THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 3
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch


[Trước] [Mục lục tập 3] [Tiếp theo]


CHƯƠNG 19

MỘT NGÀN VỊ HOÀNG TỬ THÍCH CA THỌ PHÉP XUẤT GIA TỪ ĐỨC THẾ TÔN

Sau khi đã an trú cho phụ thân, vua Suddhodana trong ba quả thánh bậc thấp (sotāpatti-phala, sakadāgāmi-phala, và anagāmi- phala), Đức Phật rời khỏi Kapilavatthu cùng với hai chục ngàn vị A- la-hán và đi đến Rājagaha. Khi đến tại khu rừng xoài Anupiya ở nước Malla, Đức Phật tạm dừng chuyến đi để nghỉ ngơi.

Trong thời gian ấy, vua Suddhodana triệu tập tất cả mọi thành viên trong dòng tộc Thích ca và nói với họ rằng:

“Này các vị trong hoàng tộc Thích ca, nếu con trai của ta chọn cách ở lại để làm vị hoàng đế thì bảy báu ắt đã xuất hiện và vị ấy sẽ trở thành Chuyển luân vương trị vì bốn châu thiên hạ, và đứa cháu nội Rāhula của ta, phù hợp với kho báu của Trưởng nam (trong bảy báu) cũng sẽ đi theo vị Chuyển luân vương cùng với tất cả những nhà cai trị Khattiya trên quả đất, chăm lo những vấn đề hành chính ở bất cứ nơi nào mà xe báu lăn đến (1). Tất cả những nhà cai trị Thích ca các người biết rõ điều này.


Khi một đại đế thọ trì ngũ giới để làm tròn các phận sự cao quý cần thiết của vị Chuyển luân vương, thì sẽ có xe báu xuất hiện đến phục vụ vị ấy; vị ấy sẽ có bảy báu, đó là: Xe báu, Voi báu, Ngựa báu, Ngọc báu, Hoàng hậu báu, Phú hộ báu và báu thứ bảy là Trưởng nam báu. Sau khi trở thành vị Chuyển luân vương, vị ấy cầm cái bình đựng nước bằng vàng trong bàn tay trái, dùng bàn tay phải tưới nước lên xe báu, phát nguyện: “ Xin xe báu hãy quay và lăn đi. Mong rằng xe báu được đắc thắng khải hoàn.” Xe báu lăn đi đến bốn châu, ở bốn hướng. Chuyển luân vương đi theo xe báu với đại binh do Trưởng nam báu chỉ huy. Nơi nào xe báu dừng nghỉ thì Chuyển luân vương cấm trại nơi đó với đại binh. Các vị vua đối địch chung quanh đều đi đến đảnh lễ vị ấy và trở thành chư hầu của vị ấy.

“ Xét thấy rằng người con trai cao quý của trẫm đã trở thành Đức Phật, đấng tối cao của ba cõi (vị ấy là Đức Phật của dòng dõi đế vương) nên các vị hoàng tử thuộc dòng dõi đế vương hãy đến hầu hạ vị ấy. Do đó, trẫm muốn khuyên các người rằng mỗi gia đình của hoàng gia hãy dâng hiến một vị hoàng tử (trẫm sẽ sắp xếp cho họ xuất gia trước mặt Đức Phật). ”

Tất cả đều đồng ý nói rằng: “Thưa vâng, Hoàng thượng” và ngay lập tức một ngàn hoàng tử của mỗi gia đình hoàng gia đi theo nhà vua đến khu rừng Anupiya Mango và nhận sự xuất gia từ Đức Phật.

Sáu vị hoàng tử không xuất gia

Trong buổi lễ xem chỉ tay, sau khi Bồ tát đản sanh, tất cả các thành viên của tám mươi ngàn gia đình của hoàng tộc đã hứa rằng: “Dù vị ấy trở thành Chuyển luân vương hay Đức Phật, chúng ta cũng lo liệu thế nào để các vị hoàng tử được hầu hạ vị ấy.” Tuy có số lớn hoàng tử Thích ca đã thọ phép xuất gia, nhưng sáu vị hoàng tử không làm đúng như đã cam kết, đó là:

1. Hoàng tử Bhaddiya (người đang cai trị lúc bấy giờ); 2. Hoàng tử Anuruddha; 3. Hoàng tử Ānanda; 4. Hoàng tử Bhagu; 5. Hoàng tử Kimila; 6. Hoàng tử Devadatta.

Các gia đình Thích ca đã chỉ trích và bày tỏ thái độ bất bình rằng: “ Tất cả con trai của chúng ta đã đi xuất gia, nhưng sáu vị hoàng tử này thì đã cư xử như là những người xa lạ và không phải là quyến thuộc; làm thế nào họ dám ở lại mà không thọ phép xuất gia ?”

Nhân đó, Hoàng tử Mahānāma đến gặp em trai, Anuruddha, và khuyên vị ấy rằng: “ Này em Anuruddha, không có thành viên nào trong gia đình của chúng ta mà chưa thọ phép xuất gia, và điều thích hợp duy nhất cho chúng ta là thọ phép xuất gia.” Kinh sách giải thích rằng hoàng tử Anuruddha là người rất thanh nhã, sanh ra và lớn lên trong xa hoa và sung túc. Anuruddha chưa bao giờ nghe tiếng: “chưa hoặc không” và không biết gì về ý nghĩa của nó.

Hoàng tử Anuruddha, người không biết tiếng ‘chưa, không’

Chuyện kể lại như vầy: Một ngày nọ, sáu vị hoàng tử này chơi trò chơi Gon-nyin ở một cái cọc mà người thua phải cung cấp bánh.

Và cuối cùng Anuruddha bị thua cuộc và theo đúng cam kết, vị ấy bắt buộc phải sai người hầu về nhà và xin mẹ của cậu ta cho bánh. Mẹ của Anuruddha đã sắp xếp để cung cấp bánh theo yêu cầu.

Sáu vị hoàng tử thích thú ăn bánh và tiếp tục chơi trò chơi này đến trò chơi khác. Anuruddha lại bị thua trong cuộc chơi lần này đến lần khác. Mẹ của cậu ta đã cung cấp bánh cho cậu đến ba lần liên tục. Nhưng đến lần thứ tư, khi câu ta sai người hầu về nhà lấy bánh thì mẹ cậu buộc lòng phải trả lời rằng: “ Puva natthi - không còn bánh”.

Vì hoàng tử Anuruddha không hiểu ý nghĩa của tiếng “không”, cậu ta nghĩ chắc đó là một loại bánh nào đó, bởi vậy cậu ta bảo người hầu về lại với mệnh lệnh là hãy đem đến “không còn bánh” ấy. Mẹ của cậu, hiểu rằng con trai của bà hoàn toàn không biết tiếng “ không” nên nghĩ rằng sẽ dạy cho cậu ta hiểu ý nghĩa của tiếng “không”. Bà đặt một cái tô bằng vàng trống rỗng úp trên một cái tô khác và gởi chúng đến con trai.

Chư thiên của thành phố nhớ lại việc làm phước thiện của Anuruddha trong một kiếp quá khứ: “Khi là Annabara, một người nghèo khổ, khi cúng dường bữa ăn mà kiếm được rất khó khăn đến Paccekabuddha - Bích chi Phật tên Uparittha, rồi nói lên lời nguyện ước: “ Nguyện cho tôi thoát khỏi khó khăn, không bao giờ phải nghe từ ‘chưa hay không’, không nghe ngay cả trong thực phẩm.” Chư thiên nhận ra rằng họ không được để cho Anuruddha nhìn thấy bát không; đầu của họ có thể vỡ thành bảy mãnh vì hành động thiếu sót như vậy. Thế nên, họ đặt đầy bánh chư thiên trong bát rỗng bằng vàng ấy.

Ở sân chơi, khi bát đầy bánh được mở ra, không khí cả thành phố tràn ngập mùi hương bánh và khi Anuruddha đặt miếng bánh vào miệng thì mùi hương bánh như thâm nhập vào bảy ngàn dây thần kinh lưỡi của vị ấy.

Anuruddha tự nghĩ: “Cho đến hôm nay, chưa bao giờ mẹ ta nấu cho ta loại bánh ‘không còn bánh’. Dường như mẹ không yêu quí ta. Kể từ hôm nay, ta sẽ không ăn bất cứ loại bánh nào khác ngoài thứ bánh này.” Trở về lâu đài, vị ấy hỏi mẹ: ‘Thưa mẹ, mẹ có yêu quý con không?” Mẹ vị ấy trả lời: “ Con thân yêu, Anuruddha, mẹ yêu con hơn bất cứ điều gì khác trên đời.” Rồi Anuruddha hỏi lại: “Thưa mẹ, tại sao mẹ yêu con như thế mà chưa bao giờ mẹ nấu cho con thứ bánh như vậy?” Mẹ của vị ấy ngạc nhiên, bà hỏi: “ Con trai của mẹ, có món gì trong cái bát?” “ Thưa mẹ, trong bát đầy loại bánh thơm ngon mà trước kia chưa bao giờ con nhìn thấy!” Người mẹ hiểu rằng con trai mình ắt hẳn là một con người uy lực và vinh quang, một người đã tích lũy nhiều phước báu trong kiếp quá khứ. Bà xét đoán sự thật rằng chư thiên đã đặt loại bánh ngọt ngào ở cõi thiên và gởi cho hoàng tử.

Rồi Anuruddha nói với mẹ rằng: “ Thưa mẹ, từ nay trở đi con sẽ không ăn bất cứ món ăn nào ngoại trừ loại bánh ‘không còn bánh’ này. Hãy nấu duy nhất món bánh ‘không còn bánh’ này.” Kể từ đó, mẹ của hoàng tử chỉ việc gởi đến cái bát rỗng được đậy trên một cái khác, bất cứ khi nào Anuruddha đòi bánh. Trước khi Anuruddha xuất gia, trong suốt cuộc đời tại gia vi ấy sống bằng món bánh do chư thiên cung cấp. Như vậy, làm sao Anuruddha có thể hiểu được thế nào là xuất gia hay đời sống xuất gia khi mà cậu ta không hiểu ngay cả từ ‘không có’ ?

Đúng vậy, Anuruddha hỏi anh trai Mahānāma rằng: “Thưa anh, anh nói xuất gia là gì, nó như thế nào?” Mahānāma đáp lại rằng: “ Này em, người xuất gia cần phải cạo sạch râu tóc, mặc y nhuộm màu vàng, ngủ trên giường cây hoặc giường tre, thường ngày đi đến các cửa nhà để xin vật thực bố thí. Đây là đời sống của người xuất gia.” Rồi Anuruddha đáp lại: “ Thưa anh, em là người thanh mảnh nên em không thể sống cuộc đời của người xuất gia.”

Mahānāma đáp lại rằng: “ Này em Anuruddha, nếu vậy thì em nên học kinh doanh và ở lại để lo mọi việc trong gia đình của chúng ta vì điều bắt buộc là một người trong hai anh em chúng ta phải xuất gia.” Rồi Anuruddha dò hỏi: “ Thưa anh, kinh doanh là gì?” Làm thế nào một người thuộc gia đình thượng lưu như Anuruddha, không hiểu về nguồn gốc của bữa ăn hằng ngày mà hiểu được sự lao động của người khác?

Anuruddha và các hoàng tử khác không biết về nguồn gốc của vật thực

Chuyện như thế này: Ba vị hoàng tử là: Kimila, Bhaddiya và Anuruddha đã bàn luận về nguồn gốc của vật thực. Hoàng tử Kimila cho rằng kho thóc là nguồn gốc của vật thực(1). Hoàng tử Bhaddya phủ nhận câu nói kia và đưa ra ý kiến của mình rằng: “ Bạn quả thực không biết nguồn gốc thực sự của vật thực. Hãy nhớ rằng cái nồi cơm mới chính là nguồn gốc của vật thực. ” (2) Tới phiên Anuruddha đưa ra ý kiến: “ Cả hai bạn đều không biết nguồn gốc của vật thực, nguồn gốc của nó là cái bát vàng có nạm ngọc.” (3)

Ba vị hoàng tử này hoàn toàn không biết về nguồn gốc của vật thực (cơm) và vì thế Anuruddha đã hỏi anh của cậu ta rằng: “ Thưa anh, sự lao động là thế nào?”


(1) Vị hoàng tử này chỉ thấy thóc được lấy ra từ kho thóc của vua, vị ấy chưa bao giờ thấy ruộng lúa.

(2) Vị hoàng tử này chỉ thấy vật thực đang được nấu ở trong nồi, vị ấy chưa bao giờ thấy lúa được gặt ở ruộng về, hoặc lấy ra từ vựa thóc.

(3) Hoàng tử Anuruddha chưa bao giờ thấy thóc được lấy ra từ vựa thóc hay gạo được nấu trong nồi và xới ra từ đó. Vị ấy chỉ thấy cái bát vàng đựng cơm được xới ra từ cái nồi. Do đó vị ấy khẳng định rằng “vật thực xuất hiện ngay lập tức trong cái bát khi vị ấy muốn ăn.”


Hoàng tử Anuruddha cảm thấy buồn chán thế gian

Người anh Mahānāma nói rằng: “ Này em Anuruddha, bây giờ anh sẽ giải thích cho em hiểu công việc lao động của con người:

1. Người ta phải cày đất lúc trời bắt đầu mưa;

2. Tiếp theo là gieo hạt;

3. Sau khi gieo hạt, ruộng phải được tưới nước vào lúc thích hợp;

4. Nước phải được xả bớt vào lúc cần thiết;

5. Sau khi xả nước, tiếp theo là công việc nhổ cỏ;

6. Sau khi làm sạch cỏ, đến lúc lúa chín phải được gặt hái;

7. Gặt lúa rồi, những bó lúa phải được gánh đến sân đập lúa;

8. & 9. Những bó lúa phải được trải ra và chất lên để bò giẫm lên cho rời hạt lúa ra;

10. Sau khi lúa được đạp rời khỏi cây lúa, những cọng rơm được lấy đi;

11. Rồi những hạt lúa lép được tách ra;

12. Sau công việc lấy lúa lép là công việc quạt sảy;

13. Sau công việc quạt sảy, lúa được đổ vào kho chứa;

14. Sau khi mọi việc đã được làm xong như đã được mô tả ở trên, công việc tương tự lại được tiếp tục như cũ.

Khi nghe qua những lời mô tả như vậy, Anuruddha bèn nói với anh rằng: “ Thưa anh, tất cả những công việc lao động này thật nhiêu khê và không bao giờ kết thúc. Biết bao giờ tất cả những công việc thế gian này mới cạn hết. Biết bao giờ chúng ta mới thấy sự kết thúc của tất cả những công việc này? Khi nào chúng ta mới có thể ung dung, thanh thản thọ hưởng ngũ dục, mà không phải đối mặt với những lo toan của thế gian?” Cậu ta lẩm bẩm trong nỗi chán nản ê chề.

Rồi Mahānāma nói với Anuruddha rằng: “Đúng vậy, này em Anuruddha, những công việc ở thế gian quả thật nhiêu khê và bất tận, cha và ông của chúng ta đã chết trước khi những công việc của con người được kết thúc.” Nhân đó Anuruddha bèn nói rằng: “Thưa anh, nếu là như vậy, vì anh biết rõ những công việc lao động của con người. Vậy tốt hơn anh nên ở lại để đảm đương mọi việc của thế tục; còn em sẽ từ bỏ đời sống gia đình và sống cuộc đời không nhà của một vị Sa-môn.” Và như vậy là Anuruddha đã đồng ý đi xuất gia.

Rồi Anuruddha đến xin phép mẹ: “ Thưa mẹ, con muốn xuất gia, xin mẹ cho phép con xuất gia.” Rồi bà mẹ đáp lại: “Anuruddha con thân, mẹ thương cả hai con, thương hai anh em con với tình thương vô bờ. Ngay khi cái chết chia lìa chúng ta, cũng không được phép nếu không có sự đồng ý của mẹ. Huống hồ trong khi vẫn còn sống, làm sao mẹ có thể cho phép các con đi xuất gia (đó là chuyện không thể được).” Anuruddha lại nhẫn nại xin phép lần thứ hai, nhưng chỉ nhận được câu trả lời tương tự. Lần thứ ba, cậu ta lại xin phép mẹ đi xuất gia.

Lúc bấy giờ, vị hoàng tử Thích ca Bhaddiya đang nắm giữ quyền cai quản bộ tộc Thích ca (vua Suddhodana lúc bấy giờ đã gần chín mươi tuổi nên là Thái thượng hoàng). Vị vua cai trị Bhaddiya là bạn thân của hoàng tử Anuruddha, bà mẫu hậu tự nghĩ rằng: “ Hiện bạn của Anuruddha là vua của bộ tộc Thích ca, Bhaddiya, vẫn đang cai trị bộ tộc Thích ca. Vị vua Bhaddhiya ấy sẽ không lý nào mà đi xuất gia, ít nhất là trong lúc này.” Bởi vậy bà nói với Anuruddha rằng: “ Này Anuruddha con thân, mẹ đồng ý cho con đi xuất gia nếu bạn thân của con là vua Thích ca Bhaddiya cũng xuất gia.”

Rồi Anurddha đến gặp người bạn của cậu và yêu cầu: “ Này bạn thân Bhaddiya, sự xuất gia của tôi có liên quan đến bạn.” Khi ấy Bhaddiya đáp lại: “ Này bạn thân Anuruddha, nếu có mối liên quan giữa sự xuất gia của bạn và của tôi thì đừng nên kéo dài. Bạn và tôi… (ở đây điều mà Bhaddiya muốn nói một cách sẵn sàng bằng tình yêu đối với bạn của vị ấy là “ cả bạn và tôi sẽ cùng đi xuất gia” nhưng vì còn vương vấn sự xa hoa của đời sống đế vương nên vị ấy chỉ nói đến “ bạn và tôi” và đã nói rằng) Bạn hãy vui vẻ mà đi xuất gia theo sở thích.” Tuy nhiên, Anuruddha lại yêu cầu: “ Này bạn thân, chúng ta hãy cùng nhau đi xuất gia.” Nhân đó Bhaddiya bèn trả lời dứt khoát: “ Này bạn thân Anuruddha, tôi không thể xuất gia được, nhưng tôi có thể làm bất cứ điều gì vì bạn, ngoài việc đi xuất gia, xin bạn hãy tự đi một mình.”

Nhân đó, Anuruddha nói lời quả quyết: “ Này bạn, mẹ của tôi đã nói rằng: ‘Nếu bạn của con, vua Bhaddiya sẵn sàng đi xuất gia thì con được phép làm như vậy.” Này bạn Bhaddiya, bạn đã nói rằng: ‘này bạn Anuruddha, nếu có mối liên quan giữa sự xuất gia của bạn và của tôi thì đừng nên kéo dài. Bạn và tôi…bạn hãy vui vẻ mà đi xuất gia theo sở thích. Bạn đã nói loanh quanh và bạn đã nói lời tránh né để thoát tội. Này bạn Bhaddiya, chúng ta hãy đi… cả hai chúng ta hãy xuất gia.” Như vậy, Anuruddha đã kiên trì làm vô hiệu lời từ chối của Bhaddiya.

(Con người thời bấy giờ luôn nói lời chân thật. Họ chấp nhận sự thật. Họ được xem là tốt như những lời nói của họ. Họ trung thành với lời nói của họ).

Vua Bhaddiya nói rằng: “Này bạn Anuruddha thân mến, hãy chờ trong bảy năm rồi chúng ta sẽ cùng đi xuất gia.” “Này bạn Bhaddiya, bảy năm quả thật quá lâu, tôi không thể chờ lâu như vậy.” Anuruddha trả lời và Bhaddiya đáp lại: “ Vậy hãy đợi sáu năm”, rồi năm năm, bốn năm, ba, hai, một năm - vua Bhaddiya mỗi lần trả lời lại giảm xuống một năm như vậy. “Hết một năm, chúng ta sẽ cùng nhau đi xuất gia.” Nhưng Anuruddha vẫn kiên quyết: “ Bạn thân Bhaddiya ơi, một năm quả thật quá lâu, tôi không thể chờ đợi một thời gian lâu như vậy.”

Rồi Bhaddiya bảo Anuruddha hãy đợi bảy tháng rồi họ sẽ cùng xuất gia. Anuruddha lại trả lời rằng bảy tháng là một thời gian dài. Vị ấy không thể chờ đợi một thời gian dài như vậy. Cuối cùng Bhaddiya giảm lần thời gian xuống sáu, năm, bốn, ba, hai, một và cuối cùng là nửa tháng (mười lăm ngày). Nhưng Anuruddha không nhượng bộ và nói rằng mười lăm ngày vẫn là một thời gian rất dài và vị ấy không thể chờ đợi lâu như thế.

Cuối cùng Bhaddiya (như một lời đề nghị cuối cùng) đã đưa ra thời hạn bảy ngày để vị ấy có thể thu xếp giao quyền hành lại cho con trai. Anuruddha thỏa mãn với đề nghị ấy và nói rằng: “ Này bạn thân Bhaddiya, bảy ngày không phải là thời gian quá lâu, tôi sẽ đợi.” Và họ thỏa thuận với nhau.

Sáu vị hoàng tử Thích Ca cùng với người thợ cạo Upali trở thành những vị tỳ khưu

Nhóm sáu vị hoàng tử gồm có:

(1) Vua Bhaddiya,

(2) Hoàng tử Anuruddha,

(3) Hoàng tử Ananda,

(4) Hoàng tử Bhagu,

(5) Hoàng tử Kimila,

(6) Hoàng tử Devadatta (em vợ của Đức Phật) và thợ cạo Upali. Họ thọ hưởng lạc thú của chư thiên, suốt bảy ngày trước khi họ ra khỏi kinh thành tựa như ra đi để vui chơi trong lạc viên, được theo hầu bởi những đoàn tượng binh, kỵ binh, xa binh và bộ binh. Khi đến biên giới, bốn đoàn binh được lệnh quay lại, còn sáu vị hoàng tử thì tiếp tục đi vào nước láng giềng Malla.

Một hôm nọ trong nước Malla, sáu vị hoàng tử cởi bỏ tất cả đồ trang sức, mặc vào những chiếc áo khoác và trao tất cả đồ trang sức cho Upali, gọi là quà tặng chia tay, và nói rằng: “ Này bạn Upali, bạn hãy về nhà. Bấy nhiêu đây sẽ giúp bạn sống đến tuổi già.”

Thợ cạo Upali khóc, lăn mình trên đất dưới chân sáu vị hoàng tử vì không muốn xa rời các chủ nhân của mình nhưng không dám không tuân theo mệnh lệnh. Thế nên, vị ấy phải về nhà mang theo tất cả vật tặng. Khi thợ cạo Upali từ giã chủ nhân của mình thì có một tiếng vang lớn đầy ghê sợ, tựa như khu rừng rậm, rộng lớn cất tiếng kêu than và đại địa rung động trong nỗi thương tiếc.

Một lát sau khi thợ cạo Upali đã ở xa các vị hoàng tử, vị ấy dừng lại và suy nghĩ: “ Những người trong hoàng tộc Thích ca đều tàn nhẫn và thô bạo. Họ có thể xử sai và quyết định sai lầm rằng: “ Người thợ cạo Upali này đã giết chết sáu vị hoàng tử” và họ có thể hạ lịnh tử hình ta. Nếu như ngay cả các vị hoàng tử này có thể từ bỏ những xa hoa của vương quyền, vứt bỏ những vật trang sức vô giá như nhổ ra những bãi nước bọt, để đi xuất gia, thì tại sao một tiện nhân thấp hèn như ta lại không thể đi xuất gia.” Khi suy nghĩ và nhận rõ, vị ấy lấy những vật quí báu mà vị ấy đã mang trên mình và treo chúng trên một nhánh cây, nói rằng: “ Ta từ bỏ những của cải này để làm vật bố thí. Bất cứ ai thấy chúng thì có thể tự do lấy đi tùy thích.”

Khi các vị hoàng tử trông thấy người thợ cạo Upali, từ xa đang đi đến, họ hỏi: “ Này bạn Upali, tại sao bạn trở lại với chúng ta?” Rồi vị ấy nói ra tất cả những suy nghĩ của mình và điều mà vị ấy đã làm. Rồi các vị hoàng tử bảo vị ấy: “ Này Upali, bạn không trở về kinh thành, bạn trở lại với chúng ta, điều ấy quả thật rất tốt! Như bạn đã nghĩ, những người trong hoàng tộc Thích Ca đều thô bạo và tàn nhẫn. (Giả sử bạn trở về) họ có thể tử hình bạn vì nghi ngờ rằng bạn đã giết chết sáu vị hoàng tử.”

Sáu vị hoàng tử bèn dẫn Upali đi theo họ đến khu rừng xoài nơi mà Đức Phật đang ngụ. Đến nơi, họ cung kính đảnh lễ Đức Phật, ngồi ở nơi phải lẽ tránh khỏi sáu khuyết điểm và bạch với Ngài như vầy: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con những người của hoàng tộc Thích ca, có tánh thô bạo và đầy ngã mạn về dòng dõi; người đàn ông này, Upali đã từng là người hầu của chúng con trong nhiều năm qua. Chúng con cầu xin Ngài cho anh ta quyền ưu tiên được xuất gia trước chúng con. (Truyền phép xuất gia cho vị ấy theo cách này), những người còn lại trong chúng con sẽ phải đảnh lễ và cúi chào vị ấy khi vị ấy đến, và chấp tay bày tỏ sự tôn kính của chúng con. Nhờ làm như vậy, những vị hoàng tử Thích ca chúng con, khi đã trở thành những vị tỳ khưu sẽ nhiếp phục được ngã mạn về dòng dõi Thích Ca.”

Rồi Đức Thế Tôn cho thợ cạo Upali xuất gia trước (theo như sự thỉnh cầu của họ) kế đến là sáu vị hoàng tử.

Lần an cư kiết hạ thứ hai của Đức Phật

Đức Phật được tháp tùng bởi trên hai mươi ngàn vị tỳ khưu, rời khỏi khu rừng xoài Anupiya, gần ngôi làng Anupiya ở xứ Malla, và đi đến tịnh xá Veluvana ở Rājagaha, nơi Ngài sẽ an cư kiết hạ lần thứ hai cùng với hai mươi ngàn vị tỳ khưu.

Liệt kê thứ tự về những mùa an cư kiết hạ mà Đức Phật đã qua trải

Đức Phật không có nơi an cư kiết hạ cố định suốt hai mươi năm đầu sau khi Ngài thành Phật (pathama bodhi - sơ giác thời), Ngài thường đi từ nơi này đến nơi khác, ở bất cứ nơi đâu có chúng sanh đau khổ cần được tế độ giải thoát khỏi vòng luân hồi.

(1) Sau khi thuyết giảng bài kinh Chuyển pháp luân đến nhóm năm vị tỳ khưu, dẫn đầu là đại đức Koṇḍañña cùng với 18 koṭi Phạm thiên tại Isipatana, Migadāya gần Baranāsi, Đức Phật trải qua mùa an cư kiết hạ đầu tiên tại Migadāya, khất thực ở xứ Baranāsi.

(2-4) Đức Phật nhập hạ lần thứ hai đến thứ tư tại tịnh xá Veḷuvana, khất thực ở Rājagaha,

(5) Hạ thứ năm của Ngài tại một tịnh xá có tháp nhọn (kutagara), trong rừng Mahāvana, khất thực ở Vesali.

(6) Hạ thứ sáu Ngài an cư ở tại tịnh xá trong khu rừng Chaya, ở

vùng lân cận của núi Makula.

(7) Hạ thứ bảy Ngài an cư ở trên bảo tọa bằng ngọc lục bảo dưới cội cây san-hô ở cõi Đao lợi thiên (Tāvatiṃsa), thuyết giảng Abhidhamma.

(8) Hạ thứ tám Ngài an cư trong khu rừng hoang, do một nữ dạ xoa cai quản, khất thực ở xứ Bhagga.

(9) Ngài trải qua hạ thứ chín ở tịnh xá Ghositarāma và khất thực ở xứ Kosambi.

(10) Vào hạ thứ mười, Đức Phật an cư ở khu rừng Plileyyaka, nơi có voi chúa Palale tự nguyện hầu hạ Ngài.

(11) Hạ thứ mười một Ngài an cư ở tịnh xá Nalikarama, và nơi khất thực là ngôi làng của Bà-la-môn Nala.

(12) Ngài nhập hạ thứ mười hai ở gần cây Tragacanth, do dạ xoa Naleru trú ngụ, và khất thực trong nước Veranjja.

(13) Rồi Ngài an cư kiết hạ lần thứ mười ba ở tịnh xá trên núi Caliya, và khất thực ở ngôi làng Jantu, trong nước Caliya.

(14) Hạ thứ mười bốn Ngài an cư ở tịnh xá Jetavana, và khất thực ở thành Sāvatthi trong nước Kosala.

(15) Hạ thứ mười lăm Ngài an cư ở tịnh xá Nigrodha và khất thực trong kinh thành Kapilavatthu của bộ tộc Thích ca.

(16) Hạ thứ mười sáu Ngài an cư ở đền Aggalava và khất thực trong nước Alavi.

(17) Hạ thứ mười bảy Ngài an cư ở tịnh xá Veluvana, và Rājagaha của xứ Magadha là nơi đi khất thực mỗi ngày.

(18-19) Hai mùa mưa liên tục (tức là hạ thứ 18 và 19), Đức Phật an cư ở sơn tự Caliya, ngôi làng Jantu, trong nước Caliya là nơi Ngài thường đi khất thực.

(20) Hạ thứ 20 Ngài an cư ở tịnh xá Veluvana, và Rājagaha trong nước Magadha là nơi Ngài thường đến khất thực.

(Trong hai mươi năm đầu sau khi thành đạo, Đức Phật thường an cư ở nhiều nơi khác nhau).

(21- 44) Từ hạ thứ 21 đến hạ thứ 44 Đức Phật thường an cư kiết hạ ở một trong hai tịnh xá, là Jetavana và Pubbarama, tại Sāvatthi trong nước Kosala và đó cũng là nơi Ngài thường đến khất thực.

(45) Rồi Đức Phật an cư hạ cuối cùng, hạ thứ bốn mươi lăm, ở ngôi làng Veluva, trong nước Vesali khi Ngài sắp viên tịch Đại Niết bàn.

KẾT THÚC CHƯƠNG 19

MỘT NGÀN VỊ HOÀNG TỬ THÍCH CA THỌ PHÉP XUẤT GIA TỪ ĐỨC THẾ TÔN


Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B


[Đầu trang][Mục lục tổng quát][Mục lục]