
Trong số bốn mươi ngàn công nương dòng Thích ca, người đứng đầu tối cao là chánh hậu Yasodharā, tên lúc còn thiếu nữ là Bhaddakaccānā.
Hoàng hậu Yasodharā, như đã nói ở trước, là một trong những người sanh ra cùng lúc với Thái tử. Nàng sanh ra từ sự kết hợp của vua Suppabuddha, con trai của vua Añjana ở vương quốc Devadaha; và công chúa Amittā, em gái của vua Suddhodāna. Công chúa có tên Yasodharā vì danh tiếng tinh khôi và nhiều tùy tùng (Yaso : danh vọng và nhiều tùy tùng; dharā : người mang, người có. Công nương là người có danh tiếng cao cả và nhiều tùy tùng.)
Nàng có sắc vàng ròng, rất ấn tượng và xinh đẹp, như pho tượng bằng vàng hoặc tựa như thân và thịt bằng vàng. Với thân hình cân đối, phi phàm và chói sáng, sắc đẹp và hạnh kiểm của nàng được ví như cột cờ chiến thắng được dựng lên ở lạc viên xinh đẹp
Kīlāmaṇḍala của Ma vương Manobhū. Giống như nữ thần (Devaccharā), hào quang từ thân của nàng có thể chiếu sáng khắp phòng riêng của nàng. Nàng cũng có năm nét đẹp của một mỹ nhân, đó là: (1) đẹp về da (chavi kalyāna); (2) đẹp về thịt (maṃsa kalyāna);
(3) đẹp về gân (nhāru kalyāna); (4) đẹp về xương (aṭṭhi kalyāna) hay đẹp về răng (danta kalyāna); (5) đẹp về tóc (kesa kalyāna); hay nói cách khác, đó là các nét đẹp về xương, da, tóc, thịt và tuổi trẻ.
Nàng cũng có lạc xúc (sukhasamphassa) giống như bông gòn được đánh tơi một trăm lần. Nàng không bị sáu khuyết điểm: đó là quá đen hoặc quá trắng; quá mập hoặc quá ốm; quá lùn hoặc quá cao. Hương thơm từ thân của nàng luôn luôn tỏa ra khắp xung quanh; môi có màu san hô đỏ của nàng cũng thường xuyên có mùi thơm của hoa sen xanh. Hoàng hậu Yasodharā quả thật là ‘nữ báu’, xứng đáng làm chánh hậu của vị Chuyển luân vương trị vì khắp bốn châu.
Việc mô tả về công chúa Yasodharā chỉ nêu lên những nét nổi bậc để dễ hình dung. Thực ra, hoàng hậu Yasodharā là người vô song trong nhân loại và vượt trội so với các tiên nữ. Nàng thực sự đang thọ hưởng quả phước trổ ra lần cuối cùng do những pháp Ba-la-mật mà nàng đã gieo tạo trong quá khứ nhiều đời nhiều kiếp.
Tám chục ngàn vị hoàng thân dẫn đầu là vua Suddhodāna đã hội họp trong buổi lễ uy nghi và trọng đại để làm lễ đăng quang cho Thái tử Bồ tát Siddhattha; trong đó bao gồm lễ che lọng trắng trên đầu Thái tử, lễ tưới nước mát (abhiseka) và lễ lên ngai vàng.
Từ trong số bốn chục ngàn công nương do các hoàng thân dòng Thích ca gởi đến, mười ngàn công nương được cắt cử hầu hạ riêng cho hoàng hậu Yasodharā. Ba mươi ngàn công nương còn lại được cắt cử vào hầu hạ trong ba cung điện, mỗi cung điện mười ngàn người.
Thái tử Bồ tát Siddhattha được vây quanh bởi những thiếu nữ trẻ thuộc dòng Thích ca cao quý, Ngài giống như vị thiên tử được hầu hạ bởi những công chúa chư thiên hay như Sakka, vua của chư thiên và Ngài được tất cả những nhóm nữ nhân phục vụ bằng tiếng nhạc rất khả ái. Ngài sống giữa sự xa hoa lộng lẫy của đời sống đế vương giống như một vị Chuyển luân vương. Ngài sống trong ba cung điện tiện nghi xinh đẹp Ramma, Subha và Suramma theo từng mùa, một cuộc đời hạnh phúc và đầy đủ tiện nghi.
KẾT THÚC CHƯƠNG 2
LỄ HẠ ĐIỀN
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B