THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 2
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 2] [Tiếp theo]


TRÍCH DẪN:

TƯỚNG GIỌNG NÓI CÓ TÁM ĐẶC TÁNH NHƯ GIỌNG NÓI CỦA PHẠM THIÊN

Tánh chất du dương trong giọng hót của chim Ca-lăng-tần-già (Karavika) và câu chuyện về hoàng hậu Asandhimittā.

Bà hoàng hậu của vua Dhammasoka, Asandhimittā, hỏi chư Tăng (liên quan đến tánh chất du dương từ giọng nói của Đức Phật): “ Có ai trong thế gian này có được giọng nói như giọng nói của Đức Phật chăng?” Câu trả lời của chư Tăng là “ giọng hót của chim Ca- lăng-tần-già (karavika) giống như giọng nói của Đức Phật.” Hoàng hậu lại hỏi: “ Loài chim này sống ở đâu?” Chư tăng đáp lại: “ Chúng sống ở Himavanta.”

Rồi hoàng hậu nói với vua Asoka: “ Tâu bệ hạ, thiếp muốn nhìn thấy chimn karavika.” Đức vua bèn gởi cái lồng bằng vàng đi với mệnh lệnh rằng: “ Chim karavika hãy đi vào cái lồng này!” Cái lồng bay đi và dừng lại trước một con chim karavika. Con chim suy nghĩ: “Cái lồng này bay đến với lịnh truyền của đức vua. Ta không thể nào chống lại mệnh lệnh của đức vua.” Con chim bèn bay vào lồng và cái lồng vàng bay về trước mặt đức vua.

Tuy có con chim karavika, nhưng không ai có thể làm cho nó cất tiếng hót. Đức vua bèn nói rằng: “ Này các khanh, làm thế nào để con chim này cất tiếng hót?” Các quan đáp lại rằng: “ Tâu đại vương, loài chim karavika này chỉ hót khi trông thấy đồng loại của chúng.” Do đó, vua Asoka sai đặt những tấm gương soi quanh con chim.

Khi con chim trông thấy hình ảnh của nó trong các tấm gương, nghĩ rằng quyến thuộc của nó đã đến bèn cất lên tiếng hót du dương, chầm chậm và khả ái như tiếng nhạc phát ra từ cây sáo bằng hồng ngọc. Đầy ngây ngất với tiếng hót của chim karavika, hoàng hậu Asandhimittā và dân chúng của kinh thành Pātaliputta vô cùng vui sướng; họ say mê như muốn nhảy theo tiếng hót của chim karavika.

Rồi hoàng hậu suy nghĩ: “ Chim karavika chỉ là con thú mà có giọng hót du dương như vậy. Huống hồ Đức Phật, bậc có oai lực vĩ đại nhất, thì giọng nói của Ngài ngọt ngào và du dương biết chừng nào? Tánh chất ngọt ngào, du dương trong giọng nói của Ngài chắc chắn không thể có giới hạn!”

Khi niệm tưởng đến Đức Phật như vậy, tâm của hoàng hậu tràn đầy hoan hỉ (pīti), nhờ đó, nàng phát triển tuệ quán từ bước một và cùng với bảy trăm cung nữ của nàng, tất cả đều chứng đắc quả thánh Nhập lưu (Sotāpatti).


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]