THERAVĀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
ĐẠI PHẬT SỬ - TẬP 3
Nguyên tác: Mingun Sayadaw
Tỳ khưu Minh Huệ biên dịch
[Trước] [Mục lục tập 3] [Tiếp theo]
Thuở xưa, chánh hậu của vua nước Bārāṇasī có thai. Hoàng hậu báo tin này với đức vua và nhà vua chỉ định một số cung nữ chăm sóc hoàng hậu trong suốt thời gian mang thai. Hoàng hậu sống thoải mái nhàn nhã, chăm sóc cẩn thận bào thai, và đến đúng thời kỳ bà chuẩn bị sanh.
Những phụ nữ có địa vị cao, khi thọ hưởng quả báu của những việc phước trong quá khứ thường sanh con vào lúc rạng sáng.
Hoàng hậu, vốn thuộc giai cấp quyền quý, vào một buổi sáng nọ, đã sanh ra một khối thịt đỏ như đoá hoa hồng hay chất sơn. Hoàng hậu tự nghĩ: “ Đức vua chắc chắn sẽ cho rằng: ‘Những thứ phi sanh ra những đứa bé giống như những pho tượng vàng. Còn nàng chánh hậu của ta thì sanh một khối thịt’ và như vậy ta sẽ không còn được đức vua sủng ái.” Vì không muốn bị mất sự sủng ái, hoàng hậu cho người đặt khối thịt vào trong một cái bát được đậy lại bằng một cái bát khác và thả trôi nó trên dòng sông Hằng.
Những biến cố kỳ diệu đã xảy ra lúc cái bát chứa khối thịt rời khỏi tay của con người, nó được bảo vệ bởi chư thiên. Họ đặt vào trong cái bát một cái đĩa vàng, trên đó được ghi dòng chữ son: “ Đây là những đứa con trai được sanh ra từ bà chánh hậu của vua nước Bārāṇasī.” Do được bảo vệ bởi chư thiên, cái bát trôi êm ả theo dòng nước, không gặp chướng ngại bởi những con sóng to và thủy triều.
Lúc bấy giờ, một ẩn sĩ đang ngụ bên cạnh con sông Hằng, sống nhờ vào vật thực đi khất thực từ một ngôi làng của những người chăn bò. Khi vị ấy ra bờ sông vào một buổi sáng nọ, vị ấy trông thấy cái bát đang trôi xuôi theo dòng nước và nhận ra đó là vật bị quăng bỏ bởi một người nào đó ở trên dòng nước. Vị ấy nhìn thấy biểu tượng của vua được in trên cái bát bọc ngoài và khám phá ra cái đĩa có chữ vàng và khối thịt ở trong cái bát nhỏ. Ngay khi ẩn sĩ trông thấy khối thịt, vị ấy nhận xét rằng khối thịt chắc đang ở thời kỳ của cái phôi vì nó không có mùi hôi. Vị ấy đem nó về thảo am và giữ nó trong một góc am sạch sẽ.
Sau một thời gian khoảng mười lăm ngày, khối thịt được nhìn thấy tách ra hai phần riêng biệt. Ẩn sĩ rất quan tâm đến khối thịt khi trông thấy những sự phát triển kỳ lạ này. Sau mười lăm ngày nữa, mỗi khối thịt nhú ra ở năm chỗ nơi mà cái đầu, hai tay và hai chân sẽ xuất hiện. Ẩn sĩ chăm sóc chúng càng chu đáo hơn trước. Thêm mười lăm ngày nữa, một cái phôi tượng hình đứa bé trai với thân vàng ròng và cái phôi kia thành bé gái với thân vàng ròng.
Tình yêu của vị ẩn sĩ đối với hai đứa bé trai và gái rất mãnh liệt đến mức giống như tình yêu của cha mẹ đối với những đứa con ruột của chính họ. Hai ngón tay cái của vị ẩn sĩ trở thành hai cột nước mà từ đó những dòng sữa tuôn ra. Từ đó trở đi, ẩn sĩ thọ lãnh món cháo được nấu bằng sữa từ ngôi làng của những người chăn bò (do năng lực phước báu của hai đứa bé). Ẩn sĩ ăn phần đặc của món cháo và nuôi hai đứa bé bằng nước lỏng còn lại. Bất cứ vật gì đi vào bên trong thân của chúng đều có thể thấy được như những vật đang đi qua một cái bình bằng thủy tinh. Thế nên, chúng được đặt tên là ‘Licchavi’ vì nước da mỏng, mềm và tinh tế của chúng.
Vì phải chăm sóc đứa bé, ẩn sĩ chỉ có thể đi vào làng rất muộn vào buổi sáng để khất thực và phải vội vàng trở về ẩn xá. Khi dân làng biết được những lo lắng của vị ấy, họ nói với ẩn sĩ rằng: “ Kính thưa ngài, việc chăm sóc những đứa bé là chướng ngại lớn cho việc thọ trì những giới cấm vốn là phận sự của bậc Sa-môn. Xin ngài hãy trao những đứa bé để chúng con chăm sóc. Chúng con sẽ giúp ngài bớt đi gánh nặng chăm sóc chúng. Khi ấy ngài mới có thể chuyên tâm thực hành pháp mà không bị chướng ngại.” Ẩn sĩ đồng ý với yêu cầu của họ và nói rằng: “ Được, cứ thế đi.”
Vào ngày hôm sau, dân làng dọn dẹp, san bằng và làm sạch các con đường, rải hoa trên đó và sau khi dựng lên những cờ phướn ở hai bên đường, họ kéo đến ẩn xá và tấu lên các loại nhạc cụ để tiếp nhận hai đứa bé từ vị ẩn sĩ. Rồi ẩn sĩ căn dặn họ: “ Này các đệ tử, những đứa bé này có oai lực lớn (do nhiều phước báu của chúng đã tích lũy trong quá khứ). Hãy nuôi dưỡng chúng thật kỹ lưỡng cho đến khi chúng lớn khôn và khi chúng đến tuổi trưởng thành, hãy tổ chức lễ thành hôn cho chúng. Rồi các ngươi hãy đi đến đức vua Bārāṇasī và sau khi dâng lên vị ấy sữa, sữa đông, bơ lỏng, sữa bơ, bơ (năm loại sản phẩm của bò, gorasa) hãy cầu xin vị ấy ban cho các ngươi một vùng đất nào đó để thành lập kinh đô. Sau khi đã thành lập kinh đô rồi, hãy tôn vương chàng trai này và tổ chức lễ đăng quang tại thành phố mới này.” Với những lời khuyên này, ẩn sĩ trao hai đứa bé cho dân làng chăm sóc. Dân làng hứa với ẩn sĩ sẽ làm đúng lời khuyên của vị ấy và bế chúng đi về làng.
Khi lớn lên, chúng chơi chung với những đứa con của những người chăn bò. Nhưng bất cứ khi nào có xung đột trong cuộc chơi thì chúng đánh đá bạn bè. Cha mẹ trông thấy con kêu khóc, họ hỏi tại sao kêu khóc. Bọn trẻ đáp lại: “ Hai đứa bé do vị ẩn sĩ đỡ đầu đã đánh đá tụi con.” Ngay cả cha mẹ nhận nuôi hai đứa trẻ cùng với dân làng đều nhận xét rằng: “Hai đứa trẻ này hăm dọa các con của chúng ta; chúng quá phiền phức. Chúng ta không nên chìu chuộng chúng; chúng ta nên tránh xa hai đứa bé này.” Kể từ đó, vùng đất rộng ba mươi do tuần nơi có ngôi làng của người chăn bò được gọi tên là “nước Vajjī.”
(Chú thích : dựa vào những lời được thốt ra bởi những người dân làng bao gồm cha mẹ nuôi của hai đứa bé, câu nói ấy là : ‘Vajjetabba Ime - chúng ta nên tránh xa hai đứa bé anh em này’. Nên vùng đất rộng ba mươi do tuần có tên gọi là nước Vajjī).
Khi thời gian thích hợp đã đến, những người chăn bò đi đến đức vua, đúng theo lời hướng dẫn của vị ẩn sĩ, họ mang theo những lễ vật dâng tặng gồm năm sản phẩm của bò (gorasa) và thỉnh cầu đức vua cấp cho họ một vùng đất và thành lập kinh đô ở đó.
Khi cậu bé trai đã đến tuổi mười sáu, cậu ta được tôn phong làm vua của kinh đô ấy. Sau đó là lễ đăng quang của hai người trẻ tuổi. Dân chúng của vùng đất ấy đồng ý lập ra một luật lệ rằng:
“Không người đàn bà nào từ nơi khác được làm hoàng hậu của họ, và không ai trong những người đàn bà của họ được phép gả cho những người ở ngoài nước của họ.”
Về sau đức vua và hoàng hậu sanh ra một cặp song sinh đầu tiên, đó là một trai và một gái. Trải qua mười sáu lần, hoàng hậu đã sanh ra mười sáu cặp song sinh. Khi những đứa bé ấy đến tuổi trưởng thành, mỗi cặp song sinh ấy kết hôn với nhau và mỗi đôi vợ chồng cũng sanh ra mười sáu cặp song sinh.
Dân số trong kinh thành gia tăng rất nhanh, nhiều đến nỗi trong kinh thành không còn đủ đất làm chỗ ở cho tất cả những vị hoàng tử và công chúa với đông đảo tùy tùng của họ cùng với những khu lạc viên. Do đó, kinh đô phải được mở rộng ở bốn mặt, mỗi mặt thêm 1 gāvuta, kéo theo sự xây dựng một thành trì thứ hai bao quanh toàn thể kinh đô.
Sau một thời gian dài, sự tăng trưởng của dân số trong kinh thành đòi hỏi phải được mở rộng thêm để đáp ứng với số lượng đang gia tăng trong các thành viên của hoàng gia. Giống như trước, kinh đô lại được mở rộng thêm 1 gāvuta ở mỗi phía trong bốn phía. Đây là lần thứ ba kinh đô được mở rộng. Như vậy kinh đô lớn mạnh và hưng thịnh theo thời gian. Đến đúng lúc, nó được nổi danh là kinh đô Vesali khắp cả trời nam của cõi ta bà, đó là Jambudīpa.
Phần này nói về nguồn gốc của những tên gọi như các vị vua Licchavi, nước Vajji và kinh đô Vesali (như đã được nêu ra trong bộ chú giải Khuddakapatthavà bộ Sarattha Dipani Tika).
Kết thúc bài mô tả về kinh thành Vesali
Kinh thành Vesali phát triển và hưng thịnh giống như kinh thành Rājagaha và Sāvatthi vào thời của Đức Phật. Lúc bấy giờ kinh thành có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy vị vua trú ngụ với những vị thái tử, nguyên soái và các vị quan thân khác. Số lượng của mỗi hàng tước vị cũng có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy. Về cơ ngơi chỗ ở của họ, có bảy ngàn khu vực và cung điện với mái tầng có trang trí hoa văn và những tòa án, hội trường, vườn, lạc viên và hồ cũng có số lượng tương tự. Kinh thành có dân cư đông đúc và vật thực dồi dào.
Khi năm tháng trôi qua, các nhà cai trị và những người dân của họ đã không còn thọ trì những phận sự đúng pháp của họ (aparithaniya-dhamma).
Kết quả là họ phải chịu những tai họa lớn như nạn hạn hán, mất mùa, thiếu lương thực, đói kém, v.v...
Tai họa này đã làm cho nhiều người nghèo bị chết. Nhưng xác chết bị vứt bừa bãi khắp kinh thành, làm bốc lên mùi hôi thối. Tình trạng như vậy tạo cơ hội cho những dạ xoa đi vào kinh thành và quấy phá dân chúng.
Nạn đói và nạn phi nhân quấy nhiễu đem lại sự chết chóc và đau khổ nhiều hơn. Xảy ra nạn dịch của loại bịnh có tên là bịnh gió rắn (ahivata roga) làm cho mọi việc càng trở nên tệ hại hơn, gây kinh sợ cho mọi người và thiệt hại nặng nề hơn trước.
Dân chúng liên tục bị hoảng sợ do những cú sốc liên tiếp của ba loại tai họa, đó là : nạn đói, nạn phi nhân quấy nhiễu và nạn dịch, họ đi đến đức vua và tâu lên rằng: “ Tâu bệ hạ, kinh thành Vesali đang gặp phải ba loại tai họa, không có tai họa nào như vậy từng xảy ra trong các triều đại của bảy vị vua trước. Ý kiến chung bây giờ là những tai họa như vậy xảy ra do sự chểnh mảng phận sự của các nhà cai trị.”
Đức vua cho triệu tập dân chúng ở pháp đình và nói với họ rằng: “ Này các thần dân, các người có thể điều tra xem có sự thiếu sót vi phạm nào về các phận sự của trẫm đối với chúng dân.” Khi điều tra xem xét những việc hằng ngày của đức vua, họ thấy rằng không có thiếu sót nào nơi vị hoàng đế trong việc trị dân. Rồi họ lại cùng nhau để tìm phương cách khắc phục những tai họa đã giáng xuống cho họ.
Những đệ tử của sáu vị giáo chủ ngoại đạo cho rằng kinh thành Vesali sẽ được thoát khỏi ba tai họa ngay khi sáu vị giáo chủ đặt chân vào kinh thành. Nhưng một số cư dân (có niềm tin nơi Tam bảo) thì nói rằng: “ Này các bạn, nghe nói rằng Đức Phật đã xuất hiện trong thế gian. Ngài đã thuyết giảng Chánh pháp để đem lại lợi lạc và sự hưng thịnh cho tất cả chúng sanh. Ngài là bậc có nhiều oai lực. Kinh đô của chúng ta sẽ được thoát khỏi tất cả tai họa một khi Ngài ở trong kinh đô của chúng ta.”
Tất cả mọi người đều hoan hỉ với lời đề nghị này. Nhưng một số người muốn biết chỗ trú ngụ của Đức Phật và bày tỏ sự ngờ vực của họ: “ Ngài có thể không quan tâm việc đi đến đây cho dù chúng ta thỉnh mời Ngài.” Nhân đó, một số người có trí bày tỏ ý kiến lạc quan của họ:“ Chư Phật luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ và có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh. Vì vậy, tại sao Ngài không đến nếu chúng ta cung thỉnh Ngài ? Tuy nhiên, có điều cần ghi nhớ: Đức Phật bây giờ đang ngụ ở Rājagaha. Vua Bimbisāra (bậc sotāpanna và là thí chủ dâng cúng tịnh xá) đang hộ độ Ngài với đầy đủ bốn món vật dụng. Có thể vị ấy đã cản trở Đức Phật đi đến kinh đô của chúng ta.”
Dân chúng đồng lòng quyết định rằng họ sẽ đi đến vua Bimbisāra và cho vị ấy biết những hoàn cảnh đã xảy ra và với sự đồng ý của vị ấy, họ sẽ thỉnh Đức Phật đến viếng kinh thành Vesali. Họ phái hai vị hoàng tử Licchavī đi đến Rājagaha với trách nhiệm yết kiến vua Bimbisāra, mang nhiều tặng vật để dâng lên vị ấy cùng lính hầu và quân đội đi theo.
Hai vị hoàng tử đi đến Rājagaha và dâng những vật tặng quý giá lên vua Bimbisāra. Rồi họ kể lại với đức vua về tình trạng ở kinh đô của họ và lý do họ đã được cử đến Rājagaha, thỉnh cầu rằng:“ Cầu xin bệ hạ thay mặt chúng tôi mà thỉnh Đức Phật đến viếng kinh thành Vesali.” Đức vua không đáp ứng yêu cầu của họ, nhưng khuyên họ rằng: “Các ngươi nên tự thân đi đến Đức Phật và thăm dò ý định Ngài.”
Hai vị hoàng tử Licchavī đi đến Đức Phật và thành kính bạch rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, kinh thành Vesali của chúng con đang gặp phải ba tai họa. Xin Ngài rủ lòng bi mẫn đến viếng kinh thành Vesali. Đó sẽ là vinh hạnh cho tất cả chúng con, những dân cư của kinh thành Vesali.”
Khi suy xét về lời thỉnh cầu của họ, Đức Phật biết rằng: “Sự tụng đọc và thuyết giảng bài kinh Ratana tại kinh thành Vesali sẽ đem lại sự bảo vệ cho một trăm ngàn koṭi thế giới tránh khỏi các loại bệnh tật; và vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh sẽ được giải thoát do giác ngộ Tứ Diệu Đế.” Do đó, Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của hai vị Licchavī.
Khi nghe tin Đức Phật chấp nhận lời mời đến viếng Vesali, vua Bimbisāra truyền lịnh cho dân chúng trong kinh thành rằng: “Thưa dân chúng, hãy biết rằng Đức Thế Tôn đã nhận lời thỉnh mời đến viếng kinh thành Vesali.” Rồi vị ấy đi đến Đức Phật và hỏi rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, phải chăng Ngài đã nhận lời mời của dân chúng thành Vesali ?” Đức Phật đáp lại: “ Đúng vậy, tâu bệ hạ. Như Lai đã nhận lời.” “ Nếu vậy, cầu xin Đức Thế Tôn hãy chờ cho đến khi tất cả những sự chuẩn bị cần thiết cho lễ tiễn đưa hoàn tất.”
Rồi vua Bimbisāra truyền lịnh cho san bằng con đường giữa Rājagaha và con sông Hằng dài năm do tuần, dựng lên những giả ốc ở mỗi do tuần dọc theo con đường. Khi Đức Phật được báo tin là mọi việc đã sẵn sàng, Ngài bắt đầu lên đường cùng với đoàn tháp tùng gồm năm trăm vị tỳ khưu.
Con đường dài năm do tuần được rải hoa đủ năm màu sắc cao ngập đầu gối, những cờ phướn màu sắc rực rỡ được dựng lên dọc theo con đường, những cái lu đựng đầy nước và những cây chuối được sắp đặt có thứ tự ở hai bên đường. Hai cái lọng trắng che Đức Phật tránh thời tiết nắng mưa, cũng vậy mỗi vị tỳ khưu cũng được che bằng một cái lọng trắng. Đức vua và tùy tùng của vị ấy gồm quan thần và binh lính, cúng dường hoa và vật thơm dọc theo con đường và ở mỗi trạm dừng, giúp Đức Thế Tôn và chúng tỳ khưu có đủ thì giờ để nghỉ ngơi. Sau chuyến đi năm ngày rất thuận lợi, toàn thể đoàn người đến bờ sông Hằng.
Trong khi chiếc thuyền rồng đang được trang hoàng, vua Bimbisāra gởi bức thư báo đến các nhà cai trị Licchavī, nội dung nói rằng: “ Đức Phật đang trên đường đến Vesali, những sự sắp xếp cần thiết mà tất cả những nhà cai trị Licchavī nên làm là sửa sang con đường cho tốt để tiếp đón Đức Phật và chúng tỳ khưu.”
Khi các thành viên trong dòng dõi Licchavī nhận được tin báo trọng đại, họ đồng lòng quyết định tổ chức lễ tiếp đón to lớn gấp đôi so với sự tôn kính được thể hiện bởi vua Bimbisāra. Họ sửa sang bằng phẳng các con đường từ Vesali đến bờ sông Hằng dài ba do tuần. Họ dành bốn cái lọng trắng cho Đức Phật và hai cái lọng trắng, mỗi cái dành cho các vị tỳ khưu theo hầu Đức Phật. Toàn thể kinh đô đi ra trong một đám rước trọng đại đến bờ sông Hằng để chờ Đức Phật đến.
Trong khi đó, vua Bimbisāra cho kết hai chiếc thuyền lại với nhau làm thành một chiếc bè lớn. Bên trên của nó có dựng lên một giả ốc được trang hoàng lộng lẫy bằng những chùm hoa và các loại vật thơm, có treo những tràng hoa sắp hình cái quạt. Bên trong giả ốc có đặt một bảo tọa được cẩn bằng bảy loại ngọc quý dành cho Đức Phật. Khi đến bờ sông Hằng, Đức Phật và các vị tỳ khưu bước lên thuyền rồng, Ngài ngồi trên bảo tọa còn các vị tỳ khưu ngồi vào những chỗ ngồi thích hợp của họ.
Sau khi đưa Đức Thế Tôn và các vị tỳ khưu lên thuyền, vua Bimbisāra đi xuống nước đến ngang cổ và vịn vào chiếc thuyền, vị ấy bạch với Đức Phật rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ chờ Ngài trở về từ bờ sông Hằng này.” Rồi vị ấy nhẹ nhàng buông tay khỏi thuyền rồi lội lên bờ.
Chư thiên bao gồm cả những vị Phạm thiên ở cõi Akanittha Brahma đều đến đảnh lễ cúng dường Đức Phật. Cũng thế, các chúng sanh ở cõi thấp như long vương Kamhala và long vương Assatara cũng đến đảnh lễ Đức Phật.
Như vậy, giữa lễ hội trọng đại tưng bừng, nhân loại và chư thiên tranh đua nhau bày tỏ sự tôn kính đến Đức Phật, Ngài được đưa qua bên kia sông Hằng. Con sông rộng một do tuần từ bờ bên này đến bờ bên kia, cuối cùng chiếc thuyền cập bờ trên vùng đất của những nhà cai trị Licchavī.
Đức Phật được tiếp đón từ bên kia bờ sông Hằng bởi các vị Licchavī đang chờ sẵn. Họ bày tỏ sự tôn kính đến Đức Phật nhiều gấp đôi so với vua Bimbisāra bằng cách đi xuống nước đến ngang cổ để đón tiếp Đức Phật với sự tôn kính sâu sắc.
Ngay khi chiếc thuyền rồng chở Đức Phật cập bờ bên kia thì những đám mây đen dồn dập kéo đến từ bốn phía, theo sau là những tia chớp và tiếng gầm vang của sấm sét, cuồng phong vần vũ. Việc Đức Phật đặt bàn chân phải của Ngài xuống bờ sông được đánh dấu bằng trận mưa Pokkharavasa - làm ướt những ai muốn được thấm ướt và không làm ướt những ai không muốn bị ướt. Dòng nước mưa tràn ngập với những độ sâu khác nhau, từ đầu gối đến ngang bụng, từ ngực đến ngang cổ, dòng nước chảy len vào các ngõ ngách khắp kinh thành Vesali, cuốn đi tất cả những xác chết bốc mùi xú uế xuống dòng sông Hằng. Toàn thể kinh đô trở nên sạch sẽ như trước.
Các vị Licchavī dẫn Đức Thế Tôn từ bờ sông Hằng vào thành Vesali, đoạn đường dài ba do tuần, giữa sự tung hô đón chào tưng bừng, nồng nhiệt, dừng lại một đêm ở mỗi trạm dừng cách nhau một do tuần. Trên đường đi, những sự cúng dường được thực hiện nhiều gấp đôi so sới sự cúng dường về phía vua Bimbisāra. Cuối cùng, sau ba ngày, Đức Phật đến tại Vesali.
Khi Đức Phật đến tại Vesali, Đế Thích cùng thiên chúng đến từ các cõi trời của họ để làm lễ cúng dường Đức Thế Tôn. Thiên chúng hùng mạnh hiện diện ở Vesali đã khiến cho tất cả dạ-xoa hốt hoảng bỏ chạy ra khỏi kinh thành.
Đức Thế Tôn đứng ở cổng kinh thành và ban lời chỉ giáo đến đại đức Ānanda:
“ Này Ānanda, sau khi học thuộc lòng bài kinh Ratana từ Như Lai, con nên tụng kinh trong ba vòng tường thành của kinh đô như là biện pháp ngăn ngừa, khi đi quanh kinh đô có các vị hoàng tử Licchavi đi theo, họ nên được hướng dẫn cách làm lễ vật cúng chư thiên.”
Sau khi nghe xong bài kinh Ratana từ Đức Phật tại cổng thành Vesali vào ngày vừa mới đến, đại đức Ānanda đi quanh ba vòng thành Vesali tụng kinh Ratana có nhịp điệu, ngữ điệu, cách phát âm, cách nhấn âm và chấm câu đúng chỗ. Khi đang đi quanh như vậy, vị ấy mang theo bình bát đựng đầy nước của Đức Phật để rảy khắp kinh thành.
Ngay khi đại đức Ānanda bắt đầu tụng câu kệ đầu tiên với những chữ ‘Yaṁ kiñci vittaṁ’ thì các loại phi nhân như dạ-xoa, a-tu- la, quỷ sứ, v.v… mà chưa chạy ra khỏi kinh thành vẫn còn nán lại, núp vào những đống rác hay bám vào các bức tường, v.v… bèn vội vả bỏ chạy xuyên qua bốn cổng thành. Vì các cổng thành bị các phi nhân ác chen chúc nhau tìm đường thoát thân nên một số trong bọn chúng bắt buộc phải mở đường đi xuyên qua các bức tường thành của kinh đô. Khi các phi nhân ác bỏ chạy ra khỏi thành thì những người bị sự hành hạ, quấy nhiễu của chúng được khỏe mạnh trở lại và tất cả bệnh dịch đều biến mất. Những người dân thành phố ra khỏi nhà của họ với những bó hoa và vật thơm, và tôn kính đảnh lễ đại đức Ānanda.
Đức vua và dân chúng trang hoàng hội trường Lập pháp ở trung tâm của thành phố bằng những tràng hoa và vật thơm, dựng lên một cái trần che có đính các loại vật trang sức. Rồi họ đặt vào đó một bảo tọa dành cho Đức Phật ở một nơi thích hợp và cung dẫn Ngài đến hội trường. Đức Phật ngồi vào bảo tọa trong khi các vị tỳ khưu – các vị vua và các hoàng tử, và dân chúng ngồi vào những chỗ thích hợp của họ. Sakka dẫn theo thiên chúng ở hai cõi Catumahārājika và Tāvatiṃsa cũng như các vị Phạm thiên và chư thiên khác cũng đến để đảnh lễ Đức Phật.
Đại đức Ānanda, sau khi tụng kinh Paritta khắp kinh thành Vesali, đã đến tại hội trường với đám đông dân chúng và tất cả họ đều ngồi vào chỗ ngồi phải lẽ.
Tại hội chúng đông đảo này gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, Đức Phật thuyết bài kinh Ratana (bài kinh mà Ngài dạy đại đức Ānanda).
(Chú thích: Bài kinh Ratana mà hàng Phật tử thấy, đọc và nghiên cứu ngày nay, gồm có ba phần:
(a) Phần đầu bắt đầu bằng ‘Panidhānato patthāya…’ đến ‘Parittaṃ taṃ bhanāmahe’ là đoạn mở đầu ở thể văn xuôi và kệ được biên soạn bởi các vị A-xà-lê trong quá khứ.
(b) Mười lăm câu kệ, bắt đầu từ ‘Yānīdha bhūtāni samāgatāni…’ đến ‘Khinaṃ purānaṃ nava natthi sambhavaṃ…’ là kinh Pāḷi gốc do Đức Phật thuyết giảng.
(c) Ba câu kệ cuối cùng ‘Yanidha bhūtāni samāgatāni’ v.v… được nói ra bởi Sakka giữa hội chúng).
Vào lúc kết thúc thời pháp về bài kinh Ratana vào ngày đầu tiên, những gia đình hoàng tộc Licchavī cùng tất cả dân cư của kinh thành Vesali thoát khỏi đau khổ và đạt được hạnh phúc. Tất cả các tai họa và bệnh dịch đều bị tiêu diệt và sự an bình được trở lại. Tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế.
Khi ấy Sakka chợt hiểu ra rằng: “ Đức Phật đã đem hạnh phúc và sự thịnh vượng đến cho dân chúng kinh thành Vesali bằng cách thuyết ra những lời của chân lý về các ân đức của Tam bảo vì phúc lợi của dân cư thành Vesali.” Do đó, vị ấy đứng dậy đọc lên ba câu kệ: “Yānidha bhūtāni samāgatāni…” Đây là đoạn kệ cuối cùng của bài kinh.
Sau khi đọc lên ba câu kệ, Sakka nhiễu quanh Đức Phật ba vòng để tỏ sự tôn kính đến Ngài rồi trở về cõi chư thiên dẫn theo tùy tùng thiên chúng. Đức Phật tiếp tục thuyết bài kinh ấy trong ngày thứ hai, khi ấy có tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ diệu đế. Theo cách này, Đức Phật tiếp tục thuyết giảng bài kinh trên trong bảy ngày liên tục, mỗi ngày giải thoát cho tám mươi bốn ngàn chúng sanh.
Tổng số chúng sanh được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế là (84.000 x 7 = 588.000) chúng sanh.
Paritta có nghĩa là ‘Kim ngôn của Đức Phật’ hay nói cách khác là kinh - sutta được dùng làm kinh hộ trì, xua tan tất cả tai họa từ bốn hướng, khiến cho những tai họa hiện đang sanh khởi phải chấm dứt và biến mất; ngăn ngừa những tai họa sắp xảy ra không cho sanh khởi.
Bài Maṅgala Sutta, Ratana Sutta, v.v… là những bài kinh do Đức Phật thuyết giảng, và những bài kinh này có đủ năng lực bảo vệ cho cả người tụng lẫn người nghe tránh khỏi tai họa sắp xảy ra, đồng thời đẩy lùi và xua tan tai họa hiện đang xảy ra. Bài kinh có những năng lực đặc biệt là đem lại an lạc và sự thịnh vượng; do đó có tên đặc biệt là kinh Paritta.
Để có được những kết quả lợi ích như vậy, điều cần thiết là người tụng đọc phải có đủ bốn điều kiện và người nghe cũng thế.
(a) Bốn điều kiện cần thiết của người tụng đọc là:
1) Người tụng phải có khả năng tụng đọc những đoạn kinh, những nhóm chữ, những mẫu tự của kinh Pāḷi đúng cách phát âm và cách nhấn âm.
2) Người ấy phải có sự hiểu biết đầy đủ và chính xác bài kinh Pāḷi mà người đang tụng.
3) Người tụng kinh Paritta với tâm không mong cầu những vật tặng hay của bố thí cúng dường.
4) Kinh Paritta nên được tụng với tâm thuần khiết, đầy đủ từ ái và bi mẫn.
Kinh Paritta nên được tụng với đầy đủ bốn điều kiện này để đem lại hiệu quả thiết thực trong việc ngăn chặn và đẩy lùi những tai họa sắp xảy ra cho người nghe. Nếu người tụng không có đầy đủ những điều kiện này thì sẽ không có những kết quả lợi ích phát sanh như mong muốn.
Nhưng cách tụng và nghe kinh Paritta ở trên được nêu ra trong bộ Chú giải của Trường bộ kinh. Sự nghiên cứu có hệ thống và sự xem xét tỉ mỉ những chữ và những nhóm chữ nên được thực hiện, sự chú ý đúng mức cần được vận dụng để hiểu rõ những thuật ngữ tiếng Pāḷi. Cần chú ý nghiên cứu cách phát âm đúng và ý nghĩa của bài kinh Pāḷi thì cơ hội đạt được kết quả mong muốn mới thành hiện thực. Chỉ có sự tụng đọc của những người đã nghiên cứu cẩn thận những cách tụng đọc mới có hiệu quả lớn. Sự tụng đọc kinh Paritta của những người có ý định thọ lãnh những vật thí cúng dường sẽ không tạo ra kết quả thiết thực nào cả. Sự tụng đọc kinh Paritta của những người có đầy đủ tâm từ ái và bi mẫn và có khuynh hướng muốn thoát khỏi luân hồi sẽ đem lại nhiều lợi ích.
(Chú thích: Do đó người chủ trì sự tụng kinh Paritta trước tiên phải nghiên cứu kinh Pāḷi cùng với những bộ Chú giải có liên quan dưới sự chỉ dạy của vị thầy có khả năng chuyên môn, phải có sự chú ý đặc biệt đến cách phát âm, dấu nhấn và cách chấm câu. Mọi sự đọc sót, thiếu chữ trong bài kinh khiến cho sự tụng đọc hoàn toàn trở nên vô nghĩa, cách tụng đọc chính xác với sự hiểu biết đầy đủ về ý nghĩa của kinh là những sức mạnh chính yếu của kinh Paritta, đem lại kết quả mong muốn.
Những lỗi lầm trong cách chủ xướng, sự thiếu chính xác trong phát âm và trong sự hiểu biết ý nghĩa chân thật của kinh, kèm theo ước muốn tài vật cúng dường đền đáp, sẽ làm giảm thiểu sức mạnh của kinh Paritta và không đem lại kết quả mong muốn.
Do đó, cần nhấn mạnh rằng điều cần thiết là chủ xướng kinh Paritta theo đúng những điều kiện đã nêu ra với tâm đầy đủ từ ái và bi mẫn và khuynh hướng kiên định muốn giải thoát khỏi luân hồi và sự kiềm chế không cho ước muốn thọ lãnh lễ vật cúng dường sanh khởi.
Sự thất bại của người tụng kinh Paritta khởi sanh từ hai nguyên nhân, đó là Payoga vippatti và Ajjhāsaya vippatti.
(1) Payoga vippatti nghĩa là sự thiếu khả năng diễn đạt những từ ngữ và những nhóm chữ trong bài kinh với sự chính xác và sự hiểu biết đầy đủ ý nghĩa của chúng, vì thiếu cố gắng và chuyên cần.
(2) Ajjhāsaya vippatti nghĩa là sự tụng kinh Paritta với ước muốn được lợi lộc và danh tiếng.
Sự thành tựu của người tụng kinh Paritta phát sanh từ hai nguyên nhân, đó là Payoga sampatti và Ajjhāsaya sampatti.
(1) Payoga sampatti nghĩa là sự thành thạo trong việc tụng kinh Paritta do siêng năng, do học đúng cách phát âm, với đầy đủ hiểu biết về ý nghĩa.
(2) Ajjhāsaya sampatti nghĩa là sự thành thạo trong việc tụng kinh
Paritta do tâm từ ái và bi mẫn với khuynh hướng giải thoát và không có động cơ tư lợi.
(Phần nói về Vippatti và Sampatti được trích ra từ Phụ chú giải của bài kinh Atanātiya).
(1) Người nghe nên tránh không vi phạm năm trọng tội, là những tội cho quả nhãn tiền (pañcanatariya kamma – ngũ vô gián nghiệp), đó là: (a) giết cha, (b) giết mẹ, (c) giết bậc A-la-hán, (d) cố gắng làm cho Đức Phật bị chảy máu, (e) gây chia rẽ Tăng.
(2) Người nghe không được chấp theo định kiến (niyata-micchāditthi).
(3) Người nghe nên có niềm tin vững chắc vào hiệu lực và những kết quả lợi ích của kinh Paritta.
(4) Người nghe nên có sự chú ý, tôn kính và không giải đãi khi nghe tụng kinh Paritta.
Đây là những điều kiện cần thiết mà người nghe kinh Paritta cần phải có, trong bộ kinh Milinda Pañha (chương Mendaka Pañha, Pasamatti Pañha) có nêu ra ba điều kiện đầu như sau: “ Tâu bệ hạ, những chướng ngại như (a) năm vô gián tội, (b) tà kiến, (c) và sự không tin tưởng vào kinh Paritta, không thể đem lại sự hộ trì chống lại các tai họa.” Đây là những lời của đại đức Nāgasena nói với vua Milinda. Xét về vấn đề này, nên có kết luận rằng: Những người không có ba chướng ngại này có khả năng hưởng được lợi ích của kinh Paritta.
Sự thất bại của người nghe kinh Paritta xuất phát từ hai nguyên nhân, đó là Payoga vippatti và Ajjhāsaya vippatti.
(1) Payoga vippatti nghĩa là nghe tụng kinh Paritta mà không có sự tôn kính đúng mức, không chấp tay, thiếu chú tâm vào kinh Paritta do thiếu tinh tấn.
(2) Ajjhāsaya vippatti nghĩa là nghe kinh Paritta thiếu nhiệt tình, không có niềm tin trong hiệu quả và kết quả lợi ích của kinh Paritta, nghe kinh Paritta do bổn phận và để làm vui lòng người mời mình đến dự lễ cầu an.
Sự thành tựu của người nghe kinh paritta xuất phát từ hai nguyên nhân, đó là Payoga sampatti và Ajjhāsaya sampatti.
(1) Payoga sampatti nghĩa là có sự tinh tấn cần thiết khi nghe tụng kinh Paritta bằng cách chấp tay với lòng thành kính sâu sắc, tâm chuyên chú vào kinh Paritta, không phóng dật.
(2) Ajjhāsaya sampatti nghĩa là nghe kinh Paritta với sự nhiệt tình, với sự tin tưởng đầy đủ trong hiệu lực và kết quả lợi ích của kinh Paritta khi nghe, không phải vì bắt buộc và miễn cưỡng làm vui lòng người mời mình đến nghe kinh Paritta mà với ước muốn thiện là để tạo phước.
Những người nghe kinh Paritta nên tránh xa hai yếu tố Vippatti như đã nêu ra ở trên và cố gắng thành tựu cho được hai Sampatti để đạt được lợi ích của sự hộ trì tránh khỏi những tai họa sắp xảy ra.
Người tụng kinh Paritta cũng phải tránh xa hai yếu tố thất bại và thành tựu cho được hai yếu tố thành công và người nghe cũng phải như vậy.
1. Ratana Sutta - Kinh Châu báu có oai lực tỏa rộng khắp một trăm ngàn koṭi thế giới. Bài kinh đem lại sự giác ngộ đạo quả trí (magga-phala ñāṇa) và sự chứng ngộ Niết bàn cho năm trăm (5 lakhs) tám mươi ngàn nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Do đó đây là bài kinh Paritta có oai lực hay ảnh hưởng rất lớn.
2. Maṅgala Sutta –Hạnh phúc Kinh có oai lực tỏa khắp một trăm ngàn koṭi thế giới. Vô số nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đã giác ngộ đạo quả và chứng ngộ Niết bàn do nghe bài kinh này.
3. Metta Sutta – Từ bi Kinh là bài kinh nổi tiếng có oai lực to lớn. Oai lực của kinh tỏa khắp một trăm ngàn koṭi thế giới. Bài kinh đã giúp cho những vị tỳ khưu trú ngụ trong rừng sâu chứng đắc đạo quả A-la-hán do chấm dứt các lậu hoặc (āsava). Bằng sự tu tập siêng năng và đầy đủ đúng theo những lời chỉ dạy trong bài kinh, người ta chắc chắn sẽ đạt được đạo quả giải thoát. Do đó, bài kinh có oai lực lớn.
4. Khandha Sutta – Kinh Hộ trì uẩn là bài kinh có nhiều oai lực, ảnh hưởng của kinh tác động đến một trăm ngàn koṭi thế giới. Kinh có khả năng làm vô hiệu hóa chất độc trong mọi lúc. Bài kinh là những phần mô tả ân đức và oai lực của Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng và những kết quả lợi ích của pháp từ ái (metta). Như vậy đây là bài kinh Paritta đem lại những kết quả lợi ích lớn nhất.
5. Dhajagga Sutta – Kinh Ngọn cờ cũng là bài kinh có oai lực lớn, ảnh hưởng của kinh tỏa khắp một trăm ngàn koti thế giới. Sự quán niệm về các ân đức của Đức Phật, đức Pháp và đức Tăng được tán dương trong bài kinh là phương tiện làm tăng trưởng năng lực trí tuệ, thọ hưởng hạnh phúc của chư thiên suốt ba ngàn đại kiếp, được tái sanh làm Sakka tám chục lần, làm Chuyển luân vương một ngàn lần, làm một vị vua hay hoàng đế một ngàn lần; luôn luôn giàu có và thịnh vượng trong mỗi kiếp sống, tài sản mà người sở hữu không thể bị mất, bị đánh cắp hoặc bị tiêu diệt. Trong một trăm ngàn đại kiếp thế giới, người ấy sẽ không tái sanh vào các khổ cảnh cũng không bị sợ hãi khiến lông tóc dựng đứng và nổi da gà. Đó là oai lực hùng mạnh của bài kinh này mà cứu cánh là đưa người đến chỗ chứng đắc đạo quả A-la-hán.
6. Bojjhañga Sutta - Hộ Kinh Thất giác chi là bài kinh có oai lực to lớn, tác động đến một trăm ngàn koṭi thế giới, có năng lực ngăn ngừa tai họa và bịnh tật. Sự tu tập đầy đủ các pháp Thất giác chi được chỉ rõ trong bài kinh dẫn đến chứng ngộ Niết bàn ngay trong kiếp hiện tại này do nhờ giác ngộ đạo quả trí (magga-phala ñāṇa)
7. Āṭānāṭiya Sutta – Kinh hộ trì Āṭānāṭiya đầu tiên được soạn ra bởi Tứ thiên vương ở cõi Catumahārājika sau khi ngồi lại với nhau ở thành phố chư thiên Alanata. Trước hết họ đảnh lễ bảy vị Phật, tán dương ân đức của các Ngài. Rồi họ soạn ra bài kinh và công bố rằng: “ Những vị chư thiên ngang ngạnh và phóng đãng như dạ-xoa, là những kẻ không chịu nghe theo những lời dạy của Đức Phật, không chịu tuân theo những điều cấm kỵ do chính chúng tôi soạn ra sẽ bị trừng phạt theo những điều luật của chư thiên. Rồi Tứ thiên vương đi đến Đức Phật dẫn theo thiên binh thiên tướng và trình bày với Đức Phật về bài kinh rất oai lực này do họ soạn ra. Đức Phật dạy bài kinh này đến các vị tỳ khưu và như vậy nó trở thành bài Hộ kinh - Paritta có quyền lực rất hùng mạnh.
Bộ Chú giải tương ứng có nêu ra phương pháp tụng bài kinh này như sau:
Trường hợp những người bị nhập bởi các loài dạ-xoa, quỷ và phi nhân ác, thì không nên tụng bài Ātānātiya Sutta đầu tiên. Trong bảy ngày liên tục, nên tụng các bài Mettā Sutta, Dhajagga Sutta và Ratana Sutta. Nếu người bị nhập hết bịnh và bình thường lại sau khi tụng những bài kinh này, thì không cần thiết phải tụng thêm bài kinh Ātānātiya Sutta.
Sau khi đã tụng đọc ba bài kinh đầu liên tục bảy ngày mà kết quả không đạt được thì tụng bài kinh Ātānātiya Sutta. Vị tỳ khưu tụng bài kinh Ātānātiya Sutta không nên ăn các loại bánh làm bằng bột mì, thịt và cá. Vị ấy cũng không nên trú ngụ ở bãi tha ma. Sở dĩ như vậy vì nếu một vị tỳ khưu ăn bánh bột, thịt và cá và ở nơi bãi tha ma, vị ấy có thể bị phi nhân ác nhập vào. Chỗ được chọn để tụng kinh Paritta phải sạch sẽ, gọn gàng và nên rắc bột nghệ.
Vị tỳ khưu tụng kinh Paritta khi đi từ tịnh xá đến tư gia nên được hộ tống bởi một nhóm người bảo vệ có trang bị cung tên, khiên, gươm và giáo. Vị tỳ khưu không nên tụng kinh Paritta ở ngoài trời ; cổng, cửa sổ và cửa lớn của căn nhà phải được đóng kỹ và vị tỳ khưu nên ngồi gần nhóm người hộ vệ. Rồi với tâm đầy từ ái, vị ấy tụng kinh Paritta đúng theo sự hướng dẫn sau đây:
Điều chính yếu là người bị nhập trước hết phải thọ trì ngũ giới, tiếp theo là tụng kinh Paritta. Nếu những biện pháp ngăn ngừa như vậy không đuổi được phi nhân ác đi thì người bị nhập nên được dẫn đến tịnh xá và để nằm trên cái bục cao của chùa. Cái bục nên được quét dọn sạch sẽ và đốt những ngọn đèn cúng. Rồi những bài kệ và văn xuôi bằng tiếng Pāḷi như ‘Diva tapati adicco’, v.v… được tụng lên để đem lại sự an lành. Sau đó công bố rằng tất cả các vị tỳ khưu đã hội họp tại chỗ ấy.
Rồi một người nào đó đi đến khu rừng gần đó, nơi có cây đại thọ và thỉnh mời vị hộ thần ấy với những lời như vầy: “ Tất cả các vị tỳ khưu đều muốn mời ngài đến chỗ hội họp.” (Lời mời như vậy của các vị tỳ khưu không bao giờ bị chối từ).
Rồi người bị nhập được hỏi: “ Ngươi tên gì?” (Ví dụ người ấy tên là Naradeva). Người ấy nên được gọi bằng cái tên ấy, “Này Naradeva, ông đã được phần phước từ sự cung cấp chỗ ngụ đến chư Tăng, phần phước từ sự cúng dường hoa và vật thơm, từ sự cúng dường vật thực đến chư Tăng; các vị tỳ khưu cũng đã tụng những bài kinh an lành như bài Maṅgala Sutta, v.v… như là món quà Pháp thí đến ông. Do vậy, khi suy xét những hành động thiện này và sự tôn kính đến chúng Tăng, chúng tôi nguyện cho ông được khỏi bịnh.”
Nếu những biện pháp như vậy không đem lại sự giải thoát khỏi việc chiếm nhập của phi nhân, tình thế nên được công bố đến chư thiên thiện: “ Hỡi chư thiên thiện, các vị biết rõ rằng vị phi nhân ác, ngang bướng này không quan tâm đến yêu cầu của chúng tôi được thực hiện bởi lòng từ bi. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cầu đến oai lực của Đức Phật.” Khi nói vậy, bài kinh Ātānātiya Sutta nên được tụng lên.
Phương pháp kể trên chỉ có thể áp dụng cho những người cư sĩ. Đối với vị tỳ khưu bị phi nhân nhập thì phòng của vị ấy nên được quét dọn sạch sẽ gọn gàng. Rồi thỉnh tất cả chúng Tăng đến tại nơi đó. Sau khi chia sẻ những việc phước từ sự cúng dường hoa và vật thơm, v.v… thì bài kinh Ātānātiya Sutta nên được tụng lên giống như trên.
Như vậy cách tụng bài Ātānātiya Sutta được mô tả chi tiết trong bộ Chú giải về bài Ātānātiya Sutta. Một khi sự tụng đọc đúng phương pháp, có hệ thống như đã được mô tả trong bộ Chú giải thì bài Ātānātiya Sutta sẽ có oai lực, quyền lực và ảnh hưởng lớn.
Cũng vậy, những bài kinh Paritta khác cũng có oai lực và ảnh hưởng to lớn theo cách riêng của chúng. Nói tóm lại, những lời dạy của Đức Phật, như Piṭaka chứa năm bộ Nikāya, đều có oai lực to lớn, ảnh hưởng của kinh tỏa khắp một trăm ngàn koṭi thế giới, làm tăng trưởng hạnh phúc và sự thịnh vượng trong lãnh vực thế gian lẫn siêu thế gian. Kinh xua tan tất cả các loại tai họa và dẫn dắt chúng sanh đi vào con đường đến chứng ngộ Niết bàn do nhờ sự giác ngộ đạo quả trí (magga-phala ñāṇa). Những kim ngôn của Đức Phật được tôn trí trong các bộ Nikāya của kinh tạng Piṭaka là những lời dạy cao quý nhất và những lời kinh được xem là có oai lực vô lượng, sức mạnh và ảnh hưởng lớn.
Yaṃ Buddho bhāsatte vācaṁ khemaṁ Nibbanna pattiyā dukkhassantakiriyāya
sā ve vācānamuttamā.
Đức Phật Chánh đẳng Chánh giác, do lòng bi mẫn to lớn đã thuyết giảng năm bộ Nikāya, với mục đích chứng đắc Niết bàn, chấm dứt tất cả sầu khổ. Những lời do Đức Phật nói ra như được ghi lại trong các bộ Nikāya của tạng Kinh thắng trội hơn tất cả những ngôn từ khác, hoàn toàn trong sáng và dẫn đến an lạc.
(Sagatha Vagga Saṁ yutta Pāḷi Text)
Sau nửa tháng ngụ ở kinh thành Vesali, Đức Phật bảo các vị hoàng tử Licchavi rằng: “ Chúng tôi sẽ ra đi,” là cách nói lời tạm biệt.
Nhân đó các vị Licchavī tôn kính cúng dường Đức Phật gấp đôi so với sự tôn kính cúng dường của vua Bimbisāra và trong ba ngày, họ cung tiễn Ngài đến bờ sông Hằng.
Các vị rồng ở khu vực dưới sông Hằng bàn luận và nhất trí với nhau rằng: “ Loài người đã tôn kính cúng dường Đức Phật rất to lớn, tại sao chúng ta không làm như thế? Chúng ta cũng sẽ làm như vậy.” Họ bắt đầu tạo ra những chiếc thuyền bằng vàng, bằng bạc và những chiếc thuyền bằng ngọc lục bảo, phủ khắp mặt nước sông Hằng năm loại hoa sen. Rồi họ đi đến Đức Thế Tôn và tác bạch rằng: “ Bạch Đức Đức Thế Tôn, cầu xin Đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn đối với chúng con mà cho chúng con đặc ân được tôn kính cúng dường Đức Thế Tôn và chúng Tăng.”
Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh mời của các vị long vương và bước lên chiếc thuyền do họ hóa ra, được trang hoàng bởi các loại châu báu. Mỗi vị tỳ khưu trong số năm trăm vị cũng được thỉnh lên một chiếc thuyền bằng châu báu. Rồi các vị long vương đưa Đức Thế Tôn và năm trăm vị tỳ khưu đến cõi rồng. Đức Phật thuyết pháp suốt đêm để đem lại lợi ích cho chúng sanh ở cõi rồng. Sáng hôm sau, lễ cúng dường to lớn bằng vật thực của chư thiên được các vị long vương dâng cúng đến Đức Phật và năm trăm vị tỳ khưu. Sau khi thuyết pháp tùy hỉ công đức cúng dường của họ, Đức Thế Tôn lên đường từ giã cõi rồng.
Các vị chư thiên địa cầu (bhumma deva) cũng thỏa thuận rằng: “ Loài người và loài rồng đã cúng dường to lớn đến Đức Phật, tại sao chúng ta không làm như thế? Chúng ta cũng sẽ làm giống như họ.” Họ bắt đầu cúng dường Đức Phật bằng cách dựng lên những cái lọng thù thắng quý báu khắp các ngọn đồi, khu rừng và cây cối. Tương tự như thế, những sự cúng dường được chư thiên thực hiện cho đến cõi Phạm thiên sắc cứu cánh (Akanittha).
Vua Bimbisāra lại cúng dường tôn vinh Đức Thế Tôn một cách trọng đại gấp đôi sự cúng dường của các vị Licchavī khi cung rước Đức Thế Tôn và chúng tỳ khưu đến tịnh xá Veḷuvana ở Rājagaha suốt cuộc hành trình mất năm ngày.
Khi Đức Thế Tôn về đến tịnh xá Veḷuvana ở Rājagaha, các vị tỳ khưu cu hội ở giảng đường chánh pháp vào buổi chiều để bàn luận các vấn đề liên quan đến thiền. Sự bàn luận của họ thường bị cắt ngang bởi những lời đàm thoại như:
“ Oai đức của Đức Thế Tôn quả thật kỳ diệu! Dãi đất bên này sông Hằng dài năm do tuần và dãi đất bên kia sông Hằng dài ba do tuần, tổng cộng tám do tuần. Mặt đất ở cả hai bên không bị lồi lõm ở bất cứ chỗ nào. Mặt đường ở khắp nơi đều bằng phẳng, được phủ lên một lớp cát trắng và rải hoa các loại.
Mặt nước sông Hằng, rộng một do tuần, phủ đầy các loại sen năm sắc. Khắp vùng được trang hoàng bởi những cái lọng trắng thấu đến cõi Phạm thiên Sắc cứu cánh.” Sự bàn luận của họ về pháp thiền thường bị gián đoạn bởi những lời như vậy để tán dương ân đức của Đức Phật.
Hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra, Đức Phật rời Hương phòng đi đến giảng đường Chánh pháp và ngồi vào Phật tọa. Đoạn Ngài hỏi các vị tỳ khưu: “ Này các tỳ khưu, các vị đang luận bàn về đề tài gì vậy?” Khi nghe câu trả lời của họ, Đức Phật nói rằng:
“ Cách thức tôn vinh kỳ diệu như vậy không phải do oai đức của một vị Phật, cũng không phải do năng lực của các vị rồng, chư thiên và Phạm thiên. Sự tôn vinh như vậy nên xem là những quả phước phát sanh từ một việc thiện nhỏ mà Như Lai đã làm trong quá khứ.”
Khi Đức Thế Tôn gợi ý như vậy, các vị tỳ khưu bèn đến trước Ngài và thỉnh cầu rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không biết gì về việc bố thí nhỏ trong quá khứ của Đức Thế Tôn. Bạch Đức Thế Tôn, chúng con mong rằng có thể biết rõ đầy đủ về hành động bố thí ấy. Nhân đó, Đức Phật bắt đầu kể lại câu chuyện quá khứ như sau:
“ Này các tỳ khưu, chuyện xảy ra trong quá khứ là thế này. Có một vị Bà-la-môn tên là Saṅkha ở tại thành phố Takkasila. Vị ấy có một đứa con trai tên là Susima, mười sáu tuổi. Một hôm Susima đi đến cha với thái độ đầy tôn kính. Khi ấy cha của cậu ta hỏi rằng: “ Này con thân, có chuyện gì với con vậy?” Susima đáp lại rằng: “ Thưa cha, con muốn đi đến Bārāṇasī để học các môn học”. Cha của cậu ta nói rằng: “ Này con thân, có một vị giáo sư Bà-la-môn tại Bārāṇasī. Ông ấy là bạn thân thời thơ ấu của cha, con có thể đi đến và học với vị ấy.” Rồi ông ta trao cho con trai một ngàn đồng để chi dụng cần thiết.
Susima cúi lạy cha mẹ rồi cầm số tiền lên đường đi đến Bārāṇasī. Khi đến nơi, cậu ta đi đến vị giáo sư và làm lễ thầy với sự tôn kính sâu sắc. Cậu thưa với vị giáo sư rằng cậu ta là con trai của Bà-la-môn Saṅkha ở Takkasila. Vị giáo sư vui vẻ đón tiếp cậu ta và nói rằng: “ Như vậy con là đứa con trai của bạn ta.”
Nghỉ ngơi một lúc, Susima đi đến vị giáo sư và đặt túi tiền dưới chân ông, cậu xin phép thầy truyền đạt kiến thức của các môn học. Vị thầy hoan hỉ nhận lời. Susima cố gắng hết sức mình để học hỏi càng nhiều càng tốt, trong thời gian ngắn nhất, bổ túc mọi thứ cho kiến thức vốn có của cậu ta, giống như mỡ quí báu của con sư tử được cất giữ trong cái bát bằng vàng. Vì cậu ta có sẵn các pháp Ba-la-mật nên cậu ta đã hoàn thành khóa học trong vài tháng thay vì phải mất mười hai năm đối với một cậu học sinh bình thường.
Khi Susima đang học về kinh Phệ đà, cậu khám phá ra rằng chỉ có phần đầu và phần giữa của chủ đề được bàn đến, còn phần cuối thì không được tìm thấy ở trong đó. Cậu ta trình bày vấn đề ấy với vị giáo sư và nói rằng: “ Thưa thầy, bộ kinh Phệ đà này chỉ bàn đến phần đầu và phần giữa của chủ đề, còn phần cuối thì không tìm thấy.” Nhân đó, vị giáo sư thừa nhận rằng vị ấy cũng không tìm thấy nó. Rồi Susima hỏi vị giáo sư: “ Thưa giáo sư, có ai biết tất cả từ đầu đến cuối của chủ đề ấy không ạ?” Vị giáo sư đáp lại: “ Này Susima con, chư Độc giác Phật sống trong rừng Isipathana Migadaya chắc chắn có thể biết.” “Nếu vậy, xin thầy cho phép con đi hỏi những vị Độc giác Phật ấy về điều đó.” Chàng trai Susima yêu cầu. Vị giáo sư cho phép cậu ta và nói rằng: “ Này con Susima, con hãy làm theo ý con.”
Susima vốn là người đã thành tựu các pháp Ba-la-mật, bèn đi vào khu rừng Isipathana, Migadaya, rồi đi đến các vị Phật Độc giác với tâm thành kính và hỏi rằng: “ Kính thưa chư đại đức, các ngài có biết các đề tài trong kinh Phệ đà từ đầu chí cuối không?” “Biết, chúng tôi biết, này thiện nam Susima,” họ đáp lại. Rồi cậu ta thỉnh cầu họ: “ Xin vui lòng dạy cho con phần cuối của kiến thức mà không có trong kinh Phệ đà.” Chư Phật Độc giác nói với cậu ta rằng: “ Này thiện nam Susima, con sẽ phải từ bỏ thế gian và trở thành vị Sa-môn. Chỉ có vị tỳ khưu mới học được điều ấy.” Susima đồng ý và nói rằng: “ Lành thay, thưa chư đại đức. Xin hãy truyền phép xuất gia Sa-môn cho con. Các ngài có thể hướng dẫn con làm bất cứ điều gì cần thiết, miễn là nó giúp con học được phần cuối của kiến thức Phệ đà.” Cậu ta được truyền phép xuất gia tỳ khưu như đã yêu cầu và được dạy cách mặc y cho đúng và gọn gàng. Họ chỉ có thể dạy cậu ta về Đẳng chánh hành giới - ābhisamācārika sīla, và không dạy pháp thiền nào (không giống như chư Phật Toàn Giác, họ không có khả năng chỉ dạy cách thực hành thiền Minh sát - Vipassanā).
Vị tỳ khưu mới xuất gia Susima chuyên tâm thọ trì Đẳng chánh hành giới - ābhisamācārika sīla theo đúng sự chỉ dẫn của chư Phật Độc giác. Vì những việc phước trong quá khứ tạo thành cận y duyên (upanissaya) cho việc chứng đắc Độc giác Phật trí (Paccekabuddha- ñāṇa) nên thực hành sau một thời gian ngắn, vị ấy trở thành Độc giác Phật. Vị ấy đạt đến đỉnh cao của sự vinh quang, đạt được nhiều danh tiếng và đông đảo đệ tử và đồ chúng. Nhưng vì những ác nghiệp trong quá khứ làm hạn chế tuổi thọ, vị ấy sống không lâu và nhập Niết bàn khi còn trẻ. Nhục thân của vị ấy được chư Phật Độc giác và dân cư của kinh thành Bārāṇasī đem hỏa thiêu. Xá lợi của vị ấy được tôn trí trong một bảo tháp được xây ở gần cổng thành.
Một hôm nọ, người cha già, vị Bà-la-môn Saṅkha, nghĩ đến đứa con trai của ông ta: “ Con trai của ta ra đi đã lâu mà không có tin tức gì từ nó cả.” Thế nên ông rời khỏi Takkasila lên đường với mong mỏi được gặp đứa con trai và cuối cùng ông ta đến cổng thành Bārāṇasī. Ông thấy đông người đang tụ tập gần một bảo tháp tại chỗ đó, và nghĩ rằng một người nào đó trong đám đông có thể sẽ biết một điều gì đó về con trai của ông, ông đi đến họ và dò hỏi: “ Thưa các bạn, có một chàng trai tên là Susima, đã đến Bārāṇasī để học, có lẽ một người nào đó trong các bạn biết được nó?”
“Vâng, chúng tôi biết, thưa ông Bà-la-môn. Chàng trai Susima ấy sau khi học hết kiến thức của kinh Phệ-đà dưới sự chỉ dạy của một vị giáo sư ở kinh thành Bārāṇasī, đã xuất gia Sa-môn ở chỗ của các vị Phật Độc giác. Và cuối cùng trở thành một vị Phật Độc giác do chứng đắc Độc giác Phật trí (Paccekabuddha-ñāṇa). Bây giờ vị ấy đã nhập Vô dư Niết bàn (Anupādisesa Nibbāna). Đây là bảo tháp tôn trí Xá-lợi của vị ấy.”
Sau khi nghe tin đầy xúc động này, ông lão Bà-la-môn đáng thương khóc lóc thảm thiết, lăn lộn và đập tay xuống đất nhiều lần. Sau khi than khóc thương tiếc vì sự mất mát đứa con trai yêu quí, ông đi vào khuôn viên của bảo tháp và nhổ cỏ, lấy cát trắng ở gần đó và rải quanh bảo tháp. Ông dùng cái bình múc nước đổ xuống quanh nền của bảo tháp để bụi đất không dấy lên, rồi ông ta đi hái thật nhiều hoa dại dâng cúng bảo tháp. Cuối cùng ông ta lấy cái khăn đắp vai của mình xếp thành hình lá cờ, rồi buộc vào cái dù mà ông ta đã mang theo và dựng nó lên trên đỉnh của bảo tháp. Rồi ông ta ra đi.
Sau khi đã kể lại câu chuyện quá khứ như vậy, Đức Phật chỉ ra mối tương quan giữa những biến cố trong quá khứ với những biến cố trong hiện tại như sau:
“ Này các tỳ khưu, các con ắt thắc mắc muốn biết vị Bà-la-môn Saṅkha là ai. Các con không cần suy nghĩ nhiều về điều đó. Vị Bà-la- môn Saṅkha chẳng ai khác, đó chính là Như Lai.
(1) Như Lai khi ấy, là một vị Bồ tát, đã quét dọn sạch sẽ khuôn viên của bảo tháp tôn trí xá-lợi của vị Phật Độc giác Susima. Do việc phước này cho quả lợi ích khiến dân chúng làm vệ sinh sạch sẽ và san bằng con đường dài năm do tuần ở bên này sông Hằng và ba do tuần ở bên kia sông.
(2) Như Lai khi ấy, là một vị Bồ tát, đã rải cát lên khuôn viên bảo tháp của Đức Phật Độc giác. Do kết quả lợi ích phát sanh từ việc phước ấy, nên mọi người đã rải cát suốt con đường dài tám do tuần.
(3) Như Lai khi ấy, là một Bồ tát, đã hái thật nhiều hoa dại cúng dường bảo tháp. Việc phước này của Như Lai cho kết quả là nhân loại và chư thiên rải xuống nhiều loại hoa trên mặt đất và trên mặt nước xa khoảng chín do tuần.
(4) Như Lai khi ấy, là một vị Bồ tát, đã tưới nước xuống sân nền bảo tháp của Đức Phật Độc giác để ngăn chặn bụi đất không bay lên. Do kết quả lợi ích của việc phước này khiến đám mưa Pokkharavasa rơi xuống khi Như Lai đặt chân đến vùng đất của xứ Vesali.
(5) Như Lai khi ấy, là một vị Bồ-tát, đã dựng lên một lá cờ ở bảo tháp của Đức Phật Độc giác và dựng lên một cái dù ở trên đỉnh của bảo tháp ấy. Do nguyên nhân của việc phước ấy khiến những lá cờ được dựng lên khắp lối đi thấu đến cõi Phạm thiên Sắc cứu cánh và những cái lọng trắng cũng được dựng lên ở khắp nơi.
Này các tỳ khưu, sự tôn kính cúng dường Như Lai một cách kỳ diệu như vậy không phải do những oai đức của Như Lai, là một vị Phật, cũng không phải do oai lực của các vị rồng, chư thiên và Phạm thiên. Sự cúng dường ấy được xem là những kết quả lợi ích phát sanh từ một việc phước nhỏ mà Như Lai đã thực hiện khi còn là Bồ tát, trong kiếp sanh làm Bà la môn Saṅkha. Rồi để kết thúc thời Pháp, Đức Phật thuyết giảng câu kệ sau đây:
Mattāsukhapariccāgo Passe ce vipulaṁ sukhaṁ caje mattāsukhaṁ dhīro
sampassaṁ vipulaṁ sukhaṁ.
Khi biết rằng một hành động xả ly bằng cách hy sinh những cảm thọ lạc thú mà chỉ cho một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, lại đem đến quả báu to lớn như hạnh phúc của Niết bàn, khi ấy người có trí chắc chắn sẽ từ bỏ lạc thú nhỏ nhoi ấy để mưu cầu hạnh phúc Niết bàn.
Vào lúc kết thúc thời pháp, nhiều chúng sanh chứng đạo quả Nhập lưu (Sotāpatti-magga-phala), v.v...
Kết thúc bài pháp về bà la môn Saṅkha
Vào thời Đức Phật, có một đoàn nghệ sĩ sân khấu gồm năm trăm diễn viên, thường trình diễn giải trí cho vua nước Rājagaha một năm một lần hoặc hai lần trong bảy ngày. Nhờ đó họ nhận được món tiền thưởng to lớn bằng vàng và bạc. Số tiền thưởng mà dân chúng ái mộ thưởng cho trong khoảng thời gian giữa buổi biểu diễn thì rất nhiều. Công chúng ngồi trên những hàng ghế, dãy sau cao hơn dãy trước, cứ thế nối dài.
Buổi biểu diễn của họ thường bắt đầu bằng sự xuất hiện trên sân khấu một cô gái trẻ đẹp, là con gái của diễn viên xiếc trưởng đoàn. Nàng trổ tài nhào lộn bằng nhiều cách trên một sợi dây bằng tre ở một độ cao nào đó cách mặt đất, nàng vừa múa vừa hát với giọng ca rất khả ái.
Trong số những khán giả xem xiếc, có chàng trai Uggasena, con trai của vị trưởng giả. Cậu ta thưởng thức buổi trình diễn cùng với một người bạn. Cậu chăm chú nhìn ngắm nữ diễn viên đầy ấn tượng đang biểu diễn màn xiếc với nhiều kiểu cách và tư thế khác nhau. Sự uốn người một cách mềm dẽo, đưa người lên, duỗi tay và duỗi chân rất nhẹ nhàng của nàng. Cậu ta đi về nhà trong tâm trạng mê mẫn và luyến ái mãnh liệt đối với nàng diễn viên trẻ đẹp. Về đến nhà, cậu nằm dài trên giường, miệng lẩm bẩm: “ Ta chỉ có thể sống nếu ta lấy được nàng, bằng không thì ta sẽ chết ngay trên chiếc giường này,” và nằm như vậy mà chẳng ăn uống gì cả.
Cha mẹ của cậu thấy vậy mới hỏi rằng: “ Này con yêu, con bị bệnh gì vậy?” “Thưa cha mẹ, … con chỉ sống được nếu con chiếm được đôi tay của nàng nghệ sĩ xiếc mà con đã xem trình diễn trong khuôn viên của hoàng cung. Nếu không con sẽ chết trên chiếc giường này,” câu trả lời của cậu rất dứt khoát. Cha mẹ của cậu an ủi rằng: “ Này con yêu, đừng có ủy mị như thế. Chúng ta sẽ kiếm cho con một cô gái xinh đẹp cùng giai cấp, địa vị giàu sang như chúng ta.” Nhưng Uggasena chẳng động lòng chút nào. Cậu ta vẫn lập lại ước muốn của mình như trước, không hề thay đổi và vẫn nằm lì trên giường.
Cha của Uggasena đã cố gắng nhiều lần để thuyết phục cậu ta thay đổi ý định, nói thỏ thẻ bên tai cậu ta bằng những lời xoa dịu, nhưng không có kết quả. Cuối cùng cha mẹ của cậu cho mời người bạn của cậu đến và nhờ người kia thay mặt họ đi nói chuyện với người lãnh đạo gánh xiếc, là cha của cô gái kia, với lời căn dặn rằng: “ Này con, hãy cầm món tiền một ngàn đồng này và trao nó đến người cha của cô gái diễn viên xiếc, yêu cầu ông ta nhận lấy nó và gả con gái của ông ta cho đứa con trai Uggasena của ta.”
Ông trưởng gánh xiếc trả lời với người đại diện như sau: “ Tôi chưa sẵn sàng nhận món tiền để trao đổi đứa con gái của tôi. Nếu cậu Uggasena, con trai của vị trưởng giả, không thể sống trừ khi cậu ta chiếm được đôi tay của con gái tôi thì cậu ta phải đi theo chúng tôi. Tôi sẽ gả con gái của tôi chỉ với điều kiện là cậu ta, phải theo chúng tôi bất cứ nơi nào chúng tôi đi đến.”
Khi cha mẹ báo tin ấy đến Uggasena, thì cậu nói rằng: “Thưa cha mẹ, nếu vậy con sẽ đi theo họ,” và khi nói vậy, cậu đi đến chỗ của ông trưởng gánh xiếc, bất chấp lời nói của cha mẹ và quyến thuộc. Người trưởng gánh xiếc giữ lời, ông ta đã gả đứa con gái cho Uggasena và họ đi khắp thành thị và làng mạc để biểu diễn những màn xiếc của họ.
Về sau người vợ của Uggasena sinh ra một đứa con trai. Người mẹ thường ru con, vỗ về bằng những lời như:
“Hãy ngủ đi con…Hỡi con trai của người giữ các cỗ xe bò.
Hãy ngủ đi con… Hỡi con trai của người xấu ác, người trông coi tiền thưởng.
Hỡi con trai của kẻ ngu si…Hãy ngủ đi con.”
Lời ru con như vậy ám chỉ đời sống của Uggasena. Khi nào nhóm biểu diễn dừng nghỉ trên đường đi lưu diễn thì Uggasena được giao trách nhiệm đi kiếm vật thực cho bò ăn và bảo vệ trại. Anh ta cũng làm công việc cất giữ số tiền thu được từ các buổi diểu diễn.
Uggasena nhận ra rằng những lời ru con đầy khiêu khích và có tánh chất trêu chọc của cô vợ đang ám chỉ đến mình. Anh ta bèn hỏi cô vợ: “ Phải chăng em ru con như vậy là để miệt thị anh?” Nàng đáp lại: “ Đúng như vây.” Uggasena giận dữ quát: “ Vậy thì anh sẽ bỏ em và trở về với cha mẹ của anh.” Cô vợ không động tâm với lời đe dọa này và đáp lại rằng: “ Tôi không quan tâm việc anh đi hay ở,” và tiếp tục lập đi lập lại lời ru con như thế (dầu biết rằng nó đang chọc tức Uggasena). (Nàng diễn viên này rất cao ngạo về sắc đẹp và tài năng múa hát của mình vì nó giúp nàng kiếm sống dễ dàng).
Uggasena suy nghĩ tại sao cô vợ của mình lại quá kiêu mạn như vậy và cuối cùng cậu ta nhận ra rằng: “ Sở dĩ nàng kiêu ngạo như vậy vì nàng là một diễn viên xiếc có tài.” Cậu quyết định học các ngón nghệ thuật xiếc. Gặp người cha vợ, bậc thầy của môn xiếc, cậu xin phép và được chấp thuận cho học đến khi trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Cậu ta đi từ nơi này đến nơi khác biểu diễn nghệ thuật xiếc trong làng mạc và phố chợ, và cuối cùng cậu trở lại kinh thành Rājagaha. Nơi đây, cậu cho công bố khắp kinh thành rằng “Sau bảy ngày, Uggasena, con trai của vị trưởng giả, sẽ biểu diễn những ngón xiếc và nhào lộn rất đẹp mắt và đầy kinh ngạc.”
Dân chúng tranh nhau đặt những ghế ngồi có chân cao hơn để xem biểu diễn rõ hơn và họ kéo đến chỗ biểu diễn vào ngày ấn định. Cuối cùng, Uggasena xuất hiện và trèo lên một cái cột cao sáu mươi hắc tay được làm bằng nhiều đoạn tre, gắn chắc lại với nhau. Vị ấy đứng trên đỉnh của cây sào và biểu diễn.
Vào ngày Uggasena biểu diễn, Đức Phật dò xét chúng sanh trong thế gian vào lúc sáng sớm và bằng Nhất thiết trí của Ngài, Ngài nhận thấy hình ảnh Uggasena đã lọt vào võng trí của Ngài, như con cá đi vào lưới, và khi quán xét điều gì sẽ xảy ra, Ngài thấy bằng Phật nhãn:
Sáng hôm nay, Uggasena sẽ đứng trên đỉnh của cái sào cao sáu mươi hắc tay để biểu diễn và dân chúng sẽ xuất hiện để chứng kiến. Tại hội chúng ấy, Ta sẽ thuyết pháp gồm bốn câu kệ. Nhờ nghe bài pháp của ta, sẽ có tám mươi bốn ngàn chúng sanh, đạt đến giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế và Uggasena sẽ chứng đắc đạo quả A-la- hán.
Khi đến giờ khất thực, Đức Phật cùng chúng tỳ khưu đi vào kinh thành như thường lệ. Trước khi Đức Phật đi vào kinh thành, Uggasena đã ra hiệu với khán giả bằng cách chỉ ngón tay trỏ của vị ấy về phía họ rằng anh ra sẽ bắt đầu biểu diễn và tiếng vỗ tay vang lên từ phía khán giả. Uggasena khi ấy đang đứng trên đỉnh của cây sào, bèn nhảy vào không trung và nhào lộn bảy lần trong không trung trước khi vị ấy rơi xuống và đứng trên cây sào.
Lúc bấy giờ, Đức Phật đã đi vào thành phố, Ngài dùng thần thông khiến khán giả chú ý đến Ngài. Như vậy Ngài đã hướng sở thích của họ đang nhắm vào Uggasena bỗng chuyển về phía Ngài. Khi đứng trên đỉnh sào nhìn thái độ của khán giả, Uggasena lưu ý rằng sự chú ý của họ đang hướng đến vị ấy bỗng chuyển sang Đức Phật. Vị ấy thất vọng và nghĩ rằng khán giả đã không còn quan tâm đến vị ấy nữa. Vị ấy tự nghĩ: “ Ta có thể biểu diễn màn xiếc này chỉ một lần trong một năm. Thế mà khi Đức Phật đi vào thành phố, khán giả đã không còn chú ý đến ta, họ chỉ chú ý đến Ngài. Tất cả những cố gắng để trình diễn tài năng xiếc đều trở thành vô nghĩa, chẳng kết quả gì.”
Đức Phật biết được những ý nghĩ đang diễn ra trong tâm của Uggasena và bảo đại đức Moggallāna rằng: “ Này con Moggallāna, con hãy đi đến với con trai của vị trưởng giả và nói với vị ấy rằng vị ấy nên tiếp tục biểu diễn.” Đại đức Moggallāna y theo lời dạy của Đức
Phật và đứng gần cây sào, đại đức nói lời động viên Uggasena bằng câu kệ sau:
Igha passa naṭaputta Uggasena mahābbala karohi rañgaṃ parisāya hāsayassu mahājanaṁ
Này anh Uggasena, người diễn viên xiếc có sức mạnh to lớn, ta yêu cầu anh hãy tiếp tục biểu diễn màn xiếc của anh với tâm thoải mái. Hãy nhìn vào đám đông đã hội họp. Hãy cho mọi người thưởng thức sự biểu diễn phi thường của anh và để họ tán dương tài nghệ của anh bằng tiếng reo hò vang dội.
Khi nghe những lời khuyến khích, cổ vũ của đại đức Moggallāna, Uggasena cảm thấy rất phấn khởi và đầy can đảm. Vị ấy nghĩ rằng Đức Phật muốn xem tài nghệ của mình. Cho nên, khi đang đứng trên đỉnh của cột sào, vị ấy đáp lại bằng câu kệ sau đây:
Igha passa Mahānna Moggallāna mahiddhika karomi rañgaṃ parisāya hasayami mahājanaṃ
Thưa đại đức Moggallāna, bậc có đại trí tuệ và đại thần thông! Hãy xem con sẽ biểu diễn tài nghệ của con trước đám đông đã hội họp ở đây với tâm trạng thoải mái. Con sẽ biểu diễn một pha xiếc ngoạn mục để khán giả reo hò nồng nhiệt và khen ngợi vang dậy.
Khi nói vậy, vị ấy tung người lên và thực hiện mười bốn vòng nhào lộn trong không trung trước khi xuống đứng trở lại trên đỉnh của cột sào.
Ngay khi ấy, Đức Phật khuyến giáo Uggasena bằng những lời sau đây: “ Này con Uggasena, người có trí nên từ bỏ sự luyến ái đối với năm uẩn đã sanh lên trước kia, đối với năm uẩn sẽ khởi sanh trong tương lai và đối với năm uẩn đang khởi sanh trong hiện tại. Do không chấp thủ năm uẩn, người ấy nên cố gắng giải thoát khỏi khổ sanh, khổ già, khổ chết.” Đức Phật tiếp tục thuyết pháp bằng câu kệ sau đây:
Muñgca pure muñca pacchato majjhe muñgca bhavassa paragu sabbatta vimuttamānaso
na punaṃ jātijaraṃ upehisi.
Này con Uggasena, hãy từ bỏ, hãy đoạn trừ ái dục đối với năm uẩn gồm danh sắc trong quá khứ, …trong tương lai, …trong hiện tại. Một khi con đã hoàn toàn từ bỏ sự luyến ái đối với năm uẩn trong quá khứ, tương lai và hiện tại, con sẽ siêu thoát khỏi vòng đau khổ của tam giới. Đó là dục giới (kāma-bhava), sắc giới (rūpa-bhava) và vô sắc giới (arūpa-bhava), và đạt đến chỗ hoàn hảo, trở thành người rành mạch về thắng trí (abhiñña), biến tri (pariñña), sự trừ đoạn (pahana), tu tập (bhāvanā), và tác chứng (sacchikiriyā), con sẽ sống giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả các pháp hữu vi và thoát khỏi sanh, già, bịnh và chết.
Vào lúc kết thúc thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Diệu Đế. Uggasena, con trai của vị trưởng giả, chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Vô-ngại-giải-trí (paṭisambhida-ñāṇa) trong khi còn đang đứng trên đỉnh của cột sào. Vị ấy xuống đất và đi đến Đức Phật, tôn kính đảnh lễ Ngài. Rồi vị ấy thỉnh cầu Đức Phật được thọ phép xuất gia. Ngài duỗi ra cánh tay ra và nói rằng “Ehi bhikkhu” để truyền phép thiện lai tỳ khưu cho vị ấy. Tướng mạo nghệ sĩ xiếc biến mất tức thì và Uggasena mang tướng mạo của vị đại trưởng lão sáu mươi hạ (tức tám mươi tuổi), đầy đủ tám món vật dụng của vị tỳ khưu.
Các vị tỳ khưu đồng đạo bèn hỏi Uggasena: “Phải chăng hiền giả không cảm thấy sợ hãi khi đi xuống từ cây sào tre cao sáu mươi hắc tay?” Nhân đó, Uggasena đáp lại rằng: “ Thưa các hiền giả, tôi chẳng chút sợ hãi.” Các vị tỳ khưu bèn đi đến Đức Phật và bạch với Ngài rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, Uggasena tự cho mình là bậc A-la- hán qua việc nói dối rằng ‘Vị ấy không cảm thấy sợ hãi chút nào khi vị ấy đi xuống từ đỉnh của cột sào.’ ”
Đức Phật cho lời giải thích tóm tắt để công nhận lời nói của Uggasena: “ Này các tỳ khưu, tất cả những vị tỳ khưu giống như con trai Uggasena của Như Lai, do đoạn tận các lậu hoặc bằng cách cắt đứt mười kiết sử (samyojana), thì không còn sợ hãi.”
Đức Phật tiếp tục thuyết giảng câu kệ sau đây, được bao gồm trong phẩm Brahmana vagga của Pháp cú kinh.
Sabbasaṁyojanam chetvā Yo ve naparitassati saṅgatigaṁ visaṁyuttaṁ tamataṁ brumi brāhmanaṁ.
Này các tỳ khưu, một vị tỳ khưu đã chứng đắc đạo quả A-la- hán do đoạn tận các lậu hoặc (āsava), quả thật đã cắt đứt mười kiết sử bằng lưỡi gươm của A-la-hán đạo (arahatta-magga). Do đó, vị ấy không thể bị dao động hay giật mình vì sợ hãi vốn có gốc rễ ở tham (lobha). Như Lai khen ngợi và công bố một vị A-la-hán như vậy, bậc đã khắc phục bảy loại nhiễm trước, đó là: tham dục, sân, mạn, tà kiến, thân, khẩu và ý bất thiện; và đã thoát khỏi bốn ách phược (kama, bhava, ditthi và avijja), là con người thực sự cao quý, thanh tịnh, Brahmana - người đã đoạn diệt tất cả mọi điều ác.
Nhiều người đã chứng đắc Dự lưu đạo (sotāpatti-magga), v.v… vào lúc kết thúc thời pháp.
Một hôm, các vị tỳ khưu lại hội họp ở chánh pháp đường để bàn luận về cách chứng đắc đạo quả A-la-hán của Uggasena: “ Thưa các hiền giả, người ta thoạt tiên tự hỏi làm thế nào một người như đại đức Uggasena, có đủ căn duyên để chứng đắc đạo quả A-la-hán, lại vì một cô nữ diên viên xiếc mà phải theo đoàn xiếc đi đến bất cứ nơi nào họ đến để lưu diễn. Thứ hai là nguyên nhân của cận y duyên mạnh mẽ để chứng đắc đạo quả A-la-hán là gì?” Đức Phật đi vào chánh pháp đường và hỏi rằng: “ Này các tỳ khưu, các vị đang bàn luận chuyện gì vậy?” Khi nghe câu trả lời của họ, Đức Phật giải thích tóm tắt với họ như vầy: “ Này các tỳ khưu, chính Uggasena đã là nguyên nhân của hai vấn đề này, nguyên nhân khiến vị ấy gắn bó với đoàn xiếc và nguyên nhân dẫn đến kết quả là vị ấy chứng đắc đạo quả A-la-hán.” Rồi Ngài tiếp tục kể lại đầy đủ câu chuyện như sau:
Cách đây đã lâu trong quá khứ, khi một bảo tháp được xây dựng để tôn trí xá-lợi của Đức Phật Kassapa, cả đàn ông và đàn bà của thành phố Bārāṇasī, từng đoàn lũ lượt kéo đến khu vực bảo tháp để đóng góp công sức mang theo nhiều vật thực trong những cỗ xe của họ. Trên đường đi, họ gặp một vị đại trưởng lão đang đi vào kinh thành để khất thực.
Lúc bấy giờ một người đàn bà lưu ý đến vị đại trưởng lão và nói với người chồng rằng: “ Này anh ạ, vị trưởng lão vẫn còn đang đi khất thực; anh hãy đi thỉnh lấy bát của ngài để chúng ta có thể cúng dường cái gì đó đến ngài. Chúng ta đã mang theo nhiều vật thực trong cỗ xe.” Người đàn ông đi thỉnh lấy bát từ vị tỳ khưu và sau khi bỏ đầy vật thực loại cứng và mềm đến ngang miệng bát, họ trao nó lại cho vị đại trưởng lão và cả hai vợ chồng cùng nói lên ước nguyện rằng: “ Bạch ngài đại trưởng lão, do việc phước mà chúng con đã làm đây, cầu xin cho chúng con có được trí tuệ siêu thế gian mà ngài đã giác ngộ.”
Người thọ lãnh vật thực cúng dường của họ không phải là vị tỳ khưu bình thường. Vị ấy là bậc A-la-hán không còn các pháp ô nhiễm, bằng vị lai trí (anāgata-ñāṇa), vị ấy thấy rằng ước nguyện của họ sẽ được thành tựu và vì vậy trưởng lão mỉm cười hoan hỉ. Người đàn bà thấy vậy, bèn nói khẽ: “ Anh ơi, vị đại trưởng lão này có thể làm diễn viên được đấy.” Người chồng cũng đồng ý nói rằng: “ Đúng, vị ấy có thể làm diễn viên.” Rồi họ đi khỏi chỗ ấy. Đây chính là nghiệp mà hai vợ chồng đã làm trong quá khứ.
Đôi vợ chồng sống đến cuối cuộc đời của họ trong kiếp ấy và tái sanh vào cõi chư thiên. Sau khi thọ hưởng cuộc sống của chư thiên, người vợ tái sanh xuống cõi người làm con gái của người diễn viên trưởng gánh xiếc trong kiếp hiện tại, tức kiếp cuối cùng của nàng. Người chồng tái sanh làm con trai của vị trưởng giả trong kiếp cuối cùng của vị ấy. Mang cái tên là Uggasena. Dầu sanh làm con trai của vị trưởng giả, nhưng vì ác nghiệp đã đồng tình nói lời chế giễu bậc A- la-hán: “ Đúng, vị ấy có thế làm diễn viên” trong kiếp quá khứ, và cũng do thiện nghiệp đã cúng dường vật thực đến (bậc A-la-hán với tâm tịnh tín) nên vị ấy đã phải làm diễn viên xiếc rồi mới chứng đắc đạo quả A-la-hán.
Khi Uggasena chứng đắc đạo quả A-la-hán và trở thành vị thiện lai tỳ khưu thì vợ của vị ấy, nàng diễn viên trẻ, tự nghĩ: “ Chồng ta có bất cứ mức độ trí tuệ nào thì ta cũng có mức độ trí tuệ y như vậy.” Khi suy nghĩ như vậy, nàng đi đến các vị tỳ khưu ni và thọ phép xuất gia từ họ. Và sau khi chuyên tâm thực hành pháp, đúng lúc nàng cũng chứng đắc đạo quả A-la-hán, sau khi đoạn tận tất cả các lậu hoặc.
Chấm dứt về nghiệp quá khứ của Uggasena
Có một con sông nhỏ tên là Rohinī, nằm giữa hai nước Kapilavatthu và Koliya. Hai vương quốc đã hòa thuận thay phiên nhau đưa nước vào những dãi đất trồng trọt của riêng họ bằng cách kiểm soát dòng nước bởi một cái đập.
Nước ở trong con kênh dẫn vào hạ xuống mức thấp nhất vào tháng Jetthamasa (tháng 6) và cây cối trồng trọt thường bị khô héo. Nhưng người nông dân của hai nước họp lại để bàn luận về vấn đề chia phần nước ở trong con kênh. Ở buổi họp, những người nông dân của nước Koliya nói rằng:
“ Thưa các bạn, nếu lượng nước nhỏ nhoi trong con kênh được chia cho cả hai chúng ta, thì không ai trong chúng ta nhận được đủ lượng nước, để tưới cho đồng ruộng của chúng ta phải có thêm một lượng nước nữa mới đủ để tưới hết đồng ruộng của cả hai. Do đó, chúng tôi yêu cầu các bạn hãy để chúng tôi sử dụng lượng nước nhỏ nhoi này.”
Những người nông dân của nước Kapilavattha cũng nói như vầy:
“ Thưa các bạn, chúng tôi không thể đi từ cửa nhà này đến cửa
nhà khác của các bạn mang theo những cái thúng và những túi đựng vàng bạc và đá quí để tìm mua thóc trong sự phiền não, trong khi các bạn thì ung dung với lúa thóc đầy bồ. Vụ mùa của chúng tôi cũng vậy, cũng sắp chín và cần được tưới nước như thế.”
Những cuộc tranh cãi gay gắt xảy ra sau đó, một bên thì nói rằng: “ Chúng tôi sẽ không nhượng bộ.” Phe kia đáp lại y như vậy. Lời qua tiếng lại, cuối cùng dẫn đến đánh đấm, người nông dân ở phe này bắt đầu tấn công người nông dân ở phe kia và người kia cũng đáp trả như vậy. Cuộc ẩu đả diễn ra giữa những người nông dân của hai phe cuối cùng biến thành thù địch (giống như ngọn lửa nhỏ bốc cháy dữ dội và cuối cùng đốt cháy cả lâu đài) đến mức chỉ trích cả bộ tộc hoàng gia của cả hai phía. Những nông dân Koliyan chỉ trích rằng: “ Các người dựa vào những người trong hoàng tộc của nước Kapilavatthu để dọa chúng tôi hả. Những người trong hoàng tộc của nước Kapilavatthu này cư xử như những con chó tầm thường và những con giả can trong rừng, lấy em gái của mình làm vợ. Những con voi, con ngựa và những chiếc áo giáp của họ có thể làm gì được chúng ta.”
Những người nông dân của nước Kapilavatthu đáp trả bằng giọng điệu không kém gay gắt: “ Các người dựa vào những tên cùi bé nhỏ của các người để dọa chúng ta, con cháu của bộ tộc Koliya mà các người nương tựa, chính họ đã rơi vào cảnh ngộ bi thảm kể từ khi họ bị đuổi ra khỏi kinh thành và sống như những con thú ở trong những bọng cây Kola. Những con voi, con ngựa và những chiếc áo giáp của họ có thể làm được gì chúng ta.”
Những người nông dân của hai phe trở về thành phố của họ và trình lại vấn đề lên các vị quan phụ trách về nông nghiệp và những vị quan này trình lên các vị lãnh đạo.
Kết quả là các vị Thích ca của nước Kapilatthu chuẩn bị tiến hành chiến tranh với các vị Koliya và đi ra khỏi kinh thành, hô vang khẩu hiệu xung trận: “ Những người chồng của những chị em họ sẽ trổ tài chiến đấu.” Những người hoàng tộc bên phe của những người Koliya cũng chuẩn bị chiến tranh và đi ra với khẩu hiệu xung trận của họ là: “ Những kẻ trú trụ trong bọng cây Kola sẽ trổ tài chiến đấu.”
Lúc bấy giờ, Đức Phật vẫn đang ngụ ở tịnh xá Jetavana tại Sāvatthi. Vào chính ngày mà hai phe đối địch Kapilavatthu và Koliya đã sẵn sàng ra trận, thì vào lúc rạng sáng Ngài quán sát thế gian và biết rằng một trận chiến đẫm máu sắp xảy ra giữa hai phe đối địch ngay chiều hôm ấy. Đức Phật còn biết thêm rằng Ngài sẽ có cách ngăn chặn chiến tranh bằng cách xuất hiện trước mặt họ và thuyết giảng ba câu chuyện bổn sanh, đó là Phandāna, Duddaba và Lathukika. Sự thuyết pháp này sẽ đem lại hòa bình cho họ. Rồi Ngài sẽ thuyết thêm hai bổn sanh Rukkha Dhamma và Vattaka, và cuối cùng là bài kinh Attadanta để đem lại cho họ những lợi ích của sự hòa hợp và đoàn kết.
Sau khi nhận rõ mọi việc như vậy, Đức Phật quyết định đi đến chỗ giáp mặt của hai phe và cứu nguy cho quyến thuộc của Ngài tránh khỏi tai họa tàn sát lẫn nhau. Vào buổi sáng, Ngài đi khất thực như thường lệ và ở trong hương phòng suốt ngày. Đến chiều, Ngài rời khỏi hương phòng, mang theo y bát, một mình xuất hiện giữa chiến trường mà không báo cho bất cứ ai biết. Tại chỗ ấy, Ngài ngồi kiết già trong hư không giữa hai phe đối địch và khiến cho những tia hào quang màu xanh đậm phát ra từ chân lông của Ngài làm cho bóng tối tràn ngập khắp nơi dù mặt trời chưa lặn. Sở dĩ Ngài làm như vậy là để tạo ra sự ăn năn trong tâm của hai phe tham chiến.
Trong khi tất cả mọi người đều kinh sợ trước hiện tượng kỳ lạ như vậy, thì Đức Phật phóng ra hào quang sáu màu từ thân của Ngài và hiện rõ thân tướng của Ngài trước mắt họ.
Khi những thành viên của bộ tộc Thích Ca trông thấy Đức Phật, họ bắt đầu suy nghĩ như vầy: “ Đức Phật thuộc dòng dõi của chúng ta đã đến rồi. Có lẽ Ngài đã biết rõ sự xung đột của chúng ta.” Họ bàn bạc với nhau và quyết định rằng: “ Chúng ta thật không đúng và không thích hợp để khí giới của chúng ta giáng xuống thân thể của kẻ khác trước mặt Đức Phật. Hãy để những người Koliya giết chết hoặc bắt trói chúng ta, nếu họ muốn như vậy.” Sau khi đã thỏa thuận với nhau, họ buông bỏ tất cả khí giới của họ và ngồi xuống tôn kính đảnh lễ Đức Phật.
Những người Koliya cũng đi đến quyết định giống như vậy. Họ cũng buông bỏ khí giới của họ và ngồi xuống đảnh lễ Đức Phật trong khi Ngài trên không trung từ từ đi xuống và ngồi một nơi tôn nghiêm trên một bãi cát, với tất cả uy nghi và oai lực của một vị Phật.
Đức Phật cố ý hỏi rằng: “ Tại sao tất cả các vị đến đây?” Vua của hai nước thưa rằng: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không đến đây để nhìn con sông, cũng không phải để vui chơi; sự thật là chúng con đến đây để tiến hành chiến tranh với nhau tại vùng cát này.”
Đức Phật lại hỏi: “ Thưa hai vị đại vương…nguyên nhân nào gây ra sự xung đột giữa các vị?” Họ đáp lại: “ Nước của dòng sông Rohini là nguyên nhân.”
Đức Phật lại hỏi: “ Thưa hai vị đại vương…nước của dòng sông Rohini này giá trị đến bao nhiêu?” Họ đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, giá trị của nó rất nhỏ.” Đức Phật lại hỏi thêm: “ Quả đất có giá trị bao nhiêu?” “Giá trị của nó là vô hạn,” là câu trả lời.
Nhân đó, Ngài hỏi thẳng vấn đề: “ Các vị đánh giá dòng dõi Sát-đế-lỵ cao quý như thế nào?” Họ đáp lại: “ Giá trị của dòng dõi Sát-đế-lỵ cao quý thật là vô hạn.” Rồi Ngài dạy rằng:
“ Thưa các vị đại vương… một ít nước trong con kênh Rohini này có giá trị nhỏ như vậy, thế tại sao các vị muốn tiêu diệt dòng Sát- đế-lỵ vô giá bằng cách chiến đấu lẫn nhau. Không thể tìm thấy một chút an lạc nào trong những cuộc xung đột đầy uổng phí và không đáng giá. Thưa các vị đại vương…thù hận được gieo xuống bởi một vị thọ thần và con gấu ngấm ngầm tồn tại suốt cả một hiền kiếp (bhadda kappa).
Rồi Đức Phật thuyết giảng Bổn sanh Phandāna (trong phần Terasa Nipāta). Câu chuyện tóm tắt của nó như sau:
“Thưa các vị đại vương…Vào một thuở nọ, dưới triều đại của vua Brahmadatta ở Bārāṇasī, có một ngôi làng của những người thợ mộc ở bên ngoài kinh thành; và có một vị Bà-la-môn làm nghề thợ mộc. Ông ta đem gỗ từ rừng về và đóng thành những chiếc xe để kiếm sống.
Lúc bấy giờ, có một cây Kyo (Melicoca trijuna) trong vùng Himalaya. Một con gấu thường đến và ngủ thoải mái dưới cây ấy sau khi đã kiếm ăn no nê. Một hôm nọ, một nhánh cây bị gãy do bởi một cơn gió mạnh và rơi xuống trên lưng của con gấu làm nó bị thương nhẹ. Nó không nhìn thấy kẻ thù nào cả.
Bởi vậy nó tự nghĩ: “ Không có con thú nào như sư tử, hổ hoặc báo ở quanh đây để làm hại ta và không thể có ai khác ngoài vị thần cây, vì ganh ghét việc ta ngủ dưới gốc cây nên đã làm hại ta. Ta quyết sẽ trả thù vị ấy,” và như vậy chuyện nhỏ xé ra to. Con gấu húc vào cây và dùng móng vuốt cào vào cây và nói rằng: “ Ta đã không ăn những ngọn lá của ngươi, cũng không bẻ gãy các nhánh của ngươi. Ngươi không tỏ thái độ thù hận đối với những con vật khác đến nghỉ dưới gốc cây, nhưng người lại đố kỵ ta. Ta có lỗi gì? Ngươi cứ đợi đó, chỉ trong hai, ba ngày, ta sẽ làm cho cây của ngươi bị ngã tróc rễ và bị xẻ ra từng mảnh.”
Sau khi đe dọa vị thọ thần, con gấu đi quanh vùng lân cận để tìm kiếm một người nào đó có khả năng gây tổn hại cho cây ấy.
Ông Bà-la-môn thợ mộc cùng với vài người phụ việc đi vào khu rừng trong một chiếc xe nhỏ để tìm gỗ đem về đóng thành những chiếc xe. Họ bỏ chiếc xe tại một chỗ nọ và đi vào khu rừng mang theo những cái rìu và búa đẽo. Họ đi quanh để tìm kiếm loại gỗ thích hợp và cuối cùng họ đến gần cây Kyo (tiếng Miến).
Khi con gấu trông thấy ông Bà-la-môn thợ mộc, nó nghĩ: “ Ngày hôm này, ta có thể rửa được mối thù với kẻ thù của ta,” và nó đi đến đứng dưới gốc cây. Khi người thợ mộc đi ngang qua cây ấy, con gấu tóm lấy cơ hội nói với ông ta như vầy:
“ Này ông bạn, ông đã đi vào khu rừng với những búa rìu trong tay. Hãy nói thật cho tôi biết rằng ông định đốn hạ cây nào?”
Khi người thợ mộc nghe những lời nói của con gấu, ông ta thốt lên trong kinh ngạc: “ Này các em, thật kỳ lạ thay, con gấu biết nói tiếng người. Một điều mà từ trước đến giờ ta chưa từng nghe hoặc thấy.” Rồi ông ta nghĩ một con gấu như vậy mà biết nói tiếng người sẽ biết loại gỗ nào thích hợp để làm ra những chiếc xe và vì vậy ông ta hỏi con gấu:
“ Hỡi vua của loài gấu, người đã đi khắp nơi, lên đồi, xuống vực. Hãy thành thật nói cho tôi biết loại gỗ nào là thích hợp nhất để làm ra những chiếc xe?”
Khi con gấu nghe qua những lời này, nó cảm thấy rằng nguyện vọng của nó sắp được thành tựu và nó đáp lại bằng câu kệ:
“ Cây pterocarpus indicus không đủ chắc để dùng làm khung; cây acacia catechu thì không thích hợp lắm. Cây shorea cũng vậy; và cây myaukngo cũng yếu. Chỉ có một loại cây như cây melicoca trijuga, gỗ của nó rất thích hợp cho việc đóng khung xe.”
Người thợ mộc rất vui sướng khi nghe điều ấy và ông ta tự nghĩ: “ Ta đã đi vào khu rừng đúng ngày kiết tường và ngay cả một con thú như con gấu cũng đã chỉ cho ta loại gỗ thích hợp nhất để làm ra những chiếc xe. Thật là may mắn.” Và ông ta hỏi con gấu:
“ Này gấu thân mến… những nhánh, lá và thân cây thì như thế nào? Này bạn tốt, hãy cho tôi biết mọi thứ để tôi có thể biết tất cả về cây ấy.”
Con gấu trả lời bằng hai câu kệ :
“ Này ông Bà-la-môn, có một cây nọ có nhánh và tán lá oằn xuống. Những thứ ấy bền, chắc, dễ uốn. Bây giờ tôi đang đứng ở dưới gốc của cây ấy. Nó có tên là Melicoca trijuna. Gỗ của nó là thứ thích hợp để làm vành xe, trục xe và tất cả những phụ tùng khác của xe.”
Sau khi nói lên hai câu kệ này, con gấu bỏ đi với tâm vui sướng và đến một nơi khác thích hợp để kiếm mồi. Rồi người thợ mộc bắt đầu sắp xếp công việc đốn hạ cây ấy. Vị thọ thần suy nghĩ: “ Dầu ta không ném bất cứ vật gì trên lưng của nó, nhưng con gấu đã nuôi dưỡng thù hận với ta và gieo hạt giống hận thù không đâu. Giờ đây nó đã rắp tâm tiêu diệt chỗ ở của ta. Nếu chỗ ở của ta bị tiêu diệt, chắc ta cũng sẽ bị tiêu diệt. Ta sẽ dùng một mưu mẹo để tiêu diệt lại nó.” Rồi vị ấy biến thành một người lao động và đi đến người thợ mộc rồi hỏi ông ta rằng: “ Thưa ông, ông đã có được một cây xinh đẹp. Ông định làm gì một khi ông đã xẻ gỗ nó ?” Người thợ mộc đáp lại:“ Ta sẽ làm một khung xe.” “ Ai đã nói với ông rằng gỗ của cây này là tốt để làm chiếc xe?” vị thọ thần dò hỏi. “ Một con gấu đã nói với tôi như vậy,” là câu trả lời. Vị thọ thần bèn nói rằng: “Thế là tốt, con gấu đã cho ông lời khuyên tốt. Quả thật vậy, chiếc xe mà ông sẽ làm theo lời khuyên của con gấu sẽ là chiếc xe xinh đẹp; và tôi cũng muốn cho ông một lời đề nghị rằng: để sườn xe của ông thêm chắc, cần phải có sợi dây đai lấy từ da ở quanh cổ của con gấu, và nhờ vậy chiếc xe của ông sẽ có giá.”
Người thợ mộc hỏi: “ Này ông bạn, tôi có thể đi đâu để kiếm được da của con gấu?”.
Vị thọ thần nói rằng: “ Này ông bạn, ông vẫn còn trẻ nên không biết rằng cây là vật vô tri ; nó sẽ ở đây và không bỏ chạy đi đâu. Chỉ cần nhanh chân đuổi theo con gấu đã nói cho ông biết về cây này và tôn kính hỏi nó rằng: “Thưa ngài, phần nào của cây mà ngài đã chỉ cho tôi là nên đốn? ” rồi thuyết phục nó trở lại cây này. Rồi chẳng nghi ngờ gì, nó sẽ đưa cái mõm dài của nó ra để chỉ cho ông: ‘ Hãy đốn ở chỗ này. Hãy đốn ở chỗ này.’ Ngay khi ấy, ông hãy dùng cái rìu sắc bén của ông mà chém xuống và kết liễu cuộc đời của nó. Rồi hãy lột da của nó, ăn thịt của nó, xong xuôi hãy làm công việc đốn hạ cây.”
Như vậy hạt giống thù hận đã được gieo. Khi nghe những lời của vị thọ thần, ông Ba-la-môn thợ mộc bày tỏ nỗi vui sướng mà nói rằng: “ Ôi, kỳ diệu thay. Đây là một ngày tốt cho ta.” Ông ta trở về nhà sau khi giết chết con gấu và đốn hạ cây ấy.
Đức Phật kết thúc thời pháp của Ngài bằng cách thuyết giảng Đẳng Chánh giác kệ (Abhisambuddha) để sách tấn và khuyên dạy những người quyến thuộc đang gây thù chuốc oán lẫn nhau.
Iccevaṃ phandano issaṁ Isso ca pana phandānaṁ aññamaññaṃ vivādena aññamaññamghatayuṁ.
Thưa các vị đại vương… Như vậy con gấu đã xung đột với vị thọ thần và vị thọ thần đáp trả lại con gấu. Sự thù hận của họ cuối cùng đã dẫn đến sự diệt vong cho cả hai.
Evameva manussānaṃ Virādo yattha jāyati
mayuramaccam naccanti yatha te issaphandanā.
Thưa các đại vương… Khi mọi người chiến đấu lẫn nhau, họ hành động giống như vị thọ thần và con gấu theo cách của con công đang múa. Giống như con công nếu múa thì không tránh được việc phơi bày những phần riêng trên thân; cũng vậy, mọi người đánh nhau không thể nào che dấu điều gì cần được che dấu…(ám chỉ những lời chỉ trích liên quan đến nguồn gốc của những người Sakya và những người Koliya được nói ra bởi hai phe tham chiến).
Taṃ vo vadāmi bhadaṃ vo yāvantettha samāgatā samodatha mā vivadatha mā hotha issaphandanā.
Thưa các vị đại vương, chúc các vị có được sự vinh quang và uy nghi, các vị đã kéo đến đây ở hai bên bờ sông Rohini. Như lai khuyên các vị hãy hành động như những dòng nước của hai con sông Ganges và Jumna, hòa hợp với nhau bằng tình thân ái. Hãy tránh gây diệt vong cho nhau. Đừng theo gương của con gấu và vị thọ thần.
Sāmaggimeva sikkhetha
Buddhe hetaṃ pasaṃsitaṃ samaggirato Dhammattho yogakkhemā na dhansati.
Thưa các vị đại vương, hãy phấn đấu cho sự đoàn kết. Chư Phật đã từng khen ngợi những đức lành của sự đoàn kết. Người vui thích trong đời sống hòa hợp, an trú trong mười thiện hạnh chắc chắn sẽ đạt được trọn vẹn hạnh phúc của Niết bàn, là sự chấm dứt tất cả ách phược trói buộc con người trong vòng tử sinh.
Hai phe đối địch, Sakya và Koliya thân ái đoàn kết nhau sau khi nghe thời pháp của Đức Phật. Để kết thúc thời pháp, Đức Phật nhận diện bổn sanh như sau: Ngài chính là vị hộ thần đứng đầu cả khu rừng, khi ấy đã chứng kiến sự xung đột giữa con gấu và vị thọ thần.
Kết thúc Bổn sanh Phandana
Đức Phật tiếp tục sách tấn hội chúng: “ Thưa các đại vương, đừng tin vào những gì kẻ khác nói mà không suy xét kỹ lưỡng. Tất cả những con vật bốn chân của khu rừng Himalaya, rộng ba do tuần, có một thời sắp chìm vào đại dương do không suy nghĩ kỹ, mà tin vào lời nói của con thỏ đang bỏ chạy và kêu thét trong sợ hãi rằng: ‘ Quả đất đã tan vỡ ! Quả đất đã tan vỡ !’ Các vị đừng bao giờ để mình trở thành người dễ tin theo lời nói của kẻ khác mà không suy xét cẩn thận.” Với những lời mở đầu này, Đức Phật thuyết pháp về Bổn sanh Duddubha trong phẩm Catukka Nipāta.
Chú thích : Bổn sanh này kể lại câu chuyện về con thỏ sợ hãi không đúng chỗ do một chùm trái cây trên ngọn lá rơi xuống nơi nó đang nằm ngủ. Giật mình sợ hãi nó vừa chạy về phía biển vừa kêu la rằng: ‘Quả đất đã tan vỡ !’ Tất cả những con thú bốn chân trong khu rừng Himalaya do không suy nghĩ kỹ, cũng sợ hãi không kém đã bỏ chạy cho đến khi chúng bị chặn lại bởi con sư tử chúa - kẻ cứu chúng thoát khỏi tai họa sắp xảy ra sau khi đã điều tra kỹ về khía cạnh của vấn đề. (Muốn biết thêm chi tiết, hãy xem Bổn sanh số 550).
Rồi Đức Phật tiếp tục giáo huấn họ rằng đôi khi một kẻ yếu có thể có cơ hội tiêu diệt một kẻ mạnh, trong khi vào những dịp khác thì kẻ mạnh thường đánh bại kẻ yếu. Khi cho ví dụ về con chim sơn ca gây ra cái chết cho một con voi mạnh khỏe, Đức Phật thuyết thời pháp sau đây về Bổn sanh Laṭukika trong phẩm Pañcaka Nipāta.
‘Thưa các đại vương… Vào một thuở nọ, dưới triều đại của vua Brahmadatta ở Bārāṇasī, Bồ tát tái sanh làm một con voi. Khi lớn lên, con voi có tướng mạo xinh đẹp với thân hình khổng lồ. Nó sống trong những khu rừng của dãy núi Himalaya, lãnh đạo một đàn voi đông đảo đến tám chục ngàn con.
Lúc bấy giờ, một con chim sơn ca cái tình cờ ấp trứng ở trên dấu chân của những con voi. Voi Bồ tát đi trong đoàn voi tám chục ngàn con, dọc theo con đường ấy vào lúc những con chim sơn ca con chưa đủ khả năng để bay. Cuối cùng Bồ-tát và đàn voi của Ngài đến nơi của những con chim sơn ca đang ở .
Khi sơn ca mẹ trông thấy voi chúa, nó lo âu về số phận của những đứa con. Nó suy nghĩ: “ Nếu ta không đến gặp voi chúa thì chắc chắn voi chúa sẽ giẫm lên những đứa con của ta và giết chết chúng. Ta phải mau đi đến vị ấy và cầu xin sự bảo vệ cho con của ta.” Bởi vậy, với đôi cánh được khép lại để tỏ sự tôn kính, nó đứng ngay trước mặt voi chúa và nói lời cầu xin như sau:
Vadāmi taṃ kuñcara saṭṭhihayanaṃ ārannakaṃ yuthapatim yasassiṃ pakkhehi taṃ pañcalikaṃ karomi
mā me vadhī puttake dubbalāya.
Tâu bệ hạ, chúa tể của loài voi. Bậc có sức mạnh chỉ suy giảm ở tuổi sáu mươi, bậc lãnh đạo của đàn voi rảo đi trong khu rừng. Tôi xin đảnh lễ ngài, tôn kính ngài bằng hai cánh xếp lại của tôi. Tôi cầu xin cho những đứa con của tôi được an toàn tính mạng do không bị giẫm lên người của chúng.
Nhân đó, Bồ tát nói lời an ủi chim sơn ca mẹ: “Hỡi nàng sơn ca trẻ trung, đừng lo buồn, ta sẽ bảo vệ các con của người để không có nguy hại nào xảy đến cho chúng.” Và vị ấy đứng che chở cho những chú chim con, với bốn chân được đặt ở quanh chúng. Tất cả những con voi đi qua và những con chim sơn ca con được cứu sống. Rồi Bồ tát gọi chim sơn ca mẹ đến và khuyên nó trước khi vị ấy ra đi : “Hỡi nàng sơn ca trẻ trung, có một con voi dữ to lớn, không đồng hành với ai, sẽ đến đây sau chúng tôi. Nó không chịu nghe lời chúng tôi. Khi nó đi đến, ngươi nên đi gặp nó vì sự an toàn của các con, cầu xin nó tha mạng cho các con của ngươi.”
Khi sơn ca mẹ trông thấy con voi dữ đi đến, nó đi đến con voi ấy với hai cánh xếp lại một cách thành kính và cầu xin con voi theo như lời khuyên của voi chúa:
Vandāmi taṃ kuñjara ekacāriṃ āraññakaṃ pabbatasānugocaraṃ pakkhehi taṃ pañcalikaṃ karomi mā me vadi puttake dubbalāya.
Hỡi Tượng vương, người một mình rảo đi trong các khu rừng, ăn cỏ trong các thung lũng và đồi cát. Tôi xin đảnh lễ ngài, tôn kính ngài bằng hai cánh được xếp lại của tôi. Tôi cầu xin cho những những đứa con của tôi được an toàn tính mạng nhờ không bị giẫm lên người của chúng.
Khi nghe những lời đầy khiêm cung của chim sơn ca mẹ, con voi dữ đáp lại:
Vadissami te laṭukike puttakāni kiṁ me tuvaṃ kahasi bubbalāsi sataṃ sahassanipi tadisīnam
vāmena pādena papothayeyyaṃ.
Này con chim sơn ca kia…(Tại sao ngươi để những đứa con của ngươi giữa lối đi của ta? Ngươi thật là láo xược). Ta sẽ giẫm lên chúng và chà nát chúng. Ngươi làm sao có thể trả thù được ta khi ngươi yếu, còn ta đủ mạnh để giẫm nát một con sơn ca cỡ như ngươi bằng bàn chân trái của ta.
Khi nói vậy, con voi dữ chà nát những con chim sơn ca con, tiểu trên lên chúng rồi bỏ đi, miệng phát ra những tiếng kêu bằng giọng của con chim sếu.
Ngồi trên nhánh cây, sơn ca mẹ nói lời đe dọa: “ Ê này, người quả là con voi ác độc. Lần này người thắng thế và bỏ đi, vui sướng ré lên bằng giọng của con chim sếu. Người hãy đợi đó! Trong vòng hai hoặc ba ngày, người sẽ thấy sức mạnh của ta. Ngươi không biết rằng sức mạnh của trí tuệ hùng mạnh hơn nhiều so với thể lực. Ta sẽ cho ngươi biết sự thực trong vòng vài ngày thôi.
Na heva sabbattha balena kiccaṃ balaṃ hi bālassa vadhāya hoti
karissāmi te nāgarājā anatthaṃ yo me vadhī puttake dubbalāya.
Này voi chúa, không phải việc nào cũng dùng đến sức mạnh là xong đâu; dùng sức mạnh mà không có trí tuệ có thể là tự giết mình. Ngươi đã tàn nhẫn giẫm chết những đứa con của ta, ta sẽ tiêu diệt ngươi chỉ vài ngày thôi.
Sau khi nói lời tuyên chiến như vậy, chim sơn ca mẹ xoay sở trong hai hoặc ba ngày để chiếm cảm tình của con quạ bằng cách hầu hạ nó.
Hài lòng với hành vi khả ái của chim sơn ca mẹ, con quạ hỏi nó: “Ta có thể làm được điều gì cho ngươi đây?” Sơn ca đáp lại: “ Điều tôi muốn yêu cầu bạn như một đặc ân là hủy diệt đôi mắt của con voi dữ mà nó dùng để đi nghinh ngang đây đó. Đó là sự giúp đỡ của bạn mà tôi cầu xin.”
Con quạ trả lời: “ Ta sẽ làm điều đó.” Rồi sơn ca mẹ đi đến một con ruồi xanh cái và kết bạn với nó giống như với con quạ. Khi con ruồi hỏi sơn ca muốn gì, nó yêu cầu rằng: “ Khi bạn quạ của tôi hủy hoại đôi mắt của con voi hung dữ, tôi muốn bạn hãy đẻ trứng vào hai hốc mắt của nó.” Khi con ruồi xanh hứa hợp tác và nói rằng: “ Được, tôi sẽ làm như vậy,” sơn ca mẹ bèn đi đến một con nhái và kết bạn với nó. Con nhái hỏi nó có thể làm gì để giúp và con chim đáp lại: “ Khi con voi hung dữ đã bị mù do hai người bạn của tôi, quạ và ruồi, và nó sẽ đi tìm nước để giải cơn khát, tôi muốn bạn hãy phát ra tiếng kêu từ trên đỉnh đồi. Khi con voi nghe giọng kêu của bạn, nó sẽ đi lên đồi, khi ấy bạn đi xuống dưới đáy của vách đá và phát ra tiếng kêu của bạn ở đó.” Con nhái cũng hứa sẽ giúp sơn ca mẹ.
Vào ngày hôm sau, con quạ dùng cái mỏ của nó mổ vào đôi mắt của con voi theo như lời yêu cầu của chim sơn ca; con ruồi xanh đẻ trứng vào đôi mắt bị thương của nó. Đau đớn vì đôi mắt bị thương, phần thì bị dòi đục khoét, phần thì khát nước dữ dội, con voi hung dữ đi loạng choạng để tìm nước.
Rồi con nhái bắt đầu kêu lên từ trên đỉnh đồi. Nghe tiếng kêu của con nhái và nghĩ rằng: “ Nơi nào có tiếng nhái kêu, nơi đó chắc có nước.” Con voi đi lên đỉnh đồi. Con nhái đi xuống dưới vách đá và cất lên tiếng kêu. Khi hướng đến vách đá nơi có tiếng kêu phát ra, con voi đi tới và lộn nhào xuống vực sâu, kết liễu cuộc đời của nó.
Chim sơn ca lấy làm vui sướng khi nó biết được cái chết của kẻ thù và cất lên tiếng kêu: “ Ôi, ta đã thấy lưng kẻ thù của ta.” Khi nói vậy, nó khệnh khạng đi tới đi lui nhiều lần trên lưng của con voi rồi bay đi đến nơi nó thích.
Đức Phật sách tấn hai nhóm vương gia, Ngài nói rằng: “ Thưa các vị vương gia, các vị không nên gây thù chuốc oán với bất cứ ai. Như câu chuyện trên, ngay cả con voi có sức mạnh to lớn cũng có thể bị hại bởi những sự cố gắng hợp tác của những con vật nhỏ, không có sức mạnh như con quạ, con ruồi xanh và con chim sơn ca.” Rồi Ngài tiếp tục dạy Chánh Đẳng giác kệ (Abhisam Buddha) sau đây:
Kālañca passa laṭukikaṃ
maṇḍḍhūkaṃ nīlamakkhikaṃ
ete nagaṃ aghatesuṃ
pasa verassa verinaṃ
tasama hi veraṃ na kayirātha
appiyenapi kenaci.
Hỡi những người của bộ tộc Thích ca! Hãy nhìn vào những con vật bé nhỏ này: con quạ, chim sơn ca, con nhái và con ruồi xanh. Bốn con vật này, nhờ chúng đã đoàn kết lại, nên đã đánh hạ một con voi chúa hùng mạnh. Các vị có thể thấy hậu quả của sự sân hận phát sanh đến người muốn gây thù chuốc oán. Do đó, các vị không nên tiếp tục gây thù với bất cứ ai, ngay cả với người mà các người không thích.”
Để kết thúc thời pháp, Đức Phật nhận diện bổn sanh như sau:
“ Con voi dữ lúc bấy giờ là Devadatta hôm nay và con voi chúa đầu đàn cao quý lúc bấy giờ chính là Như Lai.”
Kết thúc Bổn sanh Laṭukika
Sau khi thuyết giảng Bổn sanh Phandāna, Duddhubha và Laṭukika, Đức Phật tiếp tục thuyết giảng thêm hai Bổn sanh nữa để đem lại những lợi ích của sự đoàn kết.
“ Thưa các vị vương gia…Tất cả các vị đều có quan hệ máu mủ với nhau. Và đúng theo lẽ đạo thì những người quyến thuộc cùng huyết thống cần được đoàn kết gắn bó và sống với nhau trong hòa hợp. Không có kẻ thù nào có thể làm hại các vị khi các vị đoàn kết với nhau. Sự đoàn kết quả thật cần thiết ngay cả cây cối là vật vô tri, không kể đến loài hữu tình như loài người. Như Lai sẽ kể lại cho các vị nghe một câu chuyện có liên quan.
Vào một thuở nọ, một rừng cây Sala ở trong dãy núi Himalaya bị bão lớn thổi ập đến. Nhưng chẳng có một cây nào bị hư hại dù chút ít, vì chúng đứng san sát với nhau, giữ chắc với nhau bởi những bụi cây và những cây nhỏ ở xen kẽ. Cơn bão không thể luồn qua đám cây mà chỉ đi lướt qua trên ngọn cây rồi tiếp tục đi đến nơi khác. Ngược lại, một cây đơn độc có thân và nhánh to lớn, đã bị thổi ngã bởi một cơn gió mạnh do thiếu sự đoàn kết và sát cánh với những cây lớn, cây nhỏ và những bụi cây khác. Do đó, điều cần thiết là tất cả các vị phải đứng trong một khối đoàn kết qua sự hợp tác và liên kết.”
Nhân đó, các vị vương gia thỉnh cầu Đức Phật thuyết giảng chi tiết hơn về Bổn sanh có liên quan.
“ Thưa các vương gia… Vào một thuở nọ, dưới triều đại của vủa Brahmadatta, tại Bārāṇasī, một vị thiên Vessavana mạng chung và Sakka chỉ định một vị thiên khác thế chỗ vị kia. Trong thời kỳ chuyển tiếp này, vị Vessavana mới đã ban ra một lịnh mới cho phép tất cả các vị thiên được tự do tìm chọn lựa chỗ ở trong số những cây lớn, những cây nhỏ và những đám cây.
Bồ tát lúc bấy giờ là một vị thần ở nông thôn trông coi rừng cây Sala ở tại Hymalaya. Vị ấy khuyên những quyến thuộc của mình như vầy: “Thưa bà con, quý vị không nên chọn những cây ở nơi đất trống làm chỗ ngụ. Điều tốt nhất là quý vị nên ngụ ở những cây mà vây quanh cái cây tôi đã chọn làm chỗ ngụ ở trong khu rừng.”
Chư thiên có trí đã chiếm ngụ những cây ở quanh chỗ ngụ của Bồ-tát, y theo lời khuyên của Ngài. Những chư thiên kém trí thì thỏa thuận với nhau rằng: “ Trú ngụ tại những cây nằm giữa khu rừng, cách xa chỗ ở của loài người chẳng có lợi ích gì. Chỉ những kẻ sống ở gần những ngôi làng và phố chợ mới có thể khá lên được về cả lợi lộc lẫn danh vọng.” Sau khi quyết định vậy, họ chọn cách ngụ ở những cây dọc theo con đường chính trên những vùng đất trống.
Sau một thời gian, một trận bão mạnh dẫn theo trận mưa xối xả ập đến khắp vùng và tất cả cây cối bao gồm những cây to lớn cũng bị gãy nhánh và bị ngã sập trốc gốc. Khi cơn bão dữ dội thổi đến rừng cây Sala do Bồ tát kiểm soát, chúng thổi cuồng loạn khắp khu rừng, nhưng không một cây nào bị ngã nhờ đan kết chặt chẽ với nhau.
Chư thiên bị mất chỗ ở ra đi mang theo những đứa con của họ đến những người bạn trong rừng cây Sa-la ở Himalaya và kể cho những người bạn ấy biết cảnh ngộ bi thảm của mình. Những người bạn của họ đem chuyện ấy kể lại với vị thiên thủ lĩnh của họ, tức Bồ- tát.
Nhân đó, Bồ-tát giải thích với họ rằng: “ Điều rất tự nhiên là những kẻ quyết định ngụ ở những nơi như vậy do không nghe theo lời khuyên của bậc trí, thì phải đối mặt với những điều tổn hại.” Và rồi nói lên câu kệ sau đây:
Sādhu sambahulā ñati api rukkhā araññajā vāto vahati ekaṭṭhaṃ
brahmahāntampi vanappatiṃ.
“ Hỡi những quyến thuộc chư thiên của tôi… Khi đông đảo bạn bè và quyến thuộc sống gần gũi nhau, nương tựa lẫn nhau, ngay cả cây cối mọc lên khắp khu rừng, sẽ sống an nhàn thoát khỏi sự áp bức của các loại kẻ thù. Nhưng cây mà mọc lên ở chỗ biệt lập nơi đồng trống, dù có thân đồ sộ và nhiều nhánh dày đặc, cũng không thể chịu nổi bão táp, cơn bão sẽ bứng gốc của nó cùng với tất cả nhánh và lá.”
Sau khi thuyết bài pháp này, Bồ tát mạng chung vì thọ mạng đã hết.
Đức Phật kết thúc thời pháp bằng cách sách tấn họ như vầy: “
Hỡi các vị vương gia… Tất cả quyến thuộc trước hết nên cố gắng đoàn kết với nhau. Sau khi đã đoàn kết rồi, hãy sống cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, cư xử với nhau bằng tấm lòng từ ái.” Cuối cùng Đức Phật nhận diện Bổn sanh như sau: “ Thính chúng hiện nay là chư-thiên trong rừng cây Sala và Như Lai là vị thiên lãnh đạo chư thiên trong rừng cây Sala ấy.”
Kết thúc Bổn sanh Rukkha Dhamma
Rồi Đức Thế Tôn tiếp tục ban lời giáo huấn… “ Thưa các vị vương gia… Thật không hợp lý khi tranh chấp với quyến thuộc của chính mình. Có một ví dụ trong quá khứ, ngay cả những con thú cũng có thể chiến thắng những kẻ thù của chúng và sống hòa hợp với nhau nhờ đoàn kết, và chúng bị tiêu diệt do xung đột nội bộ.” Theo lời thỉnh cầu của quyến thuộc, Đức Phật thuyết giảng Bổn sanh Vattaka.
“Thưa các vị vương gia…Cách đây đã lâu, dưới triều đại của vua Brahmadatta ở Bārāṇasi, Bồ-tát tái sanh làm con chim cút, sống chung với đồng loại số lượng hằng ngàn con trong một khu rừng.
Một người săn chim nọ thường đi đến chỗ của những con chim cút và dụ chúng bằng cách giả tiếng kêu của chúng. Khi chim cút ở thành đàn tại một chỗ nào đó thì người thợ săn tung lưới bên trên chúng. Rồi ông ta đi quanh viền lưới và đuổi những con chim cút vào giữa lưới. Những con chim cút bị bắt, bỏ vào giỏ và đem đi bán. Người thợ săn đã kiếm sống bằng nghề bắt chim cút và đem đi bán.
Một hôm, Bồ-tát nói với những con chim cút cùng đàn dưới sự trông coi của vị ấy:
“ Này các bạn cút thân mến, người thợ săn chim đã gây tổn thất trầm trọng cho đồng loại của chúng ta đã nhiều lần rồi. Bây giờ tôi đã nghĩ ra một kế để ngăn chăn nạn bị săn bắt bởi người thợ săn. Và đây là điều mà mỗi bạn trong chúng ta cần phải làm. Một khi chúng ta bị bắt dưới cái lưới của người thợ săn, mỗi bạn nên chun đầu ra chỗ những cái lỗ trong mắt lưới rồi đồng loạt nhấc cái lưới lên và bay đi. Tất cả các bạn nên đậu trên nhánh của những bụi cây ở chỗ an toàn, nơi cái lưới sẽ bị vướng vào những bụi cây ấy. Chúng ta có thể thoát ra ở bên dưới của cái lưới và bay đi.”
Tất cả những con chim cút trong đàn đều nghe theo lời khuyên của vị ấy và nói rằng: “ Hay lắm.” Vào ngày hôm sau, tất cả những con chim cút đã đồng loạt nhấc cái lưới lên khi chúng bị bắt trong lưới của người thợ săn, và bay đi. Chúng thả cái lưới trên một bụi cây rồi bay đi các hướng.
Người thợ săn chỉ có thể tháo xong cái lưới của ông ta ra khỏi bụi cây sau khi trời tối và đi về nhà với tay không. Ngày tiếp theo cũng vậy, những con chim cút đã thoát lưới bằng cách như thế. Người thợ săn đã phải mất một thời gian lâu mới lấy ra được cái lưới và lại đi về nhà tay không. Nó cứ tiếp tục như thế trong một thời gian. Vợ của người thợ săn bắt đầu cáu kỉnh với chồng và hỏi rằng: “ Ông về nhà trễ mà chẳng có gì ngày này qua ngày khác. Dường như ông bị một người đàn bà nào đó giữ lại có phải không.”
“Này bà nó… Tôi chẳng có ai để lưu luyến ngoài bà. Vấn đề là những con chim cút vẫn còn ở đó bay đi các nơi, nhưng chúng đã đoàn kết với nhau như trước. Ngay khi tôi tung lưới trên người chúng thì chúng nhấc lưới lên và mang cả cái lưới đi, rồi thả nó trên những bụi cây có gai. Nhưng này bà nó, chúng không thể đoàn kết hoài. Bởi vậy, đừng nghi ngờ gì tôi mà sanh buồn phiền. Chắc chắn sẽ có lúc những con chim cút xích mích với nhau. Rồi tôi sẽ bắt tất cả chúng và đem về cho bà để bà vui.” Rồi người thợ săn đọc lên câu kệ sau đây để an ủi bà vợ:
Sammodamāgacchanti jālamādaya pakkhino yadā te vivadissanti tadā ehinti me vasaṃ.
“ Này bà vợ yêu quý của tôi, do sự đoàn kết hòa hợp và sự hợp tác, những con chim cút đã mang đi cái lưới mà tôi đã bủa lên chúng, thả lưới trên những bụi cây có gai và trốn thoát. Sẽ có lúc chúng bắt đầu xung đột lẫn nhau, lúc ấy chúng sẽ phải theo ước muốn của tôi. ”
Vài ngày sau, một con chim cút tình cờ giẫm trên đầu của một con chim cút khác khi nó đi vào bãi cỏ. Con chim bị giẫm hỏi bằng giọng đe dọa và thái độ nóng giận: “ Ai giẫm lên đầu của ta thế?” Con chim kia từ tốn đáp lại: “Cho tôi xin lỗi, này bạn, tôi lỡ chân như vậy vì bất cẩn, xin đừng giận tôi.” Nhưng chim cút nóng giận kia không thể nguôi ngoai được. Kể từ ngày hôm ấy, hai bên bắt đầu tạo ra sự công kích thô bỉ lẫn nhau.
Khi chuyện hai con chim cút xung đột nhau được biết rõ, chúng thách nhau rằng ai có thể nhấc lên cái lưới của người thợ săn thì Bồ Tát tiên liệu kết quả như sau:
“ Ở đâu có những sự xung đột gay gắt, ở đó sẽ không có hòa bình và hạnh phúc. Giờ đây, những con chim cút sẽ không tham gia trong việc nhấc lên và mang cái lưới đi. Mạng sống của nhiều con chim cút sẽ bị lâm nguy, người thợ săn chắc chắn sẽ lợi dụng tình thế này. Thật không thích hợp để ta ở lại chỗ này nữa.”
Do đó chim cút chúa ra đi, dẫn theo tất cả những con chim cút gắn bó trong đàn của vị ấy, chỉ còn nhóm những chim cút do một con chim mà sau này là Devadatta lãnh đạo thì ở lại trong rừng.
Vài ngày sau, người thợ săn chim đi vào rừng đến tại chỗ ấy và giả tiếng kêu của con chim cút, và quăng lưới lên những con chim cút do Devadatta lãnh đạo. (Thay vì đoàn kết để nhấc lên cái lưới), những con chim cút bắt đầu tìm lỗi nhau, cải vả nhau và thách thức nhau rằng ai mạnh hơn và có khả năng nhấc lên cái lưới. Người thợ săn chim không mất nhiều thời gian để bắt và đem chúng về nhà làm quà cho vợ.
Để kết thúc thời pháp, Đức Phật dạy rằng: “ Thưa các vị vương gia, những sự xung đột giữa quyến thuộc với nhau chẳng phải lẽ chút nào, nó là nguyên nhân của sự diệt vong.” Và cuối cùng, Ngài nhận diện Bổn sanh: “ Devadatta là chim cút đầu đàn dốt nát và Như Lai chính là chim cút thông minh lãnh đạo nhóm kia lúc bấy giờ.”
Sau khi đã thuyết giảng năm câu chuyện Bổn sanh, Đức Phật tiếp tục dạy bài kinh Attadaṇḍa trong kinh tập Sutta-Nipāta, bài pháp cuối cùng.
Các vị vương gia của hai nước cuối cùng nguôi ngoai, làm hòa với nhau, và với tâm tịnh tín cùng sự biết ơn sâu sắc, họ đồng ý với nhau rằng: “ Nếu Đức Phật không đến kịp thời và can thiệp thì chúng ta chắc chắn đã tiêu diệt lẫn nhau khiến cho máu chảy thành sông. Chúng ta chỉ thoát khỏi sự tiêu diệt lẫn nhau nhờ có Đức Phật. Trên hết, nếu Ngài không chọn con đường xuất gia từ bỏ thế gian thì ắt Ngài đã thọ hưởng đời sống của vị Chuyển luân vương, trị vì khắp bốn châu với hai ngàn tiểu đảo. Dẫn theo hằng ngàn đứa con trai có đại trí đại lực, Ngài sẽ đi khắp tất cả những lãnh thổ của Ngài với đông đảo tùy tùng. Nhưng người quyến thuộc cao quý thuộc dòng dõi đế vương của chúng ta đã từ bỏ tất cả dục lạc và xa hoa của một vị Chuyển luân vương để trở thành một vị Sa-môn và đắc thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Giờ Ngài đã thành Phật, điều thích hợp và đúng đắn là chúng ta nên có những vị tỳ khưu thuộc dòng dõi vương gia để hầu hạ Ngài.” Với quyết định nhất trí này, những vị vương gia của hai nước đã dâng hiến hai trăm năm mươi vị hoàng tử từ mỗi nước đến Đức Phật, để xuất gia Sa-môn.
Đức Phật tiếp nhận các vị hoàng tử và truyền phép xuất gia ehi- bhikkhu cho họ, rồi dẫn họ đến khu rừng Mahāvana gần kinh thành Kapilavatthu. Những ngày kế tiếp, Đức Phật thọ lãnh vật thực luân phiên từ Kapilavatthu và Koliya trong hội chúng của năm trăm vị tỳ khưu ấy. Dân chúng của hai nước dâng cúng vật thực đến chư Tăng thật dồi dào.
Năm trăm vị tỳ khưu ấy bước vào đời sống Sa-môn không do tự nguyện, mà vì họ không thể từ chối yêu cầu của cha mẹ và quyến thuộc. Vì vậy, trong vòng vài ngày, năm trăm vị tỳ khưu cảm thấy đời sống của họ tẻ nhạt, buồn chán và vô vị. Tin tức từ gia đình của họ cũng không làm cho họ vui hơn trong đời sống ở tịnh xá: “ Thiếp xin chàng đừng vui thích với đời sống của vị tỳ khưu. Từ lúc chàng ra đi, công việc của chúng ta đang sụt giảm từng ngày.” Đó là nội dung của những bức thư mà những người vợ ở nhà gởi đến cho họ.
Đức Phật thường xuyên đích thân trông nom các vị tỳ khưu, một ngày ba lần và ban đêm ba lần, cả thảy sáu lần, như con chim trĩ trông coi những cái trứng của nó, như con bò Camari gìn giữ cái đuôi của nó, như người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của bà, như người một mắt trông coi con mắt duy nhất của ông ta. Đức Phật đã biết rõ tâm trạng không an vui của họ và Ngài suy xét: “ Những vị tỳ khưu này cảm thấy bất mãn và buồn chán trong hội chúng của Như Lai, một vị Phật, loại pháp nào sẽ thích hợp với họ?” Ngài nhận thấy rằng Bổn sanh Kuṇāla (kể về những yếu điểm và khuyết điểm trong bản tánh của người phụ nữ) sẽ là bài pháp tốt nhất dành cho họ. Do đó Ngài quyết định rằng: “ Trước hết Ta sẽ đưa những vị tỳ khưu này đến Himalaya, rồi kể lại Bổn sanh Kuṇālā, Ta sẽ đoạn trừ tâm trạng bất mãn và buồn chán mà đã khởi sanh trong tâm của họ và cho họ đạo tuệ, Dự lưu trí - sotāpatti-ñāṇa.
Vào buổi sáng, như thường lệ Đức Phật đi vào kinh thành Kapilavatthu để khất thực, và đến chiều, Ngài hỏi năm trăm vị tỳ khưu: “ Các ngươi đã bao giờ trông thấy những khu rừng khả ái trong dãy núi Hymalaya chưa?”Họ đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con chưa từng trông thấy.” Đức Phật lại hỏi: “ Các ngươi có muốn viếng thăm khu rừng Hymalaya không?” “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không có thần thông, làm sao chúng con đến đó được.” Nhân đó, Đức Phật hỏi rằng: “ Nhưng nếu một người nào đó có thần thông bằng lòng đưa các ngươi đến đó thì các ngươi có muốn đi theo người ấy không?” Các vị tỳ khưu trả lời: “ Thưa muốn, bạch Ngài.”
Rồi Đức Phật vận dụng thần thông, đưa tất cả các vị tỳ khưu đi xuyên qua hư không đến Hymalaya, và trên lộ trình của chuyến đi, khi còn đang ở trên bầu trời, họ được chỉ cho thấy những ngọn núi vàng, núi bạc, núi ngọc lục bảo, núi châu sa và núi pha lê, v.v… năm con sông lớn và bảy hồ lớn. Dãy núi Hymalaya có kích thước đồ sộ cao năm trăm do tuần và rộng ba ngàn do tuần. Đức Phật dùng năng lực thần thông của Ngài cho họ thấy chỉ một phần nhỏ về những nét khả ái của dãy núi Hymalaya. Ngài cũng chỉ cho họ thấy những con thú bốn chân như sư tử, cọp, voi cũng như những khu vườn quyến rũ với nhiều loại thực vật và động vật, nhiều loại chim, hoa ở dưới nước và hoa trên mặt đất. Họ cũng được xem vách đá thẳng đứng về phía đông của dãy núi, khắp bề mặt của nó là vàng và vách đá ở phía tây phủ trên bề mặt của nó toàn là châu sa.
Từ lúc họ chứng kiến cảnh tượng hy hữu và những phong cảnh kỳ diệu của dãy núi Hymalaya, tất cả năm trăm vị tỳ khưu ấy hầu như đã cắt đứt sự luyến ái đối với những người vợ của họ. Rồi Đức Phật cùng với tất cả năm trăm vị tỳ khưu đáp xuống trên sườn núi phía tây của dãy Hymalaya, ở đó có một tảng đá châu-sa to lớn rộng sáu mươi do tuần, trên đó có một cây sa-la đại thọ (sẽ sống đến hết đại kiếp này), có bề cao và bề rộng bảy do tuần. Dưới bóng râm của cây ấy trên bề mặt bằng phẳng bằng châu sa, rộng ba do tuần, Đức Phật ngồi ở đó giữa năm trăm vị tỳ khưu. Với hào quang sáu màu rực rỡ phát ra từ thân, Đức Phật ngồi nơi đó trông như mặt trời với muôn ngàn tia sáng được phản chiếu từ bề mặt của đại dương. Rồi Ngài nói với các vị tỳ khưu: “ Này các tỳ khưu, các người có thể hỏi Như Lai xem có điều gì trong vùng Hymalaya rộng lớn này, mà trước kia các ngươi chưa từng thấy.”
Vào lúc ấy, một con chim cúc cu chúa ngồi trên một nhánh cây nhỏ, có hai con chim cúc cu trẻ khỏe dùng mỏ giữ lấy hai đầu của nhánh cây – đang đi xuống từ trên cao. Có một đàn tùy tùng gồm những tốp tám con bay theo, tốp bay ở trên, tốp bay ở dưới, tốp ở bên phải và bên trái, tốp bay trước và tốp bay ở phía sau. Đầy ngạc nhiên trước cảnh tượng kỳ lạ, năm trăm vị tỳ khưu bèn hỏi Đức Phật: “ Bạch Đức Thế Tôn, những con chim kia thuộc loại chim gì?”
“ Này các tỳ khưu, những con chim ấy là con cháu của những thế hệ chim cúc cu, có nguồn gốc từ một loại chim mà cách đây đã lâu Như Lai đã từng tái sanh vào. Những con chim cúc cu trẻ như vậy đã từng cư xử với Như Lai theo cách như vậy vào lúc ấy. Vào thời đó số lượng của chúng là ba ngàn năm trăm con. Số lượng ấy đã dần dần giảm đi theo thời gian và bây giờ chỉ còn vừa đủ để bảo tồn nòi giống.”
Rồi các vị tỳ khưu thỉnh cầu Đức Phật kể lại cách thức mà ba ngàn năm trăm con chim cúc cu ấy hầu hạ Ngài như thế nào trong những khu rừng ấy. Nhân đó, Đức Phật thuyết giảng Bổn sanh Kuṇālā trong tập Asīti Nipāta bằng ba trăm câu kệ để rút ra những bài học.
Vào lúc kết thúc thời pháp, năm trăm vị tỳ khưu, là con cháu của bộ tộc Thích ca, chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phalla). Vào lúc bước vào Nhập lưu đạo (sotāpatti-magga), tất cả các vị tỳ khưu đều có được các pháp thần thông, như bay xuyên qua hư không, v.v...
(Chú thích: Một kẻ phàm phu phải tu tập thiền định đề mục Kasina để chứng đắc các tầng thiền và các pháp thần thông (abhiññā). Có những bậc thánh (ariya-puggala), sau khi chứng ngộ Đạo Quả, phải thực hành thiền chỉ để chứng đắc các tầng thiền (jhāna) và các pháp thần thông (abhiññā). Những vị thánh (ariya) khác sau khi chứng đắc các tầng thiền (jhāna) và các pháp thần thông (abhiññā) ngay khi họ còn là phàm phu, không cần phải tu thiền chỉ; họ có thể thọ hưởng các tầng thiền (jhāna) và các pháp thần thông (abhiññā) một cách dễ dàng và tùy thích.
Vẫn còn có một dạng thánh Tăng (ariya) khác nữa, không có các tầng thiền (jhāna) và các pháp thần thông (abhiññā) khi còn phàm phu. Tuy nhiên vào lúc họ chứng ngộ Đạo Quả siêu thế gian, họ lại có được các tầng thiền và các pháp thần thông mà họ có thể thọ hưởng một cách dễ dàng tùy thích. Những thiền chứng như vậy được gọi là ‘magga-siddhi-jhāna’, nghĩa là thiền (jhāna) được chứng đắc do giác ngộ đạo (magga); và những năng lực thần thông như vậy được gọi là ‘ magga-siddhi-abhiññā’, nghĩa là thần thông (abhiññā) được chứng đắc do giác ngộ đạo (magga).
Năm trăm tỳ khưu ấy, do những việc phước mà họ đã gieo tạo và tu tập trong nhiều kiếp quá khứ nên đã đắc được magga-siddhi- jhāna và magga-siddhi-abhiññā mà không cần phải tu tập thêm về thiền chỉ đề mục Kasina. Họ thọ hưởng những thành quả này một cách tự do và tùy ý).
Đức Phật xét thấy rằng đạo quả Nhập lưu (sotāpatti) là tạm đủ cho năm trăm vị tỳ khưu trong thời gian ấy và Ngài cùng các vị tỳ khưu rời khỏi chỗ đó để trở về khu rừng Mahāvana bằng con đường hư không. Khi đi đến Hymalaya, các vị tỳ khưu phải nương tựa vào thần thông của Đức Phật; nhưng khi trở về khu rừng Mahāvana, họ tự vận dụng thần thông bay theo Đức Phật để trở về.
Ngồi trên bảo tọa đã được chuẩn bị sẵn trong khu rừng Mahāvana, Đức Phật khiến các vị tỳ khưu hội họp lại và nói với họ rằng:
“ Này các tỳ khưu, hãy đến và ngồi xuống, Như lai sẽ dạy cho các con về pháp thiền dẫn đến ba tầng Đạo (magga) bậc cao, do đoạn trừ tất cả phiền não.” Rồi Ngài chỉ dạy họ về phương pháp thiền quán để chứng đắc ba Đạo bậc cao.
Các vị tỳ khưu tự nghĩ:
“ Đức Phật, do biết rõ rằng chúng ta không vui thích trong cuộc sống của vị tỳ khưu trong giáo pháp này, nên đã đưa chúng ta đến hồ Kunala, và sau khi đã giúp chúng ta đoạn trừ tâm trạng bất mãn và buồn chán, đã dẫn dắt chúng ta đạt đến tầng thánh Dự lưu (sotāpatti- phala). Và bây giờ, trong khu rừng Mahāvana này, Ngài đã dạy chúng ta phương pháp hành thiền để chứng đắc ba magga bậc cao. Chúng ta không nên buông thả với ý nghĩ rằng: ‘Chúng ta là những bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna-ariya)’ mà phải cố gắng chuyên cần như những vị tỳ khưu đi trước chúng ta để chứng đắc thánh quả cao nhất.”
Tất cả họ đảnh lễ Đức Phật rồi lui về nơi vắng vẻ dưới những cội cây, mỗi vị trải ra một tấm tọa cụ và ngồi trên đó.
Đức Phật nhận thấy rằng: “ Những vị tỳ khưu này, là những bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna), sẽ biết rõ phương pháp thực hành để chứng đắc Đạo Quả và vì thế, họ sẽ không gặp khó khăn trong việc chứng đắc Đạo Quả bậc cao. Mỗi một vị tỳ khưu mà giờ đây đang thực hành thiền Minh sát sẽ trở về vào buổi chiều, để báo cho Ta biết về những ân đức của đạo quả A-la-hán mà họ đã đạt được. Tất cả chư thiên và Phạm thiên từ khắp mười ngàn thế giới cũng sẽ cu hội về đây vào lúc ấy. Khi ấy sẽ có đại hội Thánh Tăng - Mahāsamaya. Tốt hơn, ta nên chờ đợi Hội chúng như vậy.”
Trong năm trăm vị tỳ khưu, vị đầu tiên ra đi hành thiền sau khi nhận được những lời chỉ dạy đã chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Tứ-vô-ngại-giải trí (paṭisaṁbhidā-ñāṇa). Vị thứ hai cũng chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Tứ-vô-ngại-giải trí (paṭisaṁbhidā-ñāṇa) như vị đầu tiên. Vị tỳ khưu thứ ba cũng giống như thế. Như vậy tất cả năm trăm vị tỳ khưu đều lần lượt có được trí tuệ thông đạt Tứ diệu đế bừng nở A-la-hán thánh quả như những hoa sen đua nhau nở trong hồ sen.
Vị tỳ khưu chứng đắc đạo quả A-la-hán đầu tiên, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cầm lên chiếc tọa cụ rồi trở về với Đức Phật để báo cho Ngài biết về sự chứng đắc của vị ấy. Vị tỳ khưu thứ hai, thứ ba và tất cả những vị còn lại đều làm như thế. Rồi tất cả họ đi đến chỗ mà Đức Phật đang ngồi chờ và họ đi đến thành một đoàn nối dài theo thứ tự, giống như một sự sắp xếp theo hạ lạp trong Tăng chúng.
Vị tỳ khưu đến trước tiên đã ngồi xuống trên chiếc tọa cụ của vị ấy ở một nơi thích hợp và chuẩn bị bạch với Đức Phật về những ân đức của A-la-hán thánh quả mà vị ấy đã chứng đắc. Nhưng trước hết vị ấy nhìn quanh để xem có vị nào đến sau mình với cùng ý nghĩ như vậy không, và đã trông thấy vị tỳ khưu thứ hai, thứ ba, và tất cả những vị tỳ khưu còn lại đang xếp thành hàng nối tiếp sau vị ấy.
Khi tất cả các vị tỳ khưu đã ngồi xuống ở những nơi thích hợp, mỗi vị đều nhìn nhau với con mắt dò xét xem ai có ý định giống như mình không và họ khám phá ra rằng mỗi vị đều cảm thấy ngại ngùng để bạch với Đức Phật về sự chứng đắc của mình.
(1) Những bậc A-la-hán luôn luôn quan tâm đến lợi lạc của tất cả chúng sanh và nguyện vọng tha thiết của các ngài là mong cho “nhân loại, chư thiên và Phạm thiên có được thông đạt tuệ mà các ngài đã chứng đắc.”
(2) Các ngài không có ý muốn tiết lộ sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của các ngài để người khác chú ý đến, không giống như người khám phá hũ vàng.
Đại hội gồm năm trăm vị tỳ khưu xảy ra vào buổi chiều mát mẻ của ngày rằm tháng Jetthamasa. Ngay khi năm trăm vị A-la-hán đã ngồi vào chỗ ngồi của các ngài, thì mặt trăng cũng vừa mọc lên trên đỉnh núi Yungandhara ở về phía đông, thoát khỏi năm chướng ngại, đó là: sương muối, sương lạnh, mây, nguyệt thực và khói. Mặt trăng tròn đầy như đĩa gương bạc hay như bánh xe bằng bạc tự xoay tròn, lơ lửng trên cao ở chân trời phía đông, chiếu sáng rực rỡ như báo hiệu thế gian có sự xuất hiện của vị Phật Chánh đẳng Chánh giác. Lúc bấy giờ, Đức Phật vẫn ở trong khu rừng Mahāvana gần kinh thành Kapilavatthu của nước Sakka, giữa hội chúng năm trăm vị tỳ khưu.
Chư thiên trú ngụ quanh khu rừng Mahāvana đầy cảm kích, đã gọi nhau rằng: “ Này các bạn, chúng ta hãy đi, đảnh lễ Đức Phật sẽ được phước, nghe pháp sẽ có lợi ích; tôn kính chư Tăng sẽ gặt hái phước lớn. Nào, các bạn, chúng ta hãy đi.” Khi gọi nhau như vậy, họ kéo đến trước Đức Phật, đảnh lễ Ngài và năm trăm vị tỳ khưu vừa mới chứng đắc đạo quả A-la-hán.
Tiếng gọi của họ lan rộng và vang xa, đi từng khoảng, đầu tiên là nửa gavuta, rồi đến một gavuta, nửa do tuần rồi đến một do tuần và như vậy nó lan rộng từ trung tâm của thế giới này đến khắp mười ngàn thế giới chung quanh. Tất cả chư thiên và Phạm thiên ngụ trong mười ngàn thế giới này đều tụ hội ở thế giới này, ngoại trừ một số Phạm thiên như Phạm thiên vô tưởng (Asaññassa), Phạm thiên vô sắc (Arūpa) và những vị Phạm thiên đã nhập định (samāpatti).
Lúc bấy giờ, cõi vũ trụ này hoàn toàn chứa đầy chư thiên từ khắp các nơi, thấu đến các cõi Phạm thiên (như hợp kim được nhét đầy những cây kim không có khoảng hở) đến để tham dự đại hội. Khoảng cách giữa các cõi Phạm thiên và cõi nhân loại có thể tính bằng cách thả một cục đá xuống từ trên cõi Phạm thiên phải mất bốn tháng để cục đá ấy đến cõi người. Khoảng không gian giữa hai cõi bị nhồi nhét rất chật bởi chư thiên và Phạm thiên đến nỗi không còn chỗ trống nào cho dù hương của các loại hoa cũng không thể bay lên, hay hạt cải cũng không có kẻ hở để rơi xuống.
Khi một vị Chuyển luân vương ngồi giữa hội chúng các vị hoàng đế từ các nước chư hầu, thì những nhà cai trị hùng mạnh đến trước có thể tìm thấy chỗ ngồi của họ gần vị Chuyển luân vương (mà không quá chật chội). Nhưng những vị đến trễ chỉ có thể ngồi ở sau và chật chội, nhưng cũng có một chút thoải mái. Theo cách như vậy, khoảng không gian quanh Đức Phật, bậc giống như vị Chuyển luân vương, thì tương đối không quá chật. Tất cả những vị Phạm thiên nhiều oai lực, như các vị Đại phạm thiên Mahāsakkha, có thể ngồi gần Đức Phật. Nhưng ngay cả tại chỗ đó, những vị Phạm thiên nhiều oai lực, có phước lớn cũng phải tự sắp xếp để được thoải mái, khi chiếm hữu một khoảng không bé nhỏ có cỡ bằng đầu mút sợi lông đuôi của con bò trong những nhóm mười, hai mươi, đến sáu mươi, bằng cách thu nhỏ thân của họ càng lúc càng vi tế hơn.
Khi Đức Phật và năm trăm vị A-la-hán cùng với chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới đã hội họp (như đã giải thích ở trên), bốn vị Tịnh cư Phạm thiên (A-la-hán) xuất khỏi thiền diệt khi thời gian được chú nguyện đã hết. Khi nhìn quanh các cõi Phạm thiên, họ thấy khắp cõi đều không có sự sống (giống như phòng ăn trống sau giờ ăn trưa). Khi dò xét ‘các vị Phạm thiên đã đi đâu’, họ lưu ý rằng có Đại hội đang diễn ra.
Bốn vị Phạm thiên A-la-hán bàn luận với nhau rằng: “ Đây là Đại hội và chúng ta đang ở lại phía sau, và sẽ không có chỗ ngồi dành cho những người đến trễ. Chúng ta đừng đi tay không, mỗi vị chúng ta hãy chuẩn bị sẵn một câu kệ để dâng đến hội chúng. Những câu kệ làm quà tặng sẽ là lời thông báo về sự đi đến của chúng ta và cũng là thái độ tôn kính của chúng ta đối với Đức Phật.” Sau khi đã thỏa thuận như vậy, mỗi vị Phạm thiên soạn ra một câu kệ trước khi họ rời khỏi cõi Phạm thiên và một vị Phạm thiên A-la-hán đi xuống ở mé của bán cầu phía đông của thế giới, một vị Phạm thiên khác đi xuống ở mé của bán cầu phía nam của thế giới, một vị khác đi xuống ở mé của bán cầu phía tây của thế giới, và vị cuối cùng đi xuống ở mé của bán cầu phía bắc của thế giới.
(1) Vị Phạm thiên A-la-hán mà đã đi xuống ở mé của bán cầu phía đông đã nhập định đề mục xanh đậm (nīla kasina) và để cho biết sự hiện diện của vị ấy, đã chiếu ra hào quang màu xanh thẩm rực rỡ từ thân của vị ấy, bao trùm tất cả chư thiên và Phạm thiên của mười ngàn thế giới tựa như họ được đắp lên tấm chăn màu lục bảo. Rồi vị ấy đi theo con đường đến, Buddha vithī - Phật đạo lộ (thoát khỏi mọi chướng ngại và dành sẵn để dễ dàng đến gần Đức Phật) và đứng ngay trước Đức Phật, tôn kính cúng dường Ngài bằng cách dâng lên câu kệ mà vị ấy đã soạn ra:
Mahāsamayo pavamasamiṅ
devakāyā samāgatā
āgatamhā imaṁ Dhammasamyaṃ dakkhitāye apārajitasaṃghaṃ
“ Bạch Đức Thế Tôn…Hôm nay, một đại hội gồm chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới đang được triệu tập tại khu rừng Mahavana, để đảnh lễ tôn kính các bậc A-la-hán, những bậc đã chiến thắng ba loại Ma với niềm tịnh tín sâu sắc. Cũng như tất cả chư thiên này, chúng con cũng đã đến đây với niềm hoan hỉ to lớn tại hội chúng này, để bày tỏ tôn kính đến những bậc chiến thắng bất khả bại, những bậc A-la-hán, với tâm tịnh tín sâu sắc.”
Sau khi dâng lên câu kệ này, vị ấy trở về (vì thiếu chỗ ở vùng chung quanh Phật tọa) mé đông bán cầu của thế giới và đứng nơi đó.
(2) Vị Phạm thiên đi xuống ở mé nam bán cầu của thế giới, nhập định đề mục màu vàng (pita kasina). Và để cho biết sự hiện diện của vị ấy, đã phóng ra hào quang màu vàng từ thân của vị ấy bao trùm tất cả chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới tựa như họ được đắp lên chiếc áo khoác bằng vàng. Rồi cũng giống như vị Phạm thiên đầu tiên, vị ấy đi đến Đức Phật và dâng lên câu kệ này:
Tatra bhikkhuvo samādahaṃsu cittamattano ujukamakaṃsu sārathīva nettāni gahetvā
Indriyāni rakkhanti panditā.
“ Bạch Đức Thế Tôn … Tại hội chúng chư thiên và Phạm thiên này, năm trăm vị A-la-hán đã giữ tâm an tịnh và hoàn toàn vắng lặng do nhờ phát triển trạng thái định tâm siêu thế cao nhất, appana samādhi. Họ đã giữ tâm hoàn toàn chánh trực, thoát khỏi những trạng thái thiên lệch của tâm có thể ví như ba hình thức thiên lệch, đó là đường nước tiểu cong queo do con bò tiết ra, đường cong lưỡi liềm của mặt trăng và đường cong của cái cày. Cũng như một xa-phu thiện xảo điều khiển chiếc xe được kéo bởi những con ngựa Sindhara khéo huấn luyện, ông ta giữ dây cương một cách nhẹ nhàng mà không kéo chúng một cách thô bạo, để điều khiển cho xe lăn đi một cách khoan thai, năm trăm vị A-la-hán này cũng vậy, bằng Đạo-Trí (magga- ñāṇa) đã hộ phòng các căn môn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, ngăn chặn các phiền não đi vào tâm nhờ chánh niệm. Bạch Đức Thế Tôn… Chúng con đến khu rừng Mahāvana này với mục đích tôn kính đảnh lễ năm trăm vị A-la-hán này.
Rồi vị ấy trở về chỗ của vị ấy tại mé nam bán cầu của thế giới và đứng yên nơi đó.
(3) Rồi vị Phạm thiên mà đến ở mé tây bán cầu của thế giới, nhập định đề mục màu đỏ (lohita kasina). Và để cho biết sự hiện diện của vị ấy tại đại hội, bèn chiếu ra hào quang màu đỏ từ thân của vị ấy bao trùm tất cả chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới, tựa như họ được đắp lên những chiếc áo khoác màu đỏ. Rồi, cũng như những vị Phạm thiên trước, vị ấy đi đến Đức Phật và dâng lên câu kệ của vị ấy:
Chetvā khīlaṃ chetvā palighaṃ
Inda khīlaṃ ūhajjha maneja
te caranti suddhā vimalā
cakkhumatā sudantā susunāgā.
Bạch Đức Thế Tôn, những vị A-la-hán trẻ tuổi được khéo dạy dỗ, đã được nhiếp phục và thuần thục để chế ngự lục căn do nhờ Đức Phật, bậc có ngũ nhãn (Buddha-cakkhu: con mắt của vị Phật nhìn thấy tâm của chúng sanh ; Dhamma-cakkhu: pháp nhãn, con mắt của chân lý chỉ sự chứng đắc đạo trí. Samanta cakkhu: con mắt của Nhất thiết trí. Mansa-cakkhu: nhục nhãn, con mắt thịt tinh tế và mạnh mẽ khác thường. Dibba-cakkhu: thiên nhãn thấy tất cả những gì diễn ra trong những thế giới bị che khuất. Những vị A-la-hán trẻ tuổi này đã đoạn trừ chiếc gai tham, sân và si (lobha, dosa và moha) bằng lưỡi gươm Tứ đạo trí (magga-ñāṇa). Họ đã bẻ gãy và phá tan những thanh ngang và những then cửa (trên cánh cửa của căn phòng của kiếp sống), là lobha, dosa và moha - chúng ngăn chặn sự giải thoát khỏi luân hồi. Bằng chính chiếc gươm Đạo Tuệ (magga-ñāṇa), các vị đã nhổ lên những chiếc cột trụ tham, sân, si ở cổng thành thân kiến (sakkāya) bằng bốn magga. Do không còn ái dục, hết ô nhiễm và dục vọng, các vị thong dong đi lại khắp bốn phương mà không gặp bất cứ chướng ngại phiền não nào. Chúng con đã đến đây để đảnh lễ những vị A-la- hán trẻ tuổi này.
Rồi vị ấy trở lại mé tây bán cầu của thế giới và cũng như hai vị Phạm thiên trước, đứng yên nơi đó.
(4) Rồi vị Phạm thiên mà đã đi xuống ở mé bắc bán cầu của thế giới, nhập định đề mục màu trắng (odata kasina). Và để cho biết sự hiện diện của vị ấy tại đại hội, vị ấy phát ra hào quang màu trắng từ thân của vị ấy bao trùm tất cả chư thiên và Phạm thiên của mười ngàn thế giới tựa như họ được đắp lên những chiếc y bằng hoa lài. Rồi, cũng như ba vị Phạm thiên trước, vị ấy đến trước Đức Phật và đọc lên câu kệ mà vị ấy đã soạn ra :
Ye keci Buddhaṃ saranaṃ gatāse
na te gamissanti apāyabhumiṅ
pahāya mānasaṃ dehaṃ devakāyaṃ paripūressanti.
Bạch Đức Thế Tôn, bất cứ ai đã quy y Đức Phật với niềm tin vững chắc sẽ không bị tái sanh vào bốn khổ cảnh, đó là : cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và a-tu-la.
Sau khi đã dâng lên câu kệ này, vị ấy trở về mé bắc bán cầu của thế giới giống như ba vị Phạm thiên trước.
Đức Phật quan sát thấy rằng đại chúng gồm chư thiên và Phạm thiên đang diễn ra trong một không gian rộng lớn thấu đến các mé của thế giới về bề rộng và bề cao thấu đến cõi sắc cứu cánh Phạm thiên. Rồi Đức Phật suy xét: “ Đây quả thật là một sự hội họp vĩ đại gồm chư thiên và Phạm thiên. Năm trăm vị tỳ khưu không thể biết rõ sự thực này. Bây giờ ta sẽ cho họ biết rõ.” Do đó, Ngài nói với họ rằng:
“ Này các tỳ khưu, tất cả chư thiên và Phạm thiên đã tụ hội về đây trong lúc này để tôn kính Đức Phật Chánh biến tri, mà việc xuất hiện của vị ấy, sugato, cũng tối thắng như những vị Phật quá khứ, và cũng để tôn kính các vị tỳ khưu. Cũng như đại hội này, những đại hội tương tự gồm chư thiên và Phạm thiên (cũng vĩ đại như thế, không hơn không kém) đã diễn ra trong thời kỳ của các vị Phật quá khứ.
Này các tỳ khưu, cũng như đại hội này, những đại hội tương tự gồm chư thiên và Phạm thiên (có cùng tầm cỡ, không hơn không kém) cũng sẽ diễn ra trong thời kỳ của những vị Phật trong tương lai.”
Chư thiên và Phạm thiên tại hội chúng đều có ý kiến rằng, xét về số lượng khổng lồ của thiên chúng đang hiện diện, Đức Phật có thể chỉ kể ra tên của những chư thiên và Phạm thiên có quyền lực và những vị ít quan trọng có thể không được nêu ra. Đức Phật, khi xét về những gì mà chư thiên và Phạm thiên đang suy nghĩ, nhận biết được điều đang diễn ra trong tâm của họ, tựa như Ngài nắm giữ tâm của họ trong tay của Ngài trước khi chúng được thốt ra miệng của họ hoặc như tên trộm bị bắt quả tang cùng với tang vật và do vậy Ngài quyết định:
“ Ta sẽ tiết lộ tên và thị tộc của tất cả những chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới đang hiện diện tại Đại hội này, bất kể họ có quyền lực lớn hay nhỏ”.
Chư Phật là những nhân vật vĩ đại và có nhiều oai lực. Không có điều gì ở ngoài phạm vi hiểu biết của Ngài. Tất cả sáu cảnh tiếp xúc với sáu căn của nhân loại và chư thiên để tạo ra nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức đều ở trong phạm vi hiểu biết của các Ngài mà không có bất cứ chướng ngại nào. Do đó, Đức Phật có khả năng phân biệt giữa những chúng sanh đã viên thục để sẵn sàng thoát khỏi luân hồi và những chúng sanh chưa sẵn sàng để thành đạt giải thoát. Trước hết Đức Phật bỏ qua tất cả những chúng sanh chưa sẵn sàng và tập trung chú ý đến những chúng sanh mà sẽ được lợi ích qua sự thuyết pháp của Ngài.
Lại nữa, trong số những chúng sanh sẽ đạt được giải thoát luân hồi, Đức Phật chia họ thành sáu nhóm theo thiên hướng của họ, đó là: chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về tham (rāga-cittam), chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về sân (dosa-cittam), chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về si (moha-cittam), chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về suy tầm (vitakka), chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về đức tin (saddhā), và chư thiên, Phạm thiên có thiên hướng về trí tuệ (paññā).
Rồi trong sáu nhóm này, Đức Phật quyết định rằng đối với chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng tham thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Sammā Paribbājaniya; những vị có thiên hướng sân thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Kalahavivāda; những vị có thiên hướng về si thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Mahābyuha; những vị có thiên hướng suy tầm thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Cūlabyuhā; những vị có thiên hướng đức tin thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Tuvaṭṭakapatipadā và những vị có thiên hướng trí tuệ thì Ngài sẽ thuyết bài kinh Purābheda.
Tiếp theo, Đức Phật quyết định nên chọn cách nào trong bốn cách thuyết pháp mà thích hợp với hội chúng chư thiên và Phạm thiên. Bốn cách ấy là:
(1) Thuyết theo tự ý của Đức Phật, Attajjhāsaya sutta nikkhepa.
(2) Thuyết theo ước muốn của thính chúng, Parajjhāsaya sutta nikkhepa.
(3) Thuyết theo trường hợp hoặc hoàn cảnh đang diễn ra, Aṭṭhuppattika sutta nikkhepa.
(4) Thuyết pháp dưới dạng trả lời một câu hỏi đặc biệt, Pucchāvasika sutta nikkhepa.
Và Ngài thấy rằng chư thiên và Phạm thiên sẽ đạt được giải thoát nhờ giác ngộ Tứ Thánh Đế do nghe bài pháp được thuyết theo cách trả lời câu hỏi được nêu ra phù hợp với những thiên hướng của họ. Rồi Ngài tìm xem trong số năm trăm vị A-la-hán xem vị nào có khả năng đặt ra câu hỏi như vậy, phù hợp với những thiên hướng của chư thiên và Phạm thiên, và nhận thấy rằng không có vị nào trong số đó. Ngài cũng thấy rằng tám mươi vị Đại thinh văn và hai vị Tối thượng Thinh văn cũng không có khả năng nêu lên câu hỏi như vậy.
Ngài biết rằng một vị Bích chi Phật cũng không có khả năng nêu lên một câu hỏi như vậy. Rồi Đức Thế Tôn suy xét xem Sakka hoặc Suyāma Deva có thể đáp ứng nhu cầu của Ngài hay không, và Ngài thấy rằng họ cũng không có khả năng nêu lên một hỏi như vậy.
Cuối cùng, sau khi nhận ra rằng chỉ có Đức Phật Toàn Giác giống như Ngài mới có khả năng nêu câu hỏi phù hợp với thiên hướng của chư thiên và Phạm thiên, Ngài nhìn vào vô số thế giới bằng khả năng vô định về sự nhìn thấu của Ngài để xem có một vị Phật Toàn Giác nào khác không, và Ngài khám phá ra rằng không có ai bằng Ngài trong vô số thế giới ấy.
(Chú thích: Không điều gì ngạc nhiên rằng Ngài không tìm thấy ai bằng Ngài lúc bấy giờ. Quả thật vậy, không có ai ngang hàng với Ngài, trong nhân loại và chư thiên, ngay cả trong thời gian của kiếp chót của Ngài. Khi còn là một vị hoàng tử Siddhattha mới sanh ra, Ngài đã thốt lên những lời dũng mãnh ‘Aggohamasmi lokassa-Trong khắp thế gian, Ta là tối thượng.’ Không cần thiết nói rằng không ai bằng Ngài khi Ngài đã thành một vị Phật Chánh đẳng Chánh giác).
Sau khi nhận thấy rằng không có một vị Phật nào khác giống như Ngài, Đức Phật suy xét ‘Những vị chư thiên và Phạm thiên này sẽ không đạt được tuệ thông đạt pháp nếu Ta đặt câu hỏi và Ta lại trả lời câu hỏi ấy. Chỉ khi nào một vị Phật khác nêu lên một câu hỏi và Ta trả lời câu hỏi ấy, đó mới là điều kỳ diệu và chư thiên cùng Phạm thiên sẽ đạt được tuệ quán thông đạt giáo pháp. Do đó, Ta sẽ hóa ra một hình tướng giống y hệt như Ta.’ Với mục đích ấy, Đức Phật nhập vào Tứ thiền sắc giới (rupāvacara kiriya jhāna) để làm nền tảng phát triển năng lực thần thông (abhiñña). Rồi sau khi xuất khỏi thiền, Ngài lập nguyện, qua sự vận dụng lộ tâm ‘Mahākiriya Ñāṇasampayutta Adhiṭṭhan javana’ để một vị Phật hoàn toàn giống hệt như Ngài, về mọi phương diện như mang bát và y, nhìn thẳng về phía trước và liếc nhìn hai bên, cúi người và duỗi tay chân, sẽ hiện ra. Như vậy Đức Phật đã tạo ra một vị Phật khác giống hệt như Ngài, tựa như hình tướng ấy hiện lên từ mặt trăng tròn đầy, vừa mới mọc lên trên đỉnh núi Yugandhara ở phía đông bán cầu.
Nhìn thấy hình ảnh một vị Phật được tạo ra (Hiện tướng Phật - Nimmita Buddha), chư thiên và Phạm thiên bày tỏ những quan điểm của họ: “ Thưa các bạn, một mặt trăng khác đã xuất hiện bên cạnh mặt trăng đang hiện hữu.”
Khi vị Nimmita Buddha được nhìn thấy xuất hiện từ mặt trăng và đang tiến gần họ, thì họ thay đổi ý kiến và nói rằng: “ Thưa các bạn, đó không phải là mặt trăng mà là sự xuất hiện của mặt trời.” Khi vị Nimmita Buddha đến gần hơn, họ nói rằng: “Thưa các bạn, đó không phải mặt trời mà là lâu đài của chư thiên.” Khi vị Nimmita Buddha đến càng lúc càng gần hơn thì họ lại nói rằng: “ Thưa các bạn, đó không phải là lâu đài mà là một vị thiên.” Và họ lại nói rằng: “ Thưa các bạn, đó không phải là vị thiên mà là vị Đại phạm thiên,” và cuối cùng khi vị Nimmita Buddha đến rất gần họ thì họ kết luận rằng: “ Thưa các bạn, đó không phải là Đại phạm thiên. Thực ra, đó là một vị Phật khác đang đi đến chúng ta.”
Trong số chư thiên và Phạm thiên còn phàm phu tự nghĩ rằng: “ Khi chư thiên và Phạm thiên hội tụ đầy cả vũ trụ để tôn kính một vị Phật, thì số chư thiên và Phạm thiên đến tôn kính hai vị Phật thì quả thật ngoài sức tưởng tượng.” Nhưng chư thiên và Phạm thiên bậc thánh thì kết luận rằng không thể có hai vị Phật xuất hiện cùng một lúc, trong cùng một thế giới. Do đó, vị Phật kia có lẽ do Đức Phật tạo ra giống y hệt như Ngài.
Trong khi đó, trước mặt chư thiên và Phạm thiên đang chăm chú nhìn thì vị Nimmita Buddha tiến gần Đức Phật và ngồi đối diện với Ngài cũng trên chỗ ngồi ngang bằng được dành sẵn, nhưng không đảnh lễ Đức Phật.
Có ba mươi hai hảo tướng của bậc đại nhân trên người của Đức Phật thì vị Nimmita Buddha cũng có những tướng như vậy. Hào quang sáu màu phát ra từ thân của Đức Phật và Nimitta Buddha cũng phát ra hào quang sáu màu từ thân. Những luồng hào quang cực mạnh của Đức Phật cũng như của Nimitta Buddha phóng đi đến tận cõi Phạm thiên cao nhất là cõi Sắc cứu cánh Phạm thiên (Akanittha Brahmā) và trở lại chiếu tỏa sáng trên đầu của chư thiên và Phạm thiên trước khi chúng rơi xuống các bờ mé của thế giới. Toàn thể thế giới giống như một hệ thống giàn giáo được đan chéo bởi những thanh cây bằng vàng, bao trùm một bảo tháp, trông rực rỡ, duyên dáng và uy nghi.
Tất cả chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới, đã cu hội trong thế giới này, được bao bọc bởi hào quang từ thân của Đức Phật và Nimmita Buddha.
Hiện tướng Phật, trong tư thế ngồi như vậy, nêu ra một câu hỏi, sau khi nói lên câu kệ tán dương Đức Phật chiến thắng các phiền não (kilesa) ở trên bồ đoàn giác ngộ dưới cội cây Bồ-đề.
Trước khi Đức Phật trả lời câu hỏi do Nimmita Buddha nêu ra (tức là trước khi thuyết giảng bài kinh Sammaparibbājaniya ), để làm cho tâm của chư thiên và Phạm thiên trở nên nhu thuận, dễ dạy, vững chắc, điềm tĩnh, Ngài quyết định nói lời chào hỏi họ bằng cách công bố tên, họ, bộ tộc, v.v… không phân biệt về địa vị hay chức tước của họ. Do đó, Đức Phật tiếp tục thuyết bài pháp ‘Mahāsamaya sutta’ bắt đầu bằng câu ‘acikkhissama bhikkhave devakāyanaṃ namāmi’ v.v… có nghĩa là: “ Này các Tỳ khưu, Như Lai sẽ tiết lộ danh phận của thính chúng bằng cách công bố tên của họ, tên về gia tộc, bộ tộc của họ, v.v…’
(Bài kinh Mahasamaya đã được bàn đến rất chi tiết bởi nhiều học giả nổi tiếng khi nêu ra trong kinh Pāḷi và bản dịch (bao gồm bản dịch từng chữ nissaya, dựa trên bộ kinh Pāḷi Mahāvagga.) Đặc biệt cần phải kể ra một chuyên đề có đề tài là “Chú giải bài kinh Mahāsamaya gồm có nguyên bản Pāḷi và nghĩa của từ ngữ’ do Đại đức Bhadanta Nandiya, vị trưởng lão chủ trì tịnh xá Mahāvisutavāma ở Pakokku. Có một phẩm ở đoạn cuối của chuyên đề bàn về sáu thiên hướng do Đức Phật thuyết trong sáu bài pháp như Sammaparibbajaniya theo sau bài kinh Mahāsamaya, nguyên bản Pāḷi và bản dịch từng chữ cũng được dựa vào trong đó).
Vào lúc kết thúc thời pháp Mahāsamaya sutta, một trăm ngàn koṭi chư thiên và Phạm thiên chứng đắc đạo quả A-la-hán, và số lượng chứng đắc đạo quả sotāpanna thì không thể kể hết. (Theo bộ Chú giải Mahāvagga).
Khi chúng ta xem hết cả bài Mahāsamaya sutta, chúng ta thấy rằng điểm nhấn mạnh của bài pháp là phép đặt tên gọi của chư thiên và Phạm thiên, sự nêu ra tên về gia tộc và bộ tộc của họ; và câu hỏi ở đây là:
Nếu không có sự giảng dạy về chân lý rốt ráo thì làm sao chư thiên và Phạm thiên có thể giác ngộ Tứ Diệu Đế và thành đạt giải thoát (chứng đắc các tầng thánh sotāpanna, v.v…) do chỉ nghe tên về gia tộc và bộ tộc của họ?
Đây là câu trả lời (1) Đức Phật nhận rõ rằng do nghe bài pháp Mahāsamaya sutta, tâm của chư thiên và Phạm thiên đã trở nên điềm đạm, dễ dạy, thoát khỏi các triền cái, hân hoan và trong sáng, và do đó ngay vào lúc ấy, Ngài đã thuyết giảng Tứ Diệu Đế mà Ngài đã chứng ngộ. Sau khi đã nghe bài pháp về Tứ Diệu Đế, chư thiên và Phạm thiên được chứng đắc các tầng thánh. (2) Nói cách khác, do nghe bài kinh Mahāsamaya, khởi sanh trong dòng tâm của chư thiên và Phạm thiên những trạng thái tâm liên tục nối tiếp nhau, trạng thái tâm đứng trước làm nhân để trạng thái tâm theo sau sanh khởi. Những trạng thái tâm ấy gồm có hỉ (pīti), tịnh (passaddhi), lạc (sukha), định (samādhi), như thật trí (yatthābhūta-ñāṇa), yểm ly trí (trí nhàm chán đời sống của thế gian, nibbidā-ñāṇa); ly tham trí (virāga-ñāṇa), giải thoát trí (vimuñccana-ñāṇa) hay Đạo trí (Magga-ñāṇa), Quả trí (Phala-ñāṇa), Giải thoát tri kiến trí (vimuttiñāṇadassa) hay Quán sát trí (paccavekkhana-ñāṇa). Chính do sự phát triển những trạng thái này mà chư thiên và Phạm thiên được đắc thành những bậc thánh.
Để cung cấp những lời giải thích này, Đại đức Sayadaw U Budh đã trích dẫn tài liệu từ các bộ Chú giải thích hợp.
Bài kinh Mahāsamaya rất được chư thiên và Phạm thiên kính trọng. Do đó người có trí mong cầu lợi lạc và sự thịnh vượng thuộc về thế gian cũng như siêu thế gian thì nên tụng bài kinh này trong những dịp lễ khởi công xây dựng và khánh thành nhà cửa, tịnh xá và làng xóm.
(Khi chúng ta suy nghĩ tại sao bài kinh Mahāsamaya lại được chư thiên và Phạm thiên tôn trọng như vậy, chúng ta thấy rằng) Đức Phật hiển nhiên là nhân vật đứng đầu tại Đại hội bao gồm nhiều hạng chúng sanh từ chư thiên thấp nhất ở trên địa cầu cho đến những vị Phạm thiên Harita Brahma hùng mạnh nhất. Thực ra, bài kinh Mahāsamaya là bài nói mở đầu của Đức Phật với tư cách là người chủ tọa Đại hội).
Đại hội được tham dự bởi ba loại chúng sanh thiên giới: những vị có địa vị và quyền lực cao nhất, những vị có địa vị bậc trung và những vị thuộc tầng lớp thấp nhất. Đối với một thính chúng với nhiều địa vị khác nhau, người chủ tọa phải hết sức tế nhị, tỏ ra quan tâm đến những thành viên thuộc địa vị thấp nhất bằng cách công bố trước tiên với hội chúng về sự hiện diện của họ, rồi đến những vị có địa vị bậc trung và cuối cùng là những vị chư thiên có quyền lực cao nhất. Những cố gắng nhằm giới thiệu trước tiên chư thiên có tước bậc và quyền lực cao nhất bằng cách công bố tên về gia tộc và dòng tộc của họ, có thể gây ra sự buồn lòng và bất mãn trong những vị có địa vị thấp hơn.
Đức Phật đã quan tâm đề cập đến chư thiên có tước vị thấp nhất, như chư thiên địa cầu, vào lúc bắt đầu nói lời chào đón, tiếp theo là phần giới thiệu chư thiên có địa vị bậc trung và cuối cùng là chư thiên có địa vị cao nhất. Như vậy, Đức Phật đã đem lại sự hoan hỉ cho tất cả thính chúng thuộc mọi tầng lớp, tầng lớp thấp cảm thấy vui sướng vì họ được đón chào trước tiên và chư thiên có địa vị và ảnh hưởng thì hài lòng vì họ được đề cao, được làm nổi bật lên do được giới thiệu cuối cùng, là giai đoạn quan trọng và quyết định. Đây có thể được xem là tấm gương điển hình của Đức Phật để hướng dẫn cho những người có trách nhiệm nói lời chào đón trước một hội chúng.
Xét về những điều được nêu ra ở trên, ta thấy rằng tất cả chư thiên từ đó đã vui sướng chờ đợi được nghe bài kinh Mahāsamaya khi họ đi lại khắp bốn phương trong thế giới.
Sau đây là ví dụ chứng minh về việc chư thiên rất tôn trọng bài kinh Mahāsamaya.
Có một cái hang động tên là
‘Nagalena’ ở trong khuôn viên của tịnh xá ‘Kotipabbata’. Một vị nữ thần nọ ngụ
trong một cây thiết mộc tại cửa vào hang động nói trên. Một hôm, có một vị tỳ
khưu trẻ trú ngụ trong hang động đang tụng bài kinh Mahāsamaya và
vị nữ thần chăm chú lắng nghe. Khi vị tỳ khưu tụng hết bài kinh thì vị nữ thần
nói lời hoan hỉ ‘Sādhu! Sādhu!’ vang dội cả hang động và một cuộc đàm
thoại diễn ra giữa vị tỳ khưu trẻ và nữ thần.
(hỏi): Ai đang nói ‘Sādhu’ vậy?
(trả lời): Bạch đại đức, là con, một nữ thần.
(hỏi): Tại sao nàng nói ‘Sādhu’?
(trả lời): Bởi vì lần đầu tiên con đã được may mắn nghe bài kinh Mahāsamaya khi
Đức Phật thuyết giảng tại khu rừng Mahāvana và lần thứ hai, tức hôm nay, con lại
được nghe bài kinh ấy. Con hiểu rằng ngài đã học thuộc bài kinh ấy khá chính
xác, không có một lỗi nhỏ nào so với bài kinh gốc dù chỉ một chữ. (Con nói
Sādhu vì nguyên nhân như vậy).
(hỏi): Có phải tự nàng nghe Đức Phật thuyết bài kinh ấy?
(trả lời): Thưa phải, bạch đại đức.
(hỏi): Nghe nói rằng có một đại hội gồm chư thiên và Phạm thiên vào lúc Đức Phật
tụng đọc bài kinh ấy. Khi ấy nàng đứng ở chỗ nào?
(trả lời): Bạch đại đức, khi ấy con là kẻ cư ngụ ở khu rừng Mahāvana gần
Kapilavatthu, nhưng con không thể kiếm được một chỗ trong khắp vùng Jambudīpa
vì chư thiên và Phạm thiên hùng mạnh đã tụ họp ở đó. Con phải đi qua xứ Sri Laṅka,
và con đang cố gắng nghe bài pháp ấy trong lúc con đang đứng tại cảng Jambukola
thì chư thiên hùng mạnh lại đến tụ họp ở đó. Con lại bị đẩy lùi càng lúc càng
xa hơn, cho đến khi con đến một ngôi làng nhỏ tên là Rohana gần Mahāgama, ở đó
con phải đứng trong biển sâu đến ngang cổ, cuối cùng con mới có thể nghe tụng đọc
bài ấy.
(hỏi): Này nữ thần, làm sao nàng có thể thấy được Đức Phật tại khu rừng
Mahāvana với một khoảng cách rất xa so với chỗ mà nàng đang đứng lúc bấy giờ?
(trả lời): Bạch đại đức, con thực sự đã trông thấy Đức Phật, tựa như Đức Phật
đang nhìn chăm chú vào con từ khu rừng Mahāvana suốt thời gian thuyết giảng bài
kinh, khiến con cảm thấy sợ hãi và bối rối, muốn giấu mình giữa những cơn sóng
đầy bọt.
(hỏi): Nghe nói rằng một trăm ngàn koṭi chư thiên và Phạm thiên đã chứng đắc đạo
quả A-la-hán vào ngày hôm ấy (khi bài kinh Mahāsamaya được thuyết giảng). Nàng
có chứng đắc đạo quả A-la- hán không?
(trả lời): Thưa không, bạch đại đức, con chưa chứng đắc.
(hỏi): Vậy ta nghĩ rằng nàng đã chứng đắc quả thánh anāgāmi?
(trả lời): Dạ chưa, bạch đại đức.
(hỏi): Vậy ta nghĩ rằng nàng đã chứng đắc quả thánh sakadāgāmi?
(trả lời): Dạ chưa, bạch đại đức.
(hỏi): Này nữ thần, nghe nói rằng (khi nghe bài kinh Mahāsamay) vô số chư thiên
và Phạm thiên đã chứng đắc ba tầng thánh thấp hơn. Ta chắc rằng tối thiểu nàng
cũng đã chứng đắc quả thánh sotāpanna.
(trả lời): (Là bậc đã thực sự chứng đắc tầng thánh Nhập lưu - sotāpanna) nữ thần
cảm thấy e thẹn và nói rằng: “ Bạch đại đức, đáng ra ngài không nên hỏi con câu
hỏi như vậy.”
Rồi vị tỳ khưu trẻ hỏi nữ thần: “ Nàng có thể hiện ra cho ta xem được không?”
Nàng đáp lại: “ Bạch đại đức, không phải toàn thân, chỉ đầu ngón tay thôi,” và
khi nói vậy, nàng chuồi một ngón tay của nàng vào lỗ khóa, chỉ có đầu ngón tay.
Cả hang động lúc bấy giờ sáng lên rực rỡ tựa như hằng ngàn mặt trăng và mặt trời
chiếu ánh sáng vào trong đó. (Nàng nữ thần đã không hiện ra toàn thân của nàng
để tránh cho vị tỳ khưu trẻ khỏi bị mê đắm, làm hại cuộc đời Sa-môn của vị ấy).
Rồi nàng nữ thần ra đi sau khi bày tỏ sự tôn kính của nàng và nhắc nhở vị tỳ
khưu trẻ không nên xao lãng trong sự thọ trì giới của Sa-môn.
Ví dụ này cho thấy chư thiên và Phạm thiên rất tôn trọng bài kinh Mahāsamaya.
Sau khi đã thuyết giảng bài kinh Mahāsamaya, Đức Phật tiếp tục thuyết những bài pháp khác đến hội chúng, đó là những bài kinh phù hợp với căn tánh của những nhóm chư thiên và Phạm thiên.
(1) Samma paribbājaniya Sutta: được dạy cho chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng về tham - rāga (bằng lối đàm thoại giữa Nimmita Buddha và chính Đức Phật). Một trăm ngàn chư thiên và Phạm thiên chứng đắc đạo quả A-la-hán vào lúc kết thúc thời pháp, đồng thời cũng có vô số chư thiên và Phạm thiên chứng đắc ba tầng thánh bậc thấp.
(2) Kalahavivāda Sutta: được dạy cho chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng sân - dosa, chư thiên và Phạm thiên cũng đạt được giải thoát y như thế.
(3) Mahābyūha Sutta: được dạy cho chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng si- moha, và họ cũng đạt được giải thoát y như vậy.
(4) Cullabyūha Sutta: được dạy cho chư thiên và Phạm thiên có thiên hướng suy tầm – vitakka với kết quả tương tự.
(5) Tuvaṭṭakapaṭipadā Sutta: được thuyết đến thính chúng có thiên hướng về đức tin - saddhā (trong Tam bảo) với kết quả tương tự.
(6) Purābheda Sutta: được dạy cho thính chúng có thiên hướng về trí tuệ - paññā, theo cách tương tự và kết quả tương tự.
(Muốn biết chi tiết về sáu bài kinh này, hãy xem bản dịch bằng tiếng Myanmar từ bộ kinh Pāḷi Suttanipata, đặc biệt có bộ sách chuyên đề: “ Chú giải bài kinh Mahāsamaya sutta” gồm có nguyên bản tiếng Pāḷi và ý nghĩa của từ ngữ được biên soạn bởi Đại đức Bhadanta Nandiya, vị trưởng lão chủ trì tịnh xá Mahāvisutārāma ở Pakokku).
KẾT THÚC CHƯƠNG 22
SỰ THÀNH LẬP VESALI
Mục lục chính Tập 1A Tập 1B Tập 2 Tập 3 Tập 4 Tập 5 Tập 6A Tập 6B