THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 3
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 3] [Tiếp theo]
Như đã giải thích ở trước, Đức Phật an cư mùa mưa thứ hai ở tịnh xá Veluvana, tại Rājagaha. Chính trong thời gian này, đại đức Bhaddiya trở thành vị Tevijja Arahat, thành tựu Tam minh – pubbenivāsa-ñāṇa, dibbacakkhu-ñāṇa, asavakkhaya-ñāṇa.
Đại đức Anuruddha chứng đắc tám thiền chứng (jhāna- sampatti) trong suốt mùa an cư đầu tiên sau khi xuất gia. Dựa vào các pháp chứng này, vị ấy phát triển Thiên nhãn thông, có khả năng trông thấy mười ngàn thế giới Sa-bà. Một hôm vị ấy đi đến đại đức Sāriputta và nói rằng:
(1) “ Thưa tôn giả Sāriputta, trong giáo pháp này của Đức Phật, bằng thiên nhãn thông (dibbacakkhu-abhiññā), tôi có thể trông thấy mười ngàn thế giới sa-bà;
(2) Sự tinh tấn của tôi dũng mãnh và kiên định, không suy giảm. Chánh niệm của tôi trong sáng và tập trung, hoàn toàn thoát khỏi sự thất niệm; thân của tôi cũng được an tịnh, hoàn toàn thoát khỏi trạo hối; tâm của tôi tĩnh lặng, kiên định trên đề mục.
(3) Tuy vậy, cho dù tâm của tôi không có ái dục và tà kiến (taṇhā và diṭṭhi) vẫn không thoát khỏi sự kềm kẹp của các lậu hoặc (nghĩa là vị ấy chưa chứng đắc đạo quả A-la-hán).”
Nhân đó, đại đức Sāriputta đáp lại rằng:
“ Này hiền giả Anuruddha, (1) Khi hiền giả phóng tâm theo ý nghĩ như đã được mô tả ở câu nói đầu tiên, đó là trường hợp ngã mạn (māna) đang sanh khởi trong dòng tâm của hiền giả, (2) Xét về câu nói thứ hai của hiền giả, đó là trường hợp phóng dật (uddhacca) đang sanh khởi trong dòng tâm của hiền giả. (3) Về câu nói thứ ba của hiền giả, nó có nghĩa rằng hiền giả đang bị tấn công bởi nỗi băn khoăn về những nghiệp phước và tội trong quá khứ, đó là trạng thái hối (kukkucca). Này hiền giả Anuruddha, tôi mong rằng hiền giả hãy đoạn trừ ba trạng thái này là mạn, phóng dật và hối, chỉ hướng tâm đến Niết bàn, trạng thái bất tử (amata-dhātu).
Rồi vị ấy thuyết giảng đến đại đức Anuruddha một bài pháp về pháp hành của thiền.
Sau khi hiểu được phương pháp hành thiền từ đại đức Sāriputta, đại đức Anuruddha cáo từ Đức Phật và đi đến xứ Ceti và tại khu rừng trúc, nằm về hướng đông nơi Đức Phật đang ngụ, vị ấy bắt đầu hành thiền. Đại đức Anuruddha bắt đầu bằng pháp đi kinh hành suốt mười lăm ngày liên tục (không nằm). Sự căng thẳng mãnh liệt đến nỗi vị ấy trở nên mệt lả và đuối sức. Vị ấy không thể không ngồi xuống dưới rừng cây trúc nơi vị ấy tiếp tục pháp thiền, quán về tám tư duy của bậc đại nhân (mahāpurisa-vitakka) (xem 10. Anuruddha Mahāvitakka Sutta, 3. Gahapati vagga, Atthaka Nipāta, Anguttara Nikāya). Sau khi đạt được 7 trong số tám tư duy ấy, vị ấy bị kiệt sức vì sự căng thẳng ở giai đoạn thứ tám. Khi Đức Phật biết rõ sự kiệt sức của đại đức Anurddha, Ngài đích thân đi đến khu rừng trúc và giúp vị ấy hoàn thành giai đoạn thứ tám, bằng cách thuyết giảng bài kinh Mahāpurisa vitakka cùng với bài kinh về Bốn Ariyavaṃsa. Do biết trước rằng chính khu rừng trúc này sẽ cận y duyên (upanissaya paccaya) cho sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của đại đức Anuruddha, Đức Phật bèn khuyên dạy vị ấy rằng: “ Này Anuruddha, hãy tiếp tục công việc của con trong suốt mùa an cư kế tiếp tại nơi này.” Sau đó Đức Thế Tôn rời nơi đó bằng thần thông (iddhividha-abhiñña) và đồng thời đến khu rừng Bethakala, gần thị trấn Susumagira thuộc nước Bhagga. Khi đến đó, Đức Thế Tôn thuyết bài pháp về tám tư duy của bậc đại nhân (mahāpurisa-vitakka) đến các vị tỳ khưu đang trú ngụ trong khu rừng ấy.
Đại đức Anuruddha đã an cư hai mùa mưa tiếp theo tại khu rừng trúc theo đúng lời dạy của Đức Phật và tiếp tục hành thiền và đến đúng lúc, đại đức đã chứng đắc đạo quả A-la-hán.
Đại đức Ānanda nghe thời pháp của đại đức Punna, con trai của nữ bà la môn Mantani - thời pháp ấy nói về sự khởi sanh của “ngã kiến” dựa vào năm uẩn (khandha) bằng sự minh họa sự phản chiếu của khuôn mặt chính mình từ mặt kính hoặc mặt nước trong cái ly. Vị ấy cũng giảng dạy cho đại đức Ānanda về teparivatta dhamma liên quan đến ba đặc tính, vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha và anatta) của năm uẩn. Sau khi nghe xong hai thời pháp từ đại đức Punna và quán xét về chúng, đại đức Ānanda chứng đắc Dự lưu quả (sotāpatti-phala) và trở thành bậc thánh Tu-đà-hườn (Sam, 2, 86-87)
Sau khi tất cả các vị trưởng lão đã chứng đắc đạo quả A-la-hán, như đã mô tả ở trên, hai vị đại đức Bhagu và Kimbila cũng thực hành thiền minh sát và đến đúng lúc, họ trở thành các bậc A-la-hán.
Đại đức Devadatta cũng chuyên tâm hành thiền nhưng vị ấy chỉ có thể chứng đắc các tầng thiền hợp thế với thần thông (iddhi) của kẻ phàm phu (puthujjānika-iddhi). (Vị ấy không phải là Thánh Tăng (ariya-bhikkhu) mà chỉ là phàm Tăng có thần thông).
Đức Phật quả thực đã thuyết giảng đến sa-di Rahula một số bài kinh, đó là (1) Sāmanera panhā, (2) Rāhula Saṁyutta, (3) Abhinha Rāhulovāda Sutta, (4) Mahā Rāhulovāda Sutta, (5) Cūla Rāhulovāda Sutta và (6) Aṁbalatthika Rāhulovāda Sutta.
Giải rõ: Sau khi cho Rahula xuất gia sa-di, Đức Phật suy xét:
“ Những đứa trẻ thường hay nói chuyện mà không quan tâm đến tánh chất đáng tin cậy và sự đúng đắn trong lời nói của chúng; đúng vậy, Rāhula vẫn còn nhỏ, cần được giáo huấn.” Do đó, Ngài cho gọi Rahula đến và nói rằng: “ Này con Rahula, các vị sa-di nên tránh nói những điều đi ngược với Thánh Đạo và Thánh Quả. Này con Rahula, con nên nói những điều liên quan đến Đạo và Quả.”
Rồi Đức Thế Tôn tiếp tục thuyết giảng bài pháp về “Sāmanera panhā,” theo đúng truyền thống của chư Phật quá khứ. Bài pháp ở dưới dạng giáo lý vấn đáp, bao gồm các pháp đơn giản phù hợp với các vị sa-di, được sắp xếp theo thứ tự thuận tiến với những chi pháp từ 1 đến 10 (Khu, 1,3).
Lại nữa, Đức Thế Tôn suy xét: “Trẻ con ưa nói dối, chúng thường nói: ‘ Tôi đã thấy những điều như vậy’ (sự thật là chúng chưa thấy) và ‘Tôi chưa thấy những điểu ấy’ (nhưng sự thật chúng đã thấy). Do đó, Rāhula ắt phải được khuyên dạy không nên nói dối.” Khi nêu ra những ví dụ chứng minh chỉ cần nhìn bằng mắt đã hiểu được, như bốn ví dụ về các tô nước, hai ví dụ về tượng binh và một ví dụ về chiếc gương soi, Ngài đã thuyết giảng bài kinh Ambalatthika Rāhulovada (Ma, 2,77).
Rồi Đức Thế Tôn dạy Rahula bài kinh “ Abhinha Rāhulovāda” chỉ cách đoạn trừ luyến ái đối với bốn món vật dụng, cách đoạn trừ tham muốn đối với năm loại dục lạc và những lợi ích lớn lao do thân cận với bạn lành (Khu, 1, 328).
Hơn nữa, Đức Thế Tôn dạy Rāhula nhóm Pháp có nhan đề là ‘Rāhula Samyutta’ để giúp Rahula có thể loại trừ luyến ái đối với bất cứ thứ gì trong ba cõi (Sam, 1,439).
Sau đó, bài kinh Mahā Rāhulovāda được thuyết giảng để khuyên dạy Rāhula không nên nuôi dưỡng những ý nghĩ tham ái về sắc đẹp nơi thân của chính mình (gehassita chandaraga - thế tục dục tham) khi nghĩ rằng: “ Ta có sắc thân rất đẹp, nước da của ta trong sáng” (Ma, 3,83).
Và bài kinh ‘Cūla Rāhulovāda’ được thuyết giảng ngay sau khi Rāhula thọ tỳ khưu giới trước khi hết thúc mùa an cư kiết hạ đầu tiên, để giúp Rāhula chứng đắc đạo quả A-la-hán (Ma, 3,424/ Sam, 2,324).
Cần chú ý rằng trong số những bài kinh này, thời gian và nơi chốn chính xác diễn ra sự thuyết giảng bài kinh Abhinha Rāhulovada không thể quả quyết chắc chắn được vì Đức Phật thuyết giảng bài kinh ấy đến Rāhula nhiều lần, lập đi lập lại khi có cơ hội, bất chấp nơi chốn và thời gian.
Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết những thời pháp về bài kinh Rāhula Samyutta từ lúc sa-di Rahula được bảy tuổi cho đến khi vị ấy thọ cụ túc giới và bắt đầu mùa an cư đầu tiên.
Mahā Rāhula Sutta được giảng dạy khi sa-di (sāmanera)
Rāhula lên 18 tuổi.
Cūḷa Rāhula Sutta được thuyết giảng khi vị ấy thọ cụ túc giới và bắt đầu mùa an cư đầu tiên
Sāmanera panhā và bài kinh Ambalatthika Rāhulovada được thuyết giảng khi Rāhula là vị Sa-di bảy tuổi.
Trong tất cả những bài kinh này, bài kinh Abhinha Rāhulovāda được giảng dạy là một bài giáo huấn tâm niệm mà Rāhula phải thực hành theo trọn đời. Những bài pháp về Rāhula Saṁyutta được thuyết giảng để làm cho tâm của Rāhula thấm nhuần Tuệ minh sát (Vipassanā-ñāṇa). Bài kinh Mahā Rāhulovāda được thuyết giảng để loại bỏ gehassita chandaraga (thế tục dục tham). Cūḷa Rāhula được thuyết giảng ngay sau khi Rāhula thọ cụ túc giới, trước khi kết thúc mùa hạ đầu tiên, để giúp vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán sau khi đạt được sự thuần thục trong mười lăm yếu tố giải thoát (vimutttiparipācaniya). Sāmanera Panha được thuyết giảng để kiên tránh việc nói những lời không thích hợp (những vấn đề không đem lại lợi ích cho việc chứng đắc Đạo Quả). Bài kinh Ambalatthika sau đây được thuyết giảng để kiên tránh sự nói dối có cố ý (những đoạn trích dẫn từ Mattha, 3/8889).
Lúc bấy giờ Đức Phật đang trú ngụ ở tịnh xá Veluvana, ở Rājagaha mùa an cư thứ hai, và Rāhula (bấy giờ là vị sa-di) đang trú ngụ ở thiền thất Ambalatthika, sở dĩ được gọi như vậy vì nó được xây dựng gần một cây xoài, ở góc xa của tịnh xá Veluvana, và vị ấy đang sống ẩn dật (viveka).
(Như cái gai có điểm nhọn ở đầu gai từ khi bắt đầu sự phát triển, cũng vậy sa-di Rāhula thực hành thân viễn ly (kāya viveka) và tâm viễn ly (citta viveka) từ khi vị ấy còn là vị sa-di bảy tuổi mà không ai giáo huấn).
Lúc bấy giờ, vào một buổi chiều mát trời, Đức Phật, sau khi xuất khỏi thiền quả định (phala-samapatti), Ngài đi đến thiền thất Ambalatthika của sa-di Rāhula. Khi Rāhula trông thấy Đức Thế Tôn đi đến từ xa, vị ấy sắp xếp chỗ ngồi dành cho Đức Thế Tôn và đặt sẵn nước để rửa chân cho Ngài. Đức Phật ngồi vào chỗ đã soạn sẵn sau khi đã rửa chân (chỉ là sự chứng thọ việc phước của Rāhula, của một đệ tử làm đúng phận sự đối với thầy, vì bàn chân của Ngài không hề bị dính bụi). Sa-di Rāhula ngồi ở nơi phải lẽ tránh khỏi sáu khuyết điểm, rồi cung kính đảnh lễ Đức Phật.
(1) Đức Phật chừa lại một ít nước trong cái chậu sau khi rửa chân, rồi hỏi: “Con trai Rāhula, con có thấy ít nước mà Như lai đã chừa lại trong cái chậu chăng?” “ Dạ thấy, bạch Đức Thế Tôn,” Rāhula đáp lại. Rồi Đức Thế Tôn giáo huấn: “Cũng như lượng nước ít ỏi còn lại trong chậu, cũng vậy thiện pháp của Sa-môn cần được thọ trì để đoạn tận phiền não, thiện pháp quả thật ít ỏi trong thân và tâm của những người cố ý nói dối mà không chút hỗ thẹn.” Đó là giáo huấn đầu tiên do Đức Thế Tôn ban ra.
(2) Rồi Đức Phật đổ bỏ lượng nước ấy và hỏi: “ Này con Rāhula, con có thấy Như Lai đã đổ bỏ hết lượng nước ấy chăng?” “ Dạ thấy, bạch Đức Thế Tôn,” Rāhla đáp lại. Rồi Đức Thế Tôn ban lời giáo huấn thứ hai: “ Giống như việc Như lai bỏ đi lượng nước trong chậu, cũng vậy những người cố ý nói dối, không chút hỗ thẹn, họ đã vứt bỏ thiện pháp và thánh pháp của bậc Sa-môn là pháp đoạn tận phiền não.” Đó là lời giáo huấn thứ hai của Đức Thế Tôn.
(3) Rồi Đức Phật úp cái chậu và hỏi Rāhula: “ Con có thấy Như Lai lật úp cái chậu không?” “Dạ con thấy, bạch Đức Thế Tôn.” Rāhula đáp lại. Rồi Đức Thế Tôn giáo huấn: “ Này con Rāhula, cũng như cái chậu đã bị lật úp, dường thế ấy, những người cố ý nói dối mà không chút hỗ thẹn đã từ bỏ thiện pháp và thánh pháp của bậc Sa-môn, là pháp đoạn tận phiền não.” Đó là lời giáo huấn thứ ba của Đức Phật.
(4) Rồi Đức Phật lại lật ngửa cái chậu lên (nhớ rằng lúc bấy giờ không có giọt nước nào trong chậu) và nói với Rāhula rằng: “ Này Rāhula, con có thấy chăng cái chậu này không còn một giọt nước nào cả và hoàn toàn không chủ định gì?” “ Dạ con có thấy, bạch Đức Thế Tôn,” Rāhula đáp lại. Rồi Đức Thế Tôn ban lời giáo huấn thứ tư: “ Giống như chậu nước này, không còn giọt nước nào và hoàn toàn không chủ định, cũng vậy, trong những con người cố ý nói dối, tất cả đều vô hiệu, và không có một giọt nước thiện pháp và thánh pháp nào của bậc Sa-môn, là pháp đoạn tận phiền não.”
(5-6) Sau đó Đức Thế Tôn tiếp tục thuyết giảng bài pháp như sau: “Này con Rāhula, hãy xem một thí dụ trong thế gian về cách hành xử của con voi chiến của vua. Ở ngoài chiến trận, nó chiến đấu bằng hai chân trước cũng như hai chân sau (nó giết chết tất cả kẻ thù đến gần nó bằng cách dùng hai chân trước để giẫm nát hoặc dùng hai chân sau để đá, để hất tung). Nó chiến đấu bằng phần trước hoặc phần sau của thân. (Khi có cơ hội, nó phá tan những chiến lũy có mái bằng gỗ của kẻ thù với sức mạnh của thân trước hoặc thân sau của nó). Nó cũng chiến đấu bằng trán của nó (tức là chuẩn bị xông lên hoặc chạy ào về một hướng nào đó mà nó đã phán đoán và lấy tư thế còn lại để tập trung sức mạnh, và rồi phát ra cái nhìn rực lửa. Chính cái cảnh con voi chiến to lớn đang nhìn trừng trừng như vậy, đã làm cho hàng ngàn kẻ thù kinh sợ và bỏ chạy tán loạn). Nó cũng sử dụng hai cái tai của nó (nghĩa là nó gạt đỡ những cây tên của kẻ thù bằng hai tai làm cho những cây tên ấy rơi xuống đất). Nó cũng chiến đấu bằng cặp ngà của nó (nó dùng cặp ngà của nó húc vào những con voi, ngựa của kẻ thù, kể cả những quan binh cỡi voi, cỡi ngựa và bộ binh). Nó sử dụng cả cái đuôi (nó dùng đuôi quất ngã kẻ thù). Tuy nhiên nó vẫn bảo vệ cái vòi của nó bằng cách cuộn nó lại và đặt vào trong miệng).
“ Khi quán xét về những hành động chiến đấu này của con voi chiến, ý nghĩ khởi sanh trong tâm của người cỡi trên nó như sau: ‘ Con voi chiến này của đức vua, khi ở ngoài chiến trận, nó hoạt động bằng cả hai chân trước và hai chân sau, dùng cả sức của phần thân trước cũng như phần thân sau. Nó cũng sử dụng cái trán, đôi tai, cặp ngà và đuôi của nó. Tuy nhiên, nó bảo vệ cái vòi của nó bằng cách đưa vòi vào trong miệng.’ Con voi chiến này không có ý định hy sinh tánh mạng của nó.”
“ Này con Rāhula, vào lúc khác, con voi chiến vĩ đại của đức vua ở ngoài chiến trường (như đã nói ở trên) hoạt động bằng hai chân trước cũng như hai chân sau của nó…Nó cũng chiến đấu bằng cái đuôi của nó. Cái vòi của nó cũng thế (đưa cao những cây lao bằng sắt hoặc bằng gỗ, rồi đánh tan những mục tiêu ở độ cao mười tám hắc tay). Khi trông thấy những hành vi của con voi chiến này, ý nghĩ sau đây khởi sanh trong tâm của người cỡi voi: ‘Con voi chiến vĩ đại của đức vua khi ở chiến trận, nó đã chiến đấu bằng hai chân trước cũng như hai chân sau …Nó đã hoạt động bằng cái đuôi của nó. Nó cũng hoạt động bằng cái vòi của nó. Con voi chiến của đức vua đã từ bỏ cả tánh mạng của nó. Xét thấy rằng không có điều gì mà con voi chiến dũng mãnh không làm.’ Này con Rahula, Như Lai nói với con rằng, cũng giống như vậy đối với người cố ý nói dối mà không hỗ thẹn không có việc ác nào mà người ấy không dám làm.”
“Do đó, này Rahula, con nên khởi quyết tâm rằng: ‘ Ta sẽ không nói dối, dù để cho vui’ và hãy cố gắng thọ trì Tam học (sikkhā).”
Như vậy Đức Phật đã nhấn mạnh một cách sâu sắc tầm quan trọng của việc kiên tránh nói dối.
Đức Thế Tôn dạy tiếp: “ Này con Rāhula, con nghĩ thế nào về điều Như lai sắp hỏi con? (nghĩa là con có thể trả lời Như Lai tùy ý). Cái gương soi có những lợi ích nào?” Rāhula đáp lại: “ Người ta có thể có được lợi ích từ nó bằng cách làm cho da mặt của họ đẹp hơn, khi họ nhìn thấy những nốt ruồi và mụn phản chiếu ở trong gương.”
“ Cũng vậy, này Rāhula, những hành vi về thân, khẩu và ý nên được thực hiện sau khi đã suy xét đúng đắn bằng con mắt trí tuệ của người ấy.” Bằng lời nói mở đầu tóm tắt này, được dùng làm nội dung, Đức Thế Tôn thuyết giảng thời pháp nói chi tiết như thế nào người ta nên thực hành bằng thân, bằng lời nói và dụng tâm với sự cẩn trọng như thế nào và chỉ thực hiện sau khi suy xét kỹ lưỡng bằng cách sử dụng tuệ căn.
(Muốn biết đầy đủ chi tiết của bài kinh, hãy tìm đọc trong kinh tạng hay bản dịch của nó. Dưới đây chỉ là phần tóm lượt của bài kinh).
Khi khởi sanh ý định muốn làm một hành động về thân, ngữ hoặc ý, trước khi làm đầu tiên nên cân nhắc kỹ lưỡng như vầy: “ Hành động về thân, ngữ hoặc ý của tôi có hại cho tôi, cho người khác hoặc cho cả hai hay không? Chúng có phải là những việc ác khiến gia tăng đau khổ hay không?” Nếu sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, thấy rằng những hành động định làm có hại cho mình, cho người khác hoặc cho cả hai, hoặc sẽ trở thành những nghiệp ác khiến đau khổ gia tăng, thì ta nên cố gắng tránh, không tạo những nghiệp về thân, ngữ và ý như vậy. Nói cách khác, nếu sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, thấy rằng những hành động định làm này không hại cho ta, cho người khác hoặc cho cả hai, hoặc sẽ trở thành những thiện nghiệp làm gia tăng hạnh phúc (sukha) thì những hành động về thân, ngữ và ý như vậy cần nên làm.
Cũng vậy, khi đang tạo nghiệp thân, ngữ hoặc ý, ta nên suy xét kỹ lưỡng như vầy: “Điều mà ta đang làm, đang nói, đang nghĩ có hại cho ta, người khác hoặc cho cả hai hay không? Chúng có phải là những nghiệp ác làm gia tăng đau khổ hay không?” Nếu, sau khi cân nhắc kỹ, thấy đúng như vậy, thì với tâm ghê tởm điều ác ta nên ngừng lại, không làm (không tiếp tục thêm nữa). Nói cách khác, nếu sau khi suy xét kỹ lưỡng thấy rằng chúng không hại cho mình, cho người khác hoặc cho cả hai, đấy là những việc phước làm gia tăng hạnh phúc, thì ta nên cố gắng thực hành, đeo đuổi, thực hiện nhiều lần.
Khi một hành động về thân, về lời nói hoặc về ý nghĩ đã được làm xong, ta nên suy kỹ (theo cách trên) như vầy: “ Hành động về thân, ngữ và ý đã được thực hiện rồi ấy có hại cho ta, cho người khác hoặc cho cả hai hay không? Chúng có phải là những ác nghiệp làm gia tăng đau khổ hay không?” Nếu đúng như vậy, ta phải sám hối bằng cách khai rõ, không giấu giếm chút ít về những tội mà ta đã làm, sám hối trước Đức Phật hoặc một bậc trí tuệ hay một vị Sa-môn có trí. Rồi tự mình phải thu thúc không để tái phạm những tội như vậy nữa.
Nếu đã vi phạm những tội thuộc về ý nghĩ, ta nên khởi tâm yểm ly những ý nghĩ bất thiện như vậy, nên có tâm hổ thẹn và ghê tởm chúng. Ta cũng nên thúc liễm tâm ý và nguyện rằng sẽ không tái phạm những ác nghiệp như vậy nữa.
Nếu sau khi hồi tưởng và suy xét kỹ lưỡng như vậy, ta thấy rằng những hành động về thân, ngữ hoặc ý của ta không làm hại chính mình hoặc người khác hoặc cả hai; ngược lại chúng làm gia tăng hạnh phúc và lợi ích, thì cả đêm lẫn ngày ta nên trú trong hoan hỉ và thỏa mãn kết hợp với những việc phước ấy và ta phải cố gắng hơn nữa trong việc thọ trì ba điều học (sikkhā).
Tất cả chư Phật, chư Bích chi Phật (Paccekabuddha) và chư Thinh văn đệ tử Phật (Ariya Savaka) trong quá khứ, hiện tại và tương lai đã sống, đang sống và sẽ sống theo cách này, hồi tưởng và suy xét kỹ những hành vi về thân, ngữ và ý của họ và đã thanh lọc, đang thanh lọc và sẽ thanh lọc tất cả những nghiệp thân, ngữ và ý của họ.
Đức Phật kết luận bài kinh này bằng những lời khuyến tấn: “ Này con Rāhula, con hãy ghi nhớ trong tâm là luôn làm thanh tịnh thân hành, khẩu hành và ý hành bằng cách hồi tưởng và suy xét chúng, và tu tập ba điều học.”
(Ở đây có một câu hỏi cần nêu ra là khi nào và ở đâu những hành động về thân, ngữ và ý như vậy có thể xảy ra và bằng cách nào để thanh lọc chúng).
Đây là câu trả lời: Bất cứ lúc nào. Những hành động về thân và lời nói đã thực hiện vào buổi sáng, nên được tẩy sạch và làm cho thanh tịnh ngay sau bữa ăn, khi ngồi xuống ở chính chỗ mà người ấy trải qua thời gian của ngày.
Giải rõ: Vị tỳ khưu cần xem lại hành động phạm tội về thân và lời nói mà vị ấy đã xúc phạm một người nào đó từ sáng sớm đến lúc vị ấy đến nơi mà vị ấy đang ngồi để trải qua thời gian còn lại của ngày. Nếu vị ấy nhớ lại rằng mình đã làm một tội nào đó chống lại một người nào đó, bằng hành động nơi thân hoặc lời nói, vị tỳ khưu ấy nên thú tội với một vị tỳ khưu đồng phạm hạnh, bằng cách nói rõ tội của mình ra. Trong trường hợp vị tỳ khưu ấy không phạm những tội như vậy, vị ấy sẽ thực sự cảm thấy hoan hỉ và thỏa mãn và trú trong trạng thái an lạc.
Về những hoạt động về tâm ý, vị ấy nên tìm cách thanh lọc chúng trong khi đang đi khất thực, bằng cách hồi tưởng như vầy: Trong khi đang đi khất thực ngày hôm nay, do bởi cảnh sắc, v.v… có loại tham, sân hoặc si nào đã khởi sanh trong ta chăng? Nếu vị ấy thấy rằng rằng một ý nghĩ nào đó như vậy đã khởi sanh trong tâm thì vị ấy nên nguyện rằng: “ Ta sẽ không cho phép những ý nghĩ tham, sân hoặc si như vậy khởi sanh trở lại.” Nếu không có những ý nghĩ bất thiện đã khởi sanh trong tâm của vị ấy (vị ấy nên cảm thấy hoan hỉ và hài lòng cho chính mình) và vị ấy nên tiếp tục trú trong trạng thái thanh tịnh của tâm.
Kết thúc bài pháp về bài kinh Ambalatthka Rahulovada
Đức Phật cho phép các vị tỳ khưu được thọ dụng tịnh xá để làm chỗ ngụ theo đúng lời thỉnh cầu của một vị trưởng giả ở kinh thành Rājagaha. Ông ta đã nhờ các vị tỳ khưu chuyển lời thỉnh cầu lên Đức Phật trong khi Ngài đang trú ngụ ở đó trong mùa an cư kiết hạ lần thứ hai.
Vị trưởng giả của kinh thành Rājagaha và trưởng giả Anāthapiṇḍika của kinh thành Savatthi là anh em rễ cột chèo, cả hai kết hôn với hai chị em. Khi nào vị trưởng giả của kinh thành Rājagaha thấy giá cả của hàng hóa ở Rājagaha thấp hơn giá cả ở Sāvatthi thì ông ta mua hết số hàng hóa ấy và chất lên năm trăm cỗ xe bò rồi đi đến Sāvatthi để bán chúng. Khi đoàn xe cách Sāvatthi khoảng một do tuần, thì ông ta cho người đi trước để báo tin với trưởng giả Anāthapiṇḍika rằng mình sắp đến và trưởng giả Anāthapiṇḍika khi ấy sẽ lo sắp xếp mọi thứ để tiếp đón người anh em rễ của mình và hai người sẽ đi vào thành phố trong cùng một chiếc xe kéo. Nếu thị trường ở Sāvatthi đã có sẵn người mua thì vị trưởng giả của thành Rājagaha sẽ bán ngay số hàng hóa ấy. Nếu chưa tìm thấy người mua thì ông ta gởi chúng trong nhà của em gái ông ta rồi trở về. Trưởng giả Anāthapiṇḍika cũng làm như thế.
Vào lúc Đức Thế Tôn đang trong mùa an cư thứ hai, thì truởng giả Anāthapiṇḍika của thành Sāvatthi đã cho chất đầy hàng hóa vào năm trăm cỗ xe và lên đường đi đến Rājagaha. Ông ta gởi thư báo về việc đi đến của ông ta đến vị trưởng giả của thành Rājagaha từ một khoảng xa một do tuần (giống như những lần trước).
Tuy nhiên, vị trưởng giả của thành Rājagaha không thể quan tâm đến lời thông báo của ông ta, vì vị ấy vừa mới trở về từ tịnh xá Sitavana nơi vị ấy đã nghe pháp do Đức Thế Tôn thuyết giảng và đã thỉnh Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng về nhà để thọ thực vào ngày hôm sau, ông ta đang bận rộn lo sắm sửa lễ vật và vật thực cúng dường.
Trưởng giả Anāthapiṇḍika đi vào thành phố với ý nghĩ rằng một sự đón tiếp lớn sẽ chờ đón ông ta như những trường hợp trước, nhưng ông thấy rằng không có sự tiếp đón nào ngay cả khi ông ta đến cửa nhà của ông trưởng giả thành Rājagaha, là khi vào nhà cũng không có nhiều lời chào hỏi nồng hậu của chủ nhà, chỉ là những câu như “ Này ông trưởng giả của thành Sāvatthi, con gái của ông có khỏe không? Tôi hy vọng ông đi đường được bình an và thuận lợi.” Và ông ta lại bận rộn thu xếp công việc.
Như đã giải thích ở trên, vị trưởng giả của thành Rājagaha chỉ có thể nói vài lời chào hỏi trưởng giả Anāthapiṇḍika. Ông ta phải ưu tiên cho những phận sự trong cuộc lễ cúng dường trai Tăng. Và ông ta tiếp tục ban những lời hướng dẫn đến những người trong nhà: “ Hãy nhớ dậy sớm vào ngày mai và lo nấu nước dùng, nấu cơm và món cà- ri, và chuẩn bị những đĩa rau trộn, tất cả phải sẵn sàng trước khi Đức Phật và chư Tăng đến.”
Trưởng giả Anāthapiṇḍika chợt nghĩ rằng: “ Vị trưởng giả của thành Rājagaha thường gác bỏ tất cả những công việc khác và nói chuyện nhiệt tình với ta vào những trường hợp trước, nhưng bây giờ ông ta bận rộn tổ chức một buổi tiệc lớn vì một lý do nào đó. Phải chăng ông ta cùng với những người hầu làm những điều này để cưới vợ cho con trai (āvāha) hoặc gả con gái của ông ta cho con trai của một người nào đó (virāha), hay ông ta mời vua Bimbisāra và quân thần của vị ấy đến dự tiệc vào ngày mai?”
Khi mọi việc đã được sửa soạn xong, vị trưởng giả của thành Rājagaha gặp Anāthapiṇḍika và trò chuyện thân mật với ông ta như trước. Nhân đó, trưởng giả Anāthapiṇḍika hỏi trưởng giả của thành Rājagaha rằng:
“Này ông trưởng giả, trong những trường hợp trước, ông thường dẹp bỏ tất cả công việc và nói chuyện vui vẻ với tôi. Nhưng bây giờ xem ông bận chăm lo tổ chức một buổi lễ cúng dường vật thực, chỉ quan tâm sắp xếp mọi việc cùng với những người hầu của ông để chuẩn bị cho cuộc lễ sẽ được tổ chức vào ngày mai. Có phải đó là lễ Āvāha, là gả cưới con gái? Hay ông đang sửa soạn cho một cuộc lễ cúng dường vật thực to lớn hoặc ông đã mời vua Bimbisāra và triều thần của vị ấy đến dự tiệc vào ngày mai?”
Vị trưởng giả của thành Rājagaha đáp lại rằng:
“ Này ông trưởng giả, tôi không tổ chức lễ avāha hay vivāha, cũng không mời vua Bimbisāra và triều thần của vị ấy đến dự tiệc. Thực ra, tôi đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho một lễ cúng dường vật thực to lớn. Tôi đã thỉnh Đức Phật và chư Tăng để làm phước vào ngày mai.”
Khi trưởng giả Anāthapiṇḍika nghe từ “Đức Phật – Buddha” được nói ra một cách thành kính bởi ông trưởng giả của thành Rājagaha, thì toàn thân của ông tràn ngập năm loại hỉ (pīti) đó là tiểu hỉ (khuddakā pīti), sát na hỉ (khanikā pīti), kế khởi hỉ (okkantika pīti), dũng dược hỉ (ubbegā pīti) và biến mãn hỉ (pharanāpīti).
Trưởng giả Anāthapiṇḍika trải qua năm loại hỉ lạc này từ đầu xuống chân và từ chân lên đầu, chúng lan tỏa từ ngoài thân vào giữa thân và từ giữa thân lan khắp thân. Trong trạng thái sung sướng hỉ lạc không ngừng nghỉ như vậy, ông ta hỏi vị trưởng giả của thành Rājagaha: “Này ông trưởng giả, có phải ông vừa thốt ra tiếng ‘Đức Phật’ đó chăng?” Ông ta hỏi đến ba lần và cả ba lần ông ta đều nhận được câu trả lời “Vâng, tôi đã nói ‘Đức Phật.’”
Rồi trưởng giả Anāthapiṇḍika dò hỏi về Đức Phật: “ Trong thế gian này quả thật hy hữu ngay khi được nghe tiếng ‘Đức Phật’, có thể nào để tôi đi ngay bây giờ và đảnh lễ Đức Phật, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác?”
Vị trưởng giả của thành Rājagaha suy nghĩ: “Đến gặp Đức Phật thật khó như đi đến gần một con rắn độc. Tịnh xá xa vắng nơi Ngài đang ngụ nằm gần bãi tha ma mộ địa và việc ông ta đi đến đó vào lúc chiều tối thì không thể được.” Do đó, trưởng giả của thành Rājagaha đáp lại rằng:
“Này ông trưởng giả, bây giờ không có thời gian để ông đi đảnh lễ Đức Phật, bậc Ứng cúng, Chánh đẳng giác. Ông chỉ có thể đi đảnh lễ Ngài vào sáng sớm ngày mai.”
Nghe qua lời này, trưởng giả Anāthapiṇḍika tự suy nghĩ: “ Ta chỉ có thể đảnh lễ Đức Phật vào sáng sớm ngày mai ” và ông ta đi ngủ mà trong tâm không nghĩ gì khác ngoài Đức Phật.
Giải thích: Ông Anāthapiṇḍika không còn vui thích với hàng hóa mà ông ta đã mang đến và những người hầu phục vụ cho ông ta từ lúc ông ta nghe từ ‘Đức Phật’. Không quan tâm đến bữa ăn tối, ông ta đi lên phòng ngủ cao nhất của toà nhà bảy tầng và đặt mình xuống chiếc giường sang trọng, lộng lẫy và ngủ thiếp, miệng lầm thầm tiếng ‘Đức Phật! Đức Phật!’
Khi qua canh đầu của đêm, trưởng giả Anāthapiṇḍika ngồi dậy và quán các ân đức của Phật nhiều lần. Tâm tịnh tín sâu đậm của ông ta đối với Đức Phật trở nên vô cùng mạnh mẽ (balavasaddhā) đến nỗi thân của ông phát ra hào quang nhờ hỉ lạc (pīti). Tựa như một ngàn cây đèn dầu được thắp sáng hay như mặt trời, mặt trăng hiện lên bầu trời xua tan bóng tối của đêm. Rồi ông ta tự nghĩ: “ Ta đã quên không chú ý đến thời gian đã qua đi. Ngay cả khi mặt trời đã lên, ” ông ta thì thầm như vậy và ra khỏi giường. Nhưng ông ta thấy trên bầu trời mặt trăng vẫn còn, ông ta nhận ra rằng còn hai canh nữa trời mới sáng. Thế nên, ông ta trở lại giường và nằm xuống.
Như vậy ông ta đã trải qua hai canh giờ của đêm, ngồi dậy vào cuối của mỗi canh. Gần canh cuối ngay trước khi mặt trời mọc, ông ta bước dọc theo hàng song của hành lang cho đến khi ông ta đến cửa chính của lối vào. Ông ta thấy những cánh cửa vào của toà lầu bảy tầng đã tự mở sẵn. Ông ta đi xuống bảy tầng lầu và đi dọc theo con đường chính trong thành phố.
Khi ông ta đến gần cổng thành có tên là Sivaka, thì chư thiên bảo vệ (họ là những bậc thánh ariya) đã mở sẵn cánh cửa. Họ suy nghĩ: “ Vị trưởng giả này đến với ý định đảnh lễ Đức Phật và hầu hạ Ngài. Vị trưởng giả này khi đảnh lễ Đức Phật lần đầu tiên sẽ được an trú trong quả Thánh nhập lưu (sotāpatti-phala) và sẽ trở thành vị đệ tử cao quý nhất vượt trội tất cả những kẻ khác về việc phục vụ Tam bảo, Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Ông ta sẽ xây dựng tịnh xá lộng lẫy, vô song và ông sẽ mở cửa cửa để đón tiếp tất cả chư thánh Tăng từ khắp bốn phương. Đóng cánh cửa ngăn chặn ông ta thì thật không thích hợp.”
Khi trưởng giả Anāthapiṇḍika ra khỏi thành phố thì hào quang phát ra từ thân của ông ta biến mất và bóng tối trở lại khiến sự sợ hãi khởi sanh trong ông ta khiến tóc lông trên thân dựng đứng. Do đó ông ta muốn rút lui ngay từ chỗ đó. (Rājagaha là một kinh đô đa sắc tộc với dân số 180 triệu người, 90 triệu ở bên trong kinh đô và 90 triệu ở bên ngoài kinh đô. Các cổng thành được đóng lại sau hoàng hôn và những thi thể của những người chết vào những giờ xấu trong đêm thì được quăng ra ngoài những bức tường ở quanh cổng thành. Do trời tối, trưởng giả Anāthapiṇḍika đã vô tình giẫm lên một xác chết đã bị quăng bỏ còn tươi và lại giẫm phải thêm một xác chết khác. Điều này đã khiến bọn ruồi nhặng trên các tử thi bay ào lên phát ra âm thanh đáng sợ trong đêm vắng và mùi hôi thối từ các tử thi bốc lên đi vào mũi của ông ta. Bởi vậy niềm tịnh tín của ông ta đối với Đức Phật bắt đầu yếu đi dẫn đến kết quả là hào quang đã từng phát ra từ thân của ông ta do hỉ lạc biến mất. Bóng tối ập đến, nỗi kinh hãi khởi lên và tóc lông của ông ta dựng đứng. Do đó, ông ta cảm thấy muốn rút lui ngay từ chỗ ấy.
Một vị dạ xoa thiên với ý định động viên trưởng giả can đảm lên để tiếp tục chuyến đi, bèn đi đến trưởng giả Anāthapiṇḍika mà không hiện ra hình tướng và nói với ông ta bằng giọng nói ngọt ngào như tiếng của cái chuông vàng nhỏ:
Sataṃ hatthi sataṃ assā satam assatarīrathā satam kaññā sahassāni āmukkamanikuṇḍalā
ekassa padavīti harassa
kalan nāgghanti solasiṁ.
Này ông trưởng giả có danh tiếng to lớn, dù một trăm ngàn con voi hoàng gia quý báu của các vị vua, một trăm ngàn long xa do những con tuấn mã thuần chủng kéo (assatara), và một trăm ngàn cung nữ của vua trang sức những nữ trang vô giá cũng không bằng 1/256 của thiện tư (cetanā) theo sau mỗi bước chân đưa ông tiếp tục đi đến tịnh xá để đảnh lễ Đức Tathāgata, nghe pháp và phụng sự chúng Tăng.
Này ông trưởng giả Anāthapiṇḍika, hãy đi về phía trước. Hãy tiến về phía trước. Chỉ việc tiến về phía trước của ông là cao quý và đáng ca ngợi. Sự rút lui của ông là hèn nhát và không đáng ca ngợi.
Khi nghe qua những lời này, trưởng giả Anāthapiṇḍika suy xét: “ Ta nghĩ ta cô đơn một mình nhưng giờ đây ta nhận thấy có một số bạn đồng hành đi chung với ta. Tại sao ta phải sợ hãi?” Ông ta trở nên can đảm và tự tin. Tâm tịnh tín mạnh mẽ của ông ta đối với Đức Phật bắt đầu lấy lại sức mạnh của nó. Do đó, bóng tối biến mất và ánh sáng xuất hiện, nỗi kinh hãi cũng được xua tan.
Ông ta lại tiếp tục bước đi trên con đường đầy kinh hãi xuyên qua bãi tha ma, với những tử thi đủ dạng nằm ngổn ngang khắp nơi. Những tiếng sủa của những con chó nhà và những con giả can làm dao động tâm can của ông ta, ánh sáng biến mất và bóng tối lại tràn ngập như trước. Vị dạ xoa Sivaka lại đến động viên và ông lại tiếp tục chuyến đi.
Lần thứ ba, giống như những trường hợp trước, ông ta đối mặt với những hoàn cảnh làm thối chí khiến ánh sáng biến mất, dạ xoa Sivaka khiến ông nuôi dưỡng và duy trì tâm tịnh tín với Đức Phật nhiều lần lập đi lập lại, giúp ông vượt qua mọi nguy hiểm.
Trưởng giả Anāthapiṇḍika tiếp tục đi và cuối cùng ông đến tại khu rừng Sitavana. Khi ấy trời sắp sáng và Đức Phật đang đi kinh hành trên một lối đi.
Khi trưởng giả Anāthapiṇḍika đang bước đi như vậy thì một ý nghĩ chợt nảy lên trong tâm của ông ta: “Trong thế gian này, Purāna Kassapa và những giáo chủ khác đã tự cho mình là những vị Phật Toàn giác. Làm sao ta có thể biết Đức Phật phải chăng là một vị Phật Toàn giác thật sự? Rồi một ý nghĩ khác lại nảy lên trong tâm của ông ta: “ Tất cả mọi người đều biết ta là Anāthapiṇḍika vì tánh hào phóng trong việc bố thí giúp đỡ những người nghèo khổ đơn độc. Nhưng cái tên của ta do cha mẹ đặt cho là Sudatta thì không ai biết ngoài chính ta. Nếu Ngài thực sự là vị Phật Toàn giác, thì Ngài sẽ gọi ta bằng cái tên do cha mẹ đặt là Sudatta.”
Khi thấy Anāthapiṇḍika đang đi đến từ xa thì Đức Phật quay lui trên con đường kinh hành và ngồi xuống trên chỗ ngồi dành sẵn cho Ngài. Khi Anāthapiṇḍika đi đến gần hơn, Đức Phật biết được tâm của ông ta, bèn nói với ông ta rằng: “ Hãy đến đây, này Sudatta.” Anāthapiṇḍika cảm thấy vui sướng khi nghe Đức Thế Tôn gọi ông bằng cái tên do cha mẹ đặt cho. Ông ta đi đến Đức Phật và đảnh lễ bằng cách phủ phục dưới chân Ngài rồi bạch với rằng: “ Bạch Đức Đức Thế Tôn, Ngài ngủ ngon không?” Đức Thế Tôn đáp lại:
Sabbada ve sukhan seti brahmano parinibbuto yo na limpati kāmesu sitibhuto nirūpadhi.
(Này trưởng giả Anāthapiṇḍika), vị A-la-hán không bị ô nhiễm bởi tham muốn dục trần, thoát khỏi những ái dục thiêu đốt, được vắng lặng và an tịnh. Vị ấy cũng thoát khỏi ba sanh y (upadi), đó là phiền não sanh y (kilesa), hành tác sanh y (abhisaṅkhāra), diệu dục sanh y ( kamaguna). Sau khi đoạn trừ tất cả điều ác và mọi phiền não, tất cả sầu khổ đều chấm dứt và như thế vị A-la-hán ấy, cả ngày lẫn đêm, trong mọi thời gian, ngủ và sống với thân tâm an lạc.
Sabbā āsattiyo setvā vineyya hadaye daraṁ upasanto sukhaṁ seti santiṅ pappuyya cetasā.
(Này trưởng giả Anāthapiṇḍika), vị A-la-hán đã cắt đứt năm dục lạc bằng tứ phần A-la-hán đạo (arahatta-magga), và đã dập tắt những ngọn lửa phiền não, đã thường xuyên nhập vào trạng thái an tịnh của Niết bàn bằng A-la-hán quả định (Arahatta-phala-samāpatti). Sau khi dập tắt ngọn lửa phiền não, vị ấy ngủ và sống trong an lạc thanh tịnh.
Sau khi đã giải thích cách sống trong an lạc của Đức Phật như vậy, trong tất cả bốn oai nghi, Đức Phật bèn thuyết giảng đến trưởng giả Anāthapiṇḍika về pháp tuần tự dẫn đến Đạo Quả (như đã giải thích ở trước), đó là (1) Dāna-kathā - Bố thí thoại, (2) Sīla-kathā - Trì giới pháp, (3) Sagga-kathā - Sanh thiên thuyết, (4) Magga-kathā – Đạo luận, kamanamādinava, nikkhame-ānisana-kathā – Xuất ly ngũ dục. Khi Đức Phật biết rằng tâm của trưởng giả đã trở nên nhu nhuyến, dễ thích nghi và thoát khỏi các triền cái, có nhiệt tâm, hân hoan, thanh tịnh và trong suốt, Ngài thuyết bài pháp đầu tiên Ngài giác ngộ (Sammukkamsīla-dhamma-desana - Tứ Diệu Đế). Khi ấy trưởng giả Anāthapiṇḍika được an trú trong quả thánh Nhập lưu (sotāpatti- phala).
Rồi trưởng giả Anāthapiṇḍika bạch Đức Thế Tôn như vầy:
“ Thật vui sướng thay, bạch Đức Thế Tôn! Thật vui sướng thay, bạch Đức Thế Tôn. Giống như vật bị úp xuống đã được lật lên, như vật bị đậy kín đã được giở ra. Như người bị lạc đường được hướng dẫn đi đúng hướng, như cây đèn dầu được thắp sáng trong đêm tối, với ý nghĩ rằng: ‘những người có mắt sẽ thấy được các hình dạng của các đồ vật’, cũng thế Đức Phật đã giảng dạy rõ ràng cho con về pháp bằng nhiều cách. Bạch Đức Thế Tôn, con chấp nhận quy y Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Cầu xin Đức Thế Tôn hãy nhận con là thiện nam đã quy y Tam bảo, từ nay cho đến trọn đời.”
Sau khi quy y Tam bảo, trưởng giả Anāthapiṇḍika nói lời thỉnh cầu Đức Phật và chúng Tăng thọ thực vào ngày mai như sau: “ Bạch Đức Thế Tôn, để con được phước và sự hoan hỷ, cầu xin Đức Thế Tôn thọ lãnh sự cúng dường vật thực của con vào ngày mai, cùng với chúng Tăng.”
Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của trưởng giả Anāthapiṇḍika bằng cách làm thinh.
Nhân đó, trưởng giả Anāthapiṇḍika vui sướng đứng dậy khỏi chỗ ngồi và sau khi tỏ sự tôn kính đến Đức Phật bằng cách đi quanh Ngài ba vòng theo chiều kim đồng hồ, bèn trở lại chỗ ngụ là nhà vị trưởng giả của thành Rājagaha.
Tin Đức Phật nhận lời thỉnh cầu thọ thực của trưởng giả Anāthapiṇḍika tức thì lan truyền khắp thành phố. Vị trưởng giả của thành Rājagaha, khi nghe tin ấy, đã đề nghị được hùn phước với những lời như vầy: “ Tôi nghe tin rằng ông đã thỉnh mời chư Tăng, có Đức Phật dẫn đầu, đến thọ thực vào ngày mai để ông tạo phước. Ở đây ông là một vị khách; xin cho tôi được phụ giúp ông về vật thực và tiền chi trả cho các công việc.” Anāthapiṇḍika từ chối lời đề nghị, nói rằng ông ta có thể lo liệu mọi thứ bằng tất cả những gì ông ta có được.
Những thành viên trong hội các thương nhân của thành Rājagaha cũng đi đến giúp đỡ bằng cách cung cấp vật thực và tiền chi trả cho các công việc như cách đề nghị của trưởng giả thành Rājagaha. Nhưng sự đề nghị của họ cũng bị từ chối như trường hợp trước.
Vua Bimbisāra cũng đề nghị được phụ giúp giống như những người kia, và lời yêu cầu của ông ta cũng bị từ chối như những trường hợp trước: “Tâu bệ hạ, tôi không cần sự giúp đỡ như vậy. Tôi có thể tổ chức lễ cúng dường vật thực bằng những gì mà tôi có.”
Vào ngày hôm sau, Anāthapiṇḍika tổ chức lễ cúng dường vật thực tại chỗ ngụ của người anh vợ, vị trưởng giả của thành Rājagaha, cúng dường vật thực thượng vị, quý báu. Rồi ông ta ngồi ở chỗ ngồi thích hợp và thành kính đưa ra lời thỉnh mời về thị trấn quê nhà của ông ở Sāvatthi: “Bạch Đức Thế Tôn, con xin thành kính thỉnh mời Đức Thế Tôn hoan hỉ đến an cư kiết hạ ở thị trấn Sāvatthi của chúng con cùng với tất cả các vị tỳ khưu.” Đức Phật đáp lại : “ Này thiện nam Anāthapiṇḍika, chư Phật Chánh đẳng Chánh giác vui thích trú ở những nơi thanh vắng.” Anāthapiṇḍika đáp lại : “ Đức Phật là bậc luôn nói lời thiện (sugata), người thiện nam của Ngài hiểu rõ, người thiện nam của Ngài hiểu rõ.” Rồi sau thuyết Pháp đến Anāthapiṇḍika, Đức Phật trở về tịnh xá.
Thời bấy giờ, trưởng giả Anāthapiṇḍika là người có đông đảo bạn bè, và lời nói của ông ta được nhiều người kính nể. Ông ta vội vã gởi lại hàng hóa và trở về Sāvatthi. Trên đường về nhà ông ta hối thúc những cư dân ở những trạm giữa đường như sau:
“ Hãy trồng những vườn cây, xây dựng những nhà nghỉ và chỗ ngụ. Hãy xây dựng lên những tịnh xá và tích trữ những vật thực dự phòng để bố thí. Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian. Ngài sẽ đi đến khu vực của các bạn theo con đường này do lời thỉnh cầu của tôi.”
Đáp lại lời kêu gọi của trưởng giả Anāthapiṇḍika, tất cả những thương nhân trong hội đoàn và những người bạn thời thơ ấu của ông, đã xây dựng nhà nghỉ, công viên và vườn hoa, tích trữ lương thực dự phòng để bố thí bằng chi phí của họ mà không nhận bất cứ sự phụ giúp nào từ vị trưởng giả, trong khi những người có thu nhập thấp thì lãnh trách nhiệm xây dựng chỗ trú ngụ và tịnh xá, và cũng tích trữ lương thực dự phòng để bố thí bằng số tiền họ nhận được từ trưởng giả Anāthapiṇḍika.
Trưởng giả Anāthapiṇḍika đóng góp một lakh tiền mặt (tiền Ấn Độ xưa) và bằng hiện vật như gỗ và vật liệu xây dựng trị giá một lakh để hoàn thành công trình xây dựng chỗ trú ngụ và vườn cây ở mỗi do tuần, dọc theo con đường giữa Rājagaha và Sāvatthi, dài bốn mươi lăm do tuần. Vị ấy trở về thị trấn quê nhà ở Sāvatthi sau khi hoàn thành công việc.
Khi về đến Sāvatthi, trưởng giả Anāthapiṇḍika dò tìm các khu vực chung quanh để chọn một vị trí thích hợp xây dựng tịnh xá, vị trí này phải hội đủ năm điều kiện sau: (1) không quá xa thành phố, (2) không quá gần thành phố, (3) có những con đường lưu thông dễ liên lạc, (4) mọi người dễ dàng đi đến bất cứ lúc nào cần thiết, (5) không bị tiếng ồn của phố chợ, làng mạc và những người vui say náo nhiệt với năm loại dục lạc. Ông ta thấy rằng khu vườn của thái tử Jeta (Kỳ đà) hội đủ năm điều kiện kể trên và vì vậy ông ta đến gặp thái tử và đề nghị mua nó: “ Thưa thái tử, tôi mong Ngài bán cho tôi khu vườn của Ngài với một giá nào đó.” Thái tử Jeta đáp lại: “ Này ông trưởng giả, ta không thể cho ông khu vườn của ta dù ông lát đầy những đồng tiền vàng khắp cả khu vườn.”
(Hãy lưu ý rằng nếu thái tử Jeta nói rằng: ‘Ta không thể bán khu vườn của ta.’ thì nó sẽ không được là một sự định giá. Nhưng vị ấy nói rằng: ‘Ta không thể cho ông khu vườn của ta cho dù ông đem những đồng tiền vàng được lát giáp mí cả khu vườn.’ Đó là câu nói hàm ý không những là sự định giá mà còn là sự định giá cắt cổ quá mức).
Trưởng giả Anāthapiṇḍika lợi dụng sự hứa hẹn trong lời nói của thái tử và yêu cầu rằng: “ Thưa thái tử, ngài đã nói ra những lời chịu bán khu vườn.” Thái tử phủ nhận: “ Ta đã không nói một lời nào về việc bán khu vườn của ta.”
Trưởng giả Anāthapiṇḍika khẳng định rằng thái tử phải bán khu vườn trong khi thái tử thì tranh cãi rằng vị ấy chưa bao giờ nói một lời nào về việc bán khu vườn. Và cuối cùng hai người đồng ý nghe lời phán quyết của quan toà. Các vị quan tòa đã đưa ra lời phán quyết rằng: “ Thưa thái tử điện hạ, vì thái tử điện hạ đã vô tình nói ra sự định giá bằng những từ: ‘cho dù những đồng tiền vàng được lát giáp mí’ thái tử đã tự mình mặc cả việc bán khu vườn của thái tử.” (Đây là một câu nói rất tế nhị trong thế gian và vì thế, nó đòi hỏi nhiều trí tuệ để nghiền ngẫm và diễn giải mới thấy ra được).
Sau khi đã thắng vụ kiện ở toà, Anāthapiṇḍika sai người chất đầy những đồng tiền vàng vào những cỗ xe bò và chở đến khu vườn của thái tử Jeta để lát đầy chúng trên khắp bề mặt của khu vườn. Đối với những chỗ không thể đem tiền vàng lát lên được như chỗ bị choán bởi cây cối và hồ nước, ông ta cho người đo kích thước của những chỗ ấy, và lát tiền vàng trên những chỗ khác tương đương với chỗ ấy. Bằng cách này, trưởng giả Anāthapiṇḍika đã bỏ ra 18 koṭi đồng tiền vàng mà ông đã cất giữ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, trong việc mua vị trí xây dựng tịnh xá.
Số lượng tiền vàng được chất đầy trong những cỗ xe đầu tiên đủ để lát giáp mí khắp khu vườn. Ngoại trừ một khoảnh đất nhỏ được chừa lại để xây dựng lối đi có cổng vòm. Anāthapiṇḍika truyền lịnh cho những người hầu: “ Này các vị, hãy đi và lấy thêm những cỗ xe vàng để lát vào khoảng trống được dùng để xây dựng lối đi có cổng vòm.”
Khi nhìn thấy nét mặt của trưởng giả Anāthapiṇḍika mỗi lúc một rạng rỡ hơn khi ông ta tiếp tục cho đi số tài sản khổng lồ, thái tử bèn suy nghĩ: “ Việc một trưởng giả dứt bỏ khối tài sản khổng lồ bằng những đồng tiền vàng vì nguyên nhân cao quý thế này, chắc hẳn phải một hành động bố thí thánh thiện.” Với ý nghĩ này, thái tử yêu cầu trưởng giả: “ Đủ rồi…đủ rồi…hãy đừng lát thêm đồng tiền vàng nào trên chỗ đất đấy. Hãy vui lòng để nó lại cho ta để ta bố thí cổng vòm cho tịnh xá .” Anāthapiṇḍika tự nghĩ: “ Vị thái tử Jeta này là một thái tử vang danh, nổi tiếng đối với dân chúng. Sự thể hiện tâm tịnh tín đối với giáo pháp của Đức Phật bởi một nhân vật nổi tiếng như vậy sẽ đem lại lợi ích to lớn.” Bởi vậy ông ta nhượng lại chỗ đất ấy cho thái tử Jeta, vị ấy xây dựng cổng tịnh xá với những tầng mái.
Sau khi có được khu vườn của thái tử Jita với giá 18 koti đồng tiền vàng, trưởng giả Anāthapiṇḍika bỏ ra 18 koti đồng tiền vàng nữa để xây dựng một tịnh xá nguy nga lộng lẫy. Trước hết, vị ấy cho đốn hạ những cây không cần thiết, để lại những cây cho bóng mát và có vẻ đẹp tự nhiên, Hương phòng (gandhakuti) đặc biệt dành cho Đức Phật được bao quanh bởi những chỗ ngụ dành cho các vị tỳ khưu, cùng với cái cổng vòm bảy tầng được xây dựng ở nơi được chọn. Những hội trường với những tầng mái dành cho chư Tăng, những toà nhà nhỏ dùng để chứa những vật cho phép, những nhà vệ sinh, những lối đi nhỏ có mái che, những giếng nước có mái che, những phòng tắm nước lạnh và nước ấm trong những tòa nhà riêng biệt, những bể nước hình vuông và những giả ốc được xây dựng bên trong khuôn viên của tịnh xá, không thiếu sót bất cứ thứ gì cần thiết.
Khu đất của Jetana tịnh xá không chỉ là địa điểm để xây dựng tịnh xá dành cho Đức Phật Gotama hiện tại này, nó cũng là địa điểm đã từng có những tịnh xá dành cho chư Phật quá khứ trước đó, như Đức Phật Kassapa, sẽ được nói rõ dưới đây:
(1) Trong thời kỳ của Đức Phật Vipassī, một vị trưởng giả tên là Punabba Sumitta đã mua mảnh đất ngay vị trí này. Khi ấy diện tích của nó rộng một do tuần, kinh phí tính bằng những viên gạch bằng vàng được giáp mí trên đó, và xây dựng một tịnh xá đồ sộ ở trên mảnh đất ấy; rồi ông cúng dường đến chúng Tăng.
(2) Trong thời kỳ của Đức Phật Sikhī, một vị trưởng giả tên Sirivattha đã mua mảnh đất ngay vị trí này, bằng cách lát trên đó những lưỡi cày bằng vàng giáp mí với nhau (theo Chú giải Jātaka), hoặc những cây gậy bằng vàng giáp đầu với nhau (theo Chú giải bộ Vinaya) và sau khi đã xây dựng những tịnh xá trên đó thì dâng đến chư Tăng.
(3) Trong thời kỳ của Đức Phật Vessabhū, một vị trưởng giả tên Sotthiya, đã mua mảnh đất ấy có kích thước 3 gāvuta, bằng cách trả những khối vàng được đem đúc thành những cái chân voi (Chú giải Jātaka), hay những lưỡi cày bằng vàng (Chú giải Vinaya) được đặt san sát nhau và dâng cúng nó với những tòa nhà được xây dựng trên đó. Khu đất ấy có kích thước nửa do tuần hoặc 2 gāvuta.
(4) Trong thời kỳ của Đức Phật Kakusandha, một vị trưởng giả tên Iccuta, đã mua mảnh đất ấy, khi đó kích thước là 1 gāvuta, bằng cách trả những viên gạch bằng vàng (theo Chú giải Jātaka) hay những khối vàng được đúc thành hình những chân voi (theo Chú giải Vinaya) được đặt nối liền với nhau khắp khu đất ấy và dâng cúng nó đến Tăng đoàn với tất cả những toà nhà ở trên đó.
(5) Trong thời kỳ Đức Phật Konaguna, một vị trưởng giả tên Ugga đã mua chỗ đất ấy bằng cách trả những con rùa vàng (theo bộ Chú giải Jātaka) hay những viên gạch bằng vàng (theo Chú giải Vinaya) được đặt liền lạc với nhau trên mảnh đất ấy, khi ấy kích thước là nửa gāvuta, và dâng cúng cùng với tất cả những toà nhà được xây dựng trên đó đến Tăng đoàn.
(6) Trong thời kỳ của Đức Phật Kassapa, một vị trưởng giả tên Sumangala đã mua mảnh đất bằng cách trả những khối vàng (theo Chú giải bộ Jātaka) hay những con rùa vàng (theo chú giải bộ Vinaya) được đặt giáp mí với nhau trên khắp mảnh đất, kích thước của mảnh đất lúc bấy giờ là 2 pais (đơn vị đo lường đất đai lúc bấy giờ) và dâng cúng nó cùng với những tịnh xá được xây dựng trên đó đến Tăng đoàn.
(7) Trong thời kỳ của Đức Phật Gotama của chúng ta, một vị trưởng giả tên Sudatta, tức là Anāthapiṇḍika, đã mua mảnh đất ở cùng địa điểm ấy, kích thước là 8 pais, bằng cách trả những đồng tiền vàng được lát giáp mí với nhau trên mảnh đất ấy và dâng cúng đến Tăng đoàn sau khi xây dựng tịnh xá Jetavana (Kỳ viên).
Khi quán xét sâu sắc về những khu đất lớn nhỏ khác nhau và kinh phí trả cho khu đất để xây dựng tịnh xá vào thời kỳ của bảy vị Phật, ta nên khởi tâm kinh cảm rằng “tất cả những thành tựu và sự thịnh vượng trong thế gian đều phải chịu sự hoại diệt” và như vậy, giờ là thời điểm thích hợp để tự mình cố gắng thoát ra khỏi sự luyến ái đối với những thành tựu của thế tục bằng cách phát triển tâm nhàm chán và không còn ảo mộng đối với chúng.
Khi tịnh xá Jetavana lộng lẫy và khả ái đã được xây dựng xong với phí tổn 18 koti đồng tiền vàng, trên vị trí xinh đẹp với giá 18 koti đồng tiền vàng, trưởng giả Anāthapiṇḍika sai một sứ giả đặc biệt đi đến Đức Tathāgata với lời thỉnh mời đầy thành kính của vị ấy. Nhận lời mời thông qua sứ giả, Đức Thế Tôn quyết định đi đến Sāvatthi (một phần do Ngài thấy trước rằng Sāvatthi sẽ trở thành một trong những nơi trú ngụ trong phần lớn cuộc đời của Ngài, và một phần vì nó cũng sẽ là “vùng đất chiến thắng” để Ngài tế độ hằng triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, thoát khỏi vũng lầy đau khổ). Với mục đích ấy, Đức Thế Tôn rời khỏi tịnh xá Veluvana ở Rājagaha để đi đến Sāvatthi, có Tăng chúng theo cùng. Ngài dừng lại ở những nơi trú ngụ của mỗi trạm dựng, nằm cách nhau một do tuần dọc theo con đường, do trưởng giả Anāthapiṇḍika đã sắp xếp trước.
Trên đường tới Sāvatthi, khi đến Vesali, Đức Thế Tôn trú ngụ ở tịnh xá có mái tầng trong khu rừng Đại Lâm (Mahāvana). Lúc bấy giờ Đức Tathāgata ban hành điều luật để chỉ định một vị tỳ khưu, với sự đồng ý của Tăng đoàn (natkammavaca) chịu trách nhiệm việc trùng tu (navakamma) cần thiết các chỗ trú ngụ của Tăng do tín thí dâng cúng.
Rời Vesali và đi đến Sāvatthi, những đệ tử của nhóm lục sư, Chabaggī, đi trước chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu chiếm lấy những chỗ trú ngụ tốt, những chỗ ngủ tốt, họ nói rằng : “ Chỗ này sẽ dành cho các vị thầy của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các vị đạo sư của chúng ta.”
Bất cứ khi nào Đức Thế Tôn đang trên đường đi, có Tăng chúng theo cùng, đại đức Sāriputta, là đại đệ tử cánh tay phải của Đức Phật, vị ấy có thể tự cho mình cái vinh dự được ở gần Ngài, nhưng đại đức không làm như vậy hay bỏ lại các vị tỳ khưu để họ tự xoay xở lấy. Đại đức thường đi cuối cùng của Tăng đoàn để chăm lo cho các tỳ khưu lớn tuổi và bịnh hoạn.
Trong trường hợp này cũng thế, sau khi đi theo ở cuối của đoàn chúng Tăng, vị ấy đến trễ. Tất cả giường ngủ và chỗ ngụ bị nhóm lục sư chiếm hữu, đại đức không còn chỗ để ngủ và phải trải qua suốt đêm dưới cội cây. Đức Phật, khi biết được chuyện này, Ngài suy xét: “ Khi Như Lai còn sống mà các vị tỳ khưu cư xử không tôn kính nhường nhịn lẫn nhau, thì khi Như Lai viên tịch Đại Niết bàn họ sẽ làm gì nữa !”
Với sự quan tâm đặc biệt to lớn (dhamma samvega), Ngài cho triệu tập tất cả chư Tăng vào buổi sáng và hỏi: “ Này các tỳ khưu, có thật chăng các vị tỳ khưu trong nhóm lục sư (chabaggi) khi đi trước các vị tỳ khưu khác đã chiếm hữu những chỗ ngụ tốt cho riêng mình, không nhường những chỗ nghỉ thích hợp cho các tỳ khưu trưởng lão?” Khi nghe lời đáp lại rằng đó là sự thật, Đức Phật quở trách nhóm chabaggi và, sau khi tuyên thuyết Pháp thoại thích hợp, Ngài hỏi các vị tỳ khưu: “ Này các tỳ khưu, ai xứng đáng được ưu tiên về chỗ ngụ, nước (tắm rửa) và vật thực ?”
Một số vị tỳ khưu đáp lại rằng: “ Các vị tỳ khưu xuất thân từ hoàng tộc được ưu tiên về chỗ ở, nước tắm và vật thực”; số khác nói rằng: “ Các vị tỳ khưu xuất thân từ giai cấp Bà-la-môn được ưu tiên về chỗ ngụ, nước tắm rửa và vật thực”; số khác nói rằng: “ Các vị tỳ khưu xuất thân từ giai cấp giàu có được ưu tiên về chỗ ngụ, nước tắm rửa và vật thực”; một số khác thì cho rằng: “ Vị thông suốt về Vinaya hay tỳ khưu thuyết pháp (Dhammakathika), vị đắc sơ thiền…nhị thiền… tam thiền…tứ thiền…thì xứng đáng được ưu tiên về chỗ ngụ, nước tắm rửa và vật thực.” Cuối cùng, có nhiều vị đề nghị rằng: “ Vị tỳ khưu là bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna)… sakadāgāmī … bậc A na hàm (anagāmī)… bậc A-la-hán (sukha vipasana arahat) không có thắng trí (abhiññā)…bậc A-la-hán tam minh (tevijja arahat)…bậc Lục thông (chalabhiññā) đáng được chỗ ngồi tốt nhất, nước rửa tốt nhất và vật thực tốt nhất.”
Đức Phật nói với các vị tỳ khưu rằng: “ Này các tỳ khưu, trong giáo pháp của Như Lai, khi bàn về quyền ưu tiên về chỗ ngụ, nước rửa hoặc vật thực thì dòng dõi, giai cấp, địa vị xã hội không quan trọng, cũng không phải người thông thuộc tạng Luật (Vinaya), hay tạng Kinh (Suttanta) hoặc tạng Abhidhamma; cũng không phải người chứng đắc sơ thiền…cũng không phải bậc Nhập lưu (sotāpanna ), v.v…
“Thực ra, này các tỳ khưu, những vị tỳ khưu trong giáo pháp của Như Lai nên sống có sự tôn kính, đứng dậy chào đón, chấp tay đảnh lễ, có sự tôn kính đúng mức đối với những vị tỳ khưu cao hạ; chỗ ngồi tốt nhất, nước rửa tốt nhất, vật thực tốt nhất nên được ưu tiên cho những vị tỳ khưu cao hạ. Về vấn đề thọ lãnh chỗ ngồi tốt nhất, v.v… chỉ những vị tỳ khưu thâm niên về tuổi tác, thâm niên về hạ lạp mới được ưu tiên. Cho nên vị tỳ khưu có sự thâm niên như vậy mới xứng đáng được quyền ưu tiên.”
“ Trong thời hiện tại này, này các tỳ khưu, Sāriputta là vị Thượng thủ Thinh văn bên phải của Như Lai. Vị ấy gìn giữ bánh xe pháp do Như Lai thuyết giảng. Vị ấy là người xứng đáng được chỗ của Như Lai khi Như Lai không còn nữa. Sāriputta ấy đã phải trải qua suốt đêm hôm qua, đi lui đi lại hoặc ngồi dưới cội cây (vì không có chỗ nghỉ). Này các tỳ khưu, khi có những hành động thiếu kính trọng như vậy và sự thiếu suy nghĩ của các vị ngay khi Như Lai còn tại tiền, về sau khi Như Lai đã viên tịch, các vị trong Tăng chúng sẽ cư xử với nhau như thế nào?”
Rồi Đức Phật, để khuyến giáo các vị tỳ khưu, đã kể lại câu chuyện (ba người bạn, con gà gô, con khỉ và con voi). Bổn sanh Tittira Jātaka của phẩm Kulavaka Vagga trong phần Ekakanipāta. “Này các tỳ khưu, vào những thời xa xưa, ngay cả loài vật cũng hiểu biết : ‘Thật không thích hợp để tỏ sự bất kính với nhau, chúng ta sẽ quyết định trước tiên ai là bậc trưởng lão trong chúng ta, rồi chúng ta sẽ bày tỏ sự tôn kính và đảnh lễ vị ấy.’ Rồi sau khi đã chọn ra bậc trưởng lão nhất, chúng tôn trọng và vâng lời vị ấy, như vậy, chúng tu tập pháp hành ‘Tôn kính bậc trưởng lão’ (Vuddhapaccayana) là pháp đưa chúng tái sanh vào cõi chư thiên.”
Ye vuḍḍhapapacāyaṅti narā Dhammassa kovidā diṭṭhe Dhamme ca pāsaṁsā samparāye ca suggati.
Những người có trí hiểu biết về pháp hành tôn kính bậc giới đức và trưởng lão, chọn ra trong số ba hạng là dòng tộc, giới đức và trưởng lão, những người mà cả giới đức và thâm niên về tuổi tác để tôn kính cúng dường. Những người như vậy đáng được tán dương ngay cả trong kiếp sống này và được nhiều thịnh vượng khi trở thành chư thiên trong kiếp sau.
“Này các tỳ khưu, ngay cả ba con vật ấy, là khỉ, voi và gà gô cũng có thể sống chung với nhau, vì lợi ích lẫn nhau, ôn hòa, nhã nhặn và lịch sự với nhau. Nếu các ngươi là những người đã xuất gia và thọ cụ-túc-giới qua niềm tin (saddhapabbajita) trong giáo pháp của Như Lai với những lời chỉ dạy chân chánh, mà sống không vì lợi ích của nhau, không nhã nhặn, không quan tâm lẫn nhau thì hạnh kiểm như vậy có thể xem là đúng đắn hay không? (Quả thực không thể). Hành vi như vậy, thiếu sự tôn kính đúng đắn và sự khiêm cung không thể khơi lên sự kính trọng đối với giáo pháp này trong những người vẫn còn ở bên ngoài của giáo pháp, v.v…”
Sau khi tuyên thuyết những thời pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn kính lẫn nhau. Do duyên cớ về cách hành xử của nhóm chabaggi, Đức Phật ban hành điều luật sau đây:
“ Như Lai cho phép các vị tỳ khưu bày tỏ sự tôn kính đúng mực, đứng dậy và chào đón, chắp tay đảnh lễ, tôn kính đúng theo sự thâm niên về hạ lạp; chỗ ngồi tốt nhất, nước rửa tốt nhất, vật thực tốt nhất nên được ưu tiên dành cho các vị trưởng lão trong chúng Tăng. Này các tỳ khưu, về chỗ ngụ và nơi nghĩ ngủ thuộc về toàn thể Tăng, vị tỳ khưu không nên dành chiếm của các vị trưởng lão. Vị tỳ khưu nào làm như vậy thì phạm tội tác ác (dukkata āpatti).”
Sau khi đã ban hành hai điều luật, một liên quan đến điều được phép - anuñātā, và điều kia liên quan đến điều không cho phép - paṭikhita, Đức Phật tiếp tục dạy các vị tỳ khưu rằng: “ dasayime bhikkhave, avandiyā, v.v… - có mười nhân vật được kể sau đây là những vị không nên được đảnh lễ:
(1) Vị tỳ khưu thọ giới trước không đảnh lễ vị tỳ khưu thọ giới sau.
(2) Vị tỳ khưu không đảnh lễ bất cứ ai không phải là tỳ khưu.
(3) Vị tỳ khưu không đảnh lễ bất cứ ai thuộc tôn giáo khác (sanvāsa) là những người thuyết giảng điều gì không phải chánh pháp (adhammavādi), cho dù người ấy cao hạ hơn.
(4) Vị tỳ khưu không đảnh lễ người nữ.
(5) Vị tỳ khưu không đảnh lễ đến người bị hoạn.
(6) Vị tỳ khưu trong sạch (pakata) không đảnh lễ vị tỳ khưu đang lãnh hình phạt treo (parivāsa) hay biệt trú.
(7) Vị tỳ khưu trong sạch (pakata) không đảnh lễ vị tỳ khưu đã bị tuyên phạt phải trải qua những thời kỳ hành phạt sám hối bắt đầu bằng thời kỳ thứ nhất là biệt trú (parivāsa) vì đã phạm một trong 13 tội Tăng tàn (Saṅghadisesa), tiếp theo là thời kỳ sám hối sáu ngày gọi là mānatta được sự chấp thuận của chư Tăng, sau thời gian sám hối mānatta là thời gian đã được phục hồi địa vị tỳ khưu trong sạch gọi là abbhana.
(8) Vị tỳ khưu trong sạch không đảnh lễ vị tỳ khưu sau khi đã thọ trì hành phạt biệt trú, đã được tuyên ngôn hành phạt mānatta.
(9) Vị tỳ khưu trong sạch không đảnh lễ vị tỳ khưu đang trải qua thời kỳ sám hối mānatta.
(10) Vị tỳ khưu trong sạch không đảnh lễ vị tỳ khưu sau khi thọ trì thời gian sám hối mānatta, sắp được phục vị Thanh tịnh tỳ khưu (abbhāna).
Sau khi giải thích về mười hạng người không xứng đáng được tôn kính đảnh lễ, Đức Phật tiếp tục kể ra ba hạng người đáng được tôn kính đảnh lễ.
Này các tỳ khưu, ba loại nhân vật sau đây đáng được tôn kính đảnh lễ:
(1) Vị tỳ khưu thọ giới trước đáng được vị tỳ khưu thọ giới sau tôn kính đảnh lễ.
(2) Vị tỳ khưu cao hạ thuộc nhóm đạo khác nếu vị ấy thuyết giảng chánh pháp (Dhammavadī) thì đáng được tôn kính đảnh lễ.
(3) Trong thế giới hữu tình gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thì Đức Phật, Bậc Ứng cúng, Chánh biến tri đáng được tất cả chúng sanh tôn kính đảnh lễ.
Dọc theo con đường mà Đức Phật đi qua để đến Sāvatthi, có Tăng chúng đi cùng, người dân địa phương đã dựng lên những giả ốc, các chòi tạm được trang bị bằng những nguyên liệu thô và những nhà hội họp để chào đón sự viếng thăm của chư Tăng. Ở đây cũng vậy, các đệ tử của nhóm Lục sư (chabaggi) đi trước và chiếm những chỗ ngụ như lần trước và kết quả là đại đức Sāriputta do đi cuối đoàn người, khi đến nơi, đã phải trải qua suốt đêm dưới cội cây. Đức Phật dò hỏi sự thật của vấn đề và khiển trách các vị tỳ khưu trong nhóm Lục sư và ban hành một điều luật phụ để chư Tăng thọ trì.
“ Na bhikkhave udissakatampi yathāvuḍḍhaṁ paṭipāhitabbaṁ, yo paṭibaheya apatti dukkatassa - Này các tỳ khưu, (ngay trước khi chính thức làm lễ tiếp nhận), các giả ốc và những nhà chòi tạm thời, v.v… dành cho chư Tăng cư ngụ, không bị trở ngại theo thứ tự hạ lạp thâm niên. Bất cứ vị tỳ khưu nào ngăn cản sự cư ngụ như vậy theo thứ tự hạ lạp thâm niên thì phạm tội tác ác (dukkhata apatti).”
(Chú thích: liên quan đến nhóm lục sư, bộ Vajirabuddhi Tika nói rằng nhóm lục sư chỉ xuất hiện khi Đức Tathāgata trải qua hai mươi năm đầu tiên của Ngài, và có câu nói trong bộ kinh Majjhima Nikāya 1, 175, “Ārādhayiṁsu me bhikkhū cittaṁ v.v…” nghĩa là: “ Suốt sơ giác thời, là hai mươi năm đầu tiên sau khi Đức Phật thành đạo, các vị tỳ khưu đã cư xử rất tốt, đem lại nhiều hoan hỉ cho Ngài.” Vấn đề cần suy xét ở đây là vấn đề nêu ra về các vị tỳ khưu trong nhóm lục sư trong bộ Vajirabuddhi Tīka và bộ Majjhima Nikāya, bằng cách cho rằng câu chuyện nêu ra về hành vi của các vị tỳ khưu trong nhóm lục sư để làm nổi bậc những điều luật do Đức Phật ban hành về một số loại tội).
Lúc bấy giờ, dân làng đã đặt vào những chỗ ngồi cao (uccussayana) và những chỗ ngồi tôn quý (mahāsayana) trong ngôi nhà phát thí của làng, và trang hoàng bằng tấm thảm lông dài, tấm khăn trải bằng vải len nhiều màu, tấm khăn trải bằng vải len trắng, tâm khăn trải bằng vải len có thêu hoa, tấm thảm bằng lông thú ở hai mặt, tấm thảm bằng lông thú một mặt, tấm khăn trải có thêu chỉ vàng, tấm khăn trải bằng vải lụa, tấm thảm len cỡ lớn, tấm thảm hình voi, tấm thảm hình ngựa, tấm thảm hình chiếc xe, những tấm thảm bằng da con sơn dương đen, tấm khăn trải bằng da gấu, trần nhà màu đỏ đẹp rực rỡ, ghế ngồi có gối dựa màu đỏ ở ba mặt. Các tỳ khưu, vì không chắc chắn là có được phép hay không nên không dám ngồi. Khi vấn đề được trình lại với Đức Phật, Ngài ban hành điều luật sau đây liên quan đến chúng:
“ Anujanāmi, bhikkhave, thapetvā tīṇi āsandiṁ pallaṅkaṁ tūlikaṁ…, v.v... Này các tỳ khưu, ngoại trừ ba vật, chiếc trường kỷ có chân rất dài, cái đi văng, chiếc mền bông, Như Lai cho phép các vị được ngồi trên các thứ khác dù được bày có tánh chất cao và quý báu, nhưng các vị không được nằm ngủ trên đó.”
Trong ngôi làng, tại nhà phát thí ấy, dân chúng đặt cái khung giường thấp, có tấm nệm độn bông vải ở mặt trên và mặt dưới. Các vị tỳ khưu vì cẩn thận, đã không dùng nó. Đức Phật cũng ban hành điều luật về vấn đề này.
“Anujānāmi, bhikkhave, gihivikataṃ abhinisīditum na tveva abhini pajjitum - Này các tỳ khưu, Như Lai cho phép các tỳ khưu được ngồi trên khung giường có nệm độn bông vải ở cả hai mặt, do dân chúng cúng dường nhưng không được nằm ngủ trên đó.”
Như đã giải thích ở trên, Đức Phật cùng với nhiều vị tỳ khưu lên đường đi từ Rājagaha đến Sāvatthi và lúc đến vùng lân cận của Sāvatthi. Trưởng giả Anāthapiṇḍika, sau khi đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho cuộc lễ trọng đại để cúng dâng tịnh xá đến Đức Phật bằng biểu tượng rót nước, đã cung rước Đức Thế Tôn vào tịnh xá với nghi thức tôn nghiêm và trọng đại.
Vua Pasenadi Kosala có một cô con gái tên là Sumana, vào thời của Đức Phật Vipassī, nàng là con gái của một vị trưởng giả và được mọi người gọi là Saddha Sumana. Vốn thông minh và mẫn tiệp, nàng có cơ hội cúng dường món cơm sữa Ghana, nấu bằng sữa thuần khiết không pha trộn, đến Đức Phật Vipassī trước tiên hết. Sau khi nàng đã thực hiện sự cúng dường đến chúng Tăng có Đức Phật dẫn đầu, nàng phát nguyện rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, dù con sanh ra bất cứ ở đâu trong chuỗi luân hồi dài đăng đẳng này, xin cho con không bao giờ chịu túng thiếu và vất vả trong cuộc sống; và xin cho con được tái sanh làm một công nương yêu kiều và duyên dáng do sự cúng dường tràng hoa lài và được mang tên là Sumana.” Ước nguyện của nàng đã được thành tựu; nàng không bao giờ tái sanh trong các cõi khổ. Nàng chỉ tái sanh trong cõi nhân loại và chư thiên suốt 91 đại kiếp. Trong tất cả những kiếp sống này, do những đám mưa hoa lài rơi xuống ngập đầu gối vào lúc nàng sanh ra, nên nàng luôn luôn được mang tên “Sumana” (muốn biết chi tiết đầy đủ, hãy xem bộ Chú giải Aṅguttara, cuốn 3).
Vào thời hiện tại của Đức Phật Gotama của chúng ta, nàng trở thành con gái của vua Pasenadi Kosala, sanh ra từ chánh hậu của vị ấy.
Vào lúc nàng sanh ra, có một đám mưa hoa lài đổ xuống khắp hoàng cung ngập lên gần đầu gối. Vì thế đức vua đặt tên cho nàng là Sumana. Cũng có năm trăm cô gái sanh ra cùng lúc với công chúa. Công chúa Sumanā và năm trăm bé gái đồng sanh được nuôi dưỡng trong vinh hoa phú quý. Như là biểu tượng của tước vị, công chúa được cung cấp năm trăm xe ngựa và bất cứ khi nào nàng ra khỏi hoàng cung đều có năm trăm cô bạn đồng sanh theo hầu nàng, mỗi người trong một chiếc xe ngựa.
Khắp cõi Diêm phù đề (Jambudīpa), một trong bốn châu của cõi Sa-bà, chỉ có ba cô gái được cung cấp năm trăm xe ngựa với năm trăm nữ hầu do cha của các cô ban tặng như là biểu tượng của tước vị. Ba cô gái ấy là (1) Công chúa Cundi, con gái của vua Bimbisāra, (2) Visakha, là con gái của trưởng giả Dhanancaya và (3) Sumana, con gái của vua Pasenadi Kosala.
Khi Đức Phật đến Sāvatthi để thọ lãnh Jetavana tịnh xá, công chúa Sumana lên bảy tuổi. Anāthapiṇḍika đi đến vua Pasenadi Kosala và thỉnh cầu: “Tâu bệ hạ, việc Đức Phật đi đến thành phố Sāvatthi của chúng ta là phước đức cho chúng ta và cũng là phước đức cho bệ hạ. Thảo dân muốn thỉnh cầu bệ hạ đưa con gái của bệ hạ là công chúa Sumana cùng năm trăm nữ hầu của công chúa, mỗi người mang theo một cái hũ đựng đầy nước, những vật thơm và hoa, để tiếp đón Đức Phật.” Đức vua đồng ý nói rằng: “ Lành thay, này trưởng giả” và truyền lịnh sắp xếp những thứ cần thiết để đáp ứng thỉnh cầu của trưởng giả Anāthapiṇḍika.
Theo lịnh truyền của phụ vương, công chúa Sumana lên đường, có năm trăm tùy tùng theo hầu để chứng tỏ địa vị của công chúa, để tham dự trong buổi lễ cung đón Đức Phật. Công chúa và những người hầu của nàng đã cúng dường các vật thơm và hoa đến Đức Phật và ngồi xuống ở những nơi phải lẽ. Đức Phật thuyết pháp đến công chúa Sumana và kết quả là Sumana cùng năm trăm nữ hầu đều chứng đắc quả thánh nhập lưu (sotāpatti-phala). Cùng lúc ấy, năm trăm thiếu nữ khác, năm trăm nữ nhân lớn tuổi và năm trăm cư sĩ cũng chứng đắc sotāpatti-phala.
Như vậy, có hai ngàn người đã chứng đắc tầng thánh nhập lưu (sotāpatti ariya) trong khi Đức Phật vẫn đang trên đường đi đến Jetavana tịnh xá ngày hôm ấy. (từ bộ Chú giải Aṅguttara, cuốn 3).
Trưởng giả Anāthapiṇḍika không chỉ sắp xếp để công chúa Sumana tham dự lễ cung rước Đức Phật vào Jetavana tịnh xá, mà còn sắp xếp cho con trai của ông và năm trăm người hầu, là những đứa con trai của các vị trưởng giả trong thành Sāvatthi. Theo đúng ý của cha, con trai của trưởng giả Anāthapiṇḍika cùng năm trăm người hầu trong bộ lễ phục năm màu, mỗi người cầm một cây cờ, đứng phía trước Đức Phật và dẫn đoàn người đi vào tịnh xá.
Hai người con gái của trưởng giả Anāthapiṇḍika - Cūla Subhadda và Mahā Subhadda, cùng với năm trăm tùy tùng nữ, đi theo sau người anh của họ, năm trăm tùy tùng ấy đều là những người con gái của các vị trưởng giả trong thành Sāvatthi, mỗi người mang theo một cái bình đựng đầy nước.
Tiếp theo là vợ của trưởng giả Anāthapiṇḍika, Punna Lakkhana, với lễ phục lộng lẫy và nữ trang sáng chói, cùng năm trăm người vợ của năm trăm vị trưởng giả, mỗi người cầm một cái bát bằng vàng hoặc bằng bạc đựng đầy nước thơm và những vật cúng dường khác.
Ở cuối đám rước để tiếp đón Đức Tathāgata là chính trưởng giả Anāthapiṇḍika trong bộ y phục mới, cùng với năm trăm vị trưởng giả, tất cả đều mặc những bộ y phục mới của trưởng giả.
Được hướng dẫn bởi đoàn người cung rước nối dài, Đức Phật, cùng nhiều vị tỳ khưu khiến cho khắp khu rừng bừng lên ánh sáng vàng do hào quang của Ngài. Rồi với oai lực vô song của một vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài đi vào khuôn viên của Jetavana tịnh xá.
(Vào lúc kết thúc của cuộc lễ), Trưởng giả Anāthapiṇḍika đi đến Đức Phật và thành kính thỉnh mời Đức Thế Tôn cùng chúng Tăng đến dự lễ cúng dường vật thực tại nhà của ông vào ngày hôm sau.
Sau khi chuẩn bị tất cả mọi thứ cho buổi lễ cúng dường vật thực thượng vị loại cứng và loại mềm, vào sáng hôm sau, trưởng giả Anāthapiṇḍika sai sứ giả đi đến tịnh xá và bạch với Đức Phật rằng:
“ Bạch Đức Thế Tôn, đã đến giờ thọ thực, vật thực cúng dường đã sẵn sàng.” Đức Phật cùng chúng Tăng đến nhà của trưởng giả và ngồi vào chỗ ngồi đã bày sẵn. Trưởng giả Anāthapiṇḍika đích thân hầu hạ Đức Thế Tôn và các vị tỳ khưu, dâng cúng vật thực thượng vị đến các ngài với tâm đầy tịnh tín, rồi ngồi xuống ở chỗ thích hợp. Rồi trưởng giả bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài cho con biết cách thức cúng dường Jetavana tịnh xá.”
Đức Phật cho lời khuyến giáo đến ông: “ Điều thích hợp là ông nên dâng hiến tịnh xá đến tất cả các vị tỳ khưu Tăng, đã đến, đang đến và sẽ đến từ khắp bốn phương.” Theo lời chỉ dạy của Đức Phật, trưởng giả Anāthapiṇḍika dâng hiến Jetavana tịnh xá đến chúng Tăng đã đến, đang đến và có thể đến từ khắp bốn phương (Agatanagata catuddisa Saṅghika), bằng cách làm lễ rót nước dâng như là dấu hiệu đã dâng cúng ‘tịnh xá’.
Sau khi chính thức thọ lãnh Jetavana tịnh xá, Đức Phật thuyết pháp bằng cách nói lên năm câu kệ để bày tỏ sự cảm kích về việc dâng cúng tịnh xá.
(1) Sītan unhaṃ paṭihanti tato vālamigāni ca sarīsape ca makase sirire cāpi viṭhiyo.
(Tịnh xá mà ngươi đã dâng cúng) đem lại đầy đủ điều kiện để ngăn ngừa tránh khỏi những nguy hại của cơn lạnh quá mức gây ra bởi tứ đại bất hòa trong cơ thể, hoặc khí lạnh bên ngoài; nguy hại của cơn nóng gây ra bởi những đám lửa rừng; nguy hại về thú dữ như cọp, beo, sư tử; nguy hại từ các loại côn trùng và bò sát như rận, rệp, rắn, rít, bò cạp; nguy hại do muỗi, mòng, và những côn trùng biết bay khác khi cắn vào thì gây trở ngại cho việc định tâm hành thiền; nguy hại do lạnh buốt từ những cơn mưa bất thường kéo dài hằng tuần trong thời gian 2 tháng (sisiraratu) từ 16 tháng chạp đến rằm tháng hai; và nguy hại do những cơn mưa lũ trong suốt những tháng mùa mưa.
(2) Tato vātātapo ghoro sañjāto paṭihanati lenatthañca sukhattaṅca jāyituñca vipassitum vihāradānaṁ sanghassa aggaṁ buddhena vannituṁ.
(Tịnh xá mà ngươi đã dâng hiến) đem lại đầy đủ điều kiện để ngăn ngừa khỏi những cơn cuồng phong đáng sợ và sức nóng mãnh liệt, nó giúp các vị tỳ khưu có thể sống trong chỗ thanh tịnh vắng vẻ, không bị phóng tâm, tán loạn; nó giúp các vị ấy sống không bị nguy hại, được an lạc; nó giúp họ phát triển thiền chỉ và thiền quán. (Những người dâng hiến tịnh xá nên suy xét những lợi ích như vậy, phát sanh đến chư Tăng do nhờ tịnh xá mà họ đã dâng cúng). Chư Phật trong quá khứ và hiện tại, tán dương sự cúng dường tịnh xá đến chư Tăng là việc làm cao quý.
(3) Tasma hi pandito poso sampassaṁ atthamattano vihāre kāraye ramme vāsayettha bahussute.
Do đó, bậc trí suy xét kỹ và biết được những lợi ích dành cho mình trong cõi nhân loại và lợi ích Niết bàn giải thoát, thì nên xây cất tịnh xá cho chư Tăng để các Ngài sống được an lạc về thân và thanh tịnh về tâm. Sau khi xây dựng tịnh xá rồi, vị ấy nên cúng dường đến các vị tỳ khưu là những bậc có trí tuệ và giới đức, có những đức tánh cần thiết, và rành mạch trong việc kiểm soát và điều phục chính họ như là vị tỳ khưu trưởng, đó là: (1) Vị tỳ khưu tròn đủ 10 hạ (vassa), (2) Vị tỳ khưu rành mạch hai phần giới luật, đó là Bhikkhu-vibhanga và Bhikkhunī-vibhanga, (3) Vị tỳ khưu có khả năng đứng ra điều hành các Tăng sự theo đúng Luật (Saṅgha-kamma), (4) Vị tỳ khưu thông hiểu về các uẩn, (5) Vị tỳ khưu rành mạch trong Tuệ phân tích về nama-rūpa. Điều cần thiết là chọn ra một vị trưởng lão (thera) có những phẩm chất này để làm người chủ trì các tịnh xá.
(4) Tesam annañca paññāñca vattha senāsanaṁ ca dadeyya ujubhutesu vippasannena cetasā.
Đối với các vị tỳ khưu chánh trực, có giới đức và trí tuệ đang trú ngụ trong tịnh xá, người thí chủ nên dâng cúng vật thực, nước giải khát, y áo và chỗ ngụ với tâm tịnh tín đối với Tam bảo và tin tưởng vào kết quả của các việc thiện. (Qua câu kệ này, Đức Phật khuyên người thí chủ dâng cúng tịnh xá nên hộ độ bốn món vật dụng đến vị tỳ khưu đang trú ngụ ở trong đó).
(5) Te assa Dhammam desenti sabbadukkhapanūdānaṁ yam so Dhammam idhaññāya Parinibbātinasavo.
Để đáp lại, có vị tỳ khưu đa văn trú ngụ trong các tịnh xá nên có tâm từ ái bi mẫn mà thuyết pháp dẫn đến giải thoát mọi đau khổ của vòng sanh tử vì lợi ích của các thí chủ đã dâng cúng bốn món vật dụng này. Trong giáo pháp có tám điều kỳ diệu của Như Lai, thí chủ dâng cúng tịnh xá có tâm tịnh tín, nghe Pháp từ những vị tỳ khưu trú ngụ trong tịnh xá ấy và thực hành theo đúng những lời chỉ dạy của họ, sẽ được giác ngộ, và bằng sự đoạn tận các lậu hoặc (āsava) và chấm dứt đau khổ đắc thành những bậc A-la-hán.
Đức Phật sau khi thuyết giảng bài pháp này về lợi ích của sự dâng cúng tịnh xá (vihāranisamsa), để tùy hỉ với sự dâng hiến của trưởng giả Anāthapiṇḍika, Ngài trở về Jetavana tịnh xá.
Buổi lễ được tổ chức cho việc dâng cúng tịnh xá thành công bắt đầu từ ngày thứ hai (sau ngày Đức Phật đến) và kéo dài chín tháng. Buổi lễ do tín nữ Visakhā (vợ của một vị trưởng giả) tổ chức vào dịp dâng cúng Đông phương tịnh xá (Pubbarama) chỉ kéo dài bốn tháng. Chi phí của chín tháng làm lễ bao gồm sự cúng dường vật thực lên đến 18 koṭi (180 triệu).
Như vậy, nói về mức độ hộ trì giáo pháp (sāsana) trưởng giả Anāthapiṇḍika đã sử dụng hết năm trăm bốn chục koti (năm trăm bốn chục triệu đồng tiền vàng) gồm có: 18 koti cho chi phí về chỗ đất, 18 koti cho công trình xây dựng tịnh xá và 18 koti cho việc tổ chức các buổi lễ dâng cúng tịnh xá.
Chấm dứt câu chuyện về trưởng giả Anāthapiṇḍika
Khi Đức Phật ngụ ở Jetavana tịnh xá, em trai của Ngài là tỳ khưu Nanda vì không hoan hỉ để làm vị tỳ khưu, đã nói với những vị tỳ khưu đồng cư rằng: “ Thưa các hiền hữu, tôi không hoan hỉ sống cuộc đời của vị tỳ khưu trong giáo pháp này, thực hành ba điều học một cách miễn cưỡng. Tôi không thể tiếp tục thọ trì các điều học cao quý. Tôi định từ bỏ pháp hành và trở lại đời sống của người tại gia cư sĩ.”
Đức Phật khi nghe tin ấy, Ngài cho gọi tỳ khưu Nanda đến và hỏi: “ Này Nanda, có phải con đã nói với nhiều vị tỳ khưu đồng cư của con rằng ‘Thưa các hiền hữu, tôi không hoan hỉ sống cuộc đời của vị tỳ khưu trong giáo pháp này, thực hành ba điều học một cách miễn cưỡng. Tôi không thể thọ trì những điều học này. Tôi định từ bỏ pháp hành và trở lại đời sống của người tại gia.’ Nhân đó, tỳ khưu Nanda nhận rằng: “ Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”
Đức Phật lại hỏi vị ấy: “ Này em Nanda, tại sao em miễn cưỡng thọ trì ba điều học của bậc thánh? Tại sao em không thể tiếp tục thọ trì ba điều học này? Tại sao em muốn từ bỏ đời sống của vị tỳ khưu và trở lại đời sống của người cư sĩ?”
“ Thưa anh cả tôn kính, khi em rời khỏi hoàng cung cầm trên tay cái bát của anh, người em gái đã hứa hôn của em, nàng công chúa Janapada Kalyani của dòng Thích Ca, đã chạy ra đứng bên cửa sổ với mái tóc hãy còn ướt chưa chải xong, đã gọi em rằng: ‘ Thái tử điện hạ, hãy nhanh lên quay lại.’ Em luôn nghĩ đến những lời nói này của vị hôn thê kể từ khi em rời khỏi hoàng cung và đó là lý do tại sao em phải thực hành những điều học trái với ước muốn và sở thích, và em không thể thọ trì những điều học này nữa. Bây giờ em sẽ từ bỏ đời sống của vị tỳ khưu và trở lại đời sống của người tại gia.” Nanda đã đáp lại một cách đơn giản và trung thực.
Đức Thế Tôn dẫn tỳ khưu Nanda đi lên cõi trời Ba-mươi-ba (Tāvatiṁsa) bằng thần thông của Ngài, tựa như dùng hai cánh tay để nhấc bổng vị ấy lên. Trên đường đi, Đức Phật chỉ cho tỳ khưu Nanda xem một con khỉ cái già nua đang ngồi trên một gốc cây đã bị cháy đen, với đôi tai, mũi, đuôi và các phần khác trên thân lớn nhỏ của nó, đều bị cháy lem luốt. Khi đến tại cõi Tāvatiṁsa, Đức Phật hướng sự chú ý của tỳ khưu Nanda vào năm trăm tiên nữ có đôi chân mềm đỏ hồng như chân chim bồ câu, các tiên nữ ấy đến để hầu Đế Thích thiên vương và đang đứng đảnh lễ Đức Phật. Khi ấy Đức Thế Tôn hỏi Nanda:
“ Này em Nanda, em nghĩ gì về câu hỏi mà anh sắp hỏi đây? Ai trông xinh đẹp và yêu kiều hơn khi cô em gái của em, vị hôn thê đã đính hôn của em, nàng công chúa Janapada Kalyāni của bộ tộc Thích ca được đem so sánh với năm trăm nàng tiên nữ có đôi chân đỏ mềm như đôi chân của chim bồ câu?”
(Đôi chân xinh đẹp của những nàng tiên nữ thướt tha, có màu sắc như màu chân của chim bồ câu này là quả phước do việc cúng dường loại dầu làm mềm da chân đến các vị tỳ khưu là đệ tử của Đức Phật Kassapa).
(Có một câu hỏi cần nêu lên ở đây là, tại sao Đức Phật lại khơi dậy dục ái trong tâm của tỳ khưu Nanda bằng cách chỉ cho vị ấy trông thấy những nàng tiên nữ khi tâm của vị ấy đã bị dục tình chế ngự?)
Câu trả lời là: “Đức Phật làm như vậy với mục đích đoạn trừ những ô nhiễm trong tâm của tỳ khưu Nanda.”
Giải thích: Một vị lương y tài giỏi, khi cố gắng chữa trị cho một bịnh nhân bị chứng bịnh do đàm mật và gió quá vượng, thường cho những loại thuốc có chất dầu để kích thích cơn bịnh, rồi sau đó cho loại thuốc nôn để tống đàm ra khỏi miệng một cách dễ dàng và nhanh chóng, hoặc cho xổ nó ra bằng loại thuốc xổ. Cũng vậy, vị lương y vĩ đại nhất, bậc mà không ai sánh bằng trong việc điều phục những chúng sinh đáng được điều phục, đã chỉ cho tỳ khưu Nanda trông thấy những nàng tiên nữ trong khi tâm của vị ấy đang bị phiền trược thôi thúc, để khiến uế trược trong tâm của vị ấy khởi dậy và dâng cao tột đỉnh để rồi đoạn diệt nó bằng thánh đạo (ariya-magga) như là loại thuốc nôn, tống khứ các phiền não (kilesa) ra ngoài, như liều thuốc xổ trục xuất sạch các phiền não).
Nhân đó, trưởng lão Nanda đáp lại:
“Thưa anh cả tối kính, con khỉ cái già nua mà anh đã chỉ cho em trên đường đi với đôi tai, mũi, đuôi và các phần lớn nhỏ trên thân của nó đều bị cháy lem luốt, không thể nào được xem là xinh đẹp và yêu kiều. Tương tự vậy, công chúa Janapada Kalyāni của dòng tộc Thích Ca khi được đem so sánh với năm trăm tiên nữ xinh đẹp thì không thể được xem là mẫu người xinh đẹp. Quả thật vậy, năm trăm tiên nữ xinh đẹp, diễm kiều nhiều hơn so với công chúa.”
Rồi Đức Phật cho Nanda lời hứa khả:
“ Này em Nanda, hãy vui thích trong pháp hành về ba điều học; hãy vui thích trong pháp hành của bậc thánh về các điều học mà Như lai đã chỉ dạy. (Nếu em thực sự vui thích trong pháp hành của bậc thánh) Như lai bảo đảm em sẽ có được năm trăm tiên nữ có đôi chân xinh xắn, đỏ mềm như chân của chim bồ câu.”
Khi được Đức Phật cho lời hứa khả như vậy, tỳ khưu Nanda đáp lại rằng:
“ Thưa anh cả tối kính, nếu anh bảo đảm rằng em sẽ có được năm trăm tiên nữ có đôi chân mềm đỏ như chân của chim bồ câu, thì em sẽ thọ trì ba điều học của bậc thánh trong giáo pháp (sāsana) này với tâm hoan hỉ ngay dưới chân anh.”
(Có thể nêu lên câu hỏi ở đây rằng tại sao Đức Phật hứa khả với Nanda rằng vị ấy sẽ có được năm trăm tiên nữ để thỏa mãn dục ái mà vốn là lối sống thấp hèn, phi phạm hạnh (abrahmacariyavasa) trong khi Ngài muốn Nanda thọ trì ba pháp phạm hạnh?
Câu trả lời là: Dục tình của tỳ khưu Nanda đối với công chúa Janapada Kalyāni vốn rất mãnh liệt và vì thế Đức Phật đã chuyển sự chú ý của Nanda đến các nàng tiên nữ, như là một phương cách xoa dịu tạm thời trước khi vị ấy có thể đoạn tận phiền não ban đầu bằng thánh đạo (ariya-magga) cho nên Ngài đã sử dụng mẹo abrahmacariyavasa).
Rồi Đức Phật cùng với tỳ khưu Nanda biến mất khỏi cõi trời Tāvatiṁsa và xuất hiện ở Jetavana tịnh xá. Khi tỳ khưu Nanda đi về cốc của vị ấy, Đức Phật giải thích tất cả mọi điều đến các vị tỳ khưu đến hội họp để nghe Ngài thuyết pháp.
Sau khi báo cho các vị tỳ khưu đến hội họp biết chuyện đã xảy ra, Đức Phật hướng dẫn họ rằng: “ Này các tỳ khưu, các vị hãy đi quở trách tỳ khưu Nanda, bằng cách gọi rằng: ‘Ồ, ngươi là kẻ đại nô lệ (người muốn một cái gì đó để phục vụ mình). Người là một nhà lái buôn lớn (mua một cái gì đó với giá nhất định để trao đổi).’”
Bằng cách ban ra những lời chỉ dạy này, Đức Phật đang sử dụng một phương pháp thực tiễn được ứng dụng trong thế gian. Một người tài giỏi rút ra một cây đinh dính chắc trong cái cột hay tấm ván bằng cách đóng vào nó một cây đinh mới nhỏ hơn, để khiến cho nó lung lay trước khi nó có thể được làm cho lỏng lẻo bằng tay và được lấy đi. Cũng vậy, tâm luyến ái mãnh liệt của tỳ khưu Nanda đã sâu đậm với công chúa Janapada Kalyāni, trước hết phải được làm vơi giảm tạm thời bằng sự chuyển hướng đến các tiên nữ hấp dẫn hơn. Rồi để đoạn trừ luôn cả dục lạc mới và đưa tỳ khưu Nanda trở lại con đường thực hành phạm hạnh, Đức Phật đã cho những lời khuyến dạy trên đến các vị tỳ khưu đến hội họp.
Làm đúng theo lời khuyên dạy của Đức Phật, những vị tỳ khưu ấy đi tung tin rằng, con trai của bà mẹ kế Mahā Pajapati Gotami và em trai của Đức Phật, tỳ khưu Nanda đã thọ trì các điều học của bậc thánh vì năm trăm tiên nữ, và Đức Phật cũng đảm bảo rằng vị ấy sẽ có được năm trăm tiên nữ có đôi chân đỏ mềm như chân của chim bồ câu. Khi nghe tin này, những người bạn của tỳ khưu Nanda đến và trách cứ vị ấy xối xả.
“Mọi người nói rằng ‘Tỳ khưu Nanda là một đại nô lệ, tỳ khưu Nanda là một lái buôn lớn. Vị ấy đã thọ trì các điều học vì vị ấy muốn năm trăm thiếu nữ xinh đẹp trong cõi chư thiên và Đức Phật đã đảm bảo cho vị ấy về việc có được năm trăm tiên nữ có đôi chân đỏ mềm như chân của chim bồ câu.’”
Bị các vị tỳ khưu đồng cư gọi là ‘đại nô lệ’, ‘người lái buôn lớn’, tỳ khưu Nanda lấy làm xấu hổ không thể chịu nỗi. Vị ấy rút vào nơi vắng vẻ và nỗ lực bằng chánh niệm và nhiệt tâm chuyên cần trong việc thọ trì các điều học của vị tỳ khưu với tâm hướng đến Niết bàn, và chẳng bao lâu thanh lọc tất cả lậu hoặc (āsava), chứng đắc đạo quả A-la-hán với đầy đủ lục thông. Vị ấy được công nhận là một trong tám mươi vị đại thinh văn (asīti mahā sāvaka).
Nhân đó, một vị Phạm thiên A-la-hán đi đến Đức Phật vào lúc đêm khuya và khi đứng ở nơi thích hợp hoan hỉ báo tin với Ngài về sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của tỳ khưu Nanda. Ngay sau khi nghe tin ấy, Đức Phật suy xét: “Vị ấy như thế nào rồi?” và nhận thấy sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của tỳ khưu Nanda qua Nhất thiết trí.
Như đã trình bày ở trên, do bị những lời quở trách và chế nhạo dồn dập bởi các vị tỳ khưu đồng cư, tỳ khưu Nanda đã khởi tâm khẩn trương trong pháp do xấu hổ và ân hận: “ Khi đi vào giáo pháp với Pháp và Luật, Dhamma-vinaya được khéo thuyết giảng, ta đã cho rằng Đức Phật chịu trách nhiệm về việc đảm bảo cho ta có được năm trăm nàng tiên nữ; vì thế ta đã phạm một lỗi lầm trầm trọng.” Do đó, vị ấy đã phấn đấu hết sức cho đến khi chứng đắc đạo quả A-la-hán. Rồi vị ấy suy nghĩ rằng thật tốt là đi đến Đức Phật và xóa bỏ lời bảo đảm mà Ngài đã hứa. Do đó, vị ấy đi đến Đức Phật vào sáng sớm hôm sau và tác bạch:
“ Thưa anh cả tôn kính, anh đã đảm bảo với em về việc có được năm trăm nàng tiên nữ có đôi chân đỏ mềm như chân của chim bồ câu. Thưa anh cả tôn kính, bây giờ em xin xóa bỏ lời hứa ấy của anh.”
Đức Phật đáp lại:
“ Này em Nanda, qua sự dò xét và phân tích trạng thái tâm của em, anh đã biết rõ rằng em đã chứng đắc đạo quả A-la-hán. Một vị Phạm thiên A-la-hán cũng đã báo tin trước cho anh biết về sự chứng đắc trạng thái ứng cúng A-la-hán của em rồi. Anh đã được xóa bỏ trách nhiệm về lời hứa khả ngay khi tâm của em được thoát khỏi các lậu hoặc.”
Đức Phật rất hoan hỉ và thốt lên câu kệ cảm hứng sau đây:
Yassa nittinno pañko maddito kāmakaṇuko
mohakkhayaṃ anuppatto
sukhadukkhesu na vedhati bhikkhu.
Bậc thánh nhân đã vượt qua vũng lầy của tà kiến, nói đúng hơn, vũng lầy của luân hồi (saṁsāra) bằng chiếc cầu Thánh đạo để đến bờ Niết bàn. Cây gai dục ái đâm xuyên tim của tất cả chúng sanh đã được nghiền nát bằng cái chày trí tuệ. Bậc thánh như vậy đã đi qua con đường Tứ Thánh Đạo và đến Niết bàn, chứng đắc đạo quả A-la-hán, điểm chấm dứt si (moha). Vị tỳ khưu A-la-hán, bậc đã diệt tận bóng tối của phiền não, không còn bị ảnh hưởng bởi vui hay buồn, vị ấy bất động và bình thản trước các pháp thăng trầm của thế gian.
Ngay sau đó, một số tỳ khưu đến hỏi tỳ khưu Nanda rằng: “ Này hiền giả Nanda, trước đây hiền giả đã nói rằng hiền giả không vui thích làm một vị tỳ khưu trong giáo pháp này. Những ngày gần đây, tâm của hiền giả như thế nào?” Tỳ khưu Nanda đáp lại rằng: “ Thưa các hiền giả, hiện tại tôi không có chút ý nghĩ nào muốn trở lại đời sống của người cư sĩ.”
Khi nghe những lời này của Nanda, các vị tỳ khưu quở trách vị ấy rằng:
“Tỳ khưu Nanda nói dối. Vị ấy đang nói về quả thánh A-la- hán. Không bao lâu trước đây vị ấy đã nói rằng vị ấy không vui thích trong giáo pháp này. Còn bây giờ vị ấy nói rằng vị ấy không có chút ý nghĩ nào muốn trở lại đời sống của người tại gia cư sĩ.”
Rồi họ đi trình lại vấn đề với Đức Phật. Đức Phật nói với họ rằng:
“ Này các vị tỳ khưu, trước đây không bao lâu, con người của
Nanda giống như căn nhà lợp vụng. Bây giờ nó giống như căn nhà khéo lợp. Quả thật, vị tỳ khưu Nanda đã phấn đấu đến sự thành tựu cao nhất của vị tỳ khưu sau khi vị ấy nhìn thấy những nàng tiên nữ xinh đẹp trong cõi chư thiên, kết quả là giờ đây vị ấy đã đạt đến pháp chứng tối cao ấy (là đạo quả A-la-hán).”
Rồi Đức Phật tiếp tục thuyết pháp bằng cách thốt lên hai câu kệ sau đây:
(1) Yathā agāraṃ ducchannaṃ vuṭṭhī samativijjhati
evam abhāvitaṃ cittaṃ rāgo samativijjhati.
Này các tỳ khưu, cũng như nước mưa có thể thấm dột và chảy xuống trong căn nhà lợp vụng. Cũng vậy, tâm không được tu tập bằng thiền chỉ quán có thể bị phiền não xâm chiếm ngập tràn, tức là bị thấm ướt các loại nước mưa tình dục, ác tâm, si mê, ngã mạn, v.v...
(2) Yathā agāraṃ succhannaṃ vuṭṭhī samativijjhati
evam subhāvitaṃ cittaṃ rāgo samativijjhati.
Này các tỳ khưu, cũng như nước mưa không thể thấm dột và chảy xuống căn nhà khéo lợp, cũng vậy tâm đã được tu tập bằng thiền chỉ quán thì không thể bị các phiền não xâm chiếm ngập tràn, tức là không bị thấm ướt bởi các loại nước mưa tình dục, sân ác, si mê, ngã mạn, v.v...
Vào lúc kết thúc thời pháp, số đông tỳ khưu đã chứng đắc quả Thánh Nhập lưu (sotāpatti-magga). Như vậy bài pháp này đem lại lợi lạc to lớn cho nhiều người.
Một thời gian sau, các vị tỳ khưu tụ họp tại chánh pháp đường để bàn luận chánh pháp và nói lời tán dương Đức Phật như vầy:
“Thưa chư hiền giả, chư Phật quả thật vĩ đại và đáng được vỗ tay khen ngợi. Ngay cả tỳ khưu Nanda là người hầu như đã mất thích thú trong đời sống của vị tỳ khưu cũng đã được tế độ bằng cách ứng dụng những tiên nữ xinh đẹp như là một sự quyến rũ.”
Vào lúc ấy Đức Phật đi vào giảng đường và hỏi rằng: “ Này các tỳ khưu, các vị đang bàn luận điều gì khi Như Lai đi vào giảng đường?” “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con đã hội họp ở đây để bàn luận về phương pháp kỳ diệu mà Đức Thế Tôn đã ứng dụng để điều phục tỳ khưu Nanda.”
Nhân đó, Đức Phật nói rằng: “ Này các tỳ khưu, không chỉ trong kiếp này Như Lai mới sách tấn tỳ khưu Nanda bằng cách ứng dụng nữ giới để khuyến dụ. Như Lai đã thắng phục vị ấy cũng bằng kế sách như vậy trong kiếp quá khứ.” Và theo lời thỉnh cầu của các vị tỳ khưu, Đức Phật đã thuyết giảng bổn sanh Kappata như sau:
Này các tỳ khưu, vào một thuở nọ, có một vị thương buôn tên là Kappata ở tại thành phố Bārāṇasī (Ba-la-nại) dưới triều đại của vua Brahmadatta. Vị ấy có một con lừa có thể kéo một chiếc xe chở đầy hàng nặng một kumbha (đơn vị đo trọng lượng bằng một phần ba trọng tải của chiếc xe bò) và có thể đi bảy do tuần một ngày.
Một hôm vị ấy cùng với đoàn thương buôn chở theo hàng hóa để bán đến Taxila. Trong khi hàng hóa được dở xuống, vị ấy thả con lừa kia cho nó đi ăn cỏ.
Trong khi con lừa đang gặm cỏ trên một bãi cỏ non ở gần cái
hào của hoàng cung, nó nhìn thấy một con lừa cái và đi đến nàng ta.
Cuối cùng nó đã bắt chuyện thân mật với nàng lừa cái và đôi bạn trao đổi những lời tình tứ:
Lừa cái: Anh từ đâu đến vậy hả?
Lừa đực: Anh từ Bārāṇasī đến.
Lừa cái: Anh đến vì công việc gì?
Lừa đực: Anh đến với mục đích buôn bán.
Lừa cái: Anh đã phải kéo số hàng nặng bao nhiêu?
Lừa đực: Anh phải kéo số hàng nặng một kumbha.
Lừa cái: Anh đã phải kéo số hàng nặng như vậy đi bao xa trong một ngày?
Lừa đực: Anh đã phải đi hết bảy do tuần trong một ngày.
Lừa cái: Có ai chăm sóc tử tế cho anh bất cứ nơi nào anh đi đến không?
Lừa đực: Không, chẳng có ai cả.
Lừa cái: Nếu vậy thì thật là tội nghiệp cho anh đã phải đi đây đó mà không được chăm sóc. Chắc anh phải chịu nhiều vất vả lắm nhỉ?
(Nàng lừa nói những lời trăng gió để lấy lòng chàng). Khi nghe những lời quyến rũ này của nàng lừa cái, lừa đực không còn vui thích trong công việc của nó và trở nên bơ phờ, ủ rũ.
Sau khi dở hàng xong, thương nhân Kappata đi đến con lừa của ông ta và nói rằng: “ Nào, đi con.” Lừa trả lời: “ Ông hãy đi một mình đi, tôi không thể theo ông.” Khi người thương nhân đã dùng nhiều phương cách để thuyết phục con lừa vâng lời ông ta nhưng không thành, ông ta quyết định dùng những lời đe dọa để khiến nó vâng lời:
1. Patodam te karissāmi solasangulikaṇḍakaṁ sañchindissāmi te kāyaṁ evam jānāhi gadrabha.
Này con lừa xấu xa, đê tiện, ta sẽ thọc và đánh mầy bằng cây gậy dài 16 inches có gai nhọn bằng sắt. Ta sẽ phải làm cho thân của mầy bị rách nát tả tơi. Hãy coi chừng đấy.
Khi con lừa nghe lời đe dọa này, nó cự lại bằng cách nói rằng: “Được thôi, nếu thế thì tôi cũng vậy, tôi sẽ biết cách chơi lại.”
2. Patodam me karissāsi solasañgulikaṇḍakaṁ purato patiṭṭhahitvāna uddharitvāna pacchato dantaṃ te pālayissāmi evam jānāti Kappata.
Này thương nhân Kappata, nếu ông thực sự hích vào người tôi và đánh tôi bằng cây gậy dài 16 inches có đầu nhọn bằng sắt, thì tôi sẽ đứng vững bằng hai chân trước và dở hai chân sau của tôi lên, dùng hết sức mà đá vào miệng của ông khiến cho tất cả những cái răng của ông rụng xuống đất. Ông cũng nên biết điều ấy.
Khi thương nhân Kappata nghe lời nói gan dạ và hung hăng của con lừa, ông ta tự hỏi: “ Nguyên nhân là thế nào?” và khi nhìn quanh, ông ta thấy con lừa cái ở gần đó. Rồi ông ta tự nghĩ: “ Con lừa cái này chắc đã dạy cho nó nói những lời như vậy. Phải khôn ngoan dụ nó mới được?” và ông ta nói: “ Này con, ta sẽ kiếm về cho con một nàng lừa cái như vậy.”
3. Catuppadiṁ sankhamukhiṁ nariṁ sabbañgasobhiniṁ bhariyaṁ te ānayissāmi evam jānāhi gadraha.
Này con yêu, ta sẽ kiếm một nàng lừa cái xinh đẹp trẻ trung, có khuôn mặt xinh đẹp như vỏ ốc xà cừ để làm vợ của con ngay sau khi chúng ta trở Bārāṇasī. Này con, hãy ghi nhớ những lời của ta.
Con lừa rất vui sướng khi nghe những lời động viên của ông chủ và đáp lại rằng:
4. Catuppadiṁ sankhamukhiṁ nariṁ sabbañgasobhiniṁ
bhariyaṁ me ānayissāmi evaṁ jānāhi Kappata
Kappata bhiyyo gamissāmi yojanāni catudddasa.
Hỡi ông chủ Kappata, ân nhân của tôi… Nếu thật đúng là một nàng lừa cái xinh đẹp, trẻ trung, có khuôn mặt đẹp như vỏ ốc xà cừ được dành cho tôi sau khi trở lại Bārāṇasī, thì tôi, đứa con trai ngoan của ông, sẽ chuẩn bị làm việc với tinh tấn gấp đôi, sẽ đi mười bốn do tuần trong một ngày. Ông có thể tin vào lời nói của tôi.
Rồi thương nhân Kappata dẫn con lừa theo ông ta trở về thị trấn quê nhà tại Bārāṇasī. Vài ngày sau khi về Bārāṇasī, con lừa đi đến Kappata và yêu cầu ông ta thực hiện lời hứa: “ Thưa ông chủ, ân nhân của tôi. Phải chăng ông đã hứa sẽ kiếm về một nàng lừa cái có thân hình xinh đẹp, trẻ trung để làm vợ của tôi?” Khi ấy thương nhân Kappata đáp lại rằng:
“Vâng, đúng thực là ta đã hứa như vậy. Ta sẽ không nuốt lời hứa. Ta sẽ kiếm về cho ngươi một nàng lừa cái trẻ đẹp, nhưng ta chỉ có thể cung cấp vật thực cho ngươi mà thôi (không cho vợ của ngươi). Người hãy suy nghĩ lại đi, xem vật thực mà ta cho ngươi có đủ hay không đủ cho cả hai; và một điều khác ta muốn nhấn mạnh rằng một ngày kia, người sẽ có nhiều đứa con để chăm sóc, và vì thế chính ngươi phải suy nghĩ xem vật thực mà ta cung cấp cho ngươi có đủ cho cả gia đình của ngươi khi đang trở nên đông đúc hay không (đó không phải là trách nhiệm của ta). Hãy nghĩ về điều ấy, này con thân.”
Ngay khi thương nhân Kappata đang nói những lời khuyên bảo hợp lý thì tâm luyến ái của con lừa đối với con lừa cái bị cắt đứt.
Khi kể lại bổn sanh Kappata trong thời pháp của Ngài, Đức Phật nhận diện bổn sanh như sau: “ Này các tỳ khưu, nàng công chúa Janapada Kalyani của dòng Thích ca lúc bấy giờ là con lừa cái, Tỳ khưu Nanda là con lừa đực và Như Lai lúc bấy giờ là thương nhân Kappata. Như vậy, trong quá khứ xa xôi, Như Lai cũng đã điều phục tỳ khưu Nanda bằng cái bẫy của nữ giới.” Rồi Ngài kết thúc thời pháp của Ngài.
Kết thúc Bổn sanh Kappata
Chú thích: Liên quan đến các mùa an cư (vassa) thứ hai, thứ ba và thứ tư của Đức Phật tại Rājagaha, một bộ sách chuyên đề cổ xưa về ‘Wasozin’ (một tài liệu trình bày những mùa an cư của Đức Phật) chỉ bàn đến ba câu chuyện được mô tả đưới đây:
(1) Câu chuyện về một vị Bà-la-môn, bạn của đại đức Sāriputta (như đã được nêu ra trong bộ Chú giải Dhammapada, cuốn I).
(2) Câu chuyện về Cunda, người bán thịt heo (như đã được nêu ra trong bộ Chú giải Dhammapada, cuốn I).
(3) Câu chuyện về trưởng lão Mahā Kassapa (như đã được nêu ra trong bộ Chú giải Dhammapada, cuốn I).
Bộ sách Wasozin kết thúc bài trình bày về hạ thứ hai, thứ ba và thứ tư với những lời sau đây: Như vậy, Đức Phật, để giữ lời hứa với vua Bimbisāra, đã trải qua mùa an cư kiết hạ thứ hai, thứ ba và thứ tư tại Rājagaha, thuyết giảng những bài pháp để chỉ cho vô số chư thiên và nhân loại thấy con đường đến Niết bàn.
Tuy nhiên, Sayagyi Sāya Lin, người đầu tiên được giao trách nhiệm biên soạn đại tác phẩm ‘Mahā Buddhavaṃsa’ này, đã đưa vào trong bản mục lục những câu chuyện sau đây có liên đến hạ thứ hai, thứ ba và thứ tư của Đức Phật tại Rājagaha.
(1) Bài trình bày về trưởng giả Jotika.
(2) Bài trình bày về trưởng giả Jotila.
(3) Bài trình bày về trưởng giả Mendaka.
(4) Bài trình bày về trưởng giả Kakavaliya.
(5) Bài trình bày về trưởng giả Punna.
(6) Câu chuyện về người bán hoa Sumana.
(7) Câu chuyện về Aggidatta và một ngàn ẩn sĩ.
(8) Câu chuyện về Jambuka.
Chúng tôi sẽ nói đến năm vị trưởng giả đã được liệt kê ở trên trong “Chương về Tăng bảo”. Những câu chuyện về Sumana, Aggidatta và Jambuka sẽ được nêu ra trong kế tiếp. (Chương 21)
KẾT THÚC CHƯƠNG 20
SỰ CHỨNG ĐẮC KHÁC NHAU CỦA SÁU VỊ HOÀNG TỬ
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B