THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 2
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 2] [Phần tiếp theo]
TRÍCH DẪN:
NHỮNG BÀI GIẢI THÍCH VỀ 32 HẢO TƯỚNG
Nghiệp nhân dẫn đến 32 hảo tướng
Theo bộ Jinālaṅkāra Tīkā thì mỗi tướng trong 32 hảo tướng của bậc Đại Nhân được định nghĩa rõ ràng qua bốn cách, (1) kamma (nghiệp), (2) kamma-sarikkhaka (nghiệp quả tương ứng), (3) lakkhana (tướng) và (4) lakkhanāṇisamsa (tướng công đức). Ý nghĩa tóm tắt về bốn cách này sẽ được trình bày trước.
Trong bốn cách này, (1) Nghiệp (kamma) nghĩa là việc phước được làm trong quá khứ với chủ tâm chứng đắc Phật quả, phước ấy sẽ cho quả là hảo tướng tương ứng; (2) Nghiệp quả tương ứng (kamma sarikkhaka) nghĩa là năng lực hay khả năng của tướng xuất hiện đúng với nghiệp, (3) Tướng (lakkhana) nghĩa là bất cứ tướng nào trong 32 hảo tướng như tướng bàn chân bằng phẳng, tướng 108 bức hình dưới lòng bàn chân, v.v… có được trong kiếp hiện tại do bởi những phước nghiệp tương ứng đã được làm trong quá khứ; (4) Tướng công đức (lakkhanāṇisamsa) nghĩa là kết quả theo sau của những việc phước trong quá khứ khiến xuất hiện hảo tướng.
(Ví dụ: Bồ tát tích lũy phước trong suốt những kiếp quá khứ rất vững chắc và kiên quyết đến nỗi không ai khác có thể đối chiếu và hủy hoại chúng được. Do sự tích lũy phước như vậy, Ngài thọ hưởng phúc lạc ở cõi chư thiên thù thắng hơn những vị chư thiên khác về 10 phương diện. Khi Ngài tái sanh làm người, Ngài có được tướng bàn chân bằng phẳng giống như chiếc giày vàng. Vì Ngài đã có được tướng ấy nên Ngài có thể đứng và bước đi một cách vững chắc; không ai khác, dầu là người hay chư thiên hoặc Phạm thiên, mà có thể dời Ngài đi chỗ khác hoặc làm cho Ngài bị nghiêng ngã. Phước như vậy cũng cho Ngài kết quả tương ứng: Ngài không bị lay chuyển bởi những kẻ thù ô nhiễm bên trong như tham, sân và si và hai loại kẻ thù bên ngoài: những kẻ chống báng trước mặt và những kẻ chống báng sau lưng Ngài).
Ở đây, tập hợp những phước nghiệp quá khứ của Ngài được tạo thành một cách vững chắc và cương quyết đến nỗi không ai khác có thể khống chế và hủy hoại chúng, đó là: (1) kamma (nghiệp). Tướng lòng bàn chân bằng phẳng của Ngài biểu hiện những việc phước của Ngài là (3) lakkhana (tướng). Khả năng đứng và bước đi một cách vững chắc là kết quả hiện tại của những việc phước quá khứ của Ngài là (2) kamma sarikkhaka (quả nghiệp tương ứng). Khả năng có sẵn trong tướng, hình thành kết quả, phù hợp với khả năng có trong việc phước làm nhân, tánh chất tương hợp như vậy được gọi là quả nghiệp tương ứng (kamma-sarikkhaka - tánh chất phù hợp với nghiệp). Như việc mang cái bình đầy nước có nghĩa là mang nước trong cái bình ấy, cũng vậy nói về tướng với khả năng vốn có trong tướng ấy tức là nói về chính khả năng ấy. Do đó, bài giải thích về lakkhaka (nghiệp quả tương ứng) được tìm thấy thì giống nhau trong Chú giải về bài kinh Lakkhaṇa của bộ Pāthika-vagga Aṭṭhakathā. Sự cố gắng đầy quyết tâm trong việc thực hành các việc phước thiện trải qua nhiều kiếp quá khứ của Bồ tát dẫn đến kết quả, không những Ngài có bàn chân bằng phẳng, dường như chưa đủ, mà còn đem lại kết quả khác nữa, là khả năng không bị hai loại kẻ thù bên trong và bên ngoài quấy nhiều và làm hại. Kết quả dẫn theo như vậy được gọi là (4) lakkhanānisaṃsa - tướng công đức.
Bồ tát đã thực hiện những việc phước phi thường trong nhiều kiếp quá khứ rất vững chắc và kiên quyết đến nỗi không ai khác có thể khống chế hay hủy hoại chúng. Do nhờ những việc phước ấy, Bồ tát thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên thù thắng hơn những vị chư thiên khác về mười phương diện: tuổi thọ, sắc đẹp, sự an lạc, quyền lực, tùy tùng, nhiều thiên lạc như sắc, thinh, hương, vị và xúc. Khi trở lại cõi người, Ngài có được hảo tướng là bàn chân của Ngài bằng phẳng như chiếc giày vàng. Với tướng như vậy, nếu Ngài ở trong thế gian làm một gia chủ thì Ngài trở thành vị Chuyển luân vương (Cakkavatti) có bảy báu và trị vì khắp bốn châu thiên hạ giống như trong kiếp ngài làm Chuyển luân vương Mahāsudassana. Do quả phước như vậy, Ngài không bị bất cứ kẻ thù nào làm hại. Nếu xuất gia từ bỏ thế gian, như trong kiếp chót của Ngài sanh làm Thái tử Siddhattha, Ngài sẽ chứng đắc Nhất thiết Trí và trở thành một vị Phật toàn giác, Thế Tôn của ba cõi, và do kết quả như vậy, những lợi ích của Ngài không thể bị ai ngăn cản hay tước đoạt, không bị làm hại hoặc gây nguy hiểm bởi kẻ thù bên trong như tham, sân và si, và kẻ thù bên ngoài, dầu đó là Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, Ma vương hoặc Phạm thiên chống đối trước mặt hoặc sau lưng ngài.
Trong nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã làm nhiều việc lợi lạc cho chúng sanh. Ngài đã xua đi sợ hãi cho những người bị sợ hãi. Ngài đã thực hành Dāna kèm theo những vật thí phụ. (Ví dụ, khi bố thí y phục, Ngài cũng cúng dường vật thực làm vật thí phụ đến người thọ thí; Ngài cũng dâng cúng chỗ ngồi, tôn kính họ bằng hương và hoa và còn dâng thêm nước uống. Sau đó, Ngài, thọ trì giới và phát nguyện thành đạt Nhất thiết trí. Bồ tát đã làm những việc phước thí với sự kính trọng). Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên vượt trội những vị chư thiên khác về mười phương diện như đã nêu ra ở trên. Đến khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng một trăm lẻ tám vòng tròn với những bức hình dưới lòng hai bàn chân. Ngài có được tướng ấy, nếu Ngài ở lại thế tục làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành Chuyển luân vương. Do kết quả về sau, Ngài cũng sẽ có được đông đảo tùy tùng gồm các vị Bà-la- môn, các vị trưởng giả, v.v... Nếu xuất gia từ bỏ thế gian như trong kiếp chót như thái tử Siddattha, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác; và với quả tương ứng, hội chúng to lớn của Ngài sẽ gồm có tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu-bà-tắc và ưu-ba-di, chư thiên, nhân loại, a-tu-la, rồng (naga) và càn-thát-bà (gandhabba)
Ở đây, những việc phước về Dāna được tròn đủ bởi những vật thí phụ trong nhiều kiếp quá khứ của Bồ tát là (1) kamma. Sự hoàn hảo về mọi phương diện trong những hình ảnh dưới lòng bàn chân tựa như để chỉ rằng:
“ Chư thiên và nhân loại hãy biết rằng Bồ tát đã thực hiện những việc phước về Dāna được tròn đủ bởi những vật thí phụ” là (2) kamma- sarikkhaka –nghiệp quả tương ứng (3) lakkhana - tướng lòng bàn chân (4) lakkhanānisaṃsa - tướng công đức.
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã kiên tránh sát sanh. Ngài chưa bao giờ cầm lấy khí giới với ý định sát sanh. Ngài đã sống với lòng từ bi, che chở cho chúng sanh. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, vượt trội những vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được ba hảo tướng là: hai gót chân nhô ra, tướng ngón tay và ngón chân dài và thon; và tướng thân thẳng đứng như thân của Phạm thiên. Vì ngài có được ba tướng ấy cho nên, nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài trở thành vị Chuyển luân vương. Và do kết quả tương ứng, Ngài sẽ sống trường thọ đến hết cuộc đời, không ai khác có thể làm hại đến tánh mạng của Ngài (hoặc giết Ngài). Khi từ bỏ thế gian như trong kiếp chót như Thái tử Siddhattha, Ngài sẽ trở thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, Ngài sống lâu cho đến hết bốn phần năm thọ mạng của Ngài, không ai khác, dầu là Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, Ma vương hay Phạm thiên mà có thể đe dọa được tánh mạng của Ngài.
Có bốn loại tài sản của Đức Phật mà kẻ khác không thể xâm phạm được, đó là:
(1) Bốn món vật dụng dành cho Ngài hoặc được đem đến cho Ngài.
(2) Mạng sống của Ngài.
(3) Các hảo tướng của Ngài, và
(4) Hào quang của Ngài (Buddhavaṃsa Aṭṭthakathā, vol 2)
Hay:
(1) Lợi lộc vật chất về bốn món vật dụng được đem đến cho Ngài.
(2) Mạng sống của Ngài.
(3) Tám mươi tướng phụ và hào quang từ thân của Ngài. (Ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, của chư thiên và Phạm thiên cũng không thể sáng trội hơn hoặc làm mờ đi ánh sáng từ thân của Ngài) và
(4) Nhất thiết của Ngài (Vinaya Pārājika kaṇḍa Aṭṭhakathā, vol I).
Về ba tướng kể trên, (1) Kamma là sự kiên tránh sát sanh, (2) Kamma sarikkhaka (nghiệp quả tương ứng) là khả năng có bề dài và hình dạng của hai gót chân, các ngón tay, các ngón chân và tánh chất thẳng đứng của thân. Nói rõ hơn là: Những người sát sanh thường đi đến nạn nhân bằng cách nhón chân đi khe khẽ vì e rằng tiếng bước chân sẽ bị phát hiện. Kết quả khi họ sanh trở lại làm người, một số thì bàn chân cong xuống như cây cung; một số thì bàn chân cong lên; một số thì lòng bàn chân bị hỏm; một số thì ngón chân vòng kiềng; và số khác thì gót chân vòng kiềng, tất cả những hình tướng méo mó ấy nói lên rằng: “ Mọi người nên biết về nghiệp sát sanh của chúng tôi liên quan đến cách đi nhón gót.” Bồ tát có tướng hai gót chân dài tựa như chúng hiện diện để nói lên rằng: “ Mọi người hãy biết về thiện nghiệp không sát sanh liên quan đến việc đi nhón gót.” Tương tự, những người thực hiện hành động sát sanh đi đến nạn nhân bằng cách khom người xuống vì e rằng kẻ khác sẽ trông thấy. Kết quả là khi họ tái làm người trở lại, một số bị gù lưng, một số bị béo lùn, một số bị què quặc tựa như những hình tướng di tật ấy lộ ra để nói rằng: “ Mọi người hãy biết về sự phạm tội sát sanh của tôi liên quan đến hành động khom người.” Bồ tát có thân thẳng đứng như thân của Phạm thiên, là tướng của bậc đại nhân, tựa như nó hiện diện để nói rằng: “Mọi người hãy biết về sự không phạm tội sát sanh liên quan đến hành động khom người.” Tương tự, những người sát sanh thường cầm khí giới, đao trượng và giết chết nạn nhân. Kết quả là khi họ tái sanh làm người, họ có bàn tay ngắn, ngón tay cong hoặc những ngón tay của họ tựa như chúng dính liền với nhau và ngang bằng với bàn tay tựa như chúng phơi bày ra để nói rằng: “ Hãy để cho mọi người biết về ác nghiệp của chúng tôi.” Ngược lại, Bồ tát có những ngón tay dài và xinh đẹp, tướng của bậc đại nhân, tựa như nó cho biết: “ Chư thiên và nhân loại hãy biết rằng Bồ tát không hề sát sanh với tay nắm chặt cây gậy.” Khả năng của những tướng ấy bảo đảm sự trường thọ của ngài, là nghiệp quả tương ứng - kamma-sarikkhaka. Ba chánh tướng ấy : hai gót chân nhô ra, ngón tay và ngón chân dài, và thân thẳng đứng là (3) Tướng (lakkhaṇa). Sự trường thọ là (4) Tướng công đức (lakkhaṇānisaṃsa).
Trong nhiều kiếp quá khứ của Bồ tát, Ngài đã cho vật thực thơm ngon như các loại bánh, đồ ăn thượng vị, cơm sữa, v.v... Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên; tái sanh làm người, Ngài có tướng là thịt đầy đặn ở bảy chỗ trên thân, đó là hai mu bàn chân, hai mu bàn tay, hai vai và cổ. Vì ngài có được tướng ấy cho nên, nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương; nếu Ngài xuất gia thì sẽ thành vị Phật Toàn giác. Do kết quả theo sau, Ngài nhận được được nhiều vật thực thượng vị, loại cứng và loại mềm.
Ở đây, việc phước cúng dường vật thực thượng vị suốt 4 A- tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp là (1) kamma. Việc có được thịt đầy đặn ở bảy chỗ trên thân tựa như hiện bày để nói rằng: “ Chư thiên và nhân loại hãy biết rằng: ‘ Bồ tát đã làm những việc phước cúng dường vật thực thượng vị, v.v… trong những kiếp quá khứ của Ngài và khả năng nó làm nhân để có được nhiều lợi lộc trong chính kiếp ấy là (2) kamma-sarikkhaka (nghiệp quả tương ứng). Tướng thịt đầy đặn ở bảy chỗ là (3) lakkhaṇa (tướng). Việc có được nhiều vật thực thượng vị là (4) lakkhaṇānisaṃsa (tướng công đức).
Trong nhiều kiếp quá khứ của Bồ tát, Ngài đã giúp đỡ nhiều người bằng bốn nhiếp sự (saṅgaha-vatthu). Những người thích vật thí thì Ngài cho vật thí (dāna); những người thích lời nói khả ái thì Ngài giúp đỡ họ bằng lời nói dịu ngọt (piyavācā), một dạng saṅgaha-vatthu ; những người thích nghe lời nói có lợi ích thì Ngài giúp đỡ họ bằng lời nói hay hành động có lợi ích (atthacariyā); những người thích nghe lời nói có lợi ích thì Ngài giúp đỡ họ bằng lời nói hoặc việc làm có lợi ích (atthacariyā), saṅgaha-vatthu thứ ba, như cho họ lời khuyên “Điều này nên làm.” “ Điều này không nên làm.” “Nên thân cận với người có tánh như vậy.” “ Không nên thân cận với người có tánh như vậy”, v.v... Những người thích được đối xử trên căn bản bình đẳng dù hạnh phúc hay đau khổ, Ngài giúp họ cảm giác bình đẳng (samānattatā), saṅgaha-vatthu thứ tư. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc của chư thiên; tái sanh xuống cõi người, ngài có được tướng lòng bàn tay và bàn chân mềm và giống như tấm lưới vàng. Vì Ngài có được hai tướng ấy, nên nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành Chuyển luân vương. Nếu xuất gia từ bỏ thế gian thì Ngài sẽ trở thành vị Phật Toàn giác; do kết quả theo sau, Ngài được tùy tùng phục vụ và hầu hạ tựa như hội chúng ấy đều ở trong bàn tay của Ngài.
Ở đây, những việc phước giúp đỡ chúng bằng bốn saṅgaha- vatthu trong nhiều kiếp quá khứ của Ngài là (1) Kamma. Những người không làm những việc phước như vậy thường có bàn tay và bàn chân thô, ngón tay và ngón chân không đều đặn. Tuy nhiên, Bồ tát thì có bàn tay và bàn chân mềm mại, ngón tay và ngón chân bằng phẳng như tấm lưới vàng để chư thiên và nhân loại biết về sự giúp đỡ của Ngài nhiều chúng sanh bằng bốn saṅgaha-vatthu trong những kiếp quá khứ của Ngài. Đặc tánh mềm mại của bàn tay và bàn chân luôn cả sự đều đặn của ngón tay và ngón chân là (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Bàn tay và bàn chân mềm, ngón tay và ngón chân đều đặn là (3) Lakkhana (tướng). Sự hoạch đắc về tùy tùng như được gồm thâu trong bàn tay của Ngài là (4) Lakkhaṇānisaṃsa (Tướng công đức)
Trong nhiều kiếp quá khứ của Ngài, Bồ tát thường tránh xa lời nói vô ích, phù phiếm; Ngài chỉ nói những lời có lợi ích cho hiện tại cũng như tương lai. Ngài chỉ thuyết pháp về Thập thiện nghiệp dẫn đến sự giải thoát khỏi saṁsāra. Do sự thuyết pháp đến đông đảo mọi người đã nâng họ lên giai đoạn cao hơn của sự thịnh vượng nhờ thập thiện nghiệp đạo, Ngài đã thực hiện sự bố thí về Pháp. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, tái sanh xuống cõi người, Ngài có tướng mắt cá chân hơi cao không dính bụi cùng với tướng lông trên thân xoắn lên phía trên. Vì ngài có được hai tướng ấy cho nên, nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương; khi Ngài xuất gia từ bỏ thế gian như trong kiếp chót sanh làm Thái tử Siddhattha, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác. Do kết quả, Ngài đạt đến đỉnh cao tối thắng hơn tất cả chúng sanh.
Ở đây, những việc phước về sự thuyết pháp dẫn đến những tầng bậc cao hơn của kiếp sống là (1) Kamma. Những người không gieo tạo những việc phước như vậy thì có mắt cá chân thấp và lông trên thân thì chúc xuống tựa như chúng hiện bày để nói rằng “ Mọi người hãy biết rằng chúng tôi chưa từng làm việc phước bố thí pháp”. Còn Bồ tát, Ngài có được hai tướng ấy, đó là mắt cá chân cao và lông xoắn lên, tựa như chúng hiện bày để nói rằng: “ Chư thiên và nhân loại hãy biết rằng Bồ tát đã từng bố thí pháp để nâng cao trình độ tâm linh của chúng sanh. Do đó, khả năng của hai tướng này để chỉ rõ (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Hai tướng trên là (3) Lakkhana (Tướng). Địa vị cao nhất của Bồ tát trong tam giới là (4) Lakkhanānisamsa (Tướng công đức).
Trong nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã giảng dạy một cách chín chắn và đầy nhiệt tình đến các đệ tử học với Ngài. Ngài chỉ dạy cách để học trò tiếp thu và thực hành nhanh chóng mà không bị trở ngại; Ngài đã chỉ dạy họ về các môn nghệ thuật và các nghề, về các hạnh tu (carana) như ngũ giới, thập giới và Biệt biệt giải thoát giới (Patimokkha) cũng như các giáo lý như thuyết nghiệp báo (kammasakatā - mọi người đều có nghiệp của riêng mình). Khi giảng dạy, Ngài không bao giờ giữ lại điều gì cho riêng mình. Do kết quả của những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện; tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng chân tròn, đầy, dài và xinh xắn, giống như chân của con sơn dương, được gọi là enī. Vì Ngài có được tướng ấy, nên nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì sẽ là vị Chuyển luân vương, với kết quả theo sau, Ngài sẽ có được tất cả những vật sở hữu của vị vua gồm cả hữu tri lẫn vô tri. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài sẽ trở thành vị Phật Toàn giác, kết quả theo sau, Ngài sẽ có được những vật dụng của vị Sa-môn một cách đầy đủ và nhanh chóng.
Ở đây, những việc phước về việc dạy các nghề và các môn nghệ thuật của Bồ tát trong nhiều kiếp quá khứ là (1) Kamma. Những người không thường dạy đệ tử một cách nhiệt tình và đúng đắn mà thường làm mất thì giờ của các đệ tử bằng cách bảo chúng cung kính hầu hạ hoặc sai chúng đi làm việc này việc nọ, như vậy khiến họ bị mệt lã, khiến bắp cẳng chân của họ nở ra. Ngược lại, bắp chuối chân của Bồ tát cao và tròn tựa như chúng hiện bày để nói rằng Bồ tát đã thường dạy đệ tử một cách nhiệt tình và chín chắn, không giữ lại điều gì cho riêng ngài. Khả năng hiện bày tướng đặc biệt ấy là (3) Lakkhana (Tướng). Sự có được các vật dụng thích hợp một cách nhanh chóng là (4) Lakkhanānisamsa (Tướng công đức).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát thường đi đến các vị Sa- môn và Bà-la-môn trí thức và luận bàn với họ như hỏi rằng: “ Thưa các ngài, thế nào là phước? Thế nào là tội?” “Điều gì nên làm theo?” “Điều gì không nên theo?” “ Làm điều gì dẫn đến đau khổ lâu dài?” và “ Làm điều gì để được hạnh phúc lâu dài?” Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện; tái sanh xuống cõi người, ngài có tướng da láng mịn. Vì có được tướng ấy nên nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì sẽ trở thành vị Chuyển luân vương và bậc đại trí tuệ; trong chúng sanh thọ hưởng dục lạc không có ai ngang bằng hoặc hơn Ngài về trí tuệ. Khi xuất gia từ bỏ thế gian như trong kiếp chót của Ngài, sanh làm thái tử Siddhattha, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác với trí tuệ vĩ đại, có được quảng trí (puthu- paññā), trí thông suốt về các uẩn, các xứ, v.v… tiệp tuệ (hāsa paññā), tuệ sanh chung với hỉ duyệt; tốc trí (javana paññā), trí khởi sanh nhanh lẹ; lợi trí (tikkha paññā), trí đoạn tận nhanh chóng các phiền não; và quyết trạch tuệ (nibbebhika-paññā), trí xuyên thủng khối tham, sân, si dày đặc; do kết quả theo sau, ngài có được trí tuệ tối thắng hơn tất cả chúng sanh.
(Ở đây bài phân tích của tác giả về tướng đặc biệt này đã rõ ràng, không cần phải nói thêm về nghiệp, nghiệp quả tương ứng, v.v… của tướng ấy).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã sống hầu như không sân hận. Nếu khởi sanh chút ít nóng giận thì Ngài nhanh chóng dập tắt nó. Ngài cũng ít lo lắng. Dầu có người nặng lời với Ngài, Ngài tuyệt đối không nóng giận hay thù ghét. Ngoài ra, Ngài còn cho vải tốt, y phục, đồ trải đến người ấy. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện; tái sanh xuống cõi người, Ngài có được nước da vàng và tươi sáng như vàng ròng siṅgī-nikkha. Do Ngài có tướng ấy, nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì sẽ trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác. Do kết quả theo sau, ngài có được vải tốt, y phục và đồ trải một cách nhanh chóng.
Ở đây, tính không nóng giận và những việc phước bố thí vải tốt, y phục và đồ trải trong nhiều kiếp quá khứ của Ngài là (1) Kamma. Nước da của người trong cơn giận, sắc không êm dịu, khuôn mặt xấu xí, dữ dằn. Trong thế gian này, không có sự trang sức nào như y phục. Do đó, những người trong quá khứ thường hay nóng giận và không bố thí y phục và đồ trải thì có khuôn mặt xấu xí. Khuôn mặt của người không nóng giận thì xinh đẹp; nước da của người ấy có sắc êm dịu. Có bốn cách để chúng sanh có được sắc đẹp và sự lộng lẫy:
(1) đã từng bố thí vật thực trong những kiếp quá khứ,
(2) đã từng bố thí y phục trong những kiếp quá khứ.
(3) đã từng làm việc phước quét dọn.
(4) không nóng giận.
Tất cả bốn loại phước cần thiết này, Bồ tát đã thực hành viên mãn trong vô số kiếp quá khứ. Nhờ vậy, Ngài có được tướng nước da màu vàng ròng, nước da ấy có thể sánh với màu của vàng siṅgī- nikkha, và cũng để cho chư thiên và nhân loại biết về bốn loại phước mà Ngài đã thực hành viên mãn, đó là (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Da màu vàng ròng là (3) Lakkhana (Tướng). Lợi lộc về y phục, v.v… là (4) Lakkhanānisamsa (Tướng công đức).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã giúp kết hòa thân thiện cho những quyến thuộc và bạn bè từ lâu đã bất hòa với nhau; Ngài đã tạo ra sự hòa hợp giữa người mẹ bị ghẻ lạnh và đứa con trai, giữa người cha bị ghẻ lạnh và đứa con trai, giữa anh em trai ghẻ lạnh và chị em gái, và giữa các chị em với nhau. Ngài hoan hỉ với sự hòa hợp mà Ngài đã giúp hàn gắn. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện; tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng mã âm tàng giống như của con voi chúa Chaddanta. Vì ngài có được tướng ấy, nếu ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương; và do kết quả theo sau, Ngài sẽ có được hằng ngàn dũng sĩ có khả năng đánh tan tất cả mọi lực lượng thù địch. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, Ngài có được hằng ngàn Thinh văn đệ tử có khả năng đánh tan tất cả mọi phiền não.
Ở đây, sự thực hành việc phước đem hòa hợp đến những quyến thuộc đã bất hòa với nhau là (1) Kamma. Khi những người quyến thuộc đã sống hòa hợp với nhau thì họ sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của nhau. Ngay khi họ bất hòa nhau, họ cũng không muốn để người ngoài biết rằng có người quyến thuộc của họ đã làm điều sai trái. Nếu có người nói rằng: “ Người kia đã gây ra lỗi lầm ấy”, thì họ sẽ đứng lên và phản bác rằng: “ Ai đã trông thấy điều ấy? Ai đã nghe điều ấy? Không ai trong chúng tôi làm điều sai trái như vậy.” Bằng cách này, tất cả họ đều bao che cho lỗi lầm của người kia. Có thể nói rằng Bồ tát không quan tâm đến lỗi lầm như vậy và nhờ đó mà Ngài đem lại sự hòa hợp cho quyến thuộc. Do đó, bộ sinh dục ẩn tàng dưới lớp da để cho người khác biết về nghiệp quá khứ của Ngài là đem lại sự hòa hợp cho quyến thuộc bằng cách ngăn chặn không để cho họ thấy lỗi lầm của nhau để họ cùng nhau sống hạnh phúc, là (2) Kamma sārikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Bộ sinh dục ẩn tàng dưới lớp da như vậy là
(3) Lakkhaṇa (Tướng). Việc Ngài có được hằng ngàn thinh văn, đệ tử như những đứa con là (4) Lakkhanānisamsa (Tướng công đức).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã bày tỏ sự kính trọng đến những tùy tùng của Ngài sau khi xem xét kỹ lưỡng các thiện hạnh và đức tánh của họ. Chỉ khi biết rõ những công đức của họ, Ngài mới khen thưởng đúng với công đức của họ, rồi quyết định: “ Người này xứng đáng được thưởng chừng này”, “Người này xứng đáng với số tiền thưởng này.” “ Nếu bạn trả nửa đồng tiền vàng đến người xứng đáng được lãnh một đồng tiền vàng tức là bạn trả thiếu nửa đồng tiền vàng đến người nhận. Nếu bạn trả hai đồng đến người chỉ xứng đáng được lãnh một đồng tức là bạn đã đánh mất một đồng của bạn. Tránh gặp hai khuyết điểm trên (cho nhiều hơn hoặc ít hơn), Bồ tát bày tỏ sự tôn kính đến một người bằng cách cho người ấy một đồng vì người ấy xứng đáng được thưởng một đồng. Ngài tôn kính người khác bằng cách cho người ấy hai đồng vì người ấy xứng đáng được thưởng hai. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng thân cân đối (tròn và xinh đẹp) giống như cây đa trải nhánh tròn đều và tướng “ bàn tay dài có thể sờ đầu gối trong khi đứng thẳng, không cúi người.” Vì có được hai tướng này, nếu Ngài ở trong thế gian làm gia chủ thì sẽ trở thành vị Chuyển luân vương và do kết quả theo sau, Ngài sẽ có nhiều tài sản như ngọc, vàng, bạc, những vật hữu dụng, các nhà chứa của cải và các kho ngũ cốc. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài sẽ trở thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, Ngài có được nhiều tài sản của bậc thánh như đức tin (saddhā), giới (sīla), tùy văn (suti), trí tuệ (paññā), tàm (hiri) và quý (ottappa).
Ở đây, sự tôn kính của Ngài được thể hiện theo đúng giá trị của một người là (1) Kamma. Chiều dài của tay phát triển cân đối và chiều cao thân trên cân đối với phần dưới của thân là sự phù hợp với sự thể hiện của Ngài (2) Kamma-sarikkha (Nghiệp quả tương ứng). Thân của ngài tròn như cây đa (banyan), phần trên và phần dưới của nó có kích thước cân đối là (3) Lakkhaṇa (Tướng). Việc Ngài có đầy đủ bảy loại tài sản là (4) Lakkhaṇānisaṃsa (Tướng công đức).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát hằng mong mỏi chúng sanh được an vui hạnh phúc. Ngài mong mỏi cho chúng sanh được thành tựu bốn điều hạnh phúc. Ngài đã suy tư rất nhiều như vầy: “ Làm sao những chúng sanh này có thể tăng trưởng niềm tin (saddhā)? Làm sao họ có thể tiến bộ trong giới luật (sīla), sự thọ trì ngũ giới hay thập giới?” “Làm sao họ có thể thành đạt về sự nghe (suta), nghe theo lời khuyên của các bậc trí tuệ và đạo đức?” “Làm sao họ có thể thành đạt về trí tuệ (paññā), tức là chân lý và sự hiểu biết rằng tất cả chúng sanh đều có cái nghiệp (kamma) của họ là tài sản mang theo của riêng họ?” ‘Làm sao họ có thể phát đạt về của cải và lúa thóc, về ruộng đất, loài hai chân và bốn chân, vợ con, tôi tớ và người giúp việc, quyến thuộc và bạn bè?” Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên như trước, khi tái sanh làm người, Ngài có được ba tướng chánh, là thân khéo phát triển đều đặn như phần trước của con sư tử, tướng lưng của thân khéo phát triển từ thắt lưng lên đến cổ như tấm ván màu vàng kim không có đường khe ở xương sống, tướng cổ tròn và cân đối. Do Ngài có được ba hảo tướng này, nên nếu sống đời gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương, có tất cả những tiện nghi của vị vua và đời sống hạnh phúc của Ngài sẽ không bao giờ suy giảm. Khi từ bỏ thế gian, Ngài trở thành một vị Phật Toàn giác và những ân đức hợp thế và siêu thế của Ngài như Saddhā, Sīla, Suta, Cāga, Pañña, v.v… không bao giờ suy giảm.
Ở đây, tâm mong cầu cho chúng sanh được an lạc của Ngài là (1) Kamma. Sự tròn đầy và khéo phát triển của thân, lưng và cổ tựa như chúng chúng cho thấy lòng mong mỏi hạnh phúc và thịnh vượng đến kẻ khác của Ngài, là (2) Kammasarikhaka (Nghiệp quả tương ứng); thân, lưng và cổ tròn đầy và khéo phát triển là (3) Lakkhana (Tướng). Tài sản thuộc thế gian và siêu thế gian không suy giảm là (4) Kammānisaṃsa (Nghiệp công đức).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát chưa bao giờ gây thương tích cho kẻ khác bằng tay, bằng cục đá, gậy, dao hay bằng bất kỳ loại khí giới nào. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng hạnh phúc ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có tướng bảy ngàn mao quản xuất hiện ở cuống họng và truyền hương vị của vật thực đi khắp châu thân dầu vật thực ấy nhỏ bằng hạt mè. Vì Ngài có được tướng này, nếu ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác. Và do kết quả theo sau, Ngài được thiểu bịnh.
Ở đây, việc phước không gây thương tích cho chúng sanh là (1) Kamma (Nghiệp). Người mà bị kẻ khác đánh bằng tay, v.v… sẽ có vết sưng bầm, cục máu đông ở trên chỗ bị đánh và vết thương sẽ bị mưng mủ và đau đớn hơn. Còn đối với Bồ tát, Ngài có được tướng những mao quản nằm thẳng đứng ở cuống họng tựa như chúng cho biết về việc phước của Ngài là không gây thương tích cho kẻ khác, đó là (2) Kamma sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng); những mao quản nằm thẳng ở họng của Ngài là (3) Lakkhana (Tướng); sự khỏe mạnh của Ngài là (4) Kammānisaṃsa (Nghiệp công đức ).
Những mao quản truyền vị giác đi khắp thân thể cho dù vật thực nhỏ bằng hạt mè. Khả năng tiêu hóa của Ngài không quá cao cũng không quá thấp mà vừa phải để tiêu hóa bất cứ thứ gì được ăn vào. Vì thế sức khỏe của Bồ tát tốt hơn sức khỏe của kẻ khác.
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát chưa bao giờ giận dữ nhìn người khác với đôi mắt lồi ra như mắt của con tôm hùm. Ngài không bao giờ giận dữ nhìn ngang một người khác. Khi một người nhìn Ngài giận dữ, một cách đơn giản Ngài nhắm mắt lại. Chỉ khi người đó nhìn nơi khác, Ngài mới liếc nhìn họ với tâm thương cảm mà không bao giờ ghét bỏ. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có tướng “đôi mắt xanh trong” và tướng “ lông mi mềm như lông mi của con bê mới sanh.” Vì Ngài có được tướng ấy, nếu trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác, và do kết quả theo sau, Ngài được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngắm nhìn với tâm thương mến và đầy tin tưởng.
Ở đây, việc phước nhìn chúng sanh bằng đôi mắt thương mến trong vô số kiếp quá khứ của ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Những người giận dữ nhìn ngang hoặc nhìn cau mày vào người khác thì kiếp sau cũng có đôi mắt như thế. Những người nhìn kẻ khác với ánh mắt thiện cảm và đầy tôn kính sẽ có được đôi mắt trong suốt với năm vẻ đẹp. Bồ tát có đôi mắt xanh trong, lông mi mềm và cong lên tựa như chúng biểu hiện cái nhìn trìu mến và khiêm cung trong quá khứ của Ngài, tất cả điều này là (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Đôi mắt cực kỳ trong xanh và lông mi rất mềm là (3) Lakkhaṇa (Tướng). Sự ái kính của chúng sanh đối với Ngài là (4) Kammānisaṃsa (Nghiệp công đức).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã thực hành thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh và ý thiện hạnh, bố thí, trì giới, ăn kiêng (fasting), phụng dưỡng cha mẹ, v.v... Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng lớp thịt mỏng xuất hiện trên trán như băng vải bằng chỉ vàng quấn quanh đầu. Vì Ngài có được tướng ấy, nếu ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác. Và do kết quả theo sau, đông đảo chúng sanh theo Ngài hay Ngài trở thành bậc lãnh đạo tất cả họ.
Ở đây, việc phước dẫn đầu nhóm người thực hành các việc thiện là (1) Kamma (Nghiệp). Người lãnh đạo nhóm người để làm các việc thiện như bố thí, v.v... không bao giờ mang vẻ mặt buồn rầu giữa các thiện hữu. Thay vào đó, vị ấy đi lại giữa mọi người với đầu thẳng không sợ hãi, vẻ mặt vui tươi và mãn nguyện. Người ấy cũng có đông đảo tùy tùng. Trong nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát lãnh đạo mọi người làm các việc thiện. Để cho chư thiên và nhân loại biết được điều này, Bồ tát sanh ra có lớp thịt mỏng ở trên trán (hoặc có đầu tròn đầy) để cho mọi người biết về những việc phước trong quá khứ là (2) Kamma- sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Lớp thịt mỏng trên trán là (3) Lakkhaṇa (Tướng). Đông đảo chúng sanh quy y theo Ngài là (4) Lakkhaṇānisaṃsa (Tướng công đức).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã từ bỏ sự nói dối (musāvāda), Ngài chỉ nói lời chân thật, lời nói trước của Ngài phù hợp với lời nói sau; Ngài nói lời kiên định; Ngài nói những lời đáng tin cậy khiến cho mọi người tin tưởng và nghe theo. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng “lông trên thân, một lỗ chân lông có một sợi” và tướng “ sợi bạch mao nằm giữa hai hàng lông mày.” Vì ngài có được hai tướng này nên, nếu ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài sẽ trở thành vị Phật Toàn giác, và do kết quả theo sau, những ước muốn của Ngài được nhiều người đáp ứng.
Ở đây, việc phước chỉ nói lời chân thật trong nhiều kiếp quá khứ của ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Lông trên thân của Ngài, mỗi sợi mọc lên ở một lỗ chân lông và sợi bạch mao mọc lên một cách kỳ diệu giữa hai hàng lông mày để nói lên những việc phước nói lời chân thực của ngài là (2) Kamma sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Lông trên thân và sợi bạch mao giữa hai hàng lông mày là (3) Lakkhana (Tướng). Những ước muốn của Ngài được nhiều người đáp ứng là (4) Lakkhanānisaṃsa (Tướng công đức)
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã từ bỏ ly gián ngữ; Ngài đã đem lại sự hòa hợp cho những người đã xa lìa nhau; Ngài đã giúp duy trì sự đoàn kết cho những người đã sống đoàn kết; Ngài hoan hỉ với sự đoàn kết của bạn bè; Ngài rất thỏa mãn khi thấy hoặc nghe nói về những người đang sống hòa hợp với nhau; Ngài chỉ nói điều gì đem lại sự đoàn kết cho bạn bè, thân thích. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy; Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng “ hàm răng có bốn chục cái” và tướng “răng khít nhau, không có kẻ hở.” Vì có hai tướng này, nếu ở trong thế tục làm gia chủ thì Ngài trở thành vị Chuyển luân vương. Khi xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, Ngài có được tứ chúng hòa hợp, không bị kẻ ngoại đạo ly gián.
Ở đây, sự từ bỏ ly gián ngữ và nói lời đem lại hòa hợp trong nhiều kiếp quá khứ của Ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Những người thường nói lời chia rẽ thì không có đầy đủ bốn chục cái răng và răng của họ bị sưa, có nhiều kẻ hở, vì họ phá hoại sự hòa hợp của kẻ khác. Tuy nhiên, Bồ tát có bốn chục cái răng và chúng khít nhau tựa như để cho chư thiên và nhân loại biết về thiện hạnh trong vô số kiếp quá khứ của Ngài là không nói lời chia rẻ. Cho nên, khả năng của những cái răng của Ngài cho biết sự kiên tránh ấy là (2) Kamma sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Bộ răng đầy đủ bốn mươi cái và không có kẽ hở trong những cái răng ấy là (3) Lakkhana (Tướng). Việc có chúng đệ tử hòa hợp không thể bị kẻ khác chia rẻ ly gián là (4) Lakkhanānisaṃsa (Tướng công đức).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã kiên tránh không nói lời thô lỗ, chửi mắng, Ngài chỉ nói những lời lịch sự, không xúc phạm và làm hài lòng nhiều người. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng “lưỡi dài và mềm” và tướng “ giọng nói có tám đặc tánh như giọng nói của Phạm thiên”. Vì Ngài có được hai tướng ấy, nếu ở trong thế gian làm gia chủ thì ngài trở thành vị Chuyển luân vương. Khi từ bỏ thế gian, Ngài thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, những lời nói của Ngài có hiệu quả, có tánh chất thuyết phục và đáng tin cậy.
Ở đây, sự từ bỏ ác ngữ và chỉ nói lời lịch sự, khả ái, dịu dàng trong nhiều kiếp quá khứ của ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Những người hay nói lời ác, chửi mắng thì lưỡi dày, cong xuống và có đường chẻ khiến cho người khác biết rằng họ đã từng xoắn lưỡi nói lời ác. Tuy nhiên, Bồ tát thì lưỡi dài, mềm và phẳng đẹp để chư thiên và nhân loại có thể biết rằng Ngài không bao giờ nói ác ngữ mà chỉ nói lời dịu dàng, lịch sự và dễ nghe. Những người thường nói ác ngữ thì có giọng nói bị bể, không rõ ràng. Bồ tát có giọng nói mang tám đặc tánh tựa như để nói lên rằng “ Chư thiên và nhân loại hãy biết rằng trong nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã từ bỏ sự mắng nhiếc, chê bai, đó là nguyên nhân của giọng nói thô và bể. Do đó, tánh chất dài, dẹp và mềm của cái lưỡi và sự tròn đủ tám đặc tánh của cái lưỡi là (2) Kamma- sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Lưỡi dài, mềm và giọng nói có đầy đủ tám đặc tánh là (3) Lakkhana (Tướng). Chư thiên và nhân loại nghe theo lời của Ngài, có tánh thuyết phục, có hiệu quả và đáng tin cậy là (4) Lakkhanānisaṃsa (Tướng công đức).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã từ bỏ lời nói phù phiếm, vô ích (ỷ ngữ). Những lời ngài nói ra đúng thời và đúng hoàn cảnh. Ngài chỉ nói lợi ích, chân thật và phù hợp với pháp, và cho lời khuyên đúng với luật; Ngài nói với tính cách đứng đắn, lời nói có ý nghĩa và có bằng chứng như trong phiên tòa, đáng được mọi người ghi nhớ và tâm niệm. Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng “ cằm phát triển xinh đẹp (toát lên một nụ cười sắp xảy ra) giống như cằm của sư tử.” Vì ngài có được tướng ấy cho nên, nếu ở trong thế gian làm gia chủ thì Ngài trở thành vị Chuyển luân vương. Lúc xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác; và do kết quả theo sau, những kẻ thù ở bên ngoài cũng như bên trong hoàn toàn không thể tấn công được Ngài.
Ở đây, hạnh từ bỏ ỷ ngữ của ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Những người thường nói chuyện phù phiếm thì có cằm uốn vào hình lòng chảo hoặc có hình dạng xấu xí khiến người ta biết rằng họ từng nói lời vô ích. Bồ tát thì có cằm xinh đẹp để chư thiên và nhân loại biết về hạnh từ bỏ ỷ ngữ của Ngài, và hạnh chỉ nói điều gì đem lại lợi ích. Do đó, khả năng phát triển của hàm biểu hiện hạnh của Ngài trong quá khứ là (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Quai hàm xinh đẹp với khả năng là (3) Lakkhana (Tướng). Quả phước khiến kẻ thù bên trong và bên ngoài không thể tấn công Ngài là (4) Lakkhaṇānisaṃsa (Tướng công đức).
Trải qua nhiều kiếp quá khứ, Bồ tát đã từ bỏ lối sống tà mạng, chỉ sống bằng nghề chân chánh. Ngài đã từ bỏ tất cả những phương tiện bất lương, như lường cân tráo đấu, ăn hối lộ, dối gạt, lộng giả thành chân. Như các hành động bạo lực bằng cách chặt tay chặt chân, giết người, bắt cóc, cướp bóc, đốt nhà, v.v... Do kết quả tương ứng với những việc phước như vậy, Ngài thọ hưởng quả phước ở cõi chư thiên, vượt trội các vị chư thiên khác về mười phương diện. Khi tái sanh xuống cõi người, Ngài có được tướng “hàm răng đều đặn và cân đối” và tướng “ bốn cái răng nhọn trắng và sáng như sao mai”. Vì có được hai tướng ấy cho nên, nếu ở trong thế tục làm gia chủ thì Ngài sẽ trở thành vị Chuyển luân vương. Lúc xuất gia từ bỏ thế gian, Ngài trở thành vị Phật Toàn giác. Và do kết quả theo sau, Ngài có được đông đảo đệ tử bao gồm tứ chúng.
Ở đây, sự nuôi mạng chân chánh của Bồ tát trong nhiều kiếp quá khứ của Ngài là (1) Kamma (Nghiệp). Những người kiếm sống không lương thiện thường có hàm răng không cân đối, hàm trên hoặc hàm dưới, bên trong hoặc bên ngoài của hàm răng; và bốn cái răng nanh của họ thì cáu bẩn khiến mọi người biết về những hành động tà mạng của họ trong quá khứ. Tuy nhiên, Bồ tát có răng đều đặn nhau và bốn cái răng nhọn rất trắng sáng tựa như chúng hiện bày ra để nói rằng: “ Chư thiên và nhân loại hãy biết về sự nuôi mạng chân chánh của Bồ tát trải qua vô số kiếp trong luân hồi. Do đó, tánh chất đều đặn của những cái răng của và tánh chất trắng sáng của bốn cái răng nhọn nói lên sự nuôi mạng chân chánh của Ngài trong vô số kiếp luân hồi là (2) Kamma-sarikkhaka (Nghiệp quả tương ứng). Răng đều đặn và bốn cái răng nhọn trắng sáng là (3) Lakkhaṇa (Tướng). Số đệ tử đông đảo của ngài là (4) Lakkhaṇānisaṃsa (Tướng công đức).
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B